Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Cảm nghĩ sau khi đọc tập thơ "Cảnh và tình" của Lâm Văn Lan

Cảm nghĩ sau khi đọc tập thơ
"Cảnh và tình" của Lâm Văn Lan

“Con đò văn chương” vô tình khiến xui tôi bắt gặp sự gần gũi với tập thơ "CẢNH VÀ TÌNH"(NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2006) của một tác giả là Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tp. Cần Thơ, từng nhiều năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ ca Ninh Kiều, người thầy giáo về hưu: Lâm Văn Lan. Ông đã thể hiện trong tập thơ mình những tình cảm thiêng liêng với lãnh tụ, tình yêu quê hương đất nước, với nghề và sự lạc quan yêu đời trong những phút cao hứng khi bắt gặp nàng Xuân.

Không màu mè bởi “Lời ngỏ” hay nhờ một tác giả có tên tuổi nào đó trong làng văn viết bài giới thiệu, mở đầu tác phẩm của mình, tác giả gửi gắm “Đôi dòng tâm sự” qua những câu lục bát mượt mà. Mười sáu câu thơ đã nói hết những gì cần nói về cái duyên, cái nợ với văn chương, về quê hương, tên đất, tên người, về thiên nhiên cỏ cây hoa lá:
“Ngày xuân bóng đã xế chiều
Tiếng lòng xin góp đôi điều dở, hay…”
Viết về Bác Hồ là một đề tài rất khó! Hình tượng Bác luôn có mặt khắp nơi, in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh Bác xuất hiện trong giấc mơ của bé thơ, theo bước chân hành quân của chiến sĩ, vào đêm trăng đứng gác giữa rừng Trường Sơn… Lẽ dĩ nhiên hình ảnh ấy không thể thiếu vắng được trong “Đêm pháo hoa trên bến Ninh Kiều” mừng Quốc Khánh. Phảng phất đâu đó trong thơ của Lâm Văn Lan như làm tái hiện lại những vần thơ thép mà vẫn đậm tính nhân văn của Người, những tác phẩm của các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Trần Chung, Huy Thục hay của nhà thơ Tố Hữu… Để rồi khi cảm thấy đuối sức vì mâu thuẫn giữa một bên là sự hữu hạn của kiến thức văn học nghệ thuật và bên kia là sự vĩ đại, lớn lao của cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, tác giả đã thốt lên:
“Thơ của anh của em
Không tài nào thể hiện!”
(Xin để Người an nghỉ)
Phần II mang tên QUÊ HƯƠNG có thể thấy chính là phần trọng tâm của tập thơ thể hiện ở số lượng và sự miệt mài lao động nghệ thuật của tác giả. Quê hương không chỉ bắt đầu từ Nam Định, nơi sinh quán:
“Chào thành phố dệt anh hùng
Truyền thống Thiên Trường đỏ chiến công…”
(Một thoáng chiều xuân trên thành phố dệt)
Quê hương không chỉ giới hạn ở Cần Thơ, nơi dừng bước trường chinh:
“Cần Thơ đẹp lắm mình ơi!
Yêu mình ta đến tận nơi tìm mình…”
(Cần Thơ đẹp lắm mình ơi)
Với Lâm Văn Lan, quê hương của ông cũng là đất nước. Quê hương có cây đa, bến nước. Quê hương là ruộng lúa, con đê. Quê hương ở dòng sông với cây cầu mới bắc. Quê hương từ câu hát, lời ru. Quê hương yên nấm mồ đồng đội. Quê hương nồng hương bưởi, hương chanh. Quê hương thấp thoáng bóng hình người con gái. Quê hương day dứt nỗi niềm thương nhớ vợ hiền:
“Mình ơi! Có thấu sầu ly biệt
Vò võ thân già kiếp thế gian…”
(Trước mồ hoa)
Bài thơ mang đậm tâm tư của tác giả nhất và cũng để lại ấn tượng nhất cho người đọc, theo tôi có lẽ là bài “Vì câu Kiều ấy”. Tác giả khéo léo dẫn dắt độc giả qua hình thức kể chuyện. Việc sử dụng những câu phương ngữ rất đặc trưng của miền Bắc đã mang lại thành công khi diễn tả sự ngượng ngập, ngây thơ trong trắng của cô gái lần đầu yêu và được yêu:
“Thế rồi lửng lửng… lơ lơ…
Muốn yêu nhưng cứ giả vờ: Ứ yêu!”.
Đặc biệt mang tính nghệ thuật hơn cả chính là việc dẫn chứng những câu “Kiều” thay cho lời “Ngỏ” và  câu “Trả lời” của cặp uyên ương, nghe rất thơ. Có thể nói, đối với tác giả Lâm Văn Lan, “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, cũng chính là một phần của quê hương vậy!
Sinh năm 1942 tại Vụ Bản, Nam Định, theo con vào sống ở Cần Thơ từ  năm 1994, sau khi đã nghỉ hưu, qua bốn chục năm theo đuổi sự nghiệp “trồng người”, đi từ Bắc vô Nam, tác giả đã khắc họa nghề dạy học với những bước đi thăng trầm, vượt muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ thời Pháp thuộc đến ngày Bắc Nam thống nhất. Tâm huyết với nghề của tác giả mà cũng là nói hộ bao thầy cô giáo khác là sự bền bỉ, chấp nhận hy sinh “rút ruột con tằm” (bài Nước non duyên nợ) để đời sau “Sáng mãi nét tinh khôi” (bài Sáng nét tinh khôi). Nghe tiếng trống trường mà tưởng đâu “tiếng trống đời” (bài Tiếng trống đời) đã từng giây gõ nhịp, nhắc nhở. Tư tưởng triết lý truyền thống về sự thanh cao của “người thầy” nhiều lần được nhắc đến trong thơ ông.
Theo bước chân tác giả, người đọc hóa thân vào từng trang viết, đến “làng Thơ” (bài Đằm thắm bên nhau) để gặp gỡ “nàng Xuân” (bài Tâm sự với nàng Xuân). Ở đây sức vóc của sự trẻ trung năm nào bất chợt trỗi dậy mãnh liệt trong con người tác giả Lâm Văn Lan. Ông cảm thấy ngập tràn sức sống thanh xuân. Tác giả cao hứng muốn cất cao lời ca tiếng hát, muốn hòa mình vào với “Xuân” để được đắm say, rạo rực, ngây ngất yêu thương.
“Nếu như Xuân cũng yêu tôi
Tôi xin dâng cả đất trời cho em”.
(Hình như)
Giá như thời gian không gấp và sức khỏe không suy giảm của ông trong thời gian chuẩn bị xuất bản tập thơ này, hẳn một vài khiếm khuyến sẽ được khắc phục. Điều tôi muốn nhắc đến ở đây là tính nghệ thuật chưa hoàn toàn chinh phục độc giả ở một vài bài; một ít câu chữ bị lỗi trong bản thảo và sự sắp xếp khá lộn xộn ở phần cuối. Lẽ ra những bài: “Ngắm chị, ngắm anh”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Một thời”, “Kiếm bạn tâm giao”, “Cám ơn ai bắc nhịp cầu”, “Duyên nợ”, “Đằm thắm bên nhau” phải được xếp ở phần II (Quê hương). Có thể thông cảm cho tác giả vì lúc này ông vừa phải vật lộn, níu kéo với thời gian vừa tiếp tục “nhả tơ”.
Thơ Lâm Văn Lan giản dị, mộc mạc, từ ngữ dễ hiểu, không khuôn sáo, cầu kỳ nên dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, nội dung phù hợp với đường lối văn nghệ của thời kỳ đổi mới. Có thể xem đây là điểm mạnh của ông. Tác giả cũng sử dụng khá thuần thục các thể thơ truyền thống như lục bát, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, tứ tuyệt trường thiên, tự do và thể thơ 5 chữ. Hình thức trình bày sạch sẽ, phông chữ đẹp và rõ ràng. Bìa tập thơ in đẹp, tính nghệ thuật cao. Mong rằng độc giả và những người yêu thơ chúng ta còn được đón nhận những tác phẩm mới của ông.
7/9/2006
Nắng Xuân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...