Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Cành hoa điểm tuyết

Cành hoa điểm tuyết

Phần 1
Xin giới thiệu Tiểu thuyết Cành hoa điểm tuyết của Nhà Văn Đặng Trần Phất (Nhà xuất Bản Bùi Xuân Học - Hà Nội, in năm 1921). Đây là một trong những tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, do đó cách dùng từ ngữ cổ xưa khác xa với ngày nay ta đang dùng. Cách viết đậm lối văn chương cổ (ảnh hưởng cách phát âm xưa, lối văn biền ngẫu, nhiều điển tích, dùng nhiều từ gốc Hán, câu dài, nhiều cảm thán...).
Về tác giả, các bạn có thể xem trong Mục Giới thiệu Tác giả Người Việt ở Diễn đàn này. 
Tôi sẽ đăng làm 4 phần như sau: 
Đoạn thứ nhất
Ngày 16 tháng chạp năm ngoái, ký giả còn nhớ hôm ấy có về chơi Hà Nội, nhân lúc rảnh rang công việc, buổi chiều gần tối, đi thăm người bà con ở ngõ Phủ Doãn. Lúc bấy giờ giời đông rét mướt, gió bấc lạnh lẽo, mưa dầm hiu hắt, nên khi bước ra cửa đi, thì chân tay run rẩy, mình mẩy lạnh buốt như đá. Trong mình tuy có mặc nhiều áo, lại thêm ngoài khoác cái ba-đờ-suy (pardessus) mà vẫn rét. Nhìn mấy dẫy phố phường chung quanh, thì mấy nhà đã đóng cửa ngay từ lúc sế tối, còn vài nhà tuy mở cửa, mà trông vào trong, ngọn đèn leo lét,    thỉnh thoảng nghe tiếng nói cười, còn một vài nhà khác, thì chỉ thấy im lìm, tiếng nói cười lúc ban ngày, có nhẽ đêm đông đã hầu như tan hết cả vào mảnh chăn ấm áp. Ngoài đường kẻ đi người lại cũng ít, một vài ông bận quần áo tây đi bước một trên hè, cổ ba-đờ-suy dựng lên đến gáy, tay đeo găng (bít tất tay) thọc sâu vào tận đáy túi, một vài người kéo xe đi thong thả trên đường, đêm đông cùng nhau than thở nỗi cơ hàn, cảnh ấy tình đây thêm chán ngán…Liền gọi một cái xe cao su đến, mắc cả xong lên ngồi, lúc bấy giờ mới nghe trong mình hơi đỡ lạnh. Còn người xe ra sức chạy, xe chạy êm như ru, ngồi trên xe lòng khoan khoái vô cùng, trông người xe kéo mình đương chạy mà lại ngậm ngùi thương, nghĩ mình sung sướng mặc dầu, mà kẻ kia phải khổ, vì nỗi đời bó buộc, phải đem thân giãi gió dầm mưa, kiếm manh áo bát cơm về cho lũ thê nhi ở nhà, nhưng nghĩ cái cảnh cơ hàn của người kéo xe này mà trong lòng lại ngậm ngùi thương.
Cũng trong một giờ này, kẻ thì sung sướng trong chốn lầu son gác tía, chăn gấm đệm bông ấm áp, vợ con quây quần chung quanh, vui vẻ biết bao, nhưng còn kẻ Tử Phần xa xôi bạn bè cách trở, chốn lữ thứ giang hồ khổ sở, lại những kẻ cô thân đất khách, vì thời vận hẩm hiu, mà nỗi lầm than, tình khốn khổ như những đêm đông này thì ảo não bao nhiêu, khiến cái cảm tình của ký giả cũng vì tình đồng loại mà như chan như chứa, những nghĩ về cái cảnh ngộ của người phu xe này mà buồn.
Những nghĩ như thế, mà không ngờ người kéo xe nhanh chân đã kéo quá một phố kia, hẹp hòi trông bằng nửa đường nhớn ở các phố to, nhà ngói nhà gianh lơ thơ dăm ba chiếc thấp lụp sụp trông rất tiều tụy. Cả phố ấy, nhà đều đóng cửa cả rồi, duy còn một nhà, trông vào trong vẫn còn thấy thắp đèn, cửa mở rộng,bên cạnh có kê một cái chõng to vừa bằng nửa cái sập gụ của ta, nằm trên chõng có một người đàn bà đang ẵm một đứa bé con. Người đàn bà ấy trông người mảnh dẻ, mắt trái soan, da trắng trẻo, mình chỉ mặc một chiếc áo cánh bông cũ, cái quần lĩnh thâm đã bạc trông xa chỉ thấy hơi đen đen, còn thằng bé con ẵm thì co quắp nằm bẹt trong lòng, cái tã con che đậy mình mẩy nó ngắn mà rách, nên da thịt thằng bé hở cả ra ngoài. Thảm thay! đêm đông giời rét, mà mẹ con người này như thế!...
Vừa nghĩ vừa nhìn hai mẹ con, lại nhìn vào trong nhà thì thấy một cái phản kê giữa nhà, bên cạnh một cái hòm đã cũ, một vài cái thúng đựng quần áo mụn giẻ, tường đen vàng úa, mạng dện chằng, dưới đất trông ẩm thấp bẩn thỉu lắm.
Ấy cái đời của hai mẹ con người này khổ đến thế, nào ai là khách qua đường mà không ngậm ngùi thay cho nỗi cơ hàn mẫu tử đôi người đây.
Người ấy tuy không ăn mặc gì đẹp, nhưng dung mạo trông rất thanh nhã, hai con mắt trông tối hữu tình. Tôi vừa liếc mặt nhìn thì thấy người kéo xe hỏi:
- Này thầy, thầy có biết chuyện người đàn bà này không? Thật là một câu chuyện éo le về nhân tình đời nay.
Người xe vừa thuật đến đấy thì im, mặt đỏ bầng lên. Tôi vội vàng giục:” Đầu đuôi thế nào xin anh kể rõ tôi nghe, tôi muốn biết chuyện người này để làm một quyển tiểu thuyết, làm gương cho đời!”.   
“Thôi được, nếu thày có nhiệt tâm mà muốn nghe rõ chuyện người này thì tôi xin kể. Vậy thày hãy tạm ra chỗ bán hàng nước đầu phố đây để tôi hút điếu thuốc, rồi tôi thong thả kể hết thày nghe…”. Tôi gật đầu, rồi theo người xe…Ra đó, ngồi một lúc, người xe ấy mới bắt đầu thuật chuyện.
II
Nguyên người này vốn dòng dõi con nhà tử tế. Người cha khi trước có làm giáo thụ tỉnh B.N. Bà mẹ cũng là con nhà sang trọng, người hiền hậu, phúc đức. Hai ông bà sinh được có mỗi mình cô ta là gái mà thôi. Quan Giáo vốn là người tài cao học rộng, bụng dạ ngay thẳng lương thiện, nên trong trường ngài dạy dọc cũng đông, học trò nhớn nhỏ được hơn một trăm người, ai ai cũng có bụng mến ngài. Thường nhiều nhà phú-gia-điền-chủ có con học ngài, tết nhất vẫn khiến con đem lễ vật đến biếu ngài rất hậu, nhưng ngài không hề lấy của ai. Nhất thiết từ chối hết cả, dẫu một bao chè, một đồng bạc ngài cũng không nhận. Học trò nhiều người mến ngài quá, muốn cho ngài lễ vật, thì lại vào to nhỏ với phu nhân, nhưng phu nhân cũng là người bụng dạ giỏi, tiếng là đàn bà mà cũng không có bụng dạ tham lam gì đến của hối lộ bằng tiền bạc cả. Quan giáo dạy các học trò rất chuyên cần, ngài tin ở cái đạo truyền-bá-học thuật-tư-tưởng và giáo-dục luân lý vậy. Ngài thường nói với các học trò:
“Tôi bình sinh dậy các anh chỉ lấy sự chuyên-cần chân-dốc làm gốc, tôi mong cho các anh nên người có đức hạnh, có tài năng. Cái nghĩa vụ tôi là rèn tập dậy bảo các anh nên người khá giả mai sau, làm vẻ vang cho nhà họ, cho tôi mà thôi. Các anh có bụng yêu tôi, thì xin đừng lấy tiền-bạc lễ-vật mà cho tôi; tôi vốn ưa thanh liêm, không ưa hối lộ. Ví dù tôi có làm quan to tát, thì tôi cũng không bao giờ quên cái nghĩa-vụ của tôi đối với dân,với nước. Các anh nên biết cho như thế, mới phải!”.
Nhời quan Giáo nói làm các học trò đều cảm động, tin phục vô cùng. Từ đấy, tiếng thanh-liêm đồn đại xa gần; nhiều người được cảm ơn đức ngài lắm.
Ở tỉnh ngài dạy học có quan Án người rẽ ngang được làm quan, nên cách giao thiệp hách dịch lắm; các quan phủ, huyện đều chạy mặt.Tết nhất ai cũng phải đem lễ vật đến đưa người, kẻ ít người nhiều, không ai là không có, duy chỉ có quan Giáo nhà thanh-bạch cho nên không bao giờ đưa lên được. Lắm khi có việc vào quan tỉnh, thì lại bị mấy cậu lính ra vòi tiền, ngài không có, thì chúng nó lại không cho vào. Ngài nghĩ rằng không có lễ vật đưa lên các quan tỉnh ngày tết nhất thì thật không hợp cách, nên đã không có, thì phải vào hầu nịnh nọt qua loa, may ra có được yên chăng? Ấy bởi ngài nghĩ như thế, nên ngài phải lên tỉnh, mà mỗi lần lên, thì lại mỗi lần về không. Từ đấy ngài lấy làm lo sợ lắm, vì sợ quan trên không bằng lòng thì chắc là làm khó cho ngài, có nhẽ không được làm quan nữa. Mà quả thế thực. Quan Án tỉnh này vốn ghét ngài là bẩn, là kiệt, lại nữa khi ngài mới đẻ cô con gái này (tên là cô Bạch Thủy) thì quan Án có mượn người hỏi xin ngay ngài cho cậu con người, chờ đến khi nhớn sẽ cưới. Nhưng quan Giáo vốn người cương trực, giòng nho gia, nên không chịu nhận nhời quan Án, bởi thế quan Án từ đó đem lòng hờn giận hoài, hằng lo mưu hãm hại…
Quan Giáo nghĩ cách ở đời như thế mà ngài đem bụng chán ngán rầu rĩ, vì ngài nghĩ lại “ ở bầu thì tròn” thời nào theo thời ấy ; nay ngài đã không theo được, thời sao được? Nên ngài thường than thở với phu nhân (lúc đó cô Bạch Thủy đã lên mười). Phu nhân thấy ngài lo rầu thái quá, thường can ngăn khuyên giải luôn luôn:
“Ông ơi,dẫu sao ông cũng phải nhịn nhục cho qua  ngày tháng. Nếu có điều gì chẳng may ra nữa thì vợ chồng ta sẽ về quê mà lo bề cày cấy. Nhà mình cũng được năm sáu chục mẫu ruộng, tưởng làm ăn cũng đủ được no ấm. Lo chi?”. Quan Giáo thấy phu nhân khuyên lơn chiều chuộng hết lòng, nên cũng vui mà quên dần đi.
Lần hồi ngày tháng thoi đưa, năm ấy nhằm ngày tết mùng 5 tháng 5, quan Giáo và phu nhân cùng cô Bạch Thủy đang ăn cơm, thì nhận được tờ tư ở tòa sứ tỉnh đưa về.
Tờ tư rằng:
“Nay quan tỉnh xét quan Giáo làm việc quan không chuyên cần, hay ăn tiền của học trò, không lo dậy học, thì từ hôm nay phải triệt hồi, hẹn phải chở gia quyến về quê hương ngay, để nhà nước bổ người khác đến thay! “.
Tin đâu sét đánh bên tai. Quan Giáo xem xong tờ tư, mặt mày biến sắc, chân tay run rẩy, nín lặng hồi lâu, rồi mới toan nói, nhưng chưa nói được thì khí oan uất lên tận cổ, rồi ngài té siêu xuống đất mà bất-tỉnh-nhân-sự.Phu nhân sợ hãi, vội vực ngài vào trong giường, đặt nằm đâu đấy ; lúc đó ngài mới mở mắt mà nhìn chung quanh, chỉ thấy phu nhân và cô Bạch Thủy thì ngài buồn bã, mà khóc ròng. Ngài bèn gọi phu nhân lại gần, rồi dặn phu nhân rằng:
“Tôi liệu trong mình, biết là khó sống được mà bầu bạn với phu nhân và chăm nuôi dậy bảo con. Ấy vậy, sau khi tôi chết thì phu nhân phải thu xếp cửa nhà, rồi mẹ con cầy cuốc làm ăn nuôi lấy nhau. Phu nhân phải chăm nom mà dậy bảo lấy con, cho nên được đứa nết na hiền hậu, mai sau nó khôn lớn rồi, thì liệu xem có chỗ nào tử tế, con nhà nào nết na học khá, thì gả nó cho người ta. Tôi chắc con nó là đứa biết nghĩ tình mẹ con, không bao giờ quên phu nhân đâu. Sao nó cũng phụng dưỡng phu nhân cho trọn đạo. Còn tôi với phu nhân vợ chồng mấy mươi năm xum họp, cũng tưởng là ở với nhau đến trăm năm, ngờ đâu giời xui  tôi phải chết trước phu nhân, tưởng cũng là số phận tôi có ngần ấy mà thôi. Vậy xin phu nhân, mẹ con khuyên nhủ nuôi nứng lấy nhau, chớ thương xót tôi làm gì lắm mà hao tổn tinh thần!”.
Xong, ngài lại gọi cô Bạch Thủy lại gần bên giường mà dậy bảo ân cần. Cô Bạch Thủy lúc này thấy cha thế, không dừng không khóc được, nên hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, trông  rất thương. Quan Giáo ẵm cô ngồi bên cạnh, khóc mà dặn rằng:
”Con! Bây giờ con còn bé, dẫu có nói con nghe thì chắc con cũng không biết được, nhưng trước khi cha không được trông thấy con, con không được trông thấy cha nữa, thì cha phải giối lại vài lời với mẹ con và con.
Cha tưởng như cha làm quan giữ một bụng thanh liêm cần mẫn mà vận hạn ngày nay chẳng ra gì, thì đủ biết muôn sự cũng tự lòng giời bắt sao phải chịu vậy.
Phận gái như con, mới bằng ngần này mà đã bồ côi sớm, thì cũng là khổ lắm đó. Nay còn hai mẹ con con ở lại, thì phải hết bụng yêu thương nhau, con nên khuyên giải và phụng dưỡng mẹ con cho phải đạo làm gái hiền, con thảo. Bao giờ con khôn lớn biết làm lụng đỡ đần mẹ con thì con phải lo săn sóc trông nom cày cấy làm ruộng, giồng lúa, giồng khoai.Khi nào xem cách buôn bán có dễ, thì nói với mẹ con cho con ít vốn ra Hà Nội lập một cửa hàng nho nhỏ mà buôn bán. Cố mà tập tành lấy tính toán sổ sách, giữ gìn lấy nết na đứng đắn, chứ đừng có bắt chước con nhà khác theo thói giăng hoa, chỉ ưu son phấn điểm trang. Con phải biết chỗ tỉnh thành đô-hội là nơi  đàng điếm ăn chơi, những phường công tử sỏ xiên bạc bẽo, ve vãn láu lỉnh không thiếu chi, những hạng các cô phấn son thừa thôi, giang hồ du đãng không phải ít, nên tránh những những thứ người ấy cho xa, vì những phường trên bộc trong dâu, thời ai có cầu làm chi.Chớ thấy của mà tham, chớ thấy làm nên mà đã trọng, bởi vì cha thấy chán nhà giầu có, có con làm nên danh giá mà cũng hư hỏng, tính hạnh cốc láo chơi bời phóng túng càn dỡ, những người chồng mà như thế, thì vợ dẫu có được nhờ vả nhưng cũng khổ.
Cha chỉ cầu cho con lấy được người chồng hiền lành nết na, biết lo làm ăn, dẫu chẳng làm nên gì, nhưng mà nó biết yêu thương con, quý trọng mẹ con thì còn  hơn.
Ấy cha dậy bảo con có mấy điều đó, con nên nghĩ mà ghi nhớ vào lòng!”.
Quan Giáo nói xong gắng gượng ngồi dậy tìm hết sổ sách văn tự giao cả cho phu nhân. Xong đâu đấy, thì ngài lại nằm xuống giường, hai mắt lim dim, hơi thở còn hoi hóp, đủ biết bệnh thế ngài nguy lắm rồi. Ngài tự liệu cũng chẳng còn mấy chốc mà nhắm mắt, nên nghĩ đến vợ con thì thương xót lắm, chỉ nhìn phu nhân và cô Bạch Thủy rồi lắc đầu mà thôi.
Từ đó căn bệnh ngài trầm trọng,thốc thang điều trị nhiều nhưng càng ngày càng nặng. Một hôm cả nhà đang ngồi xúm chung quanh ngài, ngài rên la ầm ĩ hốt nhiên kêu to một tiếng rồi tắt hơi. Cả nhà khóc lóc phu nhân và cô Bạch Thủy lo tống táng ngài xong bèn thu xếp đồ đạc về quê nhà ở huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. 
III
Thấm thoắt đã được sáu năm.
Làng quan Giáo ở vốn là một làng nghèo, số đinh ít, ruộng thì xấu, đất cũng không được tốt. Quan Giáo vốn cũng cầy cấy được ngót sáu mươi mẫu,nhưng hoa lợi một năm cũng không thu được bao nhiêu.Nên phu nhân lại bán một phần nửa đi, lấy tiền mà làm một cái nhà con, cùng mua một cái vườn con giồng giọt các thứ hoa quả để chi dụng ăn uống, hoặc đem bán. Cái nhà phu nhân mới làm đây rộng hẹp được độ ba gian, đằng sau có ao, trước mặt có vườn nhỏ.Hai mẹ con phu nhân ở đấy lần hồi cầy cấy cũng đủ ăn; vì nhà ít người ăn tiêu, nên lâu dần cũng để ra được ít nhiều tiền bạc. Lúc này cô Bạch Thủy đã được 16 tuổi, người trông nhỏ nhắn thanh nhã, mặt trái xoan trắng trẻo, mắt sắc, tay chân mềm mại, lại thêm đức hạnh ôn hòa, thảo thuận, nên ai cũng khen. Phu nhân thấy con gái thế, bụng cũng mừng thầm.
Bèn nghĩ muốn cho cô một ít vốn ra Hà Nội buôn bán, sau nữa để cho cô nhân dịp này mà kén chồng tài giỏi, nương gửi tấm thân mai sau. Nên một hôm gọi cô mà bảo rằng:” Nay mẹ để ra được ba bốn trăm bạc, muốn cho con ra Hà Nội để học buôn bán và tìm chút rể xứng đáng, không biết con có bằng lòng chăng? Nếu con bằng lòng thì nhân tiện mẹ có quen bà Đồ T. ở phố Hàng Bút cũng buôn bán có cửa hàng, để mẹ nói với bà ta cho con dọn hàng chung váo đấy, bây giờ hẵng buôn bút, giấy, son, mực xoàng  rồi sau có nhiều vốn sẽ mở luôn cửa hàng buôn to bán nhớn cũng chẳng muộn chì? “.
Cô Bạch Thủy nghe phu nhân nói liền mủi lòng rơi lụy: “Mẹ muốn vậy, nhẽ nào con không vâng nhời mẹ. Xong bây giờ cha con đã mất, còn có hai mẹ con ta thì con chỉ muốn ở với mẹ trọn đời mà thôi, con không muốn đi đâu sất! “.
-Con nói dở lắm, con là con gái thì phải lấy chồng, mẹ thì già cả, sống nay chết mai, có nhẽ đâu sống mãi mà ở với con. Con có bụng hiếu hạnh với mẹ,thì mẹ cũng đẹp dạ,nhưng con phải nghe theo nhời mẹ như thế, thì mẹ mới khỏi buồn về con…Con cứ yên lòng ra Hà Nội buôn bán,rồi thỉnh thoảng mẹ ở nhà quê ra thăm con, như thế cũng gặp nhau luôn, lọ là phải ở chung chạ với nhau sao?.
Phu nhân vừa nói vừa vuốt ve cô, càng thấy con càng thương càng yêu. Cái tình mẹ ấy, con ấy lúc này có khác chi mẹ con người Giới Tử Thôi đời Chiến Quốc không?
Cô Bạch Thủy thấy mẹ nói hết lời, nên cũng thương mẹ mà bằng lòng ngay: “Thôi thì mẹ đã muốn vậy, con cũng xin vâng “. Phu nhân cả mừng bèn sắm sửa quàn áo đồ đạc và đổi bạc đổi tiền cho cô 400£ (piastre: đồng bạc thời Pháp thuộc) ra buôn bán ở Hà Nội. 
IV
Thế là từ đó cô dọn hàng buôn bán ở nhà bà Đồ T. là người bà con quen biết với phu nhân. Bà Đồ T. là người đảm đang sắc sảo nên buôn bán cũng giỏi,cô Bạch Thủy nhờ ở đó bà ta dậy bảo cách thức, nên chẳng bao lâu cách mua hàng, bán hàng cũng thạo. Lại thêm cô là người có tư chất thông minh,ăn nói dịu dàng lanh lợi nên hàng họ tuy có ít mà ngày nào bán cũng chạy.Khách mua hàng nhà quê kẻ chợ thấy cách cô chào mời tử tế, nên đều mên cô mà đổ xô vào mua cả hàng của cô,chưa được vài tháng thì vốn liếng cô cũng được kha khá,có thể đem ra mà buôn to tát được.
Nhưng cô là người kiên nhẫn bụng dạ giỏi,dẫu chắc ở cái tài mình buôn bán được lờ được lãi, mà cũng không hề đem lòng nghĩ ngợi đến cách ăn mặc xa hoa, chơi bời đua ganh với các chị em. Chỉ ngày ngày ngồi cửa hàng,đến tối lại lui vào trong nhà xem xét,tính toán sổ sách mà thôi.Đất phồn hoa cũng lắm bọn thoa quần thường lui tới chuyện vãn với cô, lắm khi muốn rủ rê cô đi xem hát, đi chơi chỗ nọ chỗ kia, nhưng cô không chịu,một niềm từ chối.Vì cô hồi tưởng lại những lời quan Giáo thân sinh ra cô, lúc quy tiên dặn lại, thì cô lấy làm lo sợ,lắm lúc chiều mát đứng cửa, khách ong bướm thường qua lại dập dìu, trai anh tuấn lắm phen lui tới, mà mắt xanh vẫn cúi,cặp lông mày dửng dưng,chưa  với ai, chỉ này qua tháng lại, gót sen lui tới trong nhà, trong phòng loan một mình một bóng mà thôi.
Có lúc rảnh rang một mình buồn, đêm khuy canh tàn, mà giấc hòe chưa nhắp, thì lại giở chuyện Kiều ra ngâm nhời nhẽ bi thảm, cho hay cái cảnh “Tự-cổ-hồng-nhan-đà-bạc-mệnh” của cổ nhân đã đặt ra mà ví vào  cô Kiều cũng sâm si mường tượng đến cảnh cô, mai sau thân bồ liễu biết là về ai? Hay lại đem mình ngọc cho ngâu vầy, mà phó mặc tấm thân này cho các gã Tràng Khanh, Tống Ngọc? Hay Phan An chửa gặp mà má hồng lần lữa, rồi lại về tay anh trọc phú, chú công tử bột, gã Sở Khanh nào?
Huống chi đất phồn hoa, những phường đểu giả bạc nghĩa không ít, nữa lại bị chúng làm nhục, nào có biết thương chút phận thuyền quyên, hay cũng lại như ai để lưu danh thiên cổ mà mang danh tài-sắc Thập Nương (1)? Hay rồi lấy chú Lý Sinh (2) bất nghĩa? Hay rồi không gặp kẻ thương hoa tiếc ngọc như Tần Lang (3)? …Cô ơi! ký giả với cô vốn không quen biết, nhưng nghĩ chuyện của cô, thật vì thương bạn hồng-quần như cô, mà phải liều viết giải mấy nhời thành thực đây với cô, cũng muôn rằng cô am hiểu nhân tình thế thái ngày nay mà lấy mắt xanh chọn đá thử vàng!...
Từ ngày cô Bạch Thủy ở Hà nội buôn bán,thấm thoắt đã được hai năm giời. Lúc đó cô đã 18 tuổi nhan sắc trông tuyệt đẹp, xa gần đều nức tiếng; nhiều chỗ mượn người đến hỏi, mà cô lắc đầu không thuận đâu cả. Bởi thế chuyện nhân duyên từ ấy bẵng hẳn đi. Cô cũng không nghĩ ngợi gì đến,chỉ chăm chút về cái cửa hàng mà thôi, vì cô đinh ninh rằng người tài tử phong nhã sẽ gặp cô ngay, không nhẽ hoa thơm mà đến nỗi phải sa phải vũng bùn lầy…Sớm trưa,cái lòng hy vọng cô tất được mãn nguyện. Lo chi? Người tài sắc? 
V
Trước cửa hàng cô có nhà quan phủ Nguyễn, nhà rộng ngoài cho người thuê bán hàng. Quan phủ này là người khoa mục xuất thân, vốn giòng thế phiệt: cái nhà này nguyên của cụ cố đẻ ra ngài để lại, bây giờ ngài phải đi trấn nhậm ở phủ Đ. thuộc tỉnh P.Y. nên nên chỉ có phu nhân ở đó trông nom cho cậu con cả ngài đi học mà thôi. Công tử tên Liễu Oanh, tuổi mới 19, mặt mũi khôi ngô,giáng người phong nhã, cặp mắt sáng như gương, lại thêm đi đứng khoan thai, ăn nói lễ phép, nên quan phủ ngài yêu thương, phu nhân thì quý lắm, chiều chuộng hết sức, muốn sao được vậy. Cậu là người thông minh học rộng, nên lúc đó tuổi chưa cao, mà tài hoa nổi tiếng con dòng, năm xe kinh sử làu thông,,người như thế, ai chả khen, ai chả phục. Bởi thế mà chưa hỏi vợ, đã có người muốn gả con; nào người thì làm mối cho cậu lấy con gái quan Thượng Mỗ, nào người thì đánh tiếng gọi gả con cho cậu, nhưng cậu chưa bằng lòng đâu, vì cậu nghĩ muốn cho đại đăng khoa đã rồi sẽ tiểu đăng khoa cũng chẳng vội chi!
Thường cứ ngày ngày hai buổi cậu đi học. Cậu chăm lắm, mới sáng sớm đã thấy cắp sách đi học, đi lối con đường phố Kiến, rẽ ra hàng Buồm là trường của quan Đốc Phan mở ra dậy học trò. Học trò cũng đông, nhưng không có ai học bằng cậu; kỳ bình văn nào cậu cũng được giải,kể kinh nghĩa, văn sách cùng phú lục, thì cậu lại có phần giỏi lắm. Quan Đốc Phan chấm bài cậu không bài nào là không khuyên tít. Ngài khen cậu lắm, lại thấy cậu người đẹp, thêm nết na, nên thường hay chỉ cậu mà bảo học trò:”Cậu cũng như Phan-An-Nhân ngày xưa, người như cậu, con nhà đại-gia-thế-phiệt lại thêm bác-học-kỳ-tài, lo gì chả đắt vợ. Vậy cậu chớ lo chi chuyện ấy, sớm trưa cậu sẽ gặp người quốc-sắc?”.
Người quốc sắc? Cậu vẫn mơ tưởng tìm tòi lắm, nhưng nàng Ban, ả Tạ có mấy ai? Kể như các con nhà hàng phố, thì được của hỏng người, mà phần nhiều chỉ giầu lỏi, chứ nào có ra con nhà khuê các nết na, chẳng qua chỉ biết soi hương đánh phấn, vẽ mày bôi môi mà thôi, chứ được mấy người xứng đáng hiền thê nội trợ. Cậu tuy ở chốn đô thị phồn hoa đông đúc, các tiểu thư có thiếu chi, nhưng vì cậu nghĩ như thế, nên mắt xanh chưa để ai vào, tỉnh thành biết bao người, nhưng trước mắt cậu đã hầu như am một chốn thanh cảnh vắng, ngoài con đường học vấn, dễ thường bè bạn chẳng có ai?
Nên cậu tuy vẫn chăm học, mà lắm lúc nghĩ cũng buồn. Lạ gì cái thói con giai lớn đến tuổi lấy vợ,thì cũng hơi khó chịu một tý, huống chi cậu lại là một người văn sĩ, cái cảm giác về tình nó run rẩy rất lạ, nó cảm sâu vào tận lòng thơ, mà làm cho vì ái tình mà ngây, vì má phấn mà si, vì cặp lông mày, đôi môi son mà ngơ ngẩn, mà ngơ ngẩn vì…
Bạch Thủy tiểu thơ lúc này đối với Liễu Oanh công tử có một oai quyền rất lạ. Những khi chiều mát, độ vào khoảng năm giờ, hàng họ dọn dẹp xong rồi thì tiểu thơ rửa mặt, rồi vấn đầu vấn tóc, xong ra đứng cửa. Đường phố xe đi xe lại rậm rịch, khách đi về tướp nượp giữa đường cát bụi tối tăm, ầm ầm tiếng xe, rộn rộn tiếng người.Trông xa trông gần, trai tài tử chen chân nối gót nhau mà đi đầy đường chật phố.
Tiểu thơ đứng ngoài cửa lúc này, tựa như ngành dương liễu đứng im, mỗi lúc động đậy mình mẩy, thì như ngọn gió hiu hiu khẽ lay cành lá, cái đuôi ga pháp phới, cái khăn bằng ca-sơ-mia nâu, cái áo trắng dài vải dầm, cái quần lĩnh thâm cạp điều đen nháy, cái mũi giày tròn nhọn, mỗi lúc trông thấy lại ngắm đến cặp mắt khi cúi khi lên, khi bên phải khi bên trái, hàm răng đen nháy khi miếng giầu, khi hơi cười, cười nụ, khi hơi nói, nói gượng, đôi má phấn lúc thường thì trắng như ngà, lúc có khách qua, thì lại hơi đỏ.
Cô đẹp lắm thật, cho nên nhan sắc cô thường khi Liễu Oanh công tử phải để mắt vào, má ngắm nghía nhìn không mỏi mắt. Cửa đối cửa, mặt đối mặt, giai tài gài sắc cùng nhìn cùng no, nhưng cái no này là no ốm, no đau, cho nên mỗi lúc Liễu oanh nhìn cô từ trong bức mành mành mà trông sang bên hàng, thì trong bụng như bị một cái ma lực nó sắp đưa đi chơi chốn vực sây thăm thẳm. Người đó là người nào mà khiến cho ta càng nhìn càng ưa, càng ưa càng chết trong lòng? Nào duyên nợ ba sinh? Biết cùng ai gắn bó? Từ đấy công tử đem lòng mơ tưởng hoài, ra vào không yên, mỗi lúc nhìn tiểu thơ thì thấy cái khổ vô hình, nó ngấm ngầm trong lòng, nhìn mà muốn ôm chặt vào lòng, mà muốn hỏi:” Cô biết cho?”.
Ngày đêm thổn thức, một bóng một mình, chỉ một mình trên gác kín,chồng sách chập chồng, cấu đối liễn treo từng hàng trên vách,hết nằm lại ngồi, hết đi lại đứng, mỗi lúc nhắc mình, mỗi lúc cựa mình, mỗi lúc mở mắt, mỗi lúc nhắm mắt,lúc nào cũng thấy khó chịu trong người, ai hay cái sắc nó dễ làm say lòng người? Ai hay câu thơ “ Nhân-diện-bất-chi-hà-xứ-khứ” nó tưới sầu tưới thảm vào gan, mà gợi bao nỗi thương tâm trong dạ?
Lúc này công tử cầm quyển sách như người còn mê ngủ chưa tỉnh, gật gật gù gù, say say tỉnh tỉnh, mắt nhắm mắt mở, mặt mũi buồn so, dễ thường trong bụng công tử lúc nào cũng nghĩ đến bốn chữ: “Cô có biết cho?”. 
VI
Cách hai hôm sau thì Liễu Oanh nhuốm bệnh sốt rét; mình mẩy lạnh ngắt, nằm bệt giường thiêm thiếp chẳng cựa quậy chi cả. Thằng bé con hầu cậu, thấy bỗng dưng cậu ốm, không hiểu làm sao, vội vàng xuống nói với phu nhân.Phu nhân cả kinh, không biết hung dữ thế nào vội vàng chạy lên gác, trông thấy cậu đương nằm trên giường thì ôm lấy cậu mà khóc ròng:
“ Căn bệnh con làm sao nói cho mẹ biết?”
Công tử nghe tiếng mẹ nói, vội vàng mở mắt,rồi nhắm nghiền lại, song lắc đầu một cái …Phu nhân thì ôm chặt lấy con, coi bộ lo rầu sợ hãi lắm, người tuổi già tóc bạc, cũng vì con mà hạt lệ đầm đìa thì đủ biết cái lòng mẹ ở với con yêu dấu biết bao?.
Chết! Ôi chết! Bỗng dưng mà lại chết, con đi mẹ ở sao đành? Nay phút chốc vì ai nên nỗi? Lúc này cái ái tình của người mỹ nhân mạnh bằng mấy cái ái tình của mẹ với con. Phu nhân nước mắt chạy quanh, hơi thở hồi hộp, tay chân run rẩy, ngồi cạnh cậu mà săn sóc trông nom, bụng nghĩ, bụng cảm để cả vào cậu, cậu thì nằm im lìm, mắt nhắm nào có hay mẹ vì thương con mà ngồi bên cạnh, chỉ lăn hết bên nọ, lăn hết hết bên kia mà đem tinh thần mộng du bên trước cửa. Tiếng phu nhân gọi:” Con ơi!” thì tiếng công tử khẽ gọi:” Cô ơi!”. Mà cô đâu?
Phu nhân cùng kế không biết làm sao, Mời hết các thày thuốc đến, mà các thày thuốc cũng vô-kế-khả-thi.
Đau ruột, xót lòng phu nhân bèn khóc mà bảo cậu rằng:
“Nay mẹ được có một mình con là giai, nếu con có điều gì, thì mẹ biết làm sao? Hay con có ước muốn gì thì cứ nói với mẹ, mẹ sẽ liệu phương tìm kế cho con được vừa lòng!”. 
Làm cho con được vừa lòng, công tử nghe câu ấy mà tỉnh ngay người ra. Liền cười mà sẽ nói với phu nhân rằng:
“Nay mẹ đã hỏi, con xin thú thật,con đây chẳng phải đau ốm thật, chẳng qua trông thấy cô con gái bán hàng trước cửa, nên đem bụng yêu mến, muốn lấy được cô ấy mà thôi. Vậy xin mẹ nói với cha hộ con,nếu cha bằng lòng thì từ nay con xin hết sức chăm học để trọn hiếu với mẹ cha”
Phu nhân nghe công tử nói liền thuận ngay.Từ đó công tử lành mạnh như xưa. Còn phu nhân thì nhất-diện viết giấy lên phủ cho quan ông nói về việc ấy, nhất-diện mượn người quen mời bà Đồ T. sang nói chuyện.Khi nghe bà Đồ này nói cô ta là người tài sắc nết na, thì phu nhân mừng lắm, bèn nhờ ngay bà ta đánh tiếng làm mối dùm cho cậu, khi nào xong sẽ hậu tạ bà.
Bà Đồ T. thấy vậy cũng bằng lòng ngay, vì liệu môn đăng hộ đối, hai trẻ cũng tốt đôi nên vui lòng nhận lời. Được vài hôm, thì có giấy quan phủ viết về cho phu nhân rằng bằng lòng hỏi cô Bạch Thủy cho cậu, cách ít lâu sau bà Đồ cũng đem tin lại rằng bà Giáo thân mẫu cô ta cũng thuận gả. Tin viu đã đến, nỗi buồn hết ngay công tử lúc này mặt mũi nở nang. Phu nhân thương trẻ nên muốn cưới dâu ngay,liền lại đánh giấy cho quan Phủ xin phép về lo cưới cho cậu. Quan Phủ nhận được giấy liền xin phép về ngay.
Xong đâu đấy, thấm thoắt đến ngày cưới; cô Bạch Thủy trước có buôn bán nên khi về nhà chồng, vốn liếng, cũng được ngót một nghìn, lại thêm củ bên nhà chồng cho thêm một nghìn nữa thành ra hai nghìn.
Hai nghìn! Con gái mới về nhà chồng mà có ngay hai nghìn thế là cũng nhiều vốn đấy.
Từ ngày cô lấy cậu, cậu lấy cô, thì vợ chồng cả ngày cứ bám chặt vào nhau, không rời nhau ra một bước, cậu mê cô, cô yêu cậu, trong vợ chồng trẻ xưa nay ai chả thế?
Phu nhân thì lo nghĩ dọn cho cô một cửa hàng ngay ngoài nhà mình để khỏi phải thuê  cửa hàng khác tốn tiền. Liền không cho thuê ở ngoài nữa, rồi bảo cô dọn ra đấy buôn bán để mình trông nom và bảo ban cho nhân thể, sau nữa để hầu hạ cậu khi khuya sớm cho cậu khỏi buồn đi chơi nhảm. Còn bà Giáo là mẹ cô thì vẫn ở nhà quê cày cấy  thỉnh thoảng cũng ra Hà Nội thăm rể và con gái. Kể từ lúc cậu mợ lấy nhau đến giờ tính được ngót một tháng,vợ chồng yêu quý nhau rất mực, cậu coi mợ như vàng, mợ coi cậu như ngọc, mợ dỗi một cái là cậu đủ hết hồn, cậu giận một tí là cậu đủ kinh tâm. Cái cười của mợ là cái quý của cậu, cái học của cậu là bụng ước của mợ, nhưng mợ muốn thế, nào có được thế,cậu vẫn không học cho, cậu chỉ theo mợ thôi, mợ ngồi hàng, cậu cũng sán bên cạnh. Lắm lúc mợ tức mình gắt, cậu sợ nể,chạy lên gác, rồi chốc lại thấy xuống. Ô hay! Mợ thấy tình hình cậu như thế,thì lấy làm buồn vì muốn rằng cậu sẽ chuyên cần sách vở để còn lập công danh cho mình nương tựa mai sau, chớ cứ thế này mãi thì bao giờ gặp ngày thái lai? Lắm phen mợ hết lòng khuyên giải cậu, thì cậu lại nhăn nhở không buồn nghe. Cùng chẳng đã, mợ phải thưa lại với phu nhân,phu nhân thương dâu nên la mắng rầy mỏ cậu thì cậu cãi lại. Phu nhân chẳng biết làm sao, đành phải chịu, mợ thì chỉ nghĩ về buôn bán mà thôi, cậu thì vẫn đâu vào đấy, sách một nơi,bụng một chỗ, ngồi gần sách, nhưng sách là mợ, ngồi gần mợ tức cũng là học sách. Mợ là quyển sách bùa mê của cậu. Cậu mê mợ quá lắm rồi. Mợ cũng biết cậu mê mợ lắm, nhưng biết làm sao? Vẫn muốn cậu chuyên cần học hành, nhưng cậu không học thì làm thế nào được? Lấy chồng ai chẳng muốn chồng hay,nhưng nay hương mầu thế thì chắc gì mai sau có làm nên được? Thôi thì số kiếp con người, phải sao chịu vậy; bây giờ chỉ mong vào cái cửa hàng buôn bán để nuôi thân mà thôi. Mong chi cậu làm nên nữa. 
VII
Ngày tháng vùn vụt, phút chốc đã hai thu. Mợ cả có mang đến tháng sinh ra một cậu con giai. Ông bà được một chút cháu lấy làm mừng lắm. Còn mợ cả từ ngày có con,thì lại có phần thêm lo lắng hơn nữa, phần lo rầu chồng, phần lo rầu con thơ. Mẹ con này rồi sau không biết ra làm sao, chớ mẫu chồng ấy,mẫu bố ấy thì làm chò chống gì được? Còn cậu Ấm thì vẫn cứ thế, tiếng rằng không chơi bời gì với ai,chỉ quanh quất ở trong nhà thôi,nhưng lúc nào cũng bám vào vợ,chả học hành gì sốt.Đàn ông mà như cậu cả này trên đời không phải là ít, nhưng cứ thế mãi thì phỏng có làm nên danh vọng gì không? Hay lại ngồi không mà nhờ vợ? Ý cậu cả có nhẽ cũng muốn thế đó,cho nên lần lữa ngày qua tháng lại cậu nhất quyết không mó đến quyển sách nữa.  Có lẽ cậu chắc ở lưng mợ rồi, còn mợ thì có chắc làm ăn được mà nuôi cậu không? Ấy cái cảnh cậu cả nhà này như thế nghĩ mà chán thay!
Một hôm cậu cả nhận được thư quan phủ viết về bảo là đã lo cho được làm Thông Phán ở dinh quan Thượng tỉnh N.Đ., thì phải thu xếp mà đi làm ngay,không được lần lữa, mà chậm thì nhà nước bổ người khác.Cậu xem thư xong, buồn lắm.Phút chốc xa vợ con mà đi một mình một chỗ còn khổ gì bằng,nữa lại vợ chồng mới lấy nhau được mấy năm. Nhưng không thể cưỡng lời bố được, vì quan Phủ đã nhất quyết bắt cậu phải đi,không đi không được. Ngài là người nghiêm khắc lắm, cưỡng thế nào được? Cậu cả nghĩ thế, nên mặt mày buồn so.Liền đưa thư cho vợ xem xong rồi bảo rằng:
Mợ cả nghe chồng nói,hai hàng nước mắt rưng rưng. Tuy mợ cũng muốn cho chồng lập chút công danh với đời, và không muốn cậu ở nhà, nhưng nay thấy cậu phải đi xa, vợ chồng đương âu yếm biết bao nay phải cách nhau, cảnh ly biệt này có nhẽ buồn lắm! Từ nay lấy ai là người bầu bạn đêm hôm? Chăn thúy-vũ cùng ai đắp lạnh.
Mợ nghĩ thế nên ngậm ngùi cũng rơi lụy, liền ôm cậu mà thỏ thẻ rằng:” Cậu đi thế bao giờ cậu về với mẹ con tôi?”
Vợ chồng tình tự với nhau ròng rã mấy hôm. Đâu đấy xong, mợ cả liền thu xếp hòm xiểng, va li quần áo cho cậu,nào may thêm áo mới, nào vá áo rách, nào mua đồ ăn thức uống. Đồ hành lý xếp đặt đâu vào đấy, cậu liền từ giã bà con thân thích, xong lại dặn dò mợ kỹ càng. Lúc này cậu cả ruột đau như cắt,nhìn vợ mà nước mắt rưng rưng. Còn mợ cả thấy chồng sắp đi,nên ẵm con ra cho cậu bế. Lúc này thằng bé con thấy cậu, cứ nằm bệt trong lòng cậu mà khóc mùi, dỗ mãi không nín tựa hồ nó cũng biết nhớ cậu.
Cậu cả thấy vợ thế, con thế, vợ thì mặt hoa mày liễu, trong khóe mặt đầm thấm hạt mưa xuân, một giọt rơi xuống má là một cái đau đớn cho cậu, còn con thì nước mắt giàn dụa, hết ho lại sịt, oe oe chẳng dứt, khiến cậu mối tình vấn vương…Nhưng cậu đã vì lời cha mà đi,cái trách nhiệm mang trong mình không phải là nhỏ, nên phải nhất quyết mà ra đi.
Ra ga lấy vé, lên tàu, xong đâu đấy, còi tàu mấy tiếng, tàu bắt đầu chạy, chở cậu cả xuống tỉnh N.Đ. là tỉnh cậu được bổ làm việc quan.
Phần II
Đoạn thứ hai
I
Kể từ lúc cậu cả xuống làm việc tại tỉnh N.Đ. đến giờ tính đốt ngón tay được ngót một tháng rồi.
Cậu phải thuê một cái nhà ngoài phố, ở chung mấy cậu ấm Hai, con cụ lớn Tuần, đương làm quan tại tỉnh H.Y. Cụ Tuần đây cũng là người quen biết bạn bè chơi bời với quan Phủ là bạn đồng khoa với nhau, nên khi cậu Cả này gặp cậu ấm Hai thì thân thiết với nhau ngay. Song cậu phải xa nhà, xa vợ, thì cậu buồn bã khôn nguôi, ngoài những giờ vào dinh quan Thượng làm việc quan,thì cậu lại về nhà, ngồi buồn xem sách giải khuây,ngoại-giả không còn giao du thân mật với ai sốt.Quan Thượng thấy cậu là con nhà gia lễ,lại chữ nghĩa thông thái nên đem bụng yêu, thường khi gọi cậu vào dinh cho ăn cơm,rồi ngài lại khuyên lơm cậu hết sức làm việc quan cho chăm chỉ ;cậu cả được ngài yêu mến có bụng mừng,cậu định có dịp nào tiện sẽ xin đổi về tỉnh gần nhà, để thường khi được đi lại thăm nom vợ con.
Ở tỉnh N.Đ được ít lâu càng nhớ nhà. Lắm hôm cậu ngồi thừ người ra mà chả muốn làm gì cả. Chập tối nhà nhà đóng cửa, phố xá vắng tanh, ngọn đèn bên đường trông xa chỉ thấy hút vài thầy Phán cùng một vài người đi chơi đêm.Nghĩ những lúc này cậu một mình trong chốn xa lạ thì lại hồi tưởng vợ con ở nhà bấy giờ đương yên giấc mơ màng,có nhé cũng nghĩ nhớ đến cậu, mà cậu thì ruột tầm chín khúc vò tơ, hồn mây phảng phất, những đăm đăm con mắt hai hàng chứa chan, rượu trường đình lại nhớ lúc hàn huyên mấy cuộc vui, giữa trong gia tộc sum vầy, ở một nơi đô hội lớn lao, nhân vật đông đúc… mà nay vợ xa chồng, chồng xa vợ, con thơ nào thấy mặt cha,tình cảnh này biết rằng than thở cùng với ai?
Tưởng cậu cả lúc này trong ruột đau như dao cắt. Người có cậu Ấm hai làm bạn tâm tình, nhưng bạn tâm tình thường đi sớm về khuya luôn luôn, có ở nhà đâu những lúc này?
Cậu Ấm Hai này còn trẻ tuổi, cùng sâm si bằng tuổi cậu cả,nhưng chơi bời phóng túng quá, vì cậu cũng là con cụ lớn lớn Tuần. Bà phu nhân lại chiều con,nên nay đi làm xa, thì thường cứ tháng gửi bạc trăm cho cậu tiêu. Một hôm cậu đi chơi về thấy cậu cả đang ngồi rầu rĩ, thì lại gần vỗ vai cười mà bảo rằng:” Cậu buồn sao chả đi chơi, tội gì cứ cả ngày ngồi nhà thế thì chịu sao được? Đi, cậu đi với tôi, rồi anh em mình sẽ kiếm cách tiêu khiển cho vui”. Cậu cả trước còn không muốn đi, sau bị cậu Ấm Hai ép lắm, nên phải mặc áo ra đi. Cậu Ấm Hai bèn dắt vào một căn nhà rộng rãi, đi qua hai gian mới đến gian sau cùng, thì thấy một giường trạm nhớn, chiếu cạp điều giải, trên có ba người nằm đương nói chuyện và hút thuốc phiện với nhau, khi cậu Ấm hai dắt cậu này vào thì ba người kia đứng cả dậy mà nhường chỗ cho hai cậu ngồi.Cậu Ấm Hai tức thì cởi áo dài ra,rồi mời cậu cả ngồi, xong đưa cho người nhà đi mua 1£ thuốc phiện. Mấy người kia thấy hai cậu ngồi rồi,cùng ngồi ghé theo bên cạnh.Cậu Ấm Hai lấy tay chỉ từng người cho cậu Cả biết: ”Ông này là quan Tham B.,ông này là quan Phán C., ông này là quan Bát P.” Xong đâu đấy,cậu bèn chỏ cậu Cả mà bảo với ba cậu kia rằng: ”Cậu này là bạn thân với tôi,bây giờ cùng làm việc với tôi ở dinh Quan Thượng đây, cậu là con cả của quan Phủ Nguyễn bây giờ hiện ngài đương ngồi tri phủ phủ Đ. ở tỉnh P.Y.”
Mấy người kia nghe nói đều chăm chú nhìn cậu. Một người hỏi:” À thế ra cậu là con quan phủ Nguyễn đấy, mà chúng tôi không biết!“.
Người nữa, lại hỏi:” Tôi nghe cụ lớn nhà ta sắp được ký bổ Án Sát, có phải không cậu?”
Chuyện vãn một hồi, thì thuốc phiện đã mua về. Cậu Ấm hai liền để bàn đèn lên giường,khay khảm, đèn pha lê, giọc đồi mồi,tiêm móc bằng bạc, tẩu bằng sứ, nào kéo, nào cái để nạo, nào lọ dầu lạc bằng chai bia to tướng, hoa đèn trông sáng trưng,mùi thuốc phiện thơm nức mũi, mỗi cái sèo sèo, là một câu chuyện như pháo ran, mỗi giọt thuốc dỏ xuống là một câu văng tục,khi tiếng cười dòn, khi câu chửi nặng, mỗi một hớp hãm thuốc là phì ra một đám khói, thơm tho và ngon làm sao? Cậu cả ngồi gần đó,cũng đã ngửi mùi thơm,biết hưởng cái thú, hai mắt cậu chăm chỉ nhìn ngọn đèn,mũi cậu thỉnh thoảng lại hắt hơi một cái,mỗi cái hắt hơi lại ngáp như buồn ngủ…Cậu Ấm Hai hút xong,liền tiêm một điếu, đưa giọc mời cậu ; cậu cố từ không hút: “ Quả tôi không quen hút..” Cậu Ấm Hai lại mời:” Thì cậu thử hút chơi một điếu xem sao? Như tôi hút luôn mà còn chẳng sợ nghiện, huống chi cậu, thì việc gì?”
Mấy người kia thấy thế cũng nói:” Phải, việc quái gì, nghĩa là anh em vui chơi dăm ba điếu, phiện vài khói  vừa vui vừa tỉnh người ra,chớ có hại gì?”
Mấy người cố ép cậu cả, cậu cả từ chối không sao được, bèn phải cầm giọc: “ Tôi vô phép các ngài!“
Xong cậu kéo hơi dài, rồi đưa cậu Ấm Hai.Từ đấy giở đi,cậu Cả cứ thường thường cùng cậu Ấm hai ra đấy hút. Lúc nào buồn, không hút thấy khó chịu, lại phải hút, được ít lâu thành ra nghiện, phải mua bàn đèn về nhà để cứ sáng chiều hai bữa hút, rồi đi làm việc quan cho tiện khỏi mất thì giờ ra phố…
Cậu Ấm Hai và cậu Cả thành hai người bạn nghiện hút từ đấy… 
II
Một hôm giời hè nóng nực, cậu cả đương nằm hút trong giường, quần vén tận bẹn, cởi trần trùng trục, đầu tóc bù xù,vừa thọc tay gãi nách, vừa cầm tẩu hút, trong mình cậu lúc đó thấy khó chịu lắm, thì vừa thấy cậu ấm Hai đi chơi về, vào thấy cậu đương phiện, bèn cười mà bảo rằng:” Này cậu, hôm nay đỏ quá, tôi mở một cái mà được hơn một trăm!” Cậu cả đương nằm hút,thấy thế vội vàng hỏi ngay:” Ở đâu…đâu thế? Bảo tôi…để tôi đi đánh?”Cậu ấm Hai ghé tai khẽ nói mấy câu một lúc,rồi hai cậu cùng rủ nhau đến một nhà, trông rõ thì cũng chính là nhà mà hôm trước đã đến hút. Vào đến trong nhà, thì thấy dưới đất giải hai cái chiếu cạp dài,cỗ bài, cái đĩa, bốn con xóc đĩa để ở giữa, người ngồi xúm quanh hai bên, nào ông ăn mặc tây, nào ông ăn mặc quần áo ta, áo xa tây nhẫn vàng, nào bà mặc ca-sơ-mia,vòng xuyến chật tay, nào cô mặc áo lụa quần lĩnh thâm cạp xanh, vòng đeo chít cổ, mỗi người trước mặt có một đống bạc hào, ổng thì kề bà, bà thì dựa vào vai ông, cô thì ghé tai cậu, cậu thì ghé tai cô, cười cười nói nói, thì thì thầm thầm, trông người mà ngốt, trông bạc mà choáng mắt…Lúc đó đương xóc cái, cậu cả và cậu ấm Hai vào thì thấy họ đương đắt to. Cậu cả liền mở ví lấy ra tờ giấy bạc 5£ rồi đánh:” Chẵn năm đồng này!”.
Người xóc cái giao:” Bán chẵn năm đồng!”
Người khác nói:” Đắt!”
Đến lúc mở ra hóa lẻ,cậu cả thua. Liền đánh luôn mấy cái nữa cũng thua, thua luôn một lúc bốn cái chẵn.Cậu lúc này đã chột, không dám đánh nữa bèn quay ra về nhà, nằm dài trên giường buồn tanh buồn ngắt. Rồi cậu cứ đi đánh gỡ mãi,càng gỡ càng thua, hết tiền nhà đến vay thêm cậu ấm hai, cũng không đủ, lại phải vay thêm người ngoài, chịu lãi rất nặng. Chẳng bao lâu số nợ của cậu cả gốc lẫn lãi đã lên tới 600£. Cậu cả lo lắm, tiền hết không còn một xu, mà ngày nào cũng phải hút, nay nếu không có tiền thì lấy gì mà hút, lấy gì mà giả nợ.Nhưng lo thì lo vậy, chứ cũng chả còn làm sao được! Trời ơi! Biết làm sao bây giờ? Một đằng cậu ấm Hai cứ thúc:
“ Nếu cậu không giả ngay tôi,tôi sẽ đầu đơn ra Tòa tôi kiện cậu!”
Cùng chẳng đã cầu phải đánh giây thép về bảo mợ gửi tiền lên giả nợ cho cậu.
Mợ cả tiếp được giây thép,xiết nỗi kinh hoàng, nhưng chồng mình không nhẽ để người ta thưa gửi,nên đành phải năn nỉ vay hết chỗ nọ chỗ kia để giả cho cậu.Cậu cả nhận được tiền của vợ,khác nào như được bay lên giời, rồi đem tiền trả nợ đâu vào đấy, rồi thề không bao giờ chơi cờ bạc nữa. Nhưng quen nết chiều nào cũng đi, ở nhà một tối thì không sao chịu được, nên không đi cờ bạc thì lại phải vào nhà cô Đầu ngồi hát suông cho đỡ buồn.
Ở tỉnh này, có nhà cô Đầu Tú là lịch sự hơn cả ; trong đó có một cô tác chừng 17,18 người nhan sắc mà thơ ca rất hay,lại biết đánh đàn kéo nhị,tên gọi là Tú Anh. Nguyên nàng là con nhà nghề xuất thân vào chốn hồng lâu từ nhỏ,nên các khóe bóc lột, đưa đón quan viên thạo lắm.Nay cậu cả vào chơi nhà nàng, thực là được ý nàng lắm, vì nàng này tuy có nhan sắc, nhưng bụng rất tham lam,chỉ làm mầu làm mỡ với quan viên nặng túi mà thôi. Nàng thấy cậu cả vào hát thì vội vàng ra chào mời đón rước ân cần:” Chả mấy khi cậu vào nhà em, mời cậu xơi nước, xơi thuốc!”,miệng thì nói, mắt thì đưa đẩy cậu cả, tay thì cầm quạt quạt cho cậu: cậu đang buồn bục, được gái tốt trước mắt, lại giọng ca véo von bên tai,những là khúc tỳ bà, điệu Hành vân, Sang nam, khi lên bổng, khi xuống trầm,làm cho mê mẩn tâm thần. Thôi thì má phấn hôn hít, quần lĩnh sát bên cạnh, con mắt sắc, lông mày ngài, nụ cười tươi,thử hỏi cậu cả có phải là gỗ đâu mà không động lòng? Thôi bao nhiêu chuyện ưu phiền mất hết, vợ con một xó nào cần chi ai? Người yêu của cậu bây giờ không phải là mợ cả nữa mà là nàng Tú Anh, mà là thìa rượu đầy vơi, là cung đàn cao thấp, giọng hát véo von, đôi mắt đưa đẩy kia …
Ký giả nghe đến đây, xin ngừng bút mà bày tỏ với cậu mấy điều, tự biết chả chắc có lọt tai cậu bằng giọng oanh thỏ thẻ, khúc hát véo von, miệng cười hoa nở, mắt sắc như dao không? Nhưng xin nói với cậu rằng ; như những lúc này cậu đương mê mệt say đắm trong vòng tửu sắc, thì có nhẽ hai mẹ con mợ cả ở nhà đang lo rầu vì gia đạo, mà chưa biết có được lúc nào tươi cười vui như cậu? Có nhẽ lúc này mưa sầu gió thảm trong gia tộc cậu mà cậu có màng chi tá!... 
III 
Mợ cả từ khi chồng đi làm tới giờ,thơ từ tin tức không nhận được,mãi tới hôm thấy giấy chồng viết về bảo bỏ tiền ra giả nợ cho chồng, mới hay chồng mình đi làm,bây giờ lại quá đam mê chơi bời cờ bạc, cho đến nỗi mang công mắc nợ.Tin ấy làm cho mợ héo hon trong ruột,mợ ngày đêm khóc lóc, lắm lúc nghĩ đến chồng mà ôm con khóc nức nở không ra lời. Thật từ ngày cậu đi làm đến giờ thì mợ ngày đêm lo nghĩ về buôn bán, đêm quên ngủ, ngay quên ăn, gánh giang sơn nặng trĩu hai vai mà lòng sắt đá không hề thay đổi, lúc rảnh rang thì đường kim mũi chỉ may vá, khi nhàn hạ thì chơi đùa với con, phận bèo bao quản tuyết sương, nào hay mưa gió thường thường mãi chăng?
Than ôi! Như mợ cả này thì cũng đáng thương thay, nhớ chồng, thương con, lo buôn bán, cảnh như thế, có lúc nào được vui chơi như một vài cô sẵn của chồng làm, ra tay ăn mặc chơi bời cờ bạc cho thỏa lòng mơ ước, hoặc là cậy của mà khinh nhà chồng …
Từ ngày phải giả nợ cho cậu mất mấy trăm bạc, thì mợ buôn bán cũng không được đắt hàng như trước nữa. Sau lại tiếp được mấy cái giấy của chồng bảo gửi mấy chuyến tiền lên để tiêu và giả nợ, chuyến thì năm chục, chuyến thì ba chục, chuyến thì hai chục, tất cả cũng mất đến bảy tám chuyến gửi tiền cho như thế, thành ra vốn liếng của mợ buôn bán trước có mấy nghìn, nay phải chồng phá quá nửa.Còn buôn gì được? bán gì được? Tư bản có ít, lấy đâu ra để buôn to? Mợ bèn bàn định với chị em nhà giầu buôn bán to như mợ, muốn bỏ tiền ra buôn phẩm, may lúc nào cao thì lãi nhiều. Bàn định chắc chắn, mợ bèn bỏ hết cả vốn liếng buôn bán còn lại bao nhiêu đem ra buôn phẩm.. Ngờ đâu năm ấy phẩm lại hạ,thành ra lúc bán thì lỗ to. Mợ cả vận hạn chẳng may, nên phát ốm người từ đấy,lo rầu thái quá,nhan sắc có giảm đi ít nhiều,mắt khóc quá đỏ ngầu trông rất thương.
Hôm ấy nhằm ngày trung thu, chiều mát mợ ăn cơm chiều xong, liền ẵm cậu con giai đứng cửa chơi. Trông thấy các nhà bầy cỗ cho con chơi vui vẻ, thì mợ lại buồn, lại nghĩ đến cảnh ngộ hiện thời, vì chồng mà lâm ly giọt lệ, khiến cho lúc này đứng cửa, trông thấy các nhà chị em bây giờ giầu có,, buôn bán rầm rầm thì lại nghĩ mà tủi thân. Trông diện-sắc mợ lúc này như một cánh hoa đương tươi tốt mà trận gió to làm cho tan tác tả tơi  các cánh vàng nhị thắm, có nhẽ cảnh trung thu tháng tám này, người vui vẻ tết ngắm giăng tròn, thì mợ lại âu sầu tết, ngắm chị Hằng ủ rũ…
Khi mợ đương ẵm con đứng cửa chơi, thì chợt có một chiếc xe cao su chạy qua,trên xe có một người ăn bận quần áo tây trông rất lịch sự. Người ấy tác chừng 30 giở lại, mặt mũi vạm vỡ, dưới cằm hơi có tí râu, thấy mợ cả đứng đó thì người ấy nhìn mãi, tựa hồ như chú ý mà ngắm một bức tranh cảnh gì đó vậy. Thờ ơ, mợ cả vừa ngẩng mặt lên nhìn người ấy thì cả thẹn mà chạy vào nhà.
Người ấy liền cho xe đi lên trên….Nguyên chàng trẻ tuổi này tên là Bạc-Sở, vốn cũng dòng dõi nhà quan, trước cũng theo đòi học trường Sĩ-Hoạn mấy năm, nhân vì chơi bời học dốt, thi mãi không đỗ. Ông bố tham của nên cưới cho chàng ta một người vợ con nhà giầu ở quê. Người vợ này rất xấu, nhân chàng chỉ tham của mà lấy thôi. Từ ngày lấy rồi thì chàng nhân được vợ nhiều vốn, nên ăn chơi phóng túng có phần hơn xưa, lại có tính hiếu sắc, hễ thấy con gái đẹp thì phải lòng ngay. Nên khi trông thấy mợ cả này thì chàng ngó hoài, không nháy mắt, âm mưu định ve vãn chim chuột. Chàng hỏi dò la mãi, biết có bà Đồ T. cũng ở phố ấy bèn đến nhà bà ta mà nói hết đầu đuôi. Khi bà Đồ T. mới nghe nói thì không chịu. Bạc Sở liền mở ví ra lấy một cái giấy bạc 20£ ra mà nói với bà rằng:
“Đây gọi là có chút quà đưa bà, nếu bà nói giùm mà mợ ta bằng lòng bỏ cậu ấy mà lấy tôi, thì tôi sẽ xin  hậu tạ bà sau này nhiều lắm!”
Bà Đồ T. trông thấy cái giấy bạc choáng mắt, liền chịu ngay.
“ Thôi cậu đã muốn vậy, để tôi thử phân trần lợi hại cho mợ ta nghe xem sao đã. Tối mai này tôi sẽ sang nói cho mợ ta nghe. Độ 9 giờ tối thì cậu đến!”. 
IV 
Tối hôm sau vào khoảng bảy giờ, mợ cả đương ngồi ẵm con cho bú trong nhà, thì thấy bà đồ T. sang. Mợ liền đứng dậy mời bà ngồi chơi, pha nước uống, chuyện vãn được một lúc thì bà Đồ T. liền hỏi mợ cả rằng:
“ Độ này mợ buôn bán có đắt hàng không? cậu cả có hay về không? Cháu vẫn chơi đấy chứ?”
-“ Cám ơn bà có bụng thương mà hỏi đến, hàng họ dạo này ế lắm, buôn lỗ bán kém, cháu mất công, mất nợ nhiều lắm, cậu nó thì từ dạo ấy đến giờ không thấy về, còn cháu nó thì vẫn chơi!”
Mợ nói xong cúi đầu xuống ngẫm nghĩ mặt tỏ vẻ buồn phiền.
Bà Đồ T. biết ý bèn giả vờ không biết:
“ Chết chửa! Thế mà tôi không biết đấy, bây giờ mợ nói, tôi mới sực nhớ dạo nọ mợ buôn phẩm lỗ mà phải giả nợ cho cậu ấy mấy trăm.Tội nghiệp thì thôi, cậu ấy đã chẳng nghĩ thương vợ, thương con ở nhà, lại còn đam mê cờ bạc làm gì để mà mắc công mắc nợ  để …”
Nói đến đó thì im, rồi làm bộ thở vắn than dài, Mợ cả thì ngồi im cúi đầu xuống, lâu lâu bà Đồ T. lại nói:
“À mợ này,bây giờ ngồi buồn nhắc chuyện xưa.Sáng hôm nay tôi có ngồi nói chuyện chơi với thày Bạc Sở ở phủ Toàn Quyến, thày ấy có nói với tôi rằng trước đây thày ấy có hỏi mợ nhưng bà không thuận. Nay thày ấy mới ngót 30 tuổi mà vẫn chưa lấy ai. Gớm! người đẹp đẽ và khôn ngoan làm sao? Nghe đâu cơ nghiệp của thày ta bây giờ cũng có 5,6 cái nhà ở Hà Nội!”
Mợ cả nghe nói ngẩng mặt lên hỏi bà Đồ:
“Bà nói người nào thế? “
“Thày Bạc Sở làm Thông phán ở phủ Toàn Quyền, người ăn mặc tây đẹp đẽ, mà trước có hỏi mợ, mà mợ không biết ư? Hôm nọ mợ đứng cửa,thày ta có đi qua trông thấy mợ, mợ quên rồi sao?”
Mợ cả nghe xong cứ ngồi lặng im, Bà Đồ T. lại nói:
“Người đâu mà chí thú cẩn thận được như thế, đã chả ăn chơi gì, được đồng tiền nào lại để dành để dụm đồng ấy…Ấy thầy ta thấy cô, thầy ta vẫn thường tiếc mà than thở thương thay cho cô là người tài sắc mà mắc phải nỗi lầm than cay đắng! “  
Đương nói chuyện thì chàng Bạc Sở ở đâu đến,mình bận quần áo pho-tít-so, đầu rẽ mượt, trông vạm vỡ phong nhã lắm. Mợ cả trông thấy thẹn đỏ mặt, vừa toan đứng dậy thì bà Đồ T. bèn kéo tay xuống mà rằng:
“ Mợ dở lắm, thày ta là người bà con với tôi, ai đâu mà ngại!”.
Bà nói xong, kéo ghế lại gần bên bà, rồi mời Bạc Sở ngồi. Lúc này dưới ánh đèn pha-lê sáng trưng,Bạc Sở ngắm hình dung mợ cả, thì thấy hình dung vẫn còn xinh đẹp khác thường, thật là mặt hoa mày liễu, má phấn môi son, tuy khóe mắt hơi sâu, da mặt hơi vàng, nhưng vẫn còn phong lưu mặn mà lắm..Mợ cả bấy giờ tuy không dám ngẩng đầu lên, nhưng thỉnh thoảng cũng liếc nhìn Bạc Sở, thấy mặt vuông tai lớn,trắng trẻo tinh nhanh, đầu chải bóng lộn, răng trắng như ngà, cổ đeo ca-vát có đính ghim vàng,chân đi giày da vẹc-ni bóng loáng. Người đâu gặp gỡ, lúc này mợ cả ngẫm nghĩ đến cậu cả thì bây giờ xấu xa nhem nhuốc, vừa chơi bời kiết cáu, sao bằng người này giàu có sang trọng. Bạc Sở ngồi đó, lại thỉnh thoảng có ý giở ví ra xem, rồi làm cho bạc kêu loảng xoảng trong túi; còn mợ cả lại thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn nàng ta.Trong ba người ngồi đó mà vẫn im hơi lặng tiếng, chỉ chốc chốc lại nghe thấy tiếng đồng bạc rổn rang, cùng trông thấy khói thuốc lá xì-gà của Bạc Sở mà thôi.Ôi, mỗi cái tiếng đồng hồ tích tắc là một cái giây nói vô hình của mợ cả và Bạc Sở ngồi đó, lúc này mặt đối mặt mà làm thinh, làm thinh ma trong bụng còn hồi hộp, còn e lệ, nói ra ngại lời, gái tham tài, giai tham sắc, lúc này chỉ tỏ cho nhau cái con mắt chung tình mà thôi.
Bà đồ T. thấy hai người thế, bèn giả dạng đi ra ngoài, để cho hai người ở đó. Bạc Sở hiểu ý liền láy bà, rồi ngồi xuống. Mợ cả thì cứ gục đầu ngồi im, coi bộ thẹn thùng lắm. Bạc Sở càng trông mợ cả bao nhiêu, càng nồng tấm yêu, bèn lên tiếng hỏi mợ cả rằng:
“ Tôi nghe thấy nói cậu cả nhà mợ dạo này chơi bời cờ bạc, mang công mắc nợ nhiều lắm, nghe đâu có người đã kiện, cậu phải ngồi tù…”
“ Ngồi tù rồi..” Mợ cả nghe nói vừa ngửng mặt lên nhìn,chưa kịp hỏi thì bạc Sở nói luôn:
“ Tôi nghe người ta nói cậu ấy hại vì lấy một người nhà trò thì phải…”
Bạc Sở nói bấy nhiêu điều làm cho mợ cả mặt mày đổi sắc, mày liễu dựng ngược, hạt lệ trong đôi mắt từ từ dỏ xuống trên yếm mợ.
“ Ngồi tù rôi…hại về nhà trò…Trời ơi, không biết nhà vô phúc đến thế nào mà sui tai hại  đến thế? Ngờ đâu bây giờ …”
Mợ cả vừa kêu khóc, Bạc Sở ngồi đó cũng sốt sắng không yên. Chàng liền khe khẽ nói với mợ cả:
“ Mợ ơi, những đồ vô ơn bạc nghĩa thì mợ thương tiếc làm chi, mợ thương cậu cả mà giả nợ cho bấy nhiêu lần, nhưng cậu ấy có biết thương mợ đâu, nếu cậu cả có bụng tưởng đến mợ thì có khi nào lưu luyến lấy nhà trò mà không đoái hoài đến mẹ con mợ. Thôi chẳng qua đời bây giờ toàn những kẻ phụ nghĩa bạc bẽo cả. Mợ chớ có khóc hoài vô ích,như mợ có bụng thương …”
Nói đến đó Bạc Sở nín hơi nghẹn cổ không nói được một tiếng,song cố làm gan mà tán:
“ Như mợ thương tôi là đứa tài sơ đức bạc, thì tôi nguyện đem mẹ con mợ ra khỏi vòng khổ ải này, tôi trước cũng đã hỏi mợ, nhưng vì không xong, nên từ bấy đến nay tôi chưa lấy ai. Nay gặp được mợ đây thật là duyên giời xui khiến, để cho tôi được ngồi hầu chuyện mợ mà bộc bạch với mợ vài nhời.
Mợ ơi! Kẻ chung tình ở đời bây giờ có mấy, mà những phường không biết thương hoa tiếc ngọc thì nhiều, mợ chả xem biết bao giai bỏ vợ hay sao? Như mợ bây giờ còn xuân xanh nhan sắc thế mà ở một mình hiu quạnh sao đành, có khác chi một bông hoa tươi tốt mà đem bỏ trong buồng ẩm thấp tối tăm. Vẫn biết gái chính chuyên lấy một đời chồng, nhưng mợ giá cả xấu xa gì mà không gặp người tri kỷ, có nhẽ nào mới ngoài 20 tuổi đầu mà đã mang tiếng là có chồng cũng như không có chồng.
Mợ ơi! Nếu mợ không chê tôi là kẻ xấu xa thô bỉ mà cùng tôi kết ngãi đá vàng, thì tôi nguyện cùng mợ sắm sanh lễ vật, vầy đoàn du xuân thưởng nguyệt, vợ chồng đưa nhau vào chốn non xanh nước biếc mà an nhàn di dưỡng tinh thần cùng sống với nhau đến trăm năm. Tôi đây chẳng phải như ai mà không dạ thương người bạc mệnh!”
Mợ cả nghe Bạc Sở nói xúc động tâm tình liền khóc nưc nở không ra tiếng. Lúc này Bạc Sở cầm lòng không đậu bèn rút cái mùi-soa từ trong túi áo tây ra, rồi một tay để vào vai mợ, một tay khẽ lau nước mắt cho mợ. Mợ cả thẹn, nhưng đã có bụng với Bạc Sở rồi nên cứ làm thinh mà chịu…
Bạc Sở  làm ra bụng hết lòng thương yêu mợ, rồi nói với mợ rằng:
Mợ Cả nghe bạc Sở nói bùi tai,thì mười phần đă xiêu lòng hết chín rồi, bèn hỏi lại Bạc Sở:
“Đã hay cậu nói thế thì tôi cũng ưng thuận, nhưng cậu định liệu ra sao bây giờ?”
Bạc Sở nói:
“Bây giờ thì chỉ có mợ phải thu xếp, trốn nhà đi theo tôi, rồi tôi thuê một cái nhà mợ ở tạm, sau này tôi sẽ bán bớt một cái nhà đi mua lấy một cái nho nhỏ ở tỉnh khác, rồi mợ buôn bán thì tiện hơn…Hôm nay là 25 tháng 2, vậy thì đến mùng 1 tháng 3, sao mợ cũng phải đem đồ đạc đến Săm Hàng Lọng mà tìm tôi, rồi sẽ liệu sau…”
Dặn dò kỹ lưỡng đâu vào đấy rồi, Bạc Sở liền mở ví đưa cho mợ cả hai cái giấy bạc 5£, rồi cười mà bảo mợ cà:
“Đây tiền để mợ chi tiêu vặt vãnh và đi xe!”
Mợ cả nhận lấy đưa mắt nhìn Bạc Sở…,Bạc Sở cũng liếc mắt trông mợ. 
V
Từ hôm ý giở đi, mợ Cả trong lòng khoan khoái, không còn buồn bã nghĩ ngợi gì như trước nữa. Mợ chỉ đinh ninh rằng lúc nào bắt đầu bước chân ra đi với Bạc Sở là lúc bắt đầu vào nơi Cực Lạc. Trong tưởng tưởng mợ lúc đó đã hầu như một kho vàng bạc châu báu…Lúc nào cũng như trông thấy cái sắc rực rỡ chói lọi của kim tiền, nó dòi dọi trước mắt như muôn đạo hào quang sung lên  trong chốn sầu-thành u uất. Ôi! còn gì sướng cho bằng ăn mặc xa hoa, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ đông đúc, ngồi trong lầu son gác tía! Đời người có thế, sống cũng mong có thế mà thôi, nào hơi đâu nghĩ xa nghĩ gần, tiết nghĩa mà chi, sau trăm năm cái cỏ xanh rì, ngồi tưởng đến xuân tình thôi cũng hết …Đời người là cái chi chi? Chẳng sung sướng, ai có hơi đâu mà hoài cái xuân sắc cho ngâu vầy …
Mợ cả càng nghĩ bao nhiêu, càng thấy vui vẻ bấy nhiêu, tức thì mợ dọn dẹp cửa nhà, sắp đặt đồ đạc, nào chăn, nào gối,nào quần áo hòm thúng mấy cái, đâu đấy xong rồi chỉ ngồi nha chờ đến ngày thì ra đi…
Một hôm mợ đương ngồi gói ghém ít mụn để bỏ vào va-li đem đi, thì hốt nhiên thấy cậu cả ở ngoài cửa đi vào…Mợ cả lúc này đổi sắc, tay run lập cập, cứ nhìn cậu cả mà không nói được. Còn cậu cả lúc này về nhà trông thấy vợ thì xiết bào mừng rỡ, nhưng thấy vợ cứ trông mình mà lườm hoài, thì lấy làm lạ, không hiểu ra làm sao …Lại thấy nhà cửa bừa bãi, hòm xiểng đồ đạc để chồng chất ra cả giữa nhà, thì lại càng thấy lạ lắm, liền hỏi mợ cả:
“Mợ định dọn dẹp thôi không ban hàng nữa hay sao? Mà đi đâu?...”
Mợ cả đứng ngây ra không nói. Cậu hỏi gặng đôi ba lần mợ cũng cứ im. Cậu lúc này gắt:
“Sao hỏi mãi không nói, là nghĩa gì? “
Mợ trừng mắt nhìn cậu.Cậu cũng dương mắt nhìn mợ. Nhưng tuy thế, cậu cũng không phải là hờn giận gì mợ mà trợn mắt với mợ, chẳng qua là muốn lấy cái con mắt anh-hùng mà nạt mợ để may mợ có sợ mà lòi tiền ra cho cậu tiêu không, vì chủ ý cậu về cũng là ngửa tay xin mợ mấy chục để giả nợ và tiêu pha thôi. Nay thấy bộ mợ giận dỗi lườm nguýt cậu, thì cậu đã nhụt mất vài phần hách khí,bèn mềm mỏng vừa cười vừa nói với mợ rằng ;
“ Vợ chồng mới gặp nhau thì vui mừng là phải, không biết tôi có điều gì mà mợ phải hờn giận như thế? “
Hỏi, mợ cũng cứ im. Cậu cả lại nói:
“ Nay tôi xin phép về được có hai hôm, vậy mợ thu xếp đưa cho tôi 50£ để tôi giả nợ và tiêu pha ít nhiều! “
Mợ cả nghe nói, mặt mày đổi hết, bây giờ trông ra người tức tối thù hằn gì ai ; mợ liền trợn ngược mắt nhìn cậu:
Cậu cả nghe vợ nói thì tức lắm, vì cậu – vì tiền mà phải về, nay lại vì về mà tiền không có, lại phải vợ đuổi. Vừa thẹn vừa giận, liền cả tiếng mắng mợ cả:
“ Đồ chó, mày tưởng mày làm ra tiền mà mày khinh được ông sao? Ông bảo, nếu không đưa ông,thì  đừng có …”
“ Đừng có, thì mày làm gì? Tao đây bây giờ không còn vợ chồng gì với mày nữa, bảo cho mày biết!... “
“ À, con này to mồm lớn tiếng thật! “
“ To mồm lớn tiếng thì mày bỏ tao ra, thì máy đừng nhận tao làm vợ mày nữa, có thế thôi, mày muốn gì nữa!”
Cậu cả cũng tức giận quá, phát run người lên, còn mợ cả cũng tức giận bồi hồi, vừa nhìn cậu vừa nói:
“ Tao với mày bây giờ không còn vợ chồng gì nữa, thì mày phải làm giấy mà bỏ tao ra, để tao đi lấy chồng khác …”
Cậu cả lúc này mới ngẩn người ra, biết vợ đã  có ngoại tình với người khác rồi, chắc bây giờ cũng chả thiết gì mình nữa, thôi thì thói đời điên đảo cũng đành ở vậy một mình cho xong, vợ như thế thì lại càng buồn trong gia đạo…
“ Ừ, muốn bỏ…thì bỏ…”
Rồi đó, hai cậu mợ làm giấy bỏ nhau. Sau khi Tòa án đã ký giấy ly hôn rồi,thì cậu cả liền đem con về ở lại với quan Phủ. Lúc này quan Phủ đã về hưu trí ở nhà quê. Còn mợ cả thì sắm sửa thu xếp đâu đấy, đến ngày mùng 1 thuê xe ra Săm Hàng Lọng để tìm Bạc Sở. Vừa hay Bạc Sở mới đến. Hai anh chị bèn dọn dẹp trong săm sạch sẽ rồi ở luôn đấy. Bạc Sở cứ sớm tối đi về, còn mợ cả thì chỉ ngồi trong săm một mình …Lúc buồn thì hai anh chị rủ nhau đi xem hát, khi thì ở Hotel, khi rạp chớp bóng, ròng rã như thế được hơn một tháng, gió tựa hoa kề, trận cười suốt đêm, miệt mài say đắm trong vòng ái tình, cuộc truy hoan… 
VI
Một hôm chiều mát, mợ cả đương ngồi trong săm, mở cửa sổ nhìn ra đường thì thấy Bạc Sở ở đâu đi về, tay có cầm một cái hộp con. Khi thấy mợ thì Bạc Sở mừng rỡ, cười mà bảo rằng:
“Này là hộp nước hoa thơm nhất hạng 35 quan tôi mua cho mợ,còn đây là nhẫn vàng tây tôi làm su-vơ-nia cho mợ. Mợ cất và giữ lấy!”
Mợ cả mừng lắm ngắm nghía hộp nước hoa và cái nhẫn vàng tây rồi cất vào tủ, song cười mà bảo Bạc Sở:
“Cậu mua làm gì cho mất nhiều tiền thế!”
Bạc Sở thấy mợ cười liền ôm lấy mợ rồi nói:
“ Tôi mới thuê được một cái gác ở phồ Hàng cót đồ đạc tôi có mua sẵn cả rồi, chiều hôm nay tôi sai người đón và đưa mợ đến.”
Chiều hôm ý mợ cả dọn dẹp đến ở nhà mới. Cái gác này cũng rộng rãi sạch sẽ,trên gác có kê chiếc giường lò xo có bánh xe, một cái tủ đựng quần áo, một cái bàn kiểu đời Louis XV  và bốn chiếc ghế dựa bằng mây, một cái hương to treo giữa, một cái bàn la-va-bô để mợ cả soi hương rửa mặt, nào phấn, nào xà-phòng Cadum, nào sáp bôi đầu, nào lược đồi mồi gài đầu, nào lược ngà chải đầu, đủ cả không thiếu chi. Cạnh giường lại có kê một chiếc bàn viết, nào lọ mực, nào quản bút, nào hộp giấy viết thư, nào truyện Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Song Phượng Kỳ Duyên để mợ cả dùng.Khi nào muốn gửi thư từ cho ai hoặc xem truyện giải muộn. Mợ cả trông thấy chỗ ở sạch sẽ và đồ đạc sang trọng như thế, nhìn mà choáng mắt.

Thấm thoắt được một năm, mợ cả thấy trong mình có mang, đến kỳ sinh được một cậu con giai. Bạc Sở thấy lúc này mợ mới sinh –sản, mặt mày xanh lét, người dày gò, da mặt bủng, tinh thần mệt mỏi, lại nuôi con lấy, nên đêm ngày bận bịu, lúc ru ngủ, lúc cho bú, khi thuốc thang mụn nhọt lở ghẻ, cái nhan sắc xưa kia thay đổi thành bẩn thỉu gớm ghê, cổ yếm cáu ghét, áo quần nhem nhuốc, mặt mũi bơ phờ, đầu tóc rũ rượi, nên chàng ta có ý chán.
Lại thêm từ ngày lấy mợ ta về tiêu pha sắm sửa tốn kém, mỗi tháng Bạc Sở phải cho mợ ta hơn một trăm thì làm gì cho đủ, vì chàng ta không phải có đi làm lụng gì mà có lương, chẳng qua chỉ ăn cắp tiền của vợ mà chơi bời phóng túng thôi. Nay cu cậu nghe chừng sạt về mợ ta mất nhiều nên có ý không mặn mà như trước nữa, bởi vậy tiền nuôi vú cũng không cho mợ cả nữa, thanh ra mợ cả bây giờ phải mẹ con nuôi lấy nhau, tình cảnh rất thê thảm. Trước thì bữa cơm ăn, bữa nào cũng thịt quay, thịt gà, đồ nấu, sáng dậy thì sữa bò, cà phê, tối đến chè mạn ướp sen uống,ra đến cửa thì gọi xe cao su, khi rạp hát, khi chớp bóng sung sướng kể sao cho xiết…
Đến nay thì không được như thế nữa, quần sồi áo vải, ăn rau uống chè hột, ba xu xe sắt xin cũng  khó, huống hồ còn tiền bạc cho nhiều mà đi chơi như trước nữa. Lắm lúc thằng bé con sài ghẻ, mợ cả hỏi xin Bạc Sở tiền mua thuốc, thì Bạc Sở lại mắng không cho, tình cảnh mẹ con rất nên khốn khổ. Đồ đạc sang trọng khi trước, Bạc Sở cũng lần lần khuân đi hết, chỉ để lại một cái giường gỗ xoan,một bộ bàn ghế thường và vài cái hòm tạp nho nhỏ thôi.
Chàng cứ khi đi khi về, có khi đi chơi đến ba bốn hôm mới thấy về nhà, hễ về đến thì gắt gỏng om sòm, mợ cả có hỏi thì chàng quắc mắt nhìn…
Từ đó xem chừng Bạc Sở nhạt nhẽo với mợ ta lắm. Có khi hàng tuần lễ cũng không thấy đến, mẹ con mợ cả cùi cụi một mình, đêm hôm cửa ngõ trống không, mẹ con chỉ ôm nhau nằm trên giường,con còn nhỏ nằm phục bên nách mẹ mà ngủ, còn mẹ thì mặt ủ mày rầu, nhìn ngọn đèn tờ mờ để giữa nhà, mạch sầu chan chứa, canh khuya một bóng,, tơ lòng đòi đoạn, nữa lại xa nghe tiếng giun, tiếng dế, cái cảnh tình như gợi bao nỗi ưu tư nghĩ than thân, lại trách ông giời, rồi chuông đồng hồ tí tách đánh 12 giờ, tắt đèn đi nghỉ,lúc này Bạc Sở nơi nào, mà mẹ con dằn dọc suốt đêm, cảnh ngộ luống thương người bạc mệnh, đành mang cái tài sắc mà chỉ theo chiếc thuyền ảo ảnh! Ôi thôi!
Phần II (tt)
Cũng cùng cái nhà thuê ấy, ở dưới nhà có bà Phán Xoay, chồng làm việc ở phủ Thống Sứ, bà ta cũng quen biết với mợ cả, thỉnh thoảng cũng lên gác trò chuyện với mợ ta.Một hôm bà Phán lên chơi với mợ cả, ngồi nói chuyện được giây phút, khi nghe mợ cả nói Bạc Sở đi chơi bẩy tám hôm chưa về, mà độ này xem ra tính nết hay gắt gỏng lắm, thì bà Phán Xoay ngạc nhiên bảo mợ cả rằng:
“Thế ra mợ chưa biết gì ư? Tôi nghe nhà tôi nói chuyện cậu ấy sắp lấy một cô vợ tây đấy!” 
Mợ cả nghe bà Phán nói cả kinh. Lấy ai? Cô vợ tây nào? trong bụng mợ cả trước cứ chắc rằng chàng ta là người chung tình thương hoa tiếc ngọc lắm, ai ngờ bây giờ vỡ lở mới biết là đứa bạc nghĩa. Nhưng chót mình đã sa cơ lỡ bước, dại rồi còn biết khôn làm sao đây, bây giờ có hối cũng không kịp nữa. Huống chi mợ cả bây giờ chỉ trông cậy vào có Bạc Sở, lại bỏ nhà ra đi thì đi đâu, lại quay về chồng cũ, thì mặt mũi nào,và biết chồng cũ còn thương mình nữa chăng? Thôi nước đã đổ xuống đất thì hốt lại làm sao cho đầy, âu là cứ nhắm mắt đưa chân, tới đâu hay tới đó. Mấy nhời bà Phán Xoay nói làm cho mợ cả ngày đêm lo nghĩ, mặt mày ủ rũ. Lúc này tinh thần mợ lung mung phảng phất,nằm không yên, lúc nào cũng giật mình máy mắt,hình như cả cái linh hồn đã sắp mộng du ra bãi tha ma mà gặp chồng cũ. Chồng cũ bây giờ đâu. Con chồng cũ bây giờ nhớn bằng nào?
thấy xấu xa và kém khi xưa nhiều lắm. Mợ ngạc nhiên lấy làm lạ:
“Ta chưa già mà… mới ngoài hai mươi sao đã hết xuân? “
Ôi cái xuân của mợ nay đã hầu như đã già lắm rồi.
Ngọc lành nhiều vết, hoa thơm rã nhị, ong bướm ra vào từ đây còn mấy?...Thôi thì thôi “Nhất phiến u tình nan tận hoại, thời huy thanh lệ phốc chu lan“, mong chi cái phận hồng nhan, duyên kiếp từ nay màng chi tới nữa!”.
Mợ cả càng nghĩ nguồn cơn bao nhiêu, càng than thân trách phận bấy nhiêu.
Một hôm nhân ngày rằm, mợ gửi con bà phán Xoay ẵm, xong đi lên chùa Quan Thánh, xin một quẻ thẻ, lúc về đến nhà thì thấy bà Phán Xoay tất tả đưa thằng bé cho mợ ẵm, rồi bảo mợ rằng:
“Lúc mợ mới đi được một lát thì tôi thấy cậu ấy về đi lên gác giâu lát rồi đi ngay!”
Mợ cả vội vàng lên gác, đặt con xuống giường,mở cửa để hóng mát, thì nhác thấy một phong bì thơ để trên bàn, nhìn kỹ thì thấy chính là chữ Bạc Sở viết cho mình. Thơ rằng:
“ Mợ cả,
Tôi phải lên Phú Thọ đòi nợ, độ bẩy tám hôm thì tôi về, nếu đến hôm ấy mà không thấy tôi về, thì mợ đi tàu lên đấy, vào hàng cơm cơm gần la-ga (gare) mà tìm tôi.
Nay thơ: Bạc Sở.”
Mợ cả đọc đi đọc lại cái thơ của Bạc Sở, lẩm bẩm một mình:
“Lạ quá, nếu có đi sao không chờ bảo cho biết, lại viết vắn tắt có thế, thì là làm sao?”. Song mợ cũng nán mà chịu khó chờ đợi,nghi nghi hoặc hoặc, mấy ngày ngồi đứng không yên. Đến ngày thứ tám quả nhiên không thấy Bạc Sở về,qua ngày thứ chín cũng thế. Mợ cả lo sợ, vì nếu Bạc Sở đi mất, thì mợ biết trông cậy vào ai? Liền xuống nhà vay bà Phán 10 £ để làm lộ phí đi lên tỉnh Phú Thọ. Rồi ẵm con thuê xe ra ga Hà Nội, lấy vé xong, lên ngồi toa hạng tư, thì đã thấy hành khách chật ních trong ngoài. Mợ cả vừa lên ngồi được một lát thì tàu chạy, đồng hồ ngoài ga vừa đúng 9 giờ 30 phút. Ngồi dòng dã trên tàu, mãi đến gần một giờ chiều tàu mới đến ga Phú Thọ, bước chân xuống đất bỡ ngỡ, chỉ trông thấy hành khách người tay nải,người gồng gánh, chen chân chật ních, len nhau mà đi vào tỉnh.
Mợ cả hoảng hốt, trông chẳng biết đâu vào đâu,thấy người ta đi vào, thì cũng bắt chước đi vào, mình mẩy bồ hôi nhễ nhại, mặt mũi nhem nhuốc,nước mắt nước mũi đầm đìa, trên da mặt lấm lấm đen những than tầu, còn thằng bé con mợ ẵm trên tay thì đầu đầy cứt trâu, ruồi đậu đầy cả, ánh nắng chiếu vào trông thấy rõ những mụn nhọt, mủ ghê gớm chết. Mợ cả vừa đi đến cửa ga thấy thầy đội xếp đứng đó, liền lên tiếng hỏi:
“Thưa thầy ở đây có hàng cơm nào gần ga không?”
Người đội xếp nhìn mợ cả, nhăn nhăn nhở nhở nói: “Có, đi đi!...”
Mợ cả bước chân vào trong thì thấy một đám phu xe đã để xe chực cả ở bờ hè để đón khách về tỉnh. Khi thấy mợ chúng đổ xô lại mời lên xe:
!!“
Mợ cả dùng dằng chưa muốn lên xe vội, người phu xe lại mời:
“Cô lên xe vào tỉnh!...”
Mợ cả nghe người phu xe mời, bèn mặc cả:” Hai xu vào hàng cơm gần ga!”
chưa xơi cơm sáng, xin mời cô vào xơi chén nước..rồi ăn cơm…!’
Mợ cả nhìn bà cụ, chào xong, rồi hỏi bà:
“Thưa bà, bà có thấy một ông Phán nào mặc quần áo tây, trạc độ 30 vào trọ ở đây không?”
“Không, không có ai!...”
Mợ cả liền đi sang nhà hàng cơm khác, hỏi đến bốn năm nhà nữa, cũng chẳng thấy đâu, lúc bấy giờ mới chưng hửng người ra. Bạc Sở nhà cửa thế nào? Quê quán ở đâu? Mợ cả từ ngày theo nó cũng không rõ… cho nên bây giờ mới tỉnh ngộ mà hơi chột dạ, bèn kể đầu đuôi cho bà lão hàng cơm ở đấy, thì bà lão nói:
“ Ai biết đâu người vu vơ mà tìm được, các hạng người như thế ở Hà Nội, không phải là ít, cô ạ!”
Ấy mới chết, mợ cả nghe bà cụ nói điếng cả người!...Nhưng biết làm sao? Đành phải chờ đến chuyến tàu 2 giờ lấy vé xong, lên tàu về Hà Nội. 
VII
Mãi đến 6 giờ chiều, tàu mới đến Hà Nội. Mợ cả vừa đi vừa về một ngày nên mệt mỏi khó nhức đầu khó chịu, lúc xuống ga liền thuê xe về nhà ngay. Khi vê đến cửa thì thấy bà Phán Xoay hốt hoảng chạy ra cửa:
“ Mợ vừa đi ban sáng thì thấy cậu ấy đến nói với tôi rằng: mợ đã gặp cậu, bây giờ cậu ấy đến dọn dẹp đồ đạc của mợ và giả tiền nhà rồi mợ về ở với cậu”. Ấy mới chết nữa! Chuyến này rầy to! Mợ cả chạy lên gác thì thấy đồ đạc hòm tủ mất hết,chẳng còn một cái gì sốt.
“ Khổ chưa, giời ơi là giời “
Mợ chạy ngược chạy xuôi, hết cào tai gãi má, đến nhăn nhó mặt mày. Bây giờ làm thế nào? Đi đâu? Ở đâu?
Trong bụng mợ lúc này xốn xang nóng nẩy, vừa bồn chồn vừa đau đớn, càng nìn cái gác trống không, lại càng như con dao vô hình đâm vào ruột, mợ bèn lập tâm quyết định đi xe luôn về huyện Thanh Trì, là quê bà Giáo.
Bèn ra cửa gọi xe, mặc cả đâu đấy lên ngồi…xe chạy lạch cạch trên con đường cái, rẽ ra đường Khâm Thiên, rồi đi thẳng đường Ấp về Hà Đông.
Trời mới tối, giăng soi trên giời, cảnh quê hương chỉ thấy bát ngát gò đống ngổn ngang, cùng ruộng lúa xanh rì, xa xa chỉ thấy đen sì một sắc đen đen, trông con đường dài thăm thẳm đăm đắp trước mắt,chốc lại vài cái lá trên cây rơi rụng xuống đường, gió thổi rào một cái…
Cả cái cảnh đêm hôm làm cho mợ cả trong dạ ngổn ngang mà lại thêm lo sợ. Đêm hôm đường xá một mình, biết đâu lại chẳng gặp phải quân gian đổ ra cướp bóc, mỗi lúc qua một cái quán,thấy các tuần canh ra đón xe hỏi đi đâu, là mợ phải hoảng người lên.
Mợ càng sợ, càng giục xe chạy cho nhanh. Xe chạy mãi, chạy mãi, tới nửa đêm mới đến làng. Trời tối đen như mực, trông xa không rõ mặt người, chỉ nghe thấy tiếng chó sủa trong làng, và nhìn thấy mấy túp nhà lá lụp xụp, và mấy rặng tre cao chót vót mọc ở đầu làng.
Lúc này mấy bác tuần phiên canh ngoài điếm còn thức,đương sị sục hút tí tách cái điếu cày, khi chúng thấy mợ vội vàng vác hèo vác giáo chạy ra. Mợ sợ quá kêu:” Cướp, cướp!” thì chúng vừa đến sừng sộ hỏi:” Đi đâu? “
Mợ bèn kể hết đầu đuôi, và hỏi thăm nhà bà Giáo.Trong bọn đó nghe nói đều ngẩn người ra không biết chi cả, sau có một đứa nghĩ mãi rồi đột nhiên hỏi mợ:
“Bà Giáo nào? hay bà Giáo T. có con gái gả cho con ông phủ nào đó…Nếu phải bá ý thì bây giờ bà đã chết rồi,còn cái nhà ở thì bà cũng bán rồi, bây giờ người khác người ta tậu cái nhà ấy, lấy đất để xây lò mổ trâu bò!”
chờ đến rạng ngày sẽ đi sớm. Mấy người tuân thương tình cũng ưng chịu. Mợ ôm thằng bé con vào lòng rồi nằm bệt xuống đất, cả ngày đi vất vả mệt mỏi,nên vừa đặt lưng đã thiu thiu ngủ quên đi mất, cho mãi đến gà gáy sáng, lúc bấy giờ mới trở dậy lên xe ra Hà Nội, tìm về phố Hàng Bút.
VIII
Cậu cả Liễu Oanh thì con sài mới chết, nên cậu phẫn chí xin nhà nước đi sang bên Pháp rồi!”. Tin buồn đã qua, tin khác lại tiếp đến làm cho mợ cả đầu như búa bổ, ruột tợ dao đâm, bèn cả tiếng khóc ròng:” Giờ làm khổ tôi!...”
Kêu được một tiếng thì mặt mày đổi nét, hai mắt lờ đờ, sắp muốn té xuống đất. Lúc này người đàn ông thấy tình hình mợ thảm thiết thế, liền hỏi mợ rằng:
“Thế mợ còn quen biết bà con nào ở đây nữa không?”
“Có, tôi nhớ có quen một bà dì ở phố Hàng Nón, nhà cũng giầu có“.
“Vậy sao mợ không lại đấy mà xin ở nhờ?“
Mợ cả nghe người đàn ông ấy nói liền cám ơn, xong từ tạ rồi gọi xe xuống Hàng Nón, hỏi thăm vào nhà bà dì. Lúc này bà dì đang ngồi trong nhà đánh tổ tôm với mấy bà khác, khi nghe thấy người vú vào nói có mợ là cháu bà đến, thì bà nhăn mặt gãi tai, nói với mấy bà kia rằng:
“Không biết con này nó đến đây làm gì?”
Vừa nói xong thì mợ cả đã ẵm con vào đến nhà trong, bà này trong thấy mợ ta: khăn lấm, tóc rối, áo vá, quần rách..thì coi bộ ghét lắm, bèn cả tiếng mắng mợ mà bảo rằng:
“Đồ đĩ! Con nhà hư! Mày đi theo giai đến bây giờ mới về,còn trông thây tao làm gì, bước ngay lập tức, đây tao không dung những của như thế!” Mợ cả cứ nép vào một bên vừa khóc lóc vừa kêu van, kêu van hết hơi bà dì cũng chẳng động lòng…Bèn chào bà ra cửa thuê xe đi ra bờ sông. Trèo lên cầu Doumer đứng ngắm dòng nước,thuyền bè san sát đậu trên bờ, đứng trên mà nhìn xuống sông thì bao la rộng rãi, giải nước cuồn cuộn trông ghê cả mình: ”Thà chết cho xong! Sống làm gì!!!” Mợ cả vừa ôm con vừa nhìn đáy nước, bao nhiêu nỗi ưu phiền trong bụng mợ lúc này đã hầu như hy vọng cả vào cái chết, cái chết yên lòng. Trong thấy nước sông chảy cuồn cuộn, con thuyền chìm nổi mà mợ muốn như đã sắp gieo mình từ trên cao xuống dưới, phó mặc tấm thân cho chiều nước ngược xuối. Ôi, cái sức mạnh của dòng nước kia khá làm cho ta mát dạ đẹp lòng! Có nhẽ từ nay ai người như ta, cũng nên ra đây mà quy y cửa giời, nhà Phật, mong thoát ly chốn bụi trần, mà cầu đội bát hương! Hỡi ôi! chết, chết mà thoát khỏi cái khổ, cái sầu, cái đau, cái đớn. Chết mà rửa được tiếng xấu, khỏi thẹn với lương tâm! Vậy thì nên chết! Nhưng mợ cả vốn không làm sao mà quyên sinh được vì mợ còn chút con giai, nên muốn cho nó nhớn mà lập tự cho nhà chồng, nay mợ chết bỏ nó, thì ai nuôi cho? Hoặc hai mẹ con cùng đưa nhau xuống sông thì ngày sau bên nhà chồng biết lấy ai phụng thờ, giữ hương đèn cúng lễ ông cha? Con này dẫu không phải là con chồng, là con Bạc Sở, nhưng cũng là mợ đẻ ra, bây giờ bỏ đi thì tội nghiệp biết bao? Chẳng thà để nuôi cho nó lớn khôn rồi cho nó lấy họ nhà chồng cũ thì hay hơn!
Bởi mợ nghĩ thế nên dùng dằng không muốn tự vẫn nữa, nên chỉ nhìn con, nhìn dòng nước mà khóc mùi, tiếng khóc thê thảm, giữa lúc gió thổi cây rung,cảnh hoàng hôn thảm đạm thê lương, ai nghe mà chẳng động lòng…
Thời may, lúc bấy giờ có một người con gái tuổi độ 20, nhân lúc một mình thơ thẩn trên cầu, nghe tiếng mợ khóc thì lại gần hỏi hết đầu đuôi, rồi bảo mợ rằng:
“Tôi nghe mợ nói chuyện tôi cũng thương tâm, lòng không nỡ để một người bạn hồng quần, một thuyền một hội với mình sa cơ vào chốn nước biếc rêu xanh.
Như tôi với mợ đây mà gặp nhau, cũng như hai người bạn cùng chung một thuyền bơi trên sóng to sông cả, những lúc hiểm nguy thời phải hết lòng hết sức giúp đỡ lẫn nhau, tuy ở đời thân mình đã sa cơ lỡ bước, mà đường duyên phận ông tơ chưa dứt hẳn thời mợ hẵng tạm nương náu chờ nghe tin tức cậu cả ấy ra làm sao? May ra mà vợ chồng lại đoàn viên một nhà tình vợ nghĩa chồng lại đằm thắm như lúc mới gặp nhau thời đó là nợ ba sinh mình còn được hưởng phúc, mợ sẽ đem cái tài sắc làm bạn với cậu ấy cho hết lòng, thờ chồng nuôi con cho hết đạo, cái danh hiền phụ di truyền hậu thế, thời ai chẳng phải khen?
Chớ bây giờ nước đã đánh phèn, muốn trong cũng lỡ ra rồi, không sao được. Mợ mà tự hủy mình đi thời có ích chi, con thơ để lại cho ai, có phải mang ác vào mình, mà lỗi đạo cùng chồng sau này, vì chồng mợ sang bên Pháp quốc, sống thác chưa tường sao nỡ đành tâm không nghĩ giả nghĩa cho chồng vội đem thân bồ liễu chôn nơi dưới đất, nỡ lòng nào không nghĩ đến lúc vợ chồng mới lấy nhau, đầu gối tay ấp, biết bao tình ân ái, bỏ đi không nghĩ đến sao nên?”
Mợ cả nghe nói cũng đã hồi tâm, im một lúc rồi hỏi:
“Cô bảo thế tôi rất cám ơn,nhưng chẳng biết bây giờ tôi đi đâu? Mà cô là ai xin cho tôi biết để mai sau nếu tôi co được vẻ vang thì tôi sẽ đến nhà tạ ơn lòng đã chỉ bảo điều hay!”
Người con gái ấy nói: ”Tôi đây tên Huệ Lan, năm nay đã 20 tuổi rồi, bởi lúc bé song thân sớm lên cõi tiên, một thân lưu lạc, họ hàng không có,cho nên phải vào xóm Bình Khang tập hát đã 3,4 năm nay rồi. Tôi ở đây cũng là sự bất đắc dĩ, một cái khổ, nên cũng không phải là quyết lưu lại mãi chốn này đâu, chẳng qua cô thân nơi đất khách nên phải mượn chốn ca lâu này làm nơi túc xá chờ nghe tin tức xem bên họ còn có ai quen thời đến nương nhờ. Tôi cũng biết chen chân vào với chị em nhà nghề, chi cho khỏi miệng thế mỉa mai là đồ móc túi bơm xu, tự nghĩ cũng lấy làm nhục nhã lắm,như những lúc quan viên đến hát, nào chị em người thì liếc, người thì đưa mắt cười cười nói nói, ôm ôm bế bế, mà nghĩ mình thẹn quá, không sao như họ được. Nếu không thế thì Cửu má lại la giầy mắng mỏ …
“Chả biết làm sao, chỉ mình biết cho mình mà thôi. Nghĩ đến đường duyên phận lúc nào thì thật là ngao ngán, thật là đời bây giờ duyên hờ hững thì nhiều, ai cũng nói có tình tri kỷ, mà tri kỷ đến lừa lọc nhau là hết, bọn chị em thời lả lơi vờ vĩnh, duyên ông bám duyên bà, đến đồng bạc trắng là xong, còn bọn nam nhi họ, thời phần nhiều không như các cụ nho ngày trước cho hát là cách chơi phong nhã nữa, họ cũng chỉ chơi cho hoa tàn, chơi cho liễu chán hoa chê rồi là thôi”.
“Thật trong các hạng tu mi nam tử ít khi gặp được người văn chương tao nhã, biết câu chuyện bạc mệnh của chị em mình…Thôi thời đã liều ba bẩy cũng liều, mợ cũng là người ngày nay nhỡ bước, thời hãy ở tạm cùng tôi nương náu ít lâu, chờ xem sau này sẽ liệu, chớ mợ còn đi đâu được nữa bây giờ? Nếu mợ bằng lòng thế, thì đứa con mợ để tôi gửi người bà con đem về nhà quê nuôi hộ, mỗi năm cho người ta ít quà bánh nhì nhằng gọi là công dưỡng dục…Mợ có nhan sắc, lại có chữ nghĩa, vào đây chả sợ không bằng ai?”
Mợ cả nghe nói mặt mày ngơ ngẩn, bụng bảo dạ: “Bây giờ đến nỗi phải đi hát nuôi thân thời nhục lắm, tiếng thơm của bố biết lấy đâu để đắp điếm cho tròn như ngày xưa, nhưng đã đến nguồn cơn này thì đi đâu cho được, phải đành ở tạm đây ít lâu xem sao đã… Thôi cho hồng nhan bạc phận, cũng đành nhắm mắt đưa chân, mà xem con tạo xoay vần ra sao?“
Mợ nghĩ thế nên bảo cô Huệ lan: “Thôi được, cô bảo thế tôi cũng xin vâng, vậy trăm sự nhờ cô chỉ vẽ, thân tôi đã đến nước này, cũng đành ngậm đắng nuốt cay với giời!“
Huệ Lan bèn đưa mợ ra mắt Cửu Má…
Mụ này nguyên trước cũng là cô đầu ở tỉnh N. Cách giao thiệp, ngón lẳng lơ làm cho nhiều tay công tử mất cửa mất nhà, bây giờ giở về già rồi lại lấy một ông Chánh Tổng. Mụ nhờ trước có đi hát, quen biết nhiều các chị em,cho nên mới lấy ít tiền của Ông Chánh mà mở nhà hát riêng ở Hà Nội. Các chi em ở với mụ cũng được tất cả bốn người, đến mợ cả nữa là năm… Mụ nghe Huệ Lan nói chuyện mợ cả, lại thấy hình dung mợ có vẻ phong lưu nhan sắc thì mụ có ý mừng…Bèn lập tức xuất tiền ra may cho mợ một cái áo xuyến Sài Gòn trơn, một đôi giầy mới để chào mời tiếp đãi các quan viên. Cửu má bèn đổi tên cho mợ gọi là Chúc Lan.
Từ đó mợ ở yên đấy,ăn mặc không phải lo, nhưng lắm phen nghĩ cũng cực thân, là vì giao tiếp chào mời khách, mợ không quen cùng không chịu được cách lả lơi ong bướm của họ.Cửu Má thường kiếm lời khuyên nhủ mợ, nhưng mợ không nghe, một niềm khép kín buồng loan, mặc cho ong bướm đi về một ai, không màng chi tới.Cửu Má thấy vậy, lấy làm giận lắm, bèn cả tiếng la rầy, nhiều khi mụ nổi tam bành lên, nói mợ cả nhiều câu cay đắng, mợ cả phải bấm bụng chịu không hề hở răng than vãn với ai.
Tuy vậy mà cửa hang Cửu Má khách Tràng Khanh thường đua nhau lũ lượt vào ra, vì vốn biết nhan sắc mợ, lại thấy con nhà thi thơ, văn chương có, nên bọn họ lấy làm mến lắm,tuy mắt xanh nhiều tay chưa lọt, mà những bực hào phú phong nhã thường hát có chầu chi vài chục là thường, không kể có những chầu hát có quan chi tời 4,5 chục…
Thương ôi mảnh sắt vào lò
Bấy lâu nay biết giày vò đến đâu?
Phần III
Hỡi ôi, như cô Chúc Lan tuổi mới ngoài hai mươi, hoa xuân làm chi đến nỗi giã nhị phai mùi, mày liễu ủ dột, nửa tình, nửa cảnh đã như tắm gội giọt nước cành Dương, tưởng như cô, đầu xanh có tội tình gì mà thân phận đã lầm than đến thế… Kể từ lúc cô bước chân vào xóm Bình Khang, thật là ăn không biết mùi, ngủ không biết ngon,đêm năm canh hồn bướm phất phơ
Ngày sáu khắc bâng khuâng giấc điệp, nghĩ những lúc có khách khứa đến nhà mà lấy làm lo sợ, bụng phập phồng như người sắp phải cái nguy gì vậy…Cô vấn rất sợ phải chào mời vồn vã các quan, vốn rất không ưa cách lả lơi kề hoa tựa nguyệt, quàng vai bá cổ, vốn không quen cách khéo léo đưa đẩy của các cô nhà nghề, vì cô vốn con nhà giáo dục từ bé đến lớn, không ra khỏi ngoài vòng nữ tắc, thời làm sao hiểu biết và quen được những cách của các chị em xóm Bình Khang? Hôm ý là hôm thứ bẩy, Cửu Má bèn gọi mấy cô nhà nghề và cô Chúc Lan mà bảo rằng:
“ Hôm nay có ba ông khách sang trọng hẹn tối đến hát ở nhà ta thì các cô phải sắm sửa ăn mặc cho lịch sự mà tiếp đãi, bọn này nghe nói hát chầu nào cũng chi sang lắm!” Mụ nói xong tức thì sai một thằng nhỏ con dải một cái chiếu cạp điều ra giữa nhà, để tráp dầu, khay thuốc lá, khay chè sắn sàng cả ra giường, giữa ngọn đèn điện đủ cả cái a-ba-dua( abat-jour) bằng ren sáng tỏa khắp một góc nhà. Trông rõ thì thấy cạnh giường có kê một cái tủ gụ, ngoài hai mặt kính, trong có mấy bao chè tàu, vài cái ảnh…Trong buồng gần đó là phòng ngủ,diềm màu đỏ, chăn cạp xanh gối bông…
Chăn ấm, gối mềm, đàn hay, rượu ngọt, miếng ăn ngon, gái lịch, cuộc vui nào phong nhã cho bằng nữa,nhân sinh còn có thú vui gì hơn cái thú hoa kề nguyệt lả nữa…
Các cô nhà nghề nghe Cửu Má nói thì vội vàng chạy vào trong buồng để trang điểm, cô thì lấy áo hoa hiên mặc, cô thì áo ca-sơ-mia nâu, cô thì áo ca-sơ-mia đen, cô thì áo xuyến quần lĩnh mới,khăn sa-tanh mới, trâm vàng cài,bao nhiêu bộ cánh để dành dở ra hết, nào vấn khăn đánh phấn,bôi môi, một lúc mà trông các cô khác cả đi…Cô nào có nhân tình sang trọng, thời có vàng, có hột đeo chíu chít cả cổ lẫn tay, nào nhẫn mặt, nhẫn ma-dê trông chói lòa sắc vàng trên mấy ngón tay nuồn nuột…
Duy có cô Chúc Lan là không ăn mặc gì cả,cứ ngồi xem các chị em mà thôi. Đương lúc các cô ăn mặc, có một cô ý hẳn có nhân tình kéo cho một hai đôi xuyến, ngắm nghía mãi rồi hỏi cô bên cạnh:
“ Thế nào, chị xem hôm nay tôi có khá không? Hay là để tôi mượn cái áo sa-thanh của chị S. vậy?”
“ Thôi, chị còn ai hơn được nữa, còn khéo vờ vĩnh, có chúng tôi thì…”
“ Không thật, tôi dám đâu bì kịp với các chị…”
Đương nói thì nghe tiếng Cửu Má gọi:
Mụ vừa nói xong, thời mấy cô ở trong buồng chạy cả ra tranh nhau nói:” Chào ba quan” Rồi ngồi cả ở giường.
thứ năm rồi nên đi lại với các chị em quen thuộc lắm. Một ông mặt hơi đen, trán cao, mũi to, mồm rộng, dưới cằm hơi để râu, đầu đội khăn xếp,mặc áo sa-tanh, đi giầy vàng, mắt đeo kính gọng vàng,tác chừng ngoài ba mươi ; một ông thì ăn vận quần áo tây,đầu rẽ vắt cả lên,chải mượt, mặc bộ laine màu hơi xam xám,ngoài khoác cái áo tơi (imperméable) chân đi giày hai mầu trên trắng dưới đen, mặt mũi nhẵn nhụi, chưa có râu, tuổi độ 25,26. Hai ông này cũng có nhân tình với các chị em, nên vừa tới nhà, thời đôi nào vào đôi ấy: cô P. thì ngồi cạnh ông ăn mặc ta,còn cô Đ thời tựa vào ông mặc quần áo tây, nhời tan hợp, nỗi hàn huyên của hai cặp nhân tình thật vui hơn tết, tiếng cười khanh khách…Còn mấy cô kia, cùng cô Chúc Lan, thấy các ông không hỏi đến thì cứ ngồi thừ ra, cô nọ thì thầm với cô kia, một lúc rồi tan hết…Cô Chúc Lan thấy lúc này các chi em lảng cả, cũng muốn dạy đi,thì thấy ông thứ ba cầm tay kéo lại nói:
“Chả mấy khi tôi đến, chưa gặp cô lần nào,vậy cô ở đây trò chuyện với tôi “.
Cô toan đứng dậy không chịu, nhưng nhác nhìn ông này thấy người ăn mặc nho nhã, phải dạng con nhà thi lễ, tiếng nói nhỏ nhẹ,mặt mũi sáng sủa, mi thanh mục tú,thật là người lương thiện nên không có ý sợ hãi, bèn vội vàng ngồi ngay xuống đấy.
Nguyên người này tên là Bùi sinh, là con một nhà phú hộ ở chốn tỉnh thành, thuở nhỏ có theo đòi ở chốn cửa Khổng sân Trình được mấy năm, nhưng công danh không gặp, mấy phen trường ốc, vậy ông thân sinh mới cưới vợ cho về để buôn bán trông nom nhà cửa ruông vườn. Từ ngày ông thân sinh mất đi thì chàng ta buôn bán ngày một phát đạt, gia tư ngày một phong túc, lại nhờ được người vợ khôn ngoan nên trong nhà ăn sung mặc sướng, vợ chồng lên xe xuống ngựa không ai bằng.
Người vợ họ Hà, là con một ông đồ dậy học, ông mất sớm còn mẹ gia cầy cấy ở nhà quê, nàng ta là người rất khôn ngoan,công việc tề-gia-nội-trợ lo liệu đâu vào đấy, trên có ngăn nắp dưới có trật tự, thật là một người rất đang khen. Ở chốn phồn hoa là chốn ăn tiêu xa phí mà nàng một niềm tiết kiệm, gắn bó từng ly, không như các bà khác chỉ quen chơi bời ăn mặc, lấy cách trang điểm làm mộng tưởng một đời người phụ nữ. Bùi Sinh thấy vợ thế nên cũng kính phục, những lời nàng khuyên nhủ thường không dám sai, cho nên từ ngày hai vợ chồng lấy nhau đến nay đã được 5,6 năm, con cái đã được đôi ba đứa rồi, mà vợ chồng trên thuận dưới hòa, vợ chồng không bao giờ to tiếng với nhau…
Hà thị vốn biết chồng là người hiền lành, nhưng tuổi còn trẻ, lòng dục còn đương hăng hái,chi cho khỏi vướng chân vào vòng hoa nguyệt, cho nên đã hết sức ngăn cấm chồng không cho đi đâu,như thế cũng được vài năm,hễ động chồng định đi đâu là nàng làm mặt giận, cho nên chàng kiêng nể lại thôi.Nhưng lấy điều làm bực tức lắm, vì ăn ngày hai bữa lại ở nhà ro ró, không có lẽ vợ chồng lúc nào cũng bám chặt lấy nhau, cũng có lúc phải vui chơi cảnh ngoài, chơi bời hát xướng cho thơ thái tinh thần chứ!
Chàng vốn cùng ông ăn vận áo sa-tanh là Trần Quân, cùng người ăn mặc tây là Mỗ Sinh là ba người bạn đồng học thuở nhỏ, cho nên tình anh em đi lại chơi bời thân thiết lắm. Trần Quan cũng có cửa hàng buôn to bán lớn, nên kể cũng là một nhà phú-gia ở đất Hà thành, cách chơi bời thạo lắm. Chàng vốn ưa chốn hồng-lâu nên một hôm cố kéo Bùi Sinh cùng đi với mình. Bùi Sinh vốn xưa này chưa hề ra khỏi nhà, nay được bước chân vào chốn chơi bời phong nhã như thế này, lẽ nào chẳng hám, chẳng mê, thật là mứng như chim sổ lồng, lại được bay lượn tự do trên chốn trời rộng mênh mông…
Từ đấy đã biết cái thú xóm Bình Khang là như thế nào, cho nên lăm le nhiều lần đã muốn đi, nhưng lại bị Hà thị giữ riết nên chẳng đi được đến đâu…
và dặn chàng rằng:
nó sẽ tính mấy tôi, còn cậu cần tiêu pha gì thì cứ mở tủ mà lấy tiền, thìa khóa tôi giao cho đây “.
Bùi Sinh nghe vợ noi phải đi những mấy hôm mới về, thì bụng mừng rỡ lắm, vì không có ai ngăn cấm mình nữa, bèn mời Trần Quân và Mỗ Sinh đến nhà đánh chén. Trong lúc ba anh em đang chén tạc chén thù, thì Trần Quân nói:
Bùi Sinh và Mỗ Sinh nghe nói liền nhận lời đi ngay, ba người liền gọi ba cái xe cao su kéo thẳng đến nhà cô đầu.
Vì lẽ đó nên Bùi Sinh mới thừa dịp biết cô Chúc Lan..chàng vốn là người đã nhiễm cái thú tửu sắc rồi, cho nên đến lúc thấy cô ta mặt hoa da phấn, lưng ong, mình mẩy mềm mại tiếng nói ôn hòa, thì phải lòng ngay, bụng đã muốn cùng cô tính cuộc trăm năm,lấy làm tiểu thiếp rồi…
bỏ cậu Cả, lấy Bạc Sở bị lừa,cho nên mới phải đem mình vào nơi ca quán,thời Bùi Sinh lại càng ái ngại thương tâm lắm…
Chàng liền nói với cô Chúc Lan rằng:
“Tôi nghe chuyện cô nói, thật lấy làm thương xót lắm,muốn hết sức đùm bọc cô, dẫu rằng vợ cả có rồi, nhưng nếu cô ưng thuận mà biết cảm cái bụng tôi quý mến cô thì tôi xin lấy cô để một chỗ, tiền nong mỗi tháng xin đưa cô đủ tiêu, ăn mặc may vá gì tôi xin chịu. Nếu cô bằng lòng như thế thì tôi xin nói với Cửu Má một tiếng là xong ngay…”
Chúc Lan nghe chàng ta nói, bụng vẫn còn ngần ngại chưa biết làm sao, không biết chàng nói thật hay nói dối, là người tử tế hay lại như Bạc Sở khi xưa, bụng bảo dạ: ”Nếu thật được như thế, thời ta cũng nên nghe…”
Bèn giả nhời Bùi Sinh rằng:
“ Vâng cậu nói thế tôi sẽ biết vậy, xin để hai ngày nữa, tôi nghĩ thế nào sẽ thưa lại cho cậu “
“ Vâng! ”
Khi Bùi Sinh về rồi, cô liền hỏi Huệ Lan về gốc tích chàng ta, thấy Huệ Lan nói chàng là người đứng đắn tử tế thời cô mừng lắm.
Hai hôm sau, Bùi Sinh quả nhiên y hẹn đến, thời cô Chúc Lan ra chào hỏi và tỏ ý xin nghe... Bùi Sinh mừng rỡ vội nói chuyện với Cửu Má, và cho mụ 50£ tạ lại cái công mụ nuôi nấng cô mấy tháng. Cửu Má được tiền mừng rỡ thuận ngay. Thế là từ đó cô Chúc Lan (nguyên là cô Bạch Thủy) lại lấy lẽ Bùi Sinh..

Bùi Sinh nguyên có Hà thị ở nhà rồi, nên phải thuê nhà ở phố khác cho cô ở. Cô nhân dịp bèn đánh giấy tìm đứa bé con gửi người nuôi ở nhà quê ra, rồi hai mẹ con thu xếp đồ đạc ở đấy. Bùi Sinh lại cấp cho cô 300£ bạc làm vốn để mở hàng tạp hóa…Chàng thường mỗi tuần lễ vài ba lần lại thăm cô, như thế được hơn một tháng, không có tiếng tăm gì…Chàng nói dối Hà thì rằng mới vào hội buôn to, phải đóng mỗi tháng 50£ trong 5 năm thời thu lãi được vài trăm,và mỗi tuần lễ chàng phải lại hội ba lần để tính toán sổ sách. Trò liền bà nhẹ dạ dễ tin, lại nghe nói buôn bán có lờ có lãi, thời còn nghi ngại gì nữa, nên mặc ý để cho Bùi Sinh đi sớm về trưa.
II
Đây lại nói chuyện Trần Quân, tuy từ ngày cùng Bùi Sinh chơi bời quen biết với nhau, tiếng gọi rằng bạn bè cùng học với nhau từ bé, nhưng chàng là người không tốt chơi bời, chỉ muốn cầu tư lợi, mà không muốn thiệt thòi của mình…Chàng thấy Bùi Sinh thường ngày đi hát với chàng không chịu bỏ tiền ra thết chàng được chầu nào, cho nên đã có ý không bằng lòng..Đến nay thấy chàng lấy cô Chúc Lan thời chàng định bụng ton hót với Hà thị để nhân dịp vay lấy mấy chục …
Một hôm chàng biết Bùi Sinh đã đi chơi lại nhà cô Chúc Lan,liền lẻn vào chơi nhà Hà thị để nói chuyện, nhằm lúc Hà thị đương ngồi khâu một mình. Chàng đã biết Bùi Sinh đi vằng, những vẫn giả bộ  hỏi:
“Thế nào, anh tôi đâu mà ngồi có một mình ở nhà?”
“Ấy, thưa chú, nhà tôi mới đi lại hội tính sổ sách đến độ nửa đêm mới về “
“Thế mà tôi không biết, chẳng hay anh tôi đi lại hội nào thế chị?”
Hà thị nghe xong, chưng hửng người ra mà không biết nói lại làm sao, chỉ nói: ”Không biết, thấy nói chơi hội buôn, chỉ biết thế mà thôi “
Trần Quân nghe Hà thị nói, liền cười mà đáp lại:
“Thôi, anh ấy nói dối chị đấy, chớ có hội nào đâu?”
“Vậy chớ nhà tôi đi đâu chú có biết không? “
Hà thị lại hỏi luôn: “Đi đâu?... “  Trần Quân thấy hỏi riết liền khẽ thủng thẳng nói: “ Đi một chỗ, nhưng chị thuê tôi gì tôi mới nói!”
“Chú cứ nói, rồi chú muốn gì thời tôi sẽ giúp cho “
“Chả nói dấu gì bà chị, em nay  túng tiêu mấy chục, vậy xin bà chị cho em vay! “
“Chú cứ nói lôi thôi,thôi chú có nói  thì nói đi, chớ tôi chả có tiền đâu cho chú vay!”
Trần Quân thấy nói, liền làm mặt giận, đứng phắt ngay dậy:
“Tôi tưởng chị là người biết điều, can ngăn chồng cho khỏi chơi bời hao tiền tốn của, và tôi cũng nghĩ vì tôi với anh ấy là chỗ quen thuộc thân mật, cho nên tôi mới muốn cho hay, mới bảo chị, chớ người khác thì ai hơi đâu mà nói!
Nghĩ là chỗ tử tế, tôi mới hỏi vay chị, chị đã nói thế thì thôi,rồi sau này chị sẽ biết anh ấy có mất bạc nghìn hay không? ”
Hà thị nghe nói đến câu mất bạc nghìn, thời ruột nóng như lửa, muốn cho Trần Quân nói ngay, liền mở tủ lấy tiền đưa cho Trần Quân vay 50£, rồi dục:
“Đây tôi cho chú vay, vậy chú nói đi“
Trần Quân được tiền rồi nhưng còn dùng dằng, để cho Hà thị dục mãi mới nói:
“Tôi nghe có người nói với tôi rằng anh ấy mới lấy một người vợ cô đầu để riêng một chỗ, thuê nhà ở phố X…nhưng không biết có phải không?Vả người cô đầu này tôi biết, thật là một ả giang hồ, nhiều tay mất bạc nghìn về nó, tôi e cho anh ý lắm, nên mới bảo cho chị biết,chị liệu mà ngăn cấm anh ý sao cho bỏ được nó ra, không thì còn khổ về nó “
Hà thị nghe nói mặt mũi tái mét ngay đi, lâu lâu mới nói:
“Thảo nào,từ ngày ấy đến giờ, không mấy đêm là không đi!” Lại thở dài:’ Hừ! chồng như thế, có thảm không,mẫu thế này tôi cũng đến …”
Trần Quân lại tiếp: “Thật đàn ông lắm người không biết nghĩ, làm khổ cho vợ“
Hà thị lúc này ngồi yên, ruột tợ dao cắt, càng nghĩ càng tức, chỉ muốn mau mau cho chóng đến giờ chồng về, để cấu xé một trận cho bõ. Trần Quân ngồi một lúc,chán cũng kiếm lời từ chối mà về ngay, Còn một mình Hà thị ngồi buồn,bèn lấy thúng mục ra vá chờ chồng về…Chán chê đến 12 giờ đêm, mới nghe tiếng chồng gõ cửa. Hà thị bèn gọi đứa người nhà ra mở cửa. Bùi Sinh vừa vào thấy Hà thị liền hỏi:
“Sao mợ thức khuya thế.chưa đi ngủ? “
Hà thị cứ ngồi im, chẳng nói đi nói lại, thấy hỏi đến 2,3 tiếng,lúc bấy giờ mới lườm chồng:
“Thôi đừng có hỏi vờ làm gì, đi theo đĩ thì đi đi, đừng có về đây mà gọi mợ mợ cậu cậu làm gì!“
“Ai theo đĩ, nói mới lạ chứ!“
“Lại còn được mồm mà chối, không biết thiệt hại bao nhiêu về con đĩ rồi! Giời ơi! “
Bùi Sinh biết chuyện đã lộ, nhưng cũng cố cãi: “
“Ai bảo mợ thế,nói cho tôi biết để tôi lôi nó đến đây cho tường minh bạch. Người ta đi làm đã vất vả, về nhà lại được bà vợ hay eo sèo, chịu sao được!”
Mồm thì nói, nhưng liệu vợ đã biết rõ..liền lẳng lặng một mình đi ngủ trước, còn mợ nhân giận chồng nên di ngủ giường khác,nằm chung với người vú em trong buồng…
Lúc này trong nhà yên lặng, chuông đồng hồ đánh 2 giờ rồi mà  hai vợ chồng nằm không yên giấc,tựa hồ như bị cái bóng nó đè, vợ cũng chỉ trông cho mau sáng, chồng cũng vậy, để mà thi hành công việc, cái diệu kế của mình…
Bùi Sinh nằm trên gác, không sao ngủ được, lòng lo sợ cho cô Chúc Lan không yên, sợ rằng sáng mai vợ mình tìm đến làm rầy rà cô, lo lắng không được ở cùng với cô nữa, nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới nghĩ lui, không biết liệu làm sao. Không biết ai nói? Không biết làm sao mà Hà thị biết được? Đó cũng là một điều rất lạ,vì trong mấy anh em đi với mình, không lẽ mách với vợ mình như thế ?
Nhưng thôi, câu chuyện đã lộ rồi, thời ta cũng lo liệu làm sao cho yên …Bây giờ biết nói làm sao cho Hà thị khỏi nghi? Biết bảo Chúc Lan làm sao? Không có lẽ để nàng phải khổ vì sự Hà thị đánh ghen với nàng. Làm thế nào bây giờ? Bùi Sinh nghĩ quẩn quanh mãi thế,cả đêm không ngủ được, vừa lúc sáng sớm,nhằm lúc Hà thị đang ngủ, liền bảo đày tớ đun nước uống, rửa mặt mũi xong đi..Chàng đi độ nủa giờ rồi, thì Hà thị dậy, hỏi đầu đuôi, biết chồng đã đi từ sáng sớm,tức thì nàng cũng ăn mặc rồi thuê xe đi luôn…
III
Giời mới sáng, mặt giời mới mọc đàng xa,ngoài đường còn vắng, thỉnh thoảng có ít người đi lại, nhà nhà còn đóng cửa, chỉ có một vài hàng cháo xôi rao các phố,những nhà buôn bán chỉ có một vài nhà đương sắp mở cửa,còn những nhà khác thì cửa ngõ vẫn đóng chặt,kẻ ra người vào chưa thấy ai…Hà thị nghe thấy Trần Quân bảo rằng Bùi Sinh thuê nhà cho Chúc Lan ở phố Hàng  X, thời bây giờ thuê xe đến phố ấy, chớ cũng không biết số nhà bao nhiêu mà tìm…Nàng còn đương phân vân đứng giữ phố  thì thấy một người trong cái nhà tây to trước mặt đi ra, liền chạy lại hỏi: “ Thưa ông, ông làm ơn chỉ giùm cho tôi nhà cô Chúc Lan là cô đầu ở phố Hàng Giấy mới lấy Bùi Sinh ở đâu?”
Người ấy nghe hỏi, dừng chân lại nhìn Hà thị rồi bảo: “Có phải nhà cô đầu mới lấy ông họ Bùi được hơn một tháng nay, thời nhà kia kìa,ngoài cửa có treo mành mành ấy“.
Miệng nói, tay chỉ, Hà thị nom theo, thì thấy cái nhà tây hẹp, hai tầng, ngoài có cái mành mành cạp điều treo kín cả, nàng liền lại đấy, thì thấy đóng cửa, bụng nghĩ thầm có nhẽ Bùi Sinh sợ ai biết được nên đóng cửa, bây giờ làm thế nào gọi cửa mà vào được, vả tiếng mình thì chồng biết, vậy liệu làm sao? Nàng bèn nghĩ một kế, giả làm tiếng người láng giềng sang mượn đôi thùng gánh nước, nghĩ lấy làm đắc kế, bèn lên giọng khác:
“ Mở cửa …”
Thì nghe trong nhà có hỏi :“ Ai đấy!” Tiếng hỏi rõ giống tiếng Bùi Sinh. Thời chẳng còn nghi ngại gì nữa. Hà thị lấy làm sốt ruột lắm,nhưng cũng phải giả lờ đáp:” Tôi ở bên láng giềng sang mượn cô đôi thùng gánh nước!”.
Vì sao mà Hà thị lại nói thế? Là bởi vì thường khi nàng có qua phố này, thấy nhà cô Chúc Lan đây vời nhà bên cạnh thỉnh thoảng vẫn có con đỏ đi lại mượn đồ đạc, cho nên mới nghĩ ra cái mưu ấy, ai ngờ lại trúng. Hà thị vừa nói buông lời, thì thấy cửa mở, trông rõ nay thấy Bùi Sinh, còn người đứng đằng sau là Chúc Lan, xuân xanh trạc độ ngoài 20, mình ngọc tóc mây, òng ả một người có nhan sắc. Hà thị trông thấy Bùi Sinh giận tái người đi:” Còn già mồm mà chối nữa thôi, đẹp mặt cho cậu, người như thế mà phải lòng con đĩ!”
Nói xong lại nhìn cô Chúc Lan,quả thật là sắc nước hương giời,trách nào mà chồng mình chẳng ưa, đem so mình với người thật là hai đàng cách xa, nên nàng càng nhìn cô lại càng giận, càng tức. Còn Chúc Lan khi thấy Hà thị thời đã sợ run, không dám nhìn lên, chỉ cúi đầu đứng im một chỗ.
Hà thì mặt mày đỏ như gấc, hoa chân hoa tay mắng:
“Con đĩ kia, mày cướp chồng bà, mày bòn rút của chồng bà bao nhiêu rồi! bước ngay đi con đĩ, bà không chứa mày lấy nửa ngày!”
Bùi sinh thấy vợ mắng Chúc Lan như thế, cũng không dám can, chỉ đứng mà nhìn. Cô thì vừa tủi thân, nghe những lời Hà thị mắng nhiếc mà hạt châu lai láng,như cánh hoa đầm thấm những hạt sương móc sáng mùa đông. Hà thị mắng chán chê một lúc rồi kéo Bùi Sinh về.
Hai vợ chồng đi rồi, còn một mình Chúc Lan,lúc này cô trong người bàng hoàng, tinh thần phảng phất như mê như tỉnh, càng nghĩ đến thân thế mình bao nhiêu, lại càng cám cảnh duyên ôi phận hẩm bấy nhiêu. Đóa hoa tươi, khi dãi gió, khi dầm mưa, trách chi mà chẳng chóng tàn…Cách năm thỏ bạc ác tà, đoạn tràng lúc ấy nghĩ mà buồn tanh!
Hà thị ghen tuông như thế, mà Bùi Sinh là người sợ vợ, còn có thể làm chi mà che chở cho cô nữa? Ở sao yên, mà đi thì đi đâu? Bây giờ hỉ còn cách có vốn đi buông bán, kiếm lấy mà ăn, nhưng bao nhiêu vốn Bùi Sinh cho đã hết từ bao giờ,họ hàng bán không chạy, ăn tiêu ngày một nhiều,có để dành được đâu đến bây giờ.
Nghĩ đi nghĩ tới, thật khó khăn, bốn phương non nước quê người, chân mây mặt bể ai người đoái thương?
Vậy thì đi đâu, ở với ai? Ai nuôi, ai quen biết?...
Hay lại đâm vào xóm Bình Khang, nhưng cô vấn là người không quen nghề nghiệp,không thạo các khóe tình lả lơi như các chị em, thời làm sao được?
May sao ở bên láng giềng có một bà lão, thường có đôi khi đi lại chuyện trò với cô, hôm nay thấy cô bị Hà thị rầy rà làm khó, thời đã biết rõ, bèn sang bảo với cô rằng:
“Đến nông nỗi này thì cô cũng không thể ở được đâu, thôi thì đành phải bỏ Bùi Sinh không thì không yên với Hà thị. Nếu cô bằng lòng nghe lời tôi, thì tôi sẽ đưa cô lại ở may vá cho bà Án T. ở phố M., ăn bà ta nuôi, còn tiền công mỗi tháng bà ấy cũng cho mươi, mười hai đồng, lần hồi như thế cũng xong. Chớ hoài công mà bám lấy Bùi Sinh, lại mắc tay Hoạn Thư, thời chẳng khổ lắm sao?”
Chúc Lan đã cùng kế, được bà cụ bảo mấy điều, khác nào như người mở mắt  cho ra chỗ sáng sủa, lập tức xin nghe và dặn bà cụ rằng:
“Cụ có lòng thương tưởng đến con, muốn cho con được yên thân,thời con cảm tạ  cụ vô cùng.Vậy cụ để con thu xếp ít quần áo, đến chiều mời cụ sang bên này, rồi cụ cùng đi mấy con”
Bà cụ về rồi, Chúc Lan liền lấy giấy bút viết ngay một phong thư để trên bàn gửi Bùi Sinh:
Thơ rằng:
“Cậu Bùi Sinh!
Tôi được gặp cậu là người thủy chung tử tế, được nâng khăn sửa túi, nương nhờ dưới bóng tùng quân, thân bồ liễu đã mấy phen dãi dầu mưa nắng, mà lại gặp duyên lành, thật nghĩ lấy làm cảm ơn cậu, vì dù làm than trâu ngựa đền bồi cũng cam.
Như ngày nay nên nông nỗi này, cũng là vì Hà thị ghen tuông, tôi tự xét chút phận con con,không có thể cùng cậu vẹn cuộc trăm năm,cũng biết rằng là người phụ bạc sao nên, nhưng thôi, lòng tôi ăn ở cùng cậu đã có đèn giời xét soi.
Vậy xin cậu đừng đoái tưởng đến thân hèn này nữa, để hai mẹ con tôi đi tìm nơi trú ngụ,kiếm ăn mà nuôi lẫn nhau. Giấy ngắn tình dài, duyên hội ngộ xin để kiếp sau. Xin cậu soi xét cho tôi được ở yên nơi đất khách.
Nay thơ: Chúc Lan
Cô viết xong giao cả thìa khóa cửa cùng các đồ đạc trong nhà lại cho con nhài mấy cô, xong đến chiều cùng bà cụ bên láng giềng lại nhà bà Án T…
Mãi đến sáng hôm sau, Bùi Sinh mới đến, tiếp được giấy, bụng buồn rầu khôn xiết, hỏi không biết cô đi đâu. Chàng lấy làm thương cảm vô cùng, muốn tìm cô cho ít tiền lộ phí,nhưng chẳng biết cô đi đâu, nên đành phải về nhà. Hà thị từ đấy giữ riết không cho bước chân ra khỏi nhà. 
IV
Nhà bà Án T. ở đầu phố Hàng M., nhà làm theo lối tây, cao hai tầng, trên gác dưới nhà rộng rãi.
Bà lớn vốn con nhà thi thơ, thuở nhỏ cụ ông cụ bà mất sớm, năm 18 tuổi mới lấy quan Án, lúc ấy ngài hãy còn là học trò….Cách năm năm sau ngài thi đỗ Cử nhân được bổ làm Giáo thụ, lần lần làm mãi tới Án Sát, tất cả ngài làm quan mất hai mươi năm. Kinh lịch một vài phủ huyện, am hiểu dân tình phong tục,cho nên nhà nước cũng khen ngài là tay giỏi về chính trị. Ngài vốn cũng là một bực phú-gia-công-tử, cho nên lúc xuất chính làm tới đương quan, lại nhờ được phu nhân là người đảm đang, nên chả mấy lâu mà ngài giầu có, phu nhân một tay gánh vác công việc trong nhà, tậu ruộng, buôn ngô, mỗi năm xuất nhập tiền nong kể có bạc vạn. Phu nhân tậu được 4,5 cái nhà ở Hà Nội cho thuê…Quan Án thất lộc sớm,kể từ ngày ấy tới nay đã hơn 10 năm rồi, mà phu nhân một lòng thủ tiết nuôi con. Phu nhân người trông đậm đà phúc hậu năm nay tuổi ngoài 40,người sinh được một cô con gái đặt tên là Bảo Tuệ, tuổi 18,19. Hai mẹ con ở với nhau rất mực yêu thương nhau, cảnh gia đình như thế mà phu nhân vẫn lấy làm buồn, vì rằng người không có con giai, muốn kiếm một chút rể cho vui vẻ trong nhà, thời nhiều chỗ đã dạm hỏi tiểu thơ mà phu nhân xét ra không xứng đáng,nên cô Bảo Tuệ vì thế chưa lấy ai. Phu nhân nghĩ mình đã già, nghĩ cái cảnh một mẹ một con hiu quạnh thời lấy làm buồn, mới định mượn người đến ở may vá giúp và bầu bạn với tiểu thơ, trong nom đỡ việc nhà. Hôm ý hai mẹ con vừa ăn cơm chiều xong, còn đương xỉa răng uống nước, thời thấy người nhà nói có bà cụ phố Hàng N. đưa người đến ở may vá. Phu nhân gật đầu bảo cho vào, một lúc thấy bà cụ đưa cô Chúc Lan đến chào phu nhân.Phu nhân mời ngồi đâu đấy,lấy giầu nước khoản đãi, một lúc mới hỏi chuyện cô Chúc Lan. Cô cũng đem hết đầu đuôi kể hết phu nhân nghe, phu nhân nghe rõ, vội vàng chạy lại vỗ vai cô, mừng mừng rỡ rỡ mà nói rằng:
“Chết nỗi, thế ra cô là con gái bà Giáo…Ai ngờ bây giờ đến nỗi thế này, giá mà tôi biết sớm thời đâu đến nỗi phải đi như thế. Vốn tôi với bà Giáo thân sinh ra cô là chị em bạn rất thân, mỗi người ở một nơi, cho nên không đi lại chơi bời được với nhau đó thôi!
Ai ngờ ngày nay, lòng giời dun dủi, cô lại gặp tôi là chỗ bà con quen biết, vậy thì hay lắm, cô ở đây bầu bạn với em nó, chị em gặp nhau còn gì vui hơn. Để ít lâu nghe ngóng tin tức cậu cả sang tây thế nào, tôi sẽ nói cho mợ được đoàn viên hội họp với cậu như xưa “.
Phu nhân nói xong, liền bảo cô Bảo Tuệ trông nom làm cơm cho cô ăn uống, xong đâu đấy bà cụ về, còn  một mình cô, tay ẵm đứa bé, ngồi hầu chuyện phu nhân. Phu nhân là người trung hậu, có lòng thương cảm người nghèo khổ cơ cực nên khi nghe cô thuật chuyện đầu đuôi, thì thở dài than vắn hoài… Chuyện trò độ 1 giờ, thời chuông đồng hồ đánh 11 tiếng. Phu nhân bèn dặn dò con dọn dẹp chỗ ngủ cho cô, chăn chiếu mùng màn dũ quét sạch sẽ. Bảo Tuệ tiểu thơ thấy cô người dung mạo đoan trang, ăn nói dịu dàng, đi đứng tề chỉnh thì đem lòng yêu mến lắm, mới gặp một lần mà xem ý hai người đã thân mật quyến luyến nhau. Chị em chuyện vãn một lúc rồi cô Bảo Tuệ đi nghỉ, còn một mình cô Chúc Lan cả ngày lo sợ rầu rĩ, người vốn đã yếu, nên nằm trên giường không sao ngủ được.
Lúc này đã nửa đêm,trong nhà ngủ hết, ngoài đường kẻ đi người lại cũng hơi vắng, thỉnh thoảng mới nghe tiếng xe chạy, còn chung quanh thời phẳng lặng,canh khuya chó sủa, dế kêu, cảnh êm đềm tịch mịch chốn cô phòng làm cho cô ngậm ngùi chua xót không sao ngủ được. Liền ngồi dậy, mở cửa ra đằng sau, là cái vườn rau mà phu nhân mới làm, giồng toàn các thứ rau, cùng một vài cây hoa hồng…
Hương nga vằng vặc, hào quang chiếu rọi, cảnh trên không rộng rãi mên mông,làn mây từ từ kéo che phủ, mặt giăng lúc sáng lúc mờ, đứng dưới mà nhìn lên cao, thời trông thấy bầu giời cảnh vật như bao bọc cả Vũ Trụ, hàng trăm hàng nghìn vì tinh tú vằng vặc giữa khoảng trời, trông như mấy ngọn đèn pha lê lập lòe trên chốn sầu thành u uất…Có lúc ngọn gió đưa lại, thoảng một cái rồi im, trông mấy cây hoa ở vườn thấp thoáng dưới bóng giăng, rõ ràng muôn nghìn sắc lịch vẻ tươi, nghĩ cảnh trời đất lúc này, đối với cảnh buồn của Chúc Lan, thời chẳng là làm nặng nề ảo não cho cô lắm tá?
Ôi, vừa mấy năm về trước, cũng giăng cũng gió này mà cảnh ngày xưa là cảnh hàn huyên vui vẻ, mẹ con vợ chồng sum họp, đến ngày nay là cảnh tử biệt sinh ly của con người hồng nhan, những lúc này Tử Phần muôn dặm, tin nhà vắng vẻ, một vùng cỏ thảm hoa sầu nơi đất khách, cả cái cảm tình, cái sầu tình, cái ái tình chẳng thà đem phó mặc với non sông, nhưng non sông đã phụ khách hồng quần, nghĩ nguồn cơn chẳng đau lòng lắm ru? Nào những lúc mẹ con sum họp, nào những lúc gặp gỡ duyên lành, nào những lúc lo nghĩ, nào những lúc bỏ nhà ra đi, muôn dặm xa xôi, đường trường quãng vắng, tấm thân gột rửa bao giờ cho xong? Tạo hóa có hiềm chi khách má đào, ghét chi kẻ tài sắc, mà mỗi lúc trong mình vướng chi cái dây oan nghiệt, gỡ không sao dứt…
Thương ôi non nước quê người, quê người một thân. Tình xưa nghĩa cũ bây giờ còn đâu. Chúc Lan cô ơi, những lúc này, tơ lòng đòi đoạn ra làm sao?
Lúc này cái tư tưởng cô quay cả về cái dĩ vãng.Đã hay rằng bây giờ cô gặp người quen, có chỗ nương thân được yên rồi, nhưng hồi tưởng đến lúc nào,cùng cậu cả vợ chồng còn đoàn viên được mấy nhau, mà bây giờ một thân lẩn núp, một mẹ một con, còn cậu cả thời từ ngày ấy đến nay không biết lưu lạc nơi nào? Còn sống hay là đã chết rồi? Có còn họ hàng thân thích gì hay không? Nghĩ bao nhiêu lại bùi ngùi bấy nhiêu. 
V
Giời cao thăm thẳm, bể rộng mông mênh,con thuyền nan một lái giữa giòng sông, con người ta ở đời còn có cảnh gì khổ hơn cảnh giang-hồ-lưu-lạc,một mình trên khách địa tha hương, nhưng bực anh hùng sẵn tấm lòng hồ thỉ, thời bốn phương non nước cũng là quê nhà, nhưng lại còn những bậc anh tài, vì cảnh tử biệt sinh ly mà phải đem thân đi đó đây, thời lòng sầu thảm biết bao?
Kể từ khi cậu cả bỏ mợ ấy mà đi đến giờ, một thân cùi cụi, không họ không hàng, phần thì một đồng một chữ không có, cơn nghiện lắm phen làm cho nửa chết nửa sống, nhưng cũng may nhờ cậu biết đôi ba chữ, nên được làm thơ ký cho một nhà phú hộ ở tỉnh H.D., lương tháng cũng được ngót 20£. Nhờ đó mà cậu được đủ ăn, lắm lúc nghĩ tới nhà cửa thời tấm lòng thổn thức không an.
Xuống tàu rồi trông xa chốn ven giời, mây xanh che phủ, một màu nước lóng lánh, xa là núi, gần là mấy rặng tre hiu hắt, chiếc tầu cứ từ từ đi, ngoảnh mặt lại trông Đồ Sơn ngày càng xa… Quê cha đất tổ lòng xa bao xiết nhớ nhung!
Cậu cả vốn người yếu nên khi ở trên tàu say sóng, người lắc lư, rức đầu, được mấy ngày thì phát bệnh sốt rét, may nhờ có người bạn cùng đi là ông M. cũng là người làng, hết lòng săn sóc thuốc thang cho, nên được ít lâu bệnh thế cũng nhẹ dần, cách vài hôm sau thì khỏe hẳn, nhưng cậu vốn yếu mà sóng bể làm nghiêng ngửa chiếc tàu,cho nên người lúc nào cũng lảo đảo, còn cậu thì như người mê man, đầu lúc nào cũng rức như búa bổ…
Đêm hôm một mình, trông ra đầu tàu một khoảng trời rộng rãi, tối um, xa xa như một vùng hắc khí bao bọc mấy ngọn núi, thỉnh thoảng lại nghe tiếng sóng ùa vào tàu, chiếc tàu nghiêng hẳn đi…những lúc bấy giờ lại nghĩ đến nhà cửa, đoái thương mấy hàng cách trở, cám cái cảnh người tựa cửa mong con nay đã về cảnh tiên!
(mer rouge), hơn một tháng trời ròng rã làm bạn với sóng biển, may cũng bình an vô sự.
Mãi đến ngày 36 vọi xa thấy tỉnh Marseille cậu cả cùng các người bản xứ lúc này đua nhau ra đứng mũi tàu để xem dần dần tàu tới nơi, trông ra thấy khác hẳn với bến tàu ở xứ ta, thật là bến to, tàu bè như mắc cửi, phố xá rộng rãi, lâu đài san sát, xe đi ngựa lại như bươm bướm, ngắm cái quang cảnh một chốn thị thành Âu tây mà lượng biết cái văn minh một nước cường thịnh là thế nào …
Cậu cả cùng các người bản xứ lúc này ngắm quang cảnh tỉnh, không hề nháy mắt, nhưng họ vui vả, cậu thì buồn rầu, tấm lòng lại tưởng nhớ đến nỗi nhà khi xưa, thôi bây giờ gánh tình đã xẻ, thời còn chữ công danh mang sao cho trọn vẹn…
Kịp đến lúc hồi hương rồi, thời cậu cả chưa được bổ, cho nên phải thuê nhà ở riêng một mình, vốn cậu người đã yếu, cho nên trong một năm xa nước, phần thì lao nhược, phần thì đi tàu say sóng, phần thì thương cảm lo nghĩ quá mà người sút hẳn đi, thỉnh thoảng lại thổ ra huyết. Các anh em thấy cậu thế, thường khuyên cậu giữ gìn thân thể, chớ quá lo nghĩ, sợ rằng không thọ được thì cậu chỉ thở dài mà nói:
“Như tôi có chết, cũng cam tâm chả còn ước mong gì nữa, tôi cũng là người đã biết trọn nghĩa vụ của tôi. Nam nhi chí khí thế cũng đủ rồi, tang bồng hồ thỉ, cần gì phải công danh hiển hách, sống lâu mà làm gì!“
Những người đi cùng với cậu thấy thế, biết là bệnh tình cậu sắp nguy vong rồi, song không hề nói ra, sợ cậu lo rầu sinh hại.
Tin tức những người sang Pháp, về đến xứ Bắc, ngay ngày hôm tàu đỗ Hải Phòng, thời các báo đã đăng rõ tường tận tên những người hồi hương, cho nên khi cô Bảo Tuệ xem nhật trình thấy có nói rõ tên chồng cô Chúc lan thời vội vã bảo cô lập tức.
Cô lấy làm mừng rỡ lắm, mừng là mừng cậu còn, chưa mất, lân la hỏi dò la chỗ cậu ở, mãi mới tìm thấy liến viết cho cậu một phong thơ tự sự như sau này:
“Cậu cả,
Lắm phen tôi nghĩ,biết mình lỗi lầm, vì chút tài lợi mà phũ phàng cùng cậu, nhưng hối thì đã muộn lắm, dẫu cậu có lượng tình thì cũng là con người đơn bạc rồi, nói sao cho lại…Thôi thôi, lòng tôi cay đắng, bây giờ chỉ còn mong đợi ngày quyên sinh, một dây oan nghiệt cho hết má đào…
Nhưng trộm nghe, con người ta hiếu tình không vẹn, thì dẫu có chết cũng thẹn mặt dưới cửu tuyền,nên từ đấy đến nay, tôi một mình hết lòng săn sóc con thơ,mong chờ sau này nó trưởng thành để nối dõi cậu, cùng là gặp mặt cậu một phen,giải hết nguồn cơn cay đắng, thời dẫu có nhắm mắt cũng đành tâm.
Than ôi! gương vỡ khó lành, nhưng dây tình ràng buộc, tôi cùng cậu nay phải lìa nhau, há chẳng phải là cái khổ cho đôi ta lắm ru?
Sau khi cậu tiếp được thư này nên  giả lời cho tôi biết.
Nay thơ: Bạch Thủy.”
Cái thơ này viết bỏ dây thép , cho nên hôm sau mới đến nhằm lúc cậu cả Liễu Oanh đương nằm xem sách, nhận được thơ giở ra xem, xem đi xem lại, nước mắt chứa chan. Cậu cũng tưởng mợ tuyệt mệnh rồi, ai ngờ còn sống đến bây giờ, những chuyện năm xưa, bây giờ hồi tưởng lại khác nào như một cơn gió to  làm lạnh lẽo nỗi lòng, càng nghĩ càng lấy làm thê thảm trong bụng. Lỗi ấy bởi vì ai, chẳng phải tại cậu quá chơi bời hút sách, công nợ be bét ư? Đến nông nỗi phải giả hết nợ cho chồng, nếu mợ cả không bíu lấy Bạc Sở, không nghe lời Bạc Sở, thời chết rồi còn gì, biết lấy ai mà gửi thân cho được?
Ôi con tạo hóa éo le, con ma cờ bạc, ông thần dục tình, đã làm khổ ta, đã làm cho ta vợ chồng khổ sở vì ngươi, thôi nói làm chi nữa thêm buồn!
Bây giờ thơ mợ đã gửi đến cho cậu, không lẽ cậu không giả nhời cho mợ để mợ đến giáp cậu. Cậu nghĩ thế nên viết thơ gửi cho mợ, thơ rằng:
“Tiếp được thơ mợ, tôi lấy làm động lòng thương cảm lắm, thôi lỗi xưa xin bỏ, mời mợ lại chơi ngay, cho tôi được gặp. Nay thơ“
Mợ cả tiếp được thơ, vội vàng ăn mặc thuê xe lại phố… là nhà cậu cả Liễu Oanh đương thuê, tìm vào nhà, thời thấy cậu đương nằm trên giường, mặt mũi buồn bã võ vàng, trông kém xưa nhiều lắm. Cậu thấy mợ vào liền ngồi ngay dậy, nghe chừng mệt nhọc lắm. Hai hàng nước mắt lúc này chứa chan, mợ thấy cậu thế không cầm lòng được cũng giọt lệ tuôn rơi lã chã… Mợ với cậu lúc này chỉ nhìn nhau mà khóc, không nói được nữa, một lúc cậu cả mới nức nở ôm lấy mợ mà nói:
“Mợ ơi, như bây giờ tôi gặp mợ đây, thật là giời còn thương tôi, muốn cho tôi còn được trông thấy mợ lần này nữa... Để cho mợ phải đem thân lưu lạc, cũng là tại tôi. Tôi nghĩ như tôi là một đấng nam nhi, không làm gì cho vợ được sung sướng, để cho vợ vì mình mà phải khổ, thời chữ tình khuyết, để cho cha mẹ buồn phiền vì con, đến nỗi sớm ly trần là tội rất bất hiếu.
Làm người mà hiếu tình không trọn vẹn, thời là người bỏ đi, không nên mở mặt đứng trên đời nữa…
Bậy giờ gặp mặt mợ đây, tôi xin tạ lỗi cùng mợ  và xin mợ chớ nghĩ đến những chuyện năm xưa tôi đã quá phụ bạc với mợ mà cho tôi được đành tâm nhắm mắt dưới suối vàng, ấy là lòng mợ đã thương tôi...”
Nói rồi kêu to một tiếng, hộc ra một cục máu, rồi tắt hơi, năm ấy cậu mới có 38 tuổi. Mợ cả ôm lấy chồng mà khóc, xong nhờ cậy bà Án T. lo giúp việc ma chay cho cậu, để thằng con Bạc Sở mà mợ nuôi lâu nay giữ dòng họ Nguyễn.
Chiều hôm đó ngoài đường từ phố… một cái đám ma rất đông người đi đưa có đủ cả quan tây, quan ta, người đi buôn, người làm việc đều đi nghiêm chỉnh sau cái nhà táng… Đám ma đi về lối Cầu Giấy Hà Đông là quê của Liễu Oanh công tử.
Sông sầu núi thảm, cảnh quê hương đón khách về tiên…
Ma chay cho cậu cả xong rồi, thời mợ cả thủ tang chồng ở nhà bà Án T… Đoạn tang, thời cô Bảo Tuệ lấy chồng, Bà Án T. cũng mất ngay năm sau. Cái nhà phu nhân vẫn ở nay thuộc về vợ chồng cô Bảo Tuệ…
Nhờ được tiền vốn ít nhiều mà mợ cả tảo tần để ra trong mấy năm cư tang chồng ở chung với bà Án T. cho nên bây giờ mới thuê nhà riêng nuôi con may thuê và mướn lần hồi cũng đủ ăn tiêu.
Người phu xe nói xong thở dài: “Câu chuyện này nghe rất bi thương, thầy nên chép làm chuyện để ghi tích lại đời sau! Thôi, giã thầy, tôi đi kéo chỗ khác“.
Người phu xe đi rồi, tôi đứng lại hồi lâu, bụng thương cảm vô cùng, nhìn người đàn bà ấy, nước mắt cũng phải chứa chan, mãi nửa đêm mới về nhà, nghĩ cuộc đời mà ngao ngán.
24/7/2013
Đặng Trần Phất
Dịch giả: Đài Lan
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...