Huyền thoại nước trong tập thơ
"Dòng thiêng" của Nguyễn Linh
Khiếu
Nước từ tâm thức ngàn đời của dân tộc và nhân loại đã kết nối, tái sinh, chuyển hóa như một dạng thức của huyền thoại trong tập thơ và trường ca “Dòng thiêng” của Nguyễn Linh Khiếu. Bằng phương pháp thống kê, so sánh và phân tích văn bản, bài viết chỉ ra những dạng thức huyền thoại Nước như Mưa, Dòng sông và sự tái sinh của nó trong thơ Nguyễn Linh Khiếu.
Tập thơ và trường ca “Dòng thiêng”
của Nguyễn Linh Khiếu
Truyền thống văn hóa ẩn sâu trong vô thức nghệ sĩ đã kết nối
mối quan hệ giữa cổ mẫu, huyền thoại và văn học. “Trong quá trình sáng
tác, cổ mẫu với tư cách những ký ức, dấu chỉ văn hóa xa xưa của nhân loại
thường xuyên hiện hữu ở tầng sâu vô thức nghệ sĩ và vận hành trong sự đồng hóa
những kinh nghiệm bên ngoài với những sự kiện tâm linh, chi phối nhà văn trong
quá trình sáng tạo” [Hoàng Thị Huế: Ba chiều cạnh của phê bình,
Nxb Hội Nhà văn 2018, tr. 227]. Nghệ sĩ có vốn văn
hóa, có trải nghiệm đời sống và có tài năng nghệ thuật cao, thì chất liệu
huyền thoại được nhà thơ cấu trúc lại càng độc đáo. Điểm đặc biệt trong Dòng
Thiêng là Nguyễn Linh Khiếu chỉ giữ lại yếu tố độc đáo của huyền thoại,
tái sinh huyền thoại gốc bằng những dạng thức đặc sắc và sáng tạo. Tập
thơ Dòng Thiêng của Nguyễn Linh Khiếu được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn
hành năm 2019. Dòng Thiêng được hình thành trên cơ sở tái bản có
sửa chữa, bổ sung bốn tập thơ đã xuất bản của tác giả là Chùm mơ tiên cảm (1991), Mùa
thiêng (1995), Hoa linh (2000) và Sa hồng (2018).
Tập thơ gồm 60 bài thơ và 2 trường ca ngắn. Thơ Nguyễn Linh Khiếu lưu giữ các
yếu tố văn hóa của dân tộc, nhân loại, trong đó cổ mẫu Nước, như một chất liệu
của huyền thoại, xuất hiện nhiều như một phương thức nghệ thuật kiến tạo hiện
thực và xây dựng thế giới nghệ thuật trong thơ ông.
Nước là một nguyên tố quyết định sự sống trên trái đất. Chính
vì thế, mọi nền văn minh cổ đại đều gắn liền với những dòng sông lớn. Thật vậy,
Ai Cập với sông Nin, Lưỡng Hà với sông Euphrates và sông Tigris, Ấn Độ với
sông Hằng, Trung Hoa với sông Hoàng Hà… Nước chảy tràn qua các nền văn hóa,
tràn ngập trong các truyền thuyết, huyền thoại cổ với ý nghĩa tượng
trưng: nước - nguồn sống, nước - phương tiện thanh tẩy,
và nước - trung tâm tái sinh [Gheerbrant A., Jean C: Từ điển Biểu
tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2016. tr.709]. Đây là những
lớp kết cấu ý nghĩa bền vững của cổ mẫu nước.
Trong tâm thức người Việt Nam, nước có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng, gắn liền với nền văn minh lúa nước bởi có nhiều nghi thức và sinh hoạt
văn hóa diễn ra bên những con suối, dòng sông, bờ đê, giếng nước, ao làng… nước
nhập vào tâm hồn trở thành biểu tượng trong những câu chuyện cổ, những truyền
thuyết, huyền thoại linh thiêng về các vị thần trở thành văn hóa và tín ngưỡng.
Có thể thấy, văn hóa dân gian Việt Nam có đền thờ Rồng, thờ Nước, có nhiều
câu chuyện về nước: Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh Thủy Tinh, Quả bầu
mẹ, Đẻ đất đẻ nước, Trương Chi, Mỵ Châu Trọng Thủy…
Trong văn học Việt Nam nói chung, thơ Nguyễn Linh Khiếu nói
riêng, cổ mẫu Nước vô cùng sống động, bởi vừa thoát thai từ tâm thức dân gian,
vừa mang hơi thở cuộc sống hiện đại. Ở Dòng Thiêng, Nước được tái hiện dưới
nhiều hình thái khác nhau, từ hình dạng không gian: sông (xuất hiện 123 lần),
biển (88 lần), suối (4 lần), hồ (5 lần) đê (15 lần),… đến các biến thể phi
hình: mưa (85 lần), sương (41 lần)… Mỗi hình thái, chúng tôi chỉ lẩy ra một dạng
thức xuất hiện đậm đặc nhất trong 81/162 tác phẩm có cổ mẫu Nước ẩn náu, đó là:
cổ mẫu Mưa và cổ mẫu Dòng sông
Cổ mẫu mưa
Cổ mẫu Nước hòa trong hình ảnh “mưa” với nhiều lớp nghĩa. Thơ
Nguyễn Linh Khiếu không dày đặc những cơn mưa dữ dội sấm rền, sét nổ bất ngờ ào
ạt trút xuống, mà dày đậm thứ mưa thuận gió hòa cầu đảo phồn sinh. Mưa
- hóa giải và trường tồn.
Mưa kết nối trời và đất, mưa là sứ giả của sự sống đánh thức
đất đai màu mỡ: “chưa lập xuân mà đã có mưa rồi/ mưa nhẹ nhõm vòm trời
mặt đất/… những giọt mưa đầu tiên những giọt mưa sứ giả” (Những giọt
mưa đến sớm).
“Tháng tư/ mặt trời nói gì cơn mưa nói gì ngọn gió nói
gì đất đai màu mỡ/ ta phì nhiêu hẳn lên trong niềm khích lệ/ những lực
lượng nào đang thúc đẩy dẫn dắt đôi ta” (Tháng Tư).
Cảm thức huyền thoại từ hình ảnh “những giọt mưa đầu tiên những
giọt mưa sứ giả” đến sớm gọi mùa xuân về, gọi đất đai thức giấc và hình ảnh
cơn mưa tháng Tư “khích lệ” đất đai màu mỡ cho thấy rõ ý nghĩa kết nối trời
đất mưa rời xuống làm cho vạn vật sinh sôi. Nguồn cội của ý nghĩa biểu tượng
này có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp, qua chuyện thần Zeus hóa trận mưa vàng lọt
qua khe hở trên mái vòm để xuống với nàng Diane và nàng đã thấm mình vào nước
mưa ấy. Ở đây, huyền thoại nước mang hàm nghĩa tính dục, mưa là sự kết nối sinh
sôi, coi mưa là tinh dịch và biểu tượng nông nghiệp, cây cỏ cần có mưa để phát
triển đã hòa hợp mật thiết [Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử
cương, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1998, tr.608]. Mưa là biểu tượng hôn
phối của Trời - Đất, mưa là tinh khí làm thụ thai. Ở các nền văn minh nông
nghiệp, mưa đều mang ý nghĩa tượng trưng nguyên thủy này.
Huyền thoại Nước hiển thị qua cổ mẫu Mưa xuất hiện
rất nhiều trong những bài thơ của Nguyễn Linh Khiếu, nhưng có một bài mang tính
đại diện là Nước trời. Đây là một bài thơ dài mang nhịp điệu và cảm
xúc trường ca. Tác giả đưa người đọc về với một làng quê châu thổ sông Hồng trước
một cơn mưa đầu mùa. Mưa đầu mùa ở châu thổ Bắc bộ thường diễn ra sau tết âm lịch
một thời gian ngắn. Đó là lúc mùa đông đã ra đi và mùa xuân đã về. Hơi xuân ấm
áp đang thay thế dần mùa đông lạnh lẽo. Đây là thời điểm chuyển đổi diễn ra hết
sức hồi hộp của trời đất. Suốt mùa đông cây cối trơ cành và khi lập xuân mưa bụi
thì cây cối đâm lộc nảy chồi, muôn hoa khoe sắc. Với những đợt mưa bụi mùa xuân
muôn loài đã rạo rực thay đổi nhưng mưa xuân là chưa đủ mà phải là những trận
mưa rào đầu mùa mới thực sự làm cho trời đất thay đổi và muôn loài bừng tỉnh.
Nước trời, chính là bài thơ đặc sắc viết về thời điểm
đó: “đã đến rồi những giọt mưa đầu mùa/ không khí hân hoan giai điệu tưng
bừng thánh thót/ mới mẻ lần đầu tiên đến với chúng mình/ những giọt
nước nồng nàn linh thiêng tràn ngập/…
chỉ mấy hạt mưa nhiệm màu những dòng sông im lìm như một bầy
rồng xanh tưng bừng tỉnh giấc/ nước gương trong rười rượi cỏ đôi bờ miên
man mười sáu mướt xanh/ chỉ mấy hạt mưa các dòng sông phát cuồng hào hùng
thao thiết/ ánh mắt muôn loài bất chợt lóe sáng sắc màu bản năng truyền giống
chứa chan” (Nước trời).
Chỉ mấy hạt mưa đầu tiên rơi xuống đã làm thay đổi tất cả, đã
làm tất cả “tưng bừng tỉnh giấc”, “phát cuồng hào hùng thao thiết”, “bất
chợt lóe sáng sắc màu bản năng truyền giống chứa chan”. Khi mưa xuống, một khung
cảnh vô cùng kỳ vĩ hiện ra với sự hiện diện trong cái nhìn phồn sinh của
tác giả: “đi dọc triền đê ngát hương những bãi bồi rộn rã mùa hổn hển/ những
nàng trâu cái nở nang những chàng trâu đực vạm vỡ tung tăng đùa giỡn hân
hoan/ những chàng gà trống kiêu hùng lăng xăng giữa bầy gà mái lộng lẫy/ những
chàng dê cụ thánh thiện tâm đắc ngân lên thanh điệu hào hứng ngợi ca những cô
nàng thoăn thoắt mắn đẻ của mình/ đi dọc châu thổ sông Hồng nghe vang lừng
âm hưởng côn trùng rợp trời mùa giao phối/ này ong to ong nhỏ này bướm
vàng bướm đỏ này cào cào châu chấu này chuồn chuồn liềng liễng này cà cuống
cánh cam này cái nước gọng vó này bọ xít bọ hung bọ ngựa bọ măng này ếch nhái
uôm uôm này cá tôm dập dờn này cua cáy lồm cồm này rắn rết đung đưa này dế giun
rinh rích này sẽ đồng ríu rít này sáo nghệ ngân nga này chích chòe hít hà này
trào mào láu táu này vịt ngan lạch bạch này chó sủa lợn kêu này mèo gào chuột
rúc…” (Nước trời).
Khi mưa xuống, đặc biệt là những giọt mưa đầu mùa mưa, cả một
miền châu thổ bước vào mùa tưng bừng náo nhiệt truyền sinh. Và, tác giả chợt nhận
ra, “không ở đâu trên thế gian này những hạt mưa đầu tiên không phải là những
giọt nước lã/ đó là nước trời rười rượi/ chỉ cần vài hạt nước nhiệm
màu từ trời rơi xuống cả châu thổ sông Hồng tưng bừng náo động nhịp điệu sinh
sôi nảy nở thiêng liêng” (Nước trời). Những hạt mưa “không phải là những
giọt nước lã”, đó là “nước trời”, “nhiệm màu” là cho “châu thổ
sông Hồng tưng bừng náo nhiệt nhịp điệu sinh sôi nảy nở thiêng liêng”.
Cảm thức huyền thoại trong thơ Nguyễn Linh Khiếu biểu hiện
không chỉ ở việc coi mưa như nguồn gốc sự sống, mà nó còn là cuộc hôn phối giữa
trời và đất. Cuộc hôn phối vĩ đại ấy đã làm cho muôn loài náo nhiệt thay đổi và
tưng bừng sinh sôi nảy nở. Mưa thực sự đã mang đến cho đất trời những năng lượng
mới của sự truyền sinh.
Hạt mưa từ huyền thoại về nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở dồi
dào vào thơ Nguyễn Linh Khiếu mang thêm nét lớp nghĩa gợi niềm khao khát lứa
đôi bên nhau đầm ấm: “một hôm trời đổ mưa hoài/ anh không về được mà
bài đã xong” (Quán Chùa 1). Hay, “ngồi bên nhau nghe mưa xuân đầm ấm
tươi cười ngôi bên nhau nghe ríu rít giai điệu lộc chồi” (Ngày xuân).
Mưa còn là biểu tượng của niềm hy vọng, ước mơ, khát cầu ấm
no: “cỏ dựng những ngọn cờ hy vọng/ thấm nhuần nghĩa lý mưa xuân” (Mưa
xuân); hay, đối với tác giả, nước mưa còn huyền diệu hơn: “Xòe bàn
tay ra ngoài hiên hứng nước/ viết bài thơ tươi tốt gửi
tháng hai…/ tháng hai cây hớn hở non tươi nước xuân xanh ấm áp…/ năm ngón hồng
thấm thía nước xuân rạo rực muốn nảy mầm” (Nước xuân). Trong không ít
bài thơ, tác giả luận bàn về sự hòa đồng, giao cảm, nhất thể giữa con
người và trời đất như một sự thật hiển nhiên của đời sống: “Những cụ ông cụ bà
kính cẩn ngợi ca trời đất và các vị thần/ đó là khúc cảm ơn mưa thuận gió
hòa gái trai tươi tốt” (Tháng mười).
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu với công việc nghiên cứu và giảng dạy
triết học, nên có lẽ lúc viết câu thơ này, ông muốn dẫn dắt tâm thức người đọc
đến mạch ngầm vô thức ngấm từ chữ linh trong sách Đạo đức kinh (Lão Tử): thần
được đạo mà linh (thần đắc nhất dĩ linh). Chữ linh dùng
để chỉ tác động của trời gồm có chữ wou (niệm chú) và ba chữ khẩu là ba cái miệng
để nhận lấy mưa của trời. Đó là cách diễn đạt nghi lễ cầu mưa, xin trời ban mưa
móc xuống cho muôn loài dưới đất sinh sôi nảy nở và đó cũng là “khúc cảm
ơn mưa thuận gió hòa”. Hạt mưa linh thiêng từ trên trời rơi xuống,
cũng là ơn của thần linh ban cho theo cả hai ý nghĩa vật chất và tinh thần.
Mưa trong thơ Nguyễn Linh Khiếu còn biểu tượng của mùa đông
buốt giá nó gợi nhớ tới phong vị mùa đông xứ Bắc của miền nhiệt đới: “trong đêm
có trận mưa rào/ sáng ra hơi lạnh tràn vào phòng tôi” (Trận
mưa); “thế là mùa đông đã đến/ giọt mưa lạnh buốt buổi chiều/ con đường
ngày qua hoa nở/ cây đơn độc đứng liêu xiêu” (Buổi chiều); hay,
hình ảnh lạ hơn, “lũ gió bấc bù xù chạy ngông nghênh khắp phố/ mụ
già mưa phùn dằng dớ/có kể gì ai đâu” (Khúc hát cho em bé đánh xe bò).
Nói về cổ mẫu mưa, không thể không nhắc đến bài thơ “Hạt mưa”,
không chỉ là một bài thơ nổi tiếng mà chính trong bài thơ này tác giả tự xưng:
“là hạt mưa/ bao giờ ta ở trên trời/bao giờ cũng trong suốt/ bao
giờ cũng rười rượi/ bao giờ cũng đầm đìa những mùa hạn hán cánh đồng trần
gian/ ta bay lên trời từ căn bếp mịt mù rơm rạ”. Và, “một ngày hạn
hán mẹ gọi ta về/… ta luôn trở về từ trời xanh”. Chính với bài thơ ngắn này,
Nguyễn Linh Khiếu đã cho thấy, một bí mật về thế giới quan của tác giả là
sự nhất thể của thế giới. Đó là con người và đất trời là một. Cụ thể hơn, nó
cũng cho thấy, trong tâm thức tác giả ông cho mình là hạt mưa mỗi khi rơi xuống
là tạo ra mùa màng sinh sôi nảy nở trên mặt đất.
Cổ mẫu Nước ngập tràn thơ Nguyễn Linh Khiếu, điều
đó cho thấy cảm thức sinh thái trong thơ ông rất đặc biệt. Có thể lý giải điều
này ở nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có nguyên nhân ông sinh ra, lớn lên và
gắn bó đời mình với sông Hồng. Thiên nhiên và thời tiết vùng châu thổ trồng
lúa nước khi chưa có biến đổi khi hậu và ô nhiễm môi trường là một môi trường sống
lý tưởng của muôn loài, dù có nắng lửa bão giông nhưng cơ bản vẫn là mưa thuận
gió hòa, trời yên biển lặng.
Cổ mẫu Dòng sông
Thơ Nguyễn Linh Khiếu không chỉ bước qua màn mưa với những hạt
mưa, cơn mưa nhuốm màu huyền thoại, mà còn đậm vết tích bàn cổ biến thể Nước dưới
dạng thức hữu hình là dòng sông.
Nguyễn Linh Khiếu sinh ra ở vùng sông nước cửa biển sông Hồng,
gắn bó với sông nước, nên đối với ông dòng sông đó là Dòng Thiêng. Trong
tâm thức nhà thơ sông Hồng chính là dòng thiêng. Sông là một biểu tượng.
Trong Dòng Thiêng xuất hiện rất nhiều dòng sông: sông Hồng, sông Trà,
sông Diêm Điền, sông Phúc Khánh (4 dòng sông quê hương) và các dòng sông: Mê
kông, sông Bằng, Kỳ Cùng, Nậm Thi, sông Lô, sông Thương, Bạch Đằng, sông Hàn,
Nho Quế, sông Chao Phraya, sông Hằng, sông Thames, sông Donaube, sông Spree… Phải
chăng, có thể giải thích theo Kinh Dịch thì tác giả sinh 1959, bản mệnh là Mộc
(bình địa mộc) nên nước (Thủy) dưỡng Mộc. Nước dưỡng bản mệnh của nhà thơ, đó
là trong căn bản sự sống nước (sông) là năng lượng sống của cây cỏ. Vì vậy, nhà
thơ yêu sông nước có thể là từ thẳm sâu vô thức bí ẩn nào đó, điều này minh tỏ
với 123 lần hình ảnh dòng sông lóng lánh chảy dọc Dòng Thiêng.
Có nhiều bài thơ có thể minh chứng về cổ mẫu Nước với biểu hiện
cụ thể là dòng sông trong Dòng Thiêng, tuy nhiên, chỉ cần “khảo cứu” bài
thơ Sông Hồng cũng thấy được vẻ đẹp biến hóa của cổ mẫu sông: “trở lại
sông Hồng những ngày tuổi trẻ/ Hà Nội mùa lá non cỏ non nước non thì
thào phù sa// khi trẻ quyết định thường dại dột/ dại dột bao giờ cũng
hạnh phúc/ khi già quyết định đôi khi khôn ngoan/ khôn ngoan không hạnh
phúc bao giờ// sông Hồng dịu dàng đôi mươi nước nôi sa hồng lai
láng/ những bãi ngô non những bãi dâu xanh những mùa hoa cải những bông
trinh nữ run rẩy tím ngát triền đê// ta mong manh gió chiều/ em mong
manh hương quê/ tuổi trẻ mong manh mùa phồn sinh dồi dào nông nổi/ tình
yêu mong manh gió thổi biền biệt chia ly// không ai trở lại tuổi trẻ của
mình/ sông Hồng vẫn dạt dào đôi mươi nước nôi sa hồng lai láng/ những bãi
ngô non những bãi dâu xanh những mùa hoa cải những bông trinh nữ run rẩy tím
ngát triền đê// ta mong manh gió chiều/ em mong manh hương quê (Sông
Hồng).
Nguyễn Linh Khiếu viết bài thơ khi đã ở tuổi “Ngũ thập tri
thiên mệnh”, trải qua bao thăng trầm biến cố của cuộc đời. Là một nhà báo, một
nhà khoa học ông có điều kiện đến được nhiều nơi trên thế giới và ông là người
có nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Với bài thơ Sông Hồng, tác
giả thể hiện sự mong muốn được trở lại với sông Hồng vào cái thời tuổi trẻ nồng
nhiệt, với bức tranh thiên nhiên tươi mát “mùa lá non, cỏ non, nước non” và
dĩ nhiên không thể thiếu đi lớp lớp phù sa sóng sánh màu mỡ, “sa hồng” là
tính đặc trưng nổi bật của châu thổ sông Hồng. Tác giả như được sống lại với
quá khứ thêm một lần nữa, được trở lại với tuổi thơ gắn liền biết bao kỷ niệm đẹp
với dòng sông. Qua đó, ông đã nói lên khát vọng, quan niệm triết lý nhân sinh rằng
tuổi trẻ là những trải nghiệm, về già là những hoài niệm, trải nghiệm đem đến cảm
giác mới mẻ, lạ lẫm như hạnh phúc bất chợt, còn tuổi già với hoài niệm với ký ức
đã đi qua cùng bao sự tiếc nuối, ngậm ngùi đắng cay: “khi trẻ quyết định thường
dại dột/ dại dột bao giờ cũng hạnh phúc/ khi già quyết định đôi
khi khôn ngoan/ khôn ngoan không hạnh phúc bao giờ” (Sông Hồng).
“Sông Hồng” trong bài thơ là biểu tượng gắn liền với tuổi trẻ,
đôi mươi rạng rỡ được trân trọng, nâng niu như một phần không thể thiếu. Suốt
bài thơ từ “Sông Hồng” được nhắc đến 3 lần. Nghiễm nhiên ý nghĩa của nó ở lần
nhắc đến thứ nhất là gợi lên tuổi trẻ - thanh xuân và sự bồng bột, non trẻ thuở
thiếu thời “lá non cỏ non nước non”; ở lần nhắc thứ 2 là sự dịu dàng, tuổi trẻ
giờ có thêm tình yêu lứa đôi; còn từ “sông Hồng” thứ 3 là gợi lên sự
dạt dào trôi chảy, sông Hồng vẫn trẻ như đôi mươi dù không ai còn quay về được
“không ai trở lại tuổi trẻ của mình/ sông Hồng vẫn dạt dào đôi mươi
nước nôi sa hồng lai láng”. Ở trên dòng chảy đó, luôn dào dạt sự sống,
năng lượng phồn sinh. Thế nhưng, dòng chảy vô tận của sông Hồng cũng man mác
cái điệu buồn luyến tiếc băn khoăn bởi sự ngắn ngủi của đời người mà đặc biệt
là quãng thời gian thanh xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Nó là tuổi trẻ, ký ức của
tác giả, thời “quyết định thường dại dột/ dại dột bao giờ cũng hạnh
phúc”. Với nhịp thơ da diết, tạo cảm giác hồi tưởng, nhẹ nhàng, tác giả đã
gợi cảm nhận sự luyến tiếc thanh xuân, sự mất mát mà không thể nào có lại được.
Với phong cách đậm sắc thái Nguyễn Linh Khiếu, ông đã sử dụng những câu thơ ngắn
dài đan xen ngẫu hứng, nhiều điệp từ: sông Hồng (3 lần), sa hồng (2
lần), tuổi trẻ (3 lần), mong manh (6 lần); nhiều động từ và
tính từ như: khôn ngoan, hạnh phúc, run rẩy,… để tạo thành xung
năng chạm vào cảm thức của người đọc rằng thời tuổi trẻ dù có quyết định “dại dột” như
thế nào thì đó là một phần thanh xuân, ai cũng vẫn muốn quay lại khoảng thời
gian ấy. Bởi lẽ: “tuổi trẻ như một cây con xanh nhưng vị chua của nó thì
không phải trái chín nào cũng có được”… Từ đó, thôi thúc trong tim một
khao khát sống, khao khát tận hưởng. Như vậy, dưới bóng sông Hồng, cổ mẫu
nước là nguồn sống và tái sinh.
Bài thơ cộng gộp bao la thời gian và không gian. Sông Hồng
dài như hành trình đời người, nhiều lúc trên dặm dài ấy, con người mang trong
mình nhiều nỗi cô đơn, run rẩy, tuyệt vọng đến cùng cực. Vì thế, mỗi người cần
có những điểm tựa để dựa vào. Sông Hồng như cái bóng che chở, biết thu lại để
bung nẩy đúng lúc, và sự thật là nó luôn ở đó, dịu xoa khó khăn của hiện tại và
sự vô định của tương lai. “Sông Hồng” cứ mãi chảy, bồi đắp “sa hồng” thắm
đượm, là chiếc gương soi chiếu cuộc đời. Bâng khuâng đứng trên bãi bồi con
sông, giữa “gió chiều” và “hương quê”, dưới rám chiều
rực đỏ phía tây, người trẻ được dịp hoài niệm về những tháng năm nồng nàn,
chênh vênh và hoang hoải nhất. Điệp khúc sông Hồng: ”sông Hồng dịu
dàng đôi mươi nước nôi sa hồng lai láng/ những bãi ngô non những bãi dâu xanh
những mùa hoa cải những bông trinh nữ run rẩy tím ngát triền đê” đặt giữa
6 từ “mong manh” ám gợi cảnh vật của sông Hồng, sự to lớn hùng vĩ của sông
Hồng, tác giả choáng ngợp bởi cảnh đẹp của sông Hồng, cảm thấy mình thật
mong manh nhỏ bé trước quang cảnh thiên nhiên kỳ vĩ đó, khung cảnh hiển hiện ra
trước mắt, tất cả đều “mong manh” như thân phận con người. Thời gian đã
quen chảy trôi, con người thật khó chấp nhận nỗi “ly biệt”, nhiều day dứt,
ám ảnh khôn nguôi: “không ai trở lại tuổi trẻ của mình” Nhưng nó là một phần
của đời người như “cái chết là một phần của sự sống”. Hành trình ấy
là tất yếu và là một hy vọng, một xác tín thức tỉnh mỗi người phải biết trân trọng
vẻ đẹp những gì bình dị, gần gũi. Sông Hồng là cái “bến” bình yên
trong hành trình cuộc đời của mỗi người. Từ đó, có thể thấy cổ mẫu nước – cổ mẫu
sông Hồng là phương tiện thanh tẩy.
Từ khảo cứu, chúng tôi thấy Mưa và Dòng sông hiện lên là những
cổ mẫu đẹp, đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc. Hơn thế, với Nguyễn Linh Khiếu,
trong độ nén và sự phong phú của các cổ mẫu này còn là thế giới quan và nhân
sinh quan của ông. Hạt mưa đó là “nước trời cha” và khi rơi xuống “mặt đất
mẹ” thì đó chính là cuộc giao hoan vĩ đại của đất trời đó là ngọn nguồn của
sự sống của sinh sôi này nở. Bên cạnh đó, nước, con người, muôn vật thấm nhuần
vào nhau gắn bó chặt chẽ với nhau cho thấy một vũ trụ quan nhất thể hóa của tác
giả.
Tương tự, dòng sông không đơn thuần là dòng chảy mà đó là cuộc
đời con người, đó là số phận các dân tộc, đó là thế giới. Con người chỉ sống được
bên các dòng sông, mọi nền văn hóa từ hàng ngàn năm nay đều phát triển thịnh vượng
bên các dòng sông. Cổ mẫu dòng sông trong thơ Nguyễn Linh Khiếu cho thấy sự
tuôn chảy, bất định vô thường của đời người. Ông muốn nói về quy luật tất yếu của
đời sống với biết bao vui buồn. Dòng sông không chỉ nuôi sống con người mà còn
quyết định số phận các dân tộc.
Có thể khẳng định, các biến thể của cổ mẫu gốc nước, đó là cổ
mẫu Mưa và cổ mẫu Dòng sông vừa mang những ý nghĩa biểu trưng chung của nước vừa
có những hướng nghĩa biểu trưng riêng trong thế giới nghệ thuật của thơ Nguyễn
Linh Khiếu.
1/6/2021Lê Nam Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét