Mối quan hệ của
Thông diễn học hiện đại với văn học
Mối quan hệ giữa văn học và thông diễn học đã có từ rất lâu,
khi những nhà thông diễn truyền thống có ý muốn khôi phục lại giá trị thời đại
Homère. Mặc dù từ Plato, văn học được quan niệm như là sản phẩm của “ý niệm tuyệt
đối” và do trải qua hai lần “ý niệm” nên không có thực và ít được xem là sáng
tác chân chính. Tuy vậy, do được quan niệm là sản phẩm do thần linh tạo ra, cho
nên muốn hiểu được thế giới thần ấy thì cần phải đi vào tác phẩm văn học. Vì vậy,
ngay từ thời của Aristotle, ý nghĩa của việc gắn kết văn học với bộ môn chú giải Thánh
Kinh đã được vị hiền triết này quan tâm. Ông cho rằng “diễn giải là nói một
cái gì đó về một cái gì đó” đối với tác phẩm. Sự chuyển tiếp từ thông diễn học
truyền thống sang thông diễn học hiện đại, cũng đồng thời đánh dấu mối
quan hệ gắn bó mật thiết trên mức cao hơn của văn học với bộ môn khoa
học này. Bởi vì, thông diễn học hiện đại đặt mục tiêu đối với mọi sự lý giải nhằm,
thông qua văn bản và nhờ văn bản, quá khứ văn hóa sẽ nói với chúng ta một điều
gì đó. Đối tượng mà các nhà thông diễn học hiện đại quan tâm là những văn bản
lưu giữ các giá trị tinh thần nhân loại như đạo đức học, tâm lý học và đặc biệt
là văn học. Họ cho rằng những văn bản đó là kết quả của sự tích lũy văn hóa
trong một giai đoạn nhất định của tiến trình tinh thần nhân loại, nó được lưu
giữ nhờ sự ổn định của chữ viết. Vì vậy, để biết tiền nhân của chúng ta muốn
nói gì ở thời đại họ sống và thông điệp tới tương lai, diễn giả phải bám vào
chính những văn bản ấy. Sleiermakher là người đã có công mở rộng phạm vi thông
diễn học từ việc lý giải Thánh Kinh cũng như các văn bản thuộc thời đại
Homère sang lý giải các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn. W. Dilthey là
người đặc biệt coi trọng mối quan hệ này. Ông cho rằng, vì ngôn ngữ là sở hữu của
cả cộng đồng người, họ sáng tạo và lữu giữ theo thời gian và trong quá trình ấy,
nó mang chứa những cách thức suy tư của con người. Do vậy, muốn hiểu được những
cách thức suy tư ấy về hữu thể như thế nào thì cần phải đi vào văn bản, lý giải
các biểu tượng, ký hiệu. Lĩnh vực có thể giúp nhà thông diễn học hiện đại làm
được điều ấy, không đâu khác là các ngành thuộc khoa học nhân văn, trong đó,
trung tâm là văn học.
Dilthey đã đem đối lập khoa học tự nhiên với khoa học xã hội
để làm rõ tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học nhân văn đối với thông diễn học.
Ông cho rằng các ngành khoa học tự nhiên thiên về logích nội tại, với những đứt
gãy liên kết phân tử cho nên nó hoàn toàn độc sáng, còn với các khoa học nhân
văn, đối tượng của nó là diễn tiến tư tưởng đến từ bên ngoài, nó xuất hiện trước
ý thức và độc lập với ý thức con người, do vậy không thể tồn tại khái niệm độc
sáng. Tính liên đới của các vấn đề tư tưởng thúc ép nhà sáng tạo không thể phát
kiến trên văn bản, nếu không dựa vào tinh thần của một giai đoạn văn hóa cụ thể,
ông nói “trong khoa học về tinh thần, toàn bộ đời sống tâm lý đâu đâu cũng cấu
tạo một dữ kiện nguyên thủy và căn bản. Về thiên nhiên, thì chúng ta giải
thích; về đời sống tâm hồn thì chúng ta hiểu biết.
Vì những tác động thu hoạch, vì những cách biệt theo đó những
cơ năng tâm lý, tức là những yếu tố riêng biệt của đời sống tâm hồn, tổ hợp
thành một toàn bộ, đều là những dữ kiện mà chúng ta biết được nhờ kinh nghiệm nội
tâm. Ở đây, toàn bộ được sống cảm là cái nguyên thủy, chỉ sau này, người ta mới
phân biệt những phần cấu thành toàn bộ ấy” (1). Lĩnh vực tinh thần là lĩnh
vực của sự tổng hợp các tính cách tâm lý, do vậy, nghiên cứu về khoa học tinh
thần là nắm được thế giới tâm lý sống của những con người (hoặc cộng đồng) người
“xa lạ”, đứt quãng về không gian và thời gian, nối kết họ lại trong sự thông hiểu
lẫn nhau. Sự nối kết ấy có được là nhờ nhà diễn giải tiếp cận và giải mã “những
biểu hiện được ghi lại một cách lâu bền”, “những bằng chứng thuộc về con người
được ghi lại qua sự viết” và “những tượng đài kỉ niệm bằng văn bản”. Có thể cụ
thể ý kiến trên của Dilthey về mối quan hệ giữa khoa học nhân văn nói chung,
văn học nói riêng với thông diễn học hiện đại ở một số điểm:
1. Thông diễn học hiện đại đặt mục tiêu là khôi phục lại văn
hóa (tinh thần) quá khứ thông qua văn bản, vì vậy, nó không thể tách rời với mục
tiêu sáng tạo và gìn giữ tác phẩm văn học của con người.
2. Thông diễn học hiện đại đặt vấn đề ngôn ngữ lên đầu như là
con đường gợi mở và dẫn dắt sự hiểu của con người hiện tại với con người quá khứ.
Do đó, thông diễn học hiện đại càng không thể tách rời với văn học, bởi văn học
là nơi lưu giữ toàn bộ thế giới tư tưởng của nhân loại một cách đầy đủ nhất, sống
động nhất và hệ thống nhất thông qua ngôn ngữ. Claude Lévi Strauss từng
nói “thi sĩ là những kẻ cuối cùng còn sót lại biết rằng, từ ngữ xưa kia,
cũng là những giá trị” như thể là minh chứng cho sự tồn tại của văn học bên cạnh
thông diễn học.
3. Những ký hiệu trên văn bản là dấu vết tinh thần của thời đại
lịch sử, nó không mất đi dạng thức nguyên thủy như “lời nói”. Nó cho phép các
diễn giả nhận thức bình đẳng về đối tượng qua các thời đại. Ai và bất cứ thời đại
nào cũng có quyền hiểu và diễn giải về nó, cũng như hoàn thiện những giá trị mà
nó mang chứa. Trên cơ sở đó, nó xóa nhòa ranh giới về địa vị của cá nhân người
diễn giải. Nó tiên liệu về sự thay thế có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với quan
điểm của nhà diễn giải khi nhận thức thời đại thay đổi.
4. Tác giả khi viết văn bản văn học luôn muốn thời đại sau hiểu
những điều mình nói, hiểu ý tưởng, hiểu sự trăn trở của mình trước hiện tồn.
Cho nên, muốn thực hiện được mục tiêu ấy, văn học không thể tách rời với thông
diễn học, bởi chỉ có thông diễn học mới phác thảo đầy đủ và tương đối trọn vẹn
ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa tinh thần mà nhà văn nói. Cũng chỉ có thông diễn học mới
nhọc công và đủ bền bỉ theo đuổi những giá trị được giải phẫu trong toàn bộ lịch
sử tính của nó, bằng cách thức suy tư, bằng phương pháp liên ngành và bằng nhiệt
tâm muốn xây dựng một khoa học về tinh thần nhân loại.
5. Không phải tác phẩm văn học nào khi được xuất bản cũng trở
nên nổi tiếng và được nhìn nhận một cách đúng đắn ngay, đôi khi nó yêu cầu tồn
tại một giả định về việc nhà văn phải chết thì giá trị của nó mới được
biết đến. P. Ricoeur đúng về điểm này, khi ông nói “tôi vẫn thường
nói rằng đọc một quyển sách nào đó có nghĩa là chúng ta xem tác giả là người đã
chết, còn cuốn sách của anh ta là tác phẩm được in sau khi anh ta chết” (2).
Sự hiện hữu của nhà văn cùng những chú thích có mục đích về những gì anh ta viết
trước công chúng đôi khi giết chết tác phẩm văn học. Tác phẩm
văn học chỉ thực sự tồn tại và có giá trị khi nó khơi gợi sự tự giác tìm kiếm về
nó từ phía độc giả, và sự tự nguyện ấy sẽ thúc ép họ khai thác những gì cần phải
hiểu về nó, tất nhiên văn bản đó phải có giá trị. Điều này đúng với trường hợp
của Goethe. Đương thời, sau khi Faust của ông ra đời, người đọc yêu
quý tác phẩm nhưng chưa thấy giá trị của nó, phải chăng họ yêu Faust, bởi
nó mang thương hiệu của Goethe? Điều này không phải là không có lý. Goethe từng
ghi lại trong hồi ký của mình về việc chàng thợ rèn đọc Faust quá dở
đến mức không chịu được, ông phải phá toàn bộ lò rèn của anh ta, vì anh ta đã
phá hỏng thơ của ông. Nhưng sau khi Goethe qua đời, Faust lại trở nên
giá trị và được mọi người diễn xướng như một thứ tinh thần Đức. Lý do nằm ở
đâu? Một là vì khi Faust ra đời, những ý nghĩ của Goethe đã đi trước
thời ông sống khá lâu, vì vậy tư duy bình dân chưa thể hiểu hết được những vấn
đề ông nói trong tác phẩm ấy; song hơn cả, ông viết Faust cùng lúc
cũng là người lý giải về nó ngay trong những buổi diễn thuyết, thì việc không
thể tạo nên một phong trào tìm hiểu rộng rãi cũng không có gì là khó hiểu. Sau
khi Goethe qua đời, ý thức hệ thời đại ông sống đã chuyển sang giai đoạn mới,
người ta bắt đầu nghiệm xét về những giá trị ở Faust, từ đó một phong trào
thông diễn rầm rộ nổ ra trong giới trí thức. Nó thúc bách sự khôi phục về giá
trị mà Goethe muốn nói, điều mà thời đại ông, nó đã từng là “điểm mờ” cho những
ý nghĩ thiết thực. Lấy ví dụ về Goethe để thấy rằng văn học chỉ thực sự tìm lại
bản mệnh của mình khi nó gắn liền với hoạt động thông diễn của diễn giả.
6. Tác phẩm văn học là ước muốn được giao tiếp với cộng đồng
người của nhà văn. Nhà văn, họ viết ra văn bản như là phản ứng lại với “lời
nói”. Họ nhận thấy sự giới hạn của “lời nói” trước tha nhân, nó quy hẹp và làm
hạn chế phạm vi giao tiếp. Vì vậy, viết chính là cách thức nhà văn nuôi ý tưởng
thực hiện sự giao tiếp công cộng xuyên lịch sử, xuyên văn hóa. Tất nhiên để
vươn tới tầm ảnh hưởng nhân loại, văn bản mà họ viết ra còn phụ thuộc vào nhiều
yếu tố. Song chí ít, cái ước vọng vượt thoát khỏi thời điểm nói, khẳng định ước
muốn tốt đẹp, nối kết sự thông hiểu giữa con người với con người của nhà văn.
Nhà văn thực hiện chức trách, nhiệm vụ của nhà nhân loại học ngay trong quá
trình viết. Vì vậy, văn học cần gắn bó mật thiết với thông diễn học, bởi vì,
tính nhân loại là đặc trưng quan trọng và là mục đích sau cùng nhất của thông
diễn học. Hướng tới thông diễn học, văn học sẽ tạo cho mình điểm dừng chân hợp
lý, thực hiện mục tiêu nhân văn cao cả.
Với những luận điểm trên, mối quan hệ giữa văn học và thông
diễn học hiện đại được xem như là mối quan hệ bản thể luận, mọi liên đới giữa
chúng đưa đến kết quả cuối cùng về khả năng thông hiểu lẫn nhau của con người
qua mỗi thời đại. Chính vì vậy mà P. Ricoeur xem văn bản văn học có
tham vọng thay thế vị trí lời nói giao tiếp hàng ngày của con người.
Trong Văn bản là gì?, Ricoeur đã xác lập mối quan hệ giữa văn bản
văn học với thực tại sống như thể mối quan hệ của chữ viết và lời nói trong diễn
ngôn nhà văn. Văn bản luôn có hướng vươn rộng phạm vi ảnh hưởng về giao tiếp của
mình tới con người. Nó ghi nhận hiện thực muốn chiếm lĩnh những “khoảng trời
tâm lý xa lạ” của những tâm thức khác nhau, theo mỗi thời đại văn hóa. Văn bản
văn học, theo Ricoeur, không phải là hoạt động thuần túy giao tiếp mà
nhà văn muốn thông điệp đến độc giả ở thời điểm nhất định nào, văn bản văn học
đã chứng minh thuyết phục về những giới hạn của lời nói. Từ khi Giáo trình
ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure ra đời làm thay đổi toàn
bộ cách nhìn về ngôn ngữ, lần đầu tiên lời nói và ngôn ngữ được phân biệt rạch
ròi. Nhà văn viết văn bản là họ thực hiện hành vi nói, nó mang đặc điểm
tâm sinh lý người phát ngôn. Nhưng sẽ là gì đây, nếu lời nói chỉ quy hẹp giới hạn
hiểu trong một nhóm người nhất định? Rõ ràng để diễn thuyết một bài thơ thì nhà
văn, họ chỉ có thể diễn giải ý tưởng trong một không gian, một khoảng thời gian
nhất định, vượt ra ngoài phạm vi đó, lời nói của họ trở nên thiếu - tác dụng.
Ngay cả khi các diễn giả đã cố ghi âm hay phát thanh trực tiếp tiếng nói của
nhà thơ ấy trên phương tiện thông tin đại chúng, thì nó cũng thể hiện những giới
hạn của ngôn ngữ nói. Nó không thể lột tả được không khí nhà văn khi nói như thế
nào, hơn nữa, do quá trình nghe là quá trình bị thúc ép, vì vậy, mọi khoảng trời
“tự do” cho sự hiểu, cho diễn giải sẽ không có. Vậy ở đây còn có điều gì đó ẩn
chứa phía sau những xúc cảm nhà văn? Phải chăng, ở họ vẫn nuôi khát vọng về sự
vượt thoát khỏi lời nói giao tiếp hiện thời, để mở rộng phạm vi của
nó tới mọi vùng văn hóa, ở mọi thời điểm tiếp nhận?, và làm được điều ấy, tác
phẩm sẽ thực sự tạo ra không gian diễn giải “tự do” trong “chân trời” tưởng tượng
của độc giả. Chữ viết như thể là cái sau cùng ghi lại một cách chân thực những
giá trị, không khí, bối cảnh mà trong khoảnh khắc bất chợt, thi nhân đã cảm xúc
trước hiện tồn. Dérrida đã có phát hiện quan trọng, ảnh hưởng tới khả năng lĩnh
hội văn bản văn học của độc giả, góp phần nối kết chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà
văn và chủ thể diễn giải khi ông xem “âm vị” cũng quan trọng như “từ vị”, nghĩa
là nghe và đọc đều quan trọng như nhau trong quá trình tiếp nhận. Và văn bản đã
đáp ứng được điều này. Đứng trước một bài thơ, người đọc không chỉ nắm vững sắc
thái âm thanh, cách ngắt dòng khi họ đọc mà còn nhận ra từng điểm nhấn thông
qua các dấu chấm, dấu phẩy, cách xuống dòng, ngắt quãng...
Tất cả những yếu tố trên cho phép nhận biết không chỉ nghĩa mà
văn bản muốn nói, diễn giả còn hình dung được cách thức nhà văn diễn giải cảm
xúc của mình khi viết, thậm chí còn hình dung ra được bối cảnh, không khí mà thời
điểm bài thơ được sáng tác. Đó là sự kỳ diệu của các ký hiệu. Các ký hiệu đánh
thức ở nhà diễn giải khả năng suy tư không ngừng về nó, và quá trình suy tư ấy
là quá trình tương tác giữa diễn ngôn nhà thông diễn và diễn ngôn nhà
văn. Ricoeur cảm thấy thú vị về sự suy tư mà biểu tượng trên văn bản
mang lại, ông nói “biểu tượng ban tặng suy tư (le symbole donne à penser):
câu nói này làm tôi mê thích, nói lên hai điều; biểu tượng ban tặng; tôi không
đặt ra ý nghĩa; những cái mà nó ban tặng, là để suy tư. Từ sự ban tặng, có sự đặt
ra; như vậy câu nói đồng thời gợi lên mọi sự đã được nói ra nhưng bằng ẩn ngữ
và tuy nhiên vẫn phải luôn bắt đầu và bắt đầu lại tất cả trong chiều kích của
suy tư” (3). Những biểu hiệu xuất hiện trên văn bản là cơ sở để nối kết
văn học với thông diễn học. Nó cho phép nhà phê bình văn học có được nhãn quan
triết học của nhà thông diễn, để cùng nhìn về một hướng, với mong muốn kiếm
tìm ý nghĩa mà văn bản “mở” ra về “những chân trời của sự hiểu”.
Thông diễn học hiện đại là phân môn thuộc lĩnh vực triết học,
ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cần thông hiểu lẫn nhau của con người, nó chứng
minh thuyết phục về tính tiếp diễn của tinh thần nhân loại. Do vậy, nghiên cứu
những vấn đề của tác phẩm văn học, cần thiết phải đặt trong sự tiếp nhận cởi mở
với thông diễn học hiện đại, bởi qua thông diễn học hiện đại, quá khứ văn học
được phác thảo một cách sống động và thú vị. Diễn giả được cung cấp những lý luận
cơ bản về cách thức để hiểu văn bản quá khứ, sẽ khơi dậy ở văn bản văn học tiềm
năng nghĩa phong phú, mà qua các ký hiệu, tác phẩm thông điệp đến chúng ta những
điều mà người xưa muốn nói. Đó là xu hướng tất yếu của liên kết tri thức, của
nhu cầu vận dụng tri thức liên ngành vào nghiên cứu văn học.
Chú thích:
1. Phan Quang Định (2008), Toàn
cảnh triết học Âu Mỹ thế kỷ XX, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 204.
2. Lộc Phương Thủy
(2007), Lý luận - Phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, T.2, NXB Giáo dục,
Hà Nội, tr. 850.
3. Phan Quang Định, Sđd,
tr. 606.
4/11/2010 Ngô Phương Quốc
4/11/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét