Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng

Thân ốc với cọc không rêu
hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng

SCL đã nhận được Bài đọc sách này, Bài cũng đã đăng trên Người Hà nội số 40 (7/10/2005). Và mặc nhiên không phản ảnh quan điểm của SCL. Nếu có tranh luận xin poste bài ở Mục những người trẻ trên Forum, trên mục này Bạn Trương Thụy Sinh đã giới thiệu: http://www.vannghesongcuulong.org/
Đọc “Bóng đè”, tập truyện ngắn, Đỗ Hoàng Diệu, Nxb Đà Nẵng, 2005.
Một nhà phê bình nghệ thuật mới đây đã viết một cách chua chát rằng nghệ thuật ngày nay hình như không cao quý như người ta vẫn cho là thế, mà phần nhiều nó chỉ tạo ra những ảo ảnh và bằng cách đó nó tránh đụng chạm đến những vấn đề thực tế thực tại.
Một quan điểm như vậy, dưới mắt một số người, là cực đoan. Nhưng có lẽ khó mà phản bác điều mà quan điểm ấy đã chỉ ra, rằng có một thứ “nghệ thuật salông” - theo nghĩa tiêu cực - đang lan tràn. Điều ấy cũng xảy ra với một số sáng tác văn chương. Cái ảo ảnh ở kiểu văn chương này là sự trống rỗng về nhận thức và tri thức. Cũng như loại ảo ảnh của nghệ thuật nói trên, kiểu văn chương này lấy những suy nghĩ cảm tính làm chất liệu, lấy trí tưởng tượng tùy tiện làm hình thức và đầy rẫy mơ hồ lẫn lộn trong việc nắm bắt thực tại bằng ngôn ngữ văn chương.
Thực ra thì ảo ảnh, theo nghĩa đen của cái hiện tượng vật lý đó, không phải là cái gì kỳ quái, vô lối hay hão huyền. Nếu như chỉ bằng văn chương mà tạo dựng được một ảo ảnh của đời sống thì văn chương đó hẳn đã đại tài. Cái khái niệm ảo ảnh mà nhà phê bình nghệ thuật nói trên đề cập là nhằm nói đến những phô trương hão huyền vô nghĩa lý của một thứ nghệ thuật ngụy tạo và yếu kém. Nhưng ngay cả một nghệ thuật như thế bản thân nó cũng chưa phải là điều đáng nói. Điều đáng phải nói là khi một nghệ thuật như thế lại phô bày tham vọng nhận thức cái thực tại mà vốn nó đã không/ chưa hiểu biết cho đến nơi đến chốn, phô bày tham vọng biến cái kinh nghiệm cảm tính cá biệt cá nhân thành một tri thức phổ quát dưới dạng nghệ thuật văn chương, trong khi nó vốn chỉ là một kinh nghiệm về sự bất cập về tri thức.
Tập truyện ngắn “Bóng đè” cho thấy một trường hợp văn chương tương tự như thế. Bao gồm 8 truyện, nhưng ngoài “Bóng đè” và “Vu quy”, 6 truyện còn lại trong tập này - “Hoa máu”, “Linh thiêng”, “Dòng sông hủi”, “Bốn người đàn bà và một đám tang”, “Huyền thoại về lời hứa”, “Căn bệnh” - đều còn rất non yếu, lộ “hồn” lộ “cốt”, mà với một người viết có lòng thận trọng sẽ phải hết sức cân nhắc khi cho công bố. Tuy nhiên những nhân vật nữ được phác họa trong 6 truyện này cho ta thấy giống như những đồ án tiền thân của nhân vật nữ trong “Vu quy” và “Bóng đè”. Các đồ án nhân vật nữ này đều được phác họa để nắm giữ vai trò là nguyên cớ và động lực của các tình huống trong truyện. Và, không có gì khác, các nguyên cớ và động lực ấy đều là tình yêu và tình dục. Toàn bộ các tình huống, hành vi tình yêu và tình dục đó đều được tô điểm cho thơ mộng hay cuồng nhiệt, thậm chí gán cho một sắc thái cao siêu, thông qua một cách duy nhất là tu từ. Dường như người viết không biết đến những biện pháp nào khác để mô tả những xúc cảm cốt yếu đó của bản năng sinh tồn, chẳng hạn như cách gợi tả mà các cây bút bậc thầy đã làm. Chỉ dựa vào việc tu từ là điểm yếu cốt tử của tất cả các truyện trong tập này. Nó phơi bày một từ vựng hạn hẹp, cách thuật chuyện thô sơ đơn điệu dẫn đến bố cục dàn tri rối rắm. Những điểm yếu trong các đồ án nhân vật truyện đó đều thể hiện tập trung ở hai truyện “Bóng đè” và “Vu quy”. Đây là điều hết sức đáng tiếc. Bởi lẽ người viết đã chứng tỏ một sức tưởng tượng hư cấu mạnh mẽ, điều mà có nhà văn đã gọi là “bản năng sáng tác”. Nhưng chừng đó là không đủ.
Hai truyện “Bóng đè” và “Vu quy” bày ra cùng một tham vọng luận đề táo bạo và đầy dung tục. Đồ án của “Bóng đè” là một nhân vật nữ bị/ tự thấy mình mất trinh tiết từ khi mới là thiếu nữ do những cái bóng đen nào đó, hết sức mơ hồ. Những cơn “bóng đè” như thế là tiền đề cho chuyện cô bị “bóng đè” cưỡng dâm khi về nhà chồng ở quê ăn giỗ. Cái “bóng đè” này, từ lén lút đến công khai, cưỡng bức thông dâm với nhân vật nữ này ngay trước mắt chồng, mẹ chồng, em chồng của cô ta, để rồi cô ta có thai... Và cái điểm tựa để biến cuộc loạn luân ngụy tạo này thành một cái đòn bẩy của “ý tưởng” là việc nhân vật nữ này cho biết, tổ tiên của chồng cô thuộc dòng dõi một hoàng đế Trung Hoa (!!) đã chạy loạn sang đây định cư, và chính những hồn ma “dòng dõi” hoàng đế đó đã hiện hình thành “bóng đè” thông dâm với cô ta (!)
Đồ án của “Vu quy” là những hồi ức lan man của nhân vật nữ trong đêm trước ngày cưới. Nhân vật nữ này lần lượt kể lại mấy cuộc tình trước khi về nhà chồng... Trong những khung cảnh sang trọng hoang đường, cô ta lần lượt ngủ với người tình Việt Nam, một “anh” yêu tranh Đông Hồ và người có mùi phù sa Sông Hồng; rồi một tay chơi già “người Tàu” đầy “bí ẩn”; rồi một “chàng” láng máng như Việt kiều; rồi một Tim người Mỹ; và cuối cùng “Vu quy” về khách sạn với một chồng tên là Karl (!). Mạch “ý tưởng” nổi lên lồ lộ hiển ngôn: anh Việt Nam thì “hèn” và không chung thủy; “chàng” láng máng Việt kiều thì “ngây thơ” tâm hồn đẹp đầy tình; người Mỹ là Tim yêu văn hóa lôcan và tôn trọng người đẹp; và cuối cùng, người chồng tên Karl hóa ra là một cái xác ướp trong đêm tân hôn ở khách sạn Eden (nghĩa là “Vườn Địa đàng”) - được tả là: “ông Karl, ngoại kiều Tây phương uyên bác và nhiều vốn tư bản đã định cư ở Việt Nam vĩnh viễn”. (tr.78).
Và ở phần mở đầu của cả hai truyện trên, người viết đều đã đặt trước hình ảnh/ tình huống để mở “mã” của đồ án: với “Bóng đè”, cô nhân vật có đôi bàn tay đẹp dịu dàng, khác biệt và dường như không thuộc về cơ thể cô (...); để rồi kết truyện, cô ta nói rằng đôi bàn tay ấy là một biểu trưng của tự do tinh thần vượt khỏi cái sự cưỡng/ thông dâm về thể xác; với “Vu quy”, cô nhân vật hồi tưởng cuộc làm tình đầu tiên với một người tình già tự xưng là nhà văn, còn cô tự xưng là thiên thần; ông già kia triết lý rằng mỗi người đàn ông sẽ đến với cô ta sau này đều sẽ “là một nhà văn” và sẽ khám phá cô theo cách của riêng họ.
Trong cả hai truyện trên cùng có một mô thức hành tiến dẫn: những đoạn kể/ tả chuyện làm tình và đạt được khoái cảm tình dục (có hay không, nhiều hay ít) xen vào những đoạn tự luận. Mô thức dẫn chuyện như vậy lặp đi lặp lại và đều được kể ở ngôi thứ nhất (“Tôi”) khiến dù muốn hay không người đọc cũng phải thấy rằng: cái trải nghiệm sống căn bản của các nhân vật ở đây chỉ là trải nghiệm tình dục/ khoái cảm tình dục, và dường như thông qua chuyện ấy họ nhận thức mọi chuyện khác (những chuyện rất to: tự do hay nô lệ, “Tôi là ai, từ đâu đến?”, tính cách dân tộc, bản sắc văn hóa, v.v...). Cái mô thức dẫn chuyện này đã hầu như biến tất cả các cảnh trong truyện thành những cái giường ngủ và những lối dẫn lên giường, biến những đoạn tự luận về số phận, hạnh phúc, nòi giống, tương lai (v.v...) thành những chuyện lan man lảm nhảm sau cơn hứng tình (được thỏa mãn hoặc bị ức chế).
Cái mô thức dẫn chuyện ấy và sự sa đà vào mô tả một cách thô thiển  đơn điệu xung quanh cái khoái cảm trong đũng quần thực ra đã phá vỡ, làm hỏng cả hai đồ án “Bóng đè” và “Vu quy”. Chưa bàn chuyện đúng sai, có thể nói rằng ý đồ tưởng tượng hư cấu ở đây quả không tồi. Chuyện tình dục tình yêu bao giờ mà chẳng sống còn quan trọng, tuy nhiên bao giờ cũng hỏng khi định gán cho khía cạnh khoái cảm đó một chiều kích mục đích - ý nghĩa hay tệ hơn, như ở đây, định dùng nó như một môi trường trung gian/ vật môi giới cho việc nhận thức những chủ đề phức tạp đòi hỏi nhiều tri thức khác nhau như chủ đề về lịch sử nòi giống hay bản sắc văn hóa v.v... cả hai đồ án truyện nói trên đã đổ kềnh đổ càng vào trận đồ những cái giường ngủ mà nó định sắp đặt để làm cái thang lên Trời.
Và, nguyên nhân quan trọng đã vô hiệu hóa các đồ án truyện ở đây - như đã đề cập ở phần trước - chính là cái văn chương kém cỏi của nó. Khá ngược đời, và có thể khiến cho một vài bạn đọc thoạt đầu lầm lẫn, sự kém cỏi về văn chương ở đây lại chủ yếu thể hiện trong cách tận dụng, lạm dụng một phép tu từ: diễn đạt một trạng thái/ xúc cảm/ đặc tính bằng một loạt những ngữ đoạn mô tả tính chất - hình ảnh tương tự/ bổ sung cho nhau hoặc gần nghĩa với nhau. Theo hướng này, cô nhân vật trong “Bóng đè” chẳng hạn, tự mô tả: ... “Còn tôi, hiện tại, một đứa con dâu đĩ thỏa (a) đang ưỡn ngửa (b) căng rát (c) đón chờ (d)”. Với một câu văn như thế, xem rất ấn tượng kỳ khu. Nhưng chỉ phân tích một chút, ta thấy sự lạm dụng: ngữ đoạn (b) và (d) đã đủ gợi ý ngữ đoạn (a) - chưa nói rằng trong đoạn ngữ cảnh của truyện, ý đó đã liên tục xuất hiện - và ngữ đoạn (c) rõ ràng nhằm nhấn mạnh (b) và (d) trong khi thực ra đã làm hỏng tất cả, bởi nó không đưa thêm gì mới vào ngữ cảnh của câu và của đoạn văn mà chỉ làm loãng cái sắc thái xúc cảm biểu hiện ở đây.
Những câu văn lạm phát tu từ như thế đầy dãy trong “Bóng đè” và “Vu Quy” cũng như trong các truyện còn lại. Mà tất cả đều chỉ có một kiểu lạm phát tu từ đó mà thôi. Đặc điểm này trước hết gây ấn tượng về các câu văn rườm rà, bất kể là dài hay ngắn, đặc biệt là ở những câu đơn về cấu trúc ngữ pháp mà cứ bị kéo dài bởi các ngữ đoạn trùng lặp ý nghĩa. Hậu quả của lối lạm phát tu từ đó là các câu và đoạn văn không có tính nhịp điệu, khiến cho truyện chỉ vận động ở bề ngoài - tức là sự kể lể của người viết - mà không có sự vận động nội tại của sự kiện hay hình ảnh hay toàn bộ cái đồ án/ ý tưởng truyện.
Văn chương, có thể nói là biết sự cầu kỳ lại biết chỗ phải không được cầu kỳ - nhại theo cổ nhân mà nói - đó mới là cầu kỳ vậy. Sự  đơn điệu rõ ràng là điều tối kỵ đối với người viết nói chung, không cần phải nói đến việc viết truyện. Truyện mà không đạt được cái vận động nội tại, tự thân, thì mọi thứ xúc cảm, ý đồ gửi gắm vào đấy đều vô ích, nhiều lắm cũng chỉ thành ra đề tài cho ai đó suy diễn dông dài mà thôi.
Cho nên trong tập “Bóng đè”, lấy những chuyện tình dục tình yêu làm môi trường bàn chuyện thân phận đàn bà, rồi từ đó phóng chiếu lên thân phận lịch sử nòi giống, tính cách và bản sắc văn hóa, thậm chí là mơ hồ một chút gì đó về hòa hợp và hội nhập đương thời v.v... đều mới chỉ dừng ở mức độ có tham vọng luận bàn. Chưa nói đến một năng lực tư duy hay sự hiểu biết cần thiết, chỉ cần nhìn vào cấu tạo thô thiển của văn chương, sự sáo rỗng của một lối tu từ cũng đủ thấy cái văn chương đó chỉ như một ảo ảnh. Theo lối dân gian, văn chương như thế thì “ốc không mang nổi mình ốc, mà đòi mang cọc cho rêu”. 
17/10/2005
Nguyễn Chí Hoan
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Người tình trong thơ Nguyễn Mỹ Tình yêu, đề tài muôn thuở, bất diệt của con người vẫn sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Từ...