Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Chút hương của ngày cũ

Chút hương của ngày cũ

Phần I
Về tới cái cổng làng sau lũy tre xanh mướt, tôi dừng lại ngắm kỹ hơn, có một chút bồi hồi, xao xuyến. Từ ngày cả nhà tôi chuyển lên kinh thành đã hơn 10 năm rồi, vì hồi ấy cha tôi làm một chức quan nhỏ ở kinh đô, kéo theo cả gia đình đi. Vậy là đã hơn 10 năm tôi xa quê. Tôi vẫn nhớ những chiều chiều chăn trâu cắt cỏ sau cánh đồng làng.
Tôi gọi thằng bé tóc để trái đào, một tay đeo túi vải, một tay dắt theo con ngựa.
- Con nhìn xem. Đây là làng của ta đấy.
Thằng bé vuốt ve cái bờm ngựa trắng, ngước nhìn lên theo tay tôi chỉ, đọc to tên cổng làng:
- Chữ “môn” thì con đọc được rồi, còn chữ ở sau thì con không biết đọc, thưa cậu.
- Đó là chữ “hồng” đấy, “hồng” trong chim hồng, có nghĩa là lớn con à.
- Dạ, con hiểu rồi thưa cậu.
Thằng bé nói với con ngựa:
- Bạch mã à, là “Hồng môn” đấy nhớ chưa. Lần sau mày có về thì đừng quên đấy nhé.
Tôi mỉm cười nhìn khuôn mặt ngăm ngăm của thằng bé. Đôi mắt nó trong sáng và tinh anh, cái cổ cao ló ra trong chiếc áo nâu đã sờn màu, có cả miếng vá trên vai. Tôi kêu lên:
- Chết thật! Sao con lại mặc đồ vá thế này? Áo mới đâu sao không mặc? Về quê thì phải đẹp một chút chứ con.
Thằng bé gãi đầu, cười hề hề:
- Mợ mới mua nên con để dành cho mới. Con sợ đi đường xa bụi, lại hỏng hết cả áo.
Tôi bảo:
- Con cũng thật là...
Có cô gái nãy giờ vẫn thu hút sự chú ý của tôi. Cô gái quê ấy để tóc đuôi gà, đội nón quai thao, chiếc áo mớ ba mớ bảy. Trông chừng nàng chắc khoảng 15, 16 tuổi. Đôi mắt đen láy kì lạ và quen quen. Tôi có cảm giác tôi đã gặp ở đâu rồi, mà mãi không nhớ ra.
Thấy tôi nhìn mãi, nàng ngượng ngùng, mặt đỏ ửng lên:
- Dạ, con chào quan lớn. Dạ thưa, hình như quan lớn không phải người làng này?
Cô gái này cũng láu lỉnh quá nhỉ. Tôi còn chưa kịp hỏi gì thì nàng đã nói một tràng rồi.
Tôi đáp lại:
- Tôi trước cũng quê ở đây. Tôi từ kinh thành mới về.
- Ra là quan lớn từ kinh thành mới về ạ. Vậy mà con cứ tưởng khách nào đến đây. Con mời quan lớn vào làng, đi qua cái đình kia là đến ngay nhà lý trưởng đấy ạ.
Cô gái bỗng bật cười khanh khách. Điệu cười trong trẻo ấy khiến tôi bất giác cũng cười theo. Tôi đập trán mình, suy nghĩ. Tôi nhớ ra khuôn mặt ấy giống ai rồi.
Người con gái ấy là Xoan. Tôi đã từng gặp nàng trong một buổi chiều lạnh giá cách đây nhiều năm. Hôm ấy, gió hun hút thổi dài trên những con đường làng phơi đầy rơm rạ vừa mới gặt. Đám trâu bên đồng thung thăng gặm cỏ.
Nàng thu hút sự chú ý của tôi bởi cái áo nâu ôm khít lấy eo, đôi bàn chân trắng ngần hé lộ dưới chiếc quần lụa dài đen bóng. Nhưng đôi mắt đen lấp lánh của nàng có vẻ u sầu, đôi môi đỏ thắm hé mở khi trông thấy tôi.
- Dạ, thưa cậu mới về ạ.
Tôi bỏ chiếc mũ đội đầu xuống, chào:
- Chào cô Xoan. Lâu lắm rồi không gặp cô. Cô vẫn nhận ra tôi ư?
Nàng cười bẽn lẽn:
- Dạ vâng. Con vẫn nhận ra cậu. Dù cậu cũng đã khác đi nhiều. Cậu đi học trên tỉnh trông cũng chững chạc hẳn lên, người cũng khỏe mạnh thêm nữa.
Tôi cười ngượng ngùng:
- Cô quá khen tôi rồi. Cô trông cũng phổng phao ra đấy. Suýt nữa tôi chẳng nhận ra.
Phải rồi. Nàng đã chẳng còn là cô gái gày gò khi xưa hay cùng tôi đi thả diều ngoài đồng nữa.
Thấy tôi chìm trong ý nghĩ, cô gái cười khanh khách nhìn tôi vẻ kỳ lạ. Con ngựa hí lên một tiếng làm tôi bất giác giật mình.
- Sao vậy thưa ông? Có phải con nói gì sai không ạ?
- À không. Tôi đang nhớ tới một người. Không biết cô có quen không?
- Dạ thưa, ông hỏi ai ạ? Nếu người ấy còn ở đây thì con biết thưa ông.
- Mấy năm trước... à... là 10 năm trước đây. Cô ấy tên là Xoan. Cha cô ấy là cụ đồ Hoài.
Nghe nói đến chữ Xoan, cô gái nhỏ chợt câm lặng. Mãi lúc sau, mới cất tiếng:
- Dạ thưa, dì ấy mất lâu rồi ông ạ. Dì ấy đi ngoại tình rồi bị người ta thả bè trôi sông. Con xin lỗi ông. Con phải đi trước rồi ạ.
Cô gái nhỏ lấm lét nhìn tôi, ánh mắt tinh nghịch không còn nữa, vừa đi vừa ngoảnh đầu lại. Nhưng bước chân càng ngày càng xa.
Tôi vẫn còn sững sờ, ôm lấy tim.
- Sao? Sao lại thế chứ?
Thằng bé theo hầu đỡ tôi lên ngựa:
- Cậu ơi, cậu đi vào làng đã rồi hãy hỏi chuyện. Đi vào nhà lý trưởng trước đã cậu nhé.
Con ngựa trắng để tôi xuống trước cửa nhà lý trưởng. Căn nhà hai gian rộng rãi với mái đỏ. Phía trước, một cái chum đựng đầy nước cùng với một chiếc gáo dừa. Cái ao lớn ở sân thả đầy sen. Cái đuôi con ngựa trắng vẫy vẫy một cách thong thả. Lý trưởng và mấy cụ tiên chỉ, thừa chỉ trong làng chạy ra đón:
- Ôi trời ơi, quan Tri phủ đại nhân ở kinh thành đây mà. Sao ngài không báo trước cho chúng con ra đón ngài chứ. Ngài không áo gấm vinh quy về làng thì cũng dặn trước để chúng con ra đón chứ ạ.
Họ sụp xuống lạy, làm như trời sắp vỡ đến nơi.
- Mau mau! Chúng bay đâu! Gọi đội lễ nhạc ra đón rước quan về làng.
Tôi xua tay mệt mỏi:
- Thôi thôi, không cần đâu. Ta về làng là không muốn cho các người đón rước trước. Các người làm như thế là phụ lòng ta.
Lý trưởng vẫn mặt mày xanh như tàu lá, lạy lên lạy xuống mấy lần nữa:
- Dạ, chúng con có điều gì không phải xin ngài bỏ quá cho. Bây giờ, con xin mời ngài vào trong dùng bữa ạ. Chúng bay đâu! Mau đem bào ngư lên đây. Dọn bữa thật thịnh soạn vào.
- Ta không cần cầu kỳ đâu. Bình thường các ngươi ăn như thế nào thì cứ ăn như thế - Tôi nói, thong thả ngồi xuống chiếc võng mắc ở đầu hè.
Hai tên gia nhân vội vàng đứng ra quạt mát. Thằng bé theo tôi đứng hầu bên cạnh.
Thấy tôi thở dài, lý trưởng đứng hầu ở bên, hỏi:
- Dạ thưa, nhà bếp đang làm bữa rồi. Có chuyện gì không hài lòng, xin ngài cứ nói để chúng con sửa ạ.
- Không phải chuyện đó. Ta về đây là vì có trát của quan trên muốn thị sát tình hình ở dưới đây thế nào, có ai kiện cáo gì không. Đồng thời, ta cũng muốn hỏi về một người tên là Xoan, cha là cụ đồ nho Hoài. Các ngươi có biết không?
Lý trưởng gãi đầu:
- Dạ, chuyện đó con biết ạ. Nhưng mà, cô ấy đã mất lâu rồi ạ.
- Cô ấy mất từ bao giờ?
Trông thấy mắt tôi đỏ hoe, lý trưởng dịu giọng lại, không dám thở mạnh:
- Dạ, cũng được ba năm rồi ạ.
Tôi giật nảy mình, ngẩng lên:
- Mất ba năm nay rồi sao?
- Dạ, là do ngoại tình ạ.
- Sao cứ nhắc đi nhắc lại chuyện ấy thế? - Tôi gằn giọng. Lý trưởng giật nảy mình.
- Dạ, con không cố ý. Xin ngài bỏ quá cho ạ.
Tôi bảo:
- Người nhà cụ Hoài còn có ai không? Ngươi gọi họ cả lên đây.
- Dạ vâng - Lý trưởng khúm núm, quay ra hất tay cho lũ gia nhân.
- Bay đâu! Mau đi mời người nhà cụ Hoài lên đây, quan lớn có chuyện muốn nói.
Lát sau, thấy một người đàn ông chừng ngoại tứ tuần, đầu đội khăn, mặc áo nâu, quần nâu chạy đến, đứng khép nép, run rẩy:
- Dạ thưa, quan lớn dạy gì con ạ? Bẩm, chúng con xưa nay làm ăn lương thiện. Cũng chưa từng đắc tội với ai. Có gì xin ngài cứ dạy bảo con ạ. Cả nhà con... Con xin đội ơn ngài.
Tôi đỡ người đàn ông gương mặt khắc khổ, nước da ngăm đen vừa quỳ lạy xuống đứng lên, lấy từ trong dải rút quần ra, đưa cho một đồng bạc:
- Nhà ngươi mang về mà nuôi mấy đứa bé. Nhưng nhà ngươi thật sự không nhớ ta sao? Ngày trước ngươi vẫn bế ta mà. Không nhớ ư?
- Dạ thưa, con có nhớ chứ ạ. Ngài ngày xưa vẫn chơi thân với cháu gái bên ngoại của con. Nhưng ngài là bậc cao quý, sao con dám nhận ạ? Con đội ơn ngài. Nhưng nhà con cũng đủ ăn rồi ạ, nên có lẽ không cần.
Người đàn ông đưa vào tay tôi tờ tiền nhưng tôi liền giúi lại. Lý trưởng nói thêm vào:
- Ngài đã cho thì cứ nhận đi.
Người đàn ông sợ hãi:
- Dạ vâng, cảm ơn ngài.
Tôi quát:
- Nhưng mà sao chỉ có mỗi nhà ngươi đến thế? Những người khác đâu cả rồi.
Lập tức, người đàn ông tội nghiệp lại sụp xuống lạy thêm mấy lần nữa:
- Dạ bẩm, nhà bên nội của cháu con đã dời làng đi từ ba năm trước rồi ạ. Giờ chỉ còn nhà bên ngoại là chúng con, vì nó là “nữ nhi ngoại tộc”.
Tôi kinh hãi:
- Sao cơ? Vì chuyện nhỏ này mà phải dời đi? Đầu óc các ngươi bị sao vậy hả? Ôi trời ơi!
Tôi lấy khăn tay lau nước mắt. Người nông dân đứng tuổi ấy mắt cũng đỏ hoe.
- Chú Sinh, chú kể rõ ràng cho tôi nghe xem. Ba năm trước đã xảy ra chuyện gì.
- Dạ bẩm, vâng ạ.
Người đàn ông kể lại. Xoan lấy chồng từ 5 năm trước. Cô gái má đỏ môi hồng không biết bao chàng trai phải thầm thương trộm nhớ rốt cuộc đã chịu lấy một người đàn ông vai vế trong làng, một người đàn ông lớn tuổi hơn cô rất nhiều, và đã có tới 6 bà vợ như miếng dấm chua. Xoan càng ngày càng gầy, hanh hao đi nhiều. Duy chỉ có đôi mắt vẫn to và đen tròn. Đôi mắt ấy mỗi khi nhắc về kỷ niệm xưa thì lại long lanh, ươn ướt. Xoan có một người con trai với người chồng ấy. Nhưng đứa con gày gò, ốm yếu, mới đẻ ra đã mắc bệnh hen suyễn. Bệnh càng ngày càng nặng, được hơn một tuổi thì mất. Xoan bị chồng đánh đập suốt ngày, không đẻ thêm được đứa con nào nữa. Mấy bà vợ trước thì chửi mắng thậm tệ. Là vì họ vẫn ghen với vẻ đẹp của Xoan. Xoan lấy chồng rồi mà đôi mắt vẫn lúng liếng, dù dự hội với tấm áo rách vai, vá chằng vá đụp, thì đám con trai vẫn phải liếc mắt đưa tình, buông lời trêu ghẹo. 2 năm rồi, người con gái ấy vẫn giữ được trái tim đoan chính, chưa hề ô nhục.
Ba năm trước, người ta trông thấy nàng bị đánh tơi tả, quần áo rách bươm, tóc tai rũ rượi, mặt mày đầy sẹo ngang sẹo dọc đi liêu xiêu trên đường làng. Đi đằng sau là đám trẻ con đang la ầm lên: “Con điên! Con điên chúng mày ơi!”. Mấy người biết hơn thì thào: “Nó ngoại tình, trốn đi theo trai! Trốn đi theo trai đấy! Nên mới bị nhà chồng đánh cho chết đi sống lại. Hôm qua, tưởng chết rồi cơ. Thế mà nay lại tỉnh dậy. Rồi cả chiều cứ điên điên như thế!”. Cô Xoan bật cười khanh khách. Gia đình gia giáo, dù có thương yêu con nhưng cũng đành từ mặt, khi gia đình chồng trả lại cô như một món đồ đã quá hạn và không còn giá trị gì nữa. Mẹ cô khóc suốt. Ông đồ không chịu được nhục, đành phải đóng cửa, thôi dạy học. Người làng đều bảo cho con cái học ông ta để mà sau này cũng theo gót “rước voi về giày mả tổ”, rước nhục về nhà sao? Nàng cũng đã từng đi tu một thời gian sau đó, khi đã tỉnh táo trở lại. Nhưng không bao lâu sau, đã ngã xuống giếng mà chết.
Tôi ôm mặt, ngắt lời:
- Chứ không phải các người đã thả bè trôi sông cô ấy sao?
Người đàn ông bình tĩnh đáp lại:
- Dạ không phải. Là người ta đồn thổi như thế.
Mới có ba năm, mà người ta đã quên hết chuyện về Xoan. Cái chết của nàng như thế nào mà cũng không rõ ràng hay sao? Cũng là thương thay cho số phận một khách hồng nhan.
Ngày trở về lại kinh đô, tôi nói với lý trưởng:
- Ta trở về kinh thành lần này sẽ báo cáo với quan trên. Có lẽ xem ra không ai kiện cáo gì.
Nhưng đi qua cái giếng, tương truyền Xoan đã trẫm mình xuống đấy, tôi chợt dừng lại. Nước giếng đen ngòm, in hình mái tóc tôi. Những kỷ niệm của nhiều năm trước lại ùa về. Khi Xoan lần đầu gặp tôi khi ở tỉnh đi học về, Xoan buồn vì mẹ ốm nhưng lại không đủ tiền mua thuốc chữa bệnh. Tôi đã đưa cho Xoan một ít tiền. Chúng tôi lớn lên bên nhau từ nhỏ, nên cũng đã có sẵn tình thương mến.
Nhìn cháu gái của Xoan đi qua cánh đồng trở về nhà, tôi thấy giống cái dáng Xoan đến lạ trong buổi chiều năm ấy, nên muốn gọi to lên: “Xoan ơi!”. Nhưng người đã đi xa nên tôi không tiện gọi lại.
Chuyện của ba năm trước là cái ngày mà tôi không thể quên được. Tôi có dịp ghé qua sau khi đi thi về. Gặp Xoan ở bên đình làng, tôi chuyện trò vài câu. Xoan khóc vì mất đứa con, và cũng không được gia đình chồng thương yêu. Tôi an ủi. Xoan bảo, vốn dĩ trong tim nàng đã có người yêu khác, nhưng vì người ấy đi xa, nên đành phải lấy người cùng làng cho trọn vẹn đạo hiếu. Đã không yêu thì lấy ai mà chẳng được. Nàng lấy một người giàu có cho mấy đứa em nheo nhóc đỡ khổ. Ai ngờ, nàng lại phải chịu những trận đòn “ngứa ghẻ hờn ghen”, thân tàn ma dại.
Tôi khuyên nàng trốn đi và hứa chờ đợi nàng sau một canh giờ nữa. Lúc nàng trở về đóng gói đồ đạc, tôi đứng ung dung bên đình, thì gặp một cô bé khoảng 5,6 tuổi đến chỗ tôi, đưa một lá thư, bảo: “Tôi không thể trốn đi được. Tôi còn có gia đình, bố mẹ tôi. Cậu hãy về nhà đi. Mong cậu hãy sống hạnh phúc”. Tôi thấy buồn bã.
Sau đó, tôi cũng sợ vợ tôi. Lại cứ nghĩ nàng đang sống tốt nên không viết thư về quê hỏi thăm nàng thêm lần nào. Một câu chuyện buồn cứ ám ảnh tôi mãi từ lúc tôi về quê lần ấy cho đến mãi tận sau này. Tôi hối hận thì cũng đã muộn. Phải chăng đã là quân tử thì cứ phải đa tình, đã là "hồng quân" thì cứ bạc phận như vậy?...
Tôi nhìn lại ngôi làng từ phía xa. Hôm trước về còn sáng nắng. Nay đã chỉ còn lại những làng xóm mờ mờ ảo ảo trong làn sương chiều. Những cánh cò bay chập chờn, những rặng núi xanh xanh phía xa, những cây đa, bến nước thấp thoáng bóng người.
Tôi bất giác giục thằng bé đi theo:
- Ta đi thôi.
Thằng bé “dạ” ran rồi cứ thế lầm lũi đi theo sau lưng con ngựa, chốc chốc lại chạy lên vì con ngựa đi quá nhanh.
Hỡi những ngày xa xưa
Sao còn để lại chút hương thừa
Gió trăng vì ai mà ngậm hận
Mặc thời gian thấm thoắt thoi đưa...
Phần II
Tôi chải lại mái tóc, vấn cái khăn lên đầu rồi cắp cái mẹt ra ngoài đi chợ. Bé Hồng lấy gạo từ trong cót ra rồi lũi cũi ngồi dần gạo. Trông thấy tôi, bé cất tiếng:
- Mợ bảy, mợ lại đi chợ ạ.
Tôi ngẩng lên, cười bảo:
- Ừ, Hồng à. Mợ không để ý thấy con. Mợ đi chợ đây. Con ở nhà trông nhà nhé.
- Dạ vâng. Mợ ơi, mợ nhớ về sớm nhé. Không mợ cả và mấy mợ lại mắng đấy.
Tôi không để ý tiếng nói với theo của con bé, bước đi nhanh ra khỏi cổng, đến con đường nhỏ dài hun hút trước mặt. Trời đã gần về trưa. Nắng chói trên đầu. Tôi thở dài, thấy lòng thoải mái hẳn. Từ ngày lấy chồng đến nay, lúc nào tôi cũng cảm thấy ngột ngạt, như không có không khí. May hôm nay lão gia và mấy bà vợ về ăn giỗ ở bên quê nội, tôi mới trốn được ra ngoài lâu lâu một chút.
Tôi trở về nhà lúc trời đã gần tối. Lão gia và các mợ đã về. Anh bếp chạy đến, bảo tôi lên ông gặp. Tôi ậm ừ, đi ra múc nước rửa chân, rồi mới lên tới nhà trên, bước lại phía bên giường chồng tôi nằm.
- Dạ thưa, mình gọi em lên. Hai cụ có khỏe không ạ, thưa mình?
Chồng tôi đang nằm hút xái, tiện thể đạp cho tôi một cái. Tôi nén đau và uất hận, mắt rưng rưng nhưng không dám khóc. Lát sau, chồng tôi trở mình, ngáy khò khò.
Tôi buông mành cửa xuống rồi bước ra ngoài. Nhưng đã có một người đàn bà chặn ngay ngoài cửa, liếc xéo tôi:
- Vừa mới về đến nhà, đã gọi ngay vợ bảy vào rồi. Thế mà giỗ bên nội có thèm về đâu.
Tôi bảo:
- Mợ năm, không phải là tôi không muốn đi. Chẳng phải cụ không ưa tôi, bảo tôi có số hãm phu, hại chồng hại con, không muốn nhìn mặt tôi hay sao?
Mợ năm cười:
- Thế chứ không phải à? Chỉ vì lão gia bị con hồ ly tinh như cô bỏ bùa mê thuốc lú nên mới rước cô về đấy thôi. Có con mèo nào lại chê mỡ đâu chứ. Nhưng lẽ ra ông ấy phải bỏ cô lâu rồi. Đâu ra cái ngữ như cô chứ, hại chết cả con.
Tôi ứa nước mắt, nhìn người đàn bà tóc đã lấm tấm hoa râm ngoay ngoảy bỏ đi.
Mợ sáu cũng bĩu môi với tôi khi đi ngang qua.
Năm ngoái, tôi đẻ đứa con, nhưng nó đã bị mất vì bệnh hen suyễn. Tôi tưởng như không thể chịu đựng nổi, cứ ngất lên ngất xuống mấy tháng liền. Sau phải uống thuốc của cụ lang làng bên mới khỏi. Từ đợt ấy, tôi sụt cân, người cũng hốc hác đi nhiều.
Bé Hồng ngồi chải tóc cho tôi, vẫn khen:
- Mợ ơi, mợ vẫn đẹp lắm. Mắt mợ đen láy, sáng long lanh. Tóc mợ đen, dài mượt.
- Thôi thôi, con không thấy mỏi miệng sao? Đã đến giờ đi ngủ rồi đấy - Tôi ngắt lời con bé, nếu không không biết nó sẽ còn khen tôi đến bao lâu nữa mới chịu thôi.
Tôi ôm con bé ngủ. Tôi biết là con bé quý tôi. Mà có lẽ, cũng chỉ có con bé là người duy nhất quý tôi ở căn nhà này. Tôi bỗng mở mắt, liếc nhìn ánh trăng rọi vào căn buồng nhỏ ở gần bếp. Ánh trăng không hề cô đơn nhưng sao trong lòng tôi, trăng lại như ướt đẫm cả gối. Phải chăng trăng cũng đang khóc?
Tôi nằm gối đầu lên tay, nhớ lại những khoảnh khắc được về nhà ban sáng.
Mẹ tôi đang treo đèn lồng đỏ lên trước cửa hàng bán bánh bao. Mùi thơm của bánh bao tỏa ra nghi ngút. Thỉnh thoảng, có vài người qua lại mua bánh, tay và miệng xuýt xoa vì nóng.
Mẹ tôi đang tươi cười niềm nở nhưng trông thấy tôi thì xám xịt ngay tức khắc.
- Sao con lại về đây thế? Có chuyện gì sao?
- Me à, con về thăm nhà mà. Thầy có ở nhà không me?
- Thế chồng con có cho con về không? Sao con lại về một mình vậy?
- Con trốn đi đây. Con nhớ thầy me. Nhớ quán bánh bao của me.
- Quán làm ăn thua lỗ chứ có thịnh vượng gì đâu mà nhớ. Bất đắc dĩ me mới phải làm nghề buôn bán, chứ me có thích làm cái nghề này đâu. Thầy thì dạy học cho người ta... Thôi, con vào nhà đi. Không người ta nhìn thấy lại không hay. Lại tưởng bên nhà chồng đuổi con về.
Tôi nhìn cái dáng khắc khổ của mẹ, những ngón tay gầy gầy xương xương chạm vào vai áo tôi, đẩy tôi vào nhà. Mới có hơn năm mà me tôi già đi nhiều. Đôi mắt trũng lại.
- Thằng Sún, cái Tũn, cái Lục, cái Bình có ở nhà không me?
- Bọn nó đi chơi cả rồi. Có cái Út vừa ngủ được một lúc.
Tôi bước vào nhà, lấy cái quạt quạt cho cái Út đang nằm trong nôi. Nó ngủ ngon lành. Khuôn mặt ngây thơ không một chút muộn phiền nào.
- Thầy chừng nào về vậy me? - Tôi hỏi.
- Chiều thầy con mới về. Hôm nay dạy cả ngày bên xóm Đông. Nhưng có thật là không sao đấy chứ? Con không sợ trốn về lại bị đánh như lần trước à?
- Hôm nay chồng con với mấy mợ về bên quê nội cả, đến tối mới về cơ. Con về qua nhà một lúc rồi con sẽ đi ngay.
Me tôi vuốt tóc tôi:
- Ừ. Rồi đi ngay con nhé.
Tôi gật đầu.
- Quán làm ăn có được không me?
Me tôi lắc đầu:
- Chán lắm. Chẳng bán được mấy.
Một thằng bé ăn mặc rách rưới đi qua, nhìn nồi bánh bao của mẹ tôi vẻ thòm thèm. Nó cứ liên tục chép miệng, trông chằm chằm vào những chiếc bánh bao trắng mẩy, ngon lành.
- Cháu muốn mua hả? - Mẹ tôi hỏi.
Thằng bé nuốt nước miếng, tặc lưỡi, bảo:
- Nhưng cháu không có đủ tiền.
Thằng bé đi được một lát rồi vẫn còn ngoái nhìn lại mấy lần.
Tôi chợt nhớ lại những ngày còn bé. Tôi và cậu Tâm vẫn thường đùa nghịch bên quán bánh bao của mẹ. Cậu khen tôi tròn như cái bánh bao. Lúc đó, tôi chỉ cười khanh khách, không hiểu mình giống cái bánh bao ở chỗ nào (mà tôi cũng đâu có tròn, hồi ấy tôi rất gày).
Nghĩ về cậu Tâm, bất giác tôi ứa nước mắt. Từ ngày cậu lên tỉnh học, cậu đã thay đổi nhiều. Nhà cậu chuyển lên kinh cũng đã lâu, tôi thấy tim mình như chết đi một nửa. Nghe đâu cậu cũng đã lấy vợ, vợ cậu cũng ghen ghê lắm. Là mấy người lên kinh dự thi đi về bảo thế. Chứ tôi cũng đâu có biết đầu đuôi thực hư ra sao.
...Mới sáng dậy, tôi đã lúi húi quét từ trong nhà ra ngoài sân. Cậu cả đi đâu cả đêm, lúc này mới về, tay vẫn còn che miệng ngáp. Thấy tôi quét sân, cậu tiện tay véo tôi một cái:
- Chà, thích quá nhỉ!
Tôi kêu lên:
- Á! Xin cậu giữ tự trọng cho. Dù sao tôi cũng là mợ của cậu.
- Mợ của tôi thì sao chứ. Xem ra tuổi tôi còn hơn tuổi mợ đấy. Nếu mợ không phải là... thì chúng ta...
- Những câu nói kinh khủng vậy mà cậu cũng nói ra được à?
- Chết tiệt! Con đàn bà ngu này, còn dám cãi tao à? Mẹ cả và ông già đã dậy chưa? Mau lên báo với họ là tôi đã về đi.
Cậu đá vào chân tôi một cái đau điếng, làm tôi ngã lăn ra sân. Nhưng tôi không dám nói gì.
Bé Hồng chạy vội ra:
- Mợ ơi, mợ có sao không? Để con dìu mợ dậy.
Tôi lê cái chân khập khễnh bước vào trong nhà.
Bé Hồng chợt nói nhỏ vào tai tôi:
- Mợ ơi, có thư của cậu Tâm này.
Tôi ngạc nhiên:
- Cậu Tâm nào?
- Là cậu Tâm, người làng cũ của mợ đó.
Bé Hồng kể, lúc nãy đi qua cổng thấy có một cậu cứ thập thò ngoài cửa. Cậu ấy hỏi là đây có phải là nhà của chồng cô Xoan, con cụ đồ không. Con bé gật đầu, ngạc nhiên nhìn người khách lạ. Cậu ấy bảo là người đồng hương cũ, hỏi mãi mới biết địa chỉ ở đây, nhưng không tiện gặp nên nhờ đưa lá thư hẹn gặp chiều nay ở ngoài đình làng.
Lòng tôi cuống quýt cả lên. Là cậu ấy! Cậu ấy đã trở về. Từ ngày về nhà chồng đến giờ, đây mới là lần đầu tiên tôi vui sướng đến vậy. Nhưng hỡi ôi! Gặp gỡ để mà làm chi? Cậu xui tôi để mà làm chi rời bỏ cái gia đình, cái chốn “địa ngục của trần gian” này? Chỉ trong một phút nông nổi, muốn dứt áo ra đi, tôi đã bị bắt lại. Người ta đánh đập tôi không thương tiếc. Những lằn sẹo ngang, sẹo dọc trên mặt mày. Những lằn roi rung lên vì giận dữ quất vào da thịt tôi. “Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau”. Ngày xưa, tôi thường hay nghe cha tôi giảng câu Kiều, bây giờ tôi mới nắm được cái chân lý muôn thuở ấy.
Bé Hồng nhìn tôi khóc lóc, kêu than:
- Mợ ơi, mợ đừng đi mà! Mợ đừng đi! Con cầu xin mợ đấy!
Nhưng mặc cho tôi không đành lòng, mặc cho tiếng gào khóc đến muốn đứt cổ của đứa bé gái, người ta vẫn đẩy tôi ra khỏi cửa, với cái áo rách bươm. Tôi loạng choạng trên đồng. Không biết tôi đã tỉnh dậy từ lúc nào nữa. Chỉ thấy lũ trẻ chăn trâu vẫn đang nhìn tôi rồi la ầm lên: “Con điên! Con điên kìa! Chúng mày ơi!”.
...Mấy năm sau, tôi gặp lại một người quen thuộc đang cúi xuống bên một cái giếng. Người ấy khóc lóc, thở than, có lẽ cho rằng tôi đã chết. Tôi định đi đến nhưng một người đàn bà vô gia cư đã ngăn tôi lại. Tôi nghĩ cậu ấy còn về đây làm gì nữa. Chuyện đã qua cũng hãy cho nó qua đi. Giữa chúng tôi vốn dĩ cũng không có duyên phận. Vợ cậu chẳng phải cũng có tính hay ghen? Rồi tôi đi theo người đàn bà vô gia cư kia.
...Mấy lần, tôi định trốn về bên cái quán bánh bao của mẹ tôi nhưng không dám. Nhà tôi sau này cũng đã chuyển đi nơi khác. Tôi cũng không biết được là họ đã dời làng đi đâu. Mỗi chiều, tôi lại nghe thấy có tiếng rao bánh bao ngân vang nơi đầu ngõ, nhưng ngoảnh lại thì chẳng thấy ai cả. Tôi cứ nghĩ là mình nằm mơ. Trong cái màn sương khói vô định của buổi chiều mờ mờ nghe thấy tiếng bánh bao ấy, tôi bất chợt cảm thấy thế giới này rộng lớn quá. Rộng lớn đến mức tôi không biết đâu là đường về nhà...
18/7/2011
Dương Lệ
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...