Đào Bá Đoàn,
người đi bỏ mặc nhân gian
Tôi đã viết nhiều về anh, nhưng phần lớn ẩn trong các sáng tác. Là những mảnh vụn
nhỏ li ti nhưng luôn lấp lánh, ám ảnh và dằn vặt trong các truyện ngắn, tiểu
thuyết, thậm chí chỉ là những bút ký về chân dung ai đó, vấn đề gì đó, thậm chí
cả những liệt sĩ mới hy sinh hoặc đã khuất núi từ tám hoánh thì vẫn
luôn thập thò cái con người tưởng như đã bỏ mặc nhân gian này.
Biết nhau khá lâu, thoạt tiên là cùng học bốn năm của Khóa 6
trường Viết văn Nguyễn Du nhưng thời gian đầu thú thực tôi không hào hứng với
anh và văn chương của anh. Văn thì rõ là do tôi không đọc. Khi ấy tôi lười nhác
thậm chí có phần tinh tướng với các sáng tác trang lứa, một ấu trĩ hạng bét may
mà đã nhận ra ngay. Thực ra kể cả những dở hơi của bè bạn trong sáng tác cũng rất
cần học tập.
Sau này thì khác, do vị trí địa lý và tâm tính cộng với những
gì mà người đời gọi là có duyên với nhau, nhưng theo tôi, một nguyên nhân sâu
xa và căn bản, đó là tôi đã nhận ra chân tài thực học của anh, không riêng ở những
sáng tác (khá dày dặn nhưng luôn khó in ấn), mà là những ứng xử đời sống, những
hành vi sâu sắc (nhưng người đời lại cho là dị thường dị mọ) mà tôi đã phải sững
sờ trước một cá tính, trước một con người hết lòng vì văn chương.
Tranh luận về văn chương học thuật một cách thẳng thắn và đến
cùng với anh may ra chỉ có độ chục người, trong đó không chắc đã có tôi mặc dù
không ít lúc tôi đã lợi dụng văn chương để truy bức anh một cách cực đoan, khiến
đôi bên giận dỗi nhau. Nhưng tôi còn truy bức anh trong đời sống, những trịch
thượng, những áp đặt vô lý và có lúc là tai ngược cũng chẳng biết để làm gì. Thời
gian đã khiến chúng tôi dần dần trở lên điềm đạm (hay mỏi mệt hoặc khôn ngoan
hơn cũng không biết nữa), nhưng rõ ràng là, theo thời gian, văn chương của
chúng tôi đã chín chắn và dường như có gặt hái hơn.
Anh đã in một vài tiểu thuyết khá ấn tượng nhưng người đời hầu
như không biết đến. Lý do ư? Khi không phải là chúng ta toàn được nhồi nhét và
ưa thích những thứ trung tính, trung bình, chung chung, nói một chiều theo một
hướng thì những gì khác nhưng kín, ẩn sâu, mới nhưng không dễ nhận là những thứ
mà bạn đọc tinh tường chứ đừng nói đến bạn đọc phổ thông cũng rất dễ bỏ qua.
Tôi đã từng biên tập và in ấn một tập truyện ngắn của anh cái
dạo anh tham gia cùng tôi gây dựng nhà sách Như Quỳnh. Nhà sách tý nữa thì đi
vào ngõ cụt, và hoàn toàn có thể phá sản một mặt do yếu kém của việc lựa chọn
những người làm công tác quản lý một mặt do những hồn nhiên bồng bột của những
người chủ trì chỉ ưa thích văn chương. Chúng tôi đã làm những bộ sách phải nói
là rất đáng tự hào nhưng hiệu quả kinh tế thấp như: Bộ tiểu thuyết 4 tập có kèm
theo biếu không một phụ bản in những bài dư luận về nó mang tên Bão táp
triều Trần; tiểu thuyết 900 trang khổ lớn bìa cứng mang một cái tên rất gợi Di
chúc hoa Ti Gôn… các tập sách về liệt sĩ, chân dung văn học, và đặc biệt hứng
khởi khi làm vài chục đầu sách cho bè bạn, thậm chí chả thân quen gì lắm để đến
khi thấy rằng mình đã đứng trước bờ vực với áp lực trên 2 tỷ đồng tiền sách
không bán được nằm trong kho mới ngơ ngác nhìn nhau.
Nhưng do thói quen của những người coi văn chương và bè bạn
trên hết cho nên chúng tôi chỉ còn một thái độ duy nhất là mặc kệ.
Đó là thái độ của anh.
Nhưng tôi, sau những suy nghĩ tiêu cực, tôi nhận ngay ra một
điều rằng muốn sống muốn tốt thì phải cứu lấy ngay cái nhà sách mà mình đầu têu
gây dựng và xui khiến một số đàn anh, bạn hữu thậm chí cả những bậc thầy vào việc.
Bằng những mối quan hệ của mình, bằng mẫn cảm và lòng tự trọng cao độ khi bẻ
ghi, chuyển lái, cộng với may mắn và dường như có một đấng cao xanh nào đó luôn
phù trợ tôi trong bước đường gian nan của mình, nhà sách dần dần lùi xa được
cái bờ vực do chính chủ nhân có thừa lòng nhiệt tình nhưng không am tường kinh
tế bày đặt ra. Câu nói của anh khi ấy là: Mình đã bày ra rồi, nếu dọn được thì
dọn không thì cứ để mặc kệ muốn ra sao thì ra. Rốt cuộc, đám cháy do tôi gây
lên cũng đã cơ bản được dập tắt.
Chuyện ấy thực ra cũng chẳng có gì đáng nói nhưng cái ràng buộc
ở đây là nhân cách và thái độ của người cầm bút qua những biến động bất lợi nó
như thế nào. Khi giao cho anh biên tập tiểu thuyết Di chúc hoa Ti Gôn dày
ngót 1000 trang, lại là của một tác giả mới toanh, dù chữ nghĩa và sự từng trải
của ông phải là nói lịch duyệt trong khi anh đang phải thuê nhà, một phòng trọ
tồi tàn ọp ẹp, một mức lương thảm hại của một nhà xuất bản bao cấp, bản thân đã
40 tuổi nhưng không vợ không con cộng với những sức ép vô hình hoặc hữu hình
khác thì việc dốc sức cho tập bản thảo này là vô cùng khó khăn.
Nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc công việc mà chúng tôi hầu
như không trả được đồng biên tập nào, chỉ là những bữa rượu tồi tàn uống như giết
chính mình để cũng lại để bàn về văn chương nghệ thuật. Trong những lúc hăng
nghề như thế, tôi còn nảy nòi ra cái ý định in toàn bộ các tác phẩm của anh.
Tôi tuyên bố như một tên cuồng rằng: Tất cả các tác phẩm của ông, tôi sẽ in sạch.
Anh mỉm cười, rồi cái đầu bù xù rũ xuống. Không phải anh không tin lời bè bạn,
nhất là lại là những tuyên bố của tôi nhưng anh cũng hiểu văn chương không bao
gồm sự ồ ạt như thế. Tôi bèn đổi sang hãy tạm thời in một tập truyện ngắn đã. Tập
truyện sẽ do chính anh tùy ý lựa chọn, muốn bao nhiêu truyện thì tùy, không ấn
định số trang, không ấn định quan điểm hay bất cứ điều kiện gì khác. Nghĩa là
anh tự do thoải mái, điều mà anh rất thích, điều mà các nhà xuất bản rất ngại.
Sau những xục xịch của việc xuất bản một tập sách thì tập
truyện ngắn Rượu của thời chưa sinh cũng ra mắt độc giả. Chúng tôi
cũng có một số thương lượng nhỏ với nhà xuất bản để đảm bảo tính pháp lý cho tập
sách. Đến cái bìa tôi cũng mặc để anh tự do vì họa sĩ làm bìa cho chúng tôi
cũng là một người bạn. Anh vốn ưa thích màu đen nên cuốn sách đương nhiên đen đặc
từ bìa 1 đến bìa 4. Anh vốn ưa thích rượu (chẳng thế mà tên sách đã dính đến rượu
đấy thôi) thì chình ình một chai rượu đã được gã họa sĩ dựng nghiêng vào góc
bìa chập chờn ẩn hiện như đôi mắt lúc nào cũng hân hoan của anh khi nhìn thấy
Lưu Linh. Điều này nữa cũng phải nói thật ra chứ, anh ưa thích đàn bà, càng loại ác
chiến càng tốt nên cũng trong cái vùng đen đặc chỉ he hé chút ánh sáng thì
đó lại là phần ngực của một ả đàn bà thoáng nhìn đã biết là tứ chiếng.
Nhưng cái bìa thì có nói lên điều gì. Cái quan trọng là bên trong nó, gần 300
trang sách nó là cái gì mới đáng kể. Với 20 truyện ngắn mà chỉ nghe tên đã thấy
có điều gì đó không bình thường: Nàng ơi…; Im lặng; Hiện tại; Con gián;
Hãy bỏ đi…; Kiếm tiền; Người đi bỏ mặc nhân gian; Choáng…; Mộng du; Đoàn tàu
xanh; Rượu của thời chưa sinh; Tôi…; Một buổi sáng không có tiếng gà; Kẻ mất
bóng; “Chỉ để bay qua một bình minh!”; Gục đóa trà my; Một giờ trong công
sở; Không nở hoa hồng; Một cơn ám thị; Bà quản lý - ông học đường đã
cho thấy thế giới quan lạ lẫm của anh, một nẻo vào văn học khác người, một ý thức
văn chương nghiêm chỉnh nhưng tại làm sao mà người đời không đằm thắm lại là một
câu chuyện khác. Những truyện ngắn này, từ trước đó anh đã cho in rải rác trên
trang web Văn
chương việt do Nguyễn Hòa vcv, một người nổi tiếng kỹ tính và cả khó
tính với văn chương chủ trì. Người ta đọc thế nào, hồi âm thế nào tôi không biết
nhưng chỉ bằng vào những cảm nhận và đánh giá bằng văn bản của tác giả Phạm Lưu
Vũ, một con người cực kỳ thông minh sắc sảo và có phần quỷ quái khi thẩm định
văn chương chỉ biết đến chữ tâm chữ tài còn thì mặc kệ những phán xét của cây
đa cây đề đã gần như truyện ngắn nào của anh xuất hiện nơi đây Phạm Lưu Vũ đều
viết lời bình phẩm. ở các truyện ngắn của anh, văn chương luôn được đặt lên
hàng đầu, tiếp đó mới đến phần của nội dung và hình thức thể hiện. Văn anh là
thứ văn của không gian ba chiều với những hình ảnh tương hỗ với nhau một cách
liên hoàn đã làm thỏa mãn cả những người đọc khó tính nhất. Nó thế hiện nội lực
sâu đậm của ngòi bút từng trải nhưng không phô diễn, hiểu rộng biết nhiều nhưng
không khoe khoang. Nó luôn gây thích thú và sa xót cho người đọc.
Cách tổ chức câu văn của Đào Bá Đoàn nhiều lúc khá ngẫu hứng
dường như bất chấp cả ngữ pháp nhưng đặt trong văn cảnh của câu chuyện được mô
tả lại thấy ổn thỏa và thấy thêm sự sáng tạo trong ngôn ngữ là vô biên và sẽ dẫn
đến thành công cho nhà văn khi anh đi đến cùng của sự sáng tạo:
... Có phải em mơ không khi trong vòng tay em là anh với một
mùi đàn ông rạo rực em bàng hoàng trong giây lát rồi siết chặt lấy anh không muốn
rời nữa cảm giác nhói đau ở nơi đó lại ập đến mỗi lúc một rộ hơn và vòng tay
anh quàng xuống dưới em cũng riết chặt đôi môi anh áp vào đôi môi em rồi quấn
riết như tìm như đòi như cơn khát uống trong cơn mê cuồng rồ dại em mê đi lả đi
đầu óc trống hoác với cảm hứng và cơn khát dâng cao em chới với hoang hoải sục
tìm một mê muội vội vàng tham lam bứt dứt có tiếng thở sôi động dần một hoang
vu chạy trốn em thích chí cất một tiếng kêu than loài kiếp cảm giác như bị đánh
lại được vuốt ve êm dịu vô ảnh vô ảnh những xứ sở không tên em tin rằng có chuyện
thần tiên em tin mình vừa mới hồi sinh trẻ trung và mãnh liệt như cuộc chạy
ma-ra-tông vừa mới cán đích chồm tới vinh quang một phát hiện điên cuồng khoái
ngất như cái chết nào đó của ảo mộng của miền giả tưởng hoặc vọng tưởng của đam
mê bột phát em quay cuồng và gào thét ngất lịm em tan ra trong anh niềm mê sảng
chôn vùi thời gian và phá vỡ cái khung không gian phi lý em phát hiện những điều
mới mẻ mà em lầm tưởng mình đã từng đầy đủ đến mức chán phè em lên cơn điên huyền
ảo rồi lũ nước lũ ào tung một tuôn chảy vô cùng... (Rượu của thời chưa
sinh).
Văn xuôi của chúng ta kể từ cái mốc sau đổi mới (1986) về cơ
bản đã có những tìm tòi thể hiện nhưng thực sự đổi mới về thi pháp thì còn khá
tự phát và từ đó chưa có được thành tựu nào nổi trội. Với hai tiểu thuyết Những
mảnh vỡ và Đường không hết lối đã hoàn thiện và ra mắt độc giả
cùng vài chục truyện ngắn trong tập Rượu của thời chưa sinh cùng một
số truyện ngắn in rải rác trên các tạp chí, báo chí trong và ngoài nước, các
trang báo mạng đã cho thấy rõ ràng một lỗ lực cách tân về thi pháp của Đào Bá
Đoàn trong từng đoạn văn, truyện ngắn, tiểu thuyết.
Văn chương Đào Bá Đoàn rõ ràng đã bứt phá về mặt hình thức vượt
lên những người đồng thời với anh nhưng không vì thế mà nó gây được sự chú ý lập
tức của giới phê bình, những người sáng tác trong giới. Tôi không trả lời được
câu hỏi này. Văn chương ở chúng ta có những lúc rất kỳ cục và những gì lấp lánh
thực sự, đáng ghi nhận thực sự lại thường rơi vào im lặng còn những thứ la
làng, rỗng tuếch, dị hợm lại dường như được tung hô.
