Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Người đàn bà trong tranh

Người đàn bà trong tranh

Học kỳ 1 sắp sửa kết thúc, hệ mỹ thuật trường này tổ chức triển lãm tranh của sinh viên. Là người phụ trách thư viện của nhà trường, tôi có biết việc ấy, nhưng thú thật không quan tâm mấy, vả lại, tôi cũng đang bận túi bụi. Triển lãm khai trương được hai ngày thì cô nhân viên thư viện đến nắm tay lôi tôi đi xem cho được.
Cô ấy là người mới tới nhận việc, từ chối không tiện, tôi đành đi xem với tâm trạng không mấy hứng thú. Vì sinh viên mỹ thuật trường này khá đông nên tranh của họ với kích cỡ, màu sắc khác nhau bày la liệt trên một khuôn viên khá rộng. Xem được một lúc, tôi đâm rối mắt, muốn bỏ ra về. Nhưng, thật bất ngờ, giữa lúc tôi đang tính con bài chuồn ấy thì có một bức tranh đang treo vừa đúng tầm nhìn của mình đã níu giữ đôi chân tôi lại. Nổi rõ trong khuôn tranh lớn là tấm lưng thon thả và mái tóc đen dài của một người đàn bà, dưới nền trời đã vào mùa đông, với những tảng mây sà tháp, xám xịt, và giữa thảo nguyên bao la, những ngọn cỏ mong manh, úa vàng đang bơi trong gió!
Chỉ tay lên bức tranh, cô nhân viên thư viện reo lên, bảo rằng người đàn bà ấy rất giống tôi. Tôi làm bộ lắc đầu: "Không giống đâu!", nhưng thú thật trái tim tôi lại mách bảo: Người ấy sao giống mình đến thế! Giống ngoại hình và giống cả nội tâm! Tôi tiến sát bức tranh, nhận ra ngay tên tác giả của nó: Ngũ Thạch!
Sau đó mấy ngày, vào một buổi sáng, thư viện vừa mở cửa thì sinh viên ùa vào mượn sách rất đông. Theo quy định, để bảo đảm công bằng, ai đến trước, xếp thẻ trước. Tới lượt cầm lên tay tấm thẻ ghi tên Ngũ Thạch, sinh viên hệ mỹ thuật, tôi chợt giật mình, ngồi lặng một lúc. Tôi ngẩng đầu lên, vừa kêu tên, thì cậu ấy đã tiến đến đứng sát bên bàn thủ thư, nhìn tôi, khẽ gật đầu. Đó là một chàng trai độ 23 - 24 tuổi, có thân hình cân đối và gương mặt trắng trẻo, dễ nhìn, nhất là có đôi mắt đen, rất sáng.
- Cậu tên Ngũ Thạch?
- Vâng!
Trả lời xong, cậu nhìn tôi với ánh mắt rất thẳng và rất sâu. Là một phụ nữ gần 30 tuổi đầu, đã một lần kết hôn, rồi đổ vỡ, nhưng tôi cảm thấy bối rối thật sự khi bắt gặp ánh mắt ấy của chàng trai trẻ.
- Tôi đã thấy tranh của cậu tại triển lãm!
- Thế à? - Cậu tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi không giấu được niềm vui, cậu reo lên - Chị thấy đẹp không?
- Đẹp!
- Thích không?
- Thích!
- Thế thì... tôi sẽ tặng chị! Nhất định tôi sẽ tặng chị bức tranh ấy!
Không đợi tôi có ý kiến gì, cậu bỏ đi rất nhanh, mặc cho tấm thẻ mượn sách của cậu còn nằm nguyên trong tay tôi. Nhìn bóng cậu sắp khuất sau dãy tủ thư viện, lòng tôi thoáng gợn chút bâng khuâng...
Qua chuyện trò qua lại giữa các nữ sinh viên đến đọc sách ở thư viện, tôi biết tên Ngũ Thạch được các cô nhắc nhiều lần, nhất là sau khi bức tranh đầy ấn tượng của cậu xuất hiện ở triển lãm. Ngũ Thạch hứa sẽ tặng tôi bức tranh ấy, nhưng do nghĩ rằng đó chẳng qua là sự bồng bột, cao hứng nhất thời của tuổi trẻ, tôi không tin, rồi chẳng để ý tới nữa.
Một hôm, đúng phiên trực, tôi là người ra về cuối cùng. Khi tới đầu cầu thang, tôi thấy một thanh niên đang ngồi ở nấc thang cuối cùng, quay lưng lại phía tôi. Nghe tiếng động, người thanh niên quay mặt lại rất nhanh, và tôi nhận ra ngay Ngũ Thạch.
- Sao cậu chưa về?
- Tôi chờ chị!
- Chờ tôi? - Tôi kinh ngạc la lên - Lâu không?
- Lâu!
- Có việc gì vậy?
- Đem tặng chị bức tranh, như đã hứa!
Nói xong, cậu đưa tay chỉ bức tranh được bọc giấy cẩn thận, đặt sát chân tường. Rồi, không đợi tôi có ý kiến gì, cậu đi tới xách nó lên, giục tôi:
- Nào, ta đi thôi chị!
Nhiệt tình của chàng trai khiến tôi thực sự lo lắng. Tôi vẫn đứng yên ở chân cầu thang, nhìn cậu với ánh mắt phân vân:
- Tôi hỏi thật và cậu phải trả lời thật với tôi nhé!
- Được, chị cứ hỏi tự nhiên.
- Tại sao cậu đem bức tranh này tặng tôi? Nó là một họa phẩm có giá trị, cậu phải giữ nó chứ?
- Không phải chị đã nói, chị rất thích đó sao?
- Phải, tôi rất thích, nhưng không phải vì thế mà tôi nhận nó!
Vậy thì vì lẽ gì? - Cậu hỏi, rồi nhìn bâng quơ ra sân trường, vẻ mặt thoáng buồn. Tôi lên tiếng:
- Vì tôi với cậu đâu phải là... Phải chăng cậu có thói quen tặng tranh của mình một cách thoải mái, bất kể người đó là ai?
- Không phải vậy đâu! - giọng cậu trở nên rắn rỏi - Tôi không hề có thói quen đó!
Tôi càng sốt ruột:
- Vậy tôi phải hiểu như thế nào đây? Cậu nói thật đi chứ!
Chàng trai đưa tay vỗ nhẹ lên mặt sau bức tranh, rồi nhìn tôi với ánh mắt rất thẳng, rất sâu:
- Bộ chị không nhận ra người đàn bà trong bức tranh này chính là chị đó sao?
Nói xong, cậu xách bức tranh băm bổ đi ra cổng trường. Tôi lẽo đẽo theo sau cậu mà ruột gan rối bời. Rõ ràng, tôi có thiện cảm với chàng trai này, nhưng hình thù của mối thiện cảm này là gì và như thế nào, tôi chưa xác định được. Tôi cũng rất ít tiếp xúc với trí thức trẻ như cậu, nên không thể nào đoán biết được cậu ta đang nghĩ gì, muốn gì đối với mình. Nói như vậy cũng chưa ổn. Nếu cậu ta cùng trang lứa với tôi, tôi có thể đoán ra một cách dễ dàng. Đằng này, tôi lớn hơn chàng trai tới 6 - 7 tuổi, gần nửa con giáp, có trẻ trung gì cho cam! Tôi là một con người nhạy cảm. Sau cuộc ly hôn mới đây với người chồng thô bạo, ti tiện, tôi đã bắt đầu cảnh giác với đám đàn ông, bao gồm cả chàng trai khả ái này. Nhưng nghĩ lại, một sinh viên tặng tranh do mình vẽ cho cán bộ nhà trường, nghĩa là cho cấp trên của mình, cũng là chuyện thường tình, có gì ghê gớm lắm đâu! Bị ý nghĩ này thuyết phục, cuối cùng, tôi đã nhận bức tranh và đem nó về nhà, treo ngay trong phòng riêng của mình.
Ngày hôm sau, Ngũ Thạch đến thư viên mượn một tập tranh khổ lớn, dày cộp của các họa sĩ cổ điển, nhưng chỉ sau hai ngày cậu đem trả. Theo quy định, khi nhận lại sách, cán bộ thư viện phải kiểm tra thật kỹ từng trang một. Tôi mở tập tranh ra, ngay ở trang 1 đã thấy bức họa chân dung của mình. Tình tứ và quyến rũ không chê vào đâu được! Tôi trực nhìn lên, lại bắt gặp nụ cười rất tươi và ánh mắt đen long lanh của cậu. Tôi lặng lẽ rứt bức họa ra khỏi tập tranh, rồi bỏ vào ngăn kéo, khóa lại. Khi chàng trai vừa đi khỏi, tôi lấy bức chân dung ra xem lại, và càng xem tôi càng nghĩ ngợi mông lung. Không có ảnh của tôi, cậu ấy chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng, vậy mà sao giống đến thế, tuyệt vời đến thế!? Rồi một hôm, nhân có việc đi qua sân trường, tôi tình cờ gặp Ngũ Thạch. Tôi kêu cậu lại, định năn nỉ cậu đừng vẽ tôi nữa, nhưng không biết mở miệng như thế nào để cậu khỏi buồn. Thấy cậu nhìn tôi với vẻ sốt ruột, tôi buộc lên tiếng:
- Ngũ Thạch! Cậu hãy nói thật với tôi, sắp tới cậu còn bày trò gì nữa đây? Cậu đang theo đuổi tôi, có phải không?
Giọng của tôi nghe xẵng và gắt, và hậu quả tất nhiên là ngay sau đó, cậu cúi gầm, mặt đỏ rựng, hai tay xuôi xị như người có tội. Ân hận về sự quá lời của mình, tôi ứa nước mắt, và biểu hiện này không qua nổi mắt cậu.
- Không, chị đừng khóc - cậu nói nghe nhẹ như hơi thở - Chị khóc, tôi khổ lắm!
- Ngũ Thạch à! - tôi dịu giọng - Tôi rất xúc động trước việc cậu tặng tôi bức tranh mà tôi rất thích. Cậu hãy nhận của tôi lời biết ơn và một lời khuyên chí tình là cậu đừng làm như thế nữa, vì nó sẽ không tốt cho tôi và cả cho cậu!
- Tôi thích một con người, có gì là không tốt?
- Cậu còn trẻ, lại có tài! - Tôi lên tiếng khuyên cậu - Trên đời này và ngay dưới mái trường này có rất nhiều cô gái đang ngày đêm tơ tưởng đến cậu, xem cậu như thần tượng của đời mình, cậu hãy đến với họ. Cậu nên nhớ, có loại tình cảm nâng con người cao lên, đẹp hơn, nhưng cũng có loại tình cảm cần phải loại bỏ, phải xem nó như một tai họa...
- Chị nói gì thế? Chị không tin tôi sao? - giọng cậu trở nên rắn rỏi - Nếu tin, xin chị đến nhà tôi, chị sẽ biết, sẽ hiểu những gì chị cần biết, cần hiểu. Chị có dám đi không?
Thật đột ngột đối với tôi khi phải nghe lời mời này của cậu. Điều gì, cái gì đang đợi tôi ở đó? Lành hay dữ? Đáng vui hay đáng buồn? Tôi nghĩ lung lắm, rồi cuối cùng, nhìn thẳng vào mặt cậu:
- Cậu cho biết, tôi sẽ đến đó vào lúc nào?
- Tám giờ sáng thứ bảy, tôi đợi chị ở cổng trường!
Trên đường về nhà, tôi cảm thấy hối hận trước sự nhận lời dễ dãi của mình. Phải chăng đây là việc đáng làm, nên làm của một phụ nữ gần 30 tuổi? Nghĩ là vậy, nhưng đến sáng thứ bảy, tôi vẫn đến cổng trường, và đúng hẹn, Ngũ Thạch đang chờ tôi ở đó. Để tiện giao tiếp, tôi hỏi nhà cậu có những ai, và trả lời như thế nào với họ về sự xuất hiện của tôi, nhằm tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Cậu cho biết, tôi không phải gặp bất cứ ai, vì bấy lâu nay, cậu đã thuê phòng ở riêng một mình, cách trường không xa lắm!
Không phải tốn nhiều thời gian, tôi đã đến đứng trước phòng thuê của Ngũ Thạch, và hồi hộp đợi cậu mở khóa cửa.
Khi tôi vừa bước vào phòng, thì một cảm giác lạ lẫm, khó tin là sự thật đã đột ngột trào dậy giữa lòng, khiến mắt tôi hoa lên và đôi chân chực khuỵu xuống. Treo kín cả bốn bức tường là hàng chục bức họa chân dung tôi, mỗi bức tuy sắc thái, dáng vẻ khác nhau, nhưng đều là tôi - cái cô Liên này - với tất cả nỗi buồn và niềm khao khát cháy bỏng. Không biết đời sinh viên, tiền của đâu và thời giờ lúc nào mà Thạch làm ra một phòng tranh "độc nhất vô nhị" như thế này giữa nhà mình. Nhìn từng bức họa, lòng tôi xốn xang bao kỷ niệm, dường như tôi đã gặp lại tôi trên từng chặng đường đời, lúc vui lúc buồn, mà buồn là phần nhiều, khi ẩn khi hiện trên khóe mắt, làn môi... Bây giờ đang là mùa đông. Cái lạnh ở ngoài khuôn cửa kia thật chẳng thấm chút nào so với cái lạnh tê tái mà người họa sĩ tài hoa này đã tạo ra trong các họa phẩm với sự xuất hiện của tôi - một nhân vật chính, nói đúng hơn, một nhân vật duy nhất. Suy nghĩ của tôi cứ miên man và cuồn cuộn như dòng sông chảy xiết, không biết dừng lại ở bến bờ nào. Rất may, tiếng nói của Thạch chợt vang lên, kéo tôi trở lại thực tại.
- Liên ơi! Thay mặt tất cả các cô Liên ở đây, tôi xin được chào người đẹp và bày tỏ một nguyện vọng.
- Nguyện vọng gì?
- Được gọi mãi tên Liên, và thay chữ "chị" bằng chữ "cô", mỗi lần tôi gọi Liên. Được không?
Tôi không trả lời mà chỉ nhìn bâng quơ ra ngoài khuôn cửa, rồi mỉm cười. Thực ra, lòng tôi đang xao xuyến khôn tả trước một sự việc không biết vui nhiều hay buồn nhiều, lại xảy ra rất đột ngột. Tôi có thể nói gì với người họa sĩ, với chàng trai khả ái đang xáo trộn cuộc sống bình lặng của tôi - một cuộc sống mà tôi vừa có được qua cuộc trả giá khá đắt. Giá như sự việc này xuất hiện từ 10 năm trước, lúc tôi 19 - 20 tuổi, thì không ai khác, chính tôi là một con người sung sướng nhất, hạnh phúc nhất trần gian!
Đợi Thạch ngồi xuống ghế, tôi nhỏ nhẹ:
- Thời trẻ, ai cũng si mê một con người cụ thể nào đó, mê đến mức quên ăn, quên ngủ, đi đâu và làm gì cũng đều thấy người đó hiện ra trước mắt mình. Nhưng sự si mê kiểu đó lại rất chóng tàn!
- Vì sao vậy?
- Vì nó như ngọn lửa rơm. Cháy dữ dội, nhưng tắt cũng rất nhanh!
- Không, người ta khác, tôi khác - Chàng trai vụt đứng dậy, chỉ tay lên các bức họa - Liên xem, tôi làm ra công trình vô giá này từ cái tâm như ngọn lửa rơm ấy à? Không, nó chính là máu trong tim, là nước mắt, là hơi thở của cả đời tôi đấy!
Chàng trai lại ngồi xuống ghế, uống một hơi hết sạch ly nước, rồi nhìn tôi với ánh mắt rất thẳng, rất sâu.
- Liên ơi!
- Chuyện gì thế?
- Tôi hỏi thật, trong đời mình, Liên đã từng yêu đắm đuối ai chưa?
- Có chứ! - giọng tôi trở nên sôi nổi - Tuổi trẻ mà! Làm sao tránh được!
- Người ấy, người mà được Liên yêu ấy, có biết không?
- Không biết, làm sao tôi lại cho anh ấy biết cơ chứ!
- Vì sao vậy?
Tôi bị bắt bí, đành làm thinh. Chàng trai bồi tiếp:
- Có lẽ anh ấy cũng thích Liên đấy nhỉ?
- Thích hay không cũng không thành vấn đề nữa rồi, vì tôi đã có chồng và vừa trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ...
- Chuyện đổ vỡ ấy, cả trường này ai lại không biết - Chàng trai nói oang oang - Liên dứt được ông ấy là phải lắm, tôi giơ cao cả hai tay đồng tình Liên đây này!
- Thôi đi - trông bộ tịch của chàng trai, có muốn giận cũng không giận được, tôi mỉm cười, rồi hỏi khẽ - Làm sao Thạch biết được những chuyện này? Ai nói?
- Ông ấy là giáo viên thể dục trường mình, một tay võ biền khét tiếng! Tôi còn biết cả chuyện một tháng ông ấy đánh Liên tới hai ba lần! Ông ấy tự khai ra đấy, khai để lấy oai, để hù dọa thiên hạ ấy mà!
Đang nói hung hăng, tự nhiên Thạch dừng lại, nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn:
- Liên ơi! Bị nhiều trận đòn của ông ta như vậy, Liên có đau lắm không?
Nước mắt như dòng suối, chợt trào ra rồi lăn xuống lênh láng trên đôi má tôi. Chàng trai đã động đến nỗi đau, nỗi nhục của tôi kéo dài trong nhiều năm tháng mà tôi đã âm thầm chịu đựng. Bây giờ, qua Thạch, với những họa phẩm chân dung tôi, tôi mới thấy tận cùng sự cô đơn, trống vắng và niềm khắc khoải trông chờ một ngày mai yên ấm, không còn sóng gió, đến với mình!
Lau vội nước mắt, tôi hỏi Thạch:
- Đưa tôi đến nhà là để xem các bức họa này, có phải không?
- Vâng, đúng như vậy! - Chàng trai trả lời dứt khoát.
- Vậy là tôi đã xem rồi, xin phép tôi được ra về!
Đúng là tôi muốn trốn chạy thật nhanh ra khỏi nơi này, ngay lúc này, vì tôi cảm thấy một cái gì như là nguy cơ đã và đang đến thật gần, không phải từ phía chàng họa sĩ đa tình, đa tài, mà từ nơi sâu thẳm nhất của trái tim tôi.
Chàng trai đã ra đứng giữa cửa, dang hai tay thật thẳng. Tôi vụt hỏi:
- Còn cái gì để xem nữa đâu mà giữ tôi lại?
- Còn, còn rất nhiều! - Chàng trai nhìn một lượt các họa phẩm phủ kín bốn bức tường, rồi nói trong hơi thở - Các thứ này tuy không nói ra tiếng, không cất thành lời, nhưng đó là bản tình ca câm lặng mà bấy lâu nay tôi dành cho Liên. Liên không biết đâu, đêm ngày nào, tôi cũng sống với nó, sống vì nó để lấy sức chống chọi với mọi thứ, kể cả cái đói...
Nói tới đó, chàng trai lặng lẽ rời cửa, đi vào phòng, rồi đột ngột quay lại, mở rộng tay ôm tôi, siết thật chặt. Việc không hề nghĩ đến đã đến thật bất ngờ, tôi xây xẩm, choáng váng và cảm thấy bất lực. Tôi dần dần nhận ra từ Thạch hương vị ấm nồng của thể xác đàn ông, hơi thở trinh bạch của người con trai vào tuổi trưởng thành. Nhưng rồi, sức mạnh của lý trí giúp tôi vùng dậy thật nhanh thoát khói vòng tay như hai gọng kìm của chàng trai trẻ. Tôi đang chạy vù ra cửa, thì lẹ hơn, Thạch đã đứng chốt sẵn ở đó, nhào tới ôm tôi vào lòng và đặt lên môi tôi nhưng nụ hôn dài tưởng như không bao giờ dứt. Đây là nụ hôn đúng nghĩa, lần đầu tiên trong đời tôi. Tôi ngất ngây với hạnh phúc mới mẻ, cả người bủn rủn như chực khuỵu xuống. Chàng trai cúi xuống, nâng tôi lên, cảm giác ấm áp, tin cậy như dòng điện mơn man lan tỏa khắp người. Sau đó tôi gạt nhẹ tay Thạch, nói khẽ:
- Thạch có biết làm như vậy là liều lắm không?
- Biết!
- Biết sao còn làm?
- Vì Thạch yêu Liên lắm! Yêu không biết để đâu cho hết!
Sực nhớ đã quá giờ hẹn với người bạn cùng trường, tôi đến đứng trước tấm gương treo trên tường, rồi lấy lược chải lại mái tóc. Nhìn kỹ dung nhan, tuy tôi còn giữ được sắc đẹp trời cho, nhưng hai bên má không còn mịn màng, hồng hào như ngày nào, nhất là ở dưới cổ đã bắt đầu hiện lờ mờ những nếp nhăn. Thấy chàng trai xuất hiện trong tấm gương, với khuôn mặt bầu bĩnh. đôi mắt đen lóng lánh, tôi quay đầu lại, thở dài:
- Tôi già rồi, xấu rồi, liệu có yêu tôi suốt đời không, Thạch?
- Suốt đời - Chàng trai sôi nổi hẳn lên - Trên thế gian dù đốt đuốc đi tìm cũng không tìm ra ai đẹp hơn Liên đâu! Liên đẹp cả người, cả nết. Liên là sen, là loài hoa tinh khiết và sang trọng nhất!
- Đừng khen tôi quá lời! Trèo cao thì té nặng! - Tôi do dự một chút, rồi lên tiếng - Thạch đẹp trai, đa tài, sao không đến với các tiểu thư sắc nước hương trời mà đeo đuổi bà già này làm gì cho cực?
- Tôi yêu Liên chớ không phải yêu tuổi của Liên! Mà đã yêu, thì yêu từng nếp nhăn, yêu từng làn da bị năm tháng bào mòn - Chàng trai vỗ nhẹ lên vai tôi mấy cái, rồi nở một nụ cười thật tươi - Liên có nghĩ như tôi vậy không?
- Không, tôi nghĩ có khác Thạch đấy!
- Khác chỗ nào?
- Tôi thích tuổi trẻ của Thạch, thích đôi mắt thông minh, bàn tay vàng của Thạch, chỉ có một cái là không thích thôi!
- Cái gì?
- Cái liều mạng! Liều vẽ, liều tỏ tình!
Dường như xem đây là phần thưởng không dễ gì có đối với minh, chàng trai há hốc mồm cười sằng sặc, rồi lại vòng tay ôm tôi, vừa siết thật chặt, vừa nói oang oang:
- Tôi cứ liều, tôi cứ liều như thế này với Liên suốt đời! Chịu không?
... Chẳng bao lâu, kỳ thi tốt nghiệp hệ mỹ thuật đã kết thúc. Ngũ Thạch chạy đến thư viện báo tin mừng cho tôi là chàng đậu hạng ưu, đặc biệt bức hoạ chân dung tôi mang tên là “Mùa đông” được xếp vào loài “Họa phẩm xuất sắc nhất” sẽ đặt ở một vị trí trang trọng trong triển lãm tranh của nhà trường sắp tới. Chàng trai còn cho tôi biết thêm bức họa “Mùa đông” đã gây sóng gió không ít trong cuộc tranh luận của tập thể hội đồng chấm thi. Tuy chẳng có vai vế, quyền hạn gì trong hội đồng này, nhưng chồng cũ của tôi là người phản đối gay gắt nhất. Tôi hiểu tính khí của ông ta, nên không lạ. Cái đáng lạ là khi vô tình nhìn lên khuôn mặt của Thạch, tôi phát hiện một vết bầm trên trán, ngay ở vị trí mà tôi từng hứng chịu sau mỗi trận đòn vũ phu của người chồng cũ. Gặn hỏi mãi, chàng trai mới khai cho tôi biết là do ghen tức, không cam chịu thất bại trước người khác, ông ta đã kiếm chuyện vu vơ rồi nện một cú “nốc ao” ngay giữa trán của Thạch.
Hôm khai trương cuộc triển lãm, dù đứng ở xa, tôi vẫn thấy rõ hoạ phẩm “Mùa đông” của Ngũ Thạch đang treo ở vị trí đặc biệt. Người nào đến xem cũng đều trầm trồ khen ngợi tài năng trời cho của người hoạ sĩ trẻ, đặc biệt khen vẻ đẹp của người đàn bà trong tranh. Cô nhân viên thư viện của tôi cũng bất ngờ xuất hiện, rồi lẫn rất nhanh trong dòng người đang dồn lên phía trước để xem cho rõ họa phẩm này của Ngũ Thạch.
Bất chợt, tôi nghe vang lên tiếng của một người, rồi sau đó là của nhiều người cùng rộ lên giữa đám đông “Con Liên thư viện nhà mình đấy!”, “Đúng! Người đàn bà trong tranh là con Liên thư viện nhà mình, không lẫn vào đâu được!?”.
Một cảm giác sung sướng xen lẫn với thẹn thùng bùng dậy mãnh liệt khiến đôi má tôi nóng ran như bị lửa đốt. Quan sát không thấy ai để ý, tôi vội lấy khăn che mặt, rồi chạy như bay ra khỏi khu triển lãm.
29/6/2005 
Đào Lâm
Hoài Vũ dịch
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...