Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Trương Văn 7, Người hát rong thơ mình

Trương Văn 7,
Người hát rong thơ mình

(Nhân đọc tập thơ MỘT MÌNH HÁT VỚI ĐÊN KHUYA của  Trương Văn 7 sắp được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành trong năm 2007)
Tôi biết Trương Văn 7 đã lâu. Anh cùng tôi làm những kịch truyền thanh chuyện nhà nông trên đài Phát thanh- Truyền hình Tây Ninh. Anh viết những vở kịch ngắn diễn trong khoảng 15 phút. Ít ai có thể làm được như anh. Từ lúc có chương trình mở đầu cho đến khi kết thúc anh viết chừng hơn 100 kịch ngắn như thế.
 
Tôi còn biết anh đã học xong chương trình cao đẳng diễn viên khoa cải lương trường Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Số phận nghiệt ngã, không cho anh theo nghề diễn viên, đành khiêm tốn mở một hiệu cắt tóc ở phố huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Tưởng anh an phận với nghề làm đẹp cho người ta, thế mà bỗng nhiên anh mang tới cho tôi gần 100 bài thơ. Không trách được, với một người bỗng nhiên đam mê công việc mà người đời thường bảo ngẩn ngơ, ngơ ngẩn này, thì trong gần 100 bài kia bỏ bớt đi những bài chưa xứng gọi là thơ, còn lại 39 bài trong tập thơ này nhất định sẽ gây được ấn tượng với những ai yêu thơ.
           
Không ngoa khi dùng hai chữ ấn tượng để nói về thơ Trương Văn 7. Có cảm giác anh đã miết vào nỗi riêng tư của mình để mà làm ra thơ. Về mẹ anh viết: Càng nhớ mẹ/ Mẹ càng đi xa/ Càng thương mẹ / Mẹ càng xa/ Con buông nhẹ/ Một dấu chấm  than/ Cho nỗi nhớ / Cháy lòng (MẸ)
           
Cũng như bao nhiêu người làm thơ khác, những nhớ thương, hờn giận, buồn… luôn là cái cớ để người thơ thể hiện cõi lòng mình. Trương Văn 7 cũng vậy: Nhớ người/ Một cõi mông mênh/ Đất trời/ Lặng tiếng/ Đàn chênh dây đàn ( BUỒN). Những nỗi buồn nhiều khi giằng xé con người, nhưng ngẫm lại, chính những nỗi buồn ấy nhiều khi lại làm cho người thơ tỉnh táo và vững vàng hơn trong cuộc sống đương thời. Bằng thơ Trương Văn 7 tâm sự rằng, nhiều hờn giận quá, nhiều nỗi buồn quá, muốn bán, muốn cho, muốn tặng, nhưng hoạ có điên, người ta mới chuốc lấy sự thừa thãi kia của người thơ. Thế thì còn cách nào hơn, người thơ gom về hết, làm vốn mà bán mua chính mình. Mà khi bán mua thì sao chẳng có lúc đắt, lúc rẻ. Đắt hay rẻ thì cũng chính là mình vậy. Chính sự chấp nhận ấy là sự cảm thông cho tất cả những ai  chất chứa những nỗi buồn mà không hề một chút bi quan, uỷ mị. Thậm chí có thể mang cả nỗi buồn biến thành một sự hài hước có thể khóc khi đang cười và có thể cười khi đang nẫu ruột buồn.
 
Trương Văn 7 khá linh hoạt khi làm thơ. Anh không phụ thuộc vào những con chữ mà làm cho những con chữ linh hoạt thể hiện những nỗi niềm tâm sự. Cũng là tình yêu, nhưng mỗi lần khắc hoạ, Trương Văn 7 có cách nói riêng: Mưa chiều ướt cả bâng khuâng/ Áo em trắng giữa mưa dâng nhạt nhòa/ Biết không,/ mưa ướt lòng ta...( ÁO TRĂNG CHIỀU MƯA) hay :Phím đặt vào dây tơ mỏng mảnh/ Tay rung rung từng bậc, từng cung./ Anh nhờ có em mà trỗi nhạc/ Bổng trầm xao xuyến cõi nhân gian. (HỒN BAY BẢNG LẢNG)  
Và cũng có lúc rất lẳng lơ:  Ơi! Ngu ngốc bàn tay/.Thả vào chơi vơi/ Ơi ! Cái nhìn ngu ngốc/ Ngó vào chơi vơi/ Sao em rạo rực/ Tìm anh/ Cũng chẳng một lời/ Mà vời vợi/ Có nhau (HƯ KHÔNG)
Có lúc thành mê mẩn, say mê: Say em ngàn giấc vẫn say/ Để anh say thật dài./ Hứng từnggiọt/ em/ Và say … (SAY)
Không phải vô tình, Trương Văn 7 đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình là MỘT MÌNH HÁT VỚI ĐÊM KHUYA. Có lẽ cho đến nay, dù không được hát như một diễn viên được đào tạo, nhưng trong anh lúc nào cũng ngân lên những câu hát. Mỗi một câu hát là một tâm trạng. Điều đáng nói là chính từ những câu hát cất lên trong lòng mình mà anh trải được những tâm sự của mình cho mọi người thấy và cùng thông cảm:
Ai đánh rơi phím đàn ?
Ai đánh rơi bài thơ ?
Tôi tham lam nhặt
Trọn nỗi buồn tôi mang.
Anh giống như một kẻ hành khất mà tham lam. Khi không lượm vào mình những cái mà người ta làm rơi, làm rớt, để rồi chính từ những cái rơi rớt ấy lại thành nốt nhạc để hát lên nỗi buồn. Những câu hát buồn ấy hình như cứ theo đuổi anh: Dây bầu đã héo/ Trời hạ đã chuyển mùa/ Tiếng mưa/ Thôi lộp độp./ Vậy mà!/ Tiếng đàn bầu/ Từng giọt/ Từng giọt/ Văng vẳng bên tai/ Em/ Và tôi.(GIÀN BẦU)
Hay như: Mặc cho tiếng chuông chùa cứ mãi vang/ Nửa đêm./ Anh quên mất chốn nào là cõi Phật/ Tiếng dế cũng hoá linh hồn/ Nửa đêm./ Tiếng con vạc sành/ Là bản tình ca ( ĐÊM HÁT 1)
            Hoặc là:
 
Sương rơi rồi đó
Sương nhỏ giọt trên đầu ngọn cỏ
Tắm mát ưu phiền một ngày đợi đêm đông
Cỏ ngậm sương
Cỏ hát
Gió lượn mình
Gió hát
Không cần nhạc đệm
Say sưa
Quên mất chị Hằng
 
ĐÊM HÁT 2
 
Có lẽ chỉ hát lên, Trương Văn 7 mới thấy được chính mình:
Suối ... ngừng reo
Hoa ... ngừng nở
Anh thập thò đếm lạnh trên môi em

Đôi môi thức
Sương núi dày đặc trên chồi non
...Lảnh lót tiếng chim mừng buổi sáng.
ĐÊM HÁT 3
 
Sẽ còn thấy Trương Văn 7 hát trong nhiều bài thơ khác trong tập này. Tôi hình dung Trương Văn 7 như một người hát rong. Với cây đàn trên tay, anh lang thang khắp nơi và hát. Có ai nghe không, không cần biết, Trương Văn 7 cứ hát lên để được tâm sự với người, với đời bằng những câu thơ anh viết.
 
Dẫu sao thì đây cũng là tập thơ đầu tiên của Trương Văn 7. Nếu lượm lặt trong đó sao cũng còn những khiếm khuyết. Mà bây giờ, với không khí mới khi làm thơ, cách thể hiện nào cũng là cách riêng thì khiếm khuyết chắc gì đã là khiếm khuyết.  Không riêng thì làm sao tạo ra được một tác giả. Nếu có thể xin coi 39 bài thơ trong tập thơ này của Trương Văn 7 là một sự đóng góp cho thơ Việt Nam. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
5/7/2007
Nguyễn Đức Thiện
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...