Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Duyên Anh và tôi 3

Duyên Anh và tôi 3

Chương 7

Tháng 11, 1994, Duyên Anh gọi cho tôi lúc sáng sớm, lúc tôi còn đang ngủ. Anh để lời nhắn lại trong máy. Vừa thức dậy, tôi gọi ngay cho anh. Duyên Anh nói:
- Tháng sau, nhất định anh sẽ sang bên ấy. Em giữ kín, đừng cho đứa nào biết anh sắp sang. Lần này, thì chắc chắn anh sẽ ở lâu. Anh sẽ xuất bản một lúc sáu cuốn. Anh làm vậy để thách thức cộng sản Hà nội và những thằng đã viết về ca dao tục ngữ. Mấy cuốn này, đọc xong, em sẽ thích thú lắm. Em sẽ thấy tinh thần chửi bới của anh vẫn còn nguyên. Anh vẫn chưa hết bất mãn với những cái nhố nhăng chung quanh đâu. Mấy mươi năm nay, dân tộc mình vẫn loay hoay và khổ sở với bốn thứ chủ nghĩa: thứ nhất là tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, thứ nhì là đệ tam quốc tế của Hồ Chí Minh, thứ ba là đệ tứ quốc tế của Tạ Thu Thâu, và thứ tư là tư bản chủ nghĩa bắt đầu xâm nhập từ thời Ngô Đình Diệm.
- Anh sẽ nhờ ai xuất bản?
- Làm lấy thôi. Anh sẽ cho sống lại Nhà Xuất Bản Tuổi Ngọc và tạp chí Người. Tờ này sẽ gồm hai phần: phần đầu góp ý, xây dựng; phần thứ nhì dành cho những đứa không muốn làm người, mình phải cho chúng nó xuống hàng ngợm. Em hãy chuẩn bị đi, để giúp anh phần đầu, mà anh gọi là chính văn…
- Chính văn?
- Nghĩa là bất cứ cái gì liên quan đến quê hương, đất nước, và tình tự dân tộc. Còn những thứ gì lai căng, vay mượn của Tây của Mỹ để làm dáng, mình đá ra ngoài hết. Điều đáng buồn bây giờ là có rất ít người quan tâm đến chính văn. Họ cứ loanh quanh luẩn quẩn ở những cái gì hời hợt, phù phiếm thôi.
- Sang Mỹ, anh sẽ tới đâu?
- Anh sẽ sang Dallas. Đến đấy, anh sẽ gọi cho em …Thôi nhé.
Mấy tuần sau, Duyên Anh gọi sang, cho tôi số điện thoại nơi anh ở, thuộc area code 214. Tôi hỏi anh đang ở nhà ai, Duyên Anh nói “Nhà anh Côn.” Anh kêu mệt, muốn năèm nghỉ. Tôi hẹn anh, vài hôm nữa, tôi sẽ gọi sang nói chuyện nhiều.
Tuần sau, tôi hỏi:
- Bữa nay anh khá chưa?
- Vẫn còn mệt nhiều.
- Anh viết lại chưa?
- Chưa. Viết nhiều rồi. Nghỉ ngơi một thời gian đã. Có lẽ, anh sẽ nghỉ tới đầu năm, mới viết lại. Mới mấy hôm nay, mà đã bốn năm thằng gọi đến rủ anh làm báo rồi.
- Anh trả lời họ làm sao?
- Anh bảo không. Anh nói sẽ không làm báo nữa. Bây giờ, anh có viết gì, thì là cho báo của mình thôi. Dĩ nhiên, anh đâu có cho đứa nào biết ý định làm tờ Người của mình. Mà muốn làm tờ này, anh dự trù phải có vốn đã. Anh thấy, ít nhất mình phải để dành sẵn hai mươi ngàn đôn…
Mấy tháng trước đó, không có sự ưng thuận của Duyên Anh, một số người đã thu băng các bản nhạc của anh, và bày bán ở vùng Orange County. Tôi đã gọi sang Pháp, cho anh biết việc này. Tôi nhắc Duyên Anh:
- Từ hôm sang đây, anh đã liên lạc với những người đó để đòi tác quyền chưa?
Duyên Anh cười:
- Chả đòi chó gì cả. Nhạc mình làm ra, anh coi như một thứ đồ chơi ấy mà. Chúng nó có tử tế, thì gửi cho mình ít tiền, còn nếu muốn lờ đi, thì mình cũng kệ chúng nó thôi. Ở xứ Mỹ này, muốn ăn cắp cái gì thì ăn cắp thôi à.
Tôi hỏi:
- Cuốn phim Poussières de Vie, khi nào họ trình chiếu?
- Chúng nó bảo anh, 19 tháng giêng năm 95. Chúng nó trách anh tại sao đi sang Mỹ làm gì, không ở lại chờ dự buổi trình chiếu đầu tiên. Chúng nó bảo “chúng tôi sẽ mời ông lên télévision để họ phỏng vấn ông”, anh trả lời “tôi đ. cần; việc của tôi phải sang Mỹ, tôi cứ đi”. Với lại, chúng nó làm bậy làm bạ, chán lắm cơ!

- Phim này họ quay ở đâu? Có cảnh nào ở Việt nam không?

- Không. Hoàn toàn quay ở Mã lai thôi. Diễn viên cũng là người Mã lai. Lẽ ra, chúng nó quay ở Việt nam. Nhưng mấy anh Việt cộng bắt chúng nó phải sửa đổi cốt truyện, không được mô tả cái xấu, cái ác của chế độ. Chúng nó không bằng lòng đổi. Thành thử, phải sang Mã lai.

- Anh đã xem thử đoạn nào chưa?

- Có, trước khi đi, anh có xem rồi. Nói chung, mình không được hài lòng tí nào cả. Trước đây ở Việt nam, mấy tiểu thuyết Nhà Tôi, Điệu Ru Nước Mắt, Trần Thị Diễm Châu, Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang của anh, khi làm phim, các anh đạo diễn thay đổi tình tiết chút ít, mình đã không hài lòng rồi. Bây giờ, cuốn Đồi Fanta, chúng nó còn đổi tàn bạo hơn nhiều. Thí dụ, anh có cho nhân vật tiểu thuyết của anh chống Mỹ đâu, mà trong phim này, nó chống Mỹ. Buồn cười lắm! Cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình, nếu chúng nó có làm phim, thì anh sẽ phải góp ý, để chúng nó làm cẩn thận hơn. Bởi vì đây là tiểu thuyết lịch sử mà.

Tôi hỏi:

- Lúc này, anh có viết cái gì mới không?

- Có. Anh mới viết xong một loạt bài độc đáo lắm. Anh đặt tựa là Văn Chương Bình Dân Cực Tả.

- Cực Tả nghĩa là gì?

- Nghĩa là lối diễn tả chân phương, không mầu mè, che đậy, của người bình dân Việt nam. Họ không cần phải dùng sáo ngữ; cứ nghĩ sao, nói vậy thôi.

- Anh thử đưa ra một vài thí dụ xem.

Duyên Anh cười:

- Thế này nhé, người bình dân muốn nói về cái l., cái b., thì họ cứ gọi nó là cái l., cái b. Anh sẽ dùng văn chương đứng đắn của mình để nói về vấn đề này. Những chuyện l. và c. đầy dẫy trong ca dao và tiếu lâm của mình đó. Anh so sánh cái mồm với cái l., và kết luận cái l. đáng yêu hơn cái mồm. Nhất là, cái l. sacïh hơn cái mồm nhiều. Cái mồm chuyên xuyên tạc, vu khống, làm đủ mọi chuyện làm cho người ta chết lên chết xuống. Cái l. có làm cho ai khổ đâu? Mẹ, cái l. hay lắm, hiểu chưa? Anh sẽ nói về lịch sử cái l., từ thời tổ tiên của mình. Để anh gửi bài này sang để em xem trước. Em mà nhìn thấy chồng bản thảo anh viết trong năm 94 này, em sẽ ngất ngây luôn. Chính anh cũng phải phục anh sao viết được nhiều như thế. Nhất là lúc viết mấy cuốn về ca dao. Anh viết một mạch luôn.

- Anh có dựa vào một tài liệu nào khi bàn về ca dao không?

- Không. Anh hoàn toàn dùng trí nhớ của mình thôi. Có đến hàng mấy trăm câu ca dao, mình cứ nhớ ra dần dần.

- Như vậy, là trí nhớ anh kể như hoàn toàn phục hồi rồi còn gì?

- Ừ, anh cũng thấy vậy. Tụi bác sĩ Tây phục anh lắm. Chúng nó bảo “Ông không ngớ ngẩn, đã là chuyện lạ rồi. Ông lại còn biết nói, và biết viết nữa. Thật là phép lạ!” Anh cũng tin việc anh phục hồi nhanh chóng là một phép lạ.

- Anh còn giữ miếng đá đen không?

- Có. Đi đâu, anh cũng đem theo hết.

Tôi khen:

- Giọng nói anh rõ gần được chín phần mười khi trước rồi.

- Ừ, có vẻ như thế. Tiếng Anh và tiếng Pháp cũng từ từ trở lại rồi. Anh đang muốn học đàm thoại Anh văn. Chỉ cần nói sơ sơ một ít thôi, để chúng nó đừng tưởng mình câm, là được rồi. Em có biết phương pháp nào không?

- Em sẽ gửi anh mấy cuốn cassette đàm thoại. Anh chỉ cần nghe câu nào, nhắc đi nhắc lại thật nhiều lần, là tự nhiên nó thâám vào trong trí mình ngay. Anh mở nghe suốt ngày, ngay cả lúc đi ngủ, cũng nghe nữa…

- Anh thì vẫn khoái ôn lại cuốn L’anglais Vivant, l’édition bleu. Trong đó, có nhiều chữ anh biết rồi. À, thôi, cám ơn em gọi nhé. Thế nào đến tháng ba, anh cũng sang ở với em hai tuần đấy. Anh sẽ nói hết cho em nghe cái thủ thuật viết lách của anh. Rồi em sẽ phải lấy giấy bút ra mà ghi, em sẽ viết được như anh thôi.

Trước khi từ giã, Duyên Anh nói:

- Hiền ơi, anh quên chưa nói điều này với em “Mình phải làm sao để cho cuộc sống của mình được thoải mái.” Chỉ có vậy thôi. Em nên suy nghĩ điều anh vừa nói nhé.

- “Mình phải làm sao cho cuộc sống mình được thoải mái”. Vâng, em sẽ nhớ lời anh dặn.

- Em phải quên những chuyện vớ vẩn đi. Đừng có vì chúng mà chán nản. Lúc nào cũng phải vươn lên. Và tiếp tục làm việc. Làm việc, làm việc, và sáng tạo một cái gì lâu dài, là cách thức hay nhất để trả lời người ta. Em nhớ nhé.

- Vâng, em sẽ nghe lời anh.

- Thôi nhé. Ừ…

Bao giờ Duyên Anh cũng chấm dứt cuộc nói chuyện điện thoại bằng ba chữ “Thôi nhé…Ừ” ấy, kèm theo tiếng cười dòn tan của anh. Thời gian ấy là lúc tôi gặp nhiều đau đớn, thất vọng, chán chường nhất. Qua điện thoại, và những lá thư, Duyên Anh đã an ủi, khuyến khích, và nâng đỡ tâm hồn tôi rất nhiều.

Mãi mãi, tôi nhớ và biết ơn anh.

° ° °

Tháng 7, 1995, từ Wichita, Kansas Duyên Anh gọi cho tôi. Tôi xin anh số điện thoại, và gọi ngay lại cho anh. Mấy tuần vừa qua, anh sống với hai chàng giang hồ độc thân, Khôi và Kiểng, qua sự quen biết, giới thiệu của anh Lê Hồng Long. Duyên Anh cho biết thời tiết bên đó rất nóng, hai chàng độc thân vừa khiêng về chiếc máy lạnh, gắn ở phòng của anh.

Tôi hỏi:

- Anh ở Pháp sang bao giờ?

- Không phải từ Pháp. Anh sang Cambridge, ở chơi với ông Trần Kim Tuyến một tháng. Ông Tuyến đích thân mua vé máy bay cho anh sang Dallas. Anh ở đó vài ngày rồi vù sang đây.

- Anh không ở đó để in sách với anh Côn sao?

- Không. Ông Côn với anh không như trước nữa…

Duyên Anh ngập ngừng vài giây rồi nói vội:

- Chuyện dài lắm. Để hôm nào sang đó, anh sẽ kể cho em nghe.

- Anh ở đấy có vui không?

- Ở đâu cũng thế, buồn bỏ mẹ! Nhưng thỉnh thoảng, bạn bè đến chở mình đi chơi lòng vòng, cũng vui. Nhưng có lẽ vài hôm nữa, anh sẽ đi Denver, chuẩn bị in sách.

- Ở bên âáy, anh quen ai?

- Có một thằng em tên là Nguyễn Ngọc Bích. Nó làm báo. Không phải là ông tiến sĩ ấm ớ ở Washington đâu.

- Mấy cuốn sách đó đại khái như thế nào?

- Có ba cuốn về cái hay cái đẹp trong ca dao Việt nam; những món ăn thuần túy Việt nam mà ca dao nhắc tới. Và một cuốn tiểu thuyết về mấy đứa trẻ Mỹ lai.

- Mấy cuốn đó còn là bản thảo, hay đã đánh máy xong rồi?

- Đánh máy rồi. Đặng Xuân Côn đánh hộ. Lẽ ra, đã in hồi tháng tư rồi. Anh gửi ông Côn một ít tiền, nhờ ông ấy giữ hộ để in sách. Không hiểu sao, ông ấy tiêu mất rồi. Thành ra anh chán, quay về Paris. Về đến nhà được mấy tuần, lại cãi nhau. Buồn quá, anh bỏ đi. Sang Anh, anh đến ở với Trần Kim Tuyến một tháng. Đến khi anh bảo muốn sang Mỹ, ông Tuyến mua vé cho anh đi. Anh ghé Dallas mấy hôm, rồi tìm đường sang Wichita.

- Sang Luân Đôn, anh có gặp Vĩnh Phúc không?

- Chỉ gặp có một lần thôi. Sau hôm gặp anh, Vĩnh Phúc phải về Việt nam công tác. Đài BBC cử đi.

- Còn Trần Kim Tuyến? Ông ấy là người như thế nào?

- Nhỏ con, ăn mặc giản dị, nói năng nhỏ nhẹ, tác phong rất bình dân. Hồi xưa, một đám văn nghệ sĩ, trong đó có Cung Trầm Tưởng, đi dạo chơi phố Lê Lợi, gặp lúc ông Tuyến mặc sơ mi ngắn tay, mang dép lẹp xẹp, đang ngồi ăn chè đậu bên lề đường, ngay nhà sách Khai Trí. Nhìn bề ngoài, phải nói ông ấy hơi quê mùa. Nhưng rất tốt bụng. Rất hiền lành. Anh đã phải nói với ông ấy “Em hỏi anh, anh có biết tại sao chế độ ông Diệm sụp đổ không? Một phần là tại anh đấy. Anh làm trùm mật vụ, mà anh hiền quá, chỉ muốn kết bạn thôi, chẳng muốn tạo kẻ thù.” Nghe anh nói, ông ấy cũng chỉ cười thôi. Ông ấy là người chí tình. Em chỉ cần gặp ông ấy một lần, nghe giọng nói của ông ấy không thôi, là cũng đủ yêu mến ông ấy rồi.

- Ông ấy kể cho anh nghe nhiều chuyện không?

- Nhiều lắm. Có những chuyện bí ẩn, ông ấy chưa từng nói với ai cả.

- Anh có hỏi, tại sao ông ấy không viết hồi ký không?

- Ông ấy đã định viết, nhưng sợ động chạm…Nghe ông ấy kể, mình mới thấy bọn làm chính trị, một số thằng hiện còn sống ở Mỹ, ở Pháp, có rất nhiều thằng khốn nạn. Anh mà viết lại, bọn chúng nó chỉ có nước chết thôi. Nhưng càng nghe ông Tuyến nói về thời trước 1963, anh càng thương ông Diệm hơn. Thời ấy, mình nhận viện trợ Mỹ có bao nhiêu đâu. Tự lực cánh sinh nhiều hơn. Dĩ nhiên, ông Diệm có một số khuyết điểm. Nhưng ông Diệm đã làm được rất nhiều việc tốt đẹp cho đất nước. Ông Nhu cũng vậy. Ông ấy có hút thuốc phiện bao giờ đâu? Thiên hạ chỉ toàn đồn láo cả thôi. Ông Nhu làm cố vấn, đâu có lương lậu gì. Ông Diệm phải lấy trong quỹ đen, đưa tiền cho người bếp mua thức ăn nấu nướng cho gia đình ông Nhu đấy chứ.

Duyên Anh hẹn tôi cứ mỗi sáng chúa nhật, chúng tôi lại nói chuyện với nhau. Trước khi cúp máy, Duyên Anh nói:

- Em chuẩn bị đón anh nhé. Lần này, sang Cali, có lẽ anh sẽ ở luôn bên đó… À, anh tính lại rồi. Việc in bốn cuốn sách, anh sẽ nhờ em thôi. Chờ anh sang, anh em mình sẽ bàn thêm chi tiết…

° ° °

Tôi chuẩn bị dọn dẹp căn phòng nhỏ của thằng con trai tôi. Thằng nhỏ đang trọ học ở San Diego, rất ít khi về nhà. Tôi thay khăn trải giường, bao gối, và giặt tấm chăn. Tôi lau chùi bên trong chiếc tủ lạnh nhỏ, đặt trên bàn cuối chân giường, bên cạnh chiếc quạt máy. Cạnh lối đi sát giường kê một tủ bốn ngăn, còn trống, để đựng quần áo, bên trên đặt chiếc TV nhỏ. Phòng có hai cửa sổ, cửa bên hông nhìn ra vườn sau. Sát bên trên cửa sổ là giàn xu xu rậm mát.

Buổi sáng Duyên Anh rời Denver sang Los Angeles, tôi gọi điện thoại hỏi thăm anh Khôi, về thời gian Duyên Anh sống ở đó, anh có những thói quen, sở thích như thế nào. Tôi muốn biết những chi tiết này, để việc đón tiếp anh được chu đáo hơn. Anh Khôi cho tôi biết, Duyên Anh lúc này kén ăn lắm. Thứ nhất, anh không thích ăn cá. Bữa cơm nào có cá là anh không vui cho lắm. Thịt thì phải là thịt nạc lưng, kho mặn. Nhưng món ăn nào cũng chỉ ăn vài bữa thôi, rồi phải đổi món khác. Buổi sáng, anh có thói quen uống cà phê phin với sữa đặc có đường. Bữa trưa và chiều, anh thích tráng miệng một ly sữa pha với kem. Tôi hỏi về thuốc lá. Anh Khôi nói:

- Thuốc lá thì ông ấy hút liên miên, một hai gói mỗi ngày là chuyện thường.

- Anh ấy còn hút Marlboro không?

- Tôi thấy ông ta hút ba số 5… Mà anh định đón ông ta bao lâu?

Tôi cười:

- Bao lâu cũng được, anh ạ. Anh Duyên Anh nói với anh thế nào?

- Ông ta nói chỉ đi vài tuần thôi, in sách xong lại về ở với chúng tôi.

- Thưa anh, thế còn trà?

- Ồ, trà thì ông ấy lại không thích. Tôi với ông Duyên Anh như hai thái cực. Tôi thì uống trà cả ngày. Tôi chỉ hút thuốc lá lai rai thôi, chứ không đốt thuốc cả ngày như ông ấy. Cà phê, thỉnh thoảng tôi mới uống. Mà cà phê loại instant của Mỹ thôi. Để pha cho nó nhanh, nó tiện. Ông ấy, thì cà phê bắt buộc phải dùng phin mới được.

- Buổi trưa, anh nói Duyên Anh hay uống sữa pha với kem. Sữa đây là sữa đặc có đường hay là sữa bình 1 gallon của Mỹ?

- Sữa bình.

- Low fat hay loại bình thường?

- Ồ, ông ấy ghét thứ low fat lắm. Anh cứ mua loại bên ngoài có ghi sữa chứa Vitamin A và D đó.

- Thế còn trái cây thì sao?

- Thỉnh thoảng chúng tôi mua chuối hay xoài, thì ông ấy cũng ăn. Nhưng mà có cũng được, không có cũng chẳng sao. Ông ấy chẳng đòi hỏi gì cả.

- Trong lúc ở với hai anh, anh Duyên Anh có xem phim, hay làm gì để giải trí không?

- Không, ông ấy hầu như ở nhà suốt ngày. Thỉnh thoảng mới có bạn đến chở ông ấy đi ăn, hay đi uống cà phê. Thi sĩ Vũ Băng Đình là một trong mấy ông bạn này. Mà tôi dặn anh điều này nhé, có lẽ vì bị thương tật, ông ấy vui buồn bất chợt lắm.

- Anh Khôi yên trí, tôi cũng khá quen tính của anh ấy rồi…

° ° °

Tôi đón Duyên Anh ở cửa số 32, Los Angeles International Airport sáng thứ bảy 12 tháng 8, 1995. Anh ngồi trên xe lăn. Người phụ nữ Mỹ, gốc Mễ, nhân viên hãng hàng không, khỏe mạnh như một cầu thủ bóng tròn, đẩy chiếc xe lăn phăng phăng từ hành lang phía trong ra khu thân nhân hành khách chờ đợi. Duyên Anh tươi cười bắt tay tôi. Bằng tay trái. Tôi theo xe xuống khu vực nhận hành lý ở tầng dưới, vừa đi vừa nói chuyện với anh:

- Anh dự tính ở đây lâu không?

- Có lẽ, cũng phải mấy tháng. Anh sẽ nhờ em xuất bản bốn cuốn sách mới viết xong của anh.

Qua những lần nói chuyện điện thoại với Duyên Anh khi anh còn ở Wichita và Denver, tôi đã nghe anh nói sơ qua về mấy quyển sách này. Về dự tính thành lập nhà xuất bản, chúng tôi cũng đã bàn sơ qua đôi lần. Nay, chắc đã đến lúc bắt tay vào việc. Tôi thú thật, mình chẳng có kinh nghiệm gì trong lãnh vực này. Duyên Anh trấn an tôi:

- Em đừng lo gì cả. Cứ làm đi, rồi tự mình sẽ biết ra thôi.

Tôi nghĩ bụng, trước đây ở quê nhà, chỉ biết làm quen với bảng đen, sách vở; sang đến Mỹ, có bao giờ tôi tưởng mình sẽ trở thành một người thợ chữa máy photocopy đâu. Thế mà tôi cũng, suốt ba năm, tay xách va li đồ nghề, vai khoác máy hút bụi, đi khắp hai hạt Los Angeles, Orange County, sửa chữa, bảo trì đủ các loại máy SHARP. Nay, nếu có phải học thêm nghề xuất bản sách nữa, thì chắc cũng được thôi.

Nghe tôi thắc mắc vấn đề phải có văn phòng, nhà in, kho chứa sách, Duyên Anh phì cười:

- Em đừng ngại. Ở bên Tây, anh đến thăm mấy nhà xuất bản của tụi Pháp. Chúng nó chỉ có một vài văn phòng dùng làm chỗ tiếp khách. Mọi công việc in ấn, làm ở chỗ khác. Nhà kho thì ở đâu chẳng được. Anh em mình cũng vậy. Bài bản, ông Côn đã đánh hộ anh rồi. Mình chỉ còn lo tìm nhà in, và nhờ thằng nào làm cho mấy cái bìa thôi…

Chúng tôi băng qua đường, tiến về phía khu đậu xe. Tôi đi trước, dẫn lối. Tới chỗ đậu, tôi mở cửa xe, xách chiếc va li nhỏ ở chân Duyên Anh, bỏ vào băng sau. Tôi toan đỡ anh ngồi vào băng trước, nhưng Duyên Anh không cho:

- Đừng. Để anh tự đứng dậy được rồi.

Và anh chống chiếc gậy sắt, đứng dậy, khập khiễng bước lại xe, ngồi xuống.

Tôi đưa cho người phụ nữ $ 5, và cám ơn bà ta. Duyên Anh cũng móc túi, rút ra tờ 5 đồng, tươi cười trao cho bà ta. Người đàn bà cám ơn một lần nữa, trước khi quay xe trở lại phi trường. Duyên Anh nói:

- Mình phải làm thế, cho Mỹ nó nể mình.

Thay vì về nhà, Duyên Anh bảo tôi cho anh xuống khu Westminster.

Tôi cho xe xuống phía Nam Sepulveda, vào 105, rồi qua 405. Để tốc độ tự động, giữ lane số 1, tôi hỏi Duyên Anh:

- Mùa hè vừa rồi, anh đi sang Anh có vui không?

- Cũng được thôi. Nhưng trước đó, anh có ghé nhà chị Bích Thuận ít hôm.

- Bích Thuận chuyên đóng vai Lữ Bố đó hả?

- Ừ. Cải lương chỉ có một Bích Thuận thôi.

- Chỗ ở có tiện không? Nhà chị ấy có rộng không? Chị ấy ở với ai?

- Đó là một apartment. Không rộng cho lắm. Phải nói là hơi hẹp thì đúng hơn. Chị ấy ở với chồng, anh Emile Hiếu.

- Ông này là anh em gì của ông Ngô Trọng Hiếu phải không?

- Ừ. Ngô Trọng Hiếu là anh.

- Anh ở đấy thoải mái chứ?

- Dĩ nhiên. Ít nhất cũng đỡ khổ. Apartment chỉ có một phòng ngủ, nên anh nằm phòng khách. Anh Hiếu và chị Bích Thuận coi anh như em ruột. Chị Bích Thuận cũng họ Vũ. Nên nhận thằng Vũ Mộng Long làm em, cũng hợp lý thôi.

- Anh ăn ngủ luôn ở đó?

- Ừ. Chị Bích Thuận hay làm món Bắc đãi anh. Anh Hiếu ít nói, nhưng quý mến anh lắm. Rất tiếc, không hiềåu sao, bà vợ anh biết anh ở đó. Bà ấy gọi lại, chửi chị Bích Thuận tơi bời…

- Vì thế, anh phải đi ngay, để khỏi gây thêm phiền lụy cho anh chị ấy?

- Ừ, anh sang Luân Đôn, gặp Vĩnh Phúc, rồi tới Cambridge ở với Trần Kim Tuyến một tháng…

- Lúc đó, ông ấy làm gì?

- Ông ấy mở một nhà trọ nhỏ, loại bình dân. Mấy người ở đấy, đa số là sinh viên nghèo. Ông ấy nấu cho họ ăn luôn.

- Anh có dịp nói chuyện nhiều với ông ấy không?

- Nói nhiều lắm. Ông ấy tiết lộ với anh nhiều điều bí ẩn lắm…

- Anh có ghi lại không? Anh có xin ông ấy cho thu băng không?

Duyên Anh lắc đầu, rồi chỉ tay lên trán:

- Không cần. Tất cả những gì ông ấy nói với anh, đều ở trong này rồi….

- Như vậy, chắc anh sẽ viết một cuốn sách về Trần Kim Tuyến?

- Chắc chắn như vậy rồi. Trần Kim Tuyến là con người lạ lùng lắm. Xuề xòa, chân thành, và rất tình cảm. Nhưng lại chịu nhiều nỗi oan khiên nhất. Cuốn sách anh viết, sẽ ca tụng Trần Kim Tuyến, như một chiến sĩ quốc gia ngoại hạng, và giải oan cho ông ta.

Mấy hôm trước, khi tôi gọi sang Wichita, báo tin ông Trần Kim Tuyến qua đời, Duyên Anh ngậm ngùi:

- Tội nghiệp, một người tài giỏi, trong sạch và đức độ! Anh thương ông ấy lắm. Anh nghĩ, chẳng ai gặp Trần Kim Tuyến mà lại ghét ông ấy được. Hồi mất Saigon, chính Phạm Xuân Ẩn là người đưa ông Tuyến ra khỏi Việt nam.

- Kể cũng lạ. Một anh Việt Cộng đưa một anh chống Cộng đi Mỹ!

- Phạm Xuân Ẩn là một thứ Việt Cộng tài tử thôi. Ông Tuyến bảo anh “Tôi cũng không ngờ Phạm Xuân Ẩn tốt với tôi như vậy. Không có anh ta, chắc chắn tôi đã kẹt lại rồi” Ông Tuyến này cũng lạ lắm. Cho đến lúc cuối đời, ông ấy không biết lái xe hơi. Đi đâu, cũng phải nhờ người chở đi, hoặc dùng xe lửa, métro. Thời gian anh ở Cambridge, ông Tuyến có cái thú ngồi xe hơi, về miền quê ngắm cảnh. Có một người làm việc cộng đồng tên là Hoàng Gia Thìn thường đến chở ông ááy đi chơi như vậy; anh cũng có đi theo ông ấy vài lần. Dĩ nhiên, ông Tuyến chịu tiền xăng, và ăn uống dọc đường.

- Anh quen Trần Kim Tuyến từ hồi nào?

- Lâu rồi. Từ hồi anh còn làm ở Xây Dựng. Sau đó, thỉnh thoảng ông ấy ghé tòa soạn Con Ong chơi với anh. Ông ấy nghèo lắm. Sau khi ông Diệm đổ, bọn tướng đảo chính bắt nhốt ông ấy. Đến thời Nguyễn Văn Thiệu, hắn cũng ra lệnh tìm bắt ông Tuyến. Đến nỗi bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, một người Đại Việt, phải nói với đại sứ Nguyễn Văn Kiểu, anh của Thiệu “Trước đây, thời anh Tuyến còn có quyền hành, anh ấy tốt với anh em Đại Việt của mình lắm mà. Tại sao bây giờ lại đối xử với anh ấy như vậy?” Chắc ông Kiểu đã nói lại, Thiệu mới bỏ ý định bắt giam. Chỉ cho người theo dõi, như một cách giam lỏng ông ấy thôi. Ông Tuyến phải viết báo Chính Luận kiếm sống. Bà Tuyến dạy học ở trường Taberd. Khi mới sang Pháp, anh có gọi điện thoại thăm ông Tuyến, ông ááy bảo “sang đây chơi với tôi đi, tôi nhớ cậu lắm”; nhưng anh cứ lần lữa mãi. Rồi anh bị đánh. Khỏi rồi, lại liên lạc với ông ấy.

- Anh có định viết một bài tưởng niệm Trần Kim Tuyến không?

- Lúc mới nghe tin ông ấy qua đời, anh cũng định viết ngay. Nhưng anh nghĩ lại, để chờ xem những đứa quen biết, nhờ vả ông ấy xưa kia có viết gì không đã. Bởi vì thiên hạ, chẳng ai biết anh quen Trần Kim Tuyến cả. Mình viết ngay, họ lại nói thế này, thế nọ. Để xem các anh SM ĐTT và NVC sẽ viết thế nào về ông Tuyến đây.

- Trong những chuyện ông ấy kể, có chuyện nào đặc biệt không?

- Có. Ông ấy nói với anh như thế này “Lúc lực lượng Hòa Hảo sát nhập vào quân đội quốc gia, S. được đồng hóa cấp bậc trung úy. Chỉ huy của S. là ông Nguyễn Giác Ngộ thì được đeo thiếu tướng. Cả hai cùng được làm việc trong tổng tham mưu. Khi ông Diệm tổ chức bầu cử quốc hội đầu tiên, ông Ngộ dẫn S. vào gặp tôi, để xin chính phủ ủng hộ cho S. vào quốc hội. Ông tướng Ngộ vừa ra khỏi phòng, S. nói nhỏ với tôi “Thưa bác sĩ, nếu em được làm dân biểu, em sẽ báo cáo lên bác sĩ tất cả những ai đã đến gặp, và nói cái gì với thiếu tướng”. Nghe đến đó, tôi chán quá, muốn bợp tai cho S. mấy cái, rồi đá đít anh ta ra khỏi phòng. Nhưng tôi chỉ cười, nói “được, được” thôi. Thực ra, sau đó, chính phủ không ủng hộ gì S. cả. Mới mở miệng nói mấy câu, đã cho thấy mình là quân lừa thầy phản bạn rồi!”

- Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ có bao giờ nhờ vả gì Trần Kim Tuyến không?

- Không. Lúc ông Tuyến còn có quyền, hai tay này còn ở bên quân đội. Nhưng ông Tuyến thì cứ thắc mắc “ Tại sao ông Thiệu ông ấy ghét tôi như thế. Tôi có làm gì ông ấy đâu, mà cho người tìm bắt tôi?” Trong đám cưới con một cựu nhân viên ngoại giao VNCH- ông Tuyến không đi dự đám cưới này-, vợ Thiệu có đến gặp bà Tuyến, nói đại khái “Ngày xưa, chuyện nhà tôi đối xử với anh như thế nào, nay cũng đã qua rồi. Mong anh chị bỏ qua đi.”

- Như vậy, tuy cùng ở bên Anh, không bao giờ ông Tuyến và Nguyễn Văn Thiệu gặp nhau?

- Không. Không chơi thì gặp nhau làm chó gì?

- Tưởng Nguyễn Văn Thiệu cũng đến xin lỗi ông ấy chứ.

- Không, thằng ấy nó hỗn lắm. Anh bị chúng nó đánh cũng tại vì anh biết nhiều chuyện, lại còn biết trước những gì sẽ xảy ra. Và chỉ có anh là dám viết ra những điều ấy. Thí dụ, anh đã viết từ 1987 rằng chúng nó quyên góp trái phép, thế nào cũng bị Mỹ nó khện cho. Lúc ấy, chúng nó còn mạnh, đâu có ai tin anh. Viết như vậy, chúng nó ghét mình thôi. Nhưng sự thật, là chỉ sau đó bảy năm, bọn Mỹ lôi chúng nó ra, điều tra vụ tiền bạc. Em chờ xem Tuổi Bướm Sầu trọn bộ, để thấy anh kết tội chúng nó như thế nào. Cuốn này, dịch sang tiếng Pháp rồi.

- Anh cho in Tuổi Bướm Sầu trên Ngày Nay rồi mà?

- Đúng rồi. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Đăng một thời gian, Lê Hồng Long rét quá, không dám cho đăng nữa.

- Anh có dự tính cho xuất bản cuốn này không?

- Có. Thế nào cũng phải cho ra chứ. Lúc này, anh có mấy thằng bạn cũ, bạn đồng chí Duy Dân ấy mà. Chúng nó sẵn sàng ủng hộ anh, bất cứ lúc nào, bất cứ chuyện gì. Anh cần tiền, gọi một tiếng là chúng nó gửi cho ngay. Có đứa còn mua vé máy bay, mời anh sang chơi nhà nó. Hôm nọ, thằng Truyền ở Atlanta gửi cho anh một nghìn. Thằng Phùng Ngọc Chiêu mới tặng anh năm trăm. Những thằng như vậy, mình mới hỏi. Còn loại mấy thằng B. và N., anh không bao giờ mở miệng hỏi chúng nó.

- In sách xong, mình có nhờ chỗ nào phát hành không?

- Không, anh sẽ đem theo các nơi, tự bán lấy thôi. Gửi tụi phát hành, chúng nó hay quịt của mình lắm. Bán cũng dễ thôi. Ở Wichita, Denver, Atlanta, anh bán mỗi nơi cũng sẽ được mấy trăm cuốn. Đi đến đâu, cũng có người quen biết anh. Có người gặp anh tuần trước, bảo anh “Sao ông trẻ thế. Trông ông chỉ chừng ngoài bốn mươi thôi.”

Duyên Anh cười ngất, nói tiếp:

- Bạn bè thấy anh hớt tóc, khen “ mày kẻng trai quá!” anh đùa “ Vậy thì chúng mày kiếm vợ cho ông đi”. Thằng nào cũng hứa hết, nhưng chẳng thấy gì cả. Có một em bên Cali bảo “anh sang đây đi, em sẽ lấy anh.” Anh nghĩ bụng “Lấy thế chó nào được? Chơi cho vui thì chơi thôi chứ. Mình đã khổ vì một con đàn bà rồi. Lấy thêm đứa nữa để mà khổ thêm à?”

- Nghĩa là, hễ tôi thích thì tôi ở, hết thích thì tôi đi?

- Và bên kia cũng vậy. Em chán anh rồi, chỉ cần nói một tiếng. Anh sẽ ra đi ngay. Mà đàn bà, đối với anh, họ cũng không cần nói nữa. Chỉ một cái nhìn, một cử chỉ nhỏ, là anh đủ hiểu rồi.

° ° °

Xe đã vào địa phận Little Saigon. Hỏi Duyên Anh ăn gì chưa, anh bảo trên máy bay, người ta cho ăn, nhưng anh không thích đồ Mỹ, nên không buồn nếm thử, bây giờ cũng hơi đói rồi. Tôi quẹo vào phở Nguyễn Huệ, tiệm ăn anh ưa ghé nhất, mỗi lần về Orange County.

Xong bữa, tôi cho xe chạy dọc phố Bolsa, xuống Euclid, vào khu công viên Mile Square. Tìm chỗ có bóng mát, tôi đậu xe lại. Mở cửa sau chiếc station wagon cho gió lùa vào, gắn mấy tấm màn che nắng phía trước và hai bên cửa sổ, tôi cho ghế dựa ngả ra phía sau. Chúng tôi vừa nghỉ trưa, vừa nói chuyện. Gió hiu hiu mát, chúng tôi ngủ lúc nào không biết.

Buổi chiều, tôi đưa Duyên Anh lại thăm Đặng Văn Thạnh, giám đốc nhà xuất bản Tú Quỳnh, ở kho sách của anh, gần góc đường Wesminster, Euclid. Đặng Văn Thạnh đưa cho Duyên Anh xem bài xã luận anh vừa viết cho tờ báo KBC của anh, nhờ Duyên Anh góp ý. Duyên Anh đọc xong, khen hay, và đề nghị Đặng Văn Thạnh sửa lại vài chỗ dùng dấu chấm, dấu phẩy, cho gọn gàng hơn. Đặng Văn Thạnh vui vẻ đồng ý, và sửa lại như Duyên Anh đã góp ý. Ngồi chơi chừng một tiếng, Đặng Văn Thạnh rủ chúng tôi ra quán Anh Thy nhậu chơi. Anh cũng bốc điện thoại gọi Du Tử Lê, Mai Thảo, Julie….

Duyên Anh, Đặng Văn Thạnh và tôi đến nơi, ngồi vào bàn một lát, mấy người kia đều tới. Có cả Nguyễn Đức An, một người em văn nghệ của Duyên Anh. An dẫn theo một người bạn; mà theo An, rất mến mộ Duyên Anh. Người bạn này, Nguyễn Kim Dung, vốn là một đoàn viên rất hăng say của mặt trận Hoàng Cơ Minh. Lần đầu tiên nghe An nói Dung ao ước gặp Duyên Anh, tôi bảo:

- Cẩn thận đó! Có lẽ Dung chưa bao giờ đọc Tuổi Bướm Sầu và những bài Duyên Anh viết về Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận trên tờ Ngày Nay đâu.

Nguyễn Đức An nói:

- Anh đừng lo. Em bảo đảm là không có chuyện gì đâu. Thằng bạn em nó say mê văn chương Duyên Anh lắm. Ngay từ hồi còn ở Saigon lận.

Và hôm đó, Nguyễn Đức An dẫn Nguyễn Kim Dung tới quán Anh Thy.

Để lần đầu tiên, gặp Duyên Anh.

Tôi ngồi phía tay trái Duyên Anh. Cạnh tôi là Nguyễn Kim Dung và Nguyễn Đức An. Trước mặt tôi, Du Tử Lê, Mai Thảo, Julie và Đặng Văn Thạnh. Julie ngồi chừng mười lăm phút, nửa giờ, là đứng dậy đi khỏi quán một lúc lâu, mới trở lại. Ngồi một lát, lại xin lỗi, đi nữa.

Đặng Văn Thạnh xách theo chai rượu mạnh, đãi chúng tôi uống với soda. Đặc biệt, Du Tử Lê không uống chút rượu nào, chỉ thong thả thưởng thức đĩa cơm gà, và ngồi nghe thiên hạ nói chuyện. Anh chỉ nói, nói rất ít, khi có ai hỏi câu nào. Mai Thảo hoàn toàn không đụng đũa bất cứ món gì. Răng anh đã rụng gần hết. Anh chỉ uống, và thỉnh thoảng, nhấm nháp mẩu bánh phồng tôm, vài hột đậu phộng. Duyên Anh ăn rất ít, uống rượu nhiều ngang ngửa Mai Thảo. Đặng Văn Thạnh nói ít, nhưng cười suốt buổi. Khuôn mặt anh rạng rỡ, đỏ ửng, một phần vì men rượu, một phần, có lẽ vì niềm vui được dịp bày tỏ lòng hào sảng của anh đối với văn nghệ sĩ.

Mai Thảo nói về tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, và đọc mấy câu thơ trong bài Chỗ Đặt nổi tiếng của anh “ Đặt tay vào chỗ không thể đặt, Thế mà đặt được, chẳng làm sao….”

Duyên Anh cho Mai Thảo biết, từ nay anh sẽ không còn chửi ai nữa. Nghe Duyên Anh nói, Mai Thảo lớn tiếng:

- Đấy, mọi người nghe nhé. Thằng Duyên Anh vừa bảo với tôi, nó sẽ không còn chửi bới nữa đấy.

Nhân lúc mọi người yên lặng, Nguyễn Kim Dung nói một hơi, mở đầu bằng nhận xét một vài tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn, và kết thúc bằng những lời tán tụng Duyên Anh hết mình. Mai Thảo bất ngờ quát lớn:

- Nói in ít chứ! Cậu làm ơn im cái miệng cậu đi cho tôi nhờ một tí!

Mọi người im bặt. Không khí bàn tiệc ngột ngạt. Tôi liếc qua bên trái. Mặt Dung đanh lại, hai bàn tay nắm chặt. Tôi từng nghe Nguyễn Đức An kể, một vài năm trước đó, cũng trong một quán ăn, có người nói xúc phạm đến Mặt Trận, trước mặt Nguyễn Kim Dung. Suýt nữa đã xảy ra cuộc ẩu đả giữa Dung và người này.

Tôi vội nắm tay Dung, nói sát vào tai:

- Thôi, em nhịn ông ta đi. Ông ta cũng gần xuống lỗ rồi.

Duyên Anh giảng hòa bằng cách vừa cười, vừa nói lớn tiếng:

- Anh Mai Thảo là người lớn tuổi nhất ở đây. Chúng ta phải nghe lời anh ấy.

Tôi nghĩ, có lẽ Mai Thảo bực mình vì giữa ba nhà văn nghệ tên tuổi cùng

ngồi chung bàn, độc giả chỉ ca ngợi mỗi một Duyên Anh thôi.

Từ lúc ấy, câu chuyện trong bàn trở nên gượng gạo. Một lát sau, Mai Thảo nói “Tao buồn ngủ rồi. Thôi tao về ngủ đây.” Duyên Anh nhờ tôi đưa Mai Thảo về, rồi trở lại đón anh sau. Tôi lái xe, đưa Mai Thảo về căn gác trong khu cư xá cao niên. Tôi cho xe chạy chầm chậm, hỏi anh còn nhớ những lời giới thiệu đọc trước các bài hát trong chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc không. Anh bảo tôi, “Cậu đọc thử xem”, và tôi đọc “ Mùa thu Paris, những pho tượng lạnh đứng trầm tư trong vườn Lục Xâm Bảo, nhìn xuống một người tình ngồi đợi một người tình, nhưng chỉ thấy mênh mông lạnh ngắt mùa thu xanh…Thu Paris có mưa bay, là lệ ngọc của trời. Thu Paris có chia ly, là nỗi chết của người…”

Mai Thảo có vẻ thú vị. Anh gật gù:

- Ừ, tôi viết đấy. Chỉ viết cho mỗi chương trình của Anh Ngọc thôi. Mà sao cậu còn nhớ được?

- Những câu văn như vậy, phải nhớ chứ anh?

Tôi hỏi:

- Anh ở một mình, khi cần gì, có ai giúp đỡ anh không?

Mai Thảo lừng khừng:

- Tôi cũng chẳng cần gì. Thỉnh thoảng, bạn bè có tới thăm…

- Chị Thái Thanh có bao giờ lại thăm anh không?

- Có. Thỉnh thoảng cô ấy cũng có thăm tôi.

Tôi đậu xe sát cầu thang, vòng qua bên phải, mở cửa đỡ Mai Thảo bước xuống. Anh chỉ cho tôi dìu anh đến bên cầu thang. Thân mình anh nhẹ tênh, chỉ toàn xương xẩu. Khi tôi đề nghị đưa anh lên tận phòng, Mai Thảo từ chối:

- Thôi, cám ơn cậu. Tôi vịn thang, lên một mình được rồi.

Tôi nhìn bóng Mai Thảo chậm chạp, khó nhọc mò mẫm từng bậc thang.

Đây là lần cuối cùng, tôi gặp Mai Thảo.

Chương 8

Trước đó hơn hai tháng, tôi sang Paris tìm Duyên Anh. Tìm anh, để phần nào thực hiện mơ ước anh từng chia xẻ với tôi, tháng 4, 1975.

Từ đầu năm 1975, tôi hay đến gặp anh ở tòa soạn đường Bùi Thị Xuân. Thời gian này, Duyên Anh được Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo đãi ngộ kỹ lưỡng. Ông Hảo nhờ Duyên Anh làm tờ Cách Mạng Xanh, nhằm đề cao thành tích cải cách nông nghiệp và kinh tế của chính phủ. Theo Duyên Anh, Nguyễn Văn Hảo hay thảo luận với Duyên Anh về một số vấn đề xã hội, kinh tế; và thường tỏ ra trân trọng những ý kiến của anh.

Khi miền Nam sắp mất, Duyên Anh bàn với tôi, nếu có phải ra ngoại quốc, nên đi sang Pháp. Anh ao ước được sống đời giang hồ với tôi và mấy anh em trẻ khác: ban ngày kiếm việc gì vớ vẩn, cốt đủ sống thôi; buổi chiều về, làm thơ viết văn. Thỉnh thoảng, ra bờ sông Seine nhìn nước chảy, uống rượu với nhau…

Tháng 6, 95, sang Paris lần đầu tiên, tôi muốn được ngồi với Duyên Anh, bên dòng sông Seine, uống rượu chát, nhắc lại kỷ niệm xưa. Rất tiếc, tôi bắt hụt Duyên Anh. Anh đã đi London, rồi về chơi nhà bác sĩ Trần Kim Tuyến, thành phố Cambridge.

Cuối cùng, tháng 8, năm 1995, ở thành phố Pasadena, xứ Hoa Kỳ, chúng tôi cũng đã gặp lại nhau. Mở chai rượu Bordeaux 1989 kỷ niệm hai trăm năm cách mạng Pháp, anh Vũ Đức Anh cho, mang từ Paris về, uống cạn với Duyên Anh trong lần tâm sự đến nửa đêm, cũng coi như thỏa lòng lắm rồi. Duyên Anh và tôi, cách xa nhiều năm, gặp lại nhau, vẫn trong tình anh em quý mến, thì dù có ở Paris, Los Angeles, hay ở đâu đi nữa, đối với tôi, đã là hạnh phúc chẳng mấy khi có.

Sáng thứ bảy và chủ nhật nào cũng vậy, anh em tôi đều bắt đầu một ngày mới ngoài Chòi Duyên Anh, bên hai phin cà phê. Tại sao lại Chòi Duyên Anh? Duyên Anh hỏi tôi thế.

Một tuần trước khi Duyên Anh sang, tôi đã tự tay dựng xong một chiếc chòi sau vườn để đón anh. Chòi nằm dưới bóng mát một cây hồ đào. Tôi chở xi măng về đổ nền. Sáu bao xi măng Portland, loại 90 pounds, tôi rải đều lên một khoảnh sân hình chữ nhật đã cuốc cỏ, cắm cọc, chăng giây làm mốc. Tôi đinh ninh mình chỉ cần xịt nước lên, dùng cây 2x4 láng đều, xi măng sẽ tự động dính chặt vào lớp đất vừa cuốc.

Sáng hôm sau, tôi mới biết mình đã lầm. Và dại dột nữa: Lớp xi măng vừa tráng hôm trước, vỡ ra từng mảnh lợn cợn. Tôi phải khuân về sáu bao khác, cùng với cát và đá vụn. Trộn đá vụn với xi măng và cát, đổ nước vào từ từ, cuối cùng, tôi cũng có được một nền nhaø khá chắc. Dựng sáu cột 4x4 cho thẳng, tôi dùng cây 2x4 nối liền các cột lại thành khung. Đóng mái tôn nhựa màu xanh lá cây xong, tôi gắn khung mắt cáo chung quanh làm vách, và cho cây trường xuân leo lên đó.

Bên phải chòi kê một bàn nhìn ra hòn non bộ trông xuống ao thả sen, súng, lục bình, và mấy chục con cá vàng. Bàn lót gạch men trắng; hai ghế dài gắn liền với chân bàn. Đây là nơi Duyên Anh ngồi viết tiếp truyện Người Con Gái Ngồi Đợi Chuyến Tàu Về, và các bài cho tờ Việt Báo Colorado.

Từ sau ngày gặp nạn, Duyên Anh không còn dùng tay phải được nữa. Anh tập viết lại bằng tay trái. Thời gian đầu, trong hai năm 1990 và 1991, trong mấy thư ngắn Duyên Anh viết cho tôi, nét chữ anh vụng về, giống chữ mấy em bé đang tập viết. Nhưng chỉ vài năm sau đó, anh viết tay trái đã quen lắm rồi. Dĩ nhiên, viết khá khó khăn, so với thuở anh còn hoàn toàn khỏe mạnh. Mỗi khi viết, anh dùng một khối kim loại vuông vức, mỗi cạnh khoảng 3cm, đè lên tờ giấy, cho giâáy khỏi chạy. Anh vẫn thích dùng bút bi, nhưng không dùng giấy trắng khổ 8.5x11 như trước nữa. Anh thường dùng loại giấy khổ vở học trò, có kẻ hàng vuông vức.

Bàn cũng là chỗ chúng tôi uống cà phê buổi sáng; và nơi anh tiếp bạn bè đến chơi. Phía sau bàn, kê vừa chiếc trường kỷ, có nệm và gối. Miếng tôn mỏng và hai cánh cửa lưới dựng bên cạnh trường kỷ, để chắn gió lùa, và che cho khỏi chói nắng. Duyên Anh hay ra ngủ trưa trên chiếc trường kỷ này, hoặc không ngủ thì cũng nằm đó, nghe Mai Hương, Quỳnh Giao, Julie, và Châu Hà hát nhạc của anh. Buổi trưa im vắng. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng gió lay nhẹ mấy bụi chuối trồng sau chòi, tiếng chim sẻ ríu rít trong bụi cây bên hàng rào phân chia nhà tôi với nhà hàng xóm.

Tôi nói:

- Biết đâu, sau này, thiên hạ sẽ tìm đến thăm căn chòi nhỏ bé này, như họ đã đi thăm ngôi nhà mộc mạc của Shakespeare ở Stratford-on-Avon?

Duyên Anh cười, tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái:

- Ừ, biết đâu đấy.

Những hôm đi làm, tôi để sẵn trong tủ lạnh cho Duyên Anh một hộp cơm, và một hộp canh. Ở Mỹ đã mười mấy năm, tôi vẫn chưa thể khoái hamburger và taco được. Kẹt lắm, không còn gì ăn; họăc đôi khi phải đi ăn chung với đồng nghiệp bản xứ, tôi mới đành chịu nhaù đồ ăn Mỹ. Vợ tôi thường nấu một nồi canh rau lớn, múc ra những hộp nhỏ, ghi chữ B ở nắp hộp, bỏ vào ngăn đá. Cơm cũng vậy. Cá kho, thịt kho, hay món mặn món xào gì đó, vợ tôi cho vào những hộp cơm, nắp đề chữ A, xếp vào ngăn đông lạnh. Sáng sáng thức dậy, tôi chỉ cần nhắm mắt, lấy một hộp A, một hộp B, xách theo, là đủ cho ngày hôm ấy rồi. Đến trưa, chỉ trong vòng năm bảy phút dùng microwave, tôi đã có cơm canh nóng trước mặt.

(Thời gian Duyên Anh ghé nhà, vợ tôi đi Việt Nam thăm ông nhạc tôi. Tôi trở thành tên độc thân bất đắc dĩ, và được hoàn toàn tự do về giờ giấc).

Những ngày tôi đi làm, buổi trưa, Duyên Anh ở nhà, cũng cho hai hộp cơm canh vào microwave, ăn tạm, cầm cự tới chiều, chẳng phàn nàn gì cả.

Chiều về, cao hứng muốn nấu ăn, chúng tôi ra vườn nhà, hái rau cần, rau lang, rau muống, hoặc ngắt quả bầu, quả bí vào xào lên, ăn với cơm nóng. Làm biếng thì lái xe xuống khu Alhambra, San Gabriel ăn phở, cơm sườn…

Bên ly cà phê, Duyên Anh đọc cho tôi nghe phần giới thiệu bài viết về món cua đồng, trích trong Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc:

“ Anh Phạm Hữu, anh Mai Trung Ngọc, và em Vũ Trung Hiền thích con cua, và thích độc quyền con cua. Càng thích hơn, khi văn chương bình dân và văn chương bác học làm tan nát đời cua một cách dễ yêu. Anh Mai Trung Ngọc khoái tiếu lâm con cua, và vọng cổ con cua. Anh Phạm Hữu khoái ngang như cua và các ông sư đang niệm Phật vì con cua. Em Vũ Trung Hiền khoái ca dao con cua. Bài này viết tặng ba người.”

Thấy tôi cười thích thú vì lối giới thiệu kỳ lạ, Duyên Anh nói:

- Em thấy đó, viết cái gì, anh cũng nghĩ tới em hết.

Đọc cho tôi nghe vài đoạn viết về món chả cá Thăng Long, Duyên Anh ngậm ngùi:

- Đất nước mình khốn nạn từ khi miền Bắc du nhập chủ nghiã cộng sản, và miền Nam chịu sự khống chế của chủ nghĩa tư bản. Bây giờ đã đến lúc mình phải tạo ra một chủ nghĩa mới, anh gọi là chủ nghĩa tiểu tư sản, để thay thế hai chủ nghĩa lạc hậu, tư bản và cộng sản.

- Nhớ lại thời nhà Trần, nhà Lý, Việt Nam mình oai hùng biết bao!

- Thuở ấy mình lấy Thăng Long làm kinh đô. Bây giờ, anh nghĩ, nếu đất nước lấy quốc hiệu là Đại Việt, đổi tên thủ đô thành Thăng Long như cũ, và áp dụng chủ nghĩa tiểu tư sản, tương lai dân tộc chắc chắn sáng sủa hơn nhiều. Em cứ đọc lại những gì anh viết về ca dao đi, em sẽ hiểu tư tưởng mới của anh.

- Như vậy, anh viết ba cuốn sách về ca dao với mục đích gì?

- Ca dao là một kho tàng vô giá của dân tộc, mà chưa mấy người để ý khai thác. Càng đào sâu ca dao, ta lại càng thấy các thi sĩ bình dân của mình là nhất. Từ ca dao và vè, mình có thể rút ra được nhiều cái để đánh cộng sản nữa.

Tôi ngạc nhiên:

- Dùng cả vè nữa? Anh thử thí dụ xem.

Duyên Anh chậm rãi:

- Đây nhé, em còn nhớ mấy câu vè Lạy cậu lạy mợ, cho cháu về quê, cho dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp, vân vân, và vân vân… Anh sẽ viết, đại khái như thế này: “ Trong thời đại của chúng ta, hình ảnh cho dê đi học, cho cóc ở nhà, nó đã xa lắm rồi. Bây giờ, đất nước ta chỉ còn hình ảnh những người bừa thay trâu cày thôi. Các cậu, các mợ ở đây, chính là các cậu mợ thống trị đang ngồi ở Hà nội, để đày đọa cả một dân tộc. Các cậu mợ không cho phép tôi về, quả là đúng thôi. Tôi sẽ cứ ở lại đây, lưu vong cho đến khi tôi chết. Bởi vì cậu mợ không muốn tôi nhìn thấy những con người phải cày bừa thay cho trâu bò trên đất nước tôi.” Em cứ chờ xem, rồi thiên hạ sẽ để ý, sẽ đọc ca dao, và sẽ thấy cái hay của nó thôi…

Tôi hỏi:

- Cái gì thôi thúc anh viết về ca dao?

- Không biết nữa. Có thể Chúa muốn cho anh làm công việc này. Tự dưng, anh đang ốm dậy, ý nghĩ viết mấy cuốn sách về cái hay, cái đẹp của ca dao, chợt nẩy sinh. Thế là anh ngồi vào bàn, bắt đầu viết thôi. Anh nghĩ, có lẽ đây cũng là một thử thách, xem những ai còn có thể đứng vững, những ai còn tiếp tục tài hoa, trong cái thế văn chương lưu vong này….

Nhấp một ngụm cà phê, và đốt thêm điếu thuốc khác, Duyên Anh nói tiếp:

- Vì thế, anh thích công việc này lắm, quên cả mình đang chân bại, tay liệt. Vì dường như, Chúa đang gửi cho anh một sứ mạng. Chứ trước đây, có bao giờ em nghe anh nói về ca dao đâu? Anh nghĩ, có lẽ Chúa định sẵn cả rồi….

- Sau ba cuốn này, anh còn viết về ca dao nữa không?

- Có chứ, anh còn viết nữa chứ. Đặc biệt, trong cuốn Về Với Ca Dao, anh chê những nhà văn miền Bắc ghê lắm…

- Miền Bắc Hà Nội ấy hả?

- Không, đây là anh muốn nói đến số nhà văn từ miền Bắc di cư vào miền Nam sau 1954 thôi. Họ đã có vẻ không biết ơn quê hương miền Nam, nơi đã dung dưỡng và đãi ngộ họ. Anh nhắc lại câu Nguyễn Hữu Chỉnh nói với Nguyễn Huệ “Nhân tài Bắc Hà chết hết rồi, chỉ còn mỗi mình Chỉnh này thôi.” Tới 1954, Văn Cao, trong bài hát Thăng Long Hành Khúc, lại xác nhận điều Nguyễn Hữu Chỉnh nói là đúng. Văn Cao đã viết “…Bao năm qua, khắp chốn cũ đã mất hết tinh anh rồi…” Phải nói về Bắc Hà trước, rồi mới nói đến ca dao miền Bắc, và so sánh ca dao miền Nam với ca dao miền Bắc. Để kết luận, anh xác nhận: so sánh ca dao miền này với ca dao miền kia là việc làm sai lầm. Ca dao là gia tài của cả dân tộc, của cả ba miền đất nước, không có chuyện ca dao của miền này, ca dao của miền kia. Bởi thế, anh viết thêm một bài nữa, bài Ca Dao Vùng Đất Mới. Gọi là vùng đất mới, vì là đất của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp, mình mới chiếm trong vòng bốn năm trăm năm nay thôi. Anh viết về những phá thể của ca dao miền Nam, viết như một cách bày tỏ lòng biết ơn của anh đối với sự đãi ngộ ưu ái người miền Nam đã dành cho anh, một thằng bé nhà quê làng Tường An, huyện Ô Mễ, tỉnh Thái Bình, đất Bắc Kỳ, lưu lạc miền Nam hơn hai mươi năm, được miền Nam thương yêu, nuôi dưỡng. Anh nói “Tôi xin đem hết cái khả năng tôi có để viết, và viết được như thế thôi. Còn nếu muốn cho ca dao miền Nam có dáng đứng đặc biệt của nó, thì phải để cho các ông nhà văn sinh trưởng ở miền đất mới này viết, mới hay được. Khả năng của tôi chỉ có thế thôi.”

Ngừng lại một lát, có vẻ suy nghĩ, Duyên Anh tiếp:

- Anh tin, cuộc cách mạng sắp tới của dân tộc mình sẽ phải xảy ra ở miền Nam trước. Vì thế, mình phải ca tụng người dân miền Nam một chút mới được. Ca tụng cũng đúng thôi. Vì miền Bắc đã từng làm nên lịch sử rồi. Bây giờ, phải là lúc miền Nam đứng dậy, làm lịch sử. Chỉ có dân miền Nam mới làm tiếp lịch sử được thôi.

Tôi hỏi:

- Viết về ca dao, anh thấy khó không?

- Khó hơn chứ. Khó hơn viết tiểu thuyết nhiều. Viết về ca dao, y như mình làm một bài luận vậy. Không thể viết dài quá hai mươi trang được. Tiểu thuyết thì mình tha hồ viết, muốn kéo dài đến đâu cũng được.

Tôi hỏi về cuốn tiểu thuyết Một Tù Binh Mỹ ở Việt Nam, bản Pháp Ngữ. Duyên Anh cho biết sư huynh Trần Văn Nghiêm đã dịch xong, nhưng người đại diện văn chương của Duyên Anh, Ghislain Ripault, khuyên anh nên sửa một vài chỗ đã, rồi mới cho xuất bản.

Anh nói:

- Anh đang dự tính viết một cuốn tiểu thuyết mới mang tên Người Lính Mỹ, Thằng Bé, và Con Dế.

- Nghe tên truyện, cũng đã thấy lạ rồi.

- Ừ. Đây là một truyện dài. Anh muốn, nhân dịp này, bốc ca dao của mình lên thật cao. Vì, anh sẽ bắt cả người Mỹ cũng phải học, phải yêu mến ca dao Việt Nam.

- Cốt truyện sẽ như thế nào?

- Đây nhé, lính Mỹ đóng đồn gần một làng ở miền Trung. Anh lính Mỹ cùng đơn vị hành quân, gặp thằng bé trong làng, và hai đứa làm bạn với nhau. Rồi, một trận đánh giữa Mỹ và Việt cộng. Dân làng kẹt ở giữa. Anh Mỹ cứu được thằng bé. Thằng bé cứ ôm chặt một hộp diêm, khóc mãi. Anh lính lấy đồ ăn đem theo trong ba lô, cho nó, nó cũng không nín. Gỡ cả đồng hồ trên tay, đưa cho thằng bé, nó cũng không nhận. Cứ khóc mãi.

- Bởi vì con dế của nó chết?

- Ừ. Nhưng lúc ấy, anh lính Mỹ trẻ này đâu có hiểu như vậy?

- Anh kể tiếp đi.

- Thế rồi, anh lính phải rời Việt Nam, không gặp lại thằng bé nữa. Về Mỹ, anh ta cứ thắc mãi về Việt Nam; vẫn nhớ tới thằng bé. Rồi anh ta đi học tiếng Việt Nam, và tìm cách trở lại Việt Nam, kiếm thằng bé. Lúc này, nó đã là một thiếu niên. Gặp lại nó trong một trận đá dế. Anh lính Mỹ hỏi nó: Em có nhận ra tôi không?

Làm sao thằng bé nhớ được. Nó hỏi anh lính: Ông tên là gì nhỉ? Anh Mỹ nói: Tôi tên là John. Hồi đó, tôi cứu em, trong một trận đánh. Em cứ khóc mãi. Tôi cho em nhiều thứ, mà em cũng không nín.

Thằng bé nhớ ra. Thế là hai thằng thân nhau. Thằng bé đưa anh lính Mỹ đi xem các thắng cảnh ở miền Trung, cho anh ta xem chọi gà, đá cá nữa. Anh Mỹ thích lắm. Thế rồi, anh lính gặp chị của thằng bé. Cha mẹ thằng bé chết cả rồi. Nó sống với chị nó thôi. Hai đứa nói chuyện ca dao. Cô gái chinh phục anh Mỹ bằng những cái đẹp của ca dao. Anh lính yêu chị thằng bé, ngỏ ý xin cưới chị nó, và đưa hai chị em về Mỹ, để cuộc sống hai chị em được đầy đủ hơn. Hai chị em thằng bé không thích đi Mỹ. Chúng nó yêu quê hương nghèo khổ Việt Nam hơn. Thế là, anh lính Mỹ quyết định xin ở lại, để được sống gần hai chị em thằng bé…Truyện này, mà viết ra, chắc Mỹ nó thích lắm đấy…

- Anh dự tính viết truyện này từ bao giờ?

- Lâu rồi. Chắc từ hồi bắt đầu suy nghĩ viết về ca dao.

- Như vậy, anh đã bắt đầu viết chưa?

- Chưa. Nhưng viết thì cũng dễ thôi. Suy nghĩ mới khó. Tìm ra được một đề tài để viết mới khó. Có đề tài ấy rồi, thì viết ra dễ lắm. Anh chỉ còn mỗi một thắc mắc, là không biết nên cho nhân vật lính Mỹ này xưng tôi, để nó thuật lại như một thứ tự truyện, hay đặt cho nó cái tên John, và để nó ở ngôi thứ ba.

- Anh có nghĩ, nếu cho nhân vật xưng tôi, mình sẽ bị giới hạn….

- Không, không giới hạn tí nào hết. Bởi vì, khi xưng tôi, nhân vật của mình có quyền suy nghĩ và lý luận nhiều hơn, trong khi các nhân vật kia thì không được cái quyền ấy.

- Nhưng nếu nhân vật tôi đang ở phòng bên này, làm sao anh ta biết, và kể lại được chuyện gì đã xảy ra cho hai ba nhân vật ở phòng bên cạnh?

- Thì mình phải cho nhân vật xưng tôi bước qua phòng bên cạnh chứ. Dĩ nhiên, nó không thể ngồi bên này, tưởng tượng ra bên kia họ nói cái gì được.

Tôi hỏi:

- Hôm nọ, qua điện thoại, anh còn nói có cuốn sách gì viết về trẻ con Mỹ lai?

- À, cuốn Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu, anh viết xong năm ngoái.

Sư huynh Trần Văn Nghiêm dịch sang tiếng Pháp rồi. Bọn nhà xuất bản Tây chúng nó thích lắm. Chúng nó bảo anh cứ tiếp tục viết một loạt truyện như thế này.

- Đại khái, anh viết về bọn trẻ lai này như thế nào?

- Mỗi đứa một hoàn cảnh riêng. Có đứa vượt biên, rồi phiêu lưu sang Mỹ, đi làm du đãng, trả thù cuộc đời. Có đứa ra đi chính thức, tới nơi mới thấy cái ê chề ở xã hội mà nhiều người vẫn tưởng là miền đất hứa. Có đứa quyết định ở lại quê mẹ, dù quê mẹ thiếu tiện nghi, nghèo khổ. Vì quê mẹ có yêu thương, có ca dao, quê mẹ đầy ăép tình người… Đ.m, hay lắm cơ! Anh nghĩ, thằng Oliver Stone phải làm phim này, để trả nợ cho nước Mỹ mới được. Đ.m nó, ông Duyên Anh què rồi, chỉ nằm một chỗ, thấy cảnh bọn Mỹ đón rước những đứa trẻ lai về; rồi đọc hết các tài liệu về trẻ Mỹ lai, biết được những nỗi đau khổ của chúng ở miền đất mới. Cuối cùng, anh mới ngồi xuống, viết thành cuốn tiểu thuyết này. Dĩ nhiên, anh dựa trên một số dữ kiện có thật, nhưng mình cũng phải tạo dựng một số hư cấu chứ? Tiểu thuyết mà. Có phải mình viết phóng sự đâu?

Duyên Anh cười một chuỗi dòn tan rồi tiếp:

- Đến Ca Dao Quyện Lấy Những Món Ngon Dân Tộc mới hay nữa cơ. Mỗi câu chuyện có một kết luận riêng. Anh dự tính lần này, mình chỉ in mỗi thứ một trăm cuốn thôi. Kẻo chúng nó bảo, sách ở Mỹ này không ai thèm đọc, vì bầy bán chung với nước mắm, nước muối ở các siêu thị. Sách của mình, sẽ không tặng bất cứ ông văn hào, thi hào nào hết. Ai muốn đọc, xin cứ đến hiệu sách, hỏi mua đàng hoàng. Bán xong một trăm cuốn mỗi thứ, là tuyệt bản luôn. Như vậy nó mới quý, em ạ. Để xem bọn nhà xuất bản ở đây nó sẽ nghĩ như thế nào…

- Thây kệ họ, anh ạ…Mình cứ việc đường ta, ta cứ đi thôi….

Duyên Anh cười méo mó:

- Anh cam đoan, thấy người ta tìm đọc sách của mình, chúng nó sẽ tìm cách in lậu cho mà xem.

*

* *

Hôm sau, nhân bàn tới mấy câu ca dao:

Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Anh em như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy

Duyên Anh nhìn sâu trong mắt tôi, bùi ngùi:

- Anh với Hiền, tuy không phải anh em ruột thịt, nhưng chúng mình như tay chân của nhau, có khi còn tay chân hơn cả anh em ruột thịt nữa. Anh có anh em gì ở đây đâu? Anh chỉ có một mình em, là em của anh thôi.

Chiều chiều, tôi đi làm về, ra vườn sau ngồi nói chuyện với Duyên Anh ngoài chòi. Anh khoe với tôi những gì vừa viết trong ngày. Duyên Anh đọc cho tôi nghe bài tường thuật một ký giả ở Denver, Colorado phỏng vấn anh:

KG: Thưa nhà văn, xin ông phát biểu cảm tưởng khi tới Denver.

DA: Xin đừng gọi tôi là nhà văn. Nó rậm rà, trịnh trọng, và khôi hài quá. Mà tôi cũng không phải là nhà văn. Gọi tôi là thợ viết, đúng nghĩa nhất. Bạn chớ chê vội. Trên cõi đời này, đã có thợ mộc, thợ nề, thợ may, thợ rèn, thợ hút cầu tiêu, phải có thợ viết nữa chứ? Thợ viết chuyên nghiệp và thợ viết tài tử. Viết văn, lấy tiền đong gạo, chẳng phải thợ viết, thì là thợ gì? Các thứ thợ trên cõi đời này đều giống nhau, bình đẳng và dân chủ hết chỗ chê. Những nhà văn khác không thích bạn gọi họ là thợ viết. Riêng tôi, xin bạn cứ tự do gọi là thợ viết. Tôi sung sướng lắm, hãnh diện nhiều. Trở về câu hỏi cuả bạn, bạn muốn tôi phát biểu cảm tưởng khi tới Denver. Tôi xin kể một chuyện hơi tiếu lâm trước khi phát biểu. Thưa bạn, trong một bữa tiệc kia, linh đình và quý phái, mọi người đều phát biểu cảm tưởng, trước khi ăn uống. Đến phiên ông nhà văn, ông phát biểu bằng câu chuyện lạ bốn phương. Nhà văn kể: Ở một khu rừng nọ, có một con hổ dữ, chuyên bắt người về ăn thịt, vì con hổ ấy thù người kinh khủng. Ai đi qua khu rừng ấy đều sợ sệt kinh khủng. Nhưng rồi, ngày kia, có người gặp hổ, chỉ nói có mỗi một câu, mà hổ kia co cẳng chạy mất hút. Khách dự tiệc nhất loạt hỏi loạn lên: “Con người đọc thần chú? Con người có bùa ngải? Con người có dáng dấp Hồ Chí Minh tiên sư?” Nhà văn lắc đầu: “ Con người nói một câu giản dị thôi.” Tân khách sốt ruột: “Nói câu gì? Nói ra sao?” Nhà văn trợn mắt: “Được, cứ ăn thịt tao đi. Nhưng trước khi ăn, phải phát biểu một phát cảm tưởng đã!” Con hổ sợ phát biểu, cúp đuôi, chạy mất. Bạn ơi, bạn yêu cầu tôi phát biểu cảm tưởng khi tới Denver, tôi kinh hãi, muốn cút khỏi Denver gấp.

KG: Tưởng ngài nổi tiếng, tôi mới phải dùng chữ đao to búa lớn. Nay, tôi xin hỏi lại, thưa ngài thợ viết, ngài thấy Denver như thế nào?

DA: Cám ơn ngài đã vinh tôn tôi là thợ viết. Thưa ngài, Denver nóng thấy bà nội. Mồ hôi chảy như tắm.

KG: Thưa ngài, ngài đã đi xem hết danh lam thắng cảnh Colorado chưa?

DA: Chưa một nơi, và sẽ chẳng bao giờ nhiều nơi.

KG: Sao vậy?

DA: Dễ hiểu thôi. Ngày chưa lưu vong, tôi đi nước người, hám danh lam thắng cảnh đường xa xứ lạ lắm. Tôi trở lại Việt Nam, tả mấy danh lam thắng cảnh này trên mặt báo. Thực ra, tôi phịa, phịa vung vít, phịa vung xích chó. Cái sự đi xa về nhà nói phét nó như vậy đó. Độc giả nào đã phục tôi, sẽ phục tôi hơn. Hỡi ơi, bây giờ, mang thân lưu vong, hàng triệu người lưu vong; có ít nhất hai muơi ngàn dân lưu vong đã du ngoạn Denver, Colorado rồi. Tôi còn gì để viết nữa? Không còn quê nhà, đi xa về, đâu có còn biết nói phét với ai? Còn nói phét với tôi, mất hết cảm hứng. Thôi, tôi đề nghị ngài hỏi chuyện khác.

KG: Thưa ngài, ngài vẫn còn viết văn?

DA: Bằng tuổi tôi, nhiều nhà văn đã đói chữ nghĩa, đã biến thành gươm giáo rỉ cả rồi. Họ không còn hơi thở văn chương để phục vụ các nhà xuất bản ăn cắp nữa. Họ chỉ còn mấy ngón tay khỏe, đủ để ngồi buồn gãi háng, giái lăn tăn thôi.( Duyên Anh nhắc lại câu thơ của cựu thủ tướng Trần Văn Hương làm, thời cụ bị Pháp bắt giam. Trong nguyên bản, cụ Hương viết “Ngồi rù”, chứ không phải “Ngồi buồn” ). Riêng thợ viết là tôi, từ ngày bị tai nạn, tôi lại vẫn viết văn được, và viết được nhiều, mới chết chứ! Cám ơn hiệp sĩ bồ tát, nhân danh tình nghĩa con người, khện con người một cú, khiến tôi cô ma năm ngày đêm, và bán thân bất toại vĩnh viễn. Nhờ tâm hồn độ lượng của hiệp sĩ bồ tát, tôi được viết bằng tay trái.Viết bằng tay trái thì chậm lắm. Nhưng chậm mới suy nghĩ nhiều hơn. Và trí nhớ của tôi lại thăng hoa. Ngài biết không, riêng năm 1994, tôi cao hứng vô vàn, viết được sáu cuốn, gọi là sáu tác phẩm, hay sáu tác phẩn, cũng được. Người ái mộ, thì âu yếm gọi là tác phẩm. Kẻ ghen ghét, thì phũ phàng gọi là tác phẩn. Ngài ơi, tôi vẫn viết văn, trong ngày tháng chờ chết. Tôi chỉ còn mỗi hai cái thú: viết văn và hút thuốc lá. Sơ sơ, tôi đã có hai muơi tám tác phẩm mới toanh. Tính từ khi bắt đầu hành nghề thợ viết, tôi đã hoàn thành tám mươi tác phẩm rồi.

KG: Ngài cho đăng dần trên các báo chí nào vậy?

DA: Báo khắp thế giới lưu vong của dân Mít. Úi giời ơi. Báo chí Việt Nam lưu vong chỉ vinh tôn quảng cáo, chứ không trọng đãi tiểu thuyết. Quảng cáo làm báo chí khởi sắc, giầu lên. Còn tiểu thuyết làm báo chí xuống sắc, nghèo đi. Tiểu thuyết đăng 5 trang, nhuận bút kém 1 trang quảng cáo. Một tháng đăng tiểu thuyết một kỳ, nhận 20 đô la xanh, thợ viết sống sao nổi?

KG: Tôi cứ tưởng thợ viết không cần tiền, chỉ cần FREE lấy tiếng?

DA: Vâng, thưa ngài, thợ viết chê tiền, khinh tiền, ném tiền qua cửa sổ. Thợ viết hào hùng và rộng lượng ghê lắm. Tiền mà làm ra văn chương ư? Chỉ tiếc, chủ báo đã quên khuấy, không mang gạo, nước mắm, tôm khô, hành tỏi… đến cho thợ viết. FREE cũng không ngửi được mùi thơm bất hủ của mỡ hành.

KG: Tóm lại, thợ viết không cộng tác với báo nào?

DA: Vâng.

KG: Chắc chứ?

DA: Chắc như cua gạch Bắc Ninh.

KG: Tôi thấy thợ viết đã đăng tiểu thuyết của ngài trên báo Ngày Nay ở Wichita?

DA: Ngài không biết thợ viết, ngoài tiền, còn phải có tình nữa chứ?…”

Duyên Anh ngưng đọc ở đây. Anh nói:

- Mới chỉ viết đến đó thôi. Bài phỏng vấn của báo Pháp, mình trả lời đứng đắn quá, sang bài này, mình phải viết cho độc giả cười một chút.

Tôi hỏi:

- Tờ báo nào của Pháp vậy?

- Một tờ báo của người Công Giáo.

Vừa nói, anh vừa đưa cho tôi xem tờ tạp chí. Tấm ảnh màu chân dung Duyên Anh chiếm trọn trang bìa. Anh cười:

- Trong tờ này, có in hình ông giáo hoàng nữa. Nhưng hình ông ấy không to bằng hình anh.

Liếc qua những câu hỏi trong bài phóng viên tạp chí Pháp phỏng vấn Duyên Anh, tôi thấy họ đề cập tới những đề tài thông thường về tác giả và tác phẩm, mà bất cứ cuộc phỏng vấn nào cũng phải có.

Tôi nhìn khối kim loại anh đặt trên xấp giấy:

- Anh kiếm cái cục này ở đâu vậy?

- Ở nhà Đặng Xuân Côn, hồi 90, 91, lúc mới tập viết lại bằng tay trái. Bây giờ, đi đâu cũng phải lôi nó theo. Không có, là không viết gì được đâu đấy.

- Anh dùng nó làm thước kẻ nữa?

- Ừ, nhưng công dụng chính là để chặn giấy, cho nó khỏi xê đi, dịch lại.

- Như vậy là anh cũng nhiều sáng kiến ghê lắm đấy chứ?

Duyên Anh cười dòn một hồi, rồi nói:

- Anh còn nhiều sáng kiến nữa cơ. Cái thằng bị bệnh hoạn nó lại càng phải có sáng kiến nhiều hơn mấy người lành lặn. Nó nghĩ ra cách để đi cầu được một mình, đi tắm một mình. Mỗi khi đến một nhà mới nào, anh phải quan sát xem phòng tắm của nhà người ta như thế nào, để mình vào tắm, không thiếu cái gì, và không phiền đến chủ nhà.

Tôi hỏi:

- Thế phòng tắm ở đây, anh có thiếu cái gì không?

Duyên Anh lắc đầu:

- Không, chẳng thiếu cái gì cả. Anh cám ơn em đã cho anh cái thùng. Nhờ nó, anh đỡ mất ngủ ban đêm.

Từ phòng Duyên Anh qua phòng tắm ở garage, phải đi một quãng chừng tám chín mét. Để tránh cho anh khỏi phải đứng dậy đi tiểu đêm, tôi rửa sạch một thùng đựng antifreeze coolant, thứ dung dịch đổ vào bình giải nhiệt xe hơi, đặt ở bên giường Duyên Anh. Buổi sáng đi tắm, Duyên Anh tự đổ và rửa sạch bình này. Anh nói:

- Tắm ở đây, anh thích một cái là khỏi phải vất vả trèo vào bồn tắm. Anh chỉ cần vặn nước đầy thùng, dội mấy gáo cho ướt đầu, xát xà phòng, kỳ cọ một lúc, rồi vừa dội, vừa cho douche chảy thoải mái. Thú vị lắm cơ!

- Ngoài ra, anh còn sáng kiến nào khác nữa?

- Hồi anh vừa ốm khỏi, còn nằm nhà thương, tụi Tây dạy anh nhiều thứ lắm, nhưng anh chẳng học được gì mấy từ chúng nó. Có những cái, mình phải tự chế ra. Thí dụ như khi leo lên cầu thang, mình đưa chân trái trước, cho có đà kéo chân phải lên. Xuống thang, phải đi giật lùi, chân phải trước, rồi mới đến chân trái.

Nói chuyện lan man đến cuốn Tuổi Bướm Sầu, trong đó Duyên Anh viết rất tàn nhẫn về Mặt Trận HCM, tôi hỏi:

- Anh viết cuốn ấy năm nào?

- 1985, 1986. Trong đó, anh viết về PVL gớm lắm. Đ.m, cớm mà đi làm cách mạng thì không thể nào khá được!

- Những chi tiết anh viết về mặt trận trong Tuổi Bướm Sầu, anh dựa vào đâu?

- Một phần qua báo chí, một phần do anh phịa ra chứ. Anh cho nhân vật của anh giết gần hết bọn chúng nó, sau khi đã giết tụi tướng bẩn….

- Tướng bẩn?

- Ừ thì mấy thằng tướng tham nhũng, đào ngũ sang đây lập Hội Đồng Tướng Lãnh. Mà anh lại cho chính con của một trong mấy thằng tướng dẫn anh em giang hồ của nó vào bắn hạ bọn tướng mới hay chứ!

- Hồi đăng tiểu thuyết này trên Ngày Nay, vì sao lại bỏ dang dở?

- Vì tụi nó rét. Anh cho bọn MT họp đại hội ở Westminster, có Hoàng Cơ chủ tọa. Trong tiểu thuyết này, anh gọi PVL là Phan Liễu thôi, còn HCM, anh gọi là Hoàng Cơ . Tụi trẻ chết gần hết rồi; chỉ còn Tâm Vũ và vài anh em nữa thôi. Chúng nó giết hụt Hoàng Cơ, và bắn nhau tơi bời với bọn MT. Tâm Vũ bị bắt, bị đưa ra tòa. Còn lại mỗi mình Đàm Hoa, người yêu của nó. Anh cho Tâm Vũ tự biện hộ trước tòa. Nó kể lại cuộc đời mình, từ khi bố bị bắt đi tù, tới khi mẹ nó lo cho nó vượt biên, ở trại tị nạn như thế nào, sang Mỹ bơ vơ, gia nhập MT, bị chúng nó lợi dụng như thế nào... Rồi bố nó chết trong tù, mẹ nó ở nhà héo hon buồn khổ, ít lâu sau cũng chết theo. Rồi nó phản tỉnh như thế nào. Chỗ này, anh cho Tâm Vũ đọc sách của Phạm Kim Vinh, dĩ nhiên, anh phịa ra một cái tên khác, chứ không dùng tên anh Vinh, và nhờ đó, nó tỉnh ngộ; vì sao anh em của nó chủ trương làm sạch cộng đồng hải ngoại bằng cách trừ khử bọn du đãng ức hiếp người vô tội, trừng phạt bọn nhà xuất bản sâu mọt ăn cắp, in lậu tác phẩm của các nhà văn, bọn lừa gạt đội lốt tôn giáo, bọn kháng chiến bịp làm thui chột niềm tin đồng bào…Rồi trong lúc phiên tòa tạm ngưng để nghị án, Tâm Vũ nhờ cảnh sát dẫn nó đi ị. Cảnh sát ba bốn tên gác bên ngoài. Nó vào trong cầu, gắn bức thư viết cho Đàm Hoa, và một thư cho ông chánh án, lên ngực áo, rồi cắn lưỡi tự tử. Cảnh sát chờ lâu, không thấy nó ra, phá cửa xông vào. Tâm Vũ đã chết…

- Như vậy là coi như hòa cả làng?

- Dĩ nhiên. Ông chánh án bảo đây là một vụ án đặc biệt, nên ông ta cũng phải có một phán quyết đặc biệt. Chánh án cho bãi bỏ phiên tòa, vì bị cáo đã tự tử chết rồi. Ông ta nhờ luật sư trao thư Tâm Vũ viết cho Đàm Hoa. Qua làn nước mắt, Đàm Hoa đọc những dòng chữ cuối cùng của người yêu. Vỏn vẹn có mấy câu thơ

Anh đi làm lịch sử
Với bọn cò mồi hèn
Thấy thiên đường đổ vỡ
Anh còn gì đâu em
Anh còn gì cho em

- Anh làm bài thơ này từ sau vụ đi theo đảng Duy Dân trên Ban Mê Thuột?

Duyên Anh cười:

- Ừ. Nhưng mà suy nghĩ lại, anh thấy vào thời nào, mấy câu này cũng đúng hết. Thế hệ nào cũng có những bọn cò mồi hèn hạ. Đ.m, chán quá! Đọc truyện này, bọn chúng nó chắc chắn sẽ đau lắm.

- Chừng nào anh sẽ cho in cuốn này?

- Có lẽ, để sau khi in mấy cuốn ca dao. Từ trước đến giờ, mình toàn cho xuất bản loại truyện yêu thương ân ái thôi. Bây giờ, Tuổi Bướm Sầu ra thì coi như mình cho nổ một quả bom CBU. Sẽ có nhiều thằng chết vì ức hộc máu mồm…

- Phần anh vừa kể, chưa hề đăng trên Ngày Nay, hay bất kỳ tờ báo nào?

Duyên Anh gật đầu:

- Dĩ nhiên. Coi như phần đăng trên Ngày Nay mới chỉ là một phần ba của Tuổi Bướm Sầu thôi. ĐTĐ bảo Mày gửi cho tao đăng trên TL. Anh gửi cho ĐTĐ. Đọc xong, cu cậu đ. dám đăng. Có một thằng bên Úc nữa…

- Chiêu Dương hả?

- Không. Thằng VL. Nó có gửi tiền cho anh nữa. Nhưng cũng không dám đăng. Đ.m, cuốn này hay lắm cơ. Nhất là những đoạn mô tả tình yêu của con Đàm Hoa với thằng Tâm Vũ. Bọn Tây nó cũng khen lắm. Bản tiếng Pháp của Tuổi Bướm Sầu dịch xong rồi.

- Ban nãy, em hỏi anh dựa vào đâu để viết cuốn này. Nhân vật nào của MT cung cấp mấy chi tiết đó cho anh?

- PVL. Hồi hắn qua Paris, gặp anh. Lúc ấy, L. bắt đầu chửi HCM rồi. Anh nói với L. “ Anh nên im mồm đi. Anh nên lủi thủi về đi, đừng chửi HCM nữa. Bởi vì, càng chửi nó, người ta càng coi thường anh…”

- Bởi vì ông ta cũng đã từng dính dáng nhiều với ông M. rồi…

- Hắn còn định làm một mặt trận khác. Anh bảo hắn “Anh làm một mặt trận khác sao được nữa? Các anh làm mất mẹ nó niềm tin của đồng bào rồi! Các anh phải nhận là mình đã làm hỏng đại cuộc rồi”.

- Ông ta có nghe anh không?

- Chẳng biết. Nhưng hắn không nghe, thì anh với hắn chẳng còn gì nữa. Coi như chưa hề quen biết nhau thôi. Anh quen biết và thân với PVL hồi hắn chưa làm kháng chiến kháng chiếc cơ. Mẹ, đi làm kháng chiến, coi như hắn đã tự chửi hắn rồi. Có bao giờ phú lít đi làm cách mạng được đâu. Phú lít chỉ để đi dẹp biểu tình, làm công cụ của chế độ thôi. Trước đây, ông phú lít nhà binh ĐM làm cách mạng, nước ta đã khốn nạn rồi. Bây giờ phú lít xi-vin đi làm cách mạng. Cách mạng chó gì? Cách mạng, đối với các anh ấy, chỉ là đi lạc quyên thôi, chả có cái nghĩa lý gì cả!

Hôm gặp lại PVL lần đầu, ở Paris, anh hỏi xỏ: “Ông L. ơi, tôi vừa mới vượt biên sang đây, còn nghèo đói lắm, ông cho tôi một ít tiền chứ?”

Hắn bảo: Tiền ở đâu hả ông?

Anh nói: Tiền ông quyên của đồng bào đó.

Ở Paris dạo đó, có hai người ngưỡng mộ HCM và PVL lắm. Hai người này đưa anh đến gặp PVL.

- Gặp ở đâu?

- Ở nhà của một người đón PVL từ Mỹ qua. Đ.m, anh ngồi chửi MT sát ván, chúng nó ngồi nghe, không cãi được câu nào. Anh bảo: “các anh chửi nhau, nguyên do chỉ vì ăn chia không đồng đều thôi”, chúng nó thề không hề lấy một đồng nào hết. Anh nói: “Các anh không lấy tiền, tức là các anh dại rồi. Tức là các anh cầm cu cho chó đái, để cho anh em nó đớp hết phải không?” Cả bọn ngồi yên hết. Cuối cùng, anh hỏi PVL: “ Này, hồi còn ở Saigon, ông chửi tướng lãnh ghê gớm lắm, phải không?” Hắn ta gật đầu. Anh hỏi tiếp: “Ông còn nhớ, ông bảo tài năng của CVV chỉ đáng đeo lon trung sĩ thôi, có phải không? Nghĩa là tướng lãnh Việt Nam thời ấy, chỉ xứng đáng là trung sĩ, cao lắm là thượng sĩ, chẳng thằng nào đáng làm sĩ quan hết, phải thế không? Thế sao sang đây, ông lại theo tướng HCM đi làm cách mạng? Tại sao lạ thế? Ông đã chê tướng miền Nam không có thằng nào ra hồn. Vậy mà bây giờ, ông lại đi theo HCM. Nên người ta có quyền nghi ngờ ông đã có gì chia chác ở trong. Có thể, thực sự ông đã không ăn được đồng nào. Nhưng người ta vẫn có quyền nghi ngờ ông. Vì ông đã từng dính líu đến anh em nhà ấy.”

- Ông ta có nói gì không?

- Hắn ta bảo, ai cũng biết Duyên Anh đã từng ca tụng PVL là tổng giám đốc cảnh sát công an trong sạch của miền Nam. Anh nói ngay :“ Đ. m, đấy là tôi viết tiểu thuyết. Ông đã tin tiểu thuyết hồi ấy, thì bây giờ, ông còn tin HCM đến mức nào? Ừ, mà cho dù thời đó, ông thực sự trong sạch, có gì bảo đảm là hai mươi năm sau, đi vào làm kháng chiến, ông có còn tiếp tục trong sạch nữa không? Là nhà văn, khi sự thật nằm phía tay trái, tôi đứng ở bên trái. Khi sự thật nằm phía tay phải, tôi đứng ở bên phải.”

- Thế còn TMC? Cuối năm 87, khi đến tìm anh ở nhà CTB, em thấy anh đang đang nói chuyện với TMC ở phòng khách.

- À, TMC, đại tá cảnh sát. Công là đàn em của L. Dĩ nhiên là khi MT rã đám, C. phải đứng về phe L. chứ. Rốt cuộc, bọn này đã bóp chết niềm tin của cả một thế hệ. Nên trong Tuổi Bướm Sầu, anh phải cho cả thế hệ ấy chết hết đi. Có vậy, mới xây dựng lại được từ đầu.

Ngẫm nghĩ một lát, Duyên Anh nói tiếp:

- Tiểu thuyết, sản phẩm của tưởng tượng và một phần sự thật, lúc mới viết ra, tưởng chừng như không có gì. Nhưng lắm khi, ảnh hưởng của nó khủng khiếp lắm. Như anh nói ban nãy, Tuổi Bướm Sầu mà tung ra, nhiều đứa vỡ mặt lắm. Cũng như hồi xưa, khi anh cho in Sa Mạc Tuổi Trẻ, phát hành toàn quốc, ảnh hưởng cũng dữ dội lắm. Có người kể cho anh, TTQ đã nói với đệ tử thế này: “Duyên Anh nó viết cuốn Sa Mạc Tuổi Trẻ, hại cho ta ghê quá! Cuốn sách này của nó, sâu sắc lắm. Mọi người cứ tưởng đây là truyện du đãng. Thực ra, qua truyện này, nó chửi chúng ta rất nhiều!”

- Ông ta nói có oan cho anh không?

Duyên Anh cười thú vị:

- Oan thế chó nào được. TTQ nói rất đúng. Anh chửi chúng nó ghê lắm!

Chương 9

16/8/1995, sinh nhật thứ sáu mươi của Duyên Anh. Chúng tôi dậy sớm, ra vườn sau, uóáng cà phê với nhau. Tôi hỏi Duyên Anh về hồi ký văn nghệ Nhìn Lại Những Bến Bờ. Tôi muốn biết anh đã viết hồi ký này như thế nào. Duyên Anh cười thú vị:

- Để viết hồi ký cho hay, đôi lúc, em phải cho tưởng tượng của mình vào mới được. Đọc hồi ký của một nhân vật nào đó, em đừng bao giờ ngây thơ tin những điều đương sự viết là một trăm phần trăm sự thật. Độc giả đọc hồi ký của mình, nếu có nói: “Úi dào, đoạn này nó viết, chắc là nó tưởng tưởng tượng ra đó thôi”, thì mình cũng sẽ gật đầu mà thưa “ Vâng, tôi tưởng tượng ra đó.” Đến đoạn nào thiên hạ khoái chí, khen ngợi: “ Chỗ này được quá. Viết hồi ký phải như vậy chứ!”, thì lúc ấy mình cũng gật đầu theo: “ Vâng, đó là hồi ký”. Viết hồi ký, cũng như viết tiểu thuyết vậy, cái chính là viết làm sao cho hay trước đã.

Tôi thắc mắc:

- Như thế, trong cuốn đó, đoạn nào anh tưởng tượng?

- Thực ra, bảo là tưởng tượng hoàn toàn thì cũng không đúng. Thí dụ, đoạn anh nói chuyện văn chương với Đoàn Trọng Thu…

- Có phải Đoàn Trọng Thu trước dạy học ở Long Xuyên không?

- Đúng rồi. Sao em biết?

- Anh ấy dạy cùng trường với em. Em có đến thăm nhà anh ấy một lần. Nhưng không biết anh ấy là bạn anh.

- Thì chính Đoàn Trọng Thu ấy chứ ai. Nhân vật Đoàn Trọng Thu có thật. Nó có lên Ban mê Thuật với anh thật. Nhưng những đoạn hai đứa đấu láo chuyện thơ văn hoàn toàn là do anh tưởng tượng ra thôi. Anh mượn nhân vật ấy để bày tỏ quan niệm văn chương của mình mà thôi.

- Thế còn bà mẹ Tây Ninh?

- Bà cụ này có thật. Anh có gánh nước tưới rau ở nhà bà cụ thật.

- Thế còn chuyện tình giữa anh và cô gái con ông chức sắc địa phương?

Duyên Anh cười dòn tan:

- À, cô Hiên. Cái này thì anh phịa hoàn toàn. Ở cái xứ đạo ấy, không bao giờ có cô thiếu nữ nào tên Hiên cả. Chưa bao giờ có cô Hiên đi qua đời anh.

- Vậy thì nhà cách mạng ẩn danh đi bán cao đơn hoàn tán chắc cũng không có thật?

Duyên Anh gật đầu:

- Ông Lý Vô Danh. Thực ra, trong lúc đói rách, đi giang hồ, anh cũng gặp một ông Việt Nam Quốc Dân Đảng gần giống như vậy. Nhưng Lý Vô Danh là nhân vật do anh tạo ra. Tư tưởng triết lý, quan niệm chính trị của ông ta, chỉ là tư tưởng, và quan niệm của Duyên Anh thôi.

Tôi hỏi:

- Hồi anh làm tờ Công Luận của Tôn Thất Đính, anh viết hồi ký hộ ông ta phải không?

Duyên Anh cười, gật đầu, trề môi dưới thả khói thuốc. Tôi hỏi tiếp:

- Anh có theo phương pháp nào không? Thí dụ, nghe ông ta kể đi lính năm nào, tốt nghiệp các trường nào, chỉ huy các đơn vị nào….

- Dĩ nhiên, những cái ông ta kể, thì mình phải cho vào chứ. Nhưng có những chương, anh phải phịa ra tới tám mươi phần trăm. Hôm nào ông ta không kể, thì anh phịa hoàn toàn. Y như kiểu viết Thằng Vũ ấy mà. Có lần, ngồi uống rượu với Thanh Nam, nó chửi anh: “ Đ. m, hồi ký mày viết, sao “Thằng Vũ” ghê thế?”

- Ông Tôn Thất Đính có biệt đãi anh không?

- Dĩ nhiên rồi. Anh được trả lương cao nhất tòa soạn. Giờ giấc làm việc cũng tự do lắm…. Anh mô tả Tôn Thất Đính ở trong hồi ký như là Tôn… Mẹ nó, Tôn gì, quên mất rồi.

- Tôn Tử?

- Không.

- Tôn Văn?

- Không phải. Thằng gì tướng Tầu đó. Tự nhiên quên mất rồi! Cái hồi tụi Tầu đánh nhau với tụi Nga ấy mà… Hồi ký cái gì cơ chứ? Ông ta làm chủ báo, trả tiền thuê mình viết, thì mình viếât vậy thôi. Chán lắm cơ!

Tôi để ý, sau ngày gặp nạn, trí nhớ Duyên Anh dần dần phục hồi; nhưng

anh đã không thể nào có lại được cái ký ức siêu việt thuở trước nữa. Tôi

nói:

- Vậy mà hồi ký Tôn Thất Đính cũng đăng trên Công Luận ròng rã cả tháng.

- Cả mấy tháng ấy chứ. Chỉ riêng cái hồi ký không thôi, ông ta đã trả anh một trăm năm mươi ngàn rồi.

- Như vậy, anh xưng làm nghề thợ viết, đâu có gì là quá?

Duyên Anh cười hóm hỉnh:

- Thì đúng vậy chứ sao. Mẹ, viết xong rồi, các con em, đồ đệ của TTĐ quỳ xuống, tung hô hồi ký của chủ kỹ quá. Anh cười trong bụng: “ Có phải cuộc đời của chủ chúng mày đâu? Hồi ký cuộc đời của tao đấy chứ!”

- Hình như, có lần anh nói về Đại Cathay cũng tương tự như vậy?

Duyên Anh gật đầu:

- Ừ. Nó hỏi anh: “Tại sao anh viết về tôi mà không giống tôi chút nào?” Anh bảo nó: “Tôi có viết về anh đâu? Nhân vật của tôi chỉ trùng tên, nhưng không trùng họ với anh. Có thể, tôi mô tả Trần Đại của tôi giống anh ở một vài điểm nào đó. Nhưng còn lại, hoàn toàn là hư cấu của tôi. Tôi có bao giờ viết thật về một người nào đâu? Viết thật về một người, thì nó cũng chỉ tâàm thường vậy thôi. Chuyện đời của một người, viết trên một hai trang giấy, cũng là đủ rồi. Mà nếu như vậy, thì ai còn cần gì đến tiểu thuyết với văn chương nữa?”

Duyên Anh kết luận:

- Cho nên, một nhân vật được tạo ra, người ta yêu mến hay khinh bỉ nó, cũng là do thằng nhà văn. Thằng nhà văn, do đó, có sức mạnh ghê gớm lắm. Nó có thể cho thằng ăn mày lên làm vua, và nó cũng có thể bắt thằng vua đi ăn mày. Nó ghét một đứa con gái nào, thì nó mô tả con này ghê tởm lắm. Nhưng yêu đứa con gái kia, nó có thể cho người nó yêu trở thành công chúa ngay. Nghĩa là, nó hoàn toàn tự do trong sáng tạo; chẳng ai có quyền phán xét thằng nhà văn được…

- Trừ độc giả của anh ta thôi.

- Đúng rồi, chỉ những người mua sách của nó, những người đọc nó, mới có quyền khen chê tác phẩm của thằng nhà văn thôi. Nếu không, thì sẽ chẳng còn văn chương nữa. Chẳng ai còn muốn làm văn chương nữa.

Tôi hỏi:

- Còn Thằng Vũ, bao nhiêu phần trăm trong đó là Vũ Mộng Long thuở nhỏ?

Duyên Anh nói ngay:

- Chẳng có phần trăm nào cả. Thiên hạ cứ tưởng anh kể lại cuộc đời anh trong đó. Họ lầm tất cả. Thuở bé, anh sống với bố mẹ. Bố mẹ anh nghèo lắm. Đi học, anh toàn bị mấy đứa lớn bắt nạt thôi. Khổ sở lắm! Nhớ lại, hồi học lớp tư trường huyện, cũng chỉ vì sợ mấy thằng cùng học trong lớp, anh không dám xin phép ông thầy đi ị. Thế là cứ ngồi đó, ị ra quần, mang thêm tội ỉa đùn. Rồi xấu hổ, sợ sệt, cả tuần không dám đi học nữa. Sau đó, đi học lại, ngày nào cũng phải có mẹ dẫn đi. Tan học, mẹ đón về. Bữa nào mẹ không đón, chúng nó lại đuổi đánh mình…. Khi viết Thằng Vũ, anh mô tả nó là một đứa trẻ thật hào hùng, học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép với thầy, thương bạn bè….

- Và không sợ đứa nào cả.

- Không đứa nào dám bắt nạt nó cả. Mà chơi, thì cái gì cũng hay cả. Trò chơi nào nó cũng đưa ra những sáng kiến tuyệt vời lắm. Nhưng đó đâu có phải là thằng Vũ Mộng Long thuở nhỏ? Không đúng đâu. Tất cả những thằng bạn anh trong truyện, đều là những nhân vật có thật ngoài đời. Nhưng đến đó là chấm dứt. Những gì thằng Luyến, thằng Vọng, thằng Côn, v.v. .., đã nói trong truyện, đều là hư cấu mà thôi. Chỉ có một chút thật về chúng nó thôi. Còn bao nhiêu, là tưởng tượng hết.

- Anh nghĩ sao về tiểu thuyết lịch sử?

- Thì cũng vậy. Chỉ có lịch sử là phải đúng thôi. Còn nhân vật, thì thằng nhà văn có toàn quyền hư cấu.

- Như vậy, Những Đứa Trẻ Thái Bình là hồi ký hay tiểu thuyết?

- Anh xếp nó vào loại tiểu thuyết lịch sử. Anh diễn tả lại tâm trạng của thế hệ thiếu niên mười ba mười bốn tuổi lúc cách mạng tháng 8, 1945 xảy ra. Bọn chúng nó có vui sướng không? Thực sự, chúng nó có được hưởng cái gì gọi là sung sướng đâu. Chúng nó biết thế nào là độc lập, là tự do đâu? Chỉ có những bài hát, loại Nhanh Bước Nhanh Nhi Đồng làm cho chúng cảm thấy vui thích. Có vậy thôi. Rồi sau đó chín năm, chúng nó găëp lại nhau. Thằng thì tàn tật, thằng thì sắp sửa vào Nam, thằng thì cuộc đời kể như phế bỏ… Chúng nó ngồi, ôn lại những kỷ niệm chín mười năm trước, thời chúng nó còn sống trong cái không khí đầy mê hoặc ấy. Một đứa hỏi: “ Cách mạng tháng 8 là gì nhỉ? Bởi vì, chỉ có chúng mình là nhớ nhiều về mùa thu cách mạng thôi.” Đứa khác nói: “Tao đánh cuộc với chúng mày, cụ Hồ đếch biết cách mạng là gì đâu. Ông Võ Nguyên Giáp cũng đếch biết gì cả. Nhưng mà các ông ấy cứ thích nói đến mùa thu cách mạng, để cho những thằng khác phải dấn thân, chịu khổ sở trong chiến đấu…”

- Anh có coi Những Đứa Trẻ Thái Bình là phần tiếp theo của những Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Khoa không?

- Chắc chắn là như vậy rồi. Chẳng lẽ lại tiếp tục viết về lúc chúng nó đã có gia đình, phải trả nợ áo cơm hàng ngày?

- Anh cho nhân vật của anh thay đổi như thế nào, khi chúng nó gặp lại nhau?

- À, thằng Luyến lúc ấy đã bị thương. Nó kể: “Mẹ, tôi có phải là thương binh đâu? Lúc Pháp tiến vào Thái Bình, tôi đang ở Đống Năm, bị đạn lạc trúng què chân. Người Pháp cũng tử tế. Biết tôi là học trò, nhà ở trong thị xã, họ cho xe chở cả gia đình tôi vào đó. Thế cho nên, tôi lại là người đầu tiên về tề”.

- Con Thúy thì sao?

- Trong những cuốn trước, anh mô tả con Thúy là đứa con gái ai cũng yêu mến hết. Nhưng tới cuốn này, khi con Thúy xuất hiện, nó đã là một con Cộng Sản rồi. Nó lấy chồng. Chồng nó cũng là Cộng Sản. Nó nói, nó đã quên thằng Vũ rồi. Nó bảo: “ Là người Cộng Sản, tôi phải nhìn về phía trước. Tôi không phải là tiểu tư sản. Tôi là người cách mạng. Người cách mạng không bao giờ nhìn về phía sau.” Bạn bè cũ, nó vất đi hết. Những đứa này thì buồn. Cũng chỉ biết buồn thôi; chẳng dám oán trách gì nó cả. Như thằng Lộc chẳng hạn. Nó chán gia đình nó lắm rồi. Gia đình nó là loại Hạc Bôn, nghĩa là chỉ giả vờ theo Cộng Sản thôi. Nó có cảm tưởng như đang bị cầm tù. Anh chị em nó bảo nó vào làm với chính quyền cộng sản. Bố nó bảo “Mày chán đời thì vào lính đi!” Đến khi quân Pháp thua, phải rút khỏi Thái Bình, gia đình nó hồi cư, nhắn người gọi nó về, Lộc thấy chỉ còn mỗi một con đường: phải vào Nam thôi. Nó xin thằng Vũ ít tiền còm, bảo thằng Luyến và thằng Vũ cố xoay cho nó chiếc xe đạp, càng nhanh càng tốt, “vì tao sợ bố tao lại lên Hà nội, tóm cổ tao về Thái Bình, là hết đi vào Nam!”

Rồi anh kể chuyện thằng Vũ quyết định ở lại miền Bắc, phố Lý Thường Kiệt. Bố nó và bà dì nó nghe lời thằng Khoa, chuẩn bị vào Nam. Trước hôm chia tay, bố nó nói chuyện với nó. Bố thằng Vũ hỏi: “Bao giờ bố con mình lại gặp nhau?” Vũ đáp: “ Con nhớ, trong trang đầu bộ Tam Quốc Chí, tác giả đã viết: Cái thế trong thiên hạ, tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan. Cho nên, con nghĩ, có thể là mười năm, hoặc là hai mươi năm nữa, hy vọng bố con mình sẽ gặp lại nhau thôi.”

Cuối cùng, còn hai đứa nhất định ở lại Hà Nội. Có cả con Ngọc nữa. Con này, ngày xưa yêu thằng Côn, nhưng thằng Côn không yêu nó.Về sau, nó yêu thằng Luyến. Thằng Luyến lúc này tàn tật rồi. Con Ngọc nói rất khôi hài: “Tại sao anh không lấy em? Tại sao anh đổ vạ là vì anh tàn tật? Ở cái thời mà mọi người phải đi lính cả, anh không phải đi lính. Anh không biết cám ơn điều đó hay sao?” Thế rồi, vân vân và vân vân.

Thằng Luyến, lúc bấy giờ đã trở thành một thứ triết nhân rồi, sau khi đi xem những thằng chủ tịch xã, chủ tịch huyện ở Thái Bình làm trò khỉ cách mạng, trở về nói với thằng Vũ: “ Đấy, mày thấy chưa? Mày đã biết sợ người Cộng Sản chưa? Ở môt tỉnh nhỏ như thế, mà họ đã làm ghê quá rồi! Thế thì, Cộng Sản lúc này mạnh lắm, mày đừng chống chúng nó nhé.” Thằng Vũ bảo: “ Đ. m, tao phải chống chứ.” Thằng Luyến khuyên nó “Không, mày đừng nên chống. Chống lại chúng nó bây giờ, mày cũng sẽ giống như một khúc củi, ném vào lò lửa thôi. Chúng nó sẽ đốt cháy mày ngay. Tao muốn mày làm một ngụm khói, để sẽ dần dần, làm tắt ngọn lửa ấy đi. Muốn được như thế, mày phải biết chờ đợi.”

Một lúc sau, thằng Luyến bảo: “ Hình như, tao muốn viết văn. Tao muốn viết về cái cầu Bo thôi. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên chiếc cầu ấy. Mày sẽ là nhân vật chính.”

Thằng Vũ nói: “Mày cứ viết đi. Nhưng làm sao tao là nhân vật chính được?”

Thằng Luyến đáp: “ Mày sẽ làm được. Nhưng mà phải đợi đã. Tao không viết ngay đâu. Có khi tao sẽ không viết được. Bởi vì muốn viết được một cuốn tiểu thuyết về thời đại của chúng mình, về những thế hệ đã sống, đã bước qua chiếc cầu Bo, thì phải lâu đấy. Phải lâu, vì một cuốn sách đã viết ra rồi, thì phải được in. Mà thời bây giờ, không ai được in cái thứ gì, thì chẳng biết bao giờ mới in được. Tao chỉ ao ước được in một cuốn duy nhất thôi.”

Hai đứa tiếp tục câu chuyện. Chúng nó nhớ đến anh bộ đội, tác giả bản Cuối Thu Đường Đời (Thực ra, đây cũng là một trong những bản nhạc, do chính Duyên Anh sáng tác). Anh bộ đội hối hận vì đã trót lỡ đi theo cách mạng mùa Thu. Mùa Thu kéo dài đã chín mười năm, để rồi cuối Thu là cái gì? Chả là cái gì cả! Chẳng được cái gì cả!

Hai đứa ngồi trong nhà, tưởng tượng một đám ma đang đi ngoài phố. Rồi tiếng nhạc, tiếng nhạc thiều trổi lên. Và hết ở đó.

Tôi hỏi:

- Như vậy, công lao đóng góp cho cái gọi là Cách Mạng Mùa Thu, là Toàn Quốc Kháng Chiến, coi như vứt đi hết?

Duyên Anh cười thú vị:

- Dĩ nhiên rồi. Mình không cần chửi rủa Cộng Sản một cách hung hãn làm gì. Cứ nhẹ nhàng đánh chúng nó như thế, cũng đủ đau thốn tim rồi.

Tôi hỏi:

- Phần anh vừa tóm tắt, là cuốn thứ mấy trong bộ sách?

- Cuốn thứ năm và thứ sáu, nếu tính theo bản in tiếng Việt.

- Còn tiếng Pháp?

- Là cuốn thứ nhì. Pháp nó in hai cuốn, coi như trọn bộ. Phần tiếng Việt, anh chưa cho xuất bản.

- Lần trước, anh nói mấy người bạn Thái Bình của anh sẽ lo việc in bộ Những Đứa Trẻ Thái Bình, bản tiếng Việt?

- Ừ, có lẽ anh sẽ nhờ anh Truyền lo việc này.

- Anh Truyền ở Georgia?

- Ừ. Mà cũng có thể, anh nhờ Vũ Băng Đình. Anh vẫn chưa nhất định gì cả.

Tôi hỏi:

- Thế còn Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ?

- Bộ này, anh viết xong hồi 1975. Chưa in, thì Việt Cộng vào, tịch thu mất bản thảo. Sang Pháp, anh phải moi óc viết lại. Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ chính là Những Đứa Trẻ Thái Bình đấy.

Duyên Anh tiếp:

- Mà lạ lắm, tụi Tây nó khen bộ sách này không hết lời. Nó bảo anh là très grand écrivain. Nó bảo anh đã viết một tiểu thuyết lớn về thế hệ của mình. Trong bài tựa, chúng nó ca ngợi quá, không biết thằng nào viết. Ở nước mình, và ra hải ngoại, mấy ông nhà văn xưng tụng lẫn nhau là nhà văn lớn, đã tưởng là ghê lắm rồi. Ở đất nước mình, phê bình văn học thường chỉ là bạn bè bốc nhau lên thôi. Ra hải ngoại này, đã anh nào được bọn Tây, bọn Mỹ xưng tụng là très grand écrivain chưa nào?

Duyên Anh bật cười:

- Thế mà bọn Tây đã khen anh như thế đó. Thế thì làm sao anh không khoái cho được? Anh bằng lòng lắm! Đ.m, très grand écrivain! …

Khoảng 11 giờ sáng, chúng tôi xuống đến khu vực Westminster. Tôi lái đến tiệm Avitek Trang Châu, định thăm Lê Quý An, nhưng anh không có ở đó. Buổi trưa, chúng tôi ghé Nguyễn Huệ. Duyên Anh gọi hai món anh thích: canh cá thì là, đậu phụ rán om cà chua. Sắp sửa ăn, thì Việt Dzũng bước vào. Vừa thấy Duyên Anh, Việt Dzũng mừng rỡ, vội vàng tiến lại chào hỏi. Tôi mời Việt Dzũng ngồi ăn luôn cho vui, nhưng Dzũng nói “em ăn cơm rồi, cám ơn anh. Em chỉ muốn hỏi thăm anh Duyên Anh vài câu thôi”. Rồi Việt Dzũng quay sang Duyên Anh:

- Hôm nào anh rảnh, em muốn bắt cóc anh một buổi lên đài với em.

Tôi vui mừng, vì đây là dịp để Duyên Anh nói về mấy tác phẩm mới của anh. Nỗi vui mừng tắt vội, khi Duyên Anh nghiêm mặt:

- Lúc này cậu ngon lành quá rồi nhỉ? Trước đây, cậu vẫn bố bố con con với tôi cơ mà. Nhưng mà thôi, cậu muốn gọi tôi là gì cũng được, là anh, hay là thằng cũng chẳng sao. Rảnh, thì tôi cũng không rảnh lắm đâu. Cậu cần gặp tôi lúc nào, cứ liên lạc với Vũ Trung Hiền.

Tôi trao cho Việt Dzũng tấm danh thiếp, và thấy rõ nét bẽ bàng trên khuôn mặt chàng nghệ sĩ tài hoa.

Việt Dzũng đi rồi, tôi có ý trách Duyên Anh:

- Anh hơi nặng lời với thằng bé đấy. Nó là một nhân vật đang lên, có khiếu đặc biệt về truyền thanh, và được rất nhiều thính giả yêu mến. Nhiều người ra sách, làm băng nhạc còn phải mất tiền mới được nó phỏng vấn đấy…
- Nhưng mà tự nhiên, nó đổi giọng, gọi mình bằng anh. Trước đây, ở Việt Nam, nó là bạn của thằng Tý, con anh mà.
Tôi yên lặng, không nói gì thêm. Tôi định nói với Duyên Anh là anh đã để lỡ mất một cơ hội.
Đúng như tôi nghĩ, Việt Dzũng nhận danh thiếp của tôi, nhưng không bao giờ gọi lại, để hỏi về Duyên Anh hết.
Xế trưa, tôi lái xe đến công viên Mile Square, tìm chỗ có bóng mát. Chúng tôi nghỉ ngơi tới chiều, rồi đến quán Anh Thy, nơi anh em tôi ăn mừng sinh nhật thứ sáu mươi của Duyên Anh.
Duyên Anh chỉ gọi cho một người bạn thân của anh, mời anh này đến quán, cùng chung vui với chúng tôi.
Bên mấy chai bia Heineken và vài món ăn giản dị, Duyên Anh cười vui, kể lại thời gian anh ở Denver và Wichita:
- Đ.m, không biết có phải vì mình què rồi hay không, mà bây giờ thiên hạ, nhiều người thương mình ghê! Tao đi đến đâu, cũng gặp độc giả cũ hết. Họ tiếp đón, đãi đằng tao chí tình lắm. Mình cũng hãnh diện chứ! Còn đ.m, làm sao mà giữ cho khỏi có đứa ghét mình. Chúa Jesus, chúng nó còn ghét. Cả Phật cũng từng bị chúng nó ghét đấy chứ. Tao còn nhớ, thượng tọa TNH có lần nói với tao “Thuở ấy, mấy người ghét Phật còn vu cho Ngài tội hiếp dâm nữa.”
Anh bạn hỏi:
- Mày có hay gặp TNH không?
- Mới đây thì không. Nhưng trước khi tao bị đánh, có gặp ông ta hai lần. Ông ấy rủ tao xuống Làng Hồng, Làng Mai gì đó, nhưng tao chưa có dịp đi bao giờ. Lúc tao què rồi, gặp thêm một lần nữa. TNH thích đọc tao lắm. Thấy tao ngồi ăn cơm, dùng tay trái xúc cơm, ông ấy hỏi “Này anh Duyên Anh, anh còn nhớ thằng Vũ thích ăn cơm với gì không?” Tao chưa kịp trả lời, ông ấy đã kể một lô, nào là canh bánh đa, nào là cải bẹ xanh nấu cua đồng. Đ.m, tao cảm động quá, vì biết ông ta đọc mình rất kỹ. Tao hỏi TNH “Thưa thầy, tôi nên viết về cái gì bây giờ?”, ông ta trả lời “Tôi thiết tưởng, anh nên tiếp tục viết về thằng Vũ, thì hay lắm.”
Duyên Anh chợt phá lên cười thích thú:
- Đ.m, tao nghĩ, TNH làm được nhiều việc có giá trị, một phần cũng nhờ đệ tử CK của ông ấy, nghĩa là cô CNP đó. Thế nhưng, ông ấy đã làm được nhiều điều tốt, mình cũng chẳng nên khe khắt với ông ấy làm gì. Phật giáo đâu có cấm người ta lấy vợ? Trước đây, Đức Phật cũng có vợ, rồi mới đi tu, có sao đâu? Đ.m, chúng nó là cái gì mà cứ thích đặt ra luật lệ, để cấm người ta? Tao nghĩ, ông TNH có quyền tự do của ông ấy; miễn là ông ấy tiếp tục làm những việc có lợi cho văn hóa Việt nam thôi. Chỉ nội một cái thiền thôi, ông ấy cũng hơn thiên hạ rồi. Thiền ăn, thiền uống, thiền đi, thiền đứng…, cái gì cũng thiền dược hết. TNH muốn gì? Ông ấy muốn người tu hành Việt nam trở về thuở huy hoàng của đời Lý, đời Trần. Ông ấy đã phát minh ra lối thiền hoàn toàn Việt nam, không ảnh hưởng của bất cứ nước nào hết. Thế là đáng đồng tiền bát gạo rồi. Thử hỏi, có thằng nào làm được như ông ta chưa? Thằng nào dám nghĩ như ông ta chưa? Tao là thằng không dám phán xét ai về chuyện ph. hết. Anh cứ tha hồ ph. đi. Miễn là anh làm được việc thôi. Còn ph., mà không làm được việc, thì chỉ khổ cho vợ, cho con anh thôi.
Anh bạn nói:
- Mẹ, ông cha TVN của mày, hồi dạy ở Đại Học Văn Khoa, cũng gớm lắm đấy nhé!
Duyên Anh:
- Ngay cả giáo hội, đặt ra luật lệ này nọ để cấm mấy ông cha, cũng là bố láo cả thôi. Mày phải biết, tao vào đạo công giáo rồi; những tao nói như thế đấy. Tao đã từng nói với mấy ông linh mục như thế này “Thiên Chúa Giáo hay lắm; nhưng tôi hỏi thử các cha, các cha có biết Chúa Giê xu chết như thế nào không?” Một ông trả lời “Có chứ. Chúa phải giang hai tay ra, để quân ác đóng đinh vào thập tự.” Tao hỏi tiếp “Thế có ai đến hôn tay Chúa không?” Các ông ấy chưa hiểu tao muốn nói gì, thì tao hỏi tiếp “Chúa Giê Xu có cái nhẫn, để mọi người níu lấy, quỳ xuống hôn không? Ông ấy có cái gậy nạm vàng, cái mão nạm ngọc, để cho người ta quỳ xuống chiêm ngưỡng, như chiêm ngưỡng ĐGH không?” Mấy ông ấy đ. trả lời tao được. Đ.m, theo Chúa là phải chịu nghèo khổ, thì mới đáng cho người ta kính phục chứ!
Liền sau đó là chuỗi cười dòn dã, sảng khoái, ngạo mạn quen thuộc của anh.
Duyên Anh và anh bạn nhắc đến những người bạn cũ còn ở lại Việt Nam. Người bạn hỏi:
- Trước khi đi, mày có gặp Nguyễn Thụy Long không?
- Không. Tao chỉ nghe nói nó làm nghề chữa xe đạp, hay lắp ráp xe đạp gì đó. Vợ nó bỏ nó rồi. Nó lấy vợ mới, lại có con như thường.
- Thế còn thằng Tú Kếu?
- Nó vẫn ở trên Blao. Nó làm rể một ông chủ đồn điền trà.
- Như thế, nó cũng yên phận rồi. Còn mày, tao nghĩ, nếu mày ở lại, viết truyện trẻ con không thôi, chắc chúng nó cũng để cho mày yên…
Duyên Anh ngắt lời người bạn:
- Yên thế đ. nào được với chúng nó. Thời gian ấy, vợ con tao đi rồi, tao phải nghĩ cách dzọt chứ. Với lại, mình đã trót thù ghét chúng nó, thì lúc nào mình cũng thù ghét thôi. Vấn đề là, chúng nó cứ tiếp tục làm những điều để mình phải thù ghét chúng nó. Chứ mình có muốn thù ghét ai đâu? Mình chỉ muốn được sinh ra đời để viết văn thôi. Chẳng những chúng nó đ. cho mình viết văn; lại còn bắt mình đi tù gần sáu niên nữa. Thế thì đ.m, mình ở làm sao được với chúng nó. Tiếp tục ở lại, một là mình phát điên, hai là mình lại phản động hiện hành, để chúng nó tiếp tục nhốt dài dài thôi.
Một nhà báo quen chúng tôi, từ bàn bên kia, bước qua ngồi góp chuyện.
Câu chuyện lan man tới thời gian tù tội. Duyên Anh nói:
- Đ.m, cái nhục của tao và những thằng bị bắt nhốt, là chúng nó chỉ cho những bọn cai tù từ 18 đến 25 tuổi giáo dục mình thôi. Bọn này đáng tuổi con cháu mình. Mình ngậm miệng, nhắm mắt mà bước đi, không chống lại bọn này, thì bạn đồng tù lại cho rằng mình hèn. Một số người cứ chửi tại sao tao hay tội nghiệp những thằng coi tù đáng tuổi con cháu mình, cho chúng ăn, đãi chúng thuốc lá. Những thằng này, có khi xa nhà cả hai ba năm, chưa về thăm cha mẹ vợ con được, vì không có tiền mua vé xe mà về. Chúng nó ăn uống cũng khổ lắm, chứ không hơn gì bọn tù chúng tao đâu. Tù lại còn được thăm nuôi. Chúng nó có ai thăm nuôi bao giờ. Tao mong cho những người tù cải tạo sang đây hết đi, để họ kể lại đời sống trong tù như thế nào…
- Từ từ, rồi thì họ cũng sang hết thôi…
- Từ tá đến tướng, chúng nó cũng thả hết, rồi cho đi HO…
Nhân nhắc tới HO, ông nhà báo cho biết điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu cũng vừa qua theo chương trình này. Rồi kể giai thoại trong tù “ Nguyễn Thanh Thu bị tụi nó bắt vẽ hình Hồ Chí Minh, nhưng lại chơi xỏ, vẽ HCM thành ra hình ông Thiệu, nên bị tụi nó nhốt.”

Duyên Anh nghe không rõ, nói ngay:
- Có phải Nguyễn Thanh Thu vẽ hình ông Hồ Chí Minh đâu? Ông Tạ Tỵ đấy chứ. Đ.m, tao ghét những thằng chửi những người đã bị tù, mà lại chửi trong lúc người ta vắng mặt. Nguyễn Thanh Thu là nhà điêu khắc vào hạng nhất của Việt Nam rồi. Tao khoái Nguyễn Thanh Thu và tác phâåm Tiếc Thương dựng ở Nghĩa Trang Quân Đội của anh ta lắm. Việt Cộng nó phá bức tượng ấy rồi. Anh ta cũng điêu khắc bức tượng nhỏ, hình như là bức tượng Được Mùa, dùng làm giải thưởng điện ảnh thời Nguyễn Văn Thiệu.
Rồi Duyên Anh kể lại câu chuyện về giải thưởng điện ảnh này:
- Lúc ấy chúng nó làm cuốn phim Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tao. Thế rồi, chúng nó gửi cho tao cái tượng vàng điện ảnh. Đ.m, cho như thế là cho tầm bậy thôi. Tao gạ bán cái tượng vàng ấy cho Quốc Phong, lấy mười lăm ngàn thôi. Quốc Phong đ. chịu mua. Tao đem về nhà. Dạo đó, tao có nuôi mấy con gà. Chuồng gà đặt ở ngoài sân. Buổi sáng, mấy con gà hay nhảy ra ngoài , vì nóc chuồng nhẹ quá. Tao bèn lấy cái tượng vàng giải thưởng văn học nghệ thuật tổng thống ra gác lên nóc chuồng gà. Thế mà, Nguyễn Văn Thiệu cũng chẳng làm gì tao cả.
Ông nhà báo nói về trường hợp Vũ Thành An trong thời gian ở tù, rồi kết luận:
- Tôi nghĩ, để cho êm đẹp, anh ta nên xin lỗi mọi người, nhất là về bài hát nhục mạ quân đội …
Duyên Anh nói ngay:
- Việc đ. gì phải xin lỗi. Vũ Thành An nó làm bài ấy đúng quá đấy chứ? “Nay mới biết đế quốc Mỹ là quân xâm lược..” Đúng là thằng Mỹ xâm lược Việt nam rồi. Người quốc gia Việt nam thực sự, có ai muốn mời Mỹ sang tàn phá đất nước mình đâu? Chính bọn Mỹ nó chủ động kéo quân sang đấy chứ? “Nay mới biết ngụy quyền là lũ tay sai” lại cũng đúng nữa! Bọn Thiệu Kỳ, không phải tay sai Mỹ, thì là cái gì bây giờ?
Người bạn Duyên Anh:
- Hồi Vũ Thành An làm trưởng ty dân vận chiêu hồi Gia Định, nó hay mặc áo bốn túi, một thứ đồng phục của phe cánh Hoàng Đức Nhã…
Duyên Anh:
- Nhưng mà thôi, nhắc lại chuyện tù tội mãi làm gì? Đấy là vết đau chung của hàng triệu gia đình. Ai ở miền Nam sau 75 mà không có thân nhân bạn bè ở trong hoàn cảnh ấy?
Người bạn nói:
- Thằng Nguyễn Hải Chí cũng tội lắm.
Duyên Anh:
- À, thằng Chóe. Nhưng tao thấy, ông Côn mới đáng tội nghiệp. Trước 1975, ông ấy vẫn tự hào là người hiểu cộng sản nhất miền Nam. Thế mà, lúc vào tù, ông ấy bảo tao “Bây giờ, tôi với cậu viết một bài thật hay, tả cảnh học tập ở trại này đi.” Tao hỏi “Viết để làm gì, hả anh?” Ông ấy trả lời “Thì để cho cán bộ thấy rằng mình học tập đã tiến bộ, đã phản tỉnh rồi.” Tao bảo ông ấy “Anh viết, thì viết đi. Còn em, không viết. Bởi vì, nhỡõ em không phản tỉnh được đúng nghĩa như anh thì đ.m, lại chết nữa.” Rốt cuộc, có trách ông Côn, thì chỉ nên trách thuốc phiện thôi. Bởi vì, chính thuốc phiện đã làm đầu óc ông ấy suy nghĩ lạ lùng như vậy đấy…
- Cũng giống như ông em của DL. Trong Đêm Giáng Sinh ở Trại Kà Tum, ông ấy mô tả đời sống trong trại cải tạo thơ mộng lắm, cứ như là đi nghỉ dưỡng sức ấy.
- Ông NMG mới ghê chứ. Trên báo Tin Sáng năm 1979, chúng nó đăng hình ông ấy to tướng, và một bài phỏng vấn ông ấy. Ông G. nói ông ấy phải kiếm ăn bằng cách làm mì sợi, mì siếc…, và chửi bọn văn nghệ Ngụy tơi bời…
Người bạn Duyên Anh:
- NMG làm gì trước 75?
- Ông ấy là thầy giáo, như thằng em tao đây. Rồi được làm chức chánh sở giáo dục gì đó ở miền Trung. Chẳng biết vì sao, chúng nó cách chức ông ấy. Ông G. viết một bản trần tình, in ronéo, gửi đến các báo ở Saigon…
- Trần tình cái gì?
- Rằng ông ấy bị oan, rằng chính quyền đổ vạ cho ông ấy thôi…Nhưng cũng chính nhờ vậy, mà ông ấy đ. phải bị đi học tập. Bảy tám năm trước, tao gặp thằng chủ báo lai tầu, tao quên tên nó rồi, chỉ biết nó có con vợ chuyên môn hát dân ca…
Tôi hỏi:
- Cô DC, phải không?
- Ừ đúng rồi. Thằng tầu lai này kể với tao mấy chuyện rất thú vị về thời gian ông G. làm cho nó. Nhưng thôi, tao chán nói về ông ấy rồi. Ông ấy chỉ được mỗi một cái hay, là nhà văn đẹp trai nhất nước thôi..
Người bạn Duyên Anh:
- Đẹp trai bằng thằng T. không?
Duyên Anh cười:
- Có lẽ cũng gần bằng. Con NC nó vẫn ghét con TH, vợ thằng TN. Nó cũng ghét con TD nữa. Tao nghe chúng nó kể lại, một hôm hai con này nói chuyện với nhau. Con này hỏi con kia “Sao, mày mới đẻ con. Con mày có đẹp không?”. Con kia đáp “ Con tao, cũng thường thôi. Nhưng mà, nếu nó…, thì nó lấy được NC rồi.”
Sau một chuỗi cười dòn tan, Duyên Anh tiếp:
- Đ.m, mấy con đàn bà nó ăn nói độc địa lắm! Con TH lại càng độc nữa. Nó viết văn cũng đã độc rồi mà…
Câu chuyện bắt qua băng nhạc Ru Đời Phù Ảo của Duyên Anh:
- Hồi ấy, thằng Nam Á trả mười ngàn francs cho PD về hai bài thơ của tao, do ông ấy phổ nhạc. Ông ấy giữ hết…
Người bạn hỏi:
- Lẽ ra ông ấy phải chia cho mày một nửa?
- Ở đâu cũng vậy hết, mỗi bên phải một nửa chứ. Anh là nhạc sĩ, còn người ta là tác giả, phải chia đôi ra…Nhưng mà ông ấy không làm thế, dù lúc ấy, tao mới đến Paris, tiền bạc có gì đâu? Vì thế, ông ấy bảo tao “cậu về nhà tôi ở, nhà tôi rộng lắm”, tao cũng chỉ nghe vậy thôi. Về làm sao được?
Người bạn:
- Ông ấy phổ của mày hai bản nào?
- Em, Anh Đã Đến Paris, và Có Bao Giờ Em Hỏi. Về chuyện tiền bạc, ông ấy chơi không được.
- Lúc còn ở Việt Nam, tụi Mỹ ở USIS cho làm cuốn phim Con Búp Bê Nhồi Bông. Cốt truyện của thằng LTĐ. PD đứng ra làm, nhưng không chia cho thằng Đ. đồng nào cả. Cho đến khi tao làm cho USIS, và nắm văn phòng đó, thằng Đ. đến chơi, tao lục hồ sơ cũ, đưa cho nó xem PD lãnh bao nhiêu, ngày nào tháng nào, rõ ràng hết. Thế là, bao nhiêu hào quang của thiên tài biến mất hết. Nhưng mà, phải công nhận, thằng LTĐ rất tốt. Khi có thằng trong nhóm Chân Tín viết chửi PD, tao không nhớ tên thằng ấy…
Tôi nhắc:
- Nguyễn Trọng Văn.
Người bạn gật đầu:
- Đúng rồi. Thằng Đ. viết bài, quạt lại bọn kia ngay. Sau đó, lúc thi sĩ NTN được ông ấy phổ nhạc cho mấy bài, thằng bé hỏi chuyện chia tác quyền, ông ấy bảo, đại khái “Thơ của chú mày, đã được PD phổ nhạc, để cho chú mày nổi tiếng, là phước lắm rồi. Còn đòi hỏi tác quyền chi nữa?”
Duyên Anh:
- Hồi tao còn ở Paris, khoảng 84, 85, PD qua chơi. Tao gặp ông ấy trong một buổi họp mặt văn nghệ. Chúng nó đang nói chuyện về Văn Cao. PD bảo “Moa đã từng sửa hộ Văn Cao mấy bản nhạc.” Tao cáu sườn, nói liền “Ông đừng nói nữa, kẻo tôi lại phải nói!” Ông ấy im ngay. Nếu không, tao sẽ cho ông ấy biết, Văn Cao đã viết Buồn Tàn Thu, với dòng chữ ghi ngay ở đầu bản nhạc “ Tương Tiến PD, người đã mang nhạc buồn của tôi gieo khắp chốn”, có nghĩa là lúc bấy giờ, ông ấy mới chỉ đi hát nhạc của người ta thôi. Chưa sáng tác, thì làm sao đòi sửa nhạc của người ta được? Văn Cao viết Sông Lô trước. Một thời gian sau, PD cũng viết Sông Lô theo. Văn Cao viết Thiên Thai trước, từ thuở tiền chiến. Để cho mình cũng được nổi tiếng như Văn Cao, PD phổ nhạc Tiếng Sáo Thiên Thai, thơ của Thế Lữ. Văn Cao đã viết Trương Chi, từ thuở tiền chiến cơ. PD cũng viết Mối Tình Trương Chi. Vân vân, và vân vân. Như thế là đủ biết, PD chỉ đi theo chân Văn Cao mà thôi, chứ hơn Văn Cao thế đ. nào được? PD còn lấy bài Đàn Chim Việt của Văn Cao, hay như giời ấy, đổi lại thành bài Bến Xuân. Nhiều người không biết, trước khi Đàn Chim Việt bị đổi lời, Văn Cao đã làm hai câu cuối của bản tình ca ấy như thế này.
Duyên Anh nhắm mắt lại, nghiêng đầu, cất tiếng hát:
Nghe đâu đây ríu rít tiếng oanh ca, ánh đèn Hàng Gai ló ra
Đâu thấy nụ cười Nga
Ông ấy lại còn làm đơn xin về Việt Nam nữa. Hai vợ chồng cùng làm đơn xin về, nhưng nó chỉ cho bà vợ về thôi. Đ.m, nhục lắm! Tao mà như ông ấy, tao đ. thèm làm đơn. Chừng nào chúng mày mời tao về, có thể là tao sẽ về. Chứ phải làm đơn, là không có tao rồi.
- Ông ấy đã từng đặt vấn đề “Ta chống cộng hay ta trốn cộng, đây là điều ta phải hỏi ta, nhắc ta”, và xác nhận lập trường kiên quyết “ta chống cộng, ta không trốn cộng, ta phải về lấy lại quê hương”…
Duyên Anh:
- Ông ấy có thể là thiên tài âm nhạc. Đồng ý. Nhưng đòi hỏi lập trường chính trị ở ông ấy làm gì? Thấy cái gì có lợi, là ông ấy theo thôi. Lẽ ra, tên ông ấy, phải là PDLợi mới đúng (Duyên Anh có nhận xét này từ trước khi GS Lê Hữu Mục lên tiếng về lời tuyên bố Tôi Có Chống Cộng Bao Giờ Đâu, Tôi Chỉ Chống Gậy Thôi và Nếu Bây Giờ Có Ai Cho Tôi 10 Ngàn Đôn, Bảo Tôi Làm Nhạc Ca Tụng Hồ Chí Minh, Tôi Sẽ Làm Ngay). Ông NS cũng vậy. Ông ấy thu băng hai bài hát của LTN, hứa trả cho LTN hai trăm đôn, mà rồi có trả được đồng nào đâu. LTN nhắc vài lần, ông ấy lờ đi. Rồi cũng thôi luôn. Mà có phải ông ấy nghèo gì cho cam? Ông ấy di tản trước 30 tháng 4, dĩ nhiên là phải đem theo chút ít chứ. Ngay cả tao, ông ấy cũng còn không trả nữa mà.
Tôi hỏi:
- Lẽ ra, ông ấy phải trả anh bao nhiêu?
- Có hai trăm rưởi thôi. Cho năm bài báo. Nhưng mà anh cũng đ. nói. Cứ để họ biết vậy thôi. Có vậy, họ mới sợ mình…
Điếu thuốc trên tay đã gần tàn, Duyên Anh thong thả dụi vào chiếc gạt tàn, rút điếu mới. Rít một hơi thuốc, anh tiếp:
- Cái chuyện ông NS vái ông MT, ông MT vái ông NS, đưa nhau lên hai đỉnh núi văn học, thì cũng không hẳn là vái thực tình đâu. Mình phải ngược dòng thời gian, trở lại cái quá khứ Saigon của mình, thì mới rõ được. Trước tiên, vì bất bình với trường TS của NST, ông NS, chủ trường VH, chửi NST. MT bênh NST, nhảy vào cuộc chiến. Thế là, hai ông MT, NS đánh nhau trên báo. MT đi kiếm TVT, em rể của NS, để tìm cách chơi NS. Mày biết không, trước khi viết bài đánh MT, NS đến quán cà phê ba tầu gần tòa báo Công Luận, mời tao xuống nói chuyện. Ông ấy có bao Pall Mall, nhưng mà để trong túi áo thôi, hút điếu nào, rút ra điếu ấy. Còn tao, tao để cả gói thuốc trên bàn, đứa nào muốn lấy hút cũng được. NS bảo tao “Ông nên đứng trung lập cái vụ này, để mặc tôi đánh MT và đồng bọn.” Tao bảo “Ông muốn tôi trung lập, thì lúc nào tôi cũng trung lập thôi. Mẹ, các ông cứ đánh đấm nhau đi, nhưng mà đánh vừa vừa thôi nhé, kẻo tôi lại cáu tiết, nhảy vào bất cứ lúc nào đấy.” Thành ra, chúng nó cứ đánh nhau, đến lúc chán rồi, cũng nghỉ thôi. Nhưng mà, tao biết, MT hạän NS, còn NS hận MT và TVT lắm. Bây giờ sang đây, không biết sao, hai ông ấy lại chơi thân với nhau được?
Câu chuyện giữa Duyên Anh và người bạn thân còn tiếp tục cho tới mười rưỡi đêm, khi anh kết luận:
- Đ.m, tao cũng khổ vì đã biết quá nhiều chuyện của chúng nó. Chúng nó ghét tao, và sợ tao, có lẽ cũng vì cái sự biết quá nhiều của tao thôi…
° ° °
Hôm sau, tôi hỏi Duyên Anh kỹ thuật viết truyên tuổi thơ của anh. Duyên Anh nói:
- Khi viết về tuổi thơ, không nên để cho những nhân vật của mình bày tỏ ý nghĩ của chúng một cách dài dòng. Chỉ nên thoáng qua thôi, rồi lại đến cái khác. Vì trẻ con không giống người lớn. Khi nói, hay nghĩ về một vấn đề gì đó, người lớn phải tìm cách giải thích sao cho nó hợp lý. Trẻ con thì không như vậy. Chúng nó không cần giải thích, và cũng không cần biết mình đã nói cái gì cả. Cho nên, phải viết rất ngắn, và chuyển ngay sang cái khác. Trẻ con thích mới, mới, và mới. Chúng nó không thích nhắc lại cái cũ nữa. Vừa nói xong cái gì, chúng nó quên ngay, và đi tìm một trò chơi mới…
Ngừng một vài giây, anh tiếp:
- Viết về tuổi thơ, mình cần phải có một chút khôi hài mới được. Mình có máu cười, nhân vật của mình mới khôi hài được. Đã chơi, là không thể nghiêm trang được rồi. Khi trẻ con đã vào cuộc chơi, chúng nó có thể sẽ đùa nghịch, chọc ghẹo, hay ngay cả, đôi khi, làm đau bạn chúng nó, nhưng hoàn toàn không vì ác ý. Khi cho trẻ con vui đùa trong các trò chơi, mình có thể mô tả thật chi tiết những kiểu trò chơi ấy, và viết dài được. Nhưng nếu cho trẻ con suy nghĩ, cũng chỉ nên cho nó suy nghĩ thoáng qua thôi. Ví dụ, thằng bé thắc mắc không hiểu tại sao thầy giáo nó bị mật thám Tây đến tận trường bắt. Nó có thể thoáng buồn một chốc, có thể đặt ra một số thắc mắc, không biết phải hỏi ai. Nhưng rồi, có thằng bạn nào đến rủ đi chơi, nó đi ngay…
- Nghĩa là phải thật hồn nhiên mới được?
- Đúng thế. Lúc viết, mình phải đặt mình vào tâm trạng của mình, khi còn là một đứa bé, mấy chục năm trước, thì mới được. Có lẽ, anh nên thôi viết cho người lớn, để trở lại viết cho thiếu nhi mới được. Viết cho trẻ con, thú vị lắm! Trong cuốn Hạ Ơi, anh có cho đăng một bài tựa đề Tôi Phỏng Vấn Tôi, trong đó, anh nói nhiều đến chuyện này….
Vừa nói đến đây, điện thoại reo. Tôi nhấc máy. Một giọng phụ nữ:
- A lô, có ông Duyên Anh ở đó không ạ?
Tôi nói “Có, xin bà chờ một chút,” rồi đưa máy cho Duyên Anh. Nghe anh nói “À, em đấy hả,” tôi rời phòng.
Tháng 2/1997
Vũ Trung Hiền
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...