Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Duyên Anh và tôi 2

Duyên Anh và tôi 2

Chương 4

Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, 1988, Julie và Trần Đình Thục mời anh chị Duyên Anh đến ở chơi nhà hai người. Thỉnh thoảng, tôi ghé chơi thăm Duyên Anh; Julie kho thịt, nấu canh cà chua, mấy anh em cùng ăn; còn Trần Đình Thục hay làm món Tây, đãi chúng tôi với rượu vang.
Thời gian này, Julie đang sống với Trần Đình Thục ở căn nhà xinh xắn trên đường Edwards, thành phố Westminster; vườn hoa sau nhà có một hồ nhỏ nuôi cá vàng.
Trần Đình Thục là một nghệ sĩ có thực tài. Nhiều người biết anh qua nghệ thuật nhiếp ảnh, trình bày bìa sách, poster, và bìa băng nhạc. Có lẽ, ít người biết anh vốn là một kiến trúc sư, tốt nghiệp Đại Học Kiến Trúc Saigon, một họa sĩ chuyên vẽ truyện bằng tranh tiếng Pháp, và từng cộng tác với các nhà xuất bản bên Âu Châu. Tôi được xem một số họa phẩm của Trần Đình Thục; và thật sự khâm phục cái tài hoa trong nét vẽ độc đáo của anh.

Julie, mà tên tuổi gắn liền với Mùa Thu Chết của Phạm Duy, đã gặp gỡ và thân thiết với Duyên Anh từ mấy năm trước tại Paris. Trần Đình Thục biết Duyên Anh, qua Bùi Bỉnh Bân. Cả Trần Đình Thục và Julie đều coi Duyên Anh như người anh lớn trong nhà. Họ dành cho anh chị Duyên Anh một phòng riêng.

Một buổi tối, khoảng hơn 10 giờ, tôi đã lên giường, sắp sửa ngủ; chuông điện thoại chợt vang lên. Tôi nhấc máy. Đầu giây bên kia, tiếng Duyên Anh:
- Em xuống đây, đón anh ngay về Pasadena đi.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy anh?
Duyên Anh có vẻ gay gắt:
- Cứ xuống đây ngay đi. Rồi anh sẽ kể cho nghe.
Tôi mặc vội quần áo, phóng xe xuống đến nơi, đã thấy Duyên Anh ngồi trước cửa, chiếc va li nhỏ đặt bên cạnh.
Vừa thấy tôi, anh xách va li, bước vội ra. Tôi vòng tay, mở cửa sau cho anh bỏ va li vào. Duyên Anh vừa vào ngồi phía trước, đã nói ngay:
- Mẹ nó, bực mình quá!
Tôi sang số, quay qua hỏi:
- Chị đâu rồi anh?
Vừa lúc đó, chị Duyên Anh từ trong nhà chạy ra, đưa tay vẫy, như muốn ra dấu cho xe ngừng lại. Nhưng Duyên Anh đã giục tôi:
- Phóng luôn đi!
Tôi rồ ga, cho xe vòng ngược ra đại lộ Westminster, hướng về Freeway 405. Duyên Anh nói:
- Vừa mới cãi nhau một trận kịch liệt.
Tôi hỏi:
- Đầu đuôi như thế nào?
- Bà ấy nhất định cho là anh ngủ với con Julie.
Tôi thắc mắc:
- Nhưng cái gì khiến cho chị ấy nghĩ như thế?
- Buổi chiều thu dọn phòng, bà ấy thấy có chiếc bít tất trẻ con ở cuối chân giường. Rồi nhất định bảo đó là bít tất của Julie.
- Sự thật bít tất ấy của ai?
- Của con thằng Joe Marcel. Vợ nó bế con vào phòng của anh và bà ấy, thay tã cho đứa bé. Sáng nay, vợ chồng Joe Marcel đến chơi mà. Một chiếc vớ của đứa bé tụt ra hồi nào, chúng nó đâu có để ý?
Tôi thắc mắc:
- Sao anh không giải thích cho chị ấy hiểu như thế?
Duyên Anh “hừ” một tiếng:
- Bà ấy có chịu nghe anh nói đâu!
- Nếu không nghe, sao anh không nhờ vợ chồng Joe Marcel gọi lại, kể rõ đầu đuôi. Hoặc họ đem chiếc vớ kia tới. Hai chiếc vừa một đôi là coi như anh được giải oan thôi.

Duyên Anh chép miệng:

- Nghĩ được như em thì làm gì có chuyện!

Yên lặng một lúc, anh nói:

- Thằng Thục nó như em của anh. Anh đâu có thể làm những chuyện để nó coi thường anh được.

Tôi không hỏi gì thêm, lặng lẽ lái xe đưa anh về Pasadena. Hôm sau, chị Duyên Anh gọi điện thoại lên, nhưng anh còn giận chị, không nói chuyện. Chị Duyên Anh lên Rowland Heights, ở nhà một người bạn mấy ngày, trước khi trở về Pháp.

Về phần Duyên Anh, cuốn hồi ký văn nghệ Nhìn Lại Những Bến Bơø đã xong. Trong mấy hôm sau đó ở nhà tôi, anh quay sang làm thơ. Chiều nào tôi đi làm về, anh cũng gọi tôi vào, đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới làm xong trong ngày. Ý tứ và ngôn ngữ trong những bài thơ này rất lạ:

Đôi Mắt Ấy

Nó nhìn chim họa mi đậu trên cành véo von hót, tưởng rằng kên kên rỉa xác
Nó nhìn chim én bay về dựng mùa Xuân, tưởng rằng phi cơ vận tải đạn bom
Nó nhìn dòng sông phù sa mầu mỡ, tưởng rằng đại dương mênh mông máu đỏ
Nó nhìn ruộng nương xanh ngát hiền hòa, tưởng rằng mộ bia chi chít tha ma
Nó nhìn núi rừng thơ mộng, tưởng rằng xương khô chất đống
Nó nhìn em bé nô đùa, tưởng rằng quỷ sứ hò hét tung hô
Nó nhìn cuộc đời, tưởng rằng hắt hiu tàn tạ
Nó nhìn con người, tưởng rằng chết queo mục rã
Tưởng rằng nước mắt không rơi, tưởng rằng đã hủy diệt nụ cười
Nó nhìn em sảng khoái, nó nhìn anh, nhìn nhân loại
Nó nhìn xa không thấy
Ta tội nghiệp hận thù

Mơ Ước

Cho tôi một thế giới loài người hữu nghị bằng trái tim của đôi trai gái si tình
Cho tôi một thế giới không thép gai chủ nghĩa rào lấp biên thùy
Không giấy thông hành xét hỏi đến đi
Cho tôi một thế giới đạn nổ thành áo cơm, bom nổ thành hạnh phúc khôn cùng
Cho tôi một thế giới phản lực cơ chiến lược chở tình thương, tiềm thủy đĩnh nguyên tử thám hiểm đáy biển mộng mơ
Cho tôi một thế giới không ai còn thèm nghĩ cách giết nhau, không còn ai sống chết đớn đau
Cho tôi một thế giới không còn nhà lao, trại tập trung, kẻng tù, xà lim, cachot, song sắt, xích còng
Cho tôi một thế giới trò chơi con nít thay chiến tranh, thù hận tiên phong giăng biểu ngữ hòa bình
Cho tôi một thế giới loài người gặp nhau nói chuyện thật nhiều

Tình yêu

Di Chúc Của Một Lãnh Tụ

Ông ta đứng giữa trái đất hò hét “ Hãy diệt nhân loại theo lệnh ta
Nhân danh chủ nghĩa tinh hoa, nhân danh giáo điều kỳ bí, nhân danh ý thức hệ, nhân danh bá chủ hoàn cầu
Hãy hận thù, hận thù là lý tưởng
Hãy hủy diệt hạnh phúc, hãy thắt cổ ước mơ
Hãy xây dựng trại tập trung, nhà tù, hãy rào vây biên giới”
Ngày kia lãnh tụ mệt mỏi, chủ nghĩa âm binh rã rượi, chém giết đã chán chường
Lãnh tụ ung thư óc, nằm trên giường
Phút lâm chung, nói những lời rất thực:

“ Hãy ước mơ, vì ta chưa hề biết mơ ước
Hãy yêu thương, vì ta chưa hề biết thương yêu, cứ mải hận thù
Cái vĩ đại bé tí teo
Nhân danh hạnh phúc, hãy xây dựng lại con người
Khắp nơi trên trái đất
Chủ nghĩa, căm hờn, đao binh, lãnh tụ muôn năm
Ném vào thùng rác.”

Cứ mỗi lần đọc xong một câu thơ, một bài thơ ưng ý, Duyên Anh lại cất tiếng cười sảng khoái. Chắc chắn, không bao giờ tôi quên được giọng cười hồn nhiên, dòn tan và khuôn mặt rạng rỡ của Duyên Anh khi đọc thơ và những đoạn văn vừa viết cho tôi nghe. Đôi khi, tôi chân thành góp ý với anh. Những điều tôi nói, có khi anh nghe, có khi anh nhất định bảo thủ ý kiến của mình.

Một lần, sau khi nghe Duyên Anh đọc Bài Lưu Đầy anh viết tặng Kiều Vĩnh Phúc năm 1987, tôi góp ý với anh về hai câu

Cá sấu chưa cười rung tiệc máu
Diều hâu vẫn khóc rỉa moi thây

Tôi nói:

- Em đề nghị anh thay chữ diều hâu bằng kên kên thì hay hơn. Vì em nghĩ, chỉ kên kên mới moi rỉa xác chết, chứ diều hâu không có thói quen đó.

Anh nói ngay:

- Ừ, để khi nào in, anh sẽ sửa lại như em bảo.

Duyên Anh ở nhà tôi hơn một tuần, rồi Julie và Trần Đình Thục lại mời anh về đường Edwards ở chung với hai người.

Lúc ấy là tuần lễ cuối cùng của tháng 4, 1988. Tuần lễ định mệnh của Duyên Anh.

*

* *

Chiều 30 tháng tư, 1988, Trần Đình Thục gọi điện thoại cho tôi. Giọng anh có vẻ hoảng hốt:

- Anh Hiền, anh biết tin gì chưa?

- Tin gì vậy anh Thục?

- Anh Duyên Anh bị hành hung. Đang hôn mê. Hiện ở bệnh viện Humana.

Bàng hoàng, tôi hỏi Trần Đình Thục đường đến bệnh viện, và phóng xe xuống Westminster. Gặp Thục ở bên ngoài khu cứu cấp, anh nói:

- Để tôi đưa anh vào. Nhà thương họ chỉ cho thân nhân anh ấy vào thôi. Lý do an ninh.

Tôi và Thục vào bên trong. Tôi giơ tấm thẻ có dán ảnh, nơi làm việc cấp, nói với người y tá trực “Tôi là em của nạn nhân vừa được đưa vào đây ban nãy.”

Nhìn thấy tên tôi, cũng họ Vũ, và nhất là thấy Trần Đình Thục, người đưa Duyên Anh đến bệnh viện, bà y tá cho vào.

Duyên Anh nằm một mình trong phòng, đôi mắt nhắm nghiền. Tấm khăn trải giường đắp từ ngực trở xuống. Tôi quay sang hỏi Trần Đình Thục. Anh kể:

- Trưa hôm nay, anh Duyên Anh đi với anh Lê Quý An, tôi và em tôi đến khu Bolsa Mini Mall, định ăn trưa ở quán Ngân Đình. Chúng tôi gặp Mai Thảo, bác sĩ NM và bác sĩ NTV ở trước cửa quán. Duyên Anh dừng lại nói chuyện với họ chừng mươi, mười lăm phút. Ăn trưa xong, khoảng 1 giờ, chúng tôi đang đi bộ về phía đường Bolsa, thì bốn tên từ phía sau trờ tới. Một tên vỗ vai Duyên Anh. Ngay khi anh vừa quay lại, nó đánh thật mạnh vào thái dương bên trái, rồi bồi thêm một cú móc ở dưới cằm. Duyên Anh ngã quỵ xuống. Sự việc xảy ra thật đột ngột, không ai kịp phản ứng. Anh Lê Quý An la lên ầm ĩ “Tại sao các cậu lại đánh người ta?” Tên đánh Duyên Anh bỏ chạy về phiá đường Bushard. Tôi chỉ kịp giơ máy ảnh chụp được phía sau lưng nó. Chúng tôi xốc Duyên Anh, dìu anh đến ngồi trước bậc thềm, bên ngoài phòng chụp quang tuyến của bác sĩ NM.

Tôi hỏi:

- Các anh có gọi cấp cứu ngay không?

- Có chứ. Ngay sau khi chúng tôi đặt DuyênAnh ngồi xuống, tôi để anh Lê Quý An và chú em tôi coi chừng anh ấy, còn tôi chạy vào phòng quang tuyến, xin bác sĩ NM làm ơn ra coi cho Duyên Anh. Có cả bác sĩ NTV cũng đang ngồi trong đó nữa.

- Các ông ấy ra ngay chứ?

- Không có ai ra cả. Bác sĩ M bảo tôi, ông ta không khám bệnh, chỉ chụp quang tuyến thôi.

- Như vậy, ai gọi 911?

- Lúc tôi ra ngoài, anh Lê Quý An đang xin nhân viên ở đó gọi dùm.

- Bao lâu thì xe cứu thương mới tới?

- Khoảng hai mươi phút sau.

- Suốt trong thời gian đó, không ai ngó ngàng gì đến Duyên Anh?

- Không có ai cả. Tôi lấy làm lạ, vì sao hai ông bác sĩ đó không thể bước ra ngoài nhìn Duyên Anh một chút, dù trước đó một tiếng, họ đã bắt tay, và nói chuyện với anh ấy.

Tôi nói:

- Anh không biết là bất cứ trong nghề gì cũng có những người đầy ắp lương tâm chức nghiệp, và một thiểu số hèn mạt, đánh mất nhân tính rồi hay sao?

Trần Đình Thục không trả lời tôi, chỉ buồn bã than:

- Tôi đã cố tránh, không muốn để anh ấy đi ra ngoài nhiều…!

Tôi nói:

- Chúng ta đều lo lắng cho anh ấy cả. Anh ấy có nhiều kẻ thù quá.

Tôi xót xa nhìn Duyên Anh đang nằm thiêm thiếp. Bên tai tôi, văng vẳng lời bác sĩ Hoàng Văn Đức, khi hai chúng tôi đi cạnh Duyên Anh, hôm ra đón anh ở phi trường Los Angeles: “Chú thấy không, những chiến sĩ chống cộng có tầm vóc như Duyên Anh ở hải ngoại, không còn mấy người đâu. Mình phải bảo vệ chú ấy mới được.”

Chúng tôi, những người yêu mến Duyên Anh, đã không thể làm gì hơn để bảo vệ anh cho đúng mức được. Làm sao có thể giữ anh ở mãi trong nhà? Đôi khi, nghe anh em nào khuyên anh nên thận trọng lúc ra đường, ghé chỗ nọ, chỗ kia, Duyên Anh thường cười lớn: “Tao cóc sợ gì chúng nó. Duyên Anh này đang thèm được chết đây!”

Tôi đau đớn nhìn Duyên Anh nằm bất động, chơi vơi giữa biên giới của sống và chết. Căn phòng thật yên tĩnh. Chỉ có tiếng máy lạnh rì rì, tiếng thở dồn dập của một Duyên Anh đôi môi khô nứt nẻ, ống thở qua mũi và giây nhợ chằng chịt nối với các màn ảnh.

Tôi tiến lại sát giường, đặt nhẹ tay lên ngực Duyên Anh. Anh bỗng mở mắt nhìn tôi, khe khẽ gật đầu. Anh muốn nói với tôi điều gì đó, nhưng đôi môi chỉ hơi mấp máy, và cổ họng anh phát ra những âm thanh gờ gờ, tôi không hiểu được. Rồi cơn nấc liên tục tràn tới, mỗi tiếng nấc kèm theo một co giật, khiến anh oằn người lại; nét đau đớn hiện rõ trên khuôn mặt anh. Những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt anh.

Nước mắt tôi cũng rơi, không biết tự bao giờ…

Từ hôm đó, cứ vài ba ngày, tôi lại xuống thăm anh một lần. Vì có tên trong danh sách sáu người nhà thương đã biết, tôi vào thăm anh dễ dàng. Trong thời gian Duyên Anh nằm nhà thương, Đặng Xuân Côn và Thiên Chương, trưởng nam của Duyên Anh, hầu như ở suốt ngày trong đó với anh.
Sáng thứ bảy của tuần lễ thứ ba, sau ngày Duyên Anh vào nhà thương Humana, tôi đến thăm anh, như thường lệ. Lên thang máy, vào khu vực quen thuộc, tôi gặp cô y tá hàng ngày thường săn sóc Duyên Anh. Vừa thấy tôi, cô ta nói ngay:

- Ông ấy rời bệnh viện rồi.

Tôi ngạc nhiên, hỏi dồn:

- Hồi nào? Ai đưa ông ấy đi?

- Đêm hôm qua. Thân nhân ông ấy.

- Cô có biết họ đưa ông ấy đi về đâu không?

- Tôi không biết. Nhưng có thể đến một cơ sở phục hồi nào đó.

Tôi cám ơn cô y tá và xuống cầu thang, lại máy điện thoại công cộng, gọi

cho CTB:

- Thưa anh, tôi đang ở bệnh viện Humana. Anh Duyên Anh rời khỏi đây rồi. Anh có biết anh ấy ở đâu không?

- Không, anh ạ. Chiều hôm qua, lúc 6 giờ 10 phút, anh Côn gọi điện thoại cho tôi. Anh Côn bảo “Tao đưa nó ra máy bay đây. Mày lên không kịp đâu.” Từ hôm qua đến giờ, tôi chờ điện thoại anh Côn, chưa thấy anh ấy gọi lại.

Tôi cám ơn CTB, và nhờ anh gọi cho tôi, khi anh biết chỗ mới

của Duyên Anh.

*

* *

Sau khi Duyên Anh rời bệnh viện, không biết được chở đi đâu, đã có rất nhiều giả thuyết, phỏng đoán, và tin đồn liên quan đến anh.

Tin đồn thứ nhất: Hung thủ tấn công Duyên Anh là một thanh niên mắc bệnh tâm trí, có hồ sơ bệnh lý đàng hoàng. Thanh niên này đã ra tự thú với cảnh sát Westminster.

Tin thứ nhì: Chính phủ Pháp đưa nguyên một phi cơ sang đón Duyên Anh. Anh được trực thăng chở thẳng từ bệnh viện ra phi trường.

Tin thứ ba: Anh Đặng Xuân Côn đang săn sóc Duyên Anh ở một motel nào đó. Duyên Anh vẫn còn ở quận Cam, chưa về Pháp.

Hai hôm sau, tôi gọi điện thoại sang nhà anh Côn bên Texas. Các con anh nói anh không có nhà. Gọi sang Paris cho chị Duyên Anh, chị nói anh vẫn chưa về đến nơi. Tôi gọi cho CTB một lần nữa. Anh nói không biết Duyên Anh đang ở đâu, nhưng hứa nếu biết tin gì về Duyên Anh, anh sẽ gọi cho tôi. Tôi hỏi CTB:

- Thưa anh, mấy hôm nay, anh Côn có liên lạc với anh không? Vì tôi vừa gọi sang Texas, các cháu con anh Côn bảo anh ấy vẫn còn ở Cali.

CTB đáp tỉnh bơ:

- À, vậy thì có lẽ anh Côn với cháu Chương ở lại lo việc bán sách hay băng nhạc của Duyên Anh gì đó, để gửi tiền sang Pháp. Chứ anh Côn, từ thứ sáu tuần rồi, không gặp tôi, và cũng không gọi điện thoại gì cả

- Thưa anh, còn tin chính phủ Pháp đưa máy bay sang đón Duyên Anh về, tin này có được xác nhận chưa?

- Hôm thứ sáu, anh Côn chỉ bảo tôi “Tao đưa thằng Duyên Anh về Pháp ngay bây giờ đây. Mày lên không kịp đâu.” Thế là biệt vô âm tín luôn….

- Thưa anh, như vậy tức là anh Côn cũng phải lên máy bay về Pháp cùng với Duyên Anh luôn?

- Tôi không biết nữa, anh ạ. Từ hôm đó đến nay, tôi không liên lạc được với anh Côn. Tôi chỉ nhớ là mấy tuần trước, tôi có nói chuyện với anh Côn, thì anh Côn bảo là chuyện sách vở, băng nhạc của Duyên Anh còn giây cà, giây muống ở bên Cali này nhiều lắm. Nên có lẽ anh Côn còn phải ở lại đây, liên lạc với Xuân Thu và mấy chỗ phát hành băng nhạc để nhận tiền dùm Duyên Anh. Chứ anh bảo, không có tiền, ở bên Pháp lấy gì cho gia đình Duyên Anh chi dùng?

- Nhưng nếu Duyên Anh đã về Pháp từ thứ sáu tuần trước, sao đến hôm nay, chị Duyên Anh nói anh ấy vẫn chưa về đến nhà?

CTB ngập ngừng vài giây, rồi đáp rất tự nhiên:

- Có lẽ chính phủ Pháp phải giữ Duyên Anh ở một bệnh viện nào đó, để bảo vệ an ninh cho anh ấy.

- Điều tôi lấy làm lạ, là các cháu con anh Côn nói, bố chúng nó và anh Chương từ chiều thứ sáu tuần rồi vẫn còn ở Cali, và không gọi về nhà gì cả, nên chúng không biết hai người này đang ở đâu…

CTB cười:

- À, chuyện đó thì tôi cũng chịu thua thôi. Dạ…

Tôi biết chữ “Dạ” này là dấu hiệu người ở đầu giây bên kia không muốn tiếp tục câu chuyện nữa. Tôi cám ơn CTB, và như thường lệ, xin ông ta gọi cho tôi nếu có tin tức gì về Duyên Anh.

Buổi trưa, tôi gọi Nguyễn Đức An (một người em văn nghệ của DA ở Westminster, không phải bs Nguyễn Đức An ở miền Đông Hoa Kỳ):

- Hôm qua, anh gọi cho An hai lần, lần đầu lúc 10 giờ, người ta bảo An đi chưa về. Gần 11 giờ gọi lại, chủ nhà bảo cậu ngủ rồi, ngủ mệt quá, họ không dám đánh thức…

- Em đi uống với mấy thằng bạn. Say quá, về tới nhà là ngủ luôn…

- An có tin gì lạ không?

- Có. Hồi sáng, em gọi cho HHC…

- Anh ấy đang ở San José chữa bệnh hay đã về Washington?

- Về lại Washington rồi. Anh HHC kể với em, anh ấy gọi sang Pháp, nói chuyện với con rể Duyên Anh…

- À, thằng David. Nó nói tiếng Việt giỏi lắm…

Nguyễn Đức An kể tiếp:

- David nói với HHC “Bố cháu sắp về. Ở nhà đang chuẩn bị ra phi trường đón bố cháu với anh Chương và bác Côn”. Mà cũng lạ lắm; ở dưới này, báo của Du Tử Lê đăng tin Duyên Anh rời bệnh viện bằng trực thăng, và tin ba nhà mạnh thường quân ở quận Cam bằng lòng thanh toán các chi phí chữa trị ở nhà thương Humana cho Duyên Anh…. Ông HHC ông ấy hay lắm, anh ạ! Chuyện ở dưới này, ông ấy biết hết. Ông ấy bảo chính phủ Pháp dàn xếp với Tổng Thống Reagan đưa Duyên Anh về Paris. Không biết ông ấy căn cứ vào nguồn tin nào.

- An có hỏi ông ấy nghe tin ấy ở đâu không?

- Có. Nhưng mà ông ấy bảo “Nếu tôi không có nguồn tin chính xác, tôi đã không dám nói với cậu là chính FBI đã phối hợp với an ninh Pháp để tiến hành cuộc điều tra vụ hành hung Duyên Anh “….

Buổi tối, L. gọi cho tôi:

- Này, chỗ anh em, anh nói riêng cái này cho Hiền biết nhé….

Tôi nôn nóng:

- Cái gì vậy?

L. chậm rãi:

- Cái vụ này, có lẽ là người quốc gia chơi người quốc gia thôi…

- Nghĩa là thế nào?

- Thôi, không nói được đâu….

- Tại sao?

- Vì nói ra, có thể nó nguy hiểm đến tính mạng của mình….

Tôi bật cười :

- Dân giang hồ tứ chiếng như anh mà cũng sợ “nguy hiểm đến tính mạng” à?

- Chứ sao? Chết vì đạn của Việt Cộng thì anh cóc sợ. Nhưng mà bị anh em trong nhà thanh toán thì đau lắm….

- Nghĩa là, anh nghe đồn Duyên Anh bị phe nào hành hung?

- Không rõ phe nào. Chỉ nghe anh em dưới này nói Duyên Anh làm mất lòng nhiều người lắm….Có người cũng nhắn anh khuyên Hiền là đừng đi gần với Duyên Anh nhiều quá, tai bay vạ gió chẳng biết sao mà lường trước được…

- Nhưng mà chuyện em thân thiết với Duyên Anh có liên quan gì đến những tin đồn mà anh nghe được? Kể lại cho em thì cũng chỉ là tin đồn thôi. Đâu có phải ý kiến riêng của anh đâu mà anh phải ngại?

- Có chứ. Đi gần với Duyên Anh là thế nào cũng gặp rắc rối, không nhiều thì ít. Cũng vì thế mà XT nó cũng sợ, tìm cách lảng ra từ từ rồi. Từ ngày Duyên Anh gặp nạn, có bao giờ nó dám đến nhà thương thăm Duyên Anh đâu?

- Riêng em, thì chỉ khi nào Duyên Anh đi theo Việt Cộng, và làm việc cho Việt Cộng thì em mới bỏ anh ấy thôi. Mà điều này thì em biết chắc chắn, không bao giờ có. Bởi vì, Duyên Anh đã từng nói, và viết nữa, rằng khi nào anh ấy quyết định làm việc với Việt Cộng, anh ấy sẽ công khai cho mọi người biết chuyện đó… Nhưng mà chuyện anh định nói, có gần giống như vậy không?

- Không phải như vậy…Duyên Anh bị hành hung, chỉ vì chửi anh em nhiều quá thôi.

- Nhưng anh em đây là ai?

- Những người quốc gia, văn nghệ sĩ miền Nam, các tướng tá Việt Nam Cộng Hòa. Ông Kỳ ông ấy cũng bực Duyên Anh lắm….

- Ông ấy bực cũng phải thôi. Trên tờ Ngày Nay của Lê Hồng Long và Quan Điểm của Phạm Kim Vinh, Duyên Anh phạng ông ta hơi kỹ…

- Phạng như thế nào?

- Duyên Anh làm thơ, nhắc lại chuyện ông Kỳ mê xem đá gà ở Long Xuyên, bắt lính đóng chốt chung quanh bảo vệ an ninh cho mình, chuyện ông ta đứng ở Tân Sa Châu, thề không đi Mỹ…

- Mấy tháng trước, ông Lai, chủ nhân của Thúy Nga đem băng video Nước Mắt Việt Nam hay là Giã Biệt Saigon gì đó, đến biếu ông Kỳ. Ông Kỳ thấy tên Duyên Anh trên cuốn băng, nói ngay với ông Lai “Anh về, bảo thằng Duyên Anh nó câm cái miệng của nó lại”…

- Nhưng rồi ông ấy có nhận cuốn băng ấy không?

- Nhận hay không, anh không biết. Nhưng mà nhiều người quen của anh đều bảo Duyên Anh chửi ông Kỳ nặng quá…

- Vấn đề chính, là ông Kỳ có làm những chuyện đó hay không. Nhưng mà đâu có phải Duyên Anh chỉ toàn công kích ông Kỳ. Năm 1966, hồi ông ta làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Duyên Anh dự cuộc họp báo của ông Kỳ, rồi về viết bài khen tài hùng biện và ăn nói bay bướm của ông ta. Duyên Anh còn bênh ông Kỳ, khi ông ta bị sinh viên kết án thiếu công bằng nữa…

- Chuyện đó, anh chưa được biết. Chỉ thâáy, trong thời gian gần đây, Duyên Anh chửi ông Kỳ nhiều quá thôi…

Sau khi L. cúp máy, tôi gọi điện thoại cho Trần Đình Thục. Thục nói:

- Khổ quá, tại sao họ cứ muốn dấu mình. Tôi lo cho anh Duyên Anh quá, anh Hiền ạ. Anh có tin tức gì mới không?

- Không, anh Thục. Tôi vừa gọi Texas. Hỏi cháu Chương. Con anh Côn bảo Chương không có ở đấy. Chúng cũng không biết Chương đang ở đâu.

- Tôi nghĩ, vấn đề ưu tiên bây giờ là việc chữa trị cho anh Duyên Anh. Nếu anh ấy về Pháp sớm thì tốt hơn. Hệ thống xã hội của Pháp tốt và nhân đạo hơn bên Mỹ nhiều. Hơn nữa, về bên ấy còn có chị Duyên Anh và hai cháu săn sóc anh.

- Tôi lấy làm lạ về thái độ của anh Côn đối với tụi mình. Anh và tôi ở trong số những người thân nhất với Duyên Anh. Vậy mà có vẻ như anh ấy không tin cả anh lẫn tôi rồi.

Thục nói:

- Giữ Duyên Anh ở lại quận Cam, làm sao anh Côn có đủ phương tiện lo cho anh ấy. Còn nếu đã đưa Duyên Anh về Dallas, lẽ ra anh Côn nên gọi cho chúng mình một tiếng chứ. Mình là người đã ở sát với Duyên Anh trong những lúc nguy ngập nhất mà?

- Riêng tôi, tôi cảm thấy hơi tủi thân một chút.

- Vâng, tôi cũng cảm thấy như vậy. Có lẽ, tôi sẽ chờ chừng một vài tuần nữa mới gọi cho anh Côn. Tôi kính trọng tinh thần xả thân của anh ấy đối với Duyên Anh. Chắc anh ấy đang trải qua một hoàn cảnh khó khăn hay đau khổ nào đó mà chưa thể giải quyết được, nên chưa tiện nói với chúng mình đó thôi.

- Tôi suy nghĩ nhiều, càng nghĩ càng thấy khó hiểu….Có cảm tưởng như anh Côn muốn đóng cửa rút cầu với anh em mình rồi…

Trần Đình Thục không nói gì thêm, sau khi dặn tôi có tin tức mới, báo cho anh biết…

Buổi tối, ông C. gọi cho tôi. Ông vốn là đồng nghiệp với anh cả tôi, khi hai người dạy ở một trường trung học tại Vĩnh Long. Do đó, tôi gọi ông là anh, còn ông gọi tôi là chú. Sau khi tôi kể cho ông C. nghe những gì tôi đã thu thập được, ông nói:

- Như vậy, chắc cũng không sao đâu. Ông dân biểu Dornan đã lo mấy việc này rồi. Chú cứ yên tâm về Duyên Anh đi.

- Anh bảo ông Dornan lo những việc gì?

- Trước hết, cách đây bốn năm hôm, ông ấy bảo đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc, xin máy bay quân sự Mỹ đưa Duyên Anh về Pháp. Thứ nhì, ông ấy đã yêu cầu FBI tiến hành điều tra vụ này. Bởi vì Duyên Anh bị hành hung ở ngay đơn vị ông ấy đại diện. Nó có thể sẽ ảnh hưởng đến vụ tái tranh cử của ông ấy. Chuyện này, nó sensible (Ông C. vốn là giáo sư Pháp Văn) lắm. Có lẽ mình phải chờ một thời gian mới biết rõ được…

Ông C. nhờ tôi gửi lời thăm ông anh cả, và hứa biết tin gì mới, sẽ thông báo cho tôi.

Tôi gọi điện thoại, nói chuyện với anh Phạm Kim Vinh. Trước đó vài hôm, anh Vinh cho biết anh và một số thân hữu của Duyên Anh sẽ viết bài bênh vực Duyên Anh, và lên án những kẻ chủ mưu vụ hành hung. Tôi nói:

- Anh có nghe tin là đứa hành hung Duyên Anh đã ra tự thú rồi không?

Phạm Kim Vinh hỏi:

- Em nghe tin này ở đâu?

- DT gọi cho em. Tin từ ĐTB, ở San Diego.

- Em có thể kiểm chứng tin này được không?

- Nếu nó tự thú ở khu Westminster, thì có thể hỏi được. Nhưng nếu nguồn tin này phát xuất từ San Diego thì….

- Thôi được, để anh nhờ LTĐ hỏi dướùi đó xem sao.

- Anh LTĐ có bằng lòng viết không?

Anh Vinh có vẻ không thích câu hỏi của tôi. Anh nói:

- Em đừng nói chuyện bằng lòng hay không bằng lòng. Anh phải nói ngay với em điều này. Em đừng nên kỳ vọng ai cũng phải tha thiết với Duyên Anh như anh em mình đâu. Mình không cần phải năn nỉ ai cả. Năn nỉ hay nài ép người ta, chính nghiã của mình sẽ tiêu tan ngay. Anh và em cứ viết. Mình sẽ đăng trên tờ Quan Điểm của anh và tờ Ngày Nay của anh Lê Hồng Long. Bây giờ là lúc để cho mình đo lường cái can đảm của những người cầm bút hải ngoại. Theo anh để ý trong mấy tuần nay, bọn cầm bút ở cái vùng Orange County này, đa số chỉ là một lũ hèn nhát. Chúng nó đều cúi mặt, ngậm miệng. Không đứa nào dám lên tiếng cả…Thật là tởm!

- Không phải hèn nhát đâu. Đố kỵ, có lẽ đúng hơn. Duyên Anh bị một số người ghen ghét. Nhân dịp này, có thể là họ hả hê lắm. Làm sao viết bài bênh vực anh ấy cho được?

- Nhưng mà dưới San Diego, ít nhất cũng còn nhóm VNHN của ông ĐTB. Ông ấy bảo, sẽ dành nguyên một số báo để bênh vực Duyên Anh…

- Anh có đóng góp cho số báo ấy không?

- Có chứ. Họ cho anh là người hiểu việc làm của Duyên Anh nhiều nhất. Họ sẽ cho người đến nhà anh trưa mai. Anh còn giữ được copy bài anh viết về Duyên Anh sắp đăng trên Quan Điểm.

- Sao anh không gửi copy ấy cho họ?

- Không. Anh muốn họ đọc ngay tại chỗ. Đăng được hay không, cho anh biết ngay.

- Anh sợ họ không đăng nguyên văn?

- Không phải là sợ. Anh không thích bất cứ ai thêm bớt, sửa chữa những gì anh đã viết. Ông ĐTB hoạt động theo tinh thần của toàn nhóm ông ấy. Có thể, bài anh viết sẽ đụng chạm một vài cá nhân trong nhóm thân hữu của ông ấy. Sợ đụng chạm thì không viết. Ngại đụng chạm thì đừng đăng. Có vậy thôi.

- Nhưng em nghĩ, ĐTB cũng là một tay sừng sỏ, đâu biết sợ gì ai. Theo anh, vì sao ông ta cho VNHN nhập cuộc?

- Nhóm này cho việc đánh trọng thương Duyên Anh là nằm trong âm mưu đưa Nguyễn Văn Thiệu trở lại chính trường. Như em biết, Duyên Anh là một trong những nhà văn chống Thiệu mạnh bạo nhất trước 75. Cho nên, phải bịt miệng những thành phần này, trước khi hắn chường mặt ra.

- Điều anh vừa nói làm em nhớ lại hôm qua, DT bảo, anh ta nghe nói tên đánh Duyên Anh là người của TST…

- Không thể biết được, em ạ. Có thể bọn chủ mưu là cộng sản, hoặc là người của Thiệu, không thể kết luận ngay bây giờ được.

Tôi hỏi:

- Như vậy, ngoài anh em mình, anh Lê Hồng Long, và nhóm của ông ĐTB, không còn ai lên tiếng vụ này nữa phải không?

- Như thế cũng đủ rồi. Em tin anh đi, nếu bây giờ mà Vũ Trung Hiền cứ gọi đi hết báo này đến báo kia, nhờ chúng nó lên tiếng vụ Duyên Anh, chắc chắn chúng nó sẽ coi thường em ngay…

- Đời nào em làm chuyện năn nỉ đó…

- Ngay cả với LTĐ và những anh khác cũng thế. Anh đều bảo với họ rằng “Nếu các anh thấy đó là việc phải, cần lên tiếng thì lên tiếng. Chứ không ai có thể ép các anh lên tiếng được.”

- Em nghĩ, mình là những người gần gũi với Duyên Anh nhất, thì mình lên tiếng trước cũng là chuyện đương nhiên thôi. Mai mốt, khi các thân hữu khác của Duyên Anh biết được thêm chi tiết về vụ này, chắc hẳn họ sẽ dự phần vào việc bênh vực anh ấy.

- Anh vừa nói với anh Lê Hồng Long, rằng anh không hiểu tại sao ngay cả đối với em, là người thân cận nhất với Duyên Anh, mà người nhà anh ấy cũng không cho em biết sự thật….

- Em thì cứ cho là thế này: Họ lo ngại cho sự an toàn của Duyên Anh. Có lẽ, mình chưa ở trong hoàn cảnh của gia đình nạn nhân, mình không thông cảm được những nỗi khó khăn, đau khổ mà họ đã trải qua đâu. Đến một lúc nào đó, gia đình anh ấy thấy có thể cho mình biết sự thật thì họ sẽ liên lạc với mình thôi.

- Ừ, thôi, mình cứ nghĩ tốt về họ như thế đi. Cho tâm hồn mình được thư thái.

- Lần chót anh Đặng Xuân Côn gọi cho anh là lúc nào?

- Thứ tư tuần trước. Anh ấy bảo thứ sáu, bác sĩ cho Duyên Anh xuất viện. Nhưng anh Côn xin họ cho ở thêm hai ngày nữa, chúa nhật mới ra. Anh Côn bảo là sẽ thuê một phòng ở motel gần nhà thương Humana để y tá ở đó dễ dàng qua, giúp Duyên Anh mau chóng phục hồi.

Tôi cũng cho Phạm Kim Vinh biết, Đỗ Tiến Đức và nhóm Quốc Gia Hành Chánh sẽ tổ chức một buổi họp, để cựu sinh viên trường này, Phó Quận Trưởng Nguyễn Đình Đức, một cựu tù cải tạo từng ở tù chung đội với Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn, kể lại sự thật về cái chết của Nguyễn Mạnh Côn. Mục đích của buổi họp mặt này là minh oan cho Duyên Anh

về những lời đồn đại Nguyễn Mạnh Côn chết vì Duyên Anh làm ăng ten tố cáo tác giả Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn. Cũng theo Đỗ Tiến Đức, Phó Quận Nguyễn Đình Đức sẽ thách thức những ai đã từng ở chung trại Xuyên Mộc đưa ra bằng cớ Duyên Anh làm việc cho Việt Cộng. Nguyễn Đình Đức sẵn sàng đối chất với những người đó.

Tối hôm sau, DT gọi điện thoại, cho tôi biết, người đánh Duyên Anh có hồ sơ bệnh lý, xác nhận anh ta bị bệnh tâm thần, mất trí gì đó, để nếu có bị truy tố, thì cũng được giảm khinh. Nghĩa là những người chủ mưu đã chuẩn bị từ trước, khủng bố những người đã từng công kích cựu tổng thống Thiệu, để khi ông này xuất hiện, sẽ không ai dám chống đối nữa.

Tôi cho DT biết chuyện nhóm Quốc Gia Hành Chánh dự tính làm cho

Duyên Anh. DT nói:

- Hôm Duyên Anh nói chuyện ở trên này, cũng có một người xưng tên Đỗ Kim. Anh ta bảo là đã ở trại Xuyên Mộc với Duyên Anh. Nhưng khi bị vặn hỏi ở tổ nào, nằm gần những ai, ăn cơm chung với ai, thì cu cậu ú ớ ngay..

- Nguyễn Đình Đức cũng sẽ làm như vậy đó. Trước hết, anh ta sẽ hỏi xem có thật sự là người tố cáo Duyên Anh đã từng ở trại đó không đã. Sau đó, anh ta sẽ kể ra những bằng cớ chứng tỏ trong thời gian ở Xuyên Mộc, Duyên Anh đã chống đối Cộng Sản và đứng về phía các bạn đồng tù như thế nào.

- Trường hợp Duyên Anh cũng oan uổng như Vũ Thành An vậy. Trước đây, mình cũng nghe nói anh ta làm ăng ten, hại anh em này nọ. Đùng một cái, đọc hồi ký Vùng Đất Ngục Tù của Nguyễn Vạn Hùng, mới biết Vũ Thành An chỉ là một con người hiền lành, nạn nhận của tin đồn thôi. Lời nói của con người ta nguy hiểm lắm, Hiền ạ. Giết người như chơi thôi.

Tôi hỏi:

- Anh nhớ chuyện Thầy Tăng Sâm giết người chứ?

- Nhớ. Mấy năm trước, hồi tôi còn ở trại tị nạn, có một tay dám nói trước mặt tôi là chính mắt anh ta thấy Duyên Anh chết ở trong tù rồi. Anh ta còn bảo trước đây, anh ta làm chung tờ Tuổi Ngọc với Duyên Anh nữa chứ! Tôi tức mình quá, mới bảo anh ta: Anh chỉ nói phét thôi! Tôi là bạn thân của Duyên Anh đây này. Hiền thấy không, tôi quý mến Duyên Anh như thế đó. Vậy mà anh ấy nghe lời bà vợ, hiểu lầm tôi…

- Anh muốn nói vụ Duyên Anh xuất hiện ở trường đại học San Francisco, mấy tháng trước?

- Ờ, tôi mời anh chị Duyên Anh lên ở chơi nhà tôi. Anh ấy muốn tiếp xúc với thân hữu và độc giả, nên tôi tổ chức một buổi để Duyên Anh nói chuyện tại trường đại học ở đây. Chiều hôm ấy, có người lên hỏi móc Duyên Anh một câu. Anh ấy nóng lên, thế là hỏng hết! Ngay hôm sau, anh TVA và tôi dàn xếp để anh ấy xuất hiện trên mấy chương trình TV…

- Xuất hiện để làm gì?

- Để Duyên Anh có dịp giải độc những hiểu lầm và xuyên tạc trong buổi chiều hôm trước..

- Thế rồi sao?

- Anh ấy bằng lòng. Người ta đã chuẩn bị xe cộ đón anh ấy lên đài. Nhưng rồi, bà ấy không cho Duyên Anh đi. Bà ấy còn cho là tôi âm mưu bắt cóc Duyên Anh, và hai người đã phải trốn khỏi nhà tôi nữa.

DT chép miệng, nói tiếp:

- Buồn quá, Hiền ạ. Phe quốc gia mình cứ đánh lẫn nhau vậy thôi! Cộng Sản nó chẳng cần đánh mình gì hết. Nó chỉ cần đứng ngoài, xúi giục, khích bác để cho chúng mình đánh giết nhau. Và nó hưởng lợi. Mà thôi, bây giờ cốt sao cho Duyên Anh bình phục. Nhất là phần trí não của anh ấy. Biết đâu một phần cơ thể của anh ấy bị liệt, lại chẳng tốt hơn cho những phần kia?

- Nghĩa là năng lực không dùng được ở tay chân, sẽ được chuyển lên trên óc, và óc anh ấy sẽ phát triển mạnh hơn?

- Có thể như vậy lắm. Hiền biết những người mù, thì thính giác và xúc giác của họ phát triển mạnh hơn chứ?

- Vâng, biết đâu sau vụ này, anh ấy lại chẳng viết hay hơn trước?..

Suốt hai tuần lễ chờ đợi tin Duyên Anh, điện thoại nhà tôi reo liên tục, gần như mỗi ngày. Những thân hữu của Duyên Anh xa gần, gọi tới hỏi thăm. Mãi tới thứ sáu, hai tuần sau ngày Duyên Anh rời bệnh viện, tôi mới biết Duyên Anh ở đâu.

Người gọi là Nguyễn Đức An. An cho tôi biết anh Đặng Xuân Côn mới từ Pháp về Texas, sau khi đưa Duyên Anh trở lại Paris. Anh Côn nói Duyên Anh còn ở bệnh viện, đã khá hơn, đang tập đi. Khi Nguyễn Đức An hỏi Duyên Anh về Pháp bằng phương tiện gì, máy bay quân sự hay dân sự, anh Côn không trả lời. Sau cùng, theo Nguyễn Đức An, anh Côn còn nói:

- Duyên Anh chưa chết đâu. Phải ba mươi năm nữa, Duyên Anh mới chết.

Nguyễn Đức An than thở:

- Em thấy anh Côn có vẻ hằn học với em. Anh ấy làm như em là kẻ thù của Duyên Anh vậy!

Tôi nói:

- An đừng buồn. Có lẽ gánh nặng lo cho Duyên Anh chất đầy vai anh Côn, nên anh ấy mệt đấy thôi. Anh Côn không nghĩ về anh em mình như vậy đâu…

(Về sau, tôi được biết, ngay khi hay tin Duyên Anh bị nạn, nhà văn Vĩnh Phúc đã từ Luân Đôn, liên lạc với nhà thương Humana, yêu cầu họ tích cực chữa trị cho Duyên Anh. Anh cũng gọi cho đại diện BBC tại Mỹ, và các thành viên của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Văn Bút Quốc Tế, yêu cầu những người này gọi về bệnh viện. Có lẽ nhờ vậy mà nhà thương Humana, và chính quyền Westminster, đã bảo vệ an ninh chặt chẽ trong thời gian Duyên Anh nằm tại đó.

Chiều thứ sáu, khi Duyên Anh rời bệnh viện, anh được chở thẳng về nhà Bùi Bỉnh Bân, nghỉ ngơi tại đó, trong lúc chờ chuyến bay về Pháp. Hồng Thập Tự Pháp mua tặng hai vé, để Duyên Anh có thể nằm nghỉ trên phi cơ.

Vì muốn bảo vệ Duyên Anh thật chu đáo, Đặng Xuân Côn, người bạn thân nhất của Duyên Anh, phải tung tin anh đã ra phi trường về Pháp ngay buổi chiều hôm đó.)

Cùng ngày Nguyễn Đức An gọi, tôi nhận điện thoại của Julie. Tôi hỏi:

- Julie vừa đi đâu về vậy?

- Em vừa ở Úc về. Anh được tin gì của anh Duyên Anh không?

- Anh ấy về Paris rồi. Đã khá hơn. Nhưng vẫn còn ở nhà thương.

Julie nói:

- Em lo cho anh Duyên Anh quá. Hôm nghe anh ấy bị nạn, em nôn nóng định về ngay. Nhưng gọi điện thoại cho anh Thục, anh ấy nói em về cũng không giúp được gì cho anh Duyên Anh đâu.

Tôi hỏi:

- Khi nghe tin Duyên Anh bị hành hung, Julie đang ở đâu?

- Em vừa mới đến Úc được vài ngày. Từ hôm đó đến nay, em ăn chay liên tiếp để cầu nguyện cho anh ấy đó. Phải chi bữa đó em ở nhà, thì đâu có đến nỗi!

Tới đây, tôi thấy rất cần thiết phải mở một dấu ngoặc thật đậm, để nhắc lại việc này: Sau ngày chị Duyên Anh về Pháp, Julie và Trần Đình Thục mời Duyên Anh trở lại căn nhà đường Edwards, sống với hai người. Theo tôi nghĩ, đây là một chi tiết rất quan trọng.

Chỉ nội chi tiết này thôi, cũng đủ đánh tan mọi tin đồn nhảm về liên hệ giữa Duyên Anh và Julie.

Tôi thắc mắc:

- Nghĩa là….

- Em đã không cho anh Thục đưa anh Duyên Anh đi đâu hết. Em đã nói với anh Duyên Anh là đừng ra khu Bolsa làm gì. Ngoài đó, một số người không ưa anh ấy. Em ghét nhất là đi ăn ở ngoài đó. Em nói anh Duyên Anh cứ ở nhà với tụi em. Ăn uống gì, em nấu cho anh Thục với anh ấy, ba anh em ăn uống với nhau vui hơn. ..

- Thôi, thì lỡ như vậy rồi. Biết làm sao được!

Julie nói:

- Anh biết không, hôm anh Duyên Anh bị nạn, em nóng ruột, bồn chồn cả ngày. Dường như em có cái giác quan lạ lắm cơ. Em sentir (cảm thấy) trước được hiểm nguy xảy đến cho người thân mình. Mấy bữa trước, em vui lắm, đùa giỡn với mấy đứa đi hát chung với em, có cả Khánh Hà nữa. Vậy mà hôm đó, em ngồi buồn thiu. Tụi nó thấy em buồn, cố chọc cho em cười. Mà em vui không nổi đó anh…

Thấy Julie dùng tiếng Pháp, tôi đưa đẩy:

- Cái hiện tượng ấy, Tây nó gọi là télépathie đó…

Julie kể tiếp:

- Anh biết không, rồi bữa sau, có một ông chủ báo mời em đi hát. Em đi ăn cơm rồi ghé thăm tòa soạn của ông ấy. Em nghe ông ấy hỏi một ông nhà báo “vụ tụi nó đánh Duyên Anh đi tới đâu rồi”, em bực mình quá, đã tính mắng ông ta nói bậy bạ rồi đó. Mãi đến lúc ấy, em mới hay tin anh Duyên Anh bị nạn. Em gọi ngay về cho anh Thục. Lúc đầu, anh Thục tính giấu em. Anh ấy bảo không có gì hết. Em bảo phải cho em biết sự thật đi. Bên Úc, người ta nhận được bản tin của Chử Bá Anh mà. Mãi, anh Thục mới cho em biết. Nhưng anh ấy nói anh Duyên Anh chỉ bị xây xát thường thôi, và cảnh sát phải giữ anh ấy trong bệnh viện để bảo vệ an ninh cho anh ấy. Anh Thục nói vậy cốt để trấn an em thôi mà.

Tôi hỏi:

- Hôm ấy là ngày mùng mấy?

- Mùng hai, tháng năm.

- Lúc ấy, Duyên Anh còn đang hôn mê…

- Anh còn nhớ, bữa Kim Ngân bạn em bị đánh không? Bữa đó, Duyên Anh đang ở với tụi em. Anh ấy viết bài bênh vực Kim Ngân ngay. Em thì vốn tin tử vi, và cũng hơi đồng bóng chút xíu. Nên em mở cuốn lịch tử vi ra, coi cho mấy người thân. À, anh Duyên Anh tuổi gì vậy anh, Thân hay Hợi?

- Anh ấy tuổi Hợi.

- Tuổi em khắc tuổi Hợi đó anh. Rồi em coi trong cuốn lịch. Người ta nói tuổi Thân và tuổi Hợi trong tháng tư xui lắm. Mấy ngày ở Úc, nóng ruột quá, em cứ nghĩ là sẽ có tai nạn gì xảy đến cho mấy đứa con em bên Pháp. Em gọi điện thoại cho tụi nó, nói “mấy con có thương mẹ, thì đừng đi đâu chơi hết.” Em đâu có ngờ tai nạn lại xảy đến cho anh Duyên Anh.

- Như vậy, chuyện thần giao cách cảm kể cũng lạ đấy chứ?

- Anh biết không, em vốn đạo Công Giáo mà, tuy cũng hơi lạc đạo rồi. Nhưng mà từ hôm nghe tin anh ấy bị nạn, em cứ cầu xin hoài đó….

- Julie cầu Chúa hay cầu Đức Mẹ?

- Em cầu cả hai, cầu đủ thứ hết…

- Đủ thứ là làm sao?

- Nghĩa là em cầu xin sao cho em chia bớt được cái khổ đau anh ấy đang phải chịu. Nếu có phải hy sinh phần em, làm sao em cũng chịu được hết.

- Julie cầu Chúa hay cầu Đức Mẹ?

- Em cầu cả hai, cầu đủ thứ hết…

- Đủ thứ là làm sao?

- Nghĩa là em cầu xin sao cho em chia bớt được cái khổ đau anh ấy đang phải chịu. Nếu có phải hy sinh phần em, làm sao em cũng chịu được hết.

- Duyên Anh mà biết được Julie nghĩ về anh ấy như vậy, chắc anh ấy cảm động lắm đấy.

- Mà cũng lạ lắm, anh ạ. Em vừa khấn vái đêm hôm trước, thì sáng hôm sau, nguyên cả chân phải của em bị tê luôn. Tê đến nỗi em nhấc chân không nổi nữa!

- Cũng lạ đó! Vì Duyên Anh bị liệt cả tay phải lẫn chân phải.

- Mấy hôm trước khi anh Duyên Anh xuất viện, anh có đi thăm anh ấy không?

- Có chứ. Thường xuyên lắm.

- Anh ấy đỡ nhiều chưa?

- Kể như đỡ nhiều. Anh ấy có thể nói được một số câu. Đưa một cuốn sách cho anh ấy xem, anh ấy đọc được. Nhưng bập bẹ như con nít ấy. Có khi anh ấy đọc thơ, nhưng là những câu thơ không đầu không đuôi gì cả. Tóm lại, so với hôm mới bị nạn, anh ấy khá hơn. Nhưng trí nhớ thì chưa được bình thường trở laị.

Tôi hỏi:

- Julie định làm gì trong mấy tháng tới?

- Sáng mai, em đem mười bản nhạc Duyên Anh đi cho người ta hòa âm. Em định làm một cuốn băng nhạc Duyên Anh, để khi anh ấy hồi phục, đem tặng anh ấy.

- Băng này, ngoài Julie, còn có ai khác hát không?

- Không. Chỉ một mình em hát thôi.

Tôi chợt nhớ đến thùng băng nhạc Duyên Anh đem từ Texas qua, tháng 4

khi tôi tới, vẫn thấy để ở nhà Julie:

- Julie có nhìn thấy thùng băng Còn Thoáng Chiêm Bao, nhạc Duyên Anh, Quỳnh Giao hát không?

- Không. Anh Côn và con anh Duyên Anh đem đi rồi …

Chương 5

Một ngày cuối tuần, sau khi Duyên Anh đã về Pháp, L. gọi cho tôi. Anh nói là vừa đi ăn với một số nhà báo ở quận Cam, trong câu chuyện, người ta có nhắc đến Duyên Anh.

Họ kể, là có một ông xếp Trung Ương Tình Báo nào đó, cũng đi tù với Duyên Anh. Duyên Anh ở trong mạng lưới tình báo của ông này. Ông ta bảo, Duyên Anh khai tùm lum hết…

- Anh có biết tên tuổi của “ông xếp” này là gì không?

- Không. Anh nghe họ nói thì biết vậy thôi. Anh không hỏi.

- Lẽ ra, anh nên hỏi. Anh thừa biết Duyên Anh là mục tiêu chính của Hà nội trong chiến dịch bôi lọ người quốc gia mà. Những loại tin đồn như thế, mình không kiểm chứng thì tai hại lắm…

Tháng 8, 1988, tôi gọi sang Paris, gặp Duyên Anh ngay. Tôi nói:

- Em gọi sang mừng sinh nhật anh, mong anh chóng bình phục.

Giọng nói Duyên Anh vẫn còn hơi yếu. Tuy nhiên, anh bảo, so với hôm ở

Mỹ, anh khá hơn nhiều rồi.

Duyên Anh nói:

- Anh đang tập viết bằng tay trái. Nhưng viết rất chậm, và chữ còn xấu lắm. Nhưng cũng còn may, anh vẫn còn đầy đủ trí nhớ, chứ không mất trí như người ta đồn đâu.

- Anh đi lại được chưa?

- Cũng tạm được. Người ta phải bó chân phải của anh lại để đi cho dễ. À, lúc này, anh làm thơ lại rồi. Để anh đọc tặng em bài thơ bốn câu, anh mới làm xong

Ta ở năm ngày, em biết không?
Trưa nghe một tiếng mộng tan lòng
Bắt đầu chiều tối ru đêm sáng
Chả có cái gì, không vẫn không

Tôi nói:

- Thơ nghe thì hay, nhưng em không hiểu anh muốn diễn tả cái gì.

- Làm có bốn câu này, mà nghĩ mãi mới ra đấy. Anh muốn diễn tả lại thời gian hai mươi ngày nằm nhà thương ở bên Mỹ. Năm ngày ở đây, anh muốn nhắc đến lúc đang còn bị hôn mê…Kể ra, thì Thượng Đế vẫn còn thương mình lắm. Bị đánh như vậy, mà mình không chết, cũng không mất trí nhớ…

- Lúc này, anh còn hút thuốc lá không?

Có tiếng cười ở đâàu giây bên kia:

- Không, anh không hút thuốc nữa. Rượu, anh cũng bỏ rồi.

- Thế còn bia?

- Bia và rượu vang, anh cũng bỏ luôn.

- Như thế, chắc chị mừng lắm hả?

- Dĩ nhiên, phải mừng chứ.

- À, hôm nọ Julie bàn với em về việc ra một băng nhạc, trong đó cô ta sẽ hát mười bài của anh. Julie bảo đã nhờ người làm hòa âm mấy bài ấy rồi.

- Ừ, cứ làm đi. Không có gì trở ngại cả. Nhưng mà, anh dặn cái này. Mỗi bài, em nên viết mấy dòng giới thiệu, để người ta hiểu được nội dung bài hát…

Hôm sau, ông C. gọi cho tôi. Ông kể:

- Tôi vừa đi dự một buổi tiếp tân ở vùng Hoa Thịnh Đốn. Một vài thân hữu của tôi, trong lúc nói chuyện về Duyên Anh, đã đưa ra những lời đồn đại bất lợi cho anh ấy. Tôi nói thẳng với mấy anh em đó như thế này: “ thứ nhất, nếu các anh ở vào điạ vị của Duyên Anh, các anh có anh hùng hơn Duyên Anh hay không? Thứ nhì, về tin đồn anh ấy làm ăng ten, thì tôi đã nghe ít nhất hai người nói về tư cách của anh ấy trong tù. Người thứ nhất là anh Đỗ Tiến Đức. Anh Đức kể cho tôi nghe là một anh phó quận trưởng tên là Nguyễn Đình Đức, bị giam chung phòng với Duyên Anh, đã xác nhận là không hề có chuyện ấy. Người thứ hai là ông T., tự T. T, ở San Diego. Ông T. kể cho tôi nghe là ông PL, cựu nhân viên hãng thông tấn UPI, chính mắt thấy Duyên Anh, trước mặt cán bộ Việt Cộng, đã khai nghề nghiệp như sau: Viết Văn, Viết Báo Chống Cộng. Ông PL đứng ngay phiá sau Duyên Anh, đã hoảng lên khi thấy Duyên Anh dám khai như vậy. Theo ông PL, một người khí phách anh hùng như vậy, không thể nào làm ăng ten được…”

Tôi hỏi ông C.:

- Ông T. T trước đây là người thân cận của ông Ngô Đình Nhu phải không?

- Đúng rồi.

- Vậy thì em biết. Em có gặp ông ta một lần.

- Sau cùng, tôi nói với mấy anh em hôm đó rằng “nếu các anh em chưa có bằng cớ rõ ràng, thì không nên loan những tin đồn có hại cho danh dự người ta như vậy.” Tôi cũng đề nghị các anh em ấy nên đọc các tác phẩm của Duyên Anh để thấy Duyên Anh chống cộng siêu đẳng như thế nào. Anh ta không chửi cộng sản một cách bâng quơ, bừa bãi như những người khác. Duyên Anh châm biếm cộng sản một cách cay độc, không thương xót; khiến cho người đọc, nếu chống cộng, thì thấy hả hê lắm; còn nếu là cộng sản, hay thân cộng, thì đau đớn, bực tức phát điên lên được.

Ông C. hỏi tôi:

- Chú có xem cuốn video Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam chưa?

Khi tôi nói chưa, ông đề nghị:

- Chú nên tìm xem cuốn video đó đi. Những bản nhạc trong ấy, thì cũng tương tự như trong các cuốn video khác thôi. Giá trị độc đáo của nó nằm trong những lời giới thiệu Duyên Anh viết, được đọc trước khi ca sĩ trình bày một nhạc phẩm. Mỗi lời giới thiệu là một viên đạn cực mạnh bắn vào cộng sản và đám tay sai đã khuấy phá miền Nam bằng những phong trào đòi hòa bình giả tạo.

Chúng tôi nói qua chuyện khác. Ông C. cho biết ông vừa đi dự một tiệc cưới ở San José, và gặp DT tại đó. Ông muốn biết có phải tôi giới thiệu DT vào thăm Duyên Anh, khi anh đang nằm tại Humana Hospital không.

Tôi kể cho ông C. nghe, đầu tháng 5,1988, DT xuống Los Angeles dự một hội nghị y khoa. Anh cả tôi đưa DT về nhà chơi. Buổi chiều, tôi lái xe đưa DT đến thăm Duyên Anh. Lúc đó, Duyên Anh còn đang ở trong tình trạng hôn mê, hoàn toàn chưa nói năng, cử động gì được. DT sờ nắn tay và chân của Duyên Anh, gõ nhẹ vào mấy khớp có gân để thử phản xạ.

DT nói với tôi:

- Như thế, là anh ấy bị tổn thương ở não bộ rồi. Đối với một số trường hợp ở Mỹ này, bác sĩ có thể giải phẫu óc để chữa phần bị thương, thì bệnh nhân mới cử động bình thường được.

Điều mà cả DT và tôi không ngờ, là khi chúng tôi nói chuyện bên giường anh, Duyên Anh đã nghe, và hiểu hết. Nhưng tôi chắc chắn, Duyên Anh đã hiểu lầm điều DT nói. DT chỉ chia xẻ với tôi nghe kiến thức y khoa của anh về những trường hợp tương tự như của Duyên Anh thôi. DT không phải là bác sĩ điều trị của Duyên Anh. Anh cũng chẳng phải là bác sĩ chuyên môn về giải phẫu não bộ. Vậy thì làm sao anh có quyền “đòi mổ óc nhà văn, nhét óc khác vào”, như gia đình Duyên Anh, và ngay chính Duyên Anh đã nghĩ được? Câu hỏi này, tôi đã hỏi Duyên Anh. Nhưng anh chỉ giữ yên lặng. Tình bạn giữa anh và DT kể như đã chấm dứt từ sau lần DT mời anh lên San Francisco chứng kiến buổi ra mắt quốc ca mới, và kế đó, lần tiếp xúc với độc giả ở đại học San Francisco. Một vài bài hát Duyên Anh làm thời 85, 86, đề tặng DT, bạn tôi, sau này, tôi thấy anh xóa bỏ lời đề tặng ấy đi. Tính tình Duyên Anh vẫn thế: thương ai, thì làm bất cứ chuyện gì cho người ấy. Đến khi ghét người ta, thì ghét cay ghét đắng, và không ngại viết những lời nặng nề về chính người mình đã một thời có những giao tình!

Chỉ vài tuần sau lần tôi gọi sang thăm Duyên Anh, tôi nhận điện thoại của

anh tôi, Vũ Đức Anh:

- Anh vừa nói chuyện điện thoại với Duyên Anh. Anh ấy vừa nói vừa khóc. Cháu Thiên Hương, và chồng cháu, đều tử nạn, khi chuyến bay từ Hà nội sang Thái Lan bị rơi. Cuối tuần này, tang lễ sẽ cử hành ở Vitry…

- Có an táng luôn ở đó không?

- Không chôn. Sẽ hỏa táng. Duyên Anh bảo, lẽ ra, anh ấy gọi sang báo tin cho cậu mẹ và em. Nhưng anh ấy buồn quá, nhờ anh nhắn lại với em như vậy. Anh ấy bảo lúc nào cũng thương mến em, và có nhiều chuyện chỉ có thể nói riêng khi gặp em thôi…


*

* *

Không đầy một năm, sau ngày gặp nạn, khoảng cuối tháng 3,1989, Duyên Anh từ Paris gọi sang cho tôi:

- Sao, Hiền khỏe mạnh chứ?

- Em khỏe. Còn anh thì sao? Tiếng nói của anh nghe rõ lắm.

Duyên Anh cười vang:

- Dạo này thì khỏe rồi. Nhất là trí nhớ mình vẫn không mất đi một tí gì cả. Tuy nhiên, anh đang phải học lại tiếng Pháp, tiếng Anh. Nói tiếng Việt, anh cũng phải nói chậm thôi. Nói nhanh, là mất đà ngay lập tức.

- À, em có được đọc bài Bạch Thái Hà viết về buổi ra mắt Đồi Fanta …

- Nhờ cuốn này, Hàn Lâm Viện Pháp vừa quyết định trao tặng anh Prix de la Liberteù (Giải Thưởng Tự Do)…

- Giải thưởng này to không? Nhiều tiền không?

Duyên Anh lại cười:

- Chưa biết bao nhiêu. Họ chỉ mới báo cho anh biết vậy thôi. Mừng quá, gọi ngay cho em biết.

- Giải này, họ có hàng năm không?

- Không rõ nữõa. Chỉ biết họ trao cho nhà văn nào viết những tác phẩm tranh đấu cho quê hương của mình.

- Họ tặng giải cho anh nhờ cuốn Đồi Fanta này, hay nhờ cả mấy cuốn

trước nữa?

- Nhờ cuốn này thôi.

- Anh bắt đầu viết lại chưa?

- Anh muốn tiếp tục viết ghê lắm, nhưng viết bằng tay trái chậm quá. Cho nên thôi, khoan đã. Nghỉ một thời gian nữa, rồi mới viết lại.

- Mấy tháng nay, anh làm những gì?

- Suốt ngày, anh chỉ ngủ thôi. Dạo này, anh buồn ghê lắm…. Có hôm, anh đang nói chuyện với thằng XT, bà vợ anh chen vào nói, rồi chửi nó ghê gớm lắm, gọi nó là đồ ăn cướp, làm anh mất mặt quá. Hôm sau, anh phải gọi cho nó. Anh bảo “Bà vợ tôi có nhiều chuyện đau buồn, nhất là từ khi con gái tôi chết, nên nói năng lung tung lắm, anh bỏ ngoài tai đi. Anh làm việc với tôi, chỉ biết tôi thôi. Đừng để ý những gì bà ấy nói”…

- XT đã từng quý trọng và biệt đãi anh, phải không?

- Ừ. Nó trả tác quyền cho anh cao lắm, sáu bảy ngàn một cuốn. Trong khi ấy, nó trả các tác giả khác một vài ngàn thôi. Nhưng có lẽõ, sau lần này, anh sẽ không còn làm việc với nó nữa đâu…

- D. nói với em, anh ta bực mình lắm, và sẽ không in Hồn Say Phấn Lạ nữa…

- Nó không in, sẽ có đứa khác in. Em đừng lo chuyện đó…Anh chỉ muốn gọi tâm sự với em chút thôi. Giá ở gần em, em đến thăm anh, anh em mình nói chuyện, chắc anh chóng khỏi hơn. Bây giờ, anh chưa làm gì một mình được hết. Cánh tay phải mới chỉ hơi nhấc lên được một chút thôi…

- Thế còn chân phải? Anh đã tự mình đi được chút nào chưa? Có phải dùng gậy chống không?

- Đi một mình cũng được. Chậm thôi. Không dùng gậy cũng đuợc, nhưng đi không vững lắm…

- Anh còn phải vào nhà thương không?

- Không. Chúng nó cho anh về nhà rồi. Bây giờ, mỗi tuần ba lần, có xe đến đón anh tới chỗ tập ở Trung Tâm Phục Hồi. Mai mốt, không tới tập nữa, thì sẽ có y tá đến nhà, mỗi tuần một lần, để theo dõi và tập cho mình…

- Như thế là anh cũng đã hồi phục mau lắm rồi. Chưa đầy một năm mà….

- Ừ. Họ bảo anh, ít nhất phải hai năm tập luyện đều đặn mới khá được….Cánh tay phải, anh giơ lên được. Chỉ mấy ngón tay là chưa cử động thôi. Nhưng so với mấy ông Tây bị tai nạn, họ liệt và ngọng luôn, không nói được như anh, thì mình cũng may mắn hơn rồi…

Sau vài giây trầm ngâm, Duyên Anh tiếp:

- Nhưng cái buồn phiền không phải ở chỗ mình què quặt…

- Em hiểu anh nói gì rồi…

Duyên Anh hỏi:

- Mấy tuâàn nay, em có nói chuyện với Julie không?

- Vài tháng trước thì có. Tháng vừa rồi thì không.

- Hôm nọ, nhân đi Thụy Sĩ trình diễn, nó có ghé thăm anh…

- Ở nhà hả?

- Không. Ở nhà bạn anh. Bạn anh tới, đón anh về nhà anh ta chơi. Julie gặp anh ở đó. Buổi chiều. Tội nghiệp, thấy anh tật nguyền, nó khóc! Julie hỏi, có thể gặp anh một lần nữa không. Làm sao gặp được? Ra khỏi nhà, khó khăn lắm, em ạ! Bạn bè, đâu phải lúc nào mình muốn đi, họ cũng đến đón được? Anh cảm thấy tù túng lắm. Ở nhà, mỗi lần có chuyện, anh vừa nói được hai câu, là phải câm miệng luôn. Cứ im lặng mà chịu đựng thôi…

- Ông bạn nào của anh thường đến chơi với anh?

- Thằng Ngọc.

- Anh Mai Trung Ngọc của Nam Á?

- Ừ. Lâu lâu nó chở anh đi chơi loanh quanh. Mỗi lần đi chơi về đến nhà, là lại có chuyện! Thành thử, anh đâm ra chán, chẳng muốn đi chơi đâu nữa. Mẹ, chán lắm cơ! Mình có một số bạn thân quý mến mình; họ không dám đến thăm mình nữa. Anh đã khổ, lại càng khổ thêm. Nhưng mà cái khổ thêm này, nó cũng chỉ có hạn thôi. Anh chỉ mong khỏe hơn một chút, anh sẽ đi tìm một chỗ nào đó, sống riêng cho mình. Con cái bây giờ, chúng nó lớn hết cả rồi, anh có bỏ đi luôn cũng chẳng sao hết. Tiếp tục sống như thế này, anh đau khổ và buồn phiền lắm.

Tôi an ủi:

- Thôi, anh ạ. Anh cố tĩnh dưỡng, cho khỏe hẳn. Ước gì em được sang đó thăm anh…

Duyên Anh:

- Anh biết. Nhưng em còn phải ở nhà trông nom ông bà cụ….Nếu em ở gần, anh tin em sẽ giúp anh phá vỡ cái tâm sự buồn phiền này.

Thấy nói chuyện đã lâu, tôi từ giã Duyên Anh, và hứa sẽ thỉnh thoảng, gọi

sang nói chuyện cho anh bớt cô đơn.

Từ đó, cứ vài tuần một lần, tôi gọi sang, nói chuyện với Duyên Anh.

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, có khi cả nửa tiếng mới xong. Một hôm, tôi hỏi Duyên Anh về chuyện viết lách. Anh thở dài:

- Đ.m, chán lắm! Chẳng viết được cái gì hết. Mình vừa đặt bút, viết được mấy dòng, hay đang suy nghĩ về một đề tài định viết, thì bên ngoài lại làm ồn lên, mất cả hứng đi. Anh bực mình, vứt hết mẹ nó đi, chẳng viết lách gì nữa. Và lại nằm xuống ngủ. Cho nên, khổ ghê lắm. Chẳng biết làm gì cả!

Tôi đề nghị:

- Anh có thể, mỗi ngày, đến thư viện gần nhà, ngồi ở đó ba bốn tiếng đồng hồ, để được yên tĩnh, thoải mái mà viết không?

Duyên Anh “hừ” nhẹ một tiếng:

- Muốn ra thư viện, đâu có ai chở. Mà đi bộ, thì đi không nổi. Với lại, anh viết bằng tay trái, chậm lắm. Và anh có thói quen khi viết, phải viết ở nhà cơ. Phải chi, anh có một phòng riêng, đóng kín cửa lại, để viết cho yên ổn! Bây giờ thì, hễ viết được một chút là lại có chuyện. Chuyện không phải của mình, cũng biến thành chuyện của mình, mới khổ chứ! Cho nên, năm ngoái, khi anh sắp rời nhà thương, cháu Ki, con gái anh bảo “Bố không về nhà được đâu”. Nó nói thẳng với các bác sĩ như vậy. Cháu đề nghị họ cho anh về thăm nhà một vài hôm thôi, rồi trở lại bệnh viện. Nhưng em biết, mình đâu có là cái gì mà tụi Tây nó phải giữ mình mãi trong đó để săn sóc.

- Cháu Ki có lẽ hiểu anh nhiều…

- Lúc ấy, anh không hoàn toàn hiểu ý của nó. Bây giờ, anh hiểu rồi. Lúc họ đưa anh từ Mỹ về, là vào thẳng bệnh viện thôi. Trước đây, anh cứ nghĩ, đời mình như thế này, mình yêu tất cả mọi người, Thương Sinh nghĩa là thương yêu chúng sinh mà. Dĩ nhiên, mình phải thương yêu vợ con mình chứ. Thế mà bây giờ, gặp cảnh này, rồi thì còn sẽ ra thế nào nữa? Cứ hết oan khiên này, lại đến một đoạn trường khác, đau khổ lắm, em ạ!

Tôi hỏi:

- Trong bài giới thiệu Đồi Fanta, Bạch Thái Hà hỏi anh có tha thứ cho kẻ hành hung anh không, anh bảo đã tha thứ rồi…

Duyên Anh nói ngay:

- Anh tha thứ chứ. Anh biết, thằng đó chỉ là một thằng đánh thuê thôi. Nó chỉ là công cụ của một cá nhân hay phe nhóm nào đó thôi.

- Theo anh, phe nhóm nào chủ mưu vụ hành hung anh?

Có tiếng cười khan bên kia đầu giây:

- Nó đủ cả mọi nhóm, em ạ. Mỗi người suy đoán một cách. TTQ kể cho anh, anh ta nghe nói ĐNT bỏ tiền thuê người đánh anh. Người khác thì bảo đấy là do nhóm HCM chủ trương…

- Còn riêng anh, anh có linh cảm kẻ nào, nhóm nào chủ mưu vụ đó không?

Sau vài giây im lăëng, Duyên Anh nói:

- Không, anh chẳng linh cảm thấy gì hết. Mình nghi ngờ người này, nhóm kia, có thể oan cho người ta. Nên anh trả lời là anh không biết, và cũng chẳng nghi ngờ ai đã chủ mưu vụ hành hung đó. Còn khi anh Bạch Thái Hà hỏi anh có tha thứ cho thằng đánh anh không, thì anh tha thứ chứ. Với thằng đi đánh thuê, thì mình tha thứ cho nó chứ….

- Nhưng với bọn chủ mưu?

- Bọn này, thì cần phải tìm ra chúng, để tránh cho những người cầm bút khác khỏi phải trải qua những gì anh đã phải chịu đựng. Còn cá nhân anh, thì chẳng có nghĩa lý gì cả.

Tôi hỏi sang chuyện khác:

- Mấy tháng nay, anh có viết được bài, hay truyện ngắn nào không?

- Không, chẳng có bài nào cả. Chỉ thỉnh thoảng viết được vài lá thư ngắn, gửi cho bạn bè thôi. Có nhiều ý tưởng tiểu thuyết rất lạ, muốn viết ra lắm, nhưng không viết được. Sở dĩ như thế là vì suy nghĩ của mình đến rất nhanh, và biến đi cũng rất nhanh. Bàn tay mình không ghi kịp trên giấy, thế là mất luôn…

- Anh có nghĩ đến việc đọc những gì anh định viết vào máy thu băng, rồi có người sẽ đánh máy ra không? Có một số tác giả từng viết theo cách đó.

- Cái đó, anh chưa làm bao giờ.

- Anh cứ thử đi. Họ đánh máy xong, anh sẽ sửa lại, thêm bớt. Bản văn sẽ hoàn chỉnh hơn nhiều…

- Ừ, có lẽ anh sẽ thử vậy xem. Nhưng mà, chắc anh sẽ không viết báo nữa đâu. Chắc anh sẽ chỉ viết sách thôi. Tụi Tây xem chừng khoái sách của mình. Thằng giám đốc nhà xuất bản Belfond nói nó sẽ in La Colline de Fanta ở bên Ý nữa…

- Và họ sẽ làm thành phim nữa chứ?

- Ừ. Nhưng chưa biết đến khi nào. Em nhớ, mấy năm trước, nó đã ký contrat với mình về chuyện đó. Nhưng bây giờ, anh sẽ đưa cho nó in cuốn thứ ba, đã dịch sang tiếng Pháp rồi.

- Cuốn Một Tù Binh Mỹ ở Việt Nam?

- Phải rồi. Để anh nhờ agent littéraire của anh, thằng Ghislain Ripault đó, sửa lại vài chỗ, rồi mới in. À, hôm anh họp báo, sau khi Hàn Lâm Viện Pháp báo tin Đồi Fanta được giải, vui lắm cơ…

- Họp ở đâu?

- Ở phòng khánh tiết của nhà xuất bản Belfond. Khoảng một trăm người, thuộc giới văn nghệ, báo chí Paris tham dự. Có cả Oliver Todd nữa….

- Oliver Todd, anh chàng nhà báo thân cộng trước 75, sau này phản tỉnh?

- Ừ, nó viết cuốn Tháng Tư Đen, anh Phạm Kim Vinh dịch ra tiếng Việt đó. Hôm ấy, nhiều người khác nữa, toàn dân Tây thôi, đến bắt tay, cám ơn anh đã viết Đồi Fanta cho họ đọc. Có người bảo “Cuốn sách ấy, tôi đọc hai lâàn, lần nào tôi cũng rơi nước mắt.”

- Như vậy là anh cũng sướng đấy chứ?

- Dĩ nhiên. Oliver Todd dự buổi họp báo ấy xong, viết một bài về anh đăng trên Paris Match. Trong đó có câu “Người Việt Nam đã tìm thấy Solzhenitsyn của mình rồi”. Anh cảm thấy mình đã phần nào được đền bù. Nhưng mà, giá cuốn sách này được phát hành trước đây năm sáu năm, thì mình đã ăn lớn rồi.

- Tại sao vậy?

- Hồi ấy, tụi Việt Cộng bên nhà còn gắt gao. Anh viết cuốn Đồi Fanta năm 1982, dạo tụi nó còn bắt trẻ bụi đời tập trung dữ lắm. Bây giờ 1989, tụi nó đã thả bọn trẻ con ra hết rồi; không còn sắt máu như trước nữa, nên sách của mình ra lúc này, kể như hơi muộn…Mẹ nó, mình đen thật, đen thật!

- Thôi, anh ạ. Mình nhắm vào cái giải sắp tới, sẽ còn ngon lành hơn cái Giải Tự Do nữa. Thế còn buổi họp báo hôm ấy, anh có phát biểu gì không?

- Dĩ nhiên là có chứ. Em cứ đọc tờ Ngày Nay của Lê Hồng Long là biết đủ mọi chi tiết. Có cả hình ảnh nữa…Anh cũng trả lời một số câu hỏi của các nhà báo.

- Anh nói bằng tiếng gì?

- Tiếng Việt. Ông frère ngồi cạnh anh, dịch ra tiếng Pháp.

- Ông Jean Mais hả?

- Không. Ông Pierre Trần Văn Nghiêm. À, mấy tuần trước, thằng Ngụy Ngữ sang Mỹ chơi, rồi về Việt Nam, gọi điện thọai cho bốn thằng bên ấy. Một thằng nhà văn, dù nó ở với Việt Cộng đi nữa, khi nó bàn chuyện văn nghệ với mình một cách thẳng thắn, thì mình cũng công khai và đàng hoàng trao đổi ý kiến với nó chứ. Có gì đâu mà mấy anh bên Mỹ cứ làm như chạm phải nọc, ầm ĩ cả lên? Rồi lại ông NT nữa. Ông ấy viết một bài trên tờ Nghiên Cứu Văn Hóa của Hà nội, trong đó, ông ấy nhận mấy anh Cộng Sản gộc là “ đồng chí ”. Bài ông ấy viết có tựa là Đồ Chơi Trẻ Em. Ông ấy nhắc đến “đồng chí” Lê Duẩn, và trích dẫn bài tham luận của “đồng chí” Võ Nguyên Giáp…

- Anh căn cứ vào đâu để nói về NT như vậy?

- À, có lẽ em chưa tin trí nhớ anh đã hoàn toàn hồi phục đâu. Anh nói có sách, mách có chứng đây này. Hồi ấy, anh đang ở tù Xuyên Mộc với Đằng Giao. Một hôm, Đằng Giao đi làm tạp dịch ở phòng ngủ của cán bộ. Cu cậu mượn được tờ Nghiên Cứu Văn Hóa, đem về ném trước mặt anh. Anh còn nhớ rõ, đây là số báo phát hành năm 1979. Đằng Giao nói: “Ông xem đây này, đ.m, chúng mình đi tù, khổ bỏ mẹ. Nó ở nhà, viết bài như thế này đây. Hồi xưa, ai cũng bảo thằng NT khí khái lắm. Đây này, ông xem, nó khí khái như thế này đây.” Em có dịp gặp Đằng Giao, nó sẽ xác nhận chuyện đó. Thôi nhé, anh cúp máy đây. Nói chuyện vậy, mà anh thấy mệt rồi đấy. Lúc nào có một mình anh ở nhà, anh sẽ gọi cho em. Còn anh không gọi, em biết tại sao rồi đấy.

*

* *

Mùa hè 1991, Duyên Anh gọi sang cho tôi. Thời gian này, anh sống ở Arlington, Texas, để làm tờ Con Cò. Duyên Anh bao sân, viết hầu như tất cả mọi mục. Có thể nói, Con Cò là hậu thân của Con Ong gần ba mươi năm về trước. Anh đọc cho tôi nghe chủ trương của tờ báo, đại khái gồm hai phần: phần trào lộng, đả phá, diễu cợt, sống sượng; và phần tâm bút, đứng đắn hơn, để xây dưnïg. Anh nói, “báo này chỉ bán có một đồng thôi. Sẽ không sống bằng quảng cáo. Nếu nhận quảng cáo, thì sẽ không phải là thứ quảng cáo vớ vẩn năm mười đồng. Làm tờ báo này cũng có nghĩa là cách mạng báo chí đấy. Để chấm dứt tình trạng báo phát không ở chợ, tiệm ăn, và các phòng nhổ răng.”

Tôi hỏi Duyên Anh:

- Anh có nghe vụ Lê Triết không?

- À. Cộng sản nó bắn đấy. Chúng nó khôn lắm, làm cái gì rồi, cứ đổ vạ cho Kháng Chiến là xong. Đánh anh rồi, chúng nó cũng đổ vạ cho Kháng Chiến. Nhưng những thằng ở Kháng Chiến đâu có phải tụi đi giết người. Dọa nạt vớ vẩn, bố láo bố lếu vậy thôi. Còn đánh người, giết người chỉ có cộng sản thôi. Ngày xưa, chúng nó giết Từ Chung, bắn Chu Tử, ám sát Nguyễn Văn Bông, chúng đều tung tin, cho người ta nghi ngờ chính quyền miền Nam làm những việc đó. Mãi hai mươi năm sau, chúng nó mới xác nhận, chính chúng nó đã bắn giết những người ấy.

Tôi hỏi:

- Anh liên lạc được với Nguyễn Minh Tranh chưa?

- À, thằng Tranh, lính nhảy dù. Nó quý anh lắm. Sang Wichita, anh tìm nó, nhưng chưa gặp.

Duyên Anh nói:

- Thằng Nguyễn Đức An vừa gọi. Nó bảo vùng quận Cam đã bày bán rồi. Anh nhờ nó lo việc phát hành bên ấy.

- Em có nhìn thấy Con Cò ở mấy hiệu sách. Nhưng anh có nghĩ đến việc gửi thẳng cho độc giả dài hạn không?

- Có chứ. Anh hiện có khoảng một trăm độc giả dài hạn. Hôm qua, nhờ người gửi báo cho họ. Bưu phí đã hết gần hai trăm đô rồi.

Tờ Con Cò vắn số, chỉ ra được ba lần rồi thôi. Trong mấy số báo ấy, Duyên Anh đánh một số nhân vật được nhiều người quý mến trong giới văn nghệ sĩ như tài tử Kiều Chinh, và nhà báo Lê Đình Điểu.

Duyên Anh từng nói với tôi hồi 1988, trước khi anh gặp nạn, Kiều Chinh đã hứa đến dự buổi ra mắt tác phẩm Nhà Tù của anh, do Xuân Thu tổ chức tại khách sạn Disneyland, tháng giêng, năm 1988. Nhưng sau đó, cũng theo lời Duyên Anh, Kiều Chinh nghe lời Mai Thảo (không có mặt trong buổi ra mắt này), đã không đến tham dự.

Còn Lê Đình Điểu, đối với Duyên Anh cũng không xa lạ gì. Năm 1974, và đầu 75, khi Duyên Anh tiếp xúc thường xuyên với Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, chính Lê Đình Điểu, một trong những nhân viên phụ tá thân cận của Nguyễn Văn Hảo, là người liên lạc giữa ông Hảo và Duyên Anh. Trong bài viết ngắn châm chọc Lê Đình Điểu, Duyên Anh đã đi quá giới hạn của trào phúng, để gần như trở thành đặt điều, mạ lỵ cá nhân. Tôi sẽ viết thêm về việc này trong phần sau, khi Duyên Anh sang Cali lần cuối.

1991 cũng là năm Duyên Anh cắt đứt mọi liên lạc với Quỳnh Giao. Trước khi gặp tai nạn, Duyên Anh từng cho tôi biết, Quỳnh Giao đã đến với các nhạc phẩm của anh hoàn toàn vô vụ lợi. Chị đến Paris, chỉ xem qua các nhạc phẩm này, là có thể ngồi vào piano, đệm và hát ngay được. Không những thế, chị hát những bài ấy chính xác và điêu luyện đến nỗi có thể thu vào băng nhựa luôn. Tài năng của Quỳnh Giao đã khiến cho người nhạc trưởng Pháp phải kinh ngạc và thán phục. Chính Duyên Anh đã viết bài Quỳnh Giao, Danh Ca của Kỷ Niệm, với những lời văn thật đẹp, đăng trên nguyệt san Ngày Nay của Lê Hồng Long, để ca tụng chị.
….

“Tuổi dương câàm của Quỳnh Giao dễ chừng đã 30. Ba mươi năm tay ngọc lướt trên phím ngà, tôi nghĩ, khó mà tìm ra ở nữ ca sĩ Việt Nam, kể luôn Thái Thanh. Hãy đưa Quỳnh Giao một ca khúc mới nhâát và khó nhất của Cung Tiến, của Vũ Thành! Nàng nhìn qua, xướng âm ngay và hát liền sau đó, khỏi cần dạo nhạc.”….

“Đừng so sánh Quỳnh Giao với bâát cứ ai. Quỳnh Giao là Quỳnh Giao, là “con chim tới từ núi lạ”. Đừng hỏi Quỳnh Giao đứng hạng mấy trên Top. Quỳnh Giao là nghệ sĩ không thích nói đến lợi nhuận. Đừng kiếm Quỳnh Giao tại bục gỗ phòng trà, nơi đàn điện, trống phách là thảo khấu âm thanh. Hãy tìm Quỳnh Giao ở giàn nhạc hòa tấu Pháp hay Mỹ, Việt hay Ý, Anh hay Đức. Hãy chiêm ngưỡng nhạc trưởng điều khiển. Hãy lắng nghe Quỳnh Giao hát. Nàng gửi hồn mình vào hồn tác phẩm. Nàng diễn tả điêu luyện, chứa chan cảm xúc. Quỳnh Giao, tiếng hát của những người yêu thương kỷ niệm. Sau hết, một lời tôn vinh cao quý nhất, đẹp đẽ nhất: Quỳnh Giao, danh ca của kỷ niệm.”

Quỳnh Giao đã hát và thu băng cho Duyên Anh khoảng chừng hai mươi ca khúc của anh, trong hai cuốn Còn Thoáng Chiêm Bao và Rồi Em Ngủ Võng Đong Đưa. Theo tôi biết, Duyên Anh không gửi bán hai cuốn này. Anh chỉ tặng một số thân hữu của anh thôi.

Rất tiếc, khi tên tuổi Quỳnh Giao tại Cali bắt đầu gắn liền với NXN, Duyên Anh không ưa NXN, đâm ra ghét lây Quỳnh Giao.

Chương 6

Khoảng tháng ba, tháng tư, 1993, Duyên Anh gọi cho tôi. Giọng anh hớn hở:

- Anh vừa viết xong được một tập Nhìn Lại Mình rồi…

- Nhìn Lại Mình là thế nào? Tại sao anh lại đặt cái tựa này?

- Đây là một thứ hồi ký lịch sử, phần tiếp theo của Nhìn Lại Những Bến Bờ. Anh kết hợp cả văn nghệ và chính trị vào trong bộ này. Phải bốn tập mới xong cơ. Xong rồi, thì cũng phải tới hai nghìn trang. Cái tựa, thì anh lấy hứng từ câu nhạc của thằng Trịnh Công Sơn “…nhìn lại mình, đời đã xanh rêu” ấy mà.

- Anh viết về những chuyện gì trong đó?

- Thì cũng chỉ loanh quanh là cuộc đời mình, bắt đầu từ năm 64, 65, và các chuyện trong các giới chính trị, văn nghệ. Trong cuốn này, anh đập một số ông thầy chùa và cha cố ghê lắm. Mấy ông ấy có tội với dân tộc ghê lắm, mà nhiều người không biết đó thôi.

- Ngoài mấy ông kể trên, anh còn viết về những ai nữa?

- Anh cũng điểm mặt những đứa, mà anh gọi là bọn đối lập với tổ quốc. Đây là những đứa ăn cơm quốc gia, nhưng lại ăn cứt của cộng sản. Bọn này bày trò xuống đường chống đối chính phủ vì những lý do chẳng ra gì cả. Chúng nó phá hoại miền Nam, và chỉ làm lợi cho cộng sản thôi. Ngoài ra, anh còn khôi hài hóa những thằng tập tành làm chính trị, theo lệnh của nhà thờ, nhà chùa, mà anh gọi là bọn chính khách nhện nướng.

- Thế còn việc anh nhờ anh N. đi đến đâu rồi?

- Anh chỉ thử nó thôi, để biết nó có còn tốt với mình không. Nhưng nó bảo lương nó có ba mươi sáu ngàn một năm, không thể bảo lãnh mình được. Anh hỏi nó, là hỏi chơi vậy thôi. Chứ mình đâu có thiếu gì bạn bè sẵn sàng giúp mình chuyện ấy. Vậy mà nó định nhờ mình viết hồi ký về cuộc đời nó mới hay chứ!

- Tập 1 này, khi nào anh in?

- Cứ để từ từ, bao giờ có tiền nhiều, rồi in cũng chẳng muộn gì. À, vừa rồi, lại có thằng thầy bói bảo anh năm tới sẽ khá hơn, và năm tới nữa, sẽ kinh khủng lắm. Anh hiện nay, có sáu bảy cuốn, đánh máy cả rồi, nhưng chưa in. Bộ truyện Những Đứa Trẻ Thái Bình, anh Hoàng Mạnh Hùng đánh máy hộ anh. Anh ấy cũng chỉ cho anh những chỗ sai về lịch sử, để anh viết lại cho đúng…

Duyên Anh chợt cười vang thích thú:

- Bộ Những Đứa Trẻ Thái Bình này, anh viết hay lắm cơ. Đ.m, độ rày, không hiểu sao mình lại viết hay như thế! Viết xong Tập 1 của Nhìn Lại Mình cũng vậy. Anh đọc lại cẩn thận, và thấy hay quá, hay quá à! Lại một tin đáng mừng nữa: Tụi nhà xuất bản Fayard vừa bảo anh, chúng nó muốn độc quyền xuất bản các sách viết về tuổi thơ của anh. Thế là, mình viết truyện trẻ con cũng thuộc hạng nhất trên thế giới, chứ còn chó gì nữa? Ở bên Mỹ, đã có thằng nào làm được như thế chưa?

- Đâu có ai, ngoại trừ Mark Twain.

- Mình cũng hồ hởi, phấn khởi chứ. Mình nhìn thấy con đường phía trước mặt mình cũng sáng sủa lắm. Thằng thầy tướng bảo “ tôi chắc chắn sang năm, ông sẽ khá. Rồi thì năm sau nữa, tức là năm ông sáu mươi tuổi, danh tiếng ông sẽ nổi như cồn, và tiền cũng vào như nước. Cái hạn hai mươi năm của ông, lúc đó, sẽ chấm dứt. Cứ yên chí chờ đợi đi. Dạo này, tôi thấy mặt ông tươi lắm đó. ” Thành ra, anh cũng khoái quá đi chứ. Và làm việc cũng chăm chỉ lắm. Mỗi ngày, anh đều cố viết cho được hai trang, ít lắm cũng phải một trang. Cũng có khi được sáu trang. Hôm nào hứng lắm, anh viết được tới tám trang. Đ.m, kinh quá đấy chứ? Anh viết Tập 1 này cũng nhanh lắm đó. Chỉ có hai tháng rưỡi là xong thôi.

Tôi hỏi:

- Tháng mấy anh sang đây?

- Tháng tám. À, không, tháng sáu chứ.

- Chị ấy có đi với anh không?

- Không.

- Hôm nào anh ra mắt cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình với độc giả Tây?

- Chưa biết nữa. Chỉ biết hai mươi tám này, anh sẽ ký sách tặng tụi nhà văn, nhà báo. Còn ngày nào ra mắt độc giả, tụi nhà xuất bản sẽ cho anh biết sau. Nhưng chắc chắn sẽ phải xong trước tháng 5, để tháng 6, anh còn đi Mỹ chứ.

- Những Đứa Trẻ Thái Bình có phải là tiếp nối của Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy không?

- Đúng rồi. Hai cuốn này là chấm dứt luôn. Bây giờ thì, thằng Vọng cũng đã trở thành cộng sản rồi. Thằng Luyến bị què chân, trở về. Thằng Vũ cũng trở về, sau khi bị phế thải một trăm phần trăm. Những thằng bạn xưa nói chuyện với nhau, và đi đến kết luận “Cách mạng mà có chủ nghĩa dính vào, thì cách mạng hỏng rồi.” Chúng nó hồi tưởng lại năm 1945, thời còn “Nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng”, đến nay đã chín năm rồi, chúng nó đều thấy bải hoải. Thằng thì bị thương, thằng thì què chân, thằng thì trốn vào Nam. Chúng nó thấy, rốt cuộc cách mạng chẳng mang lại cái gì tốt đẹp cả. Chỉ là cuối thu hiu hắt đường đời thôi. Đ.m, hay lắm cơ! Truyện này mà về đến Việt Nam, anh chắc, tụi cộng sản sẽ điên lên mất thôi. Cha con chúng nó sẽ cay cú lắm đấy. Nhưng anh chỉ viết tiểu thuyết lịch sử thôi mà. Các anh muốn chửi tôi, cứ việc chửi. Các anh dự phần vào giai đoạn lịch sử đó, thì các anh phải chịu chứ. Thực ra, anh có định coi đó là tiểu thuyết lịch sử đâu? Tụi Tây đọc xong, nhất định cho là tiểu thuyết lịch sử. Thì mình cũng “Ừ, thì đó là tiểu thuyết lịch sử.”

- Ai dịch sang tiếng Pháp cho anh?

- Thì cũng mấy người cũ thôi. Ở đây, đâu phải dễ tìm được người dịch. Bởi vì văn của anh, dịch cũng khó lắm, chứ không dễ đâu. Khi vào cuộc rồi, mới thấy là những người giỏi của mình, không có mấy đâu. À, hôm nọ, MT sang đây, nhờ người nhắn muốn gặp anh, nhưng anh bảo “Tôi không có thì giờ tiếp các anh văn nghệ sĩ đâu”…

- Bởi vì tôi thuộc loại siêu đẳng rồi hả?

- Đ. thuộc loại gì cả. Nhưng mà, mình khá hơn chúng nó, là nhờ mình bị què rồi, chỉ ở nhà suy nghĩ, và viết thôi. Dạo này, em thấy anh đã nói khá rồi, phải không?

- Khá lắm, gần như bình thường lại rồi. Tiếng Pháp của anh lúc này ra sao?

- Anh đang tập đọc lại tiếng Pháp. Còn nói, thì vẫn ngọng ghê lắm. Nhưng mà sẽ giỏi thôi. Mấy hồi? Đ.m, còn hai năm nữa để mình chuẩn bị mà. Em đừng có lo. Bây giờ, anh chẳng còn thân thuộc gì bên đây cả. Chỉ còn có Vũ Trung Hiền là em của anh thôi. Mai đây, anh khá, thì em cũng sẽ khá thôi.

- Dạ.

- Thiên hạ bạc bẽo lắm; nên anh cũng không muốn tiếp xúc nhiều. Anh sẽ cố xây dựng cho em, và cho thằng Nguyễn Đức An nữa, cách viết văn chương trào lộng. Loại văn chương này, không phải ai cũng viết được đâu. Anh đánh cuộc một triệu đô la, đố hai ông VP và MT, viết cho tôi nửa trang hài hước thôi. Các ông ấy không viết được đâu. Cam đoan với em, họ không viết được đâu. Sẽ chỉ ngồi cắn bút thôi. Cái đó, thì anh em mình chỉ ngồi một tí, là viết ra được thôi. Cho nên, chúng nó ghét anh, là chỉ vì vậy thôi. Trong Nhìn Lại Mình, Tâäp 1, anh cho chúng nó biết là từ thời Ba Giai, Tú Xuất, Tú Xương đến giờ, đã có mấy nhà văn, nhà thơ trào lộng? Tú Mỡ cũng cố gắng, nhưng không theo kịp Tú Xương được. Phải đợi đến Tú Kếu, mới xứng đáng được gọi là nhà thơ trào lộng của thời đại. Mỗi thời đại, chỉ sản sinh được vài ba người như vậy thôi. Trong Tập 1 này, anh chửi nhiều đứa lắm. Thời đại anh sống, từ 1963 đến 1975, một thời đại khốn nạn, đã tạo anh thành thằng viết văn trào phúng, đứng về phía quần chúng để diễu cợt bọn thống trị, bọn trọc phú, bọn đội lốt tôn giáo làm chuyện tầm bậy…

Duyên Anh chợt chuyển sang chuyện khác:

- À, còn việc thi vào VOA của em đi đến đâu rồi?

- Em ở trong danh sách được chọn. Chỉ chờ họ gọi thôi.

(Phải hai năm sau, VOA mới gửi thư, đề nghị tôi làm việc theo kiểu tạm tuyển, trong vòng một năm; chi phí di chuyển từ California sang Hoa Thịnh Đốn hoàn toàn tự túc; sau một năm, không có hứa hẹn tiếp tục làm việc gì cả. Tôi cho đó là một lá thư mất dạy, nên xé vụn, và vứt ngay vào sọt rác. Từ đó, tôi bỏ hẳn việc theo đuổi làm xướng ngôn viên cho bất cứ đài nào.)

Duyên Anh tiếp:

- Này, em có biết là em nhảm lắm không?

- Không. Nhảm thế nào mới được chứ?

- Bà cụ mất, mà sao không cho anh biết gì cả?

Tôi lúng túng:

- Thời gian ấy, em buồn lắm. Với lại, anh…ở xa quá…Em tưởng anh Vũ Đức Anh có cho anh biết rồi…

- Anh Anh chẳng cho anh biết gì hết. Còn xa, thì xa cái chó gì. Nhấc điện thoại lên một cái là xong rồi chứ? Nhưng mà cụ về đất như vậy cũng phải thôi. Để cụ ở lại, không có cụ ông rầy rà, bà cụ buồn chết được. Xuống đấy, gặp cụ ông, thì cũng vui thôi…

Tháng 7, 1993, tôi gọi thăm Duyên Anh. Anh nói:

- Thế nào tháng 10 này, anh cũng sẽ sang Cali thăm em. Sang lần này, thế nào anh cũng ở lại, ít nhất là hai năm. Anh đếch về Paris nữa. Anh chán nhà lắm rồi. Khi gặp nhau, anh sẽ nói rất nhiều. Tóm tắt cho em biết thôi, anh đang viết tiếp bộ hồi ký Nhìn Lại Mình. Khi đọc, em sẽ thấy anh viết còn hay hơn hồi xưa nữa cơ. Anh viết hay không thể tưởng được. Đến nỗi, anh còn phải phục anh sao lại viết hay như thế. Anh chỉ muốn sang Cali ngay bây giờ, để cho em xem những cái anh mới viết xong. À, em có nhớ những ngày em đến chơi với anh ở tòa sọạn Con Ong không? Anh nhớ những kỷ niệm ấy ghê lắm. Hình ảnh những người từng thân thiết với mình, anh chẳng bao giờ quên được. Dần dần, anh cố tập quên đi những kẻ và những chuyện đáng ghét. Nhưng mà quên được, thì cũng khó lắm đấy!

Tôi hỏi:

- Anh làm xong giááy tờ chưa?

- Chưa. Nhưng mà thế nào cũng xong trước tháng mười. Kỳ này sang Mỹ, chắc anh không còn về lại nhà nữa đâu. Khổ lắm rồi. Anh thấy là đàn bà, họ giống nhau hết thảy; chẳng khác nhau cái chỗ chó nào cả. Họ có cái nhìn rất ngắn về sự làm việc của người ta, cũng như về đời sống này. Trong khi ấy, là một thằng nhà văn, mình phải nhìn xa mới được. Nếu phải nói thật ra, mà mình lại đếch dám nói, thằng nhà văn nó có thương chó gì ai đâu. Nhà văn chỉ yêu thương tác phẩm của mình thôi. Vợ con chỉ là phụ. Điều đó, mình lại không dám nói! (Duyên Anh vừa nói vừa cười). Nói ra, là sợ nghe chửi um lên thôi. Tại sao lại sợ họ chửi um lên? Là vì anh què quặt rồi, đếch đi đâu được cả. Mỗi lần đi đâu, phải có bạn bè đến chở đi. Mà bây giờ, chẳng thằng nào dám đến tìm mình nữa. Thành thử, mình cứ nằm trơ ra như thế này thôi. Bây giờ, gặp anh, em sẽ thấy anh vẫn khỏe, chỉ trừ ra cái tay phải và chân phải thôi. Tiếng nói, đã rõ ràng rồi. Khuôn mặt anh vẫn trẻ như hồi mấy năm trước. À, còn chuyện này nữa. Anh muốn kỳ này sang, anh em chúng mình sẽ làm lại tờ Người. Sẽ có Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do cộng tác. Thằng này viết văn chương vỗ mặt thuộc loại cự phách. Anh sẽ ghi một hàng chữ ở ngoài trang bìa là Người, Tiếng Nói Bất Khuâát Của Tuổi Trẻ Lưu Vong. Mình sẽ ra mỗi tháng một kỳ, in giống như một quyển sách nhỏ, đem đi đâu cũng tiện. Chỉ cần lấy quảng cáo cho vừa đủ tiền in thôi. Cứ tà tà mà đi. Theo tử vi của anh, đại vận sẽ đến vào năm anh bảy mươi tuổi. Lúc ấy, anh làm gì cũng sẽ thành công hết. Bây giờ, anh cũng gần sáu mươi rồi. Ước muốn của anh chỉ là, trong những năm tháng cuối đời, được sống bên những người thực sự thương yêu mình. Đại khái như vậy thôi. Hẹn em tháng mười nhé.

Tháng mười tôi chờ. Duyên Anh không sang được. Anh cho tôi biết, giấy tờ bảo lãnh trục trặc. Trước đó mấy tháng, Duyên Anh nhờ một người bảo lãnh, nhưng việc này không xong. Tiếp theo, anh bảo tôi là đã nhờ Đặng Xuân Côn rồi, thế nào cũng xong trước tháng mười. Tháng mười tới. Chưa xong. Và Duyên Anh vẫn còn ở Paris.

Cuối tháng mười, tôi gọi điện thoại cho Duyên Anh. Anh nói:

- Bây giờ, cứ vài tuần lại có một tay cộng sản gộc tìm đến, chiêu dụ anh về Việt Nam với họ.

- Họ nói với anh những gì?

- Họ bảo, đại khái “Thôi, bây giờ hận thù làm gì nữa. Anh cứ trở về đi. Đừng ngại. Sẽ chẳng có ai khó dễ gì anh đâu.”

- Rồi anh trả lời họ làm sao?

- Anh nói “tôi không về vì tôi không thích chế độ cộng sản của các anh thôi. Chứ tôi sợ gì các anh? Tôi ghét cộng sản, là tôi không ở với cộng sản được. Trước hay sau gì, tôi vẫn là tôi thôi.” Còn phía quốc gia, anh muốn nói những đứa tự nhận mình là quốc gia, nhưng chỉ là bọn quốc gia giả hiệu, anh cũng ghét chúng nó luôn, nên không thể sống gần chúng nó được. Vì thế mà anh cô đơn đứng giữa, chịu một lúc hai sức ép của cả cộng sản lẫn cái gọi là quốc gia. Thành ra, anh tiếp tục chịu khổ sở, thiệt thòi đủ thứ. Nhưng mà ăn thua gì? Mình có cái sướng là được tiếp tục hướng đi đúng đắn của mình.

- Mấy tay cán bộ gộc đó có nói chuyện gì lạ với anh không?

- Lạ thì không lạ. Họ chỉ nói cho anh biết là Việt Nam đang ở trong thế kẹt. Bị Trung Cộng đe dọa thường xuyên, nên họ phải rải cả trăm ngàn quân để bảo vệ biên giới phía Bắc. Anh nghĩ thế nào Trung Cộng cũng xua quân đánh Việt Nam một lần nữa. Hồi 74, khi hải quân Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Hà nội phải câm miệng, vì lúc ấy, Phạm Văn Đồng đã ký giấy xác nhận chủ quyền của Trung Cộng trên đảo ấy rồi. Thế mới bẩn chứ! À, chuyện này nữa, có lẽ em chưa nghe bao giờ. Chuyện cái chết của thi sĩ Huy Thông. Ở miền Nam, đâu có ai biết vợ Võ Nguyên Giáp yêu thi sĩ Huy Thông, và cứ đến nhà, đi lại với anh này. Huy Thông cũng ngang nhiên thụ hưởng, chẳng coi Võ Nguyên Giáp ra cái củ c. gì cả. Đàn em của Giáp bực mình, đốt căn nhà của Huy Thông ở Phố Hàng Đào. Và Huy Thông chết cháy. Những chuyện như thế, nếu không do những tay kỳ cựu trong đảng cộng sản cho mình biết, làm sao ai dám nói? Báo chí ở Mỹ, làm sao chúng nó biéát những chuyện như thế này?

- Bây giờ anh em mình mà làm báo, thì tha hồ mà khai thác chuyện ngoài Bắc nhỉ?

- Không. Bây giờ chưa phải là lúc mình ra báo. Làm báo ở Paris, chắc chắn là không khá được rồi. Báo chí ở Mỹ thì càng ngày càng đổ đốn ra. Nếu anh sang đó, anh em mình có làm một tờ báo nào gây được tiếng vang, thì hãy làm. Nhưng trước hết, phải tìm ra được nguồn tài trợ tương đối đều đặn, ít nhất là trong sáu tháng đầu, mới được. Hồi ở Việt nam, anh làm báo, toàn là tụi phát hành bỏ tiền ra cho mình, thành ra dễ dàng và hiên ngang lắm, chẳng phải lo lắng gì cả. Nhưng bây giờ, vẫn chưa phải là lúc cho mình ra báo. Ra bây giờ, mình sẽ bị đồng hóa với tụi chúng nó thôi. Đợi vài năm nữa đi. Thế nào thằng Mỹ cũng ký hiệp ước bang giao với thằng Việt cộng. Lúc ấy, Mỹ nó sẽ cho Việt cộng thiết lập tòa đại sứ và lãnh sự quán ở các nơi. Cũng là lúc những thằng nằm vùng và những thằng thân cộng sẽ bắt đầu ló mặt. Chúng nó tưởng bố chúng nó có trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn và các thành phố chính là ngon rồi. Bấy giờ, anh em mình sẽ ra báo chống Cộng.

Duyên Anh chợt ngưng nói. Giọng anh trở nên ngập ngừng:

- Hiện giờ, anh chỉ có một điều băn khoăn thôi…

- Anh băn khoăn cái gì ?

- Anh thì sẽ sống dai lắm, bởi vì nếu chết, thì anh đã chết rồi. Nhưng anh cũng ngại, không biết lỡ mai mốt, anh bệnh tật báát ngờ, hoặc là chán đời quá, anh không còn muốn sống nữa, thì em có tiếp tục thực hiện dự tính cuả anh em mình không.

- Có chứ. Nhưng anh yên trí, dái tai anh dài lắm, anh còn sống vài ba chục năm nữa cơ.

Có tiếng cười bên kia đầu giây:

- Mấy thằng thầy tướng cũng nói như thế đấy. Còn sống ngày nào, anh muốn chỉ dẫn em, để em viết thật hách, và vượt xa anh, thì anh hài lòng lắm.

Tôi ngập ngừng:

- Em cũng thích viết, nhưng thì giờ eo hẹp quá. Đi làm về, mệt. Xem báo, TV một chút là hết ngày rồi.

- Em cứ tiếp tục những đề tài quen thuộc về gia đình, về những kinh nghiệm em đã sống qua. Mỗi lần viết, tập trung về một đề tài. Suốt ngày, chỉ suy nghĩ về đề tài ấy thôi. Không được nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Lúc ngồi vào bàn, em phải cố viết cho anh hai trang, có lười lắm thì cũng phải một trang. Cứ chăm chỉ đều đặn như thế, mỗi năm em sẽ có một tác phẩm rồi. Anh đã chọn em để truyền lại tất cả những gì anh biết về kỹ thuật viết văn. Anh đặt hết kỳ vọng vào em. Em không làm được như thế, thì anh buồn lắm đấy…

- Vâng, em sẽ cố gắng.

Tôi nói thế cho Duyên Anh yên tâm; chứ, trong thâm tâm, tôi biết rõ mình lắm. Tôi không có khả năng tưởng tượng, thêu dệt của một nhà văn viết tiểu thuyết. Tôi sống một cuộc đời rất bình thường, không giao du nhiều; đi làm về là chỉ ra vườn tưới cỏ, trồng cây. Tôi biết, sẽ chẳng bao giờ đáp ứng được kỳ vọng Duyên Anh đặt vào tôi. Suốt thời gian sau đó, ngoài vài bài báo và truyện ngắn tầm thường, tôi chẳng viết được gì cả.

Duyên Anh vẫn say sưa nói:

- Viết văn rồi, em sẽ hiểu thấu triệt thế nào là hai tiếng chữ nghĩa. Và biết giá trị của nó như thế nào. Còn bây giờ, chúng nó múa may như thế nào ở Mỹ, em cứ kệ chúng nó. Em phải nghĩ trong những năm tới, các tác phẩm em viết về tình tự dân tộc sẽ phổ biến ở Việt nam, một Việt nam không còn cộng sản nữa. Bấy giờ, em sẽ thấy chữ nghĩa quý ghê lắm. Em không cần viết nhiều đâu. Chỉ cần mười quyển trở lại, cũng đủ rồi. Chứ viết nhiều quá như anh, nó thành thợ viết rồi. Chỉ cần mười cuốn thôi, là đẹp lắm rồi. Nếu anh có bắt đầu viết văn lại như thuở xưa, thì anh sẽ chỉ viết mười cuốn thôi. Có vậy, nó mới hay.

Ngưng lại vài giây, anh bắt qua chuyện khác:

- Chúng nó bảo thế nào đến năm 95, anh cũng sẽ giầu, bởi vì cái đại nạn hai mươi năm của anh kể từ 1975 sẽ chấm dứt. Anh thấy cũng có thể đúng. Bởi vì lúc ấy, chúng nó đã thực hiện xong phim Đồi Fanta rồi. Thì sách tiếng Tây của anh sẽ bán chạy hơn. Còn sách tiếng ta, anh đã có sẵn mười hai cuốn trong mấy ngăn kéo đây rồi. Thế thì, tụi bên Mỹ đua thế chó nào được với anh?

Trước khi cúp máy, Duyên Anh dặn tôi:

- Nếu có đứa nào hỏi chừng nào Duyên Anh sang, em cứ bảo không biết bao giờ nhé.

*

* *

Ngày mùng một, tháng giêng 1994, tôi gọi sang:

- Em gọi, chúc tết Tây anh đây. Anh đang làm gì vậy?

- À đang viêát thôi. Nhưng ngưng một chút, nói chuyện được.

- Bây giờ đang buổi trưa bên đó. Anh ăn cơm chưa?

- Chưa. Sáng nay, anh thức dậy lúc ba giờ sáng. Ngồi viết đến bẩy giờ. Nằm ngủ tới mười một giờ. Thức dậy, lại viết nữa. Vừa viết được một trang thì em gọi đấy. Bây giờ, sắp ăn cơm rồi lại ngủ nữa…

- Như vậy là, ngủ trưa dậy, lại viết tiếp?

Duyên Anh cười:

- Không, nhiều khi phải có hứng nữa cơ. Viết mà chữ nó không chịu ra, thì cũng phải ngưng thôi. Nhưng có lúc, mình cứ ngồi viết. Cứ viết, thì cái hứng nó mới đến với mình.

- Anh viết đến đâu rồi? Sắp xong chưa?

- Chắc còn khoảng hai mươi trang nữa sẽ xong cuôán Nhìn Lại Mình, tập 4 này.

- Như vậy là đến năm nào rồi?

- Mới chỉ đến năm 1965 thôi. Anh đã viết xong phần nhóm Dương Văn Đức biểu dương lực lượng. Đang viết đến chỗ Nguyễn Cao Kỳ đá Nguyễn Khánh ra khỏi Việt Nam.

- Thế là trí nhớ anh lúc này tốt quá rồi.

- Dĩ nhiên. Có những cái tên của một số thằng, mình tưởng là quên. Nhưng viết rồi, thì lại dần dần nhớ ra hết. Anh dự trù là phải viết đến hai mươi quyển, hay hơn nữa, mới xong trọn bộ hồi ký của mình. Bộ hồi ký này, không phải chỉ ghi lại những sự kiện lịch sử, mà còn viết ra những điều rất ít người biết về bộ mặt thật của những thằng chính trị gia nữa. Cho nên, anh còn sống ngày nào, chúng nó còn sợ anh ngày đó.

Tôi hỏi:

- Anh sắp sang Mỹ chưa?

- Sắp rồi. Anh đang chuẩn bị hành lý đây. Quần áo, chỉ đem theo vài bộ thôi. Nặng nhất là tất cả những gì anh đãviết trong mấy năm qua.

- Anh sẽ đến thành phố nào trước?

- Dallas. Anh ở đó vài ngày rồi sẽ bay qua Cali. Anh rất mong gặp lại em. Mình xa nhau đã năm sáu năm rồi còn gì? Kỳ này sang đó, anh sẽ xuâát bản lấy sách của mình, chứ không viết thuê cho chúng nó nữa. Có dư tiền, mình sẽ giúp đỡ được nhiều người. Anh chỉ ao ước một cuốn sách của mình trúng mối vào thị trường phim ảnh Mỹ, mình sẽ có phương tiện làm bao nhiêu chuyện.

- Em thì chỉ mong ước anh sẽ được giải Nobel văn chương thôi.

Duyên Anh cười:

- Anh cũng đã từng nghĩ láo nghĩ lếu đến chuyện ấy rồi. Nhưng mà, em phải biết, cái giải đó là một giải thưởng nặng về chính trị thôi. Anh đọc mấy tác phẩm của những thằng được Nobel rồi. Chúng nó viết, có cái gì gọi là hay ho đâu? Nếu được cái giải ấy, thì anh chỉ nghĩ, mình sẽ có một thế đứng quốc tế để nói chuyện với tụi Hà nội, cho chúng nó bớt lỗ mãng đi thôi. Bây giờ mà nói chuyện chúng nó thay đổi, thì còn phải lâu lắm. Chỉ khi nào những thằng già ở đó chết hết đi rồi, mình mới nghĩ đến chuyện trở về được. Cho nên, phải làm việc ngày hôm nay, thì mới nghĩ đến chuyện trở về ngày mai được. Lúc trở về, mình đâu có thể về tay không được?

Tôi hỏi:

- Anh sang Mỹ lần này, có định đóng đô tại đâu chưa?

Duyên Anh cười:

- Ừ, cứ để từ từ rồi tính. Thực ra, bây giờ nếu sống một mình ở bên Mỹ, cũng khó cho anh. Mình có mọät tay, giặt quần áo làm sao được? Nấu ăn, thì mình biết nấu, nhưng khi cầm dao, muốn cắt cái gì, không có tay kia đè lên, cũng chẳng cắt được. À, em đã bắt đầu viết chưa?

Tôi lúng túng:

- Viết thì cũng ngày đực ngày cái thôi. Em sợ sẽ không có khả năng đáp ứng kỳ vọng của anh đâu. Em không muốn làm anh thất vọng…

- Không, em lầm rồi. Anh chơi với em gần ba mươi năm rồi, anh biết em có khả năng chứ. Em cứ viết đi. Bền chí mà viết. Rồi thiên hạ sẽ phải biết đến em thôi. Em nhớ chuyện Erskine Caldwell, anh kể cho em mấy năm trước chứ? Trong tác phẩm Call It Experience, ông ta kể là hồi mới viết văn, những truyện ngắn ông ấy gửi đến một tạp chí nọ đều bị thằng chủ bút ở đó đọc xong rồi quẳng đi vào một xó, chẳng chịu đăng cho ông ta bao giờ cả. Đến khi một chủ bút khác lên, tình cờ thấy bản thảo của Caldwell, đọc thử, thấy hay quá, bèn phát luôn cho ông ta một giải thưởng. Em đừng ngại gì cả. Cứ tiêáp tục viết đi.

Tôi đánh trống lảng:

- Anh sắp sang, có cần em chuẩn bị gì cho anh không?

Duyên Anh cười:

- Không phải chuẩn bị gì cả. Đến đâu hay đến đó thôi. Cuộc đời này, em cứ coi như nó là một cuộc chơi vậy. Em không cần lo trước làm gì. Cái mà anh muốn em lo, là tiếp tục viết đi thôi.

- Còn anh, anh vẫn tiếp tục viết Nhìn Lại Mình chứ?

- Ừ, anh đang viết về việc ông Diệm sử dụng bồi bút. Thí dụ, cho Nguyễn Văn Trung viết sách chửi Phạm Quỳnh. Ông Diệm, thì cũng phải phê bình một số khuyết điểm của ông ấy mới được. Ông ấy không có hoàn toàn tốt như một số người nghĩ đâu. Ông ấy thù ghét hai người, Phạm Quỳnh và Nhất Linh. Khi Nhất Linh từ giã dòng suối Đa Mê ở Đà lạt, về Saigon, định làm sống lại tờ Phong Hóa Ngày Nay, anh em ông Diệm sợ uy tín của Nhất Linh, nên dùng bồi bút để chửi Nhất Linh. Chính MT là người đã tổ chức một buổi hội thảo để đánh đấm Nhất Linh…

- Vậy sao?

- Ừ, anh còn sẽ nói ra nhiều điều đáng sợ hơn nữa trong cái hồi ký Nhìn Lại Mình này. Vì tờ Sáng Tạo đã lấy tiền của Mỹ để làm. Ông Diệm không tiếp xúc thẳng với MT, nhưng nhờ bác sĩ Lý Trung Dung đưa tiền cho MT. Thuở xưa, trong cuộc bút chiến về thơ cũ thơ mới, báo Phong Hóa Ngày Nay đã từng chửi Tản Đà ghê lắm. Nhưng khi Tản Đà chết, Phong Hóa Ngày Nay lập tức làm số báo tưởng niệm Tản Đà. Còn Sáng Tạo, mấy chục năm sau, chửi Nhất Linh chán chê, khi ông ấy chết, không được một dòng chữ phân ưu. Rồi khi đổi đời, tiếp tục nhận tiền của Nguyễn Cao Kỳ để làm tờ Nghệ Thuật, tờ báo này có bao giờ nhắc tới Nhất Linh đâu? Trong lịch sử khốn nạn của chúng ta, đã có những thằng như thế. Vậy mà thiên hạ cứ ôm lấy nó xưng tụng, hít hà. Còn anh, anh cho là tất cả tác phẩm phòng trà tửu điếm của nó góp lại, không bằng một góc Xóm Cầu Mới của Nhất Linh đâu.

Tôi hỏi:

- Làm sao anh biết chuyện này?

- Thế Nguyên, trên tờ Trình Bày, đã nêu ra hai trường hợp nhận tiền của Mỹ làm báo: Sáng Tạo của MT, và Hiện Đại của NS. Sau bài viết của Thế Nguyên, NS phản tỉnh, viết bài công nhận là mình có lấy tiền của Mỹ. Còn MT thì vẫn im lặng. Bây giờ, em hiểu vì sao chúng nó ghét anh rồi chứ? Chỉ vì anh biết quá nhiều, và biết hết những việc làm khốn nạn của chúng nó thôi. Chắc chắn, chúng nó đang mong anh chết đi. Bởi vì, chỉ khi nào anh chết rồi, mới không ai nhắc lại tội lỗi của chúng nó thôi. Cái khôi hài là ở Việt nam, hai anh MT, NS chửi nhau như chó. Sang đến Mỹ, hai anh lại xưng tụng nhau, mỗi người ngồi thôáng lĩnh một ngọn núi văn học. Trong hồi ký của anh, anh cũng nhắc tới hai ông Duy Dân: một là NXH, đi theo hầu Nguyễn Khánh; hai là TLN, người dâng kế hoạch Nước Lụt lên cho anh em họ Ngô để diệt tan phong trào Phật Giáo. May cho Phật Giáo là ông Diệm thấy kế hoạch này tàn độc quá, nên không dùng. Vậy mà sau này, ông Diệm đổ rồi, mấy anh ở Phật Giáo lại quay ra tung hô TLN ghê quá. Họ xưng tụng chính cái kẻ đã định tiêu diệt mình.

- Anh có viết về các ông tướng không?

- Dĩ nhiên có chứ. Anh sẽ nhắc tới các anh tướng dốt và bẩn, tàn tích của chế độ thực dân, mà anh đặt vào giai cấp trung sĩ, bởi vì các anh ấy đều là trung sĩ thời Tây cả. Qua thời ông Diệm, các anh âáy mới mò lên tướng. Ông Diệm cay các anh tướng gốc lính Tây này lắm, nên đã cho cải biến Trường Võ Bị Liên Quân Đà lạt thành Trường Võ Bị Quốc Gia, để đào tạo một lớp sĩ quan mới có trình độ và tư cách hơn. Còn bọn tướng gốc trung sĩ, nhiều đứa là con nuôi ông Diệm, về sau đã trở mặt, giết bố nuôi của mình. Xây dựng Trường Võ Bị Quốc Gia là việc làm đáng khen của ông Diệm. Một việc đáng khen nữa, là ông ấy đã thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh, để đào tạo một tầng lớp mới, thay thế giai cấp đốc phủ sứ của Pháp để lại. Có thể nói, đem gom tất cả bọn lãnh đạo quốc gia kể từ 1963 trở đi, so với ông Diệm, thì chúng nó chỉ bằng cái lông chân của ông ấy thôi. Ít nhất, ông Diệm cũng cho mình chút tự hào về chủ quyền và lý tưởng quốc gia. Còn bọn lãnh đạo sau này của miền Nam chỉ là tay sai của Mỹ thôi. Thế thì, những người sống trong cái thời đại chó đẻ sau 1963, làm sao không trở thành những kẻ bất mãn được? Vì thế, Duyên Anh đã biến thành Thương Sinh, chửi bới loạn cả lên. Nếu có ai chửi Thương Sinh vì nó hay công kích, diễu cợt cay độc, thì họ hãy chửi cái thời đại ấy. Chính cái thời đại khốn nạn lúc đó đã tạo ra một Thương Sinh bất mãn như thế đấy. Sau khi ông Diệm đổ rồi, anh thấy mình như một thứ Bá Di Thúc Tề không ăn thóc của nhà Châu, tuy rằng anh không đến nỗi cực đoan như vậy. Điều khôi hài là, một số tay chân cũ cuả ông Diệm, miệng nói “không ăn thóc của nhà Châu”, nhưng đêm đêm, vẫn lẻn về ăn lúa của cách mạng tháng 11. Anh muốn nói đến cái bọn đã được hưởng mưa móc của ông Diệm khi trước, bây giờ lại mon men ra ứng cử dân biểu, nghị sĩ, hay cố chạy một chân bộ trưởng. Chúng nó đều là bọn khốn nạn hết!

° ° °

Một ngày đầu tháng ba, năm 1994, Duyên Anh ở Texas gọi về cho tôi. Anh nói:

- Anh gọi từ giã em?

- Anh đi đâu?

- Anh phải về Paris có chút việc.

- Anh sẽ đi bao lâu?

- Có lẽ chừng vài tháng. À, anh đọc mấy truyện em viết rồi. Anh hài lòng lắm. Cứ như thế mà tiến tới.

- Anh có gì khuyên em không?

- Viết hồi ký, em cứ nhớ đến đâu, viết đến đấy. Đừng thắc mắc mình đã viết gì. Viết cho xong cái đã. Rồi đọc lại, mình sẽ sửa chữa, và sắp xếp sau. Nếu có thể được, em nhớ bỏ hẳn mấy cái “thì, mà, là” đi, là kể như trình làng được rồi. Một số đoạn, anh đọc thấy xúc động lắm.

- Vâng, em sẽ nhớ lời anh dặn.

- Thôi nhé, Hiền, anh đi nhé.

- Vâng, anh đi bình yên. Mong sớm gặp lại anh.

Duyên Anh cười ha hả:

- Yên chí, bình yên mà. Từ đây về Paris, có gì là ghê gớm đâu. Em ở lại ngoan nhé.

Mấy hôm sau, tôi gọi sang Paris. Duyên Anh nói:

- Bữa nọ, đang ở nhà anh Côn, anh không tiện nói với em. Anh Côn không muốn anh từ Texas bay thẳng sang Cali. Anh ấy bảo “ Mày muốn qua bên Cali, thì đi về Paris trước đã. Tao không muốn chịu trách nhiệm nếu mày từ đây sang Cali, mà có chuyện gì xảy ra cho mày, như lần trước.”

- Như vậy, anh Côn cũng lo cho anh lắm đấy chứ? Thế là anh chưa ăn Tết ở Mỹ lần nào nhỉ?

- Úi dào, còn nhiều dịp mà. Với lại tháng 3 này, anh còn phải ra mắt hai cuốn trong bộ Những Đứa Trẻ Thái Bình của anh. Một số ông tướng Pháp vừa viết thư, mời anh ăn cơm với họ…

- Tại sao vậy?

- Vì họ đã đọc bộ tiểu thuyết, trong đó anh thuật lại những trận đánh giữa Pháp và Việt Minh, mà họ có tham dự. Cho nên họ khoái, muốn có dịp gặp anh.

° ° °

Sinh nhật thứ năm mươi chín của Duyên Anh, 16 tháng 8, 1994, tôi gọi sang chúc mừng anh. Duyên Anh vui vẻ cho tôi biết, anh vừa viết xong một số sách về ca dao, và một cuốn tiểu thuyết. Tôi hỏi về tình trạng sức khỏe của anh, Duyên Anh nói:

- Lúc này, anh khá hơn rồi. Sắp sang thăm em được rồi. À, hôm nọ, bọn FBI sang đây. Chúng nó hỏi anh về vụ anh bị đánh mấy năm trước. Anh nói “Đaõ sáu năm rồi. Các ông giỏi quá, mà không biết được ai đã đánh tôi! Nay phải sang tận đây tìm tôi để điều tra thêm, có ích lợi gì đâu? Chuyện đó, tôi cũng quên đi rồi. Các ông tiếp tục điều tra, ví dụ có tìm ra được người đó, rồi bắt họ vào tù, thì cũng tội nghiệp cho họ thôi. Chứ đâu có thể làm cho tôi lành lặn lại như trước nữa? Vậy thì, tôi xin các ông, đừng điều tra tôi nữa. Lần sau các ông đến đây, tôi không tiếp các ông nữa đâu.”

- Họ đến tìm anh bao lâu rồi?

- Cách đây chừng một tháng thôi. Nghe anh nói vậy, chúng nó cám ơn và ra về luôn.

- Và không hề trở lại thêm lần nào nữa?

- Ừ. Anh đã nói không tiếp, là sẽ không tiếp. Bây giờ, anh cũng đã sáu mươi tuổi ta rồi. Phải tập trang trải lòng mình ra, để không còn vướng bận những chuyện buồn trong quá khứ nữa. Anh cũng quyết định tha thứ cho thằng đã đánh anh rồi. Không thèm nghĩ đến nó nữa.

- Anh vẫn tiếp tục viết?

- Ừ. Anh đang viết bộ Nhìn Lại Mình, một thứ hồi ký văn nghệ và chính trị. Đã xong được bốn cuốn rồi. Đỗ Tiến Đức đang đánh máy hộ anh. Chữ anh độ này đẹp lắm rồi, không còn cua bò như vài năm trước nữa. Anh bằng lòng về mình lắm. Vì anh đã hơn chúng nó rồi. Anh què quặt tay chân, nhưng đầu óc anh vẫn lành mạnh; vẫn sáng tạo được. Còn chúng nó, tay chân lành lặn, nhưng đầu óc chúng nó què cụt rồi. Chúng nó đâu có viết được như anh.

- Anh có hay đi đâu chơi không?

- Lâu lâu mới có bạn đến chở đi uống rượu. Nhưng anh thích ở nhà hơn. Ở nhà, mình mới viết nhiều được. Anh đang viết về Tản Đà, và cuộc chiến giữa thơ mới thơ cũ.

- Anh còn chữa bằng châm cứu không?

- Thôi rồi. Châm cứu mãi cũng chẳng hết, anh chán, bỏ luôn rồi. Nhưng nói chung, sức khỏe anh tốt. Độ này, anh mập ra mới chết chứ! Hơn sáu mươi ký rồi.

- Như vậy cũng đâu có nhiều?

- Nhưng mà lên ký, đi lại sẽ khó khăn hơn. Anh ăn uống cũng đâu có nhiều gì. Vậy mà cứ tiếp tục lên cân. Đành chịu vậy thôi. Nhưng lạ lắm, tay chân bên phải của anh, lẽ ra nó teo lại, nhưng mà không. Vẫn lớn như bên trái. Có đêm, anh mơ thấy mình thức dậy, giơ hai chân hai tay như bình thường vậy. Nên anh tin Thượng Đế thương anh, và sẽ làm phép lạ…

- Anh tin vào phép lạ?

- Anh vẫn tin đấy chứ. Anh bị đánh trọng thương như thế, các bác sĩ Tây cho rằng anh sẽ chỉ ngồi yên một chỗ, không hoạt động gì được nữa. Vậy mà, chỉ một thời gian ngắn sau, anh hồi phục, tay trái viết trơn tru; nói năng dễ dàng, và có thể nhớ lại từng chi tiết những gì đã xảy ra hơn năm mươi năm trước. Tụi bác sĩ Tây phải phục lăn ra. Đấy không phải phép lạ, thì là gì nữa? Nghĩ lại cho cùng, mình phải cám ơn Thượng Đế. Ông ấy cho mình bị liệt, có khi lại tốt cho mình. Thứ nhất, là mình chỉ ngồi nhà, không đi chơi lung tung như trước nữa. Thứ nhì, là mình viết chậm, nhưng viết chậm thì mình có thì giờ suy nghĩ nhiều hơn, gọt dũa câu văn kỹ càng hơn…

- Anh nói vậy nghĩa là trước khi găëp nạn, anh nghĩ nhanh viết vội, không cần sửa chữa?

- Đúng vậy. Bây giờ đọc lại những cái anh viết lúc trước, anh thấy hồi đó, mình viết ẩu thật, chấm phẩy chẳng cẩn thận gì cả. Gần đây, anh cố gắng viết cho thật giống Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Anh cho viết được như thế là mình đạt rồi đó.
- Thế còn mấy cuốn sách vừa viết xong, anh có cho nhà Nam Á in không?
- Không. Anh in lấy.
- Vẫn là nhà xuất bản Tam Thiên?
- Không. Nhà xuất bản Tuổi Ngọc.
- Anh sẽ in ở Pháp chứ?
- Không. In ở Pháp đắt lắm. Rồi lại phải chở sang Mỹ, tốn thêm cước phí. In ở Mỹ rẻ hơn. Lại tiện việc đem bán các nơi.
- Anh có giao cho cháu Chương làm việc này không?
- Không. Chắc anh sẽ nhờ Đặng Xuân Côn.
- À, còn tiếng Pháp của anh lúc này khá hơn chưa?
Tôi hỏi thế, vì tôi nhớ khoảng giữa tháng ba, 1988, bác sĩ Hoàng Văn Đức tổ chức một buổi nói chuyện ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp, khu vực gần Santa Monica, giới thiệu tác phẩm Một Người Nga ở Saigon, bản tiếng Pháp, để Duyên Anh tiếp xúc với các độc giả người Pháp. Trong buổi đó, Duyên Anh ứng khẩu một bài nói chuyện bằng tiếng Pháp, và trả lời trực tiếp, trơn tru, cũng bằng tiếng Pháp, những câu hỏi của thính giả. Trước đó một năm, Duyên Anh viết một bài báo bằng tiếng Pháp, về việc Doãn Quốc Sĩ bị đầy đọa nơi quê nhà, đăng trên tờ La Croix.
Sau tai nạn tháng tư 88, trong mấy năm đầu, Duyên Anh không nói tiếng Pháp được nữa.

Duyên Anh trả lời:
- Tiếng Pháp thì nó vẫn chưa trở lại. Cả tiếng Anh cũng thế. Nói chung là ngoại ngữ, anh quên hết rồi. Nhưng như thế cũng tốt thôi. Vì mình khỏi phải đọc văn chương nước ngoài nữa, chẳng bị thằng nào ảnh hưởng đến mình cả. Mình sẽ có dịp đào sâu những cái hay trong văn chương của đất nước mình. Nhưng anh nghĩ, từ từ rồi ngoại ngữ nó cũng trở về, và mình sẽ nhớ lại. Ví dụ có đi sang Mỹ, muốn nói tiếng Mỹ đại khái, chắc anh chỉ học chừng dăm sáu tháng, là nói được thôi. Anh chỉ cần nói phất phơ là đủ rồi. Với lại, anh cũng già rồi. Cần đếch gì phải học nói tiếng Tây, tiếng Mỹ mới sống được? Bây giờ, anh chỉ thích ngồi một chỗ, suy nghĩ và viết thôi. Anh cũng chẳng muốn đi chơi đâu hết. Anh đã tập bằng lòng với những sự bạc bẽo của đời này rồi.
- Thế còn cuốn tiểu thuyết anh định viết về những con chó trong đơn vị quân khuyển Gò Vấp, có lần anh nói với em?
- À, cuốn Của Người và Chó, trong đoù những con chó anh đặt tên Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, Carter… Anh nhớ chứ. Thế nào anh cũng sẽ viết về mấy con chó này. Còn nhiều chuyện khác nữa, cũng thú vị lắm. Chỉ sợ mình lười biếng, không chịu viết thôi.
Tôi nhớ lại câu chuyện không đầu không đuôi, anh em tôi nói với nhau, những đêm tháng 2, 1988, bên ly rượu, lon bia, hay cốc cà phê ngoài hiên nhà. Duyên Anh kể cho tôi nghe về cuộc phiêu lưu của mấy chú quân khuyển ở Gò Vấp, sau khi đơn vị bị giải tán, các chú bị những chiến sĩ quân đội nhân dân bắt nhốt, định biến các chú thành rựa mận, chả chìa. Bầy quân khuyển đã trốn thoát ra sao, và đi giang hồ, hành hiệp như thế nào… Duyên Anh tin cuốn tiểu thuyết này, khi viết xong, chắc chắn sẽ là một best-seller, và nếu làm thành phim, sẽ thành công lớn.
Tôi hỏi:
- Cuốn phim Đồi Fanta đi tới đâu rồi?
- Chúng nó thực hiện xong rồi. Tháng 10 này, anh sẽ dự buổi chiếu ra mắt cuốn phim ở trung tâm Paris. Sau đó, sẽ tung ra thị trường các nước. Nhưng mà, chúng nó không lấy tên Đồi Fanta nữa. Tựa của cuốn phim sẽ là Poussières De Vie. Chúng nó phải về tận Mã Lai quay phim này.
- Trong thời gian mấy tháng tới, anh dự tính viết gì chưa?
- À, nhà xuất bản Tây khoái Đồi Fanta quá, nên chúng nó bảo anh viết tiếp về đề tài này. Anh vừa nghĩ ra cốt truyện mới, tựa đề Người Về Từ Đỉnh Ngọn Fanta.
- Nội dung như thế nào?
- Thằng bé nhân vật chính của anh được thả, biết bố nó là sĩ quan cải tạo đang bị nhốt ở vùng Hoàng Liên Sơn. Nó làm cuộc phiêu lưu từ miền Nam ra tận cao nguyên xứ Bắc, trong túi không có một đồng bạc. Ấy thế mà nó làm đủ mọi cách để từng chặng, từng chặng, vừa đi nhờ xe, vừa hỏi đường, ra đến tận chỗ giam bố nó. Đến nơi, bố nó đã chết mấy năm rồi. Thằng bé đem xương bố nó về miền Nam. Truyêän này cảm động lắm. Anh cam đoan độc giả sẽ vừa đọc vừa khóc, thương cho thằng bé và những người tù cải tạo. Anh vừa hỏi chuyện một sĩ quan câáp tá, từng cải tạo ở vùng đó, để biết đường đi nước bước, và các chi tiết địa dư. Truyện mình viết, tuy là tưởng tượng, nhưng phải có những chi tiết thật đúng về điạ lý. Chứ không, nó sẽ thành một câu chuyện bịa, người ta cười cho.
- Anh định đến bao giờ sẽ viết cuốn này?
Tuần sau, anh đi Luân Đôn. Khi về, sẽ bắt đầu viết. Có lẽ cuối năm nay, sẽ xong. Cái khó là nghĩ ra cốt truyện. Chứ viết thì tương đối dễ với anh thôi.
Tháng 2/1997
Vũ Trung Hiền
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...