Về
đâu những cánh chim trong ca dao
Câu hát đối theo bạn cày (in tại
Sài Gòn từ năm 1930) - Tư liệu L.M.Q
1. Nhiều khi một mình đứng giữa cánh đồng bao la, chập chờn sóng
lúa, tôi lại thích ngẩng đầu lên, nhìn bầu trời xanh với vô số mây trắng bềnh bồng
trôi, và mong tìm những cánh chim trong ca dao. Cánh chim của thời thơ ấu, vừa
thích thú tò mò, lại vừa hồi hộp run sợ vì bởi đó là con chim… diều hâu và con
chim quạ!
Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm
Trong ký ức tuổi thơ tôi, trên bầu trời cao xanh kia, những
trưa đầy gió, không chỉ có những con diều giấy, mà còn có những con diều thật,
bay như lơ lững một nơi, thỉnh thoảng chao liệng, nghiêng ngó, và trong sân,
ngoài bãi, những con gà con, chao chát chạy về núp dưới đôi cánh của gà mẹ. Gà
mẹ, vừa dang rộng đôi cánh, ấp ủ, che chở cho bầy gà con, vừa xù lông, ưỡn cổ
kêu vang, sẵn sàng ứng chiến với con diều dũng mãnh trên cao. Một tình mẹ thật
thiêng liêng và cao cả. Đó là lúc lũ trẻ chúng tôi, cũng lớn giọng “Diều! Diều…”
để hù dọa và đuổi diều bay xa. Có đứa còn lấy giàn thun cố bắn con diều đã xa
tít mù, như một cái lá giữa tầng không.
Rồi những buổi sáng, buổi chiều, lùa trâu, bò ăn cỏ ở gần những
bãi tha ma, lặng lẽ nhìn những đàn quạ đen bay lượn, hay rình nấp những con quạ,
đang đậu trên những cây thánh giá của một vài ngôi mộ cổ, mà tưởng tượng ra mụ
phù thủy hung ác, đang luyện phép thuật, bên những xác người.
Trang cổ tích ngày xưa vẫn nửa khép, nửa mở trong ngăn kéo của
ký ức, song những cánh diều đơn độc, và những bầy quạ kia dường như bây giờ đã
vắng bóng. Hay những cánh chim, loài biểu tượng cho cái ác, cái xấu, ngày nay đã
không còn? Không biết là nên mừng hay nên lo?
Nơi tôi ở, vẫn mênh mông đồng ruộng, vẫn bãi, cồn… Nhưng thật
khó tìm ra một con diều, con quạ. Xem truyền hình, đọc sách báo, thấy những
thành phố trên thế giới, vẫn tồn tại hàng đàn quạ. Nhiều nơi, diều vẫn hàng
ngày bay lượn. Bỗng bâng khuâng tiếc nhớ những cánh chim trong ca dao của xứ
mình. Chợt buồn buồn tự hỏi: “Bay về đâu rồi những cánh chim trong cổ tích?“
2. Theo thuyền, đi dọc theo dòng sông Vàm Cỏ, lại thích đi gần bờ,
để được nhìn ngắm những loài cây của vùng sông nước. Những cây tràm, cây đước,
những cây bần, cây cà na… Và hình như vẫn thấy thiêu thiếu những cây mù u, những
cây mã tiền của ngày xửa, ngày xưa…
Nhiều khi neo thuyền hàng giờ, đón chờ con nước lớn, nước
ròng, nhìn bóng hoàng hôn chập choạng, nhuộm tím hồng dòng sông. Lặng thinh,
ngóng nghe một tiếng chim. Đó là tiếng chim trong ca dao : “Bìm bịp kêu nước
lớn, nước ròng…” và rồi buồn như sông, khi không còn nghe thấy tiếng chim.
Thêm một loài chim dần vắng bóng?
Sáng sớm, ra ngoài chợ. Nhiều lúc thấy người ta bán hàng lồng
chim bìm bịp. Giật mình tự hỏi, người ta bắt ở đâu? Khi nào? Dọ hỏi bán chim
bìm bịp để làm gì? Người bán hồn nhiên giải thích: "Chim bìm bịp ngâm rượu
cùng với các loại rắn… tam xà, tứ xà, ngũ xà… Cường dương, bổ thận và chữa nhức mỏi
đại tài!".
Bìm bịp chuyên ăn rắn, chết lại ngâm chung với rắn. Không biết
là công dụng thật sự hay chỉ là chuyện thêu dệt khôi hài?
Lại thêm buồn mênh mang về số phận của con chim bìm bịp. Thêm
một loài chim trong ca dao cũng sẽ bắt đầu… bay mất.
Trần Hoàng Vy
Theo http://leminhquoc.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét