Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Khoảng lặng

Khoảng lặng

1. Năm cuối cấp Ba, trong phần thưởng nhất lớp, Nam nhận được cuốn tự điển Anh Việt khá dày, dòng chữ đầu tiên mà Nam bắt gặp: “Cancer: Ung thư, một loại bệnh nan y có từ cổ đại, chưa rõ nguyên nhân và chưa có thuốc chữa”. Nam dửng dưng xem đó như một cái chết bình thường như bao cái chết khác…
Rớt Đại Học, nhập ngũ, sang Cam pu chia chiến đấu. Sống sót, nguyên vẹn đến ngày về nước đã là điều hi hữu. Lấy được người yêu từ hồi còn đi học, hiện là giáo viên, sinh được hai gái kháu khỉnh, thêm một điều hy hữu thứ hai. Tốt nghiệp loại ưu Vật lý, ra trường làm Trợ Lý Giám Đốc nhà máy thủy điện, điều hy hữu thứ ba. Có lẽ Nam là người hạnh phúc nhất trên đời nếu không có cái ngày hôm ấy…
Hay đau bụng, ói mửa, sốt bất thường; tất cả chẳng thấm thía vào đâu so với những trận sốt rét kinh hồn mà Nam từng nếm trải trên chiến trường năm xưa. Vậy mà Bác Sĩ Sơn, thằng bạn chiến đấu ngày nào lưỡng lự khi phê hai chữ: “Nghi K” trong hồ sơ bịnh án của Nam sau ba lần chiếu quang tuyến X và một lần nội soi. Cả hội đồng Bác Sĩ bệnh viện tỉnh hội chẩn đều quyết đoán K gan, giai đoạn ba. Thế là chữ Cancer ngày nào nay đã trở thành một bản án tử hình đối với Nam. Sơn cố giữ bình tĩnh khi báo cho Nam rõ điều này: “… Mày là thằng dũng cảm nhất Đại Đội. Bây giờ cần can đảm hơn. Phải giải phẩu và tin vào nền Y học hiện đại.” “Sơn ơi, tao không là Bác Sĩ như mày, nhưng tao dư biết tao không thể thoát được lưỡi hái tử thần. Tao chỉ xin mày không báo tin này cho vợ con tao biết, và cũng đừng giải phẩu tao đúng như khẩu hiệu của bọn mình đã từng quy ước với nhau khi còn trong quân ngũ: không bao giờ làm điều cầu may”. Bắt tay bạn mà Sơn phải xoay mặt chỗ khác để giấu đi những giọt nước mắt rưng rưng. 
Trong khi ấy, Mai, bác sĩ trưởng khoa Ngoại lại gọi Hà, vợ Nam vào phòng riêng: “Tôi rất tiếc phải báo cho chị biết, có lẽ chồng chị sẽ không còn sống với chị quá nửa năm nữa. Đây là loại bệnh mà cả thế giới bó tay. Chị nên khéo chiều chuộng anh trong những ngày còn lại. Đặc biệt chị tuyệt đối không để anh ấy biết tin xấu này, bởi tinh thần lạc quan là liều thuốc duy nhất kéo dài tuổi thọ của anh ấy được ngày nào hay ngày nấy”. Bầu trời như tối sầm lại trước mắt Hà, chị nghẹn đi một lúc trước khi lắc mạnh tay bác sĩ: “Không còn phương cách nào khác nữa sao bác sĩ? em có thể bán nhà để chữa chạy cho chồng em! Em van xin bác sĩ!…”. Bác sĩ trưởng khoa khe khẽ lắc đầu. 
