Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Những nhân vật xa lạ trong Cánh đồng bất tận

Những nhân vật xa lạ
trong Cánh đồng bất tận

Thật ra không nhiều, bọn họ chỉ có ba cha con gã chăn vịt và một ả
điếm. Họ như ở tận cùng dưới đáy xã hội. Và như thế thì có chi mà lạ.
Vậy mà qua ngòi bút có một thời rất dịu dàng đắm thắm, rất mộc mạc chân tình của Nguyễn Ngọc Tư, đột nhiên thay đổi khiến họ trở nên kỳ cục, quái đãn, xa cách lạ lẫm, cứ như ở một hành tinh nào tới chứ không phải ở những cánh đồng miền nam bát ngát tình người.
Dựa theo từng chữ, từng câu của tác giả, tôi xin được mời họ ra trình diện trước bạn đọc.
Nhân vật 1: Sương.
Tôi hỏi chị làm gì để bị đánh. Chị cười, “làm đĩ”… chúng tôi đã gặp nhiều, rất nhiều người phụ nữ giống chị. Cứ mỗi mùa gặt họ lại dập dìu trên đê... họ cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão... Đêm đến sau các đụn lúa, họ thả tiếng cười chút chít, tiếng thở mơn man… chúng tôi nhận ra họ ngay khi không còn mảnh vải nào trên người họ vẫn điềm nhiên cười khúc khích và uốn éo thân mình chứ không trơ ra ngượng nghịu, cam chịu như những người phụ nữ quê… 
Chị cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê, cất cái quán nhỏ giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt… mồi chài đàn ông vào chơi trò giường chiếu. (trích CDBT)
Đấy là Sương, qua giọng kể rất già dặn, rất sõi đời, rất sắc sảo của một cô gái quê tự nhận là thất học. Phác họa chân dung ngắn gọn của một ả điếm như thế phải nói là rất tài tình. Hãy đọc kỹ các từ được tô đậm để thấy ma lực của câu chữ và hiểu vì sao Cánh đồng bất tận có một sức hút đến như vậy. Và cứ như thế, cái ngôn từ khiêu khích, lột truồng của cô gái chỉ hơn cô gái đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp có 2 tuổi, sẽ đưa chúng ta biết rõ hơn tính cách của một gái làm tiền, mà ở tuổi đó các cô gái trung học, ngay cả khi học Kiều cũng không dám nghĩ đến.
Vì mồi chài đàn ông vào chơi trò giường chiếu, nên ả bị các bà vợ xúm nhau đánh, cắt cả tóc và đổ cả keo dán sắt vào cửa mình của chị. Chuyện quý bà nổi ghen “xé xác con đĩ nọ” là chuyện thường ngày. Nhưng đè ra, banh ra mà đổ keo dán sắt vào cái chỗ “có hơn gì của bà đâu” thì quả thật là quái đãn nếu không muốn nói là man rợ. Ba hôm sau, chị ngồi dậy, đi tắm. Chị trầm mình dưới đó rất lâu, chẳng kỳ cọ gì, chỉ để nước lạnh chườm dịu lại những chỗ đau. Lúc chị lên bờ, tôi thấy máu lợn cợn theo những giọt nước nhỏ xuống hai đùi, chắc chị đã làm gì với chỗ keo dán ác nghiệt ấy. (trích CDBT)
Vậy mà, khi lên bờ mới thấy Út Vũ đã khen” Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ” và“con mắt đung đưa về phía cha”. Mắt chị nhìn cha đầy khiêu khích… Chị đổ lì, tìm mọi cách để sà vào cha. Chị bảo Điền xuống ghe ngủ với tôi, còn chị sẽ lên chòi… chị ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai. Sự ưng ý mãn nguyện lấp lánh trên khóe mắt. Khuôn mặt chị tràn ngập ánh sáng, như chị vừa mở ra một cánh cửa mặt trời.
Thấy chưa, một cô gái chăn vịt mà diễn tả cách chài mồi, cách chiếm đoạt và nỗi sướng khoái sau những trận làm tình rất văn vẻ, rất mới như thế thì văn hóa của nông thôn ta đã nâng cao hàng chục bước chứ không phải một bước.
Điều kinh khủng ở Sương là chị ta chài mồi Út Vũ không phải vì tiền, mà vì ghiền đàn ông! Hãy nghe cô bé Nương kể: 
Mà, kiểu yêu tinh thần để nhìn nhau, để nắm tay vuốt tóc, để nín nhịn và hy sinh chỉ tồn tại trong văn chương (thất học mà sao biết văn chương nhĩ?). Chị cần nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều khủng khiếp, tưởng như  chị có thể ngốn ngấu, bào mòn tất cả đàn ông trên thế gian này( tưởng đâu chỉ có yêu râu xanh, té ra giờ có cả yêu nữ tóc xanh, sợ quá!). Lúc đầu là kiếm sống, nhưng lâu dần sự chung đụng thể xác làm chị nghiện (Ối trời, chẳng lẽ ả Sương tâm sự với cô bé Nương sao?!)
Một ả làm điếm vì nghiện trai nên mồi chài cả cậu bé Điền. Nương kể:
Trưa ấy chúng tôi trầm nghịch dưới nước rất lâu..Tự dưng nét mặt chị âu yếm lạ, như đang nựng nịu một đứa bé con và thằng em trai 17 tuổi của tôi đúng đực ra, chết lặng trong nỗi ngượng ngùng. Nước cồn cào chỗ bụng nó, tôi biết chị táo tợn làm gì phía dưới đó. Rồi phát hiện ra một mất mát lớn lao, chị thảng thốt kêu lên; Trời đất ơi, sao vầy nè, cưng? (cái mất mát ấy chắc là cái ấy quá bé đến nỗi lúc nhỏ Điền cũng phải đái ngồi như chị. Cô ả vì tiếc nên mới thảng thốt kêu, chứ nếu như trai 17 bình thường thì ả đã ngốn ngấu bào mòn mất rồi!). Ả còn mồi chài mấy gã kiểm dịch để cứu bầy vịt của út Vũ bằng chính xác thân của ả. Và ả chỉ chịu bỏ đi khi út Vũ coi ả như một con điếm chứ không phải như người tình.
Từ một nàng Kiều của Nguyễn Du đến những cô điếm buồn của Marquet, chưa có ai vì chung đụng xác thịt lâu ngày mà sinh ra nghiện cả. Đây là một trường hợp bệnh hoạn, một nhân vật do một đầu óc hoang tưởng tạo ra, chứ trên thế gian này không có người nữ nào lại cần nhiều, rất nhiều, nhiều khủng khiếp (tác giả nhấn mạnh đó) tưởng như có thể ngốn ngấu bào mòn tất cả đàn ông trên thế gian này. 
Một nhân vật như thế làm sao thể hiện trên sân khấu và màn ảnh nhỉ? Và thể hiện để làm gì? Để câu khách và hốt bạc chăng? Thế thì cũng xin vái lạy sân khấu  và màn ảnh. 
Điều buồn nhất, đau đớn nhất cho những người đọc như tôi là thấy cậu bé Điền yêu mê Sương, ghen với cha, rồi bỏ nhà đi theo ả, mặc dù chị cậu lo lắng không biết có được mệt nhoài úp lên mình chị ta hay không! Mịt mù quá, tối tăm quá, kỳ dị quá! Nói đại là nhân vật này từ hành tinh nào đó tới chứ chắc gì có một hành tinh như vậy.
Nhân vật 2: Điền. 
Cậu bé Điền. Gọi là bé vì tối đến vẫn muốn chị hát ru cho ngủ. Bé vì vẫn chơi trò giả bộ nói chuyện với vịt. Và cũng rất bé dưới cái nhìn của Sương (vì gần như chẳng có gì dưới háng). Có thể nói cậu là đứa bé rất tội nghiệp. Cha nghèo, hay đánh (không vì say), mẹ bỏ đi theo người đàn ông khác. Chỉ có chị Nương vừa là chị vừa là mẹ. (Có lần thức dậy thấy chị Nương tưởng là mẹ, khóc). 
Thế rồi gặp Sương không hiểu vì sao bỗng đâm ra yêu người đàn bà tự nhận mình làm đĩ một cách trân tráo.
Ngay từ lúc thấy chị ta mặc cái quần cụt quăn queo và chiếc áo sơ mi thẩm phèn của mình, Điền đã hý hửng. (Như đứa khác là xụ mặt khó chịu). Rồi nó dành cho chị ta cái kẹp tóc, trái dừa tươi, con cá thát lát… khi chị ta vào chòi với cha thì Điền ngọ ngoạy xoay trở liên tục, nó kêu khó ngủ, đòi nghe tôi hát bài gì cũng được. Nhưng Điền vẫn thao thức, dường như giọng hát tôi không át được tiếng sột soạt rạo rực trong cái chòi nhỏ trên bờ. Điền chê, ngủ ghe chòng chành quá chừng. Tôi biết lòng nó đang chao. (ghê chưa!). Khi thấy Sương buồn, Điền rủ đi câu. Nghe Sương nói” mắc cười quá, tới mấy con cá quỷ này còn chê chị” thì Điền lặn bắt cá rô lội xuống mương lặn sâu, móc cá vô lưỡi câu của chị. Lúc nó trồi lên thì đã thấy chị cười. (Hỡi ơi! Cứ như cậu Cẩn lãnh chúa miền Trung đi câu ở Huế. Phải chi với một cô bé chăn vịt nào đó thì cũng được đi. Cũng vui và có một chút lãng mạn cho dù hơi ngây ngô, chứ với một con đĩ thập thành thì quả là ngu tận mạng nếu không muốn nói là kỳ quặc). Nó rất chi dịu dàng với chị ta nhưng với lũ chó dính nhau thì nó tàn nhẫn lấy cây quất cho đến rã nhau mới thôi. Sau cùng nó bỏ cha và chị theo hút tìm chị ta, cứ như mẹ nó đã theo gã bán vải. 
Lúc lên chín trong một buổi trưa, nó thấy mẹ đang oằn mình dưới một người đàn ông lạ. Mặc dù khóc nhưng cái hình ảnh mẹ cào cấu rên siết đã ám ảnh khiến nó hành động như si như dại trước một người đàn bà lần đầu tiên nó biết cũng có thể làm như mẹ. Giá như nó yêu chị ta như yêu mẹ (vì thiếu mẹ) thì nó đã là một đứa bé rất nhân bản và bình thường. 
Với những tính cách như thế, Điền cũng chỉ là một nhân vật kỳ cục hư cấu dựa trên những ẩn ức dục tình thiếu logic như Sương, như Nương, vậy thôi. Điều đáng tiếc là, một ngòi bút đôn hậu nhân ái như Nguyễn Ngọc Tư lại đi vẽ ra một nhân vật trẻ thơ lạc lõng bệnh hoạn đến như vậy khiến cho những đứa trẻ mới lớn phải giật mình hoang mang tự hỏi rồi mình cũng sẽ như vậy à?.
Nhân vật 3: Út Vũ.
Chăn vịt và biết đóng đồ mộc. Đẹp trai (Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ, Sương nói). Cha ra đó tắm. Nước chảy re rắt trên khuôn mặt lạnh lùng, nước mỏng tanh tràn qua những thớ thịt đỏ au của cha tôi. Chị giật thót người, cài vội chiếc áo bung ra vì không chịu nổi chiếc vú căng tức. Một con đực có sức hấp dẫn kinh người. Thế nhưng cô vợ lại nằm oằn mình dưới tấm lưng nhiều mụt ruồi của một gã bán vải rồi tếch theo gã. Từ đó út Vũ đốt nhà, lang thang theo bầy vịt để trả thù đàn bà. Cha nhìn chị, cười nhẹ, rồi hỏi khẽ khàng: “cô đi với cha con tôi nghen” Như chờ đợi chỉ có thế, chị gật đầu…chị te tái tới lui, kiếm giỏ xách…cuối cùng chị đưa con nhỏ về chơi ngoại… cha ghé một chợ nhỏ đầu xóm kinh, biểu chị mua một ít củ cải muối đem theo. Người vừa khuất trong tiệm tạp hóa, cha cười… cha quăng đồ đạc của chị lên bờ vung vải. Và nổ máy cho ghe đi. 
Đểu cáng như thế đó. Nhưng với Sương thì lại làm ra vẻ khinh bạc: cha đưa chị một ít tiền trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt, “tôi trả cho hồi hôm”. Rồi cha điềm nhiên phủi đít đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt. Và cay cú khi thấy Sương đi ngủ với đám kiểm dịch: sáng sau, gặp ở quầy vịt, cha tôi cười, hơi diễu cợt”sao, hồi tối vui không? Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên vui thú lắm hả? Cứ để họ nghĩ vậy… 
Út Vũ qua cái nhìn như thấu suốt tâm can của cô con gái đã hiện ra như thế này đây: Không, lúc chỉ một mình, cha đáng sợ hơn thế. Cha giống như con thú trở về tổ sau khi no mồi, và ngầm ngợi thòm thèm con kế tiếp. Có lúc sự vật lộn làm vết thương cũ của con thú đau, nó liếm láp máu và tôi hãi hùng nhận ra chỗ đau ấy cứ rộng thêm ra…với những người đàn bà sau này, cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng, và bỏ rơi họ đúng lúc.
Nạn nhân của gã chẳng những là chị chủ nhà ở bầu Sen, ả gái điếm tên Sương mà còn là cả tá: Có người vừa mới bán xong cái quán nhỏ của mình. Có người vừa nói xong những lời dứt tình với chồng con. Có người vừa chia xong gia sản, có cô gái sắp về nhà chồng… hết thảy đều cun cút tin yêu. Cha mang họ đi một quãng đường vừa đủ để người ở lại nhìn rõ chân dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ. Con đường quay về bị bịt kín… Tôi có cảm giác cha quắp lấy người ấy, vùi mặt vào da thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt…
Cha với con! Trời hỡi Trời!.
Nhưng hận vợ mà lại trả thù ngay cả con gái vì càng lớn nó càng giống mẹ. cha vẫn thường đánh chị em tôi, thường đánh vừa khi ngủ dậy. Đó là khi người ta thấy hoang hoải, chán chường sau một giấc dài… Tôi đành để để cha đánh để ông bớt đau chút lòng. Sau này chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi. Còn hơn thế nữa, lòng hiếu thảo kỳ dị đã khiến Nương nhìn cha như một đồ vật bằng gốm vừa qua cơn lửa lớn, vẫn hình dáng ấy nhưng đã rạn nứt, nên chúng tôi chỉ đứng xa mà nhìn, mủ mỉ nâng niu, nếu không thì vỡ mất.
Người cha kiêu bạt, tàn độc với phụ nữ ngay cả với con gái mình ấy, nhưng lại hèn nhát, bạc nhược để cho bọn con trai làng mới nứt mắt bắt quỳ xuống ruộng mà xem chúng hiếp đứa con gái còn lại duy nhất của mình. Hay đó cũng là cách trả thù vợ qua con gái?  Có người bảo đó là quả báo nhãn tiền, gã hại đời người khác thì kẻ khác hại lại con gã, cho chừa! Nhưng bày ra một gã đàn ông như thế để nói lên điều gì? Đất phương nam với những con người chơn chất nghĩa khí sao lại có một kẻ khốn nạn như thế mà giờ đây người ta lại đưa một kép đẹp là Việt kiều vào vai để cho thế giới biết nông thôn ta cũng có một Don Juan Hai Lúa sao?
Nhân vật 4: Nương. 
Mới 17 tuổi, có một người mẹ chỉ vì mê một tấm vải đẹp mà bỏ cả chồng con, có một người cha vừa ác vừa hèn, một đứa em trai khiếm khuyết cơ thể lại nổi cuồng vì một ả điếm, thì không cần kể ta cũng biết chỉ có ngần ấy năm sống ở đời mà cô đã phải chịu biết bao đau khổ. Cái bi kịch khủng khiếp nhất đời là lúc cô bị ba thằng con trai hiếp giữa đồng trước mặt cha mình. Tuy câu chuyện đã hết nhưng lại mở ra cả một tương lai nhất định không thể nào sáng sủa. Có nghĩa đây là một nhân vật trung tâm, thẩm thấu được tất cả tình cảm xót thương mà người đọc dành cho. Nhưng thật kỳ lạ, nghe cô kể, người ta chỉ tò mò, háo hức, thích thú trước những cái nhìn sắc sảo, những phân tích sâu sắc của cô về tình yêu, tình dục (nhất là tình dục) mặc dù cho đến khi bị hiếp cô chưa trải qua sự giao tiếp thân xác.
Thực vậy, như một con người khác vừa ranh mảnh, vừa trải đời, vừa khôn lỏi núp trong cô, một cô gái quê nghèo khó theo cha chăn vịt. Cứ xem cách cô kể về ba nhân vật vừa kể trên là đủ thấy cô không hề thở than cho số phận mình. Cô nói về họ sắc lẹm, nhất là phân tích cách chiếm đoạt, cách gạ gẫm của Sương, rồi cách phụ rẫy tàn hại đàn bà của cha. Có nghĩa là giọng kể đó là của ai khác và cô cứ như một người kể nhép (mượn từ hát nhép). Điều đó khẳng định rằng về nghệ thuật, ngay từ bước đầu cơ bản đã hỏng. Phải như tác giả không dùng ngôi thứ nhất tôi, mà dùng ngôi thứ ba là nàng hay Nương thì còn có thể chấp nhận được, dù rằng những nhận định về những con người chân quê như thế là không trung thực.
Một điều kỳ dị ở cô là cái nhìn, cái nghĩ, cái nghe đều ngập tràn âm thanh và màu sắc dục tình. Cô thấy mẹ mình oằn mình dưới một tấm lưng đầy mụt ruồi, rên xiết, cấu víu, vật vã. Cô thấy ông ta sửng sốt khi thấy má rạo rực khi ướm thử những khúc vải rực rỡ lên người. Ba mùa lúa rồi… một mình nuôi con, một mình soi gương, tự ve vuốt và yêu lấy mình. Cô biết rõ cha mình và người đàn bà bầu sen sẽ làm gì trên ghe và cô chắc chị hơi ngại ngùng, mắc cỡ vì ghe không có vách, vì thế chị em tôi sẽ cố ngủ thật say, ngáy thật to để át những tiếng thở hổn hển dìu dặt. (Người đàn bà sắp trở thành mẹ ghẻ của cô đó chẳng những đã không bị cô căm ghét mà còn tế nhị cảm thông, sắp đặt cho cha và chị ta yêu nhau ở trên thuyền bên cạnh hai đứa con). Trời ạ, đó là chuyện chưa xảy ra sao mà đáo để đến như vậy, sao mà dự báo khéo đến như thế. Biết trước cả tiếng thở hổn hển, dìu dặt. Đó là lúc cô mới 13 tuổi thôi đấy nhé! Thật là kinh người!
Và những nhận xét rất tỉnh táo về chuyện vợ chồng ở thôn quê: Mệt nhọc làm lụng trên đồng, người đàn ông đã trở nên khô cằn, có khi cả đời, họ không nói với phụ nữ một câu yêu thương. Họ không biết vuốt ve âu yếm, khi cần, họ lật cạch người phụ nữ ra và thỏa mãn, rồi quay lưng ngủ khò. (Xin hãy mời cô bé Nương đến phát biểu trong các buổi hội thảo về hạnh phúc gia đình do hội phụ nữ tổ chức).
Cô lại còn so sánh người với vật:
Khoảng thời gian trước khi con trống trèo lên con mái rất thật, mềm mại, êm đềm… Tuyệt không có gì thô tục… khác với những gì chúng tôi biết (qua cha tôi, má tôi), trong sự hoan lạc (của những con vịt) đầy ắp thứ gọi là tình yêu! Đấy nhé, hãy về nông thôn mà học cách loài vịt yêu nhau, rất chi êm đềm hoan lạc mà không thô tục! 
Có thể nói chưa có cô gái nào chỉ ngần ấy tuổi mà rành rẽ về chuyện tình dục đến thế. Vì vậy ta không còn ngạc nhiên khi thấy cô đủ bình tĩnh, đủ chai lì để mà tỉ mỉ phân tích cái giây phút đối với người khác là kinh hoàng còn với cô thì cái gì không biết hai chị em cũng đã thử, là cách tự học để sống! 
Nhưng lúc này cảm giác thật là đơn điệu. Đầu tiên là sự xé toạt, và từ rách nát, đau đớn như lũ kiến cánh được giải thoát, chúng bò rân khắp thân thể… hình như không phải khoái lạc thăng hoa mà đau ràn rụa nhói tận chân tóc.
Nghĩa là trong lúc kinh hoàng ấy cô vẫn âm thầm chờ đợi cái cảm giác khoái lạc thăng hoa. Vậy nên, ta cũng không lấy làm ngạc nhiên khi cô tỉnh bơ hỏi cha: liệu có con không và vẫn nằm đó trần truồng trên bùn mà mơ mộng: Cảm giác một cái gì nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con lăng quăng đang ngụp lặn trong nó (rành rẽ chưa, còn hơn cả bác sĩ đấy, biết lũ tinh trùng của bọn khốn nạn đang tranh nhau chen chúc trong ấy)… trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó nhất định sẽ được đặt tên là Thương Nhớ, Dịu, Xuyến, Hường… chứ không phải là Hận là Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi!
Và đây là triết lý của cô: Nhưng nó chấp nhận việc ấy dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen) và trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.
Chính cái kết kỳ cục gượng gạo đó không ngờ được người ta ầm ĩ khen là nhân bản. Liệu những cô gái bị hiếp như thế có muốn được khen như vậy chăng? Và được khen để làm gì khi cả một đòi người tan nát! 
Sau cùng, với cái nhìn tràn đầy dục tính của cô nên những nơi cô đi qua, những người cô đã gặp cũng rạo rực những cơn động tình có khi dữ dội như lúc cả bọn đàn bà xởn tóc, đổ keo dán sắt (chứ không phải diệt chuột) vào chỗ kín, khi mùa gặt đến bọn gái điếm đi dập dìu trên đê, những đôi người trần truồng tỉnh bơ ôm nhau cười khúc khích mặc dù có người đi qua bên cạnh… Khi âm ỉ nhưng cũng dữ dội không kém, người đàn bà xa chồng,  một mình tự ve vuốt, tự yêu mình. Rồi những tiếng động trong chòi, tiếng loạt soạt của dăm bào, tiếng thở hổn hển... và những con cái khát khao con đực. Sương mới bị đổ keo chảy máu, vậy mà chỉ mới ba ngày đã sấn vào út Vũ, chị chủ nhà ở bầu sen mới thấy tấm lưng trần của anh ta mà vú đã căng đến nỗi bật cả nút áo.
Không tình cha con, không tình chồng vợ, không tình bè bạn, không cả chút tình thiên nhiên… Chỉ có tình dục và tình dục, ngay cả chó và vịt, con thì kêu la quằn quại, con thì êm đềm hoan lạc… Cả một cánh đồng mênh mang không thấy đâu là mầm xanh, không thấy đâu là giòng nước mát, chỉ có những con người và những con vật khao khát dục tình. 
Cũng không còn một chút tình làng nghĩa xóm nào. Hãy đọc đoạn mẹ Nương bỏ nhà theo gã bán vải: Tôi chạy qua hàng xóm, nói với thím Tư rằng má đi mất tiêu rồi. Cả xóm tưng bừng, kẻ mừng vì vợ mình chưa bỏ theo trai, người vui vì con đàn bà đẹp nhất xóm đã đi rồi, khỏi lo ông chồng suốt ngày thòm thèm dòm ngó…
Thực ra, cô là một cô gái tội nghiệp rất đáng thương. Mới 9 tuổi, sau bồ lúa cô đã thấy những cảnh không nên thấy, đã phải nghe những tiếng không nên nghe. Cái thảm kịch mẹ nằm dưới tấm lưng đầy mụt ruồi đó đối với Nương khủng khiếp hơn với út Vũ. Nó tàn phá tuổi thơ của cô, làm méo mó xệch xạc tất cả những gì cô nghe thấy, trông thấy. Trong cái cách kín đáo, tế nhị thu xếp cho cha và những người đàn bà khác làm tình có một nỗi niềm cay đắng nào đó như thể là cô thay mẹ để chịu tội với cha. Có thể nói tâm hồn cô đã bị người đàn ông bán vải phá trinh từ buổi trưa nọ và cha cô đã “hãm hiếp”cô trong những lần trên ghe, trong chòi, trên những đống dăm bào, qua Sương, qua những người đàn bà khác, trước khi bị bọn con trai ngu dốt, tham lam hiếp thật sự trên ruộng. Cô là một nhân vật bị tổn thương, bị què quặt, không được ai cứu vớt chỉ mong chờ vào những con tinh trùng đang bơi vào dạ con! 
Cô bị bắt buộc phải khôn, phải ranh ma quá sớm. Cô lại bị tác giả áp đặt cả những ẩn ức, những dục tình của cả mẹ, cha, em trai, con đĩ Sương, chị chủ nhà và hàng lô hàng lốc những con cái con đực khác kể cả bọn con trai ngu xuẩn. Cô ngút thở trong cánh đồng mà lúa không trỗ nổi đòng đòng, nước phèn chua sánh, gió chướng ngật ngừ mà cô đặt tên là Bất Tận như nỗi buồn bất tận của cô.
Tôi tự hỏi tác giả vui gì mà dựng nên một nhân vật khốn khổ trong vũng lầy tình dục như vậy? Bắt một đứa nhỏ mới lớn vác trên vai và mang nặng trong hồn cái cơn cuồng điên tinh dục của thời đại là quá hoang tưởng (cho là mới, là theo kịp thời đại), nếu không muốn nói là quá ác. 
Những con người đó, làng xóm đó, đồng ruộng đó thật khác xa với những con người đầy cá tính nhưng đáng yêu của Trang Thế Hy, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiệt Tấn… những tác giả làm vẻ vang đất và người phương nam. Chính Nguyễn Ngọc Tư trước khi viết Cánh đồng bất tận, cũng có những nhân vật rất chi là nam bộ, nhân hậu rất mực và dĩ nhiên rất nhân bản.
Bốn nhân vật nói trên cùng với cánh đồng tình dục của họ xuất hiện trên mảnh đất văn chương Việt Nam quả thực giống như những vật lạ có kích thước khổng lồ đã từng va vào trái đất. Nó`gây nên một tiếng nổ kinh hồn và để lại một hố sâu đến cả triệu năm vẫn còn đó (như ở rừng taiga của Nga). 
Có người “im lặng thở dài” như nhà văn hóa đáng kính, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (1). Có người cho rằng tác giả đã đi tìm “một lối thoát bế tắc” như Hồng Lê Thọ (2). Còn tôi, dù đã chạng vạng cũng cố kêu lên một tiếng, xin đùng đi lạc vào cánh đồng ma quỷ ấy, nhất là các cháu bé bỏng sắp bước vào đời.
Và, với Nguyễn Ngọc Tư, xin cô hãy quay về với những kênh rạch nhiều tôm cá, những cánh đồng lúa chín vàng tươi, những chòm xóm rộn ràng tiếng nói cười của dì Tư, má Năm… hãy quay về với đồng đất tuy có mùi phèn nhưng vẫn thơm ngát hương rừng Cà Mau. Hãy bám rễ trên quê hương như rừng đước Năm Căn, hãy giữ vững bản lĩnh của một cây bút mạnh mẽ mọc lên từ đất như cây mắm cây bần, mặc cho những cơn sóng tâng tiu hay những cơn bão nịnh nọt.
Được vậy, cô xứng đáng được ca tụng và biết ơn xiết bao.
Chú thích:
1- Hãy đọc bài “Im lặng thở dài” tr 185,186… của Đỗ Hồng Ngọc trong tác phẩm Như Thị, NXB Văn Nghệ, 2007.
2- Xem Một “lối thoát” bế tắc của Hồng Lê Thọ trên http//vietsciences org/. 
1/10/2010
Khuất Đẩu
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...