Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Làng xã Việt Nam và ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam hiện đại

Làng xã Việt Nam và ảnh hưởng của 
Nho giáo trong xã hội Việt Nam hiện đại 

LTS:Trên con đường “đến hiện đại từ truyền thống”, GS Trần Đình Hượu (1926 - 1995) - một trong các học giả hàng đầu ở Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, mà nổi lên là nghiên cứu về Nho giáo, về vai trò của Nho giáo trong lịch sử tư tưởng và văn hóa Việt Nam.  Trân trọng giới thiệu một công trình nghiên cứu của GS Trần Đình Hượu, với tư cách một bài giảng, trình bày tại Viện nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam năm 1991. Hai mươi mốt năm đã trôi qua, song thiết nghĩ, nhiều nội dung của công trình này vẫn còn ý nghĩa thời sự của chúng…      
* Trân trọng cảm ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa đã giúp http://phebinhvanhoc.com.vn có được bản vi tính để giới thiệu với bạn đọc công trình nghiên cứu quan trọng này của GS Trần Đình Hượu. 
Làng xã ở phương Đông
Làng họ:
Ở đây tôi không dùng chữ làng xã tự trị mà tôi  dùng chữ làng họ. Sự tập trung chuyên chế thành thể chế chính trị - xã hội như thế đã hình thành từ trước khi chế độ cộng sản nguyên thủy chưa tan rã để đến mức ra đời hai giai cấp đối lập trong công xã là chủ nô và nô lệ. Ở bên kia, ở phương Tây, chủ nô và nô lệ ra đời trên cơ sở sự tan rã công xã; ở đây, ở phương Đông, quá trình đó chưa diễn ra trọn vẹn mà chỉ có một tình hình được Dương Vinh Quốc gọi là “chế độ chủng tộc nô lệ”. Cái này là cơ sở của vấn đề làng họ mà tôi nói. Tức là thế này: lúc bấy giờ, khi chưa phát triển thành sự đối lập giữa chủ nô và nô lệ thì ý thức về tư hữu chưa phát triển. Ý thức tư hữu chỉ phát triển với sự ra đời của hai giai cấp đối lập là nô lệ và chủ nô. Còn ở đây là chưa. Thế nhưng ông vua gọi là đế ấy cử quân đi chinh phạt một vùng đất, đánh chiếm một vùng đất và tuyên bố vùng đất đó là của mình. Chế độ chiếm hữu nô lệ bằng những cuộc chiến tranh, chiếm một vùng đất và chiếm cả người ở trên vùng đất ấy. Sau đó cử người cùng họ, nghĩa là người của tộc Ân đến thống trị. Chỗ này là chỗ sinh chuyện. Cử người cùng tôn tộc đi thống trị, người tộc Ân được cử đến phải xây thành tự bảo vệ và ở trong thành ấy. Xây thành cũng có nghĩa là lập quốc, lập quốc tức là chiếm một vùng đất mới mà xây thành và người ở trong thành là người của tộc Ân. Cho nên nô lệ ở đây, nô dịch ở đây là nô dịch của một chủng tộc, chủng tộc Ân đối với những tộc bị chiếm. Như thế giữa ông vua thiên tử với ông vua chư hầu có hai quan hệ: quan hệ vua tôi và quan hệ họ hàng, có duy trì được cả hai quan hệ thì mới bảo vệ được sự thống nhất. Ông vua chư hầu vừa là bề tôi của ông vua thiên tử về mặt chính quyền, vừa là con em của vua thiên tử về mặt họ hàng. Cho nên nhà Ân duy trì sự thống trị bằng hai quan hệ: quan hệ thiên tử - chư hầu và quan hệ tôn tộc. Và nhà Ân cường điệu: trung với thiên tử và hiếu với tổ tiên là một điều quan trọng để bảo vệ sự thống nhất. Và vì vậy, Trung Quốc là nơi tổ chức họ hàng rất chặt. Cái chuyện chia ra “cửu tộc” tức là tính từ mình mà đi lên bốn đời: cha, ông, cụ, kỵ và tính từ mình đi xuống bốn đời: con, cháu, chắt, chút, từ đó thành tổ chức cửu tộc. Tổ chức cửu tộc còn có thêm hàng ngang là hàng an hem, hàng chú bác nữa,… là tổ chức kiểu Trung Quốc, nó rất chặt, chứ ở các nước khác thoạt đầu không có tổ chức họ hàng chặt như vậy. Vì thế mà cách nhau bao nhiêu đời vẫn tìm ra được, vẫn truy ra được mình là anh hay là em. Ngày nay có nhiều người đi tìm gia phả và còn tìm ra được những gia phả cách đây 20 - 30 đời và vẫn nhận ra được tôi là em hay là anh của anh. Đó là căn cứ vào cái tổ chức cửu tộc và cái phả hệ. Ở Trung Quốc có chuyện rất thú vị là như thế này: 500 - 600 năm sau vẫn tìm ra được có họ với nhau hay không. Ai là anh, ai là em và điều đó được ghi trong sách Luận ngữ.
Có một lần người ta hỏi Khổng Tử là vua nước Lỗ có biết lễ không? (Vua nước Lỗ là vua nước quê Khổng Tử). Khổng Tử trả lời “biết lễ” thế nên cái ông hỏi ấy bực mình lắm, ra ngoài nói với học trò của Khổng Tử: “Ai nói rằng người quân tử thì phải nói trung thực?”. Ông ta nói thế vì vua nước Lỗ là người cùng họ với vua nước Ngô, thế mà vua nước Lỗ lại đi hỏi con gái vua nước Ngô, gọi là Ngô Mạnh Tử. Thế vua nước Lỗ mà biết lễ thì có ai là không biết lễ? Ở Trung Quốc xưa kia, người “đồng tính” (cùng họ) là không được lấy nhau. Mặc dù vua nước Lỗ và vua nước Ngô cùng họ đã hơn 600 năm rồi kể từ khi Chu Công phân phong. Nhưng dẫu là cách nhau 600 năm cũng không được lấy nhau. Vua nước Lỗ đi hỏi lấy con gái vua nước Ngô vốn là người cùng họ là trái lễ. Nhưng vì vua nước Lỗ là vua của Khổng Tử nên Khổng Tử không dám nói vua của mình là vô lễ. Vì Khổng Tử nói là vua nước Lỗ biết lễ nên ông kia mới ra ngoài bình luận là: “Ai bảo người quân tử là người trung thực?”. Vua nước Lỗ lấy con gái vua nước Ngô là Ngô Mạnh Tử, vua nước Lỗ mà biết lễ thì có ai mà không biết lễ? Học trò vào nói lại với Khổng Tử như vậy, Khổng Tử trả lời rất hay. Khổng Tử nói: “Tôi thật là may mắn, có điều gì sai thì người ta mách cho mà biết”. Nói như thế là thế nào? Khổng Tử vẫn không nói vua nước Lỗ là trái lễ, Khổng Tử vẫn không nói mà lại nói tránh đi theo một cách khác: “Tôi thật là may mắn, có điều gì sai thì người ta mách cho mà biết”.
Sáu trăm năm sau vẫn còn biết được họ hàng, đó là điều quan trọng. Và một điều nữa cũng không kém quan trọng là khi đã nô dịch bằng cách chủng tộc như vậy, chiếm từng vùng như vậy, hay là thần dân hóa từng vùng như vậy thì điều nên chú ý là cách nô dịch đã khác mà thân phận cũng đã khác. Cách nô dịch bằng quân sự và nhà nước làm cho thân phận thần dân khác với thân phận nô lệ, nông nô. Là nô lệ tức là biết rằng nhân cách bị mất, không còn là người nữa, đã bị tước đoạt quyền làm người. Còn thần dân thì không bị mất cái đó. Từ cha vua trở xuống đều bị coi là thần dân cả, có ai mất quyền đâu, chỉ có người trên người dưới thôi, không có chuyện mất quyền làm người. Cho nên vấn đề quyền làm người là không rõ. Là nô lệ thì không có quyền làm người, nên họ chống lại để giành quyền làm người. Là nông nô cũng cảm thấy quyền làm người cũng bị mất đi phần lớn nên muốn giành lại để có quyền làm người. Còn là thần dân thì không cảm thấy bị mất quyền làm người. Bởi thế tôi mới nói là ở ta không có nên không mất. Có có đâu, nó có quyền làm người đâu, nó là thần dân cả mà, làm gì có quyền làm người. Vì không có nên không mất, vì không mất nên không đòi. Cho nên ở ta không có quyền đòi cho nhân cách, không có. Ai cũng cảm thấy được cả, chỉ có ai trên, ai dưới thôi, mà đâu chả có trên dưới. Anh đi đâu thì cũng có trên dưới. Bét ra thì anh cũng có vợ con mà áp bức, cuối cùng ai cũng có trên có dưới cả thôi mà. Đó chính là điều tôi muốn nói là khác nhau về cách nô dịch và khác nhau về thân phận. Công xã trở thành một đơn vị phụ thuộc vào chủ, mà chủ ở đây là nhà nước cho nên một mặt thì nó vẫn giữ là công xã, nhưng mặt khác nó là một đơn vị hành chính và dần dần trở thành làng. Làng là đơn vị hành chính. Làng vừa là công xã vừa có quan hệ chính quyền và thuộc trong phiên chế của chính quyền. Có một sự kiện rất có ý nghĩa là ở Trung Quốc trải qua năm thế kỷ chiến tranh, từ thời Xuân thu đến thời Chiến quốc và đến thời Hán, năm thế kỷ chiến tranh như vậy cho nên dân lưu tán, bỏ chạy khỏi quê, mà khi chạy như vậy, thường thường là người ta chạy theo họ, bà con chạy với nhau. Đến thời Hán Vũ Đế có một hiện tượng được ghi nhận là hương đảng tộc cư (làng ở theo họ) và đó là một thực tế mà tất cả các chính sách cai trị phải nhìn đến. Và ở nước ta, đến bây giờ cũng là kiểu làng họ như vậy. Ngay đến bây giờ cũng thế, đi kinh tế mới thì bao giờ cũng đi cùng bà con và cuối cùng, đến nơi thì người ta cũng lập cái làng y như cũ. Thế mới có chuyện đùa, chuyện vui trong sử học là anh Bùi Văn Nguyên nói rằng An Dương Vương gốc là ở Nghệ An, Loa thành là ở Nghệ An chứ không phải là ở ngoài này! Là vì sao? Là vì tất tên vùng đó đều giống như vùng Cổ Loa của Đông Anh hết. Tất cả các địa danh liên quan đến sự tích An Dương Vương đều có ở vùng Nghệ An gần như không thiếu cái nào. Cho nên Bùi Văn Nguyên bảo tất cả di tích còn đủ nguyên như vậy thì rõ là An Dương Vương ở Nghệ An và đền thờ An Dương Vương còn đó. Tôi không làm sử để để trao đổi lại với anh, nhưng anh ấy quên mất một chuyện, nếu như dân đã chạy khỏi quê đến một vùng đất mới toàn bộ thì họ sẽ lập lại trên vùng đất mới ấy toàn bộ cái cũ và tên cũng gọi đúng như vậy.
Năm kia ở Đà Nẵng, tôi có lên một xã thuộc Tam Kỳ, tôi thấy ở đó có tất cả y như nhà tôi ở quê, từ cây râm bụt trồng thế nào, cây ngọc anh trồng như thế nào, rào mạn hảo thế nào, tất cả đúng ý như ở Nghệ An. Tôi hỏi ra thì tổ tiên nhà đó là người Nghệ An. Và các anh vào nhà cụ Hồ ở trong này cũng sẽ thấy như vậy, nhà cụ Hồ trồng y như ở Nghệ An, vườn cây trồng giống Nghệ An lắm, là vì người ta mang theo tất cả những cái đó vào. Cho nên chuyện qua loạn lạc, di tản, người ta đi lưu tán, người ta mang theo cả làng cả họ và tổ chức là giống y như vậy, đó là một điều nên chú ý.
Hiện tượng tổ chức của chính quyền trung ương chỉ với đến huyện cũng rất thú vị. Cái chế độ quận huyện mà nước Tần tực hiện từ thế kỷ IV, trước Tần Thủy Hoàng. Trong từ điển định nghĩa quận là gì? Quận là quần chi (là làm thành bầy), huyện là huyền chi (là gắn bó lại). Thế thì quận là cái gì và huyện là cái gì? Quận huyện tức là kết hợp các làng xã lại thành một đơn vị lớn hơn để bắt phu, bắt lính cho dễ, quận huyện là như vậy. Ở bên dưới công xã là không thay đổi. Bộ máy trung ương dừng lại ở quận huyện, còn bên dưới là làng xã tự trị. Đó là cái mà Mác nói: chế độ chuyên chế chồng lên trên (superposer) các làng xã chứ không phải thay đổi bên dưới.
Vì cái cách quần tụ theo họ với tính tự trị như vậy, cho nên làng thành một tổ chức rất bền vững.
Một số đặc điểm của làng
Thứ nhất, về kinh tế: làng có công điền và công quỹ.
Công điền là dấu vết của công xã, tức là ruộng đất của công xã, nhưng khi nó thần thuộc vào vua rồi thì vua tuyên bố đó là công điền, của vua. Tuy vua tuyên bố là công điền, nhưng vua không lấy đi mà vẫn dể lại cho làng xã. Công điền này vẫn chia cho dân cày như thời công xã, chỉ có điều là phải làm thêm nhiệm vụ tô thuế. Tức là tổ chức vẫn giữ nguyên. Công điền từ ruộng công xã biến thành, thêm vào đó là nhiệm vụ tô thuế. Đã là công điền của vua quân cấp cho dân làng thì lại có thêm cái tiếng là ơn vua cấp ruộng, từ đó người dân thấy cơ sở tất yếu là phải nộp thuế và đi phu! Công điền là của chung, của làng, nên chỉ cấp cho dân làng (dân bản quán); những người ở nơi khác đến (dân ngụ cư) không được cấp. Ngay chính dân bản quán cũng chỉ là những người đã được vào sổ làng mới được cấp, chưa vào sổ làng là không được cấp. Nên đẻ con ra là phải biện lễ, mời làng ăn uống để ghi tên vào sổ làng. Và khi đã có tên trong sổ thì mới được cấp công điền. Vì như thế, mới sinh ra hai chuyện. Một là ngụ cư. Dân ngụ cư là không được chia công điền, nhưng mà ngụ cư vẫn là thần dân cho nên vẫn phải đi phu, vẫn phải đi lính, vẫn phải nộp thuế,… vì đây là nộp với tư cách thần dân chứ không phải nộp với tư cách dân làng. Hai là vào sổ cũng có chuyện vào chậm vào sớm. Những người có thế lực thì được vào sổ sớm, nhưng có nhiều người nó cứ ỳ ra mãi, nó có vào sổ cho đâu. Anh biện lễ, rồi bao nhiêu lần ăn uống thì hương lý nó mới vào sổ cho. Vì lẽ đó, việc hào lý ăn chặn của dân chính là ăn chặn của dân ngụ cư và chuyện vào sổ chính là chuyện ăn tiền. Cho nên trong đời sống làng xã, nhất là dân ngụ cư thì khổ vô cùng. Có người ở xã đến năm đời rồi mà vẫn chưa được vào sổ.
Công quỹ thì trích từ thuế và quyên góp của người làng. Vì làng có những công việc chung, nên có thể quyên góp của người làng. Và cũng phải có những người chức dịch để quản lý sổ sách, quản lý công điền, công quỹ. Chính đám đó mượn tiếng quyên góp vào những công việc chung mà sinh ra những cái tệ trước kia hay nói đến là phù thu lạm bổ, tức là thu nhiều hơn mức quy định là phù thu, lạm bổ giao cho người ta đóng góp quá mức. Phù thu lạm bổ là việc làm của đám hương lý trong làng đối với dân. Từ nền kinh tế có công điền nên nó đẻ ra những chuyện như vậy.
Điểm thứ hai về chính làng xã. Vì là kiểu đơn vị hai “mang”, một “mang” là làng và một “mang” chính quyền, là đơn vị hành chính của trung ương. Cho nên trong làng theo tôi có hai thứ chính quyền. Một loại mang dấu vết công xã bao gồm bô lão, thân sĩ và những người đàn anh có thế lực, có thể gọi là hào (thân sĩ, thân hào) - đó là dấu vết của một bộ máy làng xã cũ, trong đó nên chú ý là đại biểu của các họ, tức là trong bộ máy thân hào, bộ máy làng xã có bô lão, có các thân sĩ và có các bậc đàn anh mà gọi chung là hào. Trong các bậc đàn anh này nên chú ý là có đại biểu của các họ. Những người này quyết định mọi việc làng. Với tư cách là làng thì bộ máy đó quyết định. Còn một thứ chính quyền thứ hai là gồm hương lý, tức là có lý trưởng và những người có chức dịch, làm công việc chính quyền thực sự. Ví dụ như hương bộ là để giữ sổ sách, hương kiểm là để làm công việc trị an,… tức là những người chức dịch do lý trưởng đứng đầu. Đây là một bộ máy chính quyền thực thụ, được cấp trên công nhận. Người đến gặp quan huyện là lý trưởng chứ không phải là tiên chỉ. Tiên chỉ không gặp quan huyện, chỉ có lý trưởng đến gặp quan huyện. Tức là đại diện có tính chất nhà nước. Đó là người thừa hành các công việc trên giao: trước hết là bắt phu, bắt lính, nộp thuế, đôn đốc, giữ an ninh,… nghĩa là việc do bộ máy hương lý đảm trách. Theo quan niệm trật tự, thì hương lý phụ thuộc trực tiếp vào nhà nước, nhưng công việc gì ở trên đưa về, lý trưởng lại phải bẩm với tiên chỉ và tiên chỉ ra lệnh thực hiện bằng cách này hay cách kia, lý trưởng thường là phải thi hành theo. Cho nên lệnh trên về chưa chắc đã được thực hiện, mà lệnh của thân hào mới có ý nghĩa quyết định. Vậy là luật pháp và chỉ thị của cấp trên chưa chắc đã được thực hiện, cho nên mới có chuyện “phép vua thua lệ làng”. Việc quốc gia đại sự được vận hành đến đâu, việc cai trị người dân như thế nào trước hết phải thông qua bộ máy cai trị làng xã, điều này gây cản trở rất lớn tới sự cai trị của chính quyền trung ương. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã nhận ra được tình trạng này nên họ thiết lập một kiểu chính quyền địa phương kiểu mới: tập trung các thân hào vào hương hội trong tư cách là bộ phận có trách nhiệm hợp sức, giúp việc cho lý trưởng và thực hiện quyền đã bị hạn chế.
Giúp việc cho lý trưởng tức là nhất thể hóa chính quyền vào lý trưởng, và những bộ máy làm việc của làng trở thành hội đồng. Nhờ vậy chính quyền thực dân Pháp mới nắm được thôn xã, đây là điều khác với trước kia. Cho nên lúc bấy giờ mới có tên chánh hương hội, phó hương hội. Đây chính là ông tiên chỉ, ông thứ chỉ đã được chuyển hóa thành hội đồng giúp việc cho lý trưởng; đây là danh từ mới xuất hiện thời Pháp thuộc chứ trước kia không có. Đó, bộ máy chính quyền thì có hai cái như vậy.
Việc làng
Việc làng là một việc hết sức phức tạp. Làng là một đơn vị gắn bó chặt chẽ, tổ chức ổn định và lâu đời. Trong làng có họ, mà cũng là một tổ chức được xây dựng chặt chẽ theo dòng máu, có nhà thờ họ, có trưởng tộc, có ruộng tự điền hương hỏa, có mồ mả cha ông, có những lệ đóng góp,… mà tộc trưởng và cha chú ở trong họ là người chỉ huy làm cho họ thành một đơn vị rất chặt chẽ. Trong làng có họ to, họ nhỏ. Họ to hoặc vì thế lực này, thế lực kia hoặc là đông đinh tráng nên có thế lực. Họ to có quyền hơn họ nhỏ. Một anh trung nông ở một họ nhỏ không có thế lực bằng một anh bần nông ở họ to. Chẳng hạn một công việc ở làng mà người ta coi là kém, mất giá trị nhất là mõ. Mõ ở làng xã là bị kinh nhất. Người của họ to thì nghèo mấy cũng không bao giờ làm mõ, mõ thường đẩy cho các họ nhỏ. Hoặc là chuyện bắt phu, nó cứ đè vào mấy họ nhỏ nó bắt, chứ họ lớn ít khi bị bắt phu. Quan hệ giữa các họ trong làng là như vậy. Tình cảm máu mủ họ hàng gắn bó với nhau và có trách nhiệm với nhau, do đó quan hệ trong làng thực tế có nhiều chỗ là quan hệ giữa các dòng họ, nhiều chỗ thực tế là liên minh giữa các dòng họ (hoặc là liên minh, hoặc là thù hằn). Dòng họ này với dòng họ kia liên minh với nhau, hoặc đối địch với nhau. Và chính các chính quyền của xã điều tiết cái quan hệ đó. Điều tiết cái quan hệ tộc họ rất quan trọng. Nhân tiện tôi nói một chuyện gần đây. Năm ngoái tôi về một xã ở Thường Tín, thôi thấy có một bà làm bí thư mười năm rồi, mà bà ấy không có năng lực; tôi mới hỏi thì được biết trong làng có ba họ to, một họ làm chủ tịch xã rồi, một họ làm chủ nhiệm rồi, một họ làm công an rồi, bây giờ mà một họ nào đó làm bí thư nữa thì trở thành thống trị làng, nên họ cử một bà ở họ nhỏ. Bà ấy chỉ có năng lực là điều hòa được ba họ kia, thế thôi. Bà ấy là người liên lạc giữa ba họ để mà điều chỉnh. Vì vậy là bà ấy làm bí thư mười năm nay. Trong các làng xã hiện nay, quan hệ giữa các dòng họ vẫn rất quan trọng. Năm kia tôi có một cậu học trò Khoa Văn, anh ấy kể cho tôi câu chuyện thế này: họ của anh ta trước đây là một họ rất có thế lực, thế nhưng sau Cách mạng tháng Tám thì những người có máu mặt lên Hà Nội hết, ở làng, họ này chỉ còn lại một số gia đình nông dân. Thế nên là người của cái họ đó không bao giờ được đi học đại học nữa, vì người ta bảo họ này có nhiều người đi học rồi, bây giờ để dành cho người khác. Nên hễ có giấy gọi về là người ta cất, không cho đi nữa, thế là một. Hai là cứ đến tuổi là phải đi bộ đội, rồi cuối cùng người họ ấy phải bỏ họ, bỏ làng mà đi, rời đi nơi khác không dám ở đấy nữa.
Thế cho nên vấn đề họ ở ta là rất quan trọng. Dân làng bị ràng buộc với nhau vì tình nghĩa, vì quyền lợi, vì nghĩa vụ, không ai muốn bỏ làng mà đi, vì ở làng có họ hàng, có láng giềng; đó là một sự thu hút. Nhưng cũng nên nhớ một điều nữa là nhà nước phong kiến không cho bỏ làng. Đây là điều rất quan trọng. Ta hay khen Chiếu khuyến nông của Quang Trung, vì sao? Vì sau chiến tranh người ta bỏ làng tan tác đi rồi, lấy dân ở đâu mà đi phu, lấy dân ở đâu mà đi lính, cho nên phải lôi dân về, cấp ruộng cho họ cày để còn có chỗ bắt phu, đi lính. Để khuyến nông, bắt lý, hương phải gọi dân về, ổn định sinh hoạt là để làm nhiệm vụ đối với nhà nước. Cái đó ai cũng làm cả chứ không phải riêng Quang Trung. Gia Long cũng làm, Tự Đức cũng làm, vì đó là một tất yếu, phải giữ lấy làng, không cho dân đi khỏi làng. Trước đấy, sau khi chấm dứt chiến tranh, loạn ly, bao giờ triều đình cũng có lệnh cho các làng chiêu tập những người lưu tán về và vua ra chiếu khuyến nông để khôi phục lại làng.
Các làng đã từ những công xã rất lâu đời mà thành nên thường có thờ thần Thành hoàng làng, thờ như một thứ tôn giáo, thần Thành hoàng là thần của làng và thường là do thờ thần Thành hoàng làng nên hình thành tục lệ của làng. Làng này có tục này, làng kia có tục kia,… mà nếu như mình không biết thì cư xử rất phiền vì nhiều khi không biết người ta kiêng cái này, cái kia. Vì có đền, có miếu, có Thành hoàng cho nên có lễ hội của làng, từ đó mà có những tục lệ, những kiêng kỵ riêng. Nói đấy là tôn giáo thì không đúng, nhưng nó có ý nghĩa như vậy. Cuộc sống chung đòi hỏi có những nề nếp chung cho nên làng có lệ làng. Lệ có khi ghi thành hương ước, nhưng cũng có khi không thành hương ước gì cả mà chỉ là cha truyền con nối, nói với nhau thôi, truyền miệng nhưng mà rất nghiêm khắc; lệ làng rất nghiêm khắc, anh trái lệ làng là không được. Cho nên ngoài phép vua, ở làng còn có lệ làng. Các bạn xem chèo Quan Âm Thị Kính thấy có đoạn Thị Kính bị bắt vạ hay là các bạn còn nghe nói những người chửa hoang bị gọt tóc bôi vôi, trôi sông,… đó là lệ làng chứ không phải phép nước. Nhưng mà các bạn hình dung thử xem, cứ có một lỗi mà bị tiên chỉ, thứ chỉ lên án thì coi chừng. Có hai hình thức nguy hiểm: Một là phạt vạ, phạt vạ là cứ phải làm cỗ, mời làng đến ăn, ăn cho đến khi các cụ tuyên bố tha mới thôi, nếu không thì cứ ăn mãi, đó là điều kinh khủng. Hai là như kiểu rút phép thông công bên tôn giáo, là cấm người làng không được quan hệ, tắt lửa không được cho lửa, ốm đau không được đến thăm,… có nghĩa là khai trừ ra khỏi làng. Đó là lệ làng, cái lệ làng đó làm cho người ta rất sợ.
Việc làng theo truyền thống công xã thường được đem ra bàn bạc trong các cuộc họp làng. Ở đây cũng có vấn đề. Nhiều người nói ở phương Đông dân chủ hơn là vì chuyện gì cũng đem ra làng họp bàn. Về nguyên tắc mà nói thì họp làng, trừ đàn bà ra, đàn ông là được dự cả. Cứ có tên trong sổ đinh là được dự, trừ đàn bà. Bởi vì việc làng, việc nước là của đàn ông chứ không phải việc của đàn bà. Nhưng nên nhớ trong làng có sắp xếp ngôi thứ, thứ tự trên dưới, từ ông tiên chỉ, thứ chỉ ngồi trên cùng rồi đến bàn hai, bàn ba, bàn bốn, bàn năm, bàn sau,… tức là người nào cũng có vị trí của mình chứ không phải ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Khi phát biểu thì thực ra chỉ có mấy bàn trên phát biểu, mấy bàn dưới chỉ ngồi mà nghe chứ không được nói, thường gọi là không được “vô phép nói leo các cụ”. Chuyện là chuyện của các cụ, không được vô phép nói leo. Vì vậy làm gì có dân chủ, thực ra là các cụ nói và anh em dưới này là trai tráng chỉ vâng dạ thôi. Thế mà cũng được mang tiếng là dân chủ, thực ra làm gì có dân chủ. Nói cho đúng thì đó cũng là chuyện bề ngoài, chứ bề trong là các họ, đại biểu các họ thương lượng với nhau rồi, ra ngoài chỉ là công khai thôi. Việc làng là như vậy. Quyền ăn nói, chỗ ngồi trên là thuộc về bậc cha chú, con em chỉ ngồi nghe và đồng ý. Từ việc làng như vậy mới đẻ ra chuyện giành ngôi thứ. Anh có ngôi thứ anh mới được ăn nói, cho nên anh phải giành ngôi thứ, mua ngôi thứ, ghi tên cho sớm rồi thì làm cách này cách kia để có ngôi thứ và chờ đợi “sống lâu lên lão làng”, để đến lượt mình ăn nói. Các bạn biết là trong giới khoa học ta ngày nay cũng có chuyện đó, cũng “sống lâu lên lão làng”. Có người làm việc lâu năm nên phán như trời như đất mà các anh em bên dưới trẻ tuổi hơn, hiểu đúng hơn cũng không dám nói. Chính cái đó là lề thói từ việc làng của ta mà ra.
Trong cuộc sống cộng đồng, làng luôn cần được bảo vệ chống lại thiên tai, chống lại địch, cướp,… cho nên hễ mà bô lão đánh mõ lên thì trai tráng phải vác gậy gộc, giáo mác ra để bảo vệ. Đó là điều bình thường, cứu trợ nhau là bình thường. Nhưng nếu như các cụ bô lão thích đánh làng bên mà ra lệnh đánh thì người ta cũng đánh. Các anh biết những làng có đất bồi, các bãi bồi, tức là một diện tích di động, cần phải tranh nhau, hoặc là có những chỗ giáp ranh làng xã tranh nhau, thì chính là chỗ để các làng huy động dân ra đánh nhau, có khi đánh nhau đến hai, ba mươi năm mà vẫn chưa xong. Tôi nghe nói gần đây chuyện này lặp lại khá rộng rãi vì sau khi hợp tác xã nông nghiệp xóa đi rồi, trả lại ruộng đất là dễ xảy ra tranh nhau, thậm chí đem cả súng ra. Xã đội trưởng, bí thư chi bộ, chủ tịch đứng ra chỉ huy hẳn hoi chứ không phải bô lão.
Tóm lại, làng là một đơn vị có kinh tế riêng, có chính quyền riêng, có tôn giáo riêng, có võ trang riêng và có tư pháp riêng.
Làng như thế là làng tự trị. Thực ra bộ máy ở bên trên không thể khống chế nổi cho nên phải dể cho làng quyền tự trị, tức là chỉ đòi hỏi đi phu, đi lính, nộp thuế đủ, thế là được, còn ở dưới nó sắp xếp trong làng thế nào kệ nó.
Chính quyền cấp trên dừng lại ở huyện và đó chính là vấn đề Mác nói: chính quyền chuyên chế chồng lên trên các làng xã. Chính cái này mới là quy định sự phát triển của các nước phương Đông. Sự phát triển của phương Đông không phải giống nhau. Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Triều Tiên không phải là giống nhau hoàn toàn đâu… Ở Nhật Bản, từ thế kỷ VII, Thành Đức Thái Tử đưa mô hình Nho giáo về là lập cái mô hình chuyên chế bên trên làng xã, nhưng không khống chế được đám lãnh chúa. Từ thế kỷ VII cho đến khoảng thế kỷ XIII, các lãnh chúa trỗi dậy và cuối cùng thực tế là nhà vua không làm được gì cả, chính quyền trung ương không làm được gì hết, các lãnh chúa khôi phục ở bên dưới. Thế là làng xã phụ thuộc vào lãnh chúa, lãnh ấp chứ không còn là của chính quyền trung ương, vốn nắm đến huyện, được nữa. Và sự phát triển của Nhật Bản là đi theo một cách khác. Còn ở ta thì sản xuất trồng lúa nước, mà trồng lúa nước thì không thể bỏ mà đi được, anh phải ở bên cạnh mà trông nước, mà làm cỏ,… Ở ta là quần tụ theo làng, mà quần tụ theo làng lâu đời thì nó sẽ ra làng họ rất rõ, giống như Trung Quốc.
Tổ chức làng họ
Cũng nên nhớ rằng trong lịch sử có những cái làm như vậy, nhưng cũng có các yếu tố tự phát từ bên trong. Nhà nước chuyên chế không chấp nhận chính quyền địa phương, không chấp nhận hào trưởng. Nhưng hào trưởng cứ lên, gặp chiến tranh, nhà vua không khống chế được thì hào trưởng nó cứ phát triển lên. Nhưng phải phát triển đến mức nào đó, mới giành được quyền ngang với vua, chứ nếu không thì nó vẫn thuần phục vua. Cái kiểu các ông tù trưởng ở Sơn La trước kia là như vậy. Họ là hào trưởng nhưng họ không chống vua, họ chấp nhận chính quyền trung ương. Vua làm cách gì? Vua phong tước, gả con, thưởng tước cho họ đồng thời họ vẫn làm nhiệm vụ thần tử. Nhà Lý là triều đại đầu tiên ở ta làm giỏi cái việc “ky mi” (ràng buộc lỏng lẻo) như thế đối với các dân tộc thiểu số. Trong một vùng nội địa nào đó thì mình phải thực hiện cách cai trị làng xã như thế này, nhưng đối với một vùng nào đó thì mình lại phải thả. Quá trình từ Đinh Bộ Lĩnh cho đến nhà Trần là một quá trình giải quyết các vấn đề phân tán. Nhưng giải quyết rồi thì ở các vùng miền núi, hào trưởng vẫn lên được, ở các làng xã, cường hào vẫn mọc lên, không mọc ở mức hào trưởng nhưng mọc ở mức cường hào. Như thế, thực trạng của ta về vấn đề quan hệ giữa trung ương với địa phương là nảy sinh theo cách này. Bây giờ các tỉnh mà trở thành vương quốc, các xã thành vương quốc chính là vì cái tổ chức làng xã của ta không giải quyết được. Trong một bài về làng họ mà tôi đã viết và đăng trên tạp chí Xã hội học, tôi có viết: “Nếu như tập trung làng có quyền chính trị, có quyền kinh thế, có quyền công an, có quyền kiểm soát hộ khẩu, có quyền văn hóa,… tất cả như vậy thì đố mà làm được, người dân bị cột chặt vào đấy. Chịu không làm được”. Cho nên cách tổ chức làng theo kiểu mới như thế nào thật sư là một vấn đề.
Tôi cho rằng những vấn đề của phương Đông là: Gia đình nên tổ chức như thế nào? Làng xã nên tổ chức như thế nào? Các bộ máy nhà nước nên tổ chức như thế nào? Đó là những vấn đề phải đặt ra. Nên chú ý là ta làm nhiều cái giống như cái cũ, nhà nước của ta thời gian vừa qua là khôi phục lại cái nhà nước cống nạp và bao cấp như cũ. Làng của ta là khôi phục lại cái làng tự trị cũ. Cái gia đình của ta một hồi phá đi và bây giờ nó khôi phục lại như cũ, hiện nay gia đình là khôi phục lại như cũ. Đó chính là việc phương Đông trước các vấn đề của nó. Thành thử là khi anh không ý thức được trên một con đường anh gặp phải những cái gì và phải tránh những cái gì, thì anh làm một hồi, nó sẽ trở lại đúng những cái anh chống nhất, đúng những cái anh ghét nhất. “Ghét của nào trời trao của ấy” là thế.
Vấn đề đô thị khó phát triển và khởi nghĩa nông dân, đó là hai vấn đề đặc thù mà tôi cho rằng có ảnh hưởng lớn trong cách nhìn các vấn đề của phương Đông. Vì như tôi đã phân tích ở trên, các vấn đề thuộc về gia đình, làng xã, nhà nước ở phương Đông có cách tổ chức riêng chứ không giống với thế giới nói chung. Tức là phương Đông có những đặc điểm riêng.
Bộ máy quan lại và đẳng cấp sĩ phu
Nhà nước chuyên chế có một đặc điểm là nó làm chủ một vùng lãnh thủ cực lớn mà sức nó không ôm nổi. Các bạn thử tưởng tượng cái đế chế như cái đế chế nhà Hán, bao gồm từ vùng Trung Á suốt đến giáp Triều Tiên, từ trên miền Bắc mà xuống đến nước ta dưới này, nó to đến như vậy mà chỉ phụ thuộc vào chỉ có một người. Thế thì nhà nước chuyên chế không thể nắm được cái sở hữu của nó. Chủ nô nắm được nô lệ, lãnh chúa nắm được nông nô, chứ chuyên chế thì chịu, không thể nào nắm được cái sở hữu của nó. Đó là một điều rất quan trọng, rất khác. Cho nên trong lịch sử nhân loại, Trung Quốc là nước quan tâm đến chính trị sớm nhất. Lý thuyết từ đời Ân trở về sau đã là nghĩ đến chuyện làm sao nắm được nước. Đến thế kỷ III trước CN, đã có Hàn Phi. Ở phương Tây là phải đến thế kỷ XIII, XIV mới có Sứ quân (Le Prince) của Machiavel (1469 - 1527). Cho nên phải biết là Trung Quốc là nước phát triển chính trị cực sớm, bởi vì nó nắm trước cái tình hình như vậy. Từ đời Ân đến đời Chu, người ta quản lý đất nước dựa vào họ hàng, tức là cho bà con làm chủ các vùng đất mới và nắm qua hai quan hệ: Quan hệ thứ nhất là quan hệ vua tôi. Quan hệ thứ hai là quan hệ họ hàng. Lập ra các nước để làm “phên giậu” (chữ của họ) cho nhà nước trung ương. Cách làm như vậy đặt ra hai điều: Một là trung với vua. Hai là hiếu với tổ tiên. Trung và hiếu là hai yêu cầu để giữ cái thể chế như vậy. Nhưng trên thực tế lại có chuyện như thế này:
Thứ nhất là khi đã ra làm chủ cái nước của mình thì cuối cùng các vua chư hầu nghĩ đến lợi ích bản thân chứ không nghĩ đến thiên tử nữa. Các nước đó đều có xu hướng độc lập, tách ra, họ nghĩ đến quyền lợi của họ chứ không nghĩ đến quyền lợi của thiên tử.
Một vấn đề khác cũng đặt ra từ thế kỷ VII, VII trước CN mà cho đến thế kỷ IV, V trước CN ở Trung Quốc là vấn đề hiền tài. Không phải con cái quý tộc đều giỏi cả. Cái đó Mặc Tử nói rất rõ. Mặc Tử nói là vua chúa trọng con ngựa hơn trọng nước vì ngựa ốm là biết mời thầy thuốc về chữa ngựa, chứ nước hỏng thì cứ giao cho con cháu. Như thế tức là các ông vua chúa trọng con người hơn trọng nước. Cho nên cả học thuyết của Khổng Tử, học thuyết của Mạnh Tử, cũng như học thuyết của các nhà khác như Pháp gia đều đặt ra vấn đề hiền tài, phải chọn cho được người hiền tài. Đây là một vấn đề đặt ra suốt nhiều thế kỷ, từ thế kỷ VIII trước CN trở về sau đều đặt ra vấn đề hiền tài. Chọn hiền tài bằng cách nào? Nếu không dựa vào việc chọn lựa chon cháu mà chọn hiền tài thì bằng cách nào? Đầu tiên người ta thi hành chính sách là cử hiền tức là giao cho mỗi người, mỗi ông quan hay là mỗi ông vua chư hầu đều tiến cử người hiền tài mà mình biết cho vua. Ai tiến cử được người giỏi thì được thưởng, ai tiến cử người bậy thì phải chịu trách nhiệm, đó chính là tiền hiền. Nhưng mà cho đến thế kỷ V trước CN người ta mới phát hiện là té ra nó cũng tiến cử con cháu nó cả thôi! Chỉ có điều là tôi tiến cử con cháu anh và anh tiếc cử con cháu tôi; cũng là dân quý tộc ấy cả, không ai lọt vào được. Nên tiến hiền cuối cùng cũng không giải quyết được vấn đề.
Đến thế kỷ IV trước Công nguyên, chủ trương đề bạt tướng lĩnh là phải từ quân ngũ, đề bạt quan là phải từ từ lại, tức là người làm việc, lấy tiêu chuẩn có thực tế, có làm thì mới được đề bạt. Nhưng làm như thế lại chậm, từ lính mà leo lên tướng thì lâu lắm, cũng như là từ lại mà leo đến quan thì lâu lắm, nên cái đó vẫn chưa phải là cách hay. Và cuối cùng đến Hán Vũ Đế mới tìm ra cách là thi. Chọn một tầng lớp quan liêu đảm bảo trung thành, đảm bảo làm được những điều vua muống bằng cách thi. Như vậy khoa cử bắt đầu từ Hán Vũ Đế tức thế kỷ II, I trước Công nguyên. Vì thi cho nên họ đặt những gì là yêu cầu của vua thì cho lại, và thi là thi những cái đó. Người ta cho rằng làm như vậy sẽ đảm bảo chọn được đúng những người cần thiết, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là sẽ không cha truyền con nối nữa. Anh thi được nhưng đến thời con anh thi không được nữa thì thôi. Vì vậy đảm bảo chọn được đám quan liêu đúng với yêu cầu và đồng thời không thể trở thành lực lượng đối đầu đối với chế độ chuyên chế. Khoa cử là một biện pháp được dùng từ đời Hán - thế kỷ II trước CN, cho đến cuối thế kỷ XX. Ở Việt Nam, khoa thi cuối cùng là năm 1919. Ở Trung Quốc, cũng đến đầu thế kỷ XX mới bỏ khoa cử.
Đến vấn đề lấy cái gì làm chuẩn để thi, thi bằng cái gì? Trước hết phải hiểu quan cai trị theo chế độ chuyên chế là gì? Ta đừng nghĩ quan cai trị theo kiểu chuyên chế tức là làm các công việc hành chính, hay là làm các công việc ích quốc lợi dân. Không phải như thế, đó là điều hoàn toàn không phải. Người ta tìm cha mẹ cho dân chứ không phải là tìm người cai trị. Vì sao? Nhà nước chuyên chế là một nhà nước yêu cầu giữ yên chứ không yêu cầu thay đổi. Ông vua chuyên chế đồng tiên là ông vua sáng nghiệp, là ông vua đặt ra chế độ này, chế độ kia, sắp xếp đất nước thế này thế kia, rồi sau ông vua sáng nghiệp là ông vua thủ thành. Ông vua thủ thành tức là giữ nguyên những cái mà cha ông đã đặt ra. Họ quan tâm đến vẫn đề giữ nguyên, ổn định. Như Nguyễn Du viết: “Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” tức là yên, không có chuyện gì hết, không thay đổi gì cả. Đó chính là yêu cầu của chế độ chuyên chế. Và muốn làm được như vậy thì không cần đến người tài năng để sửa đổi cái này cái kia mà cần người nào giữ yên được cho nhà vua. Mới có chuyện quan là cha mẹ dân, tức là nói thế nào đó để dân phải đi phu, nộp thuế đầy đủ, thế là ổn rồi, đảm bảo được ba cái đó là thái bình rồi, giữ yên được rồi. Và vì vậy nhà nước đó có tình tuyên huấn, nhà nước đó là nhà nước tuyên truyền, nhà nước đó là nhà nước giáo hóa, vận động chứ không phải là nhà nước làm việc. Hình như là cách đây ít lâu, khoảng mấy chục năm, có người nói một cách hơi mỉa mai là ở Việt Nam làm gì có Bộ Nông nghiệp, chỉ có Bộ Khuyến Nông thôi. Đó chính là vấn đề, Nhà nước chỉ động viên tuyên truyền chứ không phải làm việc. Các ông quan làm việc không nhất thiết phải có tài năng mà cần thiết hơn là được dân nghe, nói cho dân nghe. Muốn được như vậy thì phải đào tạo theo cách như vậy. cho nên đào tạo theo hai yêu cầu là minh kinh và năng văn.
Minh kinh là nắm vững kinh điển Nho giáo, hiểu rõ kinh điển Nho giáo, biết kinh nghiệm cai trị theo đúng Nho giáo. Tức là đường lối chính trị, đó là đường lối chính trị nên anh phải minh kinh.
Hai nữa là năng văn, anh phải biết làm văn chương để mà động viên được dân. Các bạn nên biết ngày xưa các chiếu chỉ của nhà vua đưa xuống cũng là văn chương, mà tờ bẩm của quan lại đưa lên cũng là văn chương, vua quan đều viết văn chương. Các bạn đọc thử mà xem, những bài chiếu như chiếu của Tự Đức, đọc rất xúc động, xúc động lắm. Không phải Tự Đức tồi thì ta coi không ra gì đâu. Chiếu của Tự Đức hay lắm, động viên với tất cả tinh thần thương dân, ta nói không bằng đâu. Đó là cái thứ văn chương cần được dùng để động viên nhân dân. Cho nên đi thi là minh kinh và năng văn. Các nhà nước chuyên chế đều coi việc bồi dưỡng tài năng, bồi dưỡng nhân tài, việc tổ chức học hành và chọn được nhân tài là việc lớn của đất nước. Vì vậy nhà vua rất coi trọng việc học. Các ông vua ngày xưa đều thường làm mấy việc. Một là nhà vua phải nghe kinh diên, tức là phải nghe giảng, nghe giảng kinh điển ở các trường quốc họ và vua đích thân chủ trì các cuộc thi, thì Đình là vua đích thân chủ trì. Như thế tức là tỏ thái độ đề cao việc họ, đề cao việc chọn nhân tài.
Đất nước dưới chế độ chuyên chế phương Đông gồm vua quan ở cung đình và lỵ trấn (tức là bộ máy nhà nước được đóng ở cung đình - trung ương, còn lỵ trấn là ở tỉnh huyện). Ở ngoài cung đình và lỵ trấn là nông thôn. Cung đình và lỵ trấn lọt thỏm giữa một biển nông thôn. Một nước mà hầu như tất cả là nông thôn, tức là gồm các làng, vô vàn các làng như vậy, trong đó chủ yếu là nông dân lao động. Người nông dân trong các làng sản xuất tự túc và cống nạp. Tự túc là bởi vì tự trong cái ruộng của anh phải đủ nuôi anh, nhưng đồng thời anh cũng phải làm nghĩa vụ đóng góp nữa. Nên sản xuất đó là sản xuất tự túc và cống nạp. Phần cống nạp thì đưa lên vua; vua phân phối lại cho các quan lại và  binh lính, và để cho vua tiêu dùng. Mong ước lớn nhất của nhà vua là thu đủ thuế, bắt đủ phu, bắt đủ lính và ông quan phải làm nhiệm vụ đó, phải động viên tuyên truyền như thế nào để dân vui lòng làm những việc đó. Trong cái thể chế như vậy, quan sống bằng bổng lộc mà sân sống bằng của cải tự túc của mình. Ở đây nên phân biết bổng và lộc. Lộc là cái vua cho, tức là như kiểu trả lương của ta hàng ngày, trả lương hoặc bằng tháng hoặc bằng năm, đó là lộc. Nhưng thường lộc của phong kiến là “bạc”, không nhiều, quan ngày xưa lương ít chứ không nhiều. Cho nên ngày xưa có ông tri phủ vẫn chưa có dép để đi, ở nhà vợ vẫn phải cày cấy lấy mà ăn chứ lương bổng không ăn thua gì. Có lẽ các quan ở triều đình thì khá hơn, cho nên Cao Bá Quát nói: “Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng” tức là lương tháng được mười lăm đấu gạo. Ông quan huấn đạo dạy học ở một huyện nên được như vậy. Chắc cũng chỉ như giáo viên cấp 1 của ta ngày nay, chứ không hơn gì đâu. Thế thì quan không thể sống bằng lộc mà phải sống bằng bổng, người ta lấy bổng hậu bù cho lộc bạc. Bổng chủ yếu là phần biến xén của cấp dưới và của dân. Dân đã đến quan thì phải có các lễ vật, cái đó người ta không coi là hối lộ vì quan là cha mẹ dân, cho nên dân mà đến quan là đến với cha mẹ, có biếu xén cha me thì không có chuyện gì là tham nhũng cả! Vì vậy đã đến quan thì ít ra cũng có một cơi trầu, một be rượu, đó là những thứ tối thiểu, mà không có những cái đó là vô lễ. Nhưng mà bên cạnh cơi trầu, chai rượu thì cũng phải có cái gì nữa như mấy đấu gạo nếp, một con gà hay là gì khác nữa. Còn quá hơn nữa thì mới là hối lộ. Và hình như ngày xưa quan cũng sợ bị mang tiếng là hối lộ cho nên đưa cái gì thì cũng phải đưa có lễ ý, tức là đưa có danh nghĩa họ mới nhận, chứ đưa không có danh nghĩa là họ cũng sợ, không dám nhận. Cho nên quan sống bằng bổng và cái đó gọi là vi thiềng. Vi thiềng tức là “lòng thành nhỏ mọn”, tức là biểu thị sự cung kính, lòng thành nhỏ mọn đối với cha mẹ.
Ngày xưa nói quan văn sống sướng hơn dân cày. Bởi vì kẻ sĩ chỉ có hai con đường: Một là ở nhà cày ruộng, tự túc và cống nạp. Hai là làm quan. Vậy nên “Văn chương phú lục chẳng hay - Trở về làng cũ học cày cho xong”. Chỉ có một cách là đi học làm quan, hai nữa là đi cày. Giữa hai việc này thì làm quan dù sao cũng mát mặt hơn, sống sung sướng hơn, sống vinh dự hơn. Bởi thế ở trong nước tạo ra một tình hình là hiếu học, người nào cũng muốn cho con mình đi học, cho con được mát mặt hơn, đó là một. Hai là thanh niên nào cũng cố gắng học, chỉ bất đắc dĩ lắm không học được mới thôi, đây chính là sự hiếu học phương Đông, được đẻ ra trên cơ sở này, cái cơ sở dựa trên một thực tế có thật. Cái thực tế đó làm cho số người đi học ở trong nước rất đông nên khi người Pháp sang đây họ rất ngạc nhiên là tại sao dân Việt Nam đi học đông như thế. Xóm nào cũng có người đi học, ở nơi vắng vẻ nhất cũng có người đi học. Nó rất khác với phương Tây, ở phương Tây người ta học phần nhiều ở một số ít đô thì và ở trong nhà thờ, một ít chứ không phải đông. Đa số người dân ở nông thôn là không biết chữ. Đó là một điều người ta rất kinh ngạc. Vậy nó mới đẻ ra một đẳng cấp sĩ phu. Sĩ cũng là dân nhưng là dân đặc biệt. Họ đặc biệt ở mấy chỗ: Thứ nhất, người nông dân ít khi ra khỏi làng, người nông dân lên đến huyện là xa lắm rồi, là người được mở mang trí tuệ ghê gớm lắm rồi. Sĩ thì đi nhiều, đi học chỗ này chỗ kia, bạn bè nhiều, do đó quan hệ của sĩ rộng hơn chứ không phải chỉ sống trong làng. Thứ hai, sĩ có tổ chứ xã hội. Nông dân thì không có tổ chức xã hội, nông dân chỉ sống với làng thôi, họp làng thôi. Còn sĩ thì có văn hội, sĩ hội tức là các tổ chức đoàn thể, phường hội của họ. Và tổ chức văn hội, sĩ hội có quan hệ rộng hơn làng. Thứ ba là vận mệnh của họ khác.
Tôi nói vắn tắt về chuyện thi cử. Ngày xưa có ba cấp thi: Một là thi Hương. Hai là thi Hội. Ba là thi Đình.
Thi Hương nói là hương chứ thực ra là thi liên tỉnh. Ở Việt Nam trước đây có bảy trường thi Hương. Ở Hà Nội, ở Nam Định cho tất cả Bắc Bộ là hai trường; Thanh Hóa có một trường, vì Thanh Hóa là quê hương của vua nên được tổ chức thi Hương riêng; Nghệ An có một trường; Thừa Thiên một trường; Bình Định một trường và sau này Gia Định một trường nữa. Như thế là liên tỉnh chứ không phải hương chỉ gồm một tỉnh. Thi Hương có hai loại đỗ: tú tài và cử nhân. Tú tài là những người đỗ vớt, cử nhân mới là đỗ chính thức (thường thì cứ một cử nhân thì có ba tú tài). Tất cả những người đỗ cử nhân mới có quyền đi thi Hội, tức là phải vào học ở Quốc Tử Giám để được thi Hội. Thi Hội không có danh vị gì. Thi Hội là thi với tư cách như là kiểm tra chứ không có học vì. Tất cả những người đậu thi Hội mới được vào thi Đình. Thi Đình mới chia ra các loại tiến sĩ. Có ba cấp tiến sĩ: Cấp thứ nhất là đệ nhất giáp tiến sĩ gồm có ba danh vị: một là trạng nguyên, hai là bảng nhãn và ba là thám hoa. Danh vị thứ hai là đệ nhị giáp tiến sĩ tức là hoàng giáp, chỉ có một tên là hoàng giáp, và đệ tam giáp tiến sĩ tức là tiến sĩ. Tôi lưu ý, một là nhà Nguyễn không có trạng nguyên. Nhà Nguyễn có một lệ là không đặt hoàng hậu, không đặt tể tướng và không lấy trạng nguyên. Đó là những vinh dự gần ngang vua, mà quá to. Không đặt hoàng hậu, chỉ đặt là phi; không lấy trạng nguyên, chỉ lấy bảng nhãn. Không đặt tể tướng. Vì nhà nguyễn không muốn có người nào xấp xỉ quyền vua nên bỏ ba chức đó. Nói đến trạng nguyên, các anh nhớ đấy là của triều Lê hay Trần chứ không có ở triều Nguyễn. Hai là ở triều Nguyễn có đặt một danh vị nữa là phó bảng. Phó bảng là người đỗ vớt ở thi Đình. Phó bảng lại chỉ có ở triều Nguyễn còn các triều khác không có. Chẳng hạn cụ Phan Châu Trinh là phó bảng hoặc cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng là phó bảng.
Thi cử được tổ chức như vậy dẫn đến tình trạng có người đi thi mà đỗ đạt, có người đi thi lại không đỗ gì cả. Người thi đỗ được làm quan, nhưng tùy thuộc vào việc đỗ đến mức nào. Đỗ càng cao chức quan càng lớn. Nếu người nào đó, vì lý do riêng mà không muốn làm quan thì trở thành thân sĩ, về quê được cấp ruộng không phải đóng thuế, có chỗ sang trọng trong “chiếu giữa làng”, thỉnh thoảng còn được biếu xén, nhìn chung là được trọng vọng, kể cả quan hưu. Người không đỗ thường làm thầy thuốc, thầy đồ, thầy địa lý, thầy tướng số (nho, y, lý, số) nhưng dường như không có ai làm thầy phù thủy. Họ làm những công việc này vì họ là người hiểu được Kinh Dịch, họ tồn tại tương tự các giáo sĩ ở phương Tây, và qua thực tế tồn tại của mình, họ góp phần làm cho Nho giáo có màu sắc tôn giáo. Nguyễn người không đỗ đạt tạo ra trong xã hội một lớp người là dân nhưng không là dân, nhiều người trong số họ tự cho mình là thầy của dân, là lớp người trung gian giữa dân và vua. Tuy nhiên kẻ sĩ - trí thức ở Việt Nam không giống như trí thức phương Tây trung cổ, trí thứ là giáo sĩ của nhà thờ; khi đô thị ra đời thì có thêm tầng lớp trí thức tự do như thầy thuốc, thầy kiện, nghệ sĩ, nhà báo. Còn ở phương Đông, kẻ sĩ không có quan hệ với nhà thờ nên họ hoàn toàn tự do. Nhà nho ở làng xã trở thành một tầng lớp trí thức nông thôn. Theo tôi, lớp trí thức này không gắn bó nhiều với đô thị. Mặt khác do yêu cầu minh kinh và năng văn mà những nhà nho này không gắn bó với khoa học tự nhiên, đẩy tới thói quen kinh viện, một kiểu nô lệ của sách vở, từ chương. Cần lưu ý, gần 3000 tiến sĩ trong lịch sử thi cử ở Việt Nam trước đây chủ yếu là người làm thơ, viết văn. Ngoài một số bậc túc nho nổi tiếng, còn lại cũng không có gì ghê gớm lắm.
Thứ tư, cảm hứng hành lạc và khát vọng nhu cầu trần thế của con người cá nhân. 
Cao hơn khát vọng tự do, khát vọng tự khẳng định vẻ đẹp hình thể, trí tuệ của mình, văn học Việt Nam trung đại những năm cuối thế kỷ XVIII đến hết TK XIX còn thể hiện cảm hứng hành. Tất cả chuyện phòng the, chăn gối được Hồ Xuân Hương mở màn như phát súng lệnh: 
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới 
Hai hàng chân ngọc duỗi song song 
Hay: 
Hiền nhân quân tử ai là chẳng 
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo 
Đến Nguyễn Công Trứ, con người ngất ngưởng ấy tự trào khi nằm cạnh cô đào trẻ về tuổi của mình rằng: 
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam, 
và cũng đã không ít lần ông “tương tư”, ông “bỡn đào già”, “bỡn vợ lẽ”, … Đây, một đoạn trong bài thơ 
Lời tiểu thiếp tự tình 
Chốn cô phòng năn nỉ với cầm chi 
Đường viễn hoạch ngõ hầu tình chăng nhẽ? 
Sau ông, Tú Xương không ngại ngần thể hiện: 
Một trà một rượu một đàn bà 
Ba cái lăng nhăng nó hại ta 
Chừa được thứ nào hay thứ ấy 
Có chăng chừa rượu với chừa trà. 
Những bình diện của hình tượng con người cá nhân trong văn học Việt Nam trung đại gắn liền với nội dung cảm hứng nhân đạo và cảm hứng thế sự đời tư của các nhà văn, nhà thơ. 
2.2. Xét trên bình diện hình thức nghệ thuật 
2.2.1. Ở cấp độ thể loại 
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, hình tượng con người công dân thường xuất hiện ở các thể loại hành chức. Không khó để nhận ra hình tượng của những minh quân, lương tướng, những nhân vật anh hùng hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc. Những con người công dân ấy xuất hiện trong Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn), Hịch tướng sĩ văn (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Chiếu cầu hiền (một bài của Nguyễn Trãi, một bài của Ngô Thì Nhậm),…, qua những bài thư, luận, tấu, thuyết của Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng,… 
Ở thể loại sử ký hình tượng con người công dân cũng in đậm nét. Đó là một Trưng vương, một Ngô Quyền, một Thái sư Trần Thủ Độ, một anh hùng Trần Quốc Tuấn,… qua những trang sử của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên,… 
Các thể loại văn học nghệ thuật hình tượng, con người công dân vẫn xuất hiện như nhân vật Quang Trung (Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái), hay Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn trong Nam triều công nghiệp chí của Nguyễn Khoa Chiêm, hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu,… Song tần số xuất hiện ít hơn so với hình tượng con người cá nhân. Nói khác đi, ở những thể loại văn học nghệ thuật (chúng tôi phân biệt văn học Việt Nam trung đại xét về chức năng có thể loại chính: văn học hành chức (cáo chiếu, hịch, biểu, thư, luận, thuyết,…) và văn học mang tính hình tượng (phú, thơ Đường luật, truyện thơ lục bát, ngâm khúc, hát nói,…), hình tượng con người cá nhân thể hiện rõ nét hơn. Tuy nhiên, ta không thể và cũng không cần phân biệt rạch ròi giữa hai hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong cùng một … con người! 
Bởi nó luôn luôn tồn tại những hai mặt của cuộc sống. Sự ảnh hưởng qua lại này, thấy rõ ở quan niệm xuất - xử của các tác gia Nho sĩ mà chúng tôi đề cập ở phần loại hình tác gia, phía sau. 
Thể loại thơ Đường luật sự vận động từ con người công dân đến con người cá nhân rõ nét hơn. Ta dễ dàng nhận thấy hình tượng của những nhân vật trữ tình nguyện một lòng vì dân vì nước (con người công dân) như trong Quốc tộ (Đỗ Pháp Thuận), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Cảm hoài (Đặng Dung),… đến những bài thơ thất ngôn xen lục ngôn trong tập Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi),… Quốc tộ như đằng lạc Nam thiên lí thái bình Vô vi cư điện các Xứ xứ tức đao binh (Quốc tộ - Pháp Thuận) Và đến nửa cuối TK XVIII cho đến hết TK XIX, hình tượng con người cá nhân trong thơ Đường luật lại chiếm ưu thế cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. 
Nhiều bài thơ mang cảm hững thế sự của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến,… nhiều nhân vật khẳng định cái đẹp bản thể, cái tài hoa, sự sáng tạo của mình qua thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Cao Bá Quát,… 
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo 
Kìa, đền thái thú đứng cheo leo 
Ví đây đổi phận làm trai được 
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu 
(Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân Hương) 
Ở truyện thơ lục bát, các ngâm khúc hình thức song thất lục bát, các bài hát nói, hình tượng con nhân cá nhân chiếm ưu thế tuyệt đối so với con người công dân. 
2.2.2. Xét ở cấp độ ngôn từ 
Thứ nhất, hình tượng con người công dân gắn liền với những hình ảnh và từ ngữ mang tính điển phạm. Và, điều dễ nhận thấy nhất khi xây dựng con người công dân, các nhà thơ luôn dùng hệ thống điển tích, lớp từ Hán Việt như một điều tất yếu. 
Xin đọc đoạn đầu trong Hịch tướng sĩ, hay mấy câu phú của Trương Hán Siêu sau đây để minh họa: Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt… Học Tử Trường chừ thú tiêu dao Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều,… 
Đại từ nhân xưng cũng mang tính ước lệ: ta, khanh, thiên tử, bề tôi,… được dùng phổ biến. 
Thứ hai, hình tượng con người cá nhân gắn liền với lớp từ thuần Nôm, dân gian, từ láy, từ tự xưng, thậm chí cả những câu chửi, tiếng gào,… Bất tri tam bách dư niên hậu 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như 
(Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du) 
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung 
Nửa đắp chăn bông nửa lạnh lùng 
(Làm lẽ - Hồ Xuân Hương) 
Vũ trụ nội mạc phi phận sự 
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng 
(Bài ca ngất ngưởng - Nguyễn Công Trứ) 
Đù mẹ nhân tình đù mẹ đời 
Lạt như nước ốc, bạc như vôi 
(Thói đời - Nguyễn Công Trứ)… 
2.2.3. Sự manh nha của câu thơ điệu nói 
Các nhà thi pháp học cho rằng câu thơ, giọng thơ của văn học Việt Nam trung đại là câu thơ điệu ngâm. Tức là câu thơ không thể hiện dấu ấn cá nhân của chủ thể trữ tình. 
Song, từ thực tế khảo sát văn học Việt Nam trung đại đặc biệt từ Hồ Xuân Hương trở về sau, chúng tôi thấy đã có sự manh nha của câu thơ điệu nói. Ở câu thơ điệu nói các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, câu thơ điệu nói có thể cho phép nhà thơ thể hiện rõ ràng, dứt khoát lập trường tư tưởng, tình cảm của cá nhân trữ tình. Câu thơ trở thành lời nói cá thể, nó có ngữ khí từ, câu hỏi, câu cảm thán, hướng tới một ai đó, hoặc hướng tới chính người đọc, theo kiểu tự bộc bạch, tâm sự với bạn bè. Câu thơ điệu nói giải phóng giọng điệu cá thể, làm cho nó hiện ra trên bề mặt, đồng thời cải tạo lại chất nhạc của thơ - không phải nhạc trầm bỗng réo rắc do phối hợp bằng trắc tạo nên mà là do tiếng người, ngữ điệu người, giọng điệu người. 
Thành phần của lời thơ trữ tình điệu nói rất đa dạng. Có các hư từ, các cách lập luận, các khẩu hiệu, có tiếng hô lời chào, lời chêm, câu hỏi, đối đáp, có cách vắt dòng, nhiều khi cả khổ thơ chỉ là một câu. 
Trần Đình Hượu
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...