Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Huyền thoại sông Lăng

Huyền thoại sông Lăng

Vào một đêm tháng chạp năm Sửu, bến sông Lăng im ắng rợn người. Hôm qua, tết ông Công, Táo quân cưỡi cá chép lên Thiên đình tấu trình công việc dưới dương gian. Giữa mùa đông, nhiều gia đình vẫn cố tầm cá chép đỏ sông Lăng. Ngày ấy, cũng chỉ bãi đá ngầm miền thượng Lăng còn cá chép đỏ. Mới tợ mợ mặt người chợ cá bến Lăng đã lào xào người mua bán. Từ trên mặt đê, một người dáng dấp thư sinh rẽ sương đi xuống chợ cá. Lướt nhanh một lượt, người ấy tiến đến chỗ ông già phong điệu hom hem lễ phép hỏi lão chài: “Cụ bán cho tôi đôi chép đỏ”. Lão chài nghễnh ngãng: “Mua bán gì, xin thầy trả chút tiền vía đôi cá cúng”. Người trẻ nhìn vào cái thau đồng của lão chài chỉ còn độc nhất một con thau tháu giương mắt nhìn khách thì thất sắc lẩm bẩm: “Sao chỉ có một con hả cụ?”. “Ừ, lão xin lỗi, năm nay bắt mãi chỉ được một con, thầy có dùng lão xin biếu. Một chốc mặt giời lên lão cũng thả ấy mà”. Người trẻ thở dài, rút tiền đưa lão chài không nói gì thêm, cẩn thận cho cá vào chiếc thau đồng nhỏ mang sẵn rồi đi thẳng xuống bến sông, đến sát mép nước tự nhiên không ai nhìn thấy đâu nữa. Lão chài nhìn với theo lẩm bẩm: “Hay là năm nay ứng nghiệm?”. 
Lão chài đang nằm khểnh nhắm rượu suông với đêm sương đang hồi nhớ câu chuyện buổi sớm bỗng bến sông thấp thoáng một bóng người. Người bước lên thuyền mà thuyền không động đậy. Tiếng người khẽ khàng: “Thưa cụ. Có phải cụ là cháu cụ thủ từ đền Lăng Lê Tử Kình không?”. “Ừ, chính là lão đây”. Lão chài hơi nhổm người - “Thưa cụ, hẳn cụ còn nhớ cái tên Lê Đức?” Lão giật mình, ngồi bật dậy. Bất ngờ lão sụp lạy người trẻ tuổi. Người ấy vội đỡ lão lên. Lão nhìn người trẻ tuổi qua màn đêm đen. Khoang thuyền tối chỉ le lói ánh sáng ngọn đèn hạt đỗ tận góc hốc thuyền. Giọng lão chài bỗng trở lên nghẹn ngào và xa vắng: “Cụ thân sinh dặn tôi cứ ở đây chờ, thể nào cũng có tin của cụ Tổng. Thế mà đã sáu mươi năm”.
Người trẻ tuổi nhìn lão chài. Khoang thuyền chợt sáng hơn. Lão chài có khuôn mặt chữ đinh. Vệt lông mày trắng đậm đặc và chòm râu bạc khói sương trong khoang thuyền đơn sơ tạo ra một vẻ ấm áp, cương nghị trong một đêm đông giáp tết cô quạnh đến ghê người. - “Cụ thủ từ mất rồi phải không?” - “Ừ, cụ tôi mất sau ngày tiêu thổ kháng chiến”. - “Đền Lăng tiêu thổ thì cụ thủ từ đi ư?” - “Không đi không được. Tôi cũng phải theo cha. Khi người mất, còn trăng trối với tôi bao giờ hậu duệ cụ Tổng về tìm thì cứ dẫn lên bãi đá thượng nguồn sông Lăng rồi tuỳ cơ định liệu. Đã mấy mươi năm. Tháng chạp nào tôi cũng bắt đôi chép đỏ đợi người của cụ Tổng”. 
Người trẻ tuổi đỡ chiếc chén gỗ sóng sánh rượu từ tay lão chài, lặng lẽ uống cạn. Đêm sông nước tịch mịch, lạnh lẽo. Tháng chạp, dòng sông thắt nhỏ như một sợi chỉ bạc. Hai người, một già một trẻ đối ẩm trong khoang. Những chờ đợi, những khắc khoải và cả những suy nghĩ tuyệt vọng nhiều khoảnh khẳng diễn ra ở đâu đó và cả ở đây trên dòng sông này. Đã sáu mươi năm, người được giao sứ mạng chờ đợi giờ mới gặp được người tri kỷ của tiền nhân nay đã ẩn sang đôi vai thanh mảnh của một người trai trẻ. Người trẻ tuổi cung kính chắp tay tạ ơn lão chài xúc động bảo: “Bác đáng tuổi cha tôi, cứ nên xem tôi là hàng dưới. Không bị vào hai cuộc chiến tranh chắc chắn ông tôi cha tôi phải sớm đến được đây hơn. Thưa bác, tết ta này tôi nhận lệnh vào Nam. Chiến tranh chả biết thế nào. Tôi muốn bác hãy kể về gia tộc nhà tôi, để tôi ghi nhớ rồi có thể tiện thì biên soạn tiếp bộ gia phả. Âu cũng là nguyện vọng và di huấn của cụ tổ, của cha ông và gia tộc họ Lê”. Lão chài nghe như nuốt từng lời. Hai hàng lệ từ từ nhỏ xuống lòng thuyền, nước mắt thấm xuống mặt chiếc chiếu đã sờn rách vì mưa nắng. 
... Cụ Tổng vốn dòng dõi quan gia... Tiếng lão chài như dội lên từ dòng sông sâu thẳm... Quan gia thế phiệt nhất ở vùng đất cổ này. Vùng đất này xưa kia gọi là thập bát điền trang thượng Lăng. Cụ tổ mười bốn đời nhà anh vốn là quan đại thần rường cột của triều Lý, vì vướng vào lòng đố kỵ của quân tà nịnh mà chịu án lưu đày viễn xứ vùng biên trấn suýt nữa còn bị tru di cửu tộc nếu không nhờ một tiếng can của bậc nhiếp chính. Đến đời cụ Tổng nhà anh, lệ luật gia tộc nguyền rằng truyền đời không làm quan cho bất kỳ triều đại nào, chỉ khi đất nước nguy vong trước nạn ngoại xâm mới ra giết giặc, giặc tan lại về với chữ nghĩa thánh hiền, với nương dâu ruộng mía tầm tang ở bến sông Lăng. Anh biết sông Lăng còn có tên gì khác không? Người trẻ tuổi như chìm vào mộng mị không thốt lên lời. - Sông Thiên Đức. Sông khởi phát của nhà Lý cũng là dòng sông phát tích và chứng kiến bao nỗi thăng trầm của gia tộc dòng họ Lê Văn. Truyền rằng cụ tổ Lê Văn vốn là một bậc túc nho thượng thặng đã sớm đem những ưu việt tinh hoa của nho gia đặng giúp vua giúp đời cũng chính vì thành tựu không ai sánh được ấy mà quân kia mới đem lòng đố kỵ giở thói hãm hại người tài. Ngặt nỗi lúc về giời bên cạnh không có ai để cụ căn dặn tâm nguyện của cụ mà đám học trò tức là tổ mười mấy đời nhà tôi và các họ khác chỉ truyền nhau rằng ý cụ thâm viễn lắm, không bao giờ cho phép thù nghịch, ân oán riêng chung. Chứng thay lòng cụ, trời đã động lòng thiên táng giữa đầm lau lách mà không buồn về nơi an nghỉ đã được chính triều đình cho xây cất thời cụ còn hưng thịnh. Chính cái ý uẩn súc này mà đời đời con cháu tịnh không ai xuất gia làm quan dù triều đại nào cũng vời mọc, tìm kiếm chân thành.
- Thế còn vị ẩn sĩ kỳ tài vùng thượng du sông Lăng triều Lê sau này mà dân gian vẫn đồn chỉ là giòng giống từ giọt máu nơi biên thuỳ của cụ tổ?
- Chuyện đó... chuyện đó... lão chài chợt nhăn mặt, xua tay rồi bất giác thở dài... Chuyện đó lão nghe không được kỹ lắm, vả lại cũng có nguồn cơn dính líu đến gia tộc nên lão cho rằng. Mà không, có lẽ lão cứ kể ra với anh thì hơn, tuổi già sông nước rồi có khi hối thì đã muộn. 
... Dân gian vẫn cho sẽ có sự phục sinh lẫy lừng của dòng họ Lê Văn và trong số nghĩa sĩ Lam Sơn buổi đầu mong manh ấy đã sớm có một dị nhân cực giỏi theo phò giúp sức. Khi thanh thế đã mạnh, chân Chúa Lê Lợi mới hỏi rõ họ tên của bậc dị nhân để sau này tiện ban thưởng thì được biết dị nhân cũng mang họ Lê ở tận vùng viễn xứ, hậu duệ của đại thần Lê Văn thuở nào nên ngày càng biệt đãi, cùng với bậc đại sĩ họ Nguyễn vạch sách lược đánh giặc, yên dân đến ngày toàn thắng đột nhiên không ai thấy dị nhân đâu cả. Tả hữu hỏi mãi chỉ biết đang đêm dị nhân một mình rời chốn cung đình một thuyền mỏng xuôi sông Cái ra đi biệt dạng không một lời từ biệt. Vua biết là bậc trí sĩ không màng danh lợi chỉ thích cuộc sống tiêu sái gió trăng thở dài mãi không thôi. Mãi khi biết được dị nhân ẩn cư ở thượng du sông Thiên Đức, nơi khởi phát của tổ tông đã mấy bận hạ chỉ hối thúc đại thần hành khiển họ Nguyễn tìm cách khuyên về. Đã khuyên chẳng được, họ Nguyễn lúc ấy chợt thức giác hay có uẩn súc gì cũng cáo quan xin về nhàn dật chốn Côn Sơn non xanh núi bạc ngày vui mây trắng tối tối rêu xanh. Sau chả hiểu tình đời khôn dứt hay nợ non sông còn dày mà họ Nguyễn lại chịu ra giúp triều đình lần nữa để đến nỗi mang hoạ tru di. Liền sau đó, vị ẩn sĩ đền thượng Lăng cũng biến mất vào dân gian thấy các cụ tổ nhà lão bảo hồi ở đền có để lại giọt máu ngành thứ chính là tổ của lão. Chuyện này cũng chỉ nghe truyền miệng thế bởi so với tằng tổ Lê Văn, ẩn sĩ họ Lê còn kỹ tính hơn nhiều, ông không bao giờ ưa thích để lại công lênh, gia phả hoặc chứng tích mà chỉ độc theo lối tâm truyền đến mãi đời lão bây giờ.
- Thế thì chúng ta là con cháu một nhà cả thôi. Người thanh niên nhìn mãi vào ngọn đèn hạt đỗ, tay cầm chén gỗ rót ra một chén kính cẩn dâng lão chài.
- Cũng có thể là như vậy nhưng dù thế nào lão cũng là chi dưới. Hơn nữa, còn chuyện này, chuyện này không biết anh đã nghe bao giờ chưa.
Lão chài im lặng đỡ chén rượu gỗ, lặng lẽ uống một hơi lại rót một chén dâng người trẻ tuổi. Ngoài trời càng lạnh. Gió bấc từ bên kia sông đưa sang tưởng chừng có thể hoá đá được con thuyền. Nhưng con thuyền được dòng sông nâng đỡ, chở che và đặc biệt tâm can của hai con người tựa nhau bên ngọn đèn hạt đỗ đã làm khoang thuyền ấm vững hẳn.
... Là chuyện ông nội tôi làm cướp vùng Quán Chuột... 
Người trẻ tuổi chợt sững mình nhìn lão chài. Vốn dòng dõi nho phong, người trẻ tuổi thông qua những gì tiền nhân căn dặn thì hậu duệ mà chàng sẽ gặp phải là những bậc túc nho dù có khốn khó đến mấy chưa bao giờ là quân tà đạo. Và dường như bậc tiền nhân đã ám chỉ rằng những cháu con của các vị hiền điệt miền thượng Lăng truyền đời là thủ túc tin cậy của dòng dõi Lê Văn. Lẽ nào? Lão chài vân vi chén rượu gỗ, mắt rân rấn. 
- Không có cụ Tổng có lẽ cũng chẳng có được thân tôi tiếp kiến anh hôm nay. Chuyện là thời ấy, thời cụ cố tôi thiên hạ nhiễu loạn, giặc Tây và lũ quan lại bóp hầu nặn cổ dân đen. Một hôm tên chánh tổng vùng Quán Chuột giữa đình say rượu thấy vợ cố tôi đi qua sân đình bèn giở trò bỉ ổi. Trời tối vắng vẻ đã đánh thức tà tâm của chánh tổng hay điềm gở ứng lên họ nhà tôi. Cố nội tôi vốn là một thầy dạy học cực giỏi kinh dịch bấm quẻ thấy thất kinh vội vã chạy ra đình. Đến nơi thì chuyện đã rồi. Uất ức và căm phẫn lão dê già. Chỉ mấy đường võ gia truyền, tên dê nọ đã tắt thở. Chuyện tày trời xảy ra trong khoảnh khắc. Biết là khó gỡ vì quan lại bấy giờ dặt một lũ cướp ngày. Cụ tổ dắt vợ con trốn biệt theo toán cướp vùng Quán Chuột, được tôn làm đầu lĩnh. Ngày ấy, toán cướp Quán Chuột nổi tiếng trượng nghĩa liên tài. Cũng là nhắm mắt đưa chân...
- Rồi thì. Rồi thì ra làm sao nữa...
- Sao ư? Còn ra làm sao nữa. Đã mang tiếng là đi theo giặc cướp giấy sức truy nã dán la liệt khắp vùng, lại gặp nhà chánh tổng đút lót quan trên ra lệnh tịch biên tài sản, tróc lã gắt gao. Vốn người có học, chịu được khổ chứ không chịu được nhục, cố nội khổ tâm biết chừng nào. Bỗng một hôm số trời run rủi, trong một vụ cướp lương, những người áp giải lương toàn tay giỏi võ, trận chiến bất lợi cho toán cướp Quán Chuột, đang khi giở ngón sở học để tháo thân bất đồ đối thủ giao phong với cố tôi la lớn: “Có phải thầy Tử Kình không?”. Cố tôi giật mình đáp: “Chính là tại hạ” Kẻ kia liền hô anh em dừng tay bảo: “Toàn huynh đệ trong nhà cả. Anh em hẳn đã nghe ta nói về tài văn võ của Tử Kình Quán Chuột chứ”. 
Máu liền ngừng chảy. Rượu được bày ra. Trước khi phân ngôi chủ khách, người lạ kia bảo: “Ta chính là đốc binh Lê Túc, bộ tướng của cụ Tán. Người anh em hẳn nhớ Lê Túc vùng thượng Lăng?”. 
Tử Kình liền sụp lạy, nước mắt ướt đẫm vùng mặt chữ điền: “Thưa Túc huynh, hiền đệ thật là đắc tội”.
Vội đỡ viên đầu lĩnh Quán Chuột, Lê Túc khoát tay mời mọi người ăn uống, vừa bảo nhỏ với Tử Kình.
“Hẳn là chú vẫn còn nhớ lời thề kết giao giữa hai dòng họ nhà ta của tổ tông. Chuyện chú giết tên chánh tổng ta đã nghe, vẫn định bụng khi nào thư giãn việc binh sẽ trù tính. Nay gặp thế này là lòng trời thương thấu đến tâm nguyện trung trinh của ta và chú. Ta sẽ sớm bẩm với chủ soái, đề cử chú nắm quân mộ binh vùng thượng Lăng, ý chú thế nào?”. 
Tử Kình như người sống lại. Ngay đêm ấy cùng đám đàn em hộ lương xuôi về Bãi Sậy. Toán cướp Quán Chuột biến mất. Những dũng binh miền thượng Lăng vung gươm vì một hoài bão lớn lao.
Vốn xuất thân nho học, trong đám bộ tướng, Tử Kình rất được cụ Tán yêu mến. Đặc biệt với đốc binh Lê Túc thì rất ý hợp tâm đầu trong các việc binh bị, quân cơ. Cho đến tận khi trời không chiều lòng người, cuộc khởi nghĩa rơi vào tình thế vô cùng gian nan ác liệt. Cụ Tán quyết chí sang Tàu tính đường ngoại viện. Cụ cho Lê Túc và một vài bộ hạ thân tín đi cùng. Đêm chia tay người hiền đệ thượng du sông Lăng trời cũng tiết chạp, gió lạnh, sông vắng đầy bi ai. Hai người trò chuyện suốt một đêm. Tử Kình đã hứa với hiền huynh tiếp tục biên soạn cuốn gia phả dòng Lê Văn đợi ngày núi sông vùng lên rửa hận. Lê Túc đi càng mịt mờ sương khói phía trời Bắc thì kẻ ở nhà cũng bị lũ cường địch dồn ép, ly tán khắp nơi. Các nghĩa sĩ ngã xuống, máu nhuộm đỏ đồng xứ Đông. Miền thượng Lăng, giặc Tây và lũ bán nước săn lùng Tử Kình ngày càng ráo riết.
Biết rằng vận nước đang hồi suy vong, hận mình tài sơ, trí mỏng, Tử Kình đã tuẫn tiết ở vùng thượng Lăng vào một đêm tháng chạp sau khi bàn giao việc biên soạn tộc phả cho cụ thủ từ đền Lăng và cậu con trai bảy tuổi. Hôm Tử Kình tuẫn tiết, nước sông Lăng tự nhiên đỏ như máu, giặc Tây và lũ tay sai cho là điềm gở, ngay hôm sau rút binh khỏi thượng du sông Lăng. 
Trời đã gần sáng. Người trẻ tuổi mắt đỏ hoe. Một cơn gió bấc ở đâu chợt làm chao đảo ngọn đèn. Ngọn đèn lịm đi tưởng tắt mất rồi lại gượng lên leo lét. Giọng lão chài như từ dưới sông dội lên.
- Ta chính là cháu nội của Tử Kình. 
Người trẻ tuổi toàn thân khẽ rung lên. Dòng sông vẫn thản nhiên trôi nhè nhẹ nâng đỡ con thuyền bé nhỏ.
- Thưa chú. - Chợt người trẻ tuổi lên tiếng. - Có lẽ mọi thứ cứ để lại ở dòng sông Lăng này là hợp ý tiền nhân. ý của các bậc liệt tổ dường như cũng là muốn cháu con truyền nhau cái tâm đời đời đánh giặc cứu nòi mở mang bờ cõi còn công trạng chẳng qua là thứ phù hoa mây nổi ở trên đầu nào có sá gì. Sáng mai cháu xin từ biệt chú, từ biệt sông Lăng vào nơi bom đạn. Chú ở lại nếu có một hậu duệ của chúng ta dù là nhánh Lê Văn hay ngài ẩn sĩ thảy đều truyền cho con cháu biết. Phương tiện nhận nhau vẫn là tiền mua loài chép đỏ dịp tết ông Táo, cũng là dịp tằng tổ chúng ta mãn hạn án lưu dày về giời vùng thượng Lăng được thiên táng vẫn lưu truyền trong dân gian bấy lâu nay. 
Trong đêm lạnh, giữa lòng sông mờ mịt hơi sương hiện ra một người thanh mảnh rẽ khói sương đi ngược mạn thượng Lăng. Đến chân đền Lăng người ấy đứng rất lâu nhìn dòng sông, nhìn những nương dâu mùa đông trơ cành khẳng khiu gầy guộc trong giá lạnh. Gần sáng, bóng người lẫn hút phía chân trời.
Từ ấy không ai thấy lão chài bến Lăng đâu. Con thuyền cũ kỹ của lão cũng biến mất không một dấu vết. Sông Lăng rì rầm trôi thiêm thiếp bên hai bờ dâu xanh vùng đất cổ thập bát điền trang. Mấy năm sau, tại chân ngôi đền Lăng tiêu thổ kháng chiến hoang tàn xưa được người bên ngành Văn hoá khảo sát và phục chế lại. Trong đoàn ấy có lão chài. Số đá tảng do lão chỉ đạo mò dưới sông lên vừa đủ để ghép lại ngôi đền cổ, có cả bậc đá xuống tận thềm sông. Rồi lão trở thành ông thủ từ của đền Lăng đến kết thúc chiến tranh thì mất... 
Đêm sông Lăng 2003
Phùng Văn Khai
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...