Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Bản chất của sáng tạo là sự áp đặt

Bản chất của
sáng tạo là sự áp đặt

(Nhà thơ Mai Văn Phấn trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng cuối tuần, 1/2000) 
Phóng viên: - Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện từ phía anh, người làm thơ với một số suy nghĩ về thơ. Trước thực trạng thơ in tràn lan nhưng rất ít người đọc, anh bắt đầu từ những lo âu hay hy vọng? 
Mai Văn Phấn: - Thơ ca thường được coi là ngôi đền thiêng với người làm thơ, nhưng thực ra là cái chợ với người đọc. Nhiều người xưa nay nhầm lẫn hoặc ngộ nhận về điều này. Với mỗi người làm thơ, điều quan trọng là biết lạnh lùng với chính bản thân mình, dũng cảm nhìn lại một cách trung thực và chính xác, biết mình là quầy hàng khô hay anh chữa khoá trong một cái chợ. Người làm thơ cũng phong phú như thơ vậy. Sự không cần biết mình nhiều khi lại giúp họ vững tin mà tự đầy đọa trên con đường hành xác. Và cũng có người đến được đích đấy chứ. Hãy coi như họ đang làm một cuộc chơi. Còn lành mạnh hơn nhiều so với một số trò chơi khác (đôi người có quyền chức, có nhiều tiền lại chơi rất dại!). Đã qua rồi cái thời ai cũng cần phổ cập thơ ca. Trong xã hội văn minh, mọi quan niệm dĩ nhiên phức tạp hơn, thơ ca là mối tương đồng với từng cá thể, là nhu cầu không thể thiếu được với những người quan tâm đến nó. Theo tôi các khuynh hướng sáng tác ngày càng đa dạng hơn, đó là sự phát triển tất yếu và hết sức bình thường của đời sống văn học. 
Phóng viên: - Trong thập niên vừa qua, văn xuôi tạo được vị trí khá vững vàng trong đời sống văn học nước nhà, trong khi ấn tượng về thơ còn mờ nhạt. Anh nghĩ gì về điều này?
Mai Văn Phấn: - Khái niệm “mờ nhạt” vừa nêu cho tôi biết chị đã đọc thơ theo quan niệm nào. Thơ ca quả thực không nhiều tính trực giác như văn xuôi nên rất khó cảm nhận. Nếu người đọc không tự mở cho mình những khoảng không (ý muốn nói tới những quan niệm không bị áp đặt) thì rất khó đến với những cá thể mang nhiều bất ngờ. Cá thể sáng tạo luôn phát ra những thông tin nhằm định hình các khuynh hướng, cụ thể hơn là bản chất của sáng tạo là sự áp đặt. 
Phóng viên: - Trong một lần trả lời phỏng vấn, anh nêu khái niệm “Sáng tạo là quá trình vượt thoát khỏi cá tính”, xin hãy giải thích và dẫn dụ những lần “vượt thoát” của anh. 
Mai Văn Phấn: - Thật kinh hãi khi phải ngắm nhìn một nghệ sỹ cứ đứng mãi một chỗ mà biểu diễn quá nhiều lần một tiết mục tới gần như vô cảm, nói cách khác là thương hại những ai thâm canh triền miên trên một mảnh đất đã cỗi cằn. Quá trình vượt thoát khỏi cá tính chính là quá trình vong thân. Với cá nhân tôi, quá trình vong thân là khoảng cách giữa những giai đoạn tạm ngừng sáng tạo. Đó là quãng thời gian đông cứng, vô nghĩa nhất. Tôi từng cảm giác bị nhấn chìm trong sự trống rỗng, trầm cảm, thậm chí bi phẫn... Nhưng trạng thái ấy đã giúp tôi tìm được cách vượt thoát. Sau mỗi lần vượt thoát, có cảm giác mình vừa may mắn tỉnh ngộ, tái sinh, hay được đầu thai vào một thân xác khác.
Phóng viên: - Quá trình vong thân thường đồng hành với quá trình đổi mới và cách tân. Xin anh “bật mí” đôi điều về thơ mình.
Mai Văn Phấn: - Thơ ca càng ảo bao nhiêu càng đem lại sự chân thực bấy nhiêu. Đó là cách gọi ra phần cảm chứ không phải làm rối tung ý tưởng lên. Trong hình học phẳng, nếu nhìn trực diện một chiếc hộp ta chỉ thấy nó là hình vuông hay chữ nhật gì đó. Còn trong hình học không gian, kết nối với những hình vuông hay chữ nhật trực diện là những hình thoi hay rải chấm mờ. Nói đơn giản hơn, hiện thực trong thơ được hiện hữu trên một “mặt phẳng cong”. Không gian ấy rộng, giúp người viết đồng hành được với quá khứ, hiện tại và tương lai đa chiều và đa tầng. Nhà thơ khi viết, không nên bận tâm viết cho ai mà chỉ nghe trái tim mình run rẩy với cảm xúc chân thành theo một quan niệm riêng. 
Phóng viên: - Thơ anh trước đây kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giờ đã được cách tân toàn triệt, tạo ra một giọng điệu riêng biệt. Cách tiếp cận của anh với từng bài thơ hiện nay có gì khác?
Mai Văn Phấn: - Quan niệm về tính truyền thống tôi sẽ bàn với chị sau. Tôi hiện vẫn là tôi, chỉ có trong một nhịp điệu khác. Vẫn như đến với những bài thơ đầu tay, đầu tiên là tôi nhìn thấy tứ thơ cứ lung linh trước mặt, rất khó gọi tên và mô tả cụ thể. Khó nhất là viết câu đầu tiên, giống như máy bay phải tìm cách tiếp đất cho thích hợp. Hạ cánh trật đường băng coi như hỏng. Mỗi bài thơ tôi quan niệm là một dự phóng, một kinh nghiệm riêng biệt. Ví như hình ảnh cụ thể của bông hoa, con sóng, bước chân... chỉ mang đến cho một bài thơ một kinh nghiệm cụ thể rồi vĩnh viễn biến mất. Không cần chuẩn bị bởi không phải mang theo thứ gì trong hành trình sáng tạo. Thế vào đó là sự hé mở một không gian riêng biệt, ngỡ có ai vừa buông tay đẩy mình ra đường rộng, gặp cả những vô lối của thi pháp/ phi thi pháp. Nói cách khác, tôi được bài thơ dạy lại mình cách viết.
Phóng viên: - Sau khi một số tác phẩm gần đây của anh được công bố, đã xuất hiện những ý kiến phản bác quyết liệt. Anh nghĩ gì về điều nay? 
Mai Văn Phấn: - Được nhiều người đọc, đó là hạnh phúc đối với một người viết. Nhưng một bài thơ mà ai cũng khen có khi lại là một sản phẩm chạy theo mốt thời thượng. Còn khám phá một vỉa theo một phong cách riêng nào đó, thì càng lên cao đỉnh của nó càng gần với hình chóp. Như vậy diện tiếp xúc của nó sẽ ít đi. Nếu được là một tài năng, tôi dám thách thức không chỉ với người đọc đương thời mà còn tự tin tuyệt đối với mọi thời đại. 
Phóng viên: - Anh phân biệt thế nào giữa bản năng và ý thức của một nhà thơ? 
Mai Văn Phấn: - Rất nhiều những bóng dáng đang loay hoay nằm ì trong bản năng với vẻ mặt coi thường học vấn. Tình trạng này bắt nguồn từ một tập tính (một số người tưởng là một khả năng) được nuôi dưỡng từ cái gọi là Văn hoá trạng theo kiểu Trạng ăn,Trạng ngủ,Trạng vật... Văn hoá trạng cũng tốt, thậm chí rất tốt nữa trong đời sống cộng đồng. Nhưng để có những sản phẩm tinh thần tầm cỡ trong các cuộc kiểm kê ở bình diện nhân loại, thì những tác phẩm ấy phải được phóng chiếu từ nền Văn hoá hàn lâm. Văn hoá Hàn lâm  vừa biết mọc rễ cái vào tinh thần dân tộc và mọc rễ chùm vào cánh rừng văn hiến năm châu. 
Phóng viên: - Một câu hỏi cuối cùng, anh quan niệm thế nào về tính truyền thống?
Mai Văn Phấn: - Truyền thống không chỉ đơn thuần là sự kế thừa, nó cũng liên tục là những cuộc vong thân. Nói cách khác, đó là quá trình sáng tạo để tìm đến những giá trị cao hơn mang tính dân tộc. Bằng những quan niệm tiên tiến, đổi mới quyết liệt trong cách tiếp cận vấn đề, hòa đồng với hơi thở của đời sống đương đại, mỗi nhà thơ như vậy đều có trách nhiệm làm phong phú tính truyền thống.
9/5/2006
Ngọc Anh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...