Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Lê Thiết Cương và mỹ học vuông - tròn

Lê Thiết Cương và mỹ học vuông - tròn

Mỹ học vuông - tròn là căn bản của triết lý âm dương thuộc minh triết phương Đông, thấm sâu tận đáy nghệ thuật Việt và dĩ nhiên - hội họa Việt.
Có lẽ tài năng tự thân của người thầy hướng đạo, kiểu thi sĩ Đặng Đình Hưng, đã phát hiện tài năng hội họa bẩm sinh của Lê Thiết Cương và ý thức việc dắt dẫn Cương vào chính cái quỹ đạo mĩ học âm - dương đầy mê hoặc này, để từ đó hình thành độc đạo duy nhất mà Cương đang đi, như mê lộ, đó là vẽ tối giản. Với chỉ độc trọi bố cục riết róng hai khuôn hình chật chội: vuông - tròn. Té ra, trọn vẹn cả mỹ học hội họa của Cương, lại nằm ở hai khuôn hình căn cơ ấy của triết lý sống phương Đông, với bản nguyên minh triết đến giản dị: Trăm năm tính cuộc vuông tròn - Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. Và, mẹ tròn con vuông, Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài…, ấy là những triết luận về cái sống của cả dân gian lẫn bác học, tồn tại hằng thường và xanh li ti bất tận trong đời sống Việt, lúc nào, khi nào cũng như sông, thao thiết một lòng chảy ra biển…
Vậy nên, Cương có một lối vẽ bố cục rất chặt chịa của tư tưởng mỹ học lấy tối giản về hình họa làm nguyên tắc tối thượng.
Từ nguyên lý mỹ học riêng tư này, Cương thấy mình chính là mình trong cả sự thách đố lẫn sự bùng nổ của vận động hội họa tự thân. Còn gì có thể thách thức hơn khi người họa sĩ tự neo mình chỉ vào hai khuôn hình cơ bản vuông tròn, mà cùng lúc lại khát khao nới rộng mình, bay đến chân trời xa xanh ngát, khởi từ chính hai hình họa cơ bản ấy? Cương đã suốt đời tìm kiếm câu trả lời đầy vô thường ấy, để rồi “tự nhiên nhi nhiên” từ từ mở cánh (theo cách mà Trịnh Công Sơn diễn đạt, đẹp đến vô ngôn trong nhạc Trịnh, nhuốm đậm sự bung nở triết lý nhà Phật trong hình ảnh mãn khai của Đóa hoa Vô thường). Cương biết, có lúc bằng ý thức, song có lúc thành vô thức hồn nhiên (chẳng phải con đường vận hành của ý thức-vô thức cũng mang/ cũng chính là chuyển động âm dương đó sao?. Thì nó ở ngay trong giản dị của vỡ lẽ dân gian đấy thôi, với từng cặp đôi hệ quả, hệ lụy: trèo cao ngã đau, gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành, lạt mềm buộc chặt, cứng quá dễ gãy, nước chảy chỗ trũng, khóc lên tiếng cười, cười ra nước mắt v.v... và v.v…) rằng, đã tựa được lưng vào biến ảo khôn cùng của triết lý vuông tròn phương Đông, thì bố cục tranh, một mặt sẽ rất chật chội, chặt chẽ, không lơi lỏng, buông bỏ trễ tràng, song, ý nghĩa, dư ba, dư ảnh của nó, cùng lúc, lại bùng phát những bát ngát mênh mông không giới hạn, chẳng bến bờ của… đóa hoa vô thường.
Trong triển lãm mới nhất gần đây, cuối năm 2013, lần đầu kết hợp tranh xé giấy của nữ họa sĩ Hoàng Phương Liên, gọi vui là Liên “xé giấy”, với tranh gốm mosaic của mình, Cương đã đưa bố cục tối giản vào chất liệu gốm, với phát hiện về sự lên màu lạ lùng đẹp của gốm mosaic trong mĩ học tối giản.
Tôi đâu nghĩ màu của gốm lại đẹp rực đến chói chang và thăm thẳm đến thế, trong biến ảo kì diệu của vuông tròn căn cơ, tạo thành tính dị biệt chẳng giống ai của hội họa tối giản Lê Thiết Cương. Khi hình họa Cương lại có thể đổi chỗ cả quan hệ vuông tròn về bản chất: dáng hình thiếu nữ thiếu phụ của Cương đều được nén chặt trong hình tròn, cong veo óng nuột như thể giọt nước, giọt sương, như thể hạt gạo trắng trong quê mùa mà hàng ngày ta vẫn bưng bát cơm thơm lên ăn, nhìn hạt mưa rơi tròn vo rớt xuống từ vòm cây xao động lá sau mưa qua cửa sổ nhà ta…(tròn vốn là mã số của yếu tố Dương đấy. Trong quy luật âm dương, tròn chính là chuyển động, vẫy vùng không đứng yên, mang vẻ đẹp dương tính, ấy thế mà Cương tai ngược độc đoán, đã chỉ dùng tròn để vẽ phái đẹp là phái yếu, âm tính, vốn mang biểu thị là hình vuông). Bởi vuông là mã của bản nguyên âm tính, ít chuyển động, tĩnh tại, về bản chất là đứng yên. Và Cương lại vẫn tiếp tục tai ngược, dùng vuông để vẽ đàn ông, trong bố cục vuông vắn, trầm tư và sâu thẳm, hình khối chằn chặn vững chãi.
Với ý nghĩ nhuốm đầy trực giác ấy, tôi bao giờ cũng thích một mình chiêm nghiệm và nhất định chỉ thích va đập với tranh Cương bằng…trực giác, như đã từng, đang và sẽ từng thích va đập với tranh đẹp của bất cứ họa sĩ nào, cũng chỉ theo cách ấy, mặc lòng. Bức vẽ của Cương như toàn hình vuông góc cạnh, màu gốm đầm trầm nâu, hình đàn ông ghi xám nhạt, đáy tranh màu xanh lợt, đẹp đến thảng thốt, được Cương đặt tên tranh chỉ một chữ: Nghĩ, với câu thơ gắt buồn, ăn mặn vào tâm trạng tranh Cương của thi sĩ Du Tử Lê, do chính Cương chọn làm đề từ: cúi xuống một dòng sông/ nhớ gì không bé dại/ nghe tự hồn lược gương/ tuổi thơ quành bước lại/ hờn em đầy hai vai/ nghìn năm không gột rửa.
Đây đâu phải cuộc gặp vô tình giữa thơ và tranh, mà là một hạnh ngộ đớn đau của số phận. Và cùng dòng nghĩ, là tranh Độc thoại, với bố cục xoe tròn, cuốn chặt tư thế cô gái ngồi bó gối tròn trịa trước nụ sen còn ngậm (sen của Cương thường có tỷ lệ nhỏ xíu trong bố cục với hình người và không hiểu  sao, không bao giờ nở). Thật là một tư thế uốn tròn trong khuôn hình được Cương tạo dáng đẹp khủng khiếp, vừa kinh điển vừa gợi mở đến muôn trùng hiện đại. Đặc biệt là sự rạn vỡ màu xanh dương nhạt của các nét xô đẩy bên trong hình tròn cô gái, ngồi cúi đầu ngắm/ đối thoại với đóa sen, nổi bật trên sắc đỏ tía của màu nền rực rỡ ánh đỏ. Bức tranh ấy đã bay lên vút cao vẻ đẹp chất liệu gốm mosaic - sơn mài, với rưng rưng câu thơ tình tinh tế của Du Tử Lê: đi, như nắng nỏ tay người tháng chạp,/ trên môi tôi còn mặn, cỏ ai, rừng/ chim ngậm ngải, tìm hương trầm tháng sáu/ gối chăn kia thương mãi chỗ ai nằm.
Hóa ra nỗi tranh đong đầy buồn thương váng vất của nỗi thơ, không biết sao mà tranh Cương được duỗi mình êm đềm đến thế dưới bóng chữ xao động của thơ tình Du Tử Lê? Có thể những vỡ vạc li ti về trực giác ấy trước tranh Cương sẽ theo níu hồn ta, trong cả một chiều mùa đông trở tối ngày Tết Nguyên đán Mậu Ngọ 2014 năm nay, khi ta nhấp môi chút rượu màu hổ phách, nghe lòng ngâm ngấm cái chén xuân tàng tàng trong lòng con phố cổ Hà Nội của galery 39A Lý Quốc Sư, ngôi nhà cổ của Cương, nơi cố thủ pháo đài buồn của Cương, thỉnh thoảng rơi vào trưa vắng vài tiếng chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội thong thả ngay gần đấy - nơi chốn duy nhất mà ta có thể đến nâng ly, chuyện trò nở như cơm gạo vàng giữa bạn hiền và có thể không chuyện trò gì, cũng chẳng sao…
Cương tuổi Nhâm Dần 1962, tính cách hội họa gắt gao quyết liệt như thế, cũng không tránh khỏi “ngã ngựa” ở đời riêng. Có điều, Cương chọn “ngã vào mình”, ngã vào trái tim mình thì thật đau, nhưng đó là lựa chọn của Cương. Tôi đã viết về cái sự ngã ấy trong bài thơ Hoa phố cổ bất  ngờ lượm được trên cánh máy bay Hà Nội - Sài Gòn hôm 29.12.2013: Chàng họa sĩ bảo mình thoát hiểm/ đàn bà đã biến khỏi đời tôi/ Tự do tôi, độc lập tôi/ Như trúc đứng đầu đình, một mình một cõi/ Sớm nay, tự tay chàng cắm bình hoa chật cứng/ mười chín bông hồng bạch/ ngần ngận nụ trinh nguyên/ Dìm thật sâu lòng bình/ trong suốt pha lê/ Chàng cầm tù, nhốt chặt/ Không cho nụ hồng nào ngoi khỏi miệng bình/ nước ngập tận cổ hoa/ Chao ôi/ Giai phố cổ/ ngã vào lòng phố cổ/ thành phố ở trong sông…
Sáng 5 Tết Mậu Ngọ 2014, Hà Nội
Nguyễn Thị Minh Thái
Theo http://vanviet.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...