Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

Giấc mơ hoa phượng

Giấc mơ hoa phượng

 … Trường Cấp ba Cẩm xuyên là nhiệm sở tôi đến đầu tiên. Vừa bước chân xuống xe một cậu học sinh đã xô đến vổ vai hỏi “Cậu vào lớp nào?” Tôi không trả lời khẽ chào rồi đi về phía đám xe ôm gần đấy.
Vùng đất thị trấn Cẩm Xuyên, nơi trường đóng cách thị xã Hà Tĩnh khoảng hai mươi cây số, từ đây về quê tôi Nghi Xuân phải nửa ngày đi xe đạp. Một huyện nghèo cách biển mười cây số. Học sinh đa phần trọ học, cuối tuần về nhà lấy thêm lương thực. Thầy giáo, vì dạo ấy giáo viên cấp 3 hiếm nên Bộ phải điều từ khắp các tỉnh về, Trường C3 của chúng tôi có một số giáo viên được điều về từ tỉnh khác có thầy người Hà Nội, có thầy người Hải phòng, Quảng Bình, số còn lại người các huyện trong tỉnh. 
Tôi được phân ở dãy phía sau nhà tập thể, sinh hoạt chung vui. Thầy Cừ nhiều tuổi nhất hay chủ trì những buổi liên hoan mặn. Dạo ấy súng đạn thể thao không cấm như sau này. Các thầy thể thao thể dục vẫn cho giáo viên mượn súng đi bắn chim ngoài đồng. Chúng tôi thường tổ chức những buổi liên hoan nhỏ.  Ăn uống xong liên hoan hát hò. Thầy Quỳnh thầy Hưng chơi ghi ta tốt, thầy Cừ, Thầy Long hát rất hay. Những bài hát cổ điển các thầy trình diễn nhiều lần, tôi nhờ vậy biết được, nào Lòng mẹ, Sibêri nở hoa, Trở lại Sôrianto, Souliko, Sungsinsô, Chiều Mátcơva, Đôi bờ, Kachíusa… 
Thời gian ở đây đối với tôi có ý nghĩa như mối tình đầu, điều làm tôi nhớ nhất xem như một cái mốc của đời mình, đó là thời gian mới vào nghề nhưng chỉ trong hai năm tôi đã trở thành một giáo viên được Sở và đồng nghiệp chú ý. Hai công việc tôi đạt được thành tích cao là năm nào  đội Học sinh giỏi của trường đều đạt giải của tỉnh trong số đó học sinh lớp tôi phụ trách có em giải nhất. Điều thứ hai là tôi tổ chức được cuộc thi “Rèn luyện kỹ năng” cho học sinh gọi tên là Sáu Cửa, gồm sáu môn thi nói: 1- đọc diễn cảm, 2- viết chữ đẹp, 3- kể chuyện hay, 4- nhớ thơ lâu, 5- biết nhiều tác giả, tác phẩm, 6 - làm tốt dàn bài tóm tắt . Mỗi lớp một đội, phải qua “sáu cửa” thi đó để đạt thứ hạng mong muốn. Chất lượng các cuộc thi vừa phải nhưng phong trào thì khá lên cao. Sở lấy làm mẫu nhân rộng ra các trường khác.Thầy hiệu trưởng nể tôi lắm. Giờ bồi dưỡng nào thầy cũng pha một cốc nước chanh mang lên cho tôi. Cảm động nhưng tôi có phần e ngại, sợ mình không đáp ứng được hy vọng của thầy.
Ở Trường Cẩm Xuyên tôi quen nhà thơ Xuân Hoài. Anh vốn dạy ở quê Đức Thọ nhưng có vấn đề gì đó với địa phương, Sở chuyển anh vào Cẩm Xuyên. Anh, mặc dầu là giáo viên Toán, vẫn hay thơ, hồi này đã có nhiều thơ đăng báo, được tuyển vào tập thơ trẻ Sức mới. Phòng anh phía trước, phòng tôi phía sau, nhà vách nứa nói chuyện vọng qua vách, anh thường đọc thơ cho tôi nghe. Tính trầm lặng, viết bảng đẹp, anh phụ trách Bảng tin của trường. Mấy năm sau anh vào Hội Nhà văn Việt Nam, rồi chuyển ngành sang ngạch văn hóa. Sau này tôi còn gặp anh nhiều lần, tình bằng hữu nảy nở và niềm yêu thích văn chương của tôi được truyền đến từ anh khá nhiều. Bài thơ “Những ngôi sao“ anh viết dạo đó đã từng được giải  trong một cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ.
Ở Cẩm Xuyên hai năm, bắt đầu cuộc chiến Mỹ bắn phá Miền Bắc. Vì nhu cầu học tập của học sinh các huyện ngày càng đông, UBND Tỉnh quyết định mở thêm một số Trường Cấp 3 ở các huyện lẻ. Tôi và một số giáo viên nữa được chuyển vào dạy một trường mới thành lập ở một huyện Cực Nam: Trường Cấp ba Kỳ Anh. Những ngày đầu xây dựng trường, lớp, các thầy giáo làm nhiều việc có tính công vụ chứ không thuần giảng dạy. Chặt tre, đốn tranh, đào hầm, dựng lán học, chở bàn ghế… Chuyến hàng đầu tiên, tôi phải đi chở bàn ghế học sinh bằng ghe cách nơi trường đóng 20 cây số. Đêm đã lâu, mà chẳng đi được bao xa, thuyền chạy men bờ, cả chèo, cả đẩy đi rất chậm. Gần nửa đêm ngồi trên mui thuyền tôi chập chờn nhớ lại quãng đường mình đã qua. Cạnh tôi, thầy giáo mới, anh người Hà Nội gốc, học Tổng hợp nhưng vì thiếu giáo viên Bộ vẫn liên hệ điều vào đây đi dạy. Lạ phong thổ, lạ sinh hoạt anh rất nhớ nhà. Qua lời anh kể,tôi mường tượng đến một ngôi nhà nằm sâu nơi phố Quan Thánh, có một bà mẹ sống bằng nghề đan len cùng ông chồng cán bộ lưu dung và một cô em gái học dở Cấp 3,  hằng đêm họ ngồi kể chuyện người anh nơi xa  nhiều bom đạn mà lo lắng. Anh nói giọng Hà Nội mềm mại nghe như hát, khuôn mặt mờ mờ dưới ánh trăng, cạnh những bảng, bàn ghế ngổn ngang nhìn như một cảnh phim cổ trang mà tôi từng xem. Giờ này, những đêm xưa cũ ở Hà Nội chắc anh đang cùng bè bạn không uống  chè “chén” hay càfê ở một góc phố nào thì cũng tập hợp đàn hát cùng nhau tại nhà một cô bạn nào đấy. Sinh viên Hà Nội mà tôi quen rất thích những thú vui văn hóa như đánh đàn, ca hát, xem phim cổ điển, chơi ban bóng… Về sau biết thêm anh có một giọng hát đẹp và là một tay “gôn “có hạng của một đội bóng sinh viên cuối khóa. Mới quen nhưng tôi cảm thấy như đã biết nhau từ lâu, rất cảm mến. Đêm trên sông không một bóng thuyền lạ, không một ánh đèn, chỉ trăng và nước, hai bờ làng xóm thẩm đen, thỉnh thoảng xẹt qua vài chiếc máy bay cùng những tiếng gầm rú inh tai. Thuyền chúng tôi chìm dần trong đêm. Ánh - tên thầy giáo mới - ngủ thiếp trên vai tôi.
Trường mới mở, chỉ tuyển sinh 3 lớp 8,  lớp 9 học  ở huyện ngoài năm trước nay chuyển về huyện nhà, năm sau trường mới đủ lớp cho cả cấp. Giáo viên trọ trong nhà dân, cơm nước nhờ dân nấu.Tôi làm quen nhanh chóng với ngôi trường mới và cung cách dạy học thời chiến. Có buổi học báo động đến hai ba lần. Phải cùng học sinh xuống hầm trú ẩn. Giáo án có phần rút gọn cho kịp giờ. Học sinh tan tầm về nhà là một mối lo cho thầy chủ nhiệm. Có lần bom rơi cạnh một lán học, may nó không nổ. Sau dó dân quân đào lên mang đi. Hú vía. Những ngày nghỉ Tôi và thầy Ánh hay xuống địa phương thăm học sinh. Rất nhiều kỷ niệm cảm động. Chúng tôi biết nhiều về đất và người miền Trung nhờ những chuyến đi này. Các vị phụ huynh yêu con nên rất quý thầy, câu ca cũ “Muốn sang thì bắc cầu kiều…” nhờ những lần gặp này khắc sâu hơn trong tâm hồn tôi. Có bận tôi ngủ thiếp giấc trưa, chập chờn, bà mẹ ngồi cạnh đưa võng cho tôi. Có chị chép cho chúng tôi nhưng câu hát rất nặng ân tình quê kiểng địa phương
Những năm dạy học ở Hà Tĩnh chứng kiến nhiều kỷ niệm bạn bè. Tôi nhớ nhiều về Quốc. Tốt nghiệp đại học tôi và Quốc đều được phân công về công tác Hà Tĩnh. Ở đại học, Quốc và tôi cùng một tổ học tập, lúc đó Quốc tổ trưởng, anh cùng với tôi có chân trong Nhóm cán sự bộ môn. Về Hà Tĩnh, tôi cùng các anh Quốc, Lê, Văn, là những thầy giáo dạy Văn, hồi ấy hay gặp nhau đọc thơ và bàn chuyện văn chương. Lê người miền Nam, ra Bắc diện học sinh tập kết, Văn người Hà Nội gốc, ở phố Khâm Thiên. Quốc, bạn thân nhất quê Phủ Lý, được phân về dạy Đức Thọ, hễ nghỉ là vào tôi. Với chiếc xe đạp cà tàng Quốc và tôi đi khắp các huyện. Thăm học sinh, vãn cảnh, tham quan các di tích, tìm hiểu sinh hoạt nhân dân… Lời dạy “Đi, học, đọc, viết “của một vị tiền bối cứ nhắc nhủ chúng tôi. Nhưng cái chính là đi để nói chuyện gia đình, đọc thơ văn cho nhau nghe vì hai đứa rất hiểu và tâm đắc nhiều vấn đề. Cùng tuổi, cùng học chung lớp, cùng sở thích, thân nhau là tất nhiên. Đặc biệt hai đứa cùng chung cảnh mẹ già một thời lẻ mọn, về già đơn chiếc, yếu ốm, xa con cái không ai đỡ đần khuya sớm. Thương và nói chuyện về mẹ về nỗi bất hạnh và sự hy sinh của các cụ là một đề tài hai đứa không bao giờ cạn. Ở Đức Thọ, Quốc thân với nhiều học sinh, đang học cũng như đã thôi học đi làm, có em ở cả những đơn vị dân quân trực chiến. Hồi ở đại học một lần yêu không thành về dạy ở Đức Thọ, anh yêu một cô giáo cấp 2. Cô dịu dàng rất dễ mến. Có lần Quốc dẫn tôi về thăm nơi cô dạy. Chuyện trò, lúc chia tay tôi đi trước, Quốc đứng lại nói chuyện rất lâu với cô giáo, sau cánh cửa khép hờ. Lúc về anh có vẻ bồn chồn, tôi gặng hỏi, Quốc không nói gì thêm. Tôi đoán anh đã tỏ tình nhưng không kết quả. Chẳng là các cô gái miền Trung hay yêu các chàng trai hào hoa miệt ngoài, nhưng gia đình lại không muốn gã con gái đi vùng xa vì họ nghĩ theo câu ca “có con mà gã chồng xa, bằng như con lợn khái (hổ) tha vào rừng”. Quốc hay làm thơ, thơ anh khá hay, có nét riêng trữ tình, chân thật. Một vài bài báo Văn Nghệ đã giới thiệu như Ngôi sao nhỏ, Cam đầu mùa có nhiều ấn tượng với bạn đọc. Những câu thơ như chắt ra từ cõi lòng anh đối với Hà Tĩnh: Mùa em về sông La rất xanh/, Chiền chiện xuống chiền chiện lên chao hót/ Lúa đồng chiêm gặp trộ mưa tốt vụt/ Trận địa nằm bên lúa gió thâu đêm/...
Đức Thọ, nơi trường Quốc đóng gần xã Đức Ân quê Huy Cận, có lần anh dẫn tôi về thăm. Đó là một xã nghèo, đẹp với núi Mồng gà, sông La, những đồng mía xanh ngát, nhưng vắng và buồn. Có lẽ đúng khi Xuân Diệu bạn ông đã có lần thổ lộ: Mến bạn mà về chứ quê Huy Cận nghèo và đìu hiu. Chợt nhớ mấy lần Huy Cận và Xuân Diệu về quê hay đến nói chuyện ở Hội Văn nghệ mà tôi từng gặp. Tiếp cận hai nhà thơ đồng hương rất thân nhau nhưng lại gợi chúng tôi hai cảm giác khác nhau, Xuân Diệu phong cách thì sang trọng rất nghệ sĩ từ áo quần cho đến “mái đầu dợn sóng Quy Nhơn”, Huy Cận thì ngược lại như ông chủ nhiệm HTX. Vị bộ trưởng, nhà thơ tài năng kiệt xuất và tài hoa nhiều mặt ấy lại có một vẻ bề ngoài hết sức mộc mạc, bình dân. Ông gần như vẫn nói giọng Nghệ Tĩnh nguyên xi, sau nửa thế kỷ sống giữa lòng thủ đô! Vẫn mặc bộ quần áo vải bông cũ sờn, đi giầy vẹt gót màu nâu nhạt loang lỗ. Nhớ lần ông về họp ở Hội Văn nghệ có cái cặp tài liệu mà khi nói xong ông cho tài liệu vào kéo sợi cao su hai góc cài lại rất cẩn thận và thỏa mãn như một ông cán bộ xã vậy... Xa quê năm 14 tuổi. Cho đến khi vào Huế, xuất bản “Lửa Thiêng” Huy Cận chỉ trải nghiệm hai con sông lớn, đó là Sông La ở quê và Sông Hương ở Huế . Bài thơ “Tràng giang” (1939) thấp thoáng bóng dòng La với bao nhiêu chi tiết mà ai đi trên dòng sông này một lần đều có thể cảm thấy phảng phất nhiều hình ảnh được tái hiện trong bài thơ, cùng với nét biểu cảm sâu lắng tâm hồn ông. Khung cảnh đặc tả trong bài thơ với cây cầu, dòng sông, bãi chợ, thuyền bè xuôi ngược rẽ những cánh bèo trôi, gợi bao cảm xúc… Cả Quốc và tôi đều cho Tràng giang là tâm tư được rút ra từ tấm lòng quê kiểng, dòng sông mang bóng dáng con sông quê nhà của ông.
Dịp nghỉ mùa năm ấy anh cùng về Nghi Xuân thăm mẹ tôi. Trên đường về anh ghé vào chợ, biết mẹ hay ăn trầu anh mua một ít trầu cau về biếu cụ. Sớm hôm sau chia tay mẹ, hai đứa đèo nhau trở lại trường. Mẹ níu tay tôi dặn khẽ: Đi đường cẩn thận nhé, chục cau Quốc mua cho mẹ toàn “bị điếc” cả! Thói quen cũ, mẹ tôi nghĩ điềm báo có điều không lành sắp tới cho hai đứa. Dạo ấy trên đường những giờ cao điểm phòng không, nguy hiểm khôn xiết kể.
Bẳng đi mấy tuần không gặp và cũng không tin tức, hôm ấy đang chuẩn bị lên lớp tôi được Lê báo tin “Quốc bị bom ra ngay”. Tôi xin phép hiệu trưởng nghỉ, phóng xe ra Đức Thọ. Qua Cầu Rác máy bay nhào xuống ném bom, những quả bom không nổ xòe cái đuôi vàng óng trên mặt đường. Kệ, tôi vẫn lao xe  qua. Tối ấy Lê cho tôi biết, Quốc bị bom khi vào trận địa 12 ly 7 thăm học sinh, ra về vừa lúc bom dập đến. Anh bị thuơng nặng đến bệnh viện thì mất cùng với một pháo thủ. Tôi khôn xiết đau buồn! Năm mươi ngày giỗ anh sau đó, Văn, Lê, tôi và cả cô giáo đi viếng mộ Quốc. Ngôi mộ còn mới nhưng cỏ đã nhú mầm xanh biếc. Lặng yên, tôi mong cho bạn bình yên nơi cực lạc, phù trợ cho tôi khi còn dang dở bao dự định.Tôi cảm thấy mình cô đơn, nhỏ bé và bất lực hơn bao giờ hết. Bao năm có Quốc chuyện trò động viên nhau, tôi cảm thấy vững chải bao nhiêu thì giờ yếu ớt bấy nhiêu. Nén hương trên mộ bạn, tôi hứa thầm sẽ làm tròn những điều hai đứa đã từng nuôi mơ ước.
Có một lần kỷ niệm hiện về trong giấc mơ của tôi… Dạo ấy nhờ đi dạy Bổ túc văn hóa, tôi quen T, một cô gái học lớp cuối cấp. Em có khuôn mặt rất hiền, da ngăm đen, dáng đậm rất đặc trưng vùng biển. Cái khác lạ gợi chú ý ban đầu cho tôi, em cười phô chiếc răng khểnh, giọng nói chơn chớt như trẻ con nhưng đôi mắt luôn có vẻ tư lự. Đôi mắt ấy nhiều giờ giảng tôi cảm thấy có một sự đồng cảm mơ hồ, ám ảnh tôi cả những khi cô vắng mặt trong lớp. Người làng kể gia đình em tan nát sau trận càn hồi chín năm, giặc Pháp càn lên miệt biển xứ này. Em có người cô nghe nói ngày xưa rất đẹp sau vụ đó trở thành lẩn thẩn, giờ vẫn là một người đàn bà cô độc. Nhiều buổi tan học, chúng tôi thường gặp gỡ chuyện trò cùng nhau. Trước kỳ nghỉ hè ra trường năm cuối, tôi có đến thăm em trong xóm nhỏ nơi các học sinh ở xa thường đến trọ. Em tiễn chân tôi về trong đêm trăng. Con đường từ nhà đến ký túc xá nhà trường nở đầy hoa phượng, quá gần, em và tôi quay đi, quay lại vài ba lần mới trọn việc chia tay. Năm ấy em thi vào Trường Luật. Cuộc sống xa quê, xa mẹ của thầy giáo trẻ mới ra trường khiến lòng tôi rung động trước những tình cảm mới mẻ. Phút rung động, tôi viết bài thơ trong nhật ký: Ngôi nhà ấy em ở/ Quấn quít dàn trầu không/ Lối mòn hoa phượng đỏ/ Men men trôi giữa đồng…// Trên con đường nhỏ đó/ Gọi tên em bao lần/ Và bên dàn trầu đó/ Bao lần tôi chờ trông...
27/7/2021
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...