Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Những hành trình qua trống rỗng

Những hành trình qua trống rỗng

1. Tương truyền rằng Napoleon Bonaparte từng nói: Trong bao đạn của mỗi người lính đều có một cây gậy Thống chế; câu đó cũng đúng cho văn chương nữa. Mỗi cuốn tiểu thuyết viết ra đều mang một tham vọng, một dự phóng ý đồ đặt lại vấn đề về hình thức tiểu thuyết, một tham vọng đổi thay cái nhìn về thực tại - tức là xem xét hay phê phán tính chân lý của những kinh nghiệm có trước, và rốt cục là đặt lại vấn đề về con người với tất cả những rắc rối vốn có và luôn luôn mới mẻ. Tiểu thuyết đương đại ở ta cũng vậy. 
Dĩ nhiên các tham vọng đó cũng có thể thấy dưới dạng là các thách thức đặt ra với mỗi người viết, và cho dù người ta có nhìn nhận hay chấp nhận các thách thức ấy hay không thì chúng vẫn hiện lên như là những dấu chỉ về ý nghĩa của tác phẩm. Khoan hãy nói đến chuyện đó là các tiêu thức về chất lượng văn chương, các thách thức ấy trước hết nhấn mạnh điều căn bản nhất là tất cả các sáng tác văn chương đều là các sản phẩm của ý thức, có ý thức, có mục đích.
Người ta thường dễ bỏ qua điều đó bởi cho là nó quá hiển nhiên và do vậy hầu như không còn ý nghĩa để xem xét. Con mắt của người đọc dĩ nhiên chú mục vào diễn biến câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết, các tình tiết, các nhân vật, các liên tưởng trực tiếp mà những thứ ấy gợi lên, v.v... rồi, lần lượt hay sau cùng, khoác cho những thứ ấy các ý nghĩa nào đó. Nếu các ý nghĩa không xuất hiện, không đến với, không phù hợp, người ta sẽ bảo câu chuyện đó, những nhân vật và tình tiết đó là khó hiểu, vô lý, vô nghĩa, v.v... 
Tác phẩm luôn luôn bị đoán định mà không có mặt tác giả. Nhưng cái tính có ý thức, tính mục đích, của cái con người ấy không bao giờ vắng mặt. Tất cả được chuyển sang tay người đọc, bằng chính cái câu chuyện ấy, các tình tiết và các nhân vật ấy, chính cái hình thức ngôn từ đã được lựa chọn ấy. Tham vọng và thách thức được chuyển sang tay người đọc. Bởi nhà tiểu thuyết bây giờ trước hết là một người giữa chúng ta, không tiên quyết có một vầng hào quang cách biệt nào. Và cuối cùng thì hình như chính người đọc là người tạo lập mới hình thức của tiểu thuyết qua một tác phẩm cụ thể, là người phê phán tính chân lý của những kinh nghiệm vốn có, là người băn khoăn đặt lại các thứ vấn đề...
Chúng tôi nghĩ rằng đó là tình trạng nổi bật đối với các tác phẩm tiểu thuyết đương đại của chúng ta. Phần nhiều các tiểu thuyết đương đại ấy biểu hiện (hay phản ánh) một hiện tượng căn bản: sự khủng khoảng của cái cốt lõi cá nhân nơi con người trong bối cảnh giao thời xã hội.
Trong phạm vi loạt bài này, chúng tôi xem xét ba tác phẩm tiểu thuyết mới: Chuyện lan man đầu thế kỷ của Vũ Trọng Nghi, Paris 11 tháng 8 của Thuận và Ngồi của Nguyễn Bình Phương. 
Tiểu thuyết Chuyện lan man đầu thế kỷ (Nxb Lao Động, 2006), tác phẩm đầu tay của một nữ tác giả thuộc cái gọi là “thế hệ 8X”, là một bổ sung từ phía đối lập với nx gì mà gần đây giống như một sự hình dung quá lố bị thổi phồng về nhục cảm phóng túng và nổi loạn của những người “8X”. Trong khung cảnh đời sống của một số du học sinh Việt Nam ở Thượng Hải, Chuyện lan man đầu thế kỷ là một tác phẩm đầu tiên đề cập đến chủ đề thân phận và quan hệ của những thanh niên đồng tính luyến ái một cách chân thực, giản dị và đầy tính người.
Cuốn tiểu thuyết gồm 15 Chương, chia làm hai phần lớn Mùa thu và Mùa đông, theo trật tự thời gian thực của câu chuyện; các Chương trong mỗi phần đều được đánh số thứ tự riêng, làm rõ là hai câu chuyện riêng, nối với nhau bằng bộ ba nhân vật: nữ sinh viên Kỳ Cầm, nam sinh viên Lương - người cô Cầm yêu, và nam sinh viên Trung Quốc Trác Tử - người tình “homo” của Lương.
Truyện được kết cấu rất mạch lạc, nhất quán, tuần tự và/ hoặc đan xen trên trục hành tiến thời gian. Được kể từ ngôi thứ nhất (“Tôi” - tức nhân vật Kỳ Cầm), câu chuyện của “Tôi” bao gồm bốn mối liên hệ cũng là bốn câu chuyện bi kịch: “Tôi” và nhân vật Lương. “Tôi” với gia đình chuột “thương thử” - những con thú cảnh, “Tôi” với nhân vật cô Diêu - một người đàn bà Việt nam bị lừa bán sang Trung Quốc đã lâu nên mất cả tiếng nói và tư cách công dân xã hội, và bi kịch của nhân vật Lương cùng nhân vật Trúc Tử - cặp đồng tính nam, “những người đã bị cô đơn làm cho tuyệt vọng” (tr. 223).
Xuyên qua tất cả các mối liên hệ, câu chuyện của “Tôi” cũng là một bi kịch được kể bằng một giọng kìm nén ráo hoảnh: “Tôi” là một cư dân Internet, giải khuây bằng cách tham gia một cộng đồng mạng của các “hư nữ” - những cô gái đồng tính giả, chơi trò ghép đôi cho các nhân vật nam trong các cuốn truyện và phim ưa thích, để rồi một hôm nghe chàng trai mà “Tôi” theo đuổi thú nhận mình là gay nên không thể yêu cô ta được, và lại bị nhân vật Trúc Tử - cũng gay - mắng “Tôi” là một “người biến thái”.
Cái cô “Tôi” này cũng đặt mình vào một liên hệ nhân hình hóa với những con chuột cảnh gọi là “thương thử”, chăm chút gia đình chuột giống như những bà cô đơn độc sống với cả đàn mèo. Nhưng rồi “Tôi” phải đối mặt với một “Đêm kinh hoàng” (Chương IV), bởi do bản năng và tính sinh dục, bầy chuột cắn xé lẫn nhau. Đây là một chương xuất sắc, phản ánh một cách hình tượng cái cảm quan của nhân vật “Tôi” về sự man rợ của bản năng tính dục tự nhiên. Lại được tiếp nối sau đó bằng lời thú nhận buồn bã của nhân vật Lương, người dường như đã rất gần gũi và đã cố gắng để yêu cái cô “Tôi” này, mà không thể.
Trong phần hai - Mùa đông - nhân vật “Tôi” tình cờ quen biết và ra sức giúp đỡ nhân vật cô Diêu. Cô này bị người yêu cũ lừa bán sang Trung Quốc từ năm mười lăm tuổi. Chi tiết này thoạt nghe cũng bình thường (vì ai đọc báo mà chẳng biết những chuyện tương tự!) nhưng, dù tác giả không cố ý nhấn mạnh, có thể thấy chuyện yêu và lừa như một bè phụ họa, một nét tô đậm thêm cái đường diềm tối tăm của những chuyện tình ái “bình thường” thông tục được kể trong tuyến truyện mà “Tôi”/ Kỳ Cầm cố gắng định làm “người bình thường” theo các cô bạn gái “bình thường”.
Nhân vật cô Diêu rất muốn được trở về quê hương Thái Bình ở Việt Nam, nhưng, sống ở xứ người đã lâu, cô ta đã gần như mất phản xạ về tiếng mẹ đẻ; cô ta cũng không còn chứng từ gì để chứng minh mình là người Việt - cái điều mà “Tôi” phải ra sức giúp, thông qua một liên hệ trên mạng (thời đại của internet!)... Nhưng mọi nỗ lực đã “Công cốc” (chương VIII). Không chứng minh rõ ràng được về nhân thân, cô Diêu đã mất cả thân phận - cô bị ách lại trước khi kịp thấy chuyến xe bus cuối cùng có thể đưa cô qua biên giới.
Chương kết tiểu thuyết là một đoạn vĩ thanh cô đọng, gợi lên một tương lai bất định: Kỳ Cầm trở lại thượng Hải sau kỳ nghỉ Tết, sẽ tiếp tục là một “hủ nữ” trên mạng, lại thỉnh thoảng gặp cô Diêu - người không thân phận. Nhân vật Lương cũng sẽ trở lại với người tình homo Trúc Tử sau khi từ chối đám hôn nhân do gia đình dàn xếp ở Hà Nội - như lời anh ta nói với Kỳ Cầm: “Anh không muốn lừa cô ấy” (tr. 287).
3. Một điều khá bất thường ở cuốn tiểu thuyết này là gần như không có những trường đoạn hồi cố. Các ký ức về quá khứ ở đây đều rất mỏng và đều bị “xóa nhà” ranh giới với Hiện tại bằng một cách hành văn, cách kể mô phỏng lời nói đến mức bất chấp các quy tắc về dấu ngắt câu - các câu trần thuật thường rất dài và rất nhiều dấu phẩy, chỉ có dấu chấm sau khi hết một nội dung trần thuật đó; tuy nhiên, các trật tự cú pháp không thay đổi - giống như lời nói, các câu lê thê đó đều rõ ràng về nội dung thông báo và dễ hiểu. Đoạn hồi ức đáng kể nhất nằm ở ngay đầu câu chuyện, khi nhân vật “Tôi” kể lai lịch quan hệ cô ta với nhân vật Lương. Chuyện rằng Kỳ Cầm khi còn đi học hay bị bắt nạt, lại không được cha mẹ cảm thông, một buổi chiều tối đứng khóc một mình ngoài ngõ thì Lương - anh hùng tốt bụng - đi học về, an ủi..., từ đó tình cảm nhen nhóm.
Tình huống ký ức chiếm một phần đáng kể ở Chương I và đầy cảm xúc nàynghe như mang bóng dáng một câu chuyện cổ tích Cô bé/ đau khổ/ khóc/ bỗng gặp một Ông Bụt hay Hoàng tử... Motif đó được lấy lại, thoáng qua nhưng rất rõ ràng ở đoạn cuối Chương II: “Tôi” lên mạng, thấy và ấn tượng với một chữ ký “khá dễ thương” bằng một câu: “Trong truyện cổ xưa kia nàng Lọ Lem lên xe đến vũ hội, hoàng tử chờ nàng ở đó, ngày nay cậu bé Lọ Lem đến với vũ hội, vậy mà chờ cậu ở đó vẫn là một hoàng tử” (tr. 46).
Có thể thấy motif (cả hai đoạn) nói trên là hạt nhân cấu tạo của câu chuyện. Mô hình được cấu dựng là: sau cái khởi đầu như cổ tích ấy, một hiện tại trải ra bất ngờ, bất trắc và bất định về tương lai. Người yêu trong mộng hóa ra là gay. Khoảng cách đến với nhau xa vô vọng. Cô bé - “Tôi” rơi lại cảnh cô độc sâu xa trong tâm tư. Đối sánh để nhấn mạnh là nhân vật Diêu - cô gái bị tình lừa, không quá khứ, không tương lai - không thân phận.
Hai cái hiện tại được trình bày song song và đan xen: hiện tại của những bạn học “bình thường”, học xong sẽ lấy chồng lấy vợ..., hiện tại của những người đồng tính với cảnh cô đơn phải che giấu và nỗi đau khổ kìm nén dưới một bề ngoài đời sống cũng “bình thường”. Xuyên qua những câu chuyện về hiện tại ấy, ta thấy thế giới của những Lương và Trúc Tử có vẻ ảo không kém gì thế giới ảo của Kỳ Cầm và những “hủ nữ” khác trên mạng, hay là, nói như tác giả - đó không hề là ảo chút nào.
Xuyên qua cái thực tại bất thường của giới tính dường như là thấp thoáng một hiện tại khác, to rộng hơn, của một tình trạng khủng hoảng về bản sắc cá nhân mà thời hiện đại phải chịu đựng hay đưa đến, vừa che giấu vừa phô ra, vừa xoa dịu bằng các thú vui vừa khoét sâu và gặm nhấm xói mòn chính cái bản sắc mờ nhạt đó. Ở đó có cuộc đi tìm ý nghĩa của đời sống, với/ trong sự hoang mang: liệu có một ý nghĩa như thế hay không?. 

4. Những hý họa và biếm họa về tình dục tô điểm cho tất cả hai mươi hai chương sách của Tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 (Thuận, Nxb Đà Nẵng, 2005), tô điểm cho câu chuyện bi thảm của bộ đôi nhân vật nữ Mai Lan và Liên - hai cô gái Hà Nội đơn độc tha hương ở Paris - và cuối cùng là tô điểm một cách tăm tối nhất cho cái chết của nữ nhân vật chính Liên.
Tình dục và Cái chết giống như một cách phát biểu khác về sống và chết, trong đó sự chết thì an bài còn tình dục thì an ủi.
Nhưng mọi sự chỉ là thế khi chúng gắn với nhau - nói theo các cụ thì chúng phải (tương ứng) hài hòa. Trong tiểu thuyết này, tình dục tách rời sự sống qua câu chuyện về cuộc đời nhân vật Liên.
Sự tách rời đó là tình huống căn bản của cuốn tiểu thuyết và tất nhiên, là một câu chuyện cường điệu - phù hợp với nó là giọng hoạt kê trong toàn bộ các trình thuật nội dung. Cái giọng điệu hoạt kê đó vang lên âm hưởng vừa kể vừa nhại vừa cợt đùa của những lớp hề gậy hề mồi sân khấu chèo truyền thống, giúp cho việc tách rời cái mà trong thực tế không thấy được chúng tách rời. Mặt khác, đó là sự phát giác tính chất phiến diện của đời sống chính bằng cách trình bày một chuỗi hình ảnh phiến diện về đời sống.
Toàn bộ câu chuyện như vậy gợi lên một suy luận nghịch lý: cái bản năng sinh dục mà Phân tâm học cổ điển đã xác lập vị trí là bản năng sống, thì ở đây lại tỏ ra tàn phá và chết chóc. Nếu coi cái chết nói chung là một dạng hư không thì ở đây sự tách rời - một cách hình tượng - tình dục và sự sống làm lộ ra những khoảng trống hư không ấy ngay trong cái đang sống. Đó là một thực tại của ý niệm và tác giả xây dựng cái thực tại ấy trên những bộ đôi tương phản. 
5. Thậm chí có thể nói rằng cuốn tiểu thuyết này bị “bổ đôi” từ nhiều phương diện và bình diện khác nhau. Cặp nhân vật Liên và Mai Lan được dựng lên từ hai đối cực về dáng vẻ nữ giới: Liên trong mô tả thì xấu đến gớm ghiếc, trên mặt cô lúc nào cũng đầy mụn trứng cá sưng xỉa, cô lại được cho thêm cái tính “gườm gườm”, vụng về, vô duyên, và kém cỏi về học thức; trong khi nhân vật Mai Lan được tả là một cựu người mẫu thời trang, khéo léo bặt thiệp, nấu ăn ngon. Mai Lan kiếm được khá tiền để sống sung túc ở Paris, còn Liên thì sống tùng tiệm qua ngày bằng việc chăm sóc người già cô đơn tại nhà - một dịch vụ “ôsin” nặng nhọc - hoặc bằng trợ cấp thất nghiệp…
Theo dòng câu chuyện, Liên còn được “đối chứng” với hai cô gái nước ngoài nữa là Pát (CuBa) và Nát (Libăng) - những cái tên gọi tắt thân mật. Hai nhân vật nữ này, Pát thì to lớn linh hoạt, có phẩm chất nghệ sĩ và đặc biệt có một năng lực tình dục phi thường - câu chuyện cứ dính đến cô là hừng hực hùng hục…; nhân vật Nát được mô tả xinh xắn hấp dẫn mặn nồng, thành thạo về công việc chuyên môn; tất cả những thứ ấy nhân vật Liên đều không có.
Liên là kiểu “con số không tròn trĩnh” từ đầu đến cuối. ở Hà Nội đã thành “gái già” ế, cô được ông anh trả nợ ơn nghĩa bằng cách lo cho một suất “du học tự túc” sang Paris để - theo lối nghĩ của nhân vật bà chị dâu - biết đâu lại kiếm được thằng chồng Tây nào đó; thế rồi Liên hầu như bị bỏ rơi ở Paris vì có lẽ gia đình cô cũng không muốn cô quay về, coi như đã gả cô sang Tây…
Đợt nắng nóng bất thường mùa hè 2003 làm chết mười mấy ngàn người già độc thân ở Pháp khiến Liên mất việc “tắm rửa” cho những khách hàng này. Và chuỗi biến cố bắt đầu. Cô được mấy tháng trợ cấp thất nghiệp để đi học nghề gõ máy tính (mà rốt cục vẫn không có nghề, không có việc). Cô gặp Mai Lan, đi làm “ô sin” và làm bạn cho cô này. Liên cũng gặp Pát để rồi một lần tình cờ theo Pát đến một quán rượu của cộng đồng Cu Ba và ở đây, trong lúc bị say, cô bỗng được cái trải nghiệm “ngủ nghê” đầu tiên và duy nhất, mà đáng tiếc là chẳng nhớ được gì - tức là vẫn không có gì.
Cô cũng gặp được vài thằng Tây trẻ quan tâm đến, nhưng xem ra đó là vài gã không bình thường và cô hình như không thể có chút rung động nào. rồi cô gặp một ông Tây già có “tấm lòng với Việt Nam”. Ông săn đón cô. Cô cũng cảm. Nhưng đến lúc đỉnh điểm, cái bị ái tình mở ra, thì “thị thơm bà ngửi chứ bà không ăn” - ông đã quá lứa “chuyện ấy”...
Cảnh cuối thật sự kinh khủng khi cô thủ dâm trước mặt ông già này rồi cả hai lên xe lao đi tự sát.
Số phận những cặp đối chứng của nhân vật Liên cũng không hơn gì, cũng bi thảm. Mai Lan - phiên dịch kiêm “gái gọi” hạng sang rồi cũng “thất nghiệp” và vỡ nợ... Pát tràn trề sức lực một dâm thần vô tư thì bỗng một hôm thấy mình ở AIDS giai đoạn cuối...
Thế là, sống giữa một cái thế giới đầy nhục cảm, nhân vật Liên xấu xí và tốt bụng hầu như bị tách rời khỏi cái khả năng thụ hưởng nhục cảm ấy - nói theo ngôn ngữ thị trường là “không có khả năng tiếp cận” - trong khi vẫn có chút nào đó tiềm năng và có đủ nhu cầu; vậy thì, vẫn theo ngôn ngữ thị trường là “không có khả năng tiếp cận” - trong khi vẫn có chút nào đó tiềm năng và có đủ nhu cầu; vậy thì, vẫn theo ngôn ngữ kinh tế, một điều như thế có rất ít khả năng xảy ra trong thời buổi “toàn cầu hóa” này. Sự chia cắt giữa nhân vật Liên với một đời sống tình dục bình thường là một mâu thuẫn được tạo dựng lên và tất cả trở thành một dấu hiệu về một sự chia cắt khác sâu hơn hoặc rộng hơn: sự chia cắt giữa con người cá nhân với con người xã hội, giữa cá nhân và xã hội nói chung. Chúng tôi không thể không tránh việc suy luận thuần túy xa rời nội dung thực tế của câu chuyện này, song cũng không thể không thấy rằng trong những cấu tạo bộ đôi nhân vật hết sức tương phản ở đây - tương phản về nhan sắc và nhân thân, tương phản về ứng xử hay năng lực - đã gợi ý một ẩn dụ về sự tha hóa của các cá thể trong xã hội hiện đại. Những sự tương phản đó là không ngăn cản các nhân vật của Paris 11 tháng 8 cùng đi tới một “nỗi đoạn trường” về nhân cách, dù họ là đàn ông hay đàn bà. Sự tẻ nhạt và dung tục của đời sống - đời sống thị dân - tràn ngập trong câu chuyện, đến nỗi buộc phải nhìn nhận những hành vi tình dục từ thờ ơ đến cuồng loạn đến đồi trụy (nhân vật Tong, gã mê tình dục trẻ em; những chuyện “ăn ngủ” xà ngầu trong các chương 14, 18, v.v...) như là những hành vi có tính sáng tạo!!
Trong ngữ cảnh của tiểu thuyết này, đây không phải là cấp độ của các vấn đề đạo đức, bởi các câu chuyện đó không gợi ý về đúng/ sai hay về tội lỗi và ăn năn. Mà tất cả gợi lên vấn đề về sống và chết, trong đó chính là cuộc khủng hoảng về bản sắc cá nhân.
6. Tương tự như các tác phẩm nổi bật của văn chương thời Đổi Mới, tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 bộc lộ một cấu trúc khủng hoảng. Trước hết, trong trường hợp đặc thù của nó, câu chuyện này lấy một bối cảnh từ đợt nắng nóng bất thường ở Châu Âu mùa hè 2003 mà những hậu quả bi thảm ở Pháp đã thực sự bộc lộ một loạt vấn đề tiềm tàng trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống cung cấp năng lượng ở quốc gia này - các đoạn trích báo chí và truyền thông dẫn ở đầu mỗi chương đã nói lên tình trạng đó một cách không thể nhầm lẫn. Sau nữa, một sự kiện không trực tiếp phản ánh ở đây nhưng lại đầy gợi ý: cuộc nổi loạn ở các vùng ngoại ô một loạt đô thị Pháp cuối năm 2004, mà một nguyên nhân chính được cho là bắt nguồn từ sự bế tắc, cảnh bất công và bất bình đã dồn nén những cộng đồng dân nhập cư ở đây.
Trong tiểu thuyết này, hầu hết các nhân vật là dân nhập cư. Và tất cả các sự kiện được xây dựng theo mô hình chuỗi biến cố. Nhân vật Liên thất nghiệp, rồi gặp Mai Lan, gặp Pát, v.v...; tất cả đều có vẻ ngẫu nhiên, hết sức tình cờ, nhưng đều nhanh chóng hình thành các tình thế bộc lộ thân phận mỗi cá thể. Đối với nhân vật chính, chuỗi biến cố đã lập tức tạo nên một tình thế khủng hoảng, nói theo ngôn ngữ điều khiển học thì đó là quá trình mà các yếu tố mất trật tự tăng lên rất nhanh, bản thân sự tồn tại của cá nhân trong cuộc trở nên một mâu thuẫn không giải quyết được. Trong thực tế, con người ta luôn luôn tự điều chỉnh để tránh hay thoát khỏi các tình thế như vậy. Nhưng trong mô hình ở đây, tình thế thì quá rộng lớn mà cá nhân thì đã mất điểm tựa hay nội lực để điều chỉnh một cách thích hợp.
Lối hành văn ngắn gọn, đơn giản với rất nhiều motif/ chi tiết lặp đi lặp lại là phong cách đặc thù của Thuận đã tỏ ra rất hiệu quả trong tiểu thuyết Phố Tàu của chị xuất bản năm trước đó. Với một chút thay đổi về bố cục các ngữ đoạn trùng lặp, phong cách đó cũng hiệu quả trong tiểu thuyết này khi bộc lộ những đoạn chuyển rất tinh tế từ biến cố này sang biến cố khác để dẫn dắt đến một đoạn cao trào.
Lối hành văn đó cũng hòa hợp với giọng hoạt kê của người kể chuyện, bộc lộ một tinh thần hoài nghi sâu sắc - điều ta có thể thấy ở những cuốn tiểu thuyết nổi bật gần đây của Hồ Anh Thái và Nguyễn Việt Hà - nhưng, khá bất ngờ, chính cái giọng hoạt kê đượm vẻ dân gian truyền thống đó lại làm nhẹ đi sắc thái khủng hoảng của câu chuyện. Và như vậy, vấn đề lại hé mở một cánh cửa “hình như...” nữa, nhưng lần này thì chính ở phía các tác giả.
22/10/2006
Nguyễn Chí Hoan
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...