Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

Hoan nghênh nụ cười thằng Bờm

Hoan nghênh
nụ cười thằng Bờm

Có lần, tôi đến nhà cụ Thạc chơi, lúc uống trà, đột ngột cụ hỏi:
- Anh biết bài ca dao Thằng Bờm không?
- Sao không biết! Đây này: “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú ông xin đổi 3 bò 9 trâu/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ Phú ông xin đổi một xâu cá mè/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ Phú ông xin đổi một bè gỗ lim/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi/ Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười…”.
Cụ Thạc ngắm tôi, cụ vuốt râu cười:
- Vậy theo anh, thằng Bờm chịu đổi cái quạt mo để lấy nắm xôi à?
- Dĩ nhiên, nó đồng ý. Nó đã cười rồi còn gì. Người mình, khi cười là chấp nhận đấy.
Cụ Thạc giọng nghiêm túc:
- Anh bị nhầm rồi! Bờm cười không phải là bằng lòng. Nụ cười thằng Bờm trong bài ca dao này là một loại nụ cười khác.
Nghe vậy, tôi nhìn chăm chú cụ Thạc:
- Xin cụ giảng rõ hơn, tôi chưa hiểu.
- Này nhé: “Thằng Bờm có cái quạt mo”, phú ông đổi gì nào? Lần thứ 1, phú ông gạ đổi 3 bò 9 trâu. Đó là đổi láo, nói phỉnh chơi. Thằng Bờm biết tỏng, nên chẳng thèm lấy trâu. Lần thứ 2, đổi một xâu cá mè. Đó cũng là láo. Thằng Bờm biết, nó chẳng thèm lấy mè. Lần thứ 3, đổi một bè gỗ lim. Lại láo nữa, đại láo. Thằng Bờm rõ quá, nên chẳng thèm lấy lim. Lần thứ 4, đổi đôi chim đồi mồi. Cũng láo tuốt. Thằng Bờm rành rồi, nó chẳng thèm lấy mồi. Sang lần thứ 5, phú ông đổi nắm xôi! Này nhé, anh chú ý chỗ này: Qua 4 lần, rõ ràng phú ông đổi phỉnh phờ, láo toét... Vậy liệu lần thứ 5 có thật không? Nắm xôi tuy nhỏ, nhưng liệu có thật không? Chạm mặt với một chuỗi láo toét, thằng Bờm phải cười thôi! Đó là nụ cười không tin tưởng và khẳng định không tin tưởng, cho dù đó là nắm xôi nhỏ nhoi.
Tôi cau mày, suy nghĩ một chặp, đoạn nói:
- Thằng Bờm là trẻ nhỏ. Nó cười tức là nó chịu đổi đấy. Nó đơn giản mà, nó đâu phải người lớn.
- Anh bảo thằng Bờm không biết gì à? Thằng Bờm biết cả đấy. Nó biết dạng “phú ông” là như thế nào. Nó biết hơn cả anh nữa đấy. Cái quạt mo xấu xí, rẻ mạt như thế mà đổi 3 bò 9 trâu ư? Rồi lại gạ đổi đủ thứ quí giá nữa, để cuối cùng đổi nắm xôi, chẳng qua vì tiếc nắm xôi mà thôi. Tại sao tiếc? Tại vì nắm xôi đổi quạt mo là hợp lý. Bởi hợp lý, nên phú ông phải đổi sau cùng! Thế nên, trong tầng sâu là tiếc. Thằng Bờm cười vì Bờm biết “tẩy” phú ông. Loại này, chơi không vào. Loại xảo trá, keo kiệt. Cái cười thằng Bờm là cái cười “biết tẩy”. Anh nên nhớ rằng, không phải lúc nào cười cũng là chấp nhận. Và, ở đây Bờm cười chính là phủ nhận. Tôi tin chắc rằng, trước nụ cười đặc biệt này của thằng Bờm, phú ông không thể nào đưa tay chạm vào quạt mo, vì phú ông biết rằng  Bờm không đổi. Như thế, Bờm mới là Bờm, mới ra thằng Bờm. Và, cũng như thế, phú ông mới là phú ông. Hôm nay, tôi minh oan cho nụ cười thằng Bờm. Đó là nụ cười đáng phục. Một nụ cười biết từ chối, chứ không phải nụ cười tham ăn xôi. Đó là nụ cười “Quạt mo ta là ta dùng”. Nụ cười “Đừng hòng mà dụ dỗ”. 
Tôi mỉm cười:
- Phú ông thấy Bờm có cái quạt mo, phú ông đùa chơi, ai ngờ Bờm lại chịu đổi nắm xôi. Suy cho cùng đổi như thế thật tương xứng, nên Bờm mới chịu đấy chứ.
Cụ Thạc khẳng khái:
- Nếu Bờm biết nắm xôi và quạt mo tương xứng giá trị, thế là Bờm có trí khôn rồi. Mà đã có trí khôn, hẳn Bờm không để bị lừa , sau khi đã vượt qua 4 lần phỉnh phờ của phú ông. Nắm xôi cũng là láo toét nốt. Mà giả dụ, nắm xôi có thật ngay đấy, Bờm cũng không thèm đổi quạt, vì ghét con người của phú ông. Một nhân cách phỉnh phờ láo toét, xảo trá. Ở đây làm gì có chuyện phú ông đùa giỡn với Bờm. Gặp Bờm đang phe phẩy quạt mo, đang lúc phú ông nóng nực rất cần cái quạt ấy, thế là phú ông bày trò đủ chuyện đổi chác để có cái quạt ấy mà thôi. Nhưng vấn đề là... gặp thằng Bờm thì không dễ gì. Một lần nữa, tôi hoan nghênh cái cười của thăng Bờm. 
Nghe cụ nói, tôi không cãi lai, cụ có tư duy riêng, tôi trân trọng:
- Nếu suy nghĩ như cụ, ắt bài ca dao này không hề đơn giản. Nụ cười của thằng Bờm là một gáo nước lạnh dội vào người phú ông Nét dân dã, chất ngây thơ đáng yêu của thằng Bờm đã vỗ cánh bay về trời. Như vậy cũng tiếc thật!
Cụ Thạc hớp tách trà:
- Không việc gì phải tiếc cả. “Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười”. Bờm cười là Bờm vụt lớn lên, Bờm thấy rõ con người phú ông chả ra thể thống gì, không tin tưởng nổi, đồ tào lao xịt bộp. Thế là Bờm cười... Vâng, Bờm cười là cười phú ông đấy chứ, đâu phải cười chấp nhận đổi quạt lấy xôi? Bởi, nếu là một phú ông tốt, ông ta rất nhẹ nhàng cho Bờm một nắm xôi, vì Bờm cũng như cháu ông ta, cần gì phải đổi quạt mo? Thằng Bờm cười là phải. Hoan nghênh nụ cười thằng Bờm.
Tôi nói:
- Nếu đúng nụ cười thằng Bờm như lời cụ nói, tôi đây cũng hoan nghênh. Tôi đây cũng quý thằng Bờm. 
Cụ Thạc thích chí, cười to:
- Cái hay của bài ca dao là ở chỗ hiểm này, ở ngay nụ cười thằng Bờm này. Một nụ cười không thèm xôi. Một nụ cười bảo rằng: “Đừng hòng mà khua môi múa mép”. Gặp anh hôm nay, tôi vui quá, vì có người chịu nghe tôi minh oan cho nụ cười thằng Bờm.
Vâng, thế đấy... ra về mà lòng tôi cứ băn khoăn... băn khoăn... 
17/9/2008
Ngô Phan Lưu
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...