Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Màu tím trong thơ ca

Màu tím trong thơ ca

Màu sắc là một phương diện của cái nhìn nghệ thuật trong văn chương, làm nên thế giới nghệ thuật của một nghệ sĩ. Những nghệ sĩ có phong cách thường có kiểu sử dụng màu sắc theo một cách riêng, làm nên nét dộc đáo của tác phẩm, của tác giả.
Bài viết này, sẽ tìm đến nghệ thuật sử dụng màu tím trong thơ ca của số nhà thơ quen thuộc của Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (tạp chí Văn 
in 1.4.1972 tại Sài Gòn). Tư liệu L.M.Q
Về phương diện hội họa, màu tím là sự pha trộn và hợp thành của màu xanh và màu đỏ. Tím là màu sắc thiên về các khía cạnh của nội tâm, không thích phô trương, tìm đến những ngõ ngách riêng tư của con người, diễn đạt những khung trời nhớ nhung, xa vắng, lẫn khuất đâu đó là những hoài niệm, hoài cảm.
Màu tím của hoa sim, hoa mua, hoa bằng lăng, hoa lục bình, hoa xoan, hoa súng,… đã đi vào thơ ca với những sắc điệu riêng của tâm hồn, với nhiều cách nhìn phong phú, đa dạng, độc đáo. Không ít bài thơ, câu thơ đã nhờ màu tím mà tồn tại với thời gian.
Màu tím là một gam màu ít được các nhà thơ cổ điển Việt Nam dùng.
Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều sử dụng có một lần màu tía (Muôn hồng nghìn tía đua tươi), ông không dùng màu tím.
Chinh phụ ngâm, “tác phẩm do hương cống Đặng Trần Côn soạn, nhân đầu đời Cảnh Hưng việc binh đao nổi dậy, người đi chinh thú phải lìa nhà, ông cảm thời thế mà làm ra“ (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí), với 408 câu, có màu xanh, màu trắng, màu vàng, màu hồng và chỉ một lần nói đến màu tía (Trước gió xuân vàng tía sánh nhau), lấy tích từ “cành Diêu đóa Ngụy, hai giống hoa mẫu đơn quý một của họ Diêu màu vàng và một của họ Ngụy màu đỏ tía (Những khúc ngâm chọn lọc, NXB ĐHTHCN,HN, 1987, trang 55). Màu tía là màu đỏ thắm. Tía, theo Đào Duy Anh, là “sắc đỏ thắm“ (Từ điển Truyện Kiều, trang 363). Đặng Trần Côn vẫn không đưa màu tím vào thơ.
Trong Truyện Kiều, với 3254 câu, Nguyễn Du chưa một lần dùng đến màu tím.
Những điểm nêu trên là điều khá lạ lùng về tư duy nghệ thuật của văn học trung đại, về phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt. Trái lại, trong thơ hiện đại, nhiều nhà thơ sử dụng khá quen thuộc màu tím, thậm chí gắn liền tên tuổi của mình với sắc màu này.
Nguyễn Bính có nhiều bài thơ hay viết về Huế. Đó là những bài: Giời mưa ở Huế, Vài nét Huế, Xóm Ngự viên, Thu rơi từng cánh. Tập Mười hai bến nước, còn có số bài thơ viết vào lúc thi sĩ ở Huế, như Hoa với Rượu, Xuân tha hương, Lửa đò,…
Trong số đó, Màu tím Huế là bài thơ phản ánh nhiều cung bậc của Huế. Màu tím là màu có tính đặc trưng của Huế. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Huế vốn nằm gần với dãy Trường Sơn. Về mặt tự nhiên, nói như Xuân Diệu, khi “ngày chưa dứt hẳn” thì bóng chiều đã bắt đầu buông xuống. Giao thoa giữa hai thứ ánh sáng ấy, màu đỏ của hoàng hôn và màu sẩm của buổi chiều, đã tạo nên sắc tím đặc biệt của xứ Huế. Không gian chiều của xứ Huế là không gian của màu tím, nó không giống với bất cứ nơi nào trên nước ta, vì thế, người Huế yêu màu tím. Màu tím đi vào văn chương nghệ thuật của xứ thần kinh là vậy. Nguyễn Bính là người nhận ra nét tím của Huế:
Thôi thế là em cách biệt rồi
Đường đi mỗi bước một xa xôi
Tim tím rừng chiều tim tím núi
Tim tím chiều hôm, tim tím mai…
Màu tím nhuộm núi rừng, nhuộm chiều hôm, nhuộm ban mai, nhuộm nhớ mong, nhuộm lên trang giấy tình thư, nhuộm lên nét thương đau của nhớ nhung, của cát bụi kiếp người.
Hai câu kết, vẫn màu tím ấy, cả rừng, cả núi, cả chiều hôm, tím một màu tím Huế rất Nguyễn Bính..          
Gần đây, trong Tặng người hát dân ca, với thể thơ tự do, Lê Nhật Ký, viết:
Núi Ngự Bình mặc áo tím lúc hoàng hôn. Chuông chùa Thiên Mụ ngân nga láy vào nỗi nhớ. Sông Hương chảy một  đời không tới biển. Huế trong tôi là một chiếc áo dài...                                  
Hữu Loan nổi tiếng với bài thơ Màu tím hoa sim. Bài thơ đứng vững hơn nửa thế kỷ, trở thành một trong những bài thơ tình hay nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Màu tím hoa sim là tiếng lòng của anh Vệ quốc quân đối với cái chết của người vợ trẻ. Nguyên mẫu cuộc đời đã trở thành nhân vật nghệ thuật, thành thơ ca, thành âm nhạc. Có thể nói không ngoa rằng, nếu bài thơ ấy, tác giả không chọn gam màu chủ đạo là màu tím thì chắc gì đem lại sự rung cảm trong tâm hồn tác giả và người đọc.
Quả vậy, từ chỗ:
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim…
Cho đến những chiều mưa trên chiến trường Đông Bắc, nơi ba người anh “biết tin em gái mất, trước tin em lấy chồng” và “đứa em nhỏ lớn lên, ngỡ ngàng nhìn ảnh chị“, với “gió sớm thu về gờn gợn nước sông“, với “cỏ vàng chân mộ chí”,… là bao nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi của người chiến sĩ - thi sĩ:
Chiều hành quân
Qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa…
Kiên Giang với bài thơ dài Hoa trắng thôi cài trên áo tím, 15 khổ, được nhiều người đọc yêu thích. Bài thơ kể về mối tình học trò. Ngày trước, ngôi trường người con trai theo học đối diện với ngôi giáo đường của người con gái thường đi lễ nhà thờ. Chuông nhạc đạo và chuông nhà trường hòa lẫn, khiến người con trai “làm thơ sầu mộng“, thầm muốn  “để nghe khe khẽ lời em nguyện - thơ thẩn chờ em trước thánh đường“:
Mười năm trước, em con đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh…
Mỗi lần tan lễ hồi chuông đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi…
Thế rồi, một ngày kia, em theo chồng: “Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo, Tiễn nàng áo tím bước vu quy". Dầu vậy, người con trai của mười năm trước: “Anh vẫn yêu em người áo tím, Nên tình thơ ủ kín trong lòng". Chiến tranh, loạn lạc, tình thơ cũng nhạt màu, nhưng than ôi, cũng chiếc xe hoa ngày ấy:
Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…
Vòng hoa trắng lạnh đó gửi cho người con gái áo tím, với ân tình ngày cũ, dù đã phôi pha nhưng trắng trong, tinh khiết, đẹp như một bài thơ buồn.
Kiên Giang là bạn thơ của Nguyễn Bính trong những năm kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ. Trong nhiều bài thơ của ông, người đời nhớ và yêu nhất bài thơ dung dị này.
Cũng màu tím ấy, vậy mà, với cái nhìn cá thể, một nhà thơ đã để lại trong gia tài văn chương dân tộc những bài thơ độc đáo, lưu giữ mãi với thời gian. Đó là Chế Lan Viên, ngọn Thi sơn của Việt Nam.
Cả tập Điêu tàn, màu sắc chủ đạo vẫn là màu trắng và màu đen. Điều này có lý do của nó về quan niệm thẩm mỹ. Sau Cách mạng tháng Tám, như nhà thơ đã nhiều lần phát biểu, ông đã đi từ “chân trời một người đến với chân trời tất cả“, đi từ “câu hỏi hư vô, thổi nghìn nến tắt” để đến “bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh“. Bên cạnh một Chế Lan Viên triết luận, bàn về những vấn đề nóng hổi của thời đại và dân tộc, còn là một Chế Lan Viên của đời thường, của tâm hồn dân dã, gắn chặt với máu thịt cuộc sống. Màu sắc trong thơ ông là một con đường riêng, riêng mà lại chẳng riêng chút nào, gây xúc động lòng người một cách sâu lắng. Chế Lan Viên hay nói đến màu tím, đó là màu hoa của Hồ Tây mà nhiều lần thi sĩ tìm đến. Trong bài Hoa súng tím, Chế Lan Viên viết:        
Từ lúc mê súng tím
Mới hiểu hết sen hồng
Càng biết yêu mùa hạ
Dâng màu sắc song song…
Vẫn là cách so sánh của lòng yêu hoa, mê hoa. “Mê súng tím“ tức là yêu một loài hoa bình dị, không kiêu sa, lặng lẽ nơi ao đầm quê ta. Tháng năm qua, loài hoa gắn với làng quê Việt ấy, trong một lần bừng thức, lòng hiểu thêm sen hồng, cũng một loài hoa thôn dã, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn“, hai thứ hoa có chung một tấm lòng, một trắng trong, dâng hiến cho đời. Chẳng thế mà nhà thơ mới viết: Dâng sắc màu song song một cách trang trọng, thâm tình. Yêu hoa để yêu đời, hiểu hoa để hiểu đời là vậy!
Cũng tên là Hoa súng tím, viết vào thời điểm của cơn đau thì lại thê thiết hơn. Bài thơ này in trong tập Hoa trên đá (NXB Văn học - 1984), trước lúc mất vài năm:
Mỗi lần đau, anh lại đến Tây Hồ
Chữa lành anh là hoa súng tím...
Hồ đầy hoa, nhụy vàng hương kín, vậy mà, “cả một mùa qua hoa nở chả ai hay,… ngoài chú vịt trời xao xuyến“. Không sao, còn có nhà thơ yêu hoa, "suốt cả một ngày lưu luyến“  bên hoa. Bài thơ như một tâm sự, như một giãi bày, muốn tìm tri âm, chia sẻ. Vào những năm cuối đời, qua bao nỗi thăng trầm của thế sự, qua bao biến chuyển của cuộc đời, Chế Lan Viên nhận ra rằng, nhiều cái bình dị quanh ta, ta bỏ quên, như hoa súng tím khiêm nhường kia:
Hoa súng tím An Giang, hoa súng trắng Tây Hồ
Những cành hoa chưa ai làm thơ cả  
Tuổi 64, tôi mới biết màu hoa dân dã
Biết hoa rồi, tôi đã sáu mươi tư
(Hoa súng An Giang)
Một chỗ khác, trước khi mất hai năm, như để cho người đời sau hiểu thêm mình, hiểu thêm những nỗi niềm sâu kín, riêng tư của mình, cũng là sự mong đợi, gửi gắm, nhà thơ viết:
Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc
Chỉ lặng im sắc tím để mà đau        
Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu
(Hoa súng, 1987)
Xét đến cùng, cái màu tím kia trong những bài thơ ngắn của Chế Lan Viên là một góc khuất hết sức nhân văn, tìm về sự yên tĩnh của tâm hồn sau bao sóng gió của cuộc đời, cập đến bến bờ của thức ngộ. Dường như là, đằng sau của "nỗi buồn hoa súng tím“ ấy, Chế Lan Viên muốn gửi gắm cho đời một thông điệp, rằng là, bên cạnh một Chế Lan Viên chính luận, còn một mặt nữa của tháp Bayon, mặt ấy, nhà thơ đau đáu bao nỗi niềm, bao tâm sự, cả những điều chưa biết giãi bày cùng ai! Có lúc cũng ngậm ngùi khôn xiết!   
Cao Vũ Huy Miên có bài thơ Hoa tím ngày xưa, được Hữu Xuân phổ nhạc, nhiều ca sĩ hát và công chúng yêu thích. Đây là bài thơ tình nói về con đường của người bạn gái trong tuổi học trò thường đi về, làm nên cảm xúc thơ ca cho chàng trai:
Con đường em về ban trưa
Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em vừa chấm ngang vai.
Cũng con đường đó, em về mưa bay, em về thơm hương, tiếng dương cầm rơi nơi đâu, lặng lẽ. Và rồi, tuổi 17 của em qua đi, qua đi chẳng biết bao giờ, để rồi:
Trường xưa chẳng còn học nữa…
Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không còn nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa.
Bài thơ ngắn, dung dị, dễ thương của một thời vụng dại. Chắc là, hoa tím vẫn còn nơi con đường ngày cũ, chỉ có điều, con đường xưa ấy, người của một thời không qua nữa, nên “hoa tím thôi không còn nữa, chỉ còn ta đứng dưới mưa“.  
Nguyễn Sĩ Đại có bài thơ Mực tím viết theo thể thơ lục bát, cũng là một bài thơ đáng yêu, viết cho tuổi học trò ở thời điểm sắp rời ghế nhà trường phổ thông:
Bây giờ mực tím thôi vương
Mùa thi đã vãn, sân trường vắng hiu  
Tiếng ve kêu sốt nắng chiều
Cuốn lưu niệm cũ, chữ xiêu xiêu buồn…
Bây giờ mực tím thôi vương
“Bậu về xứ bậu“, lời thương không đành
Bây giờ…
Thôi xếp áo khăn
Gửi hồn mực tím trên cành bằng lăng
Bài thơ ngắn chỉ 8 câu, có hai lần nói đến “mực tím thôi vương“ và ba lần nhấn mạnh đến “bây giờ“. Mỗi lần mỗi khác. Lần sau, mượn câu ca dao: “Rồi mùa tóc rã, rơm khô/ Bậu về xứ bậu biết nơi mô mà tìm“ để bày tỏ nỗi niềm nuối tiếc, bâng khuâng. Tuổi học trò thời nào mà không có những phút giây xao xuyến ấy!
Màu tím vương vương nơi nhiều bài thơ. Đoàn Phú Tứ có: Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát (Màu thời gian), Anh Thơ, trong Chiều xuân, đã viết: Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan, hoa tím rụng tơi bời. Tố Hữu, với bài thơ Hoa tím, tặng Nguyễn Tuân, có câu: Thủy chung tình bạn chùm hoa tím. Hoàng Phủ Ngọc Tường với Dù năm dù tháng, được Nguyễn Công Dinh phổ nhạc với tên Cành phù dung cho em, có những câu:
Anh ngắt cành phù dung trắng
Tặng em niềm vui cầm tay
Màu hoa như màu tia nắng
Buổi chiều chợt tím không hay…
Phan Vũ trong Em ơi! Hà Nội phố, Phú Quang phổ nhạc, là một Hà Nội của mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, của “chiếc khăn quàng tím đỏ thoáng qua“, của những "con đường vắng, rì rào cơn mưa nhỏ“, của “tan lễ chiều, kinh cầu còn mãi ngân nga“ và nữa:  
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu…
Hoàng Nhuận Cầm cũng có những câu thơ hay về mùa thu và hoa tím:
Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi!
(Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)
Hữu Thỉnh với Biển, nỗi nhớ và em, có câu thơ thật hay:
Em đâu phải là chiều
Mà nhuộm anh đến tím…
Ngô Văn Phú với Trời đã vào thu…, khi sông không đầy nước, khi mây làm khăn quàng qua vai núi, thì cũng là lúc:
Đôi bờ lau lách đìu hiu tím
Gom buồn lên ngọn gió heo may…
Có thể kể ra nhiều bài thơ, câu thơ có chứa màu tím. Cái màu tím ấy đã đem lại cho thơ ca tiếng Việt một sắc thái riêng, một nẻo về riêng của tâm hồn với bao xao xuyến, bao tâm trạng nơi người đọc, góp phần làm nên những tác phẩm hay trong văn chương Việt Nam.
Huỳnh Văn Hoa
Theo http://leminhquoc.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giao thừa ở một nơi khác

Giao thừa ở một nơi khác Hai lát săng-Uých kẹp tí rau tí thịt. Một trái táo xanh, vàng hoặc đỏ, mùa nào mầu nấy tùy theo giá sale ở chợ. M...