Bệnh viện cho Nam xuất viện sớm bởi nhà thương giờ này chỉ là ranh giới giữa cái chết và cái sống đối với anh. Sáng hôm ấy nhìn bao người hớn hở khăn gói ra về, mặt họ tràn trề sức sống mà lòng Nam và Hà nặng trĩu. Mỗi ngày, đôi liều thuốc bổ; vài ngày một bình serum, chỉ là những hạt muối bỏ biển. Sức khỏe của anh càng ngày càng tồi tệ, xanh xao, vỏ vàng. Hà không tiếc tiền mua những món cao lương nhất, kể cả bong bóng cá, yến sào… mong bồi dưỡng cho chồng. Ngồi trước những bữa ăn thịnh soạn, Nam có cảm tưởng đấy là mâm cơm cuối cùng dành cho người tử tội. Anh cố gượng cười trách vợ: “Em nên để dành tiền nuôi con ăn học, bệnh anh chỉ xoàng xỉnh thôi mà, nay mai rồi sẽ khỏi, em đãi anh chi sang trọng thế này” Thấy chồng lạc quan, Hà cũng gắng gượng hùa theo: “Ừa, em cũng nghĩ bệnh anh rồi sẽ chóng lành. Thời buổi văn minh, có bệnh gì mà không chữa được đâu anh”. Cùng một lập luận như nhau mà sao cả hai lại nhìn về mỗi phía, cố nén những cảm xúc riêng tư. Theo lời nhà thương đề nghị, thời gian nghỉ bệnh của Nam chưa hết, nhưng anh muốn đi làm sớm cho khuây khỏa, nhất là bản thiết kế đồ án do anh chủ trì chưa hoàn tất. Trước khi ra đi anh muốn để lại nhà máy một công trình hoàn chỉnh.
Những cơn đau dữ dội ngang vùng bụng bắt đầu xuất hiện, những cơn đau như trăm lưỡi dao đang cứa xẻo bên trong, nhặt dần và dai dẳng. Lúc đầu, Nam còn cố cắn răng chịu đựng. Sau anh phải nhờ Sơn kê toa để dùng những liều thuốc giảm đau cực mạnh. Ở nhà, mỗi lần như thế, Nam thường trốn vào phòng để Hà không trông thấy những giọt mồ hôi rịn đầy trán và đôi tay như bóp mềm cả thanh sắt đầu giường. Bụng anh lớn dần, da anh mét đi và chuyển sang màu vàng nghệ. Nhiều lần Hà đề nghị đưa anh đi Sài Gòn để tiếp tục chạy chữa, nhưng Nam đều bác bỏ: “Chết sống đều có số mệnh, rồi anh sẽ khỏi thôi mà. Em nghĩ coi, anh có làm điều gì ác đâu mà ông trời nỡ hành hạ”. Câu nói như lời mỉa mai tột cùng đối với Nam và chạm đến trái tim se thắt của Hà. Trước mặt nhau họ cố tạo niềm vui để khích lệ nhau, nhưng khi xoay đi là chan đầy nước mắt. Đã thế, căn bệnh quái quỷ làm anh mất ngủ suốt nhiều đêm. Sợ thời gian không kịp chạy đua với cái chết, Nam đem cả công việc về nhà, gắng làm suốt đêm. Khi thì ly sữa, lúc tách trà sâm, Hà luôn bên cạnh chồng chăm sóc động viên. Nhìn vợ ân cần, Nam chua xót lắc đầu… Bên ngoài, mùa đông đến sớm. Đôi lúc cả Nam, cả Hà mơ hồ: mưa gió, giá rét kia phải chăng từ chính lòng mình…
2. “Cô không thấy là trong tháng này, cô đã xin nghỉ quá nhiều tiết hay sao!? Đành rằng trường có nhiều giáo viên dự khuyết, nhưng họ làm sao nắm vững chương trình học của lớp bằng chính cô được” “Nhưng thầy ơi, em đâu muốn thế, chỉ kẹt là chồng em đang đau nặng, em phải lo cho anh ấy cho trọn nghĩa trọn tình” Ngừng một chút để chậm nước mắt, Hà tiếp: “Nhỏ Hạnh cùng khối văn tình nguyện dạy thay cho em” “Cô này nói mới lạ, Cô Hạnh chỉ là giáo viên thử việc chưa có lương. Cô có đồng ý chia lương cho cô ấy không? Với thời cơ chế thị trường này, có làm có hưởng, không làm không hưởng, chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu được như thế, tôi sẽ cho cô nghỉ luôn ba tháng” “Dạ em đồng ý” Câu nói làm thầy hiệu trưởng tròn mắt nhìn Hà khá lâu, thầy hơi cau mày: “Thôi được tôi sẽ nghiên cứu. Mà lạ thật, ai chẳng có lúc bệnh, mà bệnh thì đến nhà thương. Có ai dư nước mắt như cô đâu”…
Hạnh là học trò cũ của Hà, tốt nghiệp cao đẳng Sư Phạm, chờ việc hoài đâm chán nên xin về dạy không công cho trường để nuôi hy vọng được một xuất biên chế dù hy vọng ấy khá mong manh. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp, Công Đoàn trường xuất quỹ trợ cấp cho Hạnh mỗi tháng ba trăm ngàn. Nay Hạnh lại lãnh thêm việc dạy thay cho Hà khi Hà xin nghỉ dạy dài hạn không lương. “Cái lão hiệu trưởng quái thật, ba mươi cái máy may của trường không cánh đã bay mất tiêu, nay ba tháng lương của chị Hà vẫn có đều trong sổ lương mà chẳng biết vào túi ai?” Lời bộc trực từ thầy Trung cứ lan dần trong trường. Hà cũng biết thế, nhưng nuôi chồng là công việc thiêng liêng nhất đối với chị lúc này. Hạnh cũng biết điều đó, nhưng được dạy thế cô giáo cũ là chút nghĩa cử phải làm. Vào một buổi họp Hội đồng Giáo Viên, có người đề nghị trường nên mua ít quà để đến thăm gia đình Hà, nhưng thầy hiệu trưởng bác ngay: “Theo quy chế, chúng ta chỉ có thể cứu trợ đồng nghiệp khi ốm đau. Chứ không có khoảng cứu trợ vợ hoặc chồng. Mà các bạn lo gì khi cơ quan của ông Nam quá giàu…” “Nói như thầy thì cái tình bỏ đâu?”. Sau đấy một số giáo viên hùn nhau tự động đến thăm Hà…
3. Sau bốn tháng bên giường bệnh, Nam đã hoàn thành bản thiết kế đập thủy điện chính trên dòng sông quê nhà. Nhìn những thông số chính xác, từ lưu lượng dòng chảy, độ nghiêng bờ kè đến độ rộng tourbin… Tưởng tượng đến một ngày dòng điện như máu huyết dâng tràn sức sống cho quê hương, Nam nở nụ cười mãn nguyện. Chợt một cơn đau ập đến, Nam gục xuống bàn, vòng tay Nam như ôm trọn vẹn những trang giấy đầy ước mơ.  Cũng may, đúng lúc ấy Sơn đến thăm, anh đóng cho Nam một ống morphin, mới cắt được cơn đau. Rút mũi kim ra, Sơn khe khẽ lắc đầu…
Từ ngày Nam ngã bệnh, láng giềng, bè bạn thường lui tới. Kẻ lon sữa, người dây yến, chục cam… quà cáp đầy nhà, nhưng Nam nào dùng được, ăn vào là ói ra. Vợ con thấy thế như cũng bệnh theo, nồi cơm bưng lên rồi dọn xuống. Ngay con Ki cũng biếng sủa lười ăn. Nó thích tìm chỗ thanh vắng nằm mẹp, cặp mắt ươn ướt… Bé Em nhìn thiên hạ, buồn thiu: “Tết này, mẹ quên mua quần áo mới cho bọn mình rồi”. Bé Chị suỵt em: “Nói nho nhỏ thôi, mẹ nghe mẹ la chết. Em không thấy ba bệnh nặng hay sao?”. Lời trẻ con không ngờ đến tai Nam, anh úp mặt vào hai tay: “Tại ba cả các con ơi. Ngày bình thường ba không chăm sóc các con bằng mẹ. Bây giờ bệnh hoạn, ỉa đái, tắm gội còn không chủ động được thì làm sao ba lo được cho các con”, ý nghĩ không thể nói được thành lời thường nén thành niềm đau. Đêm đêm, khi mọi người yên ngủ, Nam gượng dậy tựa lưng vào thành giường mà nhìn vợ, nhìn con. Mới vài tháng mà tóc Hà đã nhuốm bạc, những nếp nhăn chớm gợn trên khuôn mặt hốc hác. Không thể nói vì nghèo đói, bởi đồng lương của Nam tương đối cao, vợ chồng anh lại cần kiệm nên dù đau yếu, vật chất trong nhà chưa đến nỗi nào. Anh nghiệm ra rằng tinh thần là liều thuốc bổ quý giá nhất… Nam lần xuống giường men sang phòng học các con, vẫn ngăn nắp tinh tươm nhưng qua bản thành tích, Nam nhận ra sự sa sút trong việc học của các con mình… Tập nhật ký của Bé Chị còn đặt giữa bàn, Nam lật ra trang cuối: “… Lúc này mình thích đi học sớm để tranh thủ ghé vào chùa lạy Phật, mình vẫn cầu cho ba mình sớm lành bệnh mà Phật Trời chẳng chứng chút nào. Nhìn thân thể ba mình mỗi ngày một tiều tụy, mình lén khóc hoài, sợ ba thấy ba buồn. Em mình nó còn ngu lắm, có lần nó nũng nịu đấm vào bụng ba mình một cái, tuy nhẹ, nhưng ba mình nhăn mặt, nghiến răng… Hình như ba mình đau lắm. Mình la em nhưng ổng còn binh… Mình sợ cảnh mồ côi cha như con Lành lớp mình quá, có lần mình hỏi nó, nếu được một điều ước, mày ước cái gì, nó nói nó ước cha nó được sống lại…” Bé Chị mới học lớp năm mà văn chương thật đáo để. Xem xong, nước mắt Nam lăn dài.
Mất ngủ 24/24 thường xảy ra đối với bệnh nhân ung thư. Giữa khuya đếm từng tiếng thạch sùng, nhìn vợ con yên giấc, đối diện với với chiếc bóng gầy còm oằn mình trong những cơn đau xé ruột, bao kỷ niệm buồn vui cứ tuần tự quay về như những thước phim quay chậm. Nam có cảm tưởng mình đang từng bước lần về hố huyệt. Nếu cái chết là giấc ngủ bất tận, nếu cái chết là hồn ma bóng quế, là địa ngục, súc sanh thì cũng có bạn đồng hành, đàng này mình chỉ là cái bóng chập chờn, cô quạnh giữa đêm u tịch, tuyệt đối cô đơn. “Tử thần ơi, trước đây ta còn sợ mi. giờ thì chẳng còn gì để ta luyến lưu cuộc sống nữa, sao mi không sớm về rước ta đi. Cái thân xác này chỉ là manh áo rách tả tơi, con chó hẳn không thèm ngửi, chỉ vợ con là còn coi trọng ta. Thế mới biết tình nghĩa sâu nặng dường nào”. Thi thoảng, Nam chợp mắt được thì giấc ngủ cứ chập chờn với bao mộng mị, Nam thấy mình lạc giữa một cánh đồng hun hút gió, anh cố đi về hướng những người thân đang vẫy gọi, nhưng gió cứ đẩy anh dội ngược về phía sau. Đuối sức anh dừng lại thì gió hất tung anh vào khoảng không bất tận… Giật mình, anh choàng tĩnh dậy… Hà đang ngồi sắc thuốc trước một lò lửa than hừng hực. Cái thứ thuốc vô thưởng vô phạt của lão lang băm chiều qua đã hốt cho Nam với những lời quảng cáo rẻ tiền, khó tin. Nhưng không sao, Nam sẽ vui vẻ uống như nuốt vào lòng niềm tin lẫn nghĩa tình của người vợ thuỷ chung. Giả dụ đấy là thứ độc dược thì cái chết sớm kề cận cùng Nam, càng tốt; giả dụ nó có tác dụng tốt cho căn bệnh của Nam thì cũng xứng với công sức của vợ mình thức gần suốt đêm. Tự nhiên, anh thấy thương Hà quá, anh gượng dậy đi về phía lò than ấm áp kia, anh sẽ vuốt và hôn lên tóc Hà, nhưng rồi chân anh run lẩy bẩy, anh qụy xuống và ngã sóng xoài ra giữa nhà. Hà chạy đến vực anh dậy dìu anh lại giường: “Khổ quá, anh cần đi cầu thì đã có bô để sẵn, cần giúp gì thì gọi em. Cố gắng làm gì cho khổ thế này”.
Sắp đến tết mà nhà Nam buồn the thía. Hà bày ra làm rim gừng, rim khoai lang, kẹo thèo lèo… Những món mà Nam ưa thích. Bé Chị xách chiếc organ mới kít đánh bản Clémentime cho ba nghe, còn Bé Em hát đi hát lại bài: “Em có ba và em có má…”, Các bé nào hay chúng đang chạm vào chính trái tim ba má chúng… Hà không nén nổi cảm xúc, chị cố lớn tiếng: “Thôi, hai đứa không đàn,hát nữa, để yên cho ba nghỉ, hai đứa sang phòng bên học bài đi!”. Hai bé tiu nghỉu đi ra. Nam trách: “Em này lạ thiệt, các con đang vui với anh mà, biết ngày mai có còn cảnh này nữa không?!”. Cũng may, Nam còn rất nhiều nước mắt để chảy. 
Nam kể lại chuyện mơ quần áo mới của hai con cho Hà nghe, anh còn nhờ Hà mua cho anh hai quyển sách: Nàng Bạch Tuyết và Robinson. Hà mỉm cười khi nhận ra chồng mình tự nhiên ham thích những quyển sách trẻ trung như thế.
Mồng Một Tết, Sơn đến xông đất nhà Nam thật sớm theo lời yêu cầu của Nam, anh cần nhờ chích một liều giảm đau cực mạnh để đón xuân vui vẻ cùng gia đình. Hà gây bất ngờ cho hai con bằng những bộ quần áo mới. Nam gọi hai con đến bên cạnh: “Ba lì xì bé Em quyển sách tranh Bạch Tuyết để giữ trọn mãi những giấc mơ đẹp. Ba tặng Bé Chị quyển tiểu thuyết Robinson để con tăng nghị lực với cuộc đời sau này”. Bên ngoài, dưới cội mai già, Sơn lén đốt một phong pháo xả xui. Hà la: “Chú Sơn không sợ lên đồn Công An ăn tết  sao?” “Chị này lo xa dữ, ai nỡ bắt người trong ba ngày vui này đâu”.
Ngày ấy, anh em trong cơ quan Nam đến thăm rất đông. Anh Giám Đốc mang lương và tiền thưởng của Nam đến nhà, hơn mười triệu bạc: “Chú Nam ráng sớm lành bệnh để tôi còn bàn giao cái ghế giám đốc cho chú, tôi sắp về hưu rồi, chú biết không?”. Thấy mọi người đều lo cho mình, Nam chỉ biết gạt nước mắt. Nhìn cơ quan người, tự nhiên Hà thấy ghét cay ghét đắng cái lão hiệu trưởng trường mình quá…
Cuộc vui nào rồi cũng chóng qua, sau cái Tết bệnh Nam trở nặng. Hơi thở ngắn dần, những cơn đau kéo dài, thuốc giảm đau không còn tác dụng: “Sơn ơi, mình cầu xin bạn cho mình một liều thuốc mê cực mạnh để mình sớm ra đi. Mình hết chịu nổi rồi”…
4. Sau cuộc điện thoại, Hà khoát vội áo, lên trường. Thấy Hà, nhiều giáo viên đến vây quanh thăm hỏi, Hà lặng lẽ lắc đầu. Lão hiệu trưởng bụng phệ sau chiếc bàn bureau: “Ba tháng xin nghỉ không lương của cô đã hết hạn, cô còn xin nghỉ nữa không?” “Theo thầy, tôi có nên nghỉ nữa hay không?” “Theo tôi, chồng cô còn đau nặng cô nên nghỉ tiếp thì hơn” “Để cho thầy hưởng lương của tôi chứ gì”. Hà muốn hét to như thế cho hả giận, nhưng nghĩ đến thân phận của mình, nghĩ đến những chiếc ô to lớn mà lão hiệu trưởng đang núp bóng, Hà kịp ghìm lại: “Xin cám ơn về lòng tốt của thầy”, Hà có cảm tưởng phía trước mình là con rô bốt thiếu hẳn trái tim…
Thấy cô giáo cũ buồn bả ra về, Hạnh chạy lại: “Lão hiệu ung thư tâm hồn kia vừa nói gì với cô thế?” “À, ông ta cho cô nghỉ thêm ấy mà”…
Đường về, trời mưa lay phay. Ngày đầu tiên Hà gặp Nam trời cũng mưa như thế, Nam xin đi ké dù với Hà, những giọt mưa tí tách mới vui tai làm sao. Bây giờ trời vẫn mưa như xưa mà sao nước mưa lại mặn… Xa xa một đám chết đi qua, tiếng trống nhịp ba hòa cùng tiếng chiêng cứ đều đặn buông dài. Hà vội bước nhanh hơn, chị sợ không còn kịp nữa… 
5/3/2007
Nguyễn Duy Tẩm
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...