Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Suy nghĩ về hậu hiện đại

Suy nghĩ về hậu hiện đại

Trong những năm gần đây, một mốt thời thượng trong một số nhà văn thơ Việt Nam trong nước và ngoài nước là sáng tác theo trào lưu “hậu hiện đại” (post-modernist), bắt nguồn từ tư tưởng và văn hóa của các trí thức phương Tây trong những thập niên cuối thế kỷ 20. Những tiên phong và tiền vệ (avant-guard) đầu tiên mong muốn khai phóng, tạo ra những cái mới, đột phá trong sáng tác để tạo ra dòng chảy mới trong văn học, nghệ thuật Việt Nam như trước đây văn học “thơ mới”, tiểu thuyết hiện đại thời tiền chiến đã phát sinh trong bối cảnh thay đổi tư tưởng, xã hội to lớn mà văn hóa truyền thống Việt Nam hấp thụ từ bao thế kỷ của nền văn minh phương đông, chủ yếu dựa vào Khổng Mạnh trong tầng lớp trí thức và Phật giáo trong quần chúng, đã bị buộc phải thích nghi trong thế giới hiện đại khi văn minh Tây phương ảnh hưởng mạnh mẽ từ thế kỷ 19, thì  trào lưu “hậu hiện đại”, theo họ là một bước tất yếu trong quá trình hội nhập của Việt Nam, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa đang xảy ra hiện nay.  
Tuy nhiên, hiện có một hố ngăn cách lớn lao giữa những nhà văn, nghệ sĩ theo “hậu hiện đại” và tất cả những nhà văn hóa khác thuộc diện “không hậu hiện đại” về sự đánh giá các sáng tác, nền tảng mỹ quan, tư tưởng và ngay cả sự hiểu biết thế nào là “hậu hiện đại” và lịch sử tư tưởng dẫn đến triết lý “hậu hiện đại”. 
Cũng xin nói trước là tôi không phải là chuyên gia nghiên cứu về “hậu hiện đại”, nhất là “hậu hiện đại” trong bối cảnh trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam hiện nay, và càng không phải là nhà văn hay nhà thơ “hậu hiện đại”. Tôi viết bài này, dưới nhản quan của một người làm khoa học đã có tìm hiểu về sự liên hệ giữa “khách quan” khoa học và “chủ quan” hiện đại và hậu hiện đại, không ngoài mục đích muốn tìm hiểu và có sự thông hiểu giữa những nhà làm văn hóa nghệ thuật “hậu hiện đại” và những người không hay chưa “hậu hiện đại” trong sáng tác về tư tưởng, triết lý và đặc điểm chính của “hậu hiện đại” trong bối cảnh Việt Nam. 
Vấn đề cơ bản hiện nay cho sự phát triển văn học “hậu hiện đại” trong văn học Việt Nam là sự khuyến khích, môi trường có sự đối thoại, trao đổi, tranh luận trên các diễn đàn rộng rãi với nhiều giới làm văn hóa tham gia và sự thông hiểu dễ dàng thế nào là “hậu hiện đại”. Dĩ nhiên nếu chỉ chủ tâm vào độc giả đã thấm nhuần tư tưởng hậu hiện đại và cùng hội ý, đồng tâm trong sáng tác thì không còn là vấn đề gì nữa đáng nói. Nhưng trong bối cảnh hiện nay trong văn học trong và ngoài nước, đã có những sự va chạm giữa những nhà hậu hiện đại và “chính thống” mà nhiều người theo hậu hiện đại cho rằng là do sự bảo thủ, sức trì quá lớn của văn học Việt Nam so với các nước khác và có hơi bi quan về sự phát triển của văn học nghệ thuật hậu hiện đại trong văn hóa Việt Nam. Đa số các nhà hậu hiện đại đều trẻ và có trình độ nhận thức cao và họ đã tạo cho họ có chỗ đứng riêng trong môi trường sách báo, tạp chí và mạng hiện nay. Trong không gian đấy rất sôi động và rất sáng tạo. Nhưng không gian ấy vẫn còn nhỏ và sẽ phát tán rộng hơn nếu tư tưởng hậu hiện đại được phổ cập hay phổ thông hóa trong quần chúng và chính vì thế trách nhiệm của các nhà hậu hiện đại là phổ thông hóa thay vì phàn nàn hay bi quan về sức trì hay trình độ nhận hiểu tiếp nhận của độc giả hiện nay. Toàn cầu hóa có thể làm cho sự khó khăn này dần dần biến mất nhưng hệ quả của toàn cầu hóa là chưa nhất quán ở nhiều nơi.
Đối với những người mới với “hậu hiện đại” và muốn tìm hiểu về “hậu hiện đại”, thì khi đọc các bài của các tác giả “hậu hiện đại” thì phải nói là rất khó hiểu qua nhiều lý do. Một lý do chính là từ ngữ và sự chuyển ngữ các từ trừu tượng mang tính triết học hay tư tưởng như siêu tự sự (meta-narrative), phá cấu trúc (deconstruct), cấu trúc luận (structuralism), hâu cấu trúc luận (post-structuralism)... và ít khi giải thích hay nói rõ cốt lõi những quan niệm, triết lý trên mà hàm ý là người đọc đã biết rồi. Lý do nữa là các lập luận dựa trên quá nhiều tu từ thường lập đi lập lại (rhetoric) và từ ngữ thời thượng của các tác giả hậu hiện đại Tây phương mà các tác giả này viết cho độc giả đã có ít nhất cơ bản về lịch sử truyền thống tư tưởng của văn hóa phương Tây. Để có thể làm hiện đại và hậu hiện đại rõ hơn và được sự thông hiểu ở độc giả Việt Nam, các nhà văn hậu hiện đại nên để ý là người đọc là trọng tâm chứ không phải là “văn bản”, và vì trong một môi trường văn hóa khác phương Tây phải giản đơn được các quan niệm dựa trên nguyên lý càng dễ hiểu càng tốt. 
Hậu hiện đại (và hiện đại) nhập môn là một sự cần thiết. Hiện nay anh Bùi Văn Nam Sơn ở Việt Nam có hợp tác với nhiều học giả để xuất bản một loạt sách dịch về triết học nhập môn rất phổ thông và dễ hiểu. Theo tôi biết thì đã có quyển sách về “hậu hiện đại” nhập môn trong tủ sách này. Tủ sách tri thức hy vọng sẽ có nhiều sách chi tiết hơn về triết học và lịch sử các tư tưởng như hiện đại, hiện sinh, cấu trúc luận, hậu cấu trúc luận, phá cấu trúc... và các nhà triết học như L. Wittgenstein, F. Nietszche, M. Heidegger, J. Derrida, R. Barthe, J. Sartre, A. Camus, J. Baudrillard, J.F. Lyotard, M. Foucault...  
Bài này có mục đích tóm tắt các ý niệm chính của hậu hiện đại theo sự hiểu biết của tác giả với tư cách là nhà khoa học tự nhiên và vì thế có thể có những góc cạnh khác với các nhà nghiên cứu văn học và suy nghĩ về hậu hiện đại trong bối cảnh Việt Nam. Đề tài thế nào là hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại (modernism) và hậu hiện đại (post-modernism) thật ra vẫn còn là đề tài tranh luận của nhiều học giả, nhà phê bình, nghiên cứu. 
Hiện đại và hậu hiện đại
Hậu hiện đại, bắt nguồn từ hiện đại (modernism) với cơ sở hiện sinh và cấu trúc luận, dựa chung trên tư tưởng tương đối nhưng lại phản ứng lại, không hài lòng với sự giới hạn của hiện đại trong khuôn khổ qui luật của xã hội và tư tưởng đóng khung của cấu trúc luận (structuralism) về tôn giáo, giới tính, kỷ thuật, tiến bộ, cấu trúc xã hội ... mà hiện đại đã tiếp tục từ truyền thống lý trí của thời khai sáng. Hậu hiện đại chủ yếu đặt trên căn bản của tư tưởng hậu cấu trúc luận (post-structuralism). Trước hết hãy nói sơ về biểu tượng học, cấu trúc luận và hiện sinh trong hiện đại. 
Biểu tượng học (Semiology), cấu trúc luận, hiện sinh và hậu cấu trúc luận 
Như sẽ đề cập chi tiết hơn sau, các văn bản trong thơ văn hậu hiện đại rất chú trọng đến các biểu tượng hay kích vật mang nhiều ý nghĩa khác nhau tuỳ theo cái nhìn, suy tư và kinh nghiệm của mỗi người đọc. Biểu tượng là vật thể tự nó không có ý nghĩa nhưng khi được tiếp nhận lại mang nhiều sự tự riêng biệt. Biểu tượng học (Semiology) là khoa học về các biểu tượng, các dấu (science of signs) như chữ viết, hình ảnh, dấu ấn. R. Barthes, J. Baudrillard, hai trong số những nhà hậu hiện đại nổi tiếng, đặc biệt chú ý đến biểu tượng học  
Cơ sở của biểu tượng học là dựa vào lý thuyết ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ, Ferdinand de Saussure vào đầu thế kỷ 20, cho rằng ngôn ngữ chỉ là ý tưởng chứ không phải là tiêu chỉ sự thể (referential). Mỗi từ là sự cấu tạo của hai phần, ký hiệu cho một ý niệm (signified) và âm thanh phát sinh từ ký hiệu đó (signifier). Không có sự liên hệ nào giữa hai phần này: cùng một ký hiệu cho quan niệm, sự thể ấy nhưng phát âm đều khác nhau tuỳ ngôn ngữ. Thứ tự tập hợp của ngôn từ cấu tạo thành các ý tưởng trừu tượng ở một tầng cao hơn. Các từ và tập hợp từ ở mỗi tầng mang các chức năng khác nhau trong các tầng cấu trúc của ngôn ngữ. Như vậy ngôn từ là ký hiệu, biểu tượng của ý tưởng, ý niệm và ngôn ngữ là hệ thống liên hệ giữa các chức năng của các ý niệm trong một cấu trúc đầy sự liên hệ đang chéo của các ý niệm, tư tưởng. Mỗi ngôn ngữ, gồm ký hiệu viết và tiếng nói, là một cấu trúc khác nhau. thể hiện hệ tư tưởng văn hóa của người xử dụng nó. Thuyết về ngôn ngữ của Saussure, khia phá và mở đường cho chủ thuyết hiện đại, có ảnh hưởng lớn trong nhiều ngành khác nhau ngoài ngôn ngữ học từ triết học, kiến trúc, nhân chủng học, hội hoạ, xã hội học đến văn học và là nền tảng cho Claude Levi-Straus triển khai cấu trúc luận (structuralism).
Tương tư như cấu trúc ngôn ngữ của Saussure, Levi-Straus áp dụng vào nhân chủng học, huyền thoại học trong văn hóa khác nhau, ông đặt cơ sở nghiên cứu về sự liên hệ các đơn vị cấu trúc lẫn nhau và các chức năng ở các tầng ý niệm, như đơn vị cha, mẹ, vợ, chồng, con, gia đình, bác, cháu, cô, họ hàng... hay các “đơn vị huyền thoại” (mytheme) như “âm vị“ (phoneme) trong ngôn ngữ. Cấu trúc khác nhau vì cơ sở văn hóa và diễn tình lịch sử biến hóa thay đổi khác nhau trong mỗi xã hội. Ông đặt tên phương pháp nghiên cứu tiếp cận này là cấu trúc luận (structuralism). Và từ đó từ này được dùng và phong trào cấu trúc luận được phổ biến trong nhiều lãnh vực khác nhau như tâm lý, văn chương, kiến trúc,... theo đó tất cả mọi “hệ thống” đều có “cấu trúc” cùng sự liên quan các chức năng giữa các thành phần.
Cấu trúc luận là nền tảng cho biểu tượng học. Giáo sư và nhà văn Umberto Eco, tác giả của các tác phẩm, The Name of the Rose, Foucault’s pendulum được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới là chuyên gia biểu tượng học có ảnh hưởng lớn ngoài giới hàn lâm trong xã hội hiện đại. Tác phẩm “The Name of the Rose” dùng khung cảnh điều tra các án mạng liên quan đến các sách trong thư viện của một tu viện thời Trung cổ để đưa ra các giả thuyết, hình ảnh những gì có thể xảy ra khác nhau qua các dấu vết, biểu tượng để lại trong mỗi thời điểm và tình thế cảnh quan nào đó. Người tu sỉ học giả mù trong truyện được mô phỏng theo nhà văn học giả Jorge Luis Borges, một tác giả hiện đại và hậu hiện đại có ảnh hưởng nhiều đến Eco, sách của ông được chuyển thành phim và ngay cả truyện và phim mới ra gần đây, “Da Vinci Code”, cũng có chịu ảnh hưởng từ ông. Trong tác phẩm Opera aperta ("Tác phẩm mở”), ông cho rằng văn bản không phải là chuổi các ý nghĩa mà là vùng chứa các ý nghĩa. Văn bản cơ bản là hệ mở năng động và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Văn bản nào càng “mở”, càng làm tăng sự khởi động giữa tư tưởng, xã hội và văn từ trong văn bản là những văn bản sống động, sáng tạo và tốt nhất. Ý này của Eco cũng có thể giúp cho ta giải thích được là tại sao vở kịch “Waiting for Godot” (“Chờ đợi Godot”) nổi tiếng là sáng tạo và được đánh giá xuất sắc nhất của nhà văn Samuel Beckett (Nobel văn chương 1969) là do kịch bản này rất “mở”, làm cho mọi người xem đặt ra nhiều câu hỏi và các diễn giải khác nhau. 
Sự hồ nghi về sự định sẵn (deterministic), có trật tự, mục đích trong sự hiện hữu của con người và vật thể cũng là cơ bản trong sự hình thành hậu hiện đại mà triết lý hiện sinh là tiêu biểu cho sự hồ nghi trên. Triết lý hiện sinh (existentialism), được phổ biến rộng rãi trong thập niên 60 của thế kỷ trước, mặc dù tư tưởng “hiện sinh” đã được các nhà triết học trước đó từ Tây sang Đông như S. Kierkegaard, F. Nietzsche, Phật Thích Ca đề câp từ lâu. Nội dung thì hiện sinh cho là thế giới hiện thực và thiên nhiên mà con người là một thành phần xảy ra không có mục đích, hỗn loạn, vô tư, không có đấng đế cao và mỗi người phải tự tìm cho mình ý nghĩa và mục đích sống riêng với trách nhiệm trong sự lựa chọn cá nhân đó mà không phải dựa vào hay theo hệ thống ý nghĩa, mục đích do một quyền lực, hệ thống đặt ra cho mọi người. Tất cả hiện thực chung quanh tôi có thể là ảo tưởng nhưng sự hiện hữu, hiện diện của tôi là có thật. Hiên hữu đi trước tư tưởng, đối lập với Descartes (tư tưởng xác định sự hiện hữu của tôi). Vì cuộc sống, thế giới xoay vần không có mục đích, mỗi người phải tìm mục đích, việc làm gì đó để lấp khoảng trống nhàm chán vô vị nếu không có được. Miễn là cá nhân tìm được ý nghĩa làm việc nào đó và hạnh phúc với chính mình mà không xâm phạm đến ai thì đó là ý nghĩa của sự hiện hữu của cá nhân đó. Như Camus phân tách về nhân vật Sisophus trong huyền thoại Hy Lạp đẩy đá lên đồi và đá lại lăn xuống và tiếp tục làm mà vẫn hài lòng với việc làm đó. Camus nói đến sự vô nghĩa lý (absurd) có thể xảy ra khi con người áp đặt trật tự trong thế giới vô tư vô định. Hầu hết các nhà hậu hiện đại như R. Barthes, J. Baudrillard, J. Derrida... đều có bị ảnh hưởng của phong trào hiện sinh.
Trong bài trước tôi viết về triết lý khoa học (1) có đề cập sơ qua về cấu trúc luận của hiện đại và hậu cấu trúc luận của hậu hiện đại. Xin trích lại sau: 
“Chủ nghĩa hậu hiện đại phổ biến và phát triển rộng rãi trong văn học, nghệ thuật, khoa học xã hội vì với cái nhìn tương đối đánh giá thưởng thức khác nhau với các tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật, nó phóng khoáng và bao gồm. Nó cũng dựa vào triết lý hậu cấu trúc luận (post-structuralism), tiêu biểu bởi hai triết gia Pháp R. Barthes và Jacques Derrida. Khác với cấu trúc luận (structuralism) của Claude Levi-Straus, cho rằng bất cứ tác phẩm viết về thiên nhiên, lịch sử hay chủ đề gì thì cả chủ đề và ngôn ngữ dùng để cấu tạo tác phẩm cũng phải được xem xét trên một hệ thống rộng lớn hơn bao gồm quy ước, hoàn cảnh lịch sử, xã hội trong thời đại mà tác phẩm được ra đời, chứ không chỉ chuyên về chủ đề mà thôi, và ta có thể dùng hệ thống cấu trúc cùng ngôn ngữ, lý luận, phương pháp khoa học để khám phá ra sự thật cụ thể. 
Derrida cho rằng cả hệ thống cấu trúc như vậy là tự mâu thuẫn không tưởng, và sụp đổ bởi sự không nhất quán của nó. Ngay cả ngôn ngữ diễn đạt dùng trong tác phẩm cũng không hàm chứa sự thật, và ý nghĩa của bản văn luôn thay đổi chứ không cố định. Ông cho rằng một cấu trúc (structure) phải có một trung tâm mà các thành phần liên hệ của cấu thể dựa vào. Trung tâm này không thể thay thế được và vì thế không phải là một bộ phận hoạt động của cấu trúc. Sự bền vững của cấu trúc vì thế bị phá đổ (deconstruct) và không còn giá trị hay chỉ còn giá trị tương đối với các khuyết điểm. 
Hậu cấu trúc luận cũng cho rằng bản văn không thể được định nghĩa hoàn toàn và giới hạn bởi nghĩa mà chính tác giả muốn như vậy. Vì thế bản văn được xem như có nhiều tự chủ trong đó nghĩa của nó được tách rời sự ràng buộc ý muốn của tác giả và ý nghĩa của nó tự do muốn hiểu sao cũng được vì ngôn ngữ và nghĩa luôn luôn thay đổi chứ không cố định. 
Theo J. Derrida, văn bản phải được phá trúc (deconstruct) theo đó tất cả quan niệm chính, phụ, sai đúng... mà văn bản được tạo dựng trên căn bản trên qua sự áp dụng trật tu và ý nghĩa siêu hình vào văn bản đều được phơi bày sẽ được thấy rõ và từ đó phá đi không còn ý nghĩa phân biệt các nhị phân trên nữa.
Không cấu trúc, phi trung tâm, xóa nhòa biên giới phân biệt trong mọi nhận thức, phá quy luật, đa dạng, không có sự thật khách quan hay tuyệt đối mà tất cả là chủ quan hay tương đối là những đặc thù của hậu hiện đại. Hậu hiện đại vì thế có rất nhiều khuynh hướng khác nhau: từ thái độ, phong cách chống lại hiện đại để trở về với truyền thống lãng mạn xưa, trở lại thiên nhiên, nội tâm đến phá vỡ mọi truyền thống, không trung tâm trong mọi cấu trúc xã hội, nhân sinh quan trong môi trường đa văn hóa, của mọi chủng tộc hay dân tộc, không biên giới. Gọi là sau hiện đại thì có thể coi “hậu hiện đại” là một phong trào sau thập niên 1950 mà diễn tiến phong trào văn hóa ở phương Tây phát triển rộ của tuổi trẻ bất mãn sau cột mốc mùa hè 1968 ở Pháp cho đến ngày nay của thời kỳ không gian ảo internet và toàn cầu hóa. Nếu coi “hậu hiện đại” là một phong trào hay trào lưu văn hóa phản ứng lại hiện đại thì bản chất của “hậu hiện đại” là không hiện đại, không đóng khung trong mọi vật thể, tư tưởng nhưng chấp nhận những tiến bộ, phương tiện sẵn có để phát huy những dị biệt, khác với quy luật được cấu trúc trong xã hội.  
Tư tưởng hậu hiện đại cơ bản là đối chọi với thuần lý, tuyệt đối, chính xác, khách quan mà khoa học dựa vào. Cũng không lạ là đã có sự đụng chạm, “chiến tranh” tư tưởng giữa các nhà khoa học trong khoa học “cứng” thuần túy và các nhà khoa học xã hội bị ảnh hưởng tư tưởng hậu hiện đại về tính tương đối và chủ quan của tất cả các hệ thống tư tưởng do con người tạo dựng (1). 
Một trong những cơ bản của hậu hiện đại là hệ quả của sư tương đối, không có gì tuyệt đối dẫn đến sự phi trung tâm, xóa nhòa biên giới mà một số nhà sáng tác hậu hiện đại không áp dụng cho chính mình là sự trung tâm hóa tác giả trong sáng tác. Chủ thể của văn bản không còn là tác giả nữa mà là tất cả các độc giả mà mỗi người là một trung tâm khác nhau qua cảm nhận hiện thực hay phi hiện thực (ảo) của mỗi cá nhân ấy. Cái mà Roland Barthe gọi là “tác giả đã chết” vì ngay cả là khi tác giả có chủ ý đặt cảm xúc, tư tưởng ý niệm trong văn bản qua ngôn ngữ thì qua thời gian và sự tiến hóa nghĩa của văn bản sẽ thay đổi ngay đối với tác giả khi đọc lại. 
Tác phẩm, văn bản chỉ là hình thái (form) hay tàu chở (vessel), dụng cụ hay kích vật để chuyển tâm tư, tư tưởng người đọc mỗi cách khác nhau chứ không còn là tâm tư, tư tưởng của tác giả lúc ban đầu khi hoàn thành văn bản. Trong thơ văn, hình thái của hậu hiện đại là phi trung tâm, kết hợp nhiều dạng khác nhau (collage) qua các phương thức, biểu tượng hình ảnh hay ngôn ngữ từ mọi lãnh vực trong sinh hoạt xã hội, kinh tế, tư tưởng, tôn giáo từ tầng thấp nhất đến tầng cao, bất cập nhất thời ngay thời điểm hiện tại, trong quá khứ truyền thống hay tương lai, cả ảo lẫn thực. Những biểu tượng thường ngày tầm thường trong đời sống cũng có thể được “đọc” chúng với rất nhiều ý nghĩa, đầy lịch sử và truyện súc tích không kém các tự sự (narratives) của một hay các chủ thể đặc biệt nào.  Nói chung là không có quy luật và cấu trúc nhất định hay ngay cả để lại dấu ấn đặc thù của tác giả. Nhà văn Samuel Beckett, được xem là một trong những nhà văn hậu hiện đại đầu tiên, nói về vở kịch “Waiting for Godot (“Chờ đợi Godot”) của ông, trong đó những sự thể, hành động của các nhân vật trong vở kịch mang nhiều biểu tượng về triết lý, cuộc sống và đặt ra nhiều câu hỏi mà sự diễn giải đều khác nhau tùy theo mỗi độc giả: “I cannot explain my plays. Each must find out for himself what is meant” (“Tôi không thể giải thích các vở kịch của tôi. Mỗi người phải tự tìm cho mình ý nghĩa của các vỡ kịch ấy”). 
Để xóa đi sự phân biệt nhị phân của văn hóa cao và văn hóa thấp, văn hóa bình dân và văn hóa trí thức, sự độc nhất hay bất biến của nghĩa trong văn bản và sự thật tuyệt đối hay cái chính cái phụ trong văn bản, thì các phương pháp chính mà các nhà thơ hậu hiện đại dùng là văn hay thơ nhại và diễu (parody) và phỏng nhại (pastiche). Văn hay thơ nhại và diễu nhại lại một văn bản (thường là có tiếng hay được biết nhiều) mang vẽ dỡn cợt hay chế diễu. Phỏng nhại là cóp nhặt chung lại các dạng văn, kiểu văn hay biểu tượng (dấu hiệu, hình, quảng cáo, văn trích..) nguyên bản đã có hay phỏng nhại câu truyện của nguyên bản nhưng khác với dạng đầu là không có ý chế diễu mà tôn trọng. Tuy nhiên hai dạng trên (mặc dầu là chủ yếu và oái ăm thay lại tự nó đã trở thành khung tiêu chuẩn, qui ước mang dấu ấn hậu hiện đại, trái với tư tưởng phi trung tâm, phá cấu trúc trong mọi khung quy ước ban đầu của hậu hiện đại) không phải là dấu ấn duy nhất của văn bản hậu hiện đại. 
R. Barthe trong quyển sách đầu tiên “Le Degré zéro de l'écriture” (“Độ không của tác phẩm”) (3) của ông, cho rằng văn bản sáng tạo không phải tùy thuộc, dựa vào ngôn ngữ đương thời, quy luật, văn phong, hay chất lượng (substance) để hợp với thị hiếu quy ước của độc giả mà sáng tạo là thái độ hơn là chất lượng, giá trị hơn là sự kiện, khả năng nó mang đến hơn là mục đích muốn đạt được. Khó có sáng tạo khi mà ta buộc phải viết những gì hiện nay dựa vào ngôn ngữ vì ngôn ngữ đã có truyền thống văn hóa, tư tưởng, khái niệm từ lâu đời và không thể chính xác và tự nó cũng thay đổi. Vậy thì sáng tạo nằm trong thái độ, cách viết, sự thay đổi, chọn lựa các phương pháp trình bày trong văn bản và từ đó khả năng tàng trữ của văn bản được nâng cao. Nhà văn Mỹ Donald Barthelme, được cho là có phong cách hậu hiện đại, viết những truyện cực ngắn về các sự cố hơn là có cốt truyện, và các truyện mà cấu trúc gồm nhiều mảng khác nhau không có liên hệ logic theo thư tự nhưng có nhiều từ ngữ biểu tượng gây những ý tưởng mới khác nhau cho người đọc. Những nhà văn như Gabriel Garcia Marquez, Italo Calvino kết hợp huyền thoại, tưởng tượng (fantasy) và hiện thực trong văn bản và truyện, mà hiện nay được xem là thuộc chủ nghĩa hiện thực thần kỳ (magic realism), cũng có thể được xem là một nhánh của phong cách hậu hiện đại. 
Siêu tự sự (meta-narrative). 
Siêu tự sự (meta-narratives) hay đại tự sự (grand narratives) là một ý tưởng trừu tượng, chủ thuyết đặt ra để giải thích tổng thể các sư kiện, kinh nghiệm xảy ra hay là tri thức nào đó. Sở dĩ gọi là siêu hay đại (meta) là vì nó nằm trên bao trùm và tổng quát hóa và giải thích được các tự sự trong hệ thống toàn thể nó đặt ra. Tương tự như từ trong công nghệ thông tin từ metadata (dữ kiện về các dữ kiện trong hệ lưu trữ), siêu tự sự là tự sự về các tự sự. Thí dụ cho rằng xã hội sẽ tiến bộ, con người trong đó sẽ hạnh phúc khi xã hội đó dựa vào lý trí phán đoán, không mê tín, dân chủ, hệ thống pháp luật nghiêm minh là một siêu tự sự.
F. Lyotard chỉ trích bản chất sự thật hoàn vũ của ý tưởng siêu tự sự, hoài nghi về các siêu tự sự và cho rằng chúng không còn có sức thuyết phục nữa trong thế giới càng tiến bộ của khoa học ngày nay. Chúng không còn chính đáng và chính thống nữa, và trong giai đoạn chuyển tiếp từ hiện đại đến hậu hiện đại thì thay vào đó là những kinh nghiệm nhỏ, những tiểu tự sự (petit recits, small narratives) trong các hoàn cảnh, địa phương riêng biệt khác nhau mới thực sự có ý nghĩa và giá trị hơn.  Càng có nhiều đa dạng cộng hữu trong các nhận thức, kinh nghiệm, cách nhìn, cuộc sống, hoàn cảnh thì mới có cái nhìn toàn bộ, tiến bộ và làm giàu hơn cho tư tưởng và đời sống con người. 
Nhưng đối với những người chỉ trích sự hoài nghi của Lyotard về “đại tự sự” thì theo Lyotard, hậu hiện đại không tin vào đại tự sự và chỉ cho là tiểu tự sự (petit recits hay small narratives) là có ý nghĩa trong thế giới đa dạng và đầy bất trắc tình cờ (random) thì cũng tự nó là một đại tự sự (meta-narratives hay grand recits) rồi. 
Hậu hiện đại trong bối cảnh Việt Nam
Inrasara cho là văn hóa, tư tưởng Việt Nam phương đông truyền thống đã có cốt rễ hậu hiện đại nên thật sự sẽ tự nhiên dễ dàng thấm nhuần thâu nhận “hậu hiện đại” mà không cần phải qua giai đoạn “hiện đại” (4). Tôi đồng ý với Inrasara là không cần phải có, tiếp thu và đi qua giai đoạn hiện đại mới đến được hậu hiện đại. Tinh thần của hậu hiện đại về tương đối, hồ nghi, sự tình cờ (random) của sự thật, hiện tượng và được khai sinh ra từ hiện đại và đối chọi lại với sự tin tưởng có giá trị hoàn vũ, tuyệt đối chung trong các kinh nghiệm, niềm tin vào tương lai định trước với lý trí khám phá hiện tượng qua các cấu trúc. Không thể bàn về thái độ sáng tạo của R. Barthes mà không đề cập đến thế nào là văn chương của Sartres, không thể nói về phá cấu trúc mà không nói về cấu trúc. Không có hiện đại thì không có hậu hiện đại. Hai chủ thuyết hiện diện song song với nhau như hai mặt của đồng tiền. Hậu hiện đại hiện diện vì có hiện đại và đã có không ít nhà nghiên cứu, phê bình đã cho là hậu hiện đại chỉ là một nhánh, một hiện tượng thái độ thể hiện trào lưu văn hóa của hiện đại. Và dĩ nhiên nếu đã có cơ bản hậu hiện đại thì không cần phải qua hiện đại. Nhưng thực tế ở Việt Nam (trong và ngoài nước), hậu hiện đại đã có những phê bình gay gắt và nhiều sự phản ứng không thuận lợi trong sự chấp nhận về mỹ quan, sáng tạo. 
Ở các nước phương Tây, văn chương nghệ thuật “hậu hiện đại” chủ yếu chỉ trong giới hạn của một số trí thức, hàn lâm, các nhà văn học nghệ thuật “bị“ hay “được” coi là thuộc “phái tả”, “nữ quyền”, “sắc tộc thiểu số”, “da màu”, “đa văn hóa”,... tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt về nhân sinh quan, phủ nhận cái chính thống của đa số, tất cả kể cả giá trị đều là tương đối, không có “sự thật” tuyệt đối, mà mỗi cái nhìn, nhân sinh quan là mỗi “sự thật”. Ngược lại ở văn hóa bình dân Việt Nam thì các tư tưởng trên lại phổ biến hơn văn hóa “bác học” thường dựa vào qui luật, chính thống qua các quy trình lịch sử, học thuật từ thời xưa đến nay. 
Vì thế theo tôi nghĩ cơ bản là văn hóa Việt Nam trong thành phần chính thống, bác học không chắc là có thể chấp nhận “hậu hiện đại” dễ dàng. Theo tôi biết hiện nay trong nước nhiều người làm văn hóa và ngay cả trong chính quyền trong lãnh vực văn hóa rất dị ứng và coi một số nhà văn hâu hiện đại là những thành phần “bất mãn”, “tự kiêu” với các tư tưởng không truyền thống và ngoài luồng. Dĩ nhiên tình thế có thể thay đổi và trong tương lai “hậu hiện đại” có thể là chính thống nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa và sư trao đổi hấp thụ thông tin nhanh chóng không biên giới trong thế giới ngày nay. Nhưng nếu có xảy ra như vậy, thì chỉ có ở trong thành phần trí thức, và bản thân “hậu hiện đại” không còn “hậu hiện đại” với đặc tính dị biệt phi chính thống và chắc chắn sẽ phải có “hậu hậu hiện đại” thay thế nó.
Nguyễn Hưng Quốc (2) luận bàn về sự khả thi của sự chấp nhận hậu hiện đại trong văn học, văn hóa Việt Nam, cho rằng hiện nay chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ mới phôi thai và hiện đại mặc dầu đã được tiếp cận đã lâu nhưng vẫn không phát triển được. Điều này là rất rõ và cho thấy cho thấy tương lai của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học có thể không có gì tươi sáng. Ngay cả một số triết lý hiện đại cũng rất vất vã có cơ hội phát triển ở Việt Nam. Chúng ta hãy lấy một thí dụ như hiện sinh (existentialism) và cấu trúc luận mà trong thập niên 1960 ở miền Nam đã được khởi xướng và thu nhập trong giới văn nghệ sĩ và trí thức nhưng chúng chỉ tồn tại trong một nhóm ốc đảo lẽ loi và dần biến mất. Nhưng cũng có nhiều tác động ngoại vi trong bối cảnh toàn cầu hóa khi mà biên giới tư tưởng, thông tin không biên giới được phổ biến rộng rãi và cộng đồng “công dân toàn cầu” càng nhiều hơn trong môi trường chấp nhận sự đa văn hóa, đa dạng thì chúng ta cũng khó tiên đoán được khuynh hướng chung của văn học văn hóa Việt Nam. 
Có thể hậu hiện đại trở thành trào lưu chính, nếu không trở thành chính thống thì nó cũng nổi bật, một dòng chảy song song, có một vị trí bền vững lâu dài hay chỉ là một thời trang ngắn hạn. Tất cả cũng tuỳ thuộc vào sự ứng sử của con người và văn hóa mỗi nước trong một thế giới mà sự cạnh tranh rất khốc liệt không những trong địa hạt kinh tế mà còn trong tư tưởng, truyền thống, văn hóa. Trong nghệ thuật tạo hình hay kiến trúc có lẽ kiến trúc duy nhất của trường phái biểu tượng “hiện đại” được sáng tác và chấp nhận ở Việt Nam là Nhà nghĩ Hằng Nga (hay còn được gọi là ngôi nhà điên “Crazy House”) ở Đà Lạt của bà Đặng Việt Nga. Nhưng đây là ngoại lệ vì tác giả là một kiến trúc sư kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi được cho phép trong khuôn khổ ngoại lệ mà chính quyền mặc dù không đồng lòng cũng phải chấp nhận miễn cưỡng.  Ở đây cũng phải nói là kiến trúc này đã trở thành điểm thu hút du khách nổi tiếng nhất là đối với người nước ngoài và là một đặc thù của thành phố Đà Lạt như Barcelona với nhà thờ Sagreda Familia của nhà kiến trúc “hiện đại” Antoni Gaudi vào đầu thế kỷ 20. 
Riêng về kiến trúc hậu hiện đại, thì khả năng phát triển rất triển vọng không những ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới trong thời kỳ toàn cầu hóa mà chủ yếu là các nhà kiến trúc nổi tiếng thế giới đều theo trường phái này. Toàn cầu hóa và kinh tế không biên giới dẫn đến biểu tượng kiến trúc quốc tế mà lực đẩy là các doanh nghiệp, công ty đa quốc gia, tổ chức quốc tế tiên phong. Các tòa nhà mới từ các đô thị “toàn cầu” như Beijing, Dubai, Paris, Hong Kong, Berlin đến Singapore đều có đặc thù khác nhau của hậu hiện đại. Dĩ nhiên nó chỉ thể hiện ở tầng vĩ mô là chính và ở địa hạt nhỏ hơn thành phần truyền thống bản sứ vẫn là chủ yếu và còn tuỳ thuộc vào chính sách quản lý đô thị về giá trị văn hóa. Sự chấp nhận trong một lãnh vực không nhất thiết là dẫn tới sự cởi mở trong lãnh vực khác vì có sự khác nhau trong lãnh vực kiến trúc hậu hiện đại và ý niệm sáng tạo trong văn học hậu hiện đại. Nhưng đây lại là một đề tài khác ngoài phạm vi bài này. 
Trong giáo dục đào tạo hiện nay cấp đại học ở nhiều nước (phương Tây và một số ở Á châu), hiện đại và hậu hiện đại là những môn học cần thiết trong nhiều ngành khoa học khác nhau như lịch sử, văn học, xã hội, nhân chủng, kiến trúc, triết học. Hậu hiện đại không còn là phi chính thống nữa mà là một phần của chính thống. Tôi không rõ là hậu hiện đại được tiếp cận và giảng dạy ra sao trong giáo dục ở Việt Nam. Nhưng với trào lưu hiện nay trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa thì dù thế nào hậu hiện đại cũng sẽ được học hỏi và phổ biến trong tương lai nếu không nói là hiện nay ít nhất trong giới trẻ, có học của thế hệ tự cho mình là “công dân toàn cầu” không biên giới.
Tham khảo:
(1) Nguyễn Đức Hiệp, Triết lý khoa học, Tạp chí thời đại mới, tháng 2 2004, http://www.tapchithoidai.org/ 
(2) Nguyễn Hưng Quốc, http://tienve.org/ 
(3) R. Barthes, Writing degree zero (transl. by Annette Lavers, Colin Smith), Hill and Wang, New York, 1999. 
(4) Inrasara, Nhập lưu hậu hiện đại (1-6), vanchuongviet.org, 2008.
12/6/2008
Nguyễn Đức Hiệp
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...