Nhưng thực ra tôi gắn với anh nhiều nhất, thuộc nhất, bộc lộ
đến đáy nhất lại là ở trong đời sống thường nhật.
Điều đó cũng khá lạ lùng. Khác cơ quan, khác nhiều thứ như
gia đình, sở thích, tính nết, quan điểm, bè bạn… nhưng cũng chẳng hiểu bằng lý
do nào lại cứ luôn dính dấp đến nhau, vào nhau, có những lúc cứ như những kẻ đồng
tính. Một cuộc chơi thường kéo dài có khi đến cả tuần, lê la, lang bang vùng đất
này sang vùng đất khác. Có khi hứng chí bắt xe, nhảy tàu vào tận Tây Nguyên, đi
biên giới nằm nghe mang tác chán lại xuống suối bắt cá rồi thì đêm đi săn ngày
uống rượu mãi cũng nhảm thì xuôi xuống Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ áo dây áo mảnh
tùm lum văn nghệ cũng chán bắt xe ôm ra bến tàu cưỡi tàu cánh ngầm xuống Vũng
Tàu leo lên xe của nghệ sĩ Đỗ Mão lượn mấy vòng bán đảo nhao xuống biển bơi mấy
hôm ngắm Tây ta nồng nỗng rồi thì nào có bớt được cô đơn cô độc cho cam dẫn đến
ông chẳng bà chuộc dằn dỗi bỏ vé máy bay bắt xe định chia loan rẽ thúy rồi thì
xé vé xe nâng chén rượu làm lành thảy là đã biết bao lần.
Anh đã có những ứng xử tinh tế, thậm chí tài tình với những
người chiến sĩ nơi biên giới. Khi ấy trong đêm rừng mưa rét thời khắc cuối năm,
những người lính chụm vào nhau bên gộc củi cháy hồng. Những câu chuyện cuộc đời
được đem ra rí rách bên những ché rượu thơm nồng. Nước mắt đàn ông rơi lèo xèo
xuống tàn lửa bỏng. Họ kể về một đồng đội của họ, một gã đàn ông ưa thích săn bắn
đã bị rừng thẳm báo thù bằng cách tước đi toàn bộ phần làm giống làm má của con
người. Bi kịch từ đó cứ liên tiếp giáng xuống con người táo tợn ấy. Mất việc
làm, mất nhà cửa, mất những người thân yêu nhất và cuối cùng là mất niềm tin và
cuộc sống này. Tôi không tham gia vào câu chuyện chỉ nằm im nhìn ra phía ngoài
trời đang ngày càng đen đặc và gió vùng biên ải thổi dồn mỗi lúc gào rú đập
thình thình trên những mái tôn rách nát. Những người lính ở đây luôn ít nói.
Nhiều người đã lớn tuổi nhưng chưa có gia đình riêng và hoàn toàn có thể khó thực
hiện điều ấy vì những lý do khách quan và chủ quan và cơ bản nhất là do chính họ.
Họ dần dần như rời khỏi những ồn ào náo nhiệt, tranh giành vồ vập sống còn của
cuộc sống. Anh ngồi im, lúc này sao tôi thấy anh giống họ quá, như lẫn vào
nhau, lẫn vào sương khói nơi biên giới hoang vu. Đêm dần tàn. Tôi thiếp đi lúc
nào không biết. Khi cặp mắt cay xè líp nhíp mở ra vẫn thấy bóng những con người
in sững trên vách gỗ. Họ đã thì thầm trò chuyện với nhau suốt đêm. Về nỗi cô
đơn tiền tiếp của con người? Về một tương lai, một chân trời mới? Chỉ biết rằng
trong suốt hành trình dọc tuyến biên giới những ngày đông giáp tết ấy, những
người lính như bị anh hấp dẫn và chính họ hấp dẫn lại anh đến mức có lúc tôi
như phát ghen lên.
Như mọi chuyến đi, cuối cùng chúng tôi cũng phải trở về nhà.
Nhưng anh sẽ trở về đâu trong thành phố hỗn độn mênh mông?
Tôi thấy anh lần chần, nấn ná, tuồng như không muốn trở về nữa.
Tôi bàng hoàng. Con người khi không còn muốn trở về nơi ra đi của mình, cho dù
chỉ là một chuyến đi, cho dù nơi trở về cũng chỉ là một điểm thuê mướn bọt bèo
thì cũng là một điều khủng khiếp. Gánh nặng cô đơn và cao hơn thế, sự cô độc
lúc nào cũng như săn tìm truy bức anh. Trong các sáng tác của mình, điều đó
luôn hiện lên lồ lộ. Anh bộc lộ cái tôi rất quyết liệt nhưng luôn theo cách
riêng của mình và không lẫn với ai.
Trong các cuộc đi, cuộc chúng tôi bị kẹt ở một ngôi đình cổ
trong một trận lụt khiến tôi bắt đầu rộn lên những thắc mắc về tính bí ẩn và kỳ
quái của anh. Chúng tôi đốt những bó rơm còn sót lại trên sàn căn phòng nơi mé
sau của đình. Cô gái cao lêu đêu như một cây sào và anh đã bằng một tài vặt tóm
được những chú cá mê mải giỡn nước ngao du trên sân đình quăng vào đám lửa. Tôi
và một anh bạn Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ địa phương mải trao đổi với cụ thủ
từ về những đặc điểm của chùa vùng châu thổ. Cơn chuyện đang xoắn bện thì phát
hiện ra đôi kia đã dắt nhau đi đâu mất và mùi cá chín thơm lừng ở ngay bên cạnh.
Trên tàu lá chuối rách tướp nham nhở do bão đánh, hai con cá quả chín vàng cùng
một nắm muối và nậm rượu như hiện từ dưới đất lên. Quà hối lộ của lũ kia đấy.
Chúng tôi sà vào và bắt đầu nhâm nhi trong bóng tối chạng vạng bốn bề đổ xuống.
Nhìn từ ngoài, chỉ thấy hơi nước bốc lên và mùi cá nướng thơm lừng. Nếu ai chỉ
nhìn lướt sẽ tưởng như một ban thờ mấy ông tượng động đậy trong nghi ngút khói
hương.
Nhưng đôi kia dắt nhau đi về đâu? Một gã nhà văn tính nết ẩm
ương và một cô gái quê chất phác hiền lành cả đời không bước chân khỏi phố huyện
dắt nhau đi trong một đêm nước vây tứ phía thì chuyện gì sẽ xảy ra. Tính gã này
lại rất ưa thích đàn bà con gái. Đây lại là chốn thanh bình của vùng quê cổ vẫn
sót lại tàn dư phong kiến. Tôi và anh Tổng biên tập thấy khó xử quá. Chỉ cụ thủ
từ cứ ngồi im lặng, mắt dõi ra phía ngoài hồ nơi nước dâng ngập cả sân đình
bình thản như chẳng có chuyện gì. Đứa cháu cụ, kẻ mồ côi từ tấm bé ấy được cụ
giáo dưỡng không bằng những nề thói hà khắc mà luôn được bồi đắp bằng sự khai
tâm, dưỡng thiện ở đời. Chúng tôi chưa đạt được sự tĩnh lòng như cụ và cái gã
trời đánh kia thì cũng đã rời khỏi đây rồi. Chúng có cuộc đời của chúng. Chúng
có niềm tin và trách nhiệm với cuộc đời. Chúng tôi cứ ngồi thế cho đến sáng.
Rồi thì cũng chả cháy nhà chết người gì.
Buổi sáng, gã trời đánh và cô gái tươi mởn bên nhau trở về
căn nhà nhỏ của anh Tổng biên tập. Thấy bọn chúng có vẻ thách thức cả trời đất
như thế chúng tôi bèn xách xe máy lẻn đi, nhằm nơi phố huyện, nhằm nơi ồn ào nhất
mà tiến đến mặc kệ đôi mình trong căn nhà nhỏ với những xử lý sinh hoạt tùy
thích. Gã vốn thích tự do thì đây coi như một món quà mà con người mạn phép
thay mặt tạo hóa dâng tặng chúng.
Rồi công cuộc mưu sinh kéo chúng tôi đi.
Một tháng, rồi hai tháng, không thấy gã nhắc gì về cô gái nơi
thôn mạc kia nữa. Một cuộc tình chớp nhoáng? Một bông hoa bất chợt dọc đường
hay muốn cho nhau một bất ngờ, một niềm vui có tính toán? Chịu. Với gã này, tất
cả phỏng đoán chỉ là thừa. Và tôi, tôi cũng chẳng tội gì đi sâu vào đời riêng của
gã.
Bây giờ, đã gần mười năm tôi cũng chưa hỏi gã cái việc đêm
hôm ấy. Tại sao chúng ta phải thóc mách vào những riêng tư của nhau trong khi
cuộc sống còn có nhiều hấp dẫn, vật lộn để sinh tồn.
Anh là người rất nghiêm túc với văn chương. Với cuộc đời Đào
Bá Đoàn xề xòa dễ dãi bao nhiêu thì văn chương anh khe khắt bấy nhiêu. Anh em
sáng tác trẻ rất thích được anh đọc các sáng tác mới của mình khi còn ở dạng bản
thảo, kể cả một số đã khá thành danh trên văn đàn. Anh đọc nghiêm túc và luôn
phát biểu chân thành. Do có một nền triết học khá vững nên Đào Bá Đoàn luôn
nhìn tác phẩm dưới lăng kính triết học và mĩ học. Có khắt khe đấy, đớn đau đấy,
thậm trí có thể gây buồn phiền, đứt gãy mạch cảm xúc của người viết nhưng anh
luôn thẳng thắn và chúng tôi cảm phục về điều đó. Hay ho gì khi cứ khen chê
nhau một cách chung chung, nhợt nhạt, đàng điếm và xu thời lố bịch để hậu quả
cuối cùng làm tổn hại văn học. Nhưng anh thường không mấy khi nhận lời vì biết
chúng tôi cũng là loại háo danh nhiều khi chỉ ưa thích bợ đỡ, muốn được bơm thổi
một cách phù phiếm. Không phải ai cũng trở thành chính nhân quân tử được, đặc
biệt trong giới văn đàn vốn không hiểu sao luôn giả nhiều hơn thật, dở nhiều
hơn hay, thực ra là lợi dụng văn chương để mưu cầu những lợi ích khác.
Với cá tính của mình, anh cứ luôn lảng xa chốn ồn ào của văn
chương mà lặng lẽ rút mình vào những thiệt thòi. Giới cầm bút cũng rất nhiều hạng
nhưng những người thiệt thòi và tài danh thực sự luôn tìm đến nhau. Không phải
là những động viên suông mà là cảm hiểu bằng tâm thức của người đồng cảnh ngộ.
Tôi nhớ một cuộc anh phỏng vấn nhà thơ Dương Tường và thấy ngay điều đó. Cuộc
phỏng vấn rất ít chữ, đôi lúc tưởng như hai người hỏi nhau rất bâng quơ về những
việc đẩu đâu nhưng khi thể hiện bằng văn bản thì bài viết ấy đã đạt được một độ
sâu đáng thán phục của thể loại. Thực ra họ trò chuyện với nhau bằng im lặng và
chỉ có thể trong im lặng, ngôn ngữ của họ mới bộc lộ hết được vẻ đẹp của nó.
Nhiều lúc tôi cũng ngạc nhiên về cái sự im lặng lâu bền của
anh trong giới và trong cuộc sống. Có những điều chúng ta không thể hiểu nổi
như việc không ít tài năng khi chết đi mới được công nhận, thậm chí là sau hàng
trăm năm còn bị nguyền rủa trước khi những đóng góp nghệ thuật của họ được vinh
danh. Tôi không dám hồ đồ hô hoán anh là một tài năng nhưng những đóng góp bằng
các sáng tác của anh luôn khiến cho tôi phải ngẫm ngợi. Tại sao các tác phẩm
trung bình, thậm chí non yếu khác cứ luôn được tung hô và nhận các giải thưởng
để rồi sau đó rơi và sự im lặng, thậm trí xấu hổ khi nhắc đến. Tại sao nhiều
người ngoài cái tên trống rỗng ra thì chỉ là một con số không lại luôn tô son
chát phấn, comlê càvạt di động từ diễn đàn này sang diễn đàn khác giao giảng
văn chương khắp thiên hạ mà chúng ta, ai cũng biết điều đó là lố bịch nhưng cứ
để mặc kệ điều đó diễn ra. Điều này chúng ta ai cũng biết nhưng lại luôn luôn lảng
tránh câu trả lời.
Trong một sáng tác của anh, có một người hấp hối không ai cứu.
Họ sợ người nọ chết trên địa phận của mình nên đùn đẩy nhau, người này dưa người
kia, cuối cùng người ta quyết định thuê một anh kéo xe bò chở người hấp hối đến
một trạm xá hẻo lánh vùng giáp ranh. Chiếc xe bò chở người hấp hối lọc cọc đi
trong đêm, suốt đêm, hết nơi này nơi khác mà chả đâu nhận. Nơi nào cũng có lý lẽ
riêng để không nhận. Họ còn đòi đánh người kéo xe và thủ tiêu người hấp hối
trên xe. Cùng quẫn, không đường về, không đường đến, người kéo xe và người hấp
hối ôm nhau khóc, nước mắt đỏ như máu nhỏ sang nhau. Trong suốt chặng đường gập
ghềnh gian khó cái đêm ấy, anh kéo xe tâm sự với bạn mình, là người hấp hối kia
rằng, anh ơi, tôi mệt quá rồi, ước sao tôi được như anh, cứ hấp hối chết dần thế
lại hay, ước gì tôi được chết, được hấp hối cho dù chả ai kéo tôi đi đâu cả. Mà
kéo tôi thì ích gì. Thôi, để tôi kéo anh ra sông. Chúng ta cùng chết. Dù sao
thì chết ở sông cũng mát mẻ hơn, đỡ tù túng hơn. Không ai vớt tôi với anh lên
đâu. Chúng ta trôi dạt nay đây mai đó ở cõi đời này, trên dòng sông này. Khi đã
chết rồi chả ai mắng mỏ, tị nạnh, ghét bỏ chúng ta. Ô hay, chính cái chết là tự
do, không còn phiền toái gì nữa. Tôi và anh cùng chết. Tôi đã muốn kết thúc cuộc
đời mình, anh bạn ạ. Cứ thế hai con người lạc lõng tâm sự với nhau trong im lặng.
Một điểm mạnh của Đào Bá Đoàn là luôn để nhân vật của mình tự sự trong im lặng.
Anh có biệt tài (sáng tạo hay tối tác?) là để cho các nhân vật luôn độc thoại
và những độc thoại ấy thường không liên quan gì đến nhau. Trong câu chuyện,
cách kể chuyện như thế tưởng chừng rất rời rạc nhưng nó chỉ rời rạc với những
người non tay, còn với anh lại khác. Tôi đã thấy rằng, trong các truyện ngắn mà
anh viết, hễ các nhân vật, các tình thế trong câu chuyện mà cảm thông hoặc liên
kết được với nhau y như rằng câu chuyện kết thúc hoặc nếu không thì là một câu
chuyện hết sức dở. Đúng là sáng tác mỗi người mỗi khác và chính cái dị biệt đã
làm lên thành công trong những sáng tác của anh. Nhưng cũng phải nói rằng, trước
hết, trên hết là cái giọng văn của anh. Không giống ai đã đành. Mới mẻ kỹ lưỡng
đã đành nhưng phải nói thẳng ra là, đó là một thứ văn chờn vờn ma mị, được ẩn
giấu dưới vẻ bề ngoài lam lũ, xộc xệch như một ông hoàng khoác áo hành khất. Viết
đến đây, tôi chợt thấy văn chương của anh phảng phất hơi hướng thi sĩ Bùi
Giáng. Cũng rất triết học. Cũng rất hiện sinh. Tưởng lánh đời nhưng hết sức nhập
thế. Tưởng luyênh loang diệu vợi nhưng luôn cô đúc đằm đẵm chất người. Sống với
anh thời gian dài, nhân đây tôi cũng xin nói ra, về đời sống và cá tính anh khá
giống trung niên thi sĩ. Cũng luôn có những cơn điên điên
chập chập như thế. Một lần, sau khi uống liên miên cùng với nhiều tốp văn nghệ
sĩ ở nhà tôi bỗng anh đi đâu mất. Mọi người mặc kệ vì cũng đã quen như thế. Anh
thường đi bất đồ và chúng tôi cứ việc câu chuyện văn nghệ trên trời dưới bể
quanh chiếu nhậu đến nửa đêm thể nào đói bụng anh cũng trở về. Tôi chỉ việc để
cửa và để ra đấy một rổ rau bên nồi cháo cùng bình nước lạnh là ngài ưng ý lắm.
Thế mà đến tảng sáng vẫn không thấy chó hàng xóm cắn như mọi lần, chỉ tiếng gà
thanh thản, nhu nhơ báo sáng. Đang lơ mơ nửa thức nửa ngủ thì có tiếng chuông
điện thoại reo. Chẳng khó khăn gì tôi đã nhận diện ngay được sự việc. Tôi xách
xe máy đi ra chân cầu sông Lăng, bên bốt điện, cám ơn mấy tay bảo vệ tuần đêm rồi
đánh thức anh dậy, đưa anh về. Vừa thay bộ đồ ướt sũng bèo tấm bèo cái quấn đầy
vừa không hết ngạc nhiên và cả kinh hãi khi mấy tay bảo vệ cho biết suốt đêm
qua anh cứ bơi từ bên này sông sang bên kia sông đến tảng sáng mới leo lên chân
cầu thiếp giấc. Mới đầu họ tưởng có con cá lớn trở trời đốc chứng hoặc gia súc
nhà nào ngộ dại trên sông nhưng khi biết đó là một người đàn ông vừa hăm hở bơi
vừa trò chuyện một mình thì họ cho là người khùng cứ để mặc kệ. Khi anh lên bờ
thiếp giấc, họ mới đến gần xem và trong toán bảo vệ có người nhận ra là bạn tôi
bèn rút điện thoại. Đến mười giờ sáng anh tỉnh, sau khi ăn bát cháo hành và tắm
táp sạch sẽ đồng thời nghe tôi thuật lại, thoạt đầu anh không tin nhưng nhìn ra
sân, bộ đồ của anh còn dầy đặc những bèo tấm bèo cái anh chỉ tủm tỉm cười.
Tôi nói cách sống anh giống Bùi Giáng là ở nhiều những chi tiết
như trên.
Văn chương của anh là một thứ văn chương luôn đối kháng với một
cái gì đó. Sự nửa vời chẳng hạn. Sự mầu mè chẳng hạn. Sự giả tạo, gân cốt, làm
hàng, ôi a, tuyên huấn, giáo điều, dễ dãi, khụng khiệng, la làng, làm dáng, điệu
đàng, phô diễn, giả cổ, trang kim... Văn anh luôn tự tìm ra những địch thủ khác
nhau để lập chiến tuyến. Nhưng cách khai chiến của anh cũng rất khác người.
Không ầm ĩ, không chỉ mặt đặt tên, không ưa thích tàn sát đối phương mà thật kỳ
lạ, anh khom mình lại và tạo lên những tầng sâu lớp lớp khiến kẻ kia hoảng sợ.
Nhưng đó chỉ là mong muốn tốt lành và khờ khạo của anh mà thôi. Những kẻ kia, đời
nào chúng hoảng sợ, chúng còn đang giương ra những vây vảy của mình. Đừng tưởng
bở. Bọn giả dối, bọn gân cốt, làm hàng, ôi a, tuyên huấn, giáo điều, dễ dãi, khụng
khiệng, la làng, làm dáng, điệu đàng, phô diễn, giả cổ, trang kim... mưu mô giảo
quyệt lắm đấy. Chính chúng chớ còn ai khác, đã, đang và sẽ chiếm lĩnh đăng đàn
còn anh mới là kẻ thất bại. Chúng sẽ xua đuổi anh vào rừng thẳm với những suy
nghĩ cao siêu của mình. Hoặc chúng sẽ đẩy anh xuống sông xuống biển mặc xác bơi
lội như loài cá. Hoặc chúng sẽ cô lập anh, bủa vây anh cho đến khi anh giã từ mặt
đất về sinh học. Chúng nhạo báng và khinh khi anh, thậm chí chúng kết luận anh
là kẻ điên rồ. Điều này anh có biết không? Tôi cho rằng điều này anh rất biết
nhưng anh không thể đứng về phía chúng. Có lẽ nào khi còn có một mình ta lại ra
hàng. Quay giáo trở cở là điều anh không làm nổi. Đó là một nỗi đau truyền kiếp
của anh nhưng đó cũng là thứ ánh sáng cuối cùng le lói trong đường hầm chưa tìm
được lối ra. Các nhân vật của anh luôn ưa độc thoại và không dám liên kết với
nhau bởi còn vì lẽ ấy.
Trong thâm tâm, với những gì anh trình bày ra bằng văn
chương, bằng đời sống trong đó có sự dấn thân của cá nhân anh tôi luôn tin anh
đến với văn chương bằng một nỗi đau nhân thế và tấm lòng trong sáng kiệt cùng của
người cầm bút. Thứ văn chương mà anh hướng tới là một thứ văn chương thuần khiết
được thể hiện mới mẻ cả hình thức và nội dung. Chúng không chịu bất kỳ một sức
ép phi nghệ thuật nào. Chúng có đời sống riêng của chúng và chúng góp vào đời sống
con người những thanh âm hữu ích. Ao ước của anh, ôi sao giản dị và trong sáng
quá chừng nhưng trong lúc này đây, điều giản dị và trong sáng ấy tại sao khó có
thể thực hiện được. Điều này tôi không đủ sức trả lời cũng như tôi không có
trách nhiệm phải trả lời. Chính tôi cũng đang phải luồn lách, chống đỡ, hãi sợ
những thứ mơ hồ phi văn chương nhưng luôn neo cột, nhắc nhở thậm chí dọa nạt
ngòi bút của mình. Những ràng buộc biến chúng tôi trở lên ngày càng nhỏ bé xiết
bao trước sôi động của cuộc sống, trước sự thật buốt lòng của con người mà lẽ
ra một ngòi bút có lương tâm phải nên tiếng. Tôi luôn day dứt khi nghĩ đến điều
đó. Tôi luôn day dứt khi thời gian cứ trôi vùn vụt mà lũ cầm bút chúng tôi chỉ
trình ra được những sản phẩm làng nhàng, những sản phẩm như là để dâng hiến,
làm vừa lòng một thế lực xa lơ lắc nào đó chứ không phải quần chúng cần lao
đang đêm ngày vật lộn mưu sinh tha thiết mong muốn chúng tôi lên tiếng về những
khốn khó, thiếu thốn, tối tăm mông muội mà họ đang phải gánh chịu một cách khó
hiểu. Cũng như anh, tôi luôn mong muốn văn chương của chúng ta phải khác, phải
giải quyết và làm đúng chức năng xã hội của nó, chức năng góp một tiếng nói để
con người ngày càng hoàn thiện hơn, những dự báo mà lương tâm day dứt, nghiền
ngẫm và vật vã mà chúng tôi thì cứ loay hoay trong những khuôn phép vớ vẩn do
chính sự hèn nhát và yếu kém của mình đặt ra.
Cũng như anh, có không ít lúc tôi rơi vào bế tắc và khủng hoảng
nội tâm, luôn cảm thấy như mình có lỗi với ngòi bút, với con người và như càng
hiểu những cố gắng chuyển xoay tình thế của anh, của văn chương anh trong cuộc
trường chinh chữ nghĩa dằng dặc mà chúng tôi như là những tội đồ.
Tôi quý trọng anh và văn chương của anh cũng bởi vì lẽ ấy.
12/2/2011 Phùng Văn Khai
12/2/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét