Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Rồi thế giới cũng biết

Rồi thế giới cũng biết…

Ngày 15/3/2010, tại Thành phố Đà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam có tổ chức Hội thảo Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Sau đây là bản tham luận của Nhà lý luận, phê bình văn học Phạm Quang Trung tại cuộc Hội thảo này. 
Xin được lấy lời căn dặn chí tình chí lý, thể hiện nỗi mong mỏi da diết của Hồ Chí Minh đối với văn chương nghệ thuật các dân tộc qua trường hợp nghệ sỹ Kim Nhớ - người dân tộc thiểu số H’Rê, làm tựa đề cho bản tham luận này của mình. Vào thời tôi, không mấy người không từng mê đắm giọng hát vút cao, lảnh lót mà đằm thắm của ca sĩ Kim Nhớ, đặc biệt là khi chị thể hiện rất thành công bài hát Chim Pôngkle của nhạc sĩ Nhật Lai. Chị được vinh dự nhiều lần gặp Bác, hát cho Bác nghe, và trực tiếp nghe những lời khuyên nhủ ân cần của Người. Năm 1960, sau khi nghe Kim Nhớ hát bài Thương anh bộ đội, Bác Hồ khen và bảo: “Cháu hát hay lắm, nhưng cần phải luyện cho hay hơn, làm cho mọi người biết nghệ thuật của người H’Rê mình”. Một lần khác, sau chuyến cùng Đoàn Nghệ thuật Quân đội đi lưu diễn dài ngày ở các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu trở về, chị may mắn lại được biểu diễn báo cáo với Bác. Người không quên dặn dò: “Nhớ thì phải hát thật hay, cả nước biết người H’Rê hát hay rồi thế giới cũng biết” (Văn hóa Các dân tộc - số 7/2003, tr.9). Vâng, “rồi thế giới cũng biết”, đó là mong muốn thường trực lúc sinh thời của Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên không chỉ đối với người H’Rê. Mà cũng không riêng gì lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Nhưng không hiểu sao, vào những ngày này, khi cả dân tộc đang tiến những bước dài trên con đường hội nhập với thế giới bằng việc đẩy nhanh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tự nhiên tôi thấy câu nói của Người vang lên với một âm hưởng khác hẳn. Sức lan truyền của lời nói, vì thế, cũng trở nên sâu rộng hơn nhiều. Nhất là trong tâm nguyện của những người làm văn chương nghệ thuật luôn có ý thức gắn chặt hoạt động nghề nghiệp với vùng đất của mình, với dân tộc của mình như chúng ta.
Tự nhiên tôi nhớ tới bài Chị tôi của nhà thơ Hơ Vê - dân tộc H’Rê. Bởi người chị mà tác giả nhắc tới và trân trọng đề tặng ở đây chính là ca sỹ Kim Nhớ. Ngay từ khổ đầu, nữ nhà thơ của chúng ta đã dứt khoát khẳng định: Không mòn cũ và tự bỏ mất mình/ Từ một vùng sâu xa/ Chị tôi/ Trỗi dậy… Ý thơ mạnh mẽ, giọng thơ rắn rỏi, thể hiện chân xác một sự thật - sự thật này đi liền với một đòi hỏi mang tính nghề nghiệp đặc thù. Nghệ thuật đích thực ngàn đời nay khi nào chẳng thế: phải có cá tính, không được phép “mòn cũ”, đồng thời lại phải mang bản sắc riêng của dân tộc mình cho dầu đó là một dân tộc ở vùng “sâu xa”, số dân chưa phải đã nhiều nhặn gì. Nguyên cớ của những vần thơ sau là thế: Chị bé nhỏ/ đường lầy - sương mây - hút lối/ Mượn bóng hoàng hôn che chắn/ Bóng mình/ Dìu nỗi đau qua cơn co thắt. Có điều, cái nhìn của nghệ sỹ Kim Nhớ đồng thời là cái nhìn của người viết khi nào cũng hướng về phía trước, “tìm về tương lai” với bao “khát vọng vơi - đầy”… Đọc đến đây, tôi, và chắc các anh các chị cũng thế, đều có thể chia sẻ với tâm tình ẩn trong khổ kết của bài thơ: Từ cái nhìn đau thương gai góc/ Trái tim chị sinh nở thi nhân/ Chất đầy vần điệu… Không còn ranh giới giữa nhạc và thơ. Như bất kỳ sự sáng tạo thành công nào trong hai lĩnh vực vốn là anh em sinh đôi này. 
Nhờ thế, đầu óc mau chóng đưa tôi trở về với dân tộc H’Rê. Kể cũng chẳng xa lạ gì! Vào năm 1959, bài thơ Bóng cây Kơ Nia xuất hiện như một hiện tượng lạ lùng. Khi ấy, tôi thấy trân trọng ghi ở cuối tác phẩm những dòng chữ sau: Dân ca H’Rê do nhà thơ Ngọc Anh phỏng dịch. Như có phép màu, bài thơ có thể nói lập tức lay động cả thế hệ người đọc chúng tôi. Rồi nó đi vào sách giáo khoa, được bình giảng sâu rộng ở nhà trường, trở thành tài sản tinh thần quý giá, góp phần làm nên sức mạnh của cả dân tộc trong cái thời triền miên đánh giặc giữ nước. Sau này có điều kiện tìm hiểu thêm, tôi được biết dân tộc H’Rê có chừng 6,5 vạn người, cư trú tập trung ở vùng núi và trung du phía Tây các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Tộc danh H’Rê là tên tự gọi, theo tiếng địa phương có nghĩa là “đầu nguồn sông Rê”, tức sông Trà Khúc thân thuộc của khúc ruột miền Trung dằng dặc. Dân tộc này sở hữu một kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú và đặc sắc. Tôi nhớ tới những nhạc cụ đặc sắc như đàn brooc, đàn môi, b’bút… Tôi đặc biệt nhập tâm những lời dân ca thiết tha mà cuốn hút sau: Em là con chim pơti/ Em là hoa cao nhớ hoa pơlang, hoa kẹo khà/ Anh là cái tổ giữa thân cây cho chim pơti ở/ Anh là nắng ấm cho hoa cao nhớ không tàn/ hoa pơlang không héo úa, hoa kẹo khà không mất mùi thơm vì giá lạnh gió đông/ Sao em không chịu cưới anh về làm chồng? Tại Trại Sáng tác văn học nghệ thuật Các DTTS - Tam Đảo tháng 5/2003, Hơ Vê đã dồn tâm trí và thời giờ hoàn thành một công trình sưu tầm và biên dịch trường ca dân tộc H’Rê. Tôi cứ ước ao một ngày nào đó sẽ được đọc bản trường ca này nhưng cho tới giờ vẫn chưa có được cái may mắn ấy. 
Tuy nhiên, những hiểu biết như thế cũng đủ đưa tôi đến những bài thơ khác của nữ nhà thơ người H’Rê. Như bài Ra Manh hôm nay. Hơ Vê viết: Ôi Ra Manh!... Ra Manh của tôi!/ Tôi dang tay ôm mặt trời bốn hướng,/ Mang hồn thơ ru ngọt cho đời. Ấn tượng với tôi hơn cả có lẽ là bài Cho con cái lời. Những vần thơ chân tình, không một chút uốn éo, điệu đàng: Mẹ nghèo,/ Đời mẹ nhăn nheo như đá núi… Khi “các con ra ở riêng”, liệu có người mẹ nào trên đời lại không mong dành cho con mình một chút tài sản riêng. Nhưng nghèo về vật chất quá, nên “mẹ chỉ cho cái lời”. Đó là những lời khuyên nhủ từ đáy lòng, với tất cả trách nhiệm cao nhất có thể có của các bậc sinh thành. Vì thế mới quý giá, thật sự quý giá: Đừng lười như con ka-ni (con chuột),/ Đừng nhát như con pơroăcq (con sóc),/ đừng ồn ào cãi nhau như con ha-dro (con ve)/ Hãy khôn như con chồn, con sóc/ Biết chọn ăn trái tốt, trái lành/ Hãy dũng cảm như con tho (con thỏ)/ Không sợ con vu-co (con cọp) to xác/ và cần cù như con xutq (ong mật)/ Mang vị ngọt cho đời. Bài thơ xúc động lòng người trước hết là ở tâm tình người viết. Riêng bài Người Ca Dong của Hơ Vê lại có nhiều hình ảnh sâu sắc mà đặc sắc: Đạp gai cào gai xé, đánh thức mắt trời/ Đu cồn mây vách đá, dìu vầng trăng lên. Nhất là khổ kết: Người Ca Dong ở trên cao/ Đường dốc lên cửa trời/ Mây giăng đỉnh núi/ Lấp lánh sao cài kim cương… Tôi thích cái thế đứng lồng lộng giữa mây trời, sông núi luôn sáng trong của con người đang khao khát vươn tới làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Tuy phải nói rằng, những câu thơ sau, bảo hay thì hay đấy, có điều đọc xong lại cứ thấy vấn vương ở đâu đó: Người Ca Dong ở trên cao/ Mắt sáng, da nâu/ Hiền như củ mì, củ mài/ Lành như con sóc, con nai/ Giận như hổ như báo/ Tin như đất, như trời/ Yêu như chim yêu rừng, như cá yêu nước. Nguyên do là bởi hình như chúng đã được một ai đó viết ra ở đâu đó rồi thì phải. Lao động nghệ thuật khắc nghiệt thế đấy: hay nhưng phải mới, mới mà lại phải ẩn chứa thật nhiều ý nghĩa. Như vậy mới mong có một sức sống bền lâu… 
Nói tới đây, tự nhiên tôi nghĩ tới thành tựu thi ca được nhiều người thừa nhận của nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Như cái cây hai ngàn chiếc lá. Vậy là người Pa Dí của anh còn ít hơn người H’Rê nữa kia. Thế nhưng, đúng như nhà thơ nổi tiếng Raxun Gamzatốp từng nói: “Dân tộc nhỏ có thể có số phận lớn”. Từ đó mà suy ra, dân tộc nhỏ có thể và cần phải tạo dựng nên một nền văn chương, nghệ thuật lớn nhằm thể hiện số phận kia. Pờ Sảo Mìn phần nào đã làm được điều đó. Bài Cây hai ngàn là và bài Con trai người Pa Dí là những dẫn dụ điển hình. Bằng ngòi bút mà đúng hơn là bằng cái nhìn sắc sảo, anh đã tạc nên chân dung có một không hai của dân tộc mình. Từ dáng vẻ bề ngoài: Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng/ Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian… đến sức mạnh bên trong: Biết gọi gió, gọi mưa, gọi nắng/ Chặn suối ngăn sông, bắt nước ngược dòng/ Ngô lúa cười reo trên sân trời ta đó… Đặc biệt nhất là ở ý chí sắt đá: Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa/ Đã lên yên trên đường dài thiên lý/ Cứ thế phi bay… Tôi cứ nghĩ, những vần thơ như vậy sẽ có điều kiện vượt qua được những thách thức khốc liệt của thời gian vốn từng nghiền nát bao giá trị nông nổi một thời. Được vậy mà có khi nào Pờ Sảo Mìn tự hài lòng đâu. Anh luôn tâm niệm: Bao đêm cầm bút/ Không viết thành thơ/ Bao đêm ngồi hát/ Vẫn chưa thành bài. Pờ Sảo Mìn là một trong những nhà thơ dân tộc thiểu số được nhiều người thực lòng quý mến chính là vì lẽ đó! 
Ở trên, tôi vừa nhắc tới nhà thơ dân tộc vùng Đaghextan - Raxun Gamzatốp. Dân tộc Avar của ông cũng chỉ có hơn 20 vạn người. Nhưng sự nghiệp văn chương ông để lại, tôi nghĩ, đã thuộc về nhân loại khắp bốn phương trời. Của hôm nay và của muôn đời sau… Tôi hiểu vì lẽ gì mà nhà thơ Lò Ngân Sủn của chúng ta lại đề cao ông đến vậy. Trong bài Suy nghĩ về dịch thơ, nhà thơ dân tộc Giáy nhắc nhiều tới những bài học vô giá rút ra từ nhà thơ bậc thầy Raxun Gamzatốp. Lò Ngân Sủn viết như sau về tập Đaghextan của tôi: “Cuốn sách đã hấp dẫn tôi từ đầu đến cuối và sau đó đã trở thành sách gối đầu giường của tôi…”. Còn với tập thơ Raxun Gamzatốp và… thơ thì Lò Ngân Sủn nhất mực suy nghĩ: “Một lần nữa thơ của Raxun Gamzatốp lại gieo vào lòng tôi những âm thanh lảnh lót, xanh tươi, phơi phới cuộc đời, phơi phới tình yêu, nồng nàn, cháy bỏng, được cất lên từ trái tim khối óc thân thương, yêu quý và vĩ đại” (Văn hóa Các dân tộc - số 7/2003, tr.27). 
Tôi nghĩ, ta đang sống trong những tháng ngày rộng dài. Đúng như nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng viết: Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng. Có thể khẳng định rằng đã có đủ những điều kiện cần thiết để làm nên những tác phẩm nghệ thuật lớn, xứng đáng với nỗi trông chờ của dân tộc và thời đại. Tất thẩy chỉ còn tùy thuộc vào sự gắng gỏi không biết mệt mỏi của mỗi người nghệ sĩ chúng ta. Chỉ có vậy, nỗi mong mỏi của vị lãnh tụ kính yêu ngày nào “rồi thế giới cũng biết” tới nền văn chương nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam mới dần dà trở thành hiện thực.
Đà Lạt, 12/3/2010
Phạm Quang Trung
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...