Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Lãng tử trong đời, chí thú trong văn

Lãng tử trong đời, chí thú trong văn

Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu sinh ngày 10.12.1947, quê quán Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; hiện thường trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak; vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002. Từ năm 1975 - 1979, Nguyễn Hoàng Thu là cán bộ sáng tác Hội VHNT tỉnh Phú Khánh; từ 1979-1982, học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du; từ 1982-1991, là cán bộ sáng tác Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa; từ 1991-2008, phóng viên báo Thanh Niên thường trú tại Tây Nguyên. Tác phẩm chính đã xuất bản: Krông Ana không đổi dòng (trường ca, 2001); Con đường đêm (tiểu thuyết, 2002); Đi qua bóng tối (tiểu thuyết, 2005); Nỗi buồn đi qua (tiểu thuyết, 2008); Tiểu thuyết Nguyễn Hoàng Thu (tiểu thuyết, 2015).
Mười tám tuổi, học cọp được của bạn bè mấy miếng lên gối xuống chỏ thuộc loại chào mào mổ cứt, nghĩ mình vô địch võ lâm thiên hạ đến nơi, một đêm trăng sáng Nguyễn Hoàng Thu mới ra đứng tựa lan can cầu Ninh Hòa để tìm cơ hội thi triển võ công. Cơ hội đến nhanh như gió thoảng dưới dạng một thằng cà lê thất thểu. Thằng này cũng như Thu: “Trăng sáng vằng vặc/ Vác cặc đi chơi…”(ca dao); hơn Thu, có điếu thuốc lá lập lòe đầu môi; kém Thu, chưa hề qua một kỳ huấn luyện. Không biết Thái Sơn trước mặt, nó đi qua Thu như đi qua mô đất, chẳng chào hỏi, chẳng ngước nhìn, miệng phun khói phì phì như một đầu tàu hỏa. “Nếu núi không đến với Mohamed thì Mohamed sẽ đến với núi”, Thu nhìn con mồi nghĩ ngợi, đoạn vẫy nó lại, lên giọng:
– “Mày có thuốc cho anh điếu hút coi”
– “Mày là anh tao?” - Thằng kia ngạc nhiên.
– “Không chỉ anh mày, tao còn là ông nội mày nữa đấy con ạ” - Thu nói gằn giọng và sấn tới giật điếu thuốc trên môi thằng kia. Thằng kia tức mình ào đến ôm Thu vật. Trong những ngón nghề được truyền dạy, có ngón nghề nào dùng để hóa giải đối phương trong tình huống này?
Thu luống cuống nghĩ. Nghĩ chưa ra, đã bị thằng kia dằn ngửa xuống cầu rồi ngồi lên bụng mà đấm vào đầu vào mặt liên hồi kỳ trận.
– “Mày đánh tao? Mày đánh tao? Mày dám đánh tao?!”
Nằm dưới nó, Thu hỏi. Mỗi lời mỗi tiếng giống như từ dưới mồ vọng lên.
– “Tao không đánh mày. Tao đánh ông nội tao đấy chứ” - Thằng kia vừa cợt nhả vừa đấm Thu. Mỏi tay, nó đứng dậy vuốt lại bộ quần áo trên người, bỏ đi. Được mấy bước, như sực nhớ ra điều gì, thằng mất dạy, cái thằng cà lê thất thểu ấy quay lại cúi xuống chỉ mặt Thu, nạt:
– “Từ nay nhớ cạch mặt ông nội mày ra nghe con”.
Nhục nhã, Thu lồm cồm ngồi dậy, sờ cái đầu nổi u nổi cục như những quả ổi, đứng lên lủi thủi đi về nhà.
Như người ta, “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, bị đánh, về tìm thầy học cho tinh thông thập bát ban võ nghệ, sau đó tiếp tục ra tựa lan can cầu dụ kẻ thù xưa xuất hiện mà rửa hận. Thu trái lại, cứ nghĩ về cú vật của thằng kia là thấy ớn. Khốc liệt thì có đủ mà chẳng có chút gì hào hiệp, ly kỳ giống với những Thần điêu đại hiệp, Thiên nhai minh nguyệt đao, Như lai thần chưởng… của đám Kim Dung, Cổ Long, Liễu Tàn Dương mà Thu đã đọc. Cũng may đối thủ của Thu không có nghề, chỉ ra đòn bằng tay ngang. Nếu nó ra đòn bằng một tay nghề lão luyện, chắc Thu chẳng còn hàm nhai cơm. Thế là từ bỏ giấc mộng trở thành cao thủ võ lâm, với vốn Tú tài đã học Thu đi làm gia sư cho những đứa trẻ con nhà khá giả trong vùng kiếm cơm độ nhật. Biết Thu học giỏi, các bậc phụ huynh ở Ninh Hòa đem con đến gửi khá đông.
Bình thời có thể Thu đã nghĩ xa hơn về nghiệp gõ đầu trẻ mà thi vào Đại học Sư phạm Sài Gòn, nhưng những năm ấy (1964,1965) trên chiến trường miền Nam, “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình hình, tháng 12/1964, Nhà trắng và Lầu năm góc đã chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, tiến hành bằng lực lượng quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy Sài Gòn. Trong đó quân Mỹ giữ vai trò quan trọng và không ngừng tăng lên về số lượng lẫn trang bị. Sử liệu ghi: “Cuối năm 1964, lực lượng quân Mỹ có mặt ở miền Nam khoảng 26.200, đến cuối năm 1965 đã tăng lên đến 200.000”. Từ chỗ muốn thấy một lính Mỹ, Thu và bạn bè phải đánh đường vào Nha Trang thì nay chỉ cần bước chân ra ngoài lộ là đã có thể gặp. Nhưng điều này hơi nguy hiểm, vì cứ xớ rớ ngoài đường bất cứ lúc nào, những đứa trẻ mới lớn như anh cũng có thể bị bắt lính. Mặc dù không được tuyên truyền, nhưng nhờ đọc nhiều Thu sớm nhận ra sự phi nhân trong cuộc chiến mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang tiến hành, vì thế trốn lính đã trở thành một phản xạ tự nhiên trong anh.
Chạy trời không khỏi nắng. Một buổi sáng năm 1967, đang phóng xe máy qua ngã sáu Nhà thờ đá Nha Trang thì Thu bị quân cảnh chặn bắt hốt lên xe, ấn vào tay một khẩu súng, biến anh từ một thanh niên giàu mơ mộng thành một anh chàng lính thuộc Sư đoàn 23 bộ binh quân lực Việt Nam cộng hòa.
Với danh xưng Nam bình Bắc phạt Tây Nguyên trấn, Sư đoàn 23 quân lực Việt Nam cộng hòa có nhiệm vụ bảo an 4 tỉnh Nam cao nguyên Trung phần: Dak Lak, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng và 3 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung phần: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nó trấn nó phạt gì là việc của nó, Thu chỉ có một việc duy nhất: Trốn lính. Sau một thời gian huấn luyện, cuối năm 1967 tiểu đoàn của Thu được đưa lên đồn trú ở Quảng Đức (nay là tỉnh Đak Nông). Tại đây được một người bạn giúp giấy tờ, anh đã đi trực thăng xuống Sài Gòn đào thoát.
Sống ở Sài Gòn, Thu nhập vào phong trào học sinh sinh viên đấu tranh đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ, làm thơ, viết văn in trên các báo Trình bày, Đối diện. Một thời gian sau, nhớ quê, anh trở về Khánh Hòa sống lẩn lút ở Nha Trang, thỉnh thoảng ghé Ninh Hòa thăm mẹ. Năm 1969 Thu bị bắt trở lại, bị kêu án 2 năm lao công cải tạo. Đây là 2 năm cực nhất trong cuộc đời Thu. Trong thân phận người tù, bất cứ lúc nào các lao công đào binh cũng có thể bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị bắt làm những việc phu phen tạp dịch. Đầu tiên họ bị cạo trọc đầu, đào binh nọ cạo cho đào binh kia bằng một lưỡi dao lam do quân lao cấp. Những bộ quần áo dân sự bị tịch thu, thay vào đó là những bộ quần áo tù có in chữ L.C.Đ.B. Ngủ thì sắp lớp trong những căn phòng nóng nực, chật hẹp và bị còng tay. Hai người chung nhau một còng. Khi người này cần đi đại tiểu tiện, người kia buộc phải đi theo. Ăn uống thiếu chất, lại luôn bị xà xẻo. Nếu ngày nào trại có người bỏ trốn (chuyện này xảy ra thường xuyên), ngày đó cả trại phải chịu những hình phạt tàn khốc do những tên cai tù nghĩ ra. Không ít người gục chết từ những hình phạt đó. Những năm tháng chịu án lao công đào binh, tạo nên một dấu ấn đen ngòm trong ký ức Nguyễn Hoàng Thu mà thời gian không thể nào tẩy rửa. Truyện ngắn Người bắt ruồi được Thu viết trong thời gian này. Truyện kể về một lao công đào binh bị bắt giam và bị phạt phải bắt đủ 100 con ruồi sống mỗi ngày. Ngày nào bắt không đủ anh ta sẽ bị đánh roi bằng đúng số ruồi bắt thiếu. Hình phạt này đày đọa thể xác và tinh thần anh ta từng ngày cho đến chết.
Năm 1969 khi đang thụ án lao động cải tạo, trong một lần được điều đi cưa cây cẩm lai ở rừng Kon Tum, Thu cùng mấy người nữa băng rừng bỏ trốn. Thế là chưa xong án 2 năm cải tạo để sau đó được phục hồi quân tịch, bị đẩy lại chiến trường, những đào binh của chế độ Việt Nam cộng hòa lại một lần nữa đào thoát. Bỏ lại bộ quần áo có in mấy chữ L.C.Đ.B nhục nhã, những con chim trong Loài Chim Đi Biển cắt rừng tìm về với biển. Ra đến lộ, họ chia thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm đi một ngả. Nhóm của Thu tìm về thành phố, sống chui lủi ở Nha Trang, Huế, Sài Gòn, ở khắp các đô thị miền Nam. Từ đó: Bị bắt, bỏ trốn, lại bị bắt, lại bỏ trốn… trở thành điệp khúc đối với Nguyễn Hoàng Thu, kéo dài cho tới ngày giải phóng.
Tháng 3 năm 1975, tin Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng thất thủ liên tiếp dội về Nha Trang. Ban đầu chỉ là những lời đồn thổi, càng về sau càng được xác thực bằng những đám đông binh lính đào rã ngũ và dòng người dân di tản đổ từ cao nguyên xuống, từ những tỉnh ngoài Trung vô. Rồi đến một ngày chính quyền sở tại của nhà nước Việt Nam cộng hòa ở Nha Trang ngưng hoạt động. Thu như chim sổ lồng. Từ nơi ẩn cư bên kia cầu Bóng, sáng nào anh cũng ngồi sau xe máy của một người bạn chạy miên man trên các đường phố, lên Mã Vòng, xuống Cầu Đá, suốt con đường dọc biển. Ngày 2-4-1975, quanh trụ sở ty Dân vận Chiêu hồi ở ngã sáu thành phố rộn ràng người, già trẻ gái trai chen vai nhau đứng hàng hàng lớp lớp háo hức chờ đợi. Trên tay người nào cũng cầm sẵn lá cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng ở giữa bằng vải và bằng giấy cắt may tự lúc nào. Bỗng đám đông xôn xao nhốn động. Những lá cờ lớn nhỏ tung cao phấp phới cùng tiếng người reo vang: “Lính Giải phóng vào!…”, “Bộ đội Giải phóng vào kia rồi!…”. Đứng lẫn trong dòng thác người, Nguyễn Hoàng Thu hăm hở chồm người ra, nhích chân thêm một bước. Nắng chiếu vàng rải trên mặt đường. Đoàn xe tăng Giải phóng lăn bánh xích sắt nối nhau vào thành phố. Những lá cờ đỏ sao vàng, cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng ở giữa tung bay trên nóc mỗi xe tăng. Khuôn mặt những người lính Trường Sơn trẻ trung hiền từ. Nước mắt Thu rưng rưng tự lúc nào. Nhìn sang người bạn đồng hành, Thu cũng thấy dòng lệ hân hoan chảy trên gương mặt anh. Thu nắm tay bạn nói trong nước mắt:
– “Anh em mình không còn phải lo âu trốn tránh nữa…”
Tháng 4 lịch sử đi qua. Sang tháng 5, một buổi sáng Nguyễn Hoàng Thu bất ngờ được gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Bổng vào Nha Trang ngay sau ngày non sông Việt Nam thu về một mối. Trong những việc phải làm ở đây có một việc ông tự đặt ra cho mình, là trao tận tay tác giả truyện ngắn Người bắt ruồi tờ báo biếu cùng 22 đồng nhuận bút. Như đã kể ở trên, truyện ngắn Người bắt ruồi của Nguyễn Hoàng Thu in tạp chí Đối diện xuất bản ở Sài Gòn năm 1972. Không hiểu nó ra Bắc bằng con đường nào. Năm 1973 báo Văn nghệ in lại và ông Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bổng đã giữ nó cho đến tận ngày Nha Trang giải phóng. Tôi  được biết chuyện này khi đọc phóng sự dài kỳ “Sóng vẫn dập vào bờ biển Nha Trang” của ông in báo Văn nghệ năm 1975. Hơn 40 năm sau biết thêm một lần nữa khi nghe Nguyễn Hoàng Thu kể lại. Điều tôi lấy làm lạ là trong cuộc gặp gỡ ấy, ngoài việc khuyến khích các cây bút trẻ ở thành phố biển viết, nhà văn Nguyễn Văn Bổng còn khuyên Nguyễn Hoàng Thu cố gắng đi học trường Đại học Viết văn Nguyễn Du mà Hội Nhà văn sẽ mở trong tương lai. Cuối năm 1979 trường khai giảng khóa 1, cả Thu và tôi đều là học viên. Thu thì biết, nhưng tôi và nhiều học viên khác không biết, để có được trường cho chúng tôi học, Hội Nhà văn đã phải lao tâm khổ tứ lâu đến thế.
Trở lại chuyện những ngày đầu giải phóng. Trong tâm thế nhập cuộc, sáng 9.5 Nguyễn Hoàng Thu tới Tòa soạn báo Phú Khánh, cơ quan của tỉnh đảng bộ tỉnh Phú Khánh đóng ở đầu đường Yersin gõ cửa phòng Tổng Biên tập tự giới thiệu mình, xin việc làm. Đã đọc truyện ngắn Người bắt ruồi, nay gặp tác giả, ông Tổng Biên tập báo ký giấy nhận ngay anh vào làm cán bộ biên tập. Thu làm ở báo ba năm. Năm 1978, chuẩn bị nhân sự cho sự ra đời của Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Phú Khánh, nhà thơ Liên Nam đã làm công văn xin anh về Ban, Nguyễn Hoàng Thu trở thành cán bộ sáng tác văn học của Hội Văn nghệ Phú Khánh từ bấy. Sự kiện trên đã khiến năm 1978 trở thành một cột mốc huy hoàng trong cuộc đời Nguyễn Hoàng Thu. Tại Hội Văn nghệ tỉnh, anh được vào biên chế nhà nước, được đi dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam mở, thời gian ba tháng ở Hải Dương. Bây giờ cơ chế thay đổi, những sự kiện trên đã bớt đi tầm quan trọng, nhưng cách đây hơn 40 năm chúng có ý nghĩa sống còn, giúp Thu tự tin đi trên con đường đã chọn. Ba tháng dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó thêm ba năm (1979-1982) học Trường Viết văn Nguyễn Du là quãng đời quan trọng góp phần quyết định làm nên văn nghiệp Nguyễn Hoàng Thu. Sống ở Hà Nội, anh có dịp gặp gỡ tiếp xúc với các bậc Trưởng lão của nền văn học Việt Nam hiện đại, các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh… mà bấy lâu anh mới chỉ được biết qua tác phẩm. Những câu chuyện văn chương của các thầy và các bạn văn giúp Thu mở rộng tầm nhìn. Tiểu thuyết Con đường đêm, nói về cuộc đời của những lao công đào binh trong chế độ cũ được anh viết trong thời gian này.
Con đường đêm cũng như Đi qua bóng tối, Nỗi buồn đi qua, những tiểu thuyết Nguyễn Hoàng Thu viết về sau này, thực tế là tiểu thuyết bộ ba tự thuật.
“Đi” hết ba tiểu thuyết của Nguyễn Hoàng Thu, tôi vui nghĩ, năm 18 tuổi nếu Thu thắng áp đảo thằng cà lê thất thểu trong cuộc hơn thua, biết đâu đời sẽ mất một nhà văn, thay vào đó thêm một người chuyên sống bằng nắm đấm. Nhưng đời thay đổi khi ta thay đổi. Bị đối phương cho knock out ngay trong lần xuất thế đầu tiên, Thu trở thành nhà văn, viết nên những tác phẩm đóng góp không nhỏ vào một kênh hẹp của văn học, đó là viết về những người lính phía bên kia chiến tuyến và điều này giúp cho độc giả yêu văn học có thêm cái nhìn nhiều chiều về cuộc chiến tranh khốc liệt của đất nước - chiến tranh chống Mỹ!.
28/5/2021
Ngô Hoàng Hoa 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...