Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Nhà thơ Vũ Trọng Quang: Người đi bộ trong giấc ngủ

Nhà thơ Vũ Trọng Quang:
Người đi bộ trong giấc ngủ…

Bìa tập thơ Hôm qua, hôm nay và 
hôm sau của Vũ Trọng Quang
Quá khứ vì thế, hiển nhiên được anh trân trọng ghi lại bằng những câu thơ giản dị nhưng đầy xúc cảm: tôi cởi áo ngồi lại bên cầu/ thức giấc mơ người xa lạ/ làng tôi nước dâng lên từ thế kỷ/ chiếc xe bò ở đâu cho cái vẫy tay/ con đường mòn mất dấu cho lần trở lại… (Bước về). 
Còn đâu tiếng dế hân hoan, còn đâu những chiếc thuyền giấy, những cây cầu khỉ và cây đa ngàn năm rờn rợn bóng ma thơ ấu (Trở lại), còn đâu mùi tanh cá từ phía dưới chân cầu, còn đâu dòng sông nước đen nô đùa tắm, tiếng rao bán báo, tiếng gõ vào thùng đánh giầy, những bài học và người thầy năm cũ… tưởng năm tháng ngủ quên trong trí nhớ nhỏ nhoi, bất chợt anh thắt lòng khi nhớ: cha bỏ xác trên rừng/ mẹ ngồi đan áo/ mũi kim đâm vào đầu ngón tay (Ngôi nhà)… 
Dữ dội không kém, mãnh liệt không kém là dấu vết tình yêu còn sót lại. Từ lúc em dậy thì bên kia sông/ tôi tỏ tình bằng im lặng (Ngôi nhà), đã dự báo một tâm hồn thơ đầy hỗn độn, nhạy cảm. Quả vậy: Chiều Sài Gòn dự báo ngày mưa lớn/ con đường nào hai ta lạc mất nhau (Đến Cam Ranh nhớ); vì mùa đông ngủ triền miên trong ngôi nhà có em khoá cửa (Người cũ) cho nên: bước chân ra đi mọc dài giấc mơ mê sảng/ khuôn mặt thường xuyên bí ẩn ngây ngô/ anh quay quắt với những lời thì thầm/ xoá tên em để dối mình quên lãng (Thư chuyển mùa).
Tình yêu nào dễ dàng quên được nên cuống quít, đau đớn: Gọi em từ khoảnh khắc tiếng sét/ ngược gió mái tóc mọc dài vượt qua bão rớt (Sự thoát), thơ anh từ đó gợi mở những khắc khoải, suy tư triền miên. Thì thôi hãy lắng nghe gió thổi tắt ngọn nến cho tiếng gà gáy sáng lên/ tôi là người đi bộ trong giấc ngủ/ chưa ra khỏi được giấc mơ… (Giấc mơ sâu). Vâng, kẻ độc hành trong thế giới hôm qua, chợt nhận ra gương mặt mình sao mù mờ quá trước tấm gương sông…
Người ta sống chỉ để hoài niệm và nuối tiếc thời gian đã qua hay sao, đôi khi anh chợt hỏi như thế rồi quyết định: tôi vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua …và dành những câu thơ thật tươi trẻ, thật tinh khôi cho không khí hôm nay: tôi chào mừng tôi hôm nay/ cắt băng khánh thành con đường thênh thang mới/ ngôn ngữ quay trong không gian nhiều chiều… (Con đường).
Ấy vậy, những câu hỏi mà nhà thơ đặt ra cho hôm nay mơ hồ sự bất lực: Tôi đọc thơ Hồ Xuân Hương/ bên bờ Hồ Xuân Hương/ cho nàng Xuân Hương/ những vẻ đẹp mặt hồ không phẳng lặng (Những Xuân Hương), Mỹ rơi vào Iraq/ hạt mầm tị nạn âu lo mở rộng (Hai bên) hay: Đàn kiến mang con đường trên lưng hỏi bầu trời: hạnh phúc là gì? (Câu hỏi)…
Còn tình yêu? Khi trở lại khu vườn cũ, độc giả bắt gặp anh khác xưa hơn: trầm tư hơn, khắc khoải hơn: thời gian ngược chiều trở lại Eden/ địa đàng hết mùa trái cấm/ lá nho che trên xương sườn nhan sắc nhiều hơn/ loài rắn chia lìa nọc độc cám dỗ (Nhã ca khác)… và cũng mong manh hơn: Làm gì có hạnh phúc lứa đôi/ hai đường thẳng song song/ nơi gặp nhau vô cực/ hân hoan gì tình yêu mà chờ đợi/ con trăng mộng ngàn ngàn xưa/ không có thật (Nhã ca khác); vậy mà, rất chân thật khi anh tâm sự: thèm một lời vỗ về giả dối/ vì sao? (Trương chi khác). Ừ, vì sao thế?
Với Hôm qua, hôm nay và hôm sau (NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2006) của Vũ Trọng Quang, có thể độc giả sẽ tìm thấy nhiều giây phút lắng đọng. 
20/4/2006
Ngọc Anh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...