Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Từ Công Phụng - Một đời sáng tác tình ca

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ
Từ Công Phụng - Một đời sáng tác tình ca

Cùng với Ngô Thụy Miên, nhạc sĩ Từ Công Phụng là một trong hai nhạc sĩ hiếm hoi cả đời gần như chỉ viết tình ca, hoặc ít nhất là nổi tiếng chỉ với những bài tình ca với những giai điệu trữ tình, êm đềm và lãng mạn.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết: Từ bước đầu bước lên nấc thang của âm nhạc thì tôi vẫn tự dặn lòng là tôi chọn con đường tình ca để tôi viết. Bởi tình ca là một điều vĩnh cửu, ngày nào còn những đôi tình nhân thì còn những bài tình ca để mà ca ngợi tình yêu từ thế hệ này đến thế hệ kia, không bao giờ chấm dứt cả, ngay cả mấy trăm năm qua, mấy ngàn năm qua.
Từ thập niên 1960-1970, dòng nhạc trữ tình miền Nam bắt đầu xuất hiện những nhân tố mới làm say mê giới thanh niên - sinh viên vốn yêu thích những bài tình ca (cả tình ca hạnh phúc lẫn những bài khổ đau) có giai điệu nhẹ nhàng, đó là các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, và Từ Công Phụng, là những nhạc sĩ trưởng thành và tạo được danh tiếng trong làng văn nghệ Sài Gòn xưa. Họ là những người thừa kế dòng nhạc lãng mạn thời tiền chiến, nhưng cũng đã phá vỡ được những lối mòn khuôn sáo của dòng nhạc này, mang đến những hình tượng không còn lãng đãng xa vời nữa mà có sự gần gũi với tâm tư tình cảm của giời trẻ miền Nam trước năm 1975.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng được giới sinh viên, học sinh chú ý ngay từ nhạc phẩm đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy được viết năm 18 tuổi, sau đó là hàng loạt bài tình ca đã trở thành bất tử: Mắt Lệ Cho Người, Tuổi Xa Người, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Tình Tự Mùa Xuân, Mùa Thu Mây Ngàn, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Như Chiếc Que Diêm… Đặc biệt là một số ca khúc được phổ từ thơ Du Tử Lê là Trên Ngọn Tình Sầu, Giữ Đời Cho Nhau…
Nhạc sĩ Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Ninh Thuận, và là người Chăm. Trái với nhiều người nhầm tưởng cái tên Từ Công Phụng chỉ là bút danh, thật ra đó là tên thật của ông. Có một người anh em con chú bác với ông là Từ Công Thơm - thiếu tướng VNCH.
Từ Công Phụng mê âm nhạc từ nhỏ và rất mẫn cảm với âm thanh. Ông kể rằng nhiều lúc đang học bài mà có tiếng nhạc vọng về từ xa, ông đều dừng lại để nghe cho hết rồi học tiếp. Có một lần khi ông tình cờ nghe người anh cả đàn và hát bài Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong và Trương Chi của Văn Cao, ông bồi hồi xúc động.
Đến năm 13 tuổi Từ Công Phụng bắt đầu học nhạc căn bản từ người anh, sau đó tự mày mò học thêm từ sách của nước ngoài.
Từ năm 16 tuổi, ông đã đọc rất nhiều sách, trong đó có các tiểu thuyết, và những tình tiết cùng chất lãng mạn trong các tiểu thuyết kinh điển đã góp phần định hình phong cách nhạc Từ Công Phụng sau này. Năm 18 tuổi, khi còn đang học trung học, từ những rung động và tình yêu thầm kín của thuở sắp bước vào đời, ông sáng tác ca khúc đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy.
Tử Công Phụng học trung học ở trường Duy Tân - Phan Rang, sau đó lên Đà Lạt học trường Trần Hưng Đạo cho đến khi đậu Tú tài 2.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng tại trường Duy Tân - Phan Rang
Thời gian ở Đà Lạt, Từ Công Phụng cùng với nhạc sĩ Lê Uyên Phương thành lập ban nhạc Ngàn Thông để chơi nhạc trên đài phát thanh Đà Lạt, mỗi tuần một ngày lên đài để thu và phát trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên ông có dịp giới thiệu đến công chúng ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy đã sáng tác trước đó.
Click để nghe Từ Công Phụng hát Bây Giờ Tháng Mấy trước 1975
Với ca khúc đầu tay này, Từ Công Phụng nhận được rất nhiều thư của thính giả khen ngợi, giúp ông mạnh dạn hơn trong lãnh vực sáng tác. Sau đó, lần lượt những ca khúc như Mùa Thu Mây Ngàn, Bài Cho Em… ra đời. 
Học xong trung học, Từ Công Phụng xuống Sài Gòn học đại học. Thời điểm này, sinh hoạt văn nghệ trong tầng lớp sinh viên ở Sài Gòn bắt đầu khởi sắc, hình thành nên một giới thưởng ngoạn văn minh, khao khát được thưởng thức những tác phẩm mới mang tính đương đại của những nghệ sĩ được trưởng thành từ chính các trường đại học. Họ thường tụ tập nhau lại trong các buổi trình diễn văn nghệ để hát cho nhau nghe trên sân cỏ trường Đại học Văn khoa, ban đầu là những ngày cuối tuần, sau đó mở rộng ra hàng đêm.
Từ Công Phụng đứng bên phải 
(hình chụp tại ký túc xá trường Quốc gia Hành chánh, 1966)
Từ đó những bài tình ca, du ca, hành khúc ca… được thành hình, được giới thiệu và được yêu thích đầu tiên trong giới sinh viên, sau đó mở rộng ra đến mọi tầng lớp khán giả. Trong vườn hoa văn nghệ miền Nam đa dạng thời đó, có rất nhiều loại hoa khác nhau cùng khoe sắc trong hoàn cảnh chiến chinh vẫn đang lan tràn. Nhạc sĩ Từ Công Phụng nói rằng sở dĩ như vậy là nhờ văn nghệ được phát triển dưới một chính thể không bóp nghẹt tự do tư tưởng của mỗi người.
Trong thời gian học Đại học, Từ Công Phụng đã gặp, yêu và cưới ca sĩ Từ Dung khi đó đang học Văn khoa, là con gái út của nhà văn Nguyễn Tường Long - Hoàng Đạo. Hai vợ chồng bắt đầu lên sân khấu hát cặp với nhau từ năm 1967 và trở thành đôi song ca được yêu thích. Đó cũng là thời điểm làng ca nhạc Sài Gòn có đến ba cặp đôi nổi tiếng trong giới sinh viên và cùng liên quan đến xứ sở sương mù Đà Lạt: Khánh Ly - Trịnh Công Sơn, Lê Uyên - Phương và Từ Dung - Từ Công Phụng.
Sau khi tốt nghiệp học viện Quốc Gia Hành Chánh. Từ Công Phụng làm việc cho đài VOF cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Lữ Liên, Anh Ngọc, Kim Tước, Hoàng Quốc Bảo…, nhiệm vụ của ông là viết lời giới thiệu cho các bài hát Việt Nam.
Đài VOF (Voice Of Freedom) là đài Tiếng Nói Tự Do có trụ sở ở số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. 
Nhạc sĩ Từ Công Phụng kể về đài VOF như sau:
“Mục tiêu việc làm của chúng tôi là phát thanh về miền Bắc những sản phẩm tinh thần của người tự do cho ngoài ấy nghe để họ hiểu ở trong Nam có tự do. Muốn nghe loại nhạc nào, thích thì nghe, hát cũng vậy, thích loại nhạc nào thì hát loại nhạc đó. Tình cảm hay tiền chiến đều được cả.
Nó cũng chuyển tải một thông điệp hay tuyên truyền về sự tự do trong lối diễn đạt tình cảm của con người, về tiếng nói tự do của trái tim và khối óc để khuyến khích tinh thần người nghe rằng “Hãy tự do lên”. Chúng tôi cũng muốn chia sẻ những sinh hoạt, những gì xảy ra trong đời sống người dân trong Nam cho ngoài Bắc biết.
Chúng tôi phát thanh về Bắc nhạc tiền chiến, nhạc trẻ, nhạc Pháp và Tây Phương. Bởi vì chúng tôi nghĩ ngoài ấy không được nghe nhạc tình cảm và tiền chiến. Chúng tôi phát cả những bài nhạc tiền chiến của các tác giả quen thuộc với miền Bắc mà những tác giả này ở lại miền Bắc nhưng họ bị cấm đoán không được nghe và sáng tác nhạc của họ”.
Vừa làm việc trong đài phát thanh, Từ Công Phụng ghi danh học lấy thêm bằng Luật khoa. Là một nhạc sĩ thành danh, Từ Công Phụng cũng theo đuổi con đường học vấn cho đến cùng và là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi tốt nghiệp hai trường đại học. Ông nói rằng cho dù âm nhạc là niềm đam mê lớn, nhưng không vì vậy mà ông từ bỏ sự học, bởi vì sự hiểu biết là cái quý giá nhất, và những kiến thức học vấn có được đã bổ trợ rất nhiều cho khả năng sáng tác của mình. Từ những hiểu biết đó mà ông có thể nảy sinh được những ý niệm để đưa vào nhạc. Có lẽ nhờ như vậy mà phần lời của âm nhạc Từ Công Phụng rất sâu lắng, sâu sắc và nhiều ý nghĩa, chinh phục được mọi tầng lớp khán giả.
Sau năm 1975, vợ chồng Từ Dung - Từ Công Phụng còn lại ở Sài Gòn và mở một quán cà phê nhỏ trên đường Trần Quang Khải, nhưng thời gian ngắn sau thì họ chia tay.
Từ Công Phụng nói rằng thời gian 1975-1980 là giai đoạn trắc trở nhất trong đời. Khi đó đời sống rất bất ổn, không có gì bám víu vào mà sinh sống nên việc mưu sinh rất vất vả, phải làm bất cứ gì có thể để nuôi sống con cái và gia đình. Thời gian này ăn còn không đủ nên không còn tâm trí để sáng tác.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng và người vợ thứ hai
Năm 1980, nhạc sĩ Từ Công Phụng vượt biên cùng với người vợ thứ hai vẫn còn chung sống với ông cho đến ngày nay. Bà tên là Kim Ái, là người đã ở bên cạnh Từ Công Phụng vào những lúc gian nan nhất cũng như là hạnh phúc nhất, được ông nhắc đến trìu mến trong ca khúc Mãi Mãi Bên Em:
Nếu có điều gì vĩnh cửu được
Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta…
Năm 2007, nhạc sĩ Từ Công Phụng bị chẩn đoán ung thư túi mật và đã được giải phẩu. Đến năm 2010, ông lại được chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn cuối, bác sĩ nói chỉ còn sống ba tháng nữa. Tuy nhiên nhờ vào niềm tin, ý chí và tinh thần lạc quan cùng với sự cứu chữa tận tình của bác sĩ, sự chăm sóc chu đáo của vợ, ông đã hồi phục và sống khỏe mạnh trong mười năm qua.
26/7/2020
Đông Kha
Theo https://nhacvangbolero.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...