Bàn về cách mở đầu
của truyện cổ tích
Mô hình thế giới được cấu tạo từ ba thành tố cơ bản: thời
gian - không gian - vạn vật. Chúng ta có thể thấy đầy đủ ba thành tố này trong
câu mở đầu của chuyện cổ tích. Đại đa số truyện cổ tích Việt Nam đều
mở đầu bằng một mô típ quen thuộc: “Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có một
chàng trai/ cô gái…”. Công thức mở đầu như vậy không chỉ cho thấy thế giới
quan, nhân sinh quan của người xưa mà còn cho thấy cả nghệ thuật dẫn truyện đặc
sắc của tác giả dân gian.
Truyện cổ tích thường mở đầu bằng cụm từ chỉ thời gian: Ngày
xửa ngày xưa, đời xưa, thời xưa, thuở xưa, đã lâu lắm rồi… Nhưng phổ biến nhất
là cụm từ “ngày xửa ngày xưa”, thủ pháp điệp âm tạo nhạc điệu trầm bổng như làn
điệu dân ca dẫn người nghe vào một thế xa xôi, mơ mộng. Dường như nói “ngày
xưa” vẫn chưa đủ, người ta phải đẩy sự kiện lùi xa hơn bằng cách thêm vào “ngày
xửa” hoặc “đã lâu lắm rồi, người già không nhớ rõ vào thời nào”… Theo quan niệm
của người kể và người nghe, cái gì càng xưa thì càng có giá trị và đáng tin tưởng.
Người xưa là “tiền nhân”, đang ở trước mặt ta, dẫn dắt ta, họ là tổ tiên, là thầy
ta. Bởi vậy, câu chuyện càng xa xôi thì càng quan trọng, bài học rút ra càng
sâu sắc. Tác giả dân gian đã đẩy câu chuyện ra khỏi thời hiện tại để đưa vào thời
quá khứ - cái thời không ai biết để bàn cãi, bắt bẻ là câu chuyện ấy đúng hay
sai. Có như vậy, tác giả mới dễ bề hư cấu, tạo ra một thế giới kỳ ảo đầy hấp dẫn,
qua câu chuyện kỳ ảo mà đưa ra thế giới quan, nhân sinh quan của mình.
Tiếp theo, người kể chuyện nhắc đến yếu tố không gian: ở một
làng nọ, trong một khu rừng nọ, ở một vương quốc nọ… Nói chung là một nơi nào
đó không phải là nơi mà người kể mà người nghe đang ở. Mà nếu người nghe có muốn
tới vùng đất đó thì cũng không được vì không rõ “làng nọ” là làng nào, ở đâu…
Nhìn chung, địa danh trong truyện cổ tích là mang tính phiếm chỉ, đây là một thủ
pháp nghệ thuật quan trọng. Nó có tác dụng cách ly không gian người nghe và
không gian câu chuyện để dễ bề hư cấu, đưa vào yếu tố kỳ ảo. Nó tạo ra một chân
trời mới mẻ kích thích trí tò mò của người nghe. Vì nếu nói chuyện xảy ra ở
làng ta thì người nghe đã biết rồi, không hứng thú theo dõi nữa. Điều này không
chỉ có ở truyện cổ tích mà ngay cả truyện trung đại, người ta cũng thường kể về
chuyện xa xưa hơn chuyện bây giờ, thích kể chuyện ở nước khác hơn chuyện nước
mình… Đây là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam và thế giới làm thành một
đặc điểm quan trọng trong thi pháp văn học dân gian và văn học trung đại.
Cuối cùng, người kể chuyện đề cập tới yếu tố con người: có một
chàng trai nghèo khổ, có một nàng công chúa xinh đẹp, có một mụ phù thủy rất độc
ác, có một con thỏ rất thông minh… Cụm từ này có hai nội dung chính: giới thiệu
nhân vật cùng hoàn cảnh, tính cách. Nhân vật thường không có tên, việc phiếm chỉ
nhân vật như vậy có nhiều lý do. Nó thích hợp cho một câu chuyện xảy ra thời xa
lắm rồi, người già không nhớ rõ vào thời nào, dĩ nhiên, cũng không nhớ cả tên
nhân vật. Vả lại, chuyện xảy ra ở một vương quốc khác, không có quan hệ gì tới
vương quốc này nên tên họ nhân vật không quan trọng lắm. Còn trong các chuyện về
loài vật, dĩ nhiên con vật không có tên. Truyện cổ tích thường ít nhân vật nên
cũng không nhất thiết phải đặt tên để tránh nhầm lẫn. Trong thế giới cổ trung đại,
cái riêng không quan trọng bằng cái chung, cái tôi không quan trọng bằng cái ta
nên việc danh xưng không quan trọng. Người ta rất ít dùng tên của mình, thậm
chí, còn giấu tên thật, cấm không cho người khác gọi tên mình (phạm húy). Bởi vậy,
chắc cũng chẳng có ai thắc mắc tại sao nhân vật truyện cổ tích không có tên.
Nhưng còn có nhiều lý do khác quan trọng hơn khiến cho nhân vật
truyện cổ tích không có tên. Trong văn chương, tác giả thường dùng phương pháp
hư cấu nhân vật bằng cách thay tên đổi họ những con người có thật ngoài đời.
Làm vậy, để tránh sự phiền phức lôi thôi khi người kia lên tiếng kiện tụng, phản
bác, trả thù… Tác giả dân gian cũng không muốn va chạm với những người xung
quanh nên không nêu tên nhân vật. Nếu phải nêu tên thì thường chọn các tên ít
ai dùng như: Tấm, Cám, Sọ Dừa, Khoai, Hạt Mít… Có những cái tên tưởng là danh từ
riêng, chỉ một người nhưng thực ra chỉ chung nhiều người như: Mỵ Nương (người
con gái đẹp), Hùng Vương (người đứng đầu một khun/ vùng/ bộ lạc…). Đối với
nhân vật tốt, tác giả không ngại gọi tên riêng như: Trương Chi, Trần Minh, Từ
Thức… Nhưng đối với nhân vật xấu, tác giả thường chỉ gọi tên chung, phiếm chỉ:
lão nhà giàu, mụ dì ghẻ, con quỷ… Đôi lúc, nhân vật phản diện cũng có tên riêng
như Lý Thông, nhưng tác giả biện luận rằng, Lý Thông đó đã bị trời đánh từ ngày
xửa ngày xưa rồi, hoặc Lý Thông đó là của làng nọ chứ không phải là người của
làng ta…
Truyện cổ tích muốn khái quát những quy luật chung của cuộc sống
nên nhân vật cũng cần phải mang tính khái quát cao. Bởi vậy, nhân vật thường
không có tên họ và mang tính cách chung của một loại người. Chàng trai mồ côi,
nghèo khó tượng trưng cho những người cùng khổ. Cô gái xấu xí, tật nguyền tượng
trưng cho những người bất hạnh. Lão nhà giàu keo kiệt tượng trưng cho kẻ xấu. Mụ
phù thủy tượng trưng cho kẻ ác. Chàng tráng sĩ tượng trưng cho những vị cứu đời.
Cô công chúa xinh đẹp tượng trưng cho cái đẹp của con người… Mỗi nhân vật đảm
nhiệm một chức năng và đóng vai trò như một tình tiết trong cốt truyện. Cái mà
người ta quan tâm là nhân vật đó giữ chức năng gì, đại diện cho loại người nào
chứ không phải nhân vật đó tên gì, ở đâu… Đôi lúc, nhân vật cũng có tên nhưng
người ta cũng không tin cái tên đó có thật, và chỉ xem nó như một ký hiệu để gọi
tên chung cho một hạng người mà thôi.
Các thể loại truyền thuyết, sử thi, giai thoại có chức năng
ca ngợi những danh nhân đã có công với cộng đồng nên tác giả dân gian phải nêu
chính xác tên họ của nhân vật, đôi khi nêu cả thời điểm và địa điểm xảy ra sự
việc. Còn truyện cổ tích không có chức năng này nên không nhất thiết phải nêu
tên nhân vật cùng thời điểm và địa điểm sự kiện. Chức năng chính của truyện cổ
tích là khái quát các mâu thuẫn trong cuộc sống và rút ra bài học nhân sinh. Vấn
đề quan trọng nhất của truyện cổ tích là cốt truyện. Người kể chỉ chú ý tạo ra
những tình tiết ly kỳ, gay cấn để hấp dẫn bạn đọc là được, còn tên nhân vật là
không quan trọng. Chẳng hạn, khi anh chàng mồ côi gặp một tình huống khó xử thì
kéo theo phải có một nhân vật nào đó có chức năng giải quyết sự việc để khai
thông cốt truyện. Chức năng này có thể giao cho: ông Bụt, bà Tiên, đạo sĩ, con
chim thần, chiếc đũa thần… Người nghe quan tâm tới việc giải quyết tình huống
chứ không ai quan tâm tới việc tại sao là ông Bụt mà không là bà Tiên, và đạo
sĩ đó tên gì, ở đâu ra?... Bởi vậy, việc đặt tên và giới thiệu tỉ mỉ nhân vật
trở nên thừa.
Nói tóm lại, câu mở đầu của truyện cổ tích là rất quan trọng
vì nó tách người nghe ra khỏi thế giới thực tại để đưa về một thế giới khác, xa
cách về thời gian, không gian, con người. Đó là một miền cổ tích xa lạ có nhiều
sự việc ly kỳ, hấp dẫn. Đưa người nghe vào một thế giới kỳ ảo là để dễ dàng hư
cấu, từ đó rút ra các bài học cho cuộc sống thực tại. Cho nên, nói chuyện “ngày
xửa ngày xưa, ở một làng nọ…” thực ra là để nói chuyện “ngày nảy ngày nay, ở tại
làng ta…”.
24/2/2010 Phạm Ngọc Hiền
24/2/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét