Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Trúc Thanh và bài thơ Mùa thu rớm lệ

Trúc Thanh và
bài thơ Mùa thu rớm lệ

THÁNG TÁM
Tháng tám có hẹn đâu. Tự thu về chứ bộ
Giọt nắng ngang tàng làm khổ lá trên cây
Năm tháng mòn vơi cho cái tuổi thêm đầy
Tài sản của ta là tấm thân gầy mang nỗi đau tròn trịa
Thu lãng mạn gì đâu? Tại hàng cây ru khúc sầu thấm thía
Kỷ niệm quật mồ lao trở về mai mỉa tiếng thời gian
Tình thu cướp nỗi nhớ trong ta chỉ để lại chiếc lá vàng
Ta bảo với hàng cây. Thôi bỏ đi! Thở than gì cho mệt
Người Thi Sĩ rầu rầu với vần thơ bê bết
Tranh thủ đứng lên nhặt tình Thu xâu kết tặng cho đời
Mùa Thu ơi!
Ta cạn lời xin lỗi 
Chầm chậm bước đi, cảm nhận nỗi đau như một người nhàn rỗi
Ai biết cuộc đời còn bao lần nông nổi phía ta đi
Cũng muốn được như ai, đứng nhìn thu từ phía kẻ nhu mì
Nhặt lá vàng rơi lấp dư âm những gì trong quá khứ 
Lối thu xưa chẳng níu chân người khách lữ
Tim mệt nhoài sao giữ nổi tình ai
Ta bước giữa đời, gánh thơ sầu mòn nhói cả đôi vai
Trả nợ yêu đương ngày qua ngày gục đầu lên số phận
Tháng tám về đây, ta đứng lại nhìn Thu như chú nai vàng ngơ ngẩn
TRÚC THANH
LỜI BÌNH: “Tháng tám” là bài thơ mùa thu ôm bọc nhiều tâm cảm của một cô thôn nữ về cuộc sống, đường đời - Đó chính là những mảnh tình vỡ vụn, đan xen trong suốt bài theo lối thu đi. Ta hãy đọc đoạn thơ mở đầu:
Tháng tám có hẹn đâu. Tự thu về chứ bộ
Giọt nắng ngang tàng làm khổ lá trên cây
Năm tháng mòn vơi cho cái tuổi thêm đầy
Tài sản của ta là tấm thân gầy mang nỗi đau tròn trịa
Thoạt vào thơ thấy cái giọng ngọt ngào đáng yêu, thật nữ nhi: Tháng tám có hẹn đâu. Tự thu về chứ bộ/- Cách giới thiệu mùa thu rất khéo. Đoạn thơ tả cảnh nhưng in cả khoảng không gian, hình bóng người trong đó. Ý nói: Năm tháng mang mùa thu đi qua, tuổi xuân ngày một mòn phai - Giờ em chỉ còn lại một tấm thân khô héo? Phải, Trúc Thanh nói thế! Nhưng đọc thơ ta lại cảm nhận tình thu và người nhi nữ trong ấy, không khô héo chút nào. Mùa thu êm ái và bóng dáng em trước mắt ta cũng rất nên thơ! Mùa thu chính là một nhân chứng cho sự mất mát, xa xót của đời em - vì thế thu “rớm lệ”.
Tôi bình sang đoạn hai:
Thu lãng mạn gì đâu? Tại hàng cây ru khúc sầu thấm thía
Kỷ niệm quật mồ lao trở về mai mỉa tiếng thời gian
Em nói “thu” không lãng mạn ư? Không phải vậy, nếu tâm hồn nàng thi sĩ không lãng mạn cùng thu, thì sao lại nghe được cả tiếng của hàng cây kia đang ru “khúc sầu thấm thía…”? Trúc Thanh đã đi sâu vào “khai quật mồ lao” về những kỉ niệm đau của đời mình. Đó là những kí ức tình yêu và cuộc sống, mà thu để lại trong em một chuỗi buồn “mai mỉa tiếng thời gian”. Ngôn ngữ thơ mang tính dân gian gần gũi, nhưng thần sắc thi ca vẫn thật mới mẻ. Tình thơ tinh tế, thân thương… ta thêm thấy yêu thu và yêu em.
Từ biểu tượng được khắc họa của câu thơ dưới: Kỷ niệm quật mồ lao trở về mai mỉa tiếng thời gian/ - Trở lại với hình ảnh câu trên, mà em từng chất vấn: Thu lãng mạn gì đâu?.../ - Bởi em yêu thu nhưng thu qua đi, chỉ để lại cho cuộc đời em toàn những nỗi “sầu thấm thía” - tựa như lưỡi dao trích vào trái tim em chảy máu. Đọc sâu trong thơ, ta sẽ cảm nhận được sự khắc khoải của người thôn nữ, mà hỏi rằng: “Tháng tám” về với em, sao lại xa xót đến thế ư?
Ngôn từ diễn đạt tình thực mà hình ảnh thì ảo - Phải chăng như Chế Lan Viên từng định nghĩa về thi ca:
Bên kia bờ hư ảo - bờ thơ
(trích Di cảo) 
Suốt dọc bài Tháng Tám này của Trúc Thanh đều diễn theo một bản sắc thơ như vậy. Ta đi tiếp vào hai câu sau của đoạn:
Tình thu cướp nỗi nhớ trong ta chỉ để lại chiếc lá vàng
Ta bảo với hàng cây. Thôi bỏ đi! Thở than gì cho mệt
Thu đến thì lá vàng rơi, đó là mùa thu của thiên nhiên theo quy luật đất trời - Nhưng hình ảnh “chiếc lá vàng” ở đây lại để nói về sự úa héo của tuổi xuân em, đã trôi theo cái mùa thu đau đang rơi rụng. Em muốn quên, muốn rũ bỏ tất cả những quá khứ buồn bã ấy, chỉ nghĩ về một ngày mai tươi đẹp hơn? nên mới khuyên nhủ các hàng cây rằng: Thôi quên đi! “Bỏ đi, thở than gì cho mệt” - Nhưng khổ nỗi, mùa thu ấy không chịu nghe lời em nói, kí ức đau không để cho em có những giây phút thảnh thơi. Dĩ vãng cứ theo thu về làm cho lòng em khắc khoải, khoáy mãi vết thương tình của trái tim em. Với một tâm hồn đa cảm, Trúc Thanh dồn nén vào những trang thơ:
Người Thi Sĩ rầu rầu với vần thơ bê bết
Tranh thủ đứng lên nhặt tình Thu xâu kết tặng cho đời
Mùa Thu ơi!
Ta cạn lời xin lỗi
Em có nỗi gì đâu! Nguyễn Du từng viết trong Kiều:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Em buồn đến thế thì làm sao có mùa thu chan chứa niềm vui? Tuy vậy, Trúc Thanh đã sáng tác được một bài thơ mùa thu có sầu thương song rất đẹp! Tiếng thơ em thầm thì ru ta vào trong sự sâu thẳm của đất trời và nỗi người. Em có than, nhưng tiếng than ấy lại bay ra từ trong cõi mộng… làm cho thu càng thêm thấm thía. Em nói: Người Thi Sĩ rầu rầu với vần thơ bê bết/ - Vậy mà đọc thơ em chẳng bê bết tí nào. Ngôn ngữ thi ca còn lấp lánh màu hoa mỹ.     
Trúc Thanh đã “xâu kết tặng cho đời” một bài thơ mùa thu với cảm xúc thật thăng hoa, khôn xiết tình đời. Sau những dòng thơ chảy tràn ra theo ký ức, nàng thi sĩ mới:
Chầm chậm bước đi, cảm nhận nỗi đau như một người nhàn rỗi
Ai biết cuộc đời còn bao lần nông nổi phía ta đi    
Ý nói rằng: nỗi đau cứ gậm nhấm, ăn mòn trong trái tim và cuộc sống - Em không khỏi hết bàng hoàng khi nghĩ về ngày mai, sự buồn tủi của thu qua sẽ còn đến trong các mùa thu sau? Bởi vậy, lòng em khao khát:
Cũng muốn được như ai, đứng nhìn thu từ phía kẻ nhu mì
Nhặt lá vàng rơi lấp dư âm những gì trong quá khứ
Hình ảnh “nhặt lá vàng rơi” để lấp những dư âm buồn quá khứ, là biểu tượng đẹp. Nó diễn tả nỗi lòng sâu lắng và khát vọng sống trong em!
Trước khi bình vào đoạn cuối, tôi nói qua đôi nét xung quanh thân thế Trúc Thanh: Em sinh ra ở một miền quê sông nước. Từ nhỏ, mười ba tuổi đã thích làm thơ. Một cô gái luôn cầu thị, ham đọc tất cả những loại sách báo văn học nào mà em có được. có lẽ vì thế nên thơ Trúc Thanh rất giàu vốn ngôn từ, hình tượng phong phú. Nó vừa mang tính dân gian lại ánh chất mỹ học trong câu chữ. Dòng thi ca Trúc Thanh đọc lên thấy đẹp và dễ yêu. Thơ bình dị mà không kém sự mới lạ - “Tháng tám” cũng là một trong số những bài đó! Tôi không biết mấy về cuộc đời em? Không hiểu trình độ văn hóa của em đến cung bậc nào? Song đọc thơ thì cảm nhận, đó là trí tuệ của một nữ sĩ như đã từng kinh qua một trường hoặc khóa đào tạo sáng tác văn học có đẳng cấp nào đó!? rất bài bản và nghệ thuật. Được biết hiện nay Trúc Thanh đang sinh sống bằng nghề kinh doanh nhỏ tại quê nhà ở tỉnh Tiền Giang - Nghĩa là, em đã phải sớm vật lộn trên đường đời để mưu sinh. Tất cả sự thăng trầm, mất mát và hạnh phúc trong tình yêu và cuộc sống đều được dội vào trong thơ. Trúc Thanh mang dòng thơ tình buồn, nhưng chứa chất niềm yêu thương.
Năm vừa qua Nàng cho ra mắt tập thơ “Tình yêu và nỗi nhớ” với hơn một trăm bài, tại NXB Thanh niên 2017. Tập sách đầu đời đã được đông đảo bạn đọc gần xa vẫn hằng ái mộ thơ em đón nhận. Ta hãy nghe những lời em tâm tình:
“Có ai đó đã nói với tôi rằng: Sự cô đơn khủng khiếp nhất là cô đơn trong chính ngôi nhà của họ, bên cạnh người thân của họ, có lẽ tôi đã nhiều lần cảm nghĩ như vậy. Ai cũng có những suy tư, những trăn trở, nhiều khi họ tìm cho mình một người để tâm sự, đơn giản họ chỉ muốn được ai đó thấu hiểu họ, sẻ chia và cảm thông cùng họ. Mỗi người đều có một cách để bày giãi tâm tư của mình, còn tôi thì những suy tư ấy được để vào một ngăn thật kín đáo trong tâm hồn… Tôi đã mở những ngăn kín của tâm hồn bằng những vần thơ và vô cùng hạnh phúc vì được trải lòng mình… nhiều lúc thấy như con tim đang dần hấp hối bỗng lại hồi sinh. Tôi thả hồn mình bay bổng, lả lướt, trôi nổi, bồng bềnh trên những dòng thơ… người bạn tri kỷ của tôi. Ở đó, tôi có thể nói hết tâm sự của mình mà không sợ phiền ai cả…”.
(trích tự sự của Trúc Thanh - Tác giả Tập “Tình yêu và nỗi nhớ”)
Thơ đối với em gần gũi và thân thiết vậy. Ta hãy nghe thêm lời của một nữ tác giả, bình về tác phẩm đầu tay ấy của em:
“… Nếu biển tình là khoảng trống mênh mông
Em sẽ vẽ mây hồng trên sóng bạc
Nếu cuộc sống quanh ta toàn sa mạc
Em sẽ trồng lên cát những vần thơ
Chỉ với 4 câu thơ lãng mạn đã thấy bức tranh sinh động về cuộc sống, tư duy và tâm hồn tác giả thật dồi dào cảm xúc, cũng đầy nghị lực và khát vọng - nhà thơ Trúc Thanh…
Thơ của chị đa dạng về thể loại, đề cập nhiều lĩnh vực được đúc kết từ cuộc sống xã hội, đời thường cũng như từ tâm thức góp lại viết thành thơ… Trúc Thanh là ai? “Tình yêu và nỗi nhớ” - Có lẽ, đây là dấu ấn và bước ngoặt lớn trong cuộc đời người thi nữ trẻ quê miền sông nước Tiền Giang.
… Nội dung sâu sắc, truyền cảm, vốn từ phong phú, sử dụng linh hoạt minh chứng cho sự tìm tòi không ngừng. Thơ mang tính nghệ thuật, nhân văn cao, sử dụng và tận dụng triệt để mọi khía cạnh cuộc sống và góc khuất trong tâm hồn… Mỗi bài thơ là một câu chuyện mà ở đó biểu lộ cả nghĩa đen và bóng, tượng thanh… tượng hình… có pha tính triết học, nên thơ chị luôn để lại trong người đọc sự đồng cảm, ấn tượng khó phai. 
 Khi hạnh phúc chênh vênh bờ gãy đổ
Hỏi cuộc đời duyên số phũ phàng sao?
Ngó vào tim nghìn gai nhọn cấu cào
Nhìn phía trước nỗi đau chờ xâu xé
(Lời của tim em)
… Chị cho rằng: "Duyên của trời, phận số của gió mây" - Một ý nghĩ tích cực, tự tạo cho mình niềm an ủi động viên.
Đêm đêm nước mắt dầm khăn. Với chị, đêm cũng trở thành bạn tri kỷ, người bạn vô hình, sẵn sàng tiếp nhận và lưu giữ những tâm tư thầm kín để bày tỏ nỗi lòng:
Đêm ôm hết tình ta và ảo mộng
Những khi buồn đêm bỗng hóa nàng tiên
Lặng im nghe... nghe hết những ưu phiền
Ôm ấp nỗi niềm riêng còn nặng trĩu
Lòng ta đó chỉ màn đêm mới hiểu
Ban phép mầu xoa dịu những suy tư
Nụ cười đêm sao chan chứa hiền từ
Lòng đêm rộng, ví như lòng của mẹ
Khi tâm sự không còn ai chia sẻ
Ta trở về thỏ thẻ với đêm đen...
(Lòng đêm) 
Thật nhân hóa - Cái hay nữa trong thơ chị là ở chỗ, mỗi bài thơ vừa là nỗi lòng, vừa là chuyện kể mang tính nhân văn sâu sắc, vừa cảnh tỉnh những người con gái sẽ, đang và đã làm dâu. Em thật sự cảm động và chạnh lòng khi đọc bài thơ này:
Con thèm được trở về thời tấm bé
Giọng ru buồn đưa nhẹ giấc mơ trưa
Ba chiều con làm chong chóng tàu dừa
Ôm con chạy sợ mưa chiều ướt tóc…
Con sẽ thả hồn thơ trải dài trên quê mình nhé mẹ...
Từ cái bến sông con nước êm đềm vỗ nhẹ chiếc xuồng câu
Đến những âm thanh giao hưởng của các "bạn" nhái bầu
Và khúc ca dao mà thuở còn thơ con gãi đầu suy nghĩ
Thế đó, dù không thể nhưng vẫn ước ao và khát vọng, trở về tuổi thơ để được bao bọc bởi vòng tay ấm của ba và mẹ… Thời gian cứ dần trôi như dòng sông không ngừng chảy, đời người cũng vậy…
Cám ơn chị đã cho bạn đọc những bản tự tình thật hay và xúc động”.
(trích bài bình của Trần Châu về “Tình yêu và nỗi nhớ”)    
Thơ Trúc Thanh đã được giới thiệu nhiều trên báo, nhất là báo Áo Trắng và Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, em thường xuyên có bài đăng ở đó. Tiếng tăm về thơ hay Trúc Thanh cũng lan khá rộng, ra tận thủ đô - Hồi tháng 8/2018 vừa qua, báo Người Hà Nội đã giới thiệu một chùm thơ và chân dung tác giả Trúc Thanh. Thơ em còn được một số nhạc sĩ như Giao Tiên, Hà Phương và vài nhạc sĩ nữa phổ nhạc thành bài hát. Có thể nói: trên lĩnh vực thi ca, Trúc Thanh đã gặt hái được sự thành công không nhỏ khi tuổi đời còn rất trẻ.
Giờ tôi xin trở lại với bài “Tháng tám”, bình tiếp vào đoạn thơ cuối cùng:
Lối thu xưa chẳng níu chân người khách lữ
Tim mệt nhoài sao giữ nổi tình ai
Ta bước giữa đời, gánh thơ sầu mòn nhói cả đôi vai
Trả nợ yêu đương ngày qua ngày gục đầu lên số phận
Em nói “thu xưa” chẳng còn níu nổi chân em nữa ư? Nếu em không còn hoài niệm, vương vẫn về thu… thì sao “người khách lữ” Trúc Thanh lại có thể viết được một bài thơ mùa thu dẫu buồn nhưng đẹp như ni!? Dù rằng bước giữa đời, thơ em vẫn còn phải gánh nặng cả một khối tình sầu. Em than:
Trả nợ yêu đương ngày qua ngày gục đầu lên số phận
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng từng than trong “Chinh phụ ngâm” rằng:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Thôi thì… âu rằng, đó là kiếp số do con tạo hóa xoay vần trớ trêu? Nhưng không phải chỉ mình em buồn, thu cũng buồn cùng em đó nghe! Đọc thơ buồn của em, lại thêm thấy thương người?
Tóm lại, đoạn thơ cuối đã tóm bắt nỗi tình thu và người trong cả bài, để rồi tác giả hạ một câu kết… tuyệt bút:
Tháng tám về đây,
ta đứng lại nhìn Thu như chú nai vàng ngơ ngẩn
ÔI, em còn yêu thu đến thế cơ mà? Dẫu ôm một khối buồn mà tâm hồn Trúc Thanh, vẫn như “con nai vàng ngơ ngẩn”, lạc trong một rừng thu đầy mộng của cố thi nhân Lưu Trọng Lư. Câu thơ ảo, đẹp và ẩn chứa nỗi lòng.
“Tháng tám” là một bài tình thu hay và lạ!
Phạm Ngọc Thái, một nhà thơ trong đương đại thuộc hàng bậc cha anh… cũng xin ngả mũ chào em - Nàng thi sĩ Trúc Thanh!.
Hà Nội, cuối thu 2018
Phạm Ngọc Thái
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...