Vỡ đê 4
CHƯƠNG VI
- Đẻ làm sao thế?
- Tao hơi nhọc mệt một chút...
- Đẻ có nhức đầu không?
- Không.
Cụ Cử vừa lắc đầu xong thì đưa tay lên giữa ngực ho sù sù. Phú lo lắm, lại hỏi:
- Chết chửa! Không khéo mà đẻ lại cảm hay sốt gì thì thật nguy?
Đến đây, cụ Cử lắc đầu một cách khó chịu vì đã nhọc mệt lắm. Cụ lại ho khan mấy
tiếng nữa, hổn hển khẽ đáp gắt:
- Không! Đừng hỏi nữa, tao không làm sao.
Tuy vậy, Phú cũng thừa biết là mẹ nói dối, vì sợ phiền lòng mình. Đã bao nhiêu
lâu, lần này là lần đầu, Phú mới để ý nhìn kỹ đến mẹ. Lúc ấy cụ Cử nằm co ro, đầu
gối lên một cái hộp sắt tây, mắt quay vào phía trong mái gianh. Một vành khăn
nhiễu tam giang nhỏ xíu giữ một ít tóc hoa râm lơ thơ trên đầu, cái áo cánh
nâu, cái quần thâm đã bạc phủ ngoài một cái thân thể gầy còm để phô nhọn cả lên
những đỉnh núi chỗ bả vai và chỗ xương hông. Thêm vào những cái ấy lại còn có
những nét vẽ bi hài của một chế độ nước lụt đồi bại nó điểm trên mặt những nét
dăn của sự lo âu, nó đào ở hai mắt, ở hai má, ở hai bên thái dương những cái hố
của sự đói khát bên cạnh những gò xương vêu vao, và nó rắc một thứ bụi lầm than
lên trên quần áo. Hốt nhiên, Phú phải khiếp đảm bởi cái vẻ tiều tụy, tiều tụy đến
nỗi gần hóa ra bần tiện nữa, ở mẹ mình. Chàng lẩm bẩm: "ấy đó là cái kết
quả bao năm đằng đẵng thờ chồng nuôi con!". Rồi Phú mím chặt môi, nắm chặt
hai bàn tay, khao khát sự đánh đập, sự chửi rủa, sự phá phách...
Hai hôm nay rồi!
Thật thế, đã hai hôm nay rồi, ba người nhớn đã gần như nhịn đói, bốn củ khoai
lang phải để dành cho thằng cu Hiền nó cứ đòi ăn luôn luôn. Tuy người ta đành
ôm bụng chịu vậy, vì trong lúc lụt lội thì nhịn đói hai ngày chẳng có gì đáng lạ,
nhưng mà hai ngày ấy, Phú mới thấy dài làm sao! bị bó cẳng trên mặt nước, cứ ngồi
xuống nhìn nhau vô kế khả thi, bên cạnh một người mẹ ủ rũ, một người chị hay khóc,
một đứa cháu dại quấy khóc suốt ngày, đã có lúc chàng tưởng chừng phát điên lên
được.
Thật thế, vì rằng Phú đã xoay hết cách mà không xong.
Ngày hôm sau suýt bị vạ lây vì bọn cướp ở nhà ông chánh Mận thì Phú đã cùng anh
Hai Cò, anh này trốn việc đê, đánh một chiếc thuyền thúng ra nơi chợ Cồng, cách
làng ba cây số, một cái chợ trên mặt nước mà dân gian cũng cố sức họp để trao đổi
cho nhau những thực phẩm nhật dụng, những hóa vật tối cần. Bữa ấy, anh Hai Cò
bán một mớ tôm, cá, ốc, để đổi lấy một ít ngô. Còn Phú thì có lồng gà (một con
mẹ, chín con con) với con mèo tam thể, những con vật mà chàng không tống khứ được
đi thì cũng đến chết đói mất. Đến chợ, mãi mới đổi được lồng gà lấy hai rá gạo
đỏ. còn con mèo thì không ai hỏi đến thành thử lượt về lúc thuyền qua một vùng
gò có cây cối um tùm, chim chóc tụ nhau ríu rít, Phú liền thả con mèo lên đấy
mà rằng: "Thôi tao đành để cho mày hóa ra làm kiếp cáo thì may ra mày mới
được no".
Nhưng hai rá gạo bữa ấy đã vơi hẳn vì phải chia cho anh Hai Cò về cái công cho
đi nhờ đò, và trả nợ cũ vì từ hôm bị nước lụt, cô Tuất chỉ có việc đi vay gạo!
Ai cũng nể cụ Cử, tốt vay dầy nợ, lúc mình có gạo, Tuất mới hiểu ra rằng được
tin lắm có khi cũng là không hay. Cho nên hai rá gạo mà gia đình Phú chỉ được
no có một bữa hôm ấy mà thôi, thành thử Phú đi chợ mà chỉ có cái hại là mất cả
gà lẫn mèo, cái hại mà chàng phải cho là lợi, khỏi tốn thóc gạo nuôi gà và mèo.
Xong rồi thì cô Tuất mới tiếc của mà lầm bầm: "Biết thế thì thịt quách gà
đi lại được lợi cái ăn".
Hôm sau, Phú phải làm một cái cần câu, và cắm chung quanh nhà đến hàng chục
cành tre khô. Chàng mất nửa ngày mới câu được ba con cá rô nhỏ đã sốt ruột lắm,
nhưng may lúc nhổ những cành tre lên thì lại cậy được đến một rổ con những ốc vặn
và ốc nhồi. Sung sướng quá, Phú vội lên bè chuối định đem bán các thứ ấy quanh
trong làng, vì ngoài ông chánh Mận ra, làng cũng còn và ba nhà đủ bát ăn, và cần
có thức ăn thì mới nuốt trôi được miếng cơm. Nhưng việc đi chạy gạo ấy chỉ hóa
ra một cuộc du lịch vô ích với những cảm giác nặng nề của nó. Thì ra ông chánh
Mận đã bỏ làng. Người mà ông giao cho coi nhà mách với Phú là từ sáng sớm, cả
gia đình nhà ông chánh cùng với một ít lợn, bò, gà, vịt, đã dùng một chiếc bè lớn
mà tiến thẳng lên phía đê. Do thế những gia đình vẫn sống vì nhờ vả, vay mượn
ông chánh cũng bỏ làng ra đi cả. Những người khác thì lên chỗ hạp long xin làm
phu để lấy công mỗi ngày một bơ gạo, mặc dầu quan trên đã chuẩn lời yêu cầu của
phòng dân biểu rằng trong việc bắt phu phải để một số đàn ông họ trông nom vợ
con họ ở làng.
Chỉ còn đàn bà trẻ con, những người già yếu là ở lại.
Ông lý trưởng thì sau khi cướp vào làng một ngày, đã cùng ông chánh hội lập tức
bắt ngay tên lực điền vẫn hầu hạ ông chánh Mận - bữa ấy, tên ấy đứng soi đuốc
cho mâm cơm mà ông chánh nghi cho làm nội công. Còn tuần tráng thì cố nhiên đã
lâu nay vẫn ở chỗ đê vỡ.
Sau khi nghe anh mõ của làng kể những chuyện buồn ấy, Phú đã bùi ngùi đem cái rổ
ốc về. Chàng luộc ốc, luộc cá, chặt nốt một cây chuối cuối cùng nó cũng gần thối
vì úng thủy, làm một bữa canh rau. Sau bữa, cụ Cử đau bụng âm ỷ mãi.
Đến chiều thì Phú đã phải thất vọng trong cuộc tìm kiếm cái gì nhét cho đầy bụng.
Câu thì cá không cắn mồi. Những con ốc trong khu vực sân của nhà cũng hóa ra hiếm,
không còn bâu từng chùm vào những cành tre ngâm nữa. Trong lúc cùng quẫn, Phú
nhớ ra rằng ở sau đình làng có một cây sung. Nhưng khi chàng ra đến nơi thì
không còn quả nào trên cây, và mấy đứa trẻ trần truồng đứng chửi nhau loạn xạ
vì tranh nhau một vài quả xanh còn sót lại. Sau khi hỏi chúng thì Phú biết thêm
rằng ngoài việc cũng câu cá, bắt ốc, mò cua, chúng còn săn chuột trên cây mà
làm thịt ăn, vì khi nước tràn vào thì có một số chuột trèo lên cây mà lánh nạn,
mà sống như chim muông. Nghĩa là cái gì ăn được mà không chết người thì chúng
cũng ăn cả: cái số gạo mà những người đi phu gửi ông lý đem về làng cho người
nhà cố nhiên không bao giờ đủ. Một đứa kể cho Phú biết chuyện một đứa bé kia bắt
một cái tổ ong để định ăn những con ong non trong tổ, đã bị ong đốt sưng khắp
thân thể đau quá, ngã lăn xuống vực sâu. Vì tranh nhau một con nhái bén, một
con trai, một vài ngọn rau, có khi chúng đánh nhau vỡ cả đầu. Người lớn ở nhà,
những bà già sắp kề miệng lỗ, vì ai cũng chỉ biết bênh con cháu của mình, nên
cũng chửi bới nhau om sòm.
Cả một làng!
Cái đói đã làm cho người đi đến cái chỗ cuối cùng của sự đồi bại. Với những cảm
tưởng chua chát ấy, mỗi khi Phú đi kiếm ăn, mà chỉ đem có hai bàn tay trắng về
nhà, thì thấy mình cũng có cái hậm hực tầm thường thô lỗ như người cổ xưa lúc
chịu đói lòng mà về hàng.
Trong phút thảm hại ấy, chẳng phải Phú chỉ biết khoanh tay chịu chết một chỗ.
Chàng cũng đã nghĩ đến sự bỏ làng. Nhớ đến Hà Nội, nơi mà chàng cũng đã sống một
thời sung sướng, có những bạn cũ, những họ hàng đã lâu không ra thăm. Phú lại
nhớ đến ông tham Quang, người bạn thân của anh Minh, người có thể trông cậy được
qua những ngày sóng gió. Khốn nỗi quần áo Phú như quần áo thằng ăn mày! Mà cái
thẻ tùy thân của chàng thì vẫn nằm yên trong một ô kéo tại huyện lỵ. Đã không
có cách gì thoát khỏi được cảnh lụt lội, chàng lại vẫn phải nơm nớp lo sợ có
ngày lính huyện về xích tay lôi đi. Nếu mãi đến bây giờ Phú vẫn được người ta để
cho tự do, ấy chính là bởi quan trên đương bận việc đê điều, và ông huyện mới đến
thay còn bỡ ngỡ chưa lục đến việc ông huyện cũ để tù vượt ngục. Trong tình thế ấy,
với bộ quần áo rách rưới ấy mà có lần mò ra Hà Nội hòng chuyện cầu cứu, thì Phú
cũng đến bị người bạn của anh mình khinh rẻ mà thôi. Bè bạn đời này, chả nên hy
vọng lắm!
Đêm qua ông lý về với những gạo mà người làng gửi cho thân nhân, và một cái tin
mừng: trưa hôm sau, quan trên phát chẩn. Chỉ có một cái tin ấy cũng đủ cho những
người đói đã lả cũng bỗng trở nên khỏe mạnh, thức cả đêm đi rủ nhau mượn chung
thuyền, hoặc hộc tốc đóng những cái bè nhỏ bằng tre ngâm. Tự coi mình là kẻ đã
có án, Phú dằn lòng để chị đi lĩnh chẩn. Chàng nói dối mẹ: "Tôi con giai
thế này, ra đấy, nó thấy nó lại bắt đi phu hàn khẩu thì chết". Thế là buổi
rạng đông hôm sau, Tuất đã trên một chiếc thuyền thúng với bác xã Đậu, chị Hai
Cò, trông huyện lỵ thẳng tiến.
Phú đã đứng trông mấy chục cái vừa thuyền gỗ, thuyền thúng, bè, mảng, nhất loạt
đi về một phía như một cuộc đua thuyền, với đàn bà con trẻ, rách rưới, đầy những
rổ rá, ở trên... Chàng thấy trong lòng bỗng vui vẻ về cái chỗ hôm ấy sẽ chỉ phải
nhịn đói có bữa sáng, tuy chàng biết trước cái số gạo phát của Nhà nước sẽ chẳng
thấm gì. Mẹ nó đã đi mấy tiếng đồng hồ thì thằng cu Hiền mới trở dậy. Phú cho
cháu ăn nốt củ khoai. Chàng lại ru cho nó ngủ, và đứa bé cũng lại nằm ngủ, một
cách ngoan ngoãn.
Đến đây thì cụ Cử bỗng ho một trận ghê gớm đến bậc tưởng chừng sắp rách cổ mất.
Do thế, thằng cu Hiền giật mình thức giấc khóc òa lên. Đương đứng ngây ra, đầu
hơi cúi, cặp môi mím lại, hai bàn tay nắm chặt, với cái khao khát muốn đánh đập
một người nào hay đập phá một vật gì đó cho hả giận, Phú phải vội chui vào nhà.
Cụ Cử bắt đầu rên và khẽ hỏi bằng thứ giọng của người ốm:
- Thế nào? Đã cho cháu ăn gì chưa? Trông chừng mẹ nó đã sắp về chưa?
- Lúc nãy đã cho cháu ăn khoai rồi. Chẳng biết bao giờ chị ấy mới về! Người
làng cũng chưa thấy ai về cả.
- Tao rét lắm! Lấy cái giại mà che cho tao đi, sao mà gió quá thế này!
Phú làm như mẹ bảo. Phải chờ đợi lâu quá, thằng Hiền khóc to gấp đôi. Đến khi cậu
rảnh tay vào bế được cháu lên thì mặt cháu đã đầy những nước mắt, lưng cháu đã
nhễ nhại mồ hôi.
- A! Hiền nó ngoan đáo để! Hiền nó nín ngay bây giờ đây! Nín đi rồi cậu ẵm đi bắt
chim cho mà chơi! Nín ngay đi nào, Hiền ngoan nào! Đây kia con chim nó bay kia!
Bắt nó nhé?
Một con quạ khoang lặng lẽ bay trên mái gianh, buông ra hai tiếng "quà
quà" rất buồn rầu, hình như cũng vì thủy lao mà khổ sở, thằng cu ngẩng
nhìn theo ngón tay của cậu, nín bặt được một lúc, tuy hai môi vẫn còn giữ
nguyên cái đà của sự khóc mếu. Rồi sau cùng, thấy lời dụ dỗ kia là suông tình,
nó lại khóc òa lên. Nó đói, tức thì Phú ẵm cháu bước ra ngoài mái gianh, xốc
cháu lên vai, một tay xoa lưng cháu, miệng thì nói to hơn tiếng khóc để lấp liếm
nó:
- A a a! Đây kia rồi! U mày đem quà về kia rồi!
Do cử chỉ ấy, Phú tình cờ cũng nhìn ra ngoài hàng rào găng. Thì xa xa, trên mặt
nước lững lờ, một chiếc thuyền con đương tiến đến... Lạ! Ai thế kia nhỉ? Mà lại
mặc âu phục ngồi ở mũi thuyền! Một người lái đò chèo ngồi đằng sau... Bộ quần
áo tây trắng nhờ có mặt trời chiếu xuống mà thành ra như một chấm ánh sáng nổi
bật lên trên màu nước đồng hung hung. Chiếc thuyền gần đến... Phú chỉ tay ra,
thằng cu Hiền thành thử cũng nín khóc, ngây ngô nhìn... Cái thuyền cứ thẳng
phía nhà Phú mà tiến vào. Người mặc quần áo tây giơ tay lên vẫy vẫy...
Thì Phú ôm chặt lấy đứa cháu nhẩy nhót trên bè nứa làm cho cả mái nhà tròng
trành mà kêu rít lên.
- Anh Minh! Anh Minh! Đẻ ơi đẻ! Anh Minh đã về!... Đẻ ơi ngồi dậy đi, mau lên.
Đó là Minh thật.
Phú rất ngạc nhiên... ở ngục về sao Minh có bộ quần áo sang trọng đúng mốt thế?
Chàng mừng rỡ lúc thấy Minh trả tiền đò - Anh có tiền, và hình như vạm vỡ hơn
xưa. Phú lại ngạc nhiên hơn nữa, vì cái sung sướng trong lòng Phú lúc ấy thật
là cùng cực, vậy mà nét mặt của Minh thì lại thản nhiên một cách đáng phục. Cảm
động quá, Phú không nói được mà Minh thì lại vỗ vai Phú nói luôn hai ba câu:
- Chú Phú! Anh được tha về đây rồi! Đẻ đâu? ở nhà từ dạo ấy đến giờ không có sự
gì đấy chứ? à đây đây, đứa bé này là con cô Tuất phỏng? Đẻ đâu?
Phú quay lại, một tay lôi thốc cái giại lá gồi... Lúc ấy cụ Cử đã gượng ngồi dậy,
hai tay còn chống xuống chiếu. Khi hai mẹ con trông thấy mặt nhau thì có một
phút im lặng hầu như linh thiêng. Rồi Minh nghẹn ngào nói:
- Đẻ ơi đẻ, con đây! Thằng Minh đây! Con vẫn sống, đẻ...
Minh nhìn mẹ, rồi quay lại nhìn em. Cả ba người đều được cái sung sướng nó làm
cho phải ứa nước mắt. Cụ Cử vẫn mải nhìn người con mà cụ đã tưởng không bao giờ
về nữa, mãi cho đến lúc cụ phải đưa tay áo lên gạt nước mắt. Cụ thổn thức nấc
luôn mấy cái. Tuy nhiên cụ chỉ nói được một câu:
- Con đã về...
Phú hiểu rằng trong ba tiếng giản dị đến nỗi như là vô vị ấy, có ngụ cái ý
nghĩa của sự giải thoát trong bảy năm trời đau khổ, nó bao hàm tất cả cái sung
sướng mà một người con làm giường cột cho gia đình chết đi bẩy năm trời rồi lại
sống lại. Đời lúc ấy tựa như một giấc mộng đẹp. Cái đột ngột của ngày về làm
cho người ta vừa mừng rú vừa hoảng hốt, cái thứ mừng run lập cập của kẻ nào vừa
chết hụt xong. Phú bảo anh:
- Mừng quá! Thật là bất ngờ! Giá anh gửi thư trước thì mất thú.
Minh nói:
- Có, tôi có gửi thư báo trước đấy. Chắc vì lụt lội, vì chú đi phu phen, hoặc
vì phu trạm lười đi nên thư không tới nơi.
- Sao anh biết tôi phải đi phu?
- Rồi sẽ nói chuyện.
Đáp xong em, Minh quay nói với mẹ:
- Đẻ ạ, bây giờ con được về như thế này, thì con lại tìm cách nào để đẻ lại được
an nhàn như xưa thôi, mẹ con ta còn được trông thấy nhau, thế này cũng là đáng
mừng rồi.
Nhìn đến đứa cháu bé lúc ấy lấm lét nhìn trộm mình, chàng rộ lên:
- À kìa cháu! Có quà đây! Chú Phú lấy cho cháu ăn đi!
Minh đưa cái gói giấy nhật trình, cái gói mà Phú lúc nãy không trông thấy vì
không để ý. Chàng mở ra thì thấy có một cân giò lụa và mười chiếc bánh tây.
Chàng reo:
- Ờ ờ! Rõ thật được gãi vào chỗ ngứa chửa! Sao anh mua nhiều thế này? Gớm, rõ hợp
thời quá, đẻ và tôi nhịn đã mấy bữa nay...
Minh đáp gọn:
- Đoán ra thì biết chứ có gì lạ. Có mẹ đương giữa cảnh nước lụt mà không biết mẹ
đói thì còn biết gì?
CHƯƠNG VII
Vì sốt ruột mãi chưa thấy chị về trong khi người làng đã lác đác có người về. Phú mượn một mảng bè nứa với một con sào, đánh bè ra đi. Trong lúc hỏi thăm, chàng đã biết qua rằng dân đi lĩnh chẩn đã phải trở về tay không Chưa hiểu vì lẽ gì! Cho nên chàng lại càng lo lắng về sự chậm trễ của Tuất.
Độ nửa tiếng đồng hồ, khi chiếc bè lênh đênh trên những ngọn sóng đồng thì Phú
mới thấy thuyền của Tuất hiện ra đằng xa. Chàng cắm sào lại, đợi...
Lúc ấy, thằng cu Hiền đã ngồi ngoan ngoãn trong lòng bác Minh của nó với cái
bánh và miếng giò. Minh cũng đã bỏ âu phục ra, ngồi trên chiếu cạnh mẹ. Hai mẹ
con từ đấy trở đi bắt đầu nói tất cả các chuyện. Phú đã phàn nàn:
- Ấy đấy, giả dụ đừng có lụt lội mà được anh về thế này thì còn vui biết bao
nhiêu!
Nhưng Minh vội cãi:
- Thôi, người đời có ai được hoàn toàn sung sướng lúc nào bao giờ!
Rồi Minh hỏi đến Tuất. Bằng ba câu tóm tắt, Phú thuật những cái khổ của chị thì
Minh ngậm ngùi ôm thằng Hiền lên mà hôn hít một cách thương xót. Ngay lúc ấy,
Phú muốn Tuất về ngay cho mau. Anh Minh về là đáng mừng rồi: chả lĩnh chẩn thì
đừng!... Thế là Phú để Minh một mình đôi hồi với mẹ, mượn bè của một người
làng, đánh ra, đi... Chàng phải đi đón Tuất để báo ngay cái tin mừng ấy cho Tuất
mới được!
Vậy mà, bây giờ trông thấy Tuất, Phú lại đổi ý. Không, chàng chẳng báo cho chị
biết vội, cứ để chị về, rồi đột nhiên trông thấy, bất kỳ như thế cũng như Phú,
thì hơn!... Phải, phải! Báo trước là nghĩa lý quái gì!
Nghĩ vậy, Phú khoanh tay đứng, rồi ngồi xổm xuống những cây nứa, hai tay bó gối.
Giữa cánh đồng trên trời dưới nước, gió thổi ào ào vào mặt Phú, lùa vào hai
cánh tay cụt của cái áo rách ấy mà vào nách. Trong một phút hiếm có mà cái trí
não người ta sáng suốt một cách lạ, Phú thấy mình đã trở nên người dân quê cả
trăm phần trăm. Thật thế, nước lụt đã làm cho Phú không ngại chân lấm tay bùn,
biết bơi, lặn, chở đò, chặt tre, quấn thừng, ăn cơm ngô khoai, làm những việc nặng
nhọc và nhịn đói, những cái mà người xưa kia đã là một "sinh viên"
trường Bưởi thì tưởng không bao giờ kham nổi. Chàng vừa mừng vừa ngạc nhiên cho
sự thích hợp hoàn cảnh của mình.
Trông thấy Tuất, Phú bỗng thấy nẩy ra trong óc cái ý tinh quái, muốn trêu ghẹo
người chị lắm nước mắt, chàng nạt nộ:
- Thế nào! Gạo đâu! Tôi đi đón chị đây!
Tuất cau mặt gắt:
- Ỡm ờ gì thế? Mượn bè nhà Vạc ra đây mà lại còn không biết!
Phú làm bộ ngơ ngác rõ nhiều:
- Tôi mượn bè thì họ cho mượn chứ họ có bảo gì tôi đâu.
Chị Hai Cò le te mách ngay:
- Bác Tuất lúc ấy khóc mãi rồi đấy. Quan tỉnh có về, nhưng mà chả có hột gạo
nào! Ai nấy rủ nhau về tay không!
Phú gắt:
- Lại có chuyện lạ thế nữa!
Bà xã Dậu thấy Phú ngạc nhiên thế thì hình như sung sướng lắm. Mắt bà ta quắc
lên, mặt bà ta như có một thứ ánh sáng chiếu đến. Bà nói một cách vui vẻ vô
nghĩa lý:
- Thật thế đấy! Trở về không hàng nghìn người cơ! ấy là chính bà Thống sứ cũng
có về! Tôi trông thấy...
Bà quay lại với Tuất:
- Gớm cái nước da bà ta trắng trắng là, nhẩy!
Đến bây giờ Phú mới bắt đầu biết căm tức... Hàng nghìn người đi lĩnh chẩn phải
về không! Sau khi lội nước mất cả ngày! Sau khi chở đò hai mươi cây số! Phú
nghe như chuyện người ta bịa đặt, tuy sự thật nó đã hiển nhiên! Chàng chưa muốn
tin, tuy lúc nãy chàng đã tin rồi là vì không để ý nên chẳng kịp có một cảm tưởng
gì! Ừ, một việc như thế, sao khi nhà Vạc than thở với chàng, mà chỉ ậm ừ như
nghe một chuyện chỉ đáng để ngoài tai! Chàng nói trống không:
- Hay là lão lý trưởng nói nhảm, chứ quan không sức.
- Cả huyện bị tẽn lừa chứ riêng gì làng này! Quan bảo đến mai.
- Vì làm sao lại để đến mai thì quan có nói không?
- Vì gạo chưa chở từ Hà Nội lên kịp. Thôi về chứ?
Phú xua tay nói:
- Chị Tuất hãy sang cái bè này với tôi. Còn bà hai, chị hai, có vội về thì cứ
việc về. Về mà nhịn đói thì làm gì mà vội.
Tuất bỏ thuyền sang bè. Cái thuyền lướt đi, Phú bảo chị:
- Chị ngồi xuống đây tôi hỏi đã. Không có gạo thì về làm gì vội, buồn chết.
Tuất phát biểu cái căm tức:
- Tiên nhân nhà nó thế! Mất cả một ngày! Cháu có khóc lắm không, cậu?
- Không, bà đương ẵm nó, nó khóc xoàng thôi.
- Thôi về đi cậu ạ.
- Hãy khoan đã! Về thì làm gì? Đầu đuôi ra sao, chị hãy nói cho tôi nghe. Quan
tỉnh về phát chẩn thì có ai? Chị trông thấy những gì? Vô lý, phát chẩn mà lại
không có gạo!
Tuất kể lể:
- Mới đầu thì có hàng nghìn dân đói ngồi quanh cửa huyện chờ, các quan Tây thì
có bà Thống sứ, ông Công sứ, quan Nam thì có ông Tuần phủ, ông Huyện. Ngoài ra
lại có bốn người quần áo tây, không biết là gì, ai cũng có máy ảnh, mà cứ thấy
chụp ảnh luôn luôn. Các quan ngồi cả dưới gốc muỗm ở cửa huyện.
- Thế ra họ đến đấy là để chụp ảnh à?
- Biết đâu đấy!
- Thế sao nữa?
- Rồi thì... dân đói chờ lâu quá, kêu lên các ông lý dịch. Các ông này mới kêu
lên quan. Thì bà Thống sứ bảo chính bà cũng chờ như mọi người, hễ gạo đến thì
bà phát chẩn, mà chưa đến, thì bà cũng chịu vậy mà thôi...
- Thế rồi sao nữa?
- Dân thì cứ chờ... Các quan cũng ngồi ghế trò chuyện, cũng chờ gạo. Rồi ông
Công sứ và ông Tuần phủ làm nước chanh để các quý quan giải khát... Rồi lại chụp
ảnh. Rồi sau cùng thì các quan bảo dân hãy về đến mai mới có gạo.
- Thế là ngót nghìn con người vui vẻ về à?
- Lại còn vui vẻ gì? Mà có đến ba trăm người định ở lại huyện chờ đến mai...
- Ừ có thế chứ! Thế cho nó thấm thía!
Phú reo thế nhưng cô Tuất kết:
- Mãi đến lúc lính ra đánh đập một lượt họ mới chịu giải tán đi các ngả.
Phú hỏi:
- Thế mai chị có đi nữa không?
Tuất hỏi lại em:
- Cậu bảo có nên đi nữa không? Rồi, không thấy Phú đáp, cô lại tự đáp:
- Cũng phải đi vậy chứ biết làm thế nào?
- Không đi thì chết đói cầm chắc...
- Mà đi thì khổ nhục quá đi mất! Cậu vừa nói gì? Có đi thì cũng chỉ được một bữa
thôi. Rồi cũng chết.
Phú làm ra vẻ thảm đạm, chỉ xuống nước:
- Tình cảnh thế này tôi hỏi thật nhé:
- Chị có nhảy quách xuống không?
Thế là nước mắt nước mũi Tuất chảy ra ròng ròng. Cô nức nở đáp trong khi đưa
tay áo lên mắt:
- Không vướng thằng Hiền thì... thì... cũng liều đi... cho xong!
Biết mình đùa quá nhả, Phú vội chữa:
- Thôi nín đi, tôi nói đùa dấy mà! Chứ đời nào đến nỗi thế! Đây này, tôi báo
cho chị một tin mừng đây này!
Cô Tuất sửng sốt nhìn em, hai lông mày đưa lên phía trán, mắt mở to như để ngỏ
sẵn tâm hồn ra chờ cái hy vọng chưa có tên, nhưng Phú tiếp:
- Hôm nay tôi câu được một con cá mè to như thế này này!
Phú đã toan báo tin Minh về mà rồi lại nói thế. Tuất đứng thẳng lên, dậm chân một
hồi dữ dội làm cho cái bè tròng trành, mà rằng:
- Này về thì về ngay, mà chết đây thì chết ngay, cậu nghe ra chưa?
Đâm ra sợ hãi, Phú vội rút sào lên, lại cắm xuống, đẩy... Từ đây về đến đầu
làng, chàng không nói một lời nào, chàng thỉnh thoảng mỉm cười khi thấy mặt Tuất
cứ gần về đến nhà thì lại nhăn nhó lo sợ thêm. Vì rằng cụ Cử hay gắt mắng Tuất,
mặc dầu cụ thương Tuất hơn ai hết. Cụ mắng cả vào những lúc cụ biết rõ Tuất
không đáng tội chút nào.
Thoáng trông thấy một người đàn ông mặc quần áo trắng là một chấm chói lọi giữa
cái màu đất bùn của mái gianh điêu tàn. Tuất quay đầu lại nhìn em... Một cách tự
nhiên nhất đời, Phú nói:
- Anh Minh được ân xá về đấy chứ có gì là lạ!
Tuất bỗng đỏ cả mặt. Cái mừng rỡ của cô lúc ấy có thể lẫn với cái thẹn. Cô cốc
vào đầu Phú mà rằng:
- Rõ phải gió ở đâu ấy! Đã không bảo lại còn cứ trêu người ta.
Rồi khi cái bè vào đến sân, cô cúi đầu lễ phép chào Minh:
- Lạy anh ạ! Anh đã về.
Thấy em ngây ngô, Minh bật cười mà nhạo:
- Không dám ạ. Cô đã về. Gớm, trả con đây này, rãi rớt ướt hết cả một bên vai
áo.
Tuất ẵm con xong thì Minh ái ngại nhìn mẹ, thở dài:
- Ba đứa con thì thằng kiếm được tiền bỗng phải đầy, thằng nữa vô nghề nghiệp,
mà con gái lại góa chồng sớm! Chán thật, đẻ nhỉ?
Tuất ngây ngô hỏi:
- Anh ở ngoài ấy có khổ lắm không?
Minh cười, gật đầu:
- Cũng khá.
- Quần áo anh sao sang trọng thế? Anh có tiền à?
- Có một ít tiền. Quần áo cũng của... à quên kia! Tôi có quà cho cô đấy!
Minh đưa giò và bánh ra. Rồi đứng lên vươn vai, lại nói:
- Thôi, tôi sang cái võng bên kia để chỗ cho mà ngồi.
Tuất nói như nói với khách:
- Lụt lội, nhà chả ra đâu vào đâu, chỗ đứng chả có, chỗ ngồi thì không, anh bằng
lòng vậy.
Minh lại cười nghĩ thầm:
"Người bộc tuệch như thế mà cũng hồng nhan bạc mệnh thì lạ thật!"
Cụ Cử lại nằm xuống bảo con:
- Ừ, con sang võng mà nằm nghỉ kẻo mệt. Mát rười rượi ra đấy. Hãy nằm nghỉ một
lát đã, rồi sau sẽ hay.
Trong cái đoạn "rồi sau sẽ hay" ấy, cụ để cả hy vọng khỏi nhịn đói. ý
cụ muốn nói đến bữa chiều thì sẽ đi mua gạo bằng tiền của Minh. Chàng cũng hiểu
thế, và lẳng lặng bước qua cầu tre, cùng Phú sang chỗ cái võng trên cây ổi cạnh
mái bếp.
Hai anh em trò chuyện như là vào trường hợp ấy người ta phải trò chuyện nhiều
như thế. Minh mừng rỡ rằng sau bảy năm chàng vắng nhà thì Phú đã trông nom mẹ
được chu đáo, và đã có được một bản lĩnh chứ không đến nỗi "Ông chẳng ra
ông, thằng chẳng ra thằng" như Minh vẫn lo. Còn về phần Phú thì chàng cũng
lấy làm tự hào khi có người anh vì quốc gia mà chịu thiệt, nhất là khi người
anh ấy lại đối với chàng một cách có vẻ bạn thân hơn là anh. Chàng để ý đến một
câu hỏi đột ngột của Minh lúc hai anh em bắt đầu dốc bầu tâm sự một khi đã được
ngồi riêng với nhau: "Trong thời gian anh vắng nhà thì chú không làm sự gì
bậy bạ hại đến danh giá gia đình đấy chứ?" Nằm dài trong võng Minh từ tốn
đặt những câu hỏi mà Phú phải thấy là bất ngờ. Vắt vẻo ở hai cành ổi, Phú đã
thuật cả những việc tỉ mỉ của một đoạn đời đầy những cái không may và luôn luôn
nhận được lời an ủi hoặc khuyến khích của Minh. Chàng thấy rằng trước mặt chàng
đó là một thanh niên vẫn cao thượng mặc lòng đã chịu một chế độ lao tù đồi bại,
và vẫn anh hùng, mặc lòng trong bảy năm trời đã chịu đủ thứ những ngược hình!
Phú sung sướng như người đã vào lúc tình cờ quen biết được một người bạn mà lại
thấy ngay là hiểu nhau, là có thể thân được với nhau ngay. Thật là quý hóa vô
cùng, vì Minh về vào những lúc trí phán đoán của Phú đã nẩy nở, đã đến cái thời
kỳ được nếm cái thú vị của sự tâm đồng ý hợp.
Hơn nữa, Minh lại cam đoan với Phú rằng có đọc báo thấy cái tin đăng Phú được
ông huyện ký giấy tha hẳn hoi. Với lời hứa của Minh rằng sẽ kiếm cho Phú một việc
ở Hà thành, chỉ nay mai thôi, với cái tin có thể thật được rằng mình đã được
tha, Phú hồi hộp trong lòng, thấy cuộc đời mình bắt đầu đến quãng sáng sủa.
Việc anh Vạc phải đến tận nơi đòi bè làm cho trong chốc lát mà cả làng đã rõ
cái tin cậu giáo Minh đã được tha, cả buổi trưa hôm ấy, người lại hỏi thăm tấp
nập. Minh để ý đến câu mà hầu hết mọi người đều nói: "Thế mà trông cậu lại
đẹp đẽ khỏe mạnh hơn ngày xưa!" Trừ ông lý trưởng là đàn ông, còn thì chỉ
là các bà già, bọn phụ nữ, vì đàn ông thì hoặc bỏ làng, hoặc đứng ở ngoài đê.
Thành ra Minh chẳng gặp được những người mà chàng muốn gặp. Ông lý trưởng thì rất
hể hả khi ông ấy được cam đoan rằng ông không có phận sự quản thúc Minh. Việc ấy
không có giấy tư về.
Tuất cũng có khách. Đó là người cháu bên họ nhà chồng gọi Tuất bằng thím. Người
ấy, theo lời dặn của bố, sang yêu cầu Tuất về lánh nạn ở nhà mình tại tỉnh lỵ
cho qua cơn lụt lội nếu Tuất ưng thuận, hoặc là nếu không thì cho xin thằng cu
Hiền, Minh bảo rằng hãy để Tuất ở nhà một ngày, lấy lẽ được tha vừa về, mà người
cháu kia thì vin cớ nhân tiện một chuyến đò, yêu cầu Tuất đi ngay tức khắc. Về
sau hai bên cùng nhượng bộ nhau bằng sự thỏa thuận ở một bữa cơm, rồi Tuất sẽ ẵm
thằng Hiền cùng đi về với người anh thúc bá của nó.
Bữa ấy, Phú đã là một tên bếp rất vất vả. Chàng sục sạo cả làng bên cạnh mới
mua được một con gà gầy còm và vài lưng gạo hẩm. Chàng thổi lửa đỏ cả hai mắt
vì khan củi khô. Cụ Cử rất hả dạ vì cảnh nước lụt mà thết cơm khách bên thông
gia, cụ lại có mấy đĩa thịt gà. Thành thử cái vấn đề tái giá của Tuất lại có
người thân bàn luận.
Sau bữa cơm, người kia lại xin ra đi. Minh bèn gọi Tuất ra một chỗ, dặn bảo...
Tuất lại còn nói:
- Thôi, để mai tôi lên tỉnh, vì bảy tám năm nay anh em tôi mới được họp mặt
nhau thì cho tôi đến mai.
Anh về một mình trước vậy. Sợ bên thông gia mất lòng, cụ Cả thét lên:
- Thôi, chả mấy khi cậu ấy sang đón, mày cứ đi ngay cho tao! Anh em nhà mày thì
lúc nào họp mặt nhau sau này không được?
Cả hai đứng một chỗ xa mọi người. Minh hỏi Tuất:
- Thế nào? Cô định thủ tiết nuôi con đó sao?
- Em chả biết định thế nào cả.
- Này anh bảo thật, cái điều ấy khó lắm đấy. Cô không có một nghề gì trong tay,
không lẽ suốt đời ăn bám mẹ ở nhà, không lẽ báo hại mãi người nhà chồng... Tôi
thấy đẻ nói có lão chánh Mận đã hỏi, cô nhận đi cho yên phận, cho người ta
đành, có hơn không.
- Chỉ thương thằng bé...
- Bác nó nuôi nó thì khác gì bố nó mấy? Mà cô lấy lão chánh Mận thì rồi cũng sẽ
có con nữa chứ sao? Nên nghĩ cho chín kẻo sau này chả đám nào được thế.
Tuất cúi đầu không nói. Lúc ra đi cô quên chào anh.
CHƯƠNG VIII
N
gười bếp vừa dọn bàn. Trên khăn giải trắng, mấy chén nước chè
hạt hãy còn đầy nguyên. Ông huyện, bà huyện, ông bạn Khoát mỗi người có ở tay
miếng lê, hoặc táo. Dung đương gọt vỏ nốt mấy thứ hoa quả ở một góc phòng không
một ai nói một lời nào vào cái giờ nặng nề, uể oải của sự tiêu hóa sau bữa cơm
trưa. Một bên chân để gập trên ghế, tay giữ cái tăm ở mồm, ăn đồ nước xong, bà
huyện cứ ngồi đờ ra nghĩ vơ vẩn...
Thấy vậy, ông huyện ra hiệu kín cho vợ. Bà cầm khăn mặt đứng lên đi ra thì ông
nháy mắt cho bạn, khẽ nói:
- Đi thôi.
- Nghỉ lát đã, không thì mệt lắm.
Ông huyện lừ mắt, chặc lưỡi mấy cái, gắt:
- Đến đấy không nghỉ được hay sao?
Thế là ông đứng phắt lên, ra chỗ cái mắc, mặc áo, khiến cho bạn ông cũng phải
làm theo như thế. Hai người cùng vội vã hút thuốc lào rõ kêu rồi lẳng lặng xuống
thang. Từ buồng bên, bà huyện chạy ra hỏi: "Đi đâu thế các ông?"
song, ông huyện không nghe thấy hoặc không thèm đáp. Bà hất hàm cho con gái,
nói:
- Mau ra bao lan nghe xem họ thuê xe đi đâu.
Dung chạy ra một lúc rồi quay vào, thưa:
- Con thấy cậu mặc cả đến hàng Buồm.
Bà huyện rút cái tăm ở miệng ra gật gù cái đầu:
- Đích thị lại đi hút thuốc phiện! Cái nhà bác Khoát này tệ lắm? Bạn hữu đời
nay chỉ rủ nhau vào cái chết thôi, chả ích gì cả.
Tức khắc Dung cãi cho người vắng mặt.
- Me đừng đổ oan cho bác Khoát, phải tội! Con ngồi đây, con biết! Chính cậu giục
bác ấy, chứ nào bác ấy có rủ rê gì cậu đâu!
- Biết đâu rằng không vì xưa kia bác ấy đã giục cậu mày cho nên đến bây giờ cậu
mày phải giục bác ấy!
- Me bảo bạn hữu đời này chỉ rủ nhau vào cái chết, vậy mà con thấy bao nhiêu
chuyện can hệ cậu mợ đã bàn luận với bác ấy!
Đến đây, bà mẹ làm lơ. Bà kéo gối nằm xuống sập với cái mặt buồn rầu. Bà không
thể nào không nhớ đến chuyện cũ.
Từ khi phải về Hà Nội thì bà huyện đã sống những ngày vừa buồn tẻ, vừa khó chịu,
như một người ở phải một chỗ thủy thổ bất hợp. Xưa kia ở huyện, bà có bao nhiêu
quyền hành! Dù ở nhà, dù ra phố luôn luôn bà được người ta cứ một lời lại bẩm
bà lớn, coi bà là cả một thế lực vạn năng! Vậy mà bà phải về một nơi phồn hoa
đô hội, tại đó những cái tôn ti hầu như không có nữa, ai cũng cá mè một lứa. Bà
đã sống một đoạn đời trống rỗng như một người không có địa vị gì...
Điều làm cho bà khổ tâm hơn nữa là bắt đầu thấy trong quĩ gia đình, khoản thu
trội hơn khoản chi bao nhiêu. Không kể những số tiền của đút mà bà gọi là bổng
lộc cho nó sang trọng từ đây không có nữa, mà lại cả đến bao chè tầu, cái thủ lợn,
buồng cau, cái chân giò, quả chín, thí dụ cần dùng đến thì bà cũng đều phải xỉa
tiền ra cả. Thật là những sự chẳng vui gì cho một người nền nếp muốn làm giàu
như bà. Mà nào có giàu! Từ độ ông được bổ đi tri huyện cho đến nay ông bị huyền
chức thì lương bổng ông dùng để đóng họ trả nợ cũng chưa xong đấy thôi! Cái ý
nghĩ ấy luôn luôn ám ảnh bà, làm cho bà được thể không bao giờ phải hối hận về
chỗ đã sống trên sự bóp nặn, vì rằng kỳ trung thì chồng bà chính vì ra làm quan
mà thiệt hại.
Đã thế, ông huyện lại còn thay đổi tính nết. Lúc ở huyện ông thật đường đường
rõ ra một vị "phụ mẫu chi dân". Bây giờ, trái lại. Cái không khí Hà
thành làm cho ông trở nên vui vẻ trẻ trung hơn, và do thế, cũng đâm ra bậy bạ
hơn. Xưa kia, giải trí thì tổ tôm là cùng. Bây giờ, thôi thì đủ thứ! Từ một người
căn cơ, hàn gắn như đàn bà, ông huyện đã hóa ra một nhà sư phá giới, liều lĩnh,
chẳng coi đồng tiền vào đâu! Hát xướng, nhẩy đầm, yến ẩm, hút xách, những cái ấy,
ông bắt đầu thử nếm, mà chẳng nhớ rằng trên đầu ông đã có gần hai thứ tóc. ở chốn
thành thị, sự tiêu pha trở nên tốn kém vì ông huyện mỗi ngày thêm rộng đường
giao thiệp một chút, mà càng hiếu hữu quảng giao, ông càng hay đi đêm. Những bọn
con nhà phá của chỉ đi làm để lấy tiếng, những ông tham tá trẻ, những ông huyện
mới các tỉnh, thường tối đến đánh xe về Hà thành, đến tìm chồng bà, lôi vào quần
thảo nhau suốt đêm ở một tiệm khiêu vũ nào đó, cho mãi đến sáng hôm sau. Đối lại
những việc như thế, bà lẩm bẩm "Cái thời buổi bây giờ nhố nhăng, chứ quan
với tư gì lại như thế!" Trong óc bà bỗng có những hình ảnh thiểu não về cảnh
gia đình tan nát nó sẽ đến mai kia. Bà coi Hà thành là một nơi nguy hiểm cho sự
yên ổn gia đình, một nơi đắc thế của bọn vong gia thất thổ, một nơi mà cái suy
đồi phong hóa là cực điểm, một cái ngục thất nữa, vì bị huyền chức một năm như
vậy cũng hại cho ông huyện như ông phải tù một năm. Hại cả tinh thần lẫn vật chất!
Bà nhớ một cách xót xa thấm thía rằng từ độ về Hà Nội, vì cái chơi bời của chồng,
trong nhà đã xảy ra khẩu thiệt mất năm lần - hơn năm tuần lễ có năm buổi chiều
thứ bẩy! - và bà đã bị người cầm cái họ, vì không thu được tiền, nói những câu
rất đau: "Này, do đồng tiền của đứa nào mà người ấy được vác mặt lên bảnh
chọe làm bà lớn thì chớ quên, mua danh ba vạn chớ bán danh chả được đồng nào
đâu!" Bao giờ bà lại quên được câu đay nghiến ấy.
Mấy hôm nay, bà thấy áo ông có giây một vài vết bẩn khó hiểu.
- Chết cái áo lụa thế này mà bẩn gì thế này, giặt ra làm sao, hay đến hỏng cả
cái áo thôi?
- Đâu bà đưa con xem... a à, thuốc phiện đây ạ, bà đổ tị rượu vào mà vò thì sạch.
Người bếp già vừa cắt nghĩa xong thì thấy bà chủ đã nước mắt chạy quanh. Rồi, từ
đấy, bà huyện thêm một mối lo: chỉ trong thời hạn bị huyền chức là cùng chồng
bà khó lòng thoát nghiện.
Bà nặng nề trở mình, dằn vặt chân tay xuống cái sập gụ như gái đẻ lúc nổi cơn
ghen. Không trông thấy cái bực dọc trên mặt mẹ lúc ấy, Dung hớn hở hỏi:
- A, mợ ngủ chứ? Con vặn quạt chạy nhè nhẹ nhé?
Thấy câu này tình cờ có ba tiếng độc vận hay hay, Dung nhắc lại:
- Nhè nhẹ nhé?
- Thôi cô ạ. Phải bắt đầu hà tiện đi mới được. Cô có biết bố cô độ này phá tán
thế nào không? Mẫu mực này, rồi thì ăn mày đến nơi! Lấy quạt phẩy cho tôi một
lúc đây!
Mặt Dung tiu nghỉu. Lúc ấy, nàng đang muốn đứng ở bao lan. Vậy mà nàng đã dại dột
săn sóc đến mẹ để mà ngồi quạt! Trước khi cầm quạt, Dung lại quay ra bao lan
trông ngóng một sự gì. Bà mẹ liền nổi giận, hét:
- Làm gì nữa thế?
- Con đóng cửa lại cho mợ khỏi chói mắt.
Nàng vào. Mặt nàng lại buồn hơn trước. Nhưng may là chỉ trong chốc lát, bà mẹ
đã thấy dễ dịu, cái ngủ kéo đến thiu thiu. Dung làm cái phận sự ấy được một góc
giờ nữa thì đã có thể đứng lên, bỏ đấy mà ra bao lan, mà không sợ phải mắng.
Tòa nhà Dung ở với tòa nhà ông tham Quang là chủ nhà ở bên cạnh, chỉ cách nhau
có một lối đi rộng ba thước bề ngang một con đường đủ cho xe hơi có thể vào nhà
chứa xe. ở tận trong cùng sân trong là một cái vườn gần như của chung. Hai tòa
nhà cùng một kiểu nên tối đến, người ta có thể cứ ngồi ở hai bên bao lan trò
chuyện với nhau mà cũng vẫn thân mật. Cũng do lẽ ấy, nên hai bên mở cửa sổ cho
đều thì cái kín đáo của đồ đạc bị phô ra thông thống, hai nhà mà như là một
nhà. Cái sự bất tiện về cửa ngõ ấy làm cho người ở hai nhà cứ phải rình mò
nhau, phải nhường nhịn nhau, cứ như là chơi trò ú tim - òa của trẻ thơ. Ngay cả
vào những lúc cần lấy gió ở ngoài vào cho thoáng khí mà hai bên cũng vẫn phải
giữ cái lệ là hễ bên kia cửa có đóng thì bên này mới để ngỏ. Còn nếu cả hai sơ
ý thì không kể.
Vào lúc trước giờ ăn cơm, hai nhà cũng đã sơ ý, hai bên cửa sổ cùng để mở
toang. Trong khi dọn nhà cơm khách, đã thành cái lệ là chủ nhật nào cũng mời
cơm ông Khoát, lúc để chai rượu vang và mấy cái cốc vào bàn, tình cờ đưa mắt
sang nhà bên kia, Dung thấy thấp thoáng hình như có một thiếu niên giống Hoàng
Văn Phú lắm, tuy mặt mũi Hoàng Văn Phú lần gặp thấy trong một điếm gạch chỗ phu
hộ đê thì nàng chẳng còn nhớ rõ cho lắm. Trong một phút, nàng đã hồi hộp, như
là người ta phải hồi hộp, vào những lúc bất chợt thấy cái gì nó khiến mình nhớ
lại một thứ cảm giác mạnh mà mình không bao giờ quên được. Duy có điều người hộ
đê bữa trước thì hình như già hơn cái người bây giờ, gọn gàng, sạch sẽ trong một
cái áo trắng dài nhũn nhặn nó làm cho vẻ mặt còn cái tinh thần học sinh. Người
ta có thể nào trước già mà sau trẻ không? Người học sinh này có phải là người
phu hộ đê xưa kia không? Tần ngần tự hỏi mình như thế, Dung cứ đứng ngây ra
nhìn sang bên kia, chỉ mong người ấy cũng nhìn sang bên này. Nếu đích đấy là
Hoàng Văn Phú thì thế nào chàng cũng phải nhận được ra Dung là ai, hoặc là, nếu
không, thì cũng phải lúng túng như Dung là ít. Còn nếu người ấy có trông thấy
Dung đứng bên này mà lại thản nhiên như thường, mà mặt mũi lại không để lộ một
chút ngơ ngác, một chút phân vân, một chút cảm tưởng gì, thì đích xác là Dung
đã trông lầm, hay là trong đời có hai người giống hệt nhau đó thôi. Thật thế,
Dung chỉ có cứu người, mà cũng còn nhớ mặt người, thì Phú được người cứu, trong
một trường hợp đầy thi vị như một sự thêu dệt khó tin của tiểu thuyết như thế,
không, không, không đời nào Phú lại quên được.
