Duyên Anh và tôi 4
Chương 10
Sau buổi gặp Duyên Anh lần đầu tiên ở quán Anh Thy, Nguyễn
Kim Dung gọi lên nhà tôi, xin được lên thăm và nói chuyện với Duyên Anh. Tôi
cho Duyên Anh biết. Anh bằng lòng mời Nguyễn Kim Dung lên chơi. Dung cận thị nặng,
không lái xe ban đêm được, nên tôi bảo Dung rủ Nguyễn Đức An lên luôn. Tối hôm ấy,
quanh bàn đá ở chòi Duyên Anh, có cả CBG, lần đầu tiên gặp lại Duyên Anh sau
hai mươi năm. CBG là một nhân vật khá đặc biệt: Trước 75, sinh hoạt nhiều, giao
thiệp rộng trong làng văn nghệ. Qua Mỹ, anh giới hạn mọi giao tiếp đến mức tối
thiểu, tập thiền, và bắt đầu chữa bệnh bằng phương pháp bí truyền học được từ một
đạo sĩ nào đó. Chúng tôi ngồi nhậu ở vườn sau. Riêng CBG chỉ ngồi góp chuyện,
không ăn uống như bốn kẻ phàm tục kia.
Duyên Anh quay sang tôi:
- Anh vừa nói với Nguyễn Kim Dung, là nhà văn cô đơn lắm. Khi họa sĩ sáng tác,
anh ta có đủ mọi thứ mầu sắc, để cho anh ta vui vẻ mà sáng tác. Là thi sĩ, anh
ta có thể ngâm nga những vần điệu vừa dệt nên. Là nhạc sĩ, anh ta có cung đàn
phụ họa. Nhưng nhà văn, khi sáng tác, thì chỉ có đất với đá thôi. Cứ ngẫm thử
xem, trong các thứ nghệ sĩ, có ai cô đơn hơn nhà văn không. Bây giờ, thì tự hỏi
“Tại sao mình lại nhận mình là thợ viết?” Đừng tưởng rằng thợ viết đã đáng cười
hay đáng chê trách gì đâu.
Duyên Anh ngừng một giây, rồi cười phá lên:
- Thực ra, khi nhận là thợ viết, tức là mình đã kiêu căng thấy mẹ mình đi rồi!
Trên đời đã có thợ hồ, thợ mộc, thợ chọi, và thợ hút cầu tiêu, thêm thợ viết nữa,
đâu có gì là quá đáng?
Nguyễn Kim Dung cao giọng:
- Ngay từ hồi ở Việt Nam, em đã đọc hết các tác phẩm của anh rồi. Có nhiều đoạn
thích quá, em đọc đi đọc lại, rồi thuộc lòng luôn. Vợ em người Thái Bình. Cô ấy
đọc Hoa Thiên Lý và Nhà Tôi còn trước em nữa. Em thấy lúc nào anh cũng quan tâm
đến tuổi trẻ. Em thích nhất câu anh viết trong Một Người Tên Là Trần Văn Bá, nếu
em nhớ không lầm thì là “ Đã hết rồi, cái giai đoạn tuổi trẻ làm giầy dép cho
các thứ gọi là lãnh tụ mang dưới chân. Bây giờ là lúc người tuổi trẻ phải làm
mũ đội trên đầu mình.”..
Nguyễn Đức An nói tiếp:
- Cả trong thơ Độc Ngữ cũng có câu đó nữa.
Duyên Anh gật gù:
- Hôm nọ gặp cậu ở quán Anh Thy, rồi bữa nay cậu lên đây thăm tôi nữa, mới quen
cậu chưa lâu lắm, mà tôi đã thấy quý cậu như tôi đã quý thằng Nguyễn Đức An vậy.
Dung cảm động:
- Em cám ơn anh. Em mong ước, những năm tháng sắp tới, anh sẽ là người hướng dẫn
em trên bước đường tranh đấu…
Duyên Anh ngắt lời Dung:
- Anh cũng cám ơn em đã nghĩ về anh như vậy. Làm đàn anh, không phải dễ đâu. Thế
hệ nào cũng thế, đàn anh luôn luôn bị chê trách. Khi còn trẻ tuổi, anh đã từng
oán trách các thế hệ đàn anh của anh. Mà rồi, chẳng được cái gì cả. Bây giờ, và
trong tương lai, biết đâu các em cũng lại oán trách anh?
Nguyễn Kim Dung:
- Anh nói thế, chứ theo em biết, trong ba mươi năm bể dâu thăng trầm, có người
đàn em nào dám phản đối anh đâu? Các em của anh chỉ sợ không biết thể hiện lòng
quý mến anh cách nào thôi.
Duyên Anh:
- Ngay từ thuở mới viết văn, anh đã viết về tuổi trẻ rồi. Mà đến bây giờ, vẫn
còn viết. Hôm qua, lúc Đinh Quang Anh Thái tiễn anh ra về, anh đã bảo nó “Em
yên chí, anh vẫn là anh thôi. Đối với tuổi trẻ, anh vẫn là Duyên Anh, với tâm hồn
của ba mươi năm về trước.” Chắc ít người biết, anh vốn con nhà bần nông, tuy có
chút ít tư sản. Thế mà tại sao, anh lại đi chống đối cộng sản? Và chống đối họ
ghê thế! Anh nghĩ, tuổi trẻ chúng ta, ở hai miền Nam Bắc, đều heo hút cả. Miền
Bắc cũng vậy, và miền Nam cũng thế thôi. Chúng nó xúi giục và lừa gạt tuổi trẻ
vào chỗ chết. Thằng nào cũng nói về tuổi trẻ “tuổi trẻ là rường cột của quốc
gia; tuổi trẻ là sức sống của dân tộc”. Nhưng chúng nó chỉ lợi dụng tuổi trẻ
thôi, hết việc này đến việc khác. Cuối cùng, khi người tuổi trẻ hiểu ra, thì
tàn phế hết cả rồi. Cuộc đời coi như hỏng cả rồi. Nói như Trịnh Công Sơn, thì
“Nhìn lại mình, đời đã xanh rêu” mất rồi. Thành ra, bao nhiêu chuyện khốn nạn
đã xảy ra trên quê hương mình. Cho nên, anh muốn Dung, khi có dịp quy tụ những
người tuổi trẻ lại, không cần nhiều đâu, sáu bảy chục là đủ. Em hãy hỏi họ những
câu này “Tuổi trẻ chúng ta đang nghĩ gì?”, “ Chúng ta đang thích gì?”, và “
Chúng ta đang muốn làm cái gì?” Anh nghĩ, chẳng có mấy ai hỏi tuổi trẻ những
câu này. Vì thế, người tuổi trẻ hôm nay, cũng cô đơn ghê lắm.
Nguyễn Kim Dung:
- Theo em nhớ, anh đã từng nói “Người đi làm cách mạng, cũng phải gậm nhấm nỗi
cô đơn của mình, thì mới làm cách mạng được”.
Duyên Anh cảm khái:
- Thi sĩ Hoàng Cầm kể lại lúc hai người bộ đội chống Pháp gặp nhau. Một người hỏi
“Anh từ phương nào lại?”; người bộ đội kia trả lời “Tôi từ đất dấy lên”. Từ
trên đất quê mẹ mình, khi những đau khổ đã tràn ứ, thấm xuống lòng đất, người mẹ
nói với các con mình “Các con phải đi làm cách mạng, thì bấy giờ, tuổi trẻ sẽ
vùng lên, đi làm cách mạng” Cái triết lý cách mạng, trong thơ Hoàng Cầm, từ năm
mươi năm nay, chẳng ai làm theo cả. Hoàng Cầm cũng cô đơn như chúng ta thôi.
Ông ấy ở lại miền Bắc, và bị trù dập tơi bời. Chúng nó cứ bắt ông ấy, nhốt một
thời gian, rồi lại thả ra. Rồi lại bắt, lại thả. Hoàng Cầm có công với đất nước
biết bao nhiêu! Sở dĩ, ông ấy theo ông Hồ, vì thuở ấy, ông ấy nhìn thấy ông Hồ
đẹp lắm. Nhưng khi sự thật đã lộ rõ về tính cách vô nhân trong cái Đảng của ông
Hồ, thì Hoàng Cầm, với lương tâm trong sáng của một nghệ sĩ sáng tạo, phải từ bỏ
cái tổ chức gian trá ấy chứ. Nếu con người, nhất là con người nghệ sĩ, không
dám sống thật với lòng mình, thì cuộc sống có còn ý nghĩa gì nữa đâu?
Nguyễn Kim Dung:
- Em nhớ, anh cũng đã viết “Bom đạn của cả cộng sản lẫn tư bản đã cày nát đất
nước ta từ mấy chục năm nay rồi. Tất cả đều vì chiêu bài độc lập dân tộc. Người
tuổi trẻ sẽ chiến đấu vì tự do, độc lập thực sự của quê hương, và khi ngày ấy đến,
chúng ta mới có thể xây dựng một Việt Nam hùng mạnh được”. Đọc các tác phẩm của
anh, em không dám chắc là mình đã hiểu thấu hết được tư tưởng của anh, nhưng điều
gì em hiểu được, em sẽ cố gắng thực hiện hoài bão của anh cho quê hương mình.
Còn những gì em chưa hiểu cặn kẽ, anh sẽ chỉ dạy cho em…
Duyên Anh cảm động:
- Em cứ cố gắng đi. Như thế là anh cũng sung sướng lắm rồi…
- Như em đã nói với thằng An nhiều lần, và thưa với anh Hiền hôm nọ, em rất ngưỡng
mộ lòng tự hào dân tộc và tinh thần quốc gia mãnh liệt thể hiện trong các tác
phẩm của anh…
Duyên Anh ngắt lời Dung:
- Anh thân với thằng An từ trước khi gặp nó. Anh bảo An “Mày phải chịu khó viết
đi. Phải luôn luôn hướng về sự thật và lẽ phải. Mày phải nhớ, ở trên đời này,
những kẻ thích đi theo sự thật và lẽ phải, thì hiếm lắm”. Anh thấy, có những
nhà tư tưởng, như Jean Jacques Rousseau, Montesquieu, chẳng hạn, họ đâu có cần
dấn thân đi làm cách mạng. Họ chỉ cần viết sách, trình bày tư tưởng của mình
thôi. Nhưng chính tư tưởng của họ đã dẫn đến cuộc cách mạng Pháp 1789. Nghĩ như
vậy, mình cũng được chút an ủi. Sách mình viết, người ta đọc, biết đâu đọc rồi,
người ta lại chẳng làm cách mạng?
Tôi hỏi:
- Anh muốn nói đến cuộc cách mạng Tân Tây Sơn như trong Hồn Say Phấn Lạ?
- Ừ. Thế nào, anh cũng phải cho in cuốn này. Nhưng để xong bốn cuốn của mình
đã.
Duyên Anh cười:
- À, các cậu đọc Bầy Sư Tử Lãng Mạn chưa? Lương Việt Cương mới sang đây rồi. Thời
gian tù tội, nó cực khổ lắm. Phải công nhận, thằng này thuộc loại gan dạ và bất
khuất!
Tôi hỏi:
- Lương Việt Cương hiện giờ ở đâu?
- Nó đang ở San José.
Duyên Anh chợt nói chuyện khác:
- Các cậu biết không, có hồi, tôi khổ ghê lắm. Sau rồi, mình cũng trở thành một
thứ best seller, kiếm được nhiều tiền. Nhưng mình cũng chẳng thấy vui gì cả. Thế
rồi, cộng sản nó vào; và mình lại nghèo thôi. Tôi như một thằng phải sống ở
thùng rác và phải ngoi lên; rồi lại sụp xuống. Nhưng rồi lại phải ngoi lên chứ.
Nhưng mà lần ngoi lên này sẽ không khổ như lần trước, vì ít nhất, mình cũng đã
có một tên tuổi, là Duyên Anh rồi. Thành ra, cũng đỡ ngán. Cho dù đã mất hết tất
cả, nhưng còn Duyên Anh, là vẫn còn làm lại được. Cũng như Trương Nghi, tổ sư
thuyết khách thời Chiến Quốc, sau khi thất bại bao nhiêu lần, trở về nhà hỏi vợ
“Lưỡi ta còn không?” vợ gật đầu, bảo “còn”. Trương Nghi nói “Còn thì sẽ có
ngày…”
Duyên Anh quay sang Nguyễn Đức An:
- An, mày phải nhớ lấy chuyện tao vừa kể. Đừng vì thất bại vài lần và đòi bỏ cuộc.
Trước đó gần mười năm, Nguyễn Đức An rất thành công trong nghề bán xe hơi. Đã
có một thời gian, báo chí Orange County quảng cáo nhiều về “ông vua xe hơi Nguyễn
Đức An” . Nhưng mấy năm sau, vì một số lý do, An thất bại, và dự tính vĩnh viễn
bỏ nghề này. Nghe Duyên Anh nói, An yên lặng, có vẻ suy nghĩ.
Duyên Anh quay sang ông bạn cố tri CBG:
- Thuở ấy, chúng mình hay gặp nhau nhỉ? Tao thường đến Juspao tìm mày. Có số cả,
mày ạ. Mày định kéo tao đi theo. Rốt cuộc, mày đi thoát, tao ở lại. Và bây giờ,
tao cũng sang đến đây rồi. Cũng là cái số thôi. Nhưng lại cũng thấy cay đắng
nhiều hơn. Tưởng rằng sang Mỹ, mình sẽ có cơ hội làm lại tất cả, làm những cái
mà nếu còn ở Sài gòn, sẽ chẳng bao giờ mình làm được. Nhưng mà sang đến đây rồi,
nhìn lại cung cách chúng nó làm việc, từ văn nghệ, âm nhạc, cho tới chính trị,
cộng đồng, tao thấy chán quá đi thôi! Tao nghĩ, lúc này, mình phải chiến đấu mạnh
bằng tư tưởng; chứ đừng mong có ngày thằng Mỹ nó giúp cho mình trở về. Mong mỏi
như thế là khôi hài không thể tưởng tượng được! Cái đau của tao là, tám chín
năm trước đây, tao đã nói trước những cái gì sẽ xảy ra hôm nay. Chính vì thế mà
tụi chúng nó sai người đánh tao. Bây giờ, tao hỏi mày, những việc tao nói hồi
đó, có đúng không nào? Tất cả đúng hết thôi. Mày cứ xem, đã có những thằng điên
thành lập chính phủ lưu vong, gồm đủ các chức vụ thủ tướng, bộ trưởng này nọ.
Những thằng điên này ở Mỹ, ở Pháp đều có cả. Những đứa chạy theo mấy thằng điên
này, lại còn điên kỹ hơn. Ở bên Pháp, chúng nó hứa “Anh cứ về nước hoạt động
đi, rồi anh sẽ là bộ trưởng”. Ba thằng điên nghe lời, về Việt Nam. Vừa xuống máy
bay, Việt Cộng nó thộp luôn. Mấy thằng điên bên Tây hô hoán ầm ĩ lên, nhờ
Amnesty International can thiệp. Chúng nó rặt một lũ ngu! Chẳng hiểu gì Việt Cộng
cả! Cộng Sản Hà nội đã chiếm được cả nước rồi, nó sợ chó gì quốc tế chứ? Nó chỉ
sợ, và sợ nhất là tư tưởng thôi. Phải lấy tư tưởng, và chủ thuyết dân tộc làm
vũ khí đánh lại nó, thì mới mong sớm có ngày trở về. Chứ bảo lấy tổ chức quốc tế
này nọ, đem ra hù dọa nó, thì nó chỉ cười vào mũi mình thôi. Tại sao nó cho tướng
lãnh và sĩ quan VNCH đi HO hết? Đó là vì nó khỏe rồi. Nó không cần phải giữ các
anh nữa. Hai mươi năm nay, phe chúng ta sang đây chống đối nó, chống đối kiểu
gãi ghẻ, mà lại chỉ gãi một chỗ thôi, nó có hề hấn gì đâu? Ở châu Mỹ, châu Âu,
châu Úc, nó có hàng chục tòa đại sứ và tổng lãnh sự, có bao giờ chúng ta dám
chơi những thằng đại sứ, lãnh sự, và nhân viên ngọại giao của nó hay chưa?
Chưa, phải không? Không dám chơi nó một quả nào để chứng tỏ sự hiện diện và sức
mạnh của chúng ta, thì nó có thèm coi chúng ta ra gì? Đối với kẻ thù, không dám
đụng tới lông chân của nó! Nhưng mà, với anh em trong nhà, thì ghê quá! Người
ta đã bắn chết Đạm Phong, Lê Triết, và cũng đã bắn không chết Trần Trung Quân,
Cao Thế Dung. Vẫn chẳng chết thằng nào ở Hà Nội cả. Thế thì, có bảo chúng ta chỉ
đang gãi ghẻ cho kẻ thù, cũng đúng thôi. Ngay cả thằng Mỹ, mới đây, đặt điều kiện,
trước khi bang giao, Cộng Sản Hà nội phải cho thấy đã cải thiện tình trạng nhân
quyền trong nước. Nó bảo “Không nhân quyền nhân kiếc gì cả. Các ông có bang
giao với chúng tôi thì bang giao; đó là chuyện giữa hai quốc gia có chủ quyền.
Còn nhân quyền là chuyện nội bộ của chúng tôi.” Rốt cuộc, cũng vì quyền lợi
thôi, tư bản Mỹ đã bỏ cấm vận, vui vẻ bang giao với nó! Mấy anh gọi là quốc gia
ở đây đã có làm gì để ngăn cản Mỹ được không, ngoại trừ màn nằm ăn vạ?
Ngưng lại một vài giây, Duyên Anh tiếp:
- Cộng Sản Hà Nội quỷ quyệt lắm, có khi còn quỷ quyệt hơn thầy của nó là hai thằng
Nga Tầu nữa. Hồi Lư Hán sai Tiêu Văn sang Việt Nam, tước khí giới quân Nhật và
cầm chân Việt Minh, Hồ Chí Minh muốn đuổi quân Tầu về để dễ bề thanh toán phe
quốc gia. Nên ông ta bày đặt ra cái trò bịp, gọi là Tuần Lễ Vàng, và cho đàn em
chế ra mấy câu
Đeo hoa chỉ tổ nặng tai
Đeo kiềng nặng cổ, hỡi ai có vàng
Làm dân một nước vẻ vang
Đem vàng cứu nước, giàu sang nào tày
Đổi vàng lấy súng cối xay
Bắn tan giặc Pháp, dựng ngày vinh quang
Nhưng mà, có đi đổi lấy súng đạn đâu? Hồ Chí Minh đem vàng dâng cho Tiêu Văn, để
Tiêu Văn mang về cúng cho Lư Hán. Đợi quân Tầu rút về nước xong, Hồ Chí Minh mời
ngay quân Pháp vào Hải Phòng, Hà Nội. Rồi ông ta dùng chiêu bài Toàn Quốc Kháng
Chiến để dễ bề tiêu diệt phe quốc gia. Phía chúng ta, người nào nhanh chân, thì
chạy sang Tầu, hay trốn vào vùng Tề. Người nào chậm chân, bị chúng nó xịt hết…
Đến bây giờ, sau hơn bốn mươi năm cai trị theo lối Nga Tầu, nó lại quay sang
làm thân với Mỹ, mới lạ chứ! Làm thân với tụi thực dân, phát xít, thì nó đã
thân được rồi. Nay thì chỉ còn phải mon men xin cầu cạnh với Mỹ nữa thôi. Bao
nhiêu năm nay, nó đã làm gì được cho dân tộc mình? Thế thì, đ.m, phải nhân danh
quyền lợi của dân tộc, nói cho nó biết rằng, dân tộc chúng tôi khổ quá rồi. Trước
hết chỉ cần nhắc cho nó một câu ca dao thôi. Và Duyên Anh cao giọng :
Khi nên, tay kiếm tay cờ
Không nên, cũng chẳng cậy nhờ tay ai
Lịch sử đã cho thấy có những người tự mình tay kiếm tay cờ, như Lê Lợi, Nguyễn
Huệ, mà thành công. Ngược lại, Lê Chiêu Thống và Gia Long, hai người cậy nhờ
tay ngoại bang, rồi cũng chẳng ra gì cả. Nó không biết học hỏi gì ở lịch sử, cứ
nhắm mắt cậy nhờ người ngoài, làm cho dân tộc mình đã đói khổ, càng thêm đói khổ.
Vậy thì, những người quốc gia chúng mình nghĩ sao? Đ.m, buồn ghê lắm!”
Mọi người yên lặng. Duyên Anh nâng ly uống một hơi rồi tiếp:
- Có tư bản, là phải có cộng sản. Hai thằng đó như là âm và dương vậy. Chúng nó
dựa dẫm vào nhau mà tồn tại. Bây giờ thằng cộng sản xuống thớ rồi. Thằng tư bản
nếu muốn, chỉ quất một cú là thằng con kia xụm ngay thôi. Nhưng nó không muốn
cho thằng kia chết, lại còn cho vay tiền và viện trợ nữa chứ.
Nguyễn Kim Dung hỏi:
- Anh có viết về lãng mạn cách mạng, nghĩa là thế nào?
- Làm cách mạng là phải biết mộng mơ. Không biết mộng mơ, không thể làm cách mạng
được.
Nguyễn Đức An xen vào:
- Cũng như anh đã nhắc đến trong Mơ Thành Người Quang Trung…
Duyên Anh hăng hái:
- Làm cách mạng, phải biết mơ thành người Quang Trung. Chỉ cần làm một người
lính đứng trong hàng quân của Quang Trung thôi, là đủ sung sướng rồi!
Nguyễn Kim Dung:
- Hôm nay, được lên đây nghe anh nói, em sung sướng lắm…Không phải đợi gặp anh,
em mới nói điều này đâu. Khi đọc tờ Ngày Nay, bài anh viết về các bí danh trong
Mặt Trận, em nhớ anh đã viết như thế này “Cái điều thê thảm cho Mặt Trận Hoàng
Cơ Minh là kể từ đây về sau, có bất cứ chuyện khủng bố, tống tiền, ám sát, v.
v. ; thì người ta đã có sẵn cái thùng rác Mặt Trận để đổ vạ vào.”…
Duyên Anh cười vang, ngắt lời Dung:
- Thì đúng vậy, chứ còn gì nữa. Bây giờ, thì nó trở thành cái thùng rác rồi!
Còn cậu Dung, nhớ rõ những câu tôi viết như thế, cậu xứng đáng là em của tôi rồi.
Hôm thằng An nói về cậu, rằng cậu là đoàn viên nòng cốt của Mặt Trận, mà lại muốn
gặp tôi, tôi bảo nó “ đừng ngại gì cả. Thằng Dung muốn gặp tao, cứ cho nó gặp”.
Ở ngoài, chúng nó đồn “ Mẹ, tụi kháng chiến đánh thằng Duyên Anh đó!” Nếu như
người khác, thì họ đã bảo “Tôi đ. chơi với kháng chiến”. Đêm nay gặp cậu, tôi
có thể coi cậu là tri kỷ của tôi rồi đó. Mà tôi nói thật, tôi không có thù ghét
gì Mặt Trận của cậu hết. Tôi chỉ không ưa những thằng nói phét, và những thằng
vô liêm sỉ đã dối gạt đồng bào thôi…
Nguyễn Kim Dung:
- Em kết anh từ khi đọc bài đó. Em thấy một người đã bị mất hoàn toàn khả năng
viết bằng tay phải như anh, mà vẫn thừa nghị lực vươn lên, dám đi lại từ đầu bằng
cách tập viết tay trái, và đã viết ra những ý tưởng thật nhân bản như thế. Em
khâm phục lắm!
Duyên Anh:
- Tôi phải nói thêm với cậu rằng ngay cả Hoàng Cơ Minh hay Phạm Văn Liễu, tôi
cũng chẳng thù ghét gì họ hết. Đã là một thằng suốt đời cô đơn, tôi thù các anh
làm gì?
Nguyễn Kim Dung:
- Dư luận vẫn cho rằng anh thù ghét Mặt Trận lắm…
Nguyễn Đức An:
- Em đi nhậu nhiều nơi, gặp một số kẻ chặn em lại nói “Ê, đ.m, bộ hết người
chơi rồi sao mà mày chơi với Duyên Anh?” Em chỉ cười, trả lời họ thế này “Nếu
có mặt Duyên Anh mà ông dám hỏi tôi câu đó, thì tôi sẽ phục ông lắm. Còn bây giờ
thì, xin lỗi ông nghen” Như thế, là đủ cho họ biết em khinh thường họ rồi. Còn
thằng Dung, thì tuần trước, lúc nghe tin nó tới Anh Thy uống rượu với Duyên
Anh, nhiều người trong Mặt Trận giật mình luôn…
Nguyễn Kim Dung tiếp lời An:
- Bắt đầu từ nay trở đi, em sẽ cố gắng thực hiện đường lối mà anh đã vạch ra
trong các tác phẩm của anh, dù em còn ở trong Mặt Trận hay không.
Nguyễn Đức An nói:
- Em chưa có dịp đọc Mối Tình Mầu Hoa Đào của Nguyễn Mạnh Côn, nên không biết
nó hay ở chỗ nào.
Duyên Anh:
- Mối Tình Mầu Hoa Đào còn sót nhiều điều ông ấy muốn khai triển thêm, mà chưa
làm được…
Nguyễn Kim Dung, vốn rất khâm phục tư tưởng Nguyễn Mạnh Côn, và đã đọc hết, đọc
rất kỹ các tác phẩm của nhà văn này, xen vào:
- Sau này, ông ấy còn viết thêm Hòa Bình, Nghĩ Gì Làm Gì để khai triển thêm. Ông
ấy hứa sẽ viết xong cuốn Tân Trung Dung.
Duyên Anh:
- Tân Trung Dung, thì ông ấy viết xong rồi. Ông ấy đưa cho Hoàng Hải Thủy xem.
Hoàng Hải Thủy là người đọc nhiều lắm. Đọc xong, Thủy nói với ông Côn “Chết rồi!
Quyển này, em đã thấy một người Tầu viết. Em sẽ đưa quyển sách chữ Hán ông này
viết cho anh xem”
Nguyễn Kim Dung:
- Em không nghĩ ông Côn dịch cuốn sách của ông Tầu ra đâu. Tư tưởng lớn gặp
nhau là chuyện thường. Có lẽ cả hai người đều muốn triển khai thuyết trung dung
của Khổng Tử.
Người bạn hỏi:
- Thằng Thủy nói có đúng không?
Duyên Anh :
- Thằng Thủy nói đúng chứ. Cũng có mấy người khác nói y hệt như thằng Thủy. Vì
thế ông Côn ngưng, không cho phổ biến cuốn ấy nữa. Ông Côn tưởng với cuốn Tân
Trung Dung ra đời, ông ấy sẽ là một người lập thuyết. Nhưng chưa chứng tỏ được
mình là người lập thuyết, ông Côn đã thất bại rồi…Rốt cuộc, chính thuốc phiện
đã giết ông ấy.
Nguyễn Kim Dung:
- Một người bạn em, chứng kiến cái chết của Nguyễn Mạnh Côn ở Xuyên Mộc, nói rằng
ông ấy bị hoại thể. Lúc lên xe, cả thân thể ông ấy chảy nước hết. Vì ông ấy bị
chúng nó nhốt conex hai tuần lễ, không cho ăn uống gì cả…
Duyên Anh nói ngay:
- Không, không, bạn em kể sai rồi! Khi ông Côn đứng lên nói “Tôi không đi lao động
hôm nay, vì tôi đã được ba năm. Tôi ở lại trại, chờ lĩnh giấy về”, thì thằng
cán bộ nói “Được, anh Côn ở lại.” Buổi trưa, chúng tôi đi làm về, Đằng Giao,
con rể Chu Tử, thấy ông Côn không ăn cơm. Nó hỏi: “ Anh không ăn cơm sao?” Lúc ấy,
Đằng Giao đang làm đội trưởng. Ở trong tù, đội trưởng khổ như con chó. Ông ấy
trả lời “Tôi không ăn cơm!” Đằng Giao nói “Anh không ăn cơm, thì cho em biết,
em phải báo cho nhà bếp.” Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục đi làm. Ở nhà, không
biết lúc chúng nó gọi ông Côn ra, ông ấy cãi nhau hay chửi bới chúng nó cái gì,
chúng nó giam riêng ông ấy vào một căn nhà chưa có tù đến ở. Chứ có phải biệt
giam hay nhốt conex gì đâu? Xế chiều, chúng tôi đi làm về, thấy ông ấy mặc quần
đùi xắn lên, đứng bám trên thành cửa sổ. Đằng Giao và vài thằng tù nữa ra cửa
xem. Có đứa nói “Lạy trời, lạy trời nhé. Anh Côn ơi, anh chết đi, thì lỗi lầm của
anh, chúng em sẽ bỏ qua hết. Đằng nào anh cũng chết. Anh phải chết đi!” Ông ấy
lại không chết, mới đau chứ! Sáng hôm sau, ông ấy làm đơn, xin ăn cơm trở lại. Ở
trong buồng, vài đệ tử của ông Côn vẫn không tin. Chúng nó bảo “Người như ông
Côn, đâu có bao giờ thèm làm đơn xin ăn cơm.” Cho đến khi một thằng trật tự, vốn
là tù hình sự, mượn cán bộ được tờ đơn của ông Côn đem xuống cho cả bọn xem,
nét bút và chữ ký của chính ông ấy, đệ tử mới tin là đúng. Tụi công an cũng ác!
Làm đơn xin ăn, thì chúng nó cho ăn. Nhưng mà không cho uống. Ông ấy lại phải
làm đơn xin uống, chúng nó mới cho uống. Mấy hôm sau nữa, chúng nó đem ông ấy
nhốt ở khu tù hình sự. Được mấy bữa, thì ông ấy chết. Chúng nó cho đóng hòm, chở
ông ấy bằng xe cải tiến ra nghĩa địa. Mộ ông ấy nằm gần mộ ông Nguyễn Bá Lương,
chủ tịch hạ viện. Chuyện ông ấy bị nhốt trong conex chỉ là tin đồn thôi. Cũng
như tin đồn “Trần Dạ Từ bị bắt đem đi mất tích” hay “Hoàng Hải Thủy tự tử trong
tù” là sai tất cả…
Duyên Anh nói sang chuyện khác:
- Đối với những người ở bên này, rồi mình cũng phải hòa đi thôi. Bởi vì, chính
mình đây này, lắm khi mình viết chửi thiên hạ, mà sau mới biết là mình chửi
sai. Thôi, hòa đi. Cứ tiếp tục gây thêm căm thù làm chó gì nữa. Bởi vì chỉ có
mười năm nữa thôi, ta sẽ tịch. Hoặc là năm năm nữa thôi, thì không biết được.
Nhưng mà, cái chính là, trong năm năm, mười năm nữa, mình phải làm sao viết được
những truyện hay. Phải để thời gian mà làm việc. Hơi đâu mà cứ nghĩ đến chuyện
thù hận làm đ. gì chứ? Nhưng mà, các cậu nên nhớ, chính tôi là thằng đã hai lần
chửi PVL tơi tả. Vì hắn đã ra khỏi Mặt Trận, lập một đảng khác; rồi quay lại chửi
Hoàng Cơ Minh và chính cái tổ chức mà hắn đã dây máu ăn phần. Anh chửi chúng
nó, là chính anh đã bẩn rồi. Cả PNL nữa. Đâu có phải cứ đi quyên góp của đồng
bào cho đã đời, đem tiền về cho anh em chúng nó; rồi khi biết chúng nó bịp, chỉ
cần viết tâm thư “ bắt đầu từ giờ phút này, tôi không còn liên hệ gì đến cái Mặt
Trận ấy nữa” là đủ đâu? Nếu là người có trách nhiệm và liêm sỉ, trước hết, ông
L. phải tạ lỗi cùng đồng bào. Rồi đưa cho chúng nó bao nhiêu, ông L. phải cho đồng
bào biết, và đòi chúng nó số tiền ấy, trả lại cho đồng bào. Đằng này, ông ta chỉ
thân ái kính chào đồng bào như một cách phủi tay, chạy làng. Làm vậy đâu có được!
Duyên Anh ngưng một lát, rồi nói:
- Khi viết hai bài về PVL, HCM và PNL, có phải là tôi chửi kháng chiến đâu.
Tôi hỏi:
- Bây giờ, thí dụ thôi nhé, nếu có nhân vật lãnh đạo nào đó của Mặt Trận đến gặp
anh, và nói “Ông Duyên Anh, chúng tôi muốn nhờ ông làm cố vấn cho mặt trận
trong vấn đề làm thế nào để đánh cộng sản cho hữu hiệu hơn”, thì anh có nhận
không?
Duyên Anh hơi khựng lại một chút:
- Ờ, nếu mà thế…thì anh phải nhận chứ. Có gì mà không nhận đâu? Những ai chống cộng
chân chính, và vì dân tộc, thì thuộc tổ chức nào, mình cũng phải giúp họ hết.
Nhưng mà, các anh mặt trận cũng phải nhìn Duyên Anh như đám Nguyễn Văn Thiệu đã
nhìn. Hồi đó, anh chửi chúng nó tơi tả. Chúng nó ghét anh lắm, nhưng không bắt,
vì chúng nó biết sau lưng anh, trước mặt anh, không có thế lực nào hết. Thế
thì, Mặt Trận cũng phải hiểu, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái Duyên
Anh không có ai hết. Mãi mãi, anh chỉ một mình một ngựa thôi.
Người bạn hỏi Duyên Anh:
- Mày say rồi, phải không?
Giọng nói Duyên Anh, quả thực, đã nhừa nhựa:
- Đ.m, say thế đ. gì được. Có điều, tao chỉ muốn bắt chước ông Mai Thảo, uống
vào rồi bắt đầu lè nhè thôi. Để tao nói cho chúng mày nghe, mấy hôm nay, các em
cứ gọi đến đây, rủ tao đi chơi tưng bừng cả lên. Chúng mày có đi moi khắp thế
giới di tản, đố chúng mày tìm được ai như thằng Duyên Anh này đấy. Đ. có một
Duyên Anh thứ hai đâu.
Nguyễn Kim Dung:
- Em đã nói với thằng An, em khâm phục cái nghị lực vươn lên từ thống khổ của
anh. Em bảo nó “Mày vẫn nhận mày là thằng em của Duyên Anh, ít ra, mày phải có
một phần mười cái nghị lực của anh ấy chứ.”
Duyên Anh quay sang Nguyễn Đức An:
- Thằng An, mày phải nhớ điều đó. Không được buồn phiền. Không được thất vọng nữa.
Mày phải nghĩ, và tin chắc, là có ngày mày sẽ vươn lên, và thành công như mấy
năm trước. Có vậy, mới xứng đáng là em của tao chứ…
Nguyễn Đức An, sau gần bốn năm làm đủ các thứ việc, chẳng có công việc nào lâu
bền, cuối cùng, đã trở lại nghề cũ, và hiện đang làm Fleet Manager cho một hãng
bán xe hơi FORD ở Orange County.
*
* *
Thứ bảy 19/8/95, họa sĩ Triều Khê mời Duyên Anh và tôi xuống ăn tối nhân dịp Vũ
Bình Nghi từ San Jose xuống chơi. Chúng tôi ngồi quanh hai bàn dài kê sát nhau,
ngoài sân nhà Triều Khê. Trong bữa tiệc, ngoài Vũ Bình Nghi, Triều Khê, Thiết
Trượng, Nguyễn Đức Nhuận, còn có Kim Khôi của Number 1 Printing, anh Cường, và
một vài thân hữu khác của Triều Khê. Như thường lệ, Duyên Anh uống khá nhiều.
Cái tật của anh trong các tiệc rượu, dễ thương đối với tôi, nhưng có thể đáng
ghét đối với người khác: chửi thề, và luôn luôn cho ý kiến của mình là đúng.
Tuy nhiên, khi vừa nhập tiệc, bắt đầu nâng ly, Duyên Anh tuyên bố:
- Chúng mình ở đây, thằng nào cũng như thằng nào thôi. Phải dân chủ nhé, tha hồ
mày tao, và tha hồ ăn tục nói phét. Còn đ.m, nói chuyện kiểu dạ thưa ông, tôi
trộm nghĩ như thế này, cái đó đ. có tôi. Phải vừa uống, vừa văng tục chửi thề.
Phải như thế mới sướng. Các anh không thèm văng tục, các anh cũng mất bố nó đất
nước rồi! Thế thì, mình phải văng tục. Văng tục, để sớm có ngày về quê hương…
Vũ Bình Nghi ngắt lời Duyên Anh:
- Đâu có phải dễ mà gặp nhau thế này, để văng tục chửi thề. Nhiều đứa có tiền,
muốn gặp gỡ bạn bè như thế này, mà có được đâu?
Duyên Anh:
- Tao lại phải nói thêm như thế này: Có nhiều người muốn được mời anh em chúng
mình, để nghe chúng mình ăn tục nói phét cho vui, mà mời không được đấy. Nhất
là có cả thằng Duyên Anh chửi tục nhiều, cho nó vui hơn, lại càng khó lắm.
Vũ Bình Nghi:
- Thiên hạ chúng nó có biết chửi tục đ. gì đâu?
Duyên Anh nâng ly bia, cao hứng:
- Chẳng qua, tao nói là nói chơi vậy thôi. Chứ ở đây, tất cả chúng mình đều là
anh em bằng hữu của nhau cả!
Tới đây, một vài người lôi máy ảnh ra chụp. Duyên Anh nói:
- Thằng Vũ Bình Nghi và những thằng làm báo, chúng mày muốn bán báo cho nhiều,
cứ chụp ảnh ông, rồi đăng lung tung cả lên, thì báo chúng mày mới khá được.
Trong tiếng cười ồn ào phụ họa, Duyên Anh khoe:
- Chúng mày biết không, trong số báo Công Giáo ở bên Tây, cuối năm rồi, chúng
nó phỏng vấn tao, và đăng ảnh tao luôn cả trang bìa. Trong khi ấy, ảnh Đức Giáo
Hoàng, nhỏ chút xíu, lại đăng ở trang trong. Như vậy là Đức Duyên Anh to hơn Đức
Giáo Hoàng rồi đấy!
Lại một tràng cười khác nổi lên. Duyên Anh tiếp:
- Nói đùa với chúng mày vậy thôi, chứ báo Tây có đăng ảnh ông ấy nhỏ xíu ở
trang trong, hay không đăng ảnh đi nữa, thì Vatican vẫn là khuôn mặt quốc tế rồi.
Đức Giáo Hoàng vẫn là giáo chủ một tôn giáo lớn. Chúng mày không nghe Chúa
Jesus dạy “Các con hãy khiêm nhường và chân thật trong lòng” sao? Tao thì khiêm
nhường lắm, nên mới chỉ dám nhận mình là “thợ viết” thôi. Chẳng biết sao mấy thằng
nhà báo bên Tây lại công kênh tao lên…
Triều Khê vỗ đùi khoái trá:
- Thằng Duyên Anh này thuộc Thánh Kinh ghê nhỉ! Mày nghe Chúa phán thêm một câu
này nữa nhé “Này Ta bảo thật, ai hạ mình xuống, thì sẽ được nhấc lên.”
Duyên Anh cười lớn:
- Mày khỏi cần khen phò mã tốt áo! Không thông hiểu Thánh Kinh như ông, thì làm
sao vào đạo được đây? Còn phần chúng mày, lúc nào cũng vỗ ngực xưng là “con đức
ông này”, “cháu đức cha kia”. Nhưng làm con cháu mấy ông cha đạo cao đức trọng
thì còn được, chứ con cháu mấy ông cha vi-xi lợn cợn, thiên hạ chửi cho mục mả.
Họ thuộc loại chim chẳng ra chim, chuột chẳng ra chuột. Lúc Việt Cộng chưa vào,
thì chống chính quyền miền Nam, ủng hộ miền Bắc ghê lắm. Đến khi chúng nó vào rồi,
họ mới trắng mắt ra. Thì đã muộn.
Vũ Bình Nghi:
- Mày có ý chửi xéo ông cha chủ báo Xây Dựng không đấy? Đ.m, ngày xưa ông Lãm
khổ sở với mày lắm!
Duyên Anh lớn tiếng:
- Tao không nhắc đến ông Lãm nữa. Ông ấy theo Việt cộng, chết là đáng đời rồi!
Thiết Trượng hỏi:
- Duyên Anh còn nhớ ông cụ CĐT không?
- Nhớ chứ, hồi xưa ông cụ làm với Chu Tử mà. Vẫn còn sống cơ à? Hôm nào, phải
đi uống với ông cụ mới được.
- Ông cụ lúc này vẫn còn đi lên vòm đều đều đâáy.
- Sướng nhỉ! Tao lại nhớ những ngày ở Saigon. Chúng mày còn nhớ vòm của Duyên
Sơn ở con hẻm đường Cao Thắng không? Thỉnh thoảng tao vào đấy chơi, cho vui bạn
bè, rồi chúng nó rủ, cũng hít tô phe luôn. Đ.m, hễ cứ làm hai bi xong rồi, là
tha hồ…
Cả bàn cười ầm ĩ. Có những tiếng phụ họa:
- Ừ, có cái đó thì lâu lắm!
- Khỏe là cái chắc!
Duyên Anh tiếp:
- À, chúng mày có biết tại sao môi mấy thằng nghiện thuốc phiện đều thâm không?
Có mấy tiếng trả lời:
- Thì thuốc phiện mầu đen.
- Tại chúng nó ngậm dọc tẩu kỹ quá..
Duyên Anh lắc đầu:
- Không phải. Tại vì chúng nó cứ hút một hơi lại chiêu một ngụm trà nóng bỏng.
Thuốc phiện làm cho tê liệt cảm giác. Chúng nó uống nước nóng bỏng mà không cảm
thấy gì cả. Lâu ngày, môi cháy nám hết. Anh Hợp đấy. Chúng mày có nhớ Anh Hợp
không?
- Ừ, Anh Hợp. Ngày xưa tao vẫn chở anh ấy đi hút mãi mà. Chở đến vòm ở gần chợ
Vườn Xoài. Có cả Hoàng Ly nữa. Chúng mày còn nhớ Hoàng Ly không?
- Ờ, Thánh Sống Hoàng Ly. Giặc Cái đấy mà!
Duyên Anh:
- Thời ở Hà nội, cả hai tay đó đều đã một thời ngang dọc rồi. Anh Hợp viết film
du jour xuất sắc. Sau này, vào Saigon, không biết vì sao, bị tù Chí Hòa. Lúc được
thả, Anh Hợp được móc nối đem thuốc phiện vào cho một bạn đồng tù. Người ta
nhét thuốc phiện thật chặt vào ống aspirin, rồi cho Anh Hợp giấu bên trong hậu
môn. Nào ngờ, thuốc ngấm ra, Anh Hợp bất tỉnh, phải đem vào nhà thương cấp cứu.
Khi lôi được ống aspirin ra, thì thuốc phiện đã tan mất hết rồi.
Một người trong bàn:
- Thuốc phiện nó kỳ lạ lắm. Nó làm đầu óc người ta sáng suốt hơn, tính toán, đặt
kế hoạch…
Duyên Anh ngắt lời:
- Sáng suốt, là chỉ khi nào anh làm một ngày đủ ba cữ thôi. Đói thuốc, là đầu
óc anh u mê ngay lập tức.
Từ câu chuyện hít tô phe, lan man sang mục thuốc lá, thuốc lào. Một ông bạn
than phiền:
- Khổ quá! Mày biết không, mỗi lần rút điếu thuốc ra, chưa kịp gắn lên môi, là
bà xã đã cằn nhằn, cử nhử “Cách ly! Cách ly! Mời bố ra ngoài sân hút cho mẹ con
tôi nhờ. Phổi gan đen thui hết trơn rồi. Trời hành hay sao mà khổ như thế
này!!”
- Như vậy, thì thà bỏ thuốc còn hơn. Có thuốc tiên, mà hút trong hoàn cảnh đó
cũng mất sướng! Đàn bà con nít, họ trách mình là phải. Phòng ốc bên Mỹ, kín như
bưng. Chúng mày phun khói thuốc như ống khói tầu; ai chịu cho thấu?
Một người khác:
- Tao có thằng bạn, cai thuốc vừa được hai tháng thì mắc ung thư phổi. Vài
tháng sau, tiêu tùng luôn. Giá mà nó tiếp tục hút, chưa chắc nó đã chết. Hồi
còn hút, nó bảo tao, nó chẳng biết cảm cúm là gì cả. Một thằng bạn khác của
tao, cũng dân hút, nghe thằng bạn kia chết, đã cai rồi, sợ quá, phải hút trở lại
rồi.
Duyên Anh:
- Đ.m, chỉ có ở nước Việt nam bây giờ là sướng thôi! Thuốc vẫn nhiều. Chúng nó
tha hồ hút thuốc tốt, toàn thuốc đem từ ngoài Bắc vào.
Vẫn anh bạn ban nãy:
- Hạnh phúc đâu có phải dễ tìm. Hút một điếu thuốc, anh cảm thấy hạnh phúc, tại
sao anh không hút?
Duyên Anh:
- Chúng mày nói khẽ chứ. Kẻo mấy bà vợ của chúng mày ở trong nhà lại bảo tao
xúi dại chúng mày đi vào con đường nghiện ngập.
Vũ Bình Nghi cười:
- Chúng tao toàn là những thằng hai thứ tóc rồi. Mày xui trẻ ăn cứt gà làm sao
được?
Duyên Anh nhìn Triều Khê:
- Tao bảo với thằng Hiền trên đường đến đây như thế này “Đến nhà in của Triều
Khê, em tưởng nó là ông già. Nhưng hôm nay tới nhà nó uống rượu, em sẽ thấy rõ
cái khuôn mặt bố láo của mày đó, Triều Khê ạ.”
Trong tiếng cười ầm ĩ của mọi người cùng bàn, Duyên Anh kể:
- Mấy năm đầu 70, tao kiếm được nhiều tiền lắm. Một tối, tao dẫn thằng Minh Vồ
đi ăn trong Chợ Lớn. Chúng tao ăn xong, thằng xếp bồi ghé tai tao “Cậu ơi, có
con nhỏ này đẹp lắm. Cậu để cháu dẫn nó lên lầu cho cậu xem”. Tao gật đầu, theo
nó lên gác. Mẹ, con nhỏ đẹp thật, chúng mày ạ. Nhưng mà lúc ấy, không hiểu sao,
tự nhiên tao không muốn làm chuyện đó. Tao bảo thằng xếp bồi “Mày gọi thằng
Minh Vồ lên đây”. Thằng Minh Vồ vừa vào phòng, là nhập cuộc ngay. Đ.m, nó khỏe
thật! Làm con nhỏ tơi tả luôn. Tao thì chỉ ngồi ở bàn, hút thuốc liên miên. Về
sau, tao ở tù Chí Hòa, gặp lại thằng xếp bồi này. Cuộc đời buồn cười lắm, chúng
mày ạ! Lúc này, nó làm tù trật tự, có quyền ghê lắm. Nó được hưởng một số quyền
lợi, và đi lại thoải mái. Nó đ. gọi tao bằng cậu nữa. Nhưng nó “anh tôi” với
mình, cũng là tử tế rồi. Với những thằng tù khác, thì nó hoạnh họe, mắng mỏ ghê
lắm cơ.
Một người nhắc đến chuyện âm nhạc trước 75. Duyên Anh nói:
- Hồi ấy, mấy thằng chủ phòng trà ca nhạc o bế tao dữ lắm. Ở Đêm Mầu Hồng, tao
được dành cho một bàn ở sát sân khấu, muốn đến lúc nào cũng được. Nhưng tao chỉ
thỉnh thoảng mới dẫn vợ tao và một vài thằng bạn đến thôi. Lần nào tao đến,
chúng nó cũng đem ra một chai xâm banh cho cậu uống, mà thưởng thức âm nhạc.
Tao viết bài ca tụng Thái Thanh. Nó cất bài tao viết trong ví, có ai đến, lại mở
ra khoe. Về sau, tao ghét nó, chắc nó vất bài ấy đi rồi. Ở chỗ thằng Joe Marcel
cũng thế. Cứ mỗi ngày, tao chi cho một em ca sĩ ở chỗ chúng nó một bài ngắn
trên báo. Và báo ra ngày nào, là đêm hôm đó, phòng trà của chúng nó đông nghẹt
người. Có hôm tao viết về em Lệ Thu như thế này “Nghe Lệ Thu hát Lệ Đaù, thì đến
đá cũng phải chảy nước mắt!” Đến nỗi, thằng Phạm Huấn cũng phải mò đi nghe nó
hát. Phạm Huấn bảo tao “ Đ.m, mày quảng cáo nó ghê quá! Mày viết bốc nó ghê
quá, thì ông phải đi chứ.” Thời ấy, em ca sĩ nào cũng chờ được tao viết về
chúng nó thôi. Tao có ngờ đâu, mấy năm sau, tao cũng làm nhạc. Mà nhạc của tao,
nghe cũng được lắm chứ. Năm 88, tao đã định làm một băng nhạc cho Mai Hương, và
sau đó là Kim Tước, Châu Hà, và Julie. Mỗi băng nhạc đều sẽ kèm theo tập nhạc
mười bản của tao, hình ảnh ca sĩ ở ngoài bìa, cùng bài giới thiệu thật nồng nàn
tao viết về mỗi ca sĩ đó. Nhưng rồi tao bị chúng nó đánh. Đến bây giờ, thì muốn
làm cũng không làm được nữa. Chúng mày nghĩ, mình đã được hưởng chút vinh quang
rồi, thì phải đem vinh quang đến cho những người khác nữa chứ...”
Một người hỏi:
- Thế còn QG?
- Mày quên QG đi. Nó lấy thằng NXN, là kể như bỏ rồi. Lấy thằng N. rồi, là đ.
có tôi nữa.
Duyên Anh nói qua dự tính in mấy cuốn sách mới của anh. Vũ Bình Nghi hỏi:
- Mày định ra mắt sách ở đâu?
Duyên Anh cười:
- Chẳng ra ở đâu cả. Ra mắt, thì chỉ ra một lần thôi chứ. Ở Mỹ này, tao ra mắt
rồi. Với lại, sách vở nó có mắt chó đâu mà ra? Tao chỉ đến chỗ mày, rồi qua chỗ
thằng Băng Đình, thằng Truyền, mỗi nơi tao đem theo ít sách. Tao chỉ đem sách đến
một quán nào đó, ngồi uống với mấy thằng bạn. Tao sẽ lên San José, uống với
Hoàng Anh Tuấn và Vũ Bình Nghi. Trên đó, có cả thằng bé con ông chủ hiệu ảnh
Diêu dưới Long Xuyên nữa. Nó bảo “Chú cứ lên đây đi. Làm gì, cháu cũng làm cho
chú hết.” Còn Denver, thì đã là đất của tao rồi. Đi lúc nào cũng được. Ra quán
ngồi, ai muốn đọc sách tao, thì đến mua về đọc. Cuộc đời tao, đã chán tiếp tân
rồi.
Vũ Bình Nghi:
- Không tiếp tân cũng được. Nhưng ít nhất cũng phải có một buổi nào để mày gặp
gỡ bạn bè và độc giả chứ? Làm lùi xùi quá, đâu có được.
Duyên Anh lớn tiếng:
- Tao đã thề không ra mắt sách nữa. Tao chỉ đi bán sách thôi. Anh có mua thì
mua, không mua thì thôi. Không có ra mắt ra miếc gì cả!
Vũ Bình Nghi đùa:
- Mày nói giọng có vẻ giống Mai Thảo rồi đấy.
Duyên Anh:
- Mẹ, giống thế đ. nào được thằng Mai Thảo!
Vũ Bình Nghi phân bua với mọi người:
- Chúng mày thấy nó bắt đầu lè nhè chưa?
Duyên Anh giơ tay trái lên:
- Chúng mày nghe tao nói. Có thể tao lè nhè đấy, nhưng tao hoàn toàn tỉnh táo.
Tao lè nhè nãy giờ, là tao giả vờ lè nhè thôi. Nếu chúng mày không muốn tao lè
nhè, thì từ giờ phút này, tao không lè nhè nữa. Ban nãy, tao lè nhè, là vì tao
muốn làm người lớn. Chả lẽ mình đã sáu mươi tuổi rồi, mà người ta tưởng mình mới
có ba mươi…
- Mười ba chứ?
Duyên Anh:
- À, tao lại nhớ hôm trước ngồi quán với thằng Hiền. Có một ông già, mặt mũi
râu ria cứ y như Hồ Chí Minh ấy. Ông ta cầm tờ báo, đến bàn chúng tao, hỏi “Anh
Duyên Anh, anh còn nhớ tui không? Hồi trước, tui thường gặp anh ở tòa soạn báo
Sống đó”. Thú thật, tao chẳng nhớ ông ta là cái ông đếch gì cả. Nhưng mà tao chỉ
gật gù, như thể nhận ra ông già là người quen cũ vậy. Ông ta mở trang trong tờ
báo, khoe với chúng tao “Hôm nay, sinh nhật tui. Người ta đăng báo mừng sinh nhật
tui nè!” Thằng Hiền hỏi “ Thưa cụ, năm nay cụ được bảy mươi mấy rồi?” Ông ta trả
lời là mới có sáu mươi tư. Như vậy, hơn tao có bốn tuổi thôi, mà già lụ khụ, và
lại lẩm cẩm nữa!
Duyên Anh nói:
- Ông ấy giở tờ báo ra, làm đổ cả ly bia của mình! Bia văng xuống, ướt cả quần
áo tao. Trong lúc tao lấy khăn giấy thấm chỗ ướt, ông ta cứ phớt lờ đi, chẳng
nói được một lời xin lỗi. Đ.m, tao giận ông già này lắm đó.
Vũ Bình Nghi quay sang chuyện xưa:
- Này, Duyên Anh, sao hồi ấy mày bỏ Xây Dựng?
- Tết năm đó, tao trót hứa với mấy thằng trong tòa soạn, là nếu không đòi được
lương tháng mười ba cho tất cả, thì tao sẽ nghỉ, không làm nữa. Tao nói chuyện
với ông Lãm. Ông ấy không bằng lòng, còn nói xỏ tao. Tao tức mình, bảo ông ấy
“Kể từ tháng này, tôi không làm ở đây nữa.” Thế là tao nghỉ. Cho tới bảy tám
tháng sau, ông ấy đến gặp tao, bảo “Duyên Anh về làm lại với Xây Dựng đi.” Bởi
vì lúc đó, tiểu thuyết của tao đang được nhiều người thích lắm. Nhiều độc giả
mua Xây Dưnïg, chỉ để đọc tiểu thuyết Duyên Anh thôi. Đ.m, thế mới chướng chứ!
Có thể nói, tiểu thuyết Duyên Anh đã làm sống lại tờ Xây Dựng. Tao nói với ông
Lãm “Bây giờ, lương tôi không như ngày xưa nữa đâu.” Ông ấy hỏi “Bao nhiêu?”
Tao bảo “Tôi sẽ chỉ viết hai mục thôi. Mỗi tháng năm mươi ngàn. Cha bằng lòng
thì tôi về, còn nếu không, thì thôi.” Ông ấy cười “Bằng lòng chứ.” Thế là tao lại
về với Xây Dựng.
Tôi hỏi bất chợt:
- Ông Lãm có mấy vợ?
Duyên Anh cười một tràng dài:
- Bao nhiêu thì anh không biết, nhưng chắc chắn là có vợ rồi.
- Thế còn ông Trần Du của tờ Hòa Bình?
- Trần Du thì thuộc loại cha đi hoang thôi.
Sau một hớp bia, Duyên Anh tiếp:
- Nhưng mà ông Lãm và mấy ông cha khác ở Saigon, trong số ấy có cả ông Thanh
Lãng ở Đại Học Văn Khoa nữa, trong các đêm 27, 28, 29 tháng tư, năm 75, đã về
Suối Máu họp mật với Việt Cộng, rồi còn ký vào tuyên ngôn ủng hộ chúng nó nữa.
Tôi hỏi:
- Làm sao anh biết?
- Đây nhé, linh mục Trần Đức Huynh từ Mỹ sang Paris chơi. Người Công Giáo hỏi
ông ấy “Cha có tiền, sao không giúp mấy linh mục đang sống thiếu thốn ở
Saigon?” Cha Huynh trả lời “Một đồng, tôi cũng không gửi cho các ông ấy. Họ đã
từng đi họp hành với Việt Cộng ở Suối Máu, thì giúp đỡ thế nào được?Đã hợp tác
với cái ác thì đương nhiên là chống lại điều thiện rồi. Việt Cộng dù có lươn lẹo
trăm mặt khác nhau, nhưng cốt lõi của nó là quỉ Sa tăng. Họ đánh đu với tinh,
thì nay đã vỡ mặt!” Chưa hết, linh mục Jean Mais có cho anh xem tài liệu của
Dòng Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp về vụ này. Ông cha này, trước đây ở trung tâm Đắc
Lộ mà. Mấy ông cha Tây đã chống cộng là chống đến cùng, chứ không quay sang bắt
tay chúng nó như mấy ông cha Việt Nam anh vừa kể…
Buổi tiệc càng lúc càng vui nhộn. Duyên Anh nói:
- Tôi đến đây đã một tuần. Các bạn thấy tôi đã khác ngày xưa. Bây giờ, tôi chỉ
đến với những người bạn thân thôi, không dám la cà chỗ đông người nữa. Đ.m, chỉ
còn mỗi một cái tay, một cái chân; nhỡ nó đánh nữa thì đi đứng làm sao được
đây?
Trong lúc mọi người phá lên cười vì câu nói nửa đùa, nửa thật, anh tiếp:
- Có thằng chủ báo Việt nam bên Tây đưa cho tôi sáu trăm quan, bảo tôi gửi bài
cho nó. Tôi gửi cho nó hai bài. Bẵng đi một dạo, nó gọi điện thoại, hỏi tôi sao
không đưa bài nữa, tôi bảo “Chưa đưa tiền, chưa đưa bài.”
Trong lúc mọi người cười ồ vì câu đối thoại, một anh, trước là sĩ quan chiến
tranh chính trị trên Đà lạt, nhắc kỷ niệm xưa:
- Anh Duyên Anh có nhớ ba mươi năm trước, anh lên Đà lạt chơi xì phé với tụi
tôi không? Kỳ đó, anh thua, dù anh không ăn thịt vịt…
Duyên Anh:
- Thịt vịt, thì tôi không biết ăn, chứ không phải vì sợ xui mà không ăn. Nhưng
tôi ăn tiết canh vịt được. Tiếc quá, hôm nay không có món tiết canh vịt!
Triều Khê:
- Đã có món bê thui chấm tương gừng pha ngọt, tôi sợ thêm tiết canh vịt vào,
hai món đánh nhau, và các ông sẽ gặp rắc rối trên đường về…
Một người nói:
- Làm báo chí, lúc này đói lắm…
Duyên Anh gật gù:
- Báo chí, thì lúc nào chẳng vậy.
Người kia:
- Nhưng làm báo theo kiểu ông Vũ Bình Nghi thì mới sống được. Ở bên nhà bây giờ,
tờ Công An và tờ Tuổi Trẻ là hai thằng bán chạy nhất. Tụi Tuổi Trẻ mỗi lần phát
hành một trăm bốn mươi ngàn số…
Duyên Anh:
- Nói chuyện báo chí Việt Cộng thì nói làm cái gì? Bẩy tám chục triệu dân mà
bán có hơn trăm ngàn số, thì có ra gì. Ở miền Nam, thời tao làm tờ Xây Dựng, chỉ
in lại số báo Xây Dựng có tường thuật vụ xử Đặng Sỹ không, cũng đã hơn một trăm
ngàn tờ rồi…Ở bên nhà bây giờ, văn nghệ chẳng còn gì nữa. Hơn mười năm trước,
tao có viết một bài, đại khái “Hai mươi năm xưa, người miền Bắc vào miền Nam, gặp
cỏ cây miền Nam lãng mạn, sông núi miền Nam lãng mạn,…
Một người xen vào:
- Gái Long Xuyên lãng mạn.
- … cho nên cái văn chương thời ấy cũng phải lãng mạn theo…”
Duyên Anh tiếp:
- Bây giờ chúng nó vào chiếm được miền Nam rồi; cỏ cây sông núi vẫn lãng mạn,
nhưng con người không lãng mạn nổi nữa. Thì thử hỏi, làm sao có văn chương lãng
mạn được?
Vũ Bình Nghi:
- Chúng nó có biết lãng mạn đ. gì đâu mà viết văn chương lãng mạn được. Chỉ lo
sản xuất cho khỏi đói thôi cũng là may rồi.
Duyên Anh:
- Vì thế, hai mươi năm qua rồi, các anh ấy vẫn chẳng có được cái tiểu thuyết
nào cho ra hồn cả.
Một người nói:
- Nhưng mà, tôi thấy tụi văn sĩ ngoài Bắc cũng viết được mấy truyện ra gì đấy
chứ. Chúng nó in lại ở bên này rồi…
Duyên Anh gạt ngay:
- Tụi ngoài Bắc thì lại càng chết nữa. Chúng nó viết có ra gì đâu? Đ.m, chán lắm!
Văn chương trong nước đã đ. ra cái gì rồi. Văn chương hải ngoại cũng chẳng ra
cái gì hết. Mới đây, có một bà chuyên làm nghề cho vay nợ nhà, viết lách chẳng
ra gì, mà cũng cố rặn ra một cuốn sách để được người ta gọi là nhà văn.
Vẫn anh bạn ban nãy:
- Tôi xin thưa với quý vị giấc mơ của tôi từ mười mấy năm nay, chưa làm được,
thì bên Thúy Nga họ làm rồi. Đó là Tủ Sách Việt Nam, đọc vào băng cassette…Đây
là một công tác văn hóa…
Duyên Anh lại ngắt lời anh bạn đang nói:
- Tủ Sách Việt Nam cái gì? Có phải Thúy Nga là thằng đầu tiên làm cái này đâu?
Thằng Hoàng Anh Tuấn nó đã làm cái vụ này từ mười năm trước rồi. Nhưng mà sống
không nổi đâu.
Vũ Bình Nghi:
- Duyên Anh này, mày còn nhớ hôm nọ, mày bảo với tao rằng “Thằng Thương Sinh chết
rồi. Bây giờ chỉ còn Duyên Anh thôi” không?
Duyên Anh gật đầu. Vũ Bình Nghi tiếp:
- Như vậy, chúng tao yên chí ngồi uống với mày ở đâu cũng được. Bởi vì, hết sợ
bị đánh nữa rồi.
Trong lúc mọi người cười ầm lên, Duyên Anh nói:
- Thằng Thương Sinh của tao chết rồi, nhưng lại vẫn còn những thằng Thương Sinh
khác hay hơn tao nữa. Nói để mà nói vậy thôi, chứ đ.m…
Vũ Bình Nghi:
- Ban nãy, tao bảo mày giống Mai Thảo, là tao không nói đùa đâu đấy.
Duyên Anh phá lên cười:
- Vâng, thì anh bảo tôi rông dài, tôi lè nhè, tôi lẻm bẻm. Nhưng mà….mày là cái
thằng con c. gì, mà mày bảo tao giống thằng Mai Thảo?
Cả bàn tiệc cười rộ lên. Duyên Anh tiếp:
- Mẹ nó, thằng Duyên Anh, nó vẫn còn trẻ nguyên. Mai Thảo nó già nua rồi, đ. cần
nhắc đến nó nữa.
Vũ Bình Nghi:
- Không, tao thì vẫn ăn ngay nói thật. Nghe giọng mày giống Mai Thảo, thì tao
nói giống vậy thôi.
Trong tiếng cười ồn ào của mọi người, Duyên Anh im lặng một thoáng, rồi gật gù:
- Ừ, có lẽ cũng giống thật đấy. Nhưng mà Mai Thảo bảy mươi rồi. Tao mới có sáu
mươi thôi…
- Thì mày giống nó lúc nó sáu mươi.
- Đ. phải. Nhưng mà năm nó sáu mươi, mày thấy nó giống tao không? Tao thích lè
nhè, là vì tao lè nhè cho vui vậy thôi. Nhưng nếu chúng mày không thích nghe
tao lè nhè, thì kể từ giờ phút này, tao không thèm lè nhè nữa.
Một người hỏi:
- Nguyễn Đức Nhuận ngồi cạnh Duyên Anh, có sợ bị vạ lây gì không?
Có tiếng trả lời:
- Thì cũng mạt cưa mướp đắng thôi.
Duyên Anh nói:
- Thằng Nhuận thì có chửi bới gì ai đâu. Nó là gì nhỉ?
- Một thứ manager. Báo chí chửi nó là “lái giấy”. Nó bảo “thì chúng nó chửi tao
cũng đúng thôi. Nhưng tao đã từng sửa Bố Già. Bảo tao là lái giấy, tao cũng giận
chứ.”
Câu chuyện nhảy qua chuyện sữa thường và sữa low-fat. Duyên Anh nói:
- Sữa ở Mỹ không ngon bằng sữa Tây. Chúng mày phải uống thử sữa Tây, mới thấy sữa
Mỹ không bằng một góc….
Một người ngồi phía đầu bàn lên tiếng:
- Mỹ với Việt Cộng sắp sửa chơi với nhau rồi.
Duyên Anh:
- Cứ để chúng nó chơi với nhau. Khi Việt Cộng có tòa đại sứ của chúng nó ở bên
này rồi, ấy là lúc cho mình trực diện chiến đấu với cộng sản đó. Chúng ta sẽ dạy
dỗ chúng nó thế nào là trò chơi dân chủ. Chúng ta sẽ làm một tờ báo để đánh
nhau với chúng nó. Lúc ấy, những thằng nào thân cộng, theo cộng, hoặc chống cộng,
sẽ lộ mặt ra hết…
Vũ Bình Nghi:
- Tao nghĩ, về căn bản, cộng sản đã không còn nữa…
Duyên Anh:
- Không, mày lầm rồi. Nếu cộng sản nó không còn nữa, thì tư bản nó sống với ai?
Triều Khê:
- Tư bản phải để cho cộng sản sống. Các anh thấy đó, Chúa có bao giờ giết Satan
đâu? Bởi vì khi ấy, chỉ còn có THIỆN thôi, tôn giáo đâu còn lý do gì để tồn tại?
Thành ra, thằng Mỹ không bao giờ chủ trương tiêu diệt cộng sản hết.
Vũ Bình Nghi nhắc lại câu ban nãy:
- Cộng sản nó không còn gì nữa. Chỉ còn một số nhân vật của chúng nó thôi…Chúng
nó còn sống, vì những nhân vật này còn sống thôi. Về căn bản, thì nó tiêu rồi.
Duyên Anh:
- Không, căn bản của nó không tiêu đâu. Chẳng qua là Nga xô, nó thất bại về
kinh tế, nên mới đành phải co lại, không bành trướng được như trước nữa. Thằng
tư bản, nếu muốn, có thể đánh sụp thằng cộng sản bất cứ lúc nào. Nhưng nó không
muốn thế. Còn mày nói nhân vật, thì thằng Gorbachev đó, nó chỉ lui vào bóng tối
thôi. Chính nó là thằng cứu đảng cộng sản đấy.
Bàn tiệc ồn ào, mỗi người góp một ý về chuyện tư bản, cộng sản. Triều Khê phải
lái câu chuyện qua hướng khác:
- Ban nãy, chúng mày bàn chuyện ra tuần báo, tiếp tục chuyện đó đi.
Vũ Bình Nghi:
- Làm tuần báo cũng dễ thôi. Điều kiện đầu tiên, là phải có tiền đã. Tiếp theo
là nhân sự.
Duyên Anh:
- Tìm người cộng tác, thì chỉ cần mười người thôi, là đủ rồi.
Vũ Bình Nghi:
- Quảng cáo rất quan trọng. Quảng cáo có nhiều, tờ báo mới sống mạnh được. Cả
thế giới này, không có tờ nào quảng cáo nhiều như báo của tao hết.
Quay sang Duyên Anh, Vũ Bình Nghi nói:
- Đ.m, hồi làm ở Xây Dựng, tao cũng khổ với mày lắm đó. Tao bị vợ mày chửi tơi
bời, cũng vì mày thôi đấy!
Duyên Anh ngắt lời:
- Có phải mày muốn nói đến căn nhà của mày ở Biên Hòa không? Hồi ấy, tao có một
em Tây lai ngon lành lắm. Tao mượn chìa khóa nhà mày, lấy Dauphine chở em tới.
Lu nước sau nhà mày cạn, múc mãi mới được có một thau dùng cho việc rửa ráy.
Đ.m, xong việc, tao mệt quá, nằm ngủ thêm hai tiếng nữa, mới lái xe về Saigon.
Một người nói:
- Thằng Duyên Anh này, cũng kiêu ngạo và ngông nghênh lắm đấy chứ!
Duyên Anh cao hứng:
- Không ngông nghênh, có đứa nào dám chửi từ Nguyễn Văn Thiệu trở xuống. Hồi
tao làm ở Xây Dựng, thằng Nghi biết đấy, biết bao nhiêu là áp lực và đe dọa từ
mọi phía; tao có biết sợ là gì. Vẫn cứ đứng thẳng mà đi thôi. Tòa soạn có mấy đứa
đâu. Chỉ có Tường Tuấn, Vũ Bình Nghi, Triều Khê, và tao thôi. Phía Phật giáo,
nhất là nhóm quá khích ở Ấn Quang, đã dọa san phẳng nhật báo Xây Dựng, chúng
tao vẫn cứ mở cửa như thường. Rồi lúc dọn về nhà in Nguyễn Bá Tòng, chúng nó đến
phá tòa soạn, đốt cả xe ô tô luôn. Vậy mà, tao vẫn đ. sợ chúng nó.
Một người trong bàn chợt lôi chuyện đánh đấm trên báo giữa DS và HDT ra bình luận:
- Thằng DS coi bộ lép vế, chửi không lại con HDT.
- DS thua là cái chắc. Chửi làm sao nổi đứa có đến hai cái mồm.
- Chơi với đàn bà, chỉ có lỗ thôi!
Duyên Anh nói:
- Bây giờ, HDT, hay bất cứ đứa nào, có chửi tao, tao cũng yên lặng cho chúng nó
chửi thôi. Chẳng hơi đâu mà trả lời chúng nó.
Vũ Bình Nghi gật đầu:
- Kệ mẹ chúng nó. Đang ăn nhậu mà nghe chuyện chửi nhau bá láp, mất sướng!
Duyên Anh tiếp:
- Báo chí bên này kém xa hồi chúng tao làm báo bên nhà. Hồi ấy, tao hay đưa con
tao đi học, và đón chúng nó về. Nhân vụ Việt cộng mưu sát tướng Kiểm, người có
nhiệm vụ bảo vệ dinh tổng thống, ông tướng này bèn cho lính rào kẽm gai chặn
con đường chạy qua nhà ông ta. Chỗ con tao học phải đi ngang qua đó. Tao mất cả
tiếng đồng hồ chạy vòng vòng mới đến chỗ đón con tao. Về nhà, tao chơi liền một
bài trên Con Ong về cái vụ cấm đường này. Báo vừa ra, hôm sau, ông tướng cho dẹp
ngay kẽm gai, để dân chúng qua lại bình thường. Sang đây, nhiều đứa chẳng biết
viết báo, cũng cứ hiên ngang ra báo. Chẳng còn ra cái thể thống gì nữa!
Trong khi ấy thì thằng Vũ Bình Nghi, bạn tao, ra báo quảng cáo, công khai xác
nhận mình làm báo quảng cáo, chẳng cần văn chương, chẳng cần sứ mạng gì cả.
Một người hỏi:
- Duyên Anh định ra báo trào phúng với Hoàng Mạnh Hùng phải không?
- Không. Hoàng Mạnh Hùng không thể làm báo trào phúng với tôi được. Lối hài hước
của anh ta thuộc thế hệ Hồ Xuân Hương, xưa quá rồi. Làm báo trào phúng bây giờ,
là phải đi sát với thời đại, dùng ngôn ngữ của thời đại, và đôi khi, đi trước
thời đại nữa. Người viết báo trào phúng, đôi khi bị mang tiếng là dùng ngôn ngữ
tàn bạo, nhưng có phải người ấy muốn như thế đâu. Chính cái thời đại ấy tàn bạo
quá, khiến cho ngôn ngữ cũng phải tàn bạo theo.
- Duyên Anh đọc Con Cò chưa?
- Rồi. Chúng nó đang cố gắng bước theo con đường Thương Sinh đã đi ba mươi năm
trước. Mà tao nói thật với chúng mày, viết trào phúng, không phải dễ kiếm người
viết đâu. Tao lấy một thí dụ, viết “Ông A chết rồi” thì thằng nào cũng viết được
hết. Nhưng thằng viết trào phúng sẽ phải tùy trường hợp, để sử dụng hàng chục
cách mô tả cái chết đó. Nó có thể viết ông A đã“đi ô tô bương, về đất, mặc sơ
mi Tô Bia, mặc sơ mi Đức Bảo, hoặc đi tầu suốt…” Nhưng nếu một thằng sâu mọt,
tham nhũng, ác ôn, khi chết đi, mình viết là nó “băng hà”, thì lại có tác dụng
trào phúng ghê gớm lắm. Thằng viết hài hước, đi sát thời đại, nhưng có khi phải
đi trước thời đại, sáng tạo chữ mới, luôn luôn mới, thì mới tồn tại được. Vai
trò của báo hài hước quan trọng lắm, chứ chẳng phải chơi đâu. Hài hước để bảo vệ
dân chủ. Không tin tao, chúng mày cứ sang Pháp, đọc thử tờ Le Canard Enchainé.
Tờ báo này dám chửi từ tổng thống Chirac trở xuống, nếu làm những việc sai
trái. Những đứa nào bảo báo hài hước đồng nghĩa với báo chửi bới, là không hiểu
gì cả.
Đột nhiên, giọng Duyên Anh trở nên nghiêm trang:
- Tôi muốn nói với các anh em. Nếu trời cho tôi còn sống đến bảy mươi tuổi, tức
là còn mười năm nữa thôi, thì trong mười năm tới, tôi sẽ chỉ viết văn hài hước,
cho mọi người cười thôi. Thế nhưng, tôi chưa gặp những hoàn cảnh tốt để có thể
làm được điều đó. Tôi chưa gặp được những người có phương tiện làm báo cũng có
đồng quan điểm hài hước như tôi. Nên cũng đành phải chịu thôi…
Câu chuyện ở bàn tiệc nhậu cứ không đầu không đuôi như thế, kéo dài mãi đến gần
mười một giờ đêm. Trước khi từ giã, Triều Khê giới thiệu Kim Khôi cho chúng
tôi. Triều Khê nói, anh sẽ chỉ phụ trách layout và in bìa cho bốn cuốn sách
thôi. Phần ấn loát, đóng sách, sẽ do Kim Khôi phụ trách. Trên đường về, Duyên
Anh kể cho tôi nghe về báo chí ngoài Bắc trước 1954.
- Hồi ấy, có hai tờ mạnh nhất là Giang Sơn và Tia Sáng. HCB làm chủ nhiệm tờ
Giang Sơn, lại phụ trách phần bình luận nữa, mới ghê gớm chứ. Anh phục ông ta lắm.
Nhưng về sau, khi làm ở nhật báo Sống, thấy HCB hay đến chơi với Chu Tử, anh hỏi
thăm thì biết thuở xưa, ông ấy có biết viết xã luận gì đâu. Toàn là nhờ người
khác viết hộ thôi. Tam Lang cũng có thời viết phim trang nhất cho Giang Sơn…
- Tam Lang Vũ Đình Chí, ông cụ làm chung tờ báo với anh ở Tổng Nha Thanh Niên?
- Phải rồi. Bên Tia Sáng, thì có Hiền Nhân. Chủ nhiệm Tia Sáng là Ngô Vân.
- Em nhớ, năm 1953, ở Trung Linh, Bùi Chu, em có đọc tờ Tia Sáng này rồi.
- Về sau, vào Nam, Ngô Vân không làm báo nữa. Ông ấy quay qua làm thương mại.
Tôi thắc mắc chuyện hồi tối:
- Về vụ QG, tại sao anh ghét NXN như vậy?
- Nó đã từng theo Việt Cộng…
- Anh có chứng cớ gì không?
- Một thằng bác sĩ châm cứu ở Pháp cho anh biết.
- Bác sĩ thì làm sao biết được những chuyện ấy?
- Thằng này không phải là bác sĩ bình thường. Nó ở Pháp lâu rồi. Thời sinh
viên, mấy chục năm về trước, không biết nó nhờ ai thi hộ, có được cái bằng bác
sĩ. Nhưng nó chỉ châm cứu thôi, chứ không mổ xẻ gì cả…
- TĐS phải không?
- Sao em biết?
- Em có nghe anh HVĐ nhắc đến nhân vật này một lần.
- À, thế rồi, không hiểu vì sao, phòng nhì Pháp biết được chuyện này. Và nó bắt
chẹt, ra điều kiện cho TĐS phải cộng tác với nó, cung cấp cho nó tất cả những
tin tức về Việt kiều tại Pháp.
- TĐS cho anh biết những gì về NXN?
- Nó bảo, NXN vào bưng từ thời ông Diệm. Một thời gian sau, N. bỏ về Saigon.
Ông Trần Kim Tuyến biết được chuyện này, cho người theo dõi, chưa kịp bắt, thì
gia đình N. đã lo cho nó trốn sang Pháp học. Thành tài rồi, N. về nước làm cho
Nguyễn Văn Hảo từ khi Hảo còn làm Quỹ Phát Triển Kinh Tế. Đến lúc Hảo lên làm
phó thủ tướng, đặc trách kinh tế tài chánh, kiêm tổng trưởng nông nghiệp, hắn
cài N. vào chức vụ phụ tá tổng trưởng tài chính. Cái điều đáng nói ở đây là N.
làm phụ tá tổng trưởng, mà nó lại không phải đi học tập một ngày nào cả. Do đó,
việc nó là cháu ruột của Nguyễn Văn Linh, tự Mười Cúc, thì chẳng có gì là lạ cả.
Ở Saigon sau 75, dân chúng miền Nam đói khổ ra sao, không cần biết; nó vẫn sung
túc lắm. Mai Thảo kể với anh, nhà nó có cả hầm ruợu ngoại quốc. Nó mời nghệ sĩ
đến chơi. Văn Cao đã từng đến nhà nó. Cả TT nữa. Và trở thành người tình của nó
một thời gian. Phạm Đình Chương và Mai Thảo cũng đến nhà nó mấy lần. Sống với
Việt Cộng vài năm, nó vượt biên, nhưng mà vượt biên bằng phản lực Air France mới
giỏi chứ! Từ Pháp, N. sang Mỹ, làm mặt trận với Hoàng Cơ Minh. Rồi cũng chính
NXN là chủ chốt trong việc đuổi PVL ra khỏi mặt trận.
- Anh có bao giờ gặp NXN chưa?
- Có. Đến bây giờ, chắc nó còn cay anh lắm.
- Sao vậy?
- Thuở ấy, Nguyễn Văn Hảo nhờ anh làm tờ Cách Mạng Xanh. Anh đòi nhuận bút một
triệu rưởi, hắn cũng bằng lòng. In xong rồi, chỉ chờ phát hành thôi, thì Việt Cộng
đánh Ban Mê Thuật. Phải hủy bỏ mấy số báo ấy. Hủy luôn cả kế hoạch anh đưa cho
Nguyễn Văn Hảo về việc huy động và sử dụng văn nghệ sĩ…
- Kế hoạch ấy như thế nào?
- Đại khái, anh đề nghị với Hảo là để vận động quần chúng thật hữu hiệu, chính
quyền phải biết trọng dụng văn nghệ sĩ. Phải sử dụng đủ mọi bộ môn văn nghệ; đặc
biệt bộ môn cải lương thì phải tận dụng hết mình cho tôi…Cuối tháng ba, 75, anh
đến đòi tiền. Hảo bảo anh sang gặp NXN lấy trước một triệu đã. Hôm ấy, N. đang
tiếp một thằng Tây. Nó bảo anh đợi một chút. Đúng năm phút sau, N. đem tiền ra.
Chính nó đã đưa một triệu đồng cho anh. Như vậy, coi như Hảo và N. còn nợ anh
năm trăm ngàn…
- Thế là, Nguyễn Văn Hảo nhờ anh làm tờ Cách Mạng Xanh. Anh làm xong hết rồi,
nhưng chưa phát hành thôi. Mục đích tờ báo ấy là gì?
- Chỉ để phát cho nông dân trong ngày hội Cách Mạng Xanh thôi.
- Tức là vào dịp Người Cày Có Ruộng?
- Ừ. Anh đã mời được những nhà văn, nhà thơ cự phách cộng tác với tờ đặc san
này. Phạm Duy gửi đến một bản nhạc, nhuận bút hai mươi ngàn. Mai Thảo viết một
bài, bốn mươi ngàn. Những người viết khác là Phan Lạc Phúc, Hà Huyền Chi, Vũ
Hoàng Chương…Nhiều lắm…
- Có Thanh Tâm Tuyền không?
- Không.
- Có Nguyễn Mạnh Côn không?
- Không.
- Mục đích của Cách Mạng Xanh là phổ biến chính sách nông nghiệp?
- Không. Những bài văn, bài thơ trong đó chỉ toàn viết về làng mạc, đồng quê,
ruộng nương thôi.
- Họ định làm ngày hội ấy ở đâu?
- Chúng nó định tổ chức ở Sở Thú. Mời đại diện nông dân toàn quốc về. Anh đã
ghi danh sách mời những nghệ sĩ cải lương thượng thặng, Bích Thuận, Phùng Há,
Việt Hùng, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thành Được.
- Không có tân nhạc?
- Có chứ. Nhưng cải lương và cổ nhạc Nam phần là chính. Sẽ diễn liên tiếp hai
ngày thứ bảy và chủ nhật..
Tôi hỏi:
- Anh nhớ hồi em đến thăm anh ở tòa soạn Tuổi Ngọc, đường Bùi Thị Xuân, gần trường
Nguyễn Bá Tòng không? Anh kể cho em về liên hệ giữa anh và Nguyễn Văn Hảo. Lúc
đó, dưới mắt anh, ông ta là một loại trí thức trong sạch, có lý tưởng phục vụ đất
nước, và xứng đáng cho anh hợp tác. Anh nói ông ta quý trọng anh lắm, phải
không?
- Mình quý hắn, giúp hắn, thì hắn cũng phải trọng mình chứ. Một buổi trưa, Hảo
mời anh đi ăn cơm. Lúc ấy, hắn còn làm Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia. Trong bữa
ăn, Hảo nói “ Tôi biết cuốn Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy của anh bị cấm. Tôi cũng có một
cuốn viết về kinh tế bị ngâm mãi, không được cho ra. Chẳng biết trong đó, anh
viết cái gì mà bị cấm như thế?”
- Anh trả lời thế nào?
- Anh bảo “Cuốn đó, tôi viết cho thanh niên và thiếu nhi. Tôi chỉ nói lên sự thật
về thế hệ trẻ tuổi thời ấy. Họ thiếu đủ mọi thứ phương tiện tối thiểu để sinh
hoạt, hầu chuẩn bị phục vụ đất nước. Cũng giống như những con bò sữa, không được
ăn cỏ tươi trên đồng xanh, mà chỉ toàn gặm cỏ cháy ở những vùng đất khô cằn. Thế
thì làm sao bò cho sữa tốt được? Và làm sao trông mong các em thiếu nhi, thanh
niên, và những người tuổi trẻ, khi ra đời, có thể làm việc hữu hiệu cho quê
hương được? Tôi cũng viết về ngày Tết Trung Thu, khi ông Thiệu chỉ cho những em
thiếu nhi ăn mặc sạch sẽ, mặt mũi sáng sủa, nói chung là con nhà khá giả, được
vào Dinh Độc Lập ăn bánh và nhận đèn tổng thống phát cho. Còn con nhà bình dân,
nghèo hèn, chẳng bao giờ được bước chân vào đó cả.” Anh cả tin, nghe Hảo nói hắn
cũng có sách bị gạch bỏ như mình, nên tưởng Hảo ghê gớm lắm, và có cảm tình với
hắn ngay…
- Anh cũng không tìm hiểu cuốn sách ấy là cuốn gì?
- Cuốn sách kinh tế gì đó, anh quên mất tên rồi. Mà có phải những bài kinh tế ấy
do Hảo viết đâu. Hắn có một giáo sư trường luật làm cố vấn. Chính anh giáo sư
này viết hầu hết những bài trong cuốn đó.
- Sau lần ấy, anh thường gặp Nguyễn Văn Hảo không?
- Có. Mỗi lần muốn gặp anh, Hảo lại cho Lê Đình Điểu gọi điện thoại, mời anh đến
văn phòng hắn. Lần đầu tiên đến văn phòng phó thủ tướng của Hảo, anh hỏi “Anh có
hách không?” hắn nói “Không, tôi chỉ khiêm tốn thôi”. Anh nói “Thế thì tôi về
đây. Tôi chẳng có gì để nói với anh cả. Tôi tưởng anh là tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo
thì phải hơn những tiến sĩ khác chứ. Nghĩa là phải hách hơn họ chứ?” Nghe anh
giải thích, Hảo vội nói “Như vậy, thì tôi hách chứ”. Việc đầu tiên Hảo nhờ anh
làm là cuốn Kinh Tế Việt Nam…
- Anh mà viết về kinh tế?
Duyên Anh cười:
- Lý thuyết kinh tế, mình có biết chó gì đâu? Hảo đưa cho anh một số tài liệu.
Anh đọc qua, rồi viết lại cho thật giản dị, dễ hiểu. Cứ một trang bên này anh
viết, thì trang bên kia lại in những ảnh chọn lọc của Nguyễn Cao Đàm và Trần
Cao Lĩnh. Riêng cuốn này thôi, hắn trả anh một triệu rưởi.
- Nhờ thế, anh có đủ tiền mua chiếc Pinto?
- Không những đủ, mà còn dư nữa. Đầu đuôi, có một thằng sinh viên du học ở Mỹ
đem về chiếc Pinto, đời 74. Nhưng nhà đoan bắt đóng thuế nhiều quá, nó không có
tiền trả, phải đậu xe trong nhà hoài. Nguyễn Long giới thiệu anh mua xe này.
Anh trả có một triệu mốt, thằng nhỏ bán ngay.
- Xe còn mới không?
- Mới toanh. Lúc ấy cũng đúng dịp ông N. lên làm tổng trưởng tài chính. Anh tới
nhờ ông ấy viết cho mấy chữ, để tụi nhà đoan khỏi làm khó dễ. Ông N. nói “Không
cần giấy. Tôi cũng sắp sửa bãi bỏ mấy thủ tục đó.” Anh bảo “Nhưng từ nay đến
lúc ông ra cái quyết định ấy, tôi không có xe đi.” Vậy là ông ấy viết tờ giấy
giới thiệu. Anh ra nhà đoan làm thủ tục gấp, mọi chuyện dễ dàng. Xách xe về, chạy
vung vít cả lên. Ngay tuần lễ sau, một thằng Tầu Chợ Lớn nhờ người quen dẫn đến
xin anh cho nó coi xe. Nó gạ anh để lại cho nó năm triệu, nhưng anh từ chối. Bấy
giờ, ở Việt Nam chỉ có bảy chiếc Ford Pinto. Bốn chiếc của tụi Mỹ rồi. Một thằng
tỉ phú trong Chợ Lớn làm chủ hai chiếc, và một chiếc của anh thôi.
- Chiếc của anh màu xanh cánh chả, có hai cửa. Anh nhớ hôm anh lái xe, anh em
mình đi Chợ Cũ chơi không?
- Ừ. Hôm ra Chợ Cũ là sắp tới màn di tản rồi. Anh thì thật sự không tha thiết
gì đến chuyện di tản cả. À, ban nãy nói chuyện Nguyễn Văn Hảo, anh quên không kể
cho em biết, Hảo còn nhờ anh làm chủ bút ba tờ báo hắn định cho phát hành ở Đà
Nẵng, Saigon và Cần Thơ. Hắn nói “Tôi chỉ xin anh một điều thôi: Nhờ anh kèm cặp,
dẫn dắt những ký giả miền Nam trong ba tờ báo đó”
- Ký giả miền Nam?
- Ý của Nguyễn Văn Hảo là muốn nhờ anh hướng dẫn và đào tạo một lớp ký giả mới
của miền Nam. Hắn cho là báo chí bị ký giả gốc miền Bắc khuynh loát kỹ quá rồi.
- Ông ta định trả lương cho anh bao nhiêu?
- Hắn cũng hỏi anh câu đó. Anh nói “Lương của tôi không thể giống như lương những
người làm việc cho chính phủ được. Năm trăm ngàn một tháng. Và quyền lợi, phụ cấp,
tương đương tổng giám đốc.”
- Ông ta bằng lòng không?
- Hắn không trả lời ngay, bảo “phải trình với tổng thống đã.” Mấy hôm sau, gặp
anh, Hảo nói “ Tôi nói chuyện với tổng thống rồi. Ông ấy hỏi tại sao tôi lại
chơi với Duyên Anh. Tôi nói “ không biết ai nói sao về Duyên Anh, chứ tôi thấy
anh ấy rất tốt.” Ông Thiệu hỏi tôi có tin được anh không, tôi nói tôi tin chứ.
Tổng thống bảo tôi tin được, thì cứ làm đi”. Đó là nguyên văn lời Nguyễn Văn Hảo
kể lại cho anh.
- Như vậy, Nguyễn Văn Hảo được Nguyễn Văn Thiệu tin dùng quá nhỉ?
- Hắn may mắn có số nhờ vợ. Vợ Hảo là Cao Thị Nguyệt, vợ góa của Ba Cụt. Họ
không có con cái gì cả. Cao Thị Nguyệt vận động với Đặng Văn Quang và vợ Nguyễn
Văn Thiệu, để Thiệu dùng Hảo…
- Dư luận cho rằng Nguyễn Văn Hảo do Việt Cộng cài vào chính quyền miền Nam, để
giữ không cho ông Thiệu mang vàng đi. Anh có tin như vậy không?
Duyên Anh lắc đầu:
- Anh tiếp xúc với Hảo khá kỹ, và biết chắc hắn không thể nào là Việt Cộng nằm
vùng được.
- Nhưng mới đây thôi, ông ta làm trung gian, để Việt Cộng hối lộ Ron Brown, bộ
trưởng thương mại của Mỹ. FBI sắp bắt Nguyễn Văn Hảo, thì ông ta trốn về Việt
Nam, và hiện được Việt Cộng che chở. Nếu không làm việc cho Việt Cộng, làm sao
ông ta ở yên bên đó được?
- À, anh chỉ nhận xét về Nguyễn Văn Hảo của giai đoạn anh cộng tác với hắn
thôi. Còn từ ngày Hảo sang Pháp, rồi qua Mỹ đến nay, anh chưa hề gặp lại hắn. Hảo
có quay sang làm việc cho Hà nội không, anh không dám nói. Nhưng anh biết chắc
chắn một điều, Hảo là một tay khôn lỏi…
- Như thế nào?
- Đây nhé, hôm cuối cùng trước khi mất Saigon, Hảo và Lê Quang Uyển, thống đốc
Ngân Hàng Quốc Gia cùng leo lên nóc ngân hàng Việt Nam Thương Tín, chờ trực
thăng Mỹ đến bốc đi. Chờ suốt đêm, cho tới sáng 30 tháng tư, trực thăng không đến.
Trong lúc Lê Quang Uyển chán nản bỏ về nhà, Hảo nhanh chân chạy vào Dinh Độc Lập,
trà trộn với Dương Văn Minh và bọn hàng thần lơ láo Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu,
Lý Quý Chung. Khi vào tiếp thu Dinh Độc Lập, Việt Cộng cũng tiếp nhận luôn đám
đầu hàng này, trong đó có Nguyễn Văn Hảo. Vì thế, chẳng đứa nào trong đám này bị
đi cải tạo hết. Còn Lê Quang Uyển, thì hơn một tháng sau, đi tù cải tạo. Do đó
mà Hảo ở lại phục vụ cho Viêt Cộng. Nếu có thay đổi gì ở Hảo, thì chỉ là vào
giai đoạn sau này thôi. Ở miền Nam sau 75, có hai tiến sĩ kinh tế của VNCH được
Việt Cộng dùng lại là Nguyễn Xuân Oánh và Nguyễn Văn Hảo. Đúng như ông Ngô Đình
Nhu đã nhận xét, bọn trí thức này chỉ là những anh chẳng có tư cách hay lý tưởng
gì cả. Họ chỉ phù thịnh, thấy gió thổi chiều nào, là theo chiều ấy thôi. Quan
niệm sống của họ là “nếu anh mạnh, mà anh cho tôi ra rìa, thì tôi bất mãn, chống
đối anh. Còn nếu anh để ý đến tôi, lại cho tôi tí ti quyền lợi, thì tôi sẽ ra sức
làm việc cho anh thôi.” Do đó, không có cái chuyện hai anh trí thức này tình
nguyện ở lại “phục vụ đất nước”, như một số người tưởng đâu. Họ phải ở lại, chỉ
vì âm mưu trốn chạy ra nước ngoài bất thành thôi. Đ.m, Nguyễn Xuân Oánh thì cộng
sản làm sao được? Chỉ mê gái thôi. Và mê quyền hành nữa. Còn Nguyễn Văn Hảo đã
định trốn cộng sản, thì làm sao là cộng sản được?
- Nhưng nếu đã định trốn thì tại sao ông Hảo còn cố giữ 18 tấn vàng lại?
Duyên Anh cười khẩy:
- Anh ấy chỉ nói phét thôi! Trước hôm chạy sang Đài Loan, Nguyễn Văn Thiệu và
thủ hạ còn đầy đủ quân đội, súng ống. Nếu chúng nó muốn chuyển vàng đi, sức mấy
một anh dân sự như Nguyễn Văn Hảo dám cản chúng nó? Thằng nào lúc ấy dám đứng
ra ngăn cản súng đạn?
- Nguyễn Văn Hảo lớn tuổi hơn anh không?
- Không. Hắn cũng sinh năm 1935. Lúc Hảo đề nghị anh làm việc cho hắn, anh hỏi
“Anh có biết tôi học hành đến đâu không?” Hảo nói “ Có chứ. Bạn bè và đàn em
tôi nói, anh chỉ học có ba niên khóa ở trung học thôi, còn lại thì dở dang hết.”
Rồi hắn hỏi anh “Nhưng mà tại sao anh lại giỏi thế?” Anh nói “Kinh tế là lãnh vực
của anh, tôi không biết gì. Nhưng nếu muốn biết, thì cũng dễ thôi. Tôi sẽ viết
ra một số câu hỏi để hỏi anh. Anh trả lời đầy đủ những câu hỏi ấy, thế là tôi
đã có bằng tiến sĩ của anh rồi.” Hắn cười, bảo anh “Tôi dùng anh, là vì tôi
thích anh, và biết anh có thể làm việc được, nhất là công việc báo chí. Vì đó
là nghề của anh rồi.”
- Khi anh đặt câu hỏi “ Anh có hách không”, là anh muốn thử cái gì nơi Nguyễn
Văn Hảo?
- Anh muốn thử xem Hảo có kiêu hãnh hơn những thằng tiến sĩ khác không; bởi vì
có kiêu hãnh, thì hắn mới không sợ những thằng đó. Anh bảo “Tôi hỏi anh vậy, vì
tôi biết anh dùng tôi rồi, có những thằng tiến sĩ khác sẽ chê anh, rằng “ thằng
Duyên Anh thì có ra cái gì?” Lúc ấy, nếu hách, anh sẽ trả lời chúng nó “ Ừ, thằng
Duyên Anh chẳng ra gì cả. Nhưng tôi dùng nó đấy.”
- Như vậy, anh còn kiêu ngạo hơn cả Nguyễn Văn Hảo nữa!
Duyên Anh cười phá lên:
- Đ.m, Duyên Anh hỗn như vậy đấy! Chưa bao giờ có, và cũng chẳng bao giờ có lúc
nào anh hỗn hơn giai đoạn đó cả.
- Giai đoạn hỗn nhất, và cũng sáng giá nhất của Duyên Anh.
- Ừ, sáng giá thật đấy chứ. Anh có thể nói, ở Việt Nam thời ấy, không có một
nhà văn, nhà báo nào thành công như anh. Và hỗn như anh.
- Mặc dù lúc ấy, anh chưa tới bốn mươi.
- Một thầy tướng số bảo anh “Từ năm 1968 đến 1972 là lúc ông thành công nhất,
sau đó, ông sẽ xuống, và xuống thảm thương lắm. Nhưng rồi sẽ lên trở lại.”
- Anh tin không?
- Tin thế nào được? Nó nói toàn những chuyện mình đã biết rồi . Anh tin là tin ở
mình thôi. Mấy anh thầy tướng số và thầy bói, hễ cứ ăn tiền của thiên hạ để sống,
thì anh nào cũng thế thôi. Chỉ dựa dẫm, nói theo ý thân chủ; có thế người ta mới
cho tiền chứ…
- Xe đã về đến nhà. Trời khuya. Tôi đưa Duyên Anh về phòng anh, rồi lại bàn viết,
ghi tóm tắt những điều anh vừa kể vào nhật ký.
Chương 11
Sáng hôm sau, chủ nhật, chúng tôi dậy muộn hơn ngày thường.
Tôi pha hai phin cà phê. Ấm nước sôi đặt trên bếp điện vặn nhỏ, chờ pha trà.
Duyên Anh mở băng nhạc Mai Hương hát mười bản của anh hồi 1987. Trong tiếng nhạc
êm đềm, buổi sáng thanh vắng, ở sau vườn nhà tôi, Duyên Anh kể lại bước đầu làm
nhạc:
- Hồi ấy, mới sang Pháp, anh có biết lý thuyết sáng tác nhạc là gì đâu. Nhưng tự
nhiên thấy thích viết nhạc. Anh thử viết một bài, đưa cho Lam Phương xem. Anh
ta chỉ sơ qua cho anh cách viết thế nào để bản nhạc được cân đối. Lam Phương bảo
“Chẳng cần sửa gì hết. Như vậy được lắm rồi”. Anh vẫn chưa tin. Bèn đem hỏi Võ
Đức Tuyết. Ông ta bảo “Nhạc anh viết hay lắm. Tôi cũng chỉ viết được đến thế mà
thôi.” Vậy là, anh cứ thế mà viết thôi. Bản nhạc đầu tiên, viết hơi khó, sửa đi
sửa lại mãi. Đến những bản sau, dòng nhạc cứ tràn lan, anh viết một mạch tới gần
một trăm bản. Lựa lọc, bỏ đi dần dần, chỉ giữ lại những bài anh thật ưng ý
thôi. Kinh nghiệm này cho anh thấy, hễ mình thích cái gì ghê gớm lắm, cố tâm
làm cái ấy, là có thể làm được thôi. Trên đời, chẳng có cái gì khó hết.
- Bản nhạc đầu tiên anh viết là bản nào?
- Ru Đời Phù Ảo.
Duyên Anh vừa cười, vừa kể tiếp chuyện tối hôm trước:
- Anh nhớ thêm một chi tiết nữa. Căn nhà ở Biên Hòa đó, thằng Vũ Bình Nghi
chung với một người bạn, sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức. Đứa con gái lai ấy, từ
bên Lào về, bố mẹ chết hết rồi. Nó ở chung với ông bà nội, cũng là dân lai. Nhà
nó ngay ở tòa báo Xây Dựng. Mỗi lần thấy anh đến, nó cứ gọi “ Ê, Dung, Dung
Đakao”, chứ không gọi là “Dũng”…
- Cô ta nói tiếng Việt có rành không?
- Khá rành. Anh thấy nó có vẻ khoái mình, bèn rủ đi chơi. Nó chịu liền. Hôm ấy,
thằng Vũ Bình Nghi phải rủ người bạn sĩ quan đi chỗ khác, nhường nhà trống cho
anh. Về sau, chơi chán rồi, anh giới thiệu nó cho thằng HNL…
- HNL “ĐQ Mũ Đỏ” đó hả?
- Ừ. Thằng L. này dở bỏ mẹ! Rủ con nhỏ đến chỗ ngủ, không chịu ngủ ngay, còn bảo
nó ngồi chờ, để mình đi tắm. Nó tức mình, bỏ về luôn. Gặp anh, nó nói bằng tiếng
Tây “Thằng cha ấy, em ghét quá. Ngủ thì ngủ luôn đi, lại còn đi tắm!”
- Làm nó mất hứng?
- Chứ gì nữa. Nó đã sướng từ lúc chịu đi với mình về nhà rồi. Đến nơi, phải làm
cho nó sướng liền chứ. Bắt nó chờ, nó bỏ đi là phải.
- Về sau, cô ta làm gì?
- Nó về Tây. Dân Tây mà. Bây giờ, nó cũng phải trên dưới năm chục rồi.
Duyên Anh trầm ngâm một vài giây, rồi tiếp:
- Thực ra, hồi đó, anh cũng léng phéng với một số người. Nhưng nói thật lòng
mình, thì anh chỉ yêu có một cô thôi. Cô này anh quen nhân dịp Tết, hồi anh còn
dạy ở trường bán công Hòa Hảo. Lẽ ra, mình về Saigon ăn Tết; nhưng lang thang
qua Chợ Mới, gặp cô ta về quê chơi, anh làm quen, rồi ở lại đó ăn Tết luôn. Cô
ta là con gái một ông điền chủ giầu có. Mấy ngày đầu Xuân, cô ta dẫn anh đi
thăm vườn trái cây, chèo thuyền ngắm cảnh sông nước, thơ mộng lắm. Chỉ có hai đứa
thôi. Lúc thuyền ghé vào một hàng cây râm mát ở khúc sông vắng, anh ghé môi, chạm
nhẹ vào môi cô ấy. Cô bé nhắm mắt laiï, toàn thân run lên. Nhưng chỉ có thế
thôi, không có gì sâu đậm cả. Cô ta là nữ sinh Gia Long, mười tám tuổi, trọ học
ở Saigon với người chị đã có chồng. Bẵng đi một dạo, anh lập gia đình, thành ra
không để ý đến cô ta nữa. Một thời gian sau, khi anh đang làm báo Xây Dựng,
tình cờ gặp lại cô ta. Nói chuyện một lát, cô ta mời anh về nhà. Cô ta vẫn chưa
lấy ai. Lúc này, cô ta như một trái cây đã chín mùi. Đẹp không thể tả được! Số
anh, yêu toàn mấy em đẹp không thôi. Em còn nhớ trong phim April Love, cô tài tử
gì đóng chung với Pat Boone không?
- Shirley Jones phải không?
- Ừ, đúng rồi. Cô ta có nụ cười và đôi mắt đẹp như Shirley Jones vậy. Anh nhớ
ra rồi. Tên cô ta là Thủy. Chị cô ta tên Đạm.
- Và rồi đôi trẻ yêu nhau?
- Yêu quá xá đi chứ! Thủy thú thật với anh là đã yêu anh ngay từ buổi trưa trên
sông vắng, khi anh hôn nhẹ lên môi cô ta. Mấy năm trôi qua, cô ấy vẫn mong chờ
mình, nên không yêu ai được nữa. Thủy nói, bây giờ gặp lại anh rồi, cô ta muốn
hiến dâng hết, không cần anh hứa hẹn gì cả. Dĩ nhiên, cô ta biết anh đã có gia
đình. Anh ứa nước mắt, lần đầu tiên ngủ với Thủy, vì biết cô ta còn trong trắng;
nhưng đã bằng lòng trao hết cho mình. Anh yêu Thủy lắm, vì mối chân tình cô ta
dành cho anh. Suốt mấy tuần liền, anh lái chiếc Renault, chở Thủy đi chơi Thủ Đức,
Lái Thiêu, Biên Hòa. Hai đứa quấn quýt như đôi vợ chồng mới cưới. Một buốåi tối,
gần nhau xong, anh từ giã Thủy để về nhà, như thường lệ, thì cô ta ôm chặt lấy
anh, thì thầm “Em yêu anh, và chỉ ao ước được làm vợ anh thôi. Nhưng anh đã có
gia đình rồi. Em sẽ mãi mãi chẳng bao giờ được chung sống với anh. Nhiều đêm
anh về rồi, em trằn trọc mãi với ý định phải chiếm đoạt anh làm của riêng.
Nhưng rồi suy nghĩ lại, em bỏ ý định đó. Em không muốn vì em, mà vợ con anh đau
khổ. Bây giờ, em không ân hận gì nữa, vì chúng mình đã trọn vẹn với nhau. Long
ơi, anh có biết em đang sung sướng lắm không?”
Anh gỡ nhẹ tay cô ấy ra, và hẹn mấy hôm nữa sẽ đến. Nhưng hai hôm sau, chị cô
ta đến báo tin, Thủy chết rồi! Thì ra, buổi tối cuối cùng gặp nhau, anh ra về,
Thủy đã uống nguyên một ống thuốc ngủ. Đưa đến nhà thương quá muộn, không cứu
được nữa.
Anh đến nhìn mặt Thủy lần chót ở nhà thương Đô Thành, trước khi người nhà tẩm
liệm. Nhìn cô ta như đang say ngủ, qua làn nước mắt, anh thì thầm “Thủy ơi, tha
lỗi cho anh!” Anh cúi xuống, áp mặt mình vào ngực Thủy, và cảm thấy như một nửa
phần đời mình đã chết theo cô ta rồi.
Lúc ấy, anh mới biết mình yêu Thủy tha thiết như thế nào. Anh ân hận mãi, khi
biết, cô ta đi tìm cái chết vì quá tuyệt vọng, vì biết sẽ chẳng bao giờ có thể
chung sống với mình.
Trong mấy năm gần đây, những lúc đau khổ vì bà vợ, anh đã nhiều lần tự hỏi, giá
hồi ấy, mình ly dị, và sống với Thủy, biết đâu cuộc đời mình lại đã chẳng sung
sướng hơn.
Tôi nhìn Duyên Anh, thấy mắt anh long lanh ướt. Anh nói thật khẽ:
- Chuyện vừa rồi, anh chưa kể với bất cứ ai, ngoài em ra.
Tôi hỏi:
- Anh có sử dụng những chi tiết ấy trong một cuốn tiểu thuyết nào chưa?
- Chưa, anh vẫn còn cất kỹ. Nhưng chắc chắn, anh sẽ nhắc đến cô Thủy, trong hồi
ký anh sắp viết.
- Anh có đổi tên cô ấy không?
- Không, anh sẽ viết tên thật: Thu Thủy, người thiếu nữ quê ở Chợ Mới.
° ° °
Không đầy một tuần sau, tôi đang ngồi uống cà phê với Duyên
Anh, thì chị Duyên Anh gọi tới. Sau khi kể tội Duyên Anh “nói xấu” chị với Trần
Kim Tuyến, để Vĩnh Phúc gọi sang hạch hỏi chị, chị quay sang chửi Bích Thuận và
“mấy con đĩ ngựa” đã họp nhau ở quán Đào Viên, nói sau lưng chị. Sau cùng, chị
chửi tôi tối tăm mặt mũi về tội chứa chấp Duyên Anh trong nhà. Trước khi cúp
máy, chị nói “ Chú coi chừng, bữa nào tôi kêu cảnh sát đến còng đầu chú đó!
Đ.m. nó! Để cho mẹ con người ta yên chứ! ”
Tôi kể lại những điều ấy cho Duyên Anh nghe. Anh nhìn tôi, buồn bã:
- Bây giờ, thì em hiểu vì sao anh bỏ nhà ra đi, và chắc anh không trở về nữa
đâu. Anh chịu đựng đã hơn ba mươi năm rồi. Em cũng đừng buồn vì những điều bà ấy
nói.
Tôi lắc đầu:
- Không sao đâu anh. Có như thế, em mới thông cảm được nỗi khổ tâm anh chia xẻ
với em trong thời gian anh chưa sang đây.
Duyên Anh dặn tôi:
- Nếu bà ấy có gọi sang, nói tử tế với em, em hãy nói “Tôi đã mời anh ấy đi rồi”,
còn nếu dùng lời lẽ tục tằn, em cứ bảo “Anh ấy không còn ở đây nữa. Tôi đuổi
anh ấy đi rồi!”
Buổi tối, NN gọi cho Duyên Anh. Dứt điện thoại, Duyên Anh hớn hở:
- Em cho anh đến nhà con NN đi.
Nhận địa chỉ Duyên Anh đưa, tôi mở bản đồ, dò đường thật kỹ, ghi exit và những
chỗ ngoặt lên mảnh giấy nhỏ, dán vào tay lái.
Vừa lên xe, Duyên Anh cười:
- Đ.m, giờ phút thử lửa sắp tới. Lâu quá rồi!
Tôi đùa, hỏi Duyên Anh bằng cách nhắc tên tờ báo trong Hồn Say Phấn Lạ:
- Đạn đã lên nòng chưa?
Duyên Anh hớn hở:
- Đạn dược đầy đủ. Sung sức là đằng khác. Đ.m, ban nãy, anh bảo nó “Em mời anh
lại chơi, là anh ở đó ngủ luôn đấy nhé!” Nó nói “Gớm, anh cứ đùa em mãi”.
- Rồi anh nói sao?
- Anh bảo “Không, anh yêu em thật mà. Em phải cho anh ngủ với em, để anh chứng
tỏ anh yêu em như thế nào chứ.”
- Cô ấy bằng lòng không?
- Đời nào đàn bà nó nói bằng lòng ngay. Đ.m, tán gái phải tán như vậy chứ.
- Anh tán bạo thật đấy! Nhưng em nghĩ, mời anh đến chơi giờ này, là cô ấy bật
đèn xanh rồi đó…
Chúng tôi đến nơi sau mười lăm phút trên xa lộ. Tôi đậu xe trước một condo hai
tầng. Nhấn chuông. Đèn ngoài cổng bật lên. Một khuôn mặt phụ nữ xuất hiện ở cửa
sổ trên gác. Khuôn mặt biến mất ngay, và không đầy một phút sau, người phụ nữ
nhỏ nhắn, son phấn khá kỹ, mở cửa mời chúng tôi lên nhà.
Sau màn giới thiệu và vài câu xã giao, tôi chào từ giã. Người phụ nữ khách sáo
“Anh ở lại đây chơi đã”; nhưng tôi biết, ở lại thêm phút nào, là chỉ kéo dài
thêm sự nôn nóng của cả hai người mà thôi.
Hai hôm sau, Duyên Anh gọi tôi đến đón anh về. Tôi hỏi:
- Mọi sự tốt đẹp cả chứ anh?
Duyên Anh cười vui:
- Thắng lợi. Thành công. Đại thành công! Lúc đầu anh cũng sợ lâu ngày không làm
chuyện đó, mình sẽ gặp trở ngại tác xạ. Nhưng đạn bắn rất tốt. Không kẹt phát
nào cả. Đ.m, nó chiều anh lắm! Anh tắm, nó vào kỳ lưng cho anh. Quần áo anh
thay ra, nó giặt ủi cẩn thận. Cơm nước, nó làm cũng ngon lắm.
Tôi đùa:
- Như vậy, coi như Thượng Đế đã đền bù cho anh rồi đấy.
- Có thể như vậy. Nhưng đền bù một vài ngày thôi. Chứ cứ suốt cả tuần, thì chỉ
có nước nằm một chỗ thôi. Mình còn phải về để làm việc chứ.
Những ngày kế tiếp, hễ cuối tuần, Duyên Anh và tôi đều có mặt ở nhà in của Triều
Khê và Kim Khôi. Ngày thường, khi cần xuống quận Cam, Duyên Anh đi với tôi đến
sở lúc 7 giờ sáng, chờ đến 8 giờ, thì thường là có Julie, và một lần, Khúc Lan,
đến chở anh tới nhà in.
Một hôm, tôi đi làm về, không thấy Duyên Anh đâu cả. Tìm quanh vườn sau, phòng
tắm, ngõ trước, chẳng thấy đâu. Nhìn quanh bàn ăn, bàn phòng khách, cửa tủ lạnh,
xem anh có để lại mảnh giấy nhắn tin nào chăng, cũng không có. Mãi gần 10 giờ
đêm, tôi đang lo lắng, không biết anh đi đâu rồi, thì Duyên Anh gọi về:
- Anh đang ở nhà con NN đây. Sợ em mong, anh gọi về cho em biết.
- Ai đưa anh đi vậy?
- Ông già Đinh Văn Ngọc.
- Ông bầu thể thao đó hả?
- Ừ. Ông ấy gần tám chục rồi, mà lái xe còn ngon lành lắm. Sáng nay, anh gọi điện
thoại thăm, ông ấy đòi đến chơi. Ngồi nói chuyện một lúc, ông Ngọc cho biết, vẫn
còn thích làm báo, và nhờ anh phụ trách một mục cho tờ Viễn Xứ của ông ấy.
- Anh có nhận không?
- Phải nhận chứ. Nhưng chẳng biết có thì giờ viết hay không.
- Rồi lúc nào anh mới đi?
- Mãi gần 11 giờ sáng, anh mới nhờ ông ấy chở lại đây.
- Làm sao anh nhớ đường?
- Có gì đâu mà không nhớ được? Hôm nọ, lúc em chở đi, anh để ý quan sát. Từ xa
lộ vào, quẹo trái một cái, rồi quẹo phải là tới thôi mà?
Tôi phải phục trí nhớ và óc quan sát của Duyên Anh. Anh vừa nói chuyện với tôi,
vừa quan sát đường đất, mặc dù lúc đó trời đã tối.
- Ông Ngọc có ở lại chơi không?
- Ở lại chừng mười lăm phút thôi. Lúc anh tiễn ông già ra cửa, ông ấy bảo anh
“Mày giỏi thật! Tìm được một em chim sa cá lặn như vậy, đâu phải dễ.”
- Lúc âáy là buổi trưa. Không có ai ở nhà, phải không?
Duyên Anh cười:
- Chỉ có anh với nó thôi. Và thế là phe ta nhập cuộc. Anh đá liền một quả phạt
đền. Ăn cơm, ngủ trưa xong, lại làm bàn một phát nữa. Không ngờ mình vẫn còn khỏe
như vậy!
Đang cao hứng, Duyên Anh chợt nói thật nhanh:
- Nó vừa ở phòng tắm ra rồi. Thôi nhé, mai anh sẽ liên lạc với em.
° ° °
Đầu tháng mười, in xong bốn cuốn sách. Duyên Anh sang Denver,
Colorado, nơi Nguyễn Ngọc Bích và Việt Báo tổ chức một buổi cho anh gặp gỡ độc
giả cùng thân hữu. Trước khi rời Los Angeles, anh giao cho tôi việc tìm địa điểm
tổ chức buổi giới thiệu bốn tác phẩm mới của anh.
Từ Denver, Duyên Anh gọi về, cho biết buổi ra mắt sách tại đó thành công.
Duyên Anh nói:
- Ra mắt sách ở đây vui lắm. Có khoảng một trăm người tham dự. Ba bốn đại tá,
trung tá dù, trước đây là độc giả của anh, cũng tới dự. Có ông bảo “tưởng không
bao giờ còn được gặp ông nữa chứ.” Cảm động nhất, là có một thằng bé chừng hai
mươi tuổi. Nó sang Mỹ khi mới ba bốn tuổi gì đó. Vậy mà nó tập đọc tiếng Việt,
đọc được các truyện thiếu nhi của anh. Nó bảo nó thích nhất Giặc Ô Kê, vì ở
trong đó, anh cho mấy đứa bé bụi đời quay về trường học. Nó bảo “đọc truyện nào
của chú, cháu cũng thấy chú đều nói về tình người.” Anh nói “thế thì cháu còn
giỏi hơn chú rồi!”
Rời chỗ ra mắt sách, Duyên Anh đi thăm đài truyền hình Việt Nam ở Colorado, do
Nguyễn Ngọc Bích và mấy người trẻ tuổi thực hiện. Anh kể:
- Mình phải cảm phục sự thông minh và cách làm việc của tụi nó. Chỉ có vài ba đứa
trẻ trên dưới hai mươi tuổi, mà cũng thành được một đài truyền hình. Chính bọn
chuyên viên đài truyền hình 41 của Mỹ ở đây cũng phải nể phục bọn trẻ. Đến nỗi,
tụi chủ đài phải phước thiện luôn, không lấy tiền thuê đài của nhóm trẻ Việt
Nam này. Mà chúng nó có tiền mua dụng cụ chuyên môn và đầy đủ đâu? Cái gì cũng
vá víu cả. Vậy mà chúng nó làm được, mới hay chứ! Thế nào, về Cali, anh cũng phải
viết một bài ca tụng chúng nó mới được. Bọn trẻ này, thực là nhất thế giới đấy!
Tôi hỏi:
- Hôm nay, anh có vẻ vui hơn mấy bữa trước?
Duyên Anh cười :
- À, anh vừa đi ăn với thằng TVM về. Nó học trường Trần Lãm ở Thái Bình với anh
từ gần năm mươi năm trước. Đ.m, vui lắm! Hai thằng cứ cười ngất ngưởng khi nhắc
những kỷ niệm thơ ấu của nhau. Cười bò cả ra bàn. Cười phụt cả cơm ra ngoài nữa.
Cười quá đi mất thôi! Nó bảo “Tao không ngờ mày lại trở thành một thằng nhà
văn, mà lại là một nhà văn nổi tiếng nữa!” Chắc đã ba mươi năm rồi, mới gặp lại
nó. Thành ra, ngồi chơi nói chuyện với nó lâu lắm. Bây giờ mới về đến tòa soạn
của thằng Bích đây. Bên trong, chúng nó đang đàn địch, hát xướng ghê quá. Anh
thấy, đời sống ở Denver này cũng tốt lắm, vì có nhiều người thương mình. Em cứ
yên tâm về anh. Lúc nào anh cũng cố giữ, để mọi người thương mình. Bây giờ, chả
hơi đâu mà hung hăng chửi bới thiên hạ nữa.
Trước khi cúp máy, Duyên Anh dặn tôi cố gắng dịch cho xong tiểu thuyết Những Đứa
Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu, để anh nhờ người đưa vào thị trường xuất bản Mỹ...
Hôm sau, tôi bàn chuyện ra mắt sách Duyên Anh với Tư Đầm Đầm, chủ nhiệm tuần
báo Con Cò. Tư Đầm Đầm đề nghị ra mắt ở một vũ trường. Tôi nghĩ, sách viết về
kho tàng ca dao của dân tộc mà ra mắt ở tiệm nhảy, e không được thích hợp cho lắm.
Nên tôi không nhờ anh xúc tiến việc này nữa. Tôi nói chuyện với N. Anh đề nghị
dùng “trụ sơû” của văn bút miền Tây, một địa điểm nhỏ hẹp và hơi xập xệ, chưa đủ
tiêu chuẩn tối thiểu của một hội trường. Cho Duyên Anh ra mắt sách ở đó, là thiếu
sự trang trọng đối với anh, tôi nghĩ vậy.
Tôi gọi điện thoại đến Người Việt, hỏi Tống Hoằng, tôi có thể mượn, hoặc thuê hội
trường của Người Việt không. Tống Hoằng vui vẻ cho mượn ngay, và bảo tôi nói
chuyện với Trần Đại Lộc để giữ chỗ. Trần Đại Lộc và tôi bàn qua bàn lại vài ba
ngày, chúng tôi quyết định từ 2 giờ đến 5 giờ chiều thứ bảy 4 tháng 11, 1995, sẽ
dành hội trường cho buổi ra mắt bốn tác phẩm của Duyên Anh. Tôi gọi cho Nguyễn
Thiện Cơ, chủ bút Người Việt, hỏi Cơ có thể cho tôi ghi trên thiệp mời, Người
Việt là một trong số những cơ quan truyền thông bảo trợ buổi ra mắt không. Nguyễn
Thiện Cơ bảo, không có gì trở ngại cả. Sơ hở của tôi, là tôi đã quên khuấy mất
linh hồn của Người Việt, Đỗ Ngọc Yến. Nguyễn Thiện Cơ, trong tình bạn thân thiết
đối với tôi, cũng đã sốt sắng nhận lời, không kịp hội ý với Đỗ Ngọc Yến.
Mấy hôm sau, Nguyễn Thiện Cơ điện thoại cho tôi, cho biết Đỗ Ngọc Yến rất không
hài lòng việc anh và Tống Hoằng cho Duyên Anh ra mắt sách ở Người Việt. Cơ nói,
Người Việt sẽ không thể đứng tên trên thiệp mời, như anh đã nhận lời với tôi
hôm trước được. Cơ đề nghị tôi tìm một địa điểm khác. Tôi khá ngỡ ngàng, vì tôi
đã thông báo trên chương trình phát thanh VOV của Đỗ Sơn, tức Tư Đầm Đầm, về
ngày giờ buổi ra mắt bốn tác phẩm Duyên Anh tại hội trường Người Việt rồi.
Tôi hỏi, và được Nguyễn Thiện Cơ cho biết, lý do chính Đỗ Ngọc Yến không hài
lòng là bài viết của Duyên Anh trên Con Cò năm 1991 về Lê Đình Điểu.
Tôi phải công nhận, bài viết đó nặng nề quá! Nhóm Người Việt có giận Duyên Anh
cũng không có gì là lạ cả.
Tôi gọi cho Đỗ Ngọc Yến, đề nghị với anh, tôi sẽ làm gạch nối, để tái lập mối
giao hảo giữa Duyên Anh và nhóm Người Việt. Đỗ Ngọc Yến đồng ý với tôi, phải bắt
đầu với Lê Đình Điểu trước tiên.
Mấy hôm sau, Duyên Anh trở về Los Angeles, sau khi đã ghé qua Wichita nhận lại va
li bản thảo trước đây nhờ Vũ Băng Đình giữ hộ. Lúc này, anh không còn ở nhà tôi
nữa. Duyên Anh đến tạm trú ở nhà NN. Hằng ngày, chúng tôi nói chuyện điện thoại
ít nhất cũng vài lần. Một buổi chiều, trên đường từ sở về, tôi ghé thăm anh và ở
lại đó ăn cơm luôn. Sau bữa cơm, trong lúc NN rửa bát phía sau, Duyên Anh và
tôi ngồi nói chuyện ngoài phòng khách.
Tôi biết tính Duyên Anh, cao ngạo và tự ái nhiều. Nếu nói thật với anh mọi chuyện,
Duyên Anh sẽ nổi nóng ngay. Anh sẽ bắt tôi tìm một địa điểm khác, hoặc bỏ luôn
chuyện ra mắt sách ở Cali. Mối bất hòa giữa Duyên Anh và nhóm Người Việt, không
những không được giải tỏa, sẽ còn nặng nề hơn. Cho nên, tôi mở đầu bằng cách
báo tin vui:
- Trong lúc anh còn ở Wichita, em đã tìm được hội trường để anh ra mắt sách rồi.
Chỗ này không rộng lắm, nhưng ấm cúng và thân mật. Âm thanh và ánh sáng cũng rất
tốt.
- Chỗ nào vậy?
- Hội trường báo Người Việt. Nguyễn Thiện Cơ, bạn em, hiện làm chủ bút Người Việt.
Anh còn nhớ Nguyễn Thiện Cơ chứ? Hồi anh xuống Long Xuyên nói chuyện ở trường
Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Thiện Cơ và em tổ chức buổi nói chuyện ấy, để anh ra mắt
cuốn Phượng Vĩ đó.
- À, anh nhớ ra rồi.
Tôi tiếp tục nói về liên hệ thân hữu giữa tôi và Người Việt, đặc biệt với Nguyễn
Thiện Cơ và Lê Đình Điểu (Cơ và tôi học cùng lớp ở ĐH Sư Phạm Saigon; anh Điểu
cũng học ở đó, trước chúng tôi sáu năm). Tôi cũng cho Duyên Anh biết, trong nhiều
năm qua, tôi vẫn nhận được báo của Người Việt gửi tặng, tuy thỉnh thoảng mới
đóng góp một bài. Nhất là khi tôi ngỏ ý muốn dùng hội trường để ra mắt sách
Duyên Anh, Tống Hoằng vui vẻ bằng lòng ngay. Tôi đề nghị với Duyên Anh, kết lại
mối thân hữu với Người Việt, vì anh em ở đó đối với tôi rất tốt. Nhắc lại bài
viết về Lê Đình Điểu trên Con Cò năm 1991, tôi hỏi:
- Anh căn cứ vào đâu để viết bài đó?
- Lúc ấy, anh đang ở Texas. Thằng Đ. gọi sang, cho anh biết.
- Bài đó có những điều không đúng sự thật. Anh nghĩ, có nên nhân dịp này, nói lại
với Lê Đình Điểu một vài câu, cho vui vẻ cả không?
Duyên Anh nói ngay:
- Được chứ. Mình viết sai, thì phải xin lỗi người ta chứ.
Hôm sau, tôi gọi điện thoại, báo tin vui cho Đỗ Ngọc Yến. Tôi cũng gọi cho Lê
Đình Điểu, hỏi anh có bằng lòng nói chuyện với Duyên Anh không, để tôi nói
Duyên Anh gọi cho anh. Lê Đình Điểu bảo “ Duyên Anh muốn nói chuyện, Hiền cứ
cho anh ta số điện thoại của tôi.” Ngay hôm ấy, Duyên Anh gọi cho Lê Đình Điểu.
Buổi chiều, tôi hỏi Duyên Anh, anh đã nói gì với Lê Đình Điểu. Duyên Anh trả lời:
- Thì anh nói “nếu những gì tôi viết đã làm ông buồn, thì tôi xin lỗi ông.”
Hôm sau, tôi gọi cho Lê Đình Điểu. Thời gian này, anh phụ trách đọc báo Mỹ, và
dịch trực tiếp những tin quan trọng cho thính giả VNCR nghe, khoảng 15, 20 phút
mỗi sáng, từ 6giờ 15 trở đi. Tôi thường nghe Lê Đình Điểu nói, trên đường lái
xe đi làm. Gần 7 giờ, đến sở, tôi hay gọi cho anh, hỏi lại mấy chỗ nghe không
rõ, hoặc để chia xẻ với anh vài nhận xét về những bản tin anh loan. Bao giờ anh
nhấc máy, tôi cũng đều nghe một giọng vui vẻ “Điểu đây.”
Sáng hôm ấy, sau vài câu chuyện thường lệ, tôi hỏi:
- Hôm qua, anh Duyên Anh gọi đến xin lỗi anh rồi chứ?
Lê Đình Điểu hơi ngập ngừng trước khi hỏi lại tôi:
- Tại sao Hiền hỏi như vậy?
- Hiền muốn nghe từ chính anh, để có thể, mai mốt đây, viết cho chính xác về
Duyên Anh.
Lê Đình Điểu:
- Ừ, thì anh ấy cũng nói lại về bài báo trên tờ Con Cò, và xin lỗi tôi rồi. Tôi
cũng không còn nghĩ ngợi gì nữa.
- Thế anh có nghĩ liên hệ giữa anh và Duyên Anh, từ nay trở đi, sẽ khá hơn chứ?
Lê Đình Điểu chậm rãi:
- Tôi vẫn quan niệm Quân tử chi giao, đạm nhược thủy mà. Nếu anh ấy chưa xin lỗi
mình, thì mình không nói chuyện, không bắt tay. Còn bây giờ, anh ấy đã nói như
thế rồi, thì gặp anh ấy ở đâu, mình sẽ chào hỏi, bắt tay. Có vậy thôi.
Mấy hôm sau, tôi đề nghị với Duyên Anh đến thăm nhà Lê Đình Điểu, sau đó, ghé
thăm tòa soạn Người Việt, và buổi trưa, ra tiệm ăn với mấy anh em trong nhóm
Người Việt.
Tôi cho Đỗ Ngọc Yến và Lê Đình Điểu biết ý định của Duyên Anh và tôi. Hai anh đều
có vẻ vui lòng. Đỗ Ngọc Yến nói anh sẽ cùng Nguyễn Xuân Hoàng đến nhà Lê Đình
Điểu lúc 9 giờ sáng thứ bảy 28 tháng 10. Duyên Anh và tôi cũng sẽ có mặt ở nhà
Lê Đình Điểu lúc ấy. Tất cả sẽ gặp gỡ, nói chuyện thân mật ở đấy, rồi sẽ tới
báo quán Người Việt. Sau đó, sẽ đi ăn trưa với nhau.
Sáng thứ bảy, tôi đến đón Duyên Anh ở nhà NN lúc 8 giờ. Chưa tới 9 giờ sáng,
chúng tôi đã có mặt ở nhà Lê Đình Điểu. Anh chị Lê Đình Điểu tiếp đón chúng tôi
niềm nở. Chị Điểu pha trà đãi chúng tôi. Duyên Anh và Lê Đình Điểu ngồi chung một
ghế sofa. Tôi ngồi ghế riêng, nghe hai người nói chuyện. Họ nói về những người
quen ở Pháp, và những chuyện xảy ra trong thời gian hai người còn ở tù cải tạo.
Không khí nói chuyện cởi mở; rất nhiều tiếng cười. Lê Đình Điểu vào phòng lấy
máy ảnh, nhờ tôi chụp hình anh và Duyên Anh ngồi cạnh nhau.
Chúng tôi ngồi nói chuyện tới 9 giờ rưỡi, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, có ý chờ Đỗ
Ngọc Yến và Nguyễn Xuân Hoàng. Hỏi Lê Đình Điểu, anh bảo không biết vì sao hai
người đó chưa thấy đến. Tới gần 10 giờ, chúng tôi từ giã Lê Đình Điểu. Anh nói
không thể đi ăn trưa với chúng tôi, vì đã hẹn đi thăm con anh sáng hôm ấy rồi.
Tôi chở Duyên Anh xuống khu Westminster. Bước vào tòa báo Người Việt sau hai
mươi phút lái xe. Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Thiện Cơ ra đón, đưa chúng tôi
vào bên trong, thăm chỗ làm việc của ban biên tập, văn phòng ban quản trị, thư viện.
Tôi ra xe, lấy mấy bộ sách, để Duyên Anh ngồi ký tặng một số anh em trong Người
Việt.
Tôi hỏi Nguyễn Xuân Hoàng về buổi hẹn ở nhà Lê Đình Điểu. Nguyễn Xuân Hoàng cho
biết “Đỗ Ngọc Yến lái xe chở moi đến nhà Điểu, nhưng không hiểu sao, lại đi lạc
vào khu Mỹ đen. Đi lòng vòng mãi, không tìm ra nhà Điểu. Thành ra, Yến phải chở
moi về lại đây. Bây giờ không hiểu người lại đi đâu mất rồi.”
Ngồi nói chuyện một hồi, Nguyễn Xuân Hoàng mời Duyên Anh và tôi vào thư viện
Người Việt, để anh phỏng vấn chúng tôi, trong chương trình văn học nghệ thuật
anh phụ trách cho đài VOA.
Lý Kiến Trúc, một cộng tác viên của Người Việt, cũng vào ngồi tham dự, nhưng
không đặt câu hỏi. Anh chỉ muốn thu băng buổi phỏng vấn, để dùng trong chương
trình phát thanh của anh tại vùng Pomona. Một thời gian sau, Lý Kiến Trúc thôi
làm với Người Việt. Anh ra làm tờ Văn Hóa, kiêm luôn chủ nhiệm, chủ bút.
Sau ba mươi phút phỏng vấn, chúng tôi ra Kim Sư ăn trưa. Chỉ có bốn người: Nguyễn
Xuân Hoàng, Nguyễn Thiện Cơ, Duyên Anh, và tôi. Suốt thời gian ngồi ở Người Việt,
tôi tưởng Đỗ Ngọc Yến sẽ về lại tòa soạn, để đi ăn trưa với chúng tôi, như đã dự
tính. Nhưng anh không đến. Tôi nghĩ, có thể Đỗ Ngọc Yến muốn lánh mặt, vì e ngại
số đông thân hữu của anh sẽ không vui, khi họ thấy anh tỏ ra thân thiện, đi ăn
chung với Duyên Anh.
N. gọi cho tôi, bàn về việc làm thiệp mời thân hữu và độc giả đến tham dự buổi
ra mắt sách. Trong thành phần Ban Tổ Chức và Bảo Trợ, ngoài Nhà Xuất Bản, còn dự
tính ghi thêm một số tờ báo và cá nhân liên hệ đến việc tổ chức. N. đề nghị tôi
ghi thêm tên một ông bác sĩ nữa. Tôi từ chối ngay, vì ông này chưa hề liên hệ
gì đến dự tính của chúng tôi cả. Quyết định vội vã đó của tôi, phải sau này,
tôi mới thấy không được khôn khéo, ít nhất là về phương diện giao tế.
Chỉ vài hôm sau, N. gọi cho tôi:
- Anh Hiền, nguy lắm rồi, người ta phản đối dữ lắm. Chắc người ta sẽ không đến
tham dự đâu. Ông K. bảo đừng để tên ông ta, hay Văn Bút của ông ta vào thư mời
nữa. Ông K. cũng sẽ không đến dự, và không muốn dính dáng gì đến buổi ra mắt ấy
đâu.
Tôi ngạc nhiên. Mới mấy tuần trước, theo Duyên Anh kể cho tôi nghe, anh ở chơi
nhà Lê Quý An. Duyên Anh gọi điện thoại cho ông K. Ông K. đến chơi ngay, và đề
nghị tổ chức ra mắt sách cho Duyên Anh. Nay, tôi không hiểu tại sao ông ta lại
thay đổi thái độ như vậy.
(Sau này, Duyên Anh cho tôi biết, Viên Linh, Chủ Tịch Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ,
đã chỉ thị cho ông K., và các thành viên của tổ chức này, tẩy chay buổi ra mắt
sách của Duyên Anh.)
Tôi hỏi N.:
- Anh bảo người ta phản đối và sẽ không đến dự. Người ta đây là những ai vậy?
- Tôi không thể cho anh biết người ta là ai được.
Tôi hơi bực mình:
- Nhưng mà, anh N., mình có mời những người ta ấy đâu, mà có chuyện họ không đến
tham dự?
N. trổ tài vặn vẹo:
- Như vậy, anh không muốn ai đến tham dự buổi ấy, phải không?
- Không phải là tôi không muốn mời ai, nhưng anh nói không rõ ràng như thế, làm
sao tôi biết ngoài nhóm của ông K., còn những ai không ưa Duyên Anh, để mình khỏi
phải mời họ?
- Tôi không thể cho anh biết tên những người đó được.
Tôi không hài lòng trước thái độ của N. Tôi thất vọng, vì cứ ngỡ, Duyên Anh đã
tin tưởng anh, nhờ anh cùng tôi tổ chức buổi ra mắt đó; nếu có chuyện gì khó
khăn, anh sẽ cho tôi biết chi tiết, để chúng tôi tìm cách giải quyết. Hoặc khi
biết những cá nhân, hay phe nhóm nào có ý định phản đối người bạn của anh; nếu
thực lòng muốn giúp đỡ bạn mình, tôi nghĩ, anh cũng nên cho tôi hay, để cùng đối
phó.
Nhưng rất tiếc, có lẽ vì tôi đã thiếu khôn khéo, vội vàng từ chối đề nghị của
anh hôm trước, làm mất lòng anh, nên nay, có vẻ như N. muốn đứng ngoài cuộc rồi.
Tôi gọi điện thoại, cho Duyên Anh biết diễn biến công việc. Anh bực mình, dặn
tôi nhờ N. nhắn lại với NTK - nguyên văn lời Duyên Anh- “Bảo với thằng NTK, nó
là cái con c. gì mà ghê gớm vậy?”
Duyên Anh nói thêm “Chẳng cần nhờ chúng nó nữa. Đứa nào muốn phản đối, cứ để
cho chúng nó phản đối. Em cứ tiếp tục làm một mình đi. Trong thư mời, em cứ đứng
tên nhà xuất bản thôi, không cần nhờ ai, hay tờ báo nào, đứng chung tên với
mình làm gì.”
Tôi nghe lời anh, thảo một thư mời ngắn, và chương trình buổi ra mắt.
Thư Mời
Trân trọng kính mời quý độc giả và thân hữu
Tham dự buổi ra mắt 4 tác phẩm mới nhất của
Duyên Anh
1. Về Với Ca Dao
2. Vỡ Lòng Ca Dao
3. Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc
4. Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu
do nhà xuất bản Vũ Trung Hiền ấn hành
Chiều Thứ Bảy 4 tháng Mười Một, 1995
2:00 Thân hữu gặp gỡ, giải khát
3:00 Bắt đầu
Nơi gặp mặt:
PHÒNG SINH HOẠT NHẬT BÁO NGƯỜI VIỆT
14091 Moran St, Westminster, CA 92683
Sự có mặt của quý vị là điều vinh dự cho tác giả và nhà xuất bản.
Kính Mời
NXB Vũ Trung Hiền
(818) 797-4560
Tôi fax ngay thư này xuống cho Đỗ Ngọc Yến, Tống Hoàèng, và Nguyễn Thiện Cơ, nhờ
Người Việt cho đăng lên báo. Tôi gọi cho Đỗ Sơn Tư Đầm Đầm. Anh hứa sẽ cho làm
một băng đờ rôn treo làm nền sân khấu. Nguyễn Kim Dung sốt sắng, cho biết sẵn
sàng làm những gì tôi cần. Tôi nhờ Dung lo việc giải khát chiều hôm đó. Tôi thảo
một thư mời bằng tiếng Anh, gửi cho thị trưởng và cảnh sát trưởng thành phố
Westmisnter, kèm theo bản sao bài thường thuật vụ hành hung Duyên Anh bảy năm
trước, đăng trên tờ Los Angeles Times. Tôi tin chắc, không cần phải nhờ chính
quyền địa phương bảo vệ an ninh, họ cũng thừa biết bổn phận của họ. Những thư mời
khác, tôi gửi cho các đài truyền hình và những tờ báo trong hai hạt Los Angles
và Orange County.
Chiều thứ tư 1 tháng mười một, Valerie Takahama, nữ phóng viên nhật báo lớn nhất
Orange County, tờ Register, gọi đến, nhờ tôi dàn xếp để được phỏng vấn Duyên
Anh. Tôi hỏi ý Duyên Anh, anh bảo “ cứ việc cho nó đến.” Valerie đến chỗ tôi
làm việc lúc 4 giờ 30 chiều, trao đổi một vài câu chuyện với tôi, và chờ tới
khi tan sở, để tôi dẫn đường đi gặp Duyên Anh.
Đến chỗ Duyên Anh tạm trú, chúng tôi ngồi chờ khoảng nửa tiếng trong lúc Quỳnh
Trang của Little Saigon Television phỏng vấn Duyên Anh. Sau đó, Valerie hỏi
Duyên Anh một số câu. Tôi thông dịch cho Valerie hiểu những điều Duyên Anh nói.
Valerie mời Duyên Anh và tôi đến thăm trụ sở tờ Orange County Register để chị
có dịp nói chuyện thêm, và để chuyên viên chụp hình tại đó chụp ảnh Duyên Anh
đăng báo, kèm theo bài tường thuật của chị.
Sáng 3 tháng 11, Duyên Anh và tôi đến trụ sở tờ Register. Valerie xuống phòng
khách đón, và dẫn chúng tôi thăm một vài văn phòng, giới thiệu Duyên Anh với mấy
nhân vật có trách nhiệm, tôi đã quên tên. Chúng tôi vào một hội trường nhỏ.
Valerie soạn sẵn một số câu hỏi về cuộc đời và kinh nghiêäm sáng tác cuả Duyên
Anh. Anh trả lời vừa xong, thì Anna Venegas cũng bước vào, chụp cho Duyên Anh
hai cuộn phim đủ kiểu đứng, ngồi, hút thuốc, không hút, nhìn thẳng, ngó
nghiêng…
Khoảng một tuần trước ngày 4 tháng 11, Julie gọi cho tôi:
- Anh Hiền, em rất lo người ta phá buổi ra mắt sách của anh Duyên Anh. Anh có
chuẩn bị gì chưa?
- Có. Anh chuẩn bị rồi. Julie đừng lo gì. Mà Julie nghe nhóm nào định phá vậy?
- Em nghe nói có một số cựu quân nhân hay cựu sĩ quan gì đó. Họ không ưa anh
Duyên Anh. Em nghĩ, anh nên nhờ anh Du Tử Lê nói với những ông đó, để họ khỏi
phá anh Duyên Anh.
- Vì sao Julie nghĩ anh Du Tử Lê làm được chuyện đó?
- Em thấy anh ấy quen biết nhiều, và có uy tín với các cựu sĩ quan ở dưới này.
Tôi nói:
- Anh không bao giờ làm chuyện đó đâu. Julie cũng đừng nhờ anh Du Tử Lê làm gì.
Julie yên chí, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu.
Julie hỏi:
- Thế còn hai bài em sẽ hát, anh đã đệm piano thử chưa?
Tôi bối rối. Trước đấy hai tuần, Julie ngỏ ý muốn hát vài bản trong buổi ra mắt
tác phẩm Duyên Anh. Tôi đề nghị Julie hát mấy bài nhạc Nhật, lời Việt trong cuốn
băng Ngàn Năm Vẫn Đợi, phổ biến năm 1987. Julie bằng lòng, và nhờ tôi đệm
piano. Tôi nói cho Duyên Anh biết, anh cũng đồng ý.
Nhưng vào tuần lễ cuối cùng, trước buổi ra mắt, Duyên Anh đổi ý. Anh bảo tôi,
anh không muốn nhờ Julie hát trong buổi chiều 4 tháng 11 nữa. Duyên Anh nói, ra
mắt sách, phải thuần túy văn chương thôi. Không nên có thêm màn phụ diễn ca nhạc.
Quyết định này của Duyên Anh khiến tôi khó xử, không biết phải nói thế nào cho
Julie khỏi buồn anh.
Cuối cùng, tôi đành nói:
- Anh đệm rồi. Cũng dễ thôi. Nhưng có lẽ, để lần khác Julie sẽ hát. Thứ bảy
này, sẽ có nhiều người lên nói. Chắc không đủ thì giờ để thêm phần ca hát đâu.
Đêm thứ sáu 3/11/95, Julie gọi cho Duyên Anh. NN tỏ ra khó chịu. Hai người đàn
bà lời qua tiếng lại, khá nặng nề. Julie gọi đến, phân bua với tôi:
- Cái bà NN thật là cà chớn! Em vừa làm cho con mẹ ấy một mách, phải cúp điện
thoại luôn.
Tôi hỏi:
- Đầu đuôi như thế nào?
- Thế này nhé, em gọi đến, xin nói chuyện với anh Duyên Anh. Bà ấy bảo anh ấy
đang bận. Bà âáy còn nói, ai muốn nói chuyện với Duyên Anh, phải qua bà ấy, vì
chị Duyên Anh đã giao cho bà ấy công việc săn sóc anh Duyên Anh rồi. Em tức
mình, nói “Giao cho bà, rồi bà lấy luôn anh ấy, phải không?”. Bà ấy không nói
gì được, phải cúp máy. Rồi anh Duyên Anh gọi lại, xin lỗi em về thái độ của bà ấy.
Một lát sau, đến lượt NN gọi đến tôi, kể lể. Nguyên do, NN có vẻ muốn độc quyền,
không chịu chia xẻ Duyên Anh với bất cứ ai, về bất cứ phương diện gì. Lúc ấy,
đã gần 11 giờ khuya. Tôi bực mình, to tiếng với NN:
- Mấy người không biết tội nghiệp cho Duyên Anh sao? Làm ơn im đi, cho tôi nhờ
một chút. Đợi chiều mai, xong xuôi rồi; lúc ấy, muốn cắn xé nhau, thì tha hồ!
Hôm sau, thứ bảy 4 tháng 11, 1995, tôi có mặt ở Người Việt từ hơn 12 giờ trưa.
Một lúc sau, Nguyễn Kim Dung tới nơi, cùng ba người con trai. Bố con Dung khuân
nước ngọt, đá lạnh, ly nhựa, khăn giấy vào, xếp trên hai bàn cuối hội trường. Ở
ngay cửa vào Phòng Sinh Hoạt, chất đống gần một chục thùng quần áo của một
trung tâm công giáo gửi cứu trợ đồng bào ở trại tị nạn Phi Luật Tân. Dung và
tôi ì ạch khiêng được một vài thùng vào nhà kho đựng báo bên cạnh hội trường. Rất
may, nhà văn Hoàng Khởi Phong tìm được chiếc xe đẩy hai bánh; và chính anh tự
tay đẩy số thùng còn lại vào kho, giúp chúng tôi.
Tấm băng đờ rôn bằng nhựa vàng, chữ đỏ và xanh, do Tư Đầm Đầm gửi tới:
Buổi Ra Mắt Sách Tác giả Duyên Anh
1. Về Với Ca Dao
2. Vỡ Lòng Ca Dao
3. Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc
4. Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu
Nhà Xuất Bản Vũ Trung Hiền phát hành
Tôi ra phía sau nhà kho, tìm được cái thang. Nguyễn Kim Dung cùng tôi và mấy đứa
con của Dung thay phiên nhau leo lên, vừa dùng giây cao su cột, vừa lấy băng
keo dán, sau gần nửa giờ, cũng đã treo được ngay ngắn tấm phông này lên bức tường
phía sau bục gỗ.
Tới phần thử âm thanh, ánh sáng. Lại cũng nhờ tay Hoàng Khởi Phong điều chỉnh từ
gác xép bên trên lối vào hội trường.
Khoảng 1 giờ rưỡi, quan khách bắt đầu tới. Đúng 2 giờ, Duyên Anh được một người
bạn của NN chở đến. Tôi ra xe, khuân hai thùng sách vào, bày lên bàn ở cửa ra
vào. NN và cô bạn thân ngồi thu tiền sách. Những cuốn này đều có chữ ký của Duyên
Anh ở trang đầu. Khách tham dự tiến đến bàn, mua sách. Đặc biệt, người đầu tiên
mua sách là cựu sĩ quan dù Phạm Đình Cung, một bạn tù của Duyên Anh.
Phạm Đình Cung bắt tay Duyên Anh:
- Nghe nói mày ra mắt sách, tao đến đây mừng cho mày. Bây giờ, thì tao phải đi
làm, không ở lại tham dự được.
Đến 2 giờ rưỡi, người tham dự đã ngồi gần đầy phòng. Một vài thân hữu thúc giục
tôi lên bắt đầu chương trình, nhưng tôi nói, đã ghi trong thiệp mời giờ nào, phải
theo giờ ấy.
Đúng ba giờ, tôi bước lên chào mừng quan khách, và giới thiệu Nguyễn Thiện Cơ,
chủ bút báo Người Việt. Cơ bày tỏ sự vui mừng khi biết Duyên Anh viết văn trở lại.
Anh nhắc lại kỷ niệm lần Duyên Anh xuống Long Xuyên nói chuyện văn chương và ra
mắt cuốn Phượng Vĩ. Sau cùng, Cơ chúc Duyên Anh thành công trong việc làm sống
lại ca dao, một đề tài dường như đã bị lãng quên, nhất là trong giới trẻ, không
những ở hải ngoại, mà cũng tại Việt Nam nữa.
Sau đó là phần phát biểu của, Cao Thế Dung, Nguyễn Kim Dung, Đỗ Sơn, Đinh Quang
Anh Thái, Phạm Kim Vinh.
Cao Thế Dung kể lại lần uống rượu và tâm sự suốt đêm với Duyên Anh ở Paris, như
một người bạn. Ông nhân danh một độc giả yêu mến văn chương Duyên Anh, bày tỏ
lòng ngưỡng mộ một tài năng của dân tộc. Theo Cao Thế Dung, nhà văn có sứ mạng
nói sự thật. Và khi lên tiếng, nhân danh sự thật, nhà văn coi thường mọi chống
đối. Cũng theo Cao Thế Dung, ở hải ngoại không có nền văn chương chống cộng. Chỉ
có văn chương dân tộc hay phi dân tộc mà thôi.
Nguyễn Kim Dung lên án những kẻ đứng đằng sau vụ hành hung Duyên Anh, và ca tụng
nghị lực phi thường của nhà văn khi tập viết lại bằng tay trái. Theo Nguyễn Kim
Dung, Duyên Anh là tiếng nói của tuổi trẻ, và đã thay mặt đồng bào, gióng lên
tiếng thét phẫn nộ, khi niềm tin bị Mặt Trận làm cho mất mát.
Đỗ Sơn cho biết, anh từng là hàng xóm của Duyên Anh, tuy lúc Duyên Anh đã thành
danh, anh vẫn còn là một cậu học sinh trung học. Đỗ Sơn kể chuyện lúc đóng đồn ở
biên giới, anh và các chiến sĩ trong đơn vị đều ưa thích đọc các bài viết của
Duyên Anh. Có hôm đang đọc, Việt cộng pháo kích vào đồn. Mọi người nhảy vào hầm
tránh pháo kích, nhưng vẫn ôm bụng cười hê hê, vì những bài văn trào lộng của
Duyên Anh.
Đinh Quang Anh Thái kể lại thời gian ở tù chung với Duyên Anh tại Phan Đăng
Lưu. Trong phòng giam có một người tù từng là sĩ quan biệt kích, chuyên môn
đánh những người tù làm ăng ten. Nhưng riêng với Duyên Anh, anh biệt kích này tỏ
vẻ quý trọng đặc biệt.
ĐQ Anh Thái tố cáo một số xảo thuật của Việt cộng nhằm bôi nhọ và triệt hạ uy
tín của những người chống đối họ cách hữu hiệu. Duyên Anh là một trong những
người này. Anh nhắc lại lần gặp Duyên Anh hai năm trước đó tại Paris, khi Duyên
Anh nói chuyện với Thái về chính văn, ngụy văn. Thái đề nghị Duyên Anh nên tập
trung viết chính văn, không nên viết ngụy văn nữa. Theo ĐQ Anh Thái, ngụy văn
là loại văn trào lộng, châm chọc, khiêu khích người khác.
Trong lúc ĐQ Anh Thái đang nói, Duyên Anh vẫy tôi lại, nói nhỏ:
- Nguyễn Trọng Nho bảo anh, nó muốn lên nói, nhưng ngại em không cho nó nói.
Tôi bảo anh:
- Anh ấy muốn lên nói, thì để em giới thiệu, không có vấn đề gì đâu.
ĐQ Anh Thái vừa dứt lời, tôi lên bục, giới thiệu “vua xuống đường, một trong những
lãnh tụ sinh viên thập niên 60, luật sư Nguyễn Trọng Nho.”
Nguyễn Trọng Nho bày tỏ sự ngưỡng mộ văn chương và tư tưởng Duyên Anh, đặc biệt
khi anh vào thư viện trung ương Los Angeles, thấy khu sách tiếng Việt tràn ngập
tác phẩm Duyên Anh. Nhưng sau đó, có lẽ vì không chuẩn bị sẵn, anh chuyển sự
ngưỡng mộ của mình sang nhà văn nữ Dương Thu Hương, trước khi dứt lời, khiến một
số người tham dự cảm thấy hơi ngỡ ngàng.
Nhà văn Phạm Kim Vinh mở đầu bài phát biểu bằng lời mạnh mẽ kết án bộ mặt giả
nhân giả nghĩa của Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới tự do, nhưng thật ra, chỉ là
một bọn buôn bán nhân quyền. Theo Phạm Kim Vinh, Duyên Anh tung hoành trong
làng văn chương với tám mươi tác phẩm đã xuất bản. Thế mà, anh vẫn chưa dám
xưng là nhà văn; chỉ khiêm tốn tự nhận mình là thợ viết thôi.
Phạm Kim Vinh cũng cực lực lên án bọn ngu muội và tàn bạo đã hành hung Duyên
Anh, với ý định cướp đi ngòi bút sắc như dao của một chiến sĩ dũng mãnh trên mặt
trận quốc tế vận, người đã chiến đấu cho chính nghĩa tự do của người Việt quốc
gia chống Cộng.
Phạm Kim Vinh kết luận bằng cách diễn ý câu nói của Alexandre Dumas, để ca ngợi
Duyên Anh như một mẫu người can đảm phi thường, gặp bao oan khiên khổ ải mà vẫn
vươn lên, vượt thắng mọi trở ngại. Theo Phạm Kim Vinh, một người có tâm hồn
càng cao, thì thử thách càng lớn.
Kế đó, tôi mời Duyên Anh lên nói chuyện với cử tọa. Anh tâm sự về tai nạn xảy đến
cho mình, những nỗi đau đớn đã nếm trải, cả về thể xác lẫn tinh thần trong mấy
năm vừa qua. Anh nói về những khó khăn trong bước đầu tập viết lại bằng tay
trái. Anh nhắc tới lời khen ngợi của những y sĩ Pháp điều trị cho anh, lời chúc
mừng của một nữ bác sĩ Pháp, rằng anh có hai đời văn trong một đời người. Anh
nói mình “không còn tứ khoái như những con người bình thường nữa.” Theo Duyên
Anh, bây giờ anh chỉ còn được hưởng ba cái thú là ngủ, hút thuốc lá, và viết mà
thôi. Duyên Anh khẳng định, trong các thứ nghệ sĩ, nhà văn là loại nghệ sĩ cô
đơn nhất.
Sau phần nói chuyện của Duyên Anh, tôi mời cử tọa đặt câu hỏi gián tiếp, bằng
cách viết ra giấy, đưa lên phía trước. Tôi sẽ đọc những câu hỏi này lên, và
Duyên Anh sẽ trả lời ngay tại chỗ. Tôi muốn tránh trường hợp đã xảy ra trong buổi
nói chuyện của Duyên Anh ở San Francisco, Bùi Duy Tâm tổ chức cho anh, khi một
vài người trong cử tọa đứng dậy, đặt những câu hỏi có tính cách khiêu khích, và
Duyên Anh mất bình tĩnh, nổi nóng lên, khiến buổi nói chuyện biến thành một cuộc
đối đầu.
Trước hôm có buổi ra mắt sách, tôi đã suy nghĩ, và quyết định, thà mất lòng một
số người tham dự không thích lối đặt câu hỏi này, mà mình chủ động trong việc
điều hợp chương trình, còn hơn là để ai muốn hỏi gì thì hỏi, có thể sẽ xảy ra
những bất ngờ không hay.
Câu hỏi đầu tiên là của một bạn trẻ. Em này muốn biết Duyên Anh có ý coi thường
văn hóa Mỹ hay không, khi nhà văn chê thậm tệ các món hamburger, hot dog,
pizza, v.v…Duyên Anh trả lời bằng cách mô tả sự đa dạng của thức ăn Việt nam, từ
các món điểm tâm đơn giản, bình dân, đến những món cầu kỳ hơn, và kết luận văn
hóa Việt nam phong phú hơn văn hóa Mỹ.
Một ông lớn tuổi đưa mảnh giấy, cho biết ông là độc giả Con Ong ở Saigon thuở
xưa, và muốn hỏi Duyên Anh có định cho sống lại tờ báo này không. Duyên Anh nói
lúc nào cũng thích làm báo trào phúng. Nhưng bây giờ thì chưa có điều kiện thuận
lợi để làm báo trở lại.
Một nữ thính giả, tự nhận mình là thi sĩ, đặt vấn đề với Duyên Anh về sự cô đơn
của nghệ sĩ. Bà cho rằng Duyên Anh nói chỉ nhà văn mới cô đơn, là không đúng.
Theo bà, cả thi sĩ cũng cô đơn nữa. Trong gần năm phút, Duyên Anh và bà thi sĩ
cứ giằng co mãi hai chữ cô đơn này. Để rồi cuối cùng, Duyên Anh đành phải nhường
người đẹp: “ Thôi được rồi, thi sĩ các bà cũng cô đơn. Như tôi vậy!”
Vào cuối buổi họp mặt, một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi, đến gặp tôi. Bà cho biết,
vừa mua mấy cuốn sách ở bàn ngoài, lật thử vài đoạn trong cuốn ca dao, và rất
ngỡ ngàng khi thấy Duyên Anh của thời bà còn là búp bê, bây giờ khác xưa nhiều
quá. Tôi hỏi bà thấy khác ở chỗ nào. Người phụ nữ, độc giả trung thành của
Trang Búp Bê ba mươi năm trước, nói “Ông Duyên Anh, ông ấy viết bạo quá! Đọc tới
chỗ ông ấy tả mấy con vật làm chuyện đó với nhau, tôi phải đóng sách lại. Định
mua về cho đứa con gái mười lăm tuổi ở nhà xem, nhưng tôi nghĩ, phải đợi mấy
năm nữa, mới cho cháu xem được.”
Tôi nói:
- Thưa bà, chắc bà biết tai nạn xảy đến cho Duyên Anh cách đây mấy năm có thể
đã ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của ông ấy. Có lẽ, vì không còn bình thường
như trước, Duyên Anh đã phải cho những ẩn ức đó thoát ra ngoài, qua những gì
ông ấy viết. Ban nãy, chắc bà đã nghe ông ấy tâm sự, rằng chỉ còn được ba cái
thú là ngủ, hút thuốc lá, và viết văn?
Bà độc giả, cũng như nhiều người, không biết, là khi đọc lại bản in thử, tôi đã
đề nghị Duyên Anh cắt bỏ nguyên một trang, trong đó anh cực tả một cảnh nài hoa
ép liễu quá dữ dội. Lúc đầu, Duyên Anh không chịu. Tính anh vẫn thế. Viết ra
cái gì rồi, rất ít khi bằng lòng cho ai sửa. Tôi phải nói “Anh để nguyên đoạn
đó, cuốn sách chỉ dày thêm một trang thôi, nhưng sẽ không có lợi cho tiếng tăm
của anh đâu. Anh nên nghe em đi.”
Cuối cùng, anh bằng lòng cắt đoạn đó.
Ngày 5 tháng 11, trên trang Metro của Orange County Register có đăng tấm ảnh mầu
chụp hơi nghiêng của Duyên Anh, kèm với bài viết của Valerie Takahama. Sau đây
là nguyên văn bài này (những chữ trong ngoặc đơn là chú thích của người dịch):
SỰ TÁI SINH CỦA MỘT NHÀ VĂN VIỆT NAM
Duyên Anh, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Việt nam, thường nhắc lại lời
vị y sĩ điều trị nói với ông sau vụ hành hung ở Garden Grove (thực ra là ở
Westminster) đã khiến ông bán thân bất toại và tạm thời không viết được. Bà bác
sĩ người Pháp đã nói với Duyên Anh:
- Ông phải sung sướng, vì ông có hai đời viết văn trong một đời người.
Duyên Anh ăn mừng sự khởi đầu cuộc đời thứ hai của ông taiï buổi tiếp tân, thứ
bảy 4 tháng 11, ở Little Saigon. Buổi sinh hoạt tổ chức tại Nhật Báo Người Việt
đánh dấu việc phát hành bốn trong số những tác phẩm mới viết của ông. Nhà văn bộc
trực Duyên Anh viết xong những tác phẩm này khi đã hồi phục sau trận hành hung
có thể vì lý do chính trị thúc đẩy.
Nhà văn Cao Thế Dung đã nói trước cử tọa khoảng 100 người, gồm các văn hữu và độc
giả yêu mến Duyên Anh:
- Người ta có thể cướp giật cây bút khỏi tay chúng ta, cây bút vẫn là cây bút.
Tôi vui mừng có mặt ở đây để chứng kiến sự tái sinh của một Duyên Anh.
Nhà văn Duyên Anh, năm nay 60 tuổi, được các nhà phê bình người Pháp gọi là
Mark Twain Việt Nam. Ông đã trải qua quá nhiều thăng trầm và hệ lụy trớ trêu, đến
nỗi cuộc đời Duyên Anh, nếu có thể viết thành tiểu thuyết, người ta cũng khó có
thể tin là sự thật được. Những tác phẩm viết về lớp người cùng khổ, cô thế
trong xã hội, đã khiến Duyên Anh được nhiều người yêu mến. Nhưng chính nghiệp
viết văn đã đưa Duyên Anh vào kiếp tù đày sau ngày Saigon thất thủ, và cũng là
lý do đưa ông từ Paris trở lại Little Saigon.
Phần lớn tác phẩm Duyên Anh viết hồi còn ở Việt nam; nên tôi đã phải tìm hiểu
ông qua một số thông dịch viên, thân hữu, và độc giả của ông. Những người này đều
mến mộ sự chân thành, óc khôi hài, và lối viết thẳng thừng của ông.
Quỳnh Trang, chủ tịch ban quản trị Little Saigon Radio & Television, cho biết:
- Tôi yêu mến văn chương Duyên Anh từ lúc tôi còn ấu thơ, ở Việt nam.
( Valerie Takahama gặp Quỳnh Trang chiều 1 tháng 11, lúc Quỳnh Trang đưa chuyên
viên thu hình đến và phỏng vấn Duyên Anh. Buổi phỏng vấn truyền hình được phát
đi lúc 9 giờ sáng thứ bảy, 4 tháng 11. )
Quỳnh Trang nói tiếp:
- Trong bài trần thuyết đầu tiên ở trường, tôi chọn một tác phẩm Duyên Anh viết
về trẻ bụi đời. Ông dùng chữ bụi đời để mô tả những trẻ em này, vốn bị xã hội
coi thường như bụi bặm.
Tiêu biểu cho hàng chục cuốn tiểu thuyết Duyên Anh viết về du đãng và tầng lớp
cùng khổ trong xã hội là Đồi Fanta. Đây là truyện kể về những trẻ mồ côi và bụi
đời ( bị Việt cộng đày đọa trong một trại tập trung ở tỉnh Phước Long ). Khi
các tù nhân thiếu nhi này qua đời, vì không có bia mộ, phải dùng chai nước ngọt
Fanta đánh dấu nơi chôn cất các em.
Quỳnh Trang nói thêm:
- Duyên Anh là người rất bộc trực. Trong xã hội Việt nam, người ta cho rằng, nếu
có vấn đề gì, thì mình không nên nói về vấn đề ấy. Nhiều người không chấp nhận
sự bộc trực của Duyên Anh. Họ ghét ông ta.
Duyên Anh, bút hiệu của Vũ Mộng Long, sinh năm 1935 ở Thái Bình, Bắc Việt,
trong một gia đình nông dân nghèo. Khi mới lên bảy, Duyên Anh đã phải ra đồng
làm việc, bắt cá con về cho gia đình có thêm thức ăn.
Nhưng số ông không phải ở lại quê nhà. Ở tuổi 19, ông di cư vào Nam, làm đủ mọi
thứ nghề để nuôi thân, trong đó có cả nghề giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiếc…
Trong những năm đầu thập niên 60, ông bắt đầu viết, rồi làm chủ bút các tờ Con
Ong, Người. Ông nổi tiếng về tài châm chọc những cảnh thối nát, bất lương trong
đám lãnh tụ cộng sản, những người quốc gia, và giới lãnh đạo quân sự thời ấy.
Cũng trong thời gian đó, Duyên Anh tạo cho mình thành một trong những tiểu thuyết
gia có sách bán chạy nhất Việt nam.
Tiểu thuyết đầu tiên của Duyên Anh, Thằng Vũ, viết về những cuộc phiêu lưu hào
hứng, nghịch ngợm của một thiếu niên, thường được coi như tương đương với The
Adventures of Tom Sawyer ( tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Mark Twain ).
Cuộc đời Duyên Anh thay đổi một cách phũ phàng sau khi cộng sản chiếm miền Nam.
Ông bị bắt giữ vào tháng tư, 1976, và trải qua năm năm rưỡi trong các nhà tù và
trại cải tạo.
- “Cuộc sống ở đó đau đớn lắm. Con người không còn là người nữa. Họ đối xử với
chúng tôi như những con vật”, Duyên Anh đã mô tả như thế về nhà tù Chí Hòa,
thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông bị giam giữ gần một năm.
Ông được ra khỏi tù vào tháng 9, năm 1981. Cộng sản cho ông biết, họ thả ông vì
chính sách khoan hồng của chính phủ, nhưng Duyên Anh tin rằng nhờ áp lực của tổ
chức Ân Xá Quốc Tế, và Văn Bút Quốc Tế, mà ông được tự do.
Vợ và hai con của Duyên Anh được phép xuất cảnh đi Pháp, nhưng ông không được
đi theo. Tháng 3, năm 1983, Duyên Anh vượt biển tới Mã Lai sau chuyến hải trình
kéo dài 10 ngày. Ông đến Paris tháng 10, 1983.
30 tháng 4, 1988, đúng dịp kỷ niệm 13 năm ngày Saigon thất thủ, Duyên Anh bị
hành hung trong lúc viếng thăm Hoa Kỳ. Nhà văn đã sống sót qua bao thăng trầm,
giờ đây tật nguyền vĩnh viễn.
Ông bị ba hay bốn người tấn công ( thật ra là bốn người đã vây lấy Duyên Anh,
nhưng chỉ một người đánh anh thôi ) ở bên ngoài thương xá Bolsa Mini Mall, ngay
lúc chấm dứt cuộc biểu tình chống cộng tại thương xá này. Tuy không có ai bị bắt
sau vụ hành hung Duyên Anh, cảnh sát cho biết có thể ông đã là nạn nhân của bạo
lực chính trị.
Nhà xuất bản Vũ Trung Hiền tin rằng việc Duyên Anh bị hành hung là kết quả việc
Cộng Sản Việt Nam phao truyền những tin đồn về ông. Ông Vũ Trung Hiền quả quyết
Cộng Sản Việt Nam đã tạo dựng những chuyện dối trá, rằng Duyên Anh hợp tác với
bọn cai tù. Mục đích của họ là bôi nhọ danh tiếng của Duyên Anh, và triệt tiêu ảnh
hưởng của ông.
Dù bất cứ lý do gì đưa đến vụ hành hung Duyên Anh, nó cũng đã khiến ông hôn mê
trong năm ngày. Khi tỉnh lại, ông mất trí nhớ, và không nói được. Tay phải và
chân phải hoàn toàn tê liệt.
Từ khi trí nhớ hồi phục, Duyên Anh tự học lại tiếng Việt, và tập viết bằng tay
trái. Ông đã hoàn thành nhiều tác phẩm, trong số đó, có bốn cuốn ra mắt hôm thứ
bảy: ba cuốn viết về ca dao, và một cuốn viết về trẻ con Mỹ lai.
- “Tôi không thù ghét, hay giữ lòng oán hận bất cứ ai, kể cả những người đã
đánh đập tôi tàn nhẫn,” Duyên Anh nói. Thi hào Nguyễn Du đã dạy chúng tôi:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.
° ° °
Dưới đây là phần viết lại cuộc phỏng vấn Duyên Anh trên
chương trình Little Saigon Television, phát hình lúc 9 giờ sáng thứ bảy 4 tháng
11, 1995.
Quỳnh Trang: Thay mặt cho Little Saigon TV, chúng tôi hân hạnh chào mừng nhà
văn Duyên Anh đến thăm Hoa Kỳ.
Duyên Anh: Tôi tới đây, với tư cách của một nhà văn, theo lời mời của nhà xuất
bản Vũ Trung Hiền, là người chịu trách nhiệm giới thiệu bốn tác phẩm mới của
tôi. Đó là những cuốn Vỡ Lòng Ca Dao, Về Với Ca Dao, Ca Dao Quyện Lấy Miếng
Ngon Dân Tộc, và Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu. Lẽ ra, tôi định cho xuất bản
luôn sáu cuốn tôi đã hoàn thành năm 1994, nhưng Vũ Trung Hiền không có đủ điều
kiện in tất cả sáu cuốn một lúc.
QT: Thưa nhà văn Duyên Anh, vì sao trong thời gian gần đây, ông lại viết về đề
tài ca dao, thay vì loại tiểu thuyết ông thường viết?
DA: Thưa bà, sau khi bị thương, tôi nằm suy nghĩ, và thấy những cái lãng mạn và
tình tự cao siêu nhất đã có sẵn trong ca dao. Chúng ta không cần phải tìm đâu
xa hết. Những người trẻ muốn tìm sự lãng mạn, tình yêu, và sự chân thành, cứ đọc
ca dao đi, sẽ thấy trong đó có hết. Ca dao là nguồn gốc của văn hóa Việt nam.
Tôi thấy những nhà văn trẻ có thể đến với ca dao, khai thác ca dao để tìm cảm hứng
sáng tác. Bởi vì ca dao, tự nó, đã có đủ mọi thứ rồi.
QT: Thưa ông, nếu ông còn ở Việt nam, ông nghĩ ông có thể viết những sách về ca
dao như thế này không?
DA: Nếu tôi còn ở trong nước, có lẽ không có những cuốn này đâu. Bây giờ, ở
trong nước, người ta lơ là với ca dao; còn ở ngoài nước, thì quên hẳn ca dao rồi.
Tôi nghĩ, các bậc làm cha mẹ, cần để ý đến việc dạy ca dao cho con cái mình. Bởi
vì, những người trẻ, nếu không thuộc một câu ca dao nào, thì tôi cảm thấy, họ
đã mất đi cái gốc gác của mình rồi. Trong những sách tôi viết về ca dao, tôi chỉ
gắng sức ca ngợi ca dao hết lời thôi. Tôi nghĩ, mỗi người viết về ca dao, đều
có cách thức riêng của mình để ca tụng ca dao. Bởi vì, ca dao đã là chiếc áo gấm
rồi. Ca tụng thì cũng vậy thôi. Cái chính là để cho người đọc thấy, người bây
giờ nghĩ như thế nào về người thời xưa.
QT: Xin ông cho biết thêm về tác phẩm Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu.
DA: Tôi viết về những đứa trẻ lai Mỹ trắng, Mỹ đen. Truyện tôi viết cũng hơi lạ,
nhưng không khác gì những chuyện đã xảy ra trên trái đất này. Nhân vật của tôi
yêu quê mẹ Việt nam của chúng nó lắm. Có những đứa sang được đến Mỹ rồi, viết
thư về, khuyên những đứa chưa đi, rằng hãy ở lại Việt nam, đừng sang Mỹ làm gì
nữa. Bởi vì, sang đến Mỹ, con trai lai Mỹ phải đi làm trộm cướp, con gái lai Mỹ
phải làm gái giang hồ trước tuổi của mình. Ẩn ý của tôi là cho người Mỹ thấy,
thái độ của họ đối với trẻ Việt nam lai Mỹ không tốt đẹp gì cả.
QT: Như vậy, trong cuốn sách này, ông có lên án hay gửi ra một thông điệp nào
không?
DA: Lên án, thì tôi không lên án ai cả. Qua tiểu thuyết này, tôi chỉ muốn cho độc
giả thấy những đứa trẻ lai Mỹ cũng yêu quê ngoại Việt nam của chúng như bất cứ
người Việt nam nào khác thôi.
QT: Trước 75, ông đã viết và xuất bản rất nhiều sách viết về trẻ con, Thằng Vũ,
Thằng Khoa, Con Thúy, Bồn Lừa, Dzũng Đa Kao, v.v…Có thể coi những tác phẩm đó
tương đương với những cuốn Mark Twain viết về Tom Sawyer và Huckleberry Finn
không?
DA: Thì tôi cũng muốn nhận vơ là như thế. Nhưng có những người bất mãn với tôi.
Họ bảo “ Duyên Anh sức mấy mà bằng Mark Twain được?” Nhưng khi các nhà phê bình
người Pháp nhận định về cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình của tôi, thì họ đã viết rằng
“Đây là một Mark Twain của Việt nam”.
QT: Ông có nhận thấy là từ khi ra ngoại quốc, lối viết của ông có đổi khác đi
không?
DA: Có chứ. Một nhà xuất bản Pháp đã nói với tôi như thế này “Nếu anh viết truyện
của anh, mà nhân vật là nhân vật Pháp, thì đã có nhiều người viết như thế rồi.
Chúng tôi không cần đến anh đâu. Nhưng nếu anh viết về quê hương anh, thì độc
giả của chúng tôi sẽ hiểu được nhân sinh quan của anh, tình cảm của dân tộc
anh, xem dân tộc anh lãng mạn như thế nào. Đó là những cái người ta muốn tìm hiểu.”
Do đó, tôi cố gắng viết làm sao cho thuần túy là Việt Nam.
QT: Khi còn ở Việt nam, với những tác phẩm viết về tuổi trẻ, thí dụ như cuốn Ngựa
Chứng Trong Sân Trường, rất nhiều người trẻ đã mến mộ ông, coi ông như thần tượng.
Ngược lại, có một số người lớn tuổi và giáo sư thời ấy cho là ông đã vô trách
nhiệm trong việc giáo dục tuổi trẻ. Ông nghĩ như thế nào?
DA: Tôi có bốn tiểu thuyết viết về tuổi trẻ và du đãng là Điệu Ru Nước Mắt, Trần
Thị Diễm Châu, Sa Mạc Tuổi Trẻ, và Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang. Tôi
cho là quý vị phụ huynh và quý vị giáo sư ấy chưa nghĩ kỹ đó thôi. Thử hỏi các
nhân vật du đãng của tôi trong các tiểu thuyết đó có bẩn thỉu không? Tôi xin
nói vì sao tôi viết những cuốn ấy. Đó là thời gian sau khi đảo chánh. Ông tướng
này chỉnh lý, hạ bệ ông tướng kia, rồi ông tướng kia lại bắt giam ông tướng nọ.
Tôi thấy thời đại lúc ấy không còn thần tượng nữa. Tôi buồn quá, bèn cho du
đãng làm thần tượng của tuổi trẻ. Thực ra, thần tượng của chính tôi nữa. Do đó,
tôi cho các nhân vật du đãng của tôi sống sao cho đáng sống. Du đãng trong tiểu
thuyết tôi có hai loại. Một loại ăn chơi đàng điếm, độc ác, hà hiếp người lương
thiện. Loại thứ nhì là du đãng có lý tưởng làm đẹp cuộc đời. Loại thứ nhì này sẽ
phải tìm cách diệt loại thứ nhất. Cũng giống như mọi truyện. Chỉ có vậy thôi.
QT: Như vậy có phải ông muốn làm một cuộc cách mạng giáo dục?
DA: Cách mạng giáo dục, thì tôi phải nói đến Ngựa Chứng Trong Sân Trường, có thể
coi như cuốn sách tôi ưng ý nhất. Cuốn thứ nhì là Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, trong đó
tôi đả kích những người lãnh đạo thời ấy nuôi bò mà chỉ cho nó gặm cỏ cháy, thì
làm sao nó có sữa tốt để nuôi con nó được. Giá họ để ý đến nhi đồng và thanh
niên, thì họ đã không làm thế. Và đã không có ngày hôm nay, chúng ta phải ngồi
đây nhìn nhau mà nói những chuyện dĩ vãng đau xót.
QT: Thưa nhà văn Duyên Anh, mấy năm trước, ông có cho ra hai bộ hồi ký Nhà Tù
và Trại Tập Trung. Xin ông cho biết thêm về hai tác phẩm này.
DA: Nếu tôi được nói vắn tắt cho đúng thì tôi xin nói như thế này. Trước đây mấy
hôm, nhà văn Như Phong Lê Văn Tiến, tác giả trường thiên tiểu thuyết Khói Sóng,
gọi điện thoại cho tôi. Như Phong cám ơn tôi đã viết về ông ấy trong Nhà Tù, nhờ
đó mấy người bạn Mỹ của ông ấy mới biết Như Phong còn sống, và bảo lãnh ông ấy
sang đây. Về việc người ta đánh tôi, Như Phong nói “ Khi nghe tin cậu bị đánh,
thì chính ra, không phải không phải chỉ mình cậu bị đánh đâu; mà cả tôi, cả những
anh em khác, cũng bị đánh nữa.” Tôi đã xem lại cuốn Nhà Tù, và tôi lấy làm lạ,
là trong đó, tôi chỉ toàn viết về việc giam giữ các nhà văn nhà báo thôi. Tôi
có viết về các ông sĩ quan cải tạo nào đâu, mà các ông ấy đòi, hễ gặp tôi ở
đâu, là đánh ở đấy? Các ông ấy có đọc tôi bao giờ đâu. Cho nên nói với những
người không đọc mình, không có ích lợi gì. Trong cuốn Nhà Tù, tôi viết về cái
tĩnh của đời tù. Còn trong Trại Tập Trung, tôi viết về cái động bên ngoài của
tù nhân. Cái động không hay bằng cái tĩnh đâu. Cho nên, nhiều người nói đọc Nhà
Tù thích hơn đọc Trại Tập Trung. Nếu có thì giờ, tôi sẽ viết lại hai cuốn này…
QT: Ông định viết lại, hay viết thêm?
DA: Tôi viết thêm. Để chứng tỏ cho mọi người biết rằng, tôi đã viết như vậy, là
tôi còn hiền phần nào đấy. Chứ nếu tôi viết tất cả, thì các ông ấy chán lắm!
QT: Thưa ông, đã có nguồn dư luận cho rằng ông từng làm ăng ten hại các bạn tù,
rồi ra hải ngoại, lại đả kích người khác. Ông nghĩ sao về việc này?
DA: Tôi đã ở trong tù ba năm, khổ lắm. Nhưng tôi không làm ăng ten. Sau đó, thì
ra trại tập trung. Mới đầu là Sa Ác. Cũng chẳng có gì là ăng ten cả. Từ Sa Ác,
tôi bị chuyển về Hàm Tâm. Hai trại này chỉ cách nhau có một dãy núi thôi. Đó là
dãy núi Mây Tào. Từ bên đây sang bên kia, thế là tôi đã trở thành ăng ten rồi!
Cô phải biết, ăng ten ở trong tù chẳng thể hại ai được cả. Những người bảo tôi
là ăng ten, khi ai hỏi họ có ở chung trại với tôi không, thì họ bảo chỉ nghe đồn
vậy thôi. Nghe đồn mà làm hại danh dự của người ta như vậy đó! Cô biết câu chuyện
Người Đi Đường và Con Chó trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư chứ? “ Than ôi, sức mạnh
con người không có gì bằng lời nói”, Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã kết luận như vậy
đó. Những người kết án tôi, toàn dựa vào tin đồn, tin đồn, và tin đồn mà thôi.
Cho nên, bây giờ, tôi chẳng để ý gì đến họ nữa. Tôi chỉ để ý làm sao cho văn
chương của mình mỗi ngày một hay thêm mà thôi.
QT: Thưa ông, trong số các bạn đồng tù của ông, đã có ai lên tiếng đả kích ông
chưa?
DA: Tôi không thấy. Tôi còn nghe một vài người ở cùng trại đã viết bài bênh vực
tôi, nhưng tôi chưa đọc, và tôi cũng không cần đọc nữa.
QT: Ông trở lại Westminster sau bảy năm. Ông có cảm nghĩ gì khi đi ngang qua chỗ
người ta đả thương ông không?
DA: Tôi chẳng có cảm nghĩ gì cả. Sau bảy năm, đã có nhiều đổi thay lắm; và chuyện
cuả tôi, tôi đã quên nó đi rồi. Tôi phải nói thêm về sự khinh bỉ mà cộng sản nó
dành cho tù nhân miền Nam. Chúng nó bắt trí thức, tướng tá, nhà văn nhà báo miền
Nam đi cải tạo, mà chúng nó chỉ đưa những đứa từ 18 đến 23 tuổi để giáo dục các
anh thôi. Nó có gửi tướng tá, hay nhà văn nào đến giảng dạy cho các anh đâu?
Các anh không hiểu điều ấy để mà thù hận chúng nó. Các anh chỉ tìm những người
cùng phe với các anh để thù hận thôi. Tôi nghĩ, người ta nên suy nghĩ lại một
tí, để bớt chửi bới lẫn nhau đi. Cô nên nhớ, là cộng sản không cần phải đến
nhà, bắt các ông sĩ quan đi cải tạo. Họ chỉ ra một cái thông cáo thôi. Là các
sĩ quan ngoan ngoãn trình diện ngay. Còn nhà văn như tôi, thì mười thằng công
an, nửa đêm đến nhà khám xét, khóa tay tôi lại, và đưa đi tù. Thế thì, nhà văn
đã hơn sĩ quan nhiều chưa?
QT: Ông đã trả giá cho những tin đồn coi như thất thiệt ấy bằng năm ngày hôn
mê, và nửa phần thân thể bị tê liệt. Ông có hận thù gì trong lòng không?
DA: Tôi chẳng hận thù gì nữa cả. Tôi cũng không biết nhóm nào đánh tôi nữa. Thì
cứ coi như cái nghiệp thôi. “Sinh ư nghệ, tử ư nghiệp” mà. Tôi chẳng biết cái
nghề viết văn của tôi có sinh ra để chết vì viết văn không. Nhưng cái nghiệp,
mà ông Nguyễn Du đã dạy, thì đúng lắm.
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Tôi không trách móc ai cả.
QT: Thưa ông, trong lúc ông đang dưỡng bệnh thì lại được tin con gái và con rể
ông tử nạn máy bay. Ông có tự hỏi tại sao tai họa lại dồn dập như thế không?
DA: Tôi lại học được câu nói của tổ tiên tôi. Đó là “ Họa vô đơn chí, phúc bất
trùng lai.” Tôi không thể giải thích được tại sao tai họa lại đến với mình liên
tiếp như thế được. Nhưng mà cũng từ ngày bị thương, tôi lại tin vào tướng số.
Thầy tướng nói với tôi, là từ năm tôi sáu mươi tuổi trở đi, hai mươi năm đau khổ
sẽ qua, và đời tôi sẽ lên hương. Chắc là trời sẽ thương tôi, và cho tôi một cái
phúc nào đó, cái này mình chưa biết được. Trời thương tôi, nhưng có thể cũng
giao cho tôi một sứ mạng nào đó. Trời bắt tôi viết bằng tay trái, nhưng lại viết
hay hơn ngày xưa. Cho nên vì thế, tôi vẫn tiếp tục viết…
Chương 12
Sau buổi ra mắt ở Người Việt, Duyên Anh và NN lên San José.
Theo lời anh kể lại cho tôi, trong thời gian ở trên đó, anh tiếp xúc với Vũ
Bình Nghi, Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Vẫn Trọn, Mai Hân. Đặc biệt, anh gặp lại một độc
giả ái mộ, một búp bê thời thập niên 60. Cô này là một bác sĩ đang hành nghề
trên đó. Cô mời Duyên Anh đi ăn trưa, và chở anh đi chơi lòng vòng thành phố.
Không biết trong lúc nói chuyện, cô có hứa hẹn hay nói gì, khiến Duyên Anh chớm
hy vọng, cô búp bê thuở nào sẽ chờ đợi anh sang Mỹ định cư luôn, và sống với cô
những ngày còn lại.
Liên hệ giữa Duyên Anh và cô bác sĩ không thoát khỏi sự để ý của NN. Vừa khi
Duyên Anh và NN trở lại Los Angeles, túi quần anh bị khám. Tên và số điện thoại
của búp bê còn nằm trong đó.
NN hạch hỏi Duyên Anh. Dĩ nhiên, anh chối. Thế là, sóng gió nổi lên. Duyên Anh
gọi điện thoại cho tôi, hôm sau:
- Đ.m, con NN này hỗn quá. Nó dám tát anh!
Anh kể hết đầu đuôi cho tôi, và kết luận:
- Anh chán nó quá rồi! Mình phải tìm chỗ khác ẩn thân thôi.
Sẵn tiền bán sách, Duyên Anh làm một chuyến thăm bạn bè tại vài tiểu bang, rồi
trở về ở Paris vài ba tháng…
Khi Duyên Anh trở lại California, ra đón anh ở phi trường Los Angeles, tôi hỏi
:
- Bây giờ, anh em mình về đâu?
- Ghé nhà Đỗ Sơn đi. Hôm nọ, nó bảo anh, nhà nó vừa chữa lại, có một phòng trống
dành cho khách. Nó mời anh đến ở.
Tôi lái xe xuống Orange County, tới nhà Đỗ Sơn. Bấm chuông, chờ một hồi. Lại gõ
cửa. Nhưng không có ai ở nhà.
Chúng tôi ghé nhà Nguyễn Kim Dung. Định ngồi chơi một lát, chờ gọi điện thoại
cho Đỗ Sơn. Nhưng không ngờ, vợ chồng Nguyễn Kim Dung cùng khẩn khoản mời Duyên
Anh ở đấy chơi ít hôm. Ít hôm ấy, chẳng ngờ, đã trở thành nửa năm. Nguyễn Kim
Dung, vợ và ba con trai sống trong một apartment hai phòng ngủ, khu chung cư
bình dân gần trung tâm Little Saigon. Vợ chồng con cái ngủ trên gác. Phòng
khách và phòng ăn ở dưới nhà. Dung kê một giường cá nhân ở phòng khách cho
Duyên Anh nằm nghỉ. Anh sống chan hòa với gia đình Nguyễn Kim Dung, chia xẻ những
bữa cơm giản dị , dạy dỗ các cháu, và khuyên bảo, hướng dẫn Dung về nhiều mặt.
Trong phần phụ lục, sẽ có những trang dành cho gia đình Nguyễn Kim Dung chia xẻ
kỷ niệm với Duyên Anh.
Thỉnh thoảng, tôi ghé lại, ăn cơm với gia đình Dung và Duyên Anh. Anh đọc cho
tôi những bài mới viết, Đại Ngu Văn Bút Sử Luận, Văn Cáo, Văn Cầy, Văn Cơm Luận.
Anh cũng đọc cho tôi nghe những đoạn viết tiếp tiểu thuyết Người Con Gái Ngồi Đợi
Một Chuyến Tầøu Về, nhưng cho biết, anh viết không nhanh và dễ như trước nữa.
Thời gian này, tôi đã hoàn thành hai bản dịch Anh ngữ cuốn Những Đứa Trẻ Con Mỹ
Hẩm Hiu và Một Tù Binh Mỹ ở Việt Nam. Tôi nhờ người đánh máy bản dịch, đóng lại
thành tập, đưa cho Duyên Anh xem. Anh xem qua, và ráát hài lòng. Duyên Anh dặn
tôi cố gắng đưa hai tác phẩm này vào thị trường sách Mỹ. Cho đến ngày tôi viết
những giòng chữ này, gần bốn năm sau khi hoàn thành bản dịch, hai tập đánh máy
vẫn còn nằm trong ngăn kéo bàn viết của tôi. Tôi đã nhờ các anh Lê Hồng Long,
Hoàng Mạnh Hùng liên lạc xin phép chị Duyên Anh để phổ biến, nhưng không được
trả lời. Tôi ngại chuyện kiện tụng lôi thôi, nên không thể tự ý tiến hành việc
in và phổ biến bản Anh ngữ hai tác phẩm này, theo ý nguyện của Duyên Anh được.
Tháng 3, 1996, Duyên Anh cho tôi xem mấy dòng anh viết cho Đặng Xuân Côn, để
anh Côn trả lại anh số tiền hai ngàn Duyên Anh gửi khi trước. Anh viết mấy dòng
đó trên tờ photocopy một tấm check, theo Duyên Anh, anh đã mượn của một người ở
Pháp. Người ta đòi, và anh muốn trả món nợ ấy. Hai tuần sau, Đặng Xuân Côn gửi
ngân phiếu qua, trả hết số tiền ấy cho Duyên Anh.
Trong mấy lần gọi điện thoại cho tôi, anh Côn nhờ tôi chuyển lời mời Duyên Anh
trở về Texas sống với anh như xưa. Theo tôi nhận xét, Đặng Xuân Côn đã tỏ ra
chí tình với bạn. Anh muốn Duyên Anh ở gần, để có dịp săn sóc, giúp đỡ người bạn
thân nhất của mình. Nhưng tôi biết, Duyên Anh không về với Đặng Xuân Côn nữa, một
phần lớn là do tự ái của anh đã tổn thương vì những lời phê bình quá thẳng thắn
của anh Côn.
Khi đánh máy những tác phẩm sau cùng của Duyên Anh, Đặng Xuân Côn đã đề nghị
Duyên Anh bỏ đi nhiều đoạn anh thấy không cần thiết, hoặc không xuất sắc, y như
anh đã từng làm từ hai ba chục năm trước, lúc còn ở Saigon. Nhưng bây giờ,
Duyên Anh không bằng lòng bỏ. Cũng chẳng bằng lòng sửa chữa. Đặng Xuân Côn kể với
tôi, anh đã bảo Duyên Anh như thế này: “Tao ví những gì mày viết như vàng pha lẫn
đá và sạn. Bổn phận của tao là đãi lọc đá và sạn ra, để cho tác phẩm của mày chỉ
là vàng ròng thôi. Nếu mày không nghe tao; nếu mày coi những cái mày viết đó là
châu ngọc, là vinh quang của mày, thì mày cứ đem in đi. Vinh quang ấy, không có
tao trong đó.” Tôi nghĩ, Duyên Anh cảm thấy lời phê bình thẳng thắn ấy là thái
độ hất hủi từ người bạn chí thân của anh. Có lẽ, anh bắt đầu xa Đặng Xuân Côn từ
đó. Cho nên, khi nghe tôi, hai lần, nhắn lại lời anh Côn muốn mời anh về Texas,
Duyên Anh chỉ yên lặng, không nói gì với tôi cả.
Thời gian ở nhà Nguyễn Kim Dung, Duyên Anh xem lại lần cuối cùng bản thảo Hồn
Say Phấn Lạ, và quyết định giao cho Dung việc xuất bản tác phẩm này. Bộ tiểu
thuyết gồm hai tập, dày hơn 800 trăm trang, thêm phụ bản mười một bài nhạc
Duyên Anh sáng tác. Bìa do họa sĩ Triều Khê vẽ. Ấn loát tại Mr. Print, một cơ sở
của mấy anh em trẻ có lý tưởng dân tộc. Theo ý muốn của Duyên Anh, chỉ in có
500 bộ thôi. Vì thế, một số nơi muốn đặt mua sách, đã không còn sách gửi đi.
