Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Nhạc Việt với tâm lý ao làng

Nhạc Việt với tâm lý ao làng

Đầu tiên, chúng ta phải xác định chính danh để mọi chuyện không trở nên nhập nhằng và gây hiểu lầm. Bất kỳ một nền âm nhạc nào cũng vậy, đều có hai phạm trù - đó là nhạc giải trí và nhạc nghệ thuật.
Hai đại lộ của âm nhạc
Trong lịch sử âm nhạc loài người chỉ có hai giai đoạn là âm nhạc chỉ có duy nhất một phạm trù thống trị. Đó là thời kỳ Nguyên thủy và thời kỳ trung cổ. Thời kỳ nguyên thủy là thời kỳ hồng hoang và sơ khai của âm nhạc. Nó chỉ xuất hiện bên đống lửa sau một ngày săn bắt và hái lượm, được người ta hú hét và nhảy nhót kết hợp với nhạc cụ là là những hòn đá, cành cây hay những vật dụng tương tự để gõ nên những tiết tấu phụ trợ. Đó là tiền thân của bộ gõ và cũng là những nhạc cụ đầu tiên của loài người. Có thể hiểu đây là nhạc giải trí của tổ tiên nhân loại. Thời Trung cổ sau đó, âm nhạc phát triển hơn nhưng chỉ tồn tại trong nhà thờ, dùng để phục vụ cho nghi lễ tôn giáo và tụng ca thượng đế. Như vậy âm nhạc bây giờ không còn là giải trí nữa. Nó ở một cấp bậc cao hơn, chỉ để phục vụ cho giai cấp cao của xã hội là vua chúa và tăng lữ.
Đến giai đoạn Phục hưng, rồi Baroque, Cổ điển, Lãng mạn thì âm nhạc không chỉ dành cho tầng cấp cao của xã hội mà còn có thêm một dòng nhạc nữa gọi là nhạc thế tục với những người hát rong, tức là âm nhạc dành cho quần chúng giai tầng dưới của xã hội. Thời kỳ hiện đại cho đến đương đại thì âm nhạc luôn tiếp tục tồn tại và phát triển với hai nhánh nói trên. Nhưng với tên gọi khác nhau là nhạc nghệ thuật (hay nhạc bác học) và nhạc giải trí (có vị thế như nhạc thế tục ngày xưa). Đặc biệt, khi xã hội thị trường phát triển thì nhạc giải trí còn được gắn thêm nhãn: nhạc thương mại, và nó luôn chiếm số đông, tạo nên bề nổi hoành tráng hơn cái nền âm nhạc bác học và nghệ thuật lắng ở tầng sâu xã hội mang vẻ thâm trầm nhưng sâu sắc và tinh khiết hơn. Nhạc thương mại vì thế có thêm tên gọi là nhạc đại chúng.
Vấn đề đẳng cấp của âm nhạc là vấn đề khoảng cách xa hay gần và có giao thoa nhiều hay ít.
Chuyện đẳng cấp cao thấp trong âm nhạc như vậy là vấn đề của cả nhân loại không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Song, cái khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước phát triển là sự tương quan và khoảng cách của hai đẳng cấp trên. Như đã từng nói ở bài: ”Nhạc thương mại và Nhạc nghệ thuật Việt…” trong trang cá nhân này là: ở nước ngoài khoảng cách của họ gần nhau và có cả sự giao thoa ít nhiều nào đó, cũng như là một sự tồn tại và phát triển không quá chênh lệch nhau. Ở Việt Nam mọi chuyện trở nên phức tạp và cần xử lý là mối tương quan giữa hai đẳng cấp âm nhạc đang đi ngược lại những điều phân tích trên. Nghĩa là hầu như chỉ có nhạc đại chúng, và khoảng cách quá xa giữa hai trình độ cao và thấp trong âm nhạc. Nhạc đại chúng ngày càng đi lùi trong thị hiếu và số lượng đại chúng ngày càng áp đảo không thương tiếc dòng nhạc cao cấp còn lại.
Các nghệ sĩ dòng đại chúng có lẽ ngộ nhận hay chỉ thích lười biếng và an toàn trong cái ao làng thị hiếu của số đông đã đưa ra một luận đề nghe qua khá thuyết phục: Chỉ có công chúng mới quyết định anh đứng ở đâu và là ai, anh có giá trị hay không có giá trị! Trong khi công chúng của nhạc đại chúng cũng đưa ra một luận cứ nghe qua cũng tưởng có lý: tôi thích gì thì tôi nghe, tôi thấy hay thì tôi nghe!
Về bề mặt logic thì hai tuyên bố trên quả khó mà bắt bẻ. Nhưng vấn đề đặt ra là: chất lượng của công chúng thế nào?
Dị ứng với sự học và đề cao bản năng
Có thể nói thế với số đông công chúng nghe nhạc và cả những nghệ sĩ trong showbiz Việt hiện nay. Có lẽ sự dễ dãi, lười biếng và thích hưởng thụ là mẫu số chung để họ gặp nhau và vui thích an phận trong cái ao làng nhỏ bé cho dù trong dù đục gì cũng mặc, miễn họ cảm thấy thoải mái với cái triết lý” Ta về ta tắm ao ta”. Một triết lý tự tôn dân tộc không còn hợp thời trong thời đại thế giới phẳng ngày nay. Khi mà giữa Paris và Sài gòn chỉ còn xa như đầu làng và cuối làng ngày xưa.
Trước tiên dựa vào công chúng để lấy làm thước đo thì phải phải xem đó là quần chúng nào? Không thể có một tầng lớp công chúng chung chung, và một số đông ít học có thể nào đại diện tinh túy hơn một nhóm nhỏ có học cao?
Trong lịch sử âm nhạc toàn thế giới thì những thiên tài và nhân tài lớn đều có thể là những người không học hành trường lớp nào bởi họ chính là người sáng tạo và phát minh ra cái để mà nhân loại học. Tuy nhiên, đó chỉ là con số rất ít như hạt cát trong sa mạc. Còn ở chúng ta, các nghệ sĩ bắt chước còn chưa bằng chưa đạt như khuôn mẫu nghệ thuật của các nước khác từ cấp độ bình dân cho đến bác học thì hãy khoan mơ đến chuyện không học mà làm vĩ nhân- nếu có thì họ chỉ là vĩ nhân của một phạm trù giá trí rất thấp là một công chúng ít học. Đó là thước đo cho vĩ nhân ao làng.
Còn công chúng lý luận theo kiểu: “thấy hay thì nghe thì đừng bắt tôi học để nghe, hay khuyên nghe cái mà người khác cho là hay” thì là một sự ngang bướng và ngụy biện hiện tượng che lấp bản chất. Ví dụ thế này, nó cũng tương tự như ai đó bảo: tôi thấy cái gì ngon thì tôi ăn. Mới nghe người ta bảo đó là sở thích, cấm xâm phạm. Nhưng có lẽ ai cũng biết có những món ăn rất ngon, rất hấp dẫn ai cũng khoái khẩu nhưng được khuyên là không hoặc han chế dùng vì nó gây hại cho sức khỏe và không hề bổ dưỡng. Hoặc có gì nguy hiểm hơn rượu, thuốc lá, chất kích thích mà rất nhiều người đam mê nhưng sao lại bị hạn chế, thậm chí còn bị chính phủ cấm!? Như vậy, mọi vấn đề luôn cần được định hướng, giáo dục cho quần chúng để họ biết chọn lọc cái tốt và hay cho cuộc sống tinh thần và thể xác của họ.
Cho nên đề cao bản năng trong trình diễn, sang tác và thưởng thức là một mối nguy hại tiềm tàng. Nhất là khi kèm theo sự dị ứng với cái học, theo lối ngụy biện về sở thích: Anh đừng cho mình có học mà lên mặt dạy đời! Vậy cái học chẳng lẽ là một cái gì khệnh khạng ta đây sao? Đó không phải là cái học thực chất để phát triển con người, mà là cái học trưởng giả làm sang, hay là học thức dỏm. Đừng đánh đồng hai sự học đó!
Một nền nghệ thuật hay giải trí gì đi nữa thì cũng phải có một đẳng cấp tương ứng với dân trí. Chúng ta nếu cứ an bài với tâm lý ao làng, chấp nhận một dân trí bản năng thì trong khi người ta đề cao lý trí và trí tuệ thì chúng ta đang chọn một vị thế nhỏ bé và thấp lùn trên bản đồ thế giới..
Tôi nghĩ đến cái tâm lý ao làng của showbiz và công chúng của nó mà cảm thấy vừa giận vừa thương. Có thể họ không biết DỐT là gì. Mà như người ta nói con người ai cũng dốt nhưng biết mình dốt là bắt đầu bớt dốt. Họ không biết thì thật đáng buồn.
14/4/2014
Trần Minh Phi
Theo http://vanviet.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Động tâm ở Bồ Đề Đạo Tràng “Dậy sớm nhé”, anh bạn đi cùng dặn đi dặn lại trước khi về phòng. Anh không dặn thì tôi cũng xác định phải dậ...