Nguyễn Đức Thiện trả lời bài: Phản hồi về
bài viết sân chơi
âm nhạc ai cũng có quyền vào
Nguyễn Đức Thiện trả lời bài: Phản hồi về bài viết sân
chơi âm nhạc ai cũng có quyền vào của Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông (Ngữ Yên)
Trên Báo Tây Ninh số 82/2008 ra ngày 15/7/2008 nhà văn Nguyễn Đức Thiện có viết
bài tựa đề SÂN CHƠI ÂM NHẠC AI CŨNG CÓ QUYỀN VÀO có đề cập đến bài viết CA KHÚC
PHẢI SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT của tôi đăng trên Tạp Chí văn nghệ số TN 16/2008
nên có vài ý kiến trao đổi cùng Nguyễn Đức Thiện
Trước nhất rất cám ơn sự đóng góp của anh.Xin trao đổi với
anh thêm vài ý :
Bài viết muốn nói lên tình hình âm nhạc bát nháo
( ông nên có bài viết riêng về vấn đề này, chỉ một vấn đề này
thôi cũng có một bài viết hay rồi. Trong bài in báo trước ông không đề cập đến-thực
ra thì không nên dùng hai chữ bát nháo, nghe nặng nề quá! N Đ T)
hiện nay mà người nghe,quần chúng,báo chí,những người yêu âm
nhạc ...từng lên tiếng đã lâu ( cũng không ai phủ nhận sự thành công của lớp trẻ
mà chỉ bàn một số vấn đề về âm nhạc)
+ Về tựa đề Sân chơi âm nhạc ai cũng có quyền vào :
Cái nầy khỏi nói thì ai cũng biết, âm nhạc là sân chơi chung, tất nhiên là tự
do rồi, có ai cấm cản ai đâu ? nhưng hay hay dỡ do người cảm nhận,cũng
như có tiền thì in thơ in văn tràn lan như hiện nay....nhưng người khác cảm nhận
được hay không còn xem lại,phải xem lại trình độ văn học, đạo đức của tác giả nữa
( có bao nhiêu tác phẩm để lại lòng người? ) Quyền vào sân chơi cũng phải
tôn trọng quần chúng chứ không phải ai muốn viết gì,nói gì cũng được.Nhập đề của
nhà văn là cách viết trung hoà,huề vốn !?
( Tên bài do Báo sửa lại, ông xem blogs của tôi sẽ thấy tên
bài chính thức N Đ T)
+ Rất tiếc về thông tin nhà văn không nắm được nên đề cập
các nhóm sáng tác và biểu diễn khá nổi tiếng như: Ba con mèo,Bức tường... nhóm
nầy đã giải tán từ lâu rồi (Bức tường từ năm 2006 ) tác giả viết :...không có
đông đảo tác giả thì không có tác giả xuất chúng? Có phải thật vậy không
,khi mà trước 45 có bao nhiêu tác giả mà hiện nay họ còn sống mãi trong
lòng mọi người như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Hoàng Quý ,Phạm Duy,Phạm Đình
Chương. ....còn hiện nay nay đông nhạc sỹ như vậy thì ai là tác giả xuất
chúng?
( Tôi không bàn đến sự tồn tại của những nhóm nhạc, mà chính
từ những nhóm nhạc và những người sáng tác trẻ còn lại sau những nhóm nhạc. –
tôi cũng đã trình bày trên bản gốc, báo Tây Ninh biên tập cắt bớt, tôi sẽ cho
in lại toàn văn ở một tờ bào khác, nhưng bây giờ ông có thể đọc nó trên blogs của
tôi . Tôi đã đưa lên khi có bài phản hồi này trên blogs của ông. Tôi lên cả bài
tôi và bài ông trong một trang- N Đ T)
( Chuyện Xuất chúng cũng là một điều phải bàn. Một đất nước
sau một giai đoạn chỉ có một số người xuất chúng thôi, bây giờ chưa có, nay mai
sẽ có. Mà ở Việt Nam mình rất ít khi công nhận người sống xuất chúng trừ những
người qúa xuất chúng, ở Tây Ninh này trong 5 nhạc sỹ ai là người xuất chúng. Có
thể bản thân mỗi người đều cho mình là xuất chúng, nhưng ai công nhận. Ông
chăng? N Đ T)
+ Trong văn cảnh mà tác giả NĐT chỉ lấy một câu thì làm
sao đọc giả hiểu hết ý (tình yêu đến em không mong đợi gì tình yêu đi em
không hề hối tiếc ...) tôi chỉ nói về ca từ chứ không đề cập đến giai điệu.Hiện
nay tuy có một số nhạc sỹ trẻ thành danh nhưng tình trạng bội thực ca sỹ
thành nhạc sỹ và nhiều nhạc sỹ sáng tác lời lẽ không chấp nhận được mà ai cũng
biết đại khái như:ok,mình chia tay ,yêu là phũ phàng yêu là lỡ làng sao
ta cứ cắm đầu mà yêu, con trai yêu ai chỉ vài ngày để rồi sau đó nói chia
tay....thử hỏi những từ nầy nghệ thuật ở đâu mà
chúng ta còn nghe ra rã mỗi ngày những từ tương tự như vậy ( trong
bài báo tôi dẫn chứng nhiều nhưng NĐT chỉ lấy ra có một câu nên không suông sẽ
được,làm cho đọc giả hiểu lầm ).
( Tất cả những dẫn chứng của tôi chỉ để nói một điều, mà
không tranh luận đó là: những chuyện ông nêu người ta đã nói rồi, cũ rồi, ông
nên nêu ra những ví dụ khác, chưa ai nói, chưa ai bình, nhưng vậy mới có thông
tin mới được. N Đ T)
+ Về ca từ bài hát của An Thuyên cũng chỉ là sự cảm nhận của
riêng Nguyễn Đức Thiện và sự cảm nhận của tôi,bài hát cho mọi người, chứ không
phải lấy chuyện ăn sóng nói gió của miền Trung rồi bắt mọi người phải
cảm nhận theo, tôi cho rằng cắt-chặt-bẽ trong một câu nhạc như thế
thì mang tính khiên cưỡng ( chặt đôi câu thơ,bẻ đôi câu thơ..... để
làm mái chèo lướt sóng !? chưa văn học lắm,còn gượng gạo ) âm nhạc đi
đến cái hay cái nghệ thuật, không phải có tiếng tăm mà hoàn chỉnh được.Không phải
là một tượng đài mà không ai rớ vào được !? ( trường hợp An Thuyên
cũng thế thôi ,mặc dù giai điệu bài hát rất hay ) vd: bài Sơn Nữ Ca của Trần
Hoàn vô đầu: Một đêm trong rừng vắng , ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp
thoáng.....mà cuối cùng là : Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống rồi chờ đợi ai
đây? (đã một đêm trong rừng vắng mà lại đến hoàng hôn...thì sao??
Hay bài Tiểu đoàn 307 có câu: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long
Giang?? đã sông mà còn giang nữa thì sao? ) .Nếu không hiểu ý nghĩa,
điển tích có thể làm sai lời bài hát , đơn cử một nhạc sỹ TN viết ,lời thơ là
: Tiếng ru Bazắc hôm nào ( bazắc là thể loại dân ca khmer đồng bằng
Cửu Long mà nhạc sỹ sửa lại là:...quên lời hứa với cây Bazắc năm
xưa...? ( bài Sarika vô tình )Thì trình độ văn học ở đâu ,từ lời ru mộc mạc
biến thành một cái cây vô tri vô giác!??
( Trường hợp ông nêu không nhiều, cá biệt mà cũng là điều người
ta đã nói, đã bàn, thông tin cũ. Chỉ có một thông tin mới : Cây bazắc. Nếu
trong bài viết ông kỹ như thế này có phải tốt hơn không? – N Đ T )
Do đó NĐT cho rằng nhạc sỹ không cần tìm hiểu ,không cần
tham khảo thêm tư liệu ...thì những cái sai như trên có thể chấp nhận
được không ? (đâu phải nhà khoa học viết báo cáo bằng nốt nhạc - lời
NĐT - mà nhạc sỹ cần phải có trình độ kiến thức tối thiểu cho nội dung ca từ của
mình- có thể nói ca từ là thể hiện trình độ văn học của một nhạc sỹ ) NĐT nên
nghĩ cái chiều sâu ,cái lõi bài viết chớ không nên cắt khúc từng đoạn để
mổ xẻ e rằng gượng gập !?
( Không có người sáng tác nào làm công việc như ông khuyên.
Người ta phải thật hiểu rồi mới viết. Tôi đố ông lá diêu bông là lá gì đó,
không có phải không, Chuyện ông nói về câu “Ai đem con sáo qua sông…” , khi người
sáng tác không ai nghĩ đến chuyện Trịnh Nguyễn phân tranh hết. Mà nghĩ đến thì
người ta sẽ viết khác chớ chưa chắc người ta dựa vào dân ca các miền mà sáng
tác đâu- N Đ T)
+ Hiện nay có sự lạm dụng, ăn theo hình tượng văn học , từ
sau những bài hát khá hay nói về Con chim sáo,chim đa đa ....thì
những bài nói về chủ đề nầy về sau có bài nào thành công nữa
đâu ? chỉ là cái mode phong trào thôi.
( Có chuyện này, nhưng không phổ biến. Có điều, tôi tin hôm
nay có thể chưa có thêm bài mới hay, nhưng sau này sẽ có. Con Ngựa ô bây giờ có
bao nhiêu bài chắc ông rành hơn tôi. Chuyện vợ chồng, chuyện tình yêu, chuyện
cây đa bên nước, thiếu gì bài, có bài hay, bài dở cả đấy chứ, nếu viết như ông,
tôi có thể kể ra rất nhiều đề tài nhạc sĩ ăn theo kìa- N Đ T)
+ Về câu nói của giáo sư Frank Gerke về nhạc Trịnh thì nhà
văn Nguyễn Đức Thiện hiểu một cách máy móc quá, câu của gs : Người hát hay
nhạc Trịnh chính là Trịnh Công Sơn ...., đó là xuất phát từ lòng yêu mến
nhạc Trịnh của ngườ nước ngoài và cũng muốn nói lên sự thận trọng khi hát nhạc
Trịnh.( một loại nhạc thâm thuý ca từ rất khó diễn đạt, nhạc sỹ Văn Cao từng gọi
đó là người Ca Thơ mà ) Cố nhạc sỹ Lê Yên ( tác giả bài hát nổi tiếng
Ngựa phi đường xa ) đã từng nói một câu mà dân làm nhạc ai cũng biết ( trong Tạp
chí Sóng Nhạc 96 ) : Thơ hay không cần phổ nhạc.Nhưng thật ra có nhiều
bài thơ hay người ta vẫn phổ nhạc thành công ( như bài Đôi mắt người
Sơn Tây,Ngày xưa Hoàng Thị ,Ngậm ngùi hay sau nầy là Trường Sơn Đông,Trường Sơn
Tây, Thơ tình cuối mùa thu ..vv...( Cách nói như thế để chúng ta thận trọng khi
phổ thơ ) Bây giờ ca sỹ thì nhiều rất phong
phú,ca hay... nhưng để lại một dấu ấn như nhạc Trịnh thì
rõ ràng chỉ có giọng ca Trịnh và Khánh Ly mà
thôi. Một bài hát đi vào lòng người mãi mãi rất hiếm như bài Đêm đông thì
nhớ mãi Bạch Yến,Trăng rụng xuống cầu thì nhớ đến vợ chồng nhạc sỹ Nguyễn
Hữu Thiết - Ngọc Cẩm...hay ca cổ Tình anh bán chiếu thì nhiều người
ca nhưng nhắc đến bài hát ai cũng nhớ đến danh ca Út Trà Ôn.... ( Tôi biết
có nhiều nhạc sĩ chớ không riêng gì Trịnh Công Sơn sáng tác phải kén người hát.
Có điều những người cùng hát một nhạc sĩ không bị ông giáo sư người Đức kia nhận
xét một cách trần trụi như vậy- Tôi có viết một bài riêng về chuyện này đã đưa
lên blogs của tôi, và tôi sẽ cho in bài này ở Hà Nội.)
Sau nầy có nhiều ca sỹ ca hay nhưng thể hiện được hồn nhạc Trịnh
thì có được mấy ai? Làm sao mà Nguyễn Đức Thiện lộng ngôn khi kết luận
nông nỗi nói ông nầy đã ( Frank Gerke - người từng nghiên cứu nhạc Trịnh)
: Gióng lên hồi chuông cáo chung nhạc Trịnh ? Nhạc Trịnh hiện nay vẫn
còn sự ái mộ rất nhiều của khán giả có cáo chung đâu? ( Tất nhiên. Nhưng
Thưa ông, các ca sĩ họ quá bận rộn không rảnh thời gian đọc báo, nên họ không
biết ông người Đức kia nói như vậy. nếu biết được, họ sẽ đối sử ra sao nhỉ. Một
là: thôi không hát nhạc Trịnh nữa, hai là chửi ông người Đức một trận, sau đó
hát tiếp. Tôi tin ở vế thứ nhất, vì biết ông người Đức ở đâu mà chửi? - những
điều này tôi cũng đã viết trong bài THƯ GỬI ÔNG GIÁO SƯ FRANK GERKE, trên
blogs. Ông đọc thử coi. Rất tiếc, khi viết bài ông chỉ nêu ý kiến mà không phân
tích ý kiến, do vậy, rất dễ gây tự ái cho các ca sĩ, nếu họ đọc được. Ông có đồng
ý với tôi: chẳng ai tự nhận mình dở, nếu có ai chê mình dở, lập tức tự ái liền. N
Đ T)
Bài viết tôi không mang một chủ đề quá lớn ( như lời N ĐT )
mà đây là một vấn đề mang tính phổ thông,một góc độ về âm nhạc mà mọi người
đang quan tâm.Sân chơi âm nhạc thì rộng rãi nhưng phê bình âm nhạc thì rất khó
vì ngoài từ ngữ , cần phải có một vốn liếng chuyên môn nữa. ( Vấn đề
lớn nó nằm ngay trong cái tit bài. CA
KHÚC là một loại
hình trong âm nhạc, PHẢI là trách nhiệm của nhạc sĩ, SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT. CA
KHÚC PHẢI SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT. Rõ ràng ông đặt vấn đề toàn cục cho sáng tác ca
khúc. Nếu ông chỉ gói gọn như thế này: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CA TỪ VÀ BIỂU DIỄN CA
KHÚC, có phải nó nhẹ nhàng hơn không? Đặt tít bài rất khó. Tôi tốn khá nhiều rượu
và thuốc để nhờ người đặt tên truyện đấy- N Đ T- Trong một bài viết chỉ có vài
ngàn chữ mà ông nếu những vấn đề như càu: CA TỪ, ĐỀ TÀI, BIỂU DIỄN CA KHÚC, THƠ
PHỔ NHẠC. Vấn đề nào ông cũng đá qua vài dòng, làm sao mà sâu sắc được. Lớn là
lớn ở chỗ đặt vấn đề cho bài viết, nhưng lý giải thì đúng như ông nói, rất phổ
thông.)
Nên có những bài phê bình âm nhạc khoa học, nghiêm túc và có
chính kiến[1]
Nguyễn Đức Thiện
Mới đây nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông có bài CA
KHÚC PHẢI SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT đăng trên Văn Nghệ Tây Ninh số 16 tháng
5-6 . Đọc xong, tôi có vài điều áy náy nên viết bài này đóng góp vài ý kiến.
Nhạc sĩ Quốc Đông nhắc đến trong bài những người sáng tác trẻ
bây giờ khả năng văn học trong làm lời cho bài hát còn yếu. Điều này không mới,
nhiều nhạc sĩ bậc đàn anh đã đề cập đến trên báo chí, hoặc trên những diễn đàn
âm nhạc sau khi ghi nhận đóng góp rất to lớn của các nhạc sĩ trẻ bây giờ. Họ đã
tạo ra một sân chơi đang rầm rộ, thực sự lành mạnh với những nhóm nhạc, nhóm biểu
diễn và kéo theo hàng ngàn fan hâm mộ. Từ đó, sáng tác âm nhạc của Việt Nam chúng
ta ngày càng phong phú hơn. Họ không chỉ sáng tác theo lối truyền thống mà còn
sáng tác theo nhiều phong cách như rok, ráp, framengo, chachacha, ... Các nhóm
biểu diễn và sáng tác hình thành khá nổi tiếng như BA CON MÈO, ĐỒNG ĐỘI, BỨC TƯỜNG,
NĂM DÒNG KẺ… Các em đã thả sáng tác vào cuộc sống, chính cuộc sống phán xét tác
phẩm của họ. Giai đoạn âm nhạc tiền chiến, âm nhạc Cách mạng, âm nhạc giai đoạn
Miền Nam chưa giải phóng lúc nào cũng có những người còn trẻ hăng hái
sáng tác. Để đến hôm nay chúng ta mới có Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn-
Từ Linh, rồi sau này có Huy Du, Đỗ Nhuận, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp..., sau nữa
có Dương Thụ, Trọng Đài, Trần Tiến.. , bây giờ có những nhạc sĩ trẻ, đầy triển
vọng như Hồ Hoài Anh, Tuấn Hùng, Giáng Son, Hoài Anh, Phương Uyên. Họ là những
người còn lại trong không biết bao nhiêu người cùng thời. Tây Ninh cũng vậy,
ngoài những người như Quốc Đông, Quốc Tây, Đình Hồng, Nguyễn Quang Cường, Lê
Hoàng Minh được kết nạp hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi còn nhớ rất nhiều những cái
tên khác như Hoài Nguyên, Vĩnh Phát, Hoài Nhơn, rồi Quang Khen, Nguyễn Văn Tu,
Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Chí Khối, Lê Văn Trứ,… Có nghĩa là nếu không có một
phong trào âm nhạc thì không có tác giả. Không có đông đảo tác giả thì không có
những tác giả xuất chúng. Âm nhạc là sân chơi rộng rãi và ai cũng có quyền vào.
Chúng ta thực sự vui khi có những người trẻ tuổi tham gia sáng tác âm nhạc.
Ngay chính tôi cũng chẳng thích gì những người sáng tác âm nhạc trẻ cứ mắt huyền,
mắt nhung, mắt nai, tóc nâu, tóc xanh, những câu chuyện tình ủ rũ, hoặc sỗ sàng
tỏ tình… Tuy nhiên, đó là bước trải nghiệm, khi trưởng thành các em sẽ đĩnh đạc
và sẽ tự mình quên luôn những bài hát có lời và giai điệu của thưở ban đầu ấu
trĩ.
Trong một bài có tính nghiên cứu, nhạc sĩ Quốc Đông đã nhắc lại
tới những điều đã cũ. Như câu hát: “ tình yêu đến em không trông đợi gì,
tình yêu đi em không hề nuối tiếc”. Một nhạc sĩ tên tuổi từng
nói đến trong một chương trình giao lưu âm nhạc trên truyền hình Thành phố Hồ
Chi Minh. Câu thứ 2: “ Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ, chặt đôi câu
thơ, bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng”, anh cho rằng nhạc sĩ
dùng liên lục ba động từ tạo sự khiên cưỡng cho lời nhạc làm mất đi vẻ lãng mạn
trong thi ca. Trong một chương trình giao lưu trên sóng Truyền hình Việt Nam,
nhạc sĩ An Thuyên đã lý giải một cách thuyết phục rằng: ông là người miền
Trung, ăn sóng, nói gió, vì thế ông đưa vào câu hát những cắt, bẻ, chặt cho
đúng với chất quê ông. Không thể đòi hỏi ở An Thuyên một sự cải chính, khi bài
hát đã sống vững trong những người yêu âm nhạc hiện nay. Nhân đây, nhạc sỹ Quốc
Đông còn so sánh trăng của An Thuyên với trăng của Nguyễn Du, Hàn Mạc Tử… Sự so
sánh này thật khập khiễng, vì trăng trong bài hát của An Thuyên chỉ là cái cớ,
để An Thuyên dẫn người ta đến với vùng quê vất vả, gian nan nhưng chất chứa hồn
thơ, đẹp như ca dao, đẹp như tình yêu đôi lứa. Trăng của Nguyễn Du cái trăng của
tâm sự của vợ xa chồng, Nguyễn Du đứng ngoài trăng ấy. Còn trăng của Hàn Mạc Tử
là trăng của chính ông, của cõi lòng ông.
Nguyễn Quốc Đông phê phán chuyện lạm dụng hình tượng văn học
như “ chim đa đa, chim sáo” để sáng tác âm nhạc cũng không thỏa đáng. Văn
học nghệ thuật nói chung không hạn hẹp đề tài. Nhưng có những đề tài viết đến hết
đời, trăm người viết, ngàn người viết cũng không hết được. Hình tượng “ mẹ” chẳng
hạn. Cũng chỉ là mẹ mang nặng đẻ đau, gian nan vất vả, tần tảo nuôi chồng, nuôi
con, sớm nắng chiều mưa, vất vả lo toan, có gì khác đâu, sao viết hoài không hết?
Đề tài không mới, nhưng người làm âm nhạc khai thác tốt, vẫn cho chúng ta những
nhạc phẩm có sức thuyết phục, chẳng có gì đáng phải phàn nàn cả. Đến câu “
Ai đem con sáo sang sông/ để cho con sáo sổ lồng bay xa”, nhạc sỹ Quốc
Đông còn liên tưởng tới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, và khuyên nhạc sỹ nên
tham khảo các nhà sử học nữa thì … Chết thật, không lẽ viết về cây phải tham khảo
nhà sinh học, viết về trăng sao phải tham khảo nhà thiên văn học, viết về sông,
núi phải tham khảo ý kiến nhà địa lý học, thế thì biến các nhạc sĩ thành những
nhà “ khoa học viết báo cáo bằng nốt nhạc và lời ca” mất rồi.
Đọc đến câu Nguyễn Quốc Đông, trích dẫn giáo sư Frank
Gerke người Đức đã in trên báo Thanh Niên ngày 3- 10- 2001, thì tôi thực sự
khó chịu: “ … Người hát hay nhất nhạc Trịnh chính là Trịnh Công Sơn. Sau
Trịnh mới đến Khách Ly, sau Khánh Ly là không còn ai nữa. Hồng Nhung chỉ tàm tạm
một đôi bài. Còn các ca sĩ khác thì không thể chấp nhận được…”. Phải chăng
ông này đã dóng hồi chuông cáo chung nhạc Trịnh. Trịnh mất rồi.
Khánh Ly già rồi, Hồng Nhung bây giờ không rảnh để đi hát nhạc Trịnh, vậy thì
nhạc Trịnh chỉ còn là cái bóng, chỉ là hồn ma thôi hay sao? “ … các ca sĩ
khác không chấp nhận được…” thì thôi, họ đi hát người khác, bài khác. Dù
Trịnh có siêu đến đâu cũng cần ca sĩ. Ca sĩ không của một thời mà phải nhiều đời.
Họ hát với cái tình của họ với Trịnh, không nên sổ toẹt vào lòng yêu mến của
nhiều ca sĩ với nhạc Trịnh như thế. Nhất là chúng ta, người Việt Nam, phục Trịnh,
mến yêu Trịnh, thì hãy để hôm nay, rồi mai sau, con cháu chúng ta vẫt hát nhạc
Trịnh bằng sự yêu mến và cảm phục. Ông giáo sư người Đức kia đâu có phải là cái
chuẩn để chúng ta theo. Mà nếu như ông nói thì: Nhạc Trịnh đi theo Trịnh sang
thế giới bên kia, Khánh Ly rồi cũng vào quá khứ, không lẽ mỗi lần nhớ đến Trịnh
người ta xúm nhau lại mở băng, mở dĩa nghe Trịnh và Khánh Ly hát giống như
trong nhà chùa, trước tượng Phật người ta nghe tụng kinh qua băng casset? Như
thế thì thảm lắm cho một nhạc sĩ nổi tiếng. Ông giáo sư kia có được
Trịnh dạy hát, nhưng tôi lấy đầu tôi ra mà cá rằng: ông ta sẽ hát nhạc Trịnh dở
hơn bất cứ ngườiViệt Nam nào hát. Ông nói mấy câu trên cũng chỉ
là nịnh hót Trịnh mà thôi.
Tóm lại, với một bài viết ngắn, Nguyễn Quốc Đông đã ôm một đề
tài quá lớn, đề cập đến nhiều vấn đề nhưng giải quyết vấn đề lại không thỏa
đáng. Như nói về phổ thơ chẳng hạn. Đây có thể là một đề tài lớn, có thể có những
ý kiến nhiều chiều. Nếu chỉ nói mấy dòng như Nguyễn Quốc Đông như vậy thì không
đủ sức thuyết phục.
Rất mong Tây Ninh có thêm những bài phê bình âm nhạc xuất
phát từ sự nghiên cứu thật nghiêm túc và có những chính kiến của riêng mình.
Chú thích:
[1] Nhân đọc ca khúc phải sáng tạo
nghệ thuật - văn nghệ tây ninh số 16 tháng 5- 6- 2008.
16/7/2008 Nguyễn Đức Thiện
16/7/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét