Bến Xuân bình bài thơ
"Sóng thần" của Ngọc Châu
Sóng thần
Anh như con thuyền vênh váo
Thẫm nắng mưa,
giông bão cuộc đời.
Loen khoen mỗi đận ra khơi
Vét về
chỉ mấy mảnh trời vụn vênh
Chẳng ao ước được lênh đênh
Chẳng còn
trông ngóng
ráng
lành chân mây.
Neo ẩn rồi,
mà chiều nay
Núi vụn tan,
đất trời xoay,
biển gầm.
Cố tình em,
hóa sóng thần.
Bắt anh muôn kiếp, vạn lần phù du...
Ngọc Châu
Lời bình:
Bài thơ “Sóng thần” của Ngọc Châu làm cho tôi chìm trong một cảm xúc thật khó
nói hết thành lời. Hạnh phúc vì cảm nhận được một tình yêu khôn cùng…, xót lòng
vì có lẽ khó tìm được sự vẹn nguyên từ tình yêu ấy…, cả cảm giác chơi vơi vì sự
thiếu hụt cứ dâng lên từ những vần thơ… Tất cả, mà vẫn là chưa đủ!...
Bài thơ có một kết cấu lạ: hai câu đầu đi theo một cấu trúc riêng với 6 chữ
(câu 1) và 7 chữ (câu 2), còn phần sau của bài thơ hoàn toàn là thơ lục bát,
nhưng cách ngắt dòng cũng không theo một quy luật nào, để cùng làm nên một trường
cảm xúc với những bất ngờ liên tiếp.
Hai câu đầu là một tự khúc:
“Anh như con thuyền vênh váo
Thẫm nắng mưa,
giông bão cuộc đời”
Cách so sánh thật lạ: “Anh như con thuyền vênh váo…”. Xưa nay, người ta vẫn thường
ví người con trai như con thuyền đi khắp chốn cùng nơi, chân trời góc biển, và
con thuyền ấy giống như cách miêu tả của Tế Hanh, phải là “Phăng mái chèo mạnh
mẽ vượt trường giang…”, nghĩa là đẹp và khỏe! Nhưng Ngọc Châu lại tự nhận mình
là “con thuyền vênh váo” ! Bởi lẽ, cuộc đời từng trải nắng mưa đã làm lòng thuyền
rạn nứt, màu gỗ thẫm đen lại rồi. Có chút gì đó vừa là ngậm ngùi xót xa, lại vừa
ngầm kiêu hãnh, bất cần khi tự nói mình bằng những từ ngữ tưởng chừng như chẳng
lấy gì làm đẹp như thế! Đến những câu sau, cái cách tự nói về mình còn mang
thêm một dư vị chát chua cay đắng:
“Loen khoen mỗi đận ra khơi
Vét về
chỉ mấy mảnh trời vụn vênh
Chẳng ao ước được lênh đênh
Chẳng còn
trông ngóng
ráng lành chân mây”.
Ừ, thời tuổi trẻ đã qua rồi. Bây giờ con thuyền anh mỗi chuyến ra khơi chỉ là
“loen khoen” thôi, chẳng dám ra khơi xa nữa! Và vì thế mà thuyền anh thu về
cũng chỉ là “Vét về chỉ mấy mảnh trời vụn vênh”. Một loạt các từ được dùng vô
cùng đắt: từ láy “loen khoen” để chỉ một không gian quá nhỏ bé, quẩn quanh;
“vét” để nói về sự vớt vát trong tuyệt vọng, và “mảnh trời vụn vênh” đã làm cho
người ta phải bất ngờ vì sản phẩm thu về là “trời”, nhưng lại là “mảnh”, đã là
“mảnh” lại còn “vụn vênh” nữa! Nghĩa là không có gì cả, không có gì hết! Ngay cả
cái bầu trời hy vọng kia cũng đâu có được! Cho nên, sự an bài trong suy nghĩ và
cách sống cũng là điều dễ hiểu: “Chẳng ao ước… chẳng trông ngóng…”. Tưởng như
không gì có thể làm cho thuyền anh thay đổi nữa! Phải chăng đã bắt đầu hình
thành trong anh một sự chai cứng, trơ lì?
Nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra: Em xuất hiện! Em là sóng thần làm thay đổi mãnh
liệt cuộc đời anh!
“Neo ẩn rồi,
mà chiều nay
Núi vụn tan,
đất trời xoay,
biển gầm.
Cố tình,
em hoá sóng thần.
Bắt anh muôn kiếp, vạn lần phù du...”
Sóng thần có thể làm “núi vụn tan”, làm “đất trời xoay, biển gầm”, em cũng thế,
em làm tâm hồn anh nổi bão tố phong ba. Thì ra, anh đâu đã chai sạn trơ lì như
anh từng tưởng thế! Em có điều gì mà khiến anh “muôn kiếp, vạn lần phù du”? Những
lượng từ chỉ sự vô hạn “muôn”, “vạn” đã tột cùng hóa cái cảm giác bỏng cháy của
một tình yêu bất ngờ không thể kìm giữ, không thể lặng im! Đọc những câu thơ
này, tôi muốn khóc quá! Khóc vì cảm động trước một tình yêu mãnh liệt nhường ấy!
Xin tặng nhà thơ Ngọc Châu mấy câu thơ này của tôi thay cho lời kết:
“Làm sao trốn được mắt nhìn
Tim anh mảnh vỡ đau em mất rồi!
Đã qua bao nỗi khát đời
Mà không qua được nụ cười của em
Đừng nhìn như thế, xin em!
Đời ong vắt mật khát thèm cho ai?...
Biển đêm quặn ngọn sóng dài
Trái tim gào thét… mặc ai vô tình!...”
Bến Xuân
3/7/2013 Ngọc Châu
3/7/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét