Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu - Một biểu tượng văn hóa dân tộc

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Một biểu tượng văn hóa dân tộc

Đối với người Nam bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng mà còn là một tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, tiêu biểu cho văn hóa của đất nước Việt Nam. Các cơ quan chức năng, các nhà văn hóa đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1.7.1822 - 1.7.2022).
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Thà đui mà giữ đạo nhà
Trở lại Cần Giuộc, Long An, nơi trong thời gian chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sống và sáng tác, viết nên tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, tôi gặp nhiều người dân vẫn đam mê sưu tầm tác phẩm, sự tích về nghĩa sĩ Cần Giuộc và về Nguyễn Đình Chiểu. Rất nhiều người có thể đọc làu làu Lục Vân Tiên.
Anh Mai Bình Phục, người dân ở cạnh chùa Pháp Tánh kể: “Tôi yêu thích thơ văn cụ đồ Chiểu, thích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nên nhiều năm đi tìm danh tính, các vị chỉ huy và sự tích cuộc chiến đấu tại Cần Giuộc quê tôi. Chính nhờ tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu mà người đời sẽ không quên những nghĩa sĩ đã ngã xuống vì non sông đất nước”.
Cuộc đấu tranh mà cụ Đồ Chiểu tích cực cổ vũ, đó không chỉ là cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ Việt Nam mà còn là cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa Việt Nam trước sự xâm lăng của súng đạn và văn hóa ngoại bang.
Nguyễn Đình Chiểu viết rằng: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ/ Dầu đui mà khỏi danh nhơ/ Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình/ Dầu đui mà đặng trọn mình/ Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu”.
Cuộc đấu tranh chống Pháp, theo cụ đồ Chiểu, đó là cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa, bảo vệ truyền thống, bảo vệ bản sắc của một dân tộc phương Đông trước kẻ xâm lược phương Tây.
Anh Mai Bình Phục nguyên là giảng viên đại học, anh rất tâm đắc những câu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. Anh Phục nói rằng: “Cả đời cụ đồ Chiểu đau đáu với việc bảo vệ văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Chiếc bát cơm của Nguyễn Đình Chiểu 
được thờ tại gia đình ông. Ảnh tư liệu
Tài, chữ đức vẹn toàn
Nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng, một người ở Cần Giuộc đã dành cả cuộc đời sưu tầm về Nguyễn Đình Chiểu. Chính cô là người đã dựng tấm bia tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu gần chùa Tôn Thạnh vào năm 1973. Nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng nói với phóng viên: “Nhiều học giả, dịch giả Pháp và các nước gặp tôi, họ đều nhận định Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa có tầm vóc nhân loại”.
Theo PGS.TS. Đoàn Lê Giang: “Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp, bắt đầu từ bản của G.Aubaret (1864), sau đó có bản dịch của Abel des Michels (1883), E.Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997)… có ít nhất 6 bản tiếng Pháp. Năm 1985, Lục Vân Tiên còn được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của Giáo sư Takeuchi Yonosuke. Năm 2016, Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của ÉricRosencrantz. TacTacVới 3 thứ tiếng và 8 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều (21 thứ tiếng, hơn 70 bản dịch), Nhật ký trong tù (khoảng 16 thứ tiếng, 20 bản dịch)…”.
Tác giả bài viết và nhà nghiên cứu 
Châu Anh Phụng (trái) tại Long An. Ảnh Mai Thị Bé
“Không chỉ sách văn chương, mà cuốn “Ngư tiều vấn đáp y thuật” nói việc chữa bệnh của cụ Đồ Chiểu cũng là một trong những cuốn sách được giới y học quan tâm. Người ta tìm kiếm, sưu tầm, học hỏi ông với tư cách một vị danh y lớn của dân tộc” - Nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng nói.
Nguyễn Đình Chiểu viết: Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành/ Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không”.
Những ngày ngụ trong chùa Tôn Thạnh, dù việc chống Pháp rất gian nan nhưng cụ Đồ Chiểu vẫn thường ngày bốc thuốc cứu dân, chữa bệnh cho dân miễn phí.
GS.TS. Bùi Quang Thanh nhận định “Cụ Đồ Chiểu là người thầy trong lòng người dân Nam Bộ, với biểu tượng về ý chí, nhân cách và tình cảm nhân văn đối với quần chúng nhân dân. Cụ hoàn toàn xứng đáng là một biểu tượng văn hóa nhân văn của dân tộc và xa hơn”.
Nỗ lực “đưa” Nguyễn Ðình Chiểu ra thế giới
Theo nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng: “Người nước ngoài biết tới Nguyễn Đình Chiểu phần nhiều dựa vào văn thơ của ông, song cụ đồ Chiểu rất xứng đáng được tôn vinh với tư cách một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam”.
Năm 2020, Nhà xuất bản Thế Giới đã in tác phẩm tiếng Anh, giới thiệu cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu do GS.TS Nguyễn Chí Bền viết. GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhận định: “Có thể nói, lịch sử văn chương nhân loại ít có trường hợp nào như Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi sao có ánh sáng khác thường - nhà thơ mù lòa mà tác phẩm mang tầm vóc lớn lao, kỳ vĩ; một tâm hồn trong sáng, đau đáu vì vận nước”.
Cuối năm 2020, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức Hội thảo khoa học về Hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022). Tất cả các đại biểu, các nhà khoa học và người dân đều đồng tình việc đề nghị tổ chức UNESCO tôn vinh cụ đồ Chiểu là một nhà văn hóa thế giới. Hiện hồ sơ gửi tổ chức UNESCO đang được hoàn thành.
Chia tay tôi, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng đưa ra một bức thư ngỏ viết tay gửi cho các nhà quản lý văn hóa. Nội dung bức thư có đoạn: “ Năm 2022 tới đây là năm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tròn 200 tuổi (1822-2022). Nhân dịp này UNESCO đưa ra xem xét hồ sơ về cụ để tặng danh hiệu Danh nhân văn hóa cho cụ. Tôi hy vọng, nhà thơ lớn của đất Nam Bộ này được phong tặng để đứng vào hàng ngũ Danh nhân văn hóa Thế giới như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh trước đây”.
Nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng nói: “Tôi năm nay 81 tuổi, già yếu lắm rồi. Rất nhiều người nghiên cứu, hâm mộ cụ là bạn bè của tôi đều đã qua đời hoặc rất yếu. Chúng tôi chỉ mong được sống và chứng kiến cái ngày cụ đồ Chiểu được thế giới vinh danh là một nhà văn hóa vĩ đại”.
24/5/2021
Trần Nguyễn Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...