Dung đương đợi... thì người ấy không những chẳng nhìn sang mà lại còn đáp một
câu: "Tôi xuống đây" rồi biến mất. Lúc ấy, Dung đã gần quên là phải
xuống ngay bếp để xem người ở nó sửa soạn bữa cơm khách ra sao. Nàng còn đứng
chờ, và sau khi biết chờ là vô ích, lại còn ra khép cửa sổ, để hở có một cái
khe nhỏ đủ mắt nhìn sang khi nào cần nhìn, vì sợ thấy bên này để ngỏ thì bên ấy
lại khép cửa lại chăng... Bữa cơm ấy, Dung đã bị bà mẹ mắng là ăn chậm quá. Sự
nghĩ ngợi làm cho nàng nhai lâu. óc nàng chỉ bận phán đoán có việc ấy. Nàng đã
tìm hết mọi lý sự để bác đi rằng đó không là Phú, vì một người con nhà nghèo đến
nỗi phải đi đắp đê cách đây không bao lâu thì chẳng có thể vì lẽ gì mà bây giờ
lại có mặt tại một gia đình trưởng giả như nhà ông tham Quang. Mà có phải có mặt
mà thôi không? Không, ở hẳn, chứ không phải chỉ có trong chốc lát- Cái áo dài để
hở khuy cổ, cái đầu tóc không chải, đã đủ cắt nghĩa rõ. Sau khi lý luận như thế
Dung thấy hình như người ấy chẳng phải Phú, và như vậy là đúng nhưng nếu đúng
thế thì buồn lắm, nàng lại không thích cái lý luận có thể đúng ấy ngay! Dung
bèn tìm những lý sự trái ngược, thí dụ Phú là có họ với ông tham Quang, bây giờ
lụt lội phải ra đây lánh nạn, một sự tình cờ gì đó, v.v... Tuy nhiên những lý về
sau nó thế nào ấy, nó hình như không còn là lý nữa. Suốt bữa cơm ấy, Dung lẳng
lặng như người đàn bà giận chồng mà phải cùng ngồi một mâm với chồng.
Mẹ Dung chừng như đã ngủ hẳn.
Nàng khẽ để cái quạt xuống giường. Nàng đứng lên toan ra chỗ cửa sổ, bỗng lại dừng
lại nhìn kỹ mẹ. Sau khi không còn phải sợ mẹ còn thức, Dung cũng tìm con đường
chắc chắn, nghĩa là không đến đứng ở cửa sổ để nhìn qua khe nữa, vì nhỡ mà bà
huyện mở mắt ra thì trông thấy ngay Dung quả tang. Nàng ra hẳn bao lan, tuy đứng
ở bao lan mà nhìn sang bên ấy thì lệch, cửa sổ bên ấy hẹp hẳn lại mất một nửa.
Ra đến bao lan, Dung còn nhìn xuống đường. Giữa trưa, không một ai ở phố, và
giá có ai thì chắc người ấy cũng chẳng nhìn lên làm gì cho chói mắt. Tuy vậy,
nàng cũng nom trước nom sau như một đứa trẻ đề phòng trước khi làm một điều
đáng thẹn...
Trong khung cửa sổ hiện ra một cái đầu thưa tóc của trẻ thơ với cái gáy trắng
nõn trên cái cổ áo sơ mi xanh mà Dung biết ngay là con giai ông tham, thằng
Phúc. Bên cạnh nó thì là một mớ tóc gần dài lồng trong cái trật tự đều đặn của
một chiếc lược bờm màu lam. Con cái nhà ai? Chứ con chủ nhà thì không phải. Hai
đứa trẻ ấy ngồi đây làm gì? Có phải chỉ có hai mà thôi? Sao thấy tiếng cười nói
thì hình như còn có nhiều trẻ? Ông tham Quang chỉ có một con, thế là nghĩa lý
gì? Dung tựa bao lan nhìn xuống đường, tai vẫn lắng nghe... Chợt thấy có một tiếng
nói người lớn dõng dạc:
- Em Thanh ngồi lui về phía sau cho em Hiền có chỗ để sách... Phúc! Trông vào
sách đọc đi, chóng ngoan... Học đi nửa giờ thôi, rồi chú nói với cậu cho đi
chơi Bờ Hồ ăn kem Nhật Bản.
Đến bây giờ, Dung thấy rằng mười phần thì nàng đã cầm chắc đến chín rồi. Sự thấy
ngờ ngợ của nàng đã biến đổi thành ra quả quyết. Cái giọng nói cương nhu ấy
chính là giọng nói của anh phu hộ đê buổi xưa chứ không còn sai.
- Thế bao giờ ông Cử được tha?
- Bẩm ông tôi chết tại Côn Đảo đã lâu rồi.
- Giáo Minh liệu có được tha không?
- Bẩm chắc có, vì tin tức riêng chúng tôi nhận được cũng đã đích xác.
- Thế thầy từ nay đừng có lôi thôi sinh sự với họ nữa nhé!
Trong một phút, Dung đã trông thấy lại cảnh cha nàng thoạt đầu nạt nộ và sau dịu
dàng với anh chàng phu phen đặc biệt ấy, cái điếm gạch sứt lở mà tường đầy những
nét vẽ than và vẽ gạch non nguệch ngoạc nên hình những ông tướng Tam Quốc thô lỗ,
ông tham lục lộ mặt sưng sỉa, những thầy tổng lý chạy nháo nhào trên mặt đê...
- Thưa cô, cô là ai?
- Một nàng tiên xuống cứu người lâm nạn.
- Thưa cô...
- Thôi, không được hỏi gì nữa! Trốn ngay đi cho mau. Nội đêm nay không khỏi
vùng này ắt chết! Đi!
- Tôi xin nhớ ơn cô đến chết...
Dung lại trông thấy rõ người thiếu niên mặt mũi lem luốc vì giam hãm, với cái
lô- cốt mập mờ cao sừng sững trong đêm khuya, mồi thuốc lào của anh lính cơ, tiếng
bõm của chiếc chìa khóa ngục vừa rơi xuống nước giếng, cái âm u lặng lẽ của huyện
đường.
Nàng chợt rùng mình, lại vừa cảm thấy cái sung sướng trong cái sợ.
Đích thị đó là người Dung đã cứu thoát tù tội rồi! Nào, nào, hỡi người kia! Hãy
sửa soạn để mà bất kỳ trông thấy mặt ân nhân, nếu người không là kẻ vô ân! Dung
vào chỗ cửa sổ, soi gương bằng miếng kính cửa để nén lại mấy sợi tóc, xốc lại
cái cổ áo. Nàng sẽ cho người ấy thấy cảm giác mạnh bằng cách bất kỳ mở tung cửa,
để người ấy trông thấy nàng như trông thấy sự xuất hiện của một nàng tiên.
Tiếng vấp của hai cánh cửa sổ vào tường làm cho Phú ngẩng đầu lên. Dung nhìn
sang tròng trọc, Phú thì trước còn ngơ ngác và sau thì lúng túng không biết nên
xử trí thế nào... Dung vẫn nhìn sang bằng cặp mắt của người đã gia ân đàn hạch
kẻ đã chịu ơn của mình. Phú hơi hơi cúi đầu như muốn kính cẩn chào mà lại còn e
sợ. Dung hơi nhếch đôi môi, mỉm cười.
Nhưng thấy thầy giáo của chúng đờ đẫn thế, mấy đứa trẻ vội quay nhìn về phía
sau lưng... Dung gật đầu đáp, Phú lại với tay ra kéo hai cánh cửa. Vừa gặp lúc
bà huyện kêu the thé:
- Sao chói mắt người ta thế, hở bà!
CHƯƠNG IX
- P
hú! Đi xem chớp bóng đi!
- Thôi, cám ơn...
- Đi chơi cho vui chứ cảm ơn cảm iếc cái gì?
- Tuần lễ nào cũng đi, thế nhiều quá...
- Ơ! Cái chú này kể cũng ngộ thật nhỉ?
- Thôi để mời ông bà...
Quang xo vai, không bằng lòng lối xưng hô ấy. Chàng cho Phú vừa trẻ con, lại
còn vừa nhà quê. Quang đã cư xử với Phú như với một người em ruột, đáng lẽ Phú
cũng phải gọi Quang như Minh mới phải. Song lẽ cứ mỗi lần Phú gọi Quang là thưa
anh thì chàng lại thấy ngượng mồm lắm. Chỉ vào những lúc riêng có hai người mà Quang
tỏ vẻ thân mật hết sức, Phú mới dám gọi Quang là anh. Nếu có mặt cả hai vợ chồng
thì thế nào chàng cũng kêu "Ông bà".
Đã mười hôm nay, Phú ở đây với cái địa vị một tay gõ đầu trẻ. Cái chân ấy đáng
lẽ là của Minh. Thấy bạn về, sinh kế không có, Quang đã muốn bạn có một việc tạm
bợ. Chàng thu thập được độ dăm sáu đứa trẻ con, trong số đó, con giai của Quang
thì mới học vỡ lòng a b c, còn những đứa khác thì học lực vào chừng dự bị sơ đẳng
chi đó. Dạy những đứa trẻ ấy, mỗi tháng lấy chừng hai chục đồng. Minh cảm ơn sự
thu xếp của bạn, nhận lời, và chỉ sửa đổi một khoản là đáng lẽ chính chàng cáng
đáng công việc thì chàng để cho em. Quang hiểu ngay là Minh sợ mất giá trị -
xưa kia đã là giáo học hạng năm, và trong làng cách mệnh thì Minh cũng là tay cừ
khôi vì học thức khá - và vội vàng đáp: "Được rồi! Anh nhận hay Phú nó dạy
thì cũng thế cả. Điều cốt yếu mà tôi để ý là làm cách nào cho mỗi tháng nhà anh
có một số tiền mà chi dùng, thế thôi". Quang không thể có cách nào giúp bạn
sang trọng hơn nữa. Minh cũng biết thế cho nên về nhà thăm mẹ được một hôm rồi
thì chàng bèn đưa Phú ra giao cho Quang rồi lại về làng. Từ độ ăn ở nhà Quang để
dạy học con Quang và những đứa trẻ ở nơi khác đến (con bạn hữu của Quang), việc
gì Phú cũng rất ý tứ, vì chàng không quên rằng đã nghèo thì mình lại cần tự trọng
lắm. Do thế, trong cách cư xử, vợ chồng Quang muốn gần gụi Phú như một người
nhà mà chàng thì cứ mỗi khi thấy người ta gần mình quá, lại phải nhích ra một
tí. Mỗi khi không được bằng lòng điều gì, Quang lại bảo Phú là nhà quê.
- Đi xem chớp bóng thì tất nhiên mỗi tuần lễ người ta thay một cuốn phim mình lại
phải đi một lần, chứ sao lại bảo nhiều?
Phú tìm được một câu thần diệu để đối phó với sự nài ép:
- Sự thực thì phim nói, tôi xem không được hiểu lắm.
Lúc ấy Phú ngồi trên một chiếc ghế gần cửa ra vào. Quang và đứa con giai đã quần
áo chỉnh tề lắm. Người vợ của Quang thì hãy còn ngồi trước bàn gương xoa phấn để
chồng phải chắp tay sau lưng đi đi lại lại, ra ý sốt ruột lắm. Sợ chồng gắt
mình trang điểm lâu, cũng mời thêm một câu:
- Tưởng hôm nay chủ nhật thì thầy trò cùng đi cả cho vui.
Ngừng một lát, người vợ lại hỏi chồng:
- À thế nào? Cậu thử hỏi hộ xem bác Phú đã đòi tiền nhà bên chưa?
Phú đáp:
- Tôi đã định sang thu từ sáng sớm nhưng hình như lão huyện đi chưa về.
Quang cười rộ như một đứa trẻ con mà rằng:
- Nếu lão hay vợ lão mà xin khất thì cứ đập bàn đập ghế làm lung thiên lên cho
đỡ ghét, nhé?
Phú cười thì vợ Quang ngừng kẻ lông mày, quay lại cau mặt hỏi:
- Ấy chết, sao lại thế?
Quang lại cười to hơn nữa và cắt nghĩa:
- Ngày xưa, lão huyện còn cai trị huyện của Phú thì đã bắt giam Phú một cách
trái phép. Cho nên tôi mới nhờ bác Phú sang thu tiền nhà để có ý gì thì nói tệ
cho nó bõ, mợ hiểu chưa?
Vợ chàng mỉm cười ranh mãnh, hời hợt nói:
- Được lắm. Nhưng mà nếu chính cô con gái có khất thì bác đừng nói tệ, nhé bác
nhé?
Nghe thế, Phú thẹn đỏ mặt, tưởng chừng thiên hạ đã đọc rõ cả những ý kín đáo
trong lòng chàng. Nhưng cái phút ấy không dài, vì vừa đến lúc ấy thì người vợ
phấn sáp đã xong.
Hai vợ chồng ríu rít dắt con đi làm cho Phú như trông thấy cả cái hạnh phúc của
họ nữa.
- Thôi thế ở nhà trông nhà hộ vậy nhé?
- Được lắm!
- Nào, Phúc! Chắp tay xin phép thầy đi xem!
- Con xin phép thầy cho con đi xi- nê- ma với cậu mợ con ạ.
- Ừ, Phúc đi cho ngoan nhé!
Rồi Phú cúi xuống hôn cậu học trò quý: chàng vốn có tính yêu trẻ. Chàng ra
theo, đứng ở cửa một lúc lâu, nhìn sang bên cạnh rồi lại quay vào. Sau khi trù
trừ một lúc lâu, Phú lấy lược chải đầu, quả quyết sang bên cạnh: "Không
hôm nay thì chả còn dịp nào nữa!"
Thật thế, hôm nay chỉ có một cô con gái ở nhà, ông huyện và vợ nghe đâu như về
quê đến tối mới ra. Chàng đã sai đầy tớ nhà Quang hỏi dò người bếp nhà ông huyện
được cái tin ấy. Mấy lần trông thấy cô con gái ông huyện qua hai khung cửa sổ
nhất là lại được mỹ nhân ra hiệu cho mình, Phú thấy ý chí bối rối, tâm cảnh
bâng khuâng. Chàng thường tự hỏi một cách run sợ "Tại sao? ừ, tại sao, sau
một chuyện dị thường như thế lại đến cái cuộc gần gụi tình cờ như thế?". Rồi
chàng đã sống những phút mơ mộng âm thầm như của người yêu lần đầu tiên. Đã mấy
lần Phú tự nhủ rằng có lẽ cứ để thế và hai bên đều cùng chỉ đến thế thôi, việc
gì nửa kín nửa hở vẫn cho ta hưởng nhiều phút có thi vị. Song chàng lại tự căn
vặn: "Nhưng mập mờ để làm gì? Biết sự thực cho rõ ràng hay là biết cả cái
đau khổ của thất vọng nữa, đó há chẳng là cái can đảm của lòng người sao?"
Sự cám dỗ bao giờ cũng mạnh hơn hết cả.
Bảo đứa đầy tớ khóa cửa xong, Phú đi ra với một dáng điệu ung dung, khoan thai,
và tự nhiên nhất đời. Không muốn cũng chẳng được, chàng cứ thấy việc chàng định
làm là một sự mà thiên hạ có thể bình phẩm, và cần phải giấu giếm cả đứa đầy tớ.
Sau ba tiếng gõ, người mở cửa chính là Dung, Phú giật mình, đứng lùi lại, quả
tim bỗng dưng đập mạnh như của người chạy thi lúc tới đích. Dung trông thấy sự
cảm động của Phú, bèn dõng dạc hỏi to cho mình khỏi phải ngượng:
- Thưa ông, ông hỏi gì?
Phú ấp úng đáp:
- Thưa cô... tôi hỏi ông... tôi hỏi quan huyện.
- Thưa, cậu tôi không có nhà.
- Dạ... thế thì tôi hỏi bà lớn.
- Mợ tôi cũng lại vắng nhà nốt!
Đến đây cả hai người cùng lúng túng, nhất là Phú. Sau Dung lùi lại, dang tay trỏ
ghế và mời.
- Xin ông cứ vào chơi... Và có việc gì ông cứ bảo tôi cũng được ạ...
Phú từ từ tiến vào, mắt vẫn đăm đăm nhìn Dung. Chàng nói lúng búng trong cổ họng:
- Thưa cô, chỉ sợ có điều gì bất tiện...
Dung nhìn Phú một cách rất có tình ý, và lại đáp khẽ hơn nữa:
- Không, nhà vắng cả.
Nàng ngồi trước rồi trỏ tay mời Phú ngồi sau. Thấy phòng khách hơi tối, Dung lại
đứng lên ra mở hé hai cánh cửa sổ. ánh sáng chiếu chan hòa vào phòng.
Trước khi ngồi vào chỗ, nàng lại dừng ở bàn rót một chén nước và lấy một phong
thuốc lá. Khi nàng ngồi xuống ghế thì Phú nói đã có vẻ rắn rỏi:
- Thưa cô, tôi sang đây cũng có một cớ quang minh chính đại lắm. Nguyên tôi ăn ở
nhà ông tham Quang để dạy học đứa con ông ta. Muốn được nói với cô một lời,
vâng, chính thế, muốn được nói với cô một lời, tôi đã nhận lấy cái việc sang
đây thu tiền nhà hộ ông ta. Bẩm, giấy biên lai tôi có đem sang đây...
Nói xong, Phú để ra bàn tấm giấy, Dung cầm lấy xem, mỉm cười và nói một cách
vui vẻ:
- Thế này thì chắc ông phải sang đây lần thứ nhì nữa, vì cậu mợ tôi về quê chưa
ra.
Phú thực thà xoa tay nói ngay:
- Bẩm điều đó không sao ạ, vì không phải mục đích tôi sang để thu tiền...
Dung xo vai- Nàng cố ý để Phú nom thấy cái xo vai ấy- và quay nhìn vào phía
trong khiến Phú cũng nom theo rồi nói:
- Ông nói to quá!
Thấy Dung có thái độ dễ dãi đáng yêu với mình quá, (ba câu đáp, lời không những
đã ý vị mà lại còn như có trù nhẩm từ trước) Phú hóa ra bạo dạn. Tức thì chàng
nói ngay:
- Vâng, mục đích không phải thu tiền nhà... Thưa cô, từ hôm tôi được gặp
"một nàng tiên" cứu cho thoát khỏi vận hạn thì tôi không ngờ rằng lại
còn có phen được gặp nàng tiên ấy một lần nữa! Bữa nay rõ là một sự tình cờ quý
hóa vô ngần. Cho nên tôi chẳng ngại ngùng gì tìm cách để được... cô tiếp, để
nói vài lời, gọi là tỏ lòng cảm cái ơn xưa.
Phú nói đến đấy thì ngừng lại. Hai má Dung bỗng đỏ bừng. Phú vừa mừng rỡ vừa ngạc
nhiên ở chỗ chàng đã nói những câu mà chàng cho là có văn vẻ. Cái vui ấy khiến
Phú phấn khởi lắm. Thấy mặt Dung hồng hào, sung sướng, chàng lại nói:
- Ồ ồ! Tỏ lòng cảm ơn... như vậy kể chẳng khó gì! Giá dụ tôi có cách gì, và có
dịp nào báo đáp được cái ơn ấy, cho nó thiết thực hơn nữa, thì cái đó mới đáng
kể, chứ như bây giờ, mấy câu cảm tạ suông! Vậy mà khó lắm vì chịu ơn thì dễ mà
đền ơn thì khó...
- Ông dạy quá lời, chứ có gì đâu!
- Thưa cô, chính thế đấy ạ. Giữa lúc tôi bị giam thì vỡ đê. ở làng có mẹ già của
tôi, và chị tôi, nếu tôi không về ngay thì hai người khó lòng an toàn tính mệnh.
Phú ngoa ngôn như thế mà vẫn cứ tưởng nói thật. Chàng quên khuấy đi rằng cái ơn
to đã khó lòng đáp đến như thế thì chẳng còn cớ gì cho chàng lại còn dùng lời lẽ
bay bướm để thêu dệt cho nó cứ to tướng mãi lên! Chợt nhớ đến lúc bị tra khảo
trong nhà giam ở huyện, Phú lại sốt sắng và hùng hồn tiếp:
- Nói cho đúng sự thật thì một cử chỉ của cô mà đã cứu được ba mạng người... Vì
rằng chính tôi lúc ấy, tôi đương bị họ tra tấn một cách dã man ghê gớm không thể
nói chuyện với cô được nữa cơ! Khiếp lắm! Bị giam lại một ngày nữa thì ắt tôi
cũng chết vì đòn rồi! Thật thế, lúc tôi nói rằng cô đã cứu sống được ba mạng
người thì không phải tôi nói ngoa.
Dung cười khanh khách mà rằng:
- Ồ! Thế ra tôi mà cũng giỏi nhỉ? Chẳng gì thì trong đời tôi, hèn ra tôi cũng
đã có làm một việc, một việc mà ít ai làm nổi, là cứu sống một lúc được ba mạng
người?
Phú giương to hai mắt, gật đầu như trẻ con:
- Chính thế đấy ạ!
Dung mỉm cười tinh quái nhìn trộm Phú rồi mới nói:
- Thế thì tôi ước rằng trong ba người ấy sẽ có một nhân tài của xã hội để cho
cái công của tôi to hơn nữa.
Phú cúi đầu đỏ mặt. Dung nghiêm giọng nói:
- Âu việc ấy chắc ông cũng biết rõ tin tức thuộc về ông chứ?
Phú ngẫm nghĩ vài phút rồi đáp:
- Vâng... có... Nghe đâu như là sau đó thì ... quan huyện tha bổng cho tôi. Thật
quả tôi rất ngạc nhiên. Tôi cứ lo sẽ bị lùng bắt, thì rồi cũng đến tù tội và đã
phải có lúc rất hối hận về chỗ vượt ngục đấy ạ.
Dung đứng lên ra chỗ tủ chè, mở một ngăn, lấy mấy tờ nhật trình. Nàng đưa cho
Phú mà hỏi:
- Ông đã đọc báo này chưa? ấy sau khi nhận được ông ở bên ấy thì tôi vẫn muốn
trao cho ông mà không biết nghĩ ra cách nào cả.
Phú cầm lấy một cách rất kính cẩn. Tờ báo ấy, khi mới về Hà thành, chàng đã đi
mua ở báo quán, và, sau khi đọc mới được ăn no ngủ yên. Vậy mà bây giờ chàng lại
đọc lần nữa một cách sốt sắng, và trên mặt cũng thấy như hiện ra những cảm giác
rất thành thực nữa.
- Bẩm, làm sao việc lại có thể xoay ra như thế này được ạ?
Trong khi Phú đọc, Dung dò ý tứ trên mặt Phú. Thấy như Phú đọc lần này là lần đầu,
nàng bèn sửa soạn lời cắt nghĩa ngay. Cho nên khi Phú hỏi, tức thì nàng đáp
trôi chảy:
- Tôi làm cho ông đi thoát như thế này thì...Ấy là bao nhiêu tội đổ cả vào đầu
lão lục sự và anh lính cơ. Sở dĩ việc xoay ra như thế vì cậu tôi thương người.
Nếu làm biên bản lên quan trên là ông vượt ngục thì tất hai người ấy phải tù, lại
hai gia đình nheo nhóc... Bất đắc dĩ cậu tôi, muốn gỡ tội cho họ, phải tuyên
ngôn với nhà báo đã tha hẳn ông ra.
- Bẩm thế chính quan huyện cũng không biết rằng cô dính vào?
- Biết thế quái nào được!
Phú ngơ ngác, vừa mừng vừa băn khoăn, một lúc lại hỏi:
- Bẩm thế cũng không có việc vượt ngục của tôi dính dáng tí nào đến việc huyền
chức của quan huyện nhà?
Dung lại đáp một cách tự nhiên:
- Việc gì! Huyền chức chỉ là vì vỡ đê, mà đê vỡ thì là tại sở lục lộ chứ! Cậu
tôi bị oan. Thật ra cậu tôi là một ông quan rất tốt.
- Vâng, quan huyện là người nhân đức, làm bậy chỉ là bọn nha lại dưới quyền, họ
láo lếu khi quan không có ở huyện...
- À, thế nào? Ông anh ông... Ông giáo gì đó, được tha về chưa?
- Cảm ơn cô, anh giáo Minh tôi được tha hôm nọ rồi.
- À phải ông giáo Minh.
- Chắc là cô chỉ vì nghe quan huyện hỏi tôi mà nhớ. Cô nhớ lâu thật.
- Vâng, ấy vì tôi nghe cậu tôi hỏi ông khi ông còn làm phu đắp đê bị lính bắt
vào điếm.
Đến đây hai người không tìm được ra câu gì mà nói nữa. Phú uống chén nước, sợ
mình ngồi quá lâu vội đứng lên:
- Bẩm, xin phép cô cho tôi cáo lui... Tôi đã được nói những điều cần nói, được
tiếp lâu, thế cũng là mãn nguyện lắm rồi... Cái ơn ấy tôi xin ghi lòng tạc dạ.
Và tôi yêu cầu rằng mai hậu có gì cần đến tôi, xin cô cứ dùng cái quyền của một
người ân nhân... Tôi được hội diện lần đầu, quý hóa quá, và tiếc quá, vì chắc
cũng là lần cuối cùng...
Phú nói đến đây thì cúi mặt ra vẻ buồn rầu, chàng chỉ mong Dung mời đại khái:
"Có thời giờ rảnh ông cứ sang chơi". Nhưng Dung không nói gì cả.
Chàng đến lúc buồn rầu thật, bèn đứng lên:
- Kim Dung! Kim Dung quý nương, cái mỹ danh đáng kính trọng ấy, tôi đã khắc hẳn
vào tấm bia ký ức của tôi rồi. Tôi lại xin lỗi cô về chỗ đã hỏi và biết rõ tên
cô ở miệng một người khác... Thưa cô...
Dung cười vui vẻ:
- Được ạ. Cái đó không hề gì.
Đứng lên đã lâu rồi, Phú cũng chưa chào mà ra cho xong đi, chàng cúi đầu nhìn
mãi mũi giày lại nói:
- Hoài của! Giá dụ cô cũng là một bạn giai thì có phải hạnh phúc cho tôi không!
Thì tôi có được một người bạn quý!
Dung lại cười mà rằng:
- Sao ông ích kỷ thế? Sao không nói giá dụ ông là bạn gái để cho tôi có thêm một
cô bạn thì có phải hơn không?
Phú cũng cười, cãi:
- Nhưng nếu là bạn gái thì ắt chẳng diễn thuyết hiệu triệu dân quê và xúi giục
ai biểu tình, chẳng đến nỗi bị bắt.
- Ấy thế!
- Thôi kính chào cô ạ.
- Không dám, kính chào ông ạ. Ông quên chưa thu về cái giấy biên lai đây này.
CHƯƠNG X
Ba tháng qua. Sau khi nước rút hết ra hoặc bị mặt trời hút khô đi, thì này đây, hạn hán đã bắt đầu báo trước cái tai hại đáng kinh hoàng của nó. ở ngoài đồng, ở trong làng, ở sườn đê, ở các gò đồng, ở bờ rào, ở chỗ nào cũng vậy, chỉ là cái màu trắng xóa của đất phù sa. Cỏ chưa biết bao giờ mới kịp mọc. Mặt đất phô ra cái quang cảnh trơ trẽn đáng giận như một người đàn bà mà lại không có tóc dài trên đầu. Sự xúc phạm, sự phá hoại của nước lụt đã là đầy đủ. Cây cối chết vì úng thủy, giơ thẳng lên không gian những cành khẳng khiu không lá, như những cánh tay của bọn hành khất, trông rõ tang thương. Những bụi tre chỉ còn gốc đã ngả ra màu củi khô. Bao nhiêu làng, bị lấy mất lđá tre xanh trong lúc hộ đê, để phô ra những túp nhà lá điêu tàn, xiêu vẹo mà nước lụt điểm ngang ở chỗ giữa vách. Người nghèo cố đào ngoáy xoay xỏa trên mặt đất cũng không kiếm ra cái gì ăn được, ấy là đất tốt mầu vô cùng.
Trong suốt một tỉnh, chỗ nào cũng đầy ra những ăn mày, hoặc là trộm cướp tứ
tung.
Nhà nước ước chừng số dân đói tổng cộng là hai vạn bẩy nghìn rưởi người. Trong
một tháng trời, đã có hai lần phát chẩn của ủy ban Cứu tế, mỗi lần một đầu người
được hai bát gạo. Mỗi lần có chẩn tế, bọn cùng dân lại kêu la rằng những đứa to
đầu hơn họ - ý nói bọn lý dịch vậy - đã ăn chặn mất của họ, vậy mà kỳ trung thì
cũng chẳng người nào được một bữa cho no nê!
Chính phủ có bỏ tiền ra cho dân vay để mua mạ cấy tái giá, nhưng dân vay được
chỉ là hạng có tư sản, ruộng ít ra cũng từ một mẫu trở lên. Kẻ có một vài sào
thì Nhà nước không cho vay tiền, - và giá có cho vay thì họ cũng chẳng có cơm
đâu mà chờ được cho đến ngày cày mạ thành cây lúa. Bọn dân cùng ấy bỏ làng đi
tha phương cầu thực, sẵn sàng giơ sống lưng và hai bàn tay ra xin việc để kiếm
mỗi bữa một hai xu, bất cứ việc gì cũng làm.
Người ta thấy trên những bước đường thiên lý hàng đàn hàng lũ những dân vong
gia, trai tráng mà đã gầy còm, hoặc già nua mà vẫn hăng hái, vừa đàn ông vừa
đàn bà, kẻ liềm, kẻ đòn gặt, đi xin việc ở những người không có thừa việc. Là
vì trong cả một tỉnh, đã hơn một tháng nay, trời không đổ xuống một giọt mưa.
Cái số người được hưởng kết quả của mạ cấy tái giá thì thật hiếm lắm.
Hạn hán! Thật thế, trong khoảng một trăm ngày thì, một nửa, cả tỉnh ủng sũng những
nước, mà nửa về sau thì đất khô, cỏ héo, ánh nắng mặt trời gay gắt thiêu đốt cỏ
cây, vạn vật, để lộ cái trắng lấp lánh trên mặt đất phù sa. Có làng chỉ còn một
cái ao con, đã cạn đến đáy, chỉ còn một vũng nước nhỏ, mà ăn đấy, tắm giặt đấy.
Có khi ta trông thấy các giống chim muông sã cánh, há hốc mỏ để cái lưỡi thè lè
ở giữa, dáng điệu thất vọng vô cùng, bay hàng giờ mà không kiếm được một giọt
nước nào. Hai vạn tám nghìn người đã đói trong ngót hai tháng trời trên mặt nước.
Bây giờ hai vạn tám nghìn người lại khát nữa, trên mặt đất khô, hoàn toàn đất
khô. Trong bốn mươi ngày rồi!
Nắng tháng năm...
Mà tháng năm là tháng đóng thuế!
Nhà nước, như một kẻ mù và điếc, không trông thấy gì cả, không nghe thấy gì cả,
bằng sự mẫn cán của bọn quan lại, bèn muốn thuế má ổn thỏa trót lọt cũng như mọi
năm...
Công quỹ đã bỏ ra ngót vạn bạc cho dân vay mua mạ. Như vậy, phải đóng thuế. Sự
mẫn cán của các quan lại đổ vào đầu bọn lý dịch. Bọn này cầu cứu đến tuần đinh,
lính tráng, lính lệ, lính khố xanh, lính cơ... Chạm đến đục, thế là những cảnh
tượng thằng thúc, dọa nạt, chửi bới, bắt trói, đánh đập, khóc mếu, cầm cố, bán
chác, trốn tránh... Cha bỏ con, vợ mất chồng. Và trộm cướp và án mạng, v.v...
Những tấm thảm kịch lục- cá- nguyệt lại diễn đi diễn lại và, lần này, bi thương
thảm đạm hơn nữa! Trống thúc ban ngày, mõ giục ban đêm. Đóng thuế! Đóng thuế!
Nhưng mà dân không có tiền!
Cuộc chiến tranh giữa dân và bọn thu thuế thật là ghê gớm.
Kẻ bại trận, trong hàng lý dịch thì đành đem triện đồng trả quan trên. Nhưng
không phải có bao nhiêu lý dịch từ chức hết cả. Cho nên có rất nhiều kẻ bại trận
trong hàng dân đen.
Cái điều dĩ nhiên, cái sự không thể tránh được là một khi dân gian đã chết đói
dở vì không tiền mà còn bắt họ phải chi tiền, tất nhiên họ phải kêu ca. Người
ta không thể làm cách nào khác, nếu không tụ họp nhau, bàn luận cách đối phó với
thuế má mà người ta coi như một cái tai vạ.
Từng nhà một, người ta họp nhau trên đường cái quan. Nhân lúc phong trào đình
công và biểu tình đương lan khắp ba kỳ, bọn dân bị lụt và bị hạn hán cũng làm một
cuộc quần chúng vận động.
Giáo Minh đã sống chung những nỗi khổ của bần dân.
Chàng đã ở làng với mẹ, giữa hồi nước lụt, rồi nắng héo cây, gẫy cỏ, để thay
cho Phú dạy học ở Hà Nội. Cụ Cử có chừng năm sào ruộng xưa nay vẫn cho cấy rẽ
cũng có đủ hột gạo ăn quanh năm. Cụ không được Nhà nước cho vay tiền mua mạ cấy
tái giá. Tuy vậy, khi nước rút, Minh cũng có mua mạ. Nhưng trời nắng. Ruộng của
mẹ chàng cũng khô nẻ cả, mạ đem về đành để đun bếp. Thấy dân tình đói khổ quá,
chàng bèn nghĩ cách cùng họ chiến đấu trong vòng pháp luật... Người ta thấy
chàng lên tiếng biện bác hoặc bàn soạn trong các đình làng. Người ta lại thấy
chàng đi đi lại lại kiểm điểm cắt đặt cái lũ sáu trăm con người đã xếp hàng hai
dài trên con đường cái quan. Những người làng cùng với Minh thì có từ anh Hai
Cò, nghèo nhất làng, cho đến ông chánh Mận giàu nhất làng, nhưng bị nước lụt và
hạn hán phá sản. Ông lý trưởng đã đem triện lên trả quan trên. Ông chánh hội đứng
trung lập. Những người khác thì hùa nhau theo số đông.
Minh mừng thầm, thấy dân quê đã giác ngộ, đã khá hơn trước nhiều lắm.
Bữa ấy, còn bốn hôm nữa thì hết hạn đổ thuế. Thế cho nên những kẻ nào không có
gì là vật quý giá đem ra bán nữa, hoặc có mà bán không ai mua, hoặc không được
kết quả tốt trong cái sự cam tâm bán vợ đợ con, những kẻ đã trù trừ mãi sau những
buổi họp kín ở các đình làng, bèn quả quyết rủ nhau lên đường cái quan... Sáu
trăm người! ấy là không kể những kẻ nhút nhát muốn đòi bú mà không dám khóc, chỉ
đứng xem dưới ruộng đất nứt.
Minh, ông chánh Mận, một viên chánh tổng, và ba viên cánh hội làng nào không biết,
ấy đó, bộ tham mưu của cuộc biểu tình đồng hành.
Khi xem chừng không còn người nối đuôi vào cái đám rước của những kẻ đói khát ấy
nữa, bộ tham mưu chia tay nhau ra dặn bảo những khẩu hiệu mà ai cũng phải hô,
những lệnh mà ai cũng phải tuân theo. Được có người biết phương pháp chỉ bảo
cho, dân gian ai nấy vâng lời tăm tắp, nức lòng phấn chấn.
Thẳng tiến! Lệnh đi đã hô rồi. Sáu trăm người bị lụt và bị hạn ấy lên thẳng tỉnh
lỵ, vào dinh ông Công sứ đệ đơn xin khất vụ thuế tháng năm.
Cứ hai người một hàng... Những cái chân không dẫm đất lạch bạch cũng là một thứ
nhạc binh hùng vĩ. Hàng đầu là một ít đàn bà và trẻ con. Rồi đến những kẻ trai
tráng, những ông già. Đây là một bác khán thủ có nhà ngói, cây ít, mà nước lụt
đã làm cho điêu đứng trôi mất con, trôi mất nhà. Kia là ông lý cựu mà hạn hán
đã làm cho tiêu diệt nốt những cái lực mà ông cố gom góp được sau vụ vỡ đê. Nay
người đàn bà quần áo lôi thôi lốc thốc gánh hai đứa con bằng hai cái thúng, vì
người chồng, từ khi đi phu hộ đê, thì không thấy về nữa. Nọ là ông lão chưa được
miễn thuế, người đã có một đứa con chết cho Pháp quốc, và một đứa nữa, chết cho
sự hành hung của một ông tây đoan trong một cuộc khám rượu lậu ở làng... Trong
sáu trăm người ấy, người nào cũng có nhiều sự phẫn uất phải giấu kín và một điều
muốn kêu ca. Trong sáu trăm người ấy thì không mấy ai có một bộ quần áo lành lặn,
và tất cả đều có những nét mặt đau khổ, tê tái. Đạo binh những người thất nghiệp,
vong gia. Đạo binh những kẻ đói khát không sợ vào tù. Một đàn những con cừu biết
kêu to khi thấy người muốn cạo hết cả len, dạ.
Giữa buổi trưa, trời nắng chang chang...
Đạo binh bệ rạc rầm rộ cứ thẳng đường tiến bước.
Khi đến đầu tỉnh thì đã ba giờ chiều. Người hai bên hàng phố đổ ra xem đông. Những
chiếc ô tô hàng phải đỗ lại, bị nghẽn. Trong nháy mắt, cả một nơi tỉnh lỵ hơn
ba chục phố, dân gian xôn xao đón cái tin phi thường: Biểu tình! Hai tiếng ấy
làm nao nao quả tim của kẻ bàng quan. Nhà đương chức tưởng chừng như sắp có phiến
loạn.
Một toán lính khố xanh chừng bốn chục người do một viên đại úy chỉ huy, ra đón
đường dân quê. Khi trông thấy lính, bọn này dặn nhau rằng sẽ quả quyết bước lên
trên sự đe dọa và khoanh tay lại để tỏ rõ cái ý muốn để nguyên trật tự.
Một viên đội khố xanh đứng dạng chân giữa đường giơ hai tay ra ngăn, thông ngôn
cho mấy câu gắt của viên quan Tây.
- Đứng lại! Quan trên hỏi những người này ở đâu đến, muốn gì?
Những người đứng gần hàng đầu nhao nhao đáp:
- Chúng tôi là dân bị lụt đến tòa sứ xin khất thuế.
- Không được! Quay lại, không có quan trên sẽ ra lệnh bắn!
- Alê Đờmi tua!... Hích...! 1
Dân biểu tình vẫn đứng nguyên chỗ. Ai nấy khoanh tay. Bốn chục lính khố xanh lắp
đạn vào súng lách cách. Bỗng thấy một lời hô to trong hàng ngũ của dân quê:
- Anh em cứ khoanh tay mạnh bạo mà tiến! Có các tiền họ cũng không bắn chết được
ngần này con người.
Sáu trăm người như một con rết không bò trong một phút, lúc ấy lại động đậy cái
đầu. Viên đại úy hô: "Phơ!" 2. Tức thì mấy chục tiếng súng nổ. Ai cũng giật
mình nhưng không ai ngã. Thì ra đó là súng bắn chỉ thiên mà thôi! Đám dân biểu
tình, một phen hiểu ra, lại càng phấn khởi. Người ta trông thẳng tòa sứ mà tiến,
để lại bên đường ông quan binh mặt đỏ gay gắt đương quát tháo bọn lính ngẩn
ngơ... Cổng tỉnh vượt qua, lính tráng cũng vượt qua được, cuộc thắng thứ nhất ấy
như là một cuộc toàn thắng chung kết, lần đầu tiên những cái tay khoanh khoanh
trước ngực mà lại chẳng chịu thua những cái súng trường.
Khi dân quê tụ họp đen nghịt cả cái sân tòa sứ thì lính tráng, và những ông
phán hấp ta hấp tấp, chạy ngược chạy xuôi... Hồi lâu mới thấy ông tổng đốc bước
ra thềm đá, mặt tái xanh lại như chàm đổ. Sáu trăm bàn tay nắm chặt, giơ lên
cao.
Sáu trăm cái mồm nhất loạt, đều hô nhịp nhàng:
- Chính phủ Bình dân vạn tuế!
Ông tổng đốc bèn ngẩn mặt ra như người bằng gỗ. Cái lối chào ấy, khẩu hiệu ấy,
ông chỉ thấy trong các nhật báo nói về người Hà Nội, Sài Gòn, ở những nơi đã
văn minh... Bây giờ tỉnh này! Dân quê, thật ông không bao giờ lại tưởng đến một
cuộc cách mệnh như thế.
- Ở đâu kéo đến thế này? Biểu tình à? Đã có luật pháp nào dong cho các người biểu
tình? Có muốn ngồi tù không?
Ông tổng đốc nói hống hách thế xong để ngẩn mặt ra lần nữa, vì sáu trăm cái mồm
đồng thanh:
- Bẩm quan lớn, vâng! Sáu trăm người này đều cũng muốn ngồi tù!
- Ờ thế các anh kêu xin cái gì?
- Chúng tôi là dân bị lụt và bị hạn hán, tình cảnh khốn khổ quá đỗi, không thể
đóng thuế được chỉ xin quan trên hoãn thuế! Hoãn thuế!
Quan tổng đốc khoanh tay ngẫm nghĩ trên thềm đá. Dân cũng khoanh tay đứng đợi
dưới sân. Hồi lâu quan tuyên bố:
- Được! Đơn xin đâu, đưa cả ra đây, bản chức nhận đơn!
Có chừng sáu bẩy lá đơn đưa lên tận tay. Quan nhìn thì lá nào cũng đặc những chữ
ký.
- Thôi, ta nhận đơn rồi để ta xét cho. Các người giải tán đi! Ai về nhà người ấy!
Sáu trăm người nhao nhao:
- Bẩm xin quan lớn trả lời cho thì chúng tôi sẽ giải tán.
- À! Các người nhầm! Ta sẽ đưa đơn lên quan công sứ chứ ta không có quyền. Để
ta nói hộ cho.
Cứ giải tán đi.
- Bẩm dân chúng tôi chờ quan công sứ trả lời.
- Quan công sứ đi vắng.
- Bẩm thế chúng tôi xin chờ đây mãi, chờ khi nào quan sứ về.
- Tối hôm nay chưa chắc quan sứ đã về. Chờ vô ích.
Cả cái đám dân ấy lại cùng một câu:
- Thế thì chúng tôi xin ngồi lại trong sân này đến sáng mai.
Nói xong, sáu trăm người lặng lẽ ngồi xổm xuống sân tòa sứ, đều đặn đến nỗi ta
trông như một đoàn học sinh tập vận động, mà ngồi xuống khi nghe thấy một tiếng
còi, mặc lòng lúc ấy dân quê không ai thổi còi.
Thấy tình hình nghiêm trọng, quan tổng đốc cau mày, cắn môi... Rồi quay vào
công đường, biến mất sau một cái trấn phong vải xanh lơ. Mười phút sau quan tổng
đốc cùng ra với quan sứ.
Trông thấy quan thủ hiến, sáu trăm người lúc ấy lại đứng lên với những quả đấm
giơ cao. Độ chừng mươi người chào bằng tiếng Pháp: "Vive le Front
Populaire!" 3. Kế tiếp những câu: "Chính phủ Bình
dân vạn tuế!" cũng như lớp trước.
Quan công sứ giật mình lên, tưởng như đương ngủ mê... Ngài thấy cả xứ Đông
Dương đã nhuộm màu đỏ, và người Pháp tưởng chừng không ở được nữa! ấy đó, khi
nước Pháp có ông Blum 4. có ông Moutet 5, ông Godart 6, thì lợi cho nước Pháp là như thế! Xưa nay ngài
quen trông thấy người bản xứ, nhất là dân quê, chỉ biết chào bằng cách thì thà
thì thụp nếu ở trong công đường, hoặc gập gẫy lưng vái dài, khi ở ngoài đường
trông thấy ô tô quan trên... Vậy mà bây giờ họ hô khẩu hiệu bình dân, họ chào
theo kiểu cách mệnh!
Tuy nhiên ngài cũng cố bình tâm nghe quan tổng đốc thông ngôn cái nguyện vọng của
đám dân biểu tình... Rồi ngài tuyên bố là chính phủ bảo hộ bao giờ cũng săn sóc
đến dân quê. Lời ngài nói uyển chuyển và trơn tru như nước chẩy, lại có những cử
chỉ mềm mỏng điểm xuyết vào nữa... Ngài tuyên ngôn là vì hết lòng thương xót đến
nông dân cho nên mới trích tiền công quỹ cho dân vay mua mạ cấy tái giá, nay
nông dân không thấy mưa thì nên lễ cầu đảo đi, chứ ngài cũng không biết thế
nào... Người dân có bổn phận đóng thuế. Chính phủ đã cho dân vay tiền lúc vỡ đê
nay dân nên biết giữ cho đủ bổn phận, đừng nghe bọn phiến loạn nhà nghề chúng
xúi giục, và không được phép hơi một tí họp nhau biểu tình như thế. Lần này là
lần đầu thì ngài tha cho, nhưng lần sau còn thế nữa, chính phủ sẽ quyết thẳng
tay trừng trị. Còn về nguyện vọng của dân thì ngài chỉ có thể đáp rằng việc xin
hoãn thuế đến vụ tháng mười thì để ngài trình lên quan Thống sứ chứ ngài không
có quyền. Ngài hứa sẽ hết lòng phân bầy mọi lẽ giúp cho. Tuy nhiên vì việc cấp
bách, thì ngài cũng rộng lòng gia hạn cho dân thêm nửa tháng nữa để cho dân có
thời giờ chạy tiền đóng thuế, cái việc đáng lẽ phải xong vài hôm nữa thôi.
Sau khi nghe quan tổng đốc tuyên ngôn rành mạch như thế, dân quê tuy không được
hoàn toàn hài lòng nhưng cũng không đến nỗi thất vọng. Một lần nữa người ta lại
chào theo kiểu bình dân. Trước khi ra lệnh cho sáu trăm con người ấy giải tán
đi, quan công sứ còn ngọt ngào tươi cười mà tuyên ngôn rằng dân biểu tình nên
chọn lấy một số người đại biểu phòng khi ngài có muốn hỏi han điều gì hoặc là
muốn truyền xuống dân gian thì tiện lợi nhanh chóng hơn cách tư giấy mà theo
phương diện cai trị.
Tức thì đám dân ấy tiến cử ngay bộ tham mưu của họ một cách ngây thơ nhất đời.
Sáu người đại biểu trong số đó có ông chánh Mận và giáo Minh.
Chú thích:
Hô tiếng Pháp: Này! Quay trở lại... Quay. |
|
Tiếng Pháp: "Bắn". |
|
Mặt trận bình dân muôn năm. |
|
Thủ tướng nước Pháp bấy giờ; đọc là Bờ lum. |
|
Bộ trưởng bộ Thuộc địa nước Pháp bấy giờ; đọc là Mu tê. |
|
Thượng nghị sĩ Pháp được cử sang Đông Dương xem xét tình
hình Đông Dương; đọc là Gô đa. |
CHƯƠNG XI
Họ tất cả độ chừng mười sáu, mười bẩy người ngồi quanh một cái bàn dài và rộng, có la liệt những báo chí để rất hỗn độn. Trên tường thì ảnh nhà lãnh tụ xã hội Jaurès 1, ảnh ông tổng trưởng thuộc địa đã ân xá chính trị phạm, ảnh mấy nhà báo người Pháp đã từng có chứng cớ rằng có tâm địa tốt với dân Việt Nam. Mấy cái tủ sách, một ít kỷ con, vài cái ghế mây thủng đáy, vài cái ghế gỗ mà người ta ngồi không khéo thì ngã, và do thế, bỏ không tại một góc, ấy đó là quang cảnh tòa soạn tờ báo Lao Động, một cơ quan ngôn luận bênh vực dân vô sản.
Ngần ấy người đang sửng sốt về cái tin giáo Minh, một anh em chính trị phạm được
ân xá, vì có dự vào một cuộc biểu tình xin hoãn thuế, mà bị ông công sứ tỉnh ấy
tư giấy mời lên tỉnh rồi cho bắt giam. Họ không ngờ ông công sứ ấy lại còn hủ lậu
như ở ba mươi năm về trước, và đã hành động trái với những lời tuyên bố của ông
thượng thư, của ông toàn quyền. Vừa mới tuần lễ trước, những người này đã vỗ
tay hoan hô và viết bài ngợi khen cuộc biểu tình bình tĩnh rất có trật tự của
sáu trăm Lãnh đạo đảng xã hội Đệ nhị Quốc tế ở Pháp, rất danh tiếng, bị ám sát
lúc nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. dân quê ấy, cho rằng đó là một
dấu hiệu tiến bộ của nông dân trên con đường giác ngộ và chiến đấu... Bây giờ
thấy một người trong bọn bị bắt, họ tiu nghỉu một cách cay đắng như bị có người
chơi xỏ cho một vố đau. Cái ngạc nhiên của họ có điểm phẫn uất cho nên trong
khi bàn luận với nhau tìm cách đối phó họ cũng to tướng như trong một cuộc cãi
vã nhau vậy. Phản đối cho Minh thì bằng cách báo cáo cho những anh em đồng nghiệp
cùng chủ nghĩa, gửi điện tín cho phủ Toàn quyền biết sự phản kháng về những
chính sách hà khắc của quan địa phương v.v...
Quang dắt Phú vào giữa lúc người ta đương om xòm, người nào cũng rất sốt sắng...
trong sự bày tỏ ý kiến quanh một bài báo tổng công kích. Người cãi rằng dùng chữ
này thì mai hậu không sợ búa rìu của pháp luật tư bản, kẻ muốn dùng một danh từ
khác cho nó mạnh bạo hơn. Chỉ có dăm người bắt tay Phú, còn người nào viết bài
cứ việc cắm đầu viết bài, người nào xem báo cứ việc xem báo, người nào nói cứ
việc nói...
Người ta kéo ghế mời Phú ngồi một chỗ bên cạnh Quang.
Rồi một người bỏ việc làm ra hỏi Phú về tin Minh bị bắt, về những cách sinh
nhai của gia đình Phú. Giữa đám bạn đồng học và đồng nghiệp cũ của mình, Quang
ngồi nghiêm chỉnh, lễ phép, để tỏ rằng công việc của chàng chỉ là dắt Phú đến cầu
cứu với nhà báo, chứ còn chàng thì chàng thừa rõ rằng cái địa vị viên chức
trung thành của mình, đã buộc mình phải sống trong một thế giới riêng.
Trong khi trò chuyện, Phú đã được dịp ngắm nghía kỹ càng những người mà xưa kia
chàng chỉ biết tên trên mặt báo. Chàng rất ngạc nhiên về chỗ những người như thế
mà lại làm nổi những việc như thế, vì lẽ trong cái số trên chục người ấy, ai cứ
trông bề ngoài thật quả có đủ hạng của tất cả các giai cấp: lao động, thanh
niên trí thức, con quan, con nhà giàu, du học sinh... Phú không hiểu sao những
người mà địa vị xã hội khác nhau lại có thể cùng làm việc cho một lý tưởng. Bên
cạnh một vài cựu chính trị phạm mà nét mặt đã được cái chế độ đồi bại của Côn Đảo,
Guyane 2. làm
cho hóa ra thêm rắn rỏi, thêm cương quyết, mà quần áo thì hoặc xuềnh xoàng, hoặc
lôi thôi lốc thốc, thì đó là những thanh niên tuấn tú có những nét mặt, cử chỉ,
và âu phục tựa hồ như của bọn phong lưu công tử, tựa hồ sinh ra ở đời chỉ để biết
có ăn và chơi, những tay cách mệnh cả đấy? Có thật thế không? ấy Phú cứ muốn tự
hỏi mình như thế. Chàng rất lấy làm lạ rằng một bọn người mà quần áo như để đi
khiêu vũ - cái áo khoác ba chục bạc, cái mũ nhung một chục, những cái đồng hồ
vàng chói lọi ở cổ tay - mà cứ hễ mở mồm là gào thét về đấu tranh giai cấp,
đình công, vô sản bị áp bức, đả đảo tư sản, hộ vệ thợ thuyền, hay là để chửi rủa:
trưởng giả, quan trường, phú hào, vân vân... Vì lẽ lúc mới vào không có cuộc giới
thiệu, Phú bèn hỏi người tiếp chuyện mình về tên tuổi những người có mặt ở đây.
Thì ra sau khi nghe người nhà báo đọc tên một lượt, Phú mới nhớ ra rằng đây là
bạn X. tú tài triết học, viết Pháp văn rất có tài, trưởng nam của cụ tổng đốc
trí sĩ N..., kia là bạn M., du học sinh đã từng bị về cái bàn tay sắt của ông
Chiappe 3,
cảnh sát trưởng Pariạ, đó bạn HV... cử nhân văn chương, bị trục xuất khỏi
Toulouạe 4. sau
những cuộc biểu tình chống đế quốc, đây nữa, anh T.Q. cựu học sinh trường Hoàng
Phố, đã bị năm năm tù vì xuất dương, vân vân... Tóm lại một câu, những người
ngang tàng, coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái
phần nhân loại bị bóc lột, để chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những
cánh tay lao động của người khác.
Phú hóa ra hổ thẹn về cái nông nổi xét đoán người theo hình thức của mình. Sự
tiếp xúc ấy gợi trong lòng chàng một thứ cảm giác mạnh nó sẽ không bao giờ phai
lạt được. Chàng chỉ còn chưa hiểu rằng vì lẽ gì mà bằng vào những câu tranh luận
của bọn người phức tạp ấy, đó là những Một thuộc địa nhỏ của Pháp ở Nam Mỹ. người
rất thành thực, đến nỗi có khi hóa ra cực đoan vì tín ngưỡng nữa, quốc tế cả
trăm phần trăm rồi chứ không có một tí nào là mập mờ, là nửa mùa, là lởn vởn
như lời buộc tội của phái phản động thực dân họ vẫn kết án cộng sản giả danh, với
quốc gia đội lốt quốc tế. Đến đây Phú lại phân vân tự hỏi mình cũng như nhiều
người mà quan niệm chính trị chưa được rành rọt: Phải chăng cái tư tưởng quốc
gia lại đáng rẻ rúng đi như thế? Sở dĩ có ý nghĩ ấy là Minh bị bắt giữa lúc xứ
này có một ông thủ hiến thuộc đảng Xã hội, liên bang này có một ông toàn quyền
cũng có chân trong đảng Xã hội, và Nam cũng như Pháp, lúc này ai cũng chỉ nói
bình dân với vô sản, giải phóng với tự do. Lâm thời, những tư tưởng quốc gia
trong óc chàng lại bồng bột cái bất bình về nòi giống lại sôi nổi. Chàng không
thể tưởng tượng được cái sự những kẻ sốt sắng đi đón rước những đại biểu của
Chính phủ Bình Dân, những kẻ hành động theo chương trình của Mặt trận Bình Dân
lại cứ theo nhau mà vào tù. Phú bèn đem cái phân vân của mình ra hỏi.
Người trợ bút báo Lao Động khoan thai phân trần:
- Cố nhiên những sự ấy là nguy tai lắm, chướng mắt lắm, nhưng ta không nên đổ lỗi
cho Mặt trận Bình Dân mà phải nhận rằng đó chỉ là sự phản động của phe tư bản
thuộc địa. Thế nghĩa là ta còn yếu lắm, ta còn phải chiến đấu nữa, chiến đấu
mãi mãi, mãi đến khi nào cái lực lượng của ta đủ chống đỡ cho những nguyện vọng
của ta. Trong cảnh ngộ này, có một điều rất khó nói, ấy là vấn đề cái tín nhiệm
giữa hai nòi giống. Họ chỉ sợ ta không thành thực cũng như xưa nay ta vẫn sợ họ
không thành thực. Thành thử chưa đâu ăn thua vào đâu mà chưa chi hai bên đã phụ
nhau rồi. Đã thế, phải làm thế nào cho họ tín nhiệm mình trước đi đã! Làm thế
nào? Có phải chỉ còn có một cách là mình cứ việc thành thực, cứ bắt đầu nhượng
bộ để làm tín nhiệm người ta trước đã, xem sao...? Làm chính trị mà không thành
thực, mà tư tưởng cứ quay như chong chóng, thì không bao giờ đi đến được một kết
quả tốt. Vả lại, cái mệnh lệnh của Đảng hiện giờ là cứ việc tín nhiệm mà chiến
đấu... chứ không được sợ vào tù.
- Thế còn chủ nghĩa quốc gia?
- Cũng đáng kính trọng lắm nhưng phiền một nỗi là hiện giờ thì chỉ có hại. Bạo
động thì sức phản động ở đây sẽ ghê gớm vô cùng, sẽ có hại vô cùng mà xã hội
này sẽ bị lôi lùi lại như hai mươi năm về trước. Chúng tôi đã thấy những người
đã hiểu rõ chủ nghĩa xã hội lắm, nhưng mà chỉ vì thất bại trong một cuộc chiến
đấu mà quay ngay về cái phạm vi hẹp hòi của tư tưởng quốc gia! Như vậy là hỏng!
Chúng tôi thấy rằng dưới lá cờ của Mặt trận Bình Dân mà anh em đồng chí cứ bị bắt
hoài thì đó cũng chỉ là những sự thất bại của cá nhân thôi, chứ đại thể vẫn là
có thắng. Nếu cứ thế mãi thì từ bên chính quốc rồi cũng phải có một sức phản ứng
lại cái sức phản động phát xít ở đây. Mà lòng người càng nhốn nháo thì cách mệnh
càng có lợi. Vả lại, đủ tin thì cứ làm, chứ kể thắng hay bại mà làm gì.
Phú cúi đầu ngẫm nghĩ.
Sau cùng, nhà trợ bút nói:
- Thôi được, việc anh Minh thì chúng tôi có đủ tài liệu để viết bài phản đối rồi.
Quang đứng lên, ra hiệu cho Phú làm theo. Phú cảm ơn người trợ bút, bắt tay các
ông kia một lượt. Khi chàng ra đến cửa, người nhà báo còn nói:
- Ta chớ vội phàn nàn! Lịch sử nhân loại chỉ là một tấn tuồng luân hồi của chiến
đấu. Vậy mà đi đến được có trình độ này thôi, loài người cũng đã phải rỏ mất biết
bao nhiêu máu đào rồi! Người khác há sinh đã nhiều mà ta thì ta chưa há sinh được
mấy. Dù sao mặc lòng, những sự há sinh và chiến đấu của ta cũng vẫn chưa có
nghĩa lý gì cả, chưa thấm thía gì cả! Thế thì ta đã đến lúc có quyền phàn nàn
đâu?
Phú ấp úng nói:
- Vâng... Chính thế đấy ạ.
Người ta lại bắt tay nhau một lần nữa. Khi đi khỏi tòa báo Lao Động, Phú hỏi
Quang:
- Ta về thôi chứ, hở anh?
Quang khẽ đáp:
- Phú đi chơi lung tung đi chứ về thẳng nhà ngay bây giờ thì nguy! Đây kia kìa,
có hai anh mật thám đứng rình mò kia kìa.
Phú nhìn sang bên kia hè. Phố xá lúc ấy đã vắng người mà sau một gốc cây to, dưới
một mái hiên tối, một người y phục trá hình ra như một bác tài xế với một người
nữa, y phục như vào hàng bồi bếp, vẫn đứng để nhìn sang bên tòa báo Lao Động nhưng
lại làm ra vẻ như đợi chờ một cuộc hẹn hò, khi biết hai người này để ý thì hai
anh chàng lảng đi. Quang bảo Phú:
- Ta nên đến một chỗ nào rất đông người, họ có theo dõi ta cũng khó.
Một chốc, Quang lại nói:
- À! Ta đến Khai trí Tiến đức xem! Đêm nay là buổi diễn kịch và khiêu vũ của tuần
lễ Từ thiện!
- Phải đấy.
Hai người đi lên phía hồ Hoàn Kiếm, thỉnh thoảng lại quay nhìn về sau lưng,
nhưng thực thì không bị ai theo dõi cả. Dọc đường, Phú bảo Quang:
- Thưa anh, tôi xin phép anh mai tôi về làng.
- À, điều ấy tôi cũng đã nghĩ rồi. Mà chắc là chú còn lâu lắm mới lại ra đây được,
vì hiện giờ chú không thể để cụ ở làng một mình được. Cho nên tôi đã bảo nhà
tôi đi thu tiền học trò ngay cho chú để mai thì chú có một số tiền đem về nhà.
- Cảm ơn anh, anh chu đáo lắm.
Một lúc, Quang lại nói:
- Còn việc anh Minh đấy thì cứ để anh em làm xem sao. Sự đã xảy ra mất rồi, còn
gì! Tôi chắc nặng lắm thì cũng chỉ đến sáu tháng.
- Tôi cũng tưởng thế đấy. Mà chắc là đẻ tôi buồn lắm. Anh tính, ở tù bảy tám
năm mới được về mà rồi lại vào tù ngay!
- Làm thế nào được!
Từ đây hai người không nói gì nữa, ai cũng bận trí về những nỗi băn khoăn
riêng. Chẳng mấy lúc, hội quán Khai trí Tiến đức đã hiện ra trong một vòng hào
quang chói lọi ở trước mặt. Phú bảo Quang:
- Thôi, họ không theo ta thì ta cũng chẳng vào trong ấy làm gì, thêm tốn tiền.
- Thì ta đứng ngoài ngắm thiên hạ một lúc đã.
Cả hai bước chân lên cái thềm tam giác len vào lẫn với đám giai thanh gái lịch
họ chen vai thích cánh nhau để tranh nhau cái chỗ có ánh sáng như một đàn thiêu
thân. Những chiếc xe hơi kiểu tối tân đỗ một dãy dài ở ven hồ chứng thực rằng
đêm nay, có mặt tại chốn này là cả cái Hà thành trưởng giả.
Trước cửa hội quán, những lá cờ Nam và Pháp, những bóng đèn điện ngũ sắc và lá
gồi, và hoa giấy tưng bừng đón chào sự trụy lạc phong lưu. Máy phóng thanh hát
ra một bài ca của Tino Rossi 5. Trước
khi vào, một đám thanh niên nam nữ còn dang tay nhau đứng bên ngoài gõ gót giày
xuống đất, vui vẻ trẻ trung mà hát theo. Hết bài, sóng điện để nổ những tiếng ục
ục rồi máy phát thanh lại ném ra một bài ca khác mà một tài tử cất giọng ồ ồ
hát cái bài vẻ của Raoul Ponchon 6. trong
cuộc ngưỡng mộ những cái uốn éo khỏa thân của bọn vũ nữ Folies Bergères 7:
Si les femmes n'avaient pas de fesạeạ.
Qu'est - ce
Que nous ferions de nos mains?
Pauvres humains? 8.
Quang cười sặc sụa:
- Ấy cái tự do của tiến bộ văn minh là như thế.
Rất ngạc nhiên, Phú cau mày hỏi:
- Đĩa hát mà lại đến thế nữa kia à?
- Chứ gì! Bao giờ cái nghệ thuật của bọn trưởng giả lại không có tính chất dâm
ô một chút?
- Gớm! Hôm nay ở đây làm gì mà họ đến đông thế này?
Quang giơ tay chỉ lên trên cao, Phú nhìn lên thấy những tấm vải trắng có những
chữ đỏ: Tuần lễ từ thiện - Cuộc chợ phiên giúp đồng bào bị lụt - Diễn kịch:
Nàng Ly Tao - Đại cuộc khiêu vũ - Cuộc thi quần áo tắm. Những chiếc xe cao
su từ bốn phương rầm rộ chạy lại đây hoặc là từ đây hăm hở kéo đi bốn phương.
Trên xe có những thanh niên áo trắng áo đen trông như những con quạ khoang, có
những thiếu nữ mà y phục tối tân có khi nhã nhặn, có khi nhố nhăng hết sức, lại
có khi để hở da thịt như những sự khiêu khích. Một số thiếu nữ mặc quần ngắn
short 9. và dùng băng buộc vú, để hở những chỗ tròn
tròn có thể khiến người đứng đắn nào cũng muốn đem dùng hai bàn tay. Người ta đội
vào đầu những vòng hoa khổng lồ. Con giai cũng đánh phấn, bôi môi. Họ cứ thế mà
đi diện các phố, coi những cái mặt vẽ nhọ bôi hề ấy là một thứ bằng sắc danh dự.
Người ta ném hoa giấy lung tung. Ai cũng chỉ có một mục đích: kiếm ái tình. Mà
cuộc dạ hội chỉ là một cớ cho những vụ ngoại tình, thông dâm, mãi dâm, của một
bọn người đi làm một việc nhân đạo trong một xã hội nhân đạo. Quang bảo Phú:
- Nếu không được chim chuột nhau tự do, không được ôm nhau mà nhẩy, thì cái bọn
người này không bao giờ lại nghĩ đến đồng bào bị lụt. Mỗi khi có một tai họa gì
cho xã hội thì cái bọn đáng thương này lại có một dịp thỏa thích để ăn, chơi và
dâm.
Phú buồn rầu nhớ ra rằng mẹ ở nhà đã từng phải ngửa tay nhận vài hào chỉ của
cái thứ tiền làm phúc ấy. Chàng như lại trông thấy quang cảnh tòa soạn của nhà
báo Lao Động trong đó người ta quên cả mọi cách hưởng thụ cuộc đời,
thức suốt đêm để làm những việc sẽ dắt tới nhà tù, hay đến bệnh ho lao. Bất
thình lình, chàng hiểu rõ cái nghĩa lý sâu xa của chữ "trưởng giả" với
tất cả những sự suy đốn của phái người ích kỷ ấy.
Hai người rủ nhau rẽ sang phía bên tả để về bằng lối phố Hàng Trống. Chợt Phú
trông thấy một thiếu nữ đứng giữa mấy thiếu nữ mặc quần đùi và một tụi con giai
công tử bột... Quả tim chàng đập mạnh: đó là Kim Dung. Giữa một chỗ ăn chơi, bọn
trẻ tuổi ấy đương mở mồm nói chuyện "làm việc xã hội". Kim Dung ăn mặc
rất chải chuốt, nói cười rất vui vẻ, cử chỉ rất tự nhiên. Nàng được mọi người
nhìn, ném hoa, nói bông, như một cô gái đẹp ở giữa một chỗ mà cái gì cũng là tự
do hết sức.
Bỗng đâu Phú tỉnh ngộ. Một người như Kim Dung đó không phải là sinh ra để cho sự
mơ mộng hão huyền của chàng. Cái địa vị của hai người lúc ấy nó rõ rệt quá. Phú
đau đớn tự nhủ mình:
- Trừ phi ta có mù lòa thì ta mới không thấy rõ sự bất bình đẳng ấy.
Chú thích:
1 |
Lãnh đạo đảng xã hội Đệ nhị Quốc tế ở Pháp, rất danh tiếng,
bị ám sát lúc sắp nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đọc là:
Giô-rét. |
2 |
Một thuộc địa nhỏ của Pháp ở Nam Mỹ; đọc là Guy an nơ. |
3 |
Đọc là: Si áp rơ. |
4 |
Đọc là: Tu lu đơ. |
5 |
Danh ca của nước Pháp hồi ấy; đọc là Ti nô Rốt xi. |
6 |
Đọc là: Ra un Pông Sông. |
Một rạp nhảy múa lõa lồ ở Pháp, đọc là: Phôly Bécgierơ. |
|
Nếu những phụ nữ không có mông, thì chúng ta sẽ dùng tay để
làm gì? Khổ thân những con người! |
|
Kiểu quần ngắn đến trên đầu gối, đọc là soóc. |
CHƯƠNG XII
Khi Phú về làng thì ba phần tư người làng đã bỏ làng đi từ bao giờ rồi. Chàng buồn bã lắm, thấy thổn thức muốn khóc khi đi qua những túp lều gianh bị bỏ hoang, về làng mà tưởng chừng như một mình lạc bước trong rừng sâu. Tuy vậy, chàng cũng được yên tâm khi thấy mẹ không đau đớn vì Minh bị bắt, như mình đã lo sợ. Bà Cử chỉ buồn rầu qua loa thôi. Phú hơi ngạc nhiên về chỗ ấy, không hiểu rằng đến lần thứ nhì thấy con lại bị bắt, người mẹ, vì quen đi nên chẳng còn đủ sức đau đớn như lần thứ nhất nữa. Cô Tuất với đứa con vẫn ở bên họ nhà chồng. Phú đã sang thăm ông chánh Mận để hỏi tin tức về người anh. Ông này cũng bị quan trên đòi hỏi song may lại không bị bắt. Chính phủ cho ông chỉ là một kẻ a dua nghe theo những kẻ phiến loạn nhà nghề. Mà trong số những kẻ phiến loạn nhà nghề ấy chỉ là một mình giáo Minh, với cái chức nguy hiểm là cựu chính trị phạm. Ông chánh Mận ra ý vui vẻ được vô can, và nhất là sau này thì không còn sự kiếm chuyện của viên lại già ở huyện nữa. Ông vẫn nhắc đến việc hỏi cô Tuất. Minh đã nhận hết mọi tội. Phú đành ở làng.
Dân vẫn cứ đói.
Họ vẫn phải bỏ làng, bỏ những túp lều gianh mà nước lụt đã đánh dấu ở lưng chừng
các vách, hay là đã đánh lở vách xuống cho hở xương tre ra. Không đào đâu ra được
thứ gì bỏ vào mồm, họ dỡ nhà xuống chặt thành củi, đem bán rong hoặc đem đến chợ.
Nhưng mà chỗ nào thì cũng có nhiều người bán hơn là người mua. Họ bán củi và đi
ăn mày - một lúc làm cả hai nghề. Vì rằng chỉ có một số rất ít người nhiều ruộng
là được chính phủ cho vay tiền mua mạ cấy tái giá. Cho nên ngày ngày, cứ từng tốp
hàng ba chục năm chục, hàng trăm, dân quê lại vẫn cứ kéo nhau lũ lượt đi lang
thang trên con đường thiên lý, với những cái chiếu rách ôm cạnh nách, với những
cái khăn tay nải ở sau lưng. Nhiều người gánh hai cái thúng, trong mỗi thúng,
có một vài đứa bé, trong mỗi đứa bé có vài ba ngày đói khát.
Mặt trời đã mọc trên một quang cảnh thương tâm như là chưa bao giờ loài người
đã trông thấy như thế. Trong làng mạc cũng như ngoài đồng áng, đâu đâu cũng có
dấu vết của điêu tàn. Sau trận lụt thì vẫn cứ nguyên là hạn hán mãi, cho nên cỏ
chưa kịp mọc. Các bờ ruộng bị san phẳng, các đường lối bị phá phách vì phù sa
hoặc cát già, trong khi theo nước mà lùa vào, đã bồi cao những chỗ thấp, hạ thấp
những nơi cao. Những cây cau bị thối mất rễ, đã nằm xuống một lượt. Những cây
chuối thì bói cũng không thấy nữa. Chỉ những cây đã to hàng ôm, đã sống hàng thế
kỷ như cây gạo, cây đa, cây muỗm, cây ôi là còn sống nổi theo luật thích giả
sinh tồn. Tuy nhiên những rặng tre là ngà, chung quanh các làng, cũng vẫn sống
sót, với những lá úa, những cành khẳng khiu. Việc gì cũng là vào lúc bắt đầu
làm, hay là phải làm lại. Đó là một cảnh não lòng, khi ta trông thấy một vùng
quê mà màu đỏ của đất, màu nâu của bùn lầy, lại nhiều hơn màu xanh của cỏ, cây.
Phú ngừng tay cuốc đất để lau mấy giọt mồ hôi ở thái dương. Chàng vui mừng khi
thấy cái vườn rau của mình đã có nhiều màu xanh của rau đậu. Rồi chàng ngao
ngán mà nhận ra rằng đã phải trông thấy cái cảnh chết bên ngoài hàng rào, ở
chung quanh làng, nghĩa là cái khổ sở của người khác thì chàng mới thấy được
cái sung sướng ích kỷ ấy. Trong thời kỳ Minh còn ở nhà, Minh đã biến cái vườn
hoang ra một miếng đất có hoa lợi. Minh đã giồng cà- rốt, xu- hào, bắp cải, đậu
ván, đậu Hòa- lan. Sau cái bể nước trước kia chỉ có vài cây rau xương xông, thì
nay đã là giàn mướp rườm rà, quả đã to bằng những ngón tay trỏ. Bỏ việc dạy học,
về làng với mẹ, Phú đã theo đuổi các công việc của anh... Hoa của đậu Hòa- lan,
mầm của cà- rốt đã cao một ngón tay, những củ xu- hào đã nhỉnh bằng những hòn
bi ve, với những ngành lá lêu nghêu ở xung quanh làm cho chàng yên tâm rằng đến
vụ rét thì không phải sợ đói nữa.
Lúc ấy bà Cử đương bưng nồi khoai nước ra để ở cửa bếp, cầm đũa gắp khoai khỏi
nồi nước, hơi bốc nghi ngút để bỏ vào một cái rổ. Phú nghĩ đến những bữa ăn đầy
cao lương mỹ vị ở nhà ông tham Quang, chàng lẩm bẩm: "Về làng là phải lắm,
chẳng đáng ân hận". Trông thấy mẹ mặt mũi vêu vao vì sáu tháng đói khát,
quần áo rách rưới một cách thảm hại, Phú giật mình nhớ đến những bà lão ăn mày
mặt mũi cũng thế, quần áo cũng thế hằng hà sa số ở các phố của Hà thành và đi đến
đâu cũng bị hắt hủi xua đuổi... Thì ra đi ăn mày là sự không khó gì lắm cho bất
cứ một ai! Bất thình lình Phú cảm thấy một cách sâu xa cái đểu giả của loài người,
sự chó má của xã hội. Chàng bất bình như là đã trông thấy chính mẹ mình phải đi
ăn mày. Một lần nữa cái lòng hiếu lại tìm thấy một tiếng vang ròn rã trong trí
nghĩ người thanh niên đương oán giận cảnh ngộ, đương nhớ tiếc Hà Nội với những
sự cám dỗ ghê gớm, với mọi cái mơ mộng điên rồ, với Kim Dung... Thật thế, Phú
đã buồn bã tưởng chừng như không sống nổi nữa. Chàng đã từng ghen giận cả đêm với
Hà thành, với những cái phồn hoa đô hội nó đương cướp mất của chàng một thiếu nữ
đẹp đẽ mà chàng muốn yêu, mà có thể cũng được yêu, cái đó cũng không biết đâu.
Phú đã toan mượn cớ đi Hà Nội vay tiền ông tham Quang để tìm cách trông thấy mặt
Kim Dung cho khỏi nhớ, để đánh bạo mà ngỏ cái tâm sự đau khổ. Đã cứu chàng
thoát chết, lòng tự ái được phỉnh nịnh hết sức rồi, Kim Dung biết đâu lại không
đem lòng yêu chàng, biết đâu... Phải, biết đâu!
Nhưng mà lần này, hình ảnh tiều tụy của người mẹ đã đau khổ suốt đời, gợi ra
trong trí não của người con một vấn đề lương tâm.
Phú hoàn toàn tỉnh ngộ.
Chàng tự nhủ: "Kim Dung là cháu một ông tổng đốc, con gái yêu của một ông
huyện, một hoa khôi của các cuộc chợ phiên. Còn mình, mình chỉ là một anh dân
quê, phải chân lấm tay bùn thì mới khỏi chết đói. Mình là con một bà Cử, nhưng
mà một bà Cử không có xu, nghĩa là cũng có thể một ngày kia phải đi... ăn
mày!" Chàng ngừng lại một lát, đau đớn rồi lại nghĩ: "Có thể phải đi
ăn mày, thật thế!".
Đến đây, cụ Cử lom khom bưng cái mâm gỗ có mấy cái bát khoai nước và một chén
muối vừng, từ bếp lên nhà trên. Cụ yếu lắm nên vừa đi vừa thở ỳ ạch loạng choạng.
Phú vội chạy ra đỡ lấy:
- Đẻ đưa con bưng lên cho!
Bà mẹ đưa ngay, hổn hển nói:
- Con cũng liệu nghỉ tay mà ăn cơm thôi. Làm từ sáng đến giờ thì cũng đói rồi
chứ còn gì!
Phú bưng mâm vào nhà, bà mẹ cũng theo vào.
Bên ngoài, trời đương nắng bỗng rợp, rồi bỗng tối sầm lại.
Thêm vào cái mát mẻ buổi sáng, gió heo may dìu dịu đem cái hơi lạnh dễ chịu của
ngày hạ tàn. Cụ Cử vừa phủi áo cho sạch bụi vừa nói:
- Hôm nay lập thu rồi đây.
Bỗng ngoài ngõ có tiếng chân dẫm đất lạch bạch. Phú nhìn ra, đó là ông chánh Mận.
Từ độ lụt lội và hạn hán đến giờ, ông này không còn nổi lấy đôi giày mà đi như
xưa. Từ địa vị tư sản, ông đã rơi vào cái hố vô sản, có khi lại khổ hơn vô sản
nữa. Ông chào cụ Cử, đưa cho Phú một tờ báo. Phú vội giở ra đọc rồi mừng rỡ mà
nói với mẹ:
- Đẻ ạ, anh Minh chỉ bị có năm tháng tù!
Bà mẹ cũng mừng rỡ hỏi lại con:
- May nhỉ! Chỉ có năm tháng thôi à?
- Vâng mà bị bắt hai mươi hôm rồi, thế là chỉ còn có hơn bốn tháng!
Bà mẹ lại nói:
- Năm nay có tháng tư dư, thế nghĩa là anh Minh mày cũng được về nhà ăn Tết.
Ông chánh Mận nói:
- Thưa cụ, như báo đăng, thì ra bác giáo cháu cũng chẳng buồn chống án lên tòa
trên nữa, mà như vậy có lẽ là phải.
Phú cười mà rằng:
- Thật thế, vì có khi chống án mà lại bị xử nặng thêm lên.
Cụ Cử mời đùa:
- Ông chánh xơi cơm với tôi nhân thể nhé!
- Thưa, xin cảm ơn cụ, cháu vừa ăn xong thì sang ngay đây...
- Cơm nước chả có gì cả!
Nói xong, cụ Cử cầm rổ đậy lên trên mâm cơm. Phú rót nước mời khách. Ông chánh
Mận ngồi suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Thưa cụ, thế việc cháu xin cụ thì cụ đã để ý cho chưa?
Cụ Cử ngồi xuống giường nghiêm trang để đáp lời cho một câu hỏi hệ trọng:
- Thôi thì nói gần nói xa, chẳng qua nói thật! Tôi đã thưa với ông rằng việc ấy
là tùy cháu. Giời sinh ra thế, cha mẹ chỉ gả chồng cho con có một lần thôi...
Đáng lẽ ra thì cháu nó muốn ở vậy thờ chồng nuôi con kia đấy... Nhưng mà đến
khi anh giáo nó được tha về thì anh nó mới lại khuyên nó, thì nghe chừng con bé
cũng đã nghe ra. Ông cứ việc sửa soạn đi kiếm lá trầu ra đình đi thì vừa. Còn
tôi, việc rổ rá cạp lại, xin thế nào cũng xong. Nhưng mà tưởng giá chờ đến lúc
anh Minh nó được tha nữa thì có lẽ hơn.
Ông chánh Mận sung sướng đỡ lời:
- Bẩm cụ dạy chí phải!
Phú nhìn ra sân, nói:
- Tôi tưởng chả cần phải đợi đến lúc anh Minh được ra. Cứ lo cho xong chuyện đi
có hơn không? Sớm ngày nào hay ngày ấy chứ! Vả lại, đã lấy chồng đến lần thứ
hai thì còn long trọng quái gì nữa mà phải đợi với chờ!
Vốn là người ba phải, ông chánh Mận lại nói:
- Cậu nói cũng chí lý lắm.
Ngoài sân, lá khô bay tung lên. Trời bỗng tối mịt. Một vài hạt mưa lộp bộp rơi
xuống. Mưa! Đã mấy tháng trời, trận mưa này là trận đầu! Ông chánh Mận không biết
chừng vì mưa hay vì hỏi được cô Tuất, mà cũng bắt chước Phú vừa nhảy vừa reo:
- A! A! Hay quá! Sướng quá!
Cụ Cử phê bình:
- Lịch tầu thế có đúng không!
Thôi lập thu mà thuận ngâu thế này thì là được mùa tháng mười. Phú nói:
- Chứ không lẽ giời cứ để chết người ta mãi!
Chợt ông chánh xin cáo:
- Thưa cụ, chỉ có thằng bé cháu ở nhà, tôi không về thì mấy thứ ở sân hỏng hết
mất! Thôi, tờ báo cậu cứ đọc, bao giờ tạnh mưa mời cậu sang chơi. Chào cậu, lạy
cụ ạ!
Chào xong, ông chánh lật tà áo dài lên che đầu, vén quần lên, ra khỏi ngõ thì
chạy thẳng một mạch. Gió thổi ào ào. Trời đen nghịt những nước, loạn xạ những sấm
sét mưa to.
Phú bỏ tờ báo, ra đứng tựa cột tre, nhìn ra sân. Trên mấy cái ống máng làm bằng
thân cây cau bổ đôi, nước chảy vào bể như suối. Dưới thềm nhà, chẳng mấy lúc đã
có một rãnh nước lênh láng. Phú sung sướng vì từ hôm nay mỗi sáng sẽ không phải
ra tận vực đầu làng mới lấy được vài gánh nước về tưới rau. Cụ Cử giục chàng đi
ăn cơm nhưng vì trong lòng vui vẻ quá, không thấy đói nữa, Phú mời mẹ cứ ăn trước.
Chàng lại cầm lấy tờ nhật báo. Ngoài tin về giáo Minh bị kết án, tờ nhật trình
có rất nhiều tin quan trọng.
Khắp xứ Đông Dương, chỗ nào cũng đình công, cũng biểu tình. Bên âu châu thì
tình hình quốc tế càng ngày càng găng. Việc Tây Ban Nha nổ bùng ra to, nhiều cường
quốc nhảy bổ vào đâm chém. Thế giới chia ra hai phái của hai tư tưởng rõ rệt cộng
sản chiến với tư sản, quốc tế chống với quốc gia. Chỗ nào cũng nổi lên phong
trào bình dân đương đầu với quân phiệt. Tuy vậy ở Bắc Kỳ, nhà cầm quyền vẫn bắt
giam các nhà viết báo đòi mọi cái tự do dân chủ như thường.
Phú liên miên nghĩ đến những người vì nhân đạo mà chịu đựng đủ tất cả các điều
khổ sở. Chàng như lại thấy hiện ra trước mắt cái quang cảnh tòa báo Lao Động,
với những tay thanh niên hăng hái, con quan, con nhà giàu sẵn lòng vào tù vì
cái nghĩa cả đối với tư sản, với bình dân. Phú lại hổ thẹn vì mình đã bỏ chí phấn
đấu vì một cái mộng tưởng tình ái hão huyền, trong khi những người thừa tư cách
mê gái, thừa tư cách đi nhảy đầm với Kim Dung, lại chỉ vùi đầu vào làm những việc
để phụng sự cho cái giai cấp của Phú. Chàng lại như nhìn thấy rõ Hà Nội với bao
nhiêu cái hưởng thụ ích kỷ của bọn trưởng giả, bao nhiêu cái đồi bại của phong
tục nó làm tiêu mòn mất chí khí của một số đông nam nữ thiếu niên.
Trời vẫn mưa to.
Bể nước đã đầy. Nước mưa thừa đã giàn giụa chảy ra ngoài thành bể. Hạn hán như
vậy là hết, thật hết! Mai kia, cỏ sẽ mọc tươi tốt ngoài hàng rào, nụ non sẽ hé
miệng trên cành khô. Nước đã đem hạnh phúc xuống cho đất: ruộng nương, đồng áng
xưa kia nứt nẻ, bây giờ đã chan chứa hy vọng. Chim muông sẽ chẳng phải sã cánh,
thè lưỡi khô, để tìm một giọt nước sau hàng tiếng đồng hồ. Những cảnh vừa vo gạo,
vừa giặt quần, giặt váy, vừa tắm, ở những vũng ao tù còn có một ít nước đen
ngòm những bùn, hẳn không có nữa.
Xong bữa, bà mẹ đứng lên nói với con:
- Thôi, khá đấy, con ạ. Thế này là thuận ngâu.
Phú ngẫm nghĩ về tương lai, về mọi sự vật chất của cuộc đời nó sẽ làm tăng giá
trị cho con người. Chàng thấy không phải lo gì nữa, chỉ ít lâu nữa, anh Minh sẽ
mãn hạn tù. Mai đây chị Tuất về với ông chánh Mận, thôi thì cũng là yên phận.
Nghĩ đến đấy, chàng nhớ đến thằng cu Hiền, đứa cháu kháu khỉnh mà chàng đã từng
ẵm bế, hôn, hít suốt ngày. Chưa đầy ba tuổi! Bồ côi! Mẹ lại sắp cải giá!
Vũng nước ở sân hợp vào rãnh nước trước thềm nhà. Bây giờ thì lại nhiều nước
quá. Nhìn những bong bóng phập phồng hết nở lại tan trên mặt nước, nhớ đến đứa
cháu, Phú tựa lưng vào cột tre khẽ ngâm một giọng buồn rầu:
Giời mưa bong bóng phập phồng,
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét