Thản nhiên mây trời
Tôi nói với tay lơ xe còn trẻ khi chiếc xe tốc hành từ Sài
Gòn về Chợ Lách vừa qua cầu Hàm Luông.
- Ghé giùm tôi chỗ đầu lộ mới.
Hắn cười khì khì.
- Dọc quốc lộ này có bốn cái lộ
mới, chú ghé lộ mới nào?
Tôi gãi đầu theo thói quen.
Tay lơ xe hỏi đột ngột khiến tôi chưa kịp nhớ ra đặc điểm con lộ mới mình cần
tìm. Hơn nữa, gần mười lăm năm tôi biệt xứ, cắt đứt mọi liên hệ với nơi mình
sinh ra, bấu víu, leo trèo ở cái đất Sài Gòn đầy bất trắc để tồn tại. Cuộc mưu
sinh với đủ thứ cạm bẫy, mọi thời gian dồn cho đề phòng và tranh giành đã mệt
rã rời, quê hương, xứ sở thỉnh thoảng nổi lờ mờ trong suy nghĩ rồi chìm nghiễm
bởi tất bật cơm áo gạo tiền. Bây giờ trở về, trong đầu cứ hình dung mãi cái xóm
Vàm heo hút của mình không biết nó tròn méo ra sao, con lộ mới dài ngắn thế
nào, những người quen cũ sống chết, giàu nghèo; dòng sông chảy ngang nhà ngày
xưa có còn chìm nổi, mong manh đời thương hồ? Sáng nay thấy tôi huơ vội mấy bộ
quần áo nhét vào túi du lịch, con vợ thừ mặt ra, hỏi.
- Theo vợ bé hay đi đâu mà gấp vậy?
- Đi trốn buồn! Nói chơi với bà
thôi, hồi tối thời sự quay cảnh lụt lội ở đồng bằng có lướt qua chỗ xứ tôi hồi
trước, tối ngủ không được, nhớ quê quá trời, sẵn mấy ngày cuối tuần, về thăm
quê một chuyến.
Con vợ léo nhéo.
- Ông ưa nổi khùng bất tử, chịu
thua! Đi mấy ngày, tiền bạc đủ xài không? Ờ, ông còn ai bà con ở dưới đâu mà
thăm? Không khéo coi chừng ngủ bụi rồi “hiến thân” cho muỗi đồng bằng một bữa
no nê, nghen!
Con vợ có lý. Sự nổi hứng bất
tử khiến tôi không lường trước tình huống này. Ngồi lục nhanh mớ ký ức hỗn độn
của mình, trong đám bạn bè cũ ở quê, gương mặt thằng Khanh hiện ra nhanh nhất,
rõ nhất do ấn tượng về diện mạo và cả tính cách. Tôi và Khanh không thân nhau lắm
nhưng cũng chẳng đến độ nhạt nhẽo. Khanh thuộc tuýp người có cá tính mạnh,
ngang tàng và bạt mạng khó kiểm soát. Những người lần đầu tiên tiếp xúc với
Khanh thì khó có thiện cảm ngay. Ngoài cái mụt ruồi bằng đầu đũa nằm ở cánh mũi
phải không thích hợp lắm với khuôn mặt chữ điền đầy tàn nhang thì đôi tai chỉ
dão một bên của hắn cùng nét đểu đểu trên đôi môi thâm đen mỗi khi cười dễ tạo
cho người khác cảm giác không an toàn khi đối diện. Nói chung, gương mặt của thằng
Khanh mà đưa cho các nhà tướng số thẩm định thì trăm ông đều nói lén trong đầu.
Cũng may, tạo hóa còn cân nhắc khi nặn cho hắn một cái trán cao vừa phải, mái
tóc quăn rất nghệ sĩ và đặc biệt là đôi mắt nhìn thẳng cương trực.
- Chú xuống lộ mới nào, con ghé?
Tôi nói theo phản ứng của tiềm thức.
- Lộ mới qua cồn Tân An.
- Trời, cái lộ mới có nối một bên đó
hả, qua mất tiêu rồi. Thôi, chú chịu khó xuống đây rồi kêu xe ôm quẹo trở lại
giùm con nghen.
Tôi xuống xe và lớ ngớ tìm một chiếc
xe ôm chợt nhận ra phía trái nơi mình đang đứng ngày xưa là ngôi trường cấp hai
với những phòng học xập xệ. Trước sân trường là hai cây điệp già cỗi, nhăn
nheo, lọm khọm chứng kiến đám học trò nghèo xơ xác, bẩn thiểu ngồi nuốt từng
con chữ mà tay cứ bụm lưng quần sợ mất củ khoai lang mẹ nhét cho hồi sáng. Những
mùa bông điệp rực đỏ trời hè trôi qua một cách lặng lẽ, buồn hiu nơi sân trường
phủ đầy rêu trên nền xi măng xám đục nứt nẻ lổ chổ. Nơi đó bây giờ chỉ còn trơ
lại cái nền gạch đổ nát, hoang tàn khi người ta phá bỏ mà chưa kịp dọn dẹp. Kế
bên, một ngôi trường cấp hai hai tầng khang trang, hiện đại, bề thế đang ở giai
đoạn hoàn chỉnh. Tôi đối diện với quá khứ và hiện tại bằng tâm trạng buồn vui lẫn
lộn và kịp ngăn chặn một tiếng thở dài cho ký ức. Trong đám học trò nghèo ngày
xưa, một số đứa đã bò lên được cấp ba, số còn lại rã như như bè chuối mục trôi
tứ tán mọi nẻo để mưu cầu cuộc sống. Tôi và thằng Khanh lì lợm trườn từng bước
một lên tới lớp mười hai. Lúc đó tôi hỏi Khanh.
- Tốt nghiệp cấp ba xong mầy định
làm gì?
- Đi buôn lậu.- Nó đáp tỉnh bơ.
Tôi cố tình chọc nó.
- Chuyện này thì phù hợp, vác cái bộ
mặt gian xảo của mầy đi buôn lậu có khi kiếm ăn được!
Giọng của Khanh trở buồn
- Nói chơi chứ thời này mà đi buôn lậu
khác nào cá lòng tong đút đầu vô lưới bén! Mầy thấy mấy cái trạm ở khúc sông
mình không, mắt cha nào cha nấy sáng như đèn pha… Ê, mà có chuyện này ngộ
nghen, sao người ta đi buôn cái gì họ cũng bắt vậy mà có cây cầu gãy ngang trường
mình họ không… “bắc”, mậy?
Tôi lo ngại nhìn dáo dác.
- Điên hả, hết chuyện giỡn rồi sao, ở
tù rục xương nghe con!
Nó cười lém lỉnh.
- Tao đã dòm trước dòm sau rồi, có
quỡn thì mầy đi mét đi!
Nói vậy mà tốt nghiệp cấp ba xong ai
nấy ào ào đăng ký thi vào cao đẳng, đại học còn nó thì gom mớ sách vở dồn vào
góc nhà rồi quảy túi đi buôn lậu thiệt, đi buôn lậu thuốc lá. Thời đó, nền kinh
tế nước nhà cũng vừa mở cửa, mọi thứ còn ngổn ngang nên người ta chụp giựt
tranh giành nhau mà sống, thằng Khanh chọn con đường “tối” mà đi cũng có lý do
riêng của nó. Một kẻ vô sản đúng nghĩa như nó mà hy vọng vào con đường học vấn
để tiến thân trong thời kỳ này là ảo tưởng! Chưa kể lý lịch cá nhân cũng là vật
cản vô hình cho hành trình lập thân của nhiều người,
trong đó có nó. Nó có cái lý lịch xấu quắc, một đứa con hoang bị nghi là con của
tay lính ngụy nào đó. Mẹ của nó, lúc ba tuổi bị bán cho một gia đình giàu có,
hai mươi bốn tuổi có chữa hoang, chưa sinh ra nó đã bị đẩy ra đường vì căn bệnh
sĩ diện trầm kha của đám địa chủ đương thời. Người ta thương tình cho mẹ con nó
cái nền nhà cất tạm bợ căn chòi lá để che mưa che nắng. Sau giải phóng thì nó
được đi học rồi bườn dần theo cái thiếu đói triền miên của kẻ mạt hạng “ chuyên
nghiệp” để tốt nghiệp cấp ba.
- Cậu, về đâu vậy?
Tôi nhìn người thanh niên có gương mặt
hiền lành, cười giả lả.
- Về bến đò qua cồn Tân An.
- Trời đất, bây giờ làm gì còn đò nữa,
phà hết trơn. Mà cậu kiếm nhà ai ở đó?
- Nhà thằng Khanh.
Người thanh niên nhăn mặt.
- Đục đó có ba người tên Khanh, cậu
tìm Khanh nào?
Lần thứ hai trong chuyến đi này tôi
bị vặn vẹo vì cách gợi nhớ không rõ ràng của mình. Nhưng lần này thì khác lần
trước, tôi nói mà không cần ráng nhớ.
- Thằng Khanh có cái mụt ruồi bên
cánh mũi phải, có đôi môi chì…
- Biết rồi, ông Khanh “gà nòi” chớ
ai. Cậu lên xe đi, bà con với ổng hả?
Tôi gục gặc đầu cho qua chuyện vì sợ
cái lối giao đãi không đường ra của người dân quê. Với lại, thông tin ban đầu về
Khanh từ người thanh niên chạy xe ôm làm cho tôi động não. Thông thường, người
ta ưa gắn công việc của một người vào cái tên tộc của người đó để gọi cho dễ phân
biệt như: ông Tâm hớt tóc, bà Bé bánh bò… Vậy thì, Khanh “ gà nòi” cũng có thể
suy ra rằng cha nội này chuyên nuôi gà nòi hoặc ít nhứt tính chất công việc
cũng có “bà con dòng họ” với gà nòi. Điều làm tôi trăn trở là tại sao không phải
là Khanh “ Hội đồng”, Khanh “Chủ tịch” hay đại loại một chức danh hành chánh
nào đó gắn liền với tên Khanh mà lại là Khanh “gà nòi”? Nhớ lại, lúc Khanh
bươn chải đi buôn lậu thuốc lá thì tôi vào Cao đẳng sư phạm. Khi tôi học năm thứ
hai thì nó vẫn còn bôn ba mạo hiểm đâu đó trên các chuyến xe đò ở biên giới Tây
nam. Rồi nó trở về gánh theo sự suy sụp nặng nề của kẻ đau nỗi đau thế thái
nhân tình. Bao nhiêu vốn liếng ki cóp tích luỹ được bị tịch thu mất trong một
đêm. Nó mang bộ mặt thù hận cuộc đời tìm tôi xả tràn nỗi uất ức.
- Mẹ bà họ, kiếp trước chắc tao là một
tên đồ tể chuyên nghiệp nên kiếp này lãnh nợ! Tao tính rồi, ráng liều dồn sức
“đánh” vài chuyến qui mô kiếm số vốn kha khá rồi về cưới vợ, sinh con trả hiếu
cho bà già và làm một công dân lương thiện cho an thân một kiếp người. Vậy mà…
Tôi an ủi Khanh, không chân thành lắm.
- May rủi trong cuộc đời làm sao lường
trước được. Đâu mày tính kỹ lại coi, hay ôn bài rồi năm tới thi vào Cao đẳng,
chứ cứ ôm đầu mà thù hằn cuộc đời thì được gì.
Khanh nhếch môi thở dài.
- Đầu óc tao làm bằng đậu hũ, lết
lên tới lớp mười hai là “ kỳ diệu” vô cùng rồi. Bây giờ bắt tao học tiếp, chữ
nghĩa nhét vô chỗ nào sẽ trào ra chỗ đó cho coi. Ê, có chuyện này tao quên nói
với mầy, ông Thanh phó Chủ tịch xã có nói bóng gió ý muốn kêu tao vô ủy ban xã
làm việc, mầy thấy sao? Mẹ bà, làm “ma” không được bây giờ kêu đi làm “Thánh”,
khó xử quá!
Nhìn nét mặt tỉnh bơ của thằng Khanh
tôi biết nó không hề giỡn. Và điều đó cũng thật bình thường, thậm chí có thể
khuyến khích nếu tôi không “thuộc” thằng Khanh nằm lòng! Tôi nhăn nhó cho cái
tưởng tượng rằng một ngày thằng Khanh sẽ bệ vệ ngồi trên chiếc ghế công quyền.
Tưởng tượng tới cái mụt ruồi bên cánh mũi phải nhảy nhót nhịp nhàng mỗi khi nó
không vừa lòng một ai đó; đôi môi chì sẽ thâm tím lại khi nó thật sự nổi giận,
nét đểu đểu trên đó có dịp phát lộ và tất nhiên lúc ấy người đối diện sẽ cảm thấy
không an toàn! Tôi sẽ vô cùng cực đoan khi lấy diện mạo thằng Khanh ra áp đặt
cho tính cách của nó. Sự “phản biện” trong đầu tôi còn được thiết lập bởi một
cơ sở khác, đó là thói háo danh và cơ hội nó bộc lộ hồi còn học cấp ba. Đầu năm
lớp mười, trong buổi phân công ban cán sự lớp, thầy chủ nhiệm bất ngờ đưa ra đề
nghị ai tự thấy mình có khả năng làm lớp trưởng thì giơ tay. Mọi người đang im
lặng, rụt rè thì chợt hắn thọt tay lên trong sự ngỡ ngàng của cả lớp. Hắn làm
cho tôi “choáng váng” khi lòng tự trọng của tôi chứ không phải hắn bị giẫm đạp.
Nó, ngoài cái tài lẽo mép ra thì trung bình yếu về mọi phương diện (ngoại trừ
diện mạo thì tuỳ vào cách cho điểm của mỗi người). Vậy mà, thầy vẫn quyết định
chọn nó làm lớp trưởng với lập luận khá thuyết phục: Khanh là người có bản lĩnh
và dũng cảm! Đang lúc thầy say sưa về “thuyết bản lĩnh” thì nó đưa mắt liếc
tôi. Trong ngữ cảnh này, cái liếc đó có nghĩa là, mầy im miệng cho tao nhờ! Tôi
xụ mặt im lặng và nghiễm nhiên trở thành kẻ a dua hèn nhát ở nấc thang đầu tiên
cho sự “nắm quyền” của tên bất tài! Ba năm trung học, bằng sự láo cá tinh vi
và lẽo mép bẩm sinh, hắn tồn tại suôn sẻ ở cái chức lớp trưởng mà không hề biết
xấu hổ dù chỉ được thể hiện ở nét mặt. Vì vậy, tôi rùng mình khi hắn thông báo
hắn chuẩn bị gia nhập vào bộ máy hành chánh một cách tỉnh bơ. Rùng mình cho cái
ý nghĩ: loại người cơ hội như hắn mà cho làm một tên rót trà nơi chốn “quan trường”
cũng thật đáng sợ! Và hắn làm thiệt.
- Tới rồi, cậu. Nhà ông Khanh “gà
nòi” nè. Cậu cho con năm ngàn phụ đổ xăng chứ có chạy xe ôm chuyên nghiệp đâu
mà biết giá cả.
Tôi lựng khựng trước ngôi nhà tường
lót gạch men sáng trưng. Kiểu nhà được thiết kế ngẫu hứng pha trộn tạp nham tây
tàu, dán gạch đủ màu sắc lòe loẹt, xô bồ chứng tỏ chủ nhân nó không có óc thẩm
mỹ.
- Nè, định trộm cái gì mà núp
ló đó cha nội?
Tôi quay lại và bắt gặp nụ cười
không sáng lắm nhưng đầy nhiệt tình.
- Trong đời, mầy là thằng nhiều lần
làm cho tao “ bàng hoàng” nhứt.
- Thí dụ?
Tôi háy mắt vào nhà ra dấu. Thằng
Khanh cười khùn khục.
- Mới “trưng bày” chút đỉnh mà mầy
giựt mình rồi, ở đây vài bữa mầy sẽ thấy cách tao kiếm tiền, nhẹ hều hà!
Tôi theo chân Khanh vào nhà mà
lòng gợn lên chút băn khoăn, e ngại của kẻ luôn muốn bảo vệ an toàn cho mình bằng
sự thẩm định khắc khe với cách sống của người khác. Tôi tự làm dịu sự căng thẳng
của mình bằng cách hít một hơi thật sâu bầu không khí trong lành của vùng quê
mát rười rượi rồi thả hồn tìm lại tuổi thơ trên dòng sông đầy gió.
- Mầy thấy tao sống có sướng không?
Tiền bạc rủng rỉnh, vợ đẹp con ngoan, tự do tự tại ở trần mặc quần đùi ngồi
chèm bẹp dưới nền gạch men nhậu không sợ ai dòm ngó cũng chả cần kiêng kỵ điều
này điều nọ… Mà nhậu tay đôi kiểu này buồn lắm, để tao kêu thằng Tám trưởng ấp
qua chơi… A lô, mầy hả Tám, qua liền! Ờ, có thằng bạn ở Sài Gòn về chơi. Mẹ bà,
tao kêu mà nó không chạy có cờ mới lạ! Đời là vậy, có tiền nói gì chúng cũng gật
đầu hết dù mầy có nói bậy!
- Ủa, loay hoay chưa hỏi nhà đi đâu
hết, vắng tanh vậy?
- Thằng con đi học. Con vợ và bà già
thì đi chùa, chắc là đi cầu phúc cho tao! Mẹ bà, không biết giống gì khiến mà
lóng rài thiên hạ ùn ùn kéo vào chùa làm phật tử? Tao thì tao nghi có ba nguyên
nhân, một là sợ chết, hai là quá ê ẩm với thế sự, ba là… Ê, thằng trưởng ấp qua
kìa, thằng này chơi được, biết “ an phận” và không xoi mói. Vô đi Tám, ngồi nhậu
mậy. Tay này bạn tao, bỏ quê đi lập nghiệp ở Sài Gòn mười mấy năm rồi, mầy về
làm rễ xứ này chưa lâu, chắc không biết. Ờ, nãy giờ lo mừng chưa hỏi bạn làm giống
gì ở trển, sống khá không?
Tôi cố ý khoe công việc của mình với
Khanh rằng tôi hiện là phó phòng hành chánh ở một huyện ngoại thành thành phố
chứ không còn là một giáo viên quèn. Thằng Khanh ậm ừ lơ đãng làm tôi cụt hứng.
Nhớ lúc tôi và gia đình cuốn gói bỏ xứ lên Sài Gòn trốn nợ do bể hụi, nó phang
vào mặt tôi một câu.
- Ôm khư khư cái lối sống đạo đức
truyền thống như gia đình mầy đi tới thiên đàng cũng bị lợi dụng! Bài học bị giựt
hụi của ba má mầy chỉ mới là bài học vỡ lòng. Nói như vậy không có nghĩa là tao
xúi mầy sống gian trá nhưng hiền và ngu khoảng cách rất mong manh…
Và, cái “chân lý” thằng Khanh kịp
nhét vào đầu tôi lúc đó có tác dụng tích cực cho lộ trình kiếm sống đầy chông
gai của tôi sau này. Trong đó, quan trọng là tôi biết càn lướt qua những chướng
ngại để vững vàng tiến thân chứ không thụ động ngồi chờ sự ban bố may mắn của số
phận. Vậy mà, nó trơ trơ khi nghe tôi báo tin mình đang có địa vị trong xã hội,
thiệt lạ!
- Nè, uống rượu kiểu thành thị của mầy
thì biết chừng nào mới đủ say để buồn? Bây giờ uống nhiệt tình đi rồi tao với mầy
còn nhìn nhận lại cái “triết lý ngu, hiền” sau mấy chục năm lăn lộn với cuộc đời
này, hén Tám? Mầy cũng vô đi Tám rồi ngồi nghe hai thằng tao tâm sự về thế thái
nhân tình chứ uống rượu mà bày chuyện chính trị ra nói thì có mà ngu!
Chiều chầm chậm trôi qua đồng bằng.
Gió nhẹ. Mây nhẹ. Và tiếng con bìm bịp kêu xa cũng nhẹ nhàng rót vào tai giữa
trùng trùng nỗi nhớ. Kỉ niệm không ùa về một thể mà ngắt thả từng phần trong
suy nghĩ tạo cho tôi cơ hội chọn lựa ký ức đẹp mà nhớ. Nhưng rồi, bầy gà nòi của
thằng Khanh không biết giật mình chuyện gì mà đồng loạt la táo tác kéo tôi trở
lại mâm nhậu với câu hỏi treo nằng nặng trong đầu từ sớm tới giờ.
- Trong đời, tao sợ nhứt là người ta
chất vấn mình bằng ánh mắt. Nếu trí phán đoán không phản bội tao thì tao dám chắc
mầy muốn hỏi làm sao tao làm giàu được ở cái xứ khỉ ho cò gáy này. Vậy mới hay,
hén Tám? Khoan, nghe điện thoại chút. A lô, Khanh “gà nòi” nghe. Ủa, Nhân hả? Ừ,
anh nghe. Trời, thua hả? Mà nó thua “đẹp” không em? Thấy chưa, bổn gà anh có
thua cũng phải đẹp! Mẹ bà, gà khét chưn xanh là đúng sách vở đó mầy. Ừ, gà vịt
mà em, không ăn thì… thua bởi gà hay thì cũng cần một chút may mắn nữa, đúng
không? Nè, anh đang nhốt con gà xám chưn vàng bổn bang đàng hoàng. Gì, vảy vi mầy
khỏi chê. Để em ba “chai” * thôi. Anh em mình chí cốt thì anh tính khác chứ người
lạ phải bốn “chai" anh mới “tẩy”. Hả? Thôi được, tao coi mầy như em ruột nên
bớt mầy hai “xị” đổ xăng, với em, anh huề vốn hoặc lời chút đỉnh cũng không
sao. Rồi, chừng nào qua a lô cho anh, mà phải sớm sớm nghen để đám lái Sài Gòn
xuống thấy rồi đòi mua thì anh khó xử! Đó, mầy biết cú điện thoại vừa rồi nếu
suôn sẻ tao kiếm được bao nhiêu không? “Chai” tám! Mua con gà một “chai”, bán
ba “chai”, cho nó lại hai “xị” là mánh câu mối của tao. Hả, bổn bang con mẹ
gì, gà mình đang có tiếng nói “bổn” gì nó cũng nghe hết chứ toàn là gà tao mua
sô của mấy thằng lái gà cò con rồi phân loại mà bán. Mẹ bà, bỏ chút nước bọt mà
kiếm tiền bằng hai tháng lương của thằng Tám trưởng ấp, mầy thấy ghê chưa!
Với thằng Khanh lúc nào tôi cũng có
cảm giác thương thương ghét ghét trộn vào nhau. Thương nó vì hồi nhỏ nó chân
tình hết lòng với bạn bè. Thương nó vì cái “đầu vào” của nó với cuộc đời này có
quá nhiều ngang trái và thương luôn nụ cười đểu đểu trên đôi môi thâm đen mà tạo
hoá ác cảm cố tình tạo ra để người đời nhìn vào đó mà hoài nghi về tính cách cá
nhân của nó. Còn ghét thì lại không rõ ràng. Nếu nói ghét vì nó gian xảo thì
thiệt lòng là không phải, cũng không phải vì nó khôn ranh hơn tôi mà tôi ghen tức.
Nhưng trong người nó luôn rịn ra trong suy nghĩ của tôi chút đề phòng dù biết
là không cần thiết.
Có hai chiếc xe máy dừng trước cổng,
mấy tay choai choai chưa vào sân mắt đã dán vào đám gà nhốt bên hông nhà. Khanh
giao tôi cho trưởng ấp Tám với cái nhướn mắt đầy ngụ ý.
- Vô tiền nữa…
Trưởng ấp Tám nói sau khi ực trọn ly
rượu. Anh ta nói điều đó với ngữ điệu không buồn cũng không vui. Trong cái âm vực
trung bình của lời nói đó, nếu nghe kỹ hình như có chút cảm thán, chút mỉa mai
nhẹ nhàng của người tự thấy mình không đủ năng lực để có những cái người khác
đang có. Và tôi uống chút rượu để xua đuổi cái ý nghĩ thèm thuồng dợm xuất hiện
trong đầu rồi quay qua Tám gợi chuyện.
- Hồi đó tưởng nó vô ủy ban xã làm
việc luôn, ai dè…
- Thì có chứ sao không. Ổng leo lên
tới chức Chánh văn phòng ủy ban chứ giỡn! Lúc đó ổng có uy lắm chỉ tội cái là
hơi nghèo. Đi coi vợ hai lần đều bị chê. Ai biết, nhưng chắc chê nghèo thì nhiều.
Rồi mắc chứng gì không biết ổng nghỉ làm ngang xương. Đợt đó nghe đâu ổng bị quần
cho một chặp tơi bời, ổng nổi khùng nói ngang là giữ cái thằng “hai mặt” như ổng
ở lại thì có ngày ủy ban “đổ nợ” ráng chịu! Thiệt tình, hiếm thấy ai gàn như ổng,
danh phận trước mặt mà không biết nắm giữ. Thời đó, cả ủy ban xã chỉ mình
ổng là có bằng cấp ba chính quy, ổng là cán bộ nguồn, là cơ cấu nhân sự của
trên, ráng bám rồi kiếm thêm mấy cái bằng nữa thì bây giờ không lên tới huyện mới
lạ! Vậy mà…
Câu bỏ lửng của trưởng ấp Tám lại có
hơi hướm của sự tiếc rẻ! Anh ta xoay xoay ly rượu trong tay và đôi mắt lim dim
nghĩ ngợi. Tôi tiếp tục khượi chuyện.
- Còn chuyện nuôi gà nòi?
- Ổng đến với cái nghề này một cách
lãng xẹt! Lúc ổng mới nghỉ việc, ổng như con gà úp bội được thả, sung mãn, chơi
bời xả láng, cờ bạc, đĩ điếm, món nào ổng cũng ghé vào mà nói như ổng là cho đã
thèm! Trong đó, món đá gà là ổng mê nhứt. Một lần, coi độ gà chiến choảng nhau,
một con hộc máu bại trận, thằng chủ gà tưởng hết cứu chữa nên kêu bán xác con
gà thua độ giá rẽ, ổng tính mua về nhậu. Ai dè về nhà con gà tỉnh lại, ổng thấy
uổng nên không mần thịt mà o bế nó. Vận may đến với ổng, con gà chiến hồi phục
nhanh chóng, mấy tay đá gà chuyên nghiệp tới coi đều trầm trồ, gạ gẫm mua lại
trên chục “ chai”. Khôn quỷ như ổng mà dễ gì bán. Ổng để đó làm gà nọc, đổ mái
và gầy ra dần. Trong thời gian ngắn, tiếng tăm về bổn gà của ổng bay xa, trong
đó, cái miệng dẽo của ổng cũng quyết định một phần. Từ đó, nghề dạy nghề, ổng
ăn nên làm ra từ con gà sắp chết.
- Nghe nói xứ mình gà nòi bổn bang
có tiếng, chứ đâu phải mình nó.
- Nhưng đố ai mua bán qua ổng. Gà
nòi qua tay ổng thì con nào cũng giỏi! Con gà xấu quắc qua miệng ổng cũng trở
thành đẹp, vậy mới tài, mới lừa thiên hạ được chớ, ông anh! Mẹ họ, mánh lới mà
không có kinh nghiệm thì nát xương như chơi!
Thì ra là vậy. “Văn hóa mánh lới”
cũng lắm nhọc nhằn!
Mấy tay choai choai mặt hừng hực máu
ăn thua ôm gà vội vã lên xe vọt đi báo hiệu một cuộc đụng độ nẫy lửa sắp xảy ra
đâu đó trong khu vực này. Khanh trở lại mâm nhậu với nét mặt khinh khĩnh và nụ
cười đểu đểu quen thuộc.
- Lụm bạc! kiếm một “chai” mốt tiền
mặt dễ ệu vậy mà đâu phải ai cũng làm được, hén Tám? Vô cái coi, thiên hạ còn cờ
bạc thì Khanh “gà nòi” này còn kiếm ăn dài dài, người ta bắt kẻ đá gà chứ ai bắt
người nuôi gà mà sợ! Với lại, nói láo với bọn cờ bạc thì không có tội, xảo trá
cũng có năm bảy đường xảo trá, coi mặt mà xảo trá, lựa chỗ mà xảo trá, hén Tám!
Tôi quan sát và nhận ra rằng Khanh
không phải là người biết uống rượu hay nếu biết thì chỉ ở chừng mực kèm khách.
Bởi, trong cái nhiệt tình mừng bạn thì hắn vẫn lòi ra chút “ráng chịu” của người
uống rượu kém. Sự “ráng chịu” ở môi trường nào cũng vậy, sẽ khiến người ta cực
nhọc vô cùng.
Tôi nói với Khanh một cách
chân thành.
- Mầy coi uống được thì uống chứ đừng
ráng, say chết.
Thằng Khanh nhìn tôi bằng cái nhìn
không đoán được thái độ.
- Xin lỗi mầy, trong đời tao, chỉ uống rượu
với mầy thì tao còn ráng chút đỉnh chứ biểu tao sống khác mình dù là để thành
tiên tao cũng không ráng! Hả? Làm ở ủy ban được ba năm, lên như diều… Mẹ bà,
người tao mà kêu sống đàng hoàng có nước là thẻo mất sợi dây thần kinh “xảo” chứ
thảy vào chỗ nào cũng trở thành thảm hoạ với mọi người cho coi. Hồi đó mầy biết
tại sao tao khoái làm lớp trưởng và “bám” nó suốt ba năm cấp ba không? Sự háo
thắng của một thằng chưa qua thời kỳ con nít. Còn bây giờ, tao ngao ngán cho
cái trò mà thiên hạ gọi là “thủ dâm tinh thần”, thì thôi trở lại làm “ma” nhưng
chỉ ở mức độ là một con “ma” hiền!
Tôi lắc đầu kiểu vừa khâm phục vừa e
ngại. Khâm phục sự dũng cảm mang đậm cá tính mà không phải ai ở hoàn cảnh nó
cũng chọn lựa như vậy. Một người mà con đường đi tới danh vị đang được trải thảm
đột nhiên quẹo sang hướng khác vì dám nhận con đường đó không dành cho mình thì
chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số những người có hệ thần kinh bình thường! Còn e ngại
là e ngại cái kiểu sống “ma hiền” của nó; kiểu sống ngang tàng không che giấu
như một sự thách thức, bỡn cợt không phù hợp với đám đông bảo thủ, buộc phải
ráng sống đàng hoàng vì người khác bằng đủ thứ các văn tự ràng buộc! Tự trong
thâm tâm, tôi không biết là nên hâm mộ hay bày bát thằng Khanh, thương nó hay
ghét nó, binh vực nó hay chỉ trích nó… Có điều, so sánh với sự nhận xét ban đầu
về Khanh của thầy chủ nhiệm năm lớp mười: “Khanh là người có bản lĩnh và dũng
cảm” thì mới thấy thầy tinh tế vô cùng. Nhìn nhận như vậy là có luôn việc tôi
bào chữa cho sự đánh giá nhỏ mọn của mình với Khanh từ trước tới giờ cũng như gỡ
bỏ nhẹ nhàng cảm giác hổ thẹn của kẻ a dua hèn nhát lúc thằng Khanh giơ tay đòi
làm lớp trưởng. Cho nên, để được làm chính mình đôi khi con người ta cũng cần
phải trả giá, trong trường hợp này, có thằng Khanh.
- Ủa, hồi mầy quyết định nghỉ làm có
bị “đấu tranh tư tưởng” không?
- Làm gì có tư tưởng mà đấu tranh!
Lúc đó trong đầu chỉ đau đáu cách nào làm giàu để trả hiếu cho bà già, để đi
coi vợ không bị người ta lắc đầu… Và nữa, sống mà cứ đè nén mình bằng tham vọng
của một kẻ bất tài, lừa dối bản thân mình mãi thì đau khổ vô cùng nên tao “cởi
áo từ quan” một cách nhẹ hều về nhà kiếm tiền bằng “nước bọt” cho ít gây hại tới
chúng sinh!
Gió vẫn nhè nhẹ và tôi nghe trong
gió có lẫn chút mùi chiều từ đám bần thiếu nắng ven sông.
Ngày nghỉ cuối tuần, tôi nằm
lim dim trên ghế bố giả vờ ngủ để tránh bị vợ con quấy rầy. Ráng tìm một chuyện
gì đó an lành để dỗ giấc ngủ nhưng chưa kịp thì nghe tiếng sột soạt phía cửa
phòng.
- Nè anh, báo sáng nay có nhiều tin
hay lắm.
Tôi nhướn mắt tỏ thái độ khó chịu.
- Thế giới hết tham nhũng à hay trái
đất đổi lại ba phần tư là đất?
- Ông này, mồm mép gần đây coi bộ nặng
nề hơn trước à nghen! Có cái tin này đọc chưa “thấm” lắm nên định hỏi anh. Một
tập đoàn ma tuý “xử” thằng đàn em nó dã man lắm chỉ vì thằng này định rút khỏi
đường dây trở về cuộc đời lương thiện. Sao kỳ vậy ta?
- Đi mà hỏi bọn chúng. - Tôi vô cớ quạu
quọ.
- Cha này, mắc chứng gì từ khi về
quê tới nay đột nhiên đổi tính đổi nết, kỳ thiệt!
Vợ nhắc, suy nghĩ của tôi quẹo
về chỗ thằng Khanh. Bữa nhậu đó tàn trong im lặng. Tay trưởng ấp Tám thì lên
võng nằm ngáy pho pho, còn thằng Khanh thì ngồi dựa vào vách tường hả họng ngủ,
ngủ nhanh, sâu và ngon lành. Nhìn bộ dạng ngủ ngồi của thằng Khanh với độc chiếc
quần đùi tự nhiên tôi thấy thèm. Thèm sự bình thản, an nhiên của nó như áng mây
đang đủng đỉnh tự do trôi phía cuối chân trời. Còn tôi, hành trình tiến thân
sao mà thăm thẳm…
* Một “chai”: Là một triệu, tiếng lóng của dân chơi cờ bạc.
20/10/2013 Ngọc Vinh
20/10/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét