Phạm Xuân Nguyên: Phẩm chất và
thái độ của phê bình văn học
Gần như không một ai có ít nhiều quan tâm đến văn học Việt
Nam hiện đại, đến đời sống phê bình văn học Việt Nam, lại không biết đến Phạm
Xuân Nguyên. Nhưng phải đến công trình mới đây nhất, Nhà văn như Thị Nở*,
cũng là cuốn sách đầu tiên của ông, người ta mới biết tương đối hệ thống về
hành trang phê bình của Phạm Xuân Nguyên, “gã đầu bạc” trên các diễn đàn liên mạng,
“cán bộ cử nhân phê bình” ở Viện Văn học, “ông chủ tịch” Hội Nhà văn Hà Nội
chuyên trao giải thưởng văn học thường niên uy tín với nhiều dư luận,… - song
luôn là người thuộc về mọi nơi nhưng không thuộc nơi nào.
Hơn 50 tiểu luận về hơn 50 tác giả và vấn đề văn học, tạo
thành “Nguyên văn 1”, trong sự vẫy gọi và đặt điều kiện cho các “Nguyên văn” tiếp
theo, bộc lộ một kinh lịch và kiến văn sâu rộng, một quan sát và trải nghiệm
nghệ thuật tinh tế, một thái độ và quan niệm văn học thẳng thắn, cởi mở,… bằng
một văn phong hấp dẫn, lôi cuốn.Tiểu luận đầu tiên, Nhà văn như Thị Nở, hiện diện như
tuyên ngôn của Phạm Xuân Nguyên về văn học và nhà văn, theo đó đặt định nhiệm vụ
cho nhà nghiên cứu và nhà phê bình. Với ông, mỗi nhà văn trong đời sống như (phải/ nên)
là Thị Nở trong làng Vũ Đại. Bởi thị nhìn thấy nhân tính trong một kẻ
không nhân dạng, sau đó, nhờ sự tin yêu ấy, nhen lên khát vọng thiên
lương ở kẻ bị/tự đày đọa trong tăm tối bất lương. Công cụ của thị là “bát
cháo hành”, “hơi cháo hành” khi đã được thổi vào đấy niềm tin yêu. Nên theo đó,
văn học cũng (phải/ nên) như là “cái hơi đó.” “Nhà văn làm sao tỏa được cái hơi
đó. Sao cho mỗi trang văn là một bát cháo hành Thị Nở cho người đọc văn”. Vì vậy,
dẫu cuối cùng Chí Phèo có chết, nhưng hắn vẫn luôn tồn tại, bởi hắn đã biết hướng
thiện/ hướng thượng. Phạm Xuân Nguyên viết: “Con người yếu đuối, bất lực và có
thể độc ác nữa, nhưng một khi con người đã hướng thiện, một khi tính thiện đã
trỗi dậy trong con người, thì văn học phải truyền giữ và phát huy tinh thần đó
của con người, cho con người”. Nhà văn, thông qua tác phẩm, đặt niềm tin yêu
vào tính thiện “của” và “cho” con người như thế, và người đọc, tiếp nối vào đó,
“truyền giữ và phát huy tinh thần đó”. Phạm Xuân Nguyên và cuốn sách của ông nhất
thống trong tinh thần này.Cuốn sách, ngoài tiểu luận nhắc đến ở trên, “như một lời đề từ,
nhằm nêu lên một quan niệm về người văn, nghề văn” của riêng Phạm Xuân Nguyên,
được cấu trúc thành hai phần, về các tác giả đã mất (“Người của hôm qua”) và về
các tác giả đương thời (“Người của hôm nay”). Tuy các tiểu luận được tập hợp từ
những thời điểm khác nhau, song khá thống nhất về giọng điệu và bút pháp. Sắp xếp
theo tác gia, tác giả và dòng chảy văn học, cũng là một cách để cuốn sách có thể
phác thảo về đời sống văn học Việt Nam hiện đại, dù còn rất nhiều khoảng trống.
Song phê bình của Phạm Xuân Nguyên ở đây không chỉ (và không phải) là phê bình
phong cách học, để mỗi tác gia, tác giả hiện lên như một dấu mốc của quá trình
văn học sử. Phạm Xuân Nguyên có biệt tài trong việc khắc họa, làm nổi bật thần
thái của chân dung mà ông dựng (chẳng hạn với Hoàng Trung Thông, Hoàng Ngọc Hiến,
Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Phong Lê,…). Phần lớn tiểu luận trong tập sách là những
cách đọc khác nhau vào “văn bản nhà văn” mà Phạm Xuân Nguyên quan tâm hoặc có dịp
hạnh ngộ trong đời. Những tiểu luận này độc đáo và/hoặc ở hai khía cạnh: thứ nhất,
luôn có một vấn đề nào đấy, có thể rất nhỏ, phụ, bên lề so với sự nghiệp của
nhà văn, được giải phẫu một cách tỉ mỉ, công phu bằng cái nhìn bén nhạy của nhà
phê bình (chẳng hạn với Nam Trân, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Xuân Quỳnh, Dương Tường,
Bùi Ngọc Tấn,…); thứ hai, lối tiếp cận và nghệ thuật thể hiện những tri kiến của
nhà phê bình nhà văn và tác phẩm (chẳng hạn với Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ
Bão, Ma Văn Kháng,…). Phê bình của Phạm Xuân Nguyên ở những tiểu luận này, vì vậy,
hiện diện như những câu chuyện văn nghệ. Nó thẳng thắn, sắc sảo, vui tươi suồng
sã hay trầm nghị ưu tư,… nên nó không chỉ góp phần khơi mở vào thế giới
của nhà văn mà còn góp phần khai mở những vấn đề phức tạp của đời sống
văn học Việt Nam đương đại. Nhất là ở khía cạnh thứ hai, cuốn sách còn được bổ
trợ bởi một số tiểu luận (dài hơi) được viết với văn phong nghiên cứu nghiêm cẩn
và chặt chẽ, có thể tập hợp riêng để đứng ra như những suy tư về lịch sử và các
vấn đề văn học (như các tiểu luận lấy chất liệu từ sự nghiệp của Hoài Thanh, Vũ
Trọng Phụng, Xuân Diệu, Trần Dần, Lưu Quang Vũ, Bùi Ngọc Tấn, Bảo Ninh,…).Tuy nhiên, điều đáng kể và cũng là cảm hứng lớn nhất mà cuốn
sách có thể đem đến cho bạn đọc là thái độ phê bình của Phạm Xuân Nguyên. Rất
ít nhà phê bình thể hiện rõ ràng vị thế của mình như một trí thức công chúng,
và sự nghiệp phê bình hiện diện như một tham dự vào đời sống, một can thiệp vào
xã hội, như cách ông đã lựa chọn. Thái độ nhập cuộc văn chương và đời sống như
vậy đem lại phẩm chất đáng kể cho cuốn sách, trong cách thức nó khích động sự
quan tâm, sự suy tư, cũng như nhu cầu dấn thân xã hội của nhà văn và bạn đọc. Tất
cả khiến cho những thiếu hụt về tác gia, tác giả văn chương hiện đại Việt Nam
trong công trình này, trở thành một đòi hỏi với tác giả ở những “Nguyên văn” tiếp
theo, trong cùng một cách mà nó nhen nhóm ở bạn đọc ngọn lửa nhiệt tâm với văn
chương và xã hội, để “truyền giữ và phát huy” nhân tính như một gợi ý của Phạm
Xuân Nguyên từ và trong cuốn sách này. Tất nhiên, bên cạnh “Đông Ki sốt điên
hay tỉnh” (các tiểu luận về văn học nước ngoài) như ông đã “thưa cùng bạn đọc”.
“Đây là cuốn sách viết đầu tiên của tôi sau ba mươi năm vào
nghiệp viết nghiên cứu phê bình văn chương, dẫu tôi đã có gần chục đầu sách dịch
được xuất bản. Nói cách khác đây là lần đầu tiên cái tên Phạm Xuân Nguyên nằm
ở vị trí tác giả của một cuốn sách, trong khi bút danh Ngân Xuyên đã xuất hiện
nhiều lần trên các bìa sách ở vị trí dịch giả. Lý do vì sao tôi chậm ra sách
viết thì rất dễ nói - là tôi lười gom bài đã viết để tập hợp lại cho có một
hình hài, hệ thống, nhưng lại rất khó nói - là tôi thấy chưa tự bằng lòng với
những cái mình viết ra không có một hệ thống, hình hài rõ nét. Nay vì sự ưu
ái, thúc giục của các bạn ở Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam suốt bốn
năm qua mà mình cứ chây lỳ, hẹn lên hẹn xuống thì thực sự không phải phép,
nên đành cố gắng ra sách. Vậy đây là cuốn sách viết đầu tiên của tôi. Khoảng dăm bảy năm trước, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Lao Động, tôi có nói là sắp tới sẽ cho xuất bản năm cuốn sách của mình gồm những bài viết phê bình văn chương, tranh luận văn học, dịch thuật (văn, thơ, lý luận). Mỗi cuốn tên tác giả và tác phẩm chỉ bằng hai chữ ghép lại, sẽ có: “Nguyên văn” - tức những bài viết phê bình của Nguyên”, “Nguyên luận” - tức những bài tranh luận của Nguyên, rồi “Nguyên ngữ” (ba tập) - tức những tác phẩm dịch thuật của Nguyên. Đấy là một cách chơi chữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình thành ra lối nói thuận trong trường văn thôi. Nhưng cái “sắp tới” của tôi kéo dài quá lâu, bạn bè có người thỉnh thoảng nhắc lại chuyện đó và hỏi kháy tôi sách đâu. Nay ra cuốn sách viết đầu tiên của mình tôi nhớ lại lời hứa trước đây nên lấy tên sách là Nhà văn như Thị Nở kèm theo phụ đề “Nguyên văn 1”. Như thế nghĩa là có hứa hẹn những “Nguyên văn” khác, ví như cuốn 2 đang làm sẽ mang tên là Đông Ki Sốt điên hay tỉnh…”. Trích “Thưa cùng bạn đọc” (Nhà văn như Thị Nở). |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét