Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

Thơ Tân hình thức 2.0

Thơ Tân hình thức 2.0

(Nhân đọc một bản tin về giới thiệu thơ Tân Hình Thức)
Loại thơ "tân hình thức" sớm nhất xuất hiện trên thi đàn Việt Nam có lẽ là cái mà ta quen gọi là Thơ Mới vào khoảng đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Những người chủ trương "phong trào thơ mới" lúc bấy giờ hô hào phá bỏ hình thức thơ "tám câu năm vần" và loại văn biền ngẫu ngâm nga cổ điển mòn sáo (Văn biền ngẫu cũng là một dạng thơ).
Có thể gọi loại "thơ mới" đợt đầu này là thơ "tân hình thức một chấm không. - (1.0) Cuộc cách mạng thơ" đó được hưởng ứng rất mạnh mẽ và kéo dài đến nay.
Từ thơ "tân hình thức một chấm không", vào cuối thập niên 30 đó đã xuất hiện sự vận động "thơ tân hình thức một chấm một" (1.1) với "trường thơ Bạch Nga" của nhà thơ Nguyễn Vỹ. Chịu ảnh hưởng từ một số nhà thơ Pháp, nhà thơ Nguyễn Vỹ với tập thơ Bạch Nga (Le Cygne, 1939) bị nhà phê bình văn học Hòai Thanh (trong "Thi Nhân Việt Nam") cho là khua chiêng gióng trống "lùng tùng xòe". Tuy tập thơ Bạch Nga (thơ tiếng Việt và thơ tiếng Pháp) của Nguyễn Vỹ có một số bài được nhiều người ưa thích, nhưng hình thức thơ đó nói chung không được ai hưởng ứng và nhanh chóng bị quên lãng.
Vào những năm 60 thế kỷ 20, một số nhà thơ, ngoài Bắc có Trần Dần, Lê Đạt..., trong Nam có nhóm Sáng Tạo với Thanh Tâm Tuyền là chủ soái (nói về thơ), Trần Dạ Từ... chủ trương một dạng thơ mới gọi là "Thơ tự do". Thơ tự do không chịu sự gò bó của vần và số chữ nhất định trong câu, hay số câu trong khổ thơ hay bài thơ. Có thể coi đây là loại thơ "tân hình thức một chấm hai" (1.2). Lần đổi mới thơ này khá thành công, gây tiếng vang (ở miền Nam) và kết quả quan trọng trong tiến trình phát triển thơ Việt.
Bây giờ một số nhà thơ Việt Nam đang giới thiệu một hình thức thơ mới khác, với tên gọi chính thức là Thơ Tân Hình Thức. Để phân biệt với những lần đổi mới thơ trước đây, có lẽ nên gọi đây là thơ "Tân hình thức hai chấm không" - (2.0)
Nếu "thơ tân hình thức một chấm không" và "thơ tân hình thức một chấm một" chỉ là một hình thức "phá cách" của (câu) thơ mà vần và nhạc điệu của nó (đặc tính căn bản - và cổ điển - để phân định thơ và văn xuôi) vẫn được duy trì, thì thơ "tân hình thức 1.2" gạt bỏ âm vận và số câu nhất định, chỉ giữ lại kết cấu và nhạc điệu của bài thơ. Nhạc điệu của thơ tự do (tân hình thức 1.2) không nằm ở những vị trí nhất định nào trong câu thơ, mà biến hóa rất... tự do và phong phú. Tuy vậy, người đọc không hề có chút băn khoăn hay bối rối nào khi gặp một bài thơ tự do và nhận ra nó là một bài thơ, ngay cả khi nhà thơ đi quá xa, tác phẩm nghe như một bài thơ nước ngoài được dịch ra văn xuôi tiếng Việt.
Thơ Tân Hình Thức "hai chấm không" ngày nay thì khác. Nó phá bỏ một cách triệt để tất cả khái niệm cổ điển về thơ trước đó - thậm chí cả cách cảm nhận thơ của người đọc. Thơ "tân hình thức hai chấm không", không chỉ gạt bỏ vần và nhịp điệu, mà nó gạt bỏ luôn cả nhạc điệu. Kết quả là thơ (tân hình thức 2.0) không khác gì, hoặc chỉ là, một bài văn xuôi nhưng được ngắt câu xuống dòng một cách "kỳ lạ" (1). Cách ngắt câu xuống dòng kỳ lạ này phá bỏ luôn cả hình thức ngữ pháp kinh điển của câu văn. Nói "kỳ lạ" mà không phải "mới lạ" vì cách xuống dòng "bất quy tắc" này đã được thể hiện trong "dòng thơ Bút Tre" từ trước:
Anh đi công tác Pờ Lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra. (Pleiku)...
Chị em phấn khởi đánh cầu
Lông bay phất phới trên đầu các anh (Cầu lông - badminton)...
Có điều, thơ Bút Tre mang tinh thần đùa cợt... một cách nhiêm chỉnh, trong khi thơ Tân Hình Thức "hai chấm không" thì nghiêm chỉnh... một cách đùa cợt.
Việt Nam có một thể thơ rất độc đáo của riêng mình là thơ Lục Bát. Cho đến nay, dạng thơ sáu chữ tám chữ này đã khẳng định sự kỳ diệu của nó: hai câu thơ với khuôn khổ 14 chữ, thơ lục bát có thể tự nhân mình lên vô tận, rất phong phú về vần, âm điệu và nhạc điệu, để diễn tả tất cả, con người, sự việc và cảnh vật, tình cảm (từ mức tinh tế nhất) và cảm xúc (dù rất cực đoan) của con người nói chung. Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một bằng chứng. Có lẽ không phải là quá cường điệu nếu nói thơ lục bát hầu như đã ngấm vào máu thịt của mỗi người Việt Nam; hoặc nói cách khác, mỗi người Việt Nam sinh ra đã tự nhiễm trong tâm hồn mình một cách tự nhiên điệu thơ lục bát thần kỳ đó. Từ đó xuất hiện một hiện tượng lạ lùng: những con người hết sức bình thường và vô danh trong xã hội đã sáng tác và để lại cho đời những tác phẩm đẹp lung linh như châu ngọc: những bài ca dao bằng thơ lục bát. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (?) nói Việt Nam là một cường quốc thơ, tuy nghe có vẻ to tát quá, dễ khiến người ta bật cười, nhưng ở một khía cạnh nào đó, nhận xét đó có lẽ không phải là quá đáng.
Tuy vậy, Việt Nam cũng là một cường quốc... về mặt bắt chước (nói chữ nghĩa trại đi là "tiếp thu" hay "du nhập"). Ở đây là bắt chước thơ: Từ xa xưa, bị Tàu đô hộ, ông cha ta bắt chước thơ Tàu; về sau, bị Tây đô hộ thì (một số người) bắt chước thơ Tây. Rồi khi tiếp xúc với văn hóa Nhật (bắt đầu từ phong trào Đông du) thì (một số người khác) bắt chước thơ Nhật (thơ Haiku), và bây giờ bắt chước thơ Mỹ. Chính các nhà chủ trương thơ Tân Hình thức 2.0 xác nhận nguồn gốc xuất phát của lối thơ này là từ Mỹ.
Đọc thơ Tân Hình Thức "hai chấm không", có lẽ người đọc dễ có cảm xúc về mặt xã hội, hơn là về mặt văn hóa. Dường như thơ Tân Hình thức 2.0 gợi tưởng một sự phản kháng hay chối bỏ hình thái hay trật tự xã hội hiện tại để xây dựng một cái gì đó mới lạ, tiên tiến hơn. Thật lạ: tính phản kháng xã hội rõ hơn tính phản kháng văn học! Từ cảm xúc có tính ấn tượng ban đầu này, mình dễ liên tưởng đến phong trào Hippie ở Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ trước. Những thanh niên nam nữ hippie không vừa ý với trật tự xã hội của nước Mỹ hiện tại, nhưng không xây dựng hay tìm thấy được một hình thái xã hội mới nào khác khả dung hơn, nên sau một thời gian mang/ vẽ hoa hoét trên người, lê la ngoài công viên, đường phố, phong trào có để lại một ít dấu vết trong văn học Mỹ, nhưng đã tự lặng lẽ tan đi như cục nước đá ngoài nắng.
Cấu trúc của Xã hội Mỹ không giống xã hội Việt Nam. Tinh thần và lối sống của người Mỹ cũng hoàn toàn khác lối sống và tinh thần của người Việt Nam. Xã hội Mỹ vào những năm 60 thế kỷ 20 có những điều kiện nội tại để làm nảy sinh "tinh thần hippie" trong giới trẻ. Nước Mỹ ở đầu thế kỷ 21 này có lẽ cũng có những điều kiện đặc thù của một xã hội hiện đại quá phát triển về mọi mặt, đến mức con người có thể cảm thấy chán ngán trong nền văn minh vật chất thừa thải khiến các nhà thơ Mỹ tìm cách thoát ra khỏi nó, mà trước hết là thoát ra khỏi hình thức thơ ca đương thời mà họ đang như con cá bơi trong đó. Các văn nhân thi sĩ người Việt sống ở Mỹ lâu năm, hàng ngày trực tiếp cảm nhận không khí văn học Mỹ; họ hiểu tinh thần văn học Mỹ, đồng cảm với tâm hồn người Mỹ, và dễ dàng chịu ảnh hưởng, thưởng thức và sáng tác theo các đồng nghiệp người Mỹ của mình là điều dễ hiểu. Người Việt Nam sống trong nước Việt Nam không có điểm nào chung về mặt xã hội và văn hóa với nước Mỹ, không có những cảm nhận như những nhà thơ người Việt ở Mỹ, chưa nói với các nhà thơ Mỹ, mà... đi khuân con cá ở Đại Tây Dương về thả vào dòng sông của mình - dù sông Hồng hay sông Cửu Long - thì e là con cá sẽ không sống được - cho dù là một con cá Mỹ mạnh mẽ cỡ nào đi nữa!
Mặc khác, Thơ Tân Hình Thức của Mỹ, không giống phong trào hippie ở điểm... không vẽ hoa lòe loẹt, nhưng nó phát triển trong dòng văn hóa Mỹ. Điểm nó muốn rời bỏ và điểm nó nhắm đến cùng nằm trong cùng một dòng văn hóa mà đặc tính chung của nó luôn luôn mang tính xuyên suốt trong tinh thần Mỹ và văn học Mỹ. Thơ Tân hình thức 2.0 của một số các nhà thơ Việt Nam hiện nay dường như không có được lợi thế một sự xuyên suốt như thế mà tạo ra sự đứt gãy, nếu không nói là một sự thụt lùi. Thay vì tiến đến một hình thái mới nào đó trong văn học (như thơ tân hình thức 1.0 và 1.2), thơ Tân hình thức 2.0 lại có vẻ thụt lùi trong hình thức sáng tác: những bài thơ Tân hình thức 2.0 đọc được trên các trang mạng Internet hiện nay vừa không còn là thơ, theo định nghĩa cổ điển và theo cảm nhận thông thường, mà chỉ là những bài văn xuôi. Mà những bài văn xuôi này chỉ "mới" hơn văn xuôi thời "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, và có vẻ trước thời Hồ Biểu Chánh. Thậm chí không có được vẻ "tân kỳ" như lối văn "ngắt khúc" của nhà văn Hoàng Tích Chu thời tiền chiến. Như thế là một sự thụt lùi.
Hoặc giả Thơ Tân Hình Thức 2.0 phản ảnh một xã hội Việt Nam đang trong tình trạng phân hủy và bốc mùi mà những nhà thơ vốn nhạy cảm đã sớm nhận ra, trong khi phần lớn chúng ta giống con ếch quen dần với sức nóng trong nồi nước nên không muốn nhảy ra chăng?
Trong một cuộc giới thiệu tác phẩm của một tác giả hàng đầu thơ Tân Hình Thức 2.0, dịch giả Nguyễn Tiến Văn nói rằng anh không tin tác giả này "lại có thể để [lại] một dòng thơ tân hình thức [nào] trong văn học sử."
Xã hội thì chắc chắn là luôn biến đổi và phải biến đổi. Văn học cũng vậy. Nhưng con cá Đại Tây Dương xa xôi và xa lạ kia có sống được trong dòng nước ngọt Hồng Hà hay Cửu Long hay không, thì còn phải chờ xem. Nhưng dù vậy, lúc này câu nhận xét của dịch giả Nguyễn Tiến Văn dường như dễ nhận được sự đồng ý và chia sẻ.
Chú thích:
(1) Đây chỉ là cảm nhận chung chung của một người đọc thơ, chớ không phải một bài phê bình, nên tác giả không dẫn một tác phẩm nào cụ thể, để tránh gây hiểu lầm. Có thể đọc được các bài thơ Tân Hình Thức (2.0) trên một số trang mạng Internet.
Thiếu Khanh
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...