Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Khe khẽ đông về

Khe khẽ đông về

Tôi đã có cả tuổi trẻ chiến đấu ở miền Nam, đã tự coi quê hương thứ hai của mình là miền nam, nơi có những cảnh rừng lá thấp, có tiếng bìm bịp kêu ẩm ướt trong lòng nước và tiếng tắc kè đếm tuổi khàn khàn trên chạc cây cháy đen. Nhưng Hà Nội vẫn là nơi tôi sinh ra và sẽ là nơi tôi nằm xuống. Hà Nội xôn xao bốn mùa. lạnh thì lạnh ghê gớm nhưng đã nóng thì nóng không chịu nổi. Phải chăng chính vì thế mà cái man mác gió mùa thu, cái se lạnh nồng nàn của mùa xuân mới quý giá nhường bao. Cứ nghĩ, ngày nào cũng gió mát nắng vàng cả thì khoan khoái lắm nhưng tâm hồn con người sẽ nghèo đi biết chừng nào. Cũng như sau những ngày đông giá rét, cô gái Hà Nội cởi bỏ bộ áo lạnh xù xì ra, chân tay, mặt mày bỗng trắng mát như que kem mùa hạ như chú gấu con xinh xẻo sang một mùa đông ủ ấm bây giờ tươi mởn ra khỏi hang. Và cái cười nụ chứa nắng nơi cô kia nữa sao cứ gợi nhắc đến vị ngọt thơm của một hạt cốm Vòng đến thế.
Hà Nội con gái mùa nào cũng đẹp. Con gái mùa đông càng đẹp. Một cái đẹp buồn buồn. Một cái đẹp hướng nội. Dẫu rằng con gái Hà Thành hôm nay không hẳn chỉ là gốc nguồn Hà Thành, dẫu rằng các em được hội tụ từ khắp nơi tứ xứ trảy về nhưng chỉ ít tháng ít năm, khí thiêng Hà Thành lại đào luyện, đồng hóa tất cả để thoắt chốc các em đã mang vóc hình, tâm hồn con gái Tràng An.
Tôi thường nói, Hà Nội có hai niềm tự hào mà không phải nơi nào cũng có. Đó là cây xanh và vẻ đẹp con gái. Cây xanh thì khắc trồng khắc lên. Nhưng vẻ đẹp thì lại dường như tự nhiên mà có, như thế sông thế núi tạo nên. Lạ thế, cuộc sống càng khó khăn, càng hiểm nghèo thì vẻ đẹp con gái càng rạng rỡ, như chống lại, như thách thức với hoàn cảnh. Chợt nhớ lại năm nào, những chiều thứ bảy buồn, các em sinh viên, các em trường múa, trường nghệ thuật... đi ra từ khu Mai Dịch để trở về nhà nghỉ ngày chủ nhật, chỉ áo bông xanh, quần phíp đen, dép nhựa thôi mà sao làm dịu mềm đi cả một chiều chiến tranh bom đạn. Lại nữa, một sáng đẹp trời, các cô gái văn công quân đội rủ nhau đi dạo phố sau khi vừa dựng xong vở kịch múa “Lửa hận rừng dừa”, quân phục xanh tóc buông thả, mắt nhìn cũng xanh, vẻ đẹp vừa kiêu hùng, vừa rất giàu nữ tính ấy làm nghiêng lệch cả Tháp Rùa, làm ngẩn ngơ đôi mắt bao chàng trai Hà Thành đa tình đa cảm.
Con gái giữa đời thường đã đẹp. Con gái trong chiến tranh càng đẹp. Đẹp mỏng manh, đẹp siêu thoát, đẹp tội tình giữa lằn ranh sống chết. Như vẻ đẹp suốt đời, không bao giờ quên được của những cô du kích, giao liên thấp thoáng đi trong rừng chiến khu D năm xưa. Như hình sông thế núi nước non này sao cứ giống một thân hình con gái nhẫn nại, tần tảo, kiên trung, bền bỉ gồng mình dướn căng sức ra đại dương để chắn che cho đất liền tránh khỏi muôn ngàn bão tố.
Nhưng có lẽ cái làm ta đau đáu nhất là giọng nói. Giọng nói con gái Hà Nội thật nhẹ, thật chuẩn, thoáng chút tinh nghịch, thoáng chút nhõng nhẽo như chưa lớn, như vừa mới lớn, như chưa yêu lại như vừa được yêu, ngọt lịm, tinh khiết, như hát như ru và như... có gió thổi vi vu ở đầu lưỡi... Tiếng gió làm duyên cả những câu khó nói, những điều khó thốt thành lời.
Nhớ chiều ấy, em tiễn tôi đi vào chiến trường. Hai đứa chung một xe đạp. Nghèo quá, phải chung nhau mới đủ tiền ghé vào Mậu dịch ăn mỗi đưa một tô mì ”không người lái”. Nhưng có ăn được đâu, chỉ nhìn, chỉ nghe em nói đã no ngang rồi. Chiều muộn, dắt xe đi chậm nhẹ trên triền đê. Gió sông Hồng. Cánh buồm trôi khẽ. Em bỗng nói như gió: “Anh... Anh đứng trên này, em xuống kia, em... em đi... ấy một cái”. Lúc đó, tôi bỗng hiệp sĩ. Và cái tiếng ấy ngượng nghịu, e ấp và rất đỗi tin cậy đó chẳng dè đã theo tôi đi khắp các cánh rừng ẩm ướt, đã đỡ nâng cho tôi khỏi gục ngã trước kẻ thù, trước hoàn cảnh ngặt nghèo tưởng chừng không chịu nổi.
Tiếng con gái quê tôi như có tiếng gió thổi vi vu ở đầu lưỡi. Vâng, vậy mà suốt cả chục năm tôi đã xa nó, nhớ nó, thèm được nghe lại nó đến cồn cào. Thế rồi bỗng một ngày nghe tin có bác sĩ quân y người Hà Nội mới vào, đang ở trạm phẫu bên kia sông. Lắng chìm. Suốt ngày chỉ ra vào, chỉ mong trời chóng tối để vượt tám trăm mét nước sông Sài Gòn đầy cạm bẫy, ken đặc những giang thuyền trấn giữ sang với em. Sang chả để làm gì, cũng không cầu mong gì, chỉ để ghé tai vào vách lán nghe được một tiếng nói vi vu ở đầu lưỡi của em rồi lại bơi tám trăm mét nước chết chóc trở về, thế thôi. Nhưng tối hôm đó, oái oăm thay, chúng tôi lại có lệnh xuống sâu hơn nữa, cái việc qua sông không thực hiện được nhưng lạ quá, sau đêm đó, cứ có cảm giác như Hà Nội xa vời hàng ngàn cây số đang hiển hiện rõ ràng ngay bên kia sông, gần lắm.
Để rồi bây giờ, đã trở về sống giữa Hà Nội hơn hai chục năm nay, tôi lại thèm nhớ được nghe lại một giọng nói con gái Nam Bộ. Giọng nói trận mạc. Giọng nói đêm hôm. Giọng nói có tiếng sóng sông Sài Gòn ngào trộn. Giọng nói cũng có tiếng gió thổi vi vu ở đầu lưỡi. Chỉ khác cái vi vu đó sao cứ phảng phất một chút buồn buồn, một chút tồi tội. Cái buồn buồn tồi tội của giọng nói con gái một thời đi qua chiến trường. Vì thế mà thành yêu thành nhớ.
Khi yêu người ta có thể nói bằng mắt, có thể nói bằng miệng. Con gái Hà Nội biết nói bằng cả hai thứ một lúc. Nói vi vu, nhìn lúng liếng, bổ sung, hỗ trợ, đắn đo, ào ạt, sức nào chịu nổi. Tiếng nói ấy cũng biến động chút chút theo biến thiên dòng đời. Thời chiến tranh là tiếng gió nhẫn nại phả chút ngậm ngùi ly biệt. Thời bao cấp ảm đạm, tiếng nói kia vẫn gió nhưng đã có chiều chẳng còn ru êm như trước. Thời thị trường ngang ngửa, gam màu lại chuyển sang khí sắc chói chang, thậm chí thi thoảng xen vào cả những thanh âm nghiệt ngã, rít rẩm. Và bây giờ cuộc sống đang khấm khá dần lên, tiếng nói kia cũng dần dà tìm lại được hơi gió vi vu trong từng âm tiết ngọt dịu.
Anh, em đố anh con phố nào có cái tên dài nhất ở Hà Nội là phố gì nào? Ứ, không thế! Vậy phố ngắn nhất, phố chỉ có một ngôi nhà là phố gì?... Tiếng gió tuổi thơ. Không, đừng anh... Em sợ lắm! Anh không yêu em à? Tiếng gió nghẹn ngào. Anh... anh cứ đi đi! Sau này trở về, nếu có làm sao em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời. Trong gió có mưa bụi bay. Em vẫn yêu anh... Bây giờ mới là tiếng gió thổi biệt ly. Tiếng gió vi vu. Tiếng gió buồn buồn. Vui cũng buồn buồn. Yêu cũng buồn buồn. Giận hờn cũng buồn buồn. Chia ly càng buồn buồn thao thiết hơn.
Cả đời tôi, tôi sẽ mãi yêu cái nét buồn trong giọng nói con gái ấy. Đó chính là cái duyên thầm làm thắm sâu thêm cái ý nghĩa tồn tại trong cuộc đời vừa ngọt ngào vừa gió bụi này. Như que kem mùa hạ, như hương cốm đầu mùa đang nhẹ bay vào ngõ phố rất đỗi yên tịnh kia.
Phú Quang sinh ngày 13-10-1949 tại Hải Phòng
Nhạc phẩm đầu tay: Ballát "Niềm tin" viết cho viôlôngxen và pianô vào năm 1967.
Các tác phẩm khác: Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu, Im lặng đêm Hà Nội, Trong ánh chớp số phận, Mơ về nơi xa lắm,...
Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca, anh bảo anh viết xuất phát từ những rung động, những xúc cảm của mình. Dường như anh không có khả năng rung cảm về những đề tài khác và anh đã sáng tác trên nền những tình yêu có thật và cả những ảo tưởng về tình yêu của mình. Nhạc Phú Quang có một dấu ấn, một phong cách riêng, đầy chất tự sự, da diết, có khi nó lại vút cao, đầy kịch tính.
Nhạc sĩ Phú Quang được nhiều người biết với nhạc phẩm Em ơi Hà Nội phố, một ca khúc anh phổ thơ Phan Vũ, một ca khúc thật đẹp, nó đánh thức và nuôi dưỡng hoài niệm về Hà Nội trong lòng bao người Hà Nội và cả những người đã một lần đến Hà Nội:
"Em ơi, Hà Nội phố, ta còn em mùa hoàng lan, ta còn em mùa hoa sữa...".
Với anh âm nhạc đơn giản đó chỉ là nhu cầu tự bộc lộ. Hạnh phúc của người nghệ sĩ là sáng tạo và tìm thấy sự đồng cảm của công chúng với những sáng tạo của mình.

Em Ơi, Hà Nội Phố
Sáng tác: Phú Quang
Thơ: Phan Vũ
Em ơi! Hà nội phố - Hồng Nhung (1996)
Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa, chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ.

10/10/2009
Chu Lai
Nguồn: Heritage Fashion
Theo https://www.chungta.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...