Vỡ đê 3
CHƯƠNG X
Sau bảy tiếng đồng hồ chống chọi với những làn sóng đồng nguy hiểm, có khi lướt trên đồng ruộng và cũng có khi vượt qua những vực sâu hàng mấy con sào, chiếc thuyền thúng, khi về đến đầu làng, thì vết thương ở đáy thuyền lại rộng thêm hai ngón tay, vì mấy cái nan tre đã long hết lượt sơn ghép bên trên.
Phú ngừng tay cầm gầu té nước ra ngoài thuyền. Chàng toan đứng lên nghển cổ tìm
tòi cái mái nhà nhà mình, nhưng em giai của ông chánh Mận thấy thuyền chòng
chành, vội kêu ầm lên, Phú lại vội vàng ngồi xuống. Cái hàng rào tre bao bọc
quanh làng xưa kia um tùm, đẹp đẽ, kín đáo bao nhiêu, nay thấy lơ thơ, chỗ thì
mất hẳn hàng khóm một, chỗ thì phô ra những thân cây bị đẵn ngang lưng chừng...
Quang cảnh bề ngoài mà trông cũng đã không đang tâm. Thế mà còn những cảnh tàn
phá bên trong? Thế còn mẹ chàng, chị Tuất và đứa cháu, nhất là đứa cháu?
Thôi thì Phú hãy kiên tâm một lát... Bác lái đò, trông thấy cái cổng làng bị nước
ngập, từ mặt nước đến cái vòm tò vò chỉ có một quãng thấp mà cái thuyền không
thể nào chui lọt qua, đã cắm sào một chỗ, nét mặt ngán ngẩm, hai tay khoanh...
Bác rền rĩ:
- Được ba hào chỉ của cậu thì mất cả một ngày giời, hỏng mất cả một cái lòng
thuyền!
Tức thì người em giai ông chánh Mận nói ngay:
- Này thôi, anh im đi! Trước sau thì tôi đã mặc cả cẩn thận, anh biết đường,
anh có bằng lòng thì anh mới chở chứ? Có ai bắt ép anh không? Đến nhà rồi thì
anh vòi phỏng?
Người lái đò ấp úng:
- Không!... Nghĩa là tôi nói thế thôi chứ!
Người thuê đò hỏi Phú:
- Cậu nhỉ? Cậu có biết lối nào chỉ cho anh ấy chở mình vào làng không?
Phú đáp:
- Phải chở vòng quanh vậy. Cũng không xa là mấy, đến chỗ gốc muỗm thì có một đoạn
rào hổng thuyền vào lọt thỏm.
Rồi chàng thấy nước vào thuyền đã khá nhiều, vội cầm gàu tát nước và bảo người
chở thuyền:
- Thôi, chịu khó một tí nữa. Đến nhà rồi mà còn lầu nhầu thì có phải mất cả cái
công phu, cái tử tế trong ngót một ngày không?
Bác lái lẳng lặng rút chiếc sào lên, ngồi xuống chỗ lái thuyền, đưa mái chèo.
Cái thuyền lại êm ả lướt trên nước, đi lượn quanh dãy rào tre. Đến chỗ gốc muỗm,
mấy cái đưa chèo của bác lái, mũi đò quay, thế là vào trong làng.
Khi đi qua cái hàng rào duối nhà mình, Phú mừng thầm vì nước chỉ ngập có lưng
chừng cái nhà gianh. Tuy chàng không thấy một bóng người, không nghe thấy một
tiếng động, song một làn khói lam nhẹ từ cái mái ra bốc thẳng lên không gian đủ
khiến Phú được yên tâm. Chàng toan nói với người có tiền thuê đò là cho chàng
xuống chỗ ấy... Rồi chàng lại thôi, vì chợt nghĩ ngay ra rằng như vậy là thiếu
lịch sự. Phú đã đi nhờ đò. Trong quãng bảy tiếng đồng hồ, chàng đã phải nhận lời
mời, nghĩa là ăn một cái bánh mỳ của người em ông chánh Mận, thì ít ra chàng
cũng phải để người ta về thăm nhà người ta trước đã, còn việc chàng về nhà thì
chàng sẽ nghĩ đến sau. Vả lại, ít ra cũng phải có câu cảm ơn người em, và cả
người anh nữa, cho phải phép.
Người em ông chánh Mận ấy nguyên là một nhà buôn ở tỉnh. Khi thấy tin vỡ đường,
người ấy vội về làng xem nhà cửa và gia đình ông anh ruột ra sao. Cũng là một sự
tình cờ may mắn cho Phú, khi chàng được gặp người ấy. Nếu không chắc chẳng bao
giờ Phú có cách gì về thăm nhà cửa. Chàng không có một xu trong túi, và cả đến
cái thẻ thuế thân nữa cũng không. Vậy mà từ con đường cái quan về đến làng,
cánh đồng úng thủy dài là ngót mười cây số!
Lúc gặp gỡ nhau, Phú đã phải trải qua một thời khắc lúng túng, ngượng nghịu...
Với cái áo sa tây trơn, với đôi giày tây vàng, lại một cái va lá mới xách ở
tay, người em ông chánh Mận có vẻ cái gì cũng như là hơn Phú. Người ấy không nhận
ra Phú là ai. Bộ quần áo vải trắng của Phú đã bị đất cát và nước phù sa nhuộm
cho thành ra màu củ nâu mà lại bẩn hơn quần áo vải nâu. Chân tay chàng, xưa kia
có cái da dẻ mịn màng trắng trẻo của học trò, bây giờ đã bị mặt trời và xẻng cuốc
làm cho sần sùi và đen đủi như của một dân cày chính tông. Mặt chàng cũng hốc
hác ra, vì làm nhiều, ăn ít, mưa nắng, những ngày mệt nhọc, những đêm không ngủ,
ấy là mới kể trong vòng một tuần lễ. Một thời gian đủ cho râu và ria đâm ra tua
tủa ở mép và cằm của Phú, và làm cho chàng có cái mặt ghê gớm của một tên phạm
nhân hoàn toàn!
Cho nên khi Phú yêu cầu người em ông chánh Mận cho đi nhờ đò thì trước cái mặt ấy,
bộ quần áo ấy, cái nón cu lá rách ấy, người kia đã sửng sốt hỏi xẵng:
- Thì mày là thằng cha căng chú kiết nào ở đây mới được chứ?
Nghe thấy một người làng ăn nói với mình như thế, Phú đã giật mình lo sợ cho
cái thân hình phu phen tiều tụy của mình. Chỉ vì mấy ngày làm đê và bị giam mà
chàng đã bị hạ xuống thấp đến thế! Chàng bèn cười gượng mà rằng:
- Ơ kìa! Ông hai Bảo, ông không nhớ ra tôi là ai hay sao?
- ?...
- Tôi là Phú, em giáo Minh đây mà! Con cụ Cử đây mà.
Người kia bèn nhíu đôi lông mày, nhìn Phú từ đầu đến chân lâu lắm. Rồi trợn mắt,
và nghi ngờ, và ngạc nhiên, và rồi kinh hãi:
- Ủa! Cậu Phú! Cậu Phú mà lại như thế này!
- Phải! Tôi bị bắt đi làm phu hộ đê đã tuần lễ nay, ông hiểu chưa?
Tức thì người ấy hiểu ngay, mà lại hiểu theo cái óc trưởng giả hương ẩm nữa. Vì
rằng người ấy giẫm mạnh chân phải xuống đất mà nói:
- Ừ mà phải! Cậu bạch đinh chân trắng nên phải đi phu!
Rồi hai người xuống đò. Trong một lúc khá lâu người em ông chánh Mận đem so cái
học thức của Phú và của mình, rồi lại đem đo lường với việc đi đê, thì rất sung
sướng rằng mình đã bỏ tiền ra mua cái chân tư văn. Biết phận mình là thằng đi
đò nhờ, lại sung sướng cho cuộc gặp gỡ ấy là một điều may mắn hãn hữu cho mình
được sớm về thăm mẹ, Phú chẳng ngại ngồi phệt xuống tát nước, thứ nước nó vào đằng
lòng thuyền, chỉ vì thuyền rò... Muốn xua đuổi khỏi óc cái hổ thẹn phải nhờ vả
kẻ khác, Phú đã tự nhủ "Chấp kinh tòng quyền, thế cũng chẳng sao!" Có
lẽ do Phú mà cái tư văn của ông hai Bảo nổi bật hẳn lên, nên chi ông này, trong
cả chuyến đò, đã đối với Phú tử tế lắm. Nào hỏi thăm mọi tin tức một cách vồ vập,
nào mời ăn bánh thay cơm... Đối lại, Phú chỉ việc nghĩ: "Chấp kinh tòng
quyền!"...
- Ơ kìa! Chú hai Bảo! Về làm gì cho khổ!
- Lạy bác. Tôi thấy vỡ đường, sốt ruột quá, không về không xong. Thế nào? ở nhà
có việc gì đến ai không?
- Chỉ hại của thôi, chứ may không hại gì đến người! Mất nghìn bạc!
Đã đến nhà, hai anh em trông thấy nhau hỏi thăm om xòm như vậy. Người lái đò đặt
mũi cái thuyền thúng vào bè nứa cho hành khách có chỗ bước lên. Phú muốn chào hỏi
ông chánh Mận song ông ta chỉ để ý đến người em và có một thái độ tình cờ lãnh
đạm với Phú. Người ta không trông thấy chàng nữa. Trong cảnh ấy, Phú thấy một mối
bất bình đưa lên nghẹn cổ, thấy đáng hổ thẹn về quần áo của mình, và lại thấy rằng
cái nghèo không những là cái xấu mà còn là cái nhục nữa. Cảnh nước lụt trong
nhà ông chánh Mận chẳng phải là một cảnh thương tâm. Có khi vì nước lụt mà sự
giàu có súc tích của ông chánh lại được phô ra một cách rõ rệt. Vẫn hay nước đứng
lưng chừng ba tòa nhà gạch, nhưng ông chánh đã ghép những tre gỗ thành một cái
bè. Cái bè ấy, lấy thừng buộc vào cột nhà, vào các thân cây muỗm trong vườn.
Trên cái bè ấy, có kê những tấm gỗ giường phản. Bên trên những cái giường phản
bày bập bềnh trên mặt nước nhưng mà rất ngăn nắp ấy, lại có một thứ gióng tre
có mái lợp gianh. Trên nóc tòa nhà ngói có đến mấy chục cái nong để phơi thóc,
những thóc ướt vì nước lụt không chạy kịp.
Xa xa, một cái bè nứa khác cũng buộc vào một cây muỗm là chỗ trú chân của một
con trâu, một con bò, ba con lợn, và mấy lồng gà lớn, gà con. Còn cái bè của
người thì bị giam trong khu vực ba cái mái của ba tòa nhà gạch, chắc chắn đến bậc
giá có bão táp cũng không sợ gì trôi. Phú trông thấy bà cụ mẹ ông chánh nằm một
góc, hai đứa trẻ ngồi chơi một góc, người vú già và mấy tên gia đinh ngồi một
góc khác nữa. Thành thử cái bè rộng rãi ấy, trên mặt nước, chỉ có thi vị chứ không
có gì là vẻ "dân siêu".
- Ông cho con xin tiền đò!
Đến lúc ấy hai anh em mới ngừng chuyện để trả tiền cho bác lái. Trông thấy Phú,
ông chánh Mận ra ý hối hận, vồn vã:
- Ấy chết chửa kìa, cậu Phú. Mời cậu hãy vào trong này! Thế việc lôi thôi bắt bớ
đến cửa công ra làm sao?
Vẫn ngồi ở thuyền, Phú đáp:
- Không hề gì ạ. Tôi được tha rồi. Nhân gặp ông Hai cũng về làng nên tôi được
đi nhờ một chuyến. Thôi, cảm ơn hai ông...
- Thì hãy vào đây một lát đã!
- Thôi, nhân tiện ông lái cho thuyền ra thì xin phép ông cho tôi về trông thấy
đẻ tôi... Tôi chưa biết nhà cửa như thế nào...
- Thế kia à! Nếu vậy thì thôi, tôi chả dám lưu lại nữa.
- Vâng thôi, thế chào hai ông! Cám ơn ông hai Bảo lắm nhé!
- Không dám ạ! Chào cậu...
Chiếc thuyền thúng quay mũi, lại tháo lui ra bằng đường lối lúc nãy nó vào. Khi
mấy cái nhà của ông chánh và bức tường điểm kính vụn và mảnh chai bao bọc những
mái nhà ấy khuất sau một bụi tre thì thình lình Phú gặp chị ruột. Cô Tuất lúc ấy
ngồi trên một cái bè đóng bằng bốn cây chuối cạp làm một bằng gióng và thừng
tre. Cô chở bằng một miếng gỗ vuông lấy ở cánh cửa một cái chạn bát. Cái bè của
cô trôi phăng phăng. Trước mặt cô có một rá gạo đỏ. Cô thản nhiên chở bè, không
để ý đến thuyền và người chở thuyền. Phú phải gọi:
- Chị Tuất ơi, chị Tuất!
Cô Tuất ngơ ngác một lúc rồi hỏi:
- Cậu Phú đấy à! Về từ lúc nào thế?
- Ở nhà có ai việc gì không chị? Đẻ đâu? Cháu đâu?
- Ở cả nhà chứ đâu!
- Thôi thế tôi mừng. Rõ phúc đức! Chị đi đâu về thế? Tôi sang bè ấy liệu có được
không hay chìm?
- Được! Ba người ngồi cũng không sao.
Phú bèn quay lại người lái đò:
- Thôi thế tôi sang bè kia, ông trở ra một mình nhé? Cảm ơn ông nhé!
- Không dám!
Khi bước sang bè chuối với chị rồi, Phú còn đứng nghênh ngang chỉ trỏ cho bác
lái đò:
- À này, tôi mách đây này! Trước khi đi ra khỏi làng này, ông cứ trông ngón tay
trỏ tôi đây mà cho thuyền đi thẳng, qua hai cái ao rồi đến một vườn cau thì ông
hỏi ông lý trưởng xem ông ta có lên đường cái quan không thì may ra chuyến về của
ông cũng có tiền đấy.
Người lái đò cảm ơn và theo lời Phú, cho thuyền tiến phía có bóng cau. Tuất
không chở vội, đăm đăm hỏi:
- Thế cậu ra sao? Được quan tha đấy à? Thế là yên chuyện chứ? Gớm, nghe ông lý
nói thì sợ quá!
- Đẻ có biết không?
- Không, tôi giấu đẻ rồi. Thế được tha hẳn chưa?
- Chưa thì sao lại về được đây mà lại còn phải hỏi!
Phú gắt với chị như vậy chính là vì muốn chị mình được yên tâm. Rồi chàng giật
lấy mảnh gỗ. Trong khi cái bè trôi phăng phăng chàng lại hỏi:
- Vay gạo nhà ai thế?
- Nhà ông chánh Mận.
Đến đây, Phú ngừng tay khuấy nước, trợn mắt vì bất bình:
- Lại vay ông chánh Mận!
Nhưng Tuất thản nhiên mà rằng:
- Lúc cùng, biết làm thế nào? Cả làng này vay chứ gì mình mà thôi!
Đến nhà. Cái bè chuối vào sân, lướt đến chỗ mái gianh. Thì ra nhà đã phá một góc
mái gianh ra làm cửa. Trông thấy mẹ, Phú reo lên:
- Đẻ ơi đẻ! Con về được đây rồi!
Lúc ấy cụ Cử đương thổi lửa cho nồi khoai sọ kê trên ba hòn gạch ở một cái bếp
đất thô. Cụ bưng mặt, nức nở khóc:
- Sao mày không chết ngay ở đê đi có được không?
Chẳng để ý, Phú lại nói:
- Thôi, thấy người nhà còn nguyên vẹn thế này là mừng rồi!
Rồi chàng nhìn vào trong nhà. Cái giường gióng tre, mấy tấm phản buộc liền vào
cái hòm chân thành một thứ sàn khá vững chãi. Một con mèo ở một xó. Một lồng gà
ở một xó khác. Nước dâng lưng chừng nhà, muốn vào ắt phải cúi khom lưng... ở
hay! Cái gì thế kia? Thằng cu Hiền. Thằng cu Hiền ôm cột, không, hai tay và hai
chân bị trói vào cột, cái đít trên một cái tã! ỞPhú nhìn Tuất thì cô này vội cắt
nghĩa:
- Tôi đi, không trói nó thế thì đẻ không bao giờ luộc xong nồi khoai.
PHẦN THỨ BA
CHƯƠNG I
Dung đương lúi húi dưới bếp làm món canh trứng thì người vú già ở nhà ngoài chạy vào bảo:
- Mời cô ra có cô Yến vào hỏi cô đấy.
- Thế à! Nếu vậy, ra mời cô ấy ngồi chơi rồi tôi ra ngay đây.
Rồi Dung lầm bầm: "Quái thật, cô Yến nào? Quen biết từ bao giờ?". Tuy
nhiên, nàng vẫn ngồi rốn sau một cái thớt, một tay thìa, một tay đũa, trộn thịt
băm vào trứng, rồi thả thìa ấy vào nồi canh đương sôi... Người bếp liền giục:
- Thôi, cô ra tiếp khách đi, để đấy tôi...
- Ừ, thế anh hộ tôi vậy.
Nói xong, Dung đứng lên, ra rửa hai tay bằng xà phòng và rửa cả mặt. Nàng còn
đương soi gương vào cái gương con lấy ở túi áo để sửa sang mấy mảng tóc lòa xòa
trên trán thì tiếng guốc khách đã lộp cộp vào đến bếp mất rồi.
- Chị ơi, chị đương bận gì đấy?
Dung ngớ ra, cũng mừng rỡ reo lên:
- Ạ! Chị Yến! Thích quá!
- Em được tin ông nhà đổi về đây, em hỏi thăm được nhà là em đến ngay!
- Thế cơ à! Mời chị quay ra, lên nhà trên, em cũng sắp đi lên...
Hai người quay ra.
Yến là một người bạn thân, có lẽ thân nhất của Dung, khi hai người ở Hà thành
còn là hai nữ sinh bé nhỏ một trường nữ học. Mãi cho đến khi Dung theo cha lên
huyện thì hai cô bạn gái mới cách biệt nhau. Chị em đã lâu không gặp mặt, bây
giờ Dung lại thấy Yến dung nhan xinh đẹp hơn trước nhiều lắm, nên nàng rất vui
sướng.
Nàng hỏi:
- Chị làm thế nào mà biết nhà em ở đây?
Yến cười, hỏi lại:
- Đố chị biết em làm thế nào đấy!
Một lát, Yến tiếp:
- Cái nhà này cũng rộng rãi, ngăn nắp đấy! Mỗi tháng bao nhiêu tiền, hở chị
Dung?
- À, cậu em thuê đâu như là mỗi tháng 25 đồng.
- Chị ở phố này là rất phải, chọn chỗ ở khéo quá! Thế bà đâu? Bà có ở nhà không
thì chị cho em vào chào nào...
- Thôi, chị ạ, mẹ em mệt, hiện ngủ, chị để cho đến lần sau...
Dung đứng lên rót nước mời bạn. Nàng thấy Yến khen là khéo chọn chỗ ở thì rất lấy
làm bằng lòng. Ấy là vì chính Dung đã chọn cái nhà này, khi nàng cùng mẹ về Hà
Nội. Xưa kia, cả cái thuở bé của Dung cũng đã qua đi ở Hà thành, song lại ở vào
những phố nhiều mặt trời, và bụi cũng nhiều, suốt ngày đêm các thứ xe cộ với
các hàng quà bánh gây ra một thứ huyên náo khó chịu, nếu không thỉnh thoảng lại
có một tai nạn chết người hoặc què người nó làm cho tri giác của ta cũng bị
thương.
Lần này, Dung đã khéo chọn được phố Phạm Phú Thứ. Một phố toàn là những nhà tây
cao hai ba từng đứng lừng lững và đồ sộ trong cái bầu không khí êm đềm một cách
trưởng giả. Xe cộ ít qua lại, trẻ con có thể bình tĩnh nô đùa hai bên hè, nghĩa
là thỉnh thoảng chạy xuống đường. Tối đến, khi những bóng điện trong các nhà có
ánh sáng, khách đi đường chỉ nhìn thấy những tủ gương, tủ chè khảm, xa lông
tây, tàu, giường Hồng Kông v.v... Đó, đây, những phụ nữ, quần áo trắng, tóc đen
thả dài sau lưng, đứng ở bao lơn hoặc ngồi ghếch chân trên một ghế mây để ở vệ
hè. Một phố trưởng giả, không có lấy một gia đình cùng dân, vì hầu hết là viên
chức Nhà nước.
Những đồ đạc đã chở từ huyện về đây và nhà cửa đã dọn xong hai hôm rồi, ông huyện
mới về ở. Ông cho người nhà và đồ đạc đi trước, vì còn phải ở lại bàn giao công
việc cho viên tri huyện đến thay chân ông. Quả như lời đồn của bạn đồng nghiệp
với ông, quả đúng như những tin tức của bạn thân ông, để vỡ đê, ông đã bị một hội
đồng kỷ luật huyền chức tri huyện trong một năm, về làm bàn giấy ở phủ Thống sứ
thật! Và ông tuần phủ tỉnh ông, chỉ vì quãng đê vỡ của ông, cũng bị giáng một
trật và phải đổi đi một tỉnh nhỏ hơn.
Thế là, từ một bậc "phụ mẫu chi dân", phụ thân của Dung lại quay về với
đời cạo giấy thuở trước. Bởi vậy, ông rất thích cái phố trong đó con ông tìm được
nhà. Mấy ngày đầu, âm nhạc của máy hát hoặc máy vô tuyến điện của lân bang lại
nhắc cho ông cuộc sinh hoạt của kinh đô nó không làm tê liệt trí thức của con
người như cái không khí buồn tẻ của những đêm ở huyện. Thế rồi thì... mỗi ngày
một lượt, sớm vác ô đi tối vác ô về, ông chỉ còn chờ tậu một cái xe nhà để chịu
đựng cái bước rủi của hoạn đồ trong một năm.
- Chị ơi! Bây giờ chị lại ở Hà Nội thế này thì em lại chơi với chị luôn luôn
cũng như chị đến chơi với em luôn luôn.
- À, điều ấy thì việc gì phải dặn nữa!
- Em ở phố Hàng Cót chị ạ. Gần lắm.
- Ànày chị Yến, thế làm sao chị biết cậu em phải đổi về...?
- Em xem nhật báo, thấy tin, rồi em hỏi thăm bà Cửu Tân.
Nói đến đây, Yến lấy ở một tập năm sáu tờ tuần báo ra một tờ nhật trình. Dung mở
rộng tờ báo... được bạn chỉ cho cái cột có đăng tin bị huyền chức. Nàng đọc
xong, thở dài một cái, y như là buồn rầu, mặc lòng quả thật lúc ấy Dung không
còn buồn rầu tí nào.
Không muốn phải nói chuyện đến việc bố bị huyền chức, Dung làm ra vẻ ham đọc
báo, và sốt sắng tìm tòi trên mặt giấy những tin đáng đọc. Chợt mắt nàng nhìn đến
mấy dòng chữ nó khiến nàng thấy hồi hộp trái tim. Cũng vẫn ở cái cột tin tức về
thủy tai, về tin nước lên xuống, và các tin về cứu tế, hàn khẩu v.v... thấy có
những dòng chữ nét đậm như thế này: Quanh vụ bắt bớ ở huyện T, H.V. Phú đã
được tha bổng.
Vô tình, Yến định giằng lấy tờ báo nói:
- Thôi đừng xem báo nữa, để thời giờ nói chuyện chứ chị!
Dung giơ tay ngăn tay bạn mà rằng:
- Hãy để yên cho em xem cái này một lát thôi.
Nàng đọc.
Đọc xong, nàng bàng hoàng cả người không biết rằng mình lúc ấy có đương ngủ mê
hay không... Thật là quá sức tưởng tượng! Nhưng không, quả tờ nhật báo đăng cái
tin ấy với luận điệu mới mẻ, khác trước nhiều, nhiều lắm. Dung đọc lại lần nữa:
- "Hôm vừa rồi..., viên tri huyện T. đã tha bổng cho H. V. Phú, một thiếu
niên bị nghi là đứng cầm đầu cho hai trăm dân phu biểu tình ở quãng đê v.v. ..
mà bản báo đã có đăng tin ngay từ khi việc mới xảy ra. Tại sao H. V. Phú lại được
tha như thế? Nguyên do sau khi mở cuộc điều tra thì ông huyện T. đã thấy rõ rằng
khác với lời trình báo của lính tráng và lý dịch, H. V. Phú không hề xui phu biểu
tình, cũng không hề xui phu đình công. Cũng như phần nhiều người có chút học thức,
chẳng hề chịu nổi những sự tàn nhẫn của bọn cai lục lộ và tuần tráng, Phú đã bảo
những phu phen ấy phải đồng tâm nhau, khi quan huyện đi thăm đê thì kêu với
quan huyện xem lý dịch có bóc lột họ bằng cách trẩm số tiền công mà Nhà nước đã
hứa là trả cho họ. Ấy đầu đuôi chỉ có thế, mà sở dĩ H. V. Phú bị bắt chỉ là sự
phòng xa của nhà chức trách trong việc trị an. Vả lại từ bên Pháp có Chính phủ
Bình dân thì bên này, Chính phủ thuộc địa cũng bắt đầu quan tâm đến dân lao động.
"Vả lại xét ra thì mấy tháng nay, bao nhiêu cuộc đình công đã xảy ra, vậy
mà Chính phủ Bảo hộ cũng như Chính phủ Nam triều, đều không đem pháp luật ra thẳng
tay trừng trị- vì hiện ở nước ta, chưa ai có quyền đình công mà đình công tức
là phạm luật - thì đủ hiểu rằng pháp luật cũng phải theo cái lịch trình tiến
hóa của người dân mà nhượng bộ rồi. Tha bổng cho H. V. Phú tức là biết kể đến sự
tiến hóa của dân, và đồng thời cũng là hành động theo cái tôn chỉ của Chính phủ
Bình dân. Bản báo công nhận cử chỉ của việc tri huyện T là hợp thời. Quan tân,
chế độ tân. Phải chi bị vào một vị "phụ mẫu" cổ hủ, không thức thời,
thì H. V. Phú đã bị tù tội, và như vậy là phải, vì giữa cái tình thế chưa rõ trắng
đen này thì pháp luật xứ này thế nào cũng là phải cả".
Đọc xong một lần thứ nhì, Dung gập tờ báo, lặng lẽ trao trả lại Yến. Nàng nghĩ
mà mừng thầm cho người thiếu niên mà nàng đã cứu, mà có lẽ từ nay trở đi thì
nàng không quên tên nữa, là: H. V. Phú. Dung tự hỏi: "H. là Hoàng mà V là
Văn, nghĩa là Hoàng Văn Phú chăng?". Rồi Dung nghĩ mà oán giận bố mẹ.
Ừ, việc ấy là như thế, thì nào Dung có làm gì nên tội hay không? Ông huyện chẳng
phải vì Dung mà bị huyền chức. Vẫn hay Dung đã làm một việc táo tợn, một việc
phạm pháp luật, một việc có thể nguy hiểm cho bố Dung và cho Dung. Nhưng việc ấy
chẳng hợp nhân đạo là gì? Và nếu thế, lại theo như ý kiến của bài báo (mà Dung
chắc lại do chính tay bố mình thảo ra thì Dung há chẳng lại cứu chữa một việc
vô nhân đạo mà bố nàng vì chức nghiệp, đã phạm phải đó hay sao? Nàng thấy bố
mình có nhiều giọng lưỡi, và lại nhiều giọng lưỡi cả với con gái thì là sự
không nên?
Ông huyện đã sỉ vả Dung một bữa kịch liệt. Bà huyện đã gọi Dung là "đứa
con giết bố". Bà nhắc đi nhắc lại câu nói đó luôn luôn, bất cứ vào trường
hợp nào. Và, cũng từ bữa ấy trở đi, bà luôn luôn mắng mỏ cô con, tưởng chừng
con bà là hỗn, là không còn phương gì cứu chữa nổi nữa, nghĩa là đồ bỏ đi vậy.
Trước bà nuông chiều yêu quý Dung bao nhiêu thì bây giờ bà hành hạ căm giận
nàng bấy nhiêu. Bà làm như chính chỉ tại có một cử chỉ lãng mạn của Dung mà ông
huyện phải bị Nhà nước huyền chức vậy.
Ít lâu nay Dung đã là đứa con không hiếu cũng như mẹ Dung là một bà mẹ không từ.
Một bầu không khí khó thở giữa hai người thân yêu với nhau nhất đời mà xử sự
như là tử thù của nhau.
Ông huyện thế mà dễ dãi. Vì ông hiểu, ông không là bà huyện, vì ông là đàn ông,
xong việc thì thôi, không biết nói dai. Đáng lẽ buồn rầu vì con hư thì ông để
tâm buồn rầu rằng không đủ tư cách chạy chọt cho khỏi bị huyền chức. Và buồn rầu
về những cái nhơ nhớp của hoạn trường. Đối với đứa con có tội - tội nặng, rất nặng,
Dung biết thế lắm - ông vẫn có lòng thương, mặc lòng ông chẳng còn nuông quá
như xưa.
Dung oán giận mẹ, hối hận với bố. Nàng âm thầm đau xót, biết rằng từ đây mà đi,
cái địa vị mình không còn được như xưa. Mẹ nàng chỉ còn nghĩ cách làm thế nào
cho mau cho chóng tống nàng đi lấy chồng. Còn ở nhà ngày nào, Dung chỉ làm cho
mẹ khó chịu ngày ấy. Đứa con giết bố! Rõ thật đau xót!
Thấy Dung có những nét buồn, Yến hỏi:
- Dạo này hẳn chị có điều gì suy nghĩ lung lắm, có phải không?
Dung gượng cười, lắc đầu:
- Không! Có gì đâu!
- À này, chị biết chưa? Hai tuần lễ nữa có chợ phiên... Ngày hội sinh viên cao
đẳng, vui lắm. Chị sửa soạn đi nhé? Sửa soạn đi để làm hoa khôi... Thế nào hôm ấy
em cũng phải đến lôi chị đi dự! Chị ạ, ở Hà thành chợ phiên không buồn tẻ như
chợ phiên các tỉnh đâu? Còn nhớ ngày năm ngoái... úi chao ôi! Cũng ngày hội
sinh viên cao đẳng...
Đến đây, Yến nghiêng đầu nghẹo cổ, lim dim hai con mắt, say sưa nói một cách
văn vẻ bằng những giọng tiểu thuyết:
- Chị ạ, đó là những ngày vui vẻ trẻ trung mà không bao giờ em quên trong suốt
cả một đời em, vì em thấy đời là đầy thú sống, đầy ánh sáng và hy vọng, và người
đời không một ai đau khổ cả. Những ngày như thế chính là những ngày đầy thi vị
nó khiến ta quên chết.
Yến đương nói đến đây bỗng có một giọng lanh lảnh cất cao sau lưng cô:
- Thế nào, cô xong mâm cơm cho bố chưa thế, hử cô?
Yến giật mình đứng lên quay lại. Đó là bà huyện. Mặt bà hầm hầm, không phải vì
mới ngủ dậy nhưng vì căm giận cô chiêu. Yến chào thì bà đáp gọn một câu sắc như
một lưỡi dao:
- Không dám!
Thấy giọng lạnh lùng, Yến hơi ngạc nhiên về tính nết bà mẹ Dung mà Yến biết xưa
kia không thế. Yến bẽn lẽn xin cáo lui.
Khi tiễn bạn đến bậu cửa, vô tình Dung thở dài. Nàng tìm một câu để nói dối:
- Đấy, chị xem, có phải mẹ em thay đổi khác trước nhiều lắm không? Mẹ em chỉ vì
đồng bóng mà thế. Buồn lắm chị ạ!
CHƯƠNG1 II
G
ay gắt, mặt trời, trước khi lặn, chiếu một thứ ánh sáng vàng
đỏ như thu cả cảnh vật vào trong khu vực một đám cháy dữ dội. Nước phù xa đỏ ngầu
lại chiếu hắt ánh sáng gay gắt ấy lên không gian. Giữa lúc nắng xiên khoai khó
chịu. Phú thấy như trên đầu, dưới chân, sau lưng, chỗ nào cũng có mặt trời. Thật
vậy, mặt trời ở trên, ở tả, ở hữu, ở cả chung quanh mình Phú, ở khắp tứ phía!
Chàng bèn khoanh tay trên đầu gối, kề đầu vào một cành ổi, nhắm mắt lại để thở.
Cụ Cử cũng nói với ra xa:
- Thôi hãy nghĩ tay một lát đã, con ạ.
Phú nhắm mắt được một lúc bỗng lại choàng mở mắt. Chàng lẩm bẩm: "Chết! Tối
đến nơi rồi, mình không cố không xong". Rồi chàng nhìn xuống nước.
Một vài con niềng niễng bay tung tăng, đậu vào một vài cái lá ổi rồi lại bay xuống
nước, đảo đi đảo lại mấy vòng rồi chìm lỉm. Những con vẽ bùa - những chấm đen
tròn - trên mặt nước, phô ra cái quang cảnh tưng bừng của một cuộc khiêu vũ cuồng
khấu và vô ý thức. Xa xa, trong làn nước đỏ đục lờ có mấy cái cành cây mục, mấy
lá tre khô, một vài con đỉa lẳng lặng ngoi lên ngóng mồi rồi lại từ tốn nấp dưới
một cây tre thả dài có vẻ như chỉ chờ Phú có việc gì phải thả chân xuống nước
là kéo ùa nhau đến, sẵn lòng. Phú cau mày lại, kinh tởm, nhổ một bãi nước bọt
xuống nước, và tình cờ, đã đuổi đàn vẽ bùa ra một nơi xa.
Chàng bực mình với làn nước đã làm cho bao nhiêu người khổ sở, để cho những
loài vật gớm ghiếc như thế sống sung sướng ở những chỗ chẳng phải của chúng.
Làn nước, làn nước khốc hại đã phá bao nhiêu hoa màu của bao nhiêu ruộng đất
phì nhiêu để cho hàng mấy vạn người đói khổ và một ít người ở chỗ khác, nhân cơ
hội, trở nên sung sướng. Ngẫu nhiên và dĩ nhiên, Phú nghĩ đến cái quyền thế
thiêng liêng an bài ra những cái họa phúc ấy: Trời. Chàng nghĩ đến số phận hẩm
hiu của đồng bào, rồi nghĩ đến những tai họa kế tiếp dồn dập nhau đến hành hạ
người dân quê lầm than: sưu thuế, mất mùa, hạn hán, lụt, bão, xổ số, bã rượu lậu,
bao nhiêu là cái nó làm cho cả một dân tộc phải chịu triền miên trong sự suy
vong, trong sự đốn mạt, và thẳng tiến đến cái diệt chủng. Phú thấy rằng nếu có
Trời thì ông Trời ấy kỳ quặc lắm, ở chỗ như có thâm thù gì riêng với người Việt
Nam. Cái óc không tín ngưỡng của một thiếu niên vô đạo như Phú bị kích thích mạnh.
Chàng lầm bầm như một kẻ hàm phu và vô học: "Thôi, tiên sư cả trời!..."
Cách đấy năm bảy bước, cụ Cử bỗng giật nẩy mình. Cụ thấy hình như bên tai cụ vừa
có tiếng vang của một lời càn rỡ. Cụ ngơ ngác nhìn về phía cây ổi, hỏi:
- Hả? Mày vừa nói gì thế, con?
Phú vội vàng chối cãi:
- Con bực mình vì hỏng mất cái này rồi!
- Hỏng mất cái gì.
Phú đứng lên, mó đến cái áo cánh phơi ở một cành ổi khác từ lúc giữa trưa mà rằng:
- Rách toạc mất cả một bên vai áo!
Cái áo chưa khô hẳn, Phú khoanh tay xoa lưng, xoa ngực, và hơi vui vui trong
lòng khi thấy rằng hình như ít lâu nay ngực chàng đã nở thêm ra. Bắp thịt ở
cánh tay cũng to và rắn hơn cũ. Phú lại thấy đủ sốt sắng để nối đoạn dây thừng,
dòng qua mấy cành ổi để cuối cùng thì buộc nó vào giữa thân cây. Thế là xong việc,
vì chưa nghĩ ra việc khác.
Cả ngày hôm nay, từ sáng sớm, Phú đã làm được mấy việc cần kíp. Nào là chặt
tre, đóng thành gióng, kê giường phản lên trên, cột cả lại thành một mảng chắc
chắn như một cái bè thả lưng chừng nhà. Rồi lấy thừng buộc bốn cột nhà vào cây
cau, cây mít, bụi tre, cây ổi, ở bốn phía, phòng cho gian nhà mảnh dẻ khỏi bị
sóng gió đánh trôi đi. Theo kiểu ông chánh Mận, Phú đã hoàn thành được chỗ ở
kín đáo, vững chãi, cái việc mà mẹ và chị chàng không làm được từ trước. Phú lại
vớt được cả cái giại tre ở dưới đất lên, kê nó vào chỗ mái gianh hổng để thay
làm một cái phên, phòng mưa. Chàng lại mò được cả một mảnh vại vỡ để cho mẹ có
thể dùng nó ngay trên phản làm một thứ bếp, không phải như trước dùng cái bếp đất
thó để trên hai cành tre bên ngoài mái gianh. Đó là "chỗ ở" của cụ Cử,
cô Tuất, và thằng cu Hiền. Biết rằng không thể sống đụng chạm với người chị còn
trẻ tuổi dưới một cái mái gianh mà khi ra vào người ta phải gập gẫy lưng xuống
khó chịu như chui vào tổ tò vò, Phú đã dỡ một bên mái bếp ra, lấy những tầu lá
gồi phủ ngang dọc lên mấy cành ổi. Dưới cái mái giản dị ấy, Phú buộc một cái
võng, mò được ở bếp lên. Cái võng xưa kia mắc ở một bên bếp nên khi dỡ mái bếp
xong, Phú chỉ việc cho hai chân xuống nước, dìm người chìm đến ngực, rồi lấy
ngón chân là đủ kều lên được. Như vậy, Phú cũng có một "chỗ ở" riêng.
Cây ổi ở sau bếp cách gian nhà chừng bốn thước. Hai cây tre là một "cái cầu"
cho Phú đi về. Một cây bắc từ một cành ổi, sát với mặt nước để giẫm lên mà đi,
cho cây nữa thì bắc cao hơn, để vịn tay. Ấy chính vì cái cầu ấy, vì mực nước có
khi tràn lên ngập cầu, mà Phú thấy rằng đỉa là một giống đáng ác cảm.
Làm lụng và xếp đặt như vậy xong, Phú mới ngạc nhiên rằng sao mình lại có thể
làm được những việc như thế. Chàng hiểu câu cách ngôn "Le besoin rend
ingénieux" và câu "Đói thì đầu gối phải bò". Chàng
nghĩ đến chuyện Robinạon đã đọc mấy năm trước. Tuy vậy, chàng vẫn thấy ngứa cả
đầu, không biết thu xếp cho con mèo và lồng gà mẹ gà con như thế nào cho ổn thỏa.
- Mày xong chưa thế, con?
- Dạ, con xong rồi.
- Thôi thế sang mà ăn cơm.
- Để con nghỉ lát nữa đã, đẻ ạ.
Phú trèo qua một cành cây, bước qua một cành nữa, rồi nằm vào võng. Chàng nhìn
cái mái lá gồi trên mặt, yên tâm, vì ngay lúc ấy, một cơn gió to thổi ào ào mà
những tầu lá vẫn ở nguyên khớp lại chứ không suy chuyển gì. Chàng thấy tuy vậy
mà cảnh đời lụt lội cũng có những cái thi vị của nó. Chàng khẽ đẩy chân vào một
cành cây để đưa võng. Rồi nhìn sang tả, rồi quay về hữu. Lúc ấy, một đám mây to
đã che khuất hẳn mặt trời, làm cho giữa không gian có một cái "nhài quạt"
và trên chỏm đám mây ấy có một cái "lưỡi chai". nhà cửa, cây cối, cảnh
vật bị nước ngập chôn mất một nửa, thì lại được tấm gương trên mặt nước nhân
lên với con số hai. Và những con ếch nhái cất tiếng chào ban đêm, đã kêu inh ỏi
để phá tan cái im lặng có gió thổi hây hây của buổi chiều. Mải trông cái cảnh
trời nước mênh mông như thế, người ta phải lo lắng nghĩ về ngày hôm sau, và thấy
trong lòng phân vân, ngao ngán hết sức.
- Phú ơi, tao bắc cơm rồi đây.
- Thôi, chật chội thế, đẻ và chị cứ ăn trước đi. Tôi sẽ ăn sau cùng.
Đáp xong Phú nghển cổ lên, nhìn về phía mẹ. Vừa lúc ấy thấy cô Tuất thấp thoáng
trong cái tối mờ của mái gianh, chàng lại hỏi:
- Cháu nó vẫn ngủ à, chị?
- Nó vẫn ngủ.
- Thôi thế chị ăn mau lên không có nó dậy nó lại quấy.
- Cậu cũng ra ăn đi cho xong có được không? Tối rồi, còn gì!
- Ừnào, thì ăn đi cho xong!
Nói đoạn, Phú bỏ cái võng. Chàng ngồi lên rồi vội quờ tay bám lấy một cành ổi
vì lảo đảo suýt ngã. Phú quên khuấy là võng treo trên mặt nước. Chàng nghĩ thầm:
"Thế này mà giữa lúc ban đêm choàng dậy, còn ngủ mê mà nhảy ùm xuống nước
thì chí nguy". Nhân cái sợ ấy, Phú lại nghĩ đến đàn đỉa. Chàng trông trước
nhìn sau, bẻ một thanh nứa dài, nghiêng mình cúi xuống mặt nước, cầm thanh nứa
khuấy nước bì bõm.
Tức thì tất cả những con đỉa nấp dưới "cầu tre" chạy đến chỗ ấy. Phú
đếm nhẩm, thấy ít ra cũng trên một chục con. Chàng rùng mình, vội vàng leo ra
mái bếp xuống cầu, vịn thành, chạy ba bước.
Bữa cơm có một nồi cơm thổi lẫn với khoai sọ. Cái nồi ấy mà đầy thì may ra được
chín bát đúng. Nhưng nó lại không đầy. Cụ Cử vừa xới cơm ra bát vừa mắng con
gái:
- Bảo vay một nửa gạo một nửa khoai thì lại đi vay cả rá gạo!
- Người ta không có khoai thì đẻ bảo vay vào đâu?
Phú nói:
- Cứ phải vay mãi ông chánh Mận thì khổ thật.
Câu nói ấy của Phú làm cho mẹ và chị im lặng. Hồi lâu, cô Tuất nói:
- Biết làm thế nào?
Cụ Cử chép miệng, nói lảng:
- Ấy cơm nước mà được nồi cơm khoai sọ thế này đã là phúc đấy.
Cô Tuất thuật chuyện:
- Ông cụ bô Điềm nhịn đói đến bữa hôm nay đã là ba bữa rồi!
Chợt nghĩ đến ông cụ già tám mươi tuổi ấy, Phú trừng mắt nhìn Tuất rồi ngậm
ngùi hỏi:
- Thế à, sao chị biết?
- Thấy bà đám Hương nói chuyện.
- Rõ tội nghiệp nhỉ? Thế lão trưởng đi đê từ độ ấy vẫn chưa về à?
- Nào đã về!
Đến đây, Phú thấy nghẹn ngào, miếng khoai sọ như không nuốt trôi được. Vì ông
bô Điềm là một ông già tóc bạc phơ hiền lành, xưa kia lại hết sức có cảm tình với
Phú. Chàng lấy làm lạ sao trước một cái tin thương tâm như thế, cụ Cử vẫn cứ ăn
uống ngon lành như thường... Cả cô Tuất, người báo tin ấy, cũng vẫn giữ được
nét mặt thản nhiên, và xem ý ăn cơm vẫn ngon. Phú kết luận: bị giam trong cảnh
đói khát, tâm thuật người ta phải trở nên bần tiện, thiếu tính tình tốt đẹp. Muốn
khỏi phải giữ cảm giác nặng nề ấy, Phú nhìn đến thằng cháu rồi hỏi chị:
- Độ này cháu còn hay bú nhiều không?
Cô Tuất vừa lúng búng miếng cơm trong mồm vừa đáp:
- Quấy, đòi bú suốt ngày. Cơm những khoai thế này khó bón cho nó lắm.
- Thôi thế thì chị cứ ăn rõ no cho nó bú còn hơn, chị ạ!
Phú nói thế xong mới nhớ rằng nhà vừa phải đi vay gạo. Vừa gặp lúc hết bát cơm
thứ nhất chàng bèn để bát xuống cái mâm gỗ:
- Thôi, tôi nhường cho cháu.
Nhưng cụ Cử vội chìa tay ra đòi lấy cái bát mà rằng:
- Đưa đây! ăn bát nữa! Mày đã làm lụng vất vả cả ngày thì phải ăn cho đủ. Cái
nhường là để tao! Tao già cả ngồi một chỗ, sống vô ích, sống báo hại con cái,
cũng chả nên ăn nhiều mà làm gì.
- Thôi, tôi đã bảo tôi không ăn là tôi không ăn nữa.
- Đưa bát đây! Nồi cơm có chừng sáu bát, thì chị mày nó có con, nó còn phải cho
con nó bú, thì để nó ăn ba bát, mày thì ăn hai, còn tao thì ăn một thôi.
Thấy mẹ nói đến con số những bát cơm là một sự bần tiện, Phú đứng lên gắt:
- Thì tôi đã nói thế mà! Sao mà bà nói nhiều thế!
Cô Tuất cũng nói để lời gắt của Phú được nhẹ tội:
- Thì đẻ cứ xơi hai bát như mọi khi có được không?
Biết mình có lỗi, Phú nghĩ ra một cách nói lảng. Lần thứ nhì, chàng lại đem việc
thằng cu Hiền bị trói bằng thắt lưng lụa vào cột ra trách chị mình là nhẫn tâm.
Rồi chàng chợt đập tay xuống phản, làm bộ mừng rỡ:
- À, để tôi mò cái chạn bát lên mới được! Liệu có còn không hở chị? Hay trôi đi
mất rồi? Cái chạn bát ấy, ta rút những thanh tre trên nóc ra, ta để lên phản, rồi
đặt cháu nó ngồi vào...
Cô Tuất cũng gật đầu biểu đồng tình:
- Phải đấy, cậu thử mò xem. Nếu còn thì phòng khi đi đâu, không phải trói cháu
vào cột nữa.
Cụ Cử phê bình câu chuyện:
- Rõ thảm hại! Tội nghiệp cho cháu tôi!...
Tuy vậy, cụ vẫn nhớ là không ăn bát thứ hai nữa, vẫn có ý nhường cho Phú, thấy
vậy, Phú biết rằng không còn nên ngồi đấy nữa. Chàng ngửa cổ, rót nước vối ở một
cái ấm đất vào mồm, xong rồi lại qua cái "cầu tre" mà về cái võng của
mình.
Cảnh hoàng hôn đã tắt hẳn. Màn đêm đã rủ xuống mặt đất. Một ít tinh tú đã bắt đầu
đâm thủng cái xám xịt của không gian để soi lấp lánh một ít chấm sáng yếu ớt. Một
con cú kêu lên mấy tiếng nghe mà ghê sợ, trên một cây cao ở đầu làng.
Cái vẻ ảo não thê lương của tiếng cú kêu khiến Phú thấy rùng mình một cách vô
căn cứ. Thốt nhiên chàng cũng để trí phán đoán chìm đắm vào dị đoan. Chàng nghĩ
đến câu "Cú kêu cho ma ăn". Chàng thấy, đó hình như là một điềm xấu
cho ông cụ già đã tám mươi tuổi mà phải nhịn đói đã ba bữa, cụ bô Điềm. Giá trời
chưa tối thì thế nào Phú cũng mượn đò sang thăm ông lão...
Lan man, Phú nghĩ đến nhiều cảnh khổ mà nạn vỡ đê đã gây ra. Chàng muốn kết án
sở lục lộ, những tay thầu khoán vô lương tâm đắp đê bằng cát, sự săn sóc đê điều
của quan trường trong đó người ta đã để cái lợi về tre về phu lên trên cái lòng
lo phận sự và thương xót nông dân...
Phú nghĩ đến mai kia, rá gạo mà hết...
Chàng lầm bầm tự hỏi: "Sống? Làm thế nào để sống? ừ, làm thế nào cho sống
nổi bốn cái miệng?".
Sau cùng thì chàng thở dài nghĩ đến cái bất trắc của số phận, lo lắng không biết
người ta có để yên cho mình sống khổ sở trên mặt nước tìm cách nuôi gia đình
hay không? P
hú vẫn thỉnh thoảng lại giật mình về tội vượt ngục.
CHƯƠNG1 III
M
ười giờ sáng hôm ấy, lúc hai trăm chính trị phạm, do một toán
lính khố xanh đi kèm, đáp tàu từ Côn Đảo về Hải Phòng, đáp hỏa xa từ Cảng về Hà
Nội, xuống mấy bực đá thềm nhà ga phố Hàng Cỏ, thì có ba chiếc xe hơi kiểu cam
nhông của sở Liêm phóng đã sẵn sàng đợi họ.
Ngót hai chục tay thợ ảnh và phóng viên các báo xông đến trước mặt họ nhưng phần
nhiều bị những viên mật thám Tây và ta xua đuổi đi ngay. Những chính trị phạm bị
người ta vội vàng dồn lên ba chiếc xe hơi. Trong nháy mắt, hai trăm con người
đã bị lèn chặt, gọn thon lỏn trong ba chiếc xe khổng lồ ghê gớm ấy, đó là chưa
kể số lính đi giải họ. Tiếng động cơ ba chiếc xe hơi nổ ầm ầm, rồi ba chiếc xe
cùng thẳng tiến về phố Hàng Cỏ, để lại cho công chúng đứng nhìn một ít khói xám
khét lẹt của ét xăng...
Trong đám công chúng tề tựu lại trước nhà ga lúc ấy, không phải chỉ có toàn một
hạng người nhà du, tình cờ gặp cái đáng xem thì dừng chân tại đó. Ngoài số nhà
báo và thợ ảnh, lại có cũng ngót hai trăm người, những thân bằng cố hữu của
chính trị phạm định đến đón những người sống sót ấy tại cửa ga. Phần nhiều đều
không hiểu rằng trước khi được trao trả cho tự do, những tay cách mệnh kia còn
phải đến sở Căn cước để nhà chuyên trách có thể xét lại một lần nữa và, cũng một
lần nữa, được yên trí là chẳng thả nhầm tù. Họ đi đón như đón người thường vậy.
Cho nên khi thấy hai trăm người kia lại bị dồn vào xe hơi giữa vòng vây của
lính, cảnh binh, mật thám, thì những người đi đón ấy bàn tán xôn xao, ngơ ngác
nhìn lẫn nhau lấy thế làm lạ lùng. Nhưng một viên cẩm sở Liêm phóng, trước khi
lên một chiếc xe hơi nhỏ, đã nói với họ mấy câu: "Các người không lo! Những
tù nhân này phải giải về sở Căn cước để xét căn cước xong thì được thả
ngay". Thế rồi chiếc xe hơi nhỏ ấy cũng mở máy chạy nốt.
Như một đám đông có tổ chức trong đó ai cũng nghe theo một hiệu lệnh, tất cả ngần
ấy người đều cùng nhau kéo về phố Hàng Cỏ, chia nhau ra, tản mát, thành từng tốp
nhỏ, họp ở giữa cái phố nối tòa án với Công an cục. Đó là người bố, người mẹ,
người vợ, người con, người bạn thân, của những chính trị phạm kia. Về hàng bố
thì có từ ông già quắc thước, đôi kính trắng trên cái xe nhà sơn đồi mồi cho đến
ông già áo lương trắng, khăn nhiễu tam giang, chân giẫm đất một cái quạt gài
vào thắt lưng... Về hàng mẹ thì có từ bà cụ tai và cổ tay nặng chĩu những vàng,
hai tay chắp sau lưng, mồm phì phào mồi thuốc sâu kèn, lông mày nhíu lại, điềm
nhiên, mắt nhìn nghiêng mà nghe người khác nói chuyện, cũng như có những bà già
nhà quê, cử chỉ nhút nhát, cái gì cũng hỏi và bạ ai cũng hỏi, quần áo luộm thuộm,
hay đặt ngửa cái nón xuống đất để ngồi vào... Những người vợ, những người nhân
tình, những bạn hữu, giai và gái của những chính trị phạm kia, hỗn hợp thành một
quang cảnh lạ mắt: những cái mặt không phấn sáp, những cái áo the thâm nhũn nhặn
trong đám những cái môi hình quả tim, những cái mắt có quầng đen, những cái áo
dài lùng thùng màu sặc sỡ; người đàn bà nhí nhảnh vừa đứng đánh phấn dưới gốc
cây vừa cười, đi đón người chồng tù bằng cái vui vẻ chợ phiên, với người đàn bà
trầm ngâm có đứa con ở nách và đứa nữa ở sau lưng; những ông nho nhã trong quốc
phục hủ lậu, đi đón bạn cũ mà vẫn giật mình thon thót vì sợ có thám tử biên tên
vào "sổ đen", với những tay làm báo hùng hổ, liều lĩnh, bặng nhặng chạy
đi chạy lại và nói to những lời táo tợn như đã định ra đi với cái chủ tâm khiêu
khích... Cả cái đám đông hỗn tạp có đủ các hạng người ấy tỏ ra rằng số chính trị
phạm kia, quốc gia và quốc tế, là người của đủ các giai cấp bình dân và quý
phái, vô sản và phú hào.
Nhưng hiện giờ thì họ ăn mặc như nhau, hoặc gần như nhau. Nghĩa là người nào
cũng chân giẫm đất, một cái mũ vô nghĩa lý như một miếng da nát trên đầu, cái
quần và cái áo thì không ra màu nâu, không ra màu gio, cũng chẳng ra màu đen,
thứ y phục đặc biệt của Côn Đảo, với cái đầu trọc lốc, cái quai hàm tua tủa những
râu và ria, những nét mặt hóa ra ghê tởm, hung bạo, gớm ghiếc. Trông thấy những
người mà một chế độ lao tù đáng khiếp đảm đã làm cho thần thái có cái vẻ của những
quân kẻ cướp, sát nhân, người ta không dám tin rằng đó là những tấm linh hồn đã
đau khổ vì tư tưởng quốc gia, xã hội, và ngay chính những thân nhân của chính
trị phạm nữa cũng không biết rằng có phải đây là những người của ngày xưa hay
không! Từ thềm nhà ga bị dồn lên xe, lại từ xe bị khua vào sân sở Liêm phóng,
những chính trị phạm đã gieo vào đầu óc thân bằng cố hữu của họ một mối cảm
giác không được tốt đẹp cho lắm. Người ta đã bố trí làm cho một bọn cách mệnh
phải có cái vẻ bề ngoài của bọn trộm cắp thường. Bọn phu xe, những hàng rong, bọn
trẻ con, khi trông thấy, đã bảo nhau: "Ạ! Ạ! Giải tù! Giải tù ở đâu về! Mà
lại là khách, chúng mày ạ!".
Độ một giờ sau, vài ba chục chính trị phạm đã từ sở Căn cước thong dong đi ra.
Từ lúc ấy trở đi, họ mới được tự do thật sự. Ấy thế là trước vườn hoa cửa tòa
án, người ta xúm nhau từng đám một để tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau. Sự hồi hộp
của bao nhiêu quả tim, cái mừng đến ứa nước mắt, bao nhiêu tình cảm vẫn phải giữ
ép bấy nay trong lòng của những người đã tưởng không bao giờ gặp mặt nhau nữa,
cái cảnh gia đình tan nát được cứu chữa lại, ngần ấy thứ có thể làm cho những
viên thám tử lẫn vào đám ấy để nghe ngóng cũng phải cảm động, thấy nao nao cõi
lòng.
Khi số được ra đã trên một trăm rồi, anh em hẹn nhau rồi dần dần phân tán, người
nào về với thân nhân người ấy. Bọn chính trị phạm vì quốc tế thì cùng với một số
nhà báo ta khuyên về họp mặt nhau ở báo quán Lao Động là một cơ quan
ngôn luận mới ra đời được ít lâu, khuynh hướng về chủ nghĩa xã hội. Vườn hoa
tòa án trước tấp nập, từ đây vắng dần. Chỉ còn dăm bảy người đi đón vẫn đứng
ngóng ở sở Liêm phóng ra ý chờ đợi.
Người chính trị phạm được thả ra cuối cùng là giáo Minh.
Khi đến sân tòa án, Minh cũng hơi ngạc nhiên vì không thấy Phú đi đón. Trước
khi xuống tàu về nước, chàng đã có gửi về nhà một lá thư. Dọc đường, anh em đồng
chí đều biết tin nước lụt ở Bắc Kỳ, Duy có chàng vì sốt rét, lúc nào cũng mê
man trong chăn nên không biết.
Chẳng kịp để ý đến lời dặn bảo hấp tấp của mấy anh em cũng ra muộn như chàng
nên vội vàng thuê xe về ngay tòa báo Lao động, Minh đứng ngơ ngác dạo
quanh mấy bước, sợ rằng Phú lúc ấy chẳng hiểu có đứng lẫn vào đám người đi xem
xử kiện và hầu kiện đó không... Thì một ông già, một người đàn ông đứng tuổi và
một người đàn bà, cả ba cùng là dân quê, chạy lại cùng hỏi chàng rằng
"trong ấy" còn bao nhiêu chính trị phạm chưa được tha.
Minh lắc đầu, đáp chung:
- Tôi ra sau cùng đây! Trong ấy không còn người nào cả!
Cả ba người chớp mắt sợ hãi, nghi ngờ nhìn Minh tựa hồ như đó là chàng vừa bông
đùa, miệng người nào cũng tròn tròn. Họ lại gặng hỏi lần nữa. Minh đáp như trước.
Tức thì ông cụ già dơm dớm nước mắt, hỏi qua cái giọng nghẹn những uất ức:
- Thưa ông, hay là cháu nó chết mất ngoài ấy rồi?
Người đàn bà quay lại nói với bà lão già ngồi ở một gốc cây, ra ý phân vua:
- Hết rồi bà ạ. Tôi vừa hỏi ông đây này! Chú ấy có được tha đâu! Bảo bà thì bà
chẳng nghe, bà cứ nhất định bắt đi đón!...
Bà lão nhà quê cũng vội đứng lên, cầm lấy nón, chạy đến chỗ Minh, phều phào hai
hàm răng móm hỏi:
- Thưa thầy, thế ra cháu lại không được tha?
Minh thấy câu đáp của mình là rất hệ trọng. Chàng cau mày một hồi lâu rồi nghĩ
ra một cách hỏi lại cả mấy người ấy:
- Hay là được tha rồi đấy mà không gặp nhau? Những hai trăm con người lố nhố
như thế, lại mấy trăm người cũng lố nhố như thế, không trông thấy nhau chăng?
Một mối hy vọng bâng quơ chiếu sáng vào mặt cả mấy người...
- Ừ, hay là như thế đấy nhỉ?
- À nhưng mà bà cụ đón ai? Ông cụ đón ai? Bác này đón ai?
Ông lão nhà quê vội nói:
- Tên cháu là Mạch đấy ạ! Lê Văn Mạch!
Minh nhăn mặt cố nhớ, lầm bầm:
- Lê Văn Mạch... Nhưng quốc sự phạm hay thường phạm?
Ông lão nhìn quanh sợ hãi rồi mới khẽ nói:
- Cháu bị đi đày vì đảng Việt Nam Quốc dân...
- À! Tôi nhớ ra rồi! Có! Chưa chết! Nhưng mà chưa được tha đâu, cụ ạ! Nhưng mà
cụ chớ lo, rồi cũng phải được tha như tôi.
Bà lão len vào giữa hai người, lại phều phào:
- Cháu nó là Vũ Văn Tích ông ạ.
Nghe đến cái tên ấy, Minh thấy như có một miếng nước đá chạm vào sống lưng. Cả
một tấm kịch đổ máu ở Côn Đảo lại hiện ra trước mắt chàng. Một buổi đi lấy san
hô... Ngày hai mươi bốn tháng chạp, trời rét, nước bể như dao cắt vào da thịt...
Tám mươi tội nhân hoàn toàn trần truồng trên hai cái sà lan, dưới quyền đánh đập
của bốn tên lính mã tà và ba người cai Tây. những cái kẽ đá có ngách, người ta
lèn vào bằng bốn chiếc đòn ống. Tám chục người bẩy bốn cái đòn ống ấy để lấy khối
an hô đứng trên những mỏm đá mà sóng bể đập vào ùm ùm. Chợt Vũ Văn Tích, đứng
trên một mỏm đá có rêu, trượt chân... Tích ngã ngửa, đập đầu vào một tảng đá
khác. Một tên mã tà lầu nhầu chửi rủa rồi đến khiêng Tích đặt vào sà lan. Những
người khác cứ phải làm lụng như không có sự gì xảy ra cả, và phải mặc cho Tích
kêu rên với cái sọ ri rỉ chảy máu, trước sự thản nhiên của bọn gác tù.
Ba giờ sau, "kíp" tù ấy lấy được bốn khối san hô lớn và để chết mất một
anh em. Xong việc thì Tích chết thật ngay đó. Việc ấy xảy ra đã hai năm nay.
Bây giờ, đứng trước một bà lão không biết cái chết thương tâm của con, ngây ngô
nhắc lại tấm thảm kịch ấy. Minh bỗng thấy muốn ứa nước mắt. Chàng nuốt sự xúc cảm,
nắn cổ mình, nói:
- Ờ ờ! Ờ ờ!...
Thấy không cầm được nước mắt, Minh vội vàng cúi xuống gãi chân, và nói:
- Anh Vũ Văn Tích cũng chưa được tha như anh Lê Văn Mạch...
Chàng chờ cơn xúc động nguôi đi rồi đứng lên, vừa lau nước mắt, nước mũi vừa
nói dối:
- Ấy tôi mắc bệnh sốt rét, thỉnh thoảng nước mắt nước mũi lại chảy ra ròng ròng
như thế này.
Minh ngừng lại, nhìn kỹ mặt người bố, người mẹ già, và người chị dâu của hai
người bạn đồng chí. Nôn nao cả cõi lòng. Minh còn cố nói dối được bằng mấy câu:
- Thôi hai cụ cứ về nhà, yên tâm. Chẳng chóng thì chầy, không ba tháng thì nửa
năm, quan trên người ta còn xét dần dần chứ ai cũng tha ngay một lúc thế nào được!
Mà bây giờ ở ngoài đã được đối đãi khá hơn trước nhiều lắm.
Bà lão mím mồm lại mà nhìn Minh, cái vẻ móm làm cho hai cặp môi biến đi đâu mất,
cái cằm thì vều ra. Rồi gật gù cái đầu ra ý tin, lại hỏi:
- Thế thì bao giờ cháu được tha hở ông?
- Thưa cụ, cái đích xác thì cháu không biết, nhưng thế nào rồi cũng được tha về
với cụ, cụ cứ yên tâm. Thôi chào hai cụ.
Nói xong Minh vội vàng lôi cái mũ nát nhẽo ở đầu lên và quay đi, biết mình thế
là vô tình nhưng dùng dằng thì sợ sự nói dối lại bại lộ, và sẽ làm khổ người
khác một cách vô ích.
Chàng quay đi một cách nhẫn tâm, tảng lờ như không nghe thấy tiếng gọi
"Ông ơi!" của bà lão già, Minh trông đến quang cảnh quanh tòa án vẫn
không chút gì thay đổi mới giật mình vì thời giờ đi nhanh. Chàng còn nhớ mới
ngày nào bị xích tay dẫn vào đây mà hôm nay, hình như mới có một lát, mà đã bảy
năm, không biết nay về Tổ quốc thì xã hội đã thay đổi thế nào, chứ chàng nghiệm
rằng sau ngần ấy năm tù tội, cái gan của chàng hình như vẫn giữ được Duy nhất.
Minh đương đi lang thang với một cái khăn gói trên vai, còn phân vân không biết
nên đến nhà người nào trong họ hàng để biết ngay tin tức về mẹ thì chợt có tiếng
gọi bên cạnh:
- Minh ơi Minh! Anh Minh đấy có phải không?
Chàng nhìn lên... Trên một chiếc xe nhà, một thiếu niên âu phục bảnh chọe đương
nghển cổ, một tay ra hiệu cho người phu xe đỗ xuống. Minh không nhận được ra
người ấy là ai và đáp:
- Phải Minh đây!
Người ấy chạy đến bắt tay rất sốt sắng, nói rối rít:
- Mới về chuyến tàu sáng chứ gì? Anh không nhớ tôi là ai à? Giáo Quang đây mà?
Quang lớp nhì trường huyện Tiền Hải ngày xưa ấy mà!
Minh vỗ vai người bạn cũ sung sướng nói:
- Gớm, sao mà béo thế? Sung sướng có khác! Nhưng sao bây giờ lại ở đây thế này?
Làm việc tòa án đấy à?
- Phải, đổi ngạch rồi, anh ạ. Đã năm năm nay. Thôi đã gặp anh ở đây thể nào anh
cũng phải về nhà tôi mới được. Về ở một hai hôm nghỉ cho đỡ mệt rồi hãy về
nhà... à thế nào, ở tỉnh nhà nước lụt, có biết không?
Minh trợn mắt sửng sốt:
- Chết! Nước lụt à? Thế bà cụ nhà tôi anh có biết ở đâu không?
- Phải. Bà cụ thì vẫn ở nhà quê. Tôi không biết tin tức cụ độ này ra sao vì đã
đến hai ba tháng nay tôi không gặp thằng Phú đâu cả.
- Có lẽ vì thế mà nó không đi đón tôi cũng nên. Liệu người nhà tôi có ai việc
gì về nước lụt không, anh?
- Chắc không, vì nếu có sự gì thì tất phải đến tai tôi rồi. Thôi, anh lên xe
đi. Về ăn cơm trưa với tôi một thể rồi làm gì hãy làm, đi đâu hãy đi...
Minh ngần ngừ rồi nói:
- Có lẽ không được. Ừ, tôi còn phải đến nhà báo Lao động. Anh có biết tòa báo ấy
ở phố nào không?
- Có, nhưng anh đến đấy làm gì?
- Anh em dặn thế.
- Anh sang bên "cộng" rồi đấy à?
- Ai bảo anh thế?
- Thôi thế thì đốt cái việc đến báo Lao động đi! Về chén cái đã! Mình
không nên dính đến những cái ấy mà họ cho là mình thay đổi tư tưởng.
Nói đoạn, người bạn của Minh đun chàng lên cái xe nhà, rồi cùng lên ngồi. Chiếc
xe chạy về phố Phạm Phú Thứ.
CHƯƠNG IV
K
hi Phú sang đến nơi thì ông chánh Mận đương có việc với ông
lý trưởng. Sợ vào ngay không tiện, chàng vẫn đứng trên bè chuối, hai tay vịn
vào cái tường có mảnh chai tua tủa xiên lên. Giữa lúc ấy có một người đàn bà
trong làng mà Phú không biết tên cũng đứng trên bè chuối ra ý chờ đợi, và có lẽ
phải chờ đã lâu lắm.
Con chó bông đi đi lại lại trên nóc nhà thỉnh thoảng lại vươn cổ cắn với ra mấy
tiếng như xua đuổi một kẻ đến nhờ vả. Nghe thấy chó cắn, tuy vẫn ngồi quay lưng
ra, ông chánh Mận cũng nói rõ to:
- Ấy tôi đã bảo thế mà nhà chị cứ đứng đấy thì mặc kệ nhà chị.
Chừng như câu nói hắt hủi ấy cũng là quý hóa lắm rồi, người đàn bà chẳng để lỡ
cái dịp được người ta mắng mình thì mình mới được đáp, bèn vội van lơn bằng một
giọng cực kỳ khổ não:
- Bẩm ông, con chỉ xin ông một lần này nữa thôi... Thật thế, con xin cam đoan
là lần cuối cùng. Ông đã làm phúc thì xin ông làm phúc cho chót...
Người đàn bà còn lải nhải nói nhiều nữa nhưng bị tiếng chó cắn lấn át mất cả. Đến
lúc ấy, ông chánh Mận mới hút xong mồi thuốc lào và đứng lên quay ra...
- Này tôi bảo thật, nhà chị không đi thì tôi cho chúng nó ra đuổi chị ngay bây
giờ cho mà xem! Léo nhéo mãi, điếc tai lắm.
Mắng xong người đàn bà, ông ta trông thấy Phú, ông đổi ngay nét mặt, đổi ngay
giọng nói, hòa nhã mời.
- Có cầu tre ở trong đấy, cậu cứ trèo qua tường mà vào.
Ông lý trưởng ngẩng nhìn lên, vẻ mặt có ý khó chịu. Con chó bông cũng sủa vang
lên. Phú biết sẽ phiền cho ông lý, song cứ trèo tường vào ngay vì chàng thấy rằng
nếu cứ đứng ngoài với người đàn bà thì sẽ bị coi rẻ như người ấy mất. Mặc! Cứ
biết đã mời thì vào, chàng chẳng cần kể rằng hai người đã xong chuyện với nhau
hay chưa.
Phú sang không vì mục đích vay mượn gì, nhưng vì người nhà của chàng vẫn vay mượn
nên Phú cũng ngượng. Chàng chỉ sợ người ta hiểu nhầm mình, mặc lòng chàng vẫn dặn
mình rằng người ta có hiểu nhầm mình thì cũng không sao. Nghèo mà lại còn quá tự
ái thì sinh ra lẩn thẩn thế. Cho nên Phú rất nóng ruột muốn được nói, trước mặt
ông lý trưởng, đến việc Phú bị tra khảo ở huyện, đến cái muốn nắn bóp, hãm hại
ông chánh Mận của viên lục sự già nó khiến Phú sang đây... Chàng hỏi ngay ông
lý trưởng:
- Ông có vội gì không? Ông còn ở chơi đây được lâu chứ?
Ông lý trưởng ngáp dài và đáp:
- Tối mịt đến nơi thế này thì còn bận quái gì? Ở lâu đây được.
- Thế mai ông có phải ra đê không?
- Ngày kia mới phải ra. Tôi ở đê vừa về.
- Ngoài ấy có gì lạ không hở ông?
- Có! Ông huyện cũ bị đổi hay bị cách chức gì đó, còn ông huyện mới thì trẻ tuổi
lắm, áng chừng tân học, lại ác hơn ông huyện cũ nữa.
- A thế kia à! Thế ông có biết vì sao mà lão huyện bị cách không?
- Chắc chỉ vì đê vỡ chớ còn gì nữa.
Tự nhiên Phú thấy trong lòng có điều gì sung sướng lắm; trong một phút không
nghĩ kỹ, chàng tưởng chừng như mình vượt ngục mà viên tri huyện ấy chịu họa
lây. Chàng lại quên khuấy rằng cái tai nạn của viên quan ấy nếu có làm cho
chàng hài lòng thì nó cũng làm cho người thiếu nữ cứu chàng phải khổ sở. Phú cứ
vui vẻ hỏi chuyện:
- Thế phu phen đã được gạo tiền gì chưa hở ông?
- Đã, từ bốn hôm nay, mỗi người được lĩnh mỗi ngày hai bơ gạo.
- À, thế ông trưởng nhà cụ bô Điềm thế nào?
- Vẫn ở ngoài ấy. Lúc nãy tôi đã đem về cho cụ bô hai bơ gạo ông ta gửi. Hôm
nay mà tôi không về làng thì rành là vô số người chết đói!
Nói xong, ông lý vỗ đùi bôm bốp, đắc chí lắm, sung sướng lắm. Phú quay hỏi ông
chánh Mận:
- À, ông chánh nhỉ? Ông có biết đến một ông lục sự nào ở huyện không?
Ông này nói ngay:
- Có lắm, cái lão lông mày sâu róm, con mắt trắng dã, cái môi thâm sì ấy chứ
gì?
- Phải đấy. Ông quen biết lão ấy chăng?
- Quen thì cũng quen gọi là thôi. Đâu như cách đây dăm năm, có một người trong
họ tôi dắt lão đến vay tiền. Hai bên đi lại được mấy tháng rồi sau không giả được
đúng hẹn, lão vay nữa tôi không ưng. Từ độ ấy mất mặt. Cậu hỏi đến lão làm gì?
Thằng cha bóp nặn khiếp lắm.
Phú bèn đem hết đầu đuôi câu chuyện từ lúc bị bắt cho đến lúc bị tra khảo ra kể
tỉ mỉ cho hai người nghe. Khi Phú nhắc lại câu hỏi vặn của viên lục sự già để
buộc tội cả ông chánh Mận vào với hội kín thì ông này tái mặt lại vì cái lo về
tính mệnh và tài sản.
Phú kết luận:
- Ấy tôi nói thế để ông biết và giữ gìn.
Ông lý tắc lưỡi hai ba lần mà rằng:
- Chết chết! Ra lại có những người hiểm độc đến thế. Không trách cổ nhân đã phải
nói: "Một đời làm lái, bại hoại ba đời" là phải lắm. Vậy thì từ nay
trở đi, ông chánh nên cẩn thận. Sợ hằn thù thì có lẽ ta nên...
Ông ngừng lại, đợi hai người kia phải hỏi thì mới nói tiếp:
- Ta nên mua chuộc lấy lòng lão ngay đi. Có lẽ lại cho vay mượn như xưa thì
hơn.
Nhưng ông chánh nói:
- Không được. Cậu Phú được tha về rồi mà mình mới cư xử như thế, nó biết thóp
thì mình chết với nó. Nhưng sao mà cậu lại được tha hở cậu Phú?
- Tôi không có tội gì thì tôi được tha chứ sao?
- Nó tra tấn cậu bằng cách ghê gớm đến như thế mà cậu không nhận liều thì giỏi
thật. Tôi xin phục cậu đấy. Tôi cảm ơn cậu lắm, giá không được người gan như cậu
thì dễ tôi cũng bị xích rồi.
Phú nhìn lên thì thấy ông chánh Mận đã nói những lời ấy trong lúc cúi mặt. Vậy
thì ông cảm động hay ông giả dối? Ông đã tin lời Phú chưa? Hay ông lại nghi Phú
bịa ra chuyện ấy để lấy lòng cho dễ chuyện vay mượn về mai sau? Tức quá, Phú rất
muốn hiểu ngay bụng dạ ông chánh Mận mà không sao được. V
ô tình, ông lý bình phẩm:
- Giỏi thật đấy chứ lỵ! Đốt đèn đun dưới lỗ đít thì tôi tưởng gan bằng tướng cướp
cũng phải nhận những tội mà nó buộc mình!
Vẫn cúi mặt, ông chánh Mận lại nói:
- Gan lắm! Anh hùng lắm! Thật thế! Chỉ có điều hơi lạ là sao chưa có kết quả gì
mà lão huyện đã tha ngay...
Ông lý trưởng kết luận bằng cái óc lý luận riêng:
- Người ta không có tội thì giam mãi để làm gì?
Phú toan kể nốt cả câu chuyện được có người mở cửa lô-cốt cho mình trốn
đi, thì ông chánh Mận ắt là không còn ngờ vực gì chàng nữa, song le chàng lại
thôi, vì lẽ một là chàng chưa tin cậy hẳn được ông lý trưởng, hai là tại việc ấy
nó hầu như là chuyện bịa đặt, giả dụ chàng có nói cũng vị tất đã ai tin... Mà
có khi người ta lại nghi ngờ thêm nữa! Nghĩ đến đấy thì lại chột dạ, chàng lo lắng
không biết liệu có được yên ở làng mà ngồi trên đống nước để sống khổ sở với mẹ
già hay không? Hay nay mai lại chính ông lý ngồi trước mặt mình, kêu có lệnh
quan trên mà sai tuần tráng trói mình giải huyện cũng chưa biết chừng.
Thế là Phú cũng có những nét mặt đăm đăm y như ông chánh Mận. Trong một lúc
lâu, hai người đều im lặng, thành thử ông lý cũng lây cái trầm ngâm, rồi ông lý
nói kín:
- Thôi thế việc kia thì ta nhất định cứ như thế.
Ông chánh Mận gật đầu:
- Phải ta cứ thế!
Đến đây, ông lý đứng lên toan cáo thoái, vì một tên người nhà đã bưng mâm cơm
vào. Nhưng ông chánh Mận dùng lời khéo lưu cả hai người cùng ngồi lại. Phú nhất
định chối từ, song ông chánh Mận lại nói:
- Lụt lội thế này có phải cậu sang chơi đây dễ đâu! Vậy cậu đã sang, nhân thể gặp
bữa, xin đừng từ chối. Vả lại việc có can hệ đến tính mệnh tôi mà cậu vừa nói
tôi nghe thì nào tôi đã được bàn soạn với cậu về cách đề phòng ra làm sao đâu!
Trước những lời lẽ như thế, Phú thấy rằng chối từ nữa là vô nghĩa lý.
Mâm cơm nước lụt của nhà giầu trông cũng tươm tất lắm. Có thịt gà luộc, rau chuối,
và cua om. Cơm thì gạo tám thơm, trắng tinh, thơm nức. Ông lý quay lại kêu để mời
bà cụ mẹ ông chánh và hai đứa bé cùng ngồi nhân thể thì tên người nhà đã bưng
ra phía bên kia cái bè một mâm nữa rồi. Chủ nhân cắt nghĩa rằng không có thóc
nuôi gà nên phải thịt gà đi, không có chỗ để gạo tám thì phải thổi cơm đi cho
khỏi mốc, chứ giời ra tai, giữa lúc nhiều người không có mà ăn, không phải ông
được ăn như thế mà lấy làm vui... Cua thì bắt được ngoài đồng, rau chuối thì ngả
từng cây xuống mà ăn, không thì úng thủy, cây nó cũng đến chết mất... Thì ra vì
trong cảnh bất đắc dĩ mà ông chánh Mận bị bó buộc được có một mâm cơm tươm tất
vừa để cho mình, vừa để đãi khách.
Ngồi vào ăn miếng ngon, Phú mới chợt nghĩ đến người đàn bà đi vay. Chàng liền
quay đầu lại... Thì ra người đàn bà ấy vẫn đứng nguyên chỗ! Mãi đến lúc ấy mới
biết thất vọng, người ấy thở dài ngán ngẩm trố hai con mắt nhìn vào mâm cơm, nuốt
nước dãi ừng ực, gạt nước mắt, rồi sau cùng, lặng lẽ quay mũi cái bè chuối. Phú
thấy mình cũng dã man như đời, vội vàng quay vào, không dám nhìn nốt cái cảnh
thương tâm.
Giữa bữa cơm, sau những câu chuyện trò đằm thắm trong lúc cao hứng, ông chánh Mận
nhắc lại chuyện hỏi cô Tuất làm vợ kế với Phú, trước mặt ông lý. Ông này vội
bênh ngay người cho mình ăn:
- Tưởng nhận đi là phải, không hiểu tại sao cụ Cử nhà ta lại còn không bằng
lòng! Còn trẻ như bác Tuất mà muốn ở vậy, khó lắm.
Phú chưa biết đỡ lời ra sao thì ông lý đã lại hỏi:
- Còn cậu? ừ thế nào, còn cậu thì cậu có thuận hay là không? Nếu cậu thuận thì
sao cậu không nói vào hộ một câu cho ông chánh tôi đây cũng xong được chuyện ấy
đi. Sớm ngày nào hay ngày ấy.
Chả nhẽ Phú lại đáp rằng xưa nay mình vẫn chỉ đứng trung lập. Và nhân người ta
lại nhắc đến chuyện ấy, Phú nghĩ đến việc ông chánh Mận bị nghi cũng có chân
trong hội kín với chàng. Do thế, chàng phải trả lời trái hẳn ý nghĩ.
- Tôi thì tôi hoan nghênh việc ấy hết sức đấy chứ... Đẻ tôi thì cũng cho tùy
lòng, còn chị tôi mà chưa nhận lời thì tôi có hiểu vì lẽ gì đâu! Tôi chắc vì
thương con nên chị tôi không biết giải quyết thế nào cả đấy thôi. Hoặc chị tôi
muốn ở vậy thờ chồng nuôi con chăng?
Đáp thế xong, Phú càng thấy mình khôn ngoan. Thật thế, ông chánh Mận hẳn phải
không còn được nghi ngờ cái việc ông ta bị tình nghi. Chàng đã muốn cho hai người
lấy được nhau thì bỗng dưng còn bịa đặt ra chuyện hội kín hội hở nó có thể khiến
cho ông chánh sợ hãi, hai người không lấy được nhau mà làm gì? Từ đấy trở đi, mặt
ông chánh đã thấy vui vẻ hơn trước. Ông nói một câu lạc đề:
- Chà! Kệ cho chúng nó thù hằn! Sự thực, mình không có gì mà lo!
Do câu nói ấy, Phú biết rằng lúc trước, đích xác chàng đã bị ngờ vực là bịa đặt
để lấy lòng, hòng sự vay mượn, chàng bỗng hối hận vì đã ngồi vào ăn.
Chim chóc đã bặt tiếng kêu. ở một ngọn tre xa xa, hai con chèo bẻo đã thôi
không ưỡn ngực hóng gió mà chui vào tổ. Trên không gian xám đen, một chữ V độ
chừng ba chục con vạc đi ăn đêm thoáng qua như một cái chớp, với dư âm của những
tiếng kêu lào xào... Ông chánh Mận quát người nhà:
- Ơ hay! Chúng bay đâu? Tối thế này rồi mà không cho đèn ra đây?
Có tiếng đáp ở phía sau một mái nhà:
- Hết dầu từ đêm qua rồi ạ.
- Thế thì đốt cho tao bó đuốc vậy. Cũng sắp xong rồi.
Lúc một anh lực điền đem đuốc ra thì Phú đã xếp đũa trên bát. Trong ánh sáng đỏ
rực của lửa nứa, ông chánh và ông lý cùng và lùa bát cơm cuối cùng, bà lão già
và hai đứa bé thì cơm nước xong, đã sửa soạn để ngủ. Tàn nứa rơi xuống nước rên
lên xèo xèo...
Bầu không khí đương êm ả thì bỗng con chó bông cắn rộ lên một cách khác thường,
ba người hoảng hốt quay nhìn ra. Một người đã trèo qua cái tường có mảnh chai,
đứng trên cầu tre. Mắt người ấy đen sì, tay người ấy có một cái gậy. Người ấy
lên mái nhà, con bông xồ ra, tức thì bị một gậy vào giữa lưng, kêu ăng ẳng, bị
gạt bắn xuống nước. Bên trong, ông chánh và ông lý cùng đứng lên, chỉ vừa kịp
kêu: "Thôi chết!" thì bên ngoài tường, đuốc đã sáng rực, rồi một chục
người nữa, kẻ nào cũng mặt bôi nhọ, tay có dao, gậy, giáo, mác, tay thước, lần
lượt kéo vào... Trong chốc lát, đó là những hình ảnh làm cho ta thất đảm như
khi thấy trong những cơn ác mộng.
- Ai ngồi đâu cứ việc yên đấy cả một lượt! Đừng có kêu la vô ích; bữa nay các
quan đi đông! Các quan không muốn giết hại một mạng nào cả thì đừng làm gì cho
các quan phải nổi giận!
Những lời lẽ hách dịch của người đầu đảng ấy lại nhờ được một cái giọng
"sang sảng tiếng đồng" làm cho oai vệ lắm, nên chi mọi người ai nấy
chỉ còn kịp sợ run lên cầm cập... Mười tên cướp, trong đó có hai tên cầm hai bó
đuốc, đã đùng đùng nhảy lên bờ. Dưới cái ánh sáng đỏ rực nhấp nháy lúc to lúc
nhỏ của đuốc, những cái mặt bôi nhọ trông gớm ghiếc, những bóng giáo, bóng gậy,
mờ mờ tỏ tỏ, đã hứa một cuộc đổ máu lai láng, nếu có tiếng kêu... Phú, ông lý,
ông chánh, im lặng nhìn bọn cướp đứng chung quanh họ thành một vòng tròn. Duy
cái anh chàng lực điền cầm đuốc từ nãy soi mâm cơm, thì lúc ấy lại dại dột múa
vung bó đuốc, khua khua trước mặt ra ý không cho bọn cướp động đến người, và bắt
đầu kêu to: "ối làng nước ơi!..." Nhưng bốp một cái, một cái gậy đã vọt
vào bụng chân anh ta khiến anh ta té sấp, bó đuốc rơi xuống mặt bè nứa. Một tên
cướp vội cúi nhặt bó đuốc ấy lên; một tên khác, nhanh như điện, đã nhét một mớ
giẻ vào mồm anh chàng lực điền, lật sấp anh ta xuống, trói giật cánh khuỷu. Chỉ
trông thấy thế, bọn này cũng đủ hết hồn rồi.
Ra oai như vậy, người tướng cướp cho là đủ. Bèn chỉ tay vào ông chánh Mận, bảo
một tên cướp:
- Thằng này to béo hơn cả, chính nó là chủ nhà. Bảo cho nó biết rằng các quan
thu thuế bằng tiền và cả bằng thóc gạo!
Ngồi dưới cái con dao trường của tên cướp, bà cụ mẹ ông chánh vừa khóc vừa kêu:
- Lạy các ông, có gì thì xin các ông cứ lấy cho thế, chứ xin các ông đừng đánh
trói ai cả!
- Được lắm, các quan cũng không muốn đánh trói ai làm gì.
Tuy thế người ta cũng cứ trói hai tay ông chánh về sau lưng. Bị một lưỡi dao kề
ở cổ, ông nổi giận, gắt với bọn cướp:
- Lụt lội như thế, mất mẹ nó cả cơ nghiệp rồi, còn đếch gì mà cướp! Đấy, đồ đồng
với đồ sứ có gì thì ngâm cả dưới nước ấy, lặn xuống mà lấy! Thóc còn tất cả ba
chục thúng, mà là thóc ướt, có khuân thì cứ khuân đi! Thằng áng đâu, xúc thóc
ra đổ vào thuyền cho các quan! Rồi thì cả làng này nhịn, chết đói vậy!
Thấy ông chánh có vẻ thực thà, bọn cướp không tra khảo gì nữa. Họ chia nhau ra
làm hai tốp, năm tên thì đứng vây giữ người nhà, năm tên khác hoặc đốc thúc hoặc
cùng thằng áng khiêng thóc đổ vào thuyền của họ.
Khi trên mấy nóc nhà, những nong thóc đã trơ nan ra, thì bọn cướp lôi ông chánh
Mận, bắt đi theo. Họ làm việc trong nháy mắt, và vì lẽ không ai chống cự nên họ
không để rỏ một giọt máu.
Khi cướp đi đã hơi xa, Phú cởi trói, tìm cách chạy chữa cho anh lực điền thì
ông lý khuyên giải bà lão:
- Cụ chớ lo, chốc nữa ông chánh sẽ về. Đây là lương dân ở nơi xa đói khát quá
mà phải đi ăn cướp chứ không phải bọn chuyên nghiệp.
Độ nửa giờ sau, ông chánh quả nhiên về thật. Quần áo lướt thướt, ông trèo qua
tường vào, nói:
- Chúng nó cởi trói cho tôi rồi đẩy tôi lên cành đa ở ngoài cầu Tréo. Chúng có
một thuyền gỗ, sáu thuyền thúng. Đích thị là dân đói!
Rồi ông bảo ông lý:
- Ấy đấy, đầu đuôi là thế, xin ông thảo tờ trình quan cho tôi... Thế là nhà này
mai cũng nhịn đói nốt!
CHƯƠNG V
H
ai người xem hội ở hồ Tây về thì đã tối mịt. Cơm nước xong, cởi
bỏ áo ngoài, Quang gọi đầy tớ bảo đem một cái ghế tiêu cơm và một cái ghế mây
ra bao lan. Minh đứng cạnh bàn, trông vào gương nói:
- À, thì ra tôi gầy, anh ạ, mà tôi vẫn không biết là tôi gầy.
Minh nói xong toan cởi áo ra nhưng Quang ngăn lại, kêu:
- Khoan, tôi ngắm đã! Quần áo tôi mà anh mặc vừa vặn quá đi mất! Dễ thường anh
mặc lại đẹp hơn cả tôi.
Quang xoa hai vai, vuốt đường ve ngắm nghía lại nói:
- Ừ. Vừa vặn sát óng quá đi mất! Thôi anh cứ việc giữ mà dùng...
Minh cảm động đưa tay ra bắt tay bạn mà rằng:
- Cám ơn! Chứ mà chờ đến lúc tôi may được một bộ thì chắc lâu lắm.
Quang nhấc bộ quần áo vải mà mình mặc từ Côn Đảo về mà rằng:
- Thế thì vứt mẹ nó cái bộ này đi chứ còn để làm gì nữa!
Nhưng Minh vội ngăn:
- Ấy đừng! Để giữ làm kỷ niệm chứ! Có bộ y phục ấy nghĩa là phải trả đắt!
Rồi chỉ vào bọc vải, chàng nói tiếp:
- Trong gói ấy có vô số kỷ vật. Để rồi tôi cho anh một cái lọ bằng san hô do
tay tôi chạm trổ lấy, anh xem.
Quang vừa chải đầu vừa hỏi bạn:
- Àquên, lúc nãy anh vừa nói gì? Anh gầy mà không biết...?
- Chính thế. Bảy năm nay đứng soi gương như thế này là lần đầu... mới biết rằng
mình có đôi má hóp. Còn ở ngoài ấy thì chỉ soi gương vào giếng hay vào một vũng
nước, cúi mặt xuống mà soi, má nó sị ra, thành thử cứ tưởng là béo!
- Cứ kể trông anh thế mà có vẻ khỏe mạnh hơn trước đây. Tuy đen nhưng còn hơn
trắng như trước, yếu đuối như đàn bà. Bây giờ trông có vẻ lao động lắm. Thôi ta
ra bao lan cho mát đi.
Hai người cùng ra. Quang ngồi ghế mây, nhường cái ghế chao cho Minh. Ngồi nói
chuyện vặt một lúc, Minh để ý đến cái bao lan bên cạnh. Trên bao lan có một người
đàn ông đứng tuổi, cởi trần trùng trục, ngồi trên một cái ghế mây, hai ống quần
sắn lên tận bẹn, cổ để ngửa trên thành ghế, tựa hồ đương mải ngẫm nghĩ các vì
tinh tú trên không gian. Người ấy cứ ngồi nguyên như thế hàng giờ, nếu không có
cái tay thỉnh thoảng phe phẩy cái quạt dưới chân thì Minh phải cho là ngồi ngủ.
Trong nhà thì dưới một bóng điện màu xanh, một ông cụ già đầu hói ngồi xếp bằng
tròn trên sập như một nhà sư ngồi nhập định. Một thiếu nữ ngồi ghế ở gần sập cầm
quạt phẩy vào lưng ông cụ. Thỉnh thoảng, lâu lắm, ông cụ giơ tay ra hiệu cho
thiếu nữ lại bỏ quạt lặng lẽ vê thuốc, đánh diêm, và đưa ra cái ống điếu thuốc
lào...
Khi ông cụ kéo xong mồi thuốc lào, thiếu nữ đem ra cái ống nhổ rồi lại ngoan
ngoãn phe phẩy cái quạt. Sau khi nhổ đờm vào ống phóng, ông cụ lại ngồi yên. Thấy
cái không khí nhà ấy có một vẻ đáng lạ, Minh hỏi thì Quang cắt nghĩa:
- Thằng cha cởi trần là một anh huyện vừa bị gọi về phủ Thống sứ, nghe đâu như
là bị vỡ đê...
- Ồ! Nếu vậy thì là quan phụ mẫu huyện tôi rồi.
- Phải đấy, ông cụ già ngồi trong kia là ông bố nghe đâu như một ông Tổng đốc
hưu trí. Con bé đương ngồi quạt kia là con gái anh huyện. Họ mới đến thuê chưa
được một tuần lễ. Tôi lấy mỗi tháng có hai mươi lăm đồng.
- Sao anh cho thuê rẻ quá thế?
- Thế là phải, là được giá. Anh bị bắt hồi 1930 là hồi chưa có khủng hoảng kinh
tế nên anh tưởng thế là rẻ, chứ trong bảy năm nay, vật gì cũng giảm giá và
trong nước có nhiều sự thay đổi lắm.
Minh nghĩ đến buổi chợ phiên ban chiều, thở dài mà rằng:
- Ừ, quả vậy. Tôi không ngờ cái dân tộc này mà lại có ngày hóa ra đến thế!
- À, thế cảm tưởng của anh ra làm sao? Tôi ở nhà nên sự thay đổi của xã hội thì
nay một tí, mai một tí, mình cứ dần dần quen mắt quen tai, thành ra mắt tuy có
trông thấy thời cục mà óc không thể có được một mối cảm giác...
- Không biết tôi có nên nói ý kiến của tôi không? Chà... thật không ngờ! Gớm,
sao mà ăn chơi phóng đãng thế! Sao mà xa hoa đàng điếm thế! Cứ như những cái
tôi trông thấy ngày hôm nay thì thật là một triệu chứng diệt vong! Hầu hết nam
nữ thiếu niên người nào cũng vô lo, vô lự, mặt mũi lại hí ha hí hửng, dương
dương tự đắc, đi chơi, đi nhẩy, mà mặt mày vênh váo làm sao! Thật là một điều sỉ
nhục cho một dân tộc mất nước...
Quang mỉm cười gật đầu rồi bĩu môi mà rằng:
- Ấy thanh niên bây giờ thế cả đó. Nếu không thế thì lại bị chê cười là bảo thủ,
là gàn dở, là hủ lậu. Cái luân lý mới là hưởng cho kỳ hết những cái khoái lạc vật
chất, là sống vì cái lòng vị kỷ khốn kiếp của cái cá nhân chủ nghĩa không phải
đường. Phải trí thức nước nhà đã hô hào như vậy, tất cái bọn thiển học nhắm mắt
mà nghe theo, chứ sao!
Minh đứng lên, đút hai tay vào túi quần, vươn cổ ra, giận dữ hỏi:
- Ai, trí thức nào? Anh muốn nói đến bọn trí thức nào thế!
- Bọn văn sĩ, bọn viết báo, chứ còn ai nữa! Anh không biết? ừ, mà anh bị tù tội
như thế, còn biết sao được! Hiện giờ, muốn phỉnh nịnh cái khao khát của xác thịt,
muốn ca tụng những thị dục đê hèn của công chúng, một số đông các nhà
"ngôn luận" đương ném ra một nền văn Chương xu thời mục đích là sùng
phụng tụi trưởng giả và cổ động cho âu hóa, lấy cớ rằng tiến bộ, văn minh...
Minh đứng thẳng người lên thấy tức ngực, giận đến không thở được. Và trợn mắt
thất thanh hỏi:
- Lại có một bọn nhà văn vô lương tâm như thế? Lại có một tụi viết báo vô liêm
sỉ như thế?
- Đời bây giờ, người ta chỉ cần chiều đời để bán báo, bán sách cho chạy chứ người
ta kể gì đến liêm sỉ và lương tâm! Vả lại, cũng không nên trách họ, vì trong
cái số hoạt đầu, tựu trung cũng có một đôi kẻ thành thực, tin rằng phải hoàn
toàn theo mới, phải âu hóa cả trăm phần trăm thì mới là tiến bộ, văn minh. Cái
thành thực của bọn ấy vẫn là đáng khen, tuy cái ngu của chúng thì chỉ đáng
thương hại.
- Nhẩy đầm, đánh cá ngựa, ăn ngon, mặc đẹp, dùng những hàng mỏng để may những bộ
y phục phô ra những đùi với ngực, như thế, chỉ có như thế, mà đã cho là văn
minh, tiến bộ rồi?
- Đối với kẻ ngu thì những cái hình thức thế thôi là đủ rồi chứ còn gì nữa!
Minh xo vai, thở dài:
- Chết chết! Nếu vậy thì cũng buồn cho "trí thức" và cho "ngôn
luận" thật.
- Tôi thì tôi chẳng buồn gì cả vì tôi cho những điều ấy là không thể tránh được.
Anh muốn gì? Muốn dân tộc vô đạo, vô học, bán khai, không lý tưởng nào thờ, lại
mấy nghìn năm nô lệ như dân mình, tất nhiên... tất nhiên cái tinh hoa đất nước
của dân tộc ấy chỉ có thể đào tạo ra được những bậc trí thức nô lệ. Thật thế,
tinh thần nô lệ là một thứ... quốc bảo cổ truyền, và sẽ mãi mãi di truyền. Xưa
kia nô lệ Tàu, thì theo Tàu là văn minh. Bây giờ nô lệ Tây thì âu hóa kia mới
là văn minh. Tôi tin rằng nếu người da đen ở bãi sa mạc Sahara 1 mà có đến chiếm nước ta thì cái bọn trí thức
ấy tất nhiên cũng sẽ hô hào đạp đổ tất cả những cái "cũ" để mà theo
"mới", nghĩa là... Phi hóa thì mới lại là văn minh! Trách gì cái óc
nô lệ!
Minh ngồi xuống ghế, nhìn ra xa vơ vẩn, nói như chỉ cho riêng mình nghe:
- Văn minh! Văn minh mà như thế thì chỉ dâm đãng, chỉ thương luân bại lý, chỉ
gây thêm những mối bất công cho xã hội.
Quang cười rộ mà rằng:
- À, cái ấy thì đã đành! Nhưng mà ta phàn nàn vô ích... Sau hồi biến động, Sa mạc
lớn ở châu Phi. những phần tử sống đã mất đi, chỉ còn lại cái phần tử chết nó
chiếm đại đa số, thì xã hội này nghiễm nhiên trở nên suy đồi y như các dân tây
phương vào hồi chiến hậu! Không có và không dám có một lý tưởng gì nữa, tất
nhiên người ta đâm ra ăn chơi cho sướng cái xác thịt mà thôi. Giữa lúc đốn mạt ấy,
một bọn văn sĩ lại lấy những danh nghĩa văn minh, tiến bộ mà cổ động cho cả những
cái xấu và những cái dâm của Tây phương, mục đích là bán báo bán sách cho chạy
để thủ lợi, tất nhiên chúng ta phải thấy cái quang cảnh khốn kiếp bây giờ. Này,
bây giờ mà anh công kích cái vật chất thì sẽ có một trăm người chê bai anh là hủ
lậu, đáng tự tử đi đấy.
Minh sốt sắng cãi:
- Ta cứ cho rằng cái văn chương xu thời ấy là của một bọn thành thực đi đã. ..
Thì cũng phải biết phán đoán xem mình có nên và có thể âu hóa được hay không mới
được chứ? Chà! Họ tin rằng sống như xã hội phương Tây bây giờ đã là cực điểm của
tiến bộ, hoàn toàn của văn minh? Họ lại không biết rằng người như Duhamel 2 như Gandhi 3 như Oạcar Wilde 4 đã bình phẩm cái văn minh ấy như thế nào!
Họ không biết rằng xã hội Tây phương cũng chỉ là xã hội mục nát mà những mối bất
công là giường cột, mà kim tiền và vật chất gây ra dâm phong để cho cái dâm
phong cầm cân nẩy mực cho tất cả, và dân tộc mình thì không nên nhắm mắt đi vào
con đường ấy nữa, phải chờ khi nào Tây phương tiến hơn nữa.
Minh còn muốn nói nữa thì Quang đứng lên vỗ vào vai bồm bộp mà rằng:
- Thôi đi, ông ơi! Để dành những ý kiến ấy cho người có lương tâm mà thôi. Lúc
nãy ông chả bảo bọn tri thức ấy vô lương tâm, vô liêm sỉ là gì! Do thế, bọn ấy
mới cho là mới những cái mà người âu châu đã cho là cũ rích, và vội vàng rúc đầu
xuống liếm những cái gì mà phương Tây đã thừa mứa đến nôn ọe ra! Nhưng tội gì
mà ta bực mình? Ngồi khoanh tay mà cười những quân rởm đời, những anh chồng mọc
sừng, những thiếu nữ chỉ còn tân có một nửa, lại không là hưởng một cái thú hay
sao? Vì rằng cái xã hội này cũng sắp đến cái cực điểm của văn minh rồi? Anh cứ
nghĩ đến buổi chợ phiên hôm nay xem! Cứu đồng bào bị lụt! Muốn cho chúng nó bỏ
ra vài hào thí cho hàng vạn đồng bào đương chết đuối thì phải cho chúng nó cười
đùa thỏa thích, chim chuột no nê, dám đứng, dám đi, trịn vú, áp bụng... không
thế thì lại không vui vẻ, trẻ trung!
Quang nói đến đây, lại cười rộ lên một cách rất chua chát, Minh thấy nhắc đến đồng
bào bị lụt, thì lại chợt nhớ đến gia đình, vội vàng bảo bạn:
- À anh, mai thì thế nào cũng phải để cho tôi về quê đấy nhé?
- Ừ thì mai anh về chứ sao! Tôi bảo anh hãy nghỉ một buổi ở đây cho khỏi mệt nhọc,
nay anh đã khỏe thì anh cứ về.
- Bảo nghỉ có một buổi thế nào mà té ra mất ba buổi!
Quang chép miệng mà rằng:
- Có bất hiếu thì anh cũng bất hiếu chán đi rồi, vắng mặt năm bảy năm giời còn
chả làm gì được mà chậm có một ngày thì thở than mãi, dễ nhà tôi nó cũng về rồi
đây này.
Minh cúi nhìn xuống dưới bao lan. Quả nhiên vợ Quang đã dắt con về thật. Chàng
cảm động về lòng tốt của vợ chồng bạn: hôm ấy, bên nhà vợ Quang có giỗ, vậy mà
Quang đã ở lại nhà cả hai bữa để ăn với Minh, và vợ Quang, sau khi ở lại làm
cơm rất chu tất, về nhà mình lại vui lòng nói dối là chồng ốm để cáo thoái với
bố mẹ cho chồng. Người đàn bà đẹp đẽ, dịu dàng lên gác, vào cúi đầu chào Minh.
- Lạy bác ạ.
Minh cúi đầu nhanh nhảu:
- Không dám ạ, bác ở nhà quê đã ra. Phúc ơi, có lấy phần cho bác không?
- Ờ kia, không lạy bác đi à? Mồm đâu? Con nhà rõ đến tệ!
Mới lên bốn, bảnh bao sạch sẽ trong bộ âu phục màu xanh xanh, thằng Phúc nói:
- Lạy bác ạ. Cháu chỉ lấy phần cho cậu cháu thôi.
Quang cả cười rồi hỏi vợ:
- Thế nào! Có ai nói gì không?
Người vợ của Quang tươi cười mà rằng:
- Thầy bảo tôi phải mời đốc tờ cho cậu không có mà nhỡ ra sốt thương hàn thì chết.
Còn đẻ thì đẻ cho hai chục trứng.
Quang pha trò:
- Bở nhỉ? Thế thì thỉnh thoảng lại phải sốt một trận mới được.
Vợ Quang mắng:
- Chỉ nói dại thôi nào!
Rồi dắt con xuống thang. Mười lăm phút sau thấy thằng nhỏ bưng một khay có hai
cốc rượu bia lên bao lan. Nó tìm một cái kỷ con, đem ra, để khay rượu lên thì
Quang nói:
- Nói của đáng tội, chính nhờ có anh mà tôi được vợ cho uống bia đấy! Anh tưởng
dễ tự nhiên đấy à!
- Gớm chị ấy chu tất quá! Chả biết thế này là lưu khách hay đuổi khách.
Quang thụi đùa vào ngực Minh mà rằng:
- Ông lại giã cho bây giờ, chứ vừa được ăn lại vừa được nói thế à? Thôi đùa
nhau mà làm gì?
Vợ tao xưa nay vẫn khâm phục những nhà cách mệnh.
- Mày bảo vợ mày cứ để cho tự nhiên thì tao mới dám ở lâu với mày.
- Ừ, được, cái ấy thì dễ lắm!
Ở bên kia bao lan, ông huyện mặc cái áo ngắn. Con gái ông đứng bên khép cửa sổ.
ở dưới phố, ba cái xe trên có ba cô ả tân thời ngồi vừa kéo qua. Những cái ấy
làm đãng trí hai người bạn, làm câu chuyện phải gián đoạn.
Minh nghĩ lan man đến nhà, đến em gái, em giai. Chàng cho trí nhớ quay trở lại
với cái thời kỳ chàng cùng Quang dạy học ở một nơi thôn quê: hồi ấy Quang còn
trong cảnh thanh bần, nhiều khi về vấn đề tiền nong, Minh còn phải giúp đỡ.
Ngày nay được tha về nhà, tình cờ chàng gặp ngay Quang, như vậy chàng cho là một
sự may. Khi thấy Quang vẫn tử tế như xưa, Minh rất lấy làm mừng.Khi thấy Quang
đã trở nên giàu có, chàng lại mừng hơn nữa. Nhưng đến lúc thấy Quang thú thật rằng
sự giàu có ấy là do lấy được vợ giàu mà nên thì Minh hãi hùng ngay. Chàng phân
vân đến nỗi không muốn ở đây thêm một giờ nào nữa. Nhưng khi thấy vợ bạn cư xử
với mình có đủ cả tôn kính lẫn thân thiết thì Minh cũng được yên tâm. Chàng
không biết rằng muốn cho vợ phải quý bạn, Quang đã thêu dệt bội phần về sự xưa
kia chàng còn hàn vi đã chịu ơn của Minh. Minh, lúc đầu, vẫn sợ sự chu đáo ấy
là giả dối.
Minh xét kỹ thì Quang vẫn tốt như xưa, và cũng vẫn bộc tệch như xưa. Do thế,
khi Minh hỏi thăm tin tức nhà thì Quang kêu là vẫn để ý đến, mặc lòng Quang chẳng
biết tin tức gì cả. Cái sơ xuất ấy, Quang lại đổ tội cho Phú là không chịu thư
từ đi lại. Nghe thế, Minh đã lấy làm bằng lòng cho rằng em mình dè dặt như thế
là hơn... Vả chăng chắc cũng có thể đứng được nên Phú mới không phải lui tới
nhà người bạn phú quý của anh mình. Mình cũng không giận bạn ở chỗ lãnh đạm.
Sau khi về nhà Quang ăn một bữa cơm thì Minh đi tìm nhà một người trong họ, và
nhân đó, biết rõ chuyện nước lụt, Phú đi làm phu phen, bị bắt ra sao, được tha
ra sao. Người trong họ ấy đưa lại cho Minh cả mấy tờ báo nói đến việc Phú. Cho
nên khi thấy bạn lại lưu mình một ngày nữa bằng câu "Anh không phải vội, để
tôi hỏi hộ xem có đường nào về làng không đã. Vả lại nếu cụ nhà hay thằng Phú
mà có sự gì thì tôi đã biết rồi", thì Minh phải mím môi cho khỏi cười.
Chàng chỉ cảm ơn sự săn sóc miệng ấy chứ không dám nói cho Quang biết là Phú đã
bị bắt, đã được tha, sợ bạn ngượng. Tuy vậy Quang vẫn là người bạn tốt như thường,
vì Minh vốn rộng lượng trong khi suy xét.
Trước khi được biết cái hồi hộp trông thấy mẹ và hai em, Minh phân vân nghĩ đến
thân thế, cái cảnh ngộ khắt khe của những đảng viên cách mệnh được tha hay mãn
hạn tù: bị kiềm thúc khổ sở, bị người đời kính nhi viễn chi, không có thể có được
một sinh kế xứng đáng, không thể hạ mình làm những việc mọn, sống dở chết dở,
phải chịu một cuộc đời bần hàn, hại cho thanh thế mình, hại cho thanh thế cách
mệnh, nếu không phải chịu cái khổ tâm nhất, đau đớn nhất, là bị những người
thân yêu nhất đời của mình dằn vặt mình, đay nghiến mình như xẻo từng miếng thịt
một, oán trách mình làm cho gia đình phải khổ sở vì cái việc mà có người bĩu
môi bảo là: dại dột, a dua. Minh đã từng nhận được thư của những đồng chí được
tha gửi ra Côn Đảo cho chàng, than phiền về cái cảnh ngộ đáng sợ ấy. Chàng sợ
nhất là sẽ phải khinh bỉ những người thân yêu, hay là sẽ phải hối hận vì công
việc... Chàng nghĩ thầm "Nếu sự đời lại khốn nạn đến thế thì thà chẳng được
tha về lại hơn!".
Giữa lúc ấy, không biết vì sao Quang lại hỏi bạn:
- Này, anh được tha về thế này, chắc anh sướng lắm đấy nhỉ?
Minh xo vai hoài nghi, đáng lẽ đáp thì chỉ gật gù:
- Ờ, ờ, ờ...
Chú thích:
Sa mạc lớn ở châu Phi; đọc là Xa-ha-ra. |
|
Một nhà văn nước Pháp; đọc là Duy a men. |
|
Nhà đại ái quốc Ấn Độ; đọc là Găng đi |
|
Một văn hào nước Anh; đọc là Dai. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét