Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Nghe "Tiếng chim báo nước" của Lê Tân

Nghe "Tiếng chim báo nước"
của Lê Tân

“… Tiếng chim cứ cất lên âm vang! Âm vang!
Ấm giữa không gian
thăng trầm
con nước”.
Đó chính là “Tiếng chim báo nước” trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Lê Tân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh. Sinh năm 1946 tại Long Toàn, Duyên Hải, vùng quê hương xa xôi miệt biển ở đồng bằng sông Cửu Long, tuổi thơ của Lê Tân gắn liền với dòng triều lên xuống, để hàng ngày nghe “âm ba những dòng sông” bên lở, bên bồi. “Tiếng chim báo nước” “dung dị” cứ “đều đặn”, “mải mê”, “tháng năm không nghỉ” đi từ cuộc đời vào trong thơ anh. Không phân chia ra từng mảng riêng biệt, nhưng đề tài về tình yêu quê hương đất nước, về tình đất, tình người, về tình đời hòa quyện trong thơ anh mặn mà, đằm thắm. Tập thơ được Nhà xuất bản Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh cấp giấy phép ấn hành.
Đã có rất nhiều tác giả xưa và nay, cả văn xuôi cũng như thơ, khai thác mảng đề tài về biển. Có không ít những ấn phẩm đã thành công và nổi tiếng trên văn đàn. Có thể điểm qua “Cái rét đầu mùa nhớ người đi phía biển” của Chế Lan Viên, “Biển” của Xuân Diệu, “Sóng“, “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh, “Biển” của Nguyễn Thị Hồng Ngát, “Thư cho em viết ở biển” của Hữu Thỉnh, “Đứng trước biển” của Vũ Quần Phương, “Chút thư tình của người lính biển” của Trần Đăng Khoa v.v… Thơ về biển của Lê Tân mang một sắc thái rất riêng của người sinh ra và gắn bó với xứ biển phương Nam:
“Biển mênh mông và xanh biếc một màu
Đằm thắm vậy, muôn đời bền bỉ…”
(Thơ và biển)
Biển có lúc “ầm ào, giận dữ”, xua những con “sóng bạc đầu”, thành “giông bão trùng dương”, nhưng cũng có lúc dịu dàng, êm ái. Biển còn là người tình khát vọng, mòn mỏi đợi chờ:
“ Tội tình chi con sóng cứ xa xăm…
Cứ vỗ mãi… đến bạc đầu năm tháng
Cứ hát mãi khúc tình ca bi tráng
Cho mỏi lòng mong đợi ngày đêm”
(Tình biển)
Những đặc trưng của biển được Lê Tân lần lượt điểm qua, diễn giải bằng những tứ thơ mộc mạc, giản dị như dẫn người đọc qua từng nẻo đất, đến với mỗi cuộc đời, mỗi số phận. “Màu hoa muống biển”, ngọn “Rau đắng đồng”, cánh “Hoa xương rồng trắng”…  thủy chung son sắt, vượt lên trên những khó khăn, sóng gió như tình đất, tình người ở miền quê Duyên Hải vậy. Với anh:
“Biển là cuộc đời
Là quê hương ta đó
Biển cũng là em. Và là… tất cả!”
(Với biển mênh mông)
Mảng đề tài thứ hai, gắn bó hơn cả không những chỉ với riêng Lê Tân mà còn với nhiều tác giả khác chính là quê hương. Quê hương trong thơ Lê Tân là người mẹ già “lưng còng” một nắng hai sương nhưng “dạt dào tình nghĩa đại dương”. Quê hương là “bến nước, con đò” bên dòng sông Trà Cú hiền hòa, thơ mộng, “trắng muốt những cánh cò”, thoang thoảng “hương hoa sao”, vang vọng “tiếng đàn xưa” của chàng Thạch Sanh nghèo mà đầy ắp lòng bao dung, “nghĩa hiệp”… 
“Đi xa
Càng nhớ quê nhà
Nhớ canh rau đắng
Mưa già cuối thu…”
(Nỗi nhớ quê nhà)
Quê hương trong thơ anh vàng ươm sắc nắng, nôn nao ngọn chướng, giòn tan tiếng giã cốm cụp… cùm… cum (Nhớ về quê ngoại). Quê hương trong thơ anh vang vọng tiếng mõ, hồi kinh ở chùa Giác Ngộ, nơi ánh chiều “nghiêng cuối đất” (Sa Văng). Quê hương trong thơ anh cũng xanh mướt vườn cây trái, “trinh nguyên”, chợt “bừng lên chật ních” trả công người nông dân bao đời vất vả, lăn lộn với ruộng đồng (Màu xanh cồn Bần Chát). Quê hương trong thơ anh chân chất mà cũng thật mượt mà, đượm âm hưởng ca dao:
“Về đồng nhớ dấu chân chim
Về sông nhớ tiếng con bìm bịp kêu”
(Nhớ đồng)
Hay:
“Cầu Ngang mà lại bắc xuôi
Ai về quê biển theo tôi thì về…”
(Từ một câu ca dao miền biển)
Đọc những câu như thế cảm thấy ấm áp, bâng khuâng! Nếu ở “Nhớ đồng” cho cảm xúc da diết, bồi hồi, thì ở “Từ một câu ca dao miền biển” mang lại sự ân cần, chân tình, mời mọc. Có lẽ Lê Tân đã thành công khi thể hiện những câu thơ đi vào lòng người và gắn bó để trở nên bất tử với thời gian như những câu vừa được trích dẫn trên đây. 
Không dừng ở đó, mảng đề tài thứ ba là những tâm tư gởi gắm mà Lê Tân muốn trải lòng mình với mỗi tấc đất, với mỗi nẻo đường, với mỗi cuộc đời đã mà anh có duyên gặp gỡ. Trước tiên là với những người bạn thơ:
“Thơ phải là người lính của chiến trường”
… Thơ là hơi thở bao trùm cuộc sống!”
(Với những bạn thơ yêu mến của tôi)
Hoặc:
“Mỗi bài thơ là một cuộc đời
Cuộc đời thực. Và cuộc đời siêu thoát
Thơ là trọn vẹn một tâm hồn cao đẹp nhất
Là tinh hoa, khí phách của nhà thơ”
(Thơ và nhà thơ)
Bất chợt, tâm hồn nhà thơ trở nên lâng lâng khi bắt gặp hình dáng những cô gái An Bình “dịu dàng, duyên dáng” như những nàng tiên xưa trong truyền thuyết, một phút lãng mạn điểm tô cho cuộc sống (Đêm ngủ ở An Bình). Một thoáng bùi ngùi tưởng nhớ những chí sĩ, văn nhân thuở trước, muốn được cùng “so dây” hòa điệu với người xưa:
“Chiều buông nắng ấm giữa đời
Mấy trăm năm vẫn biếc ngời sắc thiêng”
(Chiều Văn Xương Các)
Mải miết đi và trải những thăng trầm, kể cả khi đã hòa bình, được giao trọng trách phụ trách công tác văn nghệ tỉnh nhà, không khi nào Lê Tân nguôi nỗi nhớ về những vùng quê, nhớ những người mẹ, người chị đã không tiếc máu xương, chở che cho chiến sĩ. Chính nghĩa tình sâu nặng ấy đã cho anh “mắt sáng, lòng trong” để nhìn đời và để đối nhân, xử thế:
“Ba mươi năm lẻ, đời viễn xứ
Gặp lại tình quê, bao nhớ mong...
Mẹ ta nằm đó trong lòng cát
Cho ta nằm đây giữa đất giồng”
(Đường xuân)
Qua thơ của Lê Tân, người đọc có cảm giác như đang đứng trước những nhân chứng sống, cảm thông với từng nhân vật, mỗi trang đời. Nghệ thuật mượn lời nhân vật để chuyển tải điều cần nhắn nhủ đã được anh thể hiện rất sâu lắng trong “Ông già canh giữ nghĩa trang” và “Người giữ xe đạp bên vệ đường”. Hãy thử lắng nghe tâm sự của những người lính già:
“Ai bảo nơi này là bãi tha ma
Già canh giữ nghĩa trang - là giữ cái hôm qua”
Và:
“Giờ già rồi, giải ngũ. Thế thôi!
Giờ già rồi, giữ xe đạp kiếm cơm
Cuộc sống khó chung - Ai người chẳng khó?”
Cũng dễ hiểu thôi vì chất lính trong những con người cựu chiến binh kia chưa hết, họ vẫn còn muốn “góp chút phần mình cho xã hội ổn yên”.
Tập thơ dẫn độc giả theo bước chân Lê Tân: từ miệt biển Hà Tiên đến tận Tân Trào, từ Đồng Tháp Mười đến Chí Linh, từ Cần Thơ, lên Sài Gòn, qua Đà Lạt, ra Huế, vượt không gian tới tận Tô Châu, Thượng Hải, Quế Lâm (Trung Quốc), ngược thời gian tìm gặp những vĩ nhân, đến với những thiên tình sử xa xưa… Một thoáng bùi ngùi trước “Đá vọng phu”. Một chút miên man khi bắt gặp “Bông mua nở trên đường anh trở lại”… đều gợi nhớ về những trang kỷ niệm. Ở đâu anh cũng nhanh chóng hòa nhịp, để rồi chắt lọc ghi lại thành nét khắc họa riêng, rất riêng. Càng đọc càng thấy cuốn hút! Càng đọc càng thêm quyến luyến, khó rời! Với 57 bài thơ, trong đó có bốn bài đã được phổ nhạc, “Tiếng chim báo nước” là một tập thơ hay ghi lại tâm tình của một người con xứ biển sẽ mãi mãi đọng lại trong lòng bạn yêu thơ. 

Cần Thơ, 3/7/2006 
Nắng Xuân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...