Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Sóc Trăng ngày nay

Sóc Trăng ngày nay

Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội tập, nơi đất lành chim đậu, của các dân di cư đến khẩn hoang lập nghiệp từ đầu thế kỷ 17. Người Việt từ miền Trung (chủ yếu là vùng ngũ Quảng), miền Bắc cùng với người Hoa Minh hương đến vùng đồng bằng còn hoang vu, sông ngòi chằng chịt, cây cối um tùm để định cư. Họ bỏ quê hương vì hoàn cảnh nghèo khó, loạn lạc hay tị nạn chính trị để lập lại một cuộc sống mới. Họ sống chung với dân bản sứ Khmer và sau bao nhiêu năm chung sống, môt sắc thái Nam bộ đặc biệt được tạo ra từ ba nguồn văn hóa chủ yếu: Việt-Hoa-Khmer, trong hoàn cảnh ưu đãi với môi trường thiên nhiên rộng lớn, đất đai trù phú. Tượng trưng cho sự hòa trộn đó thì không có nơi nào được thể hiện rõ hơn là ở khu vực bao gồm tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Vì thế tôi đã đi đến Sóc Trăng để học hỏi và tìm hiểu thêm cho một đề tài nghiên cứu về người Minh hương ở Việt Nam. 
Từ Cần Thơ qua Cái Răng trên quốc lộ 1A đi qua các thị xã Ngã Bảy, Tân Hiệp, Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang và Đại Hai, Kế Sách, Mỹ Tú, thuộc tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng là phiên âm của tiếng Khmer “Srok Khléng“ - nghĩa là xứ (xóm) kho bạc hay xứ giàu kho tàng, nơi đây xưa kia là ngân khố của tỉnh Bassac (Ba Thắc) đặt tại đền vua ở Bãi Xàu (nay là chợ Mỹ Xuyên). Người Hoa gọi Sóc Trăng là “Khốc Lằng“. Sóc Trăng chính thức trở thành lãnh thổ Việt Nam năm 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. 
Ngoài thị xã Sóc Trăng, có rất nhiều cửa hiệu bán bánh pía từ các cơ sở làm bánh pía An Thành, Tân Hưng, Công Lệ Thành... bánh pía là đặc sản Sóc Trăng của người Hoa Triều Châu làm ra. Khách sạn Ngọc Sương, ngoài thị xã Sóc Trăng, mới xây rất đồ sộ với một phần nguồn vốn từ một số người Việt ở nước ngoài. Khách sạn đẹp, thuộc loại 3 sao nhưng trông rất vắng người vì vị trí khách sạn không thuận lợi. Vừa đến Sóc Trăng, qua sách hướng dẫn du lịch “Lonely Planet, Vietnam”, tôi đi thẳng đên khách sạn Phong Lan 2 trên đường Nguyễn Chí Thanh. Khách sạn gần bến xe cũ, nay đang được phá bỏ để nối liền với khu Hồ nước ngọt gần đó thành một khu du lịch cây sanh lớn trong thị xã. Khách sạn Phong Lan vừa mới được khoán cho tư nhân, và nay rất vắng vẽ không như trước đây là rất đông như đã được mô tả trong quyển sách du lịch. Ở Sóc Trăng không có chỗ nào tìm được để mướn xe Honda, vì thế để đi thăm quan tôi phải dùng phương tiện xe ôm hay đi bộ.
Vì thời gian có giới hạn, tôi vội đi viếng chùa Kh'leang, gần khách sạn, cùng với người bạn ở Sóc Trăng. Trong khuôn viên chùa Kh'leang, học viện tiếng Pali đang được xây cất thay thế Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ tọa lạc ở gần đó trên đường Nguyễn Chí Thanh. Học viện cũ sẽ trở thành thư viện. Có thể nói đây là trường dạy chữ Pali có chất lượng và lớn nhất ở Nam bộ. Trong chùa Kh'leang hiện có nhiều sinh viên học sinh Khmer nghèo tá túc. Họ từ các làng, xã khắp nơi trong tỉnh lên thị xã học hành. Báo Thanh Niên có đăng phóng sự về các học sinh nghèo này trong số ngày 26/1/2007. Đối diện với chùa Kh'leang là nhà thờ công giáo xây từ thời Pháp với khuôn viên rộng lớn. Nhà thờ có kiến trúc cổ điển, đẹp nhưng trông rất cũ, có vẽ như không được sữa sang bảo trì từ nhiều năm qua. Tỉnh Sóc Trăng có công đồng công giáo cũng đáng kể. Ta có thể thấy là ở Sóc Trăng, các dân tộc và các tín ngưỡng sống đan kẻ với nhau ở mọi nơi. 
Gần chùa Đất Sét, trên đường đi về hướng cồn Mỹ Phước, ở phía bên trái là chùa Khmer Som Rong. Chùa rất đẹp trong khuôn viên vườn rất rộng. Chùa được xây vào năm 1961. Tôi được sư họ Sơn còn trẻ tiếp chuyện và dẫn đi thăm chánh điện và chung quanh chùa. Sư nói về sinh hoạt hàng ngày của các sư trong chùa và trong những ngày lễ hội. Dưới ánh sáng của buổi sáng sớm, cây cối chung quanh chùa rất đẹp và quang cảnh thật thanh tịnh. Chùa như ẩn mình trong yên lặng, tập trung thiền trong cỏi Phật. Cũng như những chùa Khmer khác, nếu ta để ý thì sẽ thấy là hầu như tất cả các chùa Khmer và viện bảo tàng, trung tâm văn hóa Khmer đều có trồng cây bông sứ. Tên khoa học của cây hoa sứ là michelia champacca, hay gọi là hoa champa thường được trồng ở các đền thờ ở Ấn Độ. 
Trở về khách sạn nghĩ ngơi, đến chiều tôi đi bộ đến Bảo tàng văn hóa Khmer ở kế chùa Kh'leang, góc đường Nguyễn Chí Thanh và Mậu Thân 68. Lúc này đã 4:30 chiều, tòa nhà chính đã đóng. Hơi thất vọng, nhưng tôi nói với nhân viên trong viện là tôi muốn tìm hiểu về văn hóa Khmer để viết bài cho các tạp chí trong và ngoài nước. Anh quản thủ viện, tên là Thạch Đông, người Khmer cao lớn rất vui vẽ mở cửa viện dẫn tôi đi tham quan. Tòa nhà rất đẹp được xây vào năm 1936, bên ngoài kiến trúc Khmer, bên trong kiến trúc như trong một dinh thự Pháp. Tòa nhà trần rất cao, kiên cố chắc chắn, chỉ một tầng. Theo anh Thạch Đông cho biết chi phí xây là 50,000 tiền Đông Dương, một số tiền lớn thời đó. Trước đây chùa Kh'Leang bên kia đường và Viện bên này đường nằm trong cùng một khu đất, rất vắng vẽ người thưa. Sau này con đường Nguyễn Chí Thanh được mở ra cắt chùa Kh'Leang và Viện ra thành hai nơi. Trên tường giữa viện về phía trái của cổng vào vẫn còn còn ghi tên các nhân vật, sư sãi, cơ quan tặng tiền đóng góp xây lên Viện văn hóa Khmer. Đứng đầu bảng là ông Sihanouk với số tiền 1000 tiền Đông Dương, sau đó là tên các người Hoa, Việt, Khmer, Pháp đóng góp xây viện. 
Trong số các hiện vật trình bày có mô hình sân khấu Dù Kê, Rô Băm, các khí cụ, gậy chống chạm chỗ rất đẹp, các đồ gỗ trạm trỗ rất tinh vi của nghệ nhân Khmer, các tượng Khmer và một linga cổ xưa tìm được trong tỉnh Sóc Trăng không rõ xuất xứ, một số sách thời Pháp (tự điển Khmer) xưa mà theo anh Đông thì ngay cả ở Cambodia cũng không có. Các nhà nghiên cứu từ Phnom Penh đến Sóc Trăng xin được photo hay in lại. Các cuộn sách lá buông được xếp đặt ngăn nắp trong một tủ gổ tốt có chạm trỗ hình chim thần Kinnari ở chân tủ. Anh Đông cho biết lúc tiếp quản năm 1975, một số tủ đã bị mất. Các tủ này mang từ chùa Kh'Leang qua Viện trước kia. Những di tích thuộc văn hóa Óc Eo trong tỉnh được tìm thấy ở Mỹ Xuyên vào năm 1990, khi dân địa phương trong lúc đào đìa nuôi cá đã tìm thấy một pho tượng Phật bằng đá với tư thế ngồi, đầu đầu đội mũ chóp với các nấm xoay nổi. Tại nơi đây cũng tìm được các sành, gốm vỡ thuộc nền văn hóa này. Đáng kể hơn là di tích Xuân Hòa, huyện Kế Sách ở một nơi gọi là “Giồng Đá”. Giồng Đá hình tròn, đường kính ở chân nơi gò khoảng 12m. Trên mặt giồng có nhiều tảng đá lớn, cây cối mọc nhiều. Nơi đây có di tích những ngôi mộ cổ và gốm Óc Eo. Điều này chứng tỏ xưa kia Sóc Trăng là nơi đã có dân định cư và có nền văn hóa lâu đời
Trước khi ra về, tôi đã viết vào sổ lưu niệm của bảo tàng văn hóa Khmer, mong là văn hóa Khmer trong tỉnh Sóc Trăng sẽ được bảo tồn tốt và phát triễn thêm mãi với những đặc thù riêng biệt trong một xã hội đa văn hóa hiện nay.
Tôi cũng nói với anh Đông là một trong những mục đích thăm Sóc trăng là tìm hiểu về người Minh hương và Hoa. Anh Đông nói ở Vĩnh Châu, nơi có nhiều vườn nhãn, có rất nhiều người Khmer và Hoa cư ngụ, hơn cả người Việt. Đa số dân ở vùng này nói 3 thứ tiếng Khmer, Triều Châu, Việt. Đây là vùng hội tụ của 3 văn hóa Việt-Hoa-Miên tạo nên thành một văn hóa đặc thù tượng trưng cho cả lịch sử khẩn hoang Nam bộ. Như ta biết, những người Hoa đầu tiên đến Nam bộ theo các tướng nhà Minh: Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đến Đồng Nai, Mỹ Tho và Hà Tiên. Lần lần nhóm người Minh Hưong này đi dọc theo sông rạch đến các tỉnh vùng Ba Thắc như Đại Ngãi, Ba Xuyên, Mỹ Thanh... Họ đã khai hoang giữa rừng, sông nước lau sậy um tùm, mở làng lập ấp cùng với lưu dân người Việt và dân bản sứ Khmer. Thương cảng Bãi Xàu gần mé sông xưa kia từ thế kỷ 18 đã là nơi tấp nập thuyền buôn bán, chuyên chở hàng hóa mà đa số là của người Hoa đến từ nhiều nơi. 
Năm 2006, Hội tương tế người Hoa được thành lập ở Sóc Trăng. Qua sự tiếp xúc với một số người Việt gốc Hoa ở Saigon thì tôi được biết Hội tương tế ở Sóc Trăng là lớn và mạnh nhất trong nước, hơn cả các hội người Hoa ở Saigon-Chợ Lớn hay các nơi khác. Tôi có người quen, anh Trang Dân Kiệt (sáu Kiệt) người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, trong thời kháng chiến chống Mỹ, đã có thời gian trong tù Côn đảo, nay đã về hưu và làm thương mại. Anh Kiệt nói về Hội tương tế Hoa ở Sóc Trăng lớn mạnh vì nơi đây người Hoa sống lâu đời chung với 3 sắc dân của 3 nền văn hóa, hòa trộn từ nhiều thế kỷ nên những lãnh đạo trong chính quyền địa phương vì cũng xuất thân từ các hoàn cảnh như vậy nên ủng hộ, rất khác với hội người Hoa ở vùng Saigon-Chợ Lớn, không được thuận lợi và đoàn kết như ở Sóc Trăng. 
Gần chùa Kleang là Bửu Sơn Tự (chùa Đất sét), nơi cụ Ngô Kim Giang năm nay 88 tuổi chăm quản, cụ thuộc đời thứ 4 dòng họ Ngô thành lập chùa. Dòng họ Ngô là người Triều Châu đã đến nơi hẻo lánh trong khu vực nhiều người Khmer lập chùa cách đây hơn 200 năm (nay khu vực này đã đông đúc). Cụ Giang nay đã mắt mờ, từ trong nhà cạnh ngay đền, ra ngồi ghế gần chính điện ngồi giải thích cho chúng tôi biết về lịch sử chùa. Anh của cụ, ông Ngô Kim Tòng người đã xây các tượng (Kim Lân, Hổ, Voi, đền thờ với hàng ngàn tượng phật nhỏ ngồi trên hoa sen...), tất cả bằng đất sét. Cụ Giang nói nhiều người không tin là tất cả làm bằng đất sét nên sờ mó vào, một số vì thế bị gãy. Đặc biệt là có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng nặng 1.4 tấn (mỗi cây nặng khoảng 200kg). Hai cây đang đốt, vẫn còn cháy từ ngày ông Ngô Kim Tòng mất năm 1970, đến nay đã được hơn 36 năm. Cụ Giang nói con trai cụ năm nay tuổi hơn 40, sẽ tiếp tục nối dõi dòng họ Ngô ở Bửu Sơn Tự. Chung quanh chùa là các mộ của dòng họ Ngô và tháp 12 tầng với nhiều tượng phật nhỏ bên trong. Đền lợp bằng mái tôn, nên bên trong nóng vào lúc trưa nắng. Gần chùa Đất Sét là khu nghĩa trang rất rộng lớn của người Triều Châu, thiết lập từ năm 1975. 
Từ chùa Đất Sét, tôi tiếp tục dùng xe ôm đến chùa Khmer Mahatup (chùa Dơi) thăm quan. Chùa Dơi đẹp với khuôn viên cây cối um tùm, có dơi đậu rất nhiều trên các cành cao gần ngọn. Các con dơi này ở đây, mỗi chiều tối bay đi ăn trái cây khắp nơi trong vùng. Hiện nay số dơi đã giảm nhiều do người ta bắt ăn khi chúng đi xuống những vườn trái cây kiếm ăn. Đây là một nguy cơ mà chính quyền địa phương nên lưu ý đến vì tác hại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan. Ngoài cảnh quan ở chùa, trong thiên nhiên ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, dơi ăn trái cây có vai trò phát tán gieo hạt giúp cây cối phát triển sản sinh trong môi trường, giống như vai trò của ong đươm trái qua nhụy hoa. Xưa kia vùng Sóc Trăng còn có nhiều cá sấu trên các sông rạch, bò rừng (con din) ở cù lao Din và cả cọp ở cù lao Ông Hổ (nay là cù lao Dung). Nhưng như ta biết, hiện nay tất cả đều đã biến mất. 
Ở Sóc Trăng các di tích lịch sử nằm khắp trong thị xã. Trên đường Mậu Thân 68, góc đường Lê Lợi là trường Taberd ngày xưa. Nay là nơi lưu niệm, địa điểm đón các anh hùng cách mạng bị Pháp bắt tù ở Côn Sơn trở về đất liền vào ngày 23/9/1945, ngay sau cách mạng tháng tám. Trong số những người từ Côn Sơn về ngày đó có các ông Phạm Hùng và Lê Duẫn. Từ viện văn hóa Khmer, tôi đi bộ dọc phố đường Hai Bà Trưng, khu chợ Sóc Trăng và đến đường Ngô Quyền ăn tối ở quán Hiệp Lợi. Phố xá ban đêm rất đông đảo xe cộ, nói chung Sóc Trăng ngày nay đã trở nên phồn thịnh phát đạt. Đường Hai Bà Trưng gần chợ có nhiều cửa tiệm người Hoa hoạt động sầm uất, không khác gì đường Trần Hưng Đạo ở Chợ Lớn. Quán ăn Hiệp Lợi của người Tiều rất ngon và nổi tiếng, như trong sách nói, ở đây có bán bánh bao làm tại chỗ và bánh pía. Nói đến Sóc Trăng là phải nói đến đặc sản bánh pía. Bánh pía do một số người Minh hương mang sang khi đến miền Nam. Đầu thế kỷ 19, ông Đặng Thuận ở Vũng Thơm, huyện Mỹ Tú Sóc Trăng là người đầu tiên sản xuất bánh pía để kinh doanh và truyền nghề cho con cháu. Hiện nay hầu hết các lò sản xuất bánh pía tập trung ở Vũng Thơm. Lò bánh Tân Hương là lò lớn nhất nhưng nổi tiếng hơn là lò của ông Công Lập Thành, nay đã truyền nghề cho các con và mỗi người có lò riêng của mình. 
Sự cộng cư của các dân tộc ở Sóc Trăng dẫn đến sự hội nhập tự nhiên trên nhiều phương diện như tín ngưỡng, văn hóa là việc tham dự lễ hội trong vùng, không phân biệt đó là của dân tộc nào. Điều này tạo nên tính tương trợ được mở rộng và đoàn kết giúp nhau trong cộng đồng được thể hiện rõ rệt. Khi có ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer, thì mọi người rũ nhau đi chùa Khmer. Người Hoa vào chùa Khmer làm công quả, còn người Khmer một số thờ Quan Công của người Hoa mà họ gọi là ông “Thao Kông“. Trong ngày lễ hội Ok Om Bok tạ ơn thần Mặt Trăng, vào ngày 10 tháng 10 âm lịch, có cuộc thi chèo ghe trên sông, thả đèn giấy lên trời và bè chuối có lễ vật trên sông. Mọi người không phân biệt Khmer, Việt, Hoa đều vui mừng tham dự như ngày lễ hội chung của tất cả cộng đồng. Phụ nữ Khmer đã quen dần với y phục của người Việt, để tóc dài kết thành bím, tựa như phụ nữ Khmer lai Hoa. Có nhiều gia đình Khmer lai Hoa đã lấy một số tập tục của người Hoa như cách ăn, mặc và thờ cúng. Ngược lại ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, ở sân nhà nhiều người Tiều có đặt ngôi miếu nhỏ bằng lá thờ ông Tà (neak Ta) hoặc Thổ địa cùng bàn thờ Thiên Quan. Ông Tà của người Khmer đã du nhập vào tín ngưỡng thờ Thổ địa của người Hoa. Một số miếu thờ Bà Mã Châu ở Vĩnh Châu có ngôi miếu nhỏ trong sân thờ ông Tà. Theo Trần Hồng Liên, trong “Văn hóa người Hoa ở Nam bộ”, qua quá trình cộng cư hiện nay đã có vài hộ người Tiều áp dụng tục thiêu xác khi chết của người Khmer, nhất là đối với thân nhân là người chết trẻ, vì không muốn lưu lại dấu vết gợi nhớ.
Trong một số chùa Phật giáo của người Việt, trên trang thờ có Quan Thánh và bà Thiên Hậu. Tại Vũ Đế Thánh Điện ở thị xã Sóc Trăng trước đây có miếu thờ Quan Thánh của người Tiều và ngôi đình thờ hai vị đại thần Võ Đình Sâm và Trần Nhơn Hoa có công chống Pháp. Sau này cả hai nơi thờ xuống cấp, người Tiều và người Việt sác nhập hai ngôi đền thành một, gọi là Võ Đế Thánh Điện (Tiều) hay Đình Năm Ông (Việt).
Sáng sớm hôm sau, trước khi trở lại Cần Thơ, tôi đi bộ dọc bờ sông đến đường Đồng Khởi dạo quanh khu chợ Sóc Trăng và quảng trường gần đường Nguyễn Huệ. Ở đường Ngô Quyền (song song với đường Hai Bà Trưng) gần quán ăn Hiệp Lợi và một tòa nhà thời Pháp rất đẹp nay là tòa án nhân dân có chùa Vĩnh Phước (Minh Nguyệt Cư sĩ Lâm). Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm Phật Học là một tổ chức Phật giáo, hội Phật học của người Triều châu, thành lập vào năm 1967. Đây là một trong năm chi nhánh ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sa Đéc và Cà Mau. Chi nhánh ở Sóc Trăng là đệ nhất hội. Đến đường Trần Minh Phú góc cuối đường Ngô Quyền là Hội tương tế người Hoa gần bờ sông Sóc Trăng.
Một trong những mục đích tôi đi xuống Sóc Trăng là thu thập tư liệu về người Minh hương và Hoa ở Nam bộ. Vì thế tôi đến trụ sở Hội Tương tế người Hoa ở số 18-20 Trần Minh Phú, tiếc là hôm đó tôi không gặp những người trong hội, chỉ gặp thư ký hội và lấy được tập san đầu tiên của hội vừa xuất bản và nói chuyện trên điện thoại với ông hội trưởng lúc đó đang ở Long Xuyên. Dù sao tôi cũng lấy được một số thông tin quý giá trong những ngày ở Sóc Trăng. 
Sóc Trăng quả thật là đất hội tụ văn hóa và tượng trưng cho sự hài hòa phóng khoáng rất phong phú tạo thành một sắc thái Nam bộ đặc sắc ở đồng bằng sông Cửu Long, một mô hình lý tưởng cho một xã hội đa văn hóa.
24/2/2007
Nguyễn Đức Hiệp
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...