Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Hưởng ứng Dư Thi Hoàn: Đừng để người ta tìm đến Cát Bà tìm đọc thơ dở

Hưởng ứng Dư Thi Hoàn: Đừng để người ta
tìm đến Cát Bà tìm đọc thơ dở

Mấy hôm nay, tôi cứ lợn cợn chuyện nhà phê bình Dư Thi Hoàn thông tin về chuyện có người cả gan mang thơ mình vẽ lên vách đá ở đảo Cát Bà ( Hải Phòng). Chuyện này  khiến tôi nhớ đến một chuyện chẳng hay ho gì.
           
Lần đó, tôi lên căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Một khu căn cứ được trùng tu lại để ghi lại một thời của Cách mạng Miền Nam. Tất cả đều rất đáng trân trọng. Những phòng làm việc của các đồng chí trong chính phủ lâm thời ngày xưa. Những đoạn giao thông hào, những dãy nhà hội họp. Đoàn của chúng tôi khá đông. Cùng với các bậc cán bộ cách mạng lão thành có cả những anh em tuổi còn rất trẻ, chừng mười tám đôi mươi có, chừng ngoài hai mươi có. Các em, các cháu say sưa nghe các bác, các chú kể về những ngày chiến đấu oanh liệt xưa. Ngay cả tôi, người cũng đã từng một thời lội rừng trong chiến tranh cũng cảm phục những câu chuyện mà những người từng sống ở Căn cứ này kể lại.
           
Công việc cuối cùng của cuộc đi là đến bia tưởng niệm đọc những dòng chữ được ghi lại trên đó, để có thể hiểu tổng quát về căn cứ này. Và chính ở đó đã làm những người có mặt hôm đó bất bình. Trên tất cả các bức tường đề nghuệch ngoạc những dòng chữ. Chữ tiếng Việt có, chữ Anh, chữ Pháp, có cả… Nhưng nội dung của những chữ đó hầu hết đều có nghĩa là: anh yêu em hoặc em yêu anh , có cả những dòng chữ có nghĩa: em hôn anh hoặc anh hôn em. Những dòng chữ viết một cách cẩu thả trên bức tường nhà lưu niệm giống như những cọng rác trên nền nhà sạch vậy. Không chỉ tôi mà tất cả những ai có mặt ở đó đều bất bình. Xét về mặt nào đó, những chữ kia không có lỗi. Nó sẽ rất văn hoá, nếu được dùng đúng chỗ, đúng lúc. Đằng này nó lại được chường ra ngay ở nơi được xem là tôn nghiêm nhất của khu di tích lịch sử. Tôi ráng tìm xung quanh xem có tấm biển nào nhắc nhở mọi người đừng viết bậy lên những bức tường không. Cũng không có. Hồi đó, tôi đã phát biểu trên tờ báo địa phương như thế này:
           
Một là: Trong xã hội có những nơi rất đáng tôn nghiêm. Giống như trong mỗi gia đình, thường có nơi thờ phụng. Ở bàn thờ trong mỗi nhà thường được người trong nhà rất tôn trọng. Ngoài việc khói nhang ra hằng ngày còn được quét dọn, lau chùi sạch sẽ để thể hiện sự kính trọng. Trong các chùa chiền, nhà thờ của các tôn giáo thì có cả một cộng đồng người cùng chăm lo, cùng làm cho những nơi ấy lúc nào cũng sạch sẽ tôn nghiêm. Thế còn những di tích lịch sử thì sao? Đó là công trình văn hoá của cả một dân tộc, không phân biệt ai, từ người già đến người trẻ, từ người vùng này và người vùng khác. Những công trình này được nhà nước đầu tư để nhằm giáo dục nhiều thế hệ, không chỉ cho hôm nay và cho cả mai sau. Vì thế, đòi hỏi tất cả mọi người cùng tham gia giữ gìn và bảo vệ. Những chữ vốn nó không phải là thiếu văn hoa trên đây khi được một người nào đó viết lên bức tường của khu di tích kia thì nó lại trở thành rất thiếu văn hoá. Người viết lên đó không chỉ thiếu sự tôn trọng khu di tích mà còn là sự thiếu tôn trọng chính mình. Vì khi đặt chân đến thăm khu di tích này ai cũng biết đây là nơi có một thế hệ ông cha đã từng sống, chiến đấu, đã từng đối mặt với cái chết ngay trên đất này để giành độc lập cho dân tộc cho đất nước. Khi đến đây với sự tôn kính nhưng khi hạ những cục than, cục gạch để viết lên tường nhà tưởng niệm thì cũng chính là bôi ngay lên chính sự tôn kính của mình. Khuyên các em, các cháu hãy dùng những chữ tốt đẹp kia đúng lúc, đúng nơi, không nên dùng bừa bãi như vậy. Còn có những từ khác nữa được viết trên những bức tường ấy mà tôi không dám viết ra đây, vì nếu viết ra cảm thấy ngượng ngay với chính mình.
           
Thứ hai: các nhà quản lý nên quan tâm đến chuyện này. Tôi nhớ trong các viện bảo tàng, để bảo vệ hiện vật, người ta ghi dòng chữ: “ xin đừng chạm tay vào hiện vật” . Dòng chữ ấy có thể không hù dọa được ai, nhưng nó lại nhắc người đến tham quan có một ý thức bảo vệ. Thế thì tại sao ở nơi tôn nghiêm như khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam lại không có được một tấm biển đề: “ Xin đừng viết vẽ lên tường và hiện vật khu di tích.” Rồi nếu các em, các cháu nó có lỡ quá đáng thì cũng nên cử người xoá đi những dòng chữ không hợp người hợp cảnh kia đi để khách tham quan các nơi đến người ta khỏi thấy. Nhân đây, xin kể một câu chuyện:
           
Cách nay chừng hơn 40 năm, có một người nước ngoài đến thăm một công trường xây dựng lớn ngoài Miền Bắc. Vì nó còn là công trường nên chỗ nào cũng có khẩu hiệu. Khẩu hiệu viết trên giấy, khẩu hiệu vẽ lên tường. Khẩu hiệu treo trên cổng chào. Trên một bức tương kia cũng có hai chữ tiếng Việt rất to. ( Xin đừng bắt tôi viết hai chữ đó ra đây vì nó ảnh hưởng đến uy tín của các quý bà…).  Ông khách nước ngoài kia rất quen với những khẩu hiệu lúc bấy giờ, bỗng thấy có hai chữ mà ông ta chưa hề thấy, bèn hỏi người phiên dịch: “Sao khẩu hiệu kia nó khác những khẩu hiệu tôi thấy. Khẩu hiệu gì thế.” Anh phiên dịch đỏ mặt, nhưng rồi rất nhanh trí anh ta nói: “ Thưa ngài, khẩu hiệu ấy để chào mừng riêng ngài đó”. Ông khách kia mừng ra mặt, bèn rút ngày chiếc máy ảnh ra toan chụp lại. Anh phiên dịch cuống lên chắn vội ngang ống kính của ông ta. Ông ta trố mắt nhìn anh phiên dịch. Thêm một lần nữa anh phiên dịch phải biến báo: “ Thưa ngài, ngài thấy đấy, khẩu hiệu này còn phải trang trí lại. Vì ngài đến gấp quá. Thôi, lát nữa ta quay lại ngài hãy chụp”. Ông khách nước ngoài nghe nói còn trang trí lại nên thôi , thu máy về. Anh phiên dịch phải thông báo nhanh với lãnh đạo công trường và yêu cầu cho người xoá ngay cái “ khẩu hiệu” kia đi. May quá, lúc về, ông ta quên không đòi quay về con đường kia nữa.
           
Thế mà nay, lại chuyện viết chữ mà lại viết chữ lên vách đá. Chữ thôi, đã khó chịu rồi. Lại còn là thơ nữa, mà thơ như những câu nhà phê bình Dư Thị Hoàn trích dẫn, nó chỉ đáng đọc ở những câu lạc bộ thơ cấp xóm, cấp ấp thì không biết nên gọi là  văn hóa gì. Chuyện xẩy ra ồn ào như thế mà sao đến nay ngành văn hóa Hải Phòng vẫn chưa có động tác gì đối với hành vi phi văn hóa như vậy. Hay họ ngại, khi người ta đã là nhà thơ rồi, đã thành “ ranh nhân” văn hóa rồi họ có quyền tạc thơ trên đá, để lưu truyền hậu thế? Hãy bảo họ “ mang vôi quét trả đền” đi. Hãy xứ lý họ như một hành vi vi phạm trật tự văn hóa. Có làm như thế thì mới xóa bỏ được những bài gọi là thơ kia khỏi ký ức mọi người, kẻo sẽ có người bảo: không lẽ thơ Hải Phòng lại dở đến thế sao? Xúc phạm chết! Hãy để mọi người đến Cát Bà Hải phòng với sự tò mò vì cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp ở đây, vì những công trình văn hóa được xây dựng làm đẹp thêm Cát Bà. Đừng để thiên hạ đến Cát Bà để đi tìm thơ dở tạc trên vách đá.  
30/6/2008
Nguyễn Đức Thiện
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...