Duyên Anh viết một tờ flyer quảng cáo thật bạo, và cũng thật hỗn, theo một số
người không ưa anh nhận xét. Chỉ tờ Con Cò của Đỗ Sơn, và Việt Báo ở Denver của
Nguyễn Ngọc Bích, dám đăng tờ quảng cáo này. Dưới đây là một đoạn tiêu biểu:
ĐOÀN VIÊN, ĐẢNG VIÊN, HỘI VIÊN CỦA MẶT TRẬN, LIÊN MINH, LỰC LƯỢNG, PHONG TRÀO,
ĐẢNG PHÁI KHÔNG THÍCH ĐOÏC, KHÔNG MUỐN ĐOÏC, KHÔNG THÈM ĐOÏC, KHÔNG CÓ CHỮ ĐỂ ĐỌC
HỒN SAY PHẤN LẠ, THÌ ĐỪNG HỌC ĐÒI CHỐNG CỘNG, ĐẢ CỘNG, PHẢN CỘNG, THÙ CỘNG,
ĐÁNH CỘNG LÀM DÁNG NỮA.
Phải đọc HỒN SAY PHẤN LẠ mới biết cung cách diệt cộng sản Việt Nam một cách thần
sầu.
Tôi được Nguyễn Kim Dung nhờ giới thiệu chương trình buổi ra mắt Hồn Say Phấn Lạ.
Hai tuần trước đó, chúng tôi đã gửi đi khoảng năm trăm thiệp mời. Nơi ra mắt: Hội
quán Lạc Hồng, trên đường Westminster, thành phố Garden Grove.
Buổi chiều ngày 11 tháng 8, 1996, đúng 2 giờ, tôi bước lên chào mừng quan khách
và thân hữu. Phòng họp thiếu không khí ấm cúng của hội trường báo Người Việt. Hệ
thống âm thanh không được tốt lắm. Số người tham dự không đông như chúng tôi
mong đợi.
Ở hàng ghế đầu, tôi nhận ra ông xếp cũ của Duyên Anh, nguyên tổng giám đốc
thanh niên Cao Xuân Vỹ, nhạc sĩ Phạm Duy, và ông chủ tịch cộng đồng Việt nam
toàn thế giới Bùi Bỉnh Bân. Ở phía sau, trong số các thính giả, tôi thấy các cựu
đại tá Lại Đức Nhung, trung tá Vũ Đức Chỉnh, giáo sư Bùi Quý Chứ, và một cựu sĩ
quan phi công, tuy đã tàn phế, vẫn chống nạng đến chúc mừng Duyên Anh.
Chiều theo ý Duyên Anh, tôi đã không mời nhà văn, hay quan khách nào phát biểu,
và hoàn toàn không có phụ diễn văn nghệ. Chỉ có một độc giả Hoa Kỳ lên bày tỏ cảm
nghĩ khi đọc tác phẩm của Duyên Anh. Sau đó là bài nói chuyện của Nguyễn Kim
Dung, phần tặng tác phẩm Hồn Say Phấn Lạ cho một số người trẻ, và vài lời tâm sự
của Duyên Anh.
Độc giả Hoa Kỳ, Linda Adams, là người tình nguyện đánh máy bản Anh ngữ Những Đứa
Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu và Một Tù Binh Mỹ ở Việt Nam. Do đó, bà có cơ hội đọc thật kỹ
hai tác phẩm này. Linda Adams làm cùng sở với tôi, nên đã mấy lần gặp gỡ và nói
chuyện với Duyên Anh, khi tôi chở anh đến sở. Linda Adams thích học tiếng Việt,
ao ước được đến Việt Nam truyền giáo, nên đã có ý định mời Duyên Anh về ở chung
nhà một vài tháng, để dạy bà nói tiếng Việt. Duyên Anh cũng đồng ý rồi. Nhưng
suy nghĩ lại, thấy không có ai nấu cơm canh Việt nam cho mình trong thời gian ở
đấy, anh cám ơn Linda, và từ chối lời mời này.
Linda ca tụng tư tưởng nhân bản của Duyên Anh trong tác phẩm viết về người tù
binh Mỹ, dù gặp muôn vàn khổ nhục, vẫn thương xót kẻ hành hạ mình, để rồi cảm
hóa được ngay cả kẻ thù. Bà bày tỏ lòng thán phục lối kể chuyện sống động của
tác giả khi mô tả cuộc sống hãi hùng trong trại giam tù binh, lối mô tả khiến
người đọc cảm thấy như mình đang trải qua cùng một kinh nghiệm với nhân vật
chính.
Sau đó, tôi mời Duyên Anh lên tặng bộ Hồn Say Phấn Lạ cho một số người trẻ
trong vùng đã có những đóng góp đặc biệt về văn hóa và phục vụ cộng đồng. Những
bạn trẻ này là: Charlie Nguyễn, người thực hiện phim Thời Hùng Vương thứ 18;
Bùi Đức Khánh, phụ tá đạo diễn phim này; Nguyễn Xuân Huy, võ sư chưởng môn võ
đường Tây Sơn Bình Định; Nguyễn Ngọc Huy, giám đốc nhà in Mr. Print; Nguyễn Lê
Gia, tổng thư ký đoàn thanh niên Phan Bội Châu; và Nguyễn Lê Định, võ sinh xuất
sắc của võ đường Tây Sơn Bình Định.
Tiếp theo, tôi giới thiệu Nguyễn Kim Dung trình bày tính cách tiên tri của văn
chương Duyên Anh trong Hồn Say Phấn Lạ đối với đề tài chính trị thời thượng,
“Chia Tay Ý Thức Hệ”. Dung cũng nói đến ảnh hưởng tư tưởng chính trị của Duyên
Anh và các tổ chức đấu tranh. Sau hết, Nguyễn Kim Dung đề cao vai trò của văn
nghệ sĩ trong đấu tranh xây dựng dân chủ.
Duyên Anh được mời lên sau cùng. Anh tâm sự bằng một giọng chán nản, pha lẫn
chua chát, rằng ra mắt sách trong thời buổi này cũng không khác gì một người ăn
xin ngồi bên đường, chờ ông đi qua bà đi lại rủ lòng thương xót, mua ủng hộ tác
giả một cuốn, để người in sách có phương tiện tiếp tục công việc bạc bẽo đó.
Duyên Anh cho biết anh không oán trách, không thù hận người đã hành hung, gây
thương tật cho anh.
Lời than thở trong lần ra mắt sách cuối cùng trong đời Duyên Anh cứ theo ám ảnh
tôi mãi cho tới hôm nay: “Văn chương bây giờ xuống giá quá rồi! Những người có
lòng với văn chương chẳng còn bao nhiêu. Quý vị có mặt hôm nay là những người
thương yêu văn chương, trong lúc tôi là kẻ hành khất, kẻ ăn mày tình thương văn
nghệ.”
Chủ tịch Bùi Bỉnh Bân không cho tôi biết trước là ông muốn phát biểu. Mãi sau
khi tôi cám ơn “quý vị quan khách, quý thân hữu” và tuyên bố bế mạc, ông chủ tịch
mới đứng lên yêu cầu được nói vài lời với Duyên Anh, đại khái “lúc nào tôi cũng
ở sau lưng anh; anh làm gì, cứ cho tôi biết, tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ.”
Lúc đó, thiên hạ đã lục tục kéo nhau ra về. Cho nên dù tôi mời mọi người ở nán
lại vài phút, cũng đã quá muộn. Ông chủ tịch cộng đồng Việt nam toàn thế giới
đã không được sự chú ý, lẽ ra phải có, dành cho một nhân vật nổi tiếng như thế!
Mấy hôm sau, nhân ngày giỗ thân mẫu của Duyên Anh, vợ chồng Nguyễn Kim Dung làm
món “lươn um củ chuối”, y như cách Duyên Anh mô tả trong Ca Dao Quyện Lấy Miếng
Ngon Dân Tộc. Theo lời Duyên Anh, chính mẹ anh đã dạy anh nấu món này. Chỉ có
gia đình Dung, Duyên Anh, và một số rất ít thân hữu của anh, trong số đó có
tôi, tham dự ngày giỗ này. Chúng tôi chẳng ai ngờ, đó là lần cuối cùng được
cùng anh thưởng thức món đặc biệt ấy.
Từ ngày Duyên Anh trở lại Westminster, ở với gia đình Nguyễn Kim Dung, anh ít
khi ra khỏi nhà. Đôi lần, Đỗ Ngọc Yến tìm tới, đón Duyên Anh đi uống rượu với
Mai Thảo. Một độc giả yêu mến Duyên Anh, Kim Hùng, đến thăm, đón Duyên Anh đi
chơi, đưa anh vào một tiệm bán rượu, nài nỉ anh chọn chai rượu nào ngon nhất, để
mua biếu anh.
Bùi Đức Khánh, một đạo diễn trẻ tuổi, tìm gặp Duyên Anh, xin anh cho sử dụng tiểu
thuyết Luật Hè Phố để quay thành phim. Duyên Anh và tôi bàn chuyện làm phim với
Khánh ở quán Viễn Đông. Duyên Anh bảo Bùi Đức Khánh “Em làm được, thì cứ làm
đi. Anh không đặt điều kiện tiền bạc gì cả.”
Khánh đã viết xong phân cảnh bằng Anh ngữ, nhưng chưa thực hiện, thì dự án nhà
sản xuất hứa hẹn, bị hủy bỏ.
Một số đoàn thể trẻ, như Liên Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Việt Nam, tổ
chức Hưng Việt,… tìm đến gặp Duyên Anh, nhờ anh góp ý, cố vấn, hướng dẫn cho hoạt
động của họ. Duyên Anh thường nói chuyện với những đại diện của các đoàn thể
này tới quá nửa đêm. Anh cho những bạn trẻ này biết anh luôn luôn sẵn sàng góp
sức với họ.
Trong khi ấy, NN thấy Duyên Anh không còn tìm đến với mình nữa, bắt đầu theo đuổi
anh trở lại. NN gọi điện thoại thường xuyên thăm hỏi anh, và nài nỉ anh trở về
chung sống. Nhưng lúc này, Duyên Anh đã quyết định không dại dột nữa. Anh lấy cớ
phải làm việc, bận chuyện nọ chuyện kia, để thoái thác.
Một chiều, tôi đến thăm Duyên Anh. Đang ngồi chơi với anh, thì từ ngoài cửa, NN
bước vào, trong bộ đồ mầu hồng, khá mỏng, gần giống như loại áo ngủ. Mấy ngày
trước đó, NN gọi xuống, xin được ghé thăm anh, nhưng Duyên Anh dặn ở nhà nói
anh đi vắng. Bữa nay, bị đột kích bất ngờ, anh không còn chỗ nào lẩn tránh nữa.
NN ngồi bên cạnh anh, cố gợi chuyện, nhưng Duyên Anh chỉ ậm ừ, miễn cưỡng, và
khó chịu ra mặt.
Tôi nghĩ cách giải thoát cho anh. Tôi giả vờ đưa tay xem đồng hồ:
- Chết rồi, đến giờ mình phải đi rồi đó, anh. Tụi nó hẹn phỏng vấn anh trên đài
phát thanh. Anh xỏ giầy mau, em đưa anh đi.
Duyên Anh nhìn tôi. Thấy cái gật đầu của tôi, anh hiểu ý ngay:
- Ừ, không có em nhắc, anh cũng quên mất.
Anh quay sang NN:
- Em ngồi đây chơi với vợ của Dung. Anh phải đi lên đài với Hiền nhé.
Toàn, vợ của Dung, từ bếp bên cạnh, tiến ra nói chuyện với NN, đỡ đòn cho ông
anh cả.
Tôi kéo Duyên Anh ra xe, mở cửa trước cho anh bước vào. Nguyễn Kim Dung lên
băng sau.
Có lẽ, giác quan thứ sáu của phụ nữ đã giúp NN biết đây chỉ là một màn kịch do
tôi dàn dựng. Tôi vừa nổ máy xe, thì NN từ phía nhà Dung chạy tới. Người đàn bà
đập thình thình lên nóc xe, ra hiệu cho tôi ngừng lại. Tôi bấm nút cho kính xe
phía Duyên Anh hạ xuống. NN hét lên như một người điên, tặng cho chúng tôi một
số lời khen ngợi khá thân ái!
Tôi nói “Chúng tôi nghe rõ rồi, bà ạ!”, rồi rồ máy cho xe hướng về phía
Magnolia. Duyên Anh vẫn bình tĩnh, ngồi im như một pho tượng.
Tôi quay sang hỏi:
- Mình đi đâu bây giờ đây anh?
Trong lúc Duyên Anh yên lặng, Nguyễn Kim Dung gợi ý:
- Hay là mình ra xem lớp dạy võ của Nguyễn Xuân Huy đi .
Chúng tôi tới một công viên của thành phố Westminster. Tại đó, chừng hai ba chục
võ sinh đang tập luyện.
Trong lúc chờ đợi Nguyễn Xuân Huy, ba anh em chúng tôi ngồi ở một bàn xi măng,
ăn món gà nướng tôi đem theo. Gió chiều mát rượi; cây cỏ hoa lá chung quanh rực
rỡ nắng. Thấy khuôn mặt Duyên Anh chưa hết nét đăm chiêu, tôi hỏi anh:
- Anh thấy em có nhanh trí khôn không?
Anh cười:
- Ừ, không có em ở đấy thì anh cũng chẳng biết xoay xở làm sao nữa.
Tôi đùa:
- Bây giờ anh đã thấy sợ chưa?
- Đ.m, cái giống đàn bà nó vậy đấy! Chưa có gì thì làm bộ làm tịch lắm. Đến khi
bén mùi rôài, cứ làm như mình là của riêng nó không thôi. Anh chán lắm rồi! Bây
giờ, anh chỉ muốn được yên thân mà viết thôi.
Nguyễn Xuân Huy biết chúng tôi có ý đợi, giao lớp học cho một võ sinh trông
coi, rồi tới ngồi, nói chuyện với chúng tôi. Huy cho biết lớp võ Tây Sơn Bình Định
của anh hoàn toàn miễn phí. Mục đích của anh là đào tạo một thế hệ trẻ Việt nam
ở hải ngoại có sức khỏe để tự vệ, và biết tự hào về nguồn gốc dân tộc. Trong lớp
võ của anh, Huy chỉ dùng tiếng Việt. Anh khuyến khích võ sinh nói tiếng Việt với
nhau khi đến tập võ.
Tôi hỏi Huy có gặp khó khăn nào không. Anh cho biết cũng có đôi chút trở ngại đến
từ một số người không muốn cho anh sử dụng danh xưng của võ phái anh đang theo
đuổi và truyền bá, vì họ cho là chỉ nhóm của họ mới là chân truyền.
Duyên Anh khen ngợi Nguyễn Xuân Huy, và khuyến khích Huy tiếp tục theo đuổi lý
tưởng phục vụ đó.
Chúng tôi ngồi chơi ở công viên cho tới khi nắng tắt, mới về lại nhà Nguyễn Kim
Dung.
Toàn, vợ Dung, ra mở cửa:
- Bà ấy ngồi lại có một lát thôi. Về lại trên Los rồi. Tội nghiệp, lặn lội mấy
chục dặm xuống đây, chỉ mong gặp anh thôi, mà không được cái gì cả!
Duyên Anh nói:
- Nó phải hiểu rằng, mình chưa là gì của nó cả, mà nó đã hỗn với mình như thế,
anh đâu có thể về được nữa.
° ° °
Duyên Anh bay lên San José dự đám cưới của con trai lớn anh,
Vũ Nguyễn Thiên Chương. Trong vài ngày tạm trú trên đó, anh ở cùng phòng khách
sạn với anh Đặng Xuân Côn. Khi về lại Orange County, Duyên Anh cho tôi biết,
anh và anh Côn rất ít khi trò chuyện với nhau. Duyên Anh ở lại San José ít
ngày. Sáng sáng, anh thường ra quán của nhà báo Sao Biển, ngồi uống với một vài
người bạn thân. Những độc giả yêu văn chương Duyên Anh tìm đến quán gặp anh, và
mua bộ Hồn Say Phấn Lạ. Duyên Anh cho tôi biết, trong số đó, có cả nhà ngữ học
nổi tiếng, giáo sư Nguyễn Đình Hòa, và nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Anh kể:
- Có một thằng bé, chừng mười bảy, mười tám thôi, đến tìm anh ở quán của Sao Biển.
Lúc ấy, quán vắng. Bạn bè anh đã về hết. Chỉ có anh và thằng bé ngồi nói chuyện
thôi. Nó bảo nó đã đọc hầu hết các sách của anh. Nó nhớ nhiều chi tiết trong
các truyện ấy, và hỏi anh những câu thông minh lắm. Thằng bé ấy rất giống em
thuở hơn ba mươi năm về trước. Anh chợt nhớ lại hình ảnh em hồi tụi mình mới gặp
nhau. Thằng bé làm anh rất cảm động. Ít nhất, những gì mình viết ra cũng được
hai ba thế hệ yêu mến. Như thế, đối với anh cũng là phần thưởng lớn rồi.
Tháng 9, 1996, Duyên Anh về Pháp. Trước khi rời Mỹ, Duyên Anh bảo tôi:
- Anh sẽ về vài ba tháng thôi, rồi lại sang đây. Phải lo cho xong việc vào dân
Tây cái đã.
Trước khi rời Mỹ hai hôm, Duyên Anh ghé về nhà NN, và nhờ tôi đưa anh từ đó ra
phi trường. Anh giải thích:
- Anh ở nhà nó vài hôm thôi. Dù sao, mình cũng từng đến với nó. Bây giờ, nếu từ
nhà chú Dung về thẳng Paris, thì có vẻ tàn nhẫn quá. Anh không nỡ.
Tôi tới đón NN và Duyên Anh khoảng 8 giờ tối. Anh ăn mặc giản dị. Vẫn chiếc áo
thun, áo veste khoác ngoài; đôi giầy thể thao có giây gài bằng velcro. Đậu xe
sát khu departure trên lầu, tôi mở cửa cho anh xuống. Dặn anh và NN ngồi chờ ở
ngoài, tôi lái vào bãi đậu xe rồi trở lại, đưa anh vào chỗ cân hành lý và trình
vé. Duyên Anh chỉ đem theo túi xách nhỏ. Anh có hai va ly, một đựng các bản thảo
đang còn ở nhà tôi. Va ly kia, đựng một ít quần áo và mấy master nhạc của anh,
do Quỳnh Giao, Mai Hương trình bày, nằm ở nhà NN.
Duyên Anh dặn tôi thật kỹ: Chỉ khi nào anh gọi điện thoại, bảo tôi đưa bản thảo
cho ai, tôi mới đưa cho người ấy thôi. Đúng như anh tiên đoán, lúc anh về Pháp
rồi, một vài người quen của anh đến tìm tôi, yêu cầu tôi đưa bản thảo Duyên Anh
cho họ in. Tôi nhất định không đưa, vì Duyên Anh không hề dặn dò gì tôi về mấy
người đó cả.
Chín giờ rưỡi đêm, tôi lại quầy vé, nhờ nhân viên hãng hàng không cung cấp xe
lăn để đưa Duyên Anh lên máy bay. Trong lúc chờ xe tới, nhân lúc NN đi vào
phòng vệ sinh, Duyên Anh bảo tôi:
- Chuyến này về, anh nhất định bỏ nó thôi. Tiếp tục dính dáng chỉ thêm mệt!
Người đẩy xe lăn đã tới. Tôi bắt tay Duyên Anh thật chặt, nói “Anh đi bình
yên”, một câu quen thuộc tôi đã nói với anh trong các dịp đưa anh ra phi trường.
Đã quá quen với những lần đưa anh đi, đón anh về, tôi đinh ninh sẽ gặp lại anh,
như các lần trước.
Nào ngờ, đó là lần cuối cùng tiễn Duyên Anh ra phi trường!
Duyên Anh về Paris được một tháng, thì gọi sang, bảo tôi đến
NN, lấy va ly của anh đem về nhà tôi. Tôi đến nơi, NN không bằng lòng đưa, lấy
lý do Duyên Anh đã hứa sẽ trở về. Tôi nghĩ thầm “ Thật giống các bà vợ bé ngày
xưa giữ ô và tráp của chồng, để buộc họ trở lại với mình” và tự nhiên, thấy tội
nghiệp cho người đàn bà này. NN đã lầm tưởng Duyên Anh có ý định gắn bó suốt
quãng đời còn lại với mình, nên vẫn tin lần này sang Mỹ, Duyên Anh sẽ trở lại.
NN đâu có ngờ Duyên Anh đã nói với tôi những điều hoàn toàn khác hẳn.
Tôi gọi sang hai lần, lần nào cũng gặp chị Duyên Anh, nên chỉ hỏi thăm qua sức
khỏe của anh, chứ không dám đề cập gì đến va ly đựng mấy master nhạc.
Hai tuần sau, tôi gọi cho NN, lấy cớ Duyên Anh dặn tôi phải đem các master ấy đến
trung tâm băng nhạc THT ở quận Cam bán cho người ta, để lấy tiền mua vé máy bay
cho anh trở lại Los Angeles. Tôi thòng thêm một câu: “Duyên Anh nhắn là rất nhớ,
và mong gặp NN lắm đấy”. Và thế là, NN bằng lòng để tôi ghé, lấy va ly băng nhạc
anh gửi tại đấy, trước khi anh đến ở nhà Nguyễn Kim Dung. Va ly này, đựng những
master nhạc Duyên Anh, do Quỳnh Giao và Mai Hương hát, cùng một va ly đựng bản
thảo tất cả những tác phẩm chưa in của Duyên Anh, tôi đã trao lại cho hai con
trai của Duyên Anh, Thiên Chương và Thiên Sơn, tại nhà tôi, tháng 3, 1997, trước
sự chứng kiến của anh Hoàng Mạnh Hùng, bạn thân của Duyên Anh.
(Mấy tháng sau, khi Duyên Anh vừa qua đời, NN gọi cho nhiều thân hữu của Duyên
Anh, kể cả tôi, nói rằng hồn Duyên Anh nhập vào mình, và hướng dẫn bà viết cả
trăm trang giấy. Tôi nghe nói, NN đã trao những trang này cho một ông nhà văn
(hay nhà báo) vùng Orange County, nhờ viết lại, và dự tính cho xuất bản!? Tôi
chờ, nếu chuyện ấy thực sự xảy ra, tôi sẽ lên tiếng, để cho biết tất cả sự thật
về cái hiện tượng gọi là “hồn ma Duyên Anh” này.)
Giữa tháng 12, 1996, tôi gọi sang, hỏi Duyên Anh bao giờ qua Mỹ. Anh có vẻ mệt
mỏi, chán nản:
- Chưa biết nữa. Mấy tuần nay, anh có vẻ như bị cảm. Cứ nằm một chỗ thôi. Chẳng
làm được gì cả.
- Anh có ăn uống được gì không?
- Ăn ít lắm. Anh cũng chẳng thấy đói gì cả.
Duyên Anh cho biết từ cuối tháng 9 đến giờ, anh chẳng viết thêm được gì. Chỉ lo
xong việc vào quốc tịch Pháp thôi. Tôi hỏi:
- Anh vào dân Tây rồi, có lấy tên Tây không?
Có tiếng cười khan trong máy:
- Đ.m, thì mình cũng lấy chơi cho vui thôi. Duyên Anh bây giờ thành Denis Ange.
Cũng bắt đầu bằng hai mẫu tự D và A.
- Có quốc tịch Pháp, chắc lần này sang Mỹ sẽ dễ dàng hơn nhỉ?
- Chưa biết nữa. Có lẽ cũng dễ thôi…
Nói chuyện chừng năm phút, tôi từ giã Duyên Anh, và nói mong sớm gặp lại anh.
Ngày 1 tháng 1, 1997, tôi gọi sang Paris. Duyên Anh nói, anh không được khỏe lắm,
nhưng dặn tôi “cứ yên chí đi, thế nào anh cũng trở lại California.”
Ngay tối hôm đó, anh lên cơn đau dữ dội, ở nhà phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu.
Mãi một tuần sau, tôi mới được biết tin Duyên Anh nằm bệnh viện. Một người bạn
anh, dấu tên, gọi sang chỗ tôi làm việc, cho tôi số điện thoại phòng anh nằm,
chuyển lời Duyên Anh nhắn tôi gọi sang anh gấp.
Đêm 9 tháng 1, 1997, tôi ngủ được hai tiếng, rồi giật mình thức dậy, không ngủ
thêm được nữa. Thao thức mãi, tôi ngồi dậy, qua phòng bên cạnh, gọi điện thoại
cho Duyên Anh. Lúc ấy, bên Pháp là 10 giờ 46 phút sáng. Tôi nghĩ, lúc ấy chắc
anh đã thức dậy, có thể tỉnh táo nói chuyện được với tôi.
Đầu giây bên kia, có tiếng một phụ nữ Pháp trả lời. Với số vốn liếng Pháp ngữ
không lấy gì làm dồi dào, tôi hỏi, và được người nữ y tá cho biết Duyên Anh được
đưa đi thử máu và chụp quang tuyến. Bà ta bảo tôi nên gọi lại trong vòng vài tiếng
nữa.
Tôi trở về phòng ngủ, nhưng chỉ nằm đó, không ngủ tiếp được. Đầu óc tôi quay cuồng
với nhữõng hình ảnh, những kỷ niệm về Duyên Anh. Nằm nghe hết hai mặt cuốn băng
nhạc Ru Đời Phù Ảo của anh, đôi mắt tôi vẫn mở trơ trơ. Tôi lại sang phòng bên,
quay số nhà thương. Lúc ấy đã gần 12 giờ trưa bên Pháp. Cũng vẫn giọng người y
tá ban nãy. Duyên Anh chưa về lại phòng. Tôi nhờ bà ta nói với Duyên Anh, là có
em trai anh từ Los Angeles gọi sang; và đến chiều, tôi sẽ gọi lại.
2giờ 41 phút chiều, giờ Pháp, ngày 10 tháng 1, 1997, Duyên Anh nói chuyện với
tôi, hoàn toàn tỉnh táo. Vừa nhấc ống nghe, anh nói ngay:
- Anh đây.
- Lần thứ ba, em gọi cho anh đấy.
- Anh biết. Cô y tá Tây có nói lại với anh.
- Anh đi đâu về vậy?
- Họ đưa anh đi thử máu. Thử ruột nữa.
- Họ có biết anh đau gì chưa?
- Chả biết nữa. Thử đủ thứ hết. Mà anh có bệnh gì đâu. Nó thử, là thử thế thôi.
Hôm nọ, lúc em gọi sang chúc mừng anh năm mới, thì đến đêm, ruột gan nó như cào
cấu mình vậy. Anh đau quá, đến nỗi ngất đi cơ mà. Thế mới phải đem vào bệnh viện
cấp cứu đấy chứ. Chẳng biết thế nào cả. Mẹ, chán ghê lắm cơ! Thế rồi, hôm qua,
anh mới nhờ thằng H. gọi hộ cho anh…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét