"Tâm thành lễ bạc" - Tấm lòng
của một "Nhà nho" hiện đại
"Tâm
Thành Lễ Bạc" của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một nhà thơ ở đất Thần Kinh, là
một tác phẩm dạng samizdat - La thanh đường tàng bản.
Cuốn sách 128 trang, gồm 16 bài viết theo lối cổ văn, từ cáo (tức
tuyên cáo, tương tự Bình Ngô đại cáo), phú, hịch, văn
tế, đến văn bia. Theo mục lục:
1. Nhất thống sơn hà đại cáo
2. Văn tế Vua Hàm Nghi
3. Hịch cứu tế lương dân bị lũ lụt
4. Văn tế âm hồn thất thủ kinh đô
5. Văn bia khu tưởng niệm nhà lao An Nam
6. Văn bia Cố Cả Leopold M. Cadiere
7. Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm Tiên sinh
8. Văn tế Thac Gougah & Liên Khàng
9. Phú bạn Vong niên
10. Văn tế nạn nhân vụ sập cầu Cân Thơ
11. Tân Mão tân niên phú
12. Văn tế khóc vợ (viết cho bạn)
13. Văn tế Nguyễn Tri Phương
14. Quý Tỵ tân niên phú
15. Điếu văn bạn học: anh Trần văn Kháng
16. Văn tế tử sĩ Hoàng Sa
Giá trong sách có thêm hai thể văn "chiếu" và
"biểu" nữa là "đủ bộ". Sự vắng mặt của hai thể văn
này cũng dễ hiểu: tác giả chẳng phải một học sĩ Viện Hàn Lâm chuyện soạn chiếu thư
cho vua, mà cũng không đang sống trong thời quân chủ để có dịp dâng biểu lên
vua về một việc gì đó. Nói chung, đây là các thể loại văn học (genres of
literature) cổ điển mà bây giờ hầu như tuyệt chủng, ngoài số di sản quý giá
đang dần dần trở thành... hóa thạch. Hiện nay có lẽ còn không bao nhiêu người,
ngoài các nhà nghiên cứu cổ văn, thích thưởng thức lối văn biền ngẫu nhiều nhạc
điệu rất thú vị này, mà người sáng tác (thành công) thể văn này trong cả nước
dễ chừng còn ít hơn nữa - chắc là không đủ đếm trên đầu ngón tay. Sự xuất hiện
một tác phẩm loại này là một điều ngạc nhiên lý thú.
"Nhất thống sơn hà đại cáo" (giả định khâm mạng
vua Gia Long tuyên cáo thống nhất sơn hà) bài văn đầu trong toàn tập, ôn lại
một giai đoạn lịch sử cát cứ và khai phá, chiến đấu và xây dựng phần đất phía
Nam của các chúa Nguyễn để sau đó tiến đến thống nhất giang sơn:
Khai khẩn đồng hoang núi thẳm, mồ hôi nước mắt
kể biết mấy sông
Giao phong pháo nổ lũy tan, xương cốt máu me đổ tràn từng cuộc
Hơn bốn mươi năm Bắc Nam nội chiến, kìa Bố Chánh còn lưu vết đạn, kỳ được
thua nghĩ bấy đau thương
Qua sáu bảy đợt Trịnh Nguyễn phân tranh, nọ Luỹ Thầy vẫn rõ dấu gươm, trường
thắng bại thấy thừa tức bực
Tiếp theo, bài Văn tế Vua Hàm Nghi mở đầu với
những lời bi tráng:
Vua một nước lưu đày vì nước, khổ ấy là vinh
Người hai quê khắc khoải nhớ quê, chết mà như sống
Việc bôn tẩu mưu đồ diệt tặc dân còn ghi cốt khắc tâm minh
Chuyện bại hư hữu chí vô thời, sử đã chép công bình chính thống
...
Cuốn sách khép lại với bài Văn tế 74 tử sĩ trong trận hải
chiến Hoàng Sa (năm 1974):
Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe
mà xót dạ bàng hoàng
Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái
...
Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan
Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái
Thể văn này vốn là của Tàu. Tiền nhân ta đã dùng chữ Nho và thể
văn biền ngẫu đối đáp này trong mọi sinh hoạt của triều đình và trong chương
trình giáo dục quốc gia từ rất lâu đời; chỉ đến sau năm 1918 lối văn "bát
cổ vần vè" đó mới chính thức nhường chỗ cho các thể loại văn học mới theo
với sự bãi bỏ các kỳ thi nho học.
Lối văn biền ngẫu giàu nhạc điệu đọc lên nghe âm thanh lên bổng
xuống trầm này, ngoài việc được dùng trong các văn bản chính thức của triều
đình như cáo chiếu biểu tấu văn, hoặc văn nghị luận đạo
lý, mang tính hàn lâm nghiêm túc, hay các bài văn tế trịnh trọng và cũng mang
tính hàn lâm không kém, nó còn được các nhà nho xưa, thành đạt hay "bất
phùng thời", dùng trong các bài phú là loại "văn chơi" sang
trọng và tao nhã của những người có học "chữ thánh hiền".
Mặc dù chữ Nho được các triều đình Việt Nam dùng chính thức như
văn tự quốc gia, nhưng các nhà nho Việt Nam xưa đã sớm dùng chữ Nôm thay thế
chữ Hán trong các thể văn Tàu này để sáng tác thơ phú. Tuy vậy, thơ Nôm Hàn
luật (1) được sáng tác nhiều và phổ biến
hơn văn Nôm. Bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tôn
(thế kỷ 13) được xem là bài văn đầu tiên thể loại này được viết bằng chữ Nôm.
Đến cuối thế kỷ 18, ông Lê Quí Đôn từng làm bài văn Nôm "Mẹ
ơi con muốn lấy chồng" thể hiện tài năng sử dụng thành ngữ tục ngữ
tiếng Việt; và thi hào Nguyễn Du cũng dùng chữ Nôm làm bài Văn tế sống
hai cô gái Trường Lưu, cũng là một loại "văn chơi".
Từ đầu thế kỷ 19 trở về sau, các nhà nho Việt dùng chữ Nôm cho các
sáng tác thơ phú của mình là rất phổ biến. Cảm động nhất có lẽ là cụ Đồ Chiểu
dùng thể văn này trong các bài văn tế để bày tỏ tình cảm của mình với cuộc
chiến đấu của nhân dân chống quân xâm lược và ghi nhận cuộc sống lầm than của
người dân trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng.
Nhưng từ khi triều đình bãi bỏ các kỳ thi chữ Hán, các văn nhân
cũng không còn mặn mà với loại văn đối ngẫu; rồi phong trào vận động văn học
bằng chữ quốc ngữ vào những thập niên 30, 40 của thế kỷ trước đã đẩy thể văn cổ
này vào thế vĩnh viễn "thất sủng". Đến nay chỉ họa hoằn người ta mới
thấy vài bài văn loại này (chủ yếu là "phú") xuất hiện trên các tờ
báo Xuân, thường là với giọng trào phúng. Và vì với mục địch mua vui trong ba
ngày Tết, những bài "phú" này thường không được nghiêm chỉnh lắm về
vần, đối và âm điệu trong câu.
Tâm Thành Lễ Bạc có lẽ là tác phẩm đầu tiên về thể văn cổ
này, ít nhất là từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nếu không muốn nói là từ sau kỳ thi
hương cuối cùng ở đầu thế kỷ trước, được sáng tác một cách nhiêm túc về mặt kỹ
thuật và với tấm lòng thành kính của một "nhà nho hiện đại" hoài cổ,
ôn lại một số khía cạnh hay vụ việc lịch sử cận đại (Nhất thống sơn hà đại
cáo, Văn tế Vua Hàm Nghi, Văn tế âm hồn thất thủ Kinh đô, Văn tế Nguyễn Tri
Phương... ), hay bày tỏ tình cảm trân trọng và ngưỡng mộ những chiến sĩ bỏ
mình vì nước mới đây (Văn bia khu tưởng niệm nhà lao An Nam, Văn tế tử sĩ
Hoàng Sa...) và thương xót trước vong linh những người không may tử nạn
trong thiên tai và tai nạn do sai lầm của con người (Hịch cứu tế lương dân
bị lũ lụt, Văn tế các nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ...).
Viết ra những bài văn trên với tất cả lòng thành kính, tác giả
Nguyễn Phúc Vinh Ba vẫn cho sự bày tỏ tâm thành đó chỉ mới là một chút lễ đơn
sơ đối với tiền nhân và những người dân đã khuất. Cái tựa Tâm Thành Lễ
Bạc của cuốn sách có lẽ có ý nghĩa như thế.
Tuy vậy, đọc "văn giả cổ" của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, ví
dụ, trong Văn tế Âm hồn thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885)
Tên bay đạn lạc, súng thằng Tây tìm kẻ ngây thơ
Lê thọc kiếm đâm, thịt dân Việt làm mồi lang sói
Thây nghĩa sĩ ngổn ngan đường Thảnh Nội, dồn đống xóm Âm Hồn
Máu lương dân vung vải cửa Đông Ba xông tanh cầu Gia Hội
...
Man mác đám mây chiều phiêu dạc, người dương gian thêm chạnh nỗi hàn ôn
Lạnh lành cơn gió chướng hắt hiu, khách âm cảnh còn vương tình trần giới...
ắt ta nhớ giọng văn tha thiết thê lương trong các bài Văn
tế của cụ Nguyễn Đình Chiểu:
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da
ngựa bọc thây
Trăm năm âm phủ ấy chữ qui, nào đợi gươm hùm treo mộ
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
...
Ôi thôi thôi! Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại
bóng trăng rằm
Đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ...
(Nguyễn Đình Chiểu - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Trong "Tâm Thành Lễ Bạc" ngoài những sự kiện và
nhân vật lịch sử đã qua, Nguyễn Phúc Vĩnh Ba không bỏ qua những tai ương giáng
xuống phần mệnh người dân trong cuộc sống luôn bất an hiện tại. Tác giả không
kể chuyện chung chung hay hư cấu, mà đề cập những người thật việc thật rất cụ
thể. Từ một trận lụt "làng hóa thành đồng":
Mưa xối xả kinh thiên động địa, tối mày tắt mặt,
phút giây vần vũ gió gào
Lũ hung hăng phạt mộc băng sơn, trôi gốc trốc cây, thoáng chốc mênh mông khí
buốt
Tràn Hố Hô, xả Kẻ Gỗ biết mấy ngàn khối nước, ôi thôi rồi bao xã suýt tan
hoang
Sạt Tả Lam, lở Khe Mơ chừng gần chục mét đê, còn chi nữa, dăm vùng đà trợt
hớt
Nhà ngột thở, lụt lên sát mái, trẻ phá rui tay vẫy gọi trời
Xóm im hơi, làng hóa thành đồng, dân chạy lũ bùn hoen thấu trốt...
(Hịch cứu tế lương dân bị lũ lụt)
đến tai nạn thảm khốc ở Cần Thơ trong thời đại khoa học công
nghiệp:
Sắt thép bỗng ầm ầm đổ xuống, y sao như sấm nổ trời cao
Dầm xà sao như rắc rắc gẫy đôi, giống hệt sợi thừng thiêu lửa nóng
...
Tiếng kêu cứu ai mô thảm thiết, dưới sàn, dưới đá, nhìn quanh sao mù mịt bốn
bề
Lời trối trăn đâu rõ nghẹn ngào, trong nước trong bùn, nghe cố cũng hù hờ
tám hướng.
...
Suốt mấy tuần sục tìm ráo riết, lính bộ thợ hầm đào sục sục, hy vọng đen đen
tựa đêm đen.
Bao chục người nằm chết tanh tao, con thơ vợ dại khóc hù hù, khăn tang trắng
trắng như tay trắng.
(Văn tế nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ...)
Ngày nay có lẽ chẳng còn được mấy người thích đọc cổ văn, nên một
"nhà nho hoài cổ" như Nguyễn Phúc Vĩnh Ba dễ cảm thấy lạc lõng trong
"cuộc sống với internet" hiện tại.
Có một giai thoại kể rằng có lần trước mặt vua Tự Đức ông Cao Bá
Quát từng ứng khẩu một bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán, trong đó mỗi câu
thơ chữ Hán lại có xen hai chữ nôm. Trong bài thơ đó có hai câu này:
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
(Trong vườn, chim oanh hót tiếng khề khà
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm)
Giai thoại này rất phổ biến, được kể lại trên nhiều sách báo với
hai câu thơ như thế. Đáng lẽ ra theo đặc tính đối nhau trong thơ thất ngôn bát
cú, hai câu thơ trên phải được viết:
Viên trung oanh ngữ khề
khà chuyển
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
(Trong vườn tiếng chim oanh hót khề khà
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm)
"Oanh ngữ" (danh từ) đối với "đào hoa" (danh
từ); "khề khà chuyển" (trạng từ + động từ) đối với "lấm tấm
khai" (trạng từ + động từ) thì mới "chỉnh" và thích hợp. Nhưng
cho đến nay chưa thấy những người có trách nhiệm hay có uy tín về cổ văn học
lên tiếng chỉnh lại sự sai lầm này.
Có chỗ nói bài thơ với câu thơ được viết như thế xuất phát từ sách
Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên. Mà sách Văn Đàn Bảo Giám thì do nhà Nam
Ký (Ký - dấu sắc) xuất bản lần đầu năm 1925. Cuốn sách ra đời chỉ bảy năm sau
kỳ thi Hương cuối cùng (1918); lúc đó lớp nho học trong nước còn không phải là
ít. Vậy mà ngay từ bấy giờ người ta đã bắt đầu không còn hiểu cấu trúc của một
bài thơ ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn tám câu, là thể loại bắt buộc trong một kỳ thi
quốc gia trước đó, nói chi đến các thể loại cáo, phú, hịch, văn
tế, văn bia dài hơi!
Vĩnh Ba (mới ngoài sáu mươi?) không phải thuộc lớp nho sinh từng
vác lều chiếu đi dự các kỳ thi hương ba năm một lần, vốn đã được bãi bỏ từ ngót
một trăm năm nay rồi, nhưng dường như cho đến nay Nguyễn Phúc Vĩnh Ba có lẽ là
một trong số người ít ỏi còn "chơi" một cách thông thạo và hoàn toàn
nắm vững kỹ thuật sáng tác các thể cổ văn này. Cũng như trong những áng văn xưa
của tiền nhân, trong văn Vĩnh Ba ít thấy câu đối thi (2), nhưng câu đối phú thì
cũng đầy đủ câu song quan, cách cú, hạc tấc (hay gối
hạc (3)) rất tề chỉnh, và các vế đối rất nghiêm
túc.
Các áng cổ văn của các danh nho uyên bác đời trước thường dùng
nhiều điển tích văn hoa và thâm thúy, đọc rất "nặng" nhưng rất thú
vị. (Dùng điển tích là đặc tính uyên súc của các nhà đại nho, chớ không phải
nhược điểm của thể loại). Văn của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba khá "bằng
phẳng". Ngoài những sự kiện lịch sử được giải thích ở phần chú thích sau
mỗi bài, hình như tác giả "hy sinh" điển tích để bài văn dễ đọc dễ
hiểu hơn với nhiều người đọc "hiện đại". Đành rằng điển tích mang lại
nhiều thích thú cho một số ít người đọc chọn lọc, nhưng phần lớn người đọc bây
giờ đã ít nhiều trở nên ngoại đạo với thể loại văn học cổ sắp hóa thạch này.
Điển tích sẽ góp phần quyết định khiến họ củng cố thêm thái độ... "kính
nhi viễn chi"!
Chú thích:
(1) - Nguyễn Thuyên, làm quan Hình bộ Thượng
Thư, tức như Bộ Trưởng Tư Pháp, dưới triều vua Trần Nhân Tông. Do có công làm
bài văn tế đuổi cá sấu trên trên Hồng, tương tự như ông Hàn Dũ bên Tàu đã làm,
nên được vua Trần Nhân Tôn cho đổi họ Hàn - Nguyễn Thuyên thành Hàn Thuyên. Hàn
Thuyên được cho là người Việt Nam đầu tiên làm thơ Đường luật bằng chữ Nôm, nên
loại thơ này được gọi là thơ (theo) Hàn luật.
(2) - Câu đối thi thuộc
loại câu song quan, nhưng gồm hai câu thơ bảy chữ, lời và ý đối
nhau:
Lòng nghĩa dân thảo với ngô quân
Tiếng nghịch đảng lỗi cùng địch vực
…
Trời xuống nàn quỷ trắng mấy năm
Người uống giận suối vàng lắm bực
(Nguyễn Đình Chiểu – Văn tế Lục tỉnh nghĩa sĩ trận vong)
(3) - Câu "song quan": Loại câu
này mỗi vế một câu từ ba chữ trở lên, khá đơn giản, nhạc tính tương đối nghèo
nên ít được tác giả sử dụng:
Thừa thiên mệnh tất làm vua
Cứu lương dân thời được nước
….
Nay mừng ngôi cửu tộ vững vàng
Vẫn nhớ thuở tẩu bôn xuôi ngược
(Nhất thống sơn hà đại cáo)
Hay:
Vẳng đôi tai còn nghe khúc "Thuật Hoài"
Bừng con mắt đã thấy câu "Trung Ngãi"
(Văn tế 74 tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa)
Loại câu "cách cú" - mỗi câu gồm hai phần (hoặc hai
nhịp):
Hơn thế kỷ trôi qua trước mắt, anh linh thiên cổ còn đây
Mấy bi thương chất kín trong lòng, hương hỏa tứ thời ngát mãi
(Văn tế âm hồn thất thủ kinh đô…)
Hay:
Đề Thám, Đình Phùng, Đội Cung, Thái học, bao nhiêu phen khỏi
nghĩa không thành
Cần Vương, Dân Đảng, Nghĩa Thục, Văn Thân, mấy mươi cuộc mưu đồ
đều bại
(Văn bia khu tưởng niệm nhà lao An Nam ở Guyane)
Câu "gối hạc" hay "hạc tất" gồm ba phần hay
ba "nhịp" (như cẳng chim hạc) Loại câu này với câu "cách
cú" do nhiều thành phần, giàu nhạc điệu hơn, nên thường được dùng nhiều
hơn, như cấu trúc câu chính trong tác phẩm:
Cơm vài quơ thôi đủ, rau dưa cho có, thủng thẳng đi tới mép tử
sinh
Rượu mấy chén đã bưa, khô mắm cũng không, chuếnh choáng bước qua
bờ tối sáng
(Phú Bạn vong niên)
Một dải đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao
cam lòng để vuột mất đi
Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cầy, quyết
tận sức ra gìn giữ mãi
(Văn tế 74 tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa).
Thiếu Khanh
Thiếu Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét