Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Di tích lịch sử Côn Đảo

Di tích lịch sử Côn Đảo

CÁCH NHÌN MỚI VỀ NHỮNG BẢN ĐỀ ÁN CŨ [1]
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Văn hóa đã cử cán bộ ra nghiên cứu lập Đề án bảo tồn khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Quyết định số 66/VH/CP ngày 11-6-1984 v/v khoanh vùng bảo vệ khu di tích lịch sử Côn Đảo của Bộ trưởng Bộ Văn hoá là văn bản pháp lý đầu tiên, thể hiện tư duy khoa học và thái độ nghiêm túc nhất về việc bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Côn Đảo. Tiếc thay, những bản Đề án tiếp theo không kế tục được tư duy khoa học, tùy tiện cắt xén và phá hủy nhiều hạng mục di tích đã được khoanh vùng bảo vệ tại Quyết định quan trọng này.
Đến nay, những thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học và kinh tế xã hội của đất nước cho phép chúng ta có một cái nhìn mới về những bản đề án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Chuyên khảo này đề cập đến những bản đề án lớn được hình thành từ năm 1984 cho đến nay:
1. Sự xuống cấp của di tích và của những bản đề án bảo tồn
Ngày 4-5-1994, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Đề án bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Đảo do Vụ Bảo tồn - Bảo tàng, Bộ Văn hóa - Thông tin biên soạn tháng 10-1993 (từ đây viết tắt là "Đề án bảo tồn"). Năm 1995, Sở văn hóa - thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục xây dựng Đề án “Đề án khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo” (viết tắt là "Đề án khoanh vùng"). Đó là một bước tiến so với “Đề án bảo tồn” của Bộ Văn hóa. Tuy nhiên trong Hội nghị do Sở văn hóa thông tin tổ chức vào đầu tháng 10-1995, vẫn còn nhiều ý kiến cảnh báo về sự xuống cấp của di tích, về cơ sở khoa học của Đề án, về Nghĩa trang Hàng Keo bị bỏ rơi, về sự thiếu hiểu biết trầm trọng đối với Di tích lịch sử đặc biệt quan trọng này.
Cho đến nay khu di tích Côn Đảo vẫn đang ở tình trạng ngày càng xuống cấp. Đó là lời xác nhận trong Đề án bảo tồn và không ai nghi ngờ. Sau những chuyến đi khảo sát tại Côn Đảo, chúng tôi hiểu rằng điều đó là không tránh khỏi. Mùa gió chướng, những đợt sóng cao nhiều thước dội ầm ầm vào vách núi, tung lên trời vô vàn bọt biển. Những thảm bọt biển dày đặc trong mùa gió chướng làm hóa đá từng mảng sườn đồi, đang huỷ hoại từng ngày, khốc liệt đối với tất cả các kiến trúc trên đảo. Ấy là sự xuống cấp tự nhiên của trời đất.
Một ngôi nhà đang ở sẽ hạn chế được sự xuống cấp tự nhiên bởi sự đầu tư, thường xuyên của gia chủ. Khi còn là nhà tù, bao giờ cũng có một kíp thợ mộc, thợ hồ thường trực để sửa chữa nhỏ tại các trại giam. Khi cần sửa chữa lớn, xây dựng mới, sẽ có các hãng thầu lớn đảm nhiệm. Thời chưa giải phóng, hàng năm Mỹ viện trợ 442.000 đôla để tu bổ các trại giam, bình quân hơn 80 ngàn đôla cho mỗi nhà tù lớn. Bây giờ, không còn bộ máy quản lý hệ thống nhà tù đồ sộ với trên 1000 tên, không còn lực lượng lao động khổ sai thường trực gần 10.000 tù nhân. Ban quản lý di tích chỉ có hơn 30 người, kể cả cán bộ nghiệp vụ, nhân viên hành chính, quét lá, nhổ cỏ… hỏng đâu phải trình lên Sở, Sở trình lên Bộ, ra kiểm tra, về lập luận chứng, xin ngân sách, chuyển từ Bộ đến Ban quản lý công trình… khi vật liệu đến nơi thì di tích đã hư hỏng thêm nhiều, kinh phí thiếu hụt, chắp vá, thiếu đồng bộ và tiếp tục xuống cấp. Ấy là sự xuống cấp do thay đổi mục đích sử dụng, do cơ chế quản lý chưa thích hợp.
Có một nguy cơ tiềm ẩn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở Côn Đảo. Năm 1988, một Cầu Tàu mới đã hình thành trước cửa Khách sạn Phi Yến, cách Cầu Tàu lịch sử không xa. Xưa kia là một bãi đá đang kè dở dang, ngổn ngang hàng vạn tảng đá, những tảng đá làm nên linh hồn của Cầu Tàu lịch sử. Nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh đã ba lần ra Côn Đảo, mê mẩn nâng ống kính trước những tảng đá. Bây giờ, bãi đá ngổn ngang chỉ còn trong bộ ảnh đen trắng của cụ. Khi trăn trở trên giường bệnh, mỗi lần giở lại tập album, cụ lại thẫn thờ thốt lên: "Ôi! Những tảng đá...".  Những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng hàng tấn kia đã đè nát biết bao thân tù khi họ xeo từ Núi Chúa về đây. Bọn gác ngục Pháp có lối giết tù bằng lao động khổ sai. Xeo đá, tảng lớn: 12 người. Xeo không nổi, chúng đánh một trận rồi bớt người, bắt xeo. Không xeo nổi lại đòn, lại bớt người, xeo tiếp. Không xeo được sẽ chết vì đòn, xeo được thì chết vì kiệt sức. Còn âm vang đâu đây trong từng phiến đá cầu ca trường hận của tù nhân: “Côn Lôn ơi, viên đá - mạng người”.
Những tảng đá ấy ít nhất cũng đã một lần được ghi vào văn bản mang tính Pháp lệnh bảo tồn. Quyết định số 66/VH/CP ngày 11-6-1984 của Bộ Văn hóa về khoanh vùng bảo vệ khu di tích lịch sử Côn Đảo ghi: Cấm không được lấy đá kè ở bờ biển làm vào việc khác. Giờ đây, Cầu Tàu mới khang trang được thay thế vào nơi ấy, cờ, hoa và người chen nhau mỗi chuyến tàu ra, hân hoan và lưu luyến. Chỉ thiếu vắng những tảng đá lịch sử từng chứng kiến biết bao thăng trầm, lặng lẽ và kiên nhẫn trong gần một thế kỷ qua để chờ đón những ai đến đây tìm về quá khứ. Ấy là sự xuống cấp vì vi phạm Pháp lệnh bảo tồn, bảo tàng.
Không chỉ có bãi đá trước cửa Khách sạn Phi Yến, toàn bộ kè đá ven biển từ cầu tàu lịch sử về phía mũi Lò Vôi mới đây đã bị vùi lấp sạch dấu vết bởi chương trình kè chắn sóng, mở rộng con đường chạy qua mặt tiền thị trấn Côn Đảo. Mỗi giải pháp "làm đẹp cho mặt tiền" Côn Đảo là một lần những dấu ấn lịch sử bị xóa mờ. Đó là sự xuống cấp do "tư duy mặt tiền" lấn át tư duy lịch sử.
Ở nước Mỹ có một khu di tích lịch sử lớn được xem như “Chưa đến đấy, chưa biết nước Mỹ”. Hiện vật duy nhất lưu lại là một tảng đá mà người da trắng lần đầu tiên đặt chân lên lục địa này. Ở Côn Đảo có hàng triệu tảng đá để làm nên những bảo tàng như vậy. Tiếc rằng những tảng đá ấy đã bị chôn vùi dưới mặt tiền của thị trấn Côn Đảo mới, mà lẽ ra, nó xứng đáng là một bảo tàng sống vô cùng sinh động, nếu không có sự can thiệp thô bạo của các nhà hoạch định chiến lược phát triển theo lối "tư duy mặt tiền".
Có một sự xuống cấp nằm trong nằm trong những bản luận chứng bảo tồn. Đề án bảo tồn mỗi di tích trước hết phải là một công trình khoa học, xuất phát từ những luận điểm khoa học để đưa ra một giải pháp thích hợp, tối ưu và khả thi. Mỗi di tích trước hết phải được xác định bằng hồ sơ khoa học. Đã 19 năm sau ngày giải phóng [2], đã có trên 10 tỷ đồng đổ vào khu di tích để trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục nhưng từng di tích và tổng thể di tích vẫn chưa có hồ sơ khoa học.
Hầm phân bò được Đề án xếp vào loại di tích đặc biệt, đặc trưng cho kiểu tra tấn man rợ, ngâm người xuống hố phân cho đến khi chết hoặc chịu khuất phục. Song không ai giải đáp được rằng chuyện ấy xảy ra khi nào? có bao nhiêu người bị hành hạ kiểu ấy? tên tuổi và địa chỉ vài người? chứng cứ xác nhận cho di tích này? Trả lời cho các câu hỏi trên là Nghe nói như thế, có thể như thế. Với cảm nhận riêng của từng người thì có thể kẻ địch tàn ác hơn như vậy, nhưng một di tích lịch sử lại không tồn tại lại bằng những luận điểm có thể, điều đó có thể không có sức thuyết phục, ấn tượng mơ hồ có thể gieo vào nhiều người khi đứng trước di tích lịch sử đặc biệt này.
Nghĩa trang Hàng Dương cũng được xếp vào di tích đặc biệt, nơi chôn cất hai vạn nấm mồ tù nhân. Điều đó có thể là một trong sai lầm vào loại lớn của Đề án. Nghĩa trang Hàng Dương được chỉ hình thành từ năm 1941 với số liệu ước tính gần sát thực tế là khoảng gần 5.000 ngôi mộ. Trước đó là Nghĩa trang Hàng Keo nằm ở một vị trí khác, đã hoàn toàn bị bỏ rơi ngoài Đề án.
Mộ tập thể 75 chiến sĩ bị xử bắn tại cỏ ống cũng có thể một sai lầm tương tự. Ngôi mộ này đã đi vào quy hoạch nghĩa trang với tấm bia tưởng niệm cao 6m, ốp đá quý, trên khắc đậm con số 75. Điều lạ lùng là không ai biết ngày bắn, không ai biết tên một người nào bị bắn, không ai dám chắc có một mẩu xương nào dưới ngôi mộ ấy, không một hồ sơ chứng cứ nào mà di tích vẫn tồn tại theo luận điểm Nghe nói thế, có thể có chuyện này. Ấy là sự xuống cấp của tư duy khoa học trong vực bảo tồn.
2. Đề án bảo tồn chủ trương dỡ bỏ các trại giam?
Đề án bảo tồn nêu ra luận điểm bảo tồn có trọng điểm với giải pháp tháo dỡ Trại I, Trại IV để tận dụng nguyên vật liệu để tu bổ các di tích khác. Đề án thận trọng ghi thêm từ “có thể” nhưng trên thực tế, Trại IV đã được tháo dỡ xong phần mái từ vài năm trước. Việc tháo dỡ không mang lại hiệu quả kinh tế vì số vật liệu nói trên để nguyên trạng thì còn che mưa che nắng được, tháo dỡ xuống trở thành phế liệu. Về Pháp lệnh bảo tồn, đó là một sự vi phạm. Trại I và Trại IV nằm trong hệ thống các trại giam chính đã được khoanh vùng bảo vệ [3], trong khi bản Đề án bảo tồn vừa mới được soạn thảo, đang xin ý kiến. Việc tháo dỡ phần mái Trại IV đang đẩy nhanh tốc độ hủy hoại trại giam này.
Về mặt lịch sử, di tích Trại I và Trại IV gắn liền với di tích Chuồng Cọp Pháp. Trại I thời Pháp gọi là Banh III, Trại IV là Banh phụ của Banh III, Chuồng Cọp là khu biệt lập (khu kỷ luật) chung của hai trại. Chế độ Chuồng Cọp đã trở thành điển hình cho lối đày ải man rợ tại nhà tù này, làm chấn động lương tri lương tri loài người. Là khu biệt lập chung của 2 trại, lịch sử Chuồng Cọp gắn bó chặt chẽ với hai trại giam này (Trại I và Trại IV). Bảo tồn Chuồng Cọp mà tháo dỡ Trại I và Trại IV chẳng khác gì đem trưng bày các loại còng xiềng, đồ tra tấn bên ngoài một nhà tù vậy.
3. Đề án chủ trương biến nhà tù thành… nhà tù?
Bản Đề án bảo tồn đưa ra một giải pháp cho Trại V và Trại VII, có thể sử dụng làm nơi giam giữ các phạm nhân cần cải tạo, với sự thỏa thuận của Bộ nội vụ, Bộ Văn hóa - thông tin và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có ý kiến về điểm này nhưng Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Hứa Phước Ninh cho biết, Côn Đảo không cần thiết có trại giam như vậy.
Trong hơn một thế kỷ qua, những thế hệ cách mạng Việt Nam đã biến nhà tù thành một mặt trận đấu tranh, một chiến trường giữa sào huyệt kẻ thù. Năm thập kỷ cuối cùng, những người cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đào tạo và rèn luyện cán bộ. Hai thập kỷ hồi sinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với huyện Côn Đảo chuyển hóa những giá trị truyền thống thành sức mạnh vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Thật trái ngược khi Vụ Bảo tồn - Bảo tàng đề xuất giải pháp biến di tích lịch sử - tài sản vô giá - trở lại thành một nhà tù?
Đề án bảo tồn phát hiện được một điều rằng từ thời Pháp qua thời Mỹ, Côn Đảo là nơi lý tưởng để giam tù, và ngày nay, Trại VII vẫn là một trại giam lý tưởng cho các tội phạm trọng án. Nhưng khi Đề án biến Trại VII trở thành trại giam của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì những người làm công tác bảo tồn sẽ giới thiệu như thế nào về di tích lịch sử này?
Trại VII là một trại giam đặc biệt cần được bảo tồn nguyên trạng. Trại VII là trại giam điển hình kiểu Mỹ, do chuyên gia Mỹ thiết kế, thầu Mỹ xây dựng, bằng đôla Mỹ viện trợ. Đó là trại giam khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối của nhà ngục này, với lối hành hạ kiểu Mỹ, được gọi là Chuồng Cọp Mỹ. Trại VII có quy mô lớn nhất (25.708m2), nhiều khu nhất (8 khu), nhiều phòng nhất (384 phòng), giam đông nhất (có lúc trên 2.000 người), giam những loại tù nguy hiểm nhất được thanh lọc từ các trại. 384 gian Chuồng Cọp Mỹ có đủ còng xiềng chế tạo bằng thép F8 của Mỹ. Mỗi trại giam có một nét đặc trưng riêng biệt. Một câu thơ khắc trên vách trại giam, một kẽ nứt chứa vài hạt muối, cây kim, sợi chỉ, một góc sàn khám đẫm vệt máu tù nhân… đều là những thông điệp để giải mã những thông tin từ quá khứ, để mỗi thế hệ sau đến đây tự cảm nhận những bài học lịch sử cho riêng mình. Những dấu ấn đó hợp thành linh hồn của Di tích lịch sử Côn Đảo.
4. Đề án khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo - một bước tiến, nhưng vẫn còn nhiều điều đáng bàn
Năm 1995, Bảo tàng tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Sở văn hóa - thông tin tỉnh tổ chức lập hồ sơ khoa học cho khu di tích lịch sử nhà tù cách mạng bao gồm: Bản vẽ tổng mặt bằng, hiện trạng kỹ thuật và hạng mục của di tích; Bản vẽ khoanh vùng bảo vệ di tích; Hồ sơ ảnh khảo tả di tích; Lý lịch di tích; Phương án bảo tồn và phát huy tác dụng di tích. Bản vẽ khoanh vùng bảo vệ di tích đưa ra 3 khu vực bảo vệ. Khu vực I được thể hiện bằng màu đỏ là khu bất khả xâm phạm, bao gồm Cầu Tàu lịch sử, Nhà Công Quán, Nhà chúa đảo, Trại II, Trại III, Trại IV, Chuồng Cọp Pháp, một phần của Trại I, Khu B của Trại VI, toàn bộ 8 khu của Trại VII, Lò Vôi, Khu A và B của Chuồng Bò, Hầm chứa phân bò, Cầu Ma Thiên Lãnh, Phòng điều tra. Khu vực II là khu được phép điều chỉnh xây dựng, bao gồm toàn bộ Trại V, Trại VIII, Khu A Trại VI, nghĩa trang Hàng Dương, cùng toàn bộ vùng phụ cận của khu vực I. Khu vực III là khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường, bao gồm toàn bộ thị trấn Côn Đảo, khu vực cảnh quan bao quanh các trại giam, đoạn bờ biển kè đá khối và bờ biển khu vực nghĩa trang Hàng Keo.
Về mặt nhận thức, Đề án khoanh vùng bảo vệ di tích đã vượt xa Đề án của Vụ Bảo tồn - Bảo tàng, Bộ Văn hoá - Thông tin biểu hiện cụ thể là:
- Loại trừ khả năng sử dụng một số di tích làm trại giam các thường án hiện nay.
- Khẳng định giá trị lịch sử của Trại I, Trại IV, Trại VII bằng cách đưa vào vùng bảo vệ nguyên trạng
- Khoanh vùng bảo vệ cảnh quan toàn bộ thị trấn Côn Đảo và ngoại vi hệ thống trại giam, nghĩa trang Hàng Dương, bờ biển và nghĩa trang Hàng Keo.
Đó là nét mới rất đáng trân trọng. Về những điều cần bàn thêm, trước hết là tính tổng thể của Đề án. Bản vẽ khoanh vùng đã loại 3 trại giam (Trại V, Trại VIII, Khu A Trại VI) ra khỏi khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Những người trực tiếp thực hiện bản Đề án cho rằng những di tích này không tiêu biểu, hơn nữa, giữ tất cả thì không có kinh phí để bảo quản. Chính vì thế mà hai mươi năm qua, những người bảo vệ khu di tích này phải gánh chịu biết bao nhiêu lời phiền trách về sự xuống cấp của di tích.
Bảo tồn có trọng điểm không có nghĩa là loại một số trại giam ra khỏi hệ thống khu di tích. Hoạch định một Đề án bảo tồn một di tích lịch sử mang tầm vóc quốc gia phải tính đến chiều hướng phát triển của đất nước trong vài thập kỷ, tính đến tiềm năng đang được đánh thức trên quần đảo này và tiềm lực của đất nước trong thiên niên kỷ mới. Không nơi nào trên nước ta có một di tích còn nguyên vẹn tính tổng thể, vừa có mật độ tập trung cao, vừa trải rộng trên địa hình không gian như Côn Đảo. Mỗi vách tường trại giam, hay một gốc cây, khe đá; mỗi cánh rừng, mỏm núi, tảng đá, nấm mồ đều gợi lên mỗi giai đoạn lịch sử đau thương mà vô cùng anh, dũng của dân tộc ta, khắc sâu ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do của nhiều thế hệ cách mạng. Vận dụng quan điểm Bảo tồn có trọng điểm phải nhận thức rằng: Di tích lịch sử Côn Đảo là trọng điểm bảo tồn của quốc gia, Báu vật của dân tộc - Hồn thiêng sông núi. Đây cũng là ý tưởng của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, phát biểu vào năm đầu của quần đảo hồi sinh: “Côn Đảo là một hòn Đảo anh hùng. Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn đối với thề hệ mai sau”.
"Nghĩa địa Tây" là một điểm di tích mà hầu như ít Đề án đề cập tới. Đây là nghĩa trang giám thị, nằm bên trái con đường từ thị trấn đi lên Hàng Dương. Giám thị Pháp - Việt và vợ con họ qua đời đều được an táng ở đây. Trong số đó, có nhiều giám thị ác ôn bị tù nhân trừng trị. Ngoài phương diện chứng tích của chủ nghĩa thực dân trên hòn đảo tù, về mặt đạo lý, chúng ta cũng nên đưa vào hạng mục di tích bảo tồn, tôn tạo. Những thế hệ sau này của nước Pháp văn minh sẽ có dịp hiểu hơn về đạo lý và nhân cách của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Bảo tồn cảnh quan là một yếu tố không thể tách rời việc bảo tồn di tích. Cảnh quan gần gũi với khu di tích là thị trấn Côn Đảo. Đó là một thị trấn có cấu trúc đặc biệt: Thị trấn tù trên một hòn đảo tù. Ngoài nhà tù và các cơ sở phục vụ bộ máy trị tù, thị trấn Côn Đảo không có một cơ sở kinh tế, văn hóa - xã hội nào khác. Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, người phác thảo bản quy hoạch tổng thể đầu tiên cho Côn Đảo đã đề nghị bảo tồn kiểu dáng kiến trúc này của thị trấn này, từ dãy phố công sở đến dãy biệt thự ven biển và những hàng cây, con đường, hàng rào, kè đá với ý niệm Côn Đảo là một hòn đảo di tích.
Mới đây, Tổ chức UNESCO đã chọn ngày 23-8 hàng năm làm ngày tưởng niệm quốc tế về buôn bán nô lệ và thủ tiêu chế độ nô lệ. Chắc chắn rằng, một ngày không xa, nhân loại tiến bộ sẽ có một ngày tưởng niệm quốc tế về thủ tiêu chế độ thực dân. Khi ấy, Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ và khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo sẽ là những địa chỉ đỏ cho nhân loại tiến bộ. Hệ thống nhà tù, dãy "phố tù", "thị trấn tù" sẽ hợp thành kiến trúc độc đáo có một không hai cho những ai muốn hiểu đích thực về chủ nghĩa thực dân. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo, việc bảo tồn Thị trấn tù - Phố tù sẽ đem lại một sản phẩm độc đáo cho khách quốc tế như một kiến trúc cổ hiếm hoi từ cuối thế kỷ trước còn lại gần như nguyên vẹn.
Các nhà bảo tồn thuần túy thường chỉ đưa vào đề án những cảnh quan cận kề di tích. Với những đề án bảo tồn và phát triển thì tính tổng thể phải được đặt lên hàng đầu. Nhận thức đúng đắn về công tác Bảo tồn di tích chính là bảo tồn động lực phát triển cho Côn Đảo. Khi đặt Côn Đảo đúng vị trí một di tích lịch sử cách mạng lớn, một tiền đồn canh giữ vùng biển giàu tiềm năng thì có nhiều giải pháp về kinh phí cho Côn Đảo, nguồn từ Ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương, nguồn trích từ thuế tài nguyên trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn từ vận động các địa phương, các cơ sở kinh tế, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quốc tế. Nếu sự đóng góp trong thập kỷ này còn hạn chế thì nên giành cơ hội đóng góp trong thập kỷ tiếp theo, khi nền kinh tế đất nước vào giai đoạn cất cánh.
Giống như đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho các giá trị văn hoá truyền thống là sự đầu tư có tầm chiến lược cho sự tồn vong và phát triển của một dân tộc. Mọi nỗ lực của ngày hôm nay, nếu thiếu một tư duy đúng đắn sẽ dẫn đến phá vỡ tổng thể khu di tích, huỷ hoại một phần di tích vô giá. Điều đó sẽ trở thành tội lỗi đối với các thế hệ tiền bối đã xả thân cho nền độc lập nước nhà.
5. Đề án tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương và những vi phạm về nguyên tắc
Trong lúc các Đề án bảo tồn, tôn tạo và Đề án khoanh vùng bảo vệ di tích còn đang tranh luận thì Đề án tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương đã vi phạm hàng loạt nguyên tắc bảo tồn di tích. Ngày 15-1-1992, Hội đồng Bộ trưởng đã phê chuẩn luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Nghĩa trang Hàng Dương, giao cho Bộ LĐTBXH cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ quản, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo làm chủ đầu tư. Văn bản số 1650/KTDN ngày 11-9-1989 Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Các di tích ở Côn Đảo là khu khép kín từ nhà chúa đảo các trại giam đến Nghĩa trang Hàng Dương là các bộ phận trong tổng thể di tích. Việc phân công tu bổ giữa Bộ Văn hóa và Bộ LĐ-TB-XH không có nghĩa là tách rời các di tích". Điều đó khẳng định sự nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ LĐTBXH đã không quán triệt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, không tiếp thu ý kiến của các ngành hữu quan, tách rời công trình tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương ra khỏi quần thể di tích, tôn tạo theo khuynh hướng xây dựng một Nghĩa trang liệt sĩ, vi phạm các nguyên tắc quản lý Nhà nước về Văn hóa. Trong giai đoạn II, Bộ LĐTBXH đã phạm thêm một sai lầm khi quy tập mộ ở các nghĩa trang Hàng Keo, Hòn Cau về Hàng Dương. Về mặt lịch sử, Hàng Dương là nghĩa địa tù. Tù nào chết cũng ra nghĩa địa, không phân chia đẳng cấp, quốc tịch, tôn giáo, án tiết, thái độ chính trị. Mọi khuynh hướng nhằm cải biến Hàng Dương thành nghĩa trang liệt sĩ đều không có cơ sở khoa học, không phù hợp với thực trạng di tích và tập quán của dân tộc ta.
Cùng với việc quy tập 148 hài cốt về Hàng Dương, Bộ LĐTBXH còn tổ chức di dời 21 mộ được gọi không phải tù chính trị ra khỏi Hàng Dương. Ở nhà tù này, chính trị cũng có nhiều loại: chính trị cộng sản, chính trị quốc gia, quân phạm chính trị, giáo phái chính trị, không rõ Bộ LĐTBXH quan niệm như thế nào về những hài cốt được gọi là tù chính trị và không được coi là tù chính trị? Việc quy tập và di dời hài cốt tù chính trị là trái với văn bản phê duyệt luận chứng của Nhà nước (số 13-CT), trong đó Hòn Cau, Cỏ Ống được ghi nhận như một hạng mục công trình, tương đương hạng mục các khu mộ A-B-C trong Nghĩa trang Hàng Dương. Cho đến khi đó, Nghĩa trang Hàng Keo vẫn chưa lập hồ sơ, khoa học, chưa có đề án bảo tồn thì Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã tổ chức quy tập hài cốt tù chính trị từ hàng keo về Hàng Dương, phá vỡ hiện trạng di tích.
Về mặt pháp lý, di tích Nghĩa trang Hàng Keo đã được phát hiện và phải được bảo vệ theo Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước ta ban hành. Điều 16, Pháp lệnh quy định: "Những đối tượng có dấu hiệu (là di tích lịch sử) như quy định ở Điều 1 của Pháp lệnh này đang trong thời gian nghiên cứu để công nhận đều được bảo vệ theo Pháp lệnh này."
Bên cạnh hàng loạt những vi phạm về Pháp lệnh Bảo tồn - Bảo tàng, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội còn xúc phạm thô bạo cảnh quan Nghĩa trang Hàng Dương bằng một cái cổng đen vô cảm giống như hình một chiếc quan tài dựng đứng và ba tháp chuông như ba lô cốt canh giữ hài cốt, một nhà quản trang khổng lồ không giống đình, không giống chùa và tệ hại hơn là việc đóng cọc bê tông trước mỗi ngôi mộ, án ngữ cả những tấm bia mộ mà trước đây, những người bạn tù đã bất chấp cả hình phạt khắc nghiệt tạc nên. Những nỗ lực cuối cùng để giải ngân hàng chục tỷ đồng còn lại đang tạo ra một loạt sản phẩm khập khễnh, phá vỡ cảnh quan hơn là xúc cảm tưởng niệm, thành kính và sâu lắng.
6. Sự tùy tiện và tha hóa của quan chức đương thời là hiểm họa thường trực cho di tích
Chuyện quy tập "hài cốt liệt sĩ" từ Nghĩa trang Hàng Keo về Nghĩa trang Hàng Dương, ngoài sự thiếu hiểu biết về lịch sử và tùy tiện vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, còn một lý do sâu xa. Cho đến khi vụ Trịnh Vĩnh Bình (Bình "Hà Lan") được khởi tố, người ta mới biết rằng 7 hécta thuộc khuôn viên di tích Nghĩa trang Hàng Keo đã được ngầm hoạch định thành một khu du lịch để "bán" cho Bình "Hà Lan" cùng với hơn 200 héc ta ở Cỏ Ống. Hàng Keo sẽ không mọc lên một khu biệt thự du lịch như "dự án ma". Không ai xây dựng khu nghỉ dưỡng trên hài cốt của các bậc tiền bối. Hàng Keo phải dành cho một công viên tưởng niệm lớn với ngôi đền thờ Hồn Thiêng Côn Đảo.
Có một di tích khác cùng chung số phận trong vụ án cũng đã được cứu vãn một cách khó khăn hơn. Đó là Công Quán. Di tích Công Quán được ghi trong quyết định 66/VH/CP ngày 11-6-1984 của Bộ Văn hóa. Đây là ngôi Nhà khách (Maisson de passager) được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, nơi dừng chân cho lữ khách đến thi hành công vụ tại đảo. Nhà soạn nhạc tài danh của nước Pháp Camille Saint Saens đã lưu lại đây từ 20-3 đến 19-4-1895. Tại đây, ông đã hoàn tất vở nhạc kịch nổi tiếng Brunehilda. Đấy là dấu ấn đẹp đẽ duy nhất của nước Pháp văn minh trên hòn đảo tù. Những dấu ấn còn lại là của nước Pháp thực dân.
Từ nhiều năm trước, Công Quán đã được bảo tồn như một di tích lịch sử. Trên bức tường hướng ra đại dương đã được gắn một tấm biển đồng, vuông chừng 4 tấc, khắc hàng chữ lưu niệm: "Dans cette maisson vécut le grand compositeur Camille Saint Saens du 20 Mars au 19 Avril 1895, il y acheva l'Opera Brunehilda". Đã có dự án tôn tạo lại ngôi nhà này, sưu tầm bản nhạc nổi tiếng "L'Opera Brunehilda" cùng hình ảnh của nhạc sĩ về trưng bày. Thế rồi đến một ngày, tấm biển đồng bị bán cùng lô ve chai vì miếng cơm manh áo. Rồi đến một ngày, ngôi nhà di tích biến thành hạng mục kinh tế, và tiếc thay, đã trở thành vật chứng trong một vụ án kinh tế [4], trôi nổi nhiều năm, khiến chủ nhân đích thực là những người quản lý di tích không có điều kiện tôn tạo, để sự xuống cấp ngày càng thê thảm.
Vụ án xử rồi, ngôi nhà hoàn lại cho chủ cũ nhưng số phận của Công Quán vẫn còn trôi nổi. Mặc dù quy hoạch tổng thể huyện Côn Đảo đã được phê duyệt, di tích Công Quán đã được khoanh vùng bảo vệ, ngày 5-9-2002, Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo có văn bản đề nghị Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị với Bộ Văn hóa - Thông tin cho giải toả căn nhà này "do toạ lạc tại vị trí trung tâm của nút giao thông Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng, ngôi nhà này gây cản trở nghiêm trọng tầm nhìn khi xe cộ lưu thông trên hai con đường này, đồng thời, do án ngữ trong trung tâm khu công viên giữa đường Tôn Đức Thắng (đường kè ven biển) với hiện trạng hư hỏng như hiện nay đã gây ảnh hưởng rất xấu đến mỹ quan tuyến đường này... (Công văn số 393/UB.VP ngày 5-9-2002 của UBND huyện Côn Đảo)". Thật khó tin được khi người ta có thể lấy tầm nhìn giao thông thay cho tầm nhìn văn hóa. Những người làm công tác Văn hóa, Lịch sử và Bảo tồn - Bảo tàng lại phải lên tiếng cảnh báo một lần nữa, kiên quyết bảo vệ bằng được di tích lịch sử này, trong khi đã có bút phê của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trước đó không lâu, ngày 26-6-2002, ANDRÉ MENRAS, một người bạn Pháp từng đấu tranh chống chế độ Mỹ - ngụy, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, bị chính quyền Sài Gòn kết án 4 năm tù tại khám Chí Hòa trong chuyến tìm đường ra thăm lại Côn Đảo cùng một người bạn tù Côn Đảo là Cao Nguyên Lợi đã dừng chân tại Vũng Tàu. Nghe câu chuyện về Camille Saint Saens viết bản L'Opera Brulhilda tại Côn Đảo, ANDRÉ MENRAS đã vô cùng xúc động nói rằng: "Tại Béziers - thành phố của tôi ở miền Nam nước Pháp có con đường mang tên Camille Saint Saens. Nhưng người Pháp hôm nay - kể cả tôi - để hiểu biết ý tưởng tuyệt vời của nhà soạn nhạc tài danh đó phải đặt chân đến Côn Đảo. Phải đến Côn Đảo mới có thể hiểu và thấm thía về tác phẩm tài danh đó. Vượt thời gian (từ 1895), Camille Saint Saens đã cảm nhận và tiên đoán trong bản L'Opera Brulhilda thảm họa của sự quên lãng của bất cứ ai đối với cái đẹp của một dân tộc". Cảm xúc của ANDRÉ MENRAS rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm thêm về tầm nhìn văn hóa đối với di tích lịch sử Công Quán cũng như toàn bộ khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo.
Trước đó, Di tích Sở Lưới xấu số hơn đã không được cứu vãn. Một chữ ký của huyện, một chữ ký của tỉnh, một chữ ký của Bộ là một di tích ra đi. Sự thiếu hiểu biết và tuỳ tiện vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của những người lãnh đạo - quản lý có sức tàn phá di tích ghê gớm hơn cả bão giông, mối mọt.
7. Ý tưởng mới và những đề án cũ
 Đầu năm 2004, một tia hy vọng mới đem lại sinh khí cho khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng Đề án phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo (đầu năm 2003), tháng 2-2004, ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ và nhóm cố vấn do ông mời chính thức tham gia vào Đề án.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong cương vị Phó thủ tướng, ông đã đặc biệt quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, triệu tập và chủ trì hàng loạt hội nghị bàn về việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế xã hội Côn Đảo gắn với việc bảo tồn tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Ông đốc thúc các bộ, ngành, kêu gọi các nhà khoa học, các địa phương góp phần cùng với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để bảo tồn, tôn tạo khu di tích và phát triển kinh tế xã hội. Nhiệt huyết và uy quyền của ông đã kéo theo một sự chuyển động đáng kể, từ địa phương đến các bộ, ngành. Hàng loạt Đề án, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển kinh tế xã hội Côn Đảo đã ra đời. Tuy nhiên, mặt trái của sự chuyển động ấy được biểu hiện ra như một sự thụ động trong nhận thức và sự tùy tiện trong bước đi, khiến cho những lệch lạc trong lĩnh vực bảo tồn di tích và tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương như đã dẫn trên đây là không tránh khỏi.
Quyền uy của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thời đó đã thúc đẩy mối quan tâm của nhiều người tham gia vào các dự án. Trong số đó, có cả những học giả mang theo "tư duy xuống cấp", "tư duy ăn uống", "tư duy cơ sở hạ tầng", "tầm nhìn giao thông"... với những sản phẩm khập khiễng như hiện trạng. Những người có tâm huyết và trí tuệ đứng ra bên lề các dự án. Có một điều, cho đến bây giờ, ông Võ Văn Kiệt vẫn chưa biết rằng, những ý tưởng của ông và nhóm cố vấn đưa ra hôm nay đã được Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn phác họa từ hơn 20 năm trước, khi anh đi cùng chúng tôi khảo sát lần đầu tiên, cho quy hoạch Côn Đảo. Ý tưởng của Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn không được chấp nhận. Anh gác bút, lui về căn gác nhỏ, chia sẻ cùng bạn bè tâm giao.
Lần này, ông Võ Văn Kiệt đến với Dự án phát triển Côn Đảo bền vững không phải bằng quyền lực mà bằng sự trăn trở đầy tâm huyết với ước vọng lớn là tập hợp những tâm huyết và trí tuệ để quy hoạch lại Côn Đảo đúng tầm, tạo ra bước đột phá để phát triển Côn Đảo với những tiềm năng có được từ tiềm lực mới của đất nước. Dự án phát triển Côn Đảo bền vững đặt mối quan tâm hàng đầu trong việc tổ chức bảo tồn và tôn vinh truyền thống xứng đáng một di tích - báu vật của cách mạng Việt Nam với các tiêu chí: xứng tầm, súc tích, nghệ thuật và trí tuệ. Điều đó hoàn toàn khác hẳn với tư duy của các Đề án trước đây, thường xuất phát từ luận chứng: tiền đâu để bảo tồn? đất đâu để phát triển?...
Điều đó đòi hỏi phải nhìn nhận lại toàn bộ những Đề án trước đây, toàn bộ những gì đã làm và đang làm dở dang để đánh giá lại tổng thể, quy hoạch lại tổng thể, để phát triển Côn Đảo bền vững trên nền tảng tư duy mới, với động lực tổng hợp từ tâm huyết, trí tuệ và tiềm lực mới của đất nước.
Điều đó thật không dễ dàng gì. Không phải vì đất nước ta thiếu tâm huyết và trí tuệ mà bởi sự "xuống cấp" trong nhiều năm qua khiến cho tâm huyết và trí tuệ chỉ là ước vọng của người có lương tri, trong khi ngự trị trong xã hội phổ biến là quyền lực, thói xu thời, tùy tiện và những "tư duy xuống cấp". Dự án phát triển Côn Đảo bền vững bao gồm hàng loạt những giải pháp về bảo tồn, tôn tạo, phát triển kinh tế xã hội, tổ chức điều hành, cơ chế đặc biệt cho Côn Đảo. Điều đó cần phải có sự quy tụ lớn hơn của tâm huyết và trí tuệ, và cần có sự đồng thuận cao, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi người. Ý tưởng mới thường gặp trở lực lớn từ tư duy cũ. Song tính khả thi của Dự án là xuất phát điểm đúng, kèm theo động lực mạnh - động lực có được từ sự hội tụ của Tâm huyết - Trí tuệ - Tiềm lực mới của đất nước.
Trong chuyến đi thăm và làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Phó thủ tướng Vũ Khoan đã trả lời phỏng vấn Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (ngày 24-8-2004) "Việc cần làm trước mắt của Côn Đảo là không làm gì cả. Những bài học rút ra từ những điểm du lịch trong cả nước cho thấy chúng ta cần phải quy hoạch cho thật cụ thể đã. Điều phải làm trước hết là giữ được nguyên môi trường, di tích lịch sử, di tích cách mạng cho Côn Đảo" [5].
Về điều này, ông Vũ Khoan nói rất đúng. Việc cần làm trước mắt là dừng lại tất cả, nhìn nhận lại tất cả. Sự chậm trễ khiến chúng ta đau lòng, nhưng sẽ đau lòng hơn khi chúng ta không hiểu hết giá trị và tầm vóc của Côn Đảo, tầm vóc và giá trị mà chúng ta đang nhìn nhận bằng Tâm huyết - Trí tuệ - Tiềm lực mới của ngày hôm nay. Một Dự án phát triển Côn Đảo bền vững phải đặt trên cơ sở bảo tồn hữu hiệu tổng thể khu di tích và tôn vinh xứng đáng như một báu vật của đất nước.
Chú thích:

[1] Tiến sĩ khoa học lịch sử, Trưởng Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
[2] Tính đến thời điểm bản đề án ra đời năm 1994.
[3] Quyết định số 66/VH/CP ngày 11-6-1984 của Bộ Văn hóa
[4] Vụ án Trịnh Vĩnh Bình (Bình Hà Lan)
[5] Báo Bà Rịa - Vũng Tàu số ra ngày 24-8-2004.
1/6/2005
Nguyễn Đình Thống
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...