Ðền Senso-Ji.
Lời mở đầu. Bài viết không phải là nghiên cứu hay có chiều
sâu về lịch sử mà chỉ thuần túy có tính cách du lịch. Người viết có dịp đi thăm
và viết để chia sẻ ý nghĩ về nơi đến thăm. Nếu có ý kiến của những độc giả người
Việt sinh sống tại Nhật Bổn cho biết những sai lầm hay cần thay đổi thêm bớt
thì người viết sẵn lòng sửa và cảm tạ. SVĐG.Đền Senso-Ji, Asakusa
Asakusa (浅草) là tên riêng của một khu vực thuộc
quận Taito, Tokyo. Nơi đây vốn là một khu vực giải trí chính của Tokyo vào thời
gian đầu thế kỷ 20 cho đến khi bị phá hủy nặng nề trong Chiến tranh Thế giới lần
thứ 2. Được khôi phục lại sau chiến tranh, nơi này trở thành một nơi được nhiều
du khách biết đến nhờ ngôi đền cổ Senso-ji nổi tiếng.Thực ra chữ Asakusa 浅草 có hai cách đọc, một là Asakusa, hai là
Senso. Do ngôi chùa này nằm trong khu vực Asakusa nên người ta dùng chung chữ
Hán tự để đặt tên cho chùa, nhưng lại chọn cách đọc khác đi là Senso. Gọi là
chùa Senso hay chùa Senso-ji chứ không gọi là chùa Asakusa. (Senso-ji: 浅草寺, theo
tiếng Hán có nghĩa là Thiển Thảo Tự).Truyền thuyết kể rằng vào năm 628, hai anh em Hinokuma
Hamanari và Hinokuma Takenari trong khi đánh cá ở sông Sumida đã vớt được một
pho tượng, chính là tượng Bodhisattva Kannon được thờ ở chùa Senso-ji hiện nay.
Khi họ đem về cho trưởng làng xem thì vị trưởng làng Hajino Nakatomo nhận ra
đây là một bức tượng linh thiêng nên ông đã thuyết phục anh em nhà Hinokuma thờ
Phật và cho sửa đổi một phần ngôi nhà của mình thành một ngôi chùa nhỏ để mọi
người trong làng cùng đến cầu nguyện. Đến năm 645, một nhà sư nổi tiếng tên là
Shokai Shonin khi đến thăm Asakusa, biết được câu chuyện về tượng Quan Âm thì
cho xây một khu thánh điện để thờ cúng. Đây chính là khu chính điện của đền
Senso-ji hiện nay.
Toàn cảnh Đền Sensoji. Nhìn từ ngoài đường vào lần lượt là cổng
chào bên ngoài Kaminarimon, rồi đường dẫn vào chùa mang tên Nakamise-dori (đồng
thời cũng là khu vực mua sắm chính), cổng chào bên trong Hozomon dẫn vào Chính
điện. Có một tòa tháp chùa 5 tầng bên tay trái nếu nhìn từ cổng đi vào, và khu
chính điện (Main hall/ Hondo) nằm giữa, bên phải là đền Thần đạo Asakusa Shinto.Kaminarimon, cổng ngoài cùng của chùa Senso-ji, không chỉ nổi
tiếng là biểu tượng của đền Senso-ji mà còn là biểu tượng của cả khu vực
Asakusa. Theo tiếng Nhật, ‘kaminari’ có nghĩa là sấm sét, ‘mon’ có nghĩa là cổng.
Vậy nên Kaminari-mon có thể là Cổng Sấm. Hai bên có đặt hai bức tượng, thần Sấm
(Raijin) và thần Gió (Fujin). Chính giữa có treo một lồng đèn màu đỏ lớn cao
4m, trên đó có ghi chữ Cổng Sấm bằng mực đen. Phía trên có treo tấm bảng đề ba chữ: Kim Long Sơn, tức là núi rồng vàng. Bên dưới đáy lồng đèn là chạm khắc
hình rồng bằng gỗ.Cổng Sấm bị sập vào tháng 12 năm 1865 trong một trận mưa bom
đạn. Mãi đến 95 năm sau, vào năm 1960, mới được ông Konosuke Matsushita, người
sáng lập ra tập đoàn Matsushita Electric, tập đoàn nổi tiếng với thương hiệu
Panasonic, tài trợ cho xây dựng lại.Qua Cổng Sấm là con phố Nakamise thẳng tắp. Phố Kanamise hoàn
tất vào năm 1685, dài 250m, lát gạch với những gian hàng hai bên đường bán đồ
lưu niệm truyền thống của Nhật như quạt giấy, ô dù, áo happy, thức ăn, bánh kẹo
địa phương, v.v... Đặc biệt có gian hàng bánh chiên ngon vô cùng lúc nào cũng
đông nghẹt người mua Đứng từ đầu phố Nakamise cũng có thể trông thấy rõ cổng
Hozo.
Cổng Hozo hay Hozomonmon cũng do tướng quân Taira no Kinmasa
xây dựng cùng năm với Cổng Sấm. Kiến trúc của cổng vẫn được giữ nguyên vẹn từ
cuối thế kỷ 12 đến thế kỷ 17. Hozomon cũ đứng vững hơn 250 năm rồi sau đó bị
thiêu rụi trong lần Tokyo bị oanh tạc vào tháng 3 năm 1945. Hozomon hiện nay đã
được xây dựng lại vào năm 1964 với sự trợ giúp tài chính của ông Yonetaro
Otani, người sáng lập ra Hotel New Otani, một trong những khách sạn lớn nhất
Tokyo. Cổng làm bằng fero-conrete, cao 21.7m, chiều ngang dài 21.1m và sâu
8.2m.Mặt ngoài cổng Hozo có một lồng đèn lớn mầu đỏ ghi chữ: 小舟町 Funamachi town, có nghĩa là Làng Thuyền Nhỏ. Phía dưới
đáy lồng đèn cũng được chạm khắc hình rồng như lồng đèn ở Cổng Sấm
(Kaminari-mon).
Mặt trong cổng Hozo có treo hai bên tường chiếc giày rơm
waraji của người Nhật (O-Waraji). Đôi giày này được do dân tỉnh Yamagata làm tặng
từ năm 1941. Mỗi chiếc giày rơm có chiều dài 4.5m và nặng 250 kg. Đôi giày rơm
này cứ cỡ 7 năm lại được thay thế bằng đôi giày mới khi nó quá cũ, đen xấu bị
hư hỏng theo thời gian. Giày tượng trưng quyền lực của thần hộ vệ Nio và đuổi
tà.
Qua Hozomon, bước vào khu Chính điện (Main Hall Hondō) rồi
Điện Quan Âm. Bên phải của Điện Quan Âm là đền Thần Đạo Asakuso Shinto, bên
trái là Tháp Năm Tầng. Chùa Tháp Năm Tầng cũng được xây dựng bởi tướng quân
Taira no Kinmasa năm 942. Chùa tháp này cũng bị phá hủy bởi hỏa hoạn và bom đạn,
và cũng đã được xây dựng lại nhiều lần.Ngay dưới lớp mái vòm của Điện Quân Âm, phía trên là tấm
biển đề chữ Senso-Ji. Tấm biển này lần đầu tiên được gắn lên cổng vào năm 1692
bởi hoàng tử xuất gia Ryosho, một thành viên gia đình hoàng gia đồng thời là sư
trụ trì chùa Manjuin, một ngôi chùa danh tiếng ở Kyoto.
Lư hương |
Bồn nước rửa tay |
Dãy nhà ở hai bên khu chính điện là những nơi để xin xăm, bùa
hộ thân. Một lư hương lớn được đặt ngay trước chính điện để mọi người thắp
nhang cầu nguyện (tín đồ chỉ được thắp nhang và khấn vái tượng Phật Quan
Âm ở tiền Điện, không được phép vào Điện thờ phía sau). Người viết được
cho biết những người thành tâm tới viếng đền thường ghé mình vào lư nhang, đưa
tay phất lấy khói nhang vào người, có người phất khói vào người xong còn xoa khắp
từ đầu tóc tới tay chân, mục đích là cầu xin phước lộc cho mình.
Ở Nhật thông thường trước khi vào đền hay chùa cầu nguyện là
phải tẩy trần, nên tại các chùa đều có bồn nước omizuya để khách thập phương rửa
tay, xúc miệng trước khi cầu nguyện.
Bàn thờ bên trong Quan Âm |
Đường Đền Thần Đạo Asakusa |
Du khách nên dành nột buổi sáng hay chiều nếu muốn thăm viếng
toàn thể khu vực Đền Senso-ji để có thể nhẩn nha thăm viếng từ cổng ngoài vào,
đi dạo phố Nakamise, mua quà lưu niệm, nếm thử bánh ngọt đặc biệt địa phương,
và thăm Điện Chính, đền Thần đạo Asakusa Shinto v.v…
Toàn bộ Sensō-ji gồm ba cổng vào, ngoài Kaminarimon
đi qua con phố Nakamise, Hozomon vào Chánh Điện Quan Âm như kể trên, còn có cổng
Nitemon đi thẳng vào Đền Thần đạo Asakusa và ngay bên cạnh là Chánh điện Quan
Âm (xem hình trên).
Đền Thần Đạo Asakusa còn được gọi là Đền thờ Ba Thần. Đây là
một trong những đền Thần đạo nổi tiếng nhất tại Tokyo. Đi vào đền phải đi qua cổng
Tori bằng đá. Đền được xây vào năm 1649 trong thời kỷ Edo của Nhật Bản. Đền là
nơi thờ ba vị thần đã tạo lập và gây dựng chùa Sensō-ji. Như trên đã viết,
truyền thuyết cho rằng hai anh em nhà người chài lưới tên Hinokuma Hamanari and
Hinokuma Takenari, đã vớt được bức tượng Phật vào ngày 17 tháng 5, 628 trên
sông Sumida. Và người thương gia giàu có trong làng tên Hajino Nakatomo sau khi
nghe tin đã đến gặp và thuyết phục được hai anh em Hinokima chuyển lòng tin
sang đạo Phật. Cả ba dốc lòng phục sự đạo Phật và đã thành lập ra tất cả khu đền
Senso-ji. Rất may mắn là khu đền Senso-ji đã tránh được bom đạn của chiến tranh
và còn tồn tại đến ngày nay.
Tưởng cũng nên lưu ý là Điện Quan Âm thờ Phật, nhưng ngay bên
cạnh đó, điện thờ ba người có công sáng lập ra Điện thờ Quan Âm lại là đền thờ
Thần Đạo. Điều này cũng không khó hiểu nếu chúng ta biết những biến chuyển lịch
sử trong tôn giáo và tín ngưỡng của Nhật Bản qua các thời đại khác nhau.
Ghi chú. Bài viết ghi chép thu thập tài liệu trên nhiều
trang du lịch và trang nhà khác nhau. Hình ảnh trong bài thuộc bộ hình riêng của
người viết trừ hình ghi photo Wikipedia.
Sóng Việt Đàm Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét