Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Tiền sử Đông Nam Á - Người Austronesian trong thuyết "Tàu tốc hành" và thuyết "Tàu chậm" và sự hiểu biết hiện nay

Tiền sử Đông Nam Á - Người Austronesian
trong thuyết "Tàu tốc hành" và thuyết
"Tàu chậm" và sự hiểu biết hiện nay

Nhà nghiên cứu Peter Bellwood và nhà khảo cổ học lão thành Wilhelm Solheim trong nhiều năm qua có ý kiến và giả thuyết khác nhau và nhiều lúc trái ngược nhau về nguồn gốc của người Austronesian ở Đông Nam Á. Peter Bellwood với thuyết nổi tiếng “Tàu tốc hành” (express train) cho rằng người Austronesian ở các đảo Đông Nam Á và người Lapita, tổ tiên Polynesian, thiên cư đi các đảo ở Thái Bình Dương bắt nguồn từ Đài Loan, đất tổ của người Austronesian. Họ đã rời Đài Loan và phát tán trong một thời gian ngắn, định cư mang theo văn minh nông nghiệp ở các hải đảo Đông Nam Á và trên địa bàn người Melanesian. Wilhelm Solheim thì trái ngược, ông cho rằng người Austronesian đã có từ lâu ở quần đảo Phi Luật Tân, Indonesia và qua văn minh dựa vào hàng hải, họ đã phát tán đi đến lục địa Đông Nam Á (Việt Nam, Mã Lai), Đài Loan, bờ biển nam Trung Hoa, các đảo nam Nhật Bản, Thái Bình Dương và tận Madagascar.
Những dữ kiện và khám phá mới gần đây cho chúng ta rõ hơn về những câu hỏi quan trọng khó trả lời chính xác mà vì thế nhiều nhà khoa học đã đặt ra các giả thuyết để giải thích về nguồn gốc con người và các giống dân ở Đông Nam Á dựa vào ba cơ bản chính: ngôn ngữ, khảo cổ và di truyền. Khuynh hướng hiện nay là tổng hợp những kiến thức của ba ngành để tìm hiểu về con người ở Đông Nam Á. Tuy vậy các nhà khoa học trong mỗi ngành mặc dầu đồng ý chung về khuynh hướng liên ngành này nhưng các giả thuyết và đặt vấn đề vẫn còn cục bộ và dựa vào cách nhìn và truyền thống của ngành. Không lạ gì khi ta thấy các nhà ngôn ngữ như Bellwood, Blust chủ yếu dựa vào ngôn ngữ khi đưa ra thuyết “Tàu tốc hành” trong khi Solheim là nhà nhân chủng học lại chú trọng nhiều đến khía cạnh nhân chủng, văn hóa trong thuyết “Tàu chậm” về nguồn gốc người Polynesia ở Thái Bình Dương.
Tổng quan về người tiền sử ở Đông Nam Á và  vùng phụ cận 
Đứng về phương diện chủng tộc, ngôn ngữ ở Đông Nam Á sau khi con người hiện đại đi đến từ Đông Phi thì giống người Australoid mà hiện các bộ lạc còn sót lại sống biệt lập trong rừng săn bắt và hái lượm từ Nepal, bắc Ấn, đảo Andeman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, bán đảo Mã Lai, Phi Luật Tân, Papua Guinea, Solomon và các đảo khác ở tây Thái Bình Dương đến Australia nói ngôn ngữ thuộc họ Indo-Pacific. Kế đó là người cũng cổ đại không kém nói ngôn ngữ Môn-Khmer thuộc hệ Austroasiatic ở trong lục địa từ Ấn Độ, đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, Miến Điện đến Cambodia và Việt Nam ở Đông Nam Á. Và sau cùng là người nói ngôn ngữ Malayo-Polynesian thuộc hệ Austronesian đa số ở bán đảo Mã Lai, trung Việt Nam, Đài Loan, Madagascar, các quần đảo Indonesia, Phi Luật Tân và các đảo Thái Bình Dương.
Trong các giống người trên ở Đông Nam Á thì nguồn gốc của người Austronesian là có nhiều khúc mắc hơn cả. Câu hỏi chính là nguồn gốc và đất tổ của người Austronesian là đâu và sự định cư của người Polynesian ở Thái Bình Dương đã tiến hành thế nào và từ đâu. Bài này chủ yếu tập trung vào nguồn gốc người Austronesian.
Trước hết chúng ta chú ý vào khám phá gần đây về người Kusunda (hay Ban Rajas) và ngôn ngữ Kusunda ở trong rừng hẻo lánh vùng Nepal, bắc Ấn, nơi con người từ Phi Châu đến và từ đó vào Đông Nam Á và sau đó đến Australia. Người Kusunda được biết vào đầu thế kỷ 19 khi ông Hodson mô tả họ. Họ sống trong rừng (được gọi là vua của rừng). Ngôn ngữ Kusunda được xếp vào họ Indo-Pacific và gần với ngôn ngữ Andamanese của người thổ dân trên đảo Andaman, Ấn Độ dương, ngôn ngữ ở đảo New Guinea, các đảo chung quanh ở Thái Bình Dương và Tasmania (Australia). nghiên cứu di truyền về người Andaman cho thấy họ thuộc mtDNA haplogroup M là nhóm cư dân đầu đi khỏi Phi Châu trước khi đến Đông nam Á, New Guinea và Australia. Người Kusunda, hiện nay chỉ còn hơn 100 người, vì thế được coi như người cổ nhất còn lại trên lục địa Á châu sau khi đi từ Phi Châu đến các đảo ở Đông Nam Á và Thái Bình dương.
Từ Đông bắc Ấn và Miến Điện, tổ tiên người Kusunda đi đến Đông Nam Á và từ đó phát tán xuống Úc Châu và đến Đông Á. Gần đây nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ, khảo cổ đã dùng kỹ thuật di truyền để tìm hiểu về nguồn gốc và sự thiên cư của người Austronesian (gồm giống dân Polynesian) đến các đảo ở Thái Bình Dương và đến tận Madagascar gần Phi Châu. Câu hỏi được đặt ra là người Austronesian ở bán đảo Mã Lai, Đông Nam Á hải đảo có liên hệ thế nào với các sắc dân ở Đông Nam Á lục địa và nam Trung quốc và có phải họ từ lục địa đến hay đã có mặt ở Đông Nam Á hải đảo từ khi tổ tiên người Kusunda từ Phi châu đã đến định cư nơi này?.
Nam Trung quốc - sự liên hệ giữa chủng Nam Mongoloid và Bắc Mongoloid
Sau công trình nghiên cứu của Chu (10) qua mtDNA về các dân tộc ở Trung Quốc là các công trình nghiên cứu di truyền qua nhiểm sắc thể Y DNA của Hui Li et al (9) và Hong Shi et al (8). Kết quả của Hong Shi cho thấy giống như kết quả của nhóm ông Chu là ở O3-M122 haplogroup trên nhiểm sắc thể Y của người nam Trung quốc đa dạng hơn của người phía bắc sông Dương Tử và vì thế nguồn gốc của đột biến O3-M122 là ở phương nam và sự di cư từ phương Nam lên phía bắc qua haplogroup này được ước đoán xảy ra cách đây khoảng 25,000 đến 35,000 năm, phù hợp với các di chỉ con người đã tìm được ở Đông Á.
Như vậy qua kết quả trên về phương diện nhân chủng học chủng nam Mongoloid gần với chủng cổ Australoid và có trước chủng bắc Mongoloid chứ không phải chủng nam Mongoloid sinh ra từ sự hòa hợp giữa chủng bắc Mongoloid di xuống nam với chủng Australoid. Nguồn gốc chủng nam Mongoloid là do sự đột biến tách khỏi chủng Australoid có thể xảy ra ở vùng Đông Nam Á, Nam Trung quốc hay Tây Tạng.
Trong một nghiên cứu mới đây về sự liên hệ di truyền DNA của các người cổ xưa ở các di chỉ khảo cổ dọc sông Dương Tử gồm 56 xương người cổ qua DNA nhiểm sắc thể (chromosome) Y cho thấy (9) hơn 62.5% các mẫu thuộc haplogroup O tương tự như người hiện nay trong vùng. Ở các di chỉ thuộc văn hóa Lương Châu (Liangzhu) chung quanh cửa sông Dương Tử thì tần số Haplogroup O1 rất cao mà người Austronesian và Daic thường có. Trong khi ở di chỉ Daxi khoảng giữa sông Dương Tử thì nhóm haplogroup O3d hiếm thấy lại nổi trội mà chỉ người Hmong-Mien hiện nay là có, chứng tỏ chủ nhân Daxi là thủy tổ của người Hmong-Mien hiện nay. Nghiên cứu di truyền này cho thấy các di chỉ văn hóa thời tiền sử dọc sông Dương Tử cho thấy là các nền văn hóa là rất đa dạng do các giống người "Bách Việt" khác nhau phía nam sông Dương Tử tạo ra và là chủ nhân trước khi người Hán hoa bắc đi xuống.
Gần đây, Friedlaender và đồng nghiệp (3) đã nghiên cứu và công bố trên tạp chí Public Library of Sciences (PLOS) về sự liên hệ di truyền của các dân hải đảo Polynesia, Đài Loan và Nam Trung quốc. Nghiên cứu di truyền này dựa vào autosomal DNA (truyền từ cha và mẹ) chứ không dùng mtDNA (truyền từ mẹ) hay nhiểm sắc thể Y DNA (truyền từ cha). Kết quả cho thấy là có khả năng là người Polynesia bắt nguồn từ dọc bờ biển Nam Trung quốc qua Đài Loan, Phi Luật Tân và sau đó đi đến các đảo ở Thái Bình Dương. Kết quả của Friedlaender đã gây phấn khởi cho một số các nhà ngôn ngữ và khoa học theo thuyết từ Đài Loan đến Thái Bình Dương vì đây là kết quả nghiên cứu di truyền đầu tiên chứng minh thuyết này.
Thuyết về nguồn gốc người Austronesian
Có ba thuyết hiện nay về nguồn gốc người Polynesian: “Entangled” (cuộn rễ), “Express train” (tàu tốc hành) và “Slow boat” (tàu chậm). 
Thuyết “cuộn rễ” (Entangled): Một số nhà ngôn ngữ cho rằng người Polynesian bắt nguồn từ DNA hải đảo đến Melanesia (Papua, Hebrides...) và trộn lẫn với nhóm Melanesia trước khi đi về phía đông Thái Bình Dương.
Thuyết “tàu tốc hành” (Express train): Peter Bellwood, Blust, Jared Diamond cho rằng người Polynesia bắt nguồn từ Taiwan đi rất nhanh qua DNA hải đảo và đến đông Pacific dựa vào hệ ngôn ngữ Austronesian của thổ dân Đài Loan đa dạng nhất so với Austronesian khác (Mã Lai, Indonesia, Philippines). Ngoài ra văn hóa lúa nước từ nam sông Dương Tử được truyền xuống Phi Luật Tân qua Đài Loan. Thuyết này được biết nhiều nhưng không giải thích được tại sao gốm Lapita ở các đảo trong thế giới Polynesia lại không có ở Đài Loan mà lại có rất nhiều ở Philippines và Trung Việt Nam (Sa Huỳnh).
Thuyết "tàu chậm" (Slow boat) của W. Solheim và S. Oppenheimer thì cho là người Polynesian là từ Đông Nam Á (Philippines, Champa). Trung tâm của người Austronesian là ở Đông Nam Á chứ không phải Đài Loan. Từ Đông Nam Á họ lên Đài Loan, đảo Ryukiu và nam Nhật. Thuyết "tàu chậm" là đối thủ của “thuyết tàu tốc hành" khoảng hơn 5 năm nay. 
Hiện nay hai thuyết "tàu nhanh" và "tàu chậm" chia các nhà khoa học thành hai khối "đánh nhau" rất sôi nổi và lý thú trong các năm gần đây (dùng ngôn ngữ, khảo cổ, di truyền...). Hai người sau cùng nhảy vào cuộc là Jared Diamond và Stephen Oppenheimer. Diamond ủng hô Peter Bellwood trong khi Oppenheimer ủng hộ Wilhem Solheim. Chuyện này cũng giống như hai khối "đánh nhau" về khám phá người lùn "Hobbit" mà giáo sư Mike Morwood ở Đại học New England (Úc) khám phá ở đảo Flores (Indonesia) trong hai năm qua.
Theo tôi bài của Friedlaender và đồng nghiệp (3), công phu nhưng chưa đủ vì cơ bản có hơi thiên vị cho thuyết “Đi từ Đài Loan trên tàu tốc hành" (“Out of Taiwan express train") trong cách đặt vấn đề và thiết kế thí nghiệm (experiment design). Để ý là bài trên PLOS chỉ tham khảo với Peter Bellwood mà hoàn toàn quên đi Solheim và Oppenheimer. Họ không lấy một mẫu (specimen) nào để thử nghiệm DNA để lấy dữ kiện di truyền DNA của người Austronesian hải đảo (Indonesia và Phillipnes hay Trung Việt Nam) mà chỉ lấy mẫu từ Austronesian Taiwan. Tôi cho rằng cách làm này là thiên vị từ giai đoạn đầu qua sự bỏ quên. Trong bài PLOS cũng nói và công nhận là có thể nếu lấy mẫu từ Austronesian hải đảo sẽ có sự gần gũi hơn của nhóm này và người Polynesia. Kết quả là thuyết "cuộn rễ" bị đào thải nhưng chưa chứng minh được gì hết giữa "tàu chậm" và "tàu nhanh". Chính "tàu chậm" và "tàu nhanh" mới là vấn đề sôi nổi hiện nay chứ không phải "cuộn rễ" versus "tàu nhanh". Đọc bài này trên PLOS nhiều người, nếu không rõ bối cảnh của sự tranh luận, sẽ khâm phục cho là khách quan khoa học, nhưng thật ra đằng sau là có phe nhóm, thiên vi... dùng khoa học có mục đích trước để ủng hộ một lý thuyết một cách không khách quan lắm.
Gốm Lapita được định tuổi vào khoảng 4-5000 năm trước đây sau thời biển tiến (Holocene). Thuyết “tàu tốc hành” (Express train) cho là đất tổ (homeland) của người Austronesian là từ Tây Tạng, đến bờ biển nam Trung quốc qua Đài Loan và sau đó đến DNA hải đảo. Từ Đài Loan, người bản sứ mang lúa nước xuống Phi Luật Tân, Indonesia và đẩy người Melanesia vào trong sâu đảo và phát tán đến đông Thái Bình Dương. Gốm Lapita ở Polynesia rất có liên hệ với gốm ở Sa Huỳnh và Phi Luật Tân trong khi không có gốm loại Lapita ở Đài Loan.
Thuyết tàu chậm ngược lại cho là đất tổ của người Austronesian là từ Phi Luật Tân - Indonesia (Wallacia), từ đó phát tán đi các nơi ở Đông Nam Á lục địa và Đông Á. Và tiếp xúc với Melanesia trước khi đi đông Thái Bình Dương.
Bình luận về bài vừa đăng trên Public Library of Sciences (PLOS) của nhóm Friedlaender, ông Spencer Wells, giám đốc Genographic Project của tổ chức National Graphic cho rằng chưa chứng minh được thuyết tàu chậm sai hay đúng vì không đã động gì đến dữ kiện di truyền ở nơi quan trọng nhất: Wallacea. 
Quan niệm về vùng văn hóa và  thương mại hàng hải Nusantao
(Nusantao Maritime trading and Communication Network, NMTCN)
Qua sự liên hệ văn hóa và di tích ở Sa Huỳnh và Kalanay ở Phi Luật Tân mà Solheim nghiên cứu đầu thập niên 1970 và những nghiên cứu của ông về nhân chủng và khảo cổ từ các di chỉ ở Đông nam Á, năm 1984 Solheim đã đưa ra ý niệm về hệ thống văn hóa, thương mại Austronesian vùng Nusantao (từ gốc Austrnonesian “nusan” nghĩa là phía Nam và “tao” nghĩa là người) tạo thành từ cuối thời đá cổ và thời đá mới bắt đầu từ thời kỳ Holocene đến đầu công nguyên. Vùng này bao gồm Trung Việt Nam, biển Đông, Phi Luật Tân, xuống đến Indonesia, Mã Lai và đến tận Đài Loan và một phần duyên hải Nam Trung quốc ở phía bắc. 
Bằng chứng rõ nhất về sự liên hệ và hệ thống thương mại hàng hải trong vùng là sự phân phối đồ trang sức đeo tai bằng đá ngọc (jade) gọi là linglingo và đồ trang sức hình hai đầu thú cũng bằng ngọc tìm được từ Botel Tobago ở nam Đài Loan, Phi Luật Tân, Sarawak, bờ biển Thái Lan, Cần Giờ và nhiều nhất là bờ biển Nam trung phần Việt Nam. Cũng theo Solheim thì đất tổ (homeland) của người Austronesian hải đảo chắc là ở Trung phần Việt Nam mà cư dân Sa Huỳnh là hậu duệ (5) (6). Các di chỉ xương và sọ tìm được ở các di chỉ Sa Huỳnh trung phần Việt Nam và Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) ở cửa biển sông Đồng Nai-Saigon là thuộc loại hình Indonesian chủng Nam Mongoloid với dấu ấn Australoid giống như cư dân ở quần đảo Phi Luật Tân, Indonesia, Malaya và răng thuộc loai hình Sundadont khác với loại hình nam Trung quốc chủng nam Mongoloid ít có yếu tố Australoid và răng thuộc loại hình Sinidont. Đây cũng là bằng chứng nhân chủng mà Oppenheimer đã nêu lên khi cho rằng thuyết của Bellwood về nguồn gốc nam Trung quốc và Đài Loan của người Austronesian ở Phi Luật Tân, Indonesia và Polynesian không có tính thuyết phục (7).
Dữ kiện vừa khám phá được vào năm 2007 về các đồ nữ trang cổ làm bằng ngọc (jade) cho thấy ý niệm về hệ thống văn hóa thương mại Nusantao là có cơ sở (2). Qua nghiên cứu dùng quang phổ X-ray, và phân tách hóa học các thành phần cấu tạo gồm sắt, magnesium, silicon để xác định về nguồn gốc 144 di vật (jade) ở các viện bảo tàng vùng Đông Nam Á, có niên đại từ hơn 3000 năm trước công nguyên đến năm 500 sau công nguyên tìm được khắp nơi từ các di chỉ khảo cổ ở nam Việt Nam (Cần Giờ), Đài Loan, Phi Luật Tân, Malaysia và Thái Lan của nhà nghiên cứu Hung Hsiao-chun và đồng nghiệp ở Đại học quốc gia Úc (Australian National University, ANU), cho thấy ít nhất 116 ngoc (jade) là có nguồn gốc từ mỏ ngọc Fengtian ở đông Đài Loan. Từ mỏ ngọc này, các ngọc được mang đến các cơ xưởng trong vùng Đông Nam Á để làm trang sức. Điểm đặc biệt là các đồ trang sức này mặc dầu tìm được ở các di chỉ cách xa nhau trong vùng Nusantao nhưng chúng lại rất giống nhau.
Một số đá ngọc Fengtian vỡ vụn tìm thấy trong vài di chỉ (khoảng 500 trước công nguyên cho đến 100 năm sau công nguyên) ở Phi Luật Tân, Thái Lan và nam Việt Nam cho thấy các nơi này có thể là các cơ sở làm đồ trang sức bằng ngọc, và từ đó xuất khẩu qua các nơi trong hệ thống thương mại Nusantao.
Trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho là đồ trang sức ngọc ở các di chỉ thời tiền sử là từ Trung quốc hay Việt Nam, nhưng ngày nay ta đã rõ là bắt đầu từ Fengtian ở Đài Loan. Theo nhà nghiên cứu Hung thì cơ sở làm trang sức bắt đầu cách đây khoảng 5000 năm ở Fengtian và hiện nay được biết là một trong những đồ trang sức ngọc tìm được ở Phi Luật Tân có độ tuổi cách đây khoảng 4000 năm. Hệ thống thương mại đá quý ở Nusantao là hệ thống thương mại hàng hải lớn nhất thời tiền sử mà ta biết được từ trước đến nay.
Qua hệ thống hàng hải Nusantao, các gia súc như lợn, gà, chó cũng có khả năng đã được di chuyển trên các thuyền giao thông. Năm 2007, một nghiên cứu về di truyền của lợn (heo) trong vùng Đông Nam Á và Polynesia hải đảo cho thấy lợn ở các vùng này có gốc tích từ trung Việt Nam (1). Dùng mitochondria DNA (mtDNA) của 781 mẫu lợn xưa và nay Sus cho thấy sự di chuyển lợn Sulawesi (Sus celebensis) đến đảo Flores và Timor và hai lần di chuyển do con người của lợn nuôi (Sus Scrofa) qua Đông Nam Á hải đảo đến các đảo ở Thái Bình Dương. Lần di chuyển cuối trong hai ở trên gắn liền với sự phát tán gốm Lapita và sự phát tán lợn ở Java, Sumatra, các đảo ở Wallacea và Thái Bình Dương từ lợn Sus Scrofa ở Đông Nam Á đất liền qua các dữ kiện khảo cổ và di truyền.
Vì thế nếu con người ở Polynesia hải đảo Thái Bình Dương là từ Đài Loan như theo thuyết tàu tốc hành của Bellwood thì sự phát tán của lợn và gốm Lapita không nằm trong sự di cư này từ Đài Loan mà phải ở sự thiên cư khác. Sự di cư này không phải từ bắc (Đài Loan) xuống nam (Phi Luật Tân rồi các đảo Thái Bình Dương) mà từ tây (đất liền Đông Nam Á) đến đông. Không những lợn mà nghiên cứu di truyền về giống gà (12) cho thấy là gà có nguồn gốc là Đông Nam Á đất liền và các gà ở khắp nơi ở Châu Á và hải đảo Thái Bình Dương đều có nguồn gốc từ đây.
Sự phát tán dân Sundaland sau các biến cố thay đổi khí hậu
Trong bài nghiên cứu mới nhất về di truyền (14), sự đa dạng di truyền mtDNA của dân cư Đông Nam Á hải đảo là do sự phát tán đến các đảo vào cuối thời Pleistocene và đầu Holocene khi nước biển dâng lên vào cuối thời kỳ băng hà của con người đã sống ~50000 năm ở Đông Nam Á, cách đây ~15000 đến ~7000 năm, rất lâu trước khi có sự di dân sau này như trong thuyết từ Đài Loan. Sự phân tán dân cư này là từ vùng Sundaland (thềm lục địa) Đông Nam Á hiện nay) đi đến các vùng chung quanh trên lục địa Đông Nam Á hiện nay và cả đến Đài Loan (chứ không phải từ Đài Loan). 
Khác với các nghiên cứu di truyền mtDNA trước là toàn bộ hệ di truyền (genome) của mitochondria được phân tích thay vì chỉ một số mảng mtDNA. Thay vì qua ngôn ngữ chỉ có thể đi sâu đến 6000 năm trong quá khứ, như thuyết phát tán từ Nam Trung hoa và Đài Loan, thì qua di truyền mtDNA đi tận đến hơn 35,000 năm trước đây qua sự khác biệt từ đột biến từ khi con người đến Đông Nam Á cách đây hơn 50,000 năm. Kết quả của nghiên cứu cho thấy haplogroup E, phần di truyền quan trọng của mtDNA đánh dấu sự đa dạng trong vùng Đông Nam Á, đã tiến hóa biến dạng đa dạng trong 35,000 năm qua ở vùng Sundaland và sau đó phát tán rộng rãi nhất trong vùng Đông Nam Á vào khoảng đầu thời kỳ Holocene, thời điểm mà vùng lục địa cổ Sundaland bị tan vỡ thành các quần đảo như hiện nay bởi sự tăng lên của mực nước biển. Haplogroup E đến Đài Loan và vùng cận Thái Bình Dương trong khoảng 8000 năm qua. Điều này cho thấy là sự hâm nóng toàn cầu và mực nước biển tăng vào cuối thời băng hà, từ 15000 đến 7000 năm trước đây, là nguyên nhân chính tạo ra hình thể về sự đa dạng con người trong vùng.
Giáo sư Martin Richards, trong nhóm nghiên cứu, cho rằng kết quả này sẽ gặp sự phản ứng và phê bình của những người ủng hộ thuyết từ Đài Loan mà đa số là các nhà ngôn ngữ. Theo họ, người Austronesian đến từ Đài Loan thay thế và đẩy người thổ dân sống săn-lượm đã đến từ Phi châu cư ngụ trước cách đây 50,000 năm. Người thổ dân không được chú ý, để ý đến và giáo sư Richards cho là đây là lỗi lầm lớn của những người theo thuyết từ Đài Loan. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Richards gồm cả Stephen Oppenheimer đang tiếp tục phân tích hệ di truyền của nhiễm sắc thể Y (y-chromosome) truyền từ người cha sau khi đã hoàn tất nghiên cứu xong hệ di truyền MtDNA truyền qua người mẹ như đã mô tả ở trên. 
Khi mực nước biển dâng lên cuối thời băng hà, qua ba đợt cách đây 14,000, 11,500 và 7,600 năm, tăng đến hơn 100m so với thời kỳ băng hà, ngập vùng Sundaland nhiều dân cư sống ở các cánh đồng phía trong và dọc các bờ sông đã biến mất chỉ còn lại những cư dân sống quanh bờ biển dài phía Đông Nam Sundaland đã thích ứng với hoàn cảnh sống ven biển và có văn hóa biển. Họ là hậu duệ của cư dân Sundaland và là tổ tiên người Austronesian hiện nay ở Đông Nam Á qua các kết quả về sự liên hệ đột biến di truyền ở mtDNA của các giống dân trong vùng hiện nay. 
Tổng luận
Qua cuộc tranh luận giữa hai thuyết Tàu tốc hành và Tàu chậm về nguồn gốc người Austronesian ở Đông nam Á, cho thấy kỹ thuật di truyền đã được coi là trọng tâm để trả lời các câu hỏi mà ngôn ngữ học, khảo cổ học và nhân chủng học chưa giải đáp được một cách thỏa đáng. Di truyền học con người trong những năm vừa qua đã đóng góp rất nhiều trong sự hiểu biết về nguồn gốc con người và dân tộc trong bối cảnh thiên di thời tiền sử. Tuy nhiên di truyền học qua công nghệ DNA có những giới hạn và những vấn đề mà chúng ta nên để ý và quan tâm. 
Di truyền học (genetics) là một công cụ hay phương tiện (một trong nhiều phương tiện khác như ngôn ngữ, di vật khảo cổ) để trả lời một số câu hỏi mà chúng ta muốn có câu trả lời. Nhưng đa số các câu hỏi hiện nay chưa có câu trả lời xác đáng và vì thế mới có công việc cho nhiều người, kể cả chúng ta có dịp viết và đặt gia thuyết dùng các dữ kiện đã có... 
Một số câu hỏi, theo tôi, mà kỹ thuật di truyền có thể giúp để tìm ra sự thật hay những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Chú thích:

(1) Sự liên hệ giữa các giống dân hiện nay ở nhiều vùng và từ đâu một giống dân này xuất hiện và ở thời điểm nào. Giống dân có genes (DNA) càng nhiều đa dạng (diversities) thì là dân xưa hơn dân có ít đa dạng DNA (vì qua biến dạng, mutation clock)
(Thí dụ giống dân ở Tây Nguyên, nhóm nói ngôn ngữ thuộc hệ Mon-Khmer và nhóm nói ngôn ngữ thuộc hệ Austronesian, có liên hệ thế nào với nhau và với người Kinh và những nhóm dân tộc này từ đâu đến?)
(2) Sự liên hệ của cư dân hiện đại trong một vùng với những di tích xương người cổ ở vùng đó thế nào? (Thí dụ thi hài người cổ đào được gần đây ở Mạn Bắc gần Ninh Bình thuộc văn hóa Đông Sơn và người Việt ở vùng chung quanh có liên hệ thế nào?)
(3) Quan niệm mà chúng ta phân chia giống người theo tiếng nói, chủng tộc (nam mongloid, australoid, austroasiatic, austronesian...) do các nhà nghiên cứu đặt ra để phân loại, làm đơn giản hóa vấn đề mà họ quan sát được (genotype, ngôn ngữ, hình thái..) có thể được chấp nhận là còn đúng không nếu dùng hoàn toàn qua sự khác nhau của các code của genes. Sự xếp loại theo hệ gien (gene codes) có thể hoàn toàn khác với xếp loại dựa theo quan sát được.
Câu hỏi vĩ mô về con người hiện đại từ đâu đến đã được giải thích thỏa đáng qua đi truyền học nhưng các câu hỏi "vi mô" về sự liên hệ giữa các giống chủng tộc, dân tộc và văn minh khác nhau là vấn đề có thể giải được kế tiếp nhưng cũng rất khó vì càng đi vào chi tiết càng khó khăn hơn (tương tự như giải mã hệ di truyền genomes thì dễ nhưng áp dụng chi tiết hơn để biết được quá trình sinh ra protein thì khó hơn). Khuynh hướng hiện nay là dùng kết quả của tất cả các khám phá trong di truyền học, ngôn ngữ học, khảo cổ học.. để xác định và tìm ra sự thật hay chứng minh và phản biện các lý thuyết về lịch sử hay nhân chủng. Tuy vậy chúng ta cũng phải biết giới hạn của kỹ thuật di truyền hiện nay và nhận ra rằng vấn đề nguồn gốc dân tộc vẫn là một vấn đề khó khăn trong sự tìm hiểu để giải thích chính xác và đạt được sự đồng thuận như sự tranh luận hiện nay giữa thuyết “tàu tốc hành” và thuyết “tàu chậm” cho thấy. 
Tham khảo:
(1) Greger Larson et al., Phylogeny and ancient DNA of Sus provides insights into neolithic expansion in Island Southeast Asia and Oceania, Proceedings of National Academy of Sciences (PNAS), 20/3/2007, vol. 104, nọ 12, pp. 4834-4839.
(2) Hsiao-Chun Hung et al., Ancient jades map 3,000 years of prehistoric exchange in Southeast Asia, Proceedings of National Academy of Sciences (PNAS), 11/12/2007, vol. 104, no. 50, pp. 19745-19750.
(3) Jonathan Friedlaender et al., The Genetic Structure of Pacific Islanders, Public Library of Sciences (PLOS) Genetics, January 2008, vol. 4, issue 1, pp. 173-188. (http://genetics.plosjournals.org/)
(4) Catherine T. Flessen, Bellwood and Solheim: Models of Neolithic movements of people in Southeast Asia and the Pacific, Norwegian University of Science and Technology (NTNU),
(5) Wilhelm G. Solheim II, The Nusantao hypothesis: The origins and spread of Austronesia speakers, Asian Perspective XXVI, 1984-1985, pp. 77-78.
(6) Wilhelm G. Solheim II, Taiwan, Coastal South China, and Northern Vietnam and The Nusantao Maritime Trading Network, Journal of East Asian Archeology, JEAA, Vol. 2, No. 1-2, 2000, pp. 273-284.
(7) Stephen Oppenheimer, The ‘Express Train from Taiwan to Polynesia’: on the congruence of proxy lines of evidence, World Archaeology Vol. 36(4): 591 - 600 Debates in World Archaeology, 2004.
(8) Hong Shi, Yong-li Dong et al, Y-Chromosome evidence of southern origin of the East Asian-specific Haplogroup O3-M122, Am. J. of Human Genetics, 77:408-419, 2005.
(9) Hui Li, Ying Huang et al., Y chromosomes of prehistoric people along the Yangtze River, J. of Human Genetics, July 2007.
(10) Chu, J. Y. et al, Genetic relationship of populations in China, Proc. Natl. Acad. Sci, USA 95, 11763-11768 (1998).
(11) Liu YP, Wu GS, Yao YG, Miao YM, Luikart G, Baig M, Beja-Pereira A, Ding ZL, Palanichamy MG, Zhang YP, Multiple maternal origins of chickens: Out of the Asian jungles, Mol. Phylogenet. Evol., 2006, 38:12-19.
(12) C. Hill, P. Soares, M. Mormina, V. Macaulay, D. Clarke, P.B. Blumbach, M. Vizuete-Forster, P. Forster, D. Bulbeck, S. Oppenheimer, and M. Richards. 2007. A mitochondrial stratigraphy for Island Southeast Asia. The American Journal of Human Genetics 80:29-43.
(13) Meacham W (1984–85) On the improbability of Austronesian origins in South China,. Asian Perspect 26:89-106.
(14) Soares, P., et al, Climate Change and Post-Glacial Human Dispersals in Southeast Asia, Mol. Biol. Evol., June 2008; 25: 1209 - 1218.
Phụ lục: Nguời K'hor ở Daknong và Dayak ở Borneo
Tháng 9/2007, trong các ảnh dự thi do công ty thám hiểm du lich Intrepid tổ chức, hai ảnh của hai nhiếp ảnh viên trúng giải (thể loại Lonely Planet cho Lý Hoàng Long và thể loại Overall cho Harjono Djoyobisono). Đối với nhiều người thì đây là những ảnh nghệ thuật thuần túy, nhưng về phương diện lịch sử và dân tộc học, thì thật ngạc nhiên và thích thú khi thấy hai hình ảnh về hai người đàn bà sống cách nhau hàng ngàn cây số qua biển Đông bởi hai nhiếp ảnh viên (một Việt, một Indonesia). Một sự trùng hợp ngẫu nhiên không quen biết nhau của 2 nhiếp ảnh viên về hai đối tượng có chung một tập tục lâu đời. Văn hóa của người K'hor ở Daknong và người Dayak ở Borneo phải có cùng nguồn gốc và liên hệ chủng tộc với nhau qua sự giống nhau không ngờ của hai người đàn bà trên ảnh. Đây cũng có thể là một bằng chứng cho thấy thuyết “tàu chậm” có cơ sở.
Dayak woman in Borneo K'hor woman in Daknong
(Photo by Harjono Djoyobisono) (photo by Ly Hoang Long)
Để ý hai lổ tai dài của hai người. Tai càng kéo dài qua bao nhiêu lần đeo trang sức nặng trong nhiều năm thì (theo văn hóa họ) là càng đẹp.
(xem trang chủ của Ly Hoang Long http://www.trekearth.com/, www.lylongfoto.com và Harjono Djoyobisono http://www.djoyobisono.com/).
27/6/2008
Nguyễn Đức Hiệp
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Viet Nam Thu Quan Trangchính Trang Truyện Trang Thơ Nhạc Online Phim Online Tranh Ảnh Ẩm Thực Tiếng Việt Diễn Đàn VNTQ ...