Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Ở đó sông có một mùa buồn

Ở đó sông có một mùa buồn

Tôi ngồi nhâm nhi với anh bạn viết văn ở quán cóc bên bờ sông Cổ Chiên vào một buổi chiều gần mưa. Tôi vẩn vơ nghĩ chuyện… trên trời còn anh thì trầm ngâm, chiêm nghiệm.
- Tao định viết một bài về sông Hàm Luông nhưng nghĩ hoài không  biết nó đẹp chỗ nào?
Câu tự vấn của anh bạn làm tôi giật mình. Ờ, sao mình cứ mải miết đi tìm cái đẹp ở nơi xa lơ xa lắc, mơ màng với dòng sông Hương “của” Hoàng Phủ Ngọc Tường, trăn trở với sông Đuống “của” Hoàng Cầm, đau đáu về sông Thạch Hãn, sông Thao, sông Đà… xa hơn tận trời đông trời tây là sông Đông, sông Vônga hay ngút ngàn sông Amazôn huyền thoại mà quên rằng mình cũng có một dòng sông! Anh bạn lại thúc giục.
- Nói đi, mầy thấy những dòng sông ở miền Tây Nam bộ này có gì đẹp?
Đừng buộc tôi khen khi tôi chưa cảm nhận đầy đủ về nó, cụ thể ở đây là một dòng sông: sông Cổ Chiên. Sông Cổ Chiên có cùng một người “mẹ” như tám dòng sông khác ở miền Tây, đó là sông Mê Kông. Bắt nguồn từ Tây Tạng Trung Quốc cao bốn ngàn tám trăm mét, sông Mê Kông vượt qua đèo cao vực thẳm ghé Miến Điện, lần qua Lào, quẹo vào Thái Lan, luồn vào Cam-pu-chia, xuống Việt Nam rồi hướng thẳng ra biển Đông để kết thúc cuộc hành trình phiêu bạt. Ngang việt Nam sông Mê Kông chia thành chín nhánh trong đó có dòng Cổ Chiên của tôi mà nhiều lần tôi đã vô tình phụ bạc. Sông Cổ Chiên không mềm mại đa tình như sông Hương, không dữ dội như sông Đà, sông Đuống, không có nhiều chiến tích như sông Bạch Đằng, sông Nhật tảo… sông Cổ Chiên u nần, gốc cạnh, gồ ghề, thô kệch như em gái quê, như bà mẹ nghèo. Ở đó, mỗi năm sông có một mùa nước trong và môt mùa nước đục, một mùa mưa và một mùa nắng. Và ở đó, sông còn có một mùa buồn! 
Cổ Chiên, “cổ” là tiếng trống hay “cổ” là xưa tôi không biết, tôi không quan tâm vì đó là công việc của các nhà sử học, ngôn ngữ học, tôi chỉ biết là ở dòng sông ấy có kỷ niệm tuổi thơ tôi, có niềm vui nỗi buồn, có những biến cố thăng trầm mà sông đã từng lặng lẽ chứng kiến, sẻ chia. Nếu như những lưu dân người Việt ngày xưa vượt biển cả mênh mông xuống phương Nam sinh cơ lập nghiệp từng phiêu bồng chằng chịt trên các dòng sông miền Tây này để cuối cùng dừng chân ở mảnh đất nào đó phá rừng làm rẫy, tạo dựng cơ nghiệp thì nay, cái “máu” ngang tàng hồ hải ấy vẫn còn “di truyền” ít nhiều ở những người khách thương hồ. Khách thương hồ vẫn ngày ngày “trôi” trên dòng sông Cổ Chiên để kiếm sống. Trên sông có kẻ sa cơ lỡ vận, có người bươn chải mưu sinh, có cả những tên giang hồ một  thời ngang dọc bây giờ chạy trốn pháp luật, mượn cớ sinh nhai để nhờ dòng sông che chở. Nhưng nhiều nhất vẫn là những người thích lang bạt kỳ hồ, thích lãng du, thích tự do phong trần hơn là kiếm cơm vốn chỉ là khái niệm. Anh Tấn, người có nghề vá nồi niêu soong chảo, mỗi năm “trôi” ngang sông Cổ Chiên một lần và ghé tôi ít ngày. Kiếm sống được không? Được! Chữ “được” nghe nhẹ hều nhưng không có hơi hướm của sự chịu đựng bởi đằng sau không có tiếng thở dài. Vợ anh sao rồi? Sắp mãn hạn tù. Thì cũng phải nhảy xuống sông kiếm sống với tao chứ không đất, không vườn, ngôi nhà cũ cất nhờ trên đất hàng xóm đã “lọt” xuống sông hồi mùa lũ năm rồi. Hai vợ chồng anh ở huyện Hồng Ngự, Đồng tháp, không con. Mỗi tháng ghé lại thăm nhà một lần vài ngày rồi tiếp tục xuống xuồng len lách trên các dòng sông kiếm sống. Và, đột nhiên chị quyết định ở nhà. Ở nhà để “làm ăn” gì đó, anh không biết. Ban đầu, mỗi lần về thấy vợ xúng xính với bộ đồ mới, đôi giày mới, và tiền, và vàng… anh cũng có nghi ngờ nhưng không muốn  hỏi. Đùng một cái anh nghe tin chị bị bắt về tội bán số đề. Thế là hết, quần là áo lụa vụt bay vụt biến chỉ còn lại cái án tù ba năm cho chị và nỗi chán chường cho anh. Chừng nào anh mới định “dừng bước giang hồ”? Khùng, giang hồ thì làm gì có nơi có chốn mà dừng? Ờ, thì anh cứ đi đi, có khi vậy mà hay, có khi vậy mà ít phải vướng bận thế thái nhân tình như dòng nước, như giề lục bình, như một cánh chim trời… 
- Chạy đâu  cho thoát, mậy? những thứ mầy ví với tao có lúc cũng bị phong ba bão táp, sóng vùi gió dập… Nhưng, đã là “nghiệp chướng” thì có than vãn cũng không thay đổi được phận mình. Thì thôi, giang hồ ta cứ… (Giang hồ ta cứ giang hồ mãi. Nghe tiếng cơm sôi bỗng nhớ nhà)
Ở đó, (nghĩa là ở trên sông) tôi có một tuổi thơ nhọc nhằn kiếm sống. Mùa hến thì quần nát đáy sông để kiếm tiền ăn học. Mùa ốc gạo thì lặn mò ốc gạo, mùa cá cơm thì đi kéo lưới cá cơm… Mỗi mùa cho một cách mưu sinh, mỗi mùa cho một vui buồn lẫn lộn. Nghĩ lại, sông đã cho tôi quá nhiều nhưng biết làm sao để đền ơn đáp nghĩa? Sông đã cho tôi những buổi đi giở chà tôm, những ngày tập tễnh buông câu, những đêm cào hến một mình lạnh lẽo, đơn độc để hiểu rằng dẫu sao mình vẫn còn có dòng sông để tồn tại! Nếu mùa câu tôm trên sông Cổ Chiên chỉ còn là hoài niệm, là ký ức đẹp thì mùa hến, mùa ốc gạo vẫn còn nguyên. Và nếu hến còn được… “tự do” thì ốc gạo bây giờ là hợp tác xã. Tôi không dự đoán coi mô hình này tồn tại và phát triển tới đâu vì Nhà nước “quy hoạch” thì chắc gì sai? Tôi chỉ tiếc là ngày ngày mình không còn được đi lặn mò ốc gạo. Một chiếc xuồng, ba bốn thằng bạn và ít cây sào, chống ra giữa sông cắm sào làm trụ, lấy hơi, lặn xuống… hốt! Ốc gạo ngọt, giòn, béo, luộc chấm với nước mắm sả ớt, mời… Thiên nhiên đãy anh của ngon thì dại gì anh không thử nếm một lần cho biết! Có điều, bây giờ là hợp tác xã, anh phải mua, cả tôi nữa cũng phải mua nếu không phải là xã viên. Còn muốn ăn mà không tốn tiền thì chỉ có cách là tôi đi mò “trộm” ốc gạo trên sông mình! Hiện nay họ cào ốc gạo rất… công nghiệp, những cái bàn cào sắt bấu xuống lòng sông, lôi tất cả những thứ mà nó vướng vào (có ốc gạo), kéo lên, họ đãi những con ốc nhỏ thảy lại sông cho nó… lớn! (Chuyện này thì tôi nghi ngờ. Anh cào anh đãi cho nó bầm dập rồi thảy lại sông thì… nó lớn được mới lạ!) 
Anh bạn nhắc tôi là để ly rượu gần mười lăm phút rồi và chưa ăn con ốc gạo nào.Thì uống, nhưng anh đừng thúc giục tôi khen dòng sông mình đẹp, nhất là đừng hỏi tôi nó đẹp “chỗ” nào. Tôi còn đang nặng lòng với “con sông quê hương” của Tế Hanh, buồn bã với dòng sông Trẹm… Sông tôi không đẹp, thậm chí xấu. Mùa lũ, màu phù sa đỏ quạch, cái màu gợi buồn cho những kẻ tha phương. Mùa lũ, nó còn “rứt” từng mảnh đất ở phía đầu cồn “liệng” xuống sông không thương tiếc. Cũng không thể trách, thiên nhiên phải lấy lại những gì mình ban tặng mà con người không biết nâng niu, gìn giữ. Một cái cồn mỏng manh giữa sông, phù sa bồi lắng hàng trăm năm mới thành hình hài. Sông vốn sâu, vậy mà các cứ đào bới dòng sông hết ngày tới đêm để khai thác cát hỏi sao sông không “lấy” lại đất trên cồn để bù đắp cho mình? Vì vậy mà, nếu ngày trước bọn trẻ chúng tôi chỉ cần đốn vài cây chuối, nhảy ùm xuống sông, bám chuối lội qua bên kia bờ để ăn trộm… bần, thì nay, mấy đứa trẻ cứ căng mắt thèm thuồng những trái bần chín ở bên cồn mà chảy nước vãi chứ đố chúng nó dám phiêu lưu!
Nhắc đến bần là nhắc tới những kỷ niệm khác của tôi trên sông: Vợt dơi. Vợt dơi không tốn nhiều “đồ nghề”, không cần nhiều người, chỉ cần hai cái vợt bằng nhợ, bốn cây tầm vông để căng vợt, ba thằng “lành nghề”, một cọng kẽm(để xỏ dơi) là xong, xuống xuồng. Điều đặc biệt là vợt dơi phải lựa đêm tối trời, lúc chuyển mưa càng tốt vì dơi rất nhạy ánh sáng, kể cả ánh sánh của sao trời. Chúng tôi lòn lách dưới những tán bần khi đến “luồng” * thì im lặng ngồi rình. Hai thằng hai cây vợt căng lên, thằng còn lại kẹp ngón tay cái và ngón tay trỏ đút vào miệng giả làm tiếng dơi kêu. Để giả giống tiếng dơi kêu thì người thể hiện nó phải có một quá trình rèn luyện công phu vì chẳng những giả cho giống mà phải thiệt giống, tiếng dơi phải dồn dập như kêu cứu, thảm thiết như sắp chết tới nơi để đàn dơi “tưởng” đồng loại mình đang mắc nạn mà bay đến… cứu! Hai người còn lại chỉ mỗi việc là nhắm hướng dơi bay vào để chụp. Dơi dễ chế biến, dễ ăn như dơi khìa, dơi chiên, dơi nướng…nhưng hấp dẫn nhất là dơi luộc. Đây là món khá khó ăn với những ai nhát miệng vì dơi luộc phải để nguyên con, luộc xong mới lột da, con dơi trắng nõn, thơm lừng, ngọt ngây, chấm với muối tiêu kèm rau răm, ăn một lần sẽ nhớ đời! Út Ngoan, người giả tiếng dơi nổi tiếng trong đám bạn của tôi có lần buộc miệng:
- Nghĩ lại thấy mình cũng ác, lợi dụng “tinh thần đoàn kết” của loài dơi để kiếm miếng ăn coi bộ hơi… tàn nhẫn!
Câu “buộc miệng” đó của Ngoan khiến tôi nuốt không trôi miếng dơi đang ngậm trong miệng. Nhưng không sao, con người đôi lúc còn lợi dụng nhau để tồn tại thì buồn làm gì sự lơi dụng mang tính sinh tồn của loài người với động vật bật thấp?
Bây giờ là mùa nước đục, mùa của những giề lục bình tách đám trôi tản mác trên sông, mùa của những cơn mưa bất chợt, ào qua, mất hút, và cũng là mùa của những người thợ câu hết thời.
- Ủa, cái “xóm câu” ** của mầy bây giờ đâu rồi?
Anh bạn viết  văn “chọc quê” tôi, tôi phân trần.
- “Xóm” thì còn nguyên đây nhưng “câu” thì đã giải nghệ lâu rồi. Câu cái gì nữa mà câu khi sông bây giờ không còn đủ “trong sạch” để loài thủy sản một thời là kế sinh nhai của nhiều người dân ở đây tồi tại. Anh muốn tìm một chiếc xuồng câu để nhìn nó mà buồn à? Đừng hy vọng, tôi cũng đang nhớ tới nó, nhớ để mà buồn, mà rai rứt…
Đó là những năm bảy tám, bảy chín của thế kỷ trước, thời hưng thịnh của nghề câu tôm ở xóm tôi. Trong nhóm thợ câu đó có ông Năm Bằng, người mà cái “lý lịch trích ngang” hết sức đơn giản: quê ở miền Tây, có đi chiến đấu, không vợ con, không tài sản, nghề nghiệp câu tôm. Đó là ông tự khai những lúc thấm rượu chứ không ai đi điều tra một người mà bề ngoài không có dấu hiệu đe dọa người khác. Bồng bềnh trên sông nước quanh năm, xuồng câu là nhà, là nơi trú ngụ khiêm tốn nhưng tự do, cái “kiểu” tự do không giống ai của người đàn ông phương Nam khi nổi máu ngang tàng. Người bạn “đồng nghiệp” của ông thương cảm cho ông cái doi đất ở phía Tây cồn Phú Đa để cất cái nhà sàn mà che mưa che nắng. Mới đầu, ở đó là cõi riêng của ông, là đêm đêm nơi ông nằm chò co ngắm trời trăng mây nước mà chiêm nghiệm về thân phận đời người. Sau đó, nó trở thành điểm hẹn của những kẻ lang bạc trên sông. Họ đồng cảnh, đồng cảm, ghé nhau nhiều khi chỉ để uống vài ba ly rượu,. rồi đi, rồi “trôi” biền biệt trên ngàn trùng sông nước. Bạn câu của ông thỉnh thoảng cũng ghé chơi, ghé để bày mâm, để nâng ly, để rầu rầu nói về thời cuộc hay chỉ để say mà ngâm câu vọng cổ cho những âm điệu buồn trôi bàn bạc trên sông, dưới trăng, chơi! Ông Năm Bằng là người lầm lì ít nói, dáng vẻ phong trần, nhưng khi nói thì nói bạt mạng, nhất là những lúc say.
- Thời đại gì mà…, một khúc sông chưa tới cây số mà “gắn” ba cái trạm, chỗ nào đám lính gác trạm mặt cũng hầm hầm như cả thế giới này đang mắc nợ chúng nó. Đồ nó đem bán cho Liên Xô nó nói… xuất khẩu, mình chở từ tỉnh này qua tỉnh nọ nó nói… buôn lậu!
Ông Hai Kim “dỗ ngọt”.
- Thôi mà chú Năm, bị bắt chết.
- Bắt con khỉ họ! Tôi nói thiệt, cứ cái “kiểu” này hoài, coi chừng… Ờ, anh Hai, hôm qua “nó” tấp trên đầu cồn một “bao” nữa.
Cái “bao” mà ông Năm Bằng nói đó là những cái đầu lâu được nhét vào bao bố tời thả trôi lều bều trên sông. Người ta có quyền nghi ngờ nguồn gốc của những “sản phẩm” man rợ này. Đó là “thành tích” của đám cướp sông lộng hành trong giai đoạn đất nước gặp những biến cố thăng trầm? Hay là hậu quả của bọn Pôn Pốt diệt chủng đang làm mưa làm gió ở biên giới Tây Nam? Không biết, chỉ biết là sông đã phải hứng chịu những sản phẩm của tội ác, của những tham vọng điên rồ. Rồi, một lần ông Năm Bằng cũng đã làm một chuyện… điên rồ! Ông đi vớt những cái “bao”, xin người ta một khoảnh đất nhỏ để chôn đi “tội ác”nhưng không ai cho, đúng hơn là không ai dám cho. Đau đớn, buồn rầu và thất vọng nữa, ông năn nỉ người chủ đã cho ông cái doi đất cất nhà để chôn mấy cái “bao” ở đó.
- Tốt hay xấu cũng là con người, chú Sáu nó nỡ lòng nào?
Thật tình thì Sáu Thuẫn “cũng không nỡ lòng nào” nhưng còn vợ con, chòm  xóm, họ không dễ gì chấp nhận sự bao đồng có chút… ba trợn của người đàn ông nổi tiếng cá biệt kia. Nhưng rồi Sáu Thuẫn cũng bị thuyết phục bởi sự “lì lợm” của ông Năm Bằng. Mà phải lén nghen, chôn ngoài doi đất đó, thiên hạ biết được thì tôi và ông trốn không kịp. Nghe nói sau đó ít tháng ông Năm Bằng dỡ nhà trả đất cho Sáu thuẫn rồi bỏ đi biệt tích. Bây giờ đã gần ba mươi năm, cái doi đất đó đã lở mất, người xưa, nhà cũ, và cả những cái “bao” nữa đã trở về với sông để sông tiếp tục dung chứa những thân phận bọt bèo mà chỉ có sông mới rộng lượng được như vậy.
Ở đó, sông có một mùa lũ tràn bờ, một mùa chim di trú về đậu chật đám bần, và ở đó sông có một mùa buồn! Đó là mùa em tôi xuống xuồng làm “sáo” nhưng con sáo của tôi không “sang sông” mà xuôi dòng Cổ Chiên về dưới Bang Tra làm dâu xứ người. Em học lớp mười một, tôi học mười hai. Nhà em làm nghề đưa đò qua cồn Phú Đa đã mấy đời, ba em là đời thứ ba. Lúc rảnh, em phụ ba chèo chống kiếm tiền. Nhà tôi gần bến đò. Những buổi chiều tôi thường xách quyển tập trèo lên cây còng già để… nhìn trộm em! Em thì ngồi dưới đò học bài thiệt, học miệt mài, đâu biết rằng có thằng con thằng con trai giả đò “chăm chỉ” để ngắm em và đò ế khách khi chiều xuống. Bến đò lúc vắng khách thật buồn. Trong bức tranh chiều đó em lúc mờ nhạt như sương như khói, lúc hiện rõ mồn một, lặng lẽ, âm thầm, cam chịu. Tôi yêu em? Hay tôi chỉ yêu khung cảnh sông chiều có em và có những nhọc nhằn kiếm sống? Không biết, tới giờ này tôi cũng không biết, chỉ biết rằng tôi đã buồn thật nhiều, thật lâu hay tin em “bị”gả đi xa, gả đi khi em mới hết tuổi mười sáu, khi em chưa kịp thuộc câu ca dao: Má ơi đừng gả con xa… Có lần tôi ngồi với ba em bên bến đò, ông thở dài.
- Tội nghiệp con  nhỏ, học được lắm nhưng đành phải bỏ ngang. Biết làm sao bây giờ, ông nội nó đã lỡ hứa với người ta, nó cũng phản ứng dữ dội lắm nhưng ông cụ cứ cương quyết, nó mà không nghe lời ông sẽ… tự vận! Trời đất, có biết tảo hôn, tảo hít gì đâu, mấy cụ cứ đụng vào là: có con gái như… hơn nữa, sĩ diện của mấy cụ lớn lắm chứ thiệt lòng thì cũng nát gan, nát ruột.
Hôm em xuống xuồng để người ta rướt em đi, tôi ngồi trên cây cồng già ngẩn ngơ nhìn theo… đám lục bình, nhìn dòng sông, nhìn bến đò chỉ còn lại cây sào dài đứng trơ trọi, buồn hiu. Bến đò mất em, sông mất em nên từ đó sông có một mùa buồn! Mùa này không cụ thể như xuân hạ thu đông, mùa này chỉ có ở tôi, ở sông, mùa có những câu hò xâu xé lòng người
Sông Cổ Chiên nối liền với biển.
Bông điên điển nở thắm hai bờ.
Thương em anh đã đợi đã chờ.
Sao em vẫn cứ mịt mờ Cổ Chiên?
Câu hò như loang nát mặt sông chiều, như găm vào lòng khách thương hồ (nếu  vô tình “trôi” ngang) nỗi người, nỗi ta, nỗi đa đoan thế sự. Có lần em về, em tay bồng tay bế đứng bên này bờ sông nhìn về phía cồn Phú Đa. Em nhìn gì về phía bến  đò cũ? Hoài niệm? Nuối tiếc? Hay chỉ để tìm lại em ngày xưa, cô gái có mái tóc đen huyền, có gương mặt đẹp nhưng buồn? Không, bây giờ em đã là thiếu phụ, là mẹ của bốn đứa con, em ngày xưa chỉ còn ở tôi, ở sông, ở một mùa buồn đưa tiễn! 
Anh bạn viết văn đã chia tay để về Cần Thơ, còn lại tôi một mình và tự buồn bã với cái ý nghĩ mơ hồ rằng: sông của tôi không đẹp, sông của tôi u nần, góc cạnh, gồ ghề, thô kệch như em gái quê, như bà mẹ nghèo; sông của tôi có một mùa nước trong và một mùa nước đục, một mùa mưa và một mùa nắng. Và ở đó, sông còn có một mùa buồn.
Luồng: Khoảng trống giữa hai đám bần.
Xóm câu: Một tác phẩm khác của tác giả.
17/10/2013
Ngọc Vinh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà th...