Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Cambodia - Vùng Angkor Ðế Thiên Ðế Thích

Cambodia - Vùng Angkor
Ðế Thiên Ðế Thích

Nhưng tour đi du lịch Cambodia thường trú trọng đến những vùng chính quanh hai tỉnh lớn của Cambodia là PhnomPenh và SiemRiep. Bài viết này nói về vùng Angkor ở phía bắc tỉnh SiemRiep. Hay nói rõ hơn là Angkor Wat, Angkor Thom, Bayon và Ta Prohm.
Trong ngôn ngữ tiếng Khmer, Wat có nghĩa là chùa, đền. Angkor Wat có nghĩa là chùa Angkor hay là chùa Kinh đô. Angkor Wat là một đền được bảo trì kỹ lưỡng nhất cho thấy sự hiện diện qua những điêu khắc những tôn giáo thờ phụng đã trải qua từ đầu là tôn giáo Hindu thờ thần Vishnu Ấn độ, rồi Phật giáo khi vua Jayavarman VII theo Phật giáo. Angkor Wat được coi như biểu tượng chính thức cho Cambodia qua hình trên lá cờ quốc gia. Tưởng cũng nên nhắc Cambodia là tên gọi sau năm 1989; trước đó quốc gia này mang tên Kampuchea/ Campuchia.
Vùng Angkor
Nếu kể từ ngày Angkor Wat (Đế Thiên) và Angkor Thom-Bayon (Đế Thích) được thành lập từ cuối thế kỷ 12 đến giờ thì đã hơn 800 năm. Mặc dù có rất nhiều hư hại và điêu tàn nhưng những kiến trúc này vẫn còn tồn tại với thời gian và đã để lại cho toàn thế giới nhiều thán phục cho sự tiến bộ của dân tộc Kmer ngày xưa.
Tất cả khu Angkor Wat và Bayon nằm ở phía bắc của Siemriep và Biển Hồ (Tonle Sap). Biển Hồ là một địa điểm quan trọng vì hàng năm có mùa nước chuyển dòng của sông Mekong tại đó.
Mekong là giòng sông tiếp nối giòng Lạn Thương Giang từ Trung Quốc chảy suốt từ cao nguyên Tây Tạng xuống Vân Nam, xuyên qua biên giới Miến Điện - Thái Lan - Lào - rồi đổ xuống Cambodia. Tại đây con sông Mekong đã tạo thành một hồ thiên nhiên to lớn là hồ Tonle Sap mà người Việt thường hay gọi là Biển Hồ trước khi chảy xuyên qua Việt Nam và đổ ra biển Ðông.

Phía bắc của hồ Tonle Sap là Siem Reap, Siem Riep có một vùng rừng rậm ẩm thấp và là nơi mà di tích cổ Angkor Wat, Angkor Thom Bayon đã được nhà thám hiểm người Pháp tên Henri Mouhot tìm được ra vào năm 1860 sau hơn 800 năm vùi sâu trong rừng già.
Di tích Angkor Ðế Thiên Ðế Thích nói chung nằm ngay trong lòng xứ chùa Tháp, phía bắc của hồ Tonle Sap. Angkor là một cố đô xa xưa của dân tộc Khmer, mang một di tích lịch sử vô cùng quý giá, các kiến trúc chùa chiền, đền đài, thành quách đã để lại dấu vết của một nền văn hóa rất cao của dân tộc Khmer ngày xưa.
Angkor là tên của kinh đô cũ thuộc triều đại Angkorian. Triều đại Angkor được xem như khởi đầu từ năm 802 dưới thời vua Jayavaman II (770-850), người đã chinh phục và thống nhất được các nước lân cận, người được xem như vị vua đầu tiên của đế quốc Khmer. Vua Jayavaman II đã đóng đô tại Yasoharapura gần thành phố Roluos hiện tại. Nửa thế kỷ sau, vua Yasovarman I (trị vì 889-915) mới thiên đô về Angkor.
Trải qua nhiều chiến tranh với các nuớc lân cận, nhất là với Champa và chỉ sau hơn 250 năm vua Suryvarman II (1113-1150) mới thống nhất nước Kmer và khởi công xây cất Angkor Wat.
Angkor Wat là một tập thể theo kiến trúc Hindu. Con đường chính từ ngoài cửa thành dẫn vào đến thành dài khoảng 400m, bề ngang khoảng 12m và bên dưới là một hào lớn vây quanh thành. Hai bên đường là một hành lang được kiến trúc bằng thân tượng hai con rắn thần nằm như thể bảo vệ đền Angkor. Cổng đền với những tảng đá lớn được sắp xếp hết sức mỹ thuật. Trên các phiến đá chung quanh tường của đền Angkor Wat là hàng ngàn bức họa tranh điêu khắc với những chạm trổ công phu miêu tả lại những lịch sử, những chiến công của dân tộc Khmer, những điểm văn hóa, những huyền sử của tôn giáo Hindu.



Khu Angkor Wat có chu vi gần 6 km và diện tích khoảng 200 ha, nơi cao nhất là đỉnh tháp của ngôi đền chính, có độ cao 65m. Angkor Wat là đền núi duy nhất ở Campuchia có lối vào chính ở hướng tây, hướng mặt trời lặn. Khu đền gồm 4 tầng nền, càng lên cao càng thu nhỏ lại, phỏng theo hình ảnh "núi vũ trụ Mêru" của người Ấn Ðộ. Vị thần linh được thờ ở đây là thần Vishnu. Khu đền chính bao gồm gần 400 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, hành lang, các lan can.
Xung quanh ngôi đền, có hào rãnh bao bọc; bên ngoài bức tường có nhiều hồ chứa nước. Ðền gồm 5 tòa tháp, những tòa tháp thấp hơn ở phía ngoài. Trung tâm của thánh điện là một tòa tháp cao 65m. Muốn đi tới đó phải qua mấy cửa, một bậc thềm cao và một sân rộng. Trên tường đá là những điêu khắc rất rõ nét miêu tả đủ loại từ lịch sử đến văn hóa Khmer.

Miêu tả đền dưới đây là miêu tả từ ngoài vào, từ thấp lên cao và được chia làm các khu vực.
Chu vi đền là 6km, tường đá cao 8m, bề dày 1m. Có tất cả 5 tháp, tháp chính cao 61-65m, 4 tháp phụ cao 40m.
Con đường dẫn tới cửa chính Angkor Wat cũng được làm bằng đá tảng dài 230m, mặt lộ rộng gần 10m cao 5m so với mặt nước hồ ở hai bên.
Hào nước bao bọc Angkor Wat rộng 190m tạo nên một hình vuông dài một cây số rưỡi. Khu đền chính được xây dựng theo hình Kim Tự Tháp, với năm tháp chính tượng trưng cho núi Meru của Ấn Độ và được chia làm ba cấp độ cao.Tầng trên cùng với độ cao là 65m, có bảy vòng tượng trưng cho bảy rặng núi thiêng của Meru vươn lên giữa rừng già. Mỗi tháp có hình dáng một đóa hoa sen đang nở.
Chính điện Angkor Wat là một kiến trúc ba tầng, kết nối với nhau nhờ những hành lang dài. Toàn bộ kiến trúc Angkor Wat là những phiến đá xanh, ở đâu cũng thấy chạm trổ hoa văn, phù điêu theo tích xưa truyện cổ mà các chuyên gia nói rằng xuất phát từ sử thi Ấn Độ và Raymana. Tầng thứ nhất tượng trưng cho đất, tầng thứ hai tượng trưng cho nhân gian và tầng thứ ba tượng trưng cho thần linh.
Tầng 1: Ðất. Có lẽ độc đáo nhất là những bức tranh điêu khắc trên tường của dãy hành lang tầng thấp nhất. Đây có thể xem là bức tranh điêu khắc trên đá to nhất, dài nhất của thế giới được điêu khắc hoàn toàn bằng tay. Với bề cao 2,5m và chạy dài hơn 800 mét miêu tả những điển tích trong kinh điển Bà La Môn, những chiến công của vua Suryvarman II - người tạo dựng ngôi đền. Nhờ được bảo vệ bởi bức trần và mái hành lang chạy xuyên suốt, bức tranh dường như còn nguyên vẹn và như mới. Phía trong cùng của bức tranh là cuộc chiến khuấy biển sữa trong truyền thuyết, những chú khỉ và trận chiến của thần Sita, những điệu múa của tiên nữ Aspara.
Tại các góc của Angkor Wat và hầu hết ngôi đền, chỗ nào cũng có điêu khắc tỉ mỉ. Nguyên tắc xây dựng ngôi đền được xây dựng bằng cách sắp xếp đá trước, sau đó các kiến trúc sư mới bắt đầu điêu khắc với chứng cớ là tại các cây cột ở tầng thứ nhất vẫn còn vết tích của những bức tranh điêu khắc còn dang dở.


Tầng 2: Nhân gian. Là một khoảng sân rộng được bao bọc bởi dãy tường thành bao bọc, bên trong là các gian điện thờ các vị thần, khu vực tầng tháp thứ hai là nơi có hệ thống thoát nước cho cả ngôi đền. Tại các gian điện thờ các vị thần Vishnu to lớn bằng đá đen nhưng lại được khoác áo vàng như Phật Thích ca. Sự hòa nhập về vị thần của Hindu Giáo và Phật giáo có thể chấp nhận do sự giao thoa về tôn giáo. Tại tầng 2 có vô số những bức tranh phụ nữ Apsara nhảy múa.





Tầng 3: Thần thánh. Là tầng cao nhất, nơi được xem là nơi cư ngụ của thần thánh với độ cao 65 m. Các cầu thang đi lên các tháp trung tâm chia làm 4 mặt. Tầng thứ ba gồm hai hành lang chữ thập cắt nhau thẳng góc ở giữa. Ở điểm giao tiếp của hai hành lang là trung tâm đền Angkor Wat. Ngày nay trung tâm đền có các tượng thờ Phật. Tháp ở trung tâm đền là tháp cao nhất Angkor Wat, chung quanh tháp là bốn hành lang hình vuông. Ở mỗi góc hành lang là một tháp. Tháp trung tâm và bốn tháp chung quanh tạo thành tòa tháp nổi tiếng của Angkor Wat khi ta nhìn từ đàng xa hay lúc gần đến khuôn viên đền. Các cầu thang đi lên dốc đứng gần như 45 độ, hẹp và vô cùng khó leo. Bốn mặt của tháp đã được xây dựng một tháp có cầu thang sắt đi lên. Trong những gian phòng của ngôi đền, có một gian nhỏ rất huyền bí, du khách thường đến đó đứng hơi sát tường nắm chặt bàn tay và vỗ lên ngực nhẹ nhẹ thì lập tức có tiếng vang vọng.


Trên đường đi xuống và đi ra, người viết may mắn gặp được một một nhóm đang chụp hình đám cưới. Hình dưới đây là cô dâu chú rể chụp ở hồ nước bên cạnh rắn Naga đã mất đầu, và hình các cô phù dâu, các cậu phù rể trong trang phục đặc biệt của người Cambodia.


Angkor Thom
Sau Angkor Wat thì phải nói đến Angkor Thom, một thành lớn của đế quốc Angkor vào thời hùng mạnh nhất được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Nhưng Angkor Thom thì không còn là kiến trúc của tôn giáo Hindu nữa, mà có nét kiến trúc của nền văn hóa Phật giáo Ðại thừa.
Vừa mới bước chân đến cổng thành phía nam, một trong bốn cổng thành đông tây nam bắc của Angkor Thom thì du khách sẽ rất kinh ngạc với kiến trúc vĩ đại và mỹ thuật tại đây. Hai bên đường là những bức tượng Phật to lớn được xếp thành hình tượng rắn thần bảy đầu dài có đến hơn 200m như để đón chào nghênh đón những người khách đến thành Angkor. Ngay trung tâm của thành Angkor Thom là ngôi chùa Bayon. Đây là một kỳ tích trong thành Angkor Thom, ngôi chùa Bayon với những tháp tượng Phật bốn mặt cao lớn với những điêu khắc diễn tả các nét mặt Phật trong các trạng thái khác nhau. Có thể đó là những nét mặt diễn đạt sinh bệnh lão tử, tứ phương đông tây nam bắc, hay mang bốn nét từ, bi, hỷ, xả của nhà Phật. Tùy theo tâm trạng của người thưởng ngoạn mà người ta cho tượng một ý nghĩa theo tâm ý của mình.








Bayon phải được kể là một ngôi chùa hùng vĩ với những kiến trúc thật lạ, thật đặc biệt, một kỳ quan thiết kế, và là một mỹ thuật trong nghệ thuật điêu khắc đá. Những tượng đá thật to lớn đã được xếp chồng lên nhau theo đúng kích thước và được đục khắc, chạm trổ thành những khuôn mặt Phật vô cùng sắc sảo, mỹ thuật và linh hoạt.
Nhưng đến Siem Reap, không phải chỉ có Angkor Wat, Angkor Thom, Bayon, mà chúng ta sẽ còn phải kinh ngạc với Ta Prohm, nơi có những cây cao vĩ đại, rễ cây ở trên mặt đất, ở trên mái đền, và thật là kỳ lạ, cây vẫn sống, vẫn cao, vẫn xanh tươi và che lấp đi những di tích lịch sử huy hoàng của dân tộc Khmer ngày xưa.
Sóng Việt Đàm Giang
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...