Những thành tựu văn xuôi Phú Yên
qua các tác phẩm đoạt giải cấp
Quốc gia
Viết với Phan Thị Bích Nữ
So với các tỉnh phía Bắc thì nền văn học viết Phú Yên hình
thành muộn hơn, chỉ mới có một thế kỷ. Tuy nhiên, nhiều nhà văn Phú Yên đã
nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn cả nước. Ta có thể
thấy phần nào những thành tựu của văn xuôi tỉnh nhà thông qua các tác phẩm đoạt
giải cấp Quốc gia.
Nhà văn Thanh Quế quê gốc ở Tuy An - Phú Yên, từng gắn bó nhiều
với vùng đất Trung Trung Bộ thời chống Mỹ. Nhờ đó, ông có được những tư liệu
quý giá để viết nên tiểu thuyết Cát cháy, đoạt giải B (không có giải A) cuộc
thi của Hội nhà văn Việt Nam và TW đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức năm 1981.
Truyện viết về truyền thống cách mạng hào hùng của một làng quê ven biển khu
Năm, cốt truyện hấp dẫn, giọng kể mộc mạc. Tác phẩm được xếp vào danh mục Tủ
sách vàng của NXB Kim Đồng. Ngoài ra, Thanh Quế còn có nhiều tác phẩm khác đoạt
giải cấp Quốc gia như: Những tháng năm vay mượn (Giải B của ủy ban
toàn quốc LH các Hội VHNT Việt Nam năm 1994), Bếp lửa làng Tà Băng (giải
thưởng Bộ Quốc phòng năm 2000)…
Nhà văn Y Điêng là “bậc trưởng lão của dòng văn học miền núi
Phú Yên”. Năm 1961, ông gây sự chú ý trên văn đàn với truyện ngắn Em nhờ bộ
đội Awa Hồ (giải Ba cuộc thi văn học của báo Thống nhất). Nhắc đến thành tựu
văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam, các nhà nghiên cứu không thể không nhắc
đến tiểu thuyết Truyện trên bờ sông Hinh của Y Điêng. Tác phẩm gồm
hai tập, xuất bản lần đầu năm 1994, đoạt giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm
1999. Thông qua mối tình trắc trở của Hơ Linh và Y Thoa, tác giả tái hiện lại
hiện thực lịch sử của vùng rừng núi phía Tây Phú Yên và Tây Nguyên thời Pháp
thuộc. Ngôn ngữ kể chuyện mang đậm sắc thái dân tộc thiểu số.
Một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Phú Yên là Trần
Huiền Ân. Ông đoạt nhiều giải thưởng ở nhiều thể loại khác nhau, trong đó có
hai tập truyện đoạt giải cuộc thi “Vì tương lai đất nước” của NXB Trẻ và Hội
Nhà văn TP.HCM tổ chức. Tập truyện Một nửa chân trời (1997) có dấp
dáng như một tự truyện kể về quá trình học tập thời thơ ấu của tác giả. Các
nhân vật thiếu nhi trong tập Mùa hè quê ngoại (2002) thuộc thế hệ sau
nhưng vẫn gắn bó với cội nguồn. Nhà văn Lê Văn Thảo, Phó ban tổ chức cuộc thi
nhận xét: “Vùng quê heo hút nghèo khó ấy tưởng như không có chuyện gì để viết,
nhưng lại có thể kể mãi. Bởi đó không chỉ là một vùng quê mà còn là cội nguồn,
lẽ sống, lương tâm giúp những đứa trẻ sau này lớn lên nhớ về đó vượt qua những
khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống”.
Ngô Phan Lưu xuất hiện trong làng văn hơi muộn nhưng mang về
cho tỉnh nhà nhiều giải thưởng văn xuôi. Năm 1999, ông đoạt giải thưởng của tạp
chí Tài hoa trẻ với truyện ngắn Láng giềng. Năm 2001, ông có truyện Người
không giăng câu kiều đoạt giải cuộc thi Tầm nhìn thế kỷ của báo Tiền
Phong. Năm 2007, ông có hai truyện Buổi sáng biến mất và Cơm chiều đoạt
giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam.
“Lão nông Phú Yên cầm bút” nổi lên như cồn trên báo chí và xuất hiện trong rất
nhiều tuyển tập truyện ngắn hay. Văn Ngô Phan Lưu có một phong cách nghệ thuật
riêng rõ nét, ông sử dụng thành công nhiều bút pháp hiện đại, biết chọn lọc những
chi tiết đắt, có tính triết lý cao. Giọng văn lạnh lùng, gân guốc, có nhiều
sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ.
Đoàn Việt Hùng đã xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ
trước năm 1975. Sau 1975, ông làm báo, có dịp đi thực tế nhiều nơi và viết bài
ký nổi tiếng Rừng cấm Quốc gia Krông Trai bị xóa sổ, đoạt giải Ba cuộc thi
bút ký của báo Văn nghệ năm 1992. Nhiều vấn đề đặt ra trong bài ký, đến nay, vẫn
còn mang tính thời sự nóng hổi. Năm 2006, Bộ Giáo dục và Hội nhà văn Việt Nam tổ
chức cuộc thi viết về đề tài nhà giáo. Vượt qua 3.400 tác phẩm dự thi, truyện Nơi
không chỉ có khói núi của ông đoạt giải Nhất. Báo Văn học và tuổi trẻ mở
diễn đàn về các tác phẩm đoạt giải và có khá nhiều bài viết khen ngợi truyện ngắn
này. Ngoài ra, Đoàn Việt Hùng còn đoạt giải Ba của Liên hiệp các Hội VHNT toàn
quốc năm 2007 với tập truyện ngắn Mưa trên sông Đăkbla.
Huỳnh Thạch Thảo thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975.
Anh sáng tác rất sung sức, có 11 tập truyện ngắn in riêng và có mặt trong rất
nhiều tuyển tập in chung. Nhà văn cũng có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng Quốc
gia như: Truyện Gã điên ở ngã ba làng Cát, giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh
của báo Tiền Phong năm 1997. Tác giả sử dụng bút pháp hiện thực kỳ ảo để làm
sáng tỏ quy luật nhân - quả, kêu gọi con người hãy đối xử thân thiện với thiên
nhiên. Truyện Bên dòng sông Ba Hạ đoạt giải Nhì (không có giải Nhất)
cuộc thi Tầm nhìn thế kỷ của báo Tiền Phong năm 2001… Tác phẩm này rất tiêu biểu
cho phong cách văn xuôi Huỳnh Thạch Thảo: thiên về cảm hứng lãng mạn, khai thác
những vẻ đẹp tình người trong cuộc sống đời thường.
Huỳnh Văn Quốc viết nhiều thể loại, từng đoạt giải B trong cuộc
thi thơ Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong năm 1995. Về văn xuôi, anh có
truyện vừa Tiếng vọng ngày xanh đoạt giải cuộc thi viết truyện cho
thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 2001. Truyện viết về nghị lực vươn lên của cậu
bé Quyết, qua đó giới thiệu nhiều nội dung về lịch sử và phong tục Phú Yên. Tác
phẩm có dấp dáng như một tự truyện kể về tuổi thơ của tác giả. Giọng kể tâm
tình giàu chất thơ, mang đậm bản sắc văn xuôi “xứ Nẫu”.
Đắc Hoa chuyên viết báo nhưng cũng thỉnh thoảng sáng tác văn
xuôi và có tác phẩm Người mẹ thứ hai đoạt giải cuộc thi viết ngắn với
chủ đề Mẹ tôi của báo Tuổi trẻ. Truyện được chọn in trong tập Mẹ tôi do
NXB Trẻ phát hành năm 2004. Tác phẩm có dấp dáng như một tự truyện kể về công
lao của bà nội, người đã thay mẹ thay dưỡng tác giả từ lúc lọt lòng. Truyện có
nhiều chi tiết cảm động, giọng kể mộc mạc, tác phẩm hấp dẫn ở sự chân thành của
người viết.
Năm 2009, Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch, Đại sứ quán Thụy
Điển, báo Thể thao văn hóa, Kênh truyền hình Let's Việt, Hội nhà văn Hà Nội tổ
chức cuộc thi “Một chuyến đi”. Hải Sơn đã đoạt giải cuộc thi với truyện Biết
mấy đau thương. Tác phẩm đã tái hiện chân thực cuộc di tản hỗn loạn của đoàn
người từ Tây Nguyên đổ xuống Tuy Hòa năm 1975. Nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội
đồng chung khảo nhận xét: “Biết mấy đau thương của Hải Sơn gây ấn tượng bởi
lối kể thật thà, chân xác những gì mình đã chứng kiến (…) Cảm xúc này đã đánh
thức lòng trân trọng đối với hòa bình”
Y Nguyên (Nguyễn Văn Danh) xuất hiện trên văn đàn khá muộn
nhưng bút lực rất dồi dào, xuất hiện đều đặn trên các báo. Anh có hai lần đoạt
giải thưởng cuộc thi truyện ngắn về đề tài giáo dục do NXB Giáo dục và Hội nhà
văn Việt Nam tổ chức. Truyện Bông hồng cho Thị Nở (2004) viết
về những trò đùa hồn nhiên vô tư của lứa tuổi học trò. Truyện Cái tát (2005)
kể lại một tình huống sư phạm căng thẳng và kết thúc có hậu, mang tính giáo dục.
Y Nguyên có giọng văn linh hoạt, cuốn hút người nghe.
Trên đây là những tác phẩm văn xuôi đoạt giải cấp Quốc gia,
dĩ nhiên, là chưa phản ánh hết diện mạo văn xuôi tỉnh nhà. Còn có nhiều gương mặt
quen thuộc trong làng văn xuôi Phú Yên chưa được nhắc tới như: Đặng Ngọc Cư, Võ
Hồng, Y Uyên, Đặng Minh Phương, Tô Phương, Đào Minh Hiệp, Trần Quốc Cưỡng,
Phương Trà… Mặc dù chưa phản ánh đầy đủ những thành tựu của văn xuôi tỉnh nhà
nhưng qua đó, cũng cho ta thấy được những tiềm năng to lớn, đáng tự hào của đội
ngũ nhà văn Phú Yên. Hy vọng rằng trong tương lai, văn nghệ sĩ Phú Yên sẽ mang
về cho tỉnh nhà thêm nhiều giải thưởng hơn nữa.
Ảnh: Sinh viên Phan Thị Bích Nữ bảo vệ luận văn tốt nghiệp ĐH
với đề tài: “Những thành tựu văn xuôi Phú Yên qua các tác phẩm đoạt giải cấp quốc
gia” (tại trường ĐH Văn Hiến TP.HCM ngày 4/6/2010).
26/6/2010 Phạm Ngọc Hiền
26/